Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 44 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 44

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.37 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.49 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

48. PHẨM BẤT THIỆN
KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Chúng sanh nào tu hành sát sanh, quảng bá sát sanh, gieo trồng hành vi dẫn đến địa ngục, ngạ quỷ súc sanh; nếu sanh trong loài người, thọ mạng cực vắn. Sở dĩ như vậy, do hại sanh mạng kẻ khác.
“Chúng sanh nào trộm cướp vật của người khác, gieo trọng tội của ba nẻo dữ, nếu sanh trong loài người, thường gặp phải nghèo khốn, ăn không đủ no miệng, áo không đủ che thân; thảy đều [786a] do trộm cắp, cướp đoạt vật của người, tức đoạn mạng căn của người.
“Nếu có chúng sanh tham đăm dâm dật, gieo ba nẻo dữ, khi sanh trong loài người, gia đình không trinh khiết, do lén lút dâm dật.
“Hoặc có chúng sanh nói dối, gieo tội địa ngục, khi sanh trong loài người, bị người khinh khi, lời nói không được tin, bị người coi rẻ; sở dĩ như vậy đều do đời trước nói dối.
“Hoặc có chúng sanh hai lưỡi,[88] gieo tội ba ác đạo, giả sử sanh trong loài người, tâm thường không định, thường mang ưu sầu. Sở dĩ như vậy, do người ấy truyền lời dối trá cả hai đầu.
“Hoặc có chúng sanh nói lời thô ác, gieo tội ba ác đạo, nếu sanh trong loài người làm người xấu xí, thường bị mắng nhiếc. Sở dĩ như vậy, do người kia có lời nói không chuyên chánh.
“Hoặc có chúng sanh gây đấu loạn đây kia, gieo tội ba ác đạo, giả sử sanh trong loài người, phần nhiều bị thù ghét, người thân ly tán. Sở dĩ như vậy đều do đời trước xúi dục đấu loạn.
“Hoặc có chúng sanh tật đố, gieo tội ba ác đạo, nếu sanh trong loài người, thiếu thốn y phục. Sở dĩ như vậy, do bởi người ấy khởi tâm tham lam tật đố.
“Hoặc có chúng sanh khởi tâm ác hại gieo tội ba ác đạo, giả sử sanh trong loài người thường có nhiều điều hư dối, không hiểu chí lý, tâm lọan không định. Sở dĩ như vậy, đều do bởi đời trước sân hận thịnh nộ, không có nhân từ.
“Hoặc có chúng sanh hành tà kiến, gieo ba ác đạo; nếu sanh trong loài người, chỉ ở chỗ biên địa, không sanh vào chỗ trung ương, không gặp Tam tôn, nghĩa lý của đạo pháp; hoặc phải điếc, mù, câm ngọng, thân hình không ngay, không hiểu pháp thiện, thường theo pháp ác. Sở dĩ như vậy, thảy đều do đời trước không có tín căn; cũng không tin sa-môn, bà-la-môn, cha mẹ, anh em.
“Tỳ kheo, nên biết, do báo ứng của mười điều ác này đưa đến những tai ương như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, hãy xa lìa mười điều ác, tu hành chánh kiến.
“Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ, vào ngày thứ mười lăm, khi thuyết giới, Thế Tôn với các Tỳ kheo vây quanh trước sau đi đến giảng đường Phổ hội.[89] Khi ấy Thế Tôn lặng lẽ quán sát các Thánh chúng, rồi im lặng không nói. Lúc bấy giờ A-nan bạch Phật:
“Hôm nay [786b] Thánh chúng đều tụ tập hết vào giảng đường. Cúi mong Thế Tôn thuyết cấm giới[90] cho các Tỳ kheo.”
Nhưng Thế Tôn vẫn im lặng không nói. Giây lát sau, A-nan lại bạch Phật:
“Nay chính là lúc thích hợp, nên thuyết cấm giới, vì đầu hôm sắp hết.”
Thế Tôn vẫn im lặng không nói. Giây lát sau nữa, A­-nan lại bạch Phật:
“Sắp hết giữa đêm, chúng Tăng mệt mỏi. Cúi mong Thế Tôn đúng thời thuyết giới.”
Thế Tôn vẫn im lặng không nói. Giây lát, A-nan lại bạch Phật:
“Phần cuối đêm sắp hết, cúi mong Thế Tôn kịp thời thuyết giới.”
Phật bảo A-nan:
“Trong chúng có người không thanh tịnh, nên Ta không thuyết giới. Nay Ta cho phép Thượng tọa thuyết giới. Nếu Thượng tọa của Tăng không đủ khả năng thuyết giới, cho phép vị trì luật thuyết giới. Nếu không có người trì luật, ai có thể tụng giới thông suốt, hãy xướng lên, khiến thuyết giới. Từ nay trở đi, Như Lai không thuyết giới. Nếu trong chúng có người không thanh tịnh mà Như Lai thuyết giới, đầu người ấy bị vỡ làm bảy mảnh, như trái thù-la[91] kia không khác.
Nghe thế A-nan buồn khóc, bèn nói như vầy:
“Thánh chúng từ nay côi cút. Chánh pháp của Như Lai sao mà chóng vánh. Kẻ bất tịnh sao xuất hiện vội thế?”
Khi ấy Đại Mục-kiền-liên suy nghĩ như vầy: “Ai là người trong chúng này hủy phạm chánh pháp, để Như Lai không thuyết giới?” Rồi Đại Mục-kiền-liên liền nhập định, quán sát khắp trong Thánh chúng xem ai có tâm tỳ vết. Mục-liên khi ấy thấy hai Tỳ kheo Mã Sư và Mãn Túc đang ở trong chúng. Tôn giả tức thì rời chỗ ngồi, đi đến hai Tỳ kheo ấy, nói:
“Các ông hãy rời khởi chỗ ngồi này. Như Lai đang khiển trách. Do bởi các ông mà Như Lai không thuyết giới.”
Hai Tỳ kheo này bấy giờ im lặng không nói. Mục-liên nói: “Các ông hãy rời khỏi đây. Chớ có ở đây.”
Nhưng hai Tỳ kheo này im lặng không trả lời. Tức thì Mục-liên bước tới trước nắm tay hai người lôi ra khỏi cửa, rồi đóng cửa lại, và bước lên bạch Phật:
“Tỳ kheo bất tịnh đã ra ngoài. Cúi mong Thế Tôn phải thời thuyết giới.”
Phật bảo Mục-liên:
“Thôi, thôi, Mục-liên! Như Lai không thuyết giới cho Tỳ kheo nữa. Như Lai không nói hai lời. Ông hãy trở về chỗ ngồi.”
Mục-liên bấy giờ bạch Phật:
“Nay trong chúng này đã sanh vết bẩn, con không có khả năng hành pháp duy-­na. Cúi mong Thế Tôn sai cử vị khác.”
Thế Tôn im lặng hứa khả. Mục-liên cúi đầu lạy dưới chân Thế Tôn, rồi trở về chỗ ngồi.
Khi ấy A-nan bạch Phật:
“Tỳ-bà-thi Như Lai xuất hiện ở đời, Thánh chúng nhiều hay ít? Trải thời gian bao lâu mới sanh vết bẩn. Cho đến, đệ tử của Phật Ca-diếp nhiều hay ít? Thuyết giới như thế nào?”[92]
Phât bảo A-nan:
“Chín mươi mốt kiếp có Phật xuất thế hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác. Bấy giờ có ba hội Thánh chúng Hội thứ nhất, Thánh chúng gồm một trăm mười sáu vạn tám nghìn Tỳ kheo. Hộ hứ hai, hánh chúng gồm mười sáu vạn. Hội thứ ba, Thánh chúng mười vạn. Thảy đều A-la-hán. Phật thọ tám vạn bốn nghìn tuổi. Trong vòng một trăm năm, Thánh chúng thanh tịnh. Đức Phật ấy lấy một bài kệ làm cấm giới.
Nhẫn nhục là bậc nhất.
Phật nói Vô vi nhất.
Không vì cạo râu tóc
Sa-môn mà hại người.[93]
“Bấy giờ, Đức Phật ấy chỉ nói một bài kệ này làm cấm giới trong vòng một trăm năm. Khi cấu uế đã phát sanh mới lập cấm giới.
“Lại nữa, trong ba mươi mốt kiếp, có Phật hiệu Thi-khí Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện thế gian. Bấy giờ cũng có ba hội Thánh chúng. Hội thứ nhất Thánh chúng có mười sáu vạn. Hội thứ hai, Thánh chúng mười bốn vạn. Hội thư ba Thánh chúng mười vạn. Trong vòng tám mươi năm, trong chúng thanh tịnh, không có cấu uế, đức Phật ấy cũng nói một bài kệ:
Nếu mắt thấy phi tà
Bậc trí giữ không đắm.
Xả bỏ các điều ác,
Là hiệt huệ trong đời.
“Trong vòng tám mươi năm đức Phật ấy nói một bài kệ này. Về sau khi cấu bẩn phát sanh mới lập cấm giới.
“Phật Thí-khí thọ bảy vạn tuổi. Trong kiếp ấy có Phật xuất hiện thế gian hiệu Tỳ-xá-phù; cũng có ba hội Thánh chúng. Hội thứ nhất Thánh chúng gồm mười vạn. Hội thứ hai Thánh chúng tám vạn. Hội thứ ba, Thánh chúng gồm bảy vạn La-hán đã diệt tận các lậu. Trong vòng bảy mươi năm không có cấu bẩn, Tỳ-xá­-phù Như Lai nói một kệ rưỡi làm cấm giới:
[787a] Không hại, không chê bai,
Mà phụng hành đại giới;
Ăn uống biết vừa đủ;
Giường chõng cũng như vậy.
Trì chí chuyên nhất cảnh.
Đây là lời Phật dạy.
“Trong bảy mươi năm, lấy một kệ rưỡi này làm cấm giới. Về sau vết bẩn phát sanh mới lập cấm giới. Tỳ-xá-phù Như Lai thọ bảy vạn tuổi.
“Trong Hiền kiếp này có Phật xuất thế hiệu Câu-lâu-tôn Như Lai. Bấy giờ có hai hội Thánh chúng. Hội thứ nhất, Thánh chúng gồm bảy vạn, thảy đều A-la-hán. Hội thứ hai, gồm sáu vạn A-la-hán. Trong sáu mươi năm không cấu bẩn, Đức Phật ấy lấy hai bài kệ làm cấm giới:
Ví như ong hái hoa,
Sắc hương rất tinh khiết;
Lấy vị mà cho người.
Đạo sỹ sống trong thôn,
Không phỉ báng người khác;
Cũng không dò xét lỗi người.
Chỉ quán thân hành mình,
Xem chánh hay không chánh.
“Trong sáu mươi năm lấy hai bài kệ này làm cấm giới. Từ đó về sau khi cấu bẩn phát sanh mới lập cấm giới. Đức Phật ấy thọ sáu vạn tuổi.
“Trong Hiền kiếp lại có Phật xuất thế hiêu Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai, Chí chân Đẳng chánh giác. Bấy giờ có hai hội Thánh chúng. Hội thứ nhất, Thánh chúng gồm sáu mươi vạn, thảy đều A-la-hán. Hội thứ hai, Thánh chúng gồm bốn mươi vạn, thẩy đều A-la-hán. Trong bốn mươi năm, bấy giờ chưa có vết bẩn, đức Phật ấy lấy một bài kệ làm cấm giới:
Giữ chí, chớ khinh miệt,
Hãy học đạo tịch tĩnh;
Bậc Hiền không ưu sầu,
Chỉ thường niệm tịch diệt.
“Trong bốn mười năm, lấy một bài kệ này làm cấm giới. Từ đó về sau khi có cấu bẩn mới lập cấm giới. Đức Phật ấy thọ bốn vạn tuổi.
“Lại trong Hiền kiếp có Phật xuất thế hiệu Ca-diếp. Bấy giờ Phật có hai hội Thánh chúng. Hội thứ nhất, Thánh chúng gồm bốn mươi vạn. Hội thứ hai, Thánh chúng gồm ba mươi vạn, thảy đều A-la-hán. Trong hai mươi năm chưa có cấu bẩn, thường lấy một bài kệ làm cấm giới:
[787b] Hết thảy ác chớ làm;
Hãy phụng hành điều thiện;
Tự tịnh tâm ý mình.
Đó là chư Phật dạy.
“Trong hai mươi năm lấy một bài kệ này làm cấm giới. Sau khi có phạm cấm mới lập cấm giới. Bấy giờ Phật Ca-diếp thọ hai vạn tuổi.
“Nay Ta, Như Lai xuất hiện ở đời. một hội Thánh chúng gồm một nghìn hai trăm năm mươi người. Trong mười hai năm không có cáu bẩn, cũng lấy một bài kệ làm cấm giới:
Giữ miệng, ý thanh tịnh;
Thân hành cũng thanh tịnh.
Thanh tịnh ba nghiệp đạo[94].
Tu hành đạo Tiên nhân.
“Trong mười hai năm lấy một bài kệ này làm cấm giới. Khi có người phạm luật, dần dần có 250 giới. Từ nay về sau, chúng Tăng tập họp, khải bạch như Luật, rằng: ‘Các Hiền giả thảy cùng nghe, hôm nay ngày thứ mười lăm, thuyết giới. Tăng nay chấp thuận hòa hiệp thuyết cấm giới.’ Khải bạch như vậy rồi, nếu có Tỳ kheo nào có nói điều gì, không nên thuyết giới. Tất cả cùng im lặng, không ai nói gì, mới được thuyết giới. Cho đến sau khi nói xong Tựa của giới, cần phải hỏi, ‘Các Hiền giả, có ai không thanh tịnh không?’ Hỏi như vậy ba lần ‘Có ai không thanh tịnh không?’ Ai thanh tịnh thì im lặng mà ghi nhận. Tuy nhiên, nay con người thọ mạng ngắn, hết một đời không quá trăm năm. Cho nên, này A-nan, hãy khéo ghi nhớ kỹ.”
Khi ấy A-nan bạch Thế Tôn rằng:
“Quá khứ xa xưa chư Phật Thế tôn thọ mạng cực dài, người phạm Luật ít, không có vết bẩn. Nhưng nay tuổi thọ con người ngắn, không quá mười lần mười. Sau khi chư Phật quá khứ diệt độ, Pháp lưu lại tồn tại ở đời trải qua bao lâu?”
Phật bảo A-nan:
“Chư Phật quá khứ sau khi diệt độ, có chánh pháp lưu lại ở đời không lâu.”
A-nan bạch Phật:
“Nếu sau khi Như Lai diệt độ, Chánh pháp sẽ tồn tại ở đời này bao lâu?”
Phật bảo A-nan:
“Sau khi Ta diệt độ, Pháp sẽ tồn tại lâu. Sau khi Phật Ca-diếp diệt độ, di pháp chỉ tồn tại bảy ngày. Này A-nan, ông nay nghĩ rằng đệ tử của Như Lai rất ít. Chớ nghĩ như vậy Ở phương Đông, đệ tử Ta nhiều vô số. Ở phương Nam, đệ tử nhiều vô số. Cho nên, này A-nan, hãy khởi lên ý nghĩ này: Ta, Phật Thích-ca Văn, thọ mạng cực kỳ lâu dài. Sở dĩ như vậy, vì nhục thân tuy vào diệt độ, nhưng Pháp thân vẫn tồn tại. Ông hãy ghi nhớ phụng hành ý nghĩa này.”
Bấy giờ A-nan và các Tỳ kheo nghe [787c] những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, cùng với chúng đại Tỳ kheo 500 vị.
Bấy giờ A-nan bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, bạch Thế Tôn rằng:
“Như Lai soi tỏ huyền vi, không sự gì mà không xét. Ngài hiểu rõ hết thảy chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngài biết rõ tên họ, danh hiệu chư Phật quá khứ, đệ tử Bồ tát theo hầu nhiều ít. Một kiếp, một trăm kếip, cho đến vô số kiếp, Ngài tất quán sát biết rõ. Ngài cũng phân biệt biết rõ tên họ của quốc vương, đại thần, nhân dân; cũng như biết rõ bao nhiêu quốc giới khác nhau hiện tại. Chúng con muốn biết sự kiện trong tương lai lâu xa, đức Di-lặc ra đời, là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác; đệ tử theo hầu, cùng cảnh Phật, phong tục an lạc như thế nào, trải qua bao lâu.”
Phật bảo A-nan:
“Ông hãy trở về chỗ ngồi, lắng nghe Ta nói về xự xuất hiện của Di-lặc, cùng quốc độ phong túc an lạc và đệ tử nhiều ít. Hãy kheo suy nghĩ, khéo ghi nhớ trong lòng.”
A-nan vâng lời Phật dạy, trở về chỗ ngồi. Phật nói:
“Trong tương lai lâu xa, ở tại quốc giới này, có thành quách gọi là Kê-đầu;[95] đông sang tây mười hai do-tuần; nam đến bắc bảy do tuần. Đất đai màu mỡ, nhân dân đông đúc, đường xá thành hàng. Bấy giờ trong thành có Long vương tên Thủy Quang, ban đêm làm mưa thơm thấm nhuần, ban ngày trong lành mát mẻ.
“Bấy giờ trong thành Kê-đầu có một con quỷ La-sát tên là Diệp Hoa.[96] Việc làm của nó đều tùy thuận pháp, không trái nghịch chánh giáo. Nó rình lúc mọi người đã ngủ, mới dọn dẹp các thứ bất tịnh dơ bẩn, rồi lại nước thơm rưới lên đất, khiến cho cực kỳ sạch thơm.
“A-nan, nên biết, lúc bấy giờ Diêm-phù-địa từ đông sang tây, từ nam lên bắc, mười vạn do tuần. Các núi, sông, vách đá đều tự tiêu diệt. Nước bốn biển dồn về một phương. Mặt đất Diêm-phù-địa trở nên bằng phẳng như mặt gương trong sáng.
“Trong toàn cõi Diêm-phù-địa, thóc gạo dồi dào, nhân dân đông đúc, có nhiều thứ trân bảo. Thôn xóm liên tiếp nhau chỉ cách khoảng tiếng gà gáy nghe được. Khi ấy các thứ hoa trái xấu dở khô chết hết, những thứ dơ bẩn cũng biến mất. Chỉ còn các loại cây trái ngon ngọt, hương thơm ngào ngạt, sanh trưởng trên đất đó.
“Khí hậu thời bấy giờ ôn hòa, bốn mùa thuận hợp. Trong thân người không có trăm lẻ tám thứ bệnh hoạn. Tham dục, sân hận, ngu si không lớn, không mãnh liệt. Tâm người bình quân, thảy đều đồng một ý. Gặp nhau thảy đều hoan hỷ, nói lời đẹp lòng với nhau. Ngôn ngữ chỉ một thứ, không có khác biệt. [788a] Như người Uất-đan-việt kia không khác. Vì người Diêm-phù-địa khi ấy đều đồng một thứ tiếng, không có nhiều thứ khác nhau.
“Các hạng nam nữ bấy giờ mỗi khi có ý muốn đại, tiểu tiện, đất tự nhiên mở ra; việc xong nó tự khép lại.
“Diêm-phù-địa thời ấy có giống lúa mọc tự nhiên, không có vỏ trấu, mùi vị cực kỳ thơm ngon, ăn vào trừ các thứ bệnh khổ. Các loại vàng, bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, chân châu, rơi vãi trên đất, không ai nghĩ đến thâu lượm. Khi người dân ở đó cầm lên một thứ, họ nói với nhau: ‘Người xưa do các loại châu báu này mà tàn hại lẫn nhau, giam cầm đày đọa nhau, gây thêm vô số khổ não. Ngày nay các thứ này cùng một loại với sỏi đá, không ai cất giữ.’
“Trong thời đó có vị Pháp vương xuất hiện, tên là Tương-khư,[97] cai trị bằng chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là bánh xe, voi, ngựa, minh châu, ngọc nữ, điển binh và điển tàng. Vua thống lãnh toàn cõi Diêm-phù-địa, không dùng đến dao gậy mà tự nhiên đều thần phục.
“A-nan, như hiện nay có bốn kho báu.[98] Ở nước Càn-đà-việt[99] có kho báu Y-la-bát.[100] Thứ hai, tại nước Di-thê-la[101] có kho báu Ban-trù.[102] Thứ ba, tại nước Tu-lại-tra[103] có kho báu, cũng chứ nhiều trân bảo.[104] Thứ tư, tại Bà-la-nại, Tương khư có kho báu lớn, chứa nhiều trân bảo không kể xiết.[105] Bốn kho báu lớn này đúng lúc tự nhiên xuất hiện. Những người canh giữ kho báu[106] đến tâu vua: ‘Tâu Đại vương, xin hãy dùng bảo vật trong các kho báu này mà ban phát cho những người nghèo khốn.’ Đại vương Tương-khư sau khi nhận được các kho báu này cũng không cất làm của riêng, không có ý tưởng chiếm hữu tài vật.
“Thời bấy giờ trong nội cảnh Diêm-phù-địa có loại cậy tự nhiên sanh ra y phục, thứ vải rất mịn và mềm mại; mọi người đến lấy mà dùng. Giống như hiện nay người Uấ-đan-viết lấy y phục sanh ra tự nhiên ở trên cây không khác.
“Vua bấy giờ có vị Đại thần tên là Tu-phạm-ma,[107] vốn là bạn thân của vua từ thời thơ ấu, mà vua rất yêu kính. Vả, ông này có nhan sắc đẹp đẽ, không cao, không thấp, không gầy, không mập, không đen, không trắng, không già, không trẻ. Tu-phạm-ma có vợ tên là Tu-phạm-viêt,[108] đặc sắc bậc nhất trong các ngọc nữ, y như phi hậu của Thiên đế. Miệng bà thường có mùi thơm của hoa sen ưu-bát; thân thể luôn luôn có mùi thơm chiên-đàn; có toàn vẹn 84 tư thái của phụ nữ; không có bệnh hoạn, không hề loạn tưởng.
“Bấy giờ Bồ tát Di-lặc từ [788b] trên trời Đâu-suất quan sát cha mẹ, ai không già cũng không trẻ, bèn giáng thần xuống đó, rồi sẽ sanh ra từ hông phải, như Ta ngày nay không khác. Bồ tát Di-lặc cũng vậy. Tu-phạm-ma tức thì đặt tên cho con là Di-lặc mà thân hình được trang nghiêm bằng 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp; sắc da màu hoàng kim.
“Con người thời ấy thọ mạng rất dài, không có các thứ tật bệnh. Thảy đều thọ tám vạn bốn nghìn tuổi. Phụ nữ đến 500 tuổi mới lấy chồng.
“Bồ tát Di-lặc sống tại gia không bao lâu, rồi xuất gia học đạo.
“Bấy giờ cách thánh Kê-đầu không xa có một gốc đại thọ tên là Long hoa,[109] cao một do-tuần, rộng năm trăm bộ. Bồ tát Di-lặc ngồi dưới gốc cây này mà thành đạo quả vô thượng. Vào nửa đêm Di-lặc xuất gia, ngay đêm đó thành đạo vô thượng. Khi ấy ba nghìn đại thiên sát-độ chấn động. Địa thần liên tiếp truyền nhau: ‘Nay Di-lặc đã thành Phật.’ Lần lượt truyền cho đến cung điện Tứ thiên vương cũng nghe: ‘Di-lặc đã thành Phật đạo.’ Rồi lần lượt truyền lên các cõi trời Tam thập tam, Diệm thiên, Đâu-suất, Hóa tự tại, Tha hóa tự tại. Âm thanh truyền lần lên cho đến Phạm thiên: ‘Di-lặc đã thành Phật đạo.’
“Bấy giờ có Ma tên là Đại Tướng, cai trị đúng theo pháp. Khi nghe âm hưởng lan truyền danh giáo của Như Lai, hoan hỷ phấn chấn không dừng được, bảy ngày bảy đêm không ngủ. Khi ấy Ma vương dẫn vô số người nhà trời của Dục giới đi đến Phật Di-lặc, cung kính lễ bái. Di-lặc Thánh tôn lần lượt giảng thuyết các đề tài vi diệu của chánh pháp cho chư thiên; các đề tài về thí, giới, sanh thiên, dục là bất tịnh tưởng, xuất yếu là vi diệu. Sau khi thấy mọi người đã phát tâm hoan hỷ, như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo, Ngài đều phân rộng rãi ý nghĩa cho chư thiên và loài người. Lúc đó, ngay trên chỗ ngồi có tám vạn bốn nghìn con trời dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
“Bấy giờ Đại Tướng Ma vương bố cáo với nhân dân cõi ấy rằng: ‘Các người nên nhanh chóng xuất gia. Vì sao? Hôm nay Đức Di-lặc đã vượt qua bờ bên kia, và cũng sẽ đưa các người vượt qua.’
“Bấy giờ trong thành Kê-đầu có một trưởng giả tên là Thiện Tài, nghe giáo lệnh của Ma vương, lại nghe tiếng Phật, liền dẫn đại chúng gồm tám vạn bốn ngàn người đi đến Phật Di-lặc, cúi đầu lạy dưới chân, [788c] rồi ngồi xuống một bên. Đức Di-lặc lần lượt thuyết các đề tài vi diệu của pháp cho ông, luận về thí, giới, sanh thiên. Khi Đức Di-lặc thấy tâm ý mọi người đã khai tỏ, như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo, Ngài đều phân biệt rộng rãi cho mọi người. Ngay khi ấy, từ trên chỗ ngồi, Thiện Tài cùng tám vạn bốn nghìn người dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Thiện Tài cùng tám vạn bốn nghìn người bước lên trước bạch Phật, cầu xin xuất gia, khéo tu phạm hạnh, thành đạo A-la-hán. Đấy là hội thứ nhất của Phật Di-lặc, có tám vạn bốn nghìn A-la-hán.
“Bấy giờ Vua Tương-khư, khi nghe đức Di-lặc đã thành Phật đạo, liền đi đến chỗ Phật để nghe pháp. Được Di-lặc thuyết pháp cho ông; pháp mà khoảng đầu thiện xảo, khoảng giữa thiện xảo, khoảng cuối cũng thiện xảo; nghĩa lý sâu xa.
“Một thời gian sau, vua lập thái tử; rồi đem vật trân bảo cho thợ hớt tóc, lại đem các thứ bảo vật khác cho các bà-la-môn. Sau đó Vua dẫn tám vạn bốn nghìn người đi đến chỗ Phật, cầu xin làm sa-môn. Tất cả đều thành đạo A-la-hán.
“Khi trưởng giả Tu-phạm-ma nghe Đức Di-lặc đã thành Phật đạo, liền dẫn đại chúng gồm tám vạn bốn nghìn bà-la-môn đi đến chỗ Phật cầu xin làm sa-môn. Thảy đều đắc A-la-hán. Duy Tu-phạm-ma đọan trừ ba kết, rối nhất định sẽ chấm dứt biên tế khổ.
“Mẹ của Phật là Phạm-ma-việt cũng dẫn tám vạn bốn nghìn thể nữ đi đến Phật cầu xin làm sa-môn. Các người nữ đều đắc A-la-hán; duy chỉ một người là Phạm-ma-việt đoạn trừ ba kết thành Tu-đà-hoàn.
“Những người phụ nữ sát-lợi nghe đức Di-lặc Như Lai xuất hiện thế gian thành Đẳng chánh giác, có vài nghìn vạn người đi đến Phật. cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Mỗi người đều sanh tâm cầu xin làm sa-môn, xuất gia học đạo. Trong đó, hoặc có người vượt thứ lớp mà chứng ngộ; hoặc có người không chứng ngộ. Này A-nan, những người không vượt thứ lớp chứng ngộ thảy đều là những người tùy pháp hành[110], nhàm tởm tất cả thế gian không có gì đáng vui thích.
“Di-lặc bấy giờ thuyết giáo pháp ba thừa. Như ngày nay trong các đệ tử của Ta, Đại Ca-diếp là người hành đầu đà. Trong quá khứ đã từng tu phạm hạnh nơi chư Phật. Người này sẽ thường trợ giúp Di-lặc giáo hóa nhân dân.”
Khi ấy Ca-diếp đang ngồi kiết già cách Như Lai không xa, chánh thân chánh ý, buộc niệm [789a] trước mắt. Bấy giờ Thế Tôn bảo Ca-diếp:
“Nay tuổi Ta đã suy hao, gần hơn tám chục. Nhưng nay Như Lai có bốn Đại Thanh văn có thể đảm trách du hóa, mà trí tuệ vô tận, đầy đủ các phẩm đức. Bốn vị này là những ai? Đó là Tỳ kheo Ca-diếp, Tỳ-kheo Quân-đồ-bát-hán, Tỳ kheo Tân-đầu-lô,[111] Tỳ kheo La-hầu-la.[112] Các ngươi bốn Đại Thanh văn không nên bát-niết-bàn. Hãy đợi khi nào pháp Ta mất hẵn rồi hãy bát-niết-bàn. Đai Ca-diếp cũng không nên bát-niết-bàn. Hãy đợi cho đến Di-lặc xuất hiện thế gian. Vì sao? Các đệ tử được hóa độ bởi Di-lặc thảy đều là đệ tử của Thích-ca Văn, do sự giáo hóa của Ta được lưu lại mà dứt sạch các lậu. Trong thôn Tỳ-đề, quốc giới Ma-kiệt, Đại Ca-diếp sẽ trú trong núi ở đó.[113] Về sau, Di-lặc Như Lai sẽ dẫn vô số tùy tùng đi đến núi này. Do ân đức của Phật, các quỷ thần sẽ mở cửa núi, và được thấy Ca-diếp trong hang thiền. Khi ấy đức Di-lặc duỗi cánh tay phải chỉ Ca-diếp mà bảo đại chúng: ‘Đây là đệ tử của Phật Thích-ca Văn trong thời quá khứ xa xưa, tên là Ca-diếp, vẫn tồn tại cho đến nay, là vị đầu đà khổ hành bậc nhất.’ Mọi người khi ấy tán thán là chưa từng có. Ngay lúc ấy, vô số trăm nghìn người dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
“Đây gọi là hội thứ nhất,[114] có chín mươi sáu ức người thành A-la-hán. Những người ấy đều là đệ tử của Ta. Vì sao? Thảy đều do Ta giáo hóa mà được như vậy; và cũng do nhân duyên bốn sự[115] là huệ thí, nhân ái, lợi người và đẳng lợi.
“Này A-nan, bấy giờ Di-lặc Như Lai sẽ lấy y tăng-già-lê của Ca-diếp rồi khóac lên mình, tức thì thân thể của Ca-diếp tự nhiên rã như sao. Di-lặc mới dùng đủ các loại hương hoa cúng dường Ca-diếp. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn có tâm cung kính đối với Chánh pháp. Di-lặc cũng do Ta giáo hóa mà được thành đạo vô thượng chân chánh.
“A-nan, nên biết, hội thứ hai của Phật Di-lặc có 94 ức người, đều là A-la-hán, cũng đều là đệ tử di giáo của Ta, hành cúng dường bốn sự mà được như vậy.
“Lại nữa, hội thứ ba của Phật Di-lặc có 92 ức người, đều A-la-hán, cũng là đệ tử di giáo của Ta.
“Thời bấy giờ, các Tỳ kheo đều có họ là đệ tử Từ thị, như ngày nay các Thanh văn [789b] đều được gọi là đệ tử Thích-ca.
“Bấy giờ, đức Di-lặc thuyết pháp cho các đệ tử: ‘Tỳ kheo các ngươi, hãy tư duy về tưởng vô thường, tưởng lạc có khổ, tưởng chấp ngã và vô ngã, tưởng thật có Không, tưởng sắc biến, tưởng bầm xanh, tưởng sình chương, tưởng ăn chưa tiêu hết, tưởng máu huyết, tưởng hết thảy thế gian không có đang vui thích. Vì sao vậy? Tỳ kheo nên biết, mười tưởng này đều là những điều đã được Thích-ca Văn Phật trong quá khứ nói cho các ngươi, để được dứt sạch hữu lậu, tâm được giải thoát.
“Trong đại chúng này, hoặc có người vốn là đệ tử của Phật Thích-ca Văn, thời quá khứ đã tu phạm hạnh, nay đến chỗ Ta. Hoặc phụng trì pháp của Phật Thích-ca Văn, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở nơi Phật hích-ca Văn cúng dường Tam bảo, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở nơi Phật Thích-ca Văn mà tu hành gốc rễ thiện trong khoảng chừng búng ngón tay, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở nơi Phật Thích-ca hành bốn vô lượng tâm, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở nơi Phật Thích-ca Văn mà thọ trì năm giới, ba tự quy y, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở Phật Thích-ca Văn khởi dựng tháp miếu, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở nơi Phật Thích-ca mà tu sửa chùa, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở nơi Phật Thích-ca Văn mà thọ trì tám pháp quan trai, nay đến chỗ ta. Hoặc ở nơi Phật Thích-ca Văn mà cúng dường hương hoa, nay đến chỗ ta. Hoặc ở nơi Phật ấy nghe Phật pháp mà buồn khóc rơi lệ, nay đến chỗ Ta. Hoặc ở nơi Phật Thích-ca Văn chuyên ý nghe Pháp, nay đến chỗ Ta. Hoặc suốt đời khéo tu phạm hạnh, nay đến chỗ Ta. Hoặc chép, đọc tụng, thọ trì, nay đến chỗ Ta. Hoặc người thừa sự cúng dường mà nay đến chỗ Ta.
“Rồi đức Di-lặc nói bài kệ này:
Tăng trưởng đức giới, văn,
Nghiệp thiền và tư duy,
Khéo tu hành phạm hạnh,
Người ấy đến chỗ Ta.
Khuyên thí, tâm hoan hỷ,
Tu hành cội nguồn tâm,
Ý không sai biệt tưởng,
Người ấy đến chỗ Ta.
Hoặc phát tâm bình đẳng,
Và thừa sự chư Phật,
Thức ăn cúng Thánh chúng,
Người ấy đều đến Ta.
Hoặc tụng giới, khế kinh,
Khéo tập, thuyết cho người,
Nhiệt hành nơi gốc pháp,
Ngày nay đến chỗ Ta.
[789c] Họ Thích khéo giáo hóa,
Cúng dường các xá-lợi,
Thừa sự pháp, cúng dường,
Ngày nay đến chỗ Ta.
Nếu ai sao chép kinh,
Ban[116] bố trên lụa trắng.[117]
Những ai cúng dường kinh,
Nay đều đến chỗ Ta.
Lụa là và các vật,
Cúng dường nơi chùa tháp,
Tự xưng Nam mô Phật,
Thảy đều đến chỗ Ta.
Ai cúng dường hiện tại,
Và chư Phật quá khứ;
Thiền định, chánh bình đẳng,
Cũng không có tăng giảm,
Cho nên, đối Phật pháp,
Thừa sự nơi Thánh chúng,
Chuyên tâm thờ Tam bảo,
Tất đến chỗ vô vi.
“Này A-nan, nên biết, Di-lặc Như Lai sẽ nói bài kệ này giữa đại chúng.
“Bấy giờ trong đại chúng, chư thiên và loài người tư duy mười tưởng, khi ấy có mười một triệu[118] người dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Trong một nghìn năm, trong chúng không có cáu bẩn, Di-lặc Như Lai bấy giờ chỉ nói một bài kệ làm cấm giới:
Miệng, ý không hành ác,
Thân cũng không sai phạm,
Trừ sạch ba nghiệp này,
Chóng vượt vực sanh tử.
“Sau một nghìn năm, sẽ có người phạm cấm giới, bấy giờ mới chế giới.
“Di-lặc Như Lai sẽ thọ tám vạn bốn nghìn năm. Sau khi bát-niết-bàn, di pháp của Ngài sẽ tồn tại tám vạn bốn nghìn năm. Sở dĩ như vậy, vì chúng sanh thời bấy giờ thảy đều có căn tính linh lợi. Nếu có thiện từ, thiện nữ nhân nào muốn thấy Phật Di-lặc và các Thanh văn trong ba hội, thành Kê-đầu, và bốn đại bảo tàng, muốn được ăn thứ lúa tự nhiên, mặc loại y phục tự nhiên, rồi khi thân họai mạng chung sanh lên trời, những thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy hãy chuyên cần tinh tấn, không sanh lười biếng, và hãy cúng dường thừa sự các pháp sư bằng các thứ hương hoa thơm, cùng các phẩm vật cúng dường chớ để thiếu thốn.
A-nan, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ, A-nan và các chúng hội nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[119]


Chú thích:
[88] Hán: lưỡng thiệt, nhưng đây nên hiểu là ỷ ngữ, để không trùng lặp với tội ly gián đọan dưới.
[89] Xem Trung 9, kinh 37. Pali, A. VIII. 20 Uposatha (R. iv. 204).
[90] Cấm giới, đây chỉ Ba-la-đề-mộc-xoa, Biệt giải thoát giới kinh.
[91] Thù-la quả 酬羅果, chưa rõ trái gì.
[92] Cf. Tứ phần 1 (tr. 569a22): những vấn đề này do Xá-lợi-phất nêu lên hỏi Phật.
[93] Kệ Giới kinh, xem Tứ phần giới bản.
[94] Nguyên Hán: hành tích.
[95] Kê-đầu thành. Pali: Ketumatī, cf. D. 26. Cakkavatti (R. iii. 75). Tham chiếu Hán, Trường kinh 6 (tr. 41c22).
[96] Diệp Hoa 葉華, có lẽ dịch nghĩa từ Skt. elāpattra (Pali: erakapatta), cùng tên với một Long vương mà đến thời Phật Di-lặc được thoát thân rồng.
[97] Tương-khư 蠰佉. Trường. ibid. (tr. 42a09) Tương-già 儴伽. Pali, ibid. (tr. 75), Saṅkha.
[98] Bốn bảo tàng 寶藏, hầm mỏ quý. Xem đoạn sau, kinh7, phẩm 51.
[99] Càn-đà-viêt 乾陀越, một phiên âm khác cho Kiện-đà-la (Skt.: Gandhavati = Gandhāra). Đoạn sau, kinh 7 phẩm 51 âm là Càn-đà-vệ 乾陀衛. Tại đây, theo truyền thuyết Pali (Luật Thiện kiến), Tôn giả Mạt-điền-địa (Majjhantika) đã chinh phụng Long vương Aravāḷa, quy y dân xứ này. Về sau trở thành một trong hai trung tâm lớn của Hữu bộ.
[100] Y-la-bát 伊羅鉢; Skt. elāpatra, nguyên tên của một Long vương, quản ly kho báu cùng tên. Xem kinh 7 phẩm 51 sau.
[101] Di-thê-la 彌梯羅. Đoạn sau, kinh 7 phẩm 51 âm là Mật-đế-la 蜜
[22]締羅國 . Pali: Mithilā, kinh đô của vương quốc Videha, thời Phật.
[102] Ban-trù 般綢, kinh 7 phẩm 51 chép 斑稠. Nguyên tên một Long vương. Skt. Pāṇḍuka.
[103] Tu-lại-tra 須賴吒. Skt. Suraṣṭa.
[104] Kinh 7 phẩm 51: kho báu Tân-già-la 賓伽羅 ở nước Tu-lại-tra, do Long vương Tân-già-la quản lý. Skt. Piṅgala.
[105] Kinh 7 phẩm 51: Đại bảo tàng Tương-khư 蠰
佉 (Kst. Saṅkha) tại nước Bà-la-nại 婆羅奈 (Vāraṇasī).
[106] Kinh 7 phẩm 51: bốn Long vương hiến bốn đại bảo tàng.
[107] Tu-phạm-ma 修梵摩. Pali: Subrahmā.
[108] Tu-phạm-việt 梵摩越. Pali: Subrahmī.
[109] Long hoa 龍華. Skt. Nāgapuṣpa. Pali: Nāgapupphiya (?), nhưng không thấy đề cập trong văn học Pali.
[110] Nguyên Hán: phụng pháp. Hạng Tu-đà-hoàn lợi căn.
[111] Tân-đầu-lô 賓頭盧, tức vị thứ nhất trong 16 A-la-hán kể trong Pháp trụ ký (T49n2030, tr. 13a9), phiên âm khác là Tân-độ-la Bạt-ra-xà 賓度羅跋囉惰闍 (Skt. Pindola-bhāradvāja).
[112] La-vân 羅云, tức La-hổ-la 囉怙羅 (Skt., Pali: Rāhula), thứ 11 trong 16 A-la-hán kể trong Pháp trụ ký (tr. 13a14).
[113] Truyền thuyết phương Bắc, Đai Ca-diếp hiện vẫn nhập định trong núi Kê túc (Skt. Kukkuṭapāda-giri), nước Ma-kiệt-đà; cf. Phú pháp nhan duyên (T50n2058, tr. 301a16); Pháp Hiển truyện (T51n2085, tr. 863c27); Tây vực ký 9 (T51n2087, tr. 919b25).
[114] Có thể có sự nhầm lẫn trong bản Hán này.
[115] Tứ sự 四事, đây chỉ bốn nhiếp sự, mà nội dung Hán dịch ở đây có khác.
[116] Văn bản in là tụng 頌, cước chú in là ban 頒, TNM: ban 班.
[117] Tố thượng 素上. Do chữ ban 頒 đọc là tụng 頌 nên có người đoan đây là chữ án 案 (án thư), thay vì tố 素. Nhưng Án độ không có tục đọc sach trên án thư.
[118] Hán: thập nhất cai 十一姟; mỗi cai là 10 triệu. Con số ở đây chỉ có tính tượng trưng.
[119] Bản Hán, hết quyển 44.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học Phật Đúng Pháp


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Nghệ thuật chết


Đường Không Biên Giới

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.221.171 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập