Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 50 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 50

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.39 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.5 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

52. PHẨM ĐẠI ÁI ĐẠO BÁT-NIẾT-BÀN KINH SỐ 1
Nghe nhe vầy:
Một thời Phật trú tại Tỳ-xá-ly, trong giảng đường Phổ Tập, cùng với chúng đại Tỳ kheo 500 vị.
Bấy giờ Đại Ái Đạo[292] đang trú tại thành Tỳ-xá-ly, trong chùa Cao đài[293] cùng với chúng đại Tỳ kheo ni 500 vị, thảy đều A-la-hán, đã dứt sạch các lậu.
Đại Ái Đạo nghe các Tỳ kheo ni [821c] nói, “Như Lai không bao lâu nữa, không quá ba tháng, sẽ diệt độ, giữa đôi cây sa-la, tại Câu-di-na-kiệt.” Bà liền suy nghĩ, “Ta không kham thấy Như Lai diệt độ. Vậy nay Ta nên diệt độ trước.” Rồi Đại Ái Đạo đi đến Thế Tôn,[294] cúi đầu lạy dưới chân, và ngồi xống mọt bên. Khi ấy Bà bạch Phật:
“Tôi nghe Thế Tôn không bao lâu nữa, không quá ba tháng, sẽ nhập Niết-bàn giữa đôi cây sa-la, tại Câu-di-na-kiệt. Tôi nay không kham thấy Thế Tôn và A-nan diệt độ. Cúi mong Thế Tôn cho phép tôi diệt độ.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn im lặng Đại Ái Đạo lại bạch Phật”
“Từ nay trở đi, cúi mong Thế Tôn cho Tỳ kheo ni thuyết giới.”
Phật nói:
“Nay Ta cho phép Tỳ kheo ni thuyết cấm giới cho Tỳ kheo ni, đúng như cấm giới mà Ta đã ban hành, chớ để sai phạm.”
Đại Ái Đạo đến trước lạy dưới chân Phật, rồi đứng trước Phật. Bà bạch Phật:
“Nay tôi không còn thấy nhan sắc của Như Lai, cũng không thấy chư Phật tương lai, không còn chịu bào thai nữa, vĩnh viễn ở trong Vô vi. Hôm nay từ biệt Thánh nhan, không bao giờ còn gặp lại nữa.”
Rồi Đại Ái Đại nhiểu quanh Phật ba vòng, và lui đi. Trở về trong Ni chúng, Bà nói với các Tỳ kheo ni:
“Nay ta muốn nhập Niết-bàn giới Vô vi. Sở dĩ như vậy vì Như Lai không bao lâu nữa sẽ diệt độ. Các ngươi hãy tùy thời thích hợp làm những điều cần làm.”
Khi ấy Tỳ kheo ni Sai-ma, Tỳ kheo ni Ưu-bát Sắc, Tỳ kheo ni Cơ-lợi-thí, Tỳ kheo ni Xá-cừu-lê, Tỳ kheo ni Xa-ma, Tỳ kheo ni Bát-đà-luyện-chá, Tỳ kheo ni Bà-la-chá-la, Tỳ kheo ni Ca-chiên-diên, Tỳ kheo ni Xà-da,[295] cùng 500 Tỳ kheo ni, đi đến chỗ Thế Tôn, đứng sang một bên. Khi ấy Tỳ kheo Ni Sai-ma, Thượng thủ của 500 Tỳ kheo ni, bạch Phật rằng:
“Chúng con nghe Như Lai không bao lâu nữa sẽ diệt độ. Chúng con không nỡ thấy Thế Tôn và A-nan diệt độ trước. Cúi mong Thế Tôn cho phép chúng con diệt độ trước. Chúng con nay vào Niết-bàn chính là đúng lúc.”
Khi ấy [823a] Thế Tôn im lặng hứa khả. Tỳ kheo ni Sai-­ma cùng với 500 Tỳ kheo ni thấy Thế Tôn đã im lặng hứa khả, liền đến trước lạy dưới chân Phật, đi nhiểu ba vòng, rồi lui đi, trờ về thất của mình.
Lúc bấy giờ Đại Ái Đạo đóng cửa giảng đường, gióng kiền chùy, trải tọa cụ trên đất trống. Sau đó, Bà bay lên hư không, ngồi, nằm, hoặc kinh hành, hoặc phát ra ngọn lửa, dưới thân bốc khói, trên thân bốc lửa, hoặc dưới thân bốc lửa, trên thân bốc khói, hoặc toàn thân bốc lửa, hoặc toàn thân bốc khói; hoặc hông trái phun nước, hông phải phun lửa; hoặc hông trái phun lửa, hông phải phun nước; hoặc phía trước phun lửa, phía sau phun nước; hoăc phía trước phun nước, phía sau phun lửa; hoặc toàn thân phun lửa, hoặc toàn thân phun nước. Sau khi thực hiện các biến hóa như vậy, Đai Ái Đạo trở về chỗ ngồi, kiết già mà ngồi, thân ngay, ý chánh, buộc niệm trước mắt, nhập sơ thiền; xuất sơ thiền nhập nhị thiền; xuất nhị thiền nhập tam thiền; xuất tam thiền nhập tứ thiền, xuất tứ thiền nhập không xứ; xuất không xứ nhập thức xứ; từ thức xứ nhập vô sở hữu xứ; từ vô sở hữu xứ nhập phi tưởng phi phi tưởng; xuất phi tưởng phi phi tưởng nhập tưởng thọ diệt; xuất tưởng thọ diệt trở lại nhập phi tưởng phi phi tưởng; xuất phi tưởng phi phi tưởng trở lại nhập vô sở hữu xứ; xuất vô sở hữu xứ trở lại nhập thức xứ; xuất thức xứ trở lại nhập không xứ; xuất không xứ trở lại nhập tứ thiền; xuất tứ thiền trở lại nhập tam thiền; xuất tam thiền trở lại nhập nhị thiền; xuất nhị thiền trở lại nhập sơ thiền; xuất sơ thiền nhập nhị thiền; xuất nhị thiền nhập tam thiền; xuất tam thiền nhập tứ thiền. Sau khi nhập tứ thiền, liền diệt độ. Khi ấy trời đất rung động lớn; phía đông vọt lên, phía tây chìm xuống; phía tây vọt lên, phía đông chìm xuống; bốn bên đều vọt lên, ở giữa chìm xuống; lại bốn mặt có gió mát nổi lên. Chư thiên trong hư không tấu nhạc. Chư thiên Dục giới buồn khóc, nước mắt rơi xuống như mùa xuân trời tuôn nưỡc mưa ngọt. Các vị trời thần diệu nghiền nát hoa ưu-bát làm bột thơm; lại nghiền nát chiên đàn, rải lên phía trên. Lúc bấy giờ, Tỳ kheo ni Sai-ma, Tỳ kheo ni Ưu-bát Sắc, Tỳ kheo ni Cơ-lợi-thí Cù-đàm-di, Tỳ kheo ni Xá-cù-li, Tỳ kheo ni Xa-ma, Tỳ kheo ni Bát-đà-lan-giá-la, Tỳ kheo ni Ca-chiên-diên, Tỳ kheo ni Xà-da;[296] các Tỳ kheo ni này là [822b] Thượng thủ của 500 Tỳ kheo ni; mỗi vị trải tọa cụ trên đất trống, sau đó, bay lên hư không, ngồi, nằm, hoặc kinh hành, thực hiện 18 biến hóa, cho đến nhập tưởng tri diệt, rồi diệt độ.[297]
Lúc bấy giờ trong thành Tỳ-da-ly có vị đại tướng tên là Da-thâu-đề, dẫn năm trăm đồng tử tụ tập tại giảng đường Phổ hội, cùng bàn luận một số vấn đề. Du-thâu-­đề và 500 đồng tử từ xa thấy 18 biến hóa của 500 Tỳ kheo ni. Thấy như vây, họ rất hoan hỷ phấn khởi không thể dừng được, thảy đều chắp tay hướng về phía đó. Lúc đó, Thế Tôn nói với A-nan:
“Ông hãy đến chỗ tướng quân Da-thâu-đề, bảo rằng: Hãy nhanh chóng sửa soạn 500 khăn trải giường, 500 khăn trải ngồi, 500 hủ bơ, 500 hủ dầu mè, 500 cỗ xe tang, 500 bó hương, 500 xe củi.”
A-nan bước lên trước hỏi:
“Không rõ Thế Tôn muốn làm gì?”
Phật nói:
“Đại Ái Đạo đã diệt độ. Năm trăm Tỳ kheo ni cũng nhập Niết-bàn. Chúng ta sẽ cúng dường xá-lợi.”
A-nan nghe nói thế, buồn thương giao cảm không cầm được:
“Đại Ái Đạo sao diệt độ vội thế?”
Rồi A-nan lấy tay gạt lệ, đi đến chỗ đại tướng Da-thâu-đề. Da-thâu-đề thấy A-nan từ xa đi lại, liền đứng dậy đón tiếp, cùng nói lời chào đón:
“Kính chào A-nan! Có điều gì dạy bảo mà đến bất thường như vậy?”A nan đáp:
Tôi là sứ giả của Phật, có điều yêu cầu.”
Đại tướng liền hỏi:
“Ngài có điều gì dạy bảo?”
A nan nói:
“Thế Tôn sai nói với Đại tướng: Hãy nhanh chóng sửa soạn 500 khăn trải giường, 500 khăn trải ngồi, 500 hủ bơ, 500 hủ dầu mè, 500 cỗ xe tang, 500 bó hương, 500 xe củi. Đại Ái Đạo cùng năm trăm Tỳ kheo ni đều đã diệt độ. Chúng ta sẽ cúng dường xá-lợi.”
Khi ấy đại tướng buồn khóc thương cảm, nói rằng:
“Đại Ái Đạo cùng năm trăm Tỳ kheo ni sao diệt độ sớm vậy thay! Ai sẽ răn dạy chúng tôi, khuyến khích chúng tôi bố thí vật thực?”[298]
Đại tướng Da-thâu-đề liền sửa soạn 500 khăn trải giường, 500 khăn trải ngồi, 500 hủ bơ, 500 hủ dầu mè, 500 cỗ xe tang, 500 bó hương, 500 xe củi và các dụng cụ để hỏa thiêu.[299] Xong rồi, ông đến Thế Tôn, cúi lạy dưới chân và đứng sang một bên. Đại tướng Da-thâu-đề bạch Thế Tôn:
“Theo như Như Lai dạy, hôm nay chúng con đã sửa soạn đủ các dụng cụ để cúng dường.”
Phật nói:
[822c] “Các ông mỗi người mang di thể của Đại Ái Đạo và của 500 Tỳ kheo ni ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đi đến chỗ đồng trống. Ta muốn đến đó cúng dường xá-lợi.”
Đại tướng bạch Phật:
“Thưa vâng, Thế Tôn.”
Khi ấy đại tướng đi đến chỗ Đại Ái Đạo, bảo một người:
“Ngươi hãy bắc thang leo tường mà vào bên trong, từ từ mởi cổng chớ có gây tiếng động.”
Người ấy vâng lệnh, leo vào bên trong, mở cửa. Đại tướng lại sai 500 người đưa các di thể đặt lên giường. Bấy gờ có hai sa-di-ni ở đó. Một, tên là Nan-đà, và hai, tên là Ưu-ban-nan-đà. Hai sa-di-ni nói với đại tướng:
“Thôi, thôi, Đại tướng! Chớ quấy nhiểu các Sư.”
Đại tướng Da-thâu-đề nói:
“Không phải Thầy của các Cô ngủ, mà diệt độ cả rồi.”
Hai sa-di-ni nghe nói các Sư đã diệt độ, trong lòng kinh sợ, liền nghĩ thầm: “Xem thế thì, pháp gì tập khởi, đều là pháp diệt tận.” Tức thì, ngay trên chỗ ngồi mà được ba minh, sáu thông. Hai sa-di-ni liền bay lên hư không, trước hết, đến chỗ đồng hoang thực hiện 18 biến hóa, ngồi, nằm, kinh hành, thân tuôn nước, bốc lửa, biến hóa vô lượng. Rồi ngay đó mà bát-niết-bàn trong Niết-bàn-giới vô dư.
Bấy giờ Thế Tôn dẫn các Tỳ kheo vây quanh trước sau đi đến chỗ Đại Ái Đạo, trong chùa ni. Thế Tôn bảo A-nan, nan-đà, La-hầu-la:
“Các ngưỡi hãy khiêng di thể của Đại Ái Đạo. Ta sẽ tự thân cúng dường.”
Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân biết những điều suy nghĩ trong lòng Thế Tôn, tức thì, khoảnh khắc như lực sỹ co duổi cánh tay, từ Tam thập tam thiên hiện đến Tỳ-da-li, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi đứng sang một bên. Trong đây, các Tỳ kheo lậu tận đều trông thấy Thích Đề-hoàn Nhân và chư thiên Tam thập tam. Còn các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di chưa dứt sạch các lậu đều không thấy Thích Đề-hoàn Nhân.
Khi ấy Phạm thiên từ xa biết được những điều suy nghĩ trong lòng Thế Tôn, liền dẫn chư thiên từ trên cõi Phạm thiên biến mất, hiện đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi đứng sang một bên.
Khi ấy Tỳ-sa-môn Thiên vương biết được ý nghĩ của Thế Tôn, dẫn các quỷ thần Dạ-xoa đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi đứng sang một bên.
Bấy giờ Đê-đầu-lại-tra Thiên vương dẫn các Càn-thát-bà, từ [823a] phương đông đến chỗ Như Lai, cúi đầu lạy dưới chân rồi đứng sang một bên.
Tỳ-lũ-lặc-xoa Thiên vương dẫn vô số Câu-bàn-trà từ phương nam đên chỗ Thế Tôn, cúi dầu lạy dưới chân rồi đứng sang một bên.
Tỳ-lũ-ba-xoa Thiên vương dẫn các thần Rồng đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi đứng sang một bên.
Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân, Tỳ-sa-môn Thiên vương lên trước bạch Phật rằng:
“Cúi mong Thế Tôn không phải nhọc sức. Chúng con sẽ tự thân cúng dường xá-lợi.”
Phật nói với chư Thiên:
“Thôi, thôi, thiên vương! Như Lai tự biết thời. Đây là điều Như Lai cần phải làm; không phải là điều mà trời, rồng, quỷ, thần có thể làm được. Vì sao vây? Cha mẹ sanh con đã cho nhiều lợi ích, ân nuôi lớn rất nặng, cho bú mớm, bồng ẳm. Cần phải báo đáp ân, không thể không báo đáp. Nhưng, này chư thiên, nên biết, cha mẹ của chư Phật Thế Tôn quá khứ đều diệt độ trước, nhiên hậu chư Phật Thế Tôn thảy đều tự thân cúng dường trà-tỳ xá-lợi. Cha mẹ của chư Phật Thế Tôn tương lai cũng diệt độ trước, nhiên hậu chư Phật thảy đều tự thân cúng dường. Do phương tiện này mà biết Như Lai cần phải tự thân cúng dường, chứ không phải việc chư thiên, quỷ thần có thể làm.”
Bấy giờ Tỳ-sa-môn Thiên vương nói với 500 quỷ thần:
“Các ngươi đi vào trong rừng chiên-đàn lấy củi thơm về đây để cúng dường trà-tỳ.”
Năm trăm quỷ thần vâng lệnh Thiên vương, đi vào rừng chiên-đàn lấy củi chiên-đàn, mang đến chỗ đồng hoang. Khi ấy Thế Tôn tự thân khiêng một đầu chân giường, La-hầu-la khiêng một chân, A-nan khiêng một chân, Nan-đà khiêng một chân, bay lên hư không mà đi đến bài tha ma. Còn chúng bốn bộ, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, khiêng di thể 500 Tỳ kheo ni đi đến bãi tha ma.
Bấy giờ Thế Tôn nói với đại tướng Da-thâu-đề:
“Ông hãy sửa soạn thêm hai bộ khăn trải dường, hai bộ khăn trải ngồi, hai xe củi, cúng hương hoa, để cúng dường di thể hai sa-di-ni.”
Đại tướng Da-thâu-đề bạch Phật:
“Kính vâng, Thế Tôn.”
Ngay sau đó ông sắm sửa các dụng cụ để cúng dường.
Bấy giờ Thế Tôn lấy gỗ chiền ­đàn chuyển cho từng vị chư thiên. Thế Tôn lại bảo đại tướng:
“Ông cho mỗi người đưa 500 di thể, phân biệt từng vị mà [823b] cúng dường, Hai vị sa-di-ni cũng vậy.”
Đại tướng vâng lời Phật dạy, phân biệt từng vị mà cúng dường, sau đó thì hỏa thiêu.
Bấy giờ Thế Tôn lấy gỗ chiên-đàn chất lên di thể Đại Ái Đạo. Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:
Hết thảy hành vô thường;
Có sanh thì có diệt.
Không sanh thì không chết.
Diệt ấy là tối lạc.
Khi ấy, chư thiên và nhân dân đều vân tập vào bãi tha ma. Người trời đại chúng có đến mười ức cai-na-thuật.
Sau khi hỏa thiêu, đại tướng đưa xá-lợi đi dựng tháp. Phật nói với đại tướng:
“Giờ ông hãy đưa 500 xá-lợi đi dựng tháp, để trong lâu dài thọ phước vô lượng. Vì sao vậy? Thế gian có bốn người được dựng tháp thờ. Những gì là bốn? Những ai dựng tháp thờ Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác; thờ Chuyển luân Thánh vương, Thanh văn và Bích-chi-phật, được phước vô lượng.”
Bấy giờ Thế Tôn nói pháp vi diệu cho chư thiên và nhân dân, khiến phát tâm hoan hỷ. Khi ấy trời và người, có đến một ức, dắt sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ chư thiên, nhân dân, càn-thát-bà, a-tu-la, chúng bốn bộ, nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, cùng với chúng đại tỳ kheo 500 vị.
Bấy giờ trong thành Xá-vệ có Tỳ kheo ni tên là Bà-đà,[300] dẫn 500 Tỳ kheo ni đến chỗ kia du hóa. Trong khi ở tại chỗ nhàn tĩnh, Tỳ kheo ni tự tư duy, ngồi kiết già, buộc niệm trước mắt, nhớ lại sự việc vô sô đười trước, liền cười một mình. Có một Tỳ kheo ni từ xa trông thấy Tỳ kheo ni Bà-đà cười, liền đi đến chỗ các Tỳ kheo ni, nói:
“Hôm nay Tỳ kheo ni Bà-đà ngồi cười một mình dưới gốc cây. Không biết có duyên cớ gì.”
Năm trăm Tỳ kheo ni liền cũng nhau đi đến chỗ Tỳ khoe ni Bà-đà, cúi đầu lạy dưới chân, rồi hỏi Tỳ kheo ni Bà-đà:
“Có nhân duyên gì mà ngồi cười một mình dưới gốc cây?”
Tỳ kheo ni Bà-đà nói với các Tỳ kheo ni:
“Vừa rồi ngồi dưới gốc cây, tôi nhớ lại xự việc vô số đười trước. Lại thấy ngày xưa [823c] đã trải qua bao nhiêu thân hình, chết đây sanh kia; thảy đều thấy hết.”
Năm trăm Tỳ kheo ni lại bạch:
“Cúi mong kể lại nhân duyên ngày xưa.”
Tỳ kheo ni Bà-đà nói với các Tỳ kheo:”
“Chín mươi mốt kiếp quá khứ xa xưa có Phật xuất thế hiệu Tỳ-bà-thi, Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, hiệu Phật Thế Tôn. Thế giới khi ấy tên là Bàn-đầu-ma. Nhân dân đông đúc không thể kể xiết. Bấy giờ Như Lai du hóa tại quốc giới đó, thuyết pháp đại chúng gồm cho mười sáu vạn tám nghìn Tỳ kheo vây quanh trước. Danh hiệu Phật được truyền rộng khắp nơi. Phật Tỳ-bà-thi có đầy đủ các tướng, là ruộng phước tốt cho hết thảy mọi người. Trong quốc giới ấy bấy giờ có một đồng tử tên là Phạm Thiên, dung mạo xinh đẹp ít có trên đời.
“Bấy giờ, đồng tử kia, tay cầm lọng báu, đi vào trong ngỏ. Trong lúc đó, có vợ cư sỹ, cũng xinh đẹp, cũng đi trên đường đó. Mọi người đều ngắm nhìn. Đồng tử khi ấy nghĩ thầm, ‘Ta đây cũng xinh đẹp, tay cầm lọng báu, nhưng mọi người không nhìn ngắm thân ta. Những người này đều nhìn ngắm bà kia. Ta cần phải làm cách nào đó để mọi người nhìn ngắm ta.’ Rồi thiì đồng tử ấy ra khỏi thành, đi đến chỗ Phật Tỳ-bà-thi, tay cầm lọng báu, cúng dường bảy ngày bảy đếm, và cũng phát thệ nguyện rằng, ‘Nếu như Phật Tỳ-bà-thi có thần túc như vậy, có thần lực như vậy, là ruộng phước trên hết của người, trời, thì mong nhờ công đức này khiến cho con đời tương lai sanh làm thân nữ, mọi người thấy không ai là không hoan hỷ phấn khởi.’ Đồng tử ấy sau bảy ngày bảy đêm cúng dường Phật, tùy theo thọ mạng vắn dài, về sau sanh lên trời Tam thập tam, ở đó làm thân nữ, cực kỳ xinh đẹp, đệ nhất trong các ngọc nữ. Cô có năm công đức vượt hơn các thiên nữ khác. Những gì là năm? Đó là, tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, lạc thú trời, oai phước trời, tự tại cõi trời. Các trời Tam thập tam thấy cô, ai cũng nói, ‘Thiên nữ này xinh đẹp kỳ lạ không ai sánh bằng.’ trong đó, có thiên tử nói, ‘Ta phải được thiên nữ này làm thiên hậu.’ Các thiên tử bèn giành nhau. Khi ấy Đại thiên vương nói, ‘Các ngươi chớ có tranh cãi nhau. Trong các ông, ai thuyết pháp hay nhất, ta sẽ cho lấy thiên nữ này [824a] làm vợ.’ Bấy giờ có một thiên tử nói bài kệ:
Họăc đứng, hoặc lại ngồi,
Thức ngủ, đều chẳng vui.
Chỉ khi nào ngủ say,
Ta mới không tưởng dục.
“Lại có thiên tử khác nói kệ này:
Ông nay vẫn còn vui,
Ngủ say khong niệm tưởng.
Tôi đây dục niệm khởi,
Y như đánh trống trận.
“Lại có thiên tử khác nói kệ:
Giả sử đánh trống trận,
Còn có khi ngưng nghỉ.
Dục nơi tôi ruổi nhanh,
Như nước chảy không ngừng.
“Lại thiên tử khác nói kệ:
Như nước cuốn cây lớn
Còn có lúc ngưng nghỉ.
Tôi hằng tư tưởng dục,
Như giết voi không nháy.[301]
“Bấy giờ có vị thiên tử tối tôn trong chư thiên nói bài kệ này cho các người trời:
Các ông còn rỗi rảnh,
Mỗi người nói kệ ấy.
Tôi nay còn chưa biết
Mình còn hay là mất.
“Chư thiên nói với vị thiên tử này: ‘Lành thay, Thiên tử! Bài kệ ông nói cực kỳ tinh diêu. Nay chúng tôi phụng cống thiên nữ này cho Thiên vương.’ Thiên nữ ấy tức thì được đưa vào cung của Thiên vương.
“Các Sư muội, các cô chớ có do dự. Vì sao vậy? Đồng tử cúng dường Phật bằng cây lọng thượng hạng khi xưa há là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Chính là thân của tôi đó.
“Quá khứ ba mươi mốt kiếp, có Phật hiệu Thi-khí Như Lai xuất hiện ở đời, du hóa trong thế giới Dã mã, cùng với chúng đại Tỳ kheo mười sáu vạn. Bấy giờ thiên nữ kia sau khi mạng chung sanh vào loài người, thọ thân nữ, cực kỳ xinh đẹp hiếm có trên đời. Khi đức Thi-khí Như Lai, đến giờ, khóac y, cầm bát vào thành Dã mã khất thực. Thiên nữ kia sanh làm người, làm vợ ông trưởng giả. Cô dâng ẩm thức lên đức Thi-khí Như Lai, đồng thời phát thệ nguyện, ‘Mong nhờ nghiệp công đức này, con sanh vào chỗ nào cũng không rơi vào ba nẻo dữ; đựợc dung mạo xinh đẹp khác hẳn mọi người.’ Người nữ nầy về sau [824b] mạng chung sanh lên Tam thập tam. Tại đó, lại làm thân nữ, cực kỳ xinh đẹp, có năm sự công đức vượt hẵn chư thiên kia.
“Thiên nữ bấy giờ há là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy Vì sao? Người nữ ấy chính là thân của tôi vậy.
“Rồi ngay trong kiếp có Phật Tỳ-xá-phù Như Lai xuất hiện ở đời. Khi thiên nữ tùy theo thọ mạng dài vắn mà mạng chung, sanh vào loài người, thọ thân người nữ, dụng mạo xinh đẹp hiếm có trên đời. Cô lại làm vợ ông trưởng giả. Bấy giờ vợ ông trưởng giả dâng y phục thượng hảo lên Như Lai, phát thệ nguyện rằng, ‘Nguyện con đời tương lai được làm thân nữ.’ Cô này sai khi mạng chung sanh lên Tam thập tam, dung mạo xinh đẹp hơn hẵn các thiên nữ khác. Người nữ khi ấy là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Người nữ lúc đó chính là thân của tôi vậy.
“Cô gái ấy, tùy theo tuổi thọ vắn dài, về sau mạng chung đến sanh trong loài người, tại đại thành Ba-la-nại, làm nô tỳ cho trưởng giả Nguyệt Quang, dung mạo xấu xí chẳng ai muốn nhìn. Từ khi Phật Tỳ-xá-phù đi mất, đời không còn có Phật nữa. Lúc ấy có Bích-chi-phật[302] du hóa. Khi ấy vợ ông trưởng giả Nguyệt Quang bảo cô nữ tỳ, ‘Ngươi hãy đi ra ngoài, tìm xem có vị sa-môn nào dung mạo xinh đẹp hợp ý ta, hãy thỉnh về nhà. Ta muốn cúng dường.’ Cô nữ tỳ bèn đi ra ngoài tìm kiếm sa-môn, gặp Bích-chi-phật đang khất thực trong thành. Nhưng dung mạo của ngài thô kệch, xấu xí. Nữ tỳ liền đến nói với Bích-chi-phật: ‘Bà chủ con muốn gặp. Xin rước Ngài đến nhà.’ Rồi cô vào thưa với bà chủ, ‘Sa-môn đã đến. Mời Bà ra gặp.’ Khi vợ ông trưởng giả trông thấy vị sa-môn, trong lòng không vui, bảo nữ tỳ: ‘Bảo ông ấy về đi. Ta không muốn bố thí. Vì sao? Dung mạo ông ấy xấu xí quá.’ Nữ tỳ liền thưa với bà chủ, ‘Nếu Phu nhân không huệ thí cho sa-môn, phần ăn hôm nay của con sẽ huệ thí hết cho sa-môn.’ Bà chủ phát cho phần ăn là một đấu cơm khô vụn. Nữ tỳ tiếp lấy, đưa cho sa-môn. Bích-chi-Phật nhận thức ăn rồi, bay lên hư không, hiện 18 phép biến hóa. Khi ấy nữ tỳ của ông trưởng giả phát thệ nguyện rằng, ‘Mong nhờ công đức này, tôi sanh vào chỗ nào cũng không rơi vào ba nẻo dữ; đời tương lai tôi được làm thân nữ cực kỳ xinh đẹp. Bấy giò vị Bích-chi-phật bưng bát cơm bay quanh thành ba vòng. Trưởng giả Nguyệt Quang lúc đó đang họp với 500 thương nhân trong giảng đường Phổ hội. Người trong thành lúc bấy giờ trai gái lớn bé, thảy đều trông thấy vị Bích-chi-phật bưng bát cơm bay trong hư không. Thấy vậy, họ bảo nhau: ‘Công đức của ai mà được như vậy? Ai gặp đức Bích-chi-phật mà huệ thí bát cơm ấy vậy?’ Khi ấy cô nữ tỳ của ông trưởng giả nói với bà chủ: ‘Bà hãy ra xem thần đức của sa-môn. Ngài đang bay trong hư không, làm 18 phép biên hóa, thần đức không lường được.’ Vợ trưởng giả bèn nói vơi nữ tỳ: ‘Cơm huệ thí cho sa-môn bữa nay, có bao nhiêu công đức, ngươi hãy cho ta. Ta sẽ trả lại cho ngươi hai ngày ăn. Nữ tỳ đáp: ‘Tôi không kham đem phước mà cho lại Bà.’ Bà chủ nói, ‘Ta trả cho ngươi bốn ngày ăn.’ Cho đến mười ngày ăn. Nữ tỳ đáp: ‘Tôi không kham đem phước cho lại Bà.’ Bà chủ nói: ‘Nay ta cho ngươi một trăm đồng tiền vàng.’ Nữ tỳ đáp: ‘Tôi cũng không cần.’ Bà chủ lại nói: Ta cho ngươi hai trăm, cho đến một nghìn đồng tiên vàng. Nữ tỳ vẫn nói: ‘Tôi cũng không cần.’ Bà chủ nói: ‘Ta miễn cho thân ngươi khỏi làm nô tỳ. Nữ tỳ đáp: ‘Tôi không cần làm người thường.’ Bà chủ nói: ‘Ta cho ngươi làm bà chủ, con ta làm nô tỳ.’ Nữ tỳ đáp: ‘Tôi không cầu làm bà chủ.’ Bà chủ nói: ‘Giờ ta sẽ đánh đập ngươi; xẻo mũi, tai, chặt tay chân, cắt đầu ngươi.’ Nữ tỳ đáp: ‘Những việc đau đớn đó, tôi chịu được hết. Nhưng không bao giờ đem phước tặng lại cho Bà. Thân tôi thuộc Bà chủ. Nhưng tâm thiện khác nhau.’ Vợ ông trưởng giả tức thì đánh cô nữ tỳ. Trong lúc đó, 500 thương nhân bàn với nhau rằng: ‘Thần nhân này hôm nay đến đây khất thực, chắc nhà ta có cho gì.’ Trưởng giả Nguyệt Quang sai người trở về nhà xem. Người này thấy bà chủ đang bắt cô nữ tỳ mà đánh đập, bèn hỏi: ‘Vì nhân lý do gì mà bà đánh roi vọt cô này?’ Nữ tỳ thuật lại hết nguyên do. Trưởng giả Nguyệt Quang khi ấy mừng rờ không cản được, liền bắt nàng chủ làm nô tỳ, và thay cô nữ tỳ vào chỗ bà chủ. Thời bấy giờ vua Phạm-ma-đạt đang trị vì trong thành Ba-la-nại. Vua nghe nói trưởng giả Nguyệt Quang cúng cơm cho vị Bích-chi-phật, trong lòng rất vui mừng, vì ông này đã gặp bậc Chân nhân, hợp thời mà huệ thí. Phạm-ma-đạt liền sai sứ triệu trưởng giả Nguyệt Quang đến bảo [825a] rằng: ‘Có thật ông đã bố thí cơm cho vị Chân nhân thần tiên không?’ Trưởng giả tâu: ‘Thật tôi đã có gặp vị Chân nhân mà huệ thí cơm.’ Phạm-ma-đạt tức thì ban tặng cho, lại cất nhắc chức vị. Cô nữ tỳ của ông trưởng giả ấy, tùy theo tuổi thọ vắn dài, sau khi mạng chung sanh lên trời Tam thập tam, nhan sắc tuyệt đẹp ít có trên đời, và có năm sự công đức hơn hẵn các chư thiên khác.
“Này các Sư muội, các cô chớ nghĩ cô nữ tỳ của ông trưởng giả khi ấy là ai khác, mà đó chính là thân của tôi vậy.
“Trong Hiền kiếp này có Phật xuất thế hiệu Câu-lâu-tôn Như Lai. Vị thiên nữ kia, tùy tuổi thọ vắn dài, sau khi mạng chung, sanh vào loài người., làm con gái của bà-la-môn Da-nhã-đạt. Cô gái ấy lại cúng dường cơm cho Như Lai, và phát thệ nguyện cầu sanh làm thân nữ. Về sau, khi mạng chung, cô sanh lên trời Tam thập tam, dung mạo xinh đẹp hơn các chư thiên. Rồi từ đó mạng chung, sanh vào loài người. Bấy giờ Phật Câu-na-hàm-mâu-ni xuất hiện ở đời. Thiên nữ kia sanh làm con gái của một ông trưởng giả. Cô lại cúng dường hoa bằng vàng cho Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, đem công đức ấy ngyện sanh vào chỗ nào cũng không rơi xuống ba nẻo dữ, trong đời sau được làm thân nữ. Cô gái ấy tùy theo thọ mạng văn dài, sau khi mạng chung sanh lên trời tam thập tam xinh đẹp vượt trên các thiên nữ, có năm sự công đức không vị nào sánh bằng. Người con gái của ông trưởng giả cúng dường Phật Câu-na-hàm-mâu-ni ấy há là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Người con gái của ông trưởng giả bấy giờ chính là thân của tôi vậy.
“Vị thiên nữ ấy lại tùy theo tuổi thọ vắn dài, sau khi mạng chung sanh vào loài người, lại làm vợ ông trưởng giả, nhan sắc xinh đệp lạ lùng hiến có trên đời. Lúc bấy giờ đức Ca-diếp Như Lai xuất hiện ở đời. Bà vợ ông trưởng giả cúng dường Phật Ca-diếp trong bảy ngày bảy đêm, phát thệ nguyện rằng: ‘Mong đời tương lai con sẽ được làm thân nữ.’ rồi vợ ông trưởng giả tùy theo tuổi thọ vắn dài mà mạng chung, sanh lên trời Tam thập tam, có năm sự công đức hơn các thiên nữ khác. Vợ ông trưởng giả cúng dường Phật Ca-diếp bấy giờ há là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Đó chính là thân của tôi vậy.
“Trong Hiền kiếp này, Phật Thích-ca văn xuất hiện ở đời. Thiên nữ kia sau khi mạng chung sanh vào nhà bà-la-môn Kiếp-tì-la,[303] trong thành La-duyệt, dung mạo xinh đẹp hơn hẵn các cô gái khác. Cô con gái của bà-la-môn Kiếp-tì-la đẹp như pho tượng bằng vàng tử ma,[304] khiến cho ai đến gần cô đều thành đen như mực. [825b] Tâm ý cô không tham ngũ dục.
“Này các Sư muội, các cô chớ nghĩ cô con gái của người bà-la-môn đó là ai khác. Con gái bà-la-môn lúc bấy giờ chính là thân của tôi vậy.
“Các Cô nên biết, do duyên báo ứng của công đức xưa kia mà cô làm vợ của Tỉ-la ma-nạp.[305] Đó tức là Ma-ha Ca-diếp. Tôn giả Đại Ca-diếp tự mình xuất gia trước. Tôi sau đó mới xuất gia. Tự mình nhớ lại những thân nữ mà tôi đã trải qua xưa kia, cho nên nay tôi tự cười một mình. Tôi vì bị vô trí che lấp, cúng dường sáu vị Như Lai để cầu mong làm thân nữ. Vì nhân duyên dó, tôi cười cho những viêc trải qua trước kia.”
Bấy giờ số đông các Tỳ kheo ni nghe Tỳ kheo ni Bà-đà tự nhớ lại sự việc vô số đời quá khư, liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên, đem nhân duyên ấy tường thuật đẩy đủ lên Thế Tôn. Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
“Các ông có thấy trong hàng Thanh văn có Tỳ kheo ni nào tự nhớ lại sự việc trong vô số đời như cô này không?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Chúng con không thấy, bạch Thế Tôn.”
Phật nói với các Tỳ kheo:
“Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử bậc nhất tự nhớ lại sự việc vô số đời trước, là Tỳ kheo ni Kiếp-tì-la[306] vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3[307]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ có một Tỳ kheo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Giây lát, ông đứng dây, đến trước bạch Phật rằng:
“Kiếp ngắn hay dài, có giới hạn không?”
Phật bảo Tỳ kheo:
“Kiếp rất dài lâu, Ta có thể cho ông một thí dụ. Hãy chuyên ý nghe. Ta sẽ nói.”
Tỳ kheo ấy vâng lời Thế Tôn, lắng nghe.
Thế Tôn nói:
“Tỳ kheo, nên biết, cũng như một thành trì bắng sắt, dài rộng một do-tuần,[308] trong đó chứa đầy hạt cải, không chừa một lỗ hổng. Giả sử có một người, một trăm năm đến lấy di một hạt cải. Cho đến khi hạt cả trong thành bằng sắt ấy hết hẵn, mà một kiếp vẫn không thể tính kể hết. Vì sao vậy? Sanh tử lâu dài không có bờ mé. Chúng sanh bị ân ái trói buộc mà trôi lăn trong sanh tử, chết đây sanh kia, không hề cùng tận. Ta ở trong đó mà nhàm chán sanh tử. Như vậy Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện để dứt hết tưởng ân ái này.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[309]


Chú thích:
[292] Đại Ái Đạo 大愛道, di mẫu của Phật. Nguyên Skt. Mahāprajāpatī (Pali: Mahāpajāpatī), phiên âm là Ma-ha Ba-xà-ba-đề摩訶波闍波提, dịch là Đại Sanh Chủ 大生主. Một số Hán dịch là Đại Ái Đạo, có lẽ Skt đọc là Mahāpriyapaṭi (?).
[293] Cao đài tự 高臺寺. Pali: Kūṭagārasālā (Kūṭagāra-vihāra?), tại đây, Bà cùng 500 Thích nữ lần đầu tiên trờ thành Tỳ kheo ni. Nhưng không thấy nói có chùa ni ở đâu đây.
[294] Tài liệu Pali nói, khi dừng chân tại miếu Cāpāla, Phật báo hiệu sẽ nhập Niết-bàn. Miếu Cāpāla ở gần Vesāli, nhưng không rõ bao xa. Lúc này, Bà đã 120 tuổi.
[295] Các Tỳ kheo ni danh tiếng, Sai-ma 差摩, Ưu-bát Sắc 優色, Cơ-lợi-thí 基利施, Xá-cừu-lê 舍仇梨, Xa-ma 奢摩, Bát-đà-luyện-chá 鉢陀[29]闌[30]柘, Bà-la-chá-la 婆羅[*]柘羅, Ca-chiên-diên 迦旃延, Xà-da 闍耶, xem phẩm 5. Nhưng phiên dịch không thống nhất.
[296] Danh sách đã nêu trên, nhưng đây lại có vài phiên âm khác, không thống nhất.
[297] Bản Hán kết vắn tắt nên có vẻ thiếu. A-la-hán không nhập Niết-bàn trong Diệt tận định.
[298] Nguyên bản: phân-đàn bố thí.
[299] Da-duy 耶維, trên kia, kinh 3 phẩm 51 âm là xà-tuần, đều là phiên âm khác của trà-tỳ, tức hỏa thiêu.
[300] Tức Bạt-đà Ca-tỳ-ly, xem kinh 2 phẩm 5 trên.
[301] hán: như sát tượng bất hyến 殺[03]象不眴. Bản khác chép là “giết chim.”
[302] Để bản chép là các Phật 各佛. TNM: Bích-chi-phật. Nhưng theo tài liệu Pali, thời bấy giờ có Phật Kassapa xuất hiện.
[303] Kiếp-tì-la 劫毘羅. Pali: Kapila. Ap.ii. 583 (kệ 57), tên cha của bà Baddhā Kapilānī; tên mẹ là Sucīmatī. Hoặc là con gái của người bà-la-môn dòng họ Kosiyagotta.
[304] Pho tượng vàng của công tử Pipphali, tên tại gia của Đại Ca-diếp.
[305] Tỷ-la ma-nạp. Pali: Pipphalī-maṇava (Pippali). Xen cht. trên.
[306] Kiếp-tỳ-la 劫毘羅. Tức tên gọi đủ là Bạt-đà Kiếp-tỳ-la. Pali: Bhaddā Kapilānī.
[307] Pali, S 15.6 Sāsapā (R. ii. 182).
[308] Thiếu chiều cao. Cũng một do tuần.
[309] Bản Hán, hết quyển 50. (1 Giêng, Ất dậu)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.198.0 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập