Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 30 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 30

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.44 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

KINH SỐ 6
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn rằng:
“Nay con đã kết hạ tại thành Xá-vệ. Ý con muốn đi du hóa trong nhân gian.”
Thế Tôn bảo:
“Nay là lúc thích hợp.”
Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ra đi.
Xá-lợi-phất đi chưa lâu, có một Tỳ-kheo ôm ý phỉ báng, bạch Thế Tôn:
“Xá-lợi-phất gây gỗ với các Tỳ-kheo, rồi không sám hối. Nay bỏ đi du hành trong nhân gian.”[34]
Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
“Ngươi hãy mau đem lời của Ta gọi Xá-lợi-phất.”
Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn!”
Phật bảo Mục-liên, A-nan:
“Các ngươi hãy đến các phòng tập hợp các Tỳ-kheo về chỗ Thế Tôn. Vì sao vậy? Bằng tam-muội đã chứng nhập, Xá-lợi-phất nay sẽ rống tiếng sư tử trước Như Lai.”
Lúc ấy, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đều tập hợp về chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Tỳ-kheo kia vâng lời Thế Tôn dạy, đi đến chỗ Xá-lợi-phất, nói với Xá-lợi-phất:
“Như Lai muốn gặp Thầy!”
Bấy giờ, Xá-lợi-phất đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Phật bảo Xá-lợi-phất:
“Vừa rồi, thầy vừa đi chưa lâu, có một Tỳ-kheo đến chỗ Ta, bạch Ta rằng: ‘Tỳ-kheo Xá-lợi-phất [713a01] gây gỗ với các Tỳ-kheo. Chưa sám hối mà bỏ đi du hành nhân gian.’ Điều đó có thật không?”
Xá-lợi-phất bạch Phật:
“Như Lai đã biết điều đó.”
Thế Tôn bảo:
“Ta đã biết rồi. Nhưng nay đại chúng đều có lòng hoài nghi. Nay, ở giữa đại chúng, ông hãy dùng biện tài của mình mà làm sáng tỏ việc này.”
Xá-lợi-phất bạch Phật:
“Từ khi ra khỏi thai mẹ đến tám mươi tuổi, con thường tự tư duy, là chưa từng sát sanh, cũng chưa nói dối. Ngay cả trong khi đùa vui cũng không nói láo. Con cũng chưa từng gây đấu loạn người này với người kia. Hoặc giả có lúc không chuyên ý, mới có thể làm việc này. Nhưng, bạch Thế Tôn, nay tâm ý con thanh tịnh, há cùng đấu tranh với các vị phạm hạnh sao?
“Cũng như đất này, nhận cả sạch lẫn dơ. Phân, nước tiểu, mọi thứ ô uế, thảy đều nhận hết. Máu mủ, đàm dãi, cũng không hề khước từ. Thế nhưng, đất này cũng không nói đó là xấu, cũng không nói đó là tốt. Con cũng như vậy, bạch Thế Tôn, tâm không lay động, làm sao lại có tranh chấp với đồng phạm hạnh, rồi bỏ đi đi xa? Người mà tâm không chuyên nhất, mới có thể có việc này. Nay tâm con đã chánh, làm sao lại có tranh chấp với đồng phạm hạnh, rồi bỏ đi đi xa?
“Cũng như nước, cũng có thể rửa sạch vật tốt, cũng có thể rửa sạch vật không tốt. Nhưng nước kia không nghĩ rằng: ‘Ta làm sạch vật này; bỏ qua vật này.’ Con cũng như vậy, không có tưởng khác, làm sao lại có tranh chấp với đồng phạm hạnh, rồi bỏ đi đi xa?
“Giống như ngọn lửa dữ thiêu đốt núi rừng, không lựa chọn tốt xấu, không hề tưởng niệm gì. Con cũng như vậy, há lại có tranh chấp với đồng phạm hạnh, rồi bỏ đi đi xa?
“Cũng như chỗi quét, không có lựa tốt xấu, đều có thể quét sạch, không hề tưởng niệm gì.[35]
“Giống như bò không có hai sừng, hết sức hiền lành, không chút hung bạo, rất dễ điều khiển, dẫn đi đâu tùy ý, không có gì nghi ngại. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, tâm con như vậy, không khởi tưởng gây tổn hại gì, há lại có tranh chấp với đồng phạm hạnh, rồi bỏ đi đi xa?
“Cũng như con gái dòng chiên-đà-la mặc áo rách nát, đi xin ăn giữa người đời; không có gì phải cấm kỵ nó. Con cũng như vậy, bạch Thế Tôn, cũng không có tưởng niệm rằng: ‘Cứ gây gỗ rồi bỏ đi xa.’
“Cũng như cái nồi đựng mỡ bị rò rỉ nhiều chỗ, người có mắt thảy đều thấy chỗ rĩ ra. Con cũng như vậy, bạch Thế Tôn, từ trong chín lỗ rỉ ra chất bất tịnh, há cùng đồng phạm hạnh tranh cãi nhau.
“Giống như thiếu nữ xinh đẹp, lại lấy xác chết quấn lên [713b01] cổ rồi sanh ghê tởm nó. Thế Tôn, con cũng như vậy, nhờm tởm thân này như thiếu nữ ấy không khác, há cùng đồng phạm hạnh tranh cãi nhau rồi bỏ đi xa? Việc này không hề có. Thế Tôn đã biết điều này. Tỳ-kheo kia cũng biết rõ điều đó. Nếu có việc này, xin Tỳ-kheo ấy nhận sự sám hối của con!”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
“Nay ngươi nên tự hối lỗi. Vì sao vây? Vì nếu không sám hối, đầu ông sẽ bị vỡ thành bảy mảnh.”
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia trong lòng sợ hãi, lông tóc đều dựng đứng, vội rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Như Lai, bạch Thế Tôn:
“Nay, con tự biết xúc phạm Xá-lợi-phất. Cúi xin Thế Tôn nhận sự sám hối của con.”
Thế Tôn bảo:
“Tỳ-kheo, ngươi hãy tự hướng về Xá-lợi-phất mà sám hối. Nếu không đầu ngươi sẽ vỡ thành bảy mảnh.”
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia liền hướng đến Xá-lợi-phất đảnh lễ sát chân, bạch Xá-lợi-phất:
“Cúi xin ngài nhận sự sám hối của con. Vì ngu muội, không phân biệt được sự thật.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:
“Nay ông hãy nhận sự hối lỗi của Tỳ-kheo này, lại phải dùng tay xoa đầu. Vì sao vậy? Vì nếu ông không nhận sự sám hối của Tỳ-kheo này, đầu kia sẽ bị vỡ thành bảy mảnh.”
Xá-lợi-phất dùng tay xoa đầu, nói Tỳ-kheo:
“Cho phép Thầy sám hối! Như ngu, như si, trong Phật pháp này rất là rộng rãi, có thể tùy thời hối lỗi. Lành thay! Nay ta nhận sự sám hối của Thầy, sau này chớ tái phạm.” Xá-lợi-phất nói như vậy ba lần.
Rồi Xá-lợi-phất bảo Tỳ-kheo kia:
“Thầy chớ có tái phạm. Vì sao vậy? Vì có sáu pháp dẫn vào địa ngục, sáu pháp sanh thiên, sáu pháp dẫn đến Niết-bàn. Thế nào là sáu? Muốn hại người khác. Vui mừng hớn hở, không tự chế được, rằng: ‘Ta đã khởi hại tâm.’ Ở trong đó khởi tâm hại rằng: ‘Ta sẽ dạy bảo người khiến hại người khác.’ Khi đã hại được người, ở trong đó khởi vui mừng: ‘Ta sẽ được câu hỏi về sự không thơm[36] này’. Sự việc ấy chưa xảy ra, trong lòng ưu sầu. Đó gọi là có sáu pháp khiến người rơi vào đường dữ.
“Sao gọi là sáu pháp đưa người đến cõi lành? Thân giới đầy đủ, khẩu giới đầy đủ, ý giới đầy đủ, mạng căn thanh tịnh, không tâm giết hại, không tâm ganh ghét. Đó gọi là có sáu pháp này sanh vào nơi lành.
“Sao gọi là tu sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Đó là sáu pháp tư niệm. Thế nào là sáu? Thân hành từ không hoen ố, miệng hành từ không hoen ố [713c01], ý hành từ không hoen ố. Nếu được đồ lợi dưỡng thì có thể phân chia đồng đều cho người khác mà không có tưởng tiếc rẻ. Giữ gìn giới cấm không có lầm lỗi; thành tựu đầy đủ giới mà người trí quý trọng. Điều gì là tà kiến, chánh kiến, xuất yếu của Hiền Thánh, dứt sạch gốc khổ; các kiến giải như vậy, thảy đều phân minh.[37] Đó gọi là sáu pháp được đến Niết-bàn. Nay Tỳ-kheo, thầy hãy tìm cầu phương tiện hành sáu pháp này.
“Các Tỳ-kheo, hãy phải học điều này như vậy.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia lại rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Xá-lợi-phất: “Nay con lại tự sám hối. Vì như ngu, như si mà không phân biệt được sự thật. Cúi xin Xá-lợi-phất nhận sự hối lỗi của con. Sau này con sẽ không tái phạm.”
Xá-lợi-phất nói:
“Cho phép Thầy hối lỗi. Trong pháp Hiền thánh rất rộng rãi, hãy tự sửa đổi. Từ nay về sau, chớ có tái phạm lại.”
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những gì Xá-lợi-phất dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói pháp Không tối thượng đệ nhất. Các ngươi hãy lắng nghe và suy niệm kỹ!”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn!”
Như vậy, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo:
“Sao gọi là pháp Không tối thượng đệ nhất[38]? Nếu khi mắt khởi thì nó khởi, nhưng không thấy từ đâu đến. Khi mắt diệt thì nó diệt, nhưng không thấy nơi nó diệt, trừ pháp giả hiệu, pháp nhân duyên. Sao gọi là giả hiệu, nhân duyên? Cái này có, thì (cái kia) có; cái này sanh, thì (cái kia) sinh. Tức là, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc[39], xúc duyên thọ[40], thọ duyên ái, ái duyên thủ[41], thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên chết, chết duyên sầu ưu khổ não không thể đếm hết. Khổ ấm như vậy được tác thành.
“Nhân duyên này không thì không (kia), đây diệt thì (kia) diệt, vô minh diệt thì hành diệt; hành diệt thì thức diệt; thức diệt thì danh sắc diệt; danh sắc diệt thì sáu xứ diệt; sáu xứ diệt thì xúc* diệt; xúc diệt thì thọ* diệt; thọ diệt thì ái diệt; ái diệt thì thủ* diệt; thủ diệt thì hữu diệt; hữu diệt thì sanh diệt; sanh diệt thì chết diệt; chết diệt thì sầu ưu khổ não đều bị diệt sạch ngoại trừ pháp giả hiệu. Pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng lại như vậy. Khi khởi thì khởi, nhưng không biết nó từ đâu đến. Khi diệt thì diệt cũng không biết nơi nó diệt, trừ pháp giả hiệu kia. Pháp giả hiệu kia là, đây khởi thì (kia) khởi, đây diệt thì (kia) diệt. Sáu xứ này cũng không có người tạo tác, cũng vậy danh sắc.[42] Pháp sáu xứ là do cha mẹ mà có thai, cũng không nhân duyên mà có. Đây cũng là giả hiệu. Trước phải có đối đãi, sau đó mới có. Giống như dùi cây tìm lửa. Vì trước có đối đãi, sau đó lửa sanh. Lửa không từ cây ra, cũng không ở ngoài cây. Nếu có người nào bổ cây tìm lửa, cũng không thể được. Đều do nhân duyên hội hợp, sau đó có lửa. Sáu tình này khởi bịnh cũng lại như vậy, đều do duyên hợp ở trong đó khởi bệnh. Khi sáu xứ này khởi thì khởi, cũng không thấy nó đến. Khi diệt thì diệt, cũng không thấy nó diệt, trừ pháp giả hiệu kia. Nhân vì cha mẹ hội hợp mà có.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Trước phải thọ bào thai,
Dần dần như giọt sữa.
Rồi giống như khối thịt.
Sau mới tượng ra hình.
Trước tiên sanh đầu cổ;
Kế sanh tay, chân, ngón;
Và sanh các bộ phận:
Lông, tóc, móng, răng thành.
Nếu khi mẹ ăn uống,
Các thứ món ăn ngon,
Tinh khí dùng nuôi mạng;
Nguồn gốc của thọ thai.
Hình hài thành đầy đủ,
Các căn không thiếu sót;
Nhờ mẹ được sanh ra
Thọ thai khổ như vậy.
“Các Tỳ-kheo nên biết, nhân duyên hội hợp mới có thân này. Lại nữa, Tỳ-kheo, trong một thân người có ba trăm sáu mươi đốt xương, chín vạn chín ngàn lỗ chân lông, năm trăm mạch máu, năm trăm dây gân, tám vạn hộ trùng. Tỳ-kheo nên biết, thân sáu xứ có những tai biến như vậy. Tỳ-kheo hãy niệm tư duy về tai hoạn như vậy. Ai tạo ra bộ xương này? Ai hợp gân mạch này? Ai tạo ra tám vạn hộ trùng này?
“Khi Tỳ-kheo kia tư duy như vậy liền đắc hai quả A-na-hàm hoặc A-la-hán,”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này:
Ba trăm sáu đốt xương,
Ở trong thân người này.
Điều mà Cổ Phật đã diễn,
Nay ta cũng nói lại.
[714b01] Gân gồm năm trăm dây;
Mạch cũng cùng như vậy.
Trùng có tám vạn loại.
Chín vạn chín ngàn lông.
Hãy quán thân như vậy;
Tỳ-kheo cần tinh tấn,
Chóng đắc đạo La-hán,
Đi đến cõi Niết-bàn.
Pháp này đều Không tịch,
Nhưng người ngu tham đắm.
Người trí tâm vui vẻ
Nghe gốc pháp Không này.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là pháp Không tối thượng đệ nhất. Ta đã nói cho các ngươi pháp được Như Lai thi hành[43]. Nay Ta đã khởi lòng từ thương xót, điều cần làm Ta đã làm xong. Các ngươi thường phải niệm tu hành pháp này. Ở chỗ nhàn tĩnh, tọa thiền tư duy, chớ có biếng nhác. Nay không tu hành, sau hối vô ích. Đó là lời giáo huấn của Ta.[44]
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, bà-la-môn Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi Phật rồi, ngồi qua một bên. Bà-la-môn Sanh Lậu[45] bạch Thế Tôn:
“Thưa Cù-đàm, ngày nay tâm ý của người sát-lợi muốn cầu sự gì? Có hành nghiệp gì? Chấp theo giáo nghĩa nào?[46] Theo đuổi mục đích gì? Tâm ý của người bà-la-môn ý muốn cầu sự gì? Có hành nghiệp gì? Làm theo lời dạy nào? Theo đuổi gì? Quốc vương ngày nay, ý muốn cầu gì? Có hành nghiệp gì? Chấp theo giáo nghĩa nào? Theo đuổi mục đích gì? Kẻ trộm ngày nay, ý muốn cầu gì? Có hành nghiệp gì? Chấp theo giáo nghĩa nào? Theo đuổi mục đích gì? Người nữ ngày nay, ý muốn cầu gì? Có hành nghiệp gì? Chấp theo giáo nghĩa nào? Theo đuổi mục đích gì?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo bà-la-môn:
“Sát-lợi thường thích tranh tụng, nhiều kỹ thuật, ham thích làm việc, việc làm phải đạt cứu cánh, không nghỉ giữa chừng.”
Bà-la-môn hỏi:
“bà-la-môn, ý cầu gì?”
Thế Tôn bảo:
“Bà-la-môn, ý thích chú thuật, ưa thích nơi chốn nhàn tĩnh, mục đích cư gia, ý nơi Phạm thiên.”
Lại hỏi:
“Quốc vương, ý cầu những gì?”
Thế Tôn bảo:
“Bà-la-môn nên biết, ý muốn của vua là được quyền cai trị, ý đặt tại binh đao, tham đắm tài bảo.”
“Kẻ trộm, ý cầu gì?”
Thế Tôn bảo:
“Kẻ trộm, ý trộm cướp, tâm gian tà, muốn cho mọi [714c01] người không biết việc làm của mình.”
“Người nữ, ý cầu điều gì?”
Thế Tôn bảo:
“Người nữ, ý để nơi người nam, tham đắm tài bảo, tâm lụy nam nữ, tâm muốn tự do.”
Bấy giờ, bà-la-môn bạch Thế Tôn:
“Thật là kỳ diệu! Thật hy hữu! Ngài biết ngần ấy sự kiện, như thật không hư. Ngày nay, ý Tỳ-kheo cầu điều gì?”
Thế Tôn bảo:
“Giới đức đầy đủ, tâm an trú đạo pháp, ý ở bốn Đế, ước muốn đến Niết-bàn. Đây là những điều cầu của Tỳ-kheo.”
Lúc ấy, bà-la-môn Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
“Thật vậy, Thế Tôn, việc làm của Tỳ-kheo, ý không thể dời đổi. Ý nghĩa thật như vậy, thưa Cù-đàm, Niết-bàn thật là an lạc. Những gì Như Lai đã thuyết là quá nhiều. Giống như kẻ mù được thấy, người điếc được nghe, người ở trong tối thấy sáng. Những điều Như Lai nói hôm nay, cũng như vậy, không đổi khác. Nay tôi việc nước quá nhiều, muốn trở về nơi ở.”
Thế Tôn bảo:
“Nên biết đúng lúc.”
bà-la-môn Sanh Lậu rời từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi.
bà-la-môn Sanh Lậu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, bà-la-môn Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ bà-la-môn bạch Thế Tôn:
“Ở trong đây có Tỳ-kheo nào tu hành thế nào mà phạm hạnh không sứt, không rò rỉ; thanh tịnh tu phạm hạnh?”
Thế Tôn bảo:
“Nếu có người nào giới luật đầy đủ, không có điều vi phạm, người đó được nói là thanh tịnh tu hành phạm hạnh.
“Lại nữa, bà-la-môn, khi mắt thấy sắc, không khởi tưởng đắm, không khởi niệm tưởng phân biệt,[47] trừ tưởng ác, bỏ pháp bất thiện, được nhãn căn trọn vẹn; người này được nói là tu phạm hạnh thanh tịnh. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết mịn trơn, ý biết pháp, đều không có tưởng của thức,[48] không khởi niệm của tưởng[49], tu phạm hạnh thanh tịnh, thành tựu ý căn.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Những người như thế nào là không tu phạm hạnh, không đầy đủ thanh tịnh hạnh[50]?”
Thế Tôn đáp:
“Nếu có giao hội[51] với người, đó gọi phi phạm hạnh.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Những người như thế nào là rò rỉ,[52] không đầy đủ?”
Thế Tôn đáp:
“Nếu có người giao tiếp với người nữ, hoặc sờ nắm tay chân nhau,[53] [715a01] ấp ủ trong lòng, nhớ mãi không quên; người đó, này bà-la-môn, được nói là hành không trọn vẹn, bị rò rỉ, các sự dâm dật[54] cùng tương ưng với dâm, nộ, si.
“Lại nữa, bà-la-môn, hoặc người ấy đùa cợt,[55] đối đáp với người nữ. Này bà-la-môn, người đó được nói là người này hành không trọn vẹn, bị rò rỉ, có dâm, sân, si; phạm hạnh không đầy đủ để tu thanh tịnh hạnh.
“Lại nữa, bà-la-môn, hoặc có người trừng mắt nhìn[56] người nữ không di chuyển rồi ở trong đó khởi tưởng dâm, nộ, si, sanh các loạn niệm; này bà-la-môn, người này được nói là phạm hạnh không thanh tịnh, không tu phạm hạnh.
“Lại nữa, này bà-la-môn, hoặc có người từ xa nghe, hoặc nghe tiếng khóc, hoặc nghe tiếng cười,[57] bèn ở trong đó khởi các loạn tưởng dâm, nộ, si; này bà-la-môn, người này được nói là không thanh tịnh, tu phạm hạnh, cùng tương ưng với dâm, nộ, si, phạm hạnh không toàn đủ.
“Lại nữa, này bà-la-môn, hoặc có người đã từng gặp người nữ,[58] sau đó sinh tưởng nhớ hoặc, hoặc con mắt người nữ, ở trong đó sinh tưởng, tại nơi khuất kín vắng vẻ, khởi dâm, nộ, si, cùng ác hạnh tương ưng; này bà-la-môn, người này được nói là không tu Phạm hạnh.”
Bấy giờ, bà-la-môn Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sa-môn Cù-đàm này biết rõ phạm hạnh, cũng biết không phạm hạnh; biết rõ phạm hạnh rò rỉ, cũng biết rõ phạm hạnh không rò rỉ. Vì sao vậy? Vì nay tôi cũng có ý nghĩ này, khi thấy có người nào cùng người nữ chân tay đụng chạm nhau, khởi các loạn tưởng, khi ấy tôi nghĩ rằng người này hành bất tịnh hạnh, cùng dâm, nộ, si tương ưng. Cảm thọ bậc nhất, là người nữ. Khả dục bậc nhất, đó chính là mắt với mắt nhìn nhau, người nữ kia hoặc nói, hoặc cười, hoặc nắm chéo áo người nam; hoặc cùng nói chuyện vừa nắm chéo áo người nam.[59] Khi ấy, tôi liền sanh ý nghĩ này: ‘Sáu điều này, người đều hành hạnh bất tịnh hết.’
“Hôm nay, Như Lai đã dạy rất nhiều. Giống như người mù được mắt, người mê thấy đường, người ngu được nghe đạo, người có mắt thấy sắc; Như Lai thuyết Pháp lại cũng như vậy. Nay con xin tự quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay trở về sau không sát sinh nữa. Cúi xin nhận con làm Ưu-bà-tắc.
bà-la-môn Sanh Lậu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10[60]
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại rừng bên ngoài thành Tỳ-xá-ly cùng với chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, Tôn giả Mã Sư[61] đến [715b01] giờ khất thực, đắp y mang bát vào thành khất thực. Khi ấy, Ni-kiền Tử Tát-già[62] thấy Tôn giả Mã Sư đến, liền đến hỏi:
“Thầy ông nói những nghĩa gì? Có những giáo huấn gì? Giáo giới đệ tử bằng pháp thuyết gì?”
Tôn giả Mã Sư đáp:
“Này bà-la-môn, sắc là vô thường. Cái gì vô thường, cái đó tức là khổ. Cái gì là khổ, cái đó tức là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái đó tức là không. Không có nghĩa là ‘Cái kia không phải của tôi; tôi không phải của cái kia.’ Đó là điều mà người trí đã học. Thọ*, tưởng, hành, thức là vô thường. Năm thủ uẩn này là vô thường, tức là khổ. Cái gì là khổ, cái đó tức là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái đó tức là không. Không có nghĩa là ‘Cái kia không phải của tôi; tôi không phải của cái kia.’ Ông muốn biết thì, ý nghĩa mà Thầy tôi giáo giới là như vậy, vì các đệ tử dạy nghĩa như vậy.”
Khi ấy, Ni-kiền Tử lấy hai tay che tai nói:
“Thôi, thôi! Mã Sư! Tôi không thích nghe những lời này. Nếu Sa-môn Cù-đàm có dạy điều này, thì tôi thật không muốn nghe. Vì sao vậy? Theo nghĩa của tôi thì sắc là thường. Nghĩa của Sa-môn thì vô thường. Ngày nào đó tôi sẽ gặp Sa-môn Cù-đàm để biện luận. Tôi sẽ trừ khử tâm điên đảo Sa-môn Cù-đàm.”
Bấy giờ, trong thành Tỳ-xá-ly có năm trăm đồng tử cùng tập hợp lại một chỗ để bàn luận. Lúc này, Ni-kiền Tử đến chỗ năm trăm đồng tử, nói với các đồng tử: “Các cậu với tôi cùng đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì tôi muốn biện luận với Sa-môn Cù-đàm kia, để cho Sa-môn kia thấy được đường chính chân thật. Sa-môn nói sắc là vô thường. Theo nghĩa ta thì sắc là thường. Giống như lực sĩ tay nắm lấy lông của con dê lông dài, rồi dẫn đi đâu tùy ý, không có gì khó ngại. Nay ta cũng vậy, hôm nay ta sẽ cùng Sa-môn Cù-đàm kia biện luận, ta buông hay bắt tùy ý, không có gì nghi ngờ.
“Giống như con voi mạnh hung bạo có sáu ngà, ở trong núi sâu nô đùa không có gì trở ngại. Nay ta cũng vậy, ta sẽ cùng Sa-môn kia biện luận, không có gì nghi nan. Giống như hai tráng sĩ bắt một người yếu, nướng trên ngọn lửa, trở qua trở lại tùy ý, cũng không có gì khó ngại. Nay ta cùng vị kia luận nghĩa cũng vậy, không có gì khó ngại. Trong luận nghĩa của ta, voi còn có thể bị hại, huống gì là người. Ta cũng có thể khiến voi đi về Đông, Tây, Nam, Bắc há không bằng người sao? Nay những vật vô tình như các cột kèo trong giảng đường này, ta còn khiến cho [715c01] di chuyển, huống chi cùng người biện luận, mà có thể thắng ta sao? Ta sẽ khiến ông ấy trào máu miệng ra mà chết.”
Trong số đó, hoặc có đồng tử nói như vậy:
“Ni-kiền Tử nhất định không có khả năng luận nghị[63] với Sa-môn. Nhưng chỉ sợ Sa-môn Cù-đàm mới cùng luận nghị với Ni-kiền Tử thôi.”
Có người lại nói:
“Sa-môn Cù-đàm không luận nghị cùng với Ni-kiền Tử Chỉ có Ni-kiền Tử mới có khả năng luận nghị với Sa-môn thôi.”
Khi ấy, Ni-kiền Tử suy nghĩ như vầy:
“Giả sử những điều Sa-môn Cù-đàm nói như Tỳ-kheo Mã Sư, thế thì đủ cho ta đối đáp. Nếu có nghĩa gì khác, cứ nghe rồi sẽ biết.”
Bấy giờ Ni-kiền Tử dẫn năm trăm đồng tử trước sau vây quanh đi đến chỗ Thế Tôn, cùng thăm hỏi nhau, rồi ngồi qua một bên.
Ni-kiền Tử bạch Thế Tôn:
“Thế nào, Cù-đàm, Ngài có giáo giới gì? Dùng giáo giới gì để dạy cho các đệ tử?”
Phật bảo Ni-kiền Tử:
“Những điều ta nói là, sắc là vô thường. Cái gì vô thường, cái đó tức là khổ. Cái gì là khổ, cái đó tức là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái đó tức là không. Không có nghĩa là ‘Cái kia không phải của tôi; tôi không phải của cái kia.’ Đó là điều mà người trí đã học. Thọ*, tưởng, hành, thức là vô thường. Năm thủ uẩn này là vô thường, tức là khổ. Cái gì là khổ, cái đó tức là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái đó tức là không. Không có nghĩa là ‘Cái kia không phải của tôi; tôi không phải của cái kia.’ Giáo giới của Ta, ý nghĩa là như vậy.”
Ni-kiền Tử đáp:
“Tôi không ưa nghe ý nghĩa này. Vì sao vậy? Vì theo nghĩa tôi hiểu, sắc là thường.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ông hãy chuyên tâm ý suy tư diệu lý, sau đó hãy nói!”
Ni-kiền Tử nói:
“Nay tôi nói sắc là thường. Với năm trăm đồng tử này, ý nghĩa ấy cũng vậy.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ông nói sắc là thường. Với năm trăm đồng tử này, ý nghĩa ấy cũng vậy.”
Thế Tôn bảo:
“Hôm nay ông đã tự biện thuyết rồi, sao lại dẫn theo năm trăm đồng tử kia?”
Ni-kiền Tử nói:
“Nay tôi nói sắc là thường. Sa-môn muốn biện luận thế nào?”
Thế Tôn đáp:
“Nay Ta nói sắc là vô thường, cũng là vô ngã. Giả tạm họp lại mà có tên sắc này chứ không chân thật, không chắc, không bền, cũng như nắm tuyết, chúng là pháp diệt vong, là pháp biến dịch. Nay ông nói sắc là thường, vậy Ta hỏi lại ông, tùy ý mà trả lời Ta.
“Thế nào, Ni-kiền Tử, Chuyển luân Thánh vương lại có được tự tại ở trong quốc độ của mình không? Lại nữa, [716a01] Đại vương kia, muốn thả ai thì thả, muốn trói ai thì trói, có được vậy không?”
Ni-kiền Tử đáp:
“Thánh vương này có quyền lực tự tại đó, muốn giết ai thì giết; muốn trói ai thì trói.”
Thế Tôn bảo:
“Thế nào, Ni-kiền Tử, Chuyển luân Thánh vương rồi sẽ già không? Đầu có bạc, mặt có nhăn nhăn, y phục cáu bẩn không?”
Khi ấy, Ni-kiền Tử im lặng không đáp. Thế Tôn hỏi lại ba lần, ông cũng ba lần im lặng không đáp lại.
Lúc ấy, lực sĩ Kim cang Mật Tích cầm chày kim cương ở giữa hư không, bảo rằng:
“Nếu ông không trả lời, ta sẽ đập đầu ông vỡ thành bảy mảnh ngay trước mặt Như Lai.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ni-kiền Tử:
“Ông hãy quan sát giữa hư không!”
Lúc ấy, Ni-kiền Tử ngước nhìn lên hư không, thấy lực sĩ kim cang Mật Tích, lại nghe trên hư không có tiếng nói rằng: ‘Nếu ông không trả lời Như Lai, ta sẽ đập đầu ông vỡ thành bảy mảnh.’ Nghe xong, hoảng sợ, y lông dựng đứng, bạch với Thế Tôn:
“Cúi xin Cù-đàm hãy cứu vớt. Xin hỏi lại. Con sẽ đáp ngay.”
Lúc ấy, Thế Tôn hỏi:
“Thế nào, Ni-kiền Tử, Chuyển luân Thánh vương sẽ lại già không? Cũng sẽ tóc bạc, răng rụng, da chùn, mặt nhăn hay không?”
Ni-kiền Tử đáp:
“Tuy Sa-môn Cù-đàm nói vậy, nhưng theo tôi hiểu thì sắc là thường.”
Thế Tôn bảo:
“Ông hãy suy nghĩ cho kỹ, sau đó mới nói. Nghĩa trước và sau không tương ưng với nhau. Ta chỉ luận, Thánh vương sẽ già không? Đầu sẽ bạc, răng sẽ rụng, da chùn, mặt nhăn hay không?”
Ni-kiền Tử nói:
“Chuyển luân Thánh vương vẫn bị già.”
Thế Tôn nói:
“Chuyển luân Thánh vương có thể tự tại trong nước của mình, vì sao lại không thể trừ khử già, bịnh, chết; nói rằng: ‘Ta không cần cái già, bệnh, chết. Ta thường hằng.’? Giả sử có như vậy, nhưng nghĩa này có hứa khả được chăng?”
Ni-kiền Tử im lặng không đáp, buồn rầu không vui, im lặng không nói. Khi này, thân thể Ni-kiền Tử toát mồ hôi hột, mồ hôi ra ướt cả áo, thấm chỗ ngồi, cho đến dưới đất.
Thế Tôn bảo:
“Ni-kiền Tử lúc ở giữa đại chúng, ông đã rống tiếng sư tử bảo: ‘Các đồng tử, hãy cùng tôi đến chỗ Cù-đàm để tranh luận. Tôi sẽ hàng phục Cù-đàm như nắm lông một con dê lông dài, kéo đi phía Đông hay phía Tây tùy ý. Cũng như voi đi lại tự do ở trong rừng sâu, không có gì phải [716b01] sợ hãi. Cũng như hai người lực lưỡng bắt một người yếu ớt nướng trên lửa, xoay qua xoay lại tùy ý.’ Ông còn nói rằng, ‘Luận nghị của tôi còn có thể giết con voi lớn. Khi tôi luận nghị với những thứ vô tình như cây cỏ, cột kèo các thứ, tôi cũng có thể khiến chúng phải cúi đầu khuất phục, làm cho chúng toát mồ hôi nách.’”
Bấy giờ, Thế Tôn vén ba y cho Ni-kiền Tử xem, rồi nói:
“Ông hãy xem, nách của Như Lai không có một giọt mồ hôi. Còn ông thì ngược lại, mình đầy mồ hôi, thậm chí rơi xuống đất.”
Lúc ấy, Ni-kiền Tử vẫn im lặng không đáp.
Bấy giờ, ở trong chúng đó có một đồng tử tên Đầu-ma[64]. Đồng tử Đầu-ma bạch Thế Tôn:
“Nay con nhận thấy có điều có thể áp dụng, và con muốn nói.”
Thế Tôn đáp:
“Hãy nói tùy ý.”
Đồng tử Đầu-ma bạch Phật:
“Giống như cách thôn làng không xa, có ao tắm tốt. Trong ao tắm kia có một con cua.[65] Nhân dân già trẻ, nam nữ, trong thôn đến ao tắm đó vớt con trùng này ra, rồi lấy gạch đá đập nát chân tay của nó. Trùng này dù muốn trở xuống nước, rốt cuộc không làm được việc này. Ni-kiền Tử này cũng như vậy, ban đầu rất mạnh bạo tranh luận với Như Lai, lòng ôm tật đố, ý ôm kiêu mạn. Như Lai đã diệt trừ sạch chúng vĩnh viễn không còn sót. Ni-kiền Tử này không bao giờ còn dám trở lại chỗ Như Lai để biện luận nữa.”
Khi ấy, Ni-kiền Tử nói với đồng tử Đầu-ma:
“Ngươi ngu si không phân biệt chân hay ngụy. Ta không nói chuyện với ngươi, mà ta đang biện luận với Sa-môn Cù-đàm.”
Ni-kiền Tử bạch Phật:
“Tôi chỉ hỏi nghĩa lý. Xin Ngài nói lại.”
Thế Tôn đáp:
“Thế nào, Ni-kiền Tử, Chuyển luân Thánh vương muốn khiến cho già bệnh chết không đến, có thể được vậy không? Thánh vương kia có được toại nguyện không?”
Ni-kiền Tử đáp:
“Không thể toại nguyện như vậy được.”
“Muốn cho có sắc này, muốn cho không có sắc này, có được toại nguyện không?
Ni-kiền Tử đáp:
“Không được, thưa Cù-đàm.”
Thế Tôn bảo:
“Thế nào, Ni-kiền Tử, sắc là thường hay vô thường?”
Ni-kiền Tử đáp:
“Sắc là vô thường.”
“Nếu vô thường, nó là pháp biến dịch. Ông có thấy ‘Cái này là ta; ta là của cái kia’ không?”
Đáp:
“Không, thưa Cù-đàm.”
“Thọ*, tưởng, hành, thức, là thường hay là vô thường?”
Đáp:
“Vô thường.”
“Nếu vô thường, nó là pháp biến dịch, [716c01] ông có thấy nó có không?”
Đáp:
“Không.”
Thế Tôn hỏi:
“Năm thủ uẩn này là thường hay vô thường?”
Ni-kiền Tử đáp:
“Là vô thường.”
Phật hỏi:
“Nếu là vô thường, nó là pháp biến dịch, ông có thấy nó có không?”
Đáp:
“Không.”
“Thế nào, Ni-kiền Tử, ông đã nói là thường, như vậy không phải là trái ngược với nghĩa lý này hay sao?”
Lúc ấy, Ni-kiền Tử bạch Thế Tôn:
“Nay con ngu si không phân biệt chân đế nên khởi ý muốn này, là cùng tranh luận với Cù-đàm rằng ‘Sắc là thường.’ Giống như mãnh thú sư tử từ xa trông thấy người đến mà có tâm sợ hãi sao? Hoàn toàn không có việc này. Hôm nay Như Lai cũng như vậy, không có mảy may nào. Nay con say mê chưa hiểu nghĩa sâu mới dám xúc phạm. Sa-môn Cù-đàm đã dạy quá nhiều. Giống kẻ mù được mắt, người điếc được nghe thấu, người mê thấy đường, người không mắt thấy sắc. Cũng như vậy, Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện thuyết pháp cho con. Nay con xin tự quy y Phật, Pháp, Tăng, từ nay trở về sau trọn đời làm người Ưu-bà-tắc, không sát sanh nữa. Cúi xin Phật và Tỳ-kheo Tăng nhận lời thỉnh của con, muốn cúng bữa ăn cho Phật và Tỳ-kheo Tăng.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi Ni-kiền Tử thấy Thế Tôn im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ sát chân rồi đi. Đến chỗ các đồng tử ở thành Tỳ-xá-ly, ông nói các đồng tử:
“Các cậu có cúng ta vật gì thì hãy mang đến ngay cho tôi để tôi bày biện, chớ để trễ thời. Nay tôi đã thỉnh Phật và Tỳ-kheo tăng, ngày mai sẽ tôi cúng bữa ăn.”
Lúc ấy, các đồng tử liền mang các thứ đồ ăn thức uống đến cho ông. Đêm ấy, Ni-kiền Tử chuẩn bị soạn các loại đồ ăn thức uống ngon lành, trải tọa cụ tốt, rồi đến bạch: “Đã đến giờ, cúi xin hạ cố.”
Đến giờ, Thế Tôn đắp y, mang bát, dẫn chúng tăng vào thành Tỳ-xá-ly, đến nhà Ni-kiền Tử. Đến rồi, ngồi vào chỗ ngồi. Các Tỳ-kheo cũng ngồi theo thứ lớp. Lúc này, Ni-kiền Tử thấy Phật và chúng tăng đã an tọa, tự tay dâng các thứ đồ ăn thức uống. Sau khi thấy Phật và Tỳ-kheo tăng thọ trai xong, đã dùng nước rửa, ông lấy một chiếc ghế nhỏ, ngồi trước Như Lai để nghe pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự thuyết giảng cho ông các đề tài vi diệu; các đề tài về bố thí, [717a01] về trì giới, về sanh thiên; dục là ô uế, dâm là hạnh bất tịnh, giải thoát là an lạc. Khi Thế Tôn thấy tâm ý của Ni-kiền Tử đã khai mở, như những gì mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết pháp, về khổ, tập, tận, đạo, Ngài cũng vì Ni-kiền Tử nói hết. Lúc ấy, Ni-kiền Tử liền ngay trên chỗ ngồi các trần cấu sạch hết, được mắt pháp trong sạch.
Lúc này, Thế Tôn liền nói kệ:
Cúng tế, lửa hơn hết;
Thi thơ, tụng đứng đầu;
Vua, tôn quý loài người;
Biển là nguồn các sông;
Các sao, trăng sáng nhất;
Ánh sáng, mặt trời nhất.
Trên dưới và bốn phương,
Mọi vật sanh bởi đất,
Trời cùng với Nhân loại:
Phật là vô thượng tôn.
Ai muốn cầu đức kia,
Tam-phật* là tối thượng.
Sau khi Thế Tôn nói bài kệ này xong, Ngài đứng dậy ra đi.
Lúc ấy, năm trăm đệ tử của Ni-kiền Tử nghe thầy mình nhận sự giáo hóa của Phật, mọi người bảo nhau: “Sao Đại sư của chúng ta lại tôn Cù-đàm làm Thầy?” Rồi các đệ tử ấy ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đứng chờ ở giữa đường. Trong lúc đó, Ni-kiền Tử đến chỗ Phật để nghe Pháp. Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp cho Ni-kiền Tử, khích lệ khiến hoan hỷ. Ni-kiền Tử sau khi nghe pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân liền lui đi.
Lúc ấy, các đệ tử của Ni-kiền Tử từ xa thấy thầy mình đến, mọi người bảo nhau: “Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm đang đi đến. Chúng ta hãy lấy gạch đá giết chết ông ta.”
Khi nghe tin Ni-kiền Tử bị các đệ tử giết, các đồng tử liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Các đồng tử bạch Thế Tôn: “Ni-kiền Tử mà Như Lai đã giáo hóa nay đã bị các đệ tử giết. Nay đã qua đời, ông ấy sanh nơi nào?”
Thế Tôn nói:
“Ông ấy là một người có đức, đầy đủ bốn Đế, đã dứt sạch ba kết sử, thành quả Tu-đà-hoàn, chắc chắn dứt sạch gốc khổ. Hôm nay, mạng chung sanh lên cõi trời Tam thập tam. Sau này khi gặp Phật Di-lặc, vị ấy sẽ dứt sạch gốc khổ. Đó là nghĩa của nó, hãy niệm tu hành.”
Các đồng tử bạch Phật rằng:
“Kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ni-kiền Tử này đến chỗ Thế Tôn để tranh luận hơn thua rồi lại tự trói chặt bởi lý luận của chính mình, đến nhận sự giáo hóa của Như Lai. Phàm đã gặp Như Lai thì hoàn toàn không uổng phí. Giống như có người vào biển tìm châu báu, nhất định có thu hoạch, không bao giờ trở về không. Ở đây cũng như vậy, nếu có chúng sanh nào mà đến chỗ Thế Tôn, chắc chắn sẽ được Pháp bảo, quyết không có trở về không.”
Bấy giờ, Thế Tôn vì các thiếu niên nói Pháp vi diệu, khiến họ hoan hỷ.
Sau khi nghe Phật thuyết pháp, các đồng tử từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng, đảnh lễ sát chân rồi ra về.
Các đồng tử sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[66]


Chú thích:
[34] Chi tiết tương tợ, xem Trung 5, kinh 24 (Sư tử hống).
[35] Nội dung có thêm đoạn lặp lại như trên, nhưng Hán dịch lược bỏ.
[36] Hán: bất thinh chi vấn 不馨之問; chưa rõ ý.
[37] Sáu trọng pháp, hay khả hỷ, xem kinh số 1 phẩm 37 trên.
[38] Đệ nhất tối không pháp 第一最空法.
[39] Nguyên Hán: canh lạc.
[40] Nguyên hán: thống.
[41] Nguyên Hán: thọ.
[42] Bảy chữ trong để bản được xóa bỏ trong TNM:六入亦無人造作.
[43] Để bản: thuyết hành 說行. TNM: thi hành.
[44] Văn chuẩn về giáo giới này, xem Trung 21, kinh 86 (tr. 565c19), và tản mạn. Văn chuẩn Pāli, xem M 8 Sallekha (R.i. 46), và tản mạn.
[45] Xem cht. 13, kinh 2 phẩm 6. Cf. A VI 52 Khattiyasutta (R. iii. 362). Tham chiếu Hán, Trung 37, kinh 149.
[46] Pāli, ibid., kiṃ-abhinivesā, tham chấp cái gì?
[47] Thức niệm 識念. Về thủ hộ căn môn, văn chuẩn, theo Pāli (Cf. D 2 Sāmaññaphala, và tản mạn): cakkhunṃ rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng (chi tiết).
[48] Thức tưởng 識想, thức nắm bắt tổng tướng. Xem cht. 47 trên.
[49] Tưởng niệm 想念, như thức niệm, xem cht. 47 trên.
[50] Thanh tịnh hạnh 清淨行: phạm hạnh; Pāli: brahmacariya.
[51] Nguyên Hán: câu hội (Pāli: dvayayaṃsamāpatti = methunā); định nghĩa từ phi phạm hạnh (Pāli: abrahmacariya): hành pháp dâm dục.
[52] Phạm hạnh bị sứt mẻ, rò rỉ.
[53] Pāli: không hành dâm nhưng sờ nắm.
[54] Lậu, chư dâm dật 漏諸婬泆. Pāli: (brahmacariyassa) sabalaṃ, kammāsa, (phạm hạnh) có tỳ vết, có hoan ố. Nhưng Hán dịch đọc là āsavaṃ, kamāsaṃ, có lậu, có khát vọng dâm dục.
[55] Pāli: không xúc chạm thân thể nhưng đùa cợt.
[56] Pāli: không đùa cợt, nhưng nhìn.
[57] Pāli: không nhìn, nhưng nghe tiếng nữ, bị kích thích.
[58] Pāli: không thấy, không nghe tiếng, nhưng nhớ.
[59] Hán: sáu trường hợp quan hệ nam nữ liên hệ dâm dục. Pāli, ibid., bảy trường hợp liên hệ hành dâm (sattannaṃ methunasaṃyogānaṃ).
[60] Tham chiếu Pāli, M 35 Cūḷa-Saccakasutta (R.i. 227). Hán, Tạp 5, kinh 110.
[61] Mã Sư 馬師. Tạp 5: A-thấp-ba-thệ. Pāli: Assaji.
[62] Tát-già Ni-kiền Tử 薩遮尼健子. Pāli: Saccaka Nigaṇṭhaputta.
[63] Nên hiểu: không thể phá luận nghị của.
[64] Đầu-ma 頭摩. Pāli: Dumumkha.
[65] Trùng nhiêu cước 虫饒腳: con sâu có nhiều chân. Dịch giả không hiểu con gì nên mô tả như vậy. Pāli: kakkaṭaka.
[66] Bản Hán, hết quyển 30.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


San sẻ yêu thương


Đừng bận tâm chuyện vặt


Thiếu Thất lục môn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.14.104 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập