Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bảo Tích Kinh [大寶積經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Đại Bảo Tích Kinh [大寶積經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.66 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.69 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bửu Tích

Kinh này có 120 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

I. PHÁP HỘI TAM TỤ LUẬT NGHI THỨ NHẤT
(Hán Bộ Từ Quyển Thứ Nhất Ðến Hết Quyển Thứ Ba)

Như vậy, tôi nghe: một thuở nọ Ðức Phật ở núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá. Núi đó cao đẹp, cỏ cây hoa quả đều xanh tốt xum xuê. Hàng Thiên, Long, Dạ Xoa, Tỳ Xá Xà, Khẩn Na La v.v... thường ở nơi đó.
Trong núi lại có các loài muông thú: sư tử, cọp, sói, kỳ lân, voi, ngựa, gấu v.v...
Núi này có đủ các loài chim: chim công, chim két, nhồng, sáo, le le, chim nhạn, chim uyên ương, chim cộng mạng v.v...
Các loài chim muông trong núi nhờ oai thần của Phật nên tất cả đều hiền lành chẳng giết hại ăn thịt nhau, thương yêu nhau như tình mẫu tử.
Những cây mộc hương, cây am la, cây chân thúc ca, cây ni câu đà, cây chiên đàn, cây trầm thủy mọc rậm thành rừng.
Khắp núi đầy những hoa đẹp. Trên đất có những hoa: a đề, chiêm bà, ba tra, bà sư, tô mạng, do đề. Dưới nước có những hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng, hoa sen trắng, hoa ca la. Màu hoa hương hoa xen nhau làm cho núi Kỳ Xà Quật vừa đẹp vừa thơm.
Trên núi này, nửa đêm thường có mây bao phủ, văng vẳng tiếng sấm, láy pháy mưa bay, nước bát công đức chảy thấm khắp núi. Khoảng thời gian vắt sữa, mây mưa đều tan. Kế đó gió mát thoang thoảng làm vui thích thân tâm mọi người. Trong núi này có loài cỏ dịu mềm đủ cả sắc lẫn hương, xanh mướt bóng láng như lông ức chim công, thơm như hoa bà sư ca, chạm đến mịn nhuyễn như bông đâu la. Do đây mặt đất mềm dịu, làm êm chân người đi không bao giờ đau rát. Trong núi có nhiều ao, hồ, suối chảy. Giữa nước trong mát đủ các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía mọc lên. Hương sen ngào ngạt khắp núi. Đảnh núi có tòa sen báu lớn tốt đẹp: kim cương xanh làm cọng, lưu ly làm tua, vàng diêm phù đàn làm cánh rộng lớn, chiên đàn làm gương, ngọc mã não làm nhụy. Tòa sen báu này to rộng mênh mông.
Mười ức A Tu La Vương thường cầm mười ức lưới báu ma ni giăng che phía trên bảo tòa. Mười ức Long Vương rưới mưa thơm. Mười ức Kim Xí Điểu Vương miệng ngậm giải lụa màu. Mười ức Khẩn Na La Vương chí thành chiêm ngưỡng. Mười ức Ma Hầu La Dà Vương cung kính cúi nhìn. Mười ức Càn Thát Bà Vương ca ngâm khen ngợi. Mười ức Thiên Đế bủa mây lành, rải các thứ hương, các thứ hoa, cùng tràng phan bảo cái. Mười ức Phạm Vương cúi mình kính ngưỡng. Mười ức trời Tịnh Cư chắp tay đảnh lễ. Mười ức Chuyển Luân Vương mang theo thất bảo. Mười ức Hải Thần đến kính lễ bảo tòa.
Tòa sen báu này lại có vô số bảo châu như ý kết hợp trang nghiêm: Mười ức bảo châu Quang minh ma ni chiếu sáng, mười ức bảo châu Tịnh phước ma ni xinh đẹp, mười ức bảo châu Biến chiếu ma ni trong sạch, mười ức bảo châu Diệu quang ma ni chõi rỡ, mười ức bảo châu Tạp sắc ma ni chiếu khắp, mười ức bảo châu Diêm phù tràng ma ni vững vàng, mười ức bảo châu Kim cương sư tử ma ni trang nghiêm, mười ức bảo châu Nhựt tạng ma ni rộng lớn, mười ức bảo châu Bất tư nghị ma ni ánh đủ màu, mười ức bảo châu Như ý trang nghiêm vô tận. Bảo tòa liên hoa này có ra là từ nơi thiện căn vô thượng của Ðức Như Lai. Là chỗ mà chí ý của Bồ Tát ái mộ khắp hiện các nơi.
Bảo tòa này cũng là từ pháp như huyễn mà có, cũng là từ thiện nghiệp, từ pháp tánh vô tránh, pháp tánh như mộng mà có. Pháp vô hành dùng để ấn. Thuận với lý vô trước, nên cùng khắp mười phương tất cả pháp giới. Do công đức thuận với cảnh giới Phật mà tạo nên.
Giả sử trong vô lượng a tăng kỳ kiếp cũng không thể ca ngợi hết sắc tướng xinh đẹp và công đức trang nghiêm của tòa sen báu này được.
Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ngự kiết già trên bảo tòa này.
Bên bảo tòa có tám ngàn vị đại Tỳ Kheo câu hội: Tôn giả Kiều Trần Như, Tôn giả A Tháp Bà, Tôn giả Ma Sử Ba, và các Tôn giả: Ma Ha Nam, Ưu Đà Di, Gia Xá, Phú Na, Vô Cấu Thiện Tý, Kiều Phạm Ba Đề, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Na Luật, Tu Bồ Đề, Ly Bà Đa, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Ưu Ba Ly, La Hầu La, Nan Đà v.v... các vị Thượng thủ Tỳ Kheo này đều đã giác ngộ đế lý tự tánh, qua khỏi biển tam giới. Các Ngài đi trong hạnh hư không của Như Lai, đều dứt hẳn phiền não, đều trụ nơi vô trụ, dứt hết nghi hoặc đối với Ðức Như Lai. Các Ngài đã vào trong biển trí huệ của Phật, là bạn bất thỉnh cầu đem lợi ích cho thế gian. Các Ngài luôn vệ hộ tất cả chúng sanh mà làm bạn đi sát theo họ. Các Ngài đã thông đạt cảnh giới Phật pháp. Các Ngài thệ nguyện thủ hộ thọ trì chánh pháp của chư Phật, hiện tiền đặng sanh chủng tánh Như Lai có thể hướng đến nhất thiết chủng trí.
Tám ngàn vị đại Bồ Tát câu hội. Thượng thủ là các Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Tối Thượng Trí Trí Bồ Tát, Tối Thượng Bửu Trí Bồ Tát, Nhứt Thiết Ngữ Ngôn Trí Bồ Tát, Vô Trước Trí Bồ Tát, Hoa Thượng Trí Bồ Tát, Nhựt Thượng Trí Bồ Tát, Nguyệt Thượng Trí Bồ Tát, Vô Cấu Thượng Trí Bồ Tát, Kim Cang Trí Bồ Tát, Viễn Trần Trí Bồ Tát, Quang Tràng Bồ Tát, Diệu Cao Tràng Bồ Tát, Bửu Tràng Bồ Tát, Vô Ngại Tràng Bồ Tát, Hoa Tràng Bồ Tát, Tịnh Tràng Bồ Tát, Nhựt Tràng Bồ Tát, Đoan Nghiêm Tràng Bồ Tát, Ly Cấu Tràng Bồ Tát, Biến Chiếu Tràng Bồ Tát, Đà La Ni Oai Đức Bồ Tát, Bửu Oai Đức Bồ Tát, Đại Oai Đức Bồ Tát, Kim Cang Trí Oai Đức Bồ Tát, Vô Cấu Oai Đức Bồ Tát, Nhựt Oai Đức Bồ Tát, Nguyệt Oai Đức Bồ Tát, Phước Sơn Oai Đức Bồ Tát, Trí Chiếu Oai Đức Bồ Tát, Phổ Thắng Oai Đức Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Liên Hoa Tạng Bồ Tát, Bửu Tạng Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Thanh Tịnh Công Đức Tạng Bồ Tát, Pháp Hải Tạng Bồ Tát, Biến Chiếu Tạng Bồ Tát, Tề Tạng Bồ Tát, Thắng Liên Hoa Tạng Bồ Tát, Nhựt Nhãn Bồ Tát, Tịnh Nhãn Bồ Tát, Vô Cấu Nhãn Bồ Tát, Vô Ngại Nhãn Bồ Tát, Phổ Minh Nhãn Bồ Tát, Thiện Lợi Trí Nhãn Bồ Tát, Kim Cang Nhãn Bồ Tát, Bửu Nhãn Bồ Tát, Hư Không Nhãn Bồ Tát, Phổ Nhãn Bồ Tát, Thiên Quan Bồ Tát, Chiếu Pháp Giới Ma Ni Quan Bồ Tát, Diệu Bồ Đề Ma Ni Quan Bồ Tát, Chiếu Thập Phương Quan Bồ Tát, Xuất Hiện Nhứt Thiết Phật Tạng Quan Bồ Tát, Siêu Nhứt Thiết Thế Gian Quan Bồ Tát, Phổ Chiếu Quan Bồ Tát, Vô Ánh Tể Quan Bồ Tát, Chấp Trì Như Lai Sư Tử Tòa Quan Bồ Tát, Phổ Chiếu Pháp Giới Hư Không Quan Bồ Tát, Phạm Vương Kế Bồ Tát, Long Vương Kế Bồ Tát, Phật Biến Hóa Ảnh Tượng Kế Bồ Tát, Diệu Bồ Đề Kế Bồ Tát, Nguyện Hải Âm Thanh Ma Ni Vương Kế Bồ Tát, Phóng Như Lai Viên Quang Ma Ni Bửu Lôi Thinh Kế Bồ Tát, Hư Không Biểu Thị Ma Ni Bửu Võng Phú Kế Bồ Tát, Như Lai Pháp Luân Thinh Kế Bồ Tát, Tam Thế Danh Luân Thinh Kế Bồ Tát, Đại Quang Bồ Tát, Vô Cấu Quang Bồ Tát, Bửu Quang Bồ Tát, Ly Trần Quang Bồ Tát, Chiếu Quang Bồ Tát, Pháp Quang Bồ Tát, Tịch Tịnh Quang Bồ Tát, Nhựt Quang Bồ Tát, Thần Biến Quang Bồ Tát, Thiên Quang Bồ Tát, Phước Quang Bồ Tát, Trí Quang Bồ Tát, Pháp Quang Minh Bồ Tát, Thần Thông Quang Bồ Tát, Quang Chiếu Bồ Tát, Hoa Quang Bồ Tát, Bửu Quang Bồ Tát, Giác Quang Minh Bồ Tát, Phạm Quang Bồ Tát, Phổ Chiếu Quang Bồ Tát, Phạm Âm Bồ Tát, Hải Âm Bồ Tát, Địa Hống Âm Bồ Tát, Thế Gian Vương Âm Bồ Tát, Sơn Vương Âm Bồ Tát, Sơn Vương Tướng Kích Âm Bồ Tát, Biến Pháp Giới Âm Bồ Tát, Pháp Hải Lôi Âm Bồ Tát, Tồi Phục Chư Ma Âm Bồ Tát, Đại Bi Lý Thú Vân Lôi Âm Bồ Tát, Biến Tức Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não Âm Bồ Tát, Pháp Thắng Dũng Bồ Tát, Thù Thắng Dũng Bồ Tát, Trí Thắng Dũng Bồ Tát, Phước Tu Di Thắng Dũng Bồ Tát, Công Đức Tối Thắng Dũng Bồ Tát, Danh Văn Thắng Dũng Bồ Tát, Phổ Quang Thắng Dũng Bồ Tát, Đại Từ Thắng Dũng Bồ Tát, Trí Chiếu Thắng Dũng Bồ Tát, Như Lai Chủng Tánh Thắng Dũng Bồ Tát, Quang Đức Bồ Tát, Thắng Đức Bồ Tát, Pháp Dũng Đức Bồ Tát, Biến Chiếu Đức Bồ Tát, Pháp Đức Bồ Tát, Nguyệt Đức Bồ Tát, Hư Không Đức Bồ Tát, Bửu Đức Bồ Tát, Thiệt Đức Bồ Tát, Quang Đức Bồ Tát, Trí Đức Bồ Tát, Bà La Đế Vương Bồ Tát, Pháp Đế Vương Bồ Tát, Tượng Đế Vương Bồ Tát, Phạm Đế Vương Bồ Tát, Sơn Đế Vương Bồ Tát, Chúng Đế Vương Bồ Tát, Thiên Đế Vương Bồ Tát, Tịch Tịnh Đế Vương Bồ Tát, Bất Động Đế Vương Bồ Tát, Tối Thắng Đế Vương Bồ Tát, Bồ Đề Tịch Tịnh Thinh Bồ Tát, Vô Trước Thinh Bồ Tát, Địa Thinh Bồ Tát, Đại Hải Thinh Bồ Tát, Âm Thinh Bồ Tát, Chiếu Pháp Thinh Bồ Tát, Hư Không Thinh Bồ Tát, Nhứt Thiết Thinh Bồ Tát, Thiện Căn Vân Lôi Thinh Bồ Tát, Phát Ngộ Bổn Nguyện Thinh Bồ Tát, Tồi Nhứt Thiết Ma Quân Thinh Bồ Tát, Trí Tu Di Giác Bồ Tát, Hư Không Giác Bồ Tát, Thanh Tịnh Giác Bồ Tát, Vô Ngại Giác Bồ Tát, Khai Mụ Giác Bồ Tát, Chiếu Tam Thế Giác Bồ Tát, Bửu Giác Bồ Tát, Quảng Đại Giác Bồ Tát, Phổ Quang Giác Bồ Tát, Pháp Giới Lý Thú Chiếu Giác Bồ Tát, v.v... Các vị đại Bồ Tát này đều an trụ nguyện hạnh Phổ Hiền, chỗ làm không trụ trước, vì khắp tất cả cõi Phật. Các Ngài biến hiện vô biên thân, vì gần gũi tất cả chư Phật. Các Ngài duyên cảnh thanh tịnh vô hạn, vì rõ biết tất cả thần biến của chư Phật. Các Ngài đến đi vô lượng, vì không ngớt qua đến chỗ chư Phật hiện thành Chánh đẳng giác. Các Ngài quang minh vô biên, vì trong biển thiệt tướng được trí quang vô biên. Các Ngài nói vô tận công đức trong vô biên kiếp, vì biện tài thanh tịnh. Các Ngài đồng hư không, vì trí thanh tịnh, Các Ngài không chỗ y ỷ, vì tùy ý lạc thế gian mà hiện sắc thân. Các Ngài lìa được sự che lòa, vì rõ biết không có chúng sanh giới. Các Ngài trí huệ như hư không, vì phóng lưới quang minh khắp pháp giới. Các Ngài rốt ráo tịch tịnh, vì tâm rất tịch tịnh. Các Ngài trụ cảnh giới tánh trí tất cả tổng trì. Các Ngài dũng mãnh vô úy nơi chánh định. Các Ngài mắt thấy suốt ngằn mé pháp giới. Các Ngài trụ vô sở đắc đối với tất cả pháp, đi nơi biển trí vô biên, đã qua đến bờ trí huệ Bát nhã ba la mật, đến ba la mật của tất cả thế gian, được tự tại nơi Chánh định ba la mật.
Năm trăm vị Tỳ Kheo Ni đồng câu hội: Ma Ha Ba Xà Ba Đề Tỳ Kheo Ni, Cù Đàm Di Tỳ Kheo Ni, An Ổn Tỳ Kheo Ni, Ưu Bát La Hoa Tỳ Kheo Ni, Dũ Cù Đàm Di Tỳ Kheo Ni, Gia Du Đà La Tỳ Kheo Ni v.v...
Năm trăm vị Ưu Bà Tắc câu hội, hàng thượng thủ là các Ưu Bà Tắc: Thiện Oai Đức, Huệ Quang, Thiên Oai Đức, Danh Xưng Oai Đức, Siêu Danh Xưng Oai Đức, Thiện Huệ, Nguyệt Đức, Nguyệt Hoan Hỷ, Đại Hoan Hỷ, La Hầu Hiền, Đại Hiền v.v...
Năm trăm vị Ưu Bà Di câu hội, dẫn đầu là các vị Ưu Bà Di: Đại Quang, Thiện Quang, Thiện Thân, Khả Lạc Thân, HIền Đức, Nguyệt Quang, Quang Minh, Thắng Quang, Thiện Nhãn v.v...
Và có vô lượng Thiên, Long, Bát bộ cung kính hầu quanh Ðức Phật.
Ðức Phật vì đại chúng mà nói ba luật nghi, luật tạng của tất cả Như Lai, hiện bày công hạnh của tất cả Bồ Tát, chiếu rõ pháp giới có thể trang nghiêm tất cả cõi Phật, dẹp các tà hạnh, hàng phục ma oán, làm cho chúng sanh vui mừng được tỏ ngộ.
Lúc đó Tôn giả Đại Ca Diếp đứng dậy trịch y vai hữu, quỳ chắp tay bạch rằng: "Thế Tôn! Nếu chúng sanh cầu được thập trí lực, vô sở úy của Phật, thời phải thọ trì và tu hành pháp gì? Thọ trì pháp gì để được thành tựu đạo hạnh của Như Lai? Thọ trì pháp gì để được viên mãn công đức chứng Vô thượng Chánh giác?"
Phật bảo Đại Ca Diếp: "Lành thay! Lành thay! Này Ca Diếp! Lời ông hỏi sẽ đem lại nhiều sự an ổn lợi ích cho người, cho trời. Ông lắng nghe kỹ và khéo suy nghĩ ghi nhớ.
- Nầy Đại Ca Diếp! Nếu chúng sanh cầu được trí lực vô sở úy của Phật, những chúng sanh này, thật ra không có chút pháp gì để được, cũng không chỗ nương dựa để gieo căn lành.
- Nầy Đại Ca Diếp! Lúc Bồ Tát cầu Vô thượng Chánh giác, nếu có chỗ được thời là chấp trước. Nếu chấp trước thời là chấp lấy hữu vi ngoài Phật pháp, ngoài hữu vi chấp lấy vô vi. Như thế là đối với Phật pháp sanh sự chấp trước mà cho là giải thoát. Lúc chấp lấy giải thoát thời nắm cứng lấy Phật pháp chẳng bỏ rời. Nên biết người như vậy chẳng gọi là hướng đến đạo Vô thượng. Vì người này ở trong Phật pháp chấp có ngã chuyên cần tu tập, đó là luôn tương ưng với ngã chấp mà không lìa bỏ được, do đây có năng phân biệt cùng sở phân biệt, bị phân biệt này sai sử. Nếu theo phân biệt để duyên cảnh thời có lưu chuyển. Đã có lưu chuyển thời có quán xuyên. Đã có quán xuyên thời có vọng tưởng. Có vọng tưởng thời có phân biệt, do phân biệt càng thêm vọng tưởng. Đã thêm vọng tưởng thời nhiều chấp trước mà lìa xa tịch tịnh. Đã lìa tịch tịnh thời chạy theo cảnh duyên. Đã chạy theo cảnh duyên thời mất sự an ổn. Sự an ổn đây là vô phân biệt. Đã mất an ổn thời thường vào cảnh duyên. Đã thường vào thời thân cận. Đã thân cận thời có phiền não. Đã có phiền não thời có tương tục, có thêm lớn tương tục, có cùng khắp tương tục. Do đây lời nói tất cuồng loạn, tất sai lầm, bèn có ưu não, có hối hận. Đã có hối hận thời nương tựa vô minh màbị ưu não làm tổn hại. Nhưng thực ra trong đây không có chút pháp gì có thể nương tựa được. Dầu vậy, từ trong vọng tưởng sanh lưu chú mà bị vọng tưởng ràng buộc. Do sự ràng buộc này mà vọng tưởng tương tục, do đây nên gọi là vọng tưởng ràng buộc không có chân thật. Tất cả chỗ tham, sân, si đều hư vọng, là thêm phân biệt, là khắp phân biệt, là thêm chấp trước, là khắp chấp trước. Do đây không thể sớm đặng Vô thượng Bồ đề.
- Nầy Ca Diếp! Như trên đó gọi là ái kiến. Dầu vậy, nhưng không có pháp nhứt định gọi đó là ái, chỉ do chấp trước quá bền chắc mà có ái. Nếu đã là chấp trước thời ái này vẫn trống rỗng. Nếu đã trống rỗng mà sanh chấp trước thời là nhơn ái chấp trước, là ngã ái chấp trước, là chúng sanh ái chấp trước, là thiện bất thiện ái chấp trước.
- Nầy Ca Diếp! Người như vậy, đối với tất cả pháp không, mà phân biệt là chẳng phải không, đối với chẳng phải vật mà tưởng là vật. Vật nói đây chính là Bồ đề. Nếu cho Bồ đề là vật, người đó do ngã chấp bèn chẳng phải Bồ Tát. Sự chấp trong đây nếu là bất khả đắc, thì sự chấp trong kia cũng là bất khả đắc, đây gọi là ngã chấp không chơn thật, chỉ có danh từ ngã mà thôi.
Nếu có thể viên mãn hữu tình thì viên mãn Bồ đề. Thế nào gọi là viên mãn Bồ đề? Chính là như huyễn. Như huyễn đây là nói đại ngã, đại mạn. Nếu đem tưởng nương nơi tưởng, thời khác nào chẳng phải tưởng nương nơi chẳng phải tưởng. Nếu đem chẳng phải tưởng nương với chẳng phải tưởng thời như cuồng như say. Nếu cuồng say thì là đem khổ chạy theo khổ. Nếu đem khổ chạy theo khổ thì chư Phật đều nói là kẻ ở trong vòng cuồng ngôn rảo chạy, vì kẻ này nhiều tác ý. Đã nhiều tác ý thì có cống cao. Đã có cống cao thì có ngôn thuyết. Đã có ngôn thuyết thì càng thêm ngôn thuyết. Vì thêm nhiều ngôn thuyết, nên Phật gọi là kẻ ngôn thuyết, kẻ giáo thọ, kẻ thọ trì. Do đây nên các pháp đều từ tác ý mà được sanh trưởng.
- Nầy Đại Ca Diếp! Như trong hư không có mây nhóm giăng, mây này chẳng từ mười phương đến. Biết rõ mây nhóm như vậy chẳng phải từ mười phương. Đức Như Lai nói đúng sự thật, nói đúng nghĩa, nói đúng lý. Vì nói đúng lý chân thật, nên Ðức Như Lai gọi là đấng thật ngữ.
- Nầy Đại Ca Diếp! Nói rằng mây nhóm, chính là chẳng phải nhóm mà gọi là mây nhóm. Do đâu gọi là mây nhóm? Vì mây kia kết thành tướng trạng riêng biệt. Tướng trạng này do sự mê lầm thấy là rộng lớn, thật ra trong đó không có tướng nhỏ tướng lớn thật. Ông nhìn xem mây nhóm thành tướng rộng lớn kia, chính là chẳng phải tướng. Đã chẳng phải tướng thì chẳng thiệt có mây nhóm. Nầy Đại Ca Diếp! Như có kẻ bảo người khác rằng: nên cùng nhau qua chỗ râm mát mà ngồi. Người trí bảo tôi chẳng qua ngồi. Kẻ kia nói nay tôi chẳng nói như vậy, tôi chỉ nói là bóng râm mát. Người trí lại bảo: Anh nói râm mát chính nơi đó chẳng phải râm mát!
- Nầy Đại Ca Diếp! Ông xem người trí kia thuận theo thế tục mà còn có thể tỏ ngộ như vậy như vậy.
- Nầy Đại Ca Diếp! Đức Như Lai đúng như thật biết rõ lý tánh chân thật của các pháp, rồi ở trong đại chúng tự tại tuyên thuyết.
- Nầy Đại Ca Diếp! Đức Như Lai thích ở trong pháp tùy thuận mà trụ nơi chẳng tùy thuận. Nơi ngã chấp của chúng sanh, ở Như Lai là đệ nhất nghĩa. Vì nay Ðức Như Lai đã biết rõ ngã chấp kia: biết rõ sự chấp của chúng sanh là chẳng phải chấp. Đây là lời bí mật tối thắng của Phật.
Hoặc có kẻ ngu sanh lòng ngang trái tranh cãi với Như Lai, do đây Phật nói thế gian tranh cãi với Phật, Phật chẳng bao giờ tranh cãi với thế gian. Thế nào là thế gian? Chính là chúng sanh. Tại sao chúng sanh gọi là thế gian? Đức Như Lai biết rõ thế gian như vậy nên gọi chúng sanh là thế gian. Như kẻ ngu kia chỗ hiểu biết sai lầm, bị sự biết sai này làm tổn hại. Những kẻ này thường tin và ở mãi trong thế gian, theo mãi nơi thế tục, đây gọi là vô minh, vì họ ở trong sự tối tăm lớn nên gọi là ở thế gian. Nếu ở thế gian thì có tham. Nếu đã có tham thì có sân. Nếu đã có sân thì có si. Nếu đã có si thì là bất tịnh. Đã bất tịnh thì trái ngược. Trái ngược với ai? Trái với Như Lai và hàng Thanh Văn. Đã trái ngược thời chống trả. Đã chống trả thì thêm trái ngược. Thêm trái ngược thì thích hữu lậu. Đã thích hữu lậu thì tâm mong cầu. Đã mong cầu hữu lậu bèn khắp mong cầu. Đã khắp mong cầu thì chẳng biết đủ. Đã chẳng biết đủ thì nhiều gây tạo. Đã nhiều gây tạo thì nhiều tham dục. Đã nhiều tham dục thì kẻ đó chìm ngập trong ba cõi. Đã tự chìm ngập trong ba cõi thì làm cho người khác cũng chìm ngập. Đã làm người khác chìm ngập thì họ theo dòng và cũng trôi theo dòng. Nếu theo dòng và trôi theo dòng thì thẳng đến chỗ chết. Nếu thẳng đến chỗ chết thì chẳng đến được Niết Bàn. Đã chẳng đến Niết Bàn thì đến chỗ lỗi quấy. Đã đến chỗ lỗi quấy thì thẳng đến địa ngục.
- Nầy Ca Diếp! Do tương ưng với pháp chẳng lành như vậy nên tâm trở thành giận hờn độc hại và chẳng biết đậy che. Chẳng đậy che đây là nói chẳng quán ngã chấp. Vì chẳng quán sát nên chấp làm một hiệp tướng, do đây không thể tiêu diệt được ngã và ngã sở.
Thế nào gọi là ngã? Vì chấp trước chẳng đúng thật, ở nơi các thú vọng tưởng tạo những nghiệp thế gian. Nơi đây họ chấp ngã tướng cho là ngã.
Thế nào là ngã sở? Chính do tham dục gọi là ngã sở. Do các cảnh dục hòa hiệp với thân mà có tâm tham. Đã có tâm tham thì hư hoại giới tụ. Do đây sanh tâm chẳng lành đối với sở hữu của người khác. Do giận hờn mà khinh khi hủy báng lẫn nhau. Thâu lấy tài vật làm sở hữu của mình rồi ôm ấp giữ gìn, chính đây gọi là ngã sở.
Người có ngã sở thì có lưu chuyển. Đã có lưu chuyển thì có mê lầm. Đã có mê làm thì có phỉ báng. Đã có phỉ báng thì có giận hờn. Đã có giận hờn thì có giết hại. Đã có hại nhau thì bị sự hại này đốt cháy. Đã bị đốt cháy thì có khắp đốt cháy. Những lỗi trên đây đều do lòng tham dục nơi sở hữu, nên gọi là ngã sở.
Do những nghĩa trên đây nên nói ngã sở thì đã là mắng nhiếc thân mình. Kẻ ngu si vì chấp ngã mà thành ngu phu, cho nên gọi đó là ngã sở.
- Nầy Đại Ca Diếp! Nếu có chúng sanh chẳng nghe pháp này mà nói Bồ đề và Bồ Tát hạnh, thời là phi hạnh. Nên biết Bồ Tát hạnh thật không có chỗ thật hành mới chính là Bồ Tát hạnh.
- Nầy Đại Ca Diếp! Nếu Bồ Tát công hạnh viên mãn không kém, không thiếu, thanh tịnh, rất thanh tịnh, khắp thanh tịnh, thời có thể gọi là tuyên thuyết đại pháp này, gọi là bực có thế lực, bực dũng mãnh tinh tấn. Chỗ thuyết pháp của Bồ Tát này đồng với hư không, chẳng chứa đọng, chẳng trệ ngại.
Người làm đúng lý, người có công đức, người khéo tu hành, trọn chẳng bao giờ làm điều phi lý, không công đức, chẳng tu hành.
Các ông phải thọ trì pháp này. Ở trong pháp này chớ sanh lòng chấp trước. Vì pháp của Như Lai nói rất là đệ nhứt. Vì là bực căn tánh tối thượng thưa hỏi, nên ta đem thắng pháp mà giải thuyết. Thế nào là thắng pháp? Chính là không pháp chấp.
- Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát như vậy hộ trì đầy đủ tịnh giới ban đầu, tâm chẳng cống cao, chẳng tạo nghiệp vô gián, chẳng phạm Tỳ Kheo Ni, chẳng gần gũi nhà người tục, không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, và lìa bỏ tham dục, sân hận, tà kiến. Bồ Tát này chẳng tự não hại cũng chẳng não hại người khác, chẳng chung cùng với cảnh dục, cũng chẳng thọ dục, chẳng bài bạc cũng chẳng bảo người. Bồ Tát này trọn chẳng gần gũi kẻ lai căn, chẳng đến nhà dâm nữ, đàn bà góa, xử nữ, chẳng gẫn gũi vợ người, cũng chẳng gẫn gũi kẻ lưới chim bắt cá, kẻ săn bắn và và Chiên Đàn La, chẳng đấu tránh và chẳng nắm tay người uống rượu. Bồ Tát lìa xa những việc trên đây như tránh chó điên cùng kẻ sát nhân. Do có lòng từ nên đối với tất cả chỗ xa lìa trên, Bồ Tát không bao giờ sanh một niệm ác.
Có hai mươi chỗ Bồ Tát phải xa lìa. Bồ Tát xa lìa người nữ, cũng chẳng cùng họ đùa cợt nói thô nói tục, chẳng cùng họ luận bàn cãi cọ. Đối với cha mẹ và Tam Bảo, Bồ Tát tránh lỗi chẳng cung kính. Chẳng thuyết pháp cho nhóm người nữ dưới số hai mươi, trừ khi có người nam. Trọn chẳng đến hội thuyết pháp của chúng Tỳ Kheo Ni, cũng chẳng nên thăm hỏi các Tỳ Kheo Ni. Chẳng viết thơ từ cho người nữ. Nếu vì người khác đem thơ cho người nữ thì phải giao cho người chồng chớ trao cho vợ.
Thân tộc thỉnh mời riêng trọn chẳng nhận không luận lúc nào. Chẳng bao giờ có dục tâm ở trước người nữ dầu trong giây lát. Lại cũng chẳng nên rời chỗ ở của mình đến chỗ khuất chuyện vãn với người nữ. Chẳng cùng Tỳ Kheo Ni đi chung đường. Chẳng lãnh y phục của Tỳ Kheo Ni bố thí, trừ lúc vì tứ chúng thuyết pháp, lúc được thí y, nên có quan niệm như mặt đất hứng chịu đồ vật rồi sau sẽ lãnh lấy y phục, chẳng nên nhìn riêng mặt của người bố thí. Nếu nghe có Tỳ Kheo Ni khuyên người thí y phục thì chẳng nên thọ. Nếu Tỳ Kheo Ni mời thỉnh ăn uống; dầu có bịnh cũng chẳng thọ huống là lúc không bịnh. Nếu có đàn bà góa đến mời ăn, Tăng số chẳng đủ thì cũng chẳng thọ. Cũng chẳng nên vào trong chúng Tỳ Kheo Ni. Chẳng nên kêu Tỳ Kheo Ni đến. Nếu Tỳ Kheo Ni đến kêu Bồ Tát, thì phải vòng tay ngước đầu xây lưng lại bỏ đi. Lúc Bồ Tát thuyết pháp nếu có Tỳ Kheo Ni đến đảnh lễ dưới chân, thì chớ động chân, mắt nên nhìn ngay hai bàn tay.
Bồ Tát chẳng nên chỉ nơi thân tu tập tinh tấn, mà tâm cũng phải siêng cần chánh niệm. Đối với tất cả cảnh duyên chớ sanh lòng tham sân. Nên phát thệ nguyện vững chắc để cầu nhứt thiết chủng trí. Khi được nghe pháp này rồi phải có lòng tin và nên siêng tu học.
- Nầy Đại Ca Diếp! Nếu có thiện nam hay thiện nữ muốn hướng đến Bồ Tát thừa, vừa nghe được pháp này nếu không có lòng tin thiết thiệt sâu chắc, thì trọn chẳng thể được Vô thượng Chánh giác. Vì do tu học mới chứng được quả Bồ đề, chẳng phải không tu học mà có thể chứng được. Nếu không tu tập mà chứng được Bồ đề, thì những loại mèo, thỏ v.v... lẽ ra cũng được chứng. Phải có chánh hạnh mới chứng được Bồ đề. Nếu không chánh hạnh mà vẫn được Bồ đề, thì ngôn thuyết tiếng tăm lẽ ra cũng chứng được Bồ đề. Giả sử tất cả chúng sanh trong Đại Thiên thế giới đồng vì một chúng sanh trải qua trăm ngàn kiếp mà bảo rằng: Ngươi nên làm Phật! Ngươi phải làm Phật! Rồi đồng vây quanh liền tiếng xướng rằng: Sẽ được thành Phật! Sẽ được thành Phật! Bảo và xướng luôn như vậy không xen hở vẫn không thể nên được tâm Bồ đề ban đầu, huống là có thể chứng quả Phật vô thượng.
- Nầy Đại Ca Diếp! Chúng sanh nào tu học được hạnh này thì đáng gọi là hi hữu. Đức Như Lai xuất hiện ra đời là việc rất khó. Trong thời kỳ mạt pháp sau khi ta diệt độ, các ông cũng đã nhập Niết Bàn, chư Thiên lại chẳng tin, chẳng hộ trợ, lúc đó có nhiều chúng sanh nghe công đức của Phật mà phát tâm Bồ đề. Hoặc có hàng Tỳ Kheo dầu đã phát tâm Bồ đề nhưng vẫn phạm hai mươi lỗi trên. Nầy Đại Ca Diếp! Như hiện nay hàng đa văn Tỳ Kheo ở chỗ tịch tịnh, hoặc ở xóm làng, siêng tu chánh pháp, thì đời mạt pháp sau này các Tỳ Kheo ở chỗ tịch tịnh, hoặc ở xóm làng trái lại phạm lỗi: họ cùng các Tỳ Kheo Ni hội họp luận bàn vấn đáp pháp nghĩa. Các Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni này phần nhiều sanh nhiễm tâm, ít có người sanh pháp tâm.
- Nầy Đại Ca Diếp! Ông quan sát hạng người đó được tên Bồ Tát mà sa vào chỗ rất nguy hiểm thẳng đến ác thú.
Trong thời kỳ mạt pháp đó, ban đầu họ vì pháp duyên mà gần gũi nhau, do thường thấy nhau nên lửa dục nhen nhúm trong lòng, động nơi môi miệng để nêu bày niệm dục. Ban đầu họ gần nhau lấy lễ đệ tử cung kính A Xà Lê. Từ đó về sau họ sai người hỏi han thăm viếng rồi lần lần hẹn gặp nhau ngoài đường ngoài ngõ, kế đến trong chùa đứng xa liếc ngó nhau. Trong lúc ra vào họ hỏi thăm nhau, kết làm anh em, chị em. Vì họ thường gặp nhau bèn sanh nhiễm tâm, đã có nhiễm tâm bèn cùng nhau làm sự ô uế. Đã làm sự ô uế bèn dùng danh từ chẳng phải phạm hạnh để kêu gọi nhau. Do đây họ thối thất tâm Bồ đề, mất quả lành, xa Niết Bàn, bỏ Phật, trái Pháp, nhàm Tăng. Những người này ở chỗ khuất sanh những tưởng niệm tham dục, sân hận, não hại. Những người này không có thắng nghiệp của Bồ Tát và bốn hạnh thanh tịnh.
Như hiện nay, các Bồ Tát chuyên cần tu phạm hạnh, trái lại, đời mạt pháp sau này phần nhiều sinh lòng tham dục, sân khuể, não hại, trụ trong chủng loại ác hạnh, tặc hạnh, kiểu hạnh.
- Nầy Đại Ca Diếp! Ông quan sát đời vị lai những người phá hủy cấm giới nghe kinh này liền sanh lòng phỉ báng. Nếu có người đã trụ nơi giới thật hành bố thí, phát Bồ đề tâm, lúc sau nghe kinh này trở lại sanh lòng hủy báng.
- Nầy Đại Ca Diếp! Đời vị lai sau này, nếu có người trí tu hành tịnh giới thọ trì chánh pháp, biết Tỳ Kheo chẳng thật hành đúng pháp như trong kinh này đã nói, phải liền lánh xa. Vì hạng Tỳ Kheo này không có lòng mến ưa và kính trọng chánh pháp.

« Kinh này có tổng cộng 120 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vầng sáng từ phương Đông


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Học đạo trong đời


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.93.122 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập