Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bảo Tích Kinh [大寶積經] »» Bản Việt dịch quyển số 37 »»

Đại Bảo Tích Kinh [大寶積經] »» Bản Việt dịch quyển số 37

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.68 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.82 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bửu Tích

Kinh này có 120 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

4. PHẨM NHƯ LAI BẤT TƯ NGHÌ TÁNH
Lúc bấy giờ Ðức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Chư Ðại Bồ Tát ấy khéo an trụ nơi đức tin thanh tịnh như vậy rồi, lại có thể tín thọ mười thứ pháp bất tư nghị của Ðức Như Lai Chánh Biến Tri, phụng trì kỹ lưỡng thanh tịnh không lầm không nghỉ, chẳng phân biệt sai khác, lại càng hớn hở rất vui mừng phát lý tưởng cho là hi hữu lạ lùng
Những gì gọi là mười pháp bất tư nghị của Như Lai?
- Nầy Xá Lợi Phất! Một là tín thọ thân Như Lai bất tư nghị. Hai là tín thọ âm thanh Như Lai bất tư nghị. Ba là tín thọ trí Như Lai bất tư nghị. Bốn là tín thọ quang minh Như Lai bất tư nghị. Năm là tín thọ thi la và chánh định Như Lai bất tư nghị. Sáu là tín thọ thần thông Như Lai bất tư nghị. Bảy là tín thọ lực Như Lai bất tư nghị. Tám là tín thọ vô úy Như Lai bất tư nghị. Chín là tín thọ đại bi Như Lai bất tư nghị. Mười là tín thọ Phật pháp bất cộng Như Lai bất tư nghị.
Đó gọi mà mười thứ pháp bất tư nghị. Nếu có Ðại Bồ Tát vì cầu pháp mà phát khởi chánh cần chẳng khiếp chẳng thối chẳng bỏ rời mà phát tâm như vầy: nay tôi chưa được pháp bất tư nghị thà khiến gió chuyển xoay thân tôi da thịt gân xương thọ khổ não lớn, hoặc lại máu thịt khô kiệt, chớ tâm tôi vẫn siêng tu tinh tiến không tạm bỏ giữa chừng.
- Nầy Xá Lợi Phất! Chư Ðại Bồ Tát đã được tín giải nếu nghe mười thứ pháp bất tư nghị của Như Lai như vậy thì tín thọ phụng trì kỹ lưỡng thanh tịnh không nghi lài càng hớn hở rất vui mừng phát sanh tưởng nghĩ là hi hữu là lùng".
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Thân Phật bất tư nghị
Là pháp thân hiển hiện
Không tướng chẳng thấy được
Chỉ Phật tử tin được
Các chúng sanh nhiều loại
Âm thanh bất tư nghị
Theo tiếng mà thuyết pháp
Tin cảnh giới chư Phật
Tất cả loài quần sanh
Ba đời căn tánh khác
Phật đều biết rõ cả
Tin là bất tư nghị
Chư Phật vô biên quan
Quang minh chẳng nghĩ bàn
Chiếu khắp mười phương cõi
Vô biên biển Phật độ
Phật giới luật siêu đời
Chẳng y chỉ thế pháp
Thần túc bất tư nghị
Bồ Tát tín thọ được
Chúng sanh chẳng biết được
Cảnh giới của Như Lai
Như Lai thường tại định
Giải thoát bất tư nghị
Pháp giới chẳng tạp nhau
Chỉ Phật lực biết được
Các trí lực của Phật
Dường như không vô biên
Vì lợi một chúng sanh
Mà trụ vô biên kiếp
Khiến họ được điều phục
Đại bi tâm như vậy
Tất cả các quần sanh
Nhiều thứ pháp vấn nạn
Một tiếng làm vui hiểu
Vô úy bất tư nghị
Thành nhứt thiết chủng trí
Thấy rõ tất cả pháp
Và Phật pháp bất cộng
Phật trí đều thấy cả
Tất cả pháp chư Phật
Khó nghĩ bàn như vậy
Có ai kính tin được
Là khéo trụ đức tin.
- Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát đối với thân Như Lai bất tư nghị mà tín thọ phụng trì kỹ lưỡng thanh tịnh không nghi ngờ lại càng hớn hở vui mừng phát sanh tưởng nghĩ là hi hữu là lùng?
- Nầy Xá Lợi Phất! Thân Như Lai dứt hẳn tất cả pháp ác bất thiện. Tại sao? Vì hay thành tựu tất cả các pháp lành vi diệu.
Thân Như Lai xa rời tất cả mũi dãi đàm nhớt mủ máu đại tiện tiểu tiện nhơ uế. Tại sao? Vì từ lâu xa Ðức Như Lai đã giải thoát tất cả xương thịt gân mạch.
Thân Như Lai tự tánh sạch sẽ. Tại sao? Vì từ lâu xa Ðức Như Lai đã rời lìa tất cả phiền não cấu uế.
Thân Như Lai hơn hẳn thế gian. Tại sao? Vì chẳng bị thế pháp ô nhiễm.
Thân Như Lai là vô lượng công đức, từ lâu đã chứa họp tư lương phước trí. Là chỗ y chỉ huệ mạng của tất cả chúng sanh.
Thân Như Lai là chỗ huân tu vô lượng giới thanh tịnh, là chỗ huân tu của vô lượng giới thanh tịnh, là chỗ huân tu của vô lượng chánh định, vô lượng huệ và giải thoát, tri kiến giải thoát.
Thân Như Lai là chỗ nghiêm sức của các bông hoa công đức.
Thân Như Lai như hình tượng vi diệu trong gương sạch, như bóng trăng tròn sáng trong nước trong, và chói sáng như ánh nắng.
Thân Như Lai chẳng thể nghĩ bàn đồng với hư không giới tột cả pháp giới tánh.
Thân Như Lai thanh tịnh không ô nhiễm rời xa tất cả những uế trược ô nhiễm.
Thân Như Lai tức là vô vị rời xa tất cả những tướng hữu vi.
Thân Như Lai là thân hư không, là thân vô đẳng, là thân vô đẳng đẳng, là thân mà tất cả ba cõi đều không so sánh bằng được, là thân không ví dụ được, là thân không gì tương tợ.
Thân Như Lai thanh tịnh không cấu nhơ rời lìa phiền não tự tánh trong suốt.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thân Như Lai chẳng thể lấy tiền tế để cầu, chẳng thể lấy hậu tế để cầu, chẳng thể lấy hiện tại để cầu, chẳng thể lấy dòng họ chỗ đang sanh để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy sắc để cầu, chẳng thể lấy tướng để cầu, chẳng thể lấy đẹp tốt để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy tâm để cầu, chẳng thể lấy ý để cầu, chẳng thể lấy thức để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy sự thấy để cầu, chẳng thể lấy sự nghe để cầu, chẳng thể lấy sự tưởng nhớ để cầu, chẳng thể lấy sự biết rõ để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy uẩn để cầu, chẳng thể lấy xứ để cầu, chẳng thể lấy giới để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy sanh để cầu, chẳng thể lấy trụ để cầu, chẳng thể lấy hoại diệt để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy thủ để cầu, chẳng thể lấy xả để cầu, chẳng thể lấy xuất ly để cầu, chẳng thể lấy hành để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy hiển sắc để cầu, chẳng thể lấy tướng mạo để cầu, chẳng thể lấy hình sắc để cầu, chẳng thể lấy đến để cầu, chẳng thể lấy đi để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy tác ý tịnh giới để cầu, chẳng thể lấy tác ý đẳng quán để cầu, chẳng thể lấy tác ý chánh huệ để cầu, chẳng thể lấy tác ý giải thoát để cầu, chẳng thể lấy tác ý tri kiến giải thoát để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy hữu tướng để cầu, chẳng thể lấy vô tướng để cầu, chẳng thể lấy các pháp tướng để cầu.
Thân Như Lai chẳng thể lấy lực tăng ích để cầu, chẳng thể lấy vô úy tăng ích để cầu, chẳng thể lấy vô ngại biện tăng ích để cầu, chẳng thể lấy thần thông tăng ích để cầu, chẳng thể lấy đại bi tăng ích để cầu, chẳng thể lấy bất cộng Phật pháp tăng ích để cầu.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn cầu thân Như Lai thì phải như huyễn như hóa như trăng trong nước, tự tánh như vậy mà cầu thân Như Lai.
- Nầy Xá Lợi Phất! Thân Như Lai là thân không giải thoát, vô tướng giải thoát và vô nguyện giải thoát, là thân không biến dị, là thân không động không hoại, là thân không phân biệt, là thân không y chỉ, là thân không tư lự.
Thân Như Lai là thân an trụ thiện trụ được chẳng biến động.
Thân Như Lai là thân tự tánh sắc không có sắc, là thân tự tánh thọ không có thọ, là thân tự tánh tưởng không có tưởng, là thân tự tánh hành không có hành, là thân tự tánh thức không có thức.
Thân Như Lai là thân không có tứ đại vô hữu vô sanh, là pháp hân hi hữu.
Thân Như Lai chẳng phải cảnh của nhãn, nó chẳng ở trong sắc cũng chẳng ở ngoài; chẳng y cứ nơi nhĩ, chẳng ở trong thanh cũng chẳng ở ngoài; chẳng phải tỷ biết được, chẳng ở trong hương cũng chẳng ở ngoài; chẳng phải thiệt hiển hiện được, chẳng ở trong vị cũng chẳng ở ngoài; chẳng hiện với thân, chẳng trong xúc cũng chẳng ở ngoài.
Thân Như Lai chẳng y cứ nơi tâm để chuyển, chẳng y cứ nơi ý để chuyển, chẳng y cứ nơi thức để chuyển, thường an trụ bất động, chẳng phải là xoay về cũng chẳng chuyển theo.
- Nầy Xá Lợi Phất! Thân Như Lai lượng đồng hư không, tột pháp giới tận hư không giới.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đó gọi là thân Như Lai bất tư nghị đệ nhứt.
Chư Ðại Bồ Tát ấy nghe thân Như Lai bất tư nghị như hư không rồi, tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng rất hy kỳ".
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Câu chi na do kiếp
Hành vô lượng hạnh lớn
Khéo sạch thân ba nghiệp
Được thân Phật vô đẳng
Từ tâm khắp mười phương
Khởi đại bi bố thí
Thường rời sự tà dâm
Được thân thắng hư không
Nơi Thế Tôn phước điền
Phật tử rộng cúng dường
Xả thí y phục quý
Như vô lượng hằng sa
Phụng trì giới thanh tịnh
Như trâu ly giữ đuôi
Dầu thân bị đập nát
Đại nhẫn đối oán thù
Tinh tiến ba la mật
Tu hành tột khổ nhọc
Phát thệ nguyện rộng lớn
Cầu thân Phật thường trụ
Thích quán các định cảnh
Thích trí huệ phương tiện
Thích quán pháp giới tánh
Nguyện thân đồng pháp giới
Nơi Phật tu hành rồi
Thành diệu giác vô đẳng
Được thân hư không lớn
Trắng trong rời bụi nhơ
Tánh không không ngã nhơn
Vô tướng chẳng nói được
Chứng thân Như Lai nầy
Quá cảnh giới của nhãn
Ý tịnh rời sắc thân
Bổn không không khởi tác
Người thấy thân chơn như
Thì thấy mười phương Phật
Như các thứ ảo thuật
Hóa voi ngựa người cuồng
Phỉnh gạt kẻ ngu khờ
Như vậy xem mười phương
Vô lượng Phật ba đời
Đồng ở thân pháp tánh
Hư không vô đẳng đẳng
Pháp giới tột thanh tịnh.
Như vậy nầy Xá Lợi Phất! Đó gọi là thân Như Lai bất tư nghị. Đại Bồ Tát tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ".
Lúc đó Ðức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Thế nào là Ðại Bồ Tát ở nơi âm thanh Như Lai bất tư nghị tin nhận vâng theo thanh tịnh không nghi, lại càng hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai xuất thế thương xót các chúng sanh nên diễn bày chánh pháp để giáo hóa. Âm thanh của Ðức Phật phát ra vừa bằng với chúng hội, vì do nơi sức chúng sanh được điều phục. Âm thanh của Như Lai khắp cả vô lượng thế giới mười phương, vì làm cho lòng chúng sanh hoan hỷ.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nhưng chư Như Lai phát ra âm thanh dầu khắp cả thế giới mà chẳng nghĩ là ta vì chúng Tỳ Kheo thuyết pháp, vì chúng Tỳ Kheo Ni thuyết pháp, vì chúng Ưu Bà Tắc thuyết pháp, vì chúng Ưu Bà Di thuyết pháp, vì chúng Bà La Môn, chúng Sát Đế Lợi, chúng Trưởng Giả, chúng chư Thiên, chúng Phạm Thiên v.v... thuyết pháp. Như Lai cũng chẳng nghĩ rằng nay ta diễn nói khế kinh, trùng tụng, thọ ký, kệ tụng, tự thuyết, duyên khởi, bổn sự, bổn sanh, phương quảng, vị tằng hữu, thí dụ, luận nghị. Với mười hai phần giáo như vậy, Ðức Như Lai chưa bao giờ nghĩ là vì chúng mà diễn bày.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai tùy theo các chúng nhóm họp đến, đó là chúng Tỳ Kheo nhẫn đến chúng Phạm Thiên, như các môn chánh cần mà họ đã được nghe, mà vì họ thuyết pháp. Vì thích nghe pháp nên các chúng sanh ấy đều riêng tự cho được nghe tiếng nói pháp từ miệng Ðức Phật phát ra. Nhưng tiếng nói pháp ấy đối với các loại ngôn từ của họ nói đều không chướng ngại, họ đều riêng hiểu biết nơi pháp mà họ được rõ. Đây thì gọi là âm thanh chẳng thể nghĩ bàn được.
- Nầy Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai do phước thuở trước mà cảm quả báo âm thanh có vô lượng tướng. Những là âm thanh hiền từ, âm thanh vừa ý, âm thanh vui lòng, âm thanh thanh tịnh, âm thanh ly cấu, âm thanh mỹ diệu, âm thanh thích nghe, âm thanh rành rẽ, âm thanh chẳng cứng chẳng rít, âm thanh làm cho thân tâm vui đẹp thơ thới, âm thanh làm cho tâm hớn hở, âm thanh làm cho tâm vui mừng, âm thanh phát khởi hỷ lạc, âm thanh dễ hiểu, âm thanh dễ biết âm thanh chánh trực, âm thanh khả ái, âm thanh khả hỷ, âm thanh mừng rỡ, âm thanh đẹp ý, âm thanh sư tử hống, âm thanh sấm nổ lớn, âm thanh biển vang lớn, âm thanh Khẩn Na La Thần ca ngậm, âm thanh ca lăng tần già kêu hót, âm thanh Phạm Thiên, âm thanh trống trời, âm thanh cát tường, âm thanh nhu nhuyến, âm thanh hiển sướng, âm thanh sâu xa như sấm to, âm thanh tất cả chúng sanh các căn đều mừng, âm thanh vừa xứng tất cả chúng hội, âm thanh thành tựu tất cả tướng vi diệu.
- Nầy Xá Lợi Phất! Âm thanh của Như Lai đầy đủ những công đức thù thắng như vậy, và còn vô lượng vô biên công đức trang nghiêm.
Đây gọi là âm thanh bất tư nghị thứ hai của Ðức Như Lai.
Chư Ðại Bồ Tát ấy nghe âm thanh bất tư nghị của Ðức Như Lai đầy đủ vô lượng công đức thù thắng tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi, càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ".
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Đức Phật phát diệu âm
Gọi là phạm âm thanh
Do pháp nầy đầy đủ
Khiến Phạm Thiên vui mừng
Đức Phật diễn diệu âm
Từ đại bi phát ra
Tương ưng với đức từ
Cũng tương ưng hỉ xả
Âm thanh đầy đủ ấy
Tắt lửa tham chúng sanh
Dứt trừ độc giận thù
Phá vỡ những si tối
Giả sử châu Diêm Phù
Có vô lượng tiếng người
Dầu được nghe khắp cả
Vẫn chẳng ngộ giải thoát
Tiếng thiên địa hư không
Nghe chẳng tỏ cũng vậy
Nếu nghe tiếng của Phật
Chắc chứng được Niết Bàn
Loài hai chưn, bốn chưn
Nhiều chưn và không chưn
Đều đồng tiếng với họ
Cho họ rõ thiện ác
Trong Đại Thiên thế giới
Âm thanh thượng trung hạ
Theo các loại âm thanh
Giáo hóa chứng giải thoát
Diễn tiếng vô phân biệt
Không trói không nhiếp thọ
Tại định nói chơn thế
Người nghe hết phiền não
Vô biên chúng sanh nghe
Âm thanh Phật Pháp Tăng
Và thí giới văn nhẫn
Âm thanh Phật như vậy
Tiếng Phật không hạn lượng
Thanh Trí đều vô biên
Tin chắc âm thanh Phật
Chỉ trí huệ Bồ Tát".
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Thế nào là Ðại Bồ Tát đối với đại trí bất tư nghị của Ðức Như Lai mà tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý hy kỳ?
- Nầy Xá Lợi Phất! Trí thấy biết vô ngại của Ðức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, ở trong tất cả pháp y cứ nơi đó mà phát khởi. Chư Ðại Bồ Tát thì tín thọ vâng thờ được, càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ".
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai vì phát sanh tín tâm nên y cứ nơi Như Lai trí ba la mật đa mà rộng nói những ví dụ. Những người có trí bèn được hiểu biết.
- Nầy Xá Lợi Phất! Giả sử có người đem tất cả thảo mộc cây nhánh gốc lá của trong những thế giới số bằng cát sông Hằng chất lại thành một đống lớn rồi đốt cháy thành than đen. Đem hết số than đen ấy đổ vào trong biển của hằng sa thế giới. Sau đó trăm ngàn năm mới lấy đem mài tất cả thành nước mực.
- Nầy Xá Lợi Phất! Trí thấy biết vô ngại của Ðức Như Lai thành tựu, lấy một giọt nước mực trong biển lớn ấy, do sức trí thấy biết nên phân tích biết rõ ràng đó là do cây hay nhánh lá hoa quả v.v... trong thế giới ấy làm thành. Tại sao? Vì Ðức Như Lai khéo thông đạt pháp giới nên biết rõ được giọt mực ấy từ cây lá trong thế giới ấy làm thành.
Theo thứ đệ như vậy nhẫn đến nói rộng ra.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đó gọi là Ðức Như Lai Chánh Biến Tri có đủ sức đại thần thông như vậy, có đủ sức đại oai đức như vậy, có đủ sức đại tông thế như vậy. Thế nên có thiện nam thiện nữ đối với trí thấy biết rộng lớn của Ðức Như Lai mà tin nhận thanh tịnh, lại sanh lòng ái kính đối với Ðức Phật, thì căn lành của thiện nam thiện nữ ấy chẳng có ngằn mé, họ mau hết khổ tế. Tại sao? Vì Ðức Như Lai khéo thông đạt pháp giới. Do vì thông đạt nên nếu có chúng sanh nào đối với Ðức Như Lai mà phát khởi chút căn lành thì mãi mãi đến lúc hết khổ tế, căn lành ấy vẫn chẳng hư hoại.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nay ta sẽ vì ông mà nói ví dụ nữa. Khiến cho người trí do đây mà hiểu nghĩa.
Ví như có nam tử sống trăm tuổi. Người nầy tán chia một đầu sợi lông ra làm một trăm năm mươi phần, rồi lấy một phần lông thấm một giọt nước đem đến chỗ ta mà nói rằng: xin gởi giọt nước nầy cho Ngài, sau đây nếu tôi cần dùng xin Ngài ban lại cho tôi. Đức Như Lai nhận giọt nước ấy đem để trong sông Hằng, nước sông Hằng hòa lẫn cuốn chảy thẳng đến biển lớn. Sau đó trăm năm, người ấy đến xin ta trả lại giọt nước đã gởi.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai thành tựu trí thấy biết chẳng thể nghĩ bàn. Do trí nầy mà Ðức Như Lai thấy biết giọt nước ấy ở trong biển lớn, bèn lấy một phần lông đến trong biển lớn thấm giọt nước ấy để trao lại cho người gởi.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ví dụ ấy có nghĩa là gì? Đó là chúng sanh đã từng đem một giọt nước nhỏ căn lành gởi vào tay phước điền của Như Lai thì còn mãi chẳng mất.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam thiện nữ đối với trí bất tư nghị của Ðức Như Lai mà tin nhận thanh tịnh sanh lòng ái kính. Vì tưởng niệm Ðức Như Lai mà cúng dường nhiều thứ, lại đem hoa đẹp rải lên dưng cúng. Căn lành của người nầy không ai biết được ngằn mé, mau hết khổ tế. Tại sao? Vì Ðức Như Lai khéo thông đạt pháp giới, nên có ai phát khởi một tâm niệm lành đối với Ðức Như Lai thì cùng tận khổ tế vẫn chẳng hư hoại".
Bấy giờ Trưởng Giả Xá Lợi Phất bạch Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Trí bất tư nghị của Ðức Như Lai có phải rời thức mà chuyển chăng?".
Đức Phật phán: "Không phải".
Ngài Xá Lợi Phất lại bạch: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu như vậy thì thế nào là trí và thế nào là thức?".
Đức Phật phán: "Nầy Xá Lợi Phất! Có bốn thứ thức trụ. Vì thức y cứ nơi đó mà an trụ nên gọi là thức trụ.
Một là sắc thức trụ, thức duyên nơi sắc, thức trụ trong sắc, do đó mà sanh ra ưa thích trụ trước càng thêm lớn mạnh vững chắc rộng lớn.
Hai là thọ thức trụ, thứ duyên nơi thọ, thức trụ trong thọ, do đó mà sanh ra ưa thích trụ trước càng thêm lớn mạnh vững chắc rộng lớn.
Ba là tưởng thức trụ, thức duyên nơi tưởng, thức trụ trong tưởng, do đó mà sanh ra ưa thích trụ trước càng thêm lớn mạnh vững chắc rộng lớn.
Bốn là hành thức trụ, thức duyên nơi hành, thức trụ trong hành, do đó mà sanh ra ưa thích trụ trước càng thêm lớn mạnh vững chắc rộng lớn.
Những tướng như vậy gọi đó là thức.
Lại lấy những gì gọi đó là trí? Đó là chẳng trụ trong năm thọ uẩn mà tỏ thấu uẩn thì gọi là trí.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Gọi là thức, đó là hay rõ biết địa đại chủng, thủy đại chủng hỏa đại chủng và phong đại chủng thì gọi là thức.
Gọi là trí, đó là chẳng trụ trong bốn đại chủng khéo thông đạt được pháp giới của thức mà chẳng xen tạp nhau thì gọi là trí.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Gọi là thức, đó là ha rõ biết sắc được biết của nhãn, thanh được biết của nhĩ, hương được biết của tỷ, vị được biết của thiệt, xúc được biết của thân và pháp được biết của ý thì gọi là thức.
Gọi là trí, đó là nơi trong tịch tịnh chẳng đi nơi ngoài chỉ y nơi trí, chẳng ở nơi một pháp nào mà sanh phân biệt và các thứ phân biệt thì gọi là trí.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Theo cảnh giới mà sanh thì gọi là thức, theo tác ý mà sanh thì gọi là thức, theo phân biệt mà sanh thì gọi là thức. Còn không lấy không nắm, không có sở duyên, không chỗ rõ biết, không có phân biệt thì gọi là trí.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Gọi là thức, đó là trụ nơi pháp hữu vi. Tại sao? Vì trong pháp vô vi, thức không hiện hành được. Nếu rõ thấu được pháp vô vi thì gọi là trí.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Trụ nơi sanh diệt thì gọi là thức. Không sanh không diệt có chỗ trụ thì gọi là trí.
- Nầy Xá Lợi Phất! Các hành tướng như vậy, hoặc là thức hoặc là trí, đó gọi là đại trí bất tư nghị thứ ba của Ðức Như Lai.
Nếu chư Ðại Bồ Tát nghe đại trí bất tư nghị không chướng không ngại trong tất cả pháp y đó mà sanh khởi như vậy liền tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tuởng hy kỳ".
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Vô lượng hằng sa cõi
Cây cỏ lá bông trái
Đều đốt thành tro mực
Ức năm mà nơi biển
Thập lực trí sâu diệu
Lấy một giọt bảo lành
Biết rõ cây cõi nào
Mài thành giọt mực nầy
Đem trần thủy mười phương
Trình bày trước Như Lai
Trí Phật đồng hư không
Biết khắp không nghi trệ
Tâm chúng sanh mười phương
Hiện hành tham sân si
Đều biết được như thiệt
Giải thoát không tăng giảm
Mười trí lực của Phật
Soi sáng khắp pháp giới
Không phân biệt tư lự
Bồ Tát hay tin nhận".
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Thế nào là Ðại Bồ Tát đối với đại quang bất tư nghị của Ðức Như Lai mà tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ?
- Nầy Xá Lợi Phất! Vì chư Phật Như Lai thông đạt pháp giới nên chẳng thể nghĩ bàn: Do vì thông đạt nên tất cả Như Lai phóng quang minh lớn chiếu khắp cõi Đại Thiên mà không chướng ngại.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ví như trong hư không không có mây mù, mặt nhựt lên cao phóng ánh sáng lớn chiếu khắp thế gian. Chư Phật Như Lai phóng đại quang minh chiếu khắp tất cả cũng như vậy.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Trong thế gian, ánh sáng ngọn đèn dầu đối với ánh sáng lớn chói sáng hơn nhiều. Ánh sáng ngọn đuốc sáng hơn đèn dầu. Đống lửa đình liệu lại sáng hơn lửa đuốc. Dược thảo phát ánh sáng lại hơn đống lửa. Ánh sáng tinh tú lại hơn dược thảo. Trăng tròn chiếu sáng hơn tinh tú nhiều. Trời nắng giữa trưa sáng gấp bội vầng nguyệt. Thân trời Tứ Vương cùng cung điện thềm vách đồ trang nghiêm phát ánh sáng hơn mặt trời không gì ví dụ được. Cứ như vậy mà so sánh đến ánh sáng phát ra từ thân trời Tha Hóa cùng cung điện thềm vách đồ trang nghiêm hơn ánh sáng trước. Ánh sáng của các trời Phạm Chúng, Phạm Phụ, Phạm Vương, Thiểu Quang, Vô Lượng Quang, Quang Âm, Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh, Biến Tịnh, Quảng Quả, Hữu Tưởng, Vô Tưởng, Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Hiện, Thiện Kiến và Sắc Cứu Cánh Thiên phát ra là tối đệ nhứt so với các ánh sáng trước. Đem ánh sáng trời Sắc Cứu Cánh so với ánh sáng của Ðức Như Lai Chánh Biến Tri, thì ánh sáng của Ðức Như Lai hơn kia nhiều, vi diệu chiếu sáng thanh tịnh rộng lớn đệ nhứt, chẳng gì ví dụ được.
Tại sao?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ánh sáng của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Ánh sáng ấy từ vô lượng giới tụ phát sanh, từ đẳng trì tụ phát sanh, từ huệ tụ, giải thoát tụ và giải thoát tri kiến tụ phát sanh. Từ vô lượng công đức như vậy phát sanh ánh sáng của Ðức Như Lai.
- Nầy Xá Lợi Phất! Bao nhiêu những ánh sáng trong cõi Đại Thiên so với ánh sáng của Ðức Như Lai chẳng bằng một phần trăm, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà, ví dụ toán số đều chẳng đếm được.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Như đem vàng diêm phù đàn để trong vàng thường, nó làm cho vàng thường ấy như đống mực không còn chói sáng. Ánh sáng của cõi Đại Thiên ở trước ánh sáng của Như Lai thì tất cả sự chói sáng cũng như vậy.
Lại tất cả những ánh sáng ở thế gian ở trước ánh sáng của Ðức Như Lai thì không còn gọi được là có sáng có chói nữa.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Ông phải biết rằng nếu Ðức Như Lai chẳng vì thương xót các chúng sanh nên nhiếp lấy ánh sáng nơi thân còn một tầm, mà chỉ dùng ánh sáng sanh ra từ một phần ít hạnh nghiệp cũng chiếu được khắp cả cõi Đại Thiên làm cho ánh sáng của mặt nhựt mặt nguyệt không còn phát hiện. Và như vậy thì chẳng còn phân biệt có ngày có đêm, chẳng còn phân biệt có tháng, nửa tháng, ngày, giờ, thời tiết, năm tháng. Chỉ vì thương các chúng sanh mà các Ðức Như Lai hiện chiếu một tầm.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nếu Ðức Như Lai Chánh Biến Tri phát ý muốn dùng ánh sáng chiếu khắp vô lượng vô biên vô số thế giới thì có thể chiếu khắp. Tại sao? Vì Ðức Như Lai đã được đệ nhứt Bát nhã ba la mật đa vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nay ta vì ông lại nói ví dụ để thuyết minh lại nghĩa ấy. Những người có trí càng hiểu rõ thêm.
Ví như có người đem cõi Đại Thiên nghiền nát làm vi trần để trong tay áo rồi đi qua phương Đông quá những thế giới như số vi trần ấy mới bỏ rơi một vi trần, làn lượt đi và bỏ rơi đến hết số vi trần ấy, mà chưa biết hết những thế giới ở phương Đông. Các phương Nam, Tây, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, trên, dưới cũng như vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Có người nào có thể được biên tế các thế giới ấy chăng?".
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn! Không có".
Đức Phật phán: "Nầy Xá Lợi Phất! Bao nhiêu ánh sáng có trong các thế giới ấy vô lượng vô biên chẳng nghĩ bàn được. Mà ánh sáng của Như Lai là đệ nhứt hơn cả. Tất cả ánh sáng của tất cả thế giới ấy so với ánh sáng của Ðức Như Lai không bằng một phần trăm nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà, toán số ví dụ chẳng thể đếm được.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai phát ý muốn dùng ánh sáng chiếu khắp tất cả thế giới thì có thể chiếu khắp.
Tại sao? Vì Ðức Như Lai đã được đệ nhứt Bát nhã ba la mật đa vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ánh sáng của Ðức Như Lai không có chướng ngại. Bao nhiêu tường vách, hoặc những cây cối, hoặc những núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi, núi Càn Đà Ma Đạt Na, núi Mục Chơn Lân Đà, núi Đại Mục Chơn Lân Đà, núi Y Sa Đà La, Tuyết Sơn, Hắc Sơn và núi Tu Di đều chẳng che chướng được ánh sáng của Như Lai. Ánh sáng của Ðức Như Lai đều có thể soi suốt chiếu khắp cõi Đại Thiên.
- Nầy Xá Lợi Phất những chúng sanh ít trí huệ chẳng tin hiểu được ánh sáng của Ðức Như Lai. Hoặc có chúng sanh thấy ánh sáng của Ðức Như Lai chỉ chiếu có một tầm. Kế có kẻ thấy chiếu hai tầm. Kế có kẻ thấy chiếu một câu lô xá. Kế có người đại trí nhẫn đến thấy ánh sáng của Ðức Như Lai chiếu khắp cõi Đại Thiên
- Nầy Xá Lợi Phất! Phạm Thiên Vương chúa của trăm ngàn thế giới có thể thấy ánh sáng của Ðức Như Lai chiếu khắp trăm ngàn thế giới. Lần lược như vậy, đến bực Ðại Bồ Tát lên bực thượng địa có thể thấy ánh sáng của Ðức Như Lai chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới.
- Nầy Xá Lợi Phất! Vì thương xót các chúng sanh nên Ðức Như Lai lại phóng ánh sáng chiếu khắp các cõi chúng sanh cùng tận hư không.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đó gọi là ánh sáng bất tư nghị thứ tư của Ðức Như Lai. Chư Ðại Bồ Tát nghe Ðức Như Lai nói ánh sáng lớn ấy chẳng thể nghĩ bàn như hư không rồi không lầm không nghi tin nhận thanh tịnh càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ".
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Ánh sáng mặt nhựt nguyệt
Của Đế Thích Phạm Thiên
Nhẫn đến Sắc Cứu Cánh
Không bằng ánh sáng Phật
Ánh sáng Sắc Cứu Cánh
Chiếu khắp cõi Đại Thiên
So một tia sáng Phật
Chẳng bằng một phần nhỏ
Đức Phật phóng ánh sáng
Chiếu khắp cõi hư không
Các chúng sanh trí lớn
Mới thấy được như vậy
Ánh sáng Phật vô biên
Bằng với cõi hư không
Tùy chúng sanh được độ
Thấy ánh sáng sai khác
Như có kẻ sanh manh
Chẳng thấy sáng mặt trời
Họ chẳng thấy ánh sáng
Nói mặt nhựt không sáng
Các chúng sanh hạ liệt
Chẳng thấy ánh sáng Phật
Họ chẳng thấy sáng chiếu
Nói không ánh sáng Phật
Hoặc thấy sáng một tầm
Hoặc thấy câu lô xá
Hoặc đến một do tuần
Hoặc khắp cõi Đại Thiên
Hoặc đã trụ Thượng Địa
Bực Bồ Tát đại trí
Hoặc ở bực Bát Cửu
Nhẫn đến bực Thập Địa
Phật siêu bực Thập Địa
Vầng sáng vô biên lượng
Chiếu bất tư nghị cõi
Để làm các Phật sự
Chư Phật bất tư nghị
Phật quang bất tư nghị
Người tin và được phước
Cũng là khó tư nghị".
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất! "Thế nào là Ðại Bồ Tát đối với chúng tịnh giới bất tư nghị và chúng sanh định bất tư nghị của Ðức Như Lai mà tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ?
- Nầy Xá Lợi Phất! Các ông phải biết chánh thuyết như vầy: nếu các chúng sanh ở thế gian phụng trì giới hạnh thanh tịnh vô nhiễm. Do vì thanh tịnh nên biết người ấy thành tựu thân nghiệp thanh tịnh, thành tựu ngữ nghiệp thanh tịnh, thành tựu ý nghiệp thanh tịnh. Người ấy dầu ở thế gian mà chẳng bị thế pháp ô nhiễm. Phải biết người ấy là Bà La Môn, là rời lìa các điều ác, là Sa Môn, là người tịch tịnh, là người tu thiền định đệ nhứt, là người được Thiền ba la mật đệ nhứt. Chúng sanh ấy là Như Lai. Nói như vậy là chánh thuyết.
Tại sao? Nầy Xá Lợi Phất! Ta chẳng bao giờ thấy ở thế gian hoặc chư Thiên, hoặc Ma Vương, hoặc Phạm Vương, hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn và các Trời, các A Tu La v.v... có vô lượng vô biên chúng tịnh giới bất tư nghị, chúng chánh định bất tư nghị bằng Ðức Như Lai.
Tại sao? Nầy Xá Lợi Phất! Vì Ðức Như Lai đã được Giới Ba la mật Thiền ba la mật đệ nhứt vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nay ông có muốn nghe Ðức Phật nói ví dụ về giới ba la mật của Ðức Như Lai chăng?".
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nay đã phải lúc. nếu các Tỳ Kheo nghe Ðức Phật nói ví dụ về Giới ba la mật của Ðức Như Lai, họ sẽ đồng thọ trì như chỗ đã được nghe".
Đức Phật phán dạy: "Lành thay, lành thay! Nầy Xá Lợi Phất! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào? Chúng sanh và đại địa, thứ nào nhiều hơn?".
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn! Như tôi hiểu ý nghĩa của lời Ðức Phật nói, thì chúng sanh nhiều chớ chẳng phải đại địa".
Đức Phật phán dạy: "Đúng như vậy. Nầy Xá Lợi Phất! Chúng sanh nhiều chớ chẳng phải đại địa.
- Nầy Xá Lợi Phất! Giả sử trong cõi Đại Thiên có bao nhiêu chúng sanh, những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, tất cả chúng sanh ấy trong khoảng sát na đồng thời được thân người rồi trong khoảng sát na đồng thời đều chứng quả Vô Thượng Bồ Ðề. Mỗi Ðức Phật ấy lại hóa làm ngần ấy Phật. Mỗi hóa Phất ấy đều có ngàn đầu, mỗi đầu ấy đều có ngàn miệng, mỗi miệng đều có ngàn lưỡi. Mỗi hóa Phật ấy đều có đủ thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại và biện tài vô chướng vô ngại vô tận. Chư Phật ấy dùng bao nhiêu lưỡi ấy thi thố biện tài vô ngại vô tận y cứ theo tất cả chúng Giới ba la mật của Ðức Như Lai mà xưng tán vô lượng, dầu trải qua câu chi na do tha trăm ngàn đại kiếp xưng tán luôn cũng không xưng tán hết khắp được chúng Giới ba la mật của Ðức Như Lai.
- Nầy Xá Lợi Phất! Chúng giới ba la mật của Ðức Như Lai vô lượng vô biên vô tận chẳng thể nghĩ bàn. Trí huệ vô thượng và biện tài vô chướng vô ngại vô tận của chư Phật cũng vô tận chẳng thể nghĩ bàn.
Chúng Giới ba la mật của Ðức Như Lai và trí huệ vô thượng biện tài vô ngại của chư Phật, cả hai đều là bất tư nghị, vô lượng vô số đồng với cõi hư không bình đẳng bình đẳng.
- Nầy Xá Lợi Phất! Giả sử tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương trong khoảng một sát na đồng thời đều được thân người rồi đều thành bực Vô Thượng Bồ Ðề, cũng nói y theo trên để tỉ lệ nhẫn đến cùng với cõi hư không bình đẳng bình đẳng.
Tại sao? Nầy Xá Lợi Phất! Do vì Ðức Như Lai đã chứng được Giới ba la mật đệ nhứt vậy".
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Nay ông có muốn nghe nói ví dụ về Thiền ba la mật đa của Ðức Như Lai chẳng?".
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nay đã phải lúc. Nếu chư Tỳ Kheo nghe Ðức Phật nói ví dụ về Thiền ba la mật đa của Ðức Như Lai sẽ đồng phụng trì đúng như chỗ được nghe".
Đức Phật phán dạy: "Nầy Xá Lợi Phất! Giả sử có thời kỳ thế gian nầy đến kiếp hỏa thiêu do mặt nhựt thứ bảy. Vì mặt nhựt ấy mọc ra nên cả cõi Đại Thiên đồng thời bị cháy, cháy mạnh, cháy lớn, cháy khắp lớn mạnh.
- Nầy Xá Lợi Phất! Phải biết Ðức Như Lai ở tại trong những thế giới đang cháy khắp lớn mạnh như vậy, hoặc kinh hành, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, những chỗ ấy thành tựu mười sự hy kỳ chẳng thể nghĩ bàn.
Những gì là mười?
Chỗ Ðức Như Lai đi đứng ấy, chẳng cần đến công lực, đều bằng phẳng như trong lòng bàn tay. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghì thứ nhứt.
Chỗ Ðức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên nổi cao sạch đẹp không có lẫn lộn ngói đá. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ hai.
Chỗ Ðức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên rộng rãi bằng phẳng trang nghiêm thanh tịnh để cho Ðức Như Lai thọ dụng. Đây là sự rất hy kỳ thứ ba.
Chỗ Ðức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên sanh những cỏ thơm xanh mướt mềm mại trơn láng cuốn về phía hữu. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ tư.
Chỗ Ðức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên xuất hiện nước bát công đức: nhẹ, mát, mềm, đứng lặng, không nhơ, trong sạch, thích uống và uống nhiều không sanh bịnh. Đây là sự rất hy kỳ thứ năm.
Chỗ Ðức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên có gió mát hòa huỡn nhẹ nhàng. Đây là do hạnh nghiệp trước của Ðức Như Lai cảm với mà có gió mát dịu ấy. Ví như ngày rất nóng nực, xế trưa có một chàng trai vì quá nóng bức nên chạy đến tắm trong sông Hằng. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, mát mẻ thơ thới, chàng trai ấy leo lên bờ bên kia sông thấy gần đó có khu rừng cây xanh mát, bèn đi vào rừng ấy. Lại thấy trong ấy có trải sẵn giường nệm rộng rãi mịn nhuyễn, gối chăn mềm mại. Chàng trai liền lên giường ấy hoặc ngồi hoặc nằm. Bốn phía giường lại có gió mát thổi nhẹ liên tục.
Cũng vậy, nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai ở trong thế giới đang cháy khắp lớn mạnh mà đi đứng nằm ngồi, tự nhiên nơi ấy có gió mát thổi nhẹ liên tục. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ sáu.
Chỗ Ðức Phật đi đứng ấy tự nhiên sông rạch ao hồ xuất hiện các loại hoa dưới nước, những là hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng. Các hoa ấy thơm ngát màu rất hy kỳ bất tư nghị thứ bảy.
Chỗ Ðức Phật đi đứng ấy tự nhiên nơi đất bằng và gò cao đều mọc các thứ hoa đẹp thơm thế gian chưa từng có. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ tám.
Chỗ Ðức Phật đi đứng ấy tự nhiên thành chất im cương cứng bền. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ chín.
Chỗ Ðức Phật đi đứng ấy, phải biết đó là Phật linh miếu, thế gian chư Thiên, hoặc Ma Vương, hoặc Phạm Vương, hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn, Trời, Người, A Tu La v.v... đều cung kính cúng dường tôn trọng tán thán. Đây là thành tựu sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ mười.
Mười sự rất hy kỳ bất tư nghị ấy đều do hạnh nghiệp đời trước của Ðức Như Lai thành tựu. Tại sao? Vì Ðức Như Lai khéo thông đạt pháp giới. Do vì thông đạt nên Ðức Như Lai nhập chánh định ấy, y cứ tâm chánh định ấy mà thọ lạc bất thối. Dầu trải đến hằng sa đại kiếp, Ðức Như Lai cũng vẫn chưa từng khởi xuất tâm chánh định. Y nơi tâm chánh định ấy, trong khoảng thời gian một bữa ăn, Ðức Như Lai trụ một kiếp ngàn kiếp đến trăm kiếp hoặc trăm kiếp ngàn kiếp đến trăm ngàn câu chi kiếp, hoặc nhiều hơn số kiếp trên. Tại sao? Vì Ðức Như Lai đã thành tựu Thiền ba la mật đệ nhứt vậy. Do vì đã thành tựu nên Ðức Như Lai có đủ đại thần lực như vậy, có đủ oai đức lực như vậy, có đủ đại tông thế lực như vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Như các Thiên Tử Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ sanh thức của họ duyên một cảnh đến tám vạn bốn ngàn kiếp, chừng nào mà thọ mạng chánh định chưa dứt, sanh thức của họ chẳng bị cảnh giới thức khác di chuyển.
- Nầy Xá Lợi Phất! Các Thiên Tử ấy do sức chánh định thế gian mà còn được an trụ trong thời gian như vậy, huống là Thiền ba la mật của Ðức Như Lai mà lại không an trụ lâu.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai từ đêm mới chứng Vô Thượng Bồ Ðề nhẫn đến đêm nhập vô dư Niết Bàn giới, trong khoảng thời gian giữa ấy, tâm của Ðức Như Lai chưa có lúc nào khởi xuất chánh định. Vì thế nên gọi chánh định ấy là tâm không hồi chuyển, là tâm không sở hành, là tâm không quan sát, là tâm không động lự, là tâm không lưu đảng, là tâm không nhiếp tụ, là tâm không tán loạn, là tâm không cao cử, là tâm không trầm hạ, là tâm không phòng hộ, là tâm không phù tàng, là tâm không hân dũng, là tâm không vi nghịch là tâm không ủy tụy, là tâm không động dao, là tâm không kinh hỷ, là tâm không hôn trầm, là tâm không phân biệt, là tâm không dị phân biệt, là tâm không biến phân biệt.
Lại chánh định ấy là tâm chẳng theo thức, là tâm chẳng y nhãn là tâm chẳng y nhĩ tỷ thiệt thân ý, là tâm chẳng y sắc, là tâm chẳng y thanh hương vị xúc pháp, là tâm chẳng đến các pháp, là tâm chẳng rời trí, là tâm chẳng quan niệm quá khứ, chẳng quan niệm vị lai, chẳng quan niệm hiện tại.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai an trụ trong chánh định, tâm rời lìa như vậy không có một pháp nào là có thể được, mà ở trong tất cả pháp phát sanh sự thấy biết vô ngại. Tại sao? Vì là công dụng vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chẳng khởi xuất chánh định rời lìa tâm ý thức mà hay làm các Phật sự. Tại sao? Vì là công dụng vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Chư Ðại Bồ Tát ấy nghe giới bất tư nghị và chánh định của Ðức Như Lai rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ".
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Vô lượng vô đẳng trăm ngàn kiếp
Ở trong các loài tu giác hạnh
Giới văn định nhẫn bất phóng dật
Đạo Sư hay tu nhơn diệu giác
Nghiệp quả tối thắng rất thanh tịnh
Tịnh giới quảng diệu vượt các cõi
Giới đức của Phật như hư không
Thanh tịnh không nhơ dường hư không
Từ đêm Phật mới chứng Bồ Ðề
Đến đêm Phật nhập đại Niết Bàn
Tâm Phật không hành không duyên khác
Chưa bao giờ khởi xuất đại định
Giới tụ của Phật không thối thuyết
Giải thoát thần lực cũng như vậy
Trụ chánh định trải vô lượng kiếp
Đức Phật không tư cũng không tưởng
Trí Phật như không chẳng nghĩ tưởng
Vô duyên minh đạt chiếu ba đời
Không tâm ý thức không cải biến
Chỉ có Bồ Tát tin nhận được".
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Thế nào là Ðại Bồ Tát đối với thần lực bất tư nghị của Ðức Như Lai tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hỳ kỳ?
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai được thần thông chẳng thể nghĩ bàn chẳng thể tuyên nói. Nay sẽ vì ông mà phương tiện khai triển.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai thường nói trong chúng Thanh Văn của Ðức Phật, người được thần thông thì Trưởng Lão Đại Mục Kiền Liên là đệ nhứt.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nếu đem thần thông ấy để so sánh thì chẳng thấy có thần thông nào của hàng Thanh Văn mà bằng được thần thông của Bồ Tát. Lại nếu đem so sánh thì chẳng thấy có thần thông nào của Thanh Văn và của Bồ Tát mà bằng được thần thông của Phật. Đây gọi là thần thông bất tư nghị của Ðức Như Lai.
Chư Ðại Bồ Tát vì muốn được thần thông của Phật càng phải phát khởi thượng phẩm tinh tiến thì có thể chứng được.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nay các ông có muốn nghe nói ví dụ về thần thông bất tư nghị của Phật chăng?".
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nay đã phải lúc. Chư Tỳ Kheo nếu được nghe ví dụ về thần thông mà Ðức Phật tuyên dạy rồi sẽ đồng thọ trì".
Đức Phật phán dạy: "Lắng nghe, ta sẽ vì ông mà tuyên nói.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào? Tôn giả Đại Mục Kiền Liên có được đại thần thông chăng?".
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn! Ngày trước tôi từng nghe Ðức Như Lai tuyên bố rằng Tôn giả Đại Mục Kiền Liên là bực thần thông đệ nhứt trong hàng Thanh Văn".
Đức Phật phán dạy: "Đúng như vậy. Nầy Xá Lợi Phất! Nay lại vì ông mà nói rộng về ví dụ.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ví như chư Thanh Văn đông đầy cả cõi Đại Thiên như rừng rậm mía mè lúa đậu tre lau. Chư Thanh Văn ấy dùng sức tinh tiến thế lực chớp nháng đồng thời hiển hiện thần thông biến hóa. Muốn đem thần thông ấy so với thần thông của Ðức Như Lai, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. Tại sao? vì Ðức Như Lai đả được thần thông biến hóa ba la mật đệ nhứt vậy.
- Nầy Xà Lợi Phất! Giả sử Ðức Như Lai lấy một hột cải ném xuống đất, chúng Thanh Văn ấy đồng thời hiển hiện thần thông biến hóa cũng chẳng lay động được hột cải ấy. Tại sao? Vì Ðức Như Lai đã được thần thông biến hóa ba la mật đệ nhứt vậy.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Đừng nói đến cõi Đại Thiên, giả sử tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, phi tưởng phi phi tưởng đều là Thanh Văn thành tựu thần thông đệ nhứt như Đại Mục Kiền Liên. Tất cả Thanh Văn ấy đồng thời đại hiển hiện thần thông biến hóa cũng chẳng lay động được hột cải mà Ðức Như Lai đả ném xuống đất ấy. Tại sao? Vì Ðức Như Lai đã được thần thông ba la mật đệ nhứt vậy.
Đây gọi là Ðức Như Lai có đủ đại thần thông lực, có đủ đại oai đức lực, có đủ đại tông thế lực như vậy".
Lúc bấy giờ đấng Bạc Già Phạm lại bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng: "Nầy Xá Lợi Phất! Ông có từng nghe thời kỳ phong kiếp khởi lên, có ngọn gió lớn tên là Tăng già đà. Ngọn gió ấy đem cả cõi Đại Thiên nầy từ núi Tu Di, các biển lớn v.v... rời khỏi vị trí cao cả do tuần rồi làm nát ra bột chăng?".
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Ngày trước tôi ở trước Ðức Phật thân nghe nói việc ấy".
Đức Phật nói: "Nầy Xá Lợi Phất! Đúng như vậy. Lúc phong tai khởi lên, lại có ngọn gió lớn tên là Tăng già đa thổi đem cả cõi Đại Thiên những núi Tu Di biển lớn v.v... cao cả trăm do tuần rồi làm nát ra bột. Hoặc thổi lên cao hai trăm do tuần, hoặc ba bốn năm trăm do tuần, hoặc ngàn hai ba bốn ngàn do tuần, hoặc đến vô lượng trăm ngàn do tuần rồi làm nát ra bụi nhỏ theo gió bay tản mất cả trọn không gì còn, huống là núi đá mà tồn tại được. Ngọn gió ấy lại thổi tan cung trời Dạ Ma, cung trời Đâu Xuất, cung trời Hóa Lạc, cung trời Tha Hóa Tự Tại, cung trời Ma La, cung trời So Thiền, Nhị Thiền, nhẫn đến cung trời Tam Thiền, Biến Tịnh Thiên đều tan thành vi trần tản mất không gì còn.
- Nầy Xá Lợi Phất! Giả sử ngọn gió Tăng già đa ấy vụt nổi lên thổi y của Ðức Như Lai, thì chẳng thổi động được chút y chừng bằng sợi lông nhỏ, huống là thổi động được chéo y hay toàn cả cái y của Ðức Như Lai. Tại sao? Vì Ðức Như Lai đã thành tựu thần thông bất tư nghị, oai nghi bất tư nghị, diệu hạnh bất tư nghị, đại bi bất tư nghị vậy.
Lại nữa, nầy Xá Lợi Phất! Giả sử hằng sa thế giới mười phương có những luồng gió mạnh như vậy nổi lên sắp thổi tan các thế giới ấy. Bấy giờ Ðức Như Lai dùng một đầu ngón tay mang các thế giới ấy đến xứ khác, hoặc làm cho gió ấy mất hết sức lực phải thổi vụt trở lại. Mà ở nơi thần thông biến hóa và tất cả oai lực của Ðức Như Lai không hề tổn giảm.
- Nầy Xá Lợi Phất! Thần thông của Ðức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn khó nghe khó tin, chỉ có chư Ðại Bồ Tát mới tin nhận được và vâng thờ thanh tịnh không lầm không nghi, càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ".
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Giả sử các chúng sanh ba cõi
Tất cả biến thành chúng Thanh Văn
Đều được thần thông biến hóa lớn
Đồng với Tôn giả Đại Mục Liên
Như Lai có đại thần thông lực
Lấy một hột cải ném xuống đất
Tất cả Thanh Văn hiện thần thông
Chẳng lay động được hột cải ấy
Giả sử trong mười phương thế giới
Số nhiều như số cát sông Hằng
Ngọn gió Tăng già đa nổi lên
Có thể thổi tan các thế giới
Những ngọn gió Tăng già đa ấy
Đem thổi y phục của Như Lai
Tận thế lực gió chẳng động được
Phần nhỏ y phục như đầu lông
Đấng Đại Mâu Ni dùng một lông
Ngăn gió lớn ấy chẳng cho thổi
Phật có đủ thần lực dường ấy
Vô biên vô lượng như hư không.
- Nầy Xá Lợi Phất! Đây gọi là đại thần thông lực bất tư nghị của Như Lai mà chư Ðại Bồ Tát tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ".

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 120 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.19.224 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập