BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Hoa Sen Chánh Pháp
(Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)

Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải


Cuốn 6

Phẩm 18: Thành Quả Tùy Hỷ (210) [^]

Lúc ấy đức Di lạc lại thưa, bạch đức Thế tôn, thiện nam hay thiện nữ nào nghe kinh Pháp hoa mà biết tùy hỷ, thì được bao nhiêu phước đức? Ngài lặp lại bằng lời chỉnh cú sau đây.

(1) Sau khi Thế tôn
nhập niết bàn rồi,
nếu có người nào
nghe kinh Pháp hoa
mà biết tùy hỷ
thì phước được mấy?

Đức Thế tôn bảo đức Di lạc, sau khi Như lai nhập diệt, tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những người có trí khác, hoặc lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi, nghe kinh Pháp hoa mà tùy hỷ, rồi ra khỏi cuộc họp diễn giảng kinh ấy, đi đến chỗ khác như tăng xá, rừng núi, thành thị, hẻm hóc, làng xóm hay cố hương, y như những điều mình được nghe và tùy sức mình mà nói lại cho cha mẹ, họ hàng, bạn tốt hay người quen. Những người này nghe rồi cũng tùy hỷ và đi nói chuyền lại cho những người khác. Những người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, cũng nói chuyền. Triển chuyển như vậy cho đến lớp thứ năm mươi. Di lạc, công đức tùy hỷ của thiện nam hay thiện nữ lớp thứ năm mươi này, nay Như lai nói đến, đại sĩ hãy khéo nghe.

Sáu loại chúng sinh trong bốn trăm vạn ức vô số thế giới hệ, được sinh bằng bốn cách sinh là sinh ra từ trứng, từ dạ con, từ độ ẩm thích hợp, từ sự biến hình, lại có hay không hình thể, có hay không tư tưởng, không phải có hay không tư tưởng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân... Tất cả các bộ thuộc về loại chúng sinh như vậy, có người cầu phước nên họ muốn gì về những thứ vui thú cũng cấp cho cả. Mỗi một chúng sinh được cấp cho những thứ ấy nhiều như sắp đầy cả đại lục Diêm phù, đại loại như bảy thứ quí báu là bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô và hổ phách, như voi ngựa xe thuyền, như cung điện lầu đài được tạo thành bằng bảy thứ quí báu... Vị đại thí chủ bố thí như vậy trọn tám mươi năm, rồi nghĩ rằng ta đã cho chúng sinh những thứ vui thú theo ý họ muốn, nhưng nay họ đã già yếu, tuổi quá tám mươi, tóc trắng mặt nhăn, sắp chết đến nơi. Ta nên đem pháp hóa của Phật mà chỉ bảo dẫn dắt. Nghĩ vậy nên vị đại thí chủ tức thì chiêu tập họ lại, quảng bá pháp hóa (211) bằng cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng cho họ. Làm cho họ trong một thì gian ai cũng đạt được các đạo quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán, sạch hết mọi sự phiền não ở trong ba cõi, tự tại đối với thiền định sâu xa, đầy đủ đối với tám sự giải thoát. Di lạc, ý đại sĩ nghĩ thế nào, công đức của vị đại thí chủ ấy đạt được có nhiều không? Đức Di lạc thưa, bạch đức Thế tôn, công đức vị ấy rất nhiều, vô số lượng, vô giới hạn. Vị ấy chỉ cho chúng sinh những thứ vui thú, công đức cũng đã vô cùng, huống chi còn làm cho họ đạt được cho đến đạo quả A la hán.

Đức Thế tôn bảo, Di lạc, Như lai nay nói rõ ràng cho đại sĩ biết, vị đại thí chủ đem những thứ vui thú cho sáu loại chúng sinh trong bốn trăm vạn ức vô số thế giới hệ, lại làm cho số chúng sinh ấy đạt được cho đến đạo quả A la hán, nhưng công đức được có vẫn không bằng công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ nghe Pháp hoa qua một bài chỉnh cú của kinh ấy mà sinh tâm tùy hỷ. Trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần của công đức tùy hỷ ấy, công đức bố thí trên không bằng được một phần, cho đến toán số ví dụ cũng không thể xác định. Di lạc, công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ tùy hỷ khi nghe chuyền Pháp hoa mà còn vô số lượng vô giới hạn như vậy, huống chi người đầu tiên, ngay nơi cuộc họp diễn giảng Pháp hoa mà được nghe và tùy hỷ đối với kinh ấy. Phước của người này còn hơn đến vô số con số vô số, không thể đối chiếu được nữa.

Di lạc, nếu người nào vì Pháp hoa nên đi đến tăng xá, ngồi hay đứng mà nghe và tiếp nhận, thì dẫu chỉ được chốc lát, công đức này vẫn làm cho người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sinh ra ở đâu cũng được đi bằng xe voi xe ngựa loại thượng hạng, bằng xe liễn xe dư loại vàng ngọc, bằng cung điện chư thiên (212) . Nếu người nào đang ngồi nơi chỗ diễn giảng Pháp hoa, có ai đến nữa, người ấy mời bảo ngồi nghe, hoặc chia chỗ của mình cho họ ngồi, thì công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ ngồi chỗ Đế thích ngồi, chỗ Phạn vương ngồi, chỗ Luân vương ngồi.

Di lạc, nếu người nào nói cho người khác biết, rằng có bản kinh tên Pháp hoa, nên đi nghe với tôi. Người này nhận lời, và đến nỗi chỉ nghe được chốc lát, công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ được sinh cùng chỗ với vị bồ tát đã thành tựu các pháp tổng trì, được lợi căn, trí tuệ, được trăm ngàn vạn đời không bao giờ câm ngọng; hơi miệng không hôi thối; lưỡi không khi nào bị bịnh; miệng cũng không bị bịnh; răng không dơ, không đen, không vàng, không thưa, không mẻ, không rụng, không lệch, không cong; môi không xệ xuống, không rút vào, không thô nhám, không ghẻ lở, không sứt hỏng, không méo vẹo, không dày, không lớn, không thâm, không đen, không có gì đáng ghét; mũi không xẹp, không hóp, không cong, không gãy; mặt thì sắc không đen, hình không hóp lại, dài ra, không lõm xuống, cong gãy, không có hết thảy cái vẻ không thể ưa thích. Trái lại, môi, lưỡi, răng hàm, răng, tất cả đều chỉnh, đẹp; mũi thì dài, lớn, cao, thẳng; mặt và dáng mặt thật hoàn hảo; mày cao mà dài; trán rộng, bằng phẳng, ngay ngắn; nói tóm, tướng tốt loài người, người ấy có đủ tất cả. Đời đời, người ấy sinh ra ở đâu cũng thấy Phật, nghe Pháp, tin tưởng và tiếp nhận giáo huấn. Di lạc, đại sĩ hãy quan sát điều ấy: khuyến khích một người cho họ đi nghe giảng Pháp hoa mà thành quả còn như vậy, huống chi chính mình chuyên chú mà nghe giảng, mà đọc tụng, mà phân tích nói lại cho mọi người ở giữa những cuộc họp đông đảo, mà tu hành như lời kinh dạy.

Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(2) Từ chỗ giảng pháp,
ai nghe Pháp hoa,
dầu chỉ nghe được
một bài chỉnh cú,
nhưng biết tùy hỷ
và nói cho người;
nói chuyền cho đến
lớp thứ năm mươi,
người trong lớp này
được phước thế nào,
nay đây Như lai
phân tích phước ấy.
(3) Như đại thí chủ
cho vô số người
đến tám mươi năm
những gì họ muốn.
(4) Khi thấy họ già
tóc bạc mặt nhăn,
răng rụng người khô,
nghĩ họ sắp chết
ta phải chỉ dạy
cho được đạo quả.
(5) Liền tìm cách nói
mà nói niết bàn,
rằng đời toàn là
không phải chắc thật,
khác nào bọt nước,
bóng nước, sóng nắng (213) ,
các người phải gấp
nhàm chán thoát ly.
(6) Mọi người nghe được
pháp hóa như vậy,
đều thành La hán
đủ sáu thần thông
và ba minh trí
với tám giải thoát.
(7) Nhưng người sau hết
thuộc lớp năm mươi,
dầu chỉ nghe được
một bài chỉnh cú
của kinh Pháp hoa
mà lòng tùy hỷ,
phước được vẫn hơn
đại thí chủ trên,
đến nỗi không thể
đối chiếu ví dụ.
(8) Nghe chuyền xa thế
phước còn vô lượng,
huống người đầu tiên
từ chỗ giảng pháp
nghe kinh Pháp hoa
mà lòng tùy hỷ.
(9) Nếu ai khuyên được
dầu chỉ một người,
dẫn họ đi đến
nghe kinh Pháp hoa,
bằng cách bảo họ
Pháp hoa tuyệt diệu,
ngàn vạn thời kỳ
cũng khó gặp được.
(10) Người này theo lời
đi đến mà nghe,
thì dẫu đến nỗi
chỉ nghe chốc lát,
kết quả phước đức
của người khuyên ấy
nay đây Như lai
phân tích nói đến.
(11- 13) Người ấy đời đời
miệng không bị bịnh;
răng không bao giờ
thưa, vàng hay đen;
môi thì không dày,
không rút, không sứt,
không hình dáng nào
có thể ác cảm;
lưỡi cũng không khô,
không đen, không ngắn;
mũi đã cao, lớn,
mà lại dài, thẳng;
còn trán thì rộng,
bằng phẳng, ngay ngắn;
đến mặt và mắt
thì đủ mọi vẻ
đẹp đẽ, trang nghiêm,
ai cũng thích nhìn;
hơi miệng thường xuyên
không mùi hôi thối,
mà hơi hoa sen
thường phát từ đó.
(14) Nếu ai cố tâm
đi đến tăng xá,
muốn nghe cho được
Diệu pháp liên hoa,
dầu nghe chốc lát
mà lòng hoan hỷ,
nay đây Như lai
nói phước người ấy.
(15- 16) Người ấy đời sau
sinh trong trời người
được đi xe voi
xe ngựa hảo hạng,
xe liễn xe dư
trang trí vàng ngọc,
lại được đi bằng
cung điện chư thiên.
(17) Tại chỗ diễn giảng
Diệu pháp liên hoa,
ai biết khuyên mời
người khác ngồi nghe,
thì cái phước này
làm cho người ấy
sẽ được chỗ ngồi
của các ngôi vị
Đế thích, Phạn vương,
cùng với Luân vương.
Huống chi những người
tự mình chuyên tâm
mà nghe diễn giảng
Diệu pháp liên hoa,
nghe rồi giảng lại
nghĩa lý kinh ấy,
lại còn tu hành
như kinh ấy dạy:
phước này không ai
biết được giới hạn.

Phẩm 19: Thành Quả Của Người Diễn Giảng Pháp Hoa[^]

Vào lúc ấy, đức Thế tôn bảo đại bồ tát Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành (214) ..., thì người ấy sẽ được tám trăm phẩm chất tốt của mắt, một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của tai, tám trăm phẩm chất tốt của mũi, một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của lưỡi, tám trăm phẩm chất tốt của thân và một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của ý. Do những phẩm chất này trang sức mà làm cho sáu căn (215) trong suốt tất cả (216) .

Thiện nam hay thiện nữ ấy, với mắt thịt trong suốt do cha mẹ sinh ra mà thấy cả trong và ngoài đại thiên thế giới: thấy núi rừng sông biển, thấy dưới đến ngục Vô gián trên đến trời Hữu đỉnh, trong đó tất cả chúng sinh, hành vi của tất cả chúng sinh ấy, và những chỗ của hành vi ấy kết quả sinh đến, cũng thấy biết hết thảy. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những chỉnh cú sau đây.

(1) Ở giữa công chúng,
đem sự không sợ
mà giảng Pháp hoa,
thì Thường tinh tiến,
đại sĩ hãy nghe
thành quả người ấy.
(2) Người ấy có được
nhãn căn siêu việt,
đầy đủ tám trăm
những phẩm chất tốt.
Do phẩm chất này
trang sức nhãn căn,
nên mắt người ấy
rất là trong suốt.
(3- 4) Chỉ là con mắt
do cha mẹ sinh,
mà thấy trong ngoài
đại thiên thế giới:
Di lâu, Tu di,
Thiết vi cùng với
bao nhiêu núi rừng;
tất cả biển cả,
sông lớn cùng với
bao nhiêu dòng nước.
(5) Dưới đến Vô gián
trên đến Hữu đỉnh,
cùng với các loại
chúng sinh trong đó,
người ấy ở đây
mà thấy rõ cả.
(6) Chưa được mắt trời,
chỉ là năng lực
mắt thịt mà thôi
mà đã như vậy.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của tai. Với tai thịt trong suốt ấy mà nghe cả đại thiên thế giới. Dưới đến Vô gián, trên đến Hữu đỉnh, bao nhiêu lời tiếng trong và ngoài: tiếng voi ngựa, tiếng trâu bò, tiếng xe thuyền; tiếng khóc lóc, tiếng than thở; tiếng ốc, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng chuông nhỏ; tiếng cười, tiếng nói, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng đồng nam, tiếng đồng nữ; tiếng chánh pháp, tiếng phi chánh pháp; tiếng khổ, tiếng vui; tiếng phàm phu, tiếng thánh giả; tiếng đáng ưa, tiếng đáng ghét; tiếng trời, tiếng rồng, tiếng dạ xoa, tiếng càn thát bà, tiếng a tu la, tiếng ca lâu la, tiếng khẩn na la, tiếng ma hầu la dà; tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, tiếng đất; tiếng địa ngục, tiếng súc sinh, tiếng ngạ quỉ; tiếng tỷ kheo, tiếng tỷ kheo ni; tiếng thanh văn, tiếng duyên giác, tiếng bồ tát, tiếng Phật đà. Nói tổng quát, hết thảy lời và tiếng ở trong và ngoài đại thiên thế giới, tuy chưa được tai trời, chỉ dùng tai thịt trong suốt nhưng bình thường, do cha mẹ sinh ra, mà nghe tất cả. Và phân biệt các loại lời tiếng như vậy mà không hỏng nhĩ căn (217) . Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(7) Tai cha mẹ sinh
trong suốt hoàn hảo.
Đem tai thường ấy
mà nghe được hết
các loại lời tiếng
toàn cõi đại thiên.
(8) Các tiếng voi ngựa
trâu bò xe thuyền;
tiếng chuông, chuông nhỏ,
ốc, trống, cầm, sắt,
không hầu, tiêu, sáo,
bao tiếng nhạc khí;
(9) cùng tiếng ca hát
trong thanh tuyệt nhã,
nghe rõ tất cả
mà không đam mê.
Vô số chủng loại
tiếng của loài người,
nghe đủ tất cả
và hiểu rõ ràng.
(10) Tiếng của chư thiên,
tiếng hát tuyệt diệu
của chư thiên ấy,
cũng nghe được cả.
Lại nghe rõ hết
tiếng nam, tiếng nữ,
tiếng của đồng nam,
tiếng của đồng nữ.
(11) Tiếng các loài chim
ở trong núi cao,
nguồn sâu, hang hiểm,
đại khái như là
tần dà, cọng mạng,
cũng nghe được hết.
(12) Mọi tiếng đau đớn
của trong địa ngục;
tiếng kiếm uống ăn
của loài ngạ quỉ;
(13) loài a tu la
ở bờ biển cả
khi nói với nhau
phát tiếng rất lớn.
Người giảng Pháp hoa
ở vị trí mình
mà xa nghe cả
các tiếng như vậy,
nghe mà không bị
hư hỏng nhĩ căn.
(14) Mười phương thế giới
chim muông kêu nhau,
người giảng Pháp hoa
ở đây nghe cả.
(15) Lời tiếng chư thiên
ở các Phạn thiên,
Quang âm, Biến tịnh,
đến tận Hữu đỉnh,
người giảng Pháp hoa
ở đây nghe cả.
(16) Các chúng tỷ kheo
và tỷ kheo ni
đọc tụng kinh pháp
hay giảng cho người,
người giảng Pháp hoa
ở đây nghe cả.
(17) Và các bồ tát
đọc tụng kinh pháp,
hoặc giảng cho người,
biên tập, giải thích,
các tiếng như vậy
đều nghe được cả.
(18) Chư vị Phật đà -
những đại thánh triết,
những đấng giáo hóa
tất cả chúng sinh,
nói pháp tinh túy
giữa các đại hội,
người giữ Pháp hoa
cũng nghe được cả.
(19) Mọi tiếng trong ngoài
đại thiên thế giới,
dưới đến Vô gián
trên đến Hữu đỉnh,
nghe hết mà không
hư hỏng nhĩ căn.
(20) Nhĩ căn như vậy
thông suốt bén nhạy,
nên nghe được hết
và biết rành cả.
(21) Những người kính giữ
Diệu pháp liên hoa
tuy rằng chưa được
tai của chư thiên,
chỉ dùng tai thường
do cha mẹ sinh,
mà phẩm chất tốt
đã đến như vậy.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được tám trăm phẩm chất tốt của mũi. Với mũi thịt trong suốt ấy mà nghe được các hơi (218) trên dưới và trong ngoài đại thiên thế giới, như hơi hoa tu man na, hơi hoa xà đề, hơi hoa mạt l﬍ hơi hoa chiêm bặc, hơi hoa ba la la; hơi hoa sen hồng, hơi hoa sen xanh, hơi hoa sen trắng; hơi các hoa nơi những cây có hoa, hơi các trái nơi những cây có trái; hơi đàn hương, hơi hương trầm thủy, hơi hương đa ma la bạt, hơi hương đa già ra, và hơi của ngàn vạn hương liệu ấy hợp lại thành bột, thành viên, và thành kem. Người kính giữ Pháp hoa ở đây mà nghe biết rành rẽ cả. Lại nghe biết rành rẽ hơi các loại chúng sinh, đại khái như hơi voi ngựa, hơi bò dê; hơi nam, hơi nữ, hơi đồng nam, hơi đồng nữ. Cỏ cây lùm rừng hoặc xa hoặc gần, có hơi gì cũng nghe được hết, phân biệt không sai. Người kính giữ Pháp hoa dẫu ở đây mà cũng nghe được các hơi trên chư thiên, như hơi cây ba lhất đa la, hơi cây câu bệ đà ra; hơi hoa mạn đà và đại mạn đà, hơi hoa mạn thù và đại mạn thù; hơi đàn hương, hơi hương trầm thủy, và hơi bột các hương liệu này; hơi các loại hoa khác nhau; và hơi của các loại hơi trên chư thiên này hợp lại phát ra, đều nghe biết cả. Lại nghe hơi thân chư thiên: hơi thân Đế thích lúc vui thú năm thứ dục lạc nơi Thắng điện, lúc thuyết pháp cho chư thiên Đao lợi nơi Diệu pháp đường, lúc dạo chơi nơi các vườn. Hơi thân nam nữ chư thiên khác cũng xa nghe cả. Tuần tự đến Phạn thế, và lên đến Hữu đỉnh, hơi thân chư thiên các nơi này cũng nghe được cả. Lại nghe hơi các hương liệu được đốt lên của chư thiên. Cho đến hơi các thân thanh văn, thân duyên giác, thân bồ tát và thân Phật đà, cũng xa nghe được, và biết được các thân ấy ở đâu. Tuy nghe hết các hơi như vậy mà tyՠcăn không hỏng, và muốn phân tích nói cho người khác thì nhớ không sai. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(22) Người giữ Pháp hoa
tyՠcăn trong suốt,
hơi thơm hơi thối
trong thế giới này,
tất cả các loại
đều ngửi biết cả.
(23) Hơi hoa tu man
và hoa xà đề;
hơi các hương liệu
đa ma la bạt,
đàn hương, trầm thủy,
cùng với hơi quế;
hơi các thứ hoa
và các thứ trái;
(24) hơi bao chúng sinh,
hơi nam, hơi nữ;
người giảng Pháp hoa
ở xa vẫn nghe
các hơi như vậy
và biết ở đâu.
(25) Các vị luân vương
thế lớn thế nhỏ,
vương tử quần thần
và các cung nhân,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(26) Các thứ vàng ngọc
được mang nơi thân,
các kho vàng ngọc
nằm trong lòng đất,
vàng ngọc nơi thân
bảo nữ luân vương,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(27) Những đồ trang sức
nơi thân mọi người,
như là y phục,
vòng hoa, hương xoa,
cũng nghe hơi cả
và biết thân ấy.
(28) Chư thiên đi, ngồi,
giải trí, biến hóa,
người giữ Pháp hoa
nghe hơi biết cả.
(29) Hơi hoa, trái, hạt
của các loại cây,
hơi thơm của bơ,
của các thứ dầu,
người giữ Pháp hoa
ở vị trí mình
cũng nghe biết cả
và biết ở đâu.
(30) Ở trong thung lũng
của bao núi non,
mà cây đàn hương
khi hoa nở ra,
cùng với sinh vật
ở những chỗ ấy,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(31) Sinh vật ở trong
thiết vi, biển cả,
và cả trong đất,
người giữ Pháp hoa
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(32) Nam nữ tu la
và thân quyến họ
những khi tranh đấu
hay lúc giải trí,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(33) Đồng nội mênh mông
núi rừng hiểm trở,
có những loài thú
loại như sư tử
voi, cọp và sói,
bò rừng, trâu rừng,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(34) Bào thai đang mang
chưa phân nam nữ,
chưa biết đủ thiếu
tất cả bộ phận,
chưa rõ là người
hay không phải người (219) ,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(35) Cũng vì nghe hơi,
biết thai mới có
thành hay không thành,
thành mà yên ổn
sinh ra có phước
hay là trái lại.
(36) Cũng vì nghe hơi
mà biết nam nữ
nghĩ tưởng những gì:
nghĩ đến dục vọng,
si mê, tức giận;
hay nghĩ sửa mình
theo các pháp lành,
cũng nghe biết cả.
(37) Các loại kho báu
ẩn trong lòng đất,
loại như bạc vàng
và bao thứ quí,
cùng đồ kim khí
chứa những thứ ấy,
đều nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(38) Đến như tất cả
các thứ chuỗi ngọc,
không ai biết được
giá trị mức nào,
cũng nghe hơi cả
và biết quí không,
biết cả xuất xứ
cùng với chỗ ở.
(39) Tất cả loại hoa
của trên chư thiên,
như hoa mạn đà
như hoa mạn thù
và hoa của cây
ba lhất đa,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(40) Bao nhiêu cung điện
của trên chư thiên,
cao, thấp, trung bình,
các loại khác nhau,
và bao hoa ngọc
trang hoàng ở đó (220) ,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(41) Vườn rừng chư thiên,
tòa nhà Thắng điện,
cùng với lâu đài
tên Diệu pháp đường,
chúa trời Đế thích
du ngoạn trong đó,
vui thú ngũ dục,
hay là thuyết pháp,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(42) Chư thiên nghe pháp
hoặc hưởng ngũ dục,
qua lại đi đứng
hay là nằm ngồi,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(43) Thiên nữ khoác mặc
những y phục gì,
trang sức hoa đẹp
và hương thơm nào,
du ngoạn giải trí
hay đang ở đâu,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(44- 45) Tuần tự như vậy
từ trời Đao lợi
mà lên cho đến
các trời Phạn thế,
tại đây những ai
vào thiền xuất thiền,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
Quang âm, Biến tịnh,
cho đến Hữu đỉnh,
lúc mới sinh ra
hay lúc thoái đọa,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(46) Chúng chư tỷ kheo
và các chúng khác
đối với pháp Phật
thường xuyên tinh tiến:
hoặc là tọa thiền
hoặc là kinh hành,
hoặc đọc hoặc tụng
các loại kinh pháp;
(47) hoặc ở núi rừng
dưới gốc cây lớn,
hết lòng tinh chuyên
ngồi tu thiền quán ;
những người kính giữ
Diệu pháp liên hoa
cũng đều nghe hơi
và biết chỗ nào.
(48) Chúng chư bồ tát
trí nhớ vững chắc,
ngồi mà thiền quán
mà đọc hoặc tụng,
hay là giảng nói
kinh pháp cho người,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(49) Khắp mọi quốc độ
chư Phật như lai
được bao bộ chúng
tôn kính bao quanh,
các ngài thương tưởng
thuyết pháp cho họ,
cũng được nghe hơi
và biết rõ cả.
(50) Trước chư Phật ấy,
chúng sinh nghe pháp,
vui mừng với pháp,
đúng pháp mà tu,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(51) Dẫu rằng chưa được
tyՠcăn bồ tát -
tyՠcăn phát sinh
bởi pháp thuần khiết,
người giữ Pháp hoa
đã thành tựu trước
những sắc thái này
nơi tyՠcăn thường.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của lưỡi. Tốt hay xấu, ngon hay dở, đắng với chát, ở trên lưỡi của người này đều biến thành mùi thượng hạng như mùi cam lộ của chư thiên, không có thứ gì không ngon. Nếu đem lưỡi ấy giảng nói gì ở giữa công chúng đông đảo, thì xuất ra âm thanh sâu xa tuyệt diệu, đi vào con tim, làm cho ai cũng hoan hỷ thích thú. Thiên tử thiên nữ, Đế thích Phạn vương, nghe âm thanh sâu xa tuyệt diệu ấy giảng nói rất thứ lớp, nên ai cũng muốn đến làm thính giả; long và long nữ, dạ xoa và dạ xoa nữ, càn thát bà và càn thát bà nữ, a tu la và a tu la nữ, ca lâu la và ca lâu la nữ, khẩn na la và khẩn na la nữ, ma hầu la dà và ma hầu la dà nữ, vì nghe pháp mà tất cả cùng đến thân gần, tôn kính, hiến cúng. Tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di; quốc vương và vương tử, quần thần, tùy thuộc; tiểu luân vương và đại luân vương, những người trong bảy người vật quí báu (221) , ngàn người con và thân quyến nội ngoại của luân vương, cùng đi xa giá như cung điện của mình (222) mà đến nghe pháp. Pháp sư bồ tát này khéo thuyết pháp nên phạn chí, cư sĩ, và dân chúng cả nước, suốt đời theo hầu và hiến cúng. Chư vị thanh văn, duyên giác, bồ tát, và chư vị Phật đà, thường thích thấy vị ấy. Vị ấy ở phương hướng nào thì chư vị Phật đà xoay lại phương hướng này mà thuyết pháp, và vị ấy có năng lực tiếp nhận ghi nhớ hết các pháp của chư Phật như vậy, lại có năng lực xuất ra tiếng nói sâu xa và tuyệt diệu mà tuyên thuyết pháp ấy. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(52) Diễn giảng Pháp hoa
thì lưỡi trong suốt,
không khi nào bị
mùi vị bất hảo.
Người diễn giảng ấy
ăn uống thứ gì
cũng đều biến thành
mùi vị cam lộ.
(53- 54) Thiện dụng tiếng nói
sâu xa tuyệt diệu,
người ấy thuyết pháp
ở giữa các chúng;
với những yếu tố
cùng những ví dụ,
người ấy hướng dẫn
tâm trí chúng sinh,
làm cho người nghe
ai cũng hoan hỷ,
và thiết những cách
hiến cúng cao thượng.
(55) Tất cả tám bộ
chư thiên long thần
đem lòng tôn kính
mà đến nghe pháp.
(56) Người thuyết pháp ấy
muốn tiếng tuyệt diệu
lan khắp thế giới,
thì cũng tùy ý
muốn tiếng đến đâu
là đến được liền.
(57) Luân vương lớn nhỏ,
ngàn con, thân quyến,
chắp tay kính trọng
thường đến nghe pháp.
(58) Chư thiên, long chúng
dạ xoa, la sát,
cả tỳ xá xà (223) ,
cũng đều hoan hỷ,
thường xuyên vui thích
đến mà phụng sự;
(59) Phạn vương, Ma vương,
Tự tại thiên tử,
và Đại tự tại,
chư thiên như vậy
càng thường đến chỗ
người thuyết pháp ấy.
(60) Chư vị Phật đà
cùng với đệ tử (224)
nghe tiếng người ấy
diễn giảng diệu pháp,
thì thường thương tưởng
và giữ gìn cho,
có lúc hiện thân
cho người ấy thấy.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được tám trăm phẩm chất tốt của thân. Người ấy được cái thân trong suốt như khối lưu ly, chúng sinh ai cũng thích nhìn. Vì thân trong suốt nên chúng sinh cả đại thiên thế giới khi sinh khi chết, bậc cao bậc thấp, hoặc đẹp hoặc xấu, sinh chỗ lành sinh chỗ dữ, tất cả đều hiện nơi thân ấy. Thiết vi và đại thiết vi, di lâu và đại di lâu, những núi như vậy, và sinh vật trong đó, đều hiện nơi thân này. Dưới đến ngục Vô gián, trên đến trời Hữu đỉnh, bao nhiêu chúng sinh và những gì có trong đó, đều hiện trong thân này. Thanh văn, duyên giác, bồ tát và Phật đà thuyết pháp, thì những hình ảnh như vậy cũng hiện nơi thân này. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(61) Người giữ Pháp hoa
thân rất trong suốt,
như khối lưu ly
cực kỳ trong suốt,
các loại chúng sinh
ai cũng thích nhìn.
(62) Như mặt gương sáng
hiện đủ hình ảnh,
chính nơi thân mình
bồ tát pháp sư
thấy hết những gì
thế giới này có -
mình tự thấy rõ,
người không nhìn ra.
(63) Đại thiên thế giới
hết thảy chúng sinh:
chư thiên nhân loại
cùng với tu la,
địa ngục ngạ quỉ
cùng với súc sinh,
bao hình ảnh này
hiện trong thân ấy.
(64) Cung điện chư thiên
từ tầng dưới hết
sắp lên cho đến
tầng trời Hữu đỉnh;
thiết vi, di lâu,
cùng đại di lâu,
và các đại dương
cùng bao dòng nước,
đều hiện hình ảnh
nơi trong thân ấy.
(65) Chư vị Phật đà
cùng với thanh văn
và bao con Phật
là các bồ tát,
mà lúc đơn độc
hay lúc thuyết pháp
ở giữa các chúng,
đều hiện trong đó.
(66) Dẫu rằng chưa được
cái thân mầu nhiệm
là thân pháp tánh
tuyệt đối thuần khiết,
chỉ là cái thân
thường và trong suốt
mà bao hình ảnh
đều hiện trong đó.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào, sau khi Như lai nhập diệt, đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của ý. Với ý trong suốt như vậy thì đến nỗi chỉ nghe một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa cũng thông suốt nghĩa lý vô biên. Thông suốt như vậy rồi lại có khả năng giảng nói một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa ấy đến một tháng, bốn tháng, cho đến cả năm, và những gì người này giảng nói thì vì ý nghĩa hướng về thật tướng, nên không trái ngược với thật tướng ấy. Người này nếu phải nói đến học thuyết thế gian, lý thuyết chính trị, công nghiệp dân sinh (225) , và những gì cùng loại, thì cũng biết nói cho hợp với Phật pháp. Cả đại thiên thế giới, sáu loài chúng sinh nghĩ gì, nghĩ để làm gì, nghĩ để bàn gì, người này biết hết. Dẫu chưa được tuệ giác thuần khiết, ý của người này đã trong suốt đến như thế ấy. Người này nghĩ gì, tính gì, và nói gì, cũng đều trung thực với pháp của Như lai đã dạy chứ không có gì không trung thực, lại cũng trung thực với pháp đã được nói đến trong kinh của các đức Phật trước (226) . Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(67) Người giữ Pháp hoa
thì ý trong suốt,
lanh lợi thông minh
không có vẩn đục.
Chính do cái ý
tuyệt diệu như vậy,
biết hết các pháp
cao, thấp, trung bình.
(68) Đến nỗi chỉ nghe
một bài chỉnh cú
mà cũng thông đạt
vô lượng nghĩa ý,
lại còn tuần tự
diễn đạt chính xác
suốt trong một tháng
một mùa (227) , cả năm.
(69) Toàn thể trong ngoài
đại thiên thế giới,
các loại chúng sinh
như trời với người,
dạ xoa, quỉ thần,
và bao loài khác,
(70) tất cả sáu loài
nghĩ tưởng những gì,
thì cái quả báo
người giữ Pháp hoa
là trong một lúc
mà biết rõ cả.
(71) Vô lượng Phật đà
khắp cả mười phương -
những bậc tướng quí
trăm phước trang nghiêm,
tuyên thuyết diệu pháp
cho bao chúng sinh,
người này nghe, nhận,
và nhớ được cả.
(72) Lại suy nghĩ ra
rất nhiều nghĩa ý
và diễn nói được
trong nhiều thì gian,
nhưng đầu đến cuối
không quên không lầm.
Kính giữ Pháp hoa
nên được như vậy.
(73) Biết hết chi tiết
của các diệu pháp,
biết theo ý nghĩa
mà thấy thứ tự (228) ,
biết rành ngữ văn
và cách diễn đạt,
người ấy diễn giảng
đúng như đã biết.
(74) Người như thế này
diễn giảng những gì,
không những trung thực
với pháp Như lai ,
mà còn trung thực
với pháp Phật trước;
và chính là vì
diễn giảng pháp ấy,
nên giữa các chúng
không e sợ gì.
(75) Người nào kính giữ
Diệu pháp liên hoa
thì được cái ý
trong suốt đến thế,
nên tuy chưa được
tuệ giác thuần khiết
mà đã có trước
những sắc thái trên.
(76) Người này kính giữ
Diệu pháp liên hoa,
thế là đứng nơi
vị trí hiếm có,
được bao chúng sinh
hoan hỷ kính mến,
và có năng lực
vận dụng ngàn vạn
những cách diễn đạt
rất là khéo léo,
phân tích thuyết pháp
cho bao chúng sinh.
Ấy là toàn nhờ
kính giữ Pháp hoa.

Phẩm 20: Bồ Tát Thường Bất Khinh [^]

Khi ấy đức Thế tôn bảo đại bồ tát Đại thế chí, đại sĩ nên biết, trong bốn chúng tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, những người kính giữ Pháp hoa mà ai ác miệng phỉ báng thì bị tội nặng như Như lai đã nói trước kia, còn thành quả của những người ấy thực hiện là tai mắt mũi lưỡi thân ý, sáu căn thông suốt như Như lai mới nói ở trước.

Đại thế chí, xưa, xa xưa, cách nay những thời kỳ vô số nhiều đến vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn, có đức Phật danh hiệu Oai âm vương, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời. Thời kỳ của ngài tên là Ly suy, quốc độ của ngài tên là Đại thành. Ngài thuyết pháp cho chư thiên, nhân loại và tu la, bằng cách ai cầu Thanh văn thì nói mà đáp ứng cho bằng bốn chân lý để họ vượt qua sinh già bịnh chết, cứu cánh niết bàn; ai cầu Duyên giác thì nói mà đáp ứng cho bằng mười hai duyên khởi; còn các vị Bồ tát thì vì tuệ giác vô thượng, nói mà đáp ứng cho bằng sáu ba la mật để họ cứu cánh đạt đến tuệ giác ấy của Phật đà.

Đại thế chí, đức Oai âm vương như lai sống lâu với những thời kỳ nhiều bằng bốn mươi vạn ức trăm triệu hằng sa. Giáo pháp nguyên chất của ngài tồn tại thế gian với thời kỳ nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một đại lục Diêm phù; giáo pháp tương tự của ngài tồn tại thế gian với thời kỳ nhiều bằng bụi nhỏ nghiền cả bốn đại lục nhân loại. Ngài lợi ích cho chúng sinh rồi nhập diệt. Khi giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự của ngài kết thúc thì quốc độ Đại thành lại có đức Phật khác xuất hiện, cũng với tên Oai âm vương như lai và đủ mười đức hiệu. Tuần tự như vậy, có hai vạn ức đức Phật nữa, đều cùng một danh hiệu.

Đức Oai âm vương như lai đầu tiên, sau khi nhập diệt và thời kỳ giáo pháp nguyên chất kết thúc, trong thời kỳ giáo pháp tương tự của ngài, những tỷ kheo tăng thượng mạn có thế lực cực lớn. Chính trong lúc này mà có một vị tỷ kheo bồ tát tên là Thường bất khinh. Đại thế chí, vì lý do nào gọi ngài là Thường bất khinh? Vì thấy ai, bất cứ tỷ kheo hay tỷ kheo ni, ưu bà tắc hay ưu bà di, ngài cũng thi lễ và tán dương mà nói, tôi kính trọng quí vị một cách sâu xa, không dám khinh thường, vì quí vị toàn là những người có thể đi theo đường đi của bồ tát và sẽ được trở thành Phật đà. Tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh không chuyên chú đọc kinh tụng kinh, chỉ thực hành sự thi lễ tán dương như trên. Đến nỗi mỗi khi từ xa thấy bất cứ ai trong bốn chúng, ngài cũng cố đến thi lễ và tán dương mà nói, tôi không dám khinh thường quí vị, quí vị sẽ làm Phật cả. Trong bốn chúng có kẻ nổi giận, tâm lý vẩn đục thì ác miệng mắng nhiếc, rằng tỷ kheo vô trí này, ở đâu đến đây mà tự nói tôi không dám khinh thường quí vị, thọ ký cho chúng ta sẽ được làm Phật? Chúng ta không cần sự thọ ký không thật ấy! Nhưng tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh vẫn làm như vậy trải qua bao nhiêu năm tháng, và luôn luôn bị mắng nhiếc mà không giận dữ, vẫn thường nói rằng quí vị sẽ làm Phật cả. Khi nói lời ấy, mọi người có kẻ lấy gậy lấy cây mà đánh, lấy ngói lấy đá mà ném, ngài tránh chạy, đứng xa, nhưng vẫn lớn tiếng mà nói tôi không dám khinh thường quí vị, quí vị sẽ làm Phật đà. Vì ngài thường xuyên nói như vậy nên những kẻ tăng thượng mạn trong bốn chúng gọi ngài là Thường bất khinh.

Lúc đời sống sắp kết thúc, từ trong không gian, tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh được nghe đầy đủ về kinh Pháp hoa mà đức Oai âm vương như lai đã tuyên thuyết, gồm có hai mươi ngàn vạn ức bài kệ (229) mà ngài vẫn tiếp nhận và kính giữ được cả. Và tức thì được mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn trong suốt như Như lai mới nói ở trước. Được như vậy rồi, đời sống của tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh tăng lên hai trăm vạn ức trăm triệu năm nữa, diễn giảng cho mọi người một cách phong phú về kinh Pháp hoa.

Bốn chúng bấy giờ, những kẻ tăng thượng mạn đã khinh khi và đặt cho ngài cái tên Thường bất khinh, thấy ngài đạt được sức mạnh đại thần thông, sức mạnh đại hùng biện, sức mạnh đại yên lặng, nên nghe ngài diễn giảng ai cũng tin phục và đi theo. Tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh lại giáo hóa cho ngàn vạn ức người, làm cho đứng trong tuệ giác vô thượng.

Sau khi đời sống kết thúc, ngài lại gặp được hai ngàn ức đức Phật cùng một danh hiệu Nhật nguyệt đăng minh, trong giáo pháp các đức Phật ấy ngài cũng diễn giảng Pháp hoa (229B) . Vì nhân tố này, ngài gặp được hai ngàn ức đức Phật nữa, cùng một danh hiệu Vân tự tại đăng vương, và trong giáo pháp của các đức Phật như vậy, ngài cũng tiếp nhận kính giữ Pháp hoa, bằng cách đọc tụng và giảng nói cho bốn chúng về kinh ấy, cũng được sáu căn bình thường mà trong suốt, được sự không e sợ khi diễn giảng giữa bốn chúng. Đại thế chí, đối với bao nhiêu đức Phật trên đây, đại bồ tát Thường bất khinh hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương, gieo trồng gốc rễ pháp lành. Sau đó ngài còn gặp ngàn vạn ức đức Phật nữa, trong giáo pháp các đức Phật này ngài cũng diễn giảng Pháp hoa, hoàn thiện công đức, trở thành một đức Phật đà.

Đại thế chí, ý của đại sĩ nghĩ thế nào, đại bồ tát Thường bất khinh lúc ấy có phải ai khác, mà chính là bản thân Như lai. Nếu đời trước Như lai không tiếp nhận kính giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng, diễn giảng cho người..., thì đã không thể mau chóng thành tựu tuệ giác vô thượng. Chính vì từ nơi chư Phật quá khứ, Như lai đã tiếp nhận kính giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng, diễn giảng cho người..., nên đã thành tựu tuệ giác vô thượng một cách mau chóng. Đại thế chí, phần những tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di lúc ấy, vì giận dữ và khinh khi đại bồ tát Thường bất khinh mà hai trăm ức thời kỳ thường xuyên không gặp Phật không nghe Pháp không thấy Tăng, một ngàn thời kỳ chịu khổ khốc liệt trong Vô gián, nhưng hết tội báo ấy thì được gặp lại đại bồ tát Thường bất khinh giáo hóa cho về tuệ giác vô thượng. Đại thế chí, ý của đại sĩ nghĩ thế nào, bốn chúng thường khinh ngạo đại bồ tát Thường bất khinh lúc ấy có phải ai khác, mà chính là năm trăm bồ tát đứng đầu bởi Hiền hộ, năm trăm tỷ kheo ni đứng đầu bởi Sư tử nguyệt, và năm trăm ưu bà tắc đứng đầu bởi Tư Phật (230) , toàn là những người không còn thoái chuyển tuệ giác vô thượng và nay đang có mặt trong đại hội này.

Đại thế chí, đại sĩ phải biết, Pháp hoa ích lợi vĩ đại cho chư vị đại bồ tát, có năng lực làm cho chư vị ấy đạt đến tuệ giác vô thượng. Vì lý do này, sau khi Như lai nhập diệt, đối với Pháp hoa, chư vị đại bồ tát hãy liên tục tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành...

Muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên khi ấy đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Xưa có đức Phật
hiệu Oai âm vương,
thần thông tuệ giác
đều vô hạn lượng,
dẫn dắt hết thảy
các loại chúng sinh,
chư thiên nhân loại
ai cũng phụng sự.
(2) Ngài nhập diệt rồi,
khi pháp sắp hết,
có một bồ tát
tên Thường bất khinh.
(3) Bốn chúng bấy giờ
vướng mắc các pháp (231) ,
bồ tát Bất khinh
đến chỗ của họ,
nói tôi không dám
khinh thường quí vị;
quí vị có thể
đi đường bồ tát
và ai cũng sẽ
được làm Phật đà.
(4) Họ nghe lời này
thì khinh và mắng,
bồ tát Bất khinh
nhẫn chịu được cả.
(5) Hết tội tình (232) này
và khi sắp chết,
ngài được nghe đủ
Diệu pháp liên hoa,
và được sáu căn
thường mà trong suốt.
Do thần lực ấy,
ngài sống lâu thêm,
và lại diễn giảng
một cách phong phú
Diệu pháp liên hoa
cho cả mọi người.
(6) Người trong bốn chúng
vướng mắc các pháp
thì được bồ tát
giáo hóa tác thành,
làm cho đứng vững
trong tuệ giác Phật.
Sau khi chết rồi,
bồ tát Bất khinh
được gặp vô số
chư vị Phật đà.
(7) Chính vì diễn giảng
Diệu pháp liên hoa
mà ngài thực hiện
vô lượng pháp lành,
đủ dần công đức
chóng được Phật tuệ.
Bất khinh lúc ấy
nay chính Như lai.
(8- 9)Bốn chúng lúc ấy
vướng mắc các pháp
nghe Thường bất khinh
thọ ký làm Phật,
thì chính nhờ vào
nhân tố này đây
mà họ gặp được
vô lượng Phật đà,
và nay chính là
trong đại hội này
năm trăm bồ tát,
cùng với bốn chúng
bao gồm nam nữ
đức tin trong sáng,
đang cùng nghe pháp
trước Như lai đây.
(10) Đời trước Như lai
khuyên những người ấy
nghe và tiếp nhận
Diệu pháp liên hoa
là pháp bậc nhất,
nay họ có thể
chỉ dạy cho người
sống trong niết bàn,
bằng cách đời đời
nhận giữ kinh ấy.
(11) vạn thời kỳ
không thể nói được
mới được có lúc
nghe nói Pháp hoa,
ức vạn thời kỳ
không thể nói được
mới được có lúc
Phật nói Pháp hoa.
(12) Do đó sau khi
Như lai nhập diệt,
những người tu hành
được nghe Pháp hoa
thì đừng sinh ra
tâm tư nghi hoặc,
mà nên chuyên chú
diễn giảng phong phú
kinh Pháp hoa ấy,
như vậy đời nào
cũng gặp Phật đà
mau được Phật tuệ.

Phẩm 21: Sức Thần Của Đức Thế Tôn [^]

Lúc bấy giờ các vị đại bồ tát đã từ đất dũng xuất và nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một ngàn thế giới hệ, đều đối trước đức Thế tôn chuyên chú mà chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, sau khi ngài nhập diệt, chúng con sẽ ở trong bao nhiêu quốc độ hóa thân của ngài đã ở và sẽ nhập diệt mà diễn giảng rộng rãi về kinh Pháp hoa. Chúng con làm như vậy là vì bản thân chúng con cũng muốn được cái pháp vĩ đại, trong sáng và chân thật ấy để hiến cúng bằng cách tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành...

Khi ấy, trước chúng đại bồ tát nhiều đến vô số trăm ngàn vạn ức và đã ở tại thế giới hệ Kham nhẫn này, đại loại như đại bồ tát Văn thù; trước bốn chúng tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di; trước tám bộ thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, những người mà không phải người (233) ; trước tất cả các chúng như vậy, đức Thế tôn biểu hiện thần lực vĩ đại, bằng cách xuất ra tướng lưỡi rộng dài lên đến tầng trời Phạn thế, hết thảy lỗ lông phóng ra vô lượng vô số ánh sáng có màu sắc và chiếu khắp thế giới hệ cả mười phương. Chư Phật hóa thân của ngài ngồi trên các tòa sư tử dưới các cây ngọc cũng biểu hiện như vậy, xuất ra tướng lưỡi rộng dài và phóng ra vô số ánh sáng. Thì gian đức Thế tôn và chư Phật hóa thân của ngài biểu hiện thần lực vĩ đại như vậy hết trọn trăm ngàn năm. Sau đó các ngài thu lại tướng lưỡi rộng dài, rồi cùng một lúc, các ngài dặng hắng và đàn chỉ (234) . Hai âm thanh này vang khắp cõi Phật mười phương. Đất của các cõi Phật ấy chấn động đủ cả sáu cách. Và nhờ thần lực của đức Thế tôn cùng chư Phật hóa thân của ngài mà tại các cõi Phật ấy, tất cả chúng sinh, bao gồm nhân loại và không phải nhân loại, đều nhìn thấy thế giới hệ Kham nhẫn này: thấy chư Phật hóa thân ngồi trên các tòa sư tử dưới những cây ngọc nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức, thấy đức Thế tôn cùng đức Đa bảo ở trong bảo tháp ngồi chung trên tòa sư tử, thấy bồ tát đại sĩ và bốn chúng nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức cung kính bao quanh đức Thế tôn. Thấy như vậy nên ai cũng đại hoan hỷ, cảm nhận sự thể chưa từng có. Tức thì chư thiên ở trong không gian của các cõi Phật ấy lớn tiếng mà nói, cách đây những thế giới hệ nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức vô số, có thế giới hệ tên là Kham nhẫn, trong đó có đức Phật giáo chủ danh hiệu Thích ca mâu ni, hiện nay đang tuyên thuyết cho chư vị bồ tát đại sĩ về bản kinh đại thừa tên Diệu pháp liên hoa, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Các người nên tùy hỷ sâu xa, nên lễ bái hiến cúng đức Thích ca mâu ni thế tôn. Chúng sinh tại các cõi Phật nghe tiếng ấy trong không gian thì cùng chắp tay hướng về phía thế giới hệ Kham nhẫn này mà nói, kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn. Họ đem các loại hoa, vòng hoa, cờ phan, lọng dù, những đồ trang sức thân thể, những vật vàng ngọc quí báu, cùng nhau từ xa tung vào thế giới hệ Kham nhẫn. Bao nhiêu thứ được tung vào đó, từ mười phương tụ lại như mây tụ, biến thành bảo cái bằng hoa (235) , che khắp ở trên chư Phật cả thế giới hệ này. Bấy giờ tất cả thế giới hệ mười phương đều thông suốt với nhau như một cõi Phật.

Khi ấy đức Thế tôn bảo đại chúng bồ tát mà trong bốn vị thượng thủ có đại bồ tát Thượng hạnh, rằng thần lực của Như lai vô lượng bô biên, bất khả tư nghị đến như vậy. Nhưng nếu Như lai đem thần lực như vậy, vì sự giao phó trọng trách mà nói đến đặc tính của kinh Pháp hoa, thì nói đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức vôsố thời kỳ, cũng không thể cùng tận. Nói cốt yếu thì toàn thể những pháp Như lai có -- toàn thể thần lực tự tại của Như lai, toàn thể kho tàng bí yếu của Như lai, toàn thể những sự cực kỳ sâu xa của Như lai, đều nói rõ trong kinh Pháp hoa. Do vậy mà sau khi Như lai nhập diệt, đối với kinh Pháp hoa, chư vị phải một lòng tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành, làm đúng kinh dạy ... Tại các thế giới, những chỗ có người tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành, làm đúng kinh dạy..., hay những chỗ tôn trí cuốn kinh ấy, những chỗ như vậy hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới đại thọ, hoặc nơi tăng xá, hoặc nhà thế gian, hoặc tại lâu đài thành thị, hoặc trong hang động hoang vu, bất cứ chỗ nào cũng nên xây chùa tháp mà phụng hiến Như lai (236) . Tại sao, vì chư vị phải coi những chỗ ấy như là bồ đề tràng, nơi mà chư Phật ở đó thành tựu tuệ giác vô thượng, nơi mà chư Phật ở đó chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, nơi mà chư Phật ở đó nhập vào niết bàn hoàn toàn (237) .

Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Là vị toàn giác
cứu độ thế gian,
Như lai sử dụng
thần thông vĩ đại:
để làm đẹp dạ
tất cả chúng sinh,
Như lai biểu hiện
thần lực vô hạn.
(2) Tướng lưỡi rộng dài
đến trời Phạn thế,
và thân phóng ra
vô số tia sáng:
chính vì những người
cầu tuệ giác Phật,
Như lai biểu hiện
sự hiếm có này.
(3) Cái tiếng dặng hắng
và tiếng đàn chỉ
của chư Phật đà
vang khắp mọi nơi
mười phương quốc độ,
làm cho đại địa
những quốc độ ấy
chấn động sáu cách.
(4) Vì lẽ sau khi
Như lai nhập diệt,
ai có năng lực
kính giữ Pháp hoa,
thì chư Phật đà
cùng hoan hỷ cả,
nên hiện thần lực
vô lượng như vậy.
(5) Lại vì giao phó
kinh Pháp hoa ấy,
cho nên trải qua
vô số thời kỳ,
Như lai ca tụng
vẫn không cùng tận
công đức những người
tiếp nhận kính giữ.
(6) Công đức người này
vô biên vô cùng,
in như không gian
ai biết giới hạn.
(7) Kính giữ Pháp hoa
là thấy Như lai,
thấy đức Đa bảo,
thấy chư hóa Phật,
thấy các bồ tát
đang được Như lai
giảng dạy giáo hóa
trong ngày hôm nay.
(8) Giữ được Pháp hoa,
như thế đã là
làm cho Như lai
và chư hóa Phật,
làm đức Đa bảo -
đức Phật đã nhập
niết bàn hoàn toàn -
cùng hoan hỷ cả.
(9) Chư vị Phật đà
khắp cả mười phương
suốt hết ba đời,
người giữ Pháp hoa
cũng là thấy được
cũng là hiến cúng
và cũng làm cho
các ngài hoan hỷ.
(10) Cái pháp bí yếu
mà Như lai được
khi Như lai ngồi
nơi bồ đề tràng,
ai kính giữ được
kinh Pháp hoa này
sẽ không bao lâu
cũng được pháp ấy.
(11) Giữ được Pháp hoa
thì người như vậy
thông suốt các pháp,
thông suốt ý nghĩa
cùng với ngữ văn
của các pháp ấy,
và rồi hoan hỷ
biện thuyết pháp ấy
vô cùng vô tận,
in như làn gió lộng
trong không gian
không gì cản được.
(12) Sau khi Như lai
nhập niết bàn rồi,
người giữ Pháp hoa
vẫn hiểu lý do
cùng với thứ tự
của các kinh pháp
do Như lai nói,
và tùy ý nghĩa
mà giảng nói lại
đúng như sự thật.
(13) Ví như ánh sáng
hai vầng nhật nguyệt,
người ấy phá tan
mọi sự mờ tối.
Người ấy đi khắp
trong cõi đời này,
diệt được mờ tối
cho bao chúng sinh,
giáo hóa bao người
có tánh bồ tát
cùng được ngồi vào
cỗ xe duy nhất.
(14) Vì lý do này,
những người có trí
nghe được ích lợi
đã nói trên đây,
thì khi Như lai
nhập niết bàn rồi,
phải gắng kính giữ
kinh Pháp hoa này.
Người ấy đối với
tuệ giác Phật đà
quyết chắc đạt được
không ngờ gì nữa.

Phẩm 22: Giao Phó Trọng Trách (238) [^]

Vào lúc bấy giờ, từ trên pháp tòa, đức Thế tôn đứng dậy, và biểu hiện thần lực vĩ đại bằng cách đưa cánh tay phải xoa trên đỉnh đầu vô lượng bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp tuệ giác vô thượng rất khó được như thế này, Như lai trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số thời kỳ, mới tu hành, thu thập (239) và thực hiện được, ngày nay Như lai đem giao phó cho quí vị; quí vị nên hết lòng truyền bá pháp ấy, làm cho sự ích lợi của pháp ấy tăng lên một cách rộng rãi. Ba lần như vậy, đức Thế tôn xoa trên đỉnh đầu chư vị bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp tuệ giác vô thượng rất khó được như thế này, Như lai trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số thời kỳ mới tu hành, thu thập và thực hiện được, ngày nay Như lai đem giao phó cho quí vị; quí vị hãy tiếp nhận kính giữ bằng cách đọc tụng diễn giảng rộng rãi pháp ấy cho hết thảy chúng sinh đều được nghe biết.

Tại sao Như lai giao phó như vậy? Vì Như lai đại từ bi. Như lai không tiếc lẫn, không e sợ. Như lai có thể đem cho chúng sinh tuệ giác Phật đà, tuệ giác Như lai, tuệ giác Tự nhiên. Như lai là đại thí chủ của chúng sinh. Quí vị cũng phải học tập phong cách ấy của Như lai mà đừng tiếc lẫn. Trong thì vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào tin được tuệ giác Như lai thì quí vị nên giảng nói Pháp hoa cho những người này nghe biết, với chủ ý làm cho những người này đạt được tuệ giác Như lai. Những ai chưa tin được tuệ giác Như lai thì quí vị nên đem những giáo pháp sâu xa khác của Như lai mà trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng cho họ (240) . Làm được như vậy là quí vị đã báo đáp ân đức của chư Phật.

Lúc ấy chư vị bồ tát đại sĩ nghe đức Thế tôn dạy như vậy thì ai cũng rất hoan hỷ. Nỗi hoan hỷ ấy tràn ngập cơ thể, nên chư vị tăng thêm tôn kính, và cúi mình, thấp đầu, chắp tay hướng về đức Thế tôn, cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hành đúngnhư lời đức Thế tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế tôn; xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ. Ba lần như vậy, chư vị bồ tát đại sĩ cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hànhđúng như lời đức Thế tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế tôn ; xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ.

Khi ấy đức Thế tôn thỉnh chư Phật hóa thân đã từ mười phương đến đây cùng trở về quốc độ các ngài, bằng cách nói rằng kính chúc chư Phật về chỗ nào cũng sống yên vui, kính xin tháp đức Đa bảo trở về chỗ cũ.

Khi đức Thế tôn nói như vậy thì mười phương vô lượng chư Phật hóa thân ngồi trên các tòa sư tử dưới các cây ngọc, đức Đa bảo phật đà, cùng với vô biên vô số đại chúng bồ tát mà trong bốn vị thượng thủ có đại bồ tát Thượng hạnh, bốn chúng thanh văn mà thượng thủ là tôn giả Xá lợi phất, và tất cả thế gian mà trong đó bao gồm nhân loại và tám bộ, nghe những điều đức Thế tôn nói ai cũng đại hoan hỷ (240B) .


Phẩm 23: Việc Cũ Của Bồ Tát Dược Vương [^]

Lúc ấy bồ tát Tú vương hoa thưa rằng, bạch đức Thế tôn, bồ tát Dược vương du hóa như thế nào trong thế giới hệ Kham nhẫn? Vị bồ tát ấy có mấy trăm ngàn vạn ức trăm triệu khổ hạnh khó làm? Lành thay đức Thế tôn, xin ngài nói ra một chút về khổ hạnh ấy. Tám bộ thiên long, chúng chư bồ tát đến từ thế giới hệ khác và chúng chư thanh văn ở thế giới hệ này ai nghe cũng hoan hỷ.

Khi ấy đức Thế tôn bảo bồ tát Tú vương hoa, quá khứ cách nay những thời kỳ nhiều bằng vô lượng hằng sa, có đức Phật danh hiệu là Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, đủ mười đức hiệu. Ngài có chúng đại bồ tát tám mươi ức vị, có chúng đại thanh văn bảy mươi hai hằng sa. Ngài sống lâu bốn vạn hai ngàn thời kỳ. Đời sống của đại bồ tát cũng đồng đẳng. Quốc độ của ngài không có nữ nhân, không có địa ngục ngạ quỉ súc sinh và tu la, không có mọi thứ tai nạn (241) . Đất bằng như bàn tay, do chất lưu ly tạo thành. Cây ngọc tráng lệ, che trên là bảo cái khảm ngọc, và rủ xuống là dải phan (242) kết hoa ngọc. Bình và lư hương ngọc cũng khắp cả quốc độ. Bảy chất liệu quí báu làm đài. Mỗi cây một đài, cây cách (243) đài một đường tên bắn. Dưới những cây ngọc thì có bồ tát và thanh văn ngồi. Trên mỗi đài ngọc thì có trăm ức chư thiên diễn tấu nhạc khí chư thiên và ca hát mà tán dương đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, hiến cúng ngài như vậy.

Bấy giờ đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai tuyên thuyết Pháp hoa cho bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến và các chúng chư bồ tát chư thanh văn. Nhất thế chúng sinh hỷ kiến là vị bồ tát thích tập khổ hạnh. Trong giáo pháp của đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, vị bồ tát này tinh tiến kinh hành và tư duy để cầu Phật tuệ. Trọn một vạn hai ngàn năm như vậy, vị bồ tát này được định tên Hiện các sắc thân. Được định này rồi, tâm bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến rất hoan hỷ, nghĩ rằng, ta được định Hiện các sắc thân toàn là nhờ sức mạnh của sự được nghe Pháp hoa. Ta nên hiến cúng đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai và kinh Pháp hoa ấy. Nghĩ vậy nên vị bồ tát này tức thì nhập định Hiện các sắc thân, ở trong không gian rưới hoa mạn đà và đại mạn đà, rưới bột đàn hương kiên hắc đầy cả không gian và như mây đổ xuống, rưới đàn hương hải ngạn ẫ loại hương liệu mà phần tư một lạng giá trị đã bằng cả thế giới hệ Kham nhẫn. Rưới hoa hương như vậy mà hiến cúng đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai.

Hiến cúng cách ấy rồi, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến xuất định, nghĩ rằng, dầu ta vận dụng thần lực mà hiến cúng đức Thế tôn của ta như vậy vẫn không bằng đem chính thân ta mà hiến cúng. Nghĩ như vậy nên vị bồ tát này ăn uống các hương liệu như đàn hương, nhũ hương, thảo hương, đinh hương, trầm thủy và tùng hương (244) . Lại uống dầu thơm của các hoa đại loại như hoa chiêm bặc. Ăn uống như vậy một ngàn hai trăm năm, rồi đem dầu thơm mà xoa mình, đối trước đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, lấy vải quí và thiêng mà quấn mình, rưới tẩm các thứ dầu thơm, và đem nguyện lực và thần lực mà tự đốt thân mình (245) , ánh sáng chiếu khắp thế giới hệ nhiều bằng tám mươi ức hằng sa. Chư Phật trong những thế giới hệ ấy cùng lúc ca tụng, rằng tốt lắm thiện nam tử, như thế này mới là sự tinh tiến chân thật, mới là sự hiến cúng chánh pháp đối với Như lai. Hiến cúng bằng các loại hoa, vòng hoa, các loại hương liệu, gấm lụa, tràng phan, bảo cái, đàn hương hải ngạn, và đủ thứ cùng loại như vậy, cũng không thể sánh bằng. Cho cả vương quốc, hoàng thành, hậu phi, vương tử (246) , cũng vẫn không bằng. Thiện nam tử, như thế này mới là sự hiến cúng bậc nhất. Trong mọi sự hiến cúng, sự này tối tôn tối thượng. Là vì đây là lấy chánh pháp mà hiến cúng Như lai.

Ca tụng như vậy rồi, chư Phật cùng yên lặng. Thân của bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến thì cháy đến một ngàn hai trăm năm. Qua thì gian ấy rồi, thân vị bồ tát này mới cháy hết.

Sau khi hiến cúng bằng chánh pháp như vậy, và đời sống kết thúc rồi, vị bồ tát này tái sinh trong quốc đôể của đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, bằng cách bỗng nhiên hóa sinh, ngồi xếp bằng trong cung vua Tịnh đức, và tức thì nói với vương phụ bằng lời chỉnh cú sau đây.

(1) Vương phụ biết cho,
trong đời trước đây
con đã đi trên
con đường khổ hạnh (247) ,
đã thành tựu được
định Hiện sắc thân,
và đã làm việc
tinh tiến vĩ đại,
bằng cách xả bỏ
cái thân yêu quí
tôn kính hiến cúng
Thế tôn của con,
để cầu thành đạt
tuệ giác vô thượng.

Nói lời chỉnh cú ấy rồi lại tâu vương phụ, rằng đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai hiện nay vẫn còn. Trước đây con hiến cúng ngài rồi được pháp tổng trì Biết hết tiếng nói của chúng sinh, lại được nghe kinh Pháp hoa với những bài kệ đạt đến số lượng tám trăm ngàn vạn ức cho đến đại số a súc bà. Tâu vương phụ, bây giờ con lại muốn hiến cúng ngài. Tâu rồi, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến liền ngồi trên đài bằng bảy chất liệu quí báu, thăng lên không gian cao bằng bảy cây đa la mà đến chỗ đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, bước xuống, đầu mặt lạy ngang chân ngài, chắp tay lại mà tán dương với lời chỉnh cú sau đây.

(2) Diện mạo Thế tôn
vô cùng kỳ diệu!
Ánh sáng Thế tôn
chiếu khắp tất cả!
Trong đời trước đây
con mới hiến cúng,
và nay lại được
đích thân chiêm ngưỡng!

Nói lời chỉnh cú ấy rồi, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến lại thưa, bạch đức Thế tôn, đức Thế tôn vẫn còn có thể ở đời thêm nữa hay không (248) ? Đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai bảo, thiện nam tử, thì gian niết bàn của Như lai đã đến. Ông hãy sắp chỗ cho Như lai. Đêm nay Như lai sẽ nhập niết bàn. Đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai lại huấn thị bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến, rằng thiện nam tử, Như lai đem giáo pháp của Như lai mà giao phó cho ông. Lại giao phó cho ông các vị bồ tát, các đại đệ tử và pháp tuệ giác vô thượng (249) . Cả đại thiên thế giới bằng bảy chất liệu quí báu này, những cây ngọc, đài ngọc, cùng những thiên nhân phục dịch, Như lai cũng giao phó cho ông. Như lai nhập diệt rồi, bao nhiêu xá lợi cũng giao phó cho ông, ông nên phân bủa ra mà hiến cúng rộng rãi, bằng cách dựng lên hàng ngàn bảo tháp. Đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai huấn thị bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến rồi, phần sau của đêm ấy ngài nhập vào niết bàn.

Thấy đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai nhập diệt, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến bi cảm, áo não, luyến mộ, nên dùng đàn hương hải ngạn làm giàn củi, hiến cúng mà thiêu thân ngài. Lửa tắt, vị bồ tát này thu thập xá lợi, làm tám vạn bốn ngàn bình ngọc mà tôn trí, và xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp mà tôn thờ. Những ngôi tháp này cao đến Phạn thiên (250) , trụ vàng tiêu biểu thì cực kỳ tráng lệ, treo rủ xuống là những bảo cái có mắc phan phướn, và những chuông nhỏ quí báu cũng được treo lên.

Nhưng bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến lại nghĩ, ta hiến cúng xá lợi như vầy lòng vẫn thấy chưa đủ. Ta nên đổi cách mà hiến cúng nữa. Nghĩ như vậy nên vị bồ tát này bảo tất cả các chúng gồm có chư bồ tát, chư đại đệ tử, tám bộ thiên long, rằng quí vị biết cho, nay tôi muốn hiến cúng xá lợi của đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai. Nói rồi tức thì đối trước tám vạn bốn ngàn bảo tháp, tự đốt hai cánh tay (251) được trang sức bởi cả trăm phước đức, cháy suốt bảy vạn hai ngàn năm mà hiến cúng, làm cho vô số người cầu tuệ giác thanh văn và vô số người phát tâm tuệ giác vô thượng đều được ở vào trong định Hiện các sắc thân.

Bấy giờ chư bồ tát, chư thiên, nhân loại (252) , và các chúng khác, thấy bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến không còn hai cánh tay thì lo và thương mà nói với nhau, rằng vị bồ tát này là thầy của chúng ta, giáo hóa cho chúng ta, mà nay đốt cả hai cánh tay, thân không hoàn bị ! Nhưng bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến ở giữa các chúng mà thệ nguyện, rằng tôi bỏ hai cánh tay thì quyết chắc sẽ được cái thân màu hoàng kim củaPhật. Nếu thật như vậy thì nguyện hai cánh tay của tôi trở lại như cũ. Thệ nguyện rồi tự nhiên phục hồi cả hai cánh tay. Ấy là do phước đức và tuệ giác của vị bồ tát này cực kỳ thuần hậu mà cảm ra. Và lúc ấy cả đại thiên thế giới chấn động đủ hết sáu cách, chư thiên rưới xuống các thứ hoa quí, hết thảy nhân loại và chư thiên cùng được sự chưa từng có.

Đức Thế tôn bảo bồ tát Tú vương hoa, ý của ông nghĩ thế nào, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến có phải ai khác, nay chính là Dược vương đại sĩ. Thân mạng vị đại sĩ này bỏ ra mà hiến, mà cho, có đến vô lượng trăm ngàn vạn ức trăm triệu.

Tú vương hoa, ai phát tâm muốn được tuệ giác vô thượng mà đốt được một ngón tay hay một ngón chân để hiến cúng tháp Phật, thì hơn đem quốc thành vợ con, đem rừng núi sông hồ và mọi thứ bảo vật của cả đại thiên thế giới mà hiến cúng. Nếu ai đem bảy thứ quí báu chất đầy đại thiên thế giới mà hiến cúng Phật đà, hiến cúng bồ tát, duyên giác và la hán, công đức người này không bằng tiếp nhận kính giữ Pháp hoa dầu chỉ một bài chỉnh cú bốn câu, phước ấy vẫn rất nhiều.

Tú vương hoa, trong tất cả dòng nước nguồn suối sông ngòi, biển cả là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, sâu và lớn nhất trong tất cả kinh pháp của Như lai tuyên thuyết. Thổ sơn, hắc sơn, tiểu thiết vi, đại thiết vi, và mười bảo sơn, trong tất cả núi ấy núi Tu di là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, tối thượng trong các kinh pháp. Trong các tinh tú, nguyệt cầu sáng nhất, Pháp hoa cũng vậy, soi sáng nhất trong ngàn vạn ức kinh pháp. Thái dương trừ được mọi thứ bóng tối, Pháp hoa cũng vậy, trừ được mọi sự bất thiện tối tăm. Trong các quốc vương, luân vương là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, tối tôn trong các kinh pháp. Đế thích là chúa trời Tam thập tam thiên, Pháp hoa cũng vậy, là vua chúa kinh pháp. Phạn vương là cha của hết thảy chúng sinh (253) , Pháp hoa cũng vậy, là cha của hết thảy hiền thánh đang tiếp tục hay đã hoàn tất trong việc tu học, của những người phát tâm bồ tát. Trong tất cả phàm phu, tu đà hoàn, tư đà hàm, a na hàm, a la hán và bích chi phật là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, trong tất cả kinh pháp do Như lai nói, hoặc bồ tát nói hay thanh văn nói, kinh ấy bậc nhất. Người tiếp nhận kính giữ được kinh ấy cũng là bậc nhất trong tất cả chúng sinh. Trong tất cả thanh văn duyên giác, bồ tát là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, bậc nhất trong tất cả kinh pháp. Phật là vua các pháp, Pháp hoa cũng vậy, là vua các kinh.

Tú vương hoa, Pháp hoa có năng lực cứu vớt hết thảy chúng sinh, có năng lực làm cho hết thảy chúng sinh thoát ly mọi sự khổ não, có năng lực đem lại lợi ích vĩ đại cho hết thảy chúng sinh, sung mãn mọi sự nguyện ước của họ. Như khát được nước (254) , như lạnh được lửa, như trần được áo, như kẻ đi buôn được người cầm đầu (255) , như con được mẹ, như qua sông được thuyền bè, như bịnh nhân được y sĩ, như tối được đèn, như nghèo được ngọc, như dân được vua, như thương khách được biển cả, như tối được đuốc, Pháp hoa cũng vậy, có năng lực làm cho chúng sinh thoát hết mọi sự khổ não, mọi thứ ốm đau, mở được những cách buộc ràng bởi sự sống chết.

Đối với Pháp hoa, ai được nghe, được chép, được khuyên người chép, thì công đức có được, nếu đem tuệ giác của Phật tính coi nhiều ít mới thấy vô hạn. Ai chép cuốn kinh Pháp hoa rồi hiến cúng bằng các loại hoa, vòng hoa, các loại hương liệu, bằng bảo cái có mắc tràng phan, bằng vải lụa bao phủ, bằng các thứ đèn như đèn bơ, đèn dầu, bằng các thứ đèn dầu thơm như đèn dầu chiêm bặc, đèn dầu tu man na, đèn dầu ba la la, đèn dầu ba lị si ca, đèn dầu na ba ma liể, thì được công đức cũng là vô hạn.

Tú vương hoa, ai nghe được phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương này thì cũng được công đức vô hạn. Dầu là nữ nhân mà nghe và tiếp nhận ghi nhớ được phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương, thì thân nữ nhân đời này kết thúc rồi sau đó không còn có lại thân ấy. Như lai nhập diệt rồi, trong năm trăm năm sau (256) , dầu là nữ nhân mà nghe được kinh Pháp hoa, và thực hành như kinh ấy dạy, thì người ấy mệnh chung ở quốc độ này là tức khắc hóa sinh trên tòa ngọc trong hoa sen của quốc độ Cực lạc, nơi đức A di đà như lai chủ ngự, với chư đại bồ tát bao quanh. Ở đó, người ấy không còn bị quấy rối vì tham dục, vì sân hận và ngu si, vì những sự dơ bẩn như kiêu ngạo, ganh ghét, mà lại được thần thông của bồ tát, được tuệ giác Không sinh. Được tuệ giác ấy nên mắt trong suốt, và với mắt ấy thấy được chư Phật nhiều bằng bảy trăm vạn hai ngàn ức trăm triệu hằng sa. Bấy giờ chư Phật như vậy cũng từ xa mà ca tụng, rằng tốt lắm thiện nam tử, trong giáo pháp của đức Thích ca thế tôn, ông tiếp nhận, ghi nhớ, đọc tụng, suy xét nghĩa lý và giảng nói cho người về kinh Pháp hoa, nên phước đức của ông thì vô hạn lượng, lửa không đốt được, nước không trôi được, công đức của ông thì ngàn Phật nói cũng không hết : ông đã phá tan đám giặc các ma, đánh thắng đạo quân sống chết, bao sự thù địch khác nữa cũng bị hủy diệt. Thiện nam tử, trăm ngàn Phật đà đem thần lực giữ gìn cho ông. Toàn thể thế gian, bao gồm cả nhân loại và chư thiên, không ai bằng ông. Ngoại trừ Phật đà, tuệ giác và thiền định của thanh văn, duyên giác, cho đến bồ tát, không ai hơn (257) ông. Tú vương hoa, vị bồ tát ấy, mà vốn là một nữ nhân, thành tựu công đức lực và tuệ giác lực đến như vậy (258) .

Nếu ai nghe phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương này mà tùy hỷ tán dương, thì người ấy hiện tại miệng thường phát ra hơi thơm hoa sen xanh, lỗ lông cả người thường toát ra hơi thơm đàn hương ngưu đầu, và thành quả người ấy đạt được là như trên đã nói.

Vì lý do này, Tú vương hoa, Như lai đem phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương giao phó cho ông. Như lai nhập niết bàn rồi, trong năm trăm năm sau, ông hãy truyền bá rộng rãi phẩm này trong cõi Diêm phù, đừng để mất đi. Đừng để cho ma vương độc ác, dân của ma vương ấy, hay chư thiên, long vương và dạ xoa thuộc loại bất thiện, quỉ ăn tinh chất và những kẻ cùng loại, rình được cơ hội thuận tiện.

Tú vương hoa, ông nên đem thần lực của ông mà giữ gìn Pháp hoa. Kinh ấy là thuốc tốt cho bịnh của người Diêm phù. Ai bịnh mà được nghe kinh ấy thì bịnh hết, không già sớm, không chết yểu (259) . Tú vương hoa, thấy ai (260) tiếp nhận kính giữ Pháp hoa thì nên đem hoa sen xanh bọc đầy bột hương thơm mà hiến cúng tung rải trên người ấy, với ý nghĩ người ấy không bao lâu nữa chắc chắn sẽ dùng cỏ cát tường mà ngồi nơi bồ đề tràng, chiến thắng ma quân, thổi loa chánh pháp vĩ đại, gióng trống chánh pháp vĩ đại, đưa chúng sinh vượt qua mà thoát khỏi biển cả sinh già bịnh chết. Do vậy mà những người cầu tuệ giác của Phật thấy ai tiếp nhận kính giữ Pháp hoa thì nên sinh lòng kính trọng như trên.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương thì có tám vạn bốn ngàn bồ tát được pháp tổng trì Biết hết tiếng nói của chúng sinh. Và đức Đa bảo phật đà ở trong bảo tháp thì khen rằng, tốt lắm Tú vương hoa, ông đã làm được một việc ngoài tầm nghĩ bàn: ông biết hỏi đức Thích ca thế tôn về việc cũ của Dược vương đại sĩ, ích lợi vô lượng cho hết thảy chúng sinh.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09

Source: Buddhism Today, http://www.buddhism.today


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-09-2002

Kinh Phap Hoa - 06

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Hoa Sen Chánh Pháp
(Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)

Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải


Cuốn 6

Phẩm 18: Thành Quả Tùy Hỷ (210) [^]

Lúc ấy đức Di lạc lại thưa, bạch đức Thế tôn, thiện nam hay thiện nữ nào nghe kinh Pháp hoa mà biết tùy hỷ, thì được bao nhiêu phước đức? Ngài lặp lại bằng lời chỉnh cú sau đây.

(1) Sau khi Thế tôn
nhập niết bàn rồi,
nếu có người nào
nghe kinh Pháp hoa
mà biết tùy hỷ
thì phước được mấy?

Đức Thế tôn bảo đức Di lạc, sau khi Như lai nhập diệt, tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những người có trí khác, hoặc lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi, nghe kinh Pháp hoa mà tùy hỷ, rồi ra khỏi cuộc họp diễn giảng kinh ấy, đi đến chỗ khác như tăng xá, rừng núi, thành thị, hẻm hóc, làng xóm hay cố hương, y như những điều mình được nghe và tùy sức mình mà nói lại cho cha mẹ, họ hàng, bạn tốt hay người quen. Những người này nghe rồi cũng tùy hỷ và đi nói chuyền lại cho những người khác. Những người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, cũng nói chuyền. Triển chuyển như vậy cho đến lớp thứ năm mươi. Di lạc, công đức tùy hỷ của thiện nam hay thiện nữ lớp thứ năm mươi này, nay Như lai nói đến, đại sĩ hãy khéo nghe.

Sáu loại chúng sinh trong bốn trăm vạn ức vô số thế giới hệ, được sinh bằng bốn cách sinh là sinh ra từ trứng, từ dạ con, từ độ ẩm thích hợp, từ sự biến hình, lại có hay không hình thể, có hay không tư tưởng, không phải có hay không tư tưởng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân... Tất cả các bộ thuộc về loại chúng sinh như vậy, có người cầu phước nên họ muốn gì về những thứ vui thú cũng cấp cho cả. Mỗi một chúng sinh được cấp cho những thứ ấy nhiều như sắp đầy cả đại lục Diêm phù, đại loại như bảy thứ quí báu là bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô và hổ phách, như voi ngựa xe thuyền, như cung điện lầu đài được tạo thành bằng bảy thứ quí báu... Vị đại thí chủ bố thí như vậy trọn tám mươi năm, rồi nghĩ rằng ta đã cho chúng sinh những thứ vui thú theo ý họ muốn, nhưng nay họ đã già yếu, tuổi quá tám mươi, tóc trắng mặt nhăn, sắp chết đến nơi. Ta nên đem pháp hóa của Phật mà chỉ bảo dẫn dắt. Nghĩ vậy nên vị đại thí chủ tức thì chiêu tập họ lại, quảng bá pháp hóa (211) bằng cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng cho họ. Làm cho họ trong một thì gian ai cũng đạt được các đạo quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán, sạch hết mọi sự phiền não ở trong ba cõi, tự tại đối với thiền định sâu xa, đầy đủ đối với tám sự giải thoát. Di lạc, ý đại sĩ nghĩ thế nào, công đức của vị đại thí chủ ấy đạt được có nhiều không? Đức Di lạc thưa, bạch đức Thế tôn, công đức vị ấy rất nhiều, vô số lượng, vô giới hạn. Vị ấy chỉ cho chúng sinh những thứ vui thú, công đức cũng đã vô cùng, huống chi còn làm cho họ đạt được cho đến đạo quả A la hán.

Đức Thế tôn bảo, Di lạc, Như lai nay nói rõ ràng cho đại sĩ biết, vị đại thí chủ đem những thứ vui thú cho sáu loại chúng sinh trong bốn trăm vạn ức vô số thế giới hệ, lại làm cho số chúng sinh ấy đạt được cho đến đạo quả A la hán, nhưng công đức được có vẫn không bằng công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ nghe Pháp hoa qua một bài chỉnh cú của kinh ấy mà sinh tâm tùy hỷ. Trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần của công đức tùy hỷ ấy, công đức bố thí trên không bằng được một phần, cho đến toán số ví dụ cũng không thể xác định. Di lạc, công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ tùy hỷ khi nghe chuyền Pháp hoa mà còn vô số lượng vô giới hạn như vậy, huống chi người đầu tiên, ngay nơi cuộc họp diễn giảng Pháp hoa mà được nghe và tùy hỷ đối với kinh ấy. Phước của người này còn hơn đến vô số con số vô số, không thể đối chiếu được nữa.

Di lạc, nếu người nào vì Pháp hoa nên đi đến tăng xá, ngồi hay đứng mà nghe và tiếp nhận, thì dẫu chỉ được chốc lát, công đức này vẫn làm cho người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sinh ra ở đâu cũng được đi bằng xe voi xe ngựa loại thượng hạng, bằng xe liễn xe dư loại vàng ngọc, bằng cung điện chư thiên (212) . Nếu người nào đang ngồi nơi chỗ diễn giảng Pháp hoa, có ai đến nữa, người ấy mời bảo ngồi nghe, hoặc chia chỗ của mình cho họ ngồi, thì công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ ngồi chỗ Đế thích ngồi, chỗ Phạn vương ngồi, chỗ Luân vương ngồi.

Di lạc, nếu người nào nói cho người khác biết, rằng có bản kinh tên Pháp hoa, nên đi nghe với tôi. Người này nhận lời, và đến nỗi chỉ nghe được chốc lát, công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ được sinh cùng chỗ với vị bồ tát đã thành tựu các pháp tổng trì, được lợi căn, trí tuệ, được trăm ngàn vạn đời không bao giờ câm ngọng; hơi miệng không hôi thối; lưỡi không khi nào bị bịnh; miệng cũng không bị bịnh; răng không dơ, không đen, không vàng, không thưa, không mẻ, không rụng, không lệch, không cong; môi không xệ xuống, không rút vào, không thô nhám, không ghẻ lở, không sứt hỏng, không méo vẹo, không dày, không lớn, không thâm, không đen, không có gì đáng ghét; mũi không xẹp, không hóp, không cong, không gãy; mặt thì sắc không đen, hình không hóp lại, dài ra, không lõm xuống, cong gãy, không có hết thảy cái vẻ không thể ưa thích. Trái lại, môi, lưỡi, răng hàm, răng, tất cả đều chỉnh, đẹp; mũi thì dài, lớn, cao, thẳng; mặt và dáng mặt thật hoàn hảo; mày cao mà dài; trán rộng, bằng phẳng, ngay ngắn; nói tóm, tướng tốt loài người, người ấy có đủ tất cả. Đời đời, người ấy sinh ra ở đâu cũng thấy Phật, nghe Pháp, tin tưởng và tiếp nhận giáo huấn. Di lạc, đại sĩ hãy quan sát điều ấy: khuyến khích một người cho họ đi nghe giảng Pháp hoa mà thành quả còn như vậy, huống chi chính mình chuyên chú mà nghe giảng, mà đọc tụng, mà phân tích nói lại cho mọi người ở giữa những cuộc họp đông đảo, mà tu hành như lời kinh dạy.

Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(2) Từ chỗ giảng pháp,
ai nghe Pháp hoa,
dầu chỉ nghe được
một bài chỉnh cú,
nhưng biết tùy hỷ
và nói cho người;
nói chuyền cho đến
lớp thứ năm mươi,
người trong lớp này
được phước thế nào,
nay đây Như lai
phân tích phước ấy.
(3) Như đại thí chủ
cho vô số người
đến tám mươi năm
những gì họ muốn.
(4) Khi thấy họ già
tóc bạc mặt nhăn,
răng rụng người khô,
nghĩ họ sắp chết
ta phải chỉ dạy
cho được đạo quả.
(5) Liền tìm cách nói
mà nói niết bàn,
rằng đời toàn là
không phải chắc thật,
khác nào bọt nước,
bóng nước, sóng nắng (213) ,
các người phải gấp
nhàm chán thoát ly.
(6) Mọi người nghe được
pháp hóa như vậy,
đều thành La hán
đủ sáu thần thông
và ba minh trí
với tám giải thoát.
(7) Nhưng người sau hết
thuộc lớp năm mươi,
dầu chỉ nghe được
một bài chỉnh cú
của kinh Pháp hoa
mà lòng tùy hỷ,
phước được vẫn hơn
đại thí chủ trên,
đến nỗi không thể
đối chiếu ví dụ.
(8) Nghe chuyền xa thế
phước còn vô lượng,
huống người đầu tiên
từ chỗ giảng pháp
nghe kinh Pháp hoa
mà lòng tùy hỷ.
(9) Nếu ai khuyên được
dầu chỉ một người,
dẫn họ đi đến
nghe kinh Pháp hoa,
bằng cách bảo họ
Pháp hoa tuyệt diệu,
ngàn vạn thời kỳ
cũng khó gặp được.
(10) Người này theo lời
đi đến mà nghe,
thì dẫu đến nỗi
chỉ nghe chốc lát,
kết quả phước đức
của người khuyên ấy
nay đây Như lai
phân tích nói đến.
(11- 13) Người ấy đời đời
miệng không bị bịnh;
răng không bao giờ
thưa, vàng hay đen;
môi thì không dày,
không rút, không sứt,
không hình dáng nào
có thể ác cảm;
lưỡi cũng không khô,
không đen, không ngắn;
mũi đã cao, lớn,
mà lại dài, thẳng;
còn trán thì rộng,
bằng phẳng, ngay ngắn;
đến mặt và mắt
thì đủ mọi vẻ
đẹp đẽ, trang nghiêm,
ai cũng thích nhìn;
hơi miệng thường xuyên
không mùi hôi thối,
mà hơi hoa sen
thường phát từ đó.
(14) Nếu ai cố tâm
đi đến tăng xá,
muốn nghe cho được
Diệu pháp liên hoa,
dầu nghe chốc lát
mà lòng hoan hỷ,
nay đây Như lai
nói phước người ấy.
(15- 16) Người ấy đời sau
sinh trong trời người
được đi xe voi
xe ngựa hảo hạng,
xe liễn xe dư
trang trí vàng ngọc,
lại được đi bằng
cung điện chư thiên.
(17) Tại chỗ diễn giảng
Diệu pháp liên hoa,
ai biết khuyên mời
người khác ngồi nghe,
thì cái phước này
làm cho người ấy
sẽ được chỗ ngồi
của các ngôi vị
Đế thích, Phạn vương,
cùng với Luân vương.
Huống chi những người
tự mình chuyên tâm
mà nghe diễn giảng
Diệu pháp liên hoa,
nghe rồi giảng lại
nghĩa lý kinh ấy,
lại còn tu hành
như kinh ấy dạy:
phước này không ai
biết được giới hạn.

Phẩm 19: Thành Quả Của Người Diễn Giảng Pháp Hoa[^]

Vào lúc ấy, đức Thế tôn bảo đại bồ tát Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành (214) ..., thì người ấy sẽ được tám trăm phẩm chất tốt của mắt, một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của tai, tám trăm phẩm chất tốt của mũi, một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của lưỡi, tám trăm phẩm chất tốt của thân và một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của ý. Do những phẩm chất này trang sức mà làm cho sáu căn (215) trong suốt tất cả (216) .

Thiện nam hay thiện nữ ấy, với mắt thịt trong suốt do cha mẹ sinh ra mà thấy cả trong và ngoài đại thiên thế giới: thấy núi rừng sông biển, thấy dưới đến ngục Vô gián trên đến trời Hữu đỉnh, trong đó tất cả chúng sinh, hành vi của tất cả chúng sinh ấy, và những chỗ của hành vi ấy kết quả sinh đến, cũng thấy biết hết thảy. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những chỉnh cú sau đây.

(1) Ở giữa công chúng,
đem sự không sợ
mà giảng Pháp hoa,
thì Thường tinh tiến,
đại sĩ hãy nghe
thành quả người ấy.
(2) Người ấy có được
nhãn căn siêu việt,
đầy đủ tám trăm
những phẩm chất tốt.
Do phẩm chất này
trang sức nhãn căn,
nên mắt người ấy
rất là trong suốt.
(3- 4) Chỉ là con mắt
do cha mẹ sinh,
mà thấy trong ngoài
đại thiên thế giới:
Di lâu, Tu di,
Thiết vi cùng với
bao nhiêu núi rừng;
tất cả biển cả,
sông lớn cùng với
bao nhiêu dòng nước.
(5) Dưới đến Vô gián
trên đến Hữu đỉnh,
cùng với các loại
chúng sinh trong đó,
người ấy ở đây
mà thấy rõ cả.
(6) Chưa được mắt trời,
chỉ là năng lực
mắt thịt mà thôi
mà đã như vậy.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của tai. Với tai thịt trong suốt ấy mà nghe cả đại thiên thế giới. Dưới đến Vô gián, trên đến Hữu đỉnh, bao nhiêu lời tiếng trong và ngoài: tiếng voi ngựa, tiếng trâu bò, tiếng xe thuyền; tiếng khóc lóc, tiếng than thở; tiếng ốc, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng chuông nhỏ; tiếng cười, tiếng nói, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng đồng nam, tiếng đồng nữ; tiếng chánh pháp, tiếng phi chánh pháp; tiếng khổ, tiếng vui; tiếng phàm phu, tiếng thánh giả; tiếng đáng ưa, tiếng đáng ghét; tiếng trời, tiếng rồng, tiếng dạ xoa, tiếng càn thát bà, tiếng a tu la, tiếng ca lâu la, tiếng khẩn na la, tiếng ma hầu la dà; tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, tiếng đất; tiếng địa ngục, tiếng súc sinh, tiếng ngạ quỉ; tiếng tỷ kheo, tiếng tỷ kheo ni; tiếng thanh văn, tiếng duyên giác, tiếng bồ tát, tiếng Phật đà. Nói tổng quát, hết thảy lời và tiếng ở trong và ngoài đại thiên thế giới, tuy chưa được tai trời, chỉ dùng tai thịt trong suốt nhưng bình thường, do cha mẹ sinh ra, mà nghe tất cả. Và phân biệt các loại lời tiếng như vậy mà không hỏng nhĩ căn (217) . Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(7) Tai cha mẹ sinh
trong suốt hoàn hảo.
Đem tai thường ấy
mà nghe được hết
các loại lời tiếng
toàn cõi đại thiên.
(8) Các tiếng voi ngựa
trâu bò xe thuyền;
tiếng chuông, chuông nhỏ,
ốc, trống, cầm, sắt,
không hầu, tiêu, sáo,
bao tiếng nhạc khí;
(9) cùng tiếng ca hát
trong thanh tuyệt nhã,
nghe rõ tất cả
mà không đam mê.
Vô số chủng loại
tiếng của loài người,
nghe đủ tất cả
và hiểu rõ ràng.
(10) Tiếng của chư thiên,
tiếng hát tuyệt diệu
của chư thiên ấy,
cũng nghe được cả.
Lại nghe rõ hết
tiếng nam, tiếng nữ,
tiếng của đồng nam,
tiếng của đồng nữ.
(11) Tiếng các loài chim
ở trong núi cao,
nguồn sâu, hang hiểm,
đại khái như là
tần dà, cọng mạng,
cũng nghe được hết.
(12) Mọi tiếng đau đớn
của trong địa ngục;
tiếng kiếm uống ăn
của loài ngạ quỉ;
(13) loài a tu la
ở bờ biển cả
khi nói với nhau
phát tiếng rất lớn.
Người giảng Pháp hoa
ở vị trí mình
mà xa nghe cả
các tiếng như vậy,
nghe mà không bị
hư hỏng nhĩ căn.
(14) Mười phương thế giới
chim muông kêu nhau,
người giảng Pháp hoa
ở đây nghe cả.
(15) Lời tiếng chư thiên
ở các Phạn thiên,
Quang âm, Biến tịnh,
đến tận Hữu đỉnh,
người giảng Pháp hoa
ở đây nghe cả.
(16) Các chúng tỷ kheo
và tỷ kheo ni
đọc tụng kinh pháp
hay giảng cho người,
người giảng Pháp hoa
ở đây nghe cả.
(17) Và các bồ tát
đọc tụng kinh pháp,
hoặc giảng cho người,
biên tập, giải thích,
các tiếng như vậy
đều nghe được cả.
(18) Chư vị Phật đà -
những đại thánh triết,
những đấng giáo hóa
tất cả chúng sinh,
nói pháp tinh túy
giữa các đại hội,
người giữ Pháp hoa
cũng nghe được cả.
(19) Mọi tiếng trong ngoài
đại thiên thế giới,
dưới đến Vô gián
trên đến Hữu đỉnh,
nghe hết mà không
hư hỏng nhĩ căn.
(20) Nhĩ căn như vậy
thông suốt bén nhạy,
nên nghe được hết
và biết rành cả.
(21) Những người kính giữ
Diệu pháp liên hoa
tuy rằng chưa được
tai của chư thiên,
chỉ dùng tai thường
do cha mẹ sinh,
mà phẩm chất tốt
đã đến như vậy.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được tám trăm phẩm chất tốt của mũi. Với mũi thịt trong suốt ấy mà nghe được các hơi (218) trên dưới và trong ngoài đại thiên thế giới, như hơi hoa tu man na, hơi hoa xà đề, hơi hoa mạt l﬍ hơi hoa chiêm bặc, hơi hoa ba la la; hơi hoa sen hồng, hơi hoa sen xanh, hơi hoa sen trắng; hơi các hoa nơi những cây có hoa, hơi các trái nơi những cây có trái; hơi đàn hương, hơi hương trầm thủy, hơi hương đa ma la bạt, hơi hương đa già ra, và hơi của ngàn vạn hương liệu ấy hợp lại thành bột, thành viên, và thành kem. Người kính giữ Pháp hoa ở đây mà nghe biết rành rẽ cả. Lại nghe biết rành rẽ hơi các loại chúng sinh, đại khái như hơi voi ngựa, hơi bò dê; hơi nam, hơi nữ, hơi đồng nam, hơi đồng nữ. Cỏ cây lùm rừng hoặc xa hoặc gần, có hơi gì cũng nghe được hết, phân biệt không sai. Người kính giữ Pháp hoa dẫu ở đây mà cũng nghe được các hơi trên chư thiên, như hơi cây ba lhất đa la, hơi cây câu bệ đà ra; hơi hoa mạn đà và đại mạn đà, hơi hoa mạn thù và đại mạn thù; hơi đàn hương, hơi hương trầm thủy, và hơi bột các hương liệu này; hơi các loại hoa khác nhau; và hơi của các loại hơi trên chư thiên này hợp lại phát ra, đều nghe biết cả. Lại nghe hơi thân chư thiên: hơi thân Đế thích lúc vui thú năm thứ dục lạc nơi Thắng điện, lúc thuyết pháp cho chư thiên Đao lợi nơi Diệu pháp đường, lúc dạo chơi nơi các vườn. Hơi thân nam nữ chư thiên khác cũng xa nghe cả. Tuần tự đến Phạn thế, và lên đến Hữu đỉnh, hơi thân chư thiên các nơi này cũng nghe được cả. Lại nghe hơi các hương liệu được đốt lên của chư thiên. Cho đến hơi các thân thanh văn, thân duyên giác, thân bồ tát và thân Phật đà, cũng xa nghe được, và biết được các thân ấy ở đâu. Tuy nghe hết các hơi như vậy mà tyՠcăn không hỏng, và muốn phân tích nói cho người khác thì nhớ không sai. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(22) Người giữ Pháp hoa
tyՠcăn trong suốt,
hơi thơm hơi thối
trong thế giới này,
tất cả các loại
đều ngửi biết cả.
(23) Hơi hoa tu man
và hoa xà đề;
hơi các hương liệu
đa ma la bạt,
đàn hương, trầm thủy,
cùng với hơi quế;
hơi các thứ hoa
và các thứ trái;
(24) hơi bao chúng sinh,
hơi nam, hơi nữ;
người giảng Pháp hoa
ở xa vẫn nghe
các hơi như vậy
và biết ở đâu.
(25) Các vị luân vương
thế lớn thế nhỏ,
vương tử quần thần
và các cung nhân,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(26) Các thứ vàng ngọc
được mang nơi thân,
các kho vàng ngọc
nằm trong lòng đất,
vàng ngọc nơi thân
bảo nữ luân vương,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(27) Những đồ trang sức
nơi thân mọi người,
như là y phục,
vòng hoa, hương xoa,
cũng nghe hơi cả
và biết thân ấy.
(28) Chư thiên đi, ngồi,
giải trí, biến hóa,
người giữ Pháp hoa
nghe hơi biết cả.
(29) Hơi hoa, trái, hạt
của các loại cây,
hơi thơm của bơ,
của các thứ dầu,
người giữ Pháp hoa
ở vị trí mình
cũng nghe biết cả
và biết ở đâu.
(30) Ở trong thung lũng
của bao núi non,
mà cây đàn hương
khi hoa nở ra,
cùng với sinh vật
ở những chỗ ấy,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(31) Sinh vật ở trong
thiết vi, biển cả,
và cả trong đất,
người giữ Pháp hoa
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(32) Nam nữ tu la
và thân quyến họ
những khi tranh đấu
hay lúc giải trí,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(33) Đồng nội mênh mông
núi rừng hiểm trở,
có những loài thú
loại như sư tử
voi, cọp và sói,
bò rừng, trâu rừng,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(34) Bào thai đang mang
chưa phân nam nữ,
chưa biết đủ thiếu
tất cả bộ phận,
chưa rõ là người
hay không phải người (219) ,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(35) Cũng vì nghe hơi,
biết thai mới có
thành hay không thành,
thành mà yên ổn
sinh ra có phước
hay là trái lại.
(36) Cũng vì nghe hơi
mà biết nam nữ
nghĩ tưởng những gì:
nghĩ đến dục vọng,
si mê, tức giận;
hay nghĩ sửa mình
theo các pháp lành,
cũng nghe biết cả.
(37) Các loại kho báu
ẩn trong lòng đất,
loại như bạc vàng
và bao thứ quí,
cùng đồ kim khí
chứa những thứ ấy,
đều nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(38) Đến như tất cả
các thứ chuỗi ngọc,
không ai biết được
giá trị mức nào,
cũng nghe hơi cả
và biết quí không,
biết cả xuất xứ
cùng với chỗ ở.
(39) Tất cả loại hoa
của trên chư thiên,
như hoa mạn đà
như hoa mạn thù
và hoa của cây
ba lhất đa,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(40) Bao nhiêu cung điện
của trên chư thiên,
cao, thấp, trung bình,
các loại khác nhau,
và bao hoa ngọc
trang hoàng ở đó (220) ,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(41) Vườn rừng chư thiên,
tòa nhà Thắng điện,
cùng với lâu đài
tên Diệu pháp đường,
chúa trời Đế thích
du ngoạn trong đó,
vui thú ngũ dục,
hay là thuyết pháp,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(42) Chư thiên nghe pháp
hoặc hưởng ngũ dục,
qua lại đi đứng
hay là nằm ngồi,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(43) Thiên nữ khoác mặc
những y phục gì,
trang sức hoa đẹp
và hương thơm nào,
du ngoạn giải trí
hay đang ở đâu,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(44- 45) Tuần tự như vậy
từ trời Đao lợi
mà lên cho đến
các trời Phạn thế,
tại đây những ai
vào thiền xuất thiền,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
Quang âm, Biến tịnh,
cho đến Hữu đỉnh,
lúc mới sinh ra
hay lúc thoái đọa,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(46) Chúng chư tỷ kheo
và các chúng khác
đối với pháp Phật
thường xuyên tinh tiến:
hoặc là tọa thiền
hoặc là kinh hành,
hoặc đọc hoặc tụng
các loại kinh pháp;
(47) hoặc ở núi rừng
dưới gốc cây lớn,
hết lòng tinh chuyên
ngồi tu thiền quán ;
những người kính giữ
Diệu pháp liên hoa
cũng đều nghe hơi
và biết chỗ nào.
(48) Chúng chư bồ tát
trí nhớ vững chắc,
ngồi mà thiền quán
mà đọc hoặc tụng,
hay là giảng nói
kinh pháp cho người,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(49) Khắp mọi quốc độ
chư Phật như lai
được bao bộ chúng
tôn kính bao quanh,
các ngài thương tưởng
thuyết pháp cho họ,
cũng được nghe hơi
và biết rõ cả.
(50) Trước chư Phật ấy,
chúng sinh nghe pháp,
vui mừng với pháp,
đúng pháp mà tu,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(51) Dẫu rằng chưa được
tyՠcăn bồ tát -
tyՠcăn phát sinh
bởi pháp thuần khiết,
người giữ Pháp hoa
đã thành tựu trước
những sắc thái này
nơi tyՠcăn thường.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của lưỡi. Tốt hay xấu, ngon hay dở, đắng với chát, ở trên lưỡi của người này đều biến thành mùi thượng hạng như mùi cam lộ của chư thiên, không có thứ gì không ngon. Nếu đem lưỡi ấy giảng nói gì ở giữa công chúng đông đảo, thì xuất ra âm thanh sâu xa tuyệt diệu, đi vào con tim, làm cho ai cũng hoan hỷ thích thú. Thiên tử thiên nữ, Đế thích Phạn vương, nghe âm thanh sâu xa tuyệt diệu ấy giảng nói rất thứ lớp, nên ai cũng muốn đến làm thính giả; long và long nữ, dạ xoa và dạ xoa nữ, càn thát bà và càn thát bà nữ, a tu la và a tu la nữ, ca lâu la và ca lâu la nữ, khẩn na la và khẩn na la nữ, ma hầu la dà và ma hầu la dà nữ, vì nghe pháp mà tất cả cùng đến thân gần, tôn kính, hiến cúng. Tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di; quốc vương và vương tử, quần thần, tùy thuộc; tiểu luân vương và đại luân vương, những người trong bảy người vật quí báu (221) , ngàn người con và thân quyến nội ngoại của luân vương, cùng đi xa giá như cung điện của mình (222) mà đến nghe pháp. Pháp sư bồ tát này khéo thuyết pháp nên phạn chí, cư sĩ, và dân chúng cả nước, suốt đời theo hầu và hiến cúng. Chư vị thanh văn, duyên giác, bồ tát, và chư vị Phật đà, thường thích thấy vị ấy. Vị ấy ở phương hướng nào thì chư vị Phật đà xoay lại phương hướng này mà thuyết pháp, và vị ấy có năng lực tiếp nhận ghi nhớ hết các pháp của chư Phật như vậy, lại có năng lực xuất ra tiếng nói sâu xa và tuyệt diệu mà tuyên thuyết pháp ấy. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(52) Diễn giảng Pháp hoa
thì lưỡi trong suốt,
không khi nào bị
mùi vị bất hảo.
Người diễn giảng ấy
ăn uống thứ gì
cũng đều biến thành
mùi vị cam lộ.
(53- 54) Thiện dụng tiếng nói
sâu xa tuyệt diệu,
người ấy thuyết pháp
ở giữa các chúng;
với những yếu tố
cùng những ví dụ,
người ấy hướng dẫn
tâm trí chúng sinh,
làm cho người nghe
ai cũng hoan hỷ,
và thiết những cách
hiến cúng cao thượng.
(55) Tất cả tám bộ
chư thiên long thần
đem lòng tôn kính
mà đến nghe pháp.
(56) Người thuyết pháp ấy
muốn tiếng tuyệt diệu
lan khắp thế giới,
thì cũng tùy ý
muốn tiếng đến đâu
là đến được liền.
(57) Luân vương lớn nhỏ,
ngàn con, thân quyến,
chắp tay kính trọng
thường đến nghe pháp.
(58) Chư thiên, long chúng
dạ xoa, la sát,
cả tỳ xá xà (223) ,
cũng đều hoan hỷ,
thường xuyên vui thích
đến mà phụng sự;
(59) Phạn vương, Ma vương,
Tự tại thiên tử,
và Đại tự tại,
chư thiên như vậy
càng thường đến chỗ
người thuyết pháp ấy.
(60) Chư vị Phật đà
cùng với đệ tử (224)
nghe tiếng người ấy
diễn giảng diệu pháp,
thì thường thương tưởng
và giữ gìn cho,
có lúc hiện thân
cho người ấy thấy.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được tám trăm phẩm chất tốt của thân. Người ấy được cái thân trong suốt như khối lưu ly, chúng sinh ai cũng thích nhìn. Vì thân trong suốt nên chúng sinh cả đại thiên thế giới khi sinh khi chết, bậc cao bậc thấp, hoặc đẹp hoặc xấu, sinh chỗ lành sinh chỗ dữ, tất cả đều hiện nơi thân ấy. Thiết vi và đại thiết vi, di lâu và đại di lâu, những núi như vậy, và sinh vật trong đó, đều hiện nơi thân này. Dưới đến ngục Vô gián, trên đến trời Hữu đỉnh, bao nhiêu chúng sinh và những gì có trong đó, đều hiện trong thân này. Thanh văn, duyên giác, bồ tát và Phật đà thuyết pháp, thì những hình ảnh như vậy cũng hiện nơi thân này. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(61) Người giữ Pháp hoa
thân rất trong suốt,
như khối lưu ly
cực kỳ trong suốt,
các loại chúng sinh
ai cũng thích nhìn.
(62) Như mặt gương sáng
hiện đủ hình ảnh,
chính nơi thân mình
bồ tát pháp sư
thấy hết những gì
thế giới này có -
mình tự thấy rõ,
người không nhìn ra.
(63) Đại thiên thế giới
hết thảy chúng sinh:
chư thiên nhân loại
cùng với tu la,
địa ngục ngạ quỉ
cùng với súc sinh,
bao hình ảnh này
hiện trong thân ấy.
(64) Cung điện chư thiên
từ tầng dưới hết
sắp lên cho đến
tầng trời Hữu đỉnh;
thiết vi, di lâu,
cùng đại di lâu,
và các đại dương
cùng bao dòng nước,
đều hiện hình ảnh
nơi trong thân ấy.
(65) Chư vị Phật đà
cùng với thanh văn
và bao con Phật
là các bồ tát,
mà lúc đơn độc
hay lúc thuyết pháp
ở giữa các chúng,
đều hiện trong đó.
(66) Dẫu rằng chưa được
cái thân mầu nhiệm
là thân pháp tánh
tuyệt đối thuần khiết,
chỉ là cái thân
thường và trong suốt
mà bao hình ảnh
đều hiện trong đó.

Thường tinh tiến, thiện nam hay thiện nữ nào, sau khi Như lai nhập diệt, đối với Pháp hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của ý. Với ý trong suốt như vậy thì đến nỗi chỉ nghe một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa cũng thông suốt nghĩa lý vô biên. Thông suốt như vậy rồi lại có khả năng giảng nói một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa ấy đến một tháng, bốn tháng, cho đến cả năm, và những gì người này giảng nói thì vì ý nghĩa hướng về thật tướng, nên không trái ngược với thật tướng ấy. Người này nếu phải nói đến học thuyết thế gian, lý thuyết chính trị, công nghiệp dân sinh (225) , và những gì cùng loại, thì cũng biết nói cho hợp với Phật pháp. Cả đại thiên thế giới, sáu loài chúng sinh nghĩ gì, nghĩ để làm gì, nghĩ để bàn gì, người này biết hết. Dẫu chưa được tuệ giác thuần khiết, ý của người này đã trong suốt đến như thế ấy. Người này nghĩ gì, tính gì, và nói gì, cũng đều trung thực với pháp của Như lai đã dạy chứ không có gì không trung thực, lại cũng trung thực với pháp đã được nói đến trong kinh của các đức Phật trước (226) . Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(67) Người giữ Pháp hoa
thì ý trong suốt,
lanh lợi thông minh
không có vẩn đục.
Chính do cái ý
tuyệt diệu như vậy,
biết hết các pháp
cao, thấp, trung bình.
(68) Đến nỗi chỉ nghe
một bài chỉnh cú
mà cũng thông đạt
vô lượng nghĩa ý,
lại còn tuần tự
diễn đạt chính xác
suốt trong một tháng
một mùa (227) , cả năm.
(69) Toàn thể trong ngoài
đại thiên thế giới,
các loại chúng sinh
như trời với người,
dạ xoa, quỉ thần,
và bao loài khác,
(70) tất cả sáu loài
nghĩ tưởng những gì,
thì cái quả báo
người giữ Pháp hoa
là trong một lúc
mà biết rõ cả.
(71) Vô lượng Phật đà
khắp cả mười phương -
những bậc tướng quí
trăm phước trang nghiêm,
tuyên thuyết diệu pháp
cho bao chúng sinh,
người này nghe, nhận,
và nhớ được cả.
(72) Lại suy nghĩ ra
rất nhiều nghĩa ý
và diễn nói được
trong nhiều thì gian,
nhưng đầu đến cuối
không quên không lầm.
Kính giữ Pháp hoa
nên được như vậy.
(73) Biết hết chi tiết
của các diệu pháp,
biết theo ý nghĩa
mà thấy thứ tự (228) ,
biết rành ngữ văn
và cách diễn đạt,
người ấy diễn giảng
đúng như đã biết.
(74) Người như thế này
diễn giảng những gì,
không những trung thực
với pháp Như lai ,
mà còn trung thực
với pháp Phật trước;
và chính là vì
diễn giảng pháp ấy,
nên giữa các chúng
không e sợ gì.
(75) Người nào kính giữ
Diệu pháp liên hoa
thì được cái ý
trong suốt đến thế,
nên tuy chưa được
tuệ giác thuần khiết
mà đã có trước
những sắc thái trên.
(76) Người này kính giữ
Diệu pháp liên hoa,
thế là đứng nơi
vị trí hiếm có,
được bao chúng sinh
hoan hỷ kính mến,
và có năng lực
vận dụng ngàn vạn
những cách diễn đạt
rất là khéo léo,
phân tích thuyết pháp
cho bao chúng sinh.
Ấy là toàn nhờ
kính giữ Pháp hoa.

Phẩm 20: Bồ Tát Thường Bất Khinh [^]

Khi ấy đức Thế tôn bảo đại bồ tát Đại thế chí, đại sĩ nên biết, trong bốn chúng tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, những người kính giữ Pháp hoa mà ai ác miệng phỉ báng thì bị tội nặng như Như lai đã nói trước kia, còn thành quả của những người ấy thực hiện là tai mắt mũi lưỡi thân ý, sáu căn thông suốt như Như lai mới nói ở trước.

Đại thế chí, xưa, xa xưa, cách nay những thời kỳ vô số nhiều đến vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn, có đức Phật danh hiệu Oai âm vương, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời. Thời kỳ của ngài tên là Ly suy, quốc độ của ngài tên là Đại thành. Ngài thuyết pháp cho chư thiên, nhân loại và tu la, bằng cách ai cầu Thanh văn thì nói mà đáp ứng cho bằng bốn chân lý để họ vượt qua sinh già bịnh chết, cứu cánh niết bàn; ai cầu Duyên giác thì nói mà đáp ứng cho bằng mười hai duyên khởi; còn các vị Bồ tát thì vì tuệ giác vô thượng, nói mà đáp ứng cho bằng sáu ba la mật để họ cứu cánh đạt đến tuệ giác ấy của Phật đà.

Đại thế chí, đức Oai âm vương như lai sống lâu với những thời kỳ nhiều bằng bốn mươi vạn ức trăm triệu hằng sa. Giáo pháp nguyên chất của ngài tồn tại thế gian với thời kỳ nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một đại lục Diêm phù; giáo pháp tương tự của ngài tồn tại thế gian với thời kỳ nhiều bằng bụi nhỏ nghiền cả bốn đại lục nhân loại. Ngài lợi ích cho chúng sinh rồi nhập diệt. Khi giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự của ngài kết thúc thì quốc độ Đại thành lại có đức Phật khác xuất hiện, cũng với tên Oai âm vương như lai và đủ mười đức hiệu. Tuần tự như vậy, có hai vạn ức đức Phật nữa, đều cùng một danh hiệu.

Đức Oai âm vương như lai đầu tiên, sau khi nhập diệt và thời kỳ giáo pháp nguyên chất kết thúc, trong thời kỳ giáo pháp tương tự của ngài, những tỷ kheo tăng thượng mạn có thế lực cực lớn. Chính trong lúc này mà có một vị tỷ kheo bồ tát tên là Thường bất khinh. Đại thế chí, vì lý do nào gọi ngài là Thường bất khinh? Vì thấy ai, bất cứ tỷ kheo hay tỷ kheo ni, ưu bà tắc hay ưu bà di, ngài cũng thi lễ và tán dương mà nói, tôi kính trọng quí vị một cách sâu xa, không dám khinh thường, vì quí vị toàn là những người có thể đi theo đường đi của bồ tát và sẽ được trở thành Phật đà. Tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh không chuyên chú đọc kinh tụng kinh, chỉ thực hành sự thi lễ tán dương như trên. Đến nỗi mỗi khi từ xa thấy bất cứ ai trong bốn chúng, ngài cũng cố đến thi lễ và tán dương mà nói, tôi không dám khinh thường quí vị, quí vị sẽ làm Phật cả. Trong bốn chúng có kẻ nổi giận, tâm lý vẩn đục thì ác miệng mắng nhiếc, rằng tỷ kheo vô trí này, ở đâu đến đây mà tự nói tôi không dám khinh thường quí vị, thọ ký cho chúng ta sẽ được làm Phật? Chúng ta không cần sự thọ ký không thật ấy! Nhưng tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh vẫn làm như vậy trải qua bao nhiêu năm tháng, và luôn luôn bị mắng nhiếc mà không giận dữ, vẫn thường nói rằng quí vị sẽ làm Phật cả. Khi nói lời ấy, mọi người có kẻ lấy gậy lấy cây mà đánh, lấy ngói lấy đá mà ném, ngài tránh chạy, đứng xa, nhưng vẫn lớn tiếng mà nói tôi không dám khinh thường quí vị, quí vị sẽ làm Phật đà. Vì ngài thường xuyên nói như vậy nên những kẻ tăng thượng mạn trong bốn chúng gọi ngài là Thường bất khinh.

Lúc đời sống sắp kết thúc, từ trong không gian, tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh được nghe đầy đủ về kinh Pháp hoa mà đức Oai âm vương như lai đã tuyên thuyết, gồm có hai mươi ngàn vạn ức bài kệ (229) mà ngài vẫn tiếp nhận và kính giữ được cả. Và tức thì được mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn trong suốt như Như lai mới nói ở trước. Được như vậy rồi, đời sống của tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh tăng lên hai trăm vạn ức trăm triệu năm nữa, diễn giảng cho mọi người một cách phong phú về kinh Pháp hoa.

Bốn chúng bấy giờ, những kẻ tăng thượng mạn đã khinh khi và đặt cho ngài cái tên Thường bất khinh, thấy ngài đạt được sức mạnh đại thần thông, sức mạnh đại hùng biện, sức mạnh đại yên lặng, nên nghe ngài diễn giảng ai cũng tin phục và đi theo. Tỷ kheo bồ tát Thường bất khinh lại giáo hóa cho ngàn vạn ức người, làm cho đứng trong tuệ giác vô thượng.

Sau khi đời sống kết thúc, ngài lại gặp được hai ngàn ức đức Phật cùng một danh hiệu Nhật nguyệt đăng minh, trong giáo pháp các đức Phật ấy ngài cũng diễn giảng Pháp hoa (229B) . Vì nhân tố này, ngài gặp được hai ngàn ức đức Phật nữa, cùng một danh hiệu Vân tự tại đăng vương, và trong giáo pháp của các đức Phật như vậy, ngài cũng tiếp nhận kính giữ Pháp hoa, bằng cách đọc tụng và giảng nói cho bốn chúng về kinh ấy, cũng được sáu căn bình thường mà trong suốt, được sự không e sợ khi diễn giảng giữa bốn chúng. Đại thế chí, đối với bao nhiêu đức Phật trên đây, đại bồ tát Thường bất khinh hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương, gieo trồng gốc rễ pháp lành. Sau đó ngài còn gặp ngàn vạn ức đức Phật nữa, trong giáo pháp các đức Phật này ngài cũng diễn giảng Pháp hoa, hoàn thiện công đức, trở thành một đức Phật đà.

Đại thế chí, ý của đại sĩ nghĩ thế nào, đại bồ tát Thường bất khinh lúc ấy có phải ai khác, mà chính là bản thân Như lai. Nếu đời trước Như lai không tiếp nhận kính giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng, diễn giảng cho người..., thì đã không thể mau chóng thành tựu tuệ giác vô thượng. Chính vì từ nơi chư Phật quá khứ, Như lai đã tiếp nhận kính giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng, diễn giảng cho người..., nên đã thành tựu tuệ giác vô thượng một cách mau chóng. Đại thế chí, phần những tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di lúc ấy, vì giận dữ và khinh khi đại bồ tát Thường bất khinh mà hai trăm ức thời kỳ thường xuyên không gặp Phật không nghe Pháp không thấy Tăng, một ngàn thời kỳ chịu khổ khốc liệt trong Vô gián, nhưng hết tội báo ấy thì được gặp lại đại bồ tát Thường bất khinh giáo hóa cho về tuệ giác vô thượng. Đại thế chí, ý của đại sĩ nghĩ thế nào, bốn chúng thường khinh ngạo đại bồ tát Thường bất khinh lúc ấy có phải ai khác, mà chính là năm trăm bồ tát đứng đầu bởi Hiền hộ, năm trăm tỷ kheo ni đứng đầu bởi Sư tử nguyệt, và năm trăm ưu bà tắc đứng đầu bởi Tư Phật (230) , toàn là những người không còn thoái chuyển tuệ giác vô thượng và nay đang có mặt trong đại hội này.

Đại thế chí, đại sĩ phải biết, Pháp hoa ích lợi vĩ đại cho chư vị đại bồ tát, có năng lực làm cho chư vị ấy đạt đến tuệ giác vô thượng. Vì lý do này, sau khi Như lai nhập diệt, đối với Pháp hoa, chư vị đại bồ tát hãy liên tục tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành...

Muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên khi ấy đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Xưa có đức Phật
hiệu Oai âm vương,
thần thông tuệ giác
đều vô hạn lượng,
dẫn dắt hết thảy
các loại chúng sinh,
chư thiên nhân loại
ai cũng phụng sự.
(2) Ngài nhập diệt rồi,
khi pháp sắp hết,
có một bồ tát
tên Thường bất khinh.
(3) Bốn chúng bấy giờ
vướng mắc các pháp (231) ,
bồ tát Bất khinh
đến chỗ của họ,
nói tôi không dám
khinh thường quí vị;
quí vị có thể
đi đường bồ tát
và ai cũng sẽ
được làm Phật đà.
(4) Họ nghe lời này
thì khinh và mắng,
bồ tát Bất khinh
nhẫn chịu được cả.
(5) Hết tội tình (232) này
và khi sắp chết,
ngài được nghe đủ
Diệu pháp liên hoa,
và được sáu căn
thường mà trong suốt.
Do thần lực ấy,
ngài sống lâu thêm,
và lại diễn giảng
một cách phong phú
Diệu pháp liên hoa
cho cả mọi người.
(6) Người trong bốn chúng
vướng mắc các pháp
thì được bồ tát
giáo hóa tác thành,
làm cho đứng vững
trong tuệ giác Phật.
Sau khi chết rồi,
bồ tát Bất khinh
được gặp vô số
chư vị Phật đà.
(7) Chính vì diễn giảng
Diệu pháp liên hoa
mà ngài thực hiện
vô lượng pháp lành,
đủ dần công đức
chóng được Phật tuệ.
Bất khinh lúc ấy
nay chính Như lai.
(8- 9)Bốn chúng lúc ấy
vướng mắc các pháp
nghe Thường bất khinh
thọ ký làm Phật,
thì chính nhờ vào
nhân tố này đây
mà họ gặp được
vô lượng Phật đà,
và nay chính là
trong đại hội này
năm trăm bồ tát,
cùng với bốn chúng
bao gồm nam nữ
đức tin trong sáng,
đang cùng nghe pháp
trước Như lai đây.
(10) Đời trước Như lai
khuyên những người ấy
nghe và tiếp nhận
Diệu pháp liên hoa
là pháp bậc nhất,
nay họ có thể
chỉ dạy cho người
sống trong niết bàn,
bằng cách đời đời
nhận giữ kinh ấy.
(11) vạn thời kỳ
không thể nói được
mới được có lúc
nghe nói Pháp hoa,
ức vạn thời kỳ
không thể nói được
mới được có lúc
Phật nói Pháp hoa.
(12) Do đó sau khi
Như lai nhập diệt,
những người tu hành
được nghe Pháp hoa
thì đừng sinh ra
tâm tư nghi hoặc,
mà nên chuyên chú
diễn giảng phong phú
kinh Pháp hoa ấy,
như vậy đời nào
cũng gặp Phật đà
mau được Phật tuệ.

Phẩm 21: Sức Thần Của Đức Thế Tôn [^]

Lúc bấy giờ các vị đại bồ tát đã từ đất dũng xuất và nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một ngàn thế giới hệ, đều đối trước đức Thế tôn chuyên chú mà chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, sau khi ngài nhập diệt, chúng con sẽ ở trong bao nhiêu quốc độ hóa thân của ngài đã ở và sẽ nhập diệt mà diễn giảng rộng rãi về kinh Pháp hoa. Chúng con làm như vậy là vì bản thân chúng con cũng muốn được cái pháp vĩ đại, trong sáng và chân thật ấy để hiến cúng bằng cách tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành...

Khi ấy, trước chúng đại bồ tát nhiều đến vô số trăm ngàn vạn ức và đã ở tại thế giới hệ Kham nhẫn này, đại loại như đại bồ tát Văn thù; trước bốn chúng tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di; trước tám bộ thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, những người mà không phải người (233) ; trước tất cả các chúng như vậy, đức Thế tôn biểu hiện thần lực vĩ đại, bằng cách xuất ra tướng lưỡi rộng dài lên đến tầng trời Phạn thế, hết thảy lỗ lông phóng ra vô lượng vô số ánh sáng có màu sắc và chiếu khắp thế giới hệ cả mười phương. Chư Phật hóa thân của ngài ngồi trên các tòa sư tử dưới các cây ngọc cũng biểu hiện như vậy, xuất ra tướng lưỡi rộng dài và phóng ra vô số ánh sáng. Thì gian đức Thế tôn và chư Phật hóa thân của ngài biểu hiện thần lực vĩ đại như vậy hết trọn trăm ngàn năm. Sau đó các ngài thu lại tướng lưỡi rộng dài, rồi cùng một lúc, các ngài dặng hắng và đàn chỉ (234) . Hai âm thanh này vang khắp cõi Phật mười phương. Đất của các cõi Phật ấy chấn động đủ cả sáu cách. Và nhờ thần lực của đức Thế tôn cùng chư Phật hóa thân của ngài mà tại các cõi Phật ấy, tất cả chúng sinh, bao gồm nhân loại và không phải nhân loại, đều nhìn thấy thế giới hệ Kham nhẫn này: thấy chư Phật hóa thân ngồi trên các tòa sư tử dưới những cây ngọc nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức, thấy đức Thế tôn cùng đức Đa bảo ở trong bảo tháp ngồi chung trên tòa sư tử, thấy bồ tát đại sĩ và bốn chúng nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức cung kính bao quanh đức Thế tôn. Thấy như vậy nên ai cũng đại hoan hỷ, cảm nhận sự thể chưa từng có. Tức thì chư thiên ở trong không gian của các cõi Phật ấy lớn tiếng mà nói, cách đây những thế giới hệ nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức vô số, có thế giới hệ tên là Kham nhẫn, trong đó có đức Phật giáo chủ danh hiệu Thích ca mâu ni, hiện nay đang tuyên thuyết cho chư vị bồ tát đại sĩ về bản kinh đại thừa tên Diệu pháp liên hoa, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Các người nên tùy hỷ sâu xa, nên lễ bái hiến cúng đức Thích ca mâu ni thế tôn. Chúng sinh tại các cõi Phật nghe tiếng ấy trong không gian thì cùng chắp tay hướng về phía thế giới hệ Kham nhẫn này mà nói, kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn. Họ đem các loại hoa, vòng hoa, cờ phan, lọng dù, những đồ trang sức thân thể, những vật vàng ngọc quí báu, cùng nhau từ xa tung vào thế giới hệ Kham nhẫn. Bao nhiêu thứ được tung vào đó, từ mười phương tụ lại như mây tụ, biến thành bảo cái bằng hoa (235) , che khắp ở trên chư Phật cả thế giới hệ này. Bấy giờ tất cả thế giới hệ mười phương đều thông suốt với nhau như một cõi Phật.

Khi ấy đức Thế tôn bảo đại chúng bồ tát mà trong bốn vị thượng thủ có đại bồ tát Thượng hạnh, rằng thần lực của Như lai vô lượng bô biên, bất khả tư nghị đến như vậy. Nhưng nếu Như lai đem thần lực như vậy, vì sự giao phó trọng trách mà nói đến đặc tính của kinh Pháp hoa, thì nói đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức vôsố thời kỳ, cũng không thể cùng tận. Nói cốt yếu thì toàn thể những pháp Như lai có -- toàn thể thần lực tự tại của Như lai, toàn thể kho tàng bí yếu của Như lai, toàn thể những sự cực kỳ sâu xa của Như lai, đều nói rõ trong kinh Pháp hoa. Do vậy mà sau khi Như lai nhập diệt, đối với kinh Pháp hoa, chư vị phải một lòng tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành, làm đúng kinh dạy ... Tại các thế giới, những chỗ có người tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành, làm đúng kinh dạy..., hay những chỗ tôn trí cuốn kinh ấy, những chỗ như vậy hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới đại thọ, hoặc nơi tăng xá, hoặc nhà thế gian, hoặc tại lâu đài thành thị, hoặc trong hang động hoang vu, bất cứ chỗ nào cũng nên xây chùa tháp mà phụng hiến Như lai (236) . Tại sao, vì chư vị phải coi những chỗ ấy như là bồ đề tràng, nơi mà chư Phật ở đó thành tựu tuệ giác vô thượng, nơi mà chư Phật ở đó chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, nơi mà chư Phật ở đó nhập vào niết bàn hoàn toàn (237) .

Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Là vị toàn giác
cứu độ thế gian,
Như lai sử dụng
thần thông vĩ đại:
để làm đẹp dạ
tất cả chúng sinh,
Như lai biểu hiện
thần lực vô hạn.
(2) Tướng lưỡi rộng dài
đến trời Phạn thế,
và thân phóng ra
vô số tia sáng:
chính vì những người
cầu tuệ giác Phật,
Như lai biểu hiện
sự hiếm có này.
(3) Cái tiếng dặng hắng
và tiếng đàn chỉ
của chư Phật đà
vang khắp mọi nơi
mười phương quốc độ,
làm cho đại địa
những quốc độ ấy
chấn động sáu cách.
(4) Vì lẽ sau khi
Như lai nhập diệt,
ai có năng lực
kính giữ Pháp hoa,
thì chư Phật đà
cùng hoan hỷ cả,
nên hiện thần lực
vô lượng như vậy.
(5) Lại vì giao phó
kinh Pháp hoa ấy,
cho nên trải qua
vô số thời kỳ,
Như lai ca tụng
vẫn không cùng tận
công đức những người
tiếp nhận kính giữ.
(6) Công đức người này
vô biên vô cùng,
in như không gian
ai biết giới hạn.
(7) Kính giữ Pháp hoa
là thấy Như lai,
thấy đức Đa bảo,
thấy chư hóa Phật,
thấy các bồ tát
đang được Như lai
giảng dạy giáo hóa
trong ngày hôm nay.
(8) Giữ được Pháp hoa,
như thế đã là
làm cho Như lai
và chư hóa Phật,
làm đức Đa bảo -
đức Phật đã nhập
niết bàn hoàn toàn -
cùng hoan hỷ cả.
(9) Chư vị Phật đà
khắp cả mười phương
suốt hết ba đời,
người giữ Pháp hoa
cũng là thấy được
cũng là hiến cúng
và cũng làm cho
các ngài hoan hỷ.
(10) Cái pháp bí yếu
mà Như lai được
khi Như lai ngồi
nơi bồ đề tràng,
ai kính giữ được
kinh Pháp hoa này
sẽ không bao lâu
cũng được pháp ấy.
(11) Giữ được Pháp hoa
thì người như vậy
thông suốt các pháp,
thông suốt ý nghĩa
cùng với ngữ văn
của các pháp ấy,
và rồi hoan hỷ
biện thuyết pháp ấy
vô cùng vô tận,
in như làn gió lộng
trong không gian
không gì cản được.
(12) Sau khi Như lai
nhập niết bàn rồi,
người giữ Pháp hoa
vẫn hiểu lý do
cùng với thứ tự
của các kinh pháp
do Như lai nói,
và tùy ý nghĩa
mà giảng nói lại
đúng như sự thật.
(13) Ví như ánh sáng
hai vầng nhật nguyệt,
người ấy phá tan
mọi sự mờ tối.
Người ấy đi khắp
trong cõi đời này,
diệt được mờ tối
cho bao chúng sinh,
giáo hóa bao người
có tánh bồ tát
cùng được ngồi vào
cỗ xe duy nhất.
(14) Vì lý do này,
những người có trí
nghe được ích lợi
đã nói trên đây,
thì khi Như lai
nhập niết bàn rồi,
phải gắng kính giữ
kinh Pháp hoa này.
Người ấy đối với
tuệ giác Phật đà
quyết chắc đạt được
không ngờ gì nữa.

Phẩm 22: Giao Phó Trọng Trách (238) [^]

Vào lúc bấy giờ, từ trên pháp tòa, đức Thế tôn đứng dậy, và biểu hiện thần lực vĩ đại bằng cách đưa cánh tay phải xoa trên đỉnh đầu vô lượng bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp tuệ giác vô thượng rất khó được như thế này, Như lai trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số thời kỳ, mới tu hành, thu thập (239) và thực hiện được, ngày nay Như lai đem giao phó cho quí vị; quí vị nên hết lòng truyền bá pháp ấy, làm cho sự ích lợi của pháp ấy tăng lên một cách rộng rãi. Ba lần như vậy, đức Thế tôn xoa trên đỉnh đầu chư vị bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp tuệ giác vô thượng rất khó được như thế này, Như lai trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số thời kỳ mới tu hành, thu thập và thực hiện được, ngày nay Như lai đem giao phó cho quí vị; quí vị hãy tiếp nhận kính giữ bằng cách đọc tụng diễn giảng rộng rãi pháp ấy cho hết thảy chúng sinh đều được nghe biết.

Tại sao Như lai giao phó như vậy? Vì Như lai đại từ bi. Như lai không tiếc lẫn, không e sợ. Như lai có thể đem cho chúng sinh tuệ giác Phật đà, tuệ giác Như lai, tuệ giác Tự nhiên. Như lai là đại thí chủ của chúng sinh. Quí vị cũng phải học tập phong cách ấy của Như lai mà đừng tiếc lẫn. Trong thì vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào tin được tuệ giác Như lai thì quí vị nên giảng nói Pháp hoa cho những người này nghe biết, với chủ ý làm cho những người này đạt được tuệ giác Như lai. Những ai chưa tin được tuệ giác Như lai thì quí vị nên đem những giáo pháp sâu xa khác của Như lai mà trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng cho họ (240) . Làm được như vậy là quí vị đã báo đáp ân đức của chư Phật.

Lúc ấy chư vị bồ tát đại sĩ nghe đức Thế tôn dạy như vậy thì ai cũng rất hoan hỷ. Nỗi hoan hỷ ấy tràn ngập cơ thể, nên chư vị tăng thêm tôn kính, và cúi mình, thấp đầu, chắp tay hướng về đức Thế tôn, cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hành đúngnhư lời đức Thế tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế tôn; xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ. Ba lần như vậy, chư vị bồ tát đại sĩ cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hànhđúng như lời đức Thế tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế tôn ; xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ.

Khi ấy đức Thế tôn thỉnh chư Phật hóa thân đã từ mười phương đến đây cùng trở về quốc độ các ngài, bằng cách nói rằng kính chúc chư Phật về chỗ nào cũng sống yên vui, kính xin tháp đức Đa bảo trở về chỗ cũ.

Khi đức Thế tôn nói như vậy thì mười phương vô lượng chư Phật hóa thân ngồi trên các tòa sư tử dưới các cây ngọc, đức Đa bảo phật đà, cùng với vô biên vô số đại chúng bồ tát mà trong bốn vị thượng thủ có đại bồ tát Thượng hạnh, bốn chúng thanh văn mà thượng thủ là tôn giả Xá lợi phất, và tất cả thế gian mà trong đó bao gồm nhân loại và tám bộ, nghe những điều đức Thế tôn nói ai cũng đại hoan hỷ (240B) .


Phẩm 23: Việc Cũ Của Bồ Tát Dược Vương [^]

Lúc ấy bồ tát Tú vương hoa thưa rằng, bạch đức Thế tôn, bồ tát Dược vương du hóa như thế nào trong thế giới hệ Kham nhẫn? Vị bồ tát ấy có mấy trăm ngàn vạn ức trăm triệu khổ hạnh khó làm? Lành thay đức Thế tôn, xin ngài nói ra một chút về khổ hạnh ấy. Tám bộ thiên long, chúng chư bồ tát đến từ thế giới hệ khác và chúng chư thanh văn ở thế giới hệ này ai nghe cũng hoan hỷ.

Khi ấy đức Thế tôn bảo bồ tát Tú vương hoa, quá khứ cách nay những thời kỳ nhiều bằng vô lượng hằng sa, có đức Phật danh hiệu là Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, đủ mười đức hiệu. Ngài có chúng đại bồ tát tám mươi ức vị, có chúng đại thanh văn bảy mươi hai hằng sa. Ngài sống lâu bốn vạn hai ngàn thời kỳ. Đời sống của đại bồ tát cũng đồng đẳng. Quốc độ của ngài không có nữ nhân, không có địa ngục ngạ quỉ súc sinh và tu la, không có mọi thứ tai nạn (241) . Đất bằng như bàn tay, do chất lưu ly tạo thành. Cây ngọc tráng lệ, che trên là bảo cái khảm ngọc, và rủ xuống là dải phan (242) kết hoa ngọc. Bình và lư hương ngọc cũng khắp cả quốc độ. Bảy chất liệu quí báu làm đài. Mỗi cây một đài, cây cách (243) đài một đường tên bắn. Dưới những cây ngọc thì có bồ tát và thanh văn ngồi. Trên mỗi đài ngọc thì có trăm ức chư thiên diễn tấu nhạc khí chư thiên và ca hát mà tán dương đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, hiến cúng ngài như vậy.

Bấy giờ đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai tuyên thuyết Pháp hoa cho bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến và các chúng chư bồ tát chư thanh văn. Nhất thế chúng sinh hỷ kiến là vị bồ tát thích tập khổ hạnh. Trong giáo pháp của đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, vị bồ tát này tinh tiến kinh hành và tư duy để cầu Phật tuệ. Trọn một vạn hai ngàn năm như vậy, vị bồ tát này được định tên Hiện các sắc thân. Được định này rồi, tâm bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến rất hoan hỷ, nghĩ rằng, ta được định Hiện các sắc thân toàn là nhờ sức mạnh của sự được nghe Pháp hoa. Ta nên hiến cúng đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai và kinh Pháp hoa ấy. Nghĩ vậy nên vị bồ tát này tức thì nhập định Hiện các sắc thân, ở trong không gian rưới hoa mạn đà và đại mạn đà, rưới bột đàn hương kiên hắc đầy cả không gian và như mây đổ xuống, rưới đàn hương hải ngạn ẫ loại hương liệu mà phần tư một lạng giá trị đã bằng cả thế giới hệ Kham nhẫn. Rưới hoa hương như vậy mà hiến cúng đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai.

Hiến cúng cách ấy rồi, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến xuất định, nghĩ rằng, dầu ta vận dụng thần lực mà hiến cúng đức Thế tôn của ta như vậy vẫn không bằng đem chính thân ta mà hiến cúng. Nghĩ như vậy nên vị bồ tát này ăn uống các hương liệu như đàn hương, nhũ hương, thảo hương, đinh hương, trầm thủy và tùng hương (244) . Lại uống dầu thơm của các hoa đại loại như hoa chiêm bặc. Ăn uống như vậy một ngàn hai trăm năm, rồi đem dầu thơm mà xoa mình, đối trước đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, lấy vải quí và thiêng mà quấn mình, rưới tẩm các thứ dầu thơm, và đem nguyện lực và thần lực mà tự đốt thân mình (245) , ánh sáng chiếu khắp thế giới hệ nhiều bằng tám mươi ức hằng sa. Chư Phật trong những thế giới hệ ấy cùng lúc ca tụng, rằng tốt lắm thiện nam tử, như thế này mới là sự tinh tiến chân thật, mới là sự hiến cúng chánh pháp đối với Như lai. Hiến cúng bằng các loại hoa, vòng hoa, các loại hương liệu, gấm lụa, tràng phan, bảo cái, đàn hương hải ngạn, và đủ thứ cùng loại như vậy, cũng không thể sánh bằng. Cho cả vương quốc, hoàng thành, hậu phi, vương tử (246) , cũng vẫn không bằng. Thiện nam tử, như thế này mới là sự hiến cúng bậc nhất. Trong mọi sự hiến cúng, sự này tối tôn tối thượng. Là vì đây là lấy chánh pháp mà hiến cúng Như lai.

Ca tụng như vậy rồi, chư Phật cùng yên lặng. Thân của bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến thì cháy đến một ngàn hai trăm năm. Qua thì gian ấy rồi, thân vị bồ tát này mới cháy hết.

Sau khi hiến cúng bằng chánh pháp như vậy, và đời sống kết thúc rồi, vị bồ tát này tái sinh trong quốc đôể của đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, bằng cách bỗng nhiên hóa sinh, ngồi xếp bằng trong cung vua Tịnh đức, và tức thì nói với vương phụ bằng lời chỉnh cú sau đây.

(1) Vương phụ biết cho,
trong đời trước đây
con đã đi trên
con đường khổ hạnh (247) ,
đã thành tựu được
định Hiện sắc thân,
và đã làm việc
tinh tiến vĩ đại,
bằng cách xả bỏ
cái thân yêu quí
tôn kính hiến cúng
Thế tôn của con,
để cầu thành đạt
tuệ giác vô thượng.

Nói lời chỉnh cú ấy rồi lại tâu vương phụ, rằng đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai hiện nay vẫn còn. Trước đây con hiến cúng ngài rồi được pháp tổng trì Biết hết tiếng nói của chúng sinh, lại được nghe kinh Pháp hoa với những bài kệ đạt đến số lượng tám trăm ngàn vạn ức cho đến đại số a súc bà. Tâu vương phụ, bây giờ con lại muốn hiến cúng ngài. Tâu rồi, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến liền ngồi trên đài bằng bảy chất liệu quí báu, thăng lên không gian cao bằng bảy cây đa la mà đến chỗ đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai, bước xuống, đầu mặt lạy ngang chân ngài, chắp tay lại mà tán dương với lời chỉnh cú sau đây.

(2) Diện mạo Thế tôn
vô cùng kỳ diệu!
Ánh sáng Thế tôn
chiếu khắp tất cả!
Trong đời trước đây
con mới hiến cúng,
và nay lại được
đích thân chiêm ngưỡng!

Nói lời chỉnh cú ấy rồi, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến lại thưa, bạch đức Thế tôn, đức Thế tôn vẫn còn có thể ở đời thêm nữa hay không (248) ? Đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai bảo, thiện nam tử, thì gian niết bàn của Như lai đã đến. Ông hãy sắp chỗ cho Như lai. Đêm nay Như lai sẽ nhập niết bàn. Đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai lại huấn thị bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến, rằng thiện nam tử, Như lai đem giáo pháp của Như lai mà giao phó cho ông. Lại giao phó cho ông các vị bồ tát, các đại đệ tử và pháp tuệ giác vô thượng (249) . Cả đại thiên thế giới bằng bảy chất liệu quí báu này, những cây ngọc, đài ngọc, cùng những thiên nhân phục dịch, Như lai cũng giao phó cho ông. Như lai nhập diệt rồi, bao nhiêu xá lợi cũng giao phó cho ông, ông nên phân bủa ra mà hiến cúng rộng rãi, bằng cách dựng lên hàng ngàn bảo tháp. Đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai huấn thị bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến rồi, phần sau của đêm ấy ngài nhập vào niết bàn.

Thấy đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai nhập diệt, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến bi cảm, áo não, luyến mộ, nên dùng đàn hương hải ngạn làm giàn củi, hiến cúng mà thiêu thân ngài. Lửa tắt, vị bồ tát này thu thập xá lợi, làm tám vạn bốn ngàn bình ngọc mà tôn trí, và xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp mà tôn thờ. Những ngôi tháp này cao đến Phạn thiên (250) , trụ vàng tiêu biểu thì cực kỳ tráng lệ, treo rủ xuống là những bảo cái có mắc phan phướn, và những chuông nhỏ quí báu cũng được treo lên.

Nhưng bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến lại nghĩ, ta hiến cúng xá lợi như vầy lòng vẫn thấy chưa đủ. Ta nên đổi cách mà hiến cúng nữa. Nghĩ như vậy nên vị bồ tát này bảo tất cả các chúng gồm có chư bồ tát, chư đại đệ tử, tám bộ thiên long, rằng quí vị biết cho, nay tôi muốn hiến cúng xá lợi của đức Nhật nguyệt tịnh minh đức như lai. Nói rồi tức thì đối trước tám vạn bốn ngàn bảo tháp, tự đốt hai cánh tay (251) được trang sức bởi cả trăm phước đức, cháy suốt bảy vạn hai ngàn năm mà hiến cúng, làm cho vô số người cầu tuệ giác thanh văn và vô số người phát tâm tuệ giác vô thượng đều được ở vào trong định Hiện các sắc thân.

Bấy giờ chư bồ tát, chư thiên, nhân loại (252) , và các chúng khác, thấy bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến không còn hai cánh tay thì lo và thương mà nói với nhau, rằng vị bồ tát này là thầy của chúng ta, giáo hóa cho chúng ta, mà nay đốt cả hai cánh tay, thân không hoàn bị ! Nhưng bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến ở giữa các chúng mà thệ nguyện, rằng tôi bỏ hai cánh tay thì quyết chắc sẽ được cái thân màu hoàng kim củaPhật. Nếu thật như vậy thì nguyện hai cánh tay của tôi trở lại như cũ. Thệ nguyện rồi tự nhiên phục hồi cả hai cánh tay. Ấy là do phước đức và tuệ giác của vị bồ tát này cực kỳ thuần hậu mà cảm ra. Và lúc ấy cả đại thiên thế giới chấn động đủ hết sáu cách, chư thiên rưới xuống các thứ hoa quí, hết thảy nhân loại và chư thiên cùng được sự chưa từng có.

Đức Thế tôn bảo bồ tát Tú vương hoa, ý của ông nghĩ thế nào, bồ tát Nhất thế chúng sinh hỷ kiến có phải ai khác, nay chính là Dược vương đại sĩ. Thân mạng vị đại sĩ này bỏ ra mà hiến, mà cho, có đến vô lượng trăm ngàn vạn ức trăm triệu.

Tú vương hoa, ai phát tâm muốn được tuệ giác vô thượng mà đốt được một ngón tay hay một ngón chân để hiến cúng tháp Phật, thì hơn đem quốc thành vợ con, đem rừng núi sông hồ và mọi thứ bảo vật của cả đại thiên thế giới mà hiến cúng. Nếu ai đem bảy thứ quí báu chất đầy đại thiên thế giới mà hiến cúng Phật đà, hiến cúng bồ tát, duyên giác và la hán, công đức người này không bằng tiếp nhận kính giữ Pháp hoa dầu chỉ một bài chỉnh cú bốn câu, phước ấy vẫn rất nhiều.

Tú vương hoa, trong tất cả dòng nước nguồn suối sông ngòi, biển cả là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, sâu và lớn nhất trong tất cả kinh pháp của Như lai tuyên thuyết. Thổ sơn, hắc sơn, tiểu thiết vi, đại thiết vi, và mười bảo sơn, trong tất cả núi ấy núi Tu di là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, tối thượng trong các kinh pháp. Trong các tinh tú, nguyệt cầu sáng nhất, Pháp hoa cũng vậy, soi sáng nhất trong ngàn vạn ức kinh pháp. Thái dương trừ được mọi thứ bóng tối, Pháp hoa cũng vậy, trừ được mọi sự bất thiện tối tăm. Trong các quốc vương, luân vương là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, tối tôn trong các kinh pháp. Đế thích là chúa trời Tam thập tam thiên, Pháp hoa cũng vậy, là vua chúa kinh pháp. Phạn vương là cha của hết thảy chúng sinh (253) , Pháp hoa cũng vậy, là cha của hết thảy hiền thánh đang tiếp tục hay đã hoàn tất trong việc tu học, của những người phát tâm bồ tát. Trong tất cả phàm phu, tu đà hoàn, tư đà hàm, a na hàm, a la hán và bích chi phật là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, trong tất cả kinh pháp do Như lai nói, hoặc bồ tát nói hay thanh văn nói, kinh ấy bậc nhất. Người tiếp nhận kính giữ được kinh ấy cũng là bậc nhất trong tất cả chúng sinh. Trong tất cả thanh văn duyên giác, bồ tát là bậc nhất, Pháp hoa cũng vậy, bậc nhất trong tất cả kinh pháp. Phật là vua các pháp, Pháp hoa cũng vậy, là vua các kinh.

Tú vương hoa, Pháp hoa có năng lực cứu vớt hết thảy chúng sinh, có năng lực làm cho hết thảy chúng sinh thoát ly mọi sự khổ não, có năng lực đem lại lợi ích vĩ đại cho hết thảy chúng sinh, sung mãn mọi sự nguyện ước của họ. Như khát được nước (254) , như lạnh được lửa, như trần được áo, như kẻ đi buôn được người cầm đầu (255) , như con được mẹ, như qua sông được thuyền bè, như bịnh nhân được y sĩ, như tối được đèn, như nghèo được ngọc, như dân được vua, như thương khách được biển cả, như tối được đuốc, Pháp hoa cũng vậy, có năng lực làm cho chúng sinh thoát hết mọi sự khổ não, mọi thứ ốm đau, mở được những cách buộc ràng bởi sự sống chết.

Đối với Pháp hoa, ai được nghe, được chép, được khuyên người chép, thì công đức có được, nếu đem tuệ giác của Phật tính coi nhiều ít mới thấy vô hạn. Ai chép cuốn kinh Pháp hoa rồi hiến cúng bằng các loại hoa, vòng hoa, các loại hương liệu, bằng bảo cái có mắc tràng phan, bằng vải lụa bao phủ, bằng các thứ đèn như đèn bơ, đèn dầu, bằng các thứ đèn dầu thơm như đèn dầu chiêm bặc, đèn dầu tu man na, đèn dầu ba la la, đèn dầu ba lị si ca, đèn dầu na ba ma liể, thì được công đức cũng là vô hạn.

Tú vương hoa, ai nghe được phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương này thì cũng được công đức vô hạn. Dầu là nữ nhân mà nghe và tiếp nhận ghi nhớ được phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương, thì thân nữ nhân đời này kết thúc rồi sau đó không còn có lại thân ấy. Như lai nhập diệt rồi, trong năm trăm năm sau (256) , dầu là nữ nhân mà nghe được kinh Pháp hoa, và thực hành như kinh ấy dạy, thì người ấy mệnh chung ở quốc độ này là tức khắc hóa sinh trên tòa ngọc trong hoa sen của quốc độ Cực lạc, nơi đức A di đà như lai chủ ngự, với chư đại bồ tát bao quanh. Ở đó, người ấy không còn bị quấy rối vì tham dục, vì sân hận và ngu si, vì những sự dơ bẩn như kiêu ngạo, ganh ghét, mà lại được thần thông của bồ tát, được tuệ giác Không sinh. Được tuệ giác ấy nên mắt trong suốt, và với mắt ấy thấy được chư Phật nhiều bằng bảy trăm vạn hai ngàn ức trăm triệu hằng sa. Bấy giờ chư Phật như vậy cũng từ xa mà ca tụng, rằng tốt lắm thiện nam tử, trong giáo pháp của đức Thích ca thế tôn, ông tiếp nhận, ghi nhớ, đọc tụng, suy xét nghĩa lý và giảng nói cho người về kinh Pháp hoa, nên phước đức của ông thì vô hạn lượng, lửa không đốt được, nước không trôi được, công đức của ông thì ngàn Phật nói cũng không hết : ông đã phá tan đám giặc các ma, đánh thắng đạo quân sống chết, bao sự thù địch khác nữa cũng bị hủy diệt. Thiện nam tử, trăm ngàn Phật đà đem thần lực giữ gìn cho ông. Toàn thể thế gian, bao gồm cả nhân loại và chư thiên, không ai bằng ông. Ngoại trừ Phật đà, tuệ giác và thiền định của thanh văn, duyên giác, cho đến bồ tát, không ai hơn (257) ông. Tú vương hoa, vị bồ tát ấy, mà vốn là một nữ nhân, thành tựu công đức lực và tuệ giác lực đến như vậy (258) .

Nếu ai nghe phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương này mà tùy hỷ tán dương, thì người ấy hiện tại miệng thường phát ra hơi thơm hoa sen xanh, lỗ lông cả người thường toát ra hơi thơm đàn hương ngưu đầu, và thành quả người ấy đạt được là như trên đã nói.

Vì lý do này, Tú vương hoa, Như lai đem phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương giao phó cho ông. Như lai nhập niết bàn rồi, trong năm trăm năm sau, ông hãy truyền bá rộng rãi phẩm này trong cõi Diêm phù, đừng để mất đi. Đừng để cho ma vương độc ác, dân của ma vương ấy, hay chư thiên, long vương và dạ xoa thuộc loại bất thiện, quỉ ăn tinh chất và những kẻ cùng loại, rình được cơ hội thuận tiện.

Tú vương hoa, ông nên đem thần lực của ông mà giữ gìn Pháp hoa. Kinh ấy là thuốc tốt cho bịnh của người Diêm phù. Ai bịnh mà được nghe kinh ấy thì bịnh hết, không già sớm, không chết yểu (259) . Tú vương hoa, thấy ai (260) tiếp nhận kính giữ Pháp hoa thì nên đem hoa sen xanh bọc đầy bột hương thơm mà hiến cúng tung rải trên người ấy, với ý nghĩ người ấy không bao lâu nữa chắc chắn sẽ dùng cỏ cát tường mà ngồi nơi bồ đề tràng, chiến thắng ma quân, thổi loa chánh pháp vĩ đại, gióng trống chánh pháp vĩ đại, đưa chúng sinh vượt qua mà thoát khỏi biển cả sinh già bịnh chết. Do vậy mà những người cầu tuệ giác của Phật thấy ai tiếp nhận kính giữ Pháp hoa thì nên sinh lòng kính trọng như trên.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết phẩm Việc cũ của bồ tát Dược vương thì có tám vạn bốn ngàn bồ tát được pháp tổng trì Biết hết tiếng nói của chúng sinh. Và đức Đa bảo phật đà ở trong bảo tháp thì khen rằng, tốt lắm Tú vương hoa, ông đã làm được một việc ngoài tầm nghĩ bàn: ông biết hỏi đức Thích ca thế tôn về việc cũ của Dược vương đại sĩ, ích lợi vô lượng cho hết thảy chúng sinh.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09

Source: Buddhism Today, http://www.buddhism.today


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-09-2002