BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Kinh Hoa Sen Chánh
Pháp
(Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)
Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải
Cuốn 5 Phẩm 14: Sống Yên Vui [^] Vào lúc bấy giờ, Văn thù đại sĩ, vị thái tử của đức Pháp vương, thưa với ngài rằng, bạch đức Thế tôn, các vị bồ tát này thật hiếm có. Các vị kính thuận đức Thế tôn nên phát ra thệ nguyện cao cả, nguyện ở trong thời kỳ dữ dội sau này mà kính giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng diễn giảng kinh ấy. Nhưng bạch đức Thế tôn, bồ tát đại sĩ ở trong thời kỳ dữ dội sau này, làm thế nào để diễn giảng Pháp hoa? Đức Thế tôn dạy, Văn thù, bồ tát đại sĩ ở trong thời kỳ dữ dội sau này, muốn diễn giảng Pháp hoa thì phải đặt mình vững chắc vào trong bốn cách sống yên vui (173) . Cách sống yên vui thứ nhất là đặt mình vững chắc vào phạm vi đi và phạm vi thân của bồ tát, mới có năng lực diễn giảng Pháp hoa cho mọi người. Văn thù, phạm vi đi của bồ tát là gì? Là bồ tát đi trong đường đất nhẫn nhục, ôn hòa, khéo thuận, không thô bạo, không kinh hoảng. Hơn nữa, đối với các pháp thì không đi theo pháp nào mà chỉ nhìn thật tướng của các pháp ấy, cũng không đi theo sự không nhận thức các pháp (174) . Như vậy gọi là phạm vi đi của bồ tát. Phạm vi thân của bồ tát là gì? Là bồ tát không thân gần quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng. Không thân gần tu sĩ ngoại đạo, Ni kiền tử. Không thân gần những kẻ tạo ra văn bút, thi ca và tác phẩm trần tục. Không thân gần những kẻ theo chủ thuyết xuôi với đời hay chủ thuyết ngược với đời. Cũng không thân gần những kẻ chơi những trò chơi hung hãn như đâm nhau, vật nhau; những kẻ hóa trang, ảo thuật. Không thân gần chiên đà la và những kẻ ác luật nghi như nuôi heo dê gà chó, săn bắn chài lưới (175) . Tất cả những kẻ trên đây có khi đến với bồ tát, thì bồ tát nên thuyết pháp cho họ mà không ước vọng gì về danh lợi. Lại không thân gần bốn chúng cầu niết bàn của thanh văn, không hỏi thăm, không ở chung trong phòng, chỗ kinh hành hay trong giảng đường (176) . Các vị ấy có khi đến với bồ tát thì bồ tát tùy nghi thuyết pháp mà không ước vọng gì về danh lợi. Văn thù, đối với thân thể nữ nhân, bồ tát không vì những hình dáng phát sinh tư tưởng về dục mà thuyết pháp cho họ, cũng không ham gặp. Đến nhà người, đừng nói chuyện với thiếu nữ, xử nữ, quả phụ... Đừng gần mà thân thiết với năm loại người phi nam (177) . Đừng một mình đến nhà người; có lý do phải đến một mình thì chuyên tâm nghĩ nhớ đến Phật. Thuyết pháp cho nữ nhân thì không cười bày răng, không để hở ngực, và đến nỗi vì chánh pháp cũng không thân thiết với nữ nhân, huống chi vì gì khác (178) . Không thích nuôi đệ tử sa di nhỏ tuổi, trẻ con, cũng không thích cùng thầy với họ. Thường ưa ngồi thiền, ở chỗ không bị quấy nhiễu, tập trung mà sửa chữa tâm mình. Văn thù, như vậy gọi là phạm vi thân thứ nhất của bồ tát. Bồ tát lại xét các pháp là Không ẩ thấy thật tướng các pháp: không thác loạn, không dao động, không suy thoái, không chuyển biến; thấy như hư không: không phải những sự sở hữu của tư duy, không phải những sự mô tả của ngôn ngữ (179) , không phát sinh, không xuất hiện, không nổi dậy, không danh từ, không khái niệm; thấy thật là không thật: không số lượng, không giới hạn, không trở ngại, không ngăn cách ẩ chỉ do sự tương quan mà có, và từ sự nhận thức thác loạn mà phát sinh và diễn tả. Thường thích quán sát về thật tướng như vậy. Đó là phạm vi thân thứ hai của bồ tát. Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Văn thù, sau khi Như lai nhập diệt, trong thời kỳ giáo pháp cuối cùng, ai muốn diễn giảng Pháp hoa thì phải đặt mình vững chắc vào trong cách sống yên vui thứ hai. Là miệng chỉ diễn giảng hay đọc tụng kinh điển, không thích nói nhược điểm của người, của kinh điển. Không khinh ngạo các vị diễn giảng khác. Không nói những sự tốt xấu giỏi dở của mọi người. Đối với thanh văn, không đem tên ra mà nói xấu hay khen tốt. Tâm lý oán ghét hiềm khích không hề nổi dậy, là vì khéo tu cái tâm yên vui. Ai muốn nghe pháp cũng không nghịch ý họ. Họ hỏi gì thì không trả lời bằng giáo pháp cỗ xe thấp nhỏ, chỉ đem giáo pháp cỗ xe vĩ đại mà giảng giải, làm cho họ đạt được tuệ giác Biết tất cả. Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Văn thù, cách sống yên vui thứ ba là, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, những người kính giữ (182) Pháp hoa thì đừng ôm giữ tâm lý ganh ghét, dua nịnh và dối trá. Đừng khinh khi thóa mạ những người học tập tuệ giác của Phật, đừng tìm kiếm điều hay cái dở của những người ấy. Đối với bốn chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, đối với các vị cầu cỗ xe thanh văn, cỗ xe duyên giác, cỗ xe bồ tát, thì đừng quấy rối, làm cho họ thắc mắc, hối tiếc, bằng cách nói rằng các người cách xa tuệ giác của Phật, không bao giờ thực hiện được tuệ giác Biết tất cả, vì lẽ các người là những kẻ bất thường, biếng nhác đối với tuệ giác ấy (183) . Đừng bàn chơi các pháp, cãi cọ lẫn nhau. Đối với chúng sinh thì nghĩ đến đại bi, đối với Phật đà thì nghĩ là từ phụ, đối với bồ tát thì nghĩ là đại sư. Đối với bồ tát mười phương thì tôn kính sâu xa, đối với chúng sinh đủ loại thì thuyết pháp bình đẳng. Nhưng thuận với chánh pháp nên không nói nhiều cũng không nói ít, thậm chí đối với những người ưa thích chánh pháp một cách sâu xa cũng không vì họ mà nói nhiều. Văn thù, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, các vị bồ tát có ai thành tựu cách sống yên vui thứ ba này thì lúc diễn giảng Pháp hoa không ai quấy phá được. Người ấy còn được đồng học rất tốt, chung nhau đọc tụng Pháp hoa; được các chúng đến nghe mà nghe rồi nhớ được, nhớ rồi tụng được, tụng rồi giảng được, giảng rồi tự mình sao chép hay khuyên người sao chép, và hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương đối với cuốn kinh ấy. Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Văn thù, cách sống yên vui thứ tư là, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, bồ tát có vị nào kính giữ Pháp hoa thì đối với những người tại gia và xuất gia phải có lòng lành, đối với những người không phải bồ tát phải có lòng thương; nên nghĩ như vầy: những người ấy mất mát rất lớn nếu không nghe không biết không hay, không hỏi không tin không hiểu gì về sự phương tiện tùy nghi thuyết pháp của đức Thế tôn, nghĩa là không hỏi không tin không hiểu gì về Pháp hoa. Dầu vậy, ta vẫn nguyện rằng khi được tuệ giác vô thượng rồi, tùy những người này ở vào bất cứ vị trí nào, ta cũng đem thần thông lực và trí tuệ lực mà dẫn dắt cho họ được đứng vào trong Pháp hoa. Văn thù, sau khi Như lai nhập diệt, bồ tát có ai thành tựu cách sống yên vui thứ tư này thì diễn giảng Pháp hoa không có lầm lỗi, thường được bốn chúng, được quốc vương, vương tử, đại thần, dân chúng, bà la môn, cư sĩ, và mọi thành phần khác, cùng hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương. Chư thiên ở trong không gian, vì nghe pháp nên cũng thường xuyên theo hầu. Khi vị ấy ở những nơi thôn xóm thành thị, hoặc ở những chỗ núi rừng thanh vắng, có ai đến muốn gạn hỏi, thì chư thiên ngày đêm thường vì pháp mà hộ vệ vị ấy, làm cho người nghe ai cũng hoan hỷ. Tại sao, vì Pháp hoa là bản kinh được sự giữ gìn của thần lực chư Phật quá khứ vị lai cùng với hiện tại. Văn thù, trong vô lượng quốc độ, kinh Pháp hoa này đến nỗi cái tên còn khó được nghe đến, huống chi được nhìn thấy, thọ trì đọc tụng đối với kinh ấy. Văn thù, ví như vị luân vương hùng cường, muốn sử dụng uy thế làm cho các nước thần phục. Nhưng các quốc vương không tuân lịnh. Luân vương phải động binh chinh phạt. Và thấy tướng sĩ chiến đấu ai có công thì luân vương mừng, tùy công mà thưởng bằng cách hoặc cho ruộng đất, nhà cửa, thôn xóm, thành thị, hoặc cho y phục và những đồ trang sức thân thể, hoặc cho những thứ quí báu như bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, hoặc cho voi ngựa, xe thuyền, tôi tớ, dân chúng. Chỉ viên ngọc sáng trong bối tóc (184) thì không đem cho, vì chỉ trên đỉnh đầu của luân vương mới có viên ngọc sáng ấy. Nếu đem cho thì tướng sĩ của luân vương tất hết sức kinh dị. Văn thù, Như lai cũng vậy, nhờ định lực và tuệ lực mà có quốc gia chánh pháp, ngự trị ba cõi. Nhưng chúa tể các loại ma không chịu khuất phục. Tướng sĩ hiền thánh của Như lai phải chiến đấu với chúa tể các loại ma ấy. Và ai có công thì Như lai hoan hỷ, ở giữa bốn chúng mà nói cho họ các kinh pháp để họ đẹp dạ, thưởng cho họ bao nhiêu là tài sản chánh pháp đại loại như thiền định, giải thoát, căn bản và năng lực thuần khiết (185) , lại ban cho họ đô thành niết bàn, tuyên ngôn họ được niết bàn để dẫn đạo cho lòng họ hoan hỷ. Nhưng không nói cho họ kinh Pháp hoa này. Văn thù, vị luân vương thấy tướng sĩ ai có công lớn mới rất mừng, và đem viên ngọc sáng, một viên ngọc khó có ai tin nổi giá trị của nó, từ lâu luân vương để trong bối tóc, không bừa bãi cho ai mà nay thưởng cho. Như lai cũng vậy, làm vị Pháp vương vĩ đại trong cả ba cõi, đem chánh pháp giáo hóa hết thảy chúng sinh, thấy tướng sĩ hiền thánh chiến đấu với ma hợp thể, ma phiền não và ma chết chóc (186) mà ai có công lớn diệt ba độc, vượt ba cõi, phá lưới ma, thì bấy giờ Như lai rất hoan hỷ, và đem kinh Pháp hoa, bản kinh có năng lực làm cho chúng sinh đạt đến tuệ giác của bậc Toàn giác, hết thảy thế gian phần nhiều oán ghét khó tin, trước đây chưa nói bao giờ mà nay nói cho. Văn thù, Pháp hoa là pháp thoại bậc nhất của chư Phật. Trong các pháp thoại, Pháp hoa sâu xa hơn hết, nên cuối cùng Như lai mới nói mà ban cho, như vị luân vương hùng cường giữ mãi viên ngọc sáng, ngày nay mới đem ban thưởng. Văn thù, Pháp hoa là kho tàng bí mật của chư Phật, ở trên hết trong các kinh pháp, Như lai giữ gìn từ lâu, không nói bừa bãi, ngày nay mới đem phát lộ cho chư vị. Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Phẩm 15: Từ Đất Xuất Hiện [^] Lúc ấy các vị bồ tát đại sĩ từ các quốc độ khác đến quốc độ này, nhiều hơn số cát của tám sông Hằng, đứng dậy trong đại hội, chắp tay đảnh lễ mà thưa, bạch đức Thế tôn, nếu ngài cho phép chúng con, sau khi ngài nhập diệt, ở tại quốc độ Kham nhẫn này, nỗ lực tinh tiến mà kính giữ Pháp hoa, thì chúng con nguyện ở tại đây mà diễn giảng kinh ấy một cách phong phú. Đức Thế tôn bảo các vị bồ tát đại sĩ, hãy thôi, chư thiện nam tử, khỏi phiền chư vị kính giữ Pháp hoa tại quốc độ này. Quốc độ này của Như lai tự có sáu vạn hằng sa bồ tát đại sĩ, mỗi vị lại có sáu vạn hằng sa tùy thuộc. Thầy trò các vị này có thể, sau khi Như lai nhập diệt, kính giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng, công bố rộng rãi... Khi đức Thế tôn nói như vậy thì đất của toàn thể đại thiên quốc độ Kham nhẫn đều chấn động mà nứt ra, và từ đó có vô số ngàn vạn ức bồ tát đại sĩ cùng lúc vọt lên. Các vị ấy thân toàn màu hoàng kim, đủ cả ba mươi hai tướng quí, và ánh sáng thì vô số lượng. Các vị cùng ở trong không gian phía dưới quốc độ Kham nhẫn này, nghe tiếng đức Thế tôn nói như trên nên từ đó dũng xuất. Các vị toàn là những bậc đạo sư, dẫn theo đại chúng bồ tát tùy thuộc: Nhiều vị, mỗi vị dẫn theo sáu vạn hằng sa tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa (187) , mỗi vị chỉ dẫn theo năm vạn, bốn vạn, ba vạn, hai vạn hay một vạn hằng sa tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo một hằng sa, một phần nửa của một hằng sa, một phần tư của một hằng sa, cho đến một phần ngàn vạn ức trăm triệu của một hằng sa tùy thuộc. Nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo ngàn vạn ức trăm triệu tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo ức vạn tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo ngàn vạn, trăm vạn cho đến một vạn tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo một ngàn, một trăm cho đến một chục tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo năm, bốn, ba, hai hay một tùy thuộc. Và nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ đến đơn độc, vì thích sống tách rời. Thầy trò các vị bồ tát đại sĩ như thế này thật vô lượng vô biên, toán số ví dụ cũng không thể xác định. Thầy trò các vị từ đất xuất hiện rồi, cùng đến chỗ đức Đa bảo và đức Thích ca, nơi ngôi tháp do bảy chất liệu quí báu kết hợp, ở trong không gian. Đến rồi, các vị hướng về hai ngài mà đem đầu mặt lạy ngang chân. Các vị lại đến chỗ chư Phật hóa thân ngồi trên tòa sư tử ở dưới các cây ngọc, làm lễ cũng như vậy. Theo chiều bên phải, các vị đi quanh chư Phật hóa thân mỗi ngài ba vòng, chắp tay, cung kính, đem những cách thức tán dương của bồ tát mà tán dương các ngài. Rồi đứng lại một phía, các vị hân hoan chiêm ngưỡng đức Đa bảo và đức Thích ca. Thì gian các vị mới xuất hiện cho đến tán dương xong, trải qua hết năm chục thời kỳ bậc nhỏ. Trong thì gian ấy, đức Thế tôn ngồi yên lặng. Bốn chúng cũng yên lặng trong năm chục thời kỳ bậc nhỏ ấy. Nhưng do thần lực của đức Thế tôn nên làm cho cả đại hội coi như nửa ngày mà thôi. Lại nhờ thần lực của đức Thế tôn mà bốn chúng thấy các vị bồ tát đại sĩ như thế này đầy khắp không gian của quốc độ Kham nhẫn mà, lúc bấy giờ, quang cảnh tựa như không gian của vô lượng trăm ngàn vạn ức quốc độ. Rồi bốn vị trong số các vị đạo sư, thứ nhất danh hiệu Thượng hạnh, thứ hai danh hiệu Vô biên hạnh, thứ ba danh hiệu Tịnh hạnh, thứ tư danh hiệu An lập hạnh, là bốn vị đạo sư thượng thủ, cùng đứng trước đại chúng bồ tát ấy, chắp hai tay lại, nhìn đức Thích ca mà vấn an, rằng bạch đức Thế tôn, ngài ít bịnh, ít phiền, sống yên vui chăng? Những người đáng được ngài hóa độ, họ có tiếp nhận sự hóa độ ấy một cách dễ dàng để làm cho ngài khỏi phải mệt nhọc chăng? Bốn vị cùng lặp lại sự vấn an của mình bằng lời chỉnh cú sau đây.
Khi ấy đức Thế tôn bảo đại chúng bồ tát, đúng như vậy, chư thiện nam tử; Như lai yên vui, ít bịnh ít phiền, những người đáng được hóa độ cũng dễ hóa độ, không mệt nhọc gì. Những người này bao đời đến nay thường tiếp nhận sự giáo hóa của Như lai, lại hiến cúng tôn trọng mà gieo trồng thiện căn ở nơi chư Phật quá khứ. Những người này mới thấy thân Như lai, mới nghe lời Như lai, là tức thì tin tưởng chấp nhận, nhập vào tuệ giác Như lai. Ngoại trừ những người trước đây tu học theo giáo pháp cỗ xe thấp nhỏ; những người như vậy ngày nay Như lai cũng làm cho nghe được Pháp hoa mà nhập được Phật tuệ. Nghe đức Thế tôn dạy như vậy, bốn đại bồ tát lại nói lời chỉnh cú sau đây.
Đức Thế tôn tán dương bốn vị đại bồ tát thượng thủ, tốt lắm, chư thiện nam tử, các vị có thể có sự tùy hỷ như vậy đối với Như lai. Vào lúc bấy giờ, đức Di lạc cùng chúng chư bồ tát nhiều đến tám ngàn hằng sa, đều nghĩ rằng, từ trước đến nay, chúng ta không thấy không nghe chúng đại bồ tát như vầy, từ đất dũng xuất, đang đứng trước đức Thế tôn mà chắp tay hiến cúng và vấn an. Đức Di lạc biết ý nghĩ trong lòng tám ngàn hằng sa bồ tát, lại muốn giải trừ nghi hoặc của mình, nên chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa hỏi bằng những lời chỉnh cú sau đây.
Chư Phật hóa thân của đức Thế tôn, đến đây từ vô số ngàn vạn ức quốc độ ở mọi phương hướng, hiện vẫn ngồi xếp bằng trên tòa sư tử dưới các cây ngọc khắp cả tám hướng. Các vị thị giả của chư Phật ấy ai cũng thấy đại chúng bồ tát vọt lên từ đất khắp cả đại thiên quốc độ này, và đứng trong không gian. Mỗi vị thị giả thưa với đức Phật của mình, rằng bạch đức Thế tôn, đại chúng bồ tát vô lượng vô biên vô số này từ đâu đến đây? Chư Phật ngài nào cũng bảo vị thị giả của mình, rằng thiện nam tử, hãy chờ một lát. Vị đại bồ tát danh hiệu Di lạc, người được đức Thích ca thế tôn thọ ký làm Phật kế ngài, đã hỏi ngài về việc này. Ngài sắp giải đáp, nhân đó các người sẽ được nghe. Khi ấy đức Thế tôn bảo, tốt lắm, Di lạc, đại sĩ có thể hỏi Như lai về việc quan trọng như vậy. Chư vị hãy cùng nhau tập trung tâm trí, khoác áo giáp tinh tiến, phát ý chí cứng chắc. Như lai nay muốn phát lộ về tuệ giác của Như lai, thần thông của Như lai, khí lực của Như lai, uy lực của Như lai (189) . Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Nói những lời chỉnh cú ấy rồi, đức Thế tôn bảo đức Di lạc, hôm nay, giữa đại hội các chúng như vầy, Như lai tuyên cáo để chư vị biết. Di lạc, đại chúng bồ tát vô lượng vô số, từ đất dũng xuất và chư vị xưa nay chưa thấy đây, là do Như lai ở thế giới hệ Kham nhẫn này, thành tựu tuệ giác vô thượng rồi giáo hóa chỉ dẫn cho các vị ấy thuần hóa tính ý, phát tâm tuệ giác. Các vị ấy ở trong không gian phía dưới thế giới hệ này. Đối với kinh pháp, các vị đọc tụng thông suốt, suy xét, phân tích và ghi nhớ chính xác. Di lạc, các thiện nam tử này không thích ở chỗ đông đảo và nói năng nhiều lời, thường xuyên thích nơi yên tĩnh, nỗ lực tinh tiến, chưa từng dừng nghỉ. Các vị không sống với nhân loại hay chư thiên. Các vị thường ưa thích tuệ giác sâu xa, không bị trở ngại, nghĩa là thường ưa thích giáo pháp chư Phật, chuyên tâm tinh tiến mà cầu đạt cho được tuệ giác vô thượng. Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Bấy giờ trong lòng đức Di lạc và vô số bồ tát lại sinh nghi hoặc, lấy làm quái lạ, cho là một sự chưa từng có mà nghĩ rằng, đức Thế tôn làm cách nào mà trong một thì gian ít ỏi, đã giáo hóa cho đại bồ tát vô lượng vô số như vầy, làm cho tất cả đều đứng vững ở trong tuệ giác vô thượng? Nghĩ như vậy nên đức Di lạc thưa rằng, bạch đức Thế tôn, ngài làm thái tử, thoát ly hoàng cung họ Thích, cách thành Già da không xa, ngồi nơi bồ đề tràng, thành đạt tuệ giác vô thượng, từ đó đến nay mới hơn bốn mươi năm. Trong thì gian ngắn ngủi như vậy mà tại sao ngài có thể làm được một cách lớn lao việc làm của Phật, ấy là đem khí lực của Phật và dùng đức tính của Phật mà giáo hóa số đại bồ tát như vầy sẽ thành tuệ giác vô thượng -- số đại bồ tát mà giả sử có người đếm đến ngàn vạn ức thời kỳ cũng không biết được số lượng, không tìm được giới hạn, số đại bồ tát mà chắc chắn từ lâu xa cho đến bây giờ đã ở nơi chỗ vô biên chư Phật mà gieo trồng gốc rễ pháp lành, thành thục đường đi của bồ tát, thường xuyên tu tập phạn hạnh? Bạch đức Thế tôn, điều đó quả là cả thế gian đều khó tin. Ví như có kẻ sắc tốt, tóc đen, tuổi mới hai mươi lăm, mà chỉ những người trăm tuổi, nói rằng đây là con ta, những người trăm tuổi cũng chỉ người trẻ tuổi, nói rằng đây là cha, đã sinh ra và nuôi lớn chúng ta, thì đó là việc thật khó tin. Đức Thế tôn cũng vậy. Từ khi ngài thực hiện tuệ giác vô thượng cho đến ngày nay thật ra chưa lâu, còn đại chúng bồ tát này thì chắc chắn đã trải qua vô lượng ngàn vạn ức thời kỳ, vì tuệ giác Phật đà mà nỗ lực tinh tiến, khéo vào khéo ở và khéo ra đối với vô số trăm ngàn vạn ức chánh định, được đại thần thông, lâu tu phạn hạnh, lại khéo tuần tự tu tập các loại thiện pháp, khéo hỏi khéo đáp, nói tóm, họ là bảo vật trong mọi người, hiếm có nhất thế giới. Vậy mà ngày nay đức Thế tôn lại bảo ngài thực hiện tuệ giác Phật đà rồi mới làm cho các vị ấy phát tâm đại bồ đề, giáo hóa chỉ dẫn cho các vị ấy hướng đến tuệ giác vô thượng. Nghĩa là đức Thế tôn trở thành đấng Toàn giác chưa bao lâu mà thực hiện được thành quả vĩ đại như vậy! Dẫu rằng chúng con tin sự tùy nghi thuyết pháp của đức Thế tôn, tin lời đức Thế tôn nói chưa bao giờ không thật, tin sự thấy biết của đức Thế tôn là thấu suốt tất cả, nhưng các vị bồ tát mới phát tâm, sau khi đức Thế tôn nhập diệt mà nghe thấy những lời này, thì có thể có kẻ không tin tưởng tiếp nhận, sinh ra cái lỗi bài bác chánh pháp. Dạ, chính vì vậy, bạch đức Thế tôn, con xin ngài giảng dạy, giải trừ nghi hoặc cho chúng con, lại làm cho bao nhiêu thiện nam và thiện nữ trong thì vị lai nghe được việc này cũng không nghi hoặc. Đức Di lạc muốn lặp lại ý nghĩa đã thỉnh cầu, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Phẩm 16: Sự Sống Lâu Của Đức Thế Tôn [^] Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo chư vị bồ tát, và toàn thể các chúng ở trong đại hội, chư thiện nam tử, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như lai. Một lần nữa, đức Thế tôn bảo toàn thể đại hội, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như lai. Lại một lần nữa, đức Thế tôn bảo toàn thể đại hội, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như lai. Bấy giờ đại chúng bồ tát mà bậc thượng thủ là đức Di lạc, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, xin ngài chỉ dạy, chúng con sẽ tin tưởng tiếp nhận lời ngài. Các vị thưa như vậy đến ba lần rồi, vẫn nói xin ngài chỉ dạy, chúng con sẽ tin tưởng tiếp nhận lời ngài. Thấy chư vị bồ tát thỉnh cầu đến ba lần mà không ngưng, nên đức Thế tôn bảo, chư vị hãy nghe cho kyՍ về thần lực bí mật của Như lai. Chư thiện nam tử, tất cả thế giới như chư thiên nhân loại và tu la, ai cũng nói đời này đức Thích ca thế tôn rời khỏi hoàng cung họ Thích, cách thành Già da không xa, ngồi nơi bồ đề tràng mà được tuệ giác vô thượng. Nhưng, chư thiện nam tử, Như lai thật sự trở thành Phật đà thì đến nay đã vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức trăm triệu thời kỳ. Ví như năm trăm ngàn vạn ức trăm triệu vô số đại thiên quốc độ, giả thiết có người đem nghiền thành bụi nhỏ, rồi đi về hướng đông, qua khỏi năm trăm ngàn vạn ức trăm triệu vô số quốc độ mới bỏ xuống một hạt bụi nhỏ ấy. Tuần tự như vậy mà đi về hướng đông và bỏ hết số bụi. Chư thiện nam tử, trong ý chư vị nghĩ thế nào, bao nhiêu quốc độ mà người ấy đi qua, có thể nào nghĩ và tính mà biết được số lượng hay không? Đức Di lạc và các vị đồng chúng cùng thưa, bạch đức Thế tôn, quốc độ như vậy vô lượng vô biên, không phải toán số biết được, cũng không phải trí lực biết thấu. Tất cả các vị thanh văn duyên giác vận dụng tuệ giác không còn sơ hở cũng không thể nghĩ mà biết được số lượng ấy. Chúng con là những người đã ở địa vị Không thoái chuyển mà đối với số lượng ấy cũng không thấu suốt. Bạch đức Thế tôn, quốc độ như vậy thật vô lượng vô biên. Đức Thế tôn bảo các vị đại bồ tát, chư thiện nam tử, Như lai nay tuyên ngôn rõ ràng cho chư vị biết, bao nhiêu quốc độ ấy, được hay không được bỏ bụi xuống, đều đem hết ra mà nghiền làm bụi nữa, rồi mỗi hạt bụi giả thiết một thời kỳ, thì Như lai thành Phật đến nay, còn hơn số ấy đến trăm ngàn vạn ức trăm triệu vô số thời kỳ. Từ đó đến nay, Như lai thường ở tại quốc độ Kham nhẫn này mà thuyết pháp giáo hóa, lại ở trăm ngàn vạn ức trăm triệu vô số quốc độ khác nữa mà dắt dẫn ích lợi cho các loại chúng sinh. Chư thiện nam tử, trong thì gian ấy và trong những quốc độ ấy, Như lai tự nói là các đức Như lai khác, đại loại như Nhiên đăng như lai, lại nói đến sự nhập diệt của các đức Như lai ấy. Như vậy toàn là phương tiện mà nói (192) . Chư thiện nam tử, có ai đến chỗ Như lai thì Như lai đem mắt Phật mà nhìn tín tiến niệm định tuệ, các căn ấy của họ lanh hay chậm, rồi tùy sự nên hóa độ như thế nào mà, tại mỗi quốc độ, Như lai tự nói danh hiệu khác nhau, tuổi tác lớn nhỏ, lại nói sẽ nhập diệt. Như lai còn dùng đủ cách phương tiện mà nói chánh pháp tinh túy, làm cho chúng sinh ai cũng hoan hỷ. Chư thiện nam tử, Như lai thấy chúng sinh ưa thích giáo pháp thấp nhỏ, đức mỏng tội nặng, thì vì những người ấy mà nói rằng Như lai lúc trẻ tuổi đã xuất gia và mới được tuệ giác vô thượng gần đây. Nhưng thật sự Như lai thành Phật đến nay đã lâu xa như trên đã nói, chỉ vì phương tiện giáo hóa chúng sinh cho họ nhập vào tuêể giác của Phật, nên nói mới thành Phật gần đây. Chư thiện nam tử, Như lai thuyết ra kinh pháp toàn là để hóa độ chúng sinh, nên nói mình qua thân mình hay nói mình qua thân khác, nói mình biểu hiện qua thân mình hay nói mình biểu hiện qua thân khác, nói mình biểu hiện qua việc mình hay nói mình biểu hiện qua việc khác (193) , mọi cách nói đều trung thực, không dối trá. Vì lẽ Như lai đúng như sự thật của ba cõi mà thấy ba cõi không sinh không chết, không lui mất không hiện ra, không tồn tại không nhập diệt, không thật không giả, không như nhau không khác nhau. Không như chúng sinh ba cõi nhìn thấy ba cõi; ba cõi như vậy Như lai nhìn thấy rõ ràng, không có lầm lẫn. Chỉ vì các loại chúng sinh có đủ thứ cá tính, thị hiếu, hành động và tư tưởng khác nhau, mà Như lai thì muốn làm cho ai cũng được phát sinh gốc rễ điều thiện, nên đem bao nhiêu yếu tố, ví dụ và lời chữ mà thuyết pháp đủ cách, làm việc Phật làm mà chưa bao giờ tạm thời ngừng bỏ. Như vậy là Như lai thành Phật đến nay đã cực kỳ lâu xa, sống lâu vô lượng vô số thời kỳ, vĩnh viễn tồn tại mà không có nhập diệt. Chư thiện nam tử, Như lai xưa kia đang đi đường đi của bồ tát mà sự sống lâu có được, đến nay vẫn chưa hết, thì gian còn nhiều hơn bội phần số lượng đã nói ở trên; huống chi Như lai ngày nay đã thành Phật, và sự sống lâu của Như lai là của một đức Phật (194) ? Như lai nay không thật nhập diệt mà tuyên bố sẽ nhập diệt, là Như lai dùng phương tiện ấy để giáo hóa chúng sinh. Tại sao, vì nếu Như lai tồn tại lâu dài thì những kẻ phước đức mỏng mảnh không lo gieo trồng gốc rễ điều lành, y nguyên nghèo nàn hèn hạ, tham đắm năm thứ dục lạc, sa vào mạng lưới tư tưởng sai lầm. Những kẻ ấy nếu thấy Như lai thường tồn tại mà không nhập diệt thì khinh thường, phóng túng mà nhàm chán, biếng nhác, chứ không có ý tưởng Như lai khó gặp, không sinh tâm lý tôn kính. Do vậy mà Như lai phương tiện nói rằng chư vị tỷ kheo, phải biết các đức Như lai xuất thế rất là khó gặp. Trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức thời kỳ, những kẻ phước đức mỏng mảnh mới thấy Như lai hoặc vẫn không thấy được. Vì sự thể này mà Như lai nói rằng chư vị tỷ kheo, Như lai rất là khó gặp. Những kẻ phước đức mỏng mảnh nghe nói như vậy thì tất nghĩ đến sự khó gặp ấy mà trong lòng luyến mộ, khao khát và ngưỡng vọng đối với Như lai, tự nhiên gieo trồng gốc rễ điều lành. Vì vậy nên Như lai không thật nhập diệt mà tự nói nhập diệt. Chư thiện nam tử, cách thức hóa độ của các đức Như lai là như vậy, vì hóa độ chúng sinh mà nói, nên nói thế nào cũng trung thực chứ không sai lầm, dối trá. Ví như một vị lương y trí tuệ thông suốt, chế thuốc hay và chữa bịnh giỏi. Lương y nhiều con, mười người, hai mươi người, cho đến cả trăm. Vì có việc nên lương y đi xa, đến các nước khác. Các con ông, sau khi ông đi, dùng nhằm thuốc độc của kẻ khác. Độc phát nên sảng loạn, lăn lóc mặt đất. Khi ấy người cha trở về. Các con dùng nhằm thuốc độc hoặc mất trí hoặc không mất, nhưng thấy cha từ xa thì cùng mừng mà quì lạy, chào đón, rằng cha về yên lành. Chúng con ngu muội, dùng lầm thuốc độc, xin cha cứu chữa cho chúng con sống còn. Người cha thấy các con đau đớn như vậy thì y theo sách thuốc mà soạn ra một phương thuốc, tìm cây thuốc tốt với sắc hương vị đều tốt, đem quết thật nhuyễn, rây thật mịn, hòa trộn với nhau, rồi đưa cho các con mà bảo, dược phẩm này rất quí, sắc hương vị đều tốt, các con dùng đi, thì mau hết đau đớn, không độc chất nào mà còn được nữa. Trong các con, ai không mất trí, thấy dược phẩm sắc hương vị đều tốt ấy thì dùng liền và bịnh lành hết. Còn những người mất trí thì thấy cha về tuy cũng mừng, cũng chào đón, cũng xin chữa bịnh, nhưng cho thuốc lại không chịu dùng; tại sao, vì độc tố quá sâu, làm cho mất trí, nên dược phẩm sắc hương vị đều tốt mà cho là không tốt. Người cha nghĩ rằng, những đứa con này thật đáng thương, trúng độc đến nỗi loạn trí, tuy thấy ta cũng mừng, cũng xin cứu chữa, nhưng thuốc tốt như vầy lại không chịu dùng. Ta phải lập chước phương tiện làm cho các con chịu dùng thuốc ấy. Ông bảo, các con phải biết ta già rồi, giờ chết đã đến. Dược phẩm tốt này ta để lại ở đây, các con lấy dùng thì khỏi lo không lành. Chỉ dạy như vậy rồi ông lại đến nước khác, cho sứ giả về bảo cha các người chết rồi. Bấy giờ các con nghe nói cha chết, lòng rất lo buồn mà nghĩ, cha còn thì thương mà cứu chữa bảo vệ chúng ta. Nay cha bỏ chúng ta mà chết xa xôi ở xứ người! Tự nghĩ côi cút, không nơi nương tựa! Nghĩ mãi nên tỉnh trí. Và nhận ra được dược phẩm sắc hương vị đều tốt, tức khắc lấy dùng và bịnh lành liền. Người cha nghe các con lành cả thì về lại cho các con thấy. Chư thiện nam tử, ý chư vị nghĩ thế nào, có người nào chỉ trích được rằng vị lương y như vậy có lỗi dối trá chăng? Không, bạch đức Thế tôn. Chư thiện nam tử, Như lai cũng vậy. Như lai thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức trăm triệu vô số thời kỳ, chỉ vì cứu độ chúng sinh mà Như lai phương tiện tuyên bố nhập diệt, nhưng không ai có thể nói đúng cách rằng Như lai có lỗi nói dối. Muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên khi ấy đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.
Phẩm 17: Phân Tích Thành Quả (198) [^] Khi nghe đức Thế tôn nói về thời lượng đời sống của ngài bất tận như vậy, đại hội có vô lượng vô số chúng sinh được ích lợi lớn lao. Ngài bảo đức Di lạc, Như lai nói về sự bất tận như vậy của đời sống Như lai thì có chúng sinh nhiều bằng số cát của sáu trăm tám mươi vạn ức trăm triệu sông Hằng thực hiện tuệ giác Không sinh (199) . Lại có bồ tát nhiều gấp ngàn lần số ấy được tổng trì Nghe nhớ (200) , có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một thế giới hệ được các tài hùng biện mà trong đó có sự Biện thuyết, có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một thế giới hệ được tổng trì Xoay chuyển vô số; có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một đại thiên quốc độ có thể chuyển đẩy bánh xe chánh pháp Không còn thoái chuyển, có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một trung thiên quốc độ (201) có thể chuyển đẩy bánh xe chánh pháp Hào quang trong sáng; có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một tiểu thiên quốc độ chỉ tám đời nữa thì được Tuệ giác vô thượng, có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền bốn lần bốn đại lục nhân loại chỉ bốn đời nữa thì được Tuệ giác vô thượng, có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền ba lần bốn đại lục nhân loại chỉ ba đời nữa thì được Tuệ giác vô thượng, có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền hai lần bốn đại lục nhân loại chỉ hai đời nữa thì được Tuệ giác vô thượng, có bồ tát nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một lần bốn đại lục nhân loại chỉ một đời nữa thì được Tuệ giác vô thượng. Lại có chúng sinh nhiều bằng bụi nhỏ nghiền tám thế giới hệ đều phát Tâm tuệ giác vô thượng. Khi đức Thế tôn phân tích chư vị bồ tát được lợi ích của Pháp vĩ đại như vậy thì trong không gian mưa xuống hoa mạn đà và hoa mạn đà lớn, rải trên chư Phật ngồi trên tòa sư tử ở dưới vô lượng trăm ngàn vạn ức cây ngọc, rải trên đức Thích ca và trên đức Phật nhập diệt đã lâu là đức Đa bảo cùng ngồi trên tòa sư tử ở trong bảo tháp, rải trên tất cả bồ tát và bốn chúng. Trong không gian lại mưa xuống phấn của các hương liệu đại loại như đàn hương, trầm thủy. Cũng trong không gian, trống chư thiên tự kêu vang lên, âm thanh tuyệt diệu, nghe xa; lại mưa xuống cả ngàn loại vải chư thiên; và rủ xuống khắp cả chín phương hướng là những chuỗi ngọc đại loại như chuỗi chân châu, chuỗi ma ni, chuỗi như ý. Bao nhiêu là lư hương, làm bằng các thứ ngọc và ở trong đốt hương liệu vô giá, tự chuyển động đến khắp tất cả, hiến cúng toàn thể pháp hội lớn lao. Các bên ở trên mỗi đức Phật, các vị bồ tát cầm bảo cái có mắc phan phướn, tuần tự mà lên đến Phạn thiên; các vị bồ tát ấy còn đem âm thanh tuyệt diệu, ngâm hát vô số thi ca mà tán dương chư Phật. Vào lúc ấy, đức Di lạc từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai bên phải, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà nói những lời chỉnh cú sau đây.
Đức Thế tôn bảo đức Di lạc, người nào nghe đời sống Như lai bất tận như vầy, thì dẫu đến nỗi chỉ phát sinh được một ý niệm tin hiểu mà thôi, công đức người ấy đã không có hạn lượng. Thiện nam hay thiện nữ nào vì cầu tuệ giác vô thượng mà trải qua tám chục vạn ức trăm triệu thời kỳ, thực hành năm pháp ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, ngoại trừ bát nhã (202) , công đức của người này đem sánh với công đức của người trước, thì không bằng một phần trong trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, cho đến toán số ví dụ cũng không có khả năng đem lại sự xác định. Thiện nam hay thiện nữ nào có công đức trước mà thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng là điều không thể có. Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa này nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Lại nữa, Di lạc, nếu có người nào chỉ nghe Như lai nói về sự bất tận của đời sống Như lai mà hiểu được ý hướng của sự nói như vậy (204) , thì người ấy được công đức vô hạn lượng, có năng lực phát khởi tuệ giác vô thượng của Như lai; huống chi đối với toàn bộ Pháp hoa mà tự nghe một cách đầy đủ và khuyên người nghe, tự nhớ và khuyên người nhớ, tự chép và khuyên người chép, tự đem hoa, hương, vòng hoa, cờ, phan, lọng dù bằng lụa dày, đèn dầu thơm và đèn bơ sữa bò mà hiến cúng cuốn kinh ấy, thì công đức người này vô hạn lượng, có năng lực phát sinh tuệ giác Biết tất cả. Di lạc, thiện nam hay thiện nữ nào nghe Như lai nói sự bất tận của đời sống Như lai mà tin hiểu bằng tâm trí sâu xa, thì như vậy là thấy Như lai thường ở tại Linh sơn, thuyết pháp cho chư vị bồ tát và thanh văn bao quanh; thấy thế giới hệ Kham nhẫn này đất bằng lưu ly, bằng phẳng ngay thẳng, dây vàng Diêm phù đàn phân ranh tất cả đường sá thành những đường ngã tám, cây ngọc có hàng có lối, lầu đài toàn do vàng ngọc hợp thành và có các bồ tát ở trong đó. Ai quán tưởng thấy được như vậy thì đại sĩ phải biết đó là sắc thái của sự tin hiểu sâu xa. Thêm nữa, sau khi Như lai nhập diệt, ai nghe Pháp hoa mà không phỉ báng, biết tùy hỷ, thì đại sĩ phải biết như thế cũng đã là sắc thái của sự tin hiểu sâu xa; huống chi tùy hỷ rồi còn biết đọc tụng kính giữ kinh ấy, thì như vậy là đỉnh đầu người ấy đã đội Như lai. Di lạc, người như vậy, không kể thiện nam hay thiện nữ, đã không cần xây tháp làm chùa cho Như lai, đã không cần kiến thiết tăng xá (205) và đem bốn sự mà hiến cúng chư Tăng. Tại sao, vì thiện nam hay thiện nữ ấy đọc tụng kính giữ Pháp hoa là đã xây dựng chùa tháp mà hiến cúng Như lai, đã kiến thiết tăng xá mà hiến cúng chư Tăng; là đã hiến cúng Như lai bằng cách đem xá lợi của Như lai mà xây tháp bằng bảy chất liệu quí báu, chu vi rất rộng, và vừa cao vừa nhỏ dần cho đến tận tầng trời Phạn thiên, treo những bảo cái mà ở dưới có mắc phan phướn, treo những chuông nhỏ quí báu, dâng các loại hoa, vòng hoa, các hương liệu, đánh các thứ trống và tấu các nhạc khí như ống tiêu ống sáo và đàn hầu, biểu diễn các vũ khúc và hý kịch, ca hát ngâm vịnh mà xưng tụng tán dương bằng âm thanh tuyệt diệu; là đã hiến cúng Như lai bằng cách này trong vô lượng ngàn vạn ức thời kỳ. Di lạc, sau khi Như lai nhập diệt, ai nghe Pháp hoa mà có thể tiếp nhận kính giữ, tự mình và khuyên người sao chép ấn hành, thì như vậy là đã tạo lập tăng xá bằng cách đem gỗ đàn hương đỏ mà làm ba mươi hai sở cung điện và nhà chính, cao bằng tám cây đa la, rộng rãi, tôn nghiêm và myՠthuật, trong đó có thể ở đến hàng trăm hàng ngàn tỷ kheo; lại có vườn rừng và hồ tắm, có đường để kinh hành, có động để tọa thiền; có đầy đủ đồ mặc, đồ nằm, đồ uống, đồ ăn, dược phẩm, và mọi thứ tiện nghi -- đã tạo lập tăng xá như vậy có đến mấy trăm ngàn vạn ức, số lượng vô lượng, mà hiến cúng hiện diện cho Như lai và Tỷ kheo tăng. Do vậy mà Như lai nói rằng, sau khi Như lai nhập diệt, đối với Pháp hoa, có ai tiếp nhận kính giữ, bằng cách đọc tụng, diễn giảng cho người, tự mình và khuyên người sao chép ấn hành, hiến cúng cuốn kinh ấy, thì không cần xây dựng chùa tháp hay tạo lập tăng xá mà hiến cúng Như lai và Tỷ kheo tăng. Chỉ kính giữ Pháp hoa mà đã được như trên, huống chi có ai kính giữ Pháp hoa mà còn thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, nhất tâm, trí tuệ, thì công đức của người này thật là tối thắng, vô lượng vô biên. Không gian bao gồm đông tây nam bắc, bốn góc và trên dưới, vô lượng vô biên đến thế nào thì công đức người này cũng vô lượng vô biên đến như vậy, làm cho người này mau chóng đi đến tuệ giác Biết tất cả. Đối với Pháp hoa, có ai tiếp nhận kính giữ bằng cách đọc tụng, diễn giảng cho người, tự mình và khuyên người sao chép ấn hành, lại còn xây dựng chùa tháp mà hiến cúng Như lai, còn tạo lập tăng xá mà hiến cúng với sự tán dương Thanh văn tăng, còn đem trăm ngàn vạn ức phong cách tán dương mà tán dương Bồ tát và công đức của Bồ tát, còn vận dụng mọi thứ yếu tố, tùy theo nghĩa ý mà diễn giảng Pháp hoa cho người, còn giữ giới thanh tịnh, ở chung với những người thuần hóa, còn ẩn nhẫn chứ không giận dữ, trí nhớ vững chắc, thường quí tọa thiền mà thực hiện các định sâu xa, tinh tiến dũng mãnh mà thu thập các pháp lành, lợi căn, trí tuệ, khéo đáp mọi sự gạn hỏi -- Di lạc, sau khi Như lai nhập diệt, thiện nam hay thiện nữ nào kính giữ Pháp hoa mà còn có những pháp lành như vậy, thì đại sĩ phải biết những người ấy đã bước mau đến nơi bồ đề tràng, sắp ngồi dưới bồ đề thọ mà hoàn mãn vô thượng giác. Di lạc, những người ấy đứng ngồi hay kinh hành ở đâu, những chỗ ấy nên xây dựng bảo tháp mà hiến cúng Như lai (206) , và nhân loại với chư thiên nên hiến cúng bảo tháp này như hiến cúng bảo tháp tôn trí xá lợi (207) của Như lai. Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
-ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
Source: Buddhism Today, http://www.buddhism.today
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 06-09-2002