THERAVĀDA
SỬ LIỆU
VỀ ĐẢO LAṄKĀ
Nguyên tác Pāli: Không rõ danh tánh SRI
JAYAWARDHANARAMAYA
DVĀDASAMO
PARICCHEDO 1/- Cây quạt lông thú, vương miện, thanh gươm, lọng che, giày dép, khăn đội đầu, dây thắt lưng loại mịn, bình rưới nước, vòng hoa khánh hỷ. 2/- Kiệu khiêng, nước sông Gaṅgā, tù và vỏ ốc, vải hạng nhất không cần phải giặt, khay vàng, muỗng, khăn tay đắt giá. 3/- Gùi nước từ hồ Anotatta, trầm hương vàng tuyệt hảo, đất sét (để tắm) màu ráng đỏ, thuốc bôi mắt do loài rồng mang lại. 4/- Hai loại trái cây harītaka và āmalaka, nước cam-lồ bất tử vô cùng giá trị, một trăm sáu mươi xe tải gạo sāli thơm ngát được loài chim két mang lại là vật được phát sanh lên do việc làm phước thiện đã được đức vua tên Asoka gởi tặng. 5/- (Và nhắn rằng): “Trẫm đã quy y đức Phật, đức Pháp, và đức Tăng. Trẫm đã tuyên bố tư cách cư sĩ trong Giáo Pháp của người con trai dòng dõi Sākya. 6/- Ngài cũng hãy đặt tâm tín thành vào ba đối tượng này, vào Giáo Pháp tối thượng của đấng Chiến Thắng, và hãy nương tựa vào bậc Đạo Sư.” 7/- Sau khi thể hiện sự tôn vinh này, đức vua Asoka công chính có danh tiếng lẫy lừng đã gởi tặng những vật ấy theo đoàn sứ giả đã được vua Devānampiya phái đến. 8/- Ở tại tu viện Asokārāma cao quý, nhiều vị trưởng lão có đại thần lực vì lòng thương tưởng đối với xứ Laṅkā đã nói với Mahinda điều này: 9/- “Là thời điểm để thiết lập Giáo Pháp ở trên hòn đảo Laṅkā. Hỡi vị có niềm tin và phước báu lớn lao, ngài hãy đi đến hòn đảo Laṅkā.” 10/- Bậc quang đăng Mahinda là vị thông thái, thành tựu việc học tập, đã nghe theo lời khuyên của hội chúng, và cùng với nhóm đã đồng ý. 11/- Rồi ngài đã đắp y một bên vai, chắp tay lên, đê đầu đảnh lễ (nói rằng): “Tôi sẽ đi đến hòn đảo Laṅkā.” 12/- Khi ấy, vị tên Mahinda là trưởng lão của hội chúng gồm có trưởng lão Iṭṭhiya, Uttiya, Bhaddsāla, và Sambala. 13/- Với vị sa-di Sumana có đại thần lực và sáu thắng trí. Năm vị đại trưởng lão ấy cũng có đại thần lực và sáu thắng trí. 14/- Khi đã rời khỏi tu viện Asoka ra đi và trong lúc tuần tự du hành, cả nhóm đã đi đến Vedissagiri và đã trú ngụ tại tu viện Vedissagiri (một thời gian) thuận theo ý thích. 15/- Sau khi giáo huấn người mẹ về sự quy y, giới cấm, ngày Uposatha, ngài Mahinda đã an trú các cư dân của đảo vào các lời giảng dạy ở trong Chánh Pháp. 16/- Vào thời thiền tịnh lúc chiều tối, trưởng lão Mahinda là vị có hội chúng lớn đã đi đến nơi thanh vắng suy nghĩ về thời điểm hoặc chưa phải là thời điểm. 17/- Biết được sự suy nghĩ của vị trưởng lão, Sakka là chúa của chư thiên đã hiện ra trước mặt vị trưởng lão và đã nói với vị ấy rằng: 18/- “Thưa bậc đại hùng, đã đúng thời điểm cho ngài về việc hóa độ hòn đảo Laṅkā. Vì lòng thương tưởng chúng sanh, ngài hãy mau đi đến hòn đảo cao quý. 19/- Ngài hãy đi đến hòn đảo Laṅkā cao quý, hãy thuyết giảng Giáo Pháp cho chúng sanh, hãy giải thích về Tứ Diệu Đế, và hãy giải thoát chúng sanh khỏi sự trói buộc. 20/- Ngài hãy làm rạng rỡ Giáo Pháp của đức Phật tối thượng ở hòn đảo Laṅkā. Ngài đã được đức Phật tiên tri và hội chúng tỳ khưu đã đồng ý. 21/- Trong việc đi đến hòn đảo Laṅkā, tôi sẽ là người phục vụ và sẽ làm tất cả các phận sự. Đã đến lúc ngài khởi hành.” 22/- Sau khi lắng nghe lời nói của vị Sakka, bậc quang đăng Mahinda (suy nghĩ rằng): “Ta đã được đức Thế Tôn xác định và đã được hội chúng tỳ khưu đồng ý. 23/- Và Sakka đã thỉnh cầu ta. Ta sẽ thiết lập Giáo Pháp. Ta sẽ đi đến Tambapaṇṇi. Những người ở Tambapaṇṇi quả là hoàn hảo. 24/- Họ chưa được nghe về đạo lộ đoạn tận mọi khổ đau đã khéo được thuyết giảng. Ta sẽ giảng giải cho họ. Ta sẽ đi đến hòn đảo Laṅkā.” 25/- Là người biết thời biết lúc, Mahinda con trai của đức vua Asoka đã nhận định việc đi đến xứ sở Laṅkā và đã thông báo trong nhóm. 26/- Ngài Mahinda là thủ lãnh của nhóm gồm bốn vị có chung thầy tế độ, vị sa-di Sumana, và cư sĩ Bhaṇḍuka. 27/- Ngài Mahinda có đại thần lực đã nói với sáu vị có sáu thắng trí rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta hãy đi đến hòn đảo Laṅka phong phú và cao quý nhất hạng. 28/- Chúng ta hãy tạo niềm tin cho nhiều người. Chúng ta sẽ thiết lập Giáo Pháp.” Các vị ấy đã đáp rằng: “Lành thay!” Và tất cả đều hoan hỷ. 29/- “Thưa ngài, đã đến lúc chúng ta hãy đi đến ngọn núi tên là Missaka. Vị vua (Devānampiya) ấy đã rời khỏi thành đi săn thú.” 30/- Chúa trời Sakka đã hoan hỷ nói lời ấy với trưởng lão Mahinda đang trú vào thiền tịnh. 31/- (Ngài Mahinda nói rằng): “Chúng ta đã trú ngụ tại Vedissagiri xinh đẹp ba mươi đêm. Bây giờ là thời điểm khởi hành. Chúng ta hãy đi đến hòn đảo tối thắng.” 32/- Theo đường không trung từ Jambudīpa, các vị trưởng lão, như những chim thiên nga chúa ở trên bầu trời, đã bay lên như thế rồi đã đáp xuống ngọn núi cao nhất (ở hòn đảo Laṅkā). 33/- Về phía đông của thành phố tuyệt vời trên ngọn núi tợ như đám mây, các vị đã cư ngụ tại đỉnh núi Missaka trông như những con chim thiên nga đậu trên ngọn cây. 34/- Khi ấy, vị tên Mahinda là trưởng lão của hội chúng gồm có trưởng lão Iṭṭhiya, Uttiya, Bhaddsāla, và Sambala. 35/- Thêm vị sa-di Sumana và cư sĩ Bhaṇḍuka. Tất cả các vị ấy đều có đại thần lực và là những người tạo niềm tin cho xứ Tambapaṇṇi. 36/- Giống như chim thiên nga chúa trên bầu trời, vị trưởng lão đã bay lên nơi ấy ở về phía đông của thành phố tuyệt vời, trên ngọn núi trông giống như đám mây. 37/- Ngài đã đáp xuống đỉnh núi Missaka, trông như chim thiên nga đậu xuống ngọn cây. Và vào lúc bấy giờ, có vị vua là chúa tể của xứ Tambapaṇṇi. 38/- Vị ấy là Devānampiyatissa con trai của Muṭasīva. (Khi ấy) đức vua Asoka được phong vương đã mười tám năm. 39/- Khi đức vua Devānampiyatissa đã được đăng quang tròn đủ bảy tháng, ngài Mahinda được mười hai niên lạp đã từ Jambudīpa đi đến nơi ấy. 40/- Vào ngày Uposatha của tháng Jeṭṭha là tháng cuối cùng của mùa nóng, ngài Mahinda là vị lãnh đạo của nhóm đã đi đến ngọn núi Missaka. 41/- Đức vua đã xuất hành đi săn thú và đã ngự đến núi Missaka. Có vị trời trong lốt con nai đã xuất hiện phía trước đức vua. 42/- Sau khi nhìn thấy, đức vua với dáng điệu vội vã đã lao tới con nai. Trong khi đuổi theo ở phía sau, đức vua đã tiến vào khu thung lũng. 43/- Chính tại nơi ấy, con dạ-xoa đã biến mất ở phía trước vị trưởng lão. Đức vua đã nhìn thấy vị trưởng lão đang ngồi. Khi ấy, đức vua đã hoảng sợ. 44/- (Ngài Mahinda suy nghĩ rằng): “Đức vua chỉ một mình, hãy khiến ngài nhìn thấy chỉ một mình ta thôi thì ngài sẽ không hoảng sợ. Đến khi đoàn quân kéo đến, khi ấy hãy cho ngài nhìn thấy các vị tỳ khưu.” 45/- Tại nơi ấy, ngài Mahinda đã nhìn thấy vị lãnh chúa dòng Sát-đế-lỵ trong bộ dạng ác độc đang tham dự cuộc săn thú. Khi ấy, ngài đã gọi đức vua bằng tên của dòng Sát-đế-lỵ và đã nói rằng: “Này Tissa, hãy đi đến.” 46/- (Đức vua tự hỏi rằng): “Người mặc vải màu ca-sa, cạo đầu, trùm tấm khoác ngoài này là ai, chỉ có một mình không người thứ hai mà lại nói với ta lời nói không giống loài người?” 47/- (Ngài Mahinda đáp rằng): “Tâu đại vương, chúng tôi là sa-môn đệ tử của đấng Pháp Vương đã từ Jambudīpa đi đến nơi đây vì lòng thương tưởng đến chính ngài đó.” 48/- Đức vua đã hạ vũ khí xuống, đến gần một bên, rồi ngồi xuống và trao đổi thân thiện liên quan đến nhiều vấn đề. 49/- Lắng nghe lời nói của vị trưởng lão, đức vua đã hạ vũ khí xuống sau đó đã đến gần vị trưởng lão chào hỏi rồi ngồi xuống. 50/- Các quan viên và đoàn quân bốn mươi ngàn người đã lần lượt tụ hội lại đứng vây quanh. 51/- Khi đoàn quân đã tụ tập lại, đức vua nhìn thấy các vị trưởng lão đang ngồi (nên đã hỏi rằng): “Có nhiều vị tỳ khưu khác là đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác không?” 52/- “Có nhiều vị đệ tử của đức Phật là các bậc A-la-hán, lậu hoặc đã tận, có tam minh, thành tựu thần thông, và biết được tâm của người khác.” 53/- Bằng ví dụ trái xoài, ngài Mahinda biết được rằng đức vua là “Bậc trí tuệ!” nên đã thuyết giảng tại nơi ấy bài kinh “Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi.”[1] 54/- Giống như bậc trí tuệ đã phát khởi niềm tin, bốn mươi ngàn người ấy sau khi lắng nghe bài Pháp cao quý ấy đã quy y. 55/- Sau đó, với tâm hoan hỷ, mừng rỡ, phấn chấn, vui sướng, đức vua đã thỉnh mời hội chúng tỳ khưu rằng: “Chúng ta hãy đi vào kinh thành.” 56/- Ngài Mahinda đã tiếp độ niềm tin đến đức vua Devānampiya cùng với đoàn quân nhiệt tình, trí tuệ, được thành tựu sự giác ngộ một cách vô cùng nhanh chóng. 57/- Lắng nghe lời nói của đức vua, ngài Mahinda đã nói điều này: “Tâu đại vương, xin ngài hãy di hành. Còn chúng tôi sẽ cư ngụ tại nơi này.” 58/- Sau khi tiễn đưa đức vua, bậc quang đăng Mahinda đã nói với hội chúng tỳ khưu rằng: “Chúng ta hãy xuất gia cho Bhaṇḍuka.” 59/- Nghe theo lời nói của vị trưởng lão, tất cả với tâm trí bén nhạy đã xác định ranh giới là ngôi làng rồi đã xuất gia cho Bhaṇḍuka. 60/- Vị Bhaṇḍuka ấy đã thành tựu việc tu lên bậc trên và phẩm vị A-la-hán tại chính nơi ấy. [2]Đứng ở trên đỉnh núi, vị trưởng lão đã nói với người đánh xe rằng: 61/- “Thôi đi! Xe cộ là không được phép; đức Như Lai đã ngăn cấm.” Rồi vị trưởng lão có đại thần lực và sự thu thúc đã cho người đánh xe trở về. 62/- Giống như chim thiên nga chúa bay ở trên không trung, vị trưởng lão đã lướt đi trên bầu trời rồi đã từ trên không trung hạ xuống đứng vững vàng ở trên mặt đất. 63/- Khi nhìn thấy các vị ấy đang mặc hạ y và choàng thượng y, người đánh xe đã mừng rỡ trình báo lên đức vua. 64/- Sau khi phái người đánh xe đi, đức vua đã nói với các vị quan đại thần rằng: “Hãy cho chuẩn bị mái che trong kinh thành, ở tại nội cung.” 65/- Các hoàng tử, công chúa, phi tần cùng các cung nữ có ước muốn diện kiến hãy chiêm ngưỡng các vị trưởng lão đã đi đến.” 66/- Nghe theo lời nói của đức vua, các viên quan đại thần xuất thân dòng tộc cao quý đã thực hiện mái che bằng vải ở chính giữa nội cung. 67/- Mái che được lợp bằng vải trắng sạch sẽ không bị lấm nhơ có những lá cờ và vỏ ốc viền quanh, và được điểm tô bằng những tấm vải trắng. 68/- Cát được trải ra có màu trắng và khéo được xen lẫn với những bông hoa trắng. Mái che đã được trang hoàng có màu trắng trông giống như gian phòng bằng tuyết. 69/- Sau khi đã trang hoàng mái che bằng các tấm vải toàn màu trắng và đã làm bằng phẳng bên trong, họ đã trình báo lên đức vua rằng: 70/- “Tâu đại vương, mái che được khéo thực hiện và xinh đẹp đã hoàn thành. Tâu bệ hạ, xin ngài hãy xem xét chỗ ngồi thích hợp đối với các vị xuất gia.” 71/- Vào giây phút ấy, người đánh xe đã đi đến để trình báo với đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, xe cộ là không được phép để ngồi đối với hội chúng tỳ khưu. 72/- Tâu bệ hạ, có điều phi thường này là tất cả các vị trưởng lão đều có đại thần lực. Họ đã cho thần đi trước, họ đi sau nhưng lại đến trước. 73/- Chỗ ngồi cao và chỗ ngồi rộng lớn là không thích hợp đối với các vị tỳ khưu. Xin bệ hạ hãy sử dụng tấm thảm trải. Các vị trưởng lão ấy đang ngự đến.” 74/- Lắng nghe lời nói của người đánh xe, đức vua càng thêm hoan hỷ đã đi ra đón rước các vị trưởng lão, đã đảnh lễ, và đã chào hỏi thân thiện. 75/- Sau khi nhận lấy bình bát của các vị trưởng lão và trong lúc cúng dường bằng các tràng hoa và hương thơm, vị Sát-đế-lỵ đã cùng với các vị trưởng lão đi đến cửa hoàng cung. 76/- Vào đến nội cung của đức vua, vị trưởng lão đã đi vào mái che và nhìn thấy mặt đất có chỗ ngồi đã được sắp đặt và đã được trang hoàng bằng vải. Các vị đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt và đã được trải lên lớp vải. 77/- Khi các vị đã ngồi xuống, đức vua đã tự tay dâng nước, cháo, vật thực hảo hạng cứng mềm và đã làm cho các vị được thỏa mãn. 78/- Khi vị trưởng lão đã thọ thực xong và bàn tay đã rời khỏi bình bát, (đức vua) đã bảo hoàng hậu Anulā và mọi người ở trong nội cung rằng: 79/- “Này ái hậu, hãy nhận biết cơ hội, giờ là lúc tôn vinh các vị ấy. Hãy đảnh lễ các vị trưởng lão và hãy cúng dường theo như ước muốn.” 80/- Vị hoàng hậu ấy tên là Anulā cùng với năm trăm cung nữ đã đến gần đảnh lễ các vị trưởng lão rồi đã ngồi xuống. 81/- Vị có hội chúng lớn (Mahinda) đã thuyết giảng Giáo Pháp cho họ về Chuyện Ngạ Quỷ là nguồn gây nên nỗi sợ hãi rồi đã giải thích về Chuyện Thiên Cung và Tương Ưng Sự Thật. 82/- Sau khi lắng nghe Giáo Pháp cao quý ấy, hoàng hậu Anulā cùng với năm trăm cung nữ có đức tin đã được sanh khởi trí tuệ toàn hảo và đã thành tựu quả vị Dự Lưu vào lúc ấy; (đây là) sự chứng đạt lần thứ nhất.
Dvādasamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ dvādasamaṃ. --ooOoo--
TERASAMO
PARICCHEDO 1- Trước đây chưa từng được nhìn thấy các vị ấy, toàn bộ đám đông dân chúng đã tụ tập lại ở cửa hoàng cung và reo hò ầm ĩ. 2/- Nghe được tiếng ồn ầm ĩ, đức vua đã đến gần đám người ấy (hỏi rằng): “Lý do gì khiến tất cả đám thần dân đông đảo đã tụ họp lại?” 3/- “Tâu bệ hạ, đám người đông đảo này đã đi đến để chiêm ngưỡng hội chúng (tỳ khưu). Vì không được nhìn thấy nên họ đã gây nên tiếng ồn ầm ĩ.” 4/- (Đức vua nói rằng): “Nội thành quá chật chội để quy tụ lại đám đông người. Trại voi thì không chật chội, đám người ấy hãy chiêm ngưỡng vị trưởng lão (tại nơi ấy).” 5/- Sau khi thọ thực xong, vị trưởng lão đã tùy hỷ rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, sau đó đã rời khỏi hoàng cung và đi đến trại voi. 6/- Ở tại trại voi, họ đã sắp đặt ngôi bảo tọa vô cùng quý giá. Bậc quang đăng Mahinda đã ngồi xuống ở ngôi bảo tọa cao quý. 7/- Sau khi ngồi xuống ở ngôi bảo tọa cao quý, vị thủ lãnh vĩ đại của hội chúng đã thuyết giảng về phần Kinh Tạng của bậc Đạo Sư là bài Kinh Thiên Sứ[3] vô cùng cao quý. 8/- Sau khi lắng nghe bài Kinh Thiên Sứ ấy (phân tích) về nghiệp có tính chất vô cùng xấu xa đã tạo trước đây, chúng sanh đã bị hoảng hốt và khởi lên nỗi lo sợ về địa ngục. 9/- Biết được chúng sanh đã rơi vào nỗi lo sợ, ngài Mahinda đã giảng giải về Tứ Diệu Đế. Vào lúc kết thúc (buổi giảng) có một ngàn người (đã chứng ngộ); (đây là) sự chứng đạt lần thứ nhì. 10/- Ngài Mahinda dẫn đầu đám đông dân chúng đã rời khỏi trại voi đồng thời làm cho vô số chúng sanh được hoan hỷ, tương tợ như lúc đức Phật ở tại thành Rājagaha. Đám đông dân chúng đã rời khỏi thành phố bằng cánh cổng phía nam. 11/- Ở tại phía nam của thành phố có khu vườn tên là Mahānandanavana. Ở tại khu vườn của đức vua, họ đã sắp đặt ngôi bảo tọa vô cùng quý giá. 12/- Là vị rành rẽ những gì thuộc về Chánh Pháp và không phải Chánh Pháp, vị trưởng lão đã ngồi xuống ở tại nơi ấy và đã thuyết giảng đến họ bài kinh Hiền Ngu[4] tối thắng. 13/- Tại nơi ấy một ngàn chúng sanh đã thành tựu sự chứng ngộ trong Giáo Pháp. Khi ấy, đã có cuộc tụ họp đông đảo ở tại khu vườn Nandana. 14/- Khi ấy, những người vợ của các gia đình vọng tộc, các cô thiếu nữ, những cô con dâu, và các người con gái của các gia đình danh giá đã tụ tập lại thành đoàn đi đến chiêm ngưỡng vị trưởng lão 15/- Hoàng hôn đã buông xuống trong lúc còn đang chào hỏi thân thiện với họ. (Đức vua đã nói rằng): “Các vị trưởng lão hãy ngụ lại ngay tại đây, ở công viên Mahānandana. 16/- Đã quá tối để các ngài đi từ đây đến nơi xa xôi là Giribbaja.” (Ngài Mahinda đáp): “Vùng phụ cận làng lại quá gần và có đám đông người qua lại. 17/- Ban đêm, tiếng động thì ồn ào. Chỗ này giống như ngôi giảng đường của Sakka. Vậy chúng ta hãy đi đến ngọn núi là nơi có điều kiện thích hợp cho việc thiền tịnh.” 18/- “Trẫm có khu vườn tách biệt tên là Mahāmeghavana, thuận tiện việc đi lại, không quá xa và không quá gần. 19/- Việc tiếp cận và đi đến được dễ dàng đối với những người có ước muốn, ban ngày tiếng động không nhiều, không có tiếng động vào ban đêm. 20/- Là nơi thuận tiện cho việc thiền tịnh, thích hợp cho các bậc xuất gia, có cảnh trí và bóng mát, có nguồn hoa trái, và xinh đẹp. 21/- Khu vườn được bao bọc cẩn thận bởi lớp rào, được bảo vệ chắc chắn bởi các cổng thành và tháp canh, có cánh cổng hoàng thành được phân bố khéo léo ở khu vườn xinh đẹp của trẫm. 22/- Có hồ nước khéo được bố trí, có hoa sen trắng và xanh bao phủ, có nước mát lạnh đượm mùi hương thơm ngát của các bông hoa ngọt ngào đã khéo được thiết lập. 23/- Như thế, khu vườn của trẫm là tuyệt vời và thoải mái cho ngài và hội chúng. Thưa vị trưởng lão, ngài hãy cư ngụ tại đây và hãy tỏ lòng thương tưởng đến lợi ích của trẫm.” 24/- Khi ấy, nghe theo lời nói của đức vua, trưởng lão Mahinda cùng với hội chúng được tập thể các quan đại thần tháp tùng đã đi đến Meghavana. 25/- Được thỉnh cầu bởi đức vua, trưởng lão Mahinda là vị có hội chúng đông đảo đã đi vào khu vườn Mahāmeghavana có bản chất phù hợp 26/- Vị trưởng lão có hội chúng đông đảo đã cư ngụ ở khu vườn trong mảnh đất của đức vua. Vào ngày thứ nhì, đức vua đã đi đến gặp các vị trưởng lão. 27/- Sau khi đê đầu đảnh lễ, đức vua đã nói với các vị trưởng lão rằng: “Chắc hẳn các ngài ngủ được ngon giấc? Chắc hẳn việc cư ngụ sẽ được thoải mái?” 28/- (Ngài Mahinda đáp): “Chỗ ngụ được hoàn toàn tách biệt, đầy đủ không khí, không chung đụng với mọi người, thuận tiện việc thiền tịnh, và có sự lợi ích.” 29/- Khi ấy, đức vua được hoan hỷ, mừng rỡ, tâm trí phấn chấn, đã chắp tay lên và đã nói lời này. Rồi đức vua đã cầm lấy bình nước bằng vàng và rưới lên. 30/- “Thưa ngài, trẫm xin dâng khu vườn Mahāmeghavana xinh đẹp này đến Tăng chúng bốn phương. Xin ngài hãy thọ nhận.” 31/- Bậc quang đăng Mahindo đã lắng nghe lời nói của đức vua và đã thọ lãnh khu vườn để làm tu viện cho hội chúng. 32/- Trong khi vị ấy thọ nhận khu vườn Mahāmeghavana đang được dâng cúng, trái đất đã rúng động và đã có nhiều sự rung chuyển và tiếng sấm động ở tại nơi ấy. 33/- Đức vua tên Tissa đã khẳng định khu vườn Mahāmegha là thuộc về Tăng chúng và đã cho thực hiện tu viện Tissārāma xinh đẹp. 34/- Đức vua Devānampiya đã thiết lập (tu viện) đầu tiên cho hội chúng. Khu vườn có tên Mahāmeghavana là xứng đáng với Giáo Pháp. 35/- Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; thật là việc kỳ diệu khiến lông tóc dựng đứng! Ngạc nhiên đến rởn tóc, tất cả dân chúng cùng với đức vua đã hỏi các vị trưởng lão. 36/- “Đây là tu viện đầu tiên trên hòn đảo Laṅkā vô cùng cao quý. Đây là lần rúng động đầu tiên của trái đất vì sự du nhập của Giáo Pháp.” 37/- Sau khi chứng kiến sự kỳ diệu, phi thường, làm rởn lông tóc, tất cả đã thực hiện việc ném tung lên các tấm vải; ở thành phố chưa từng có hiện tượng như thế này. 38/- Do đó, với tâm hoan hỷ và được sanh khởi trí tuệ, đức vua đã chắp tay lên rồi đã dâng đến bậc quang đăng Mahinda vô số bông hoa. 39/- Vị trưởng lão đã cầm lấy bông hoa rồi ném vào một phương. Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; (đây là) sự rúng động lần thứ nhì của trái đất. 40/- Sau khi chứng kiến sự kiện phi thường này, đoàn quân của đức vua cùng với cư dân trong xứ sở đã vang lên tiếng reo hò về sự rúng động lần thứ nhì của trái đất. 41/- Luôn cả đức vua cũng đã tăng trưởng niềm tịnh tín và có tâm tư được hoan hỷ (nói rằng): “Xin ngài hãy xua tan nỗi nghi ngờ của trẫm về sự rúng động lần thứ nhì của trái đất.” 42/- “Tâu đại vương, các vị (tỳ khưu) sẽ thực hiện hành sự của hội chúng không thể thay đổi và đúng theo Giáo Pháp. Nơi đây tại khu vực này sẽ trở thành thánh địa.” 43/- Lòng càng thêm hoan hỷ, đức vua đã dâng bông hoa đến vị trưởng lão. Vị trưởng lão đã nhận lấy bông hoa rồi ném vào một phương khác. Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; (đây là) sự rúng động lần thứ ba của trái đất. 44/- “Thưa đấng đại hùng, sự rúng động lần thứ ba của trái đất là do nguyên nhân gì? Xin ngài hãy xua tan mọi nỗi nghi ngờ. Xin ngài hãy trình bày bởi vì ngài là người có kinh nghiệm.” 45/- “Ở tại khu vực này đây sẽ là hồ nước và nhà tắm hơi. Các vị tỳ khưu sẽ luôn đông đảo ở tại nhà tắm hơi này.” 46/- Được tràn ngập bởi niềm hoan hỷ và sung sướng vô ngần, đức vua Devānampiya đã dâng lên vị trưởng lão bông hoa nhài nở rộ. 47/- Vị trưởng lão đã cầm lấy bông hoa rồi ném vào một phương khác. Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; (đây là) sự rúng động lần thứ tư của trái đất. 48/- Sau khi chứng kiến sự kiện phi thường ấy, đông đảo dân chúng đã tụ hội lại, chắp tay lên, tỏ lòng thành kính đến vị có đại thần lực. 49/- Do đó, được hoan hỷ vui mừng đức vua đã hỏi ngay lập tức: “Thưa đấng đại hùng, sự rúng động lần thứ tư của trái đất là do nguyên nhân gì?” 50/- “Vị Thích Tử, đấng Đại Hùng, đã giác ngộ tất cả các Pháp và trở thành vị Phật tối thượng ở bên cội cây Bồ Đề. Cội cây ấy sẽ được thiết lập ở trên hòn đảo cao quý, tại địa điểm này.” 51/- Nghe vậy, đức vua được hoan hỷ, vui mừng, tâm tư sôi nổi, đã dâng đến vị trưởng lão bông hoa nhài vô cùng cao quý. 52/- Vị trưởng lão đã nhận lấy bông hoa rồi ném xuống ở trên mặt đất. Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; (đây là) sự rúng động lần thứ năm của trái đất. 53/- Sau khi chứng kiến sự việc phi thường ấy nữa, đoàn quân của đức vua cùng với cư dân trong xứ sở đã vang lên tiếng reo hò và đã thực hiện việc ném tung lên các tấm vải. 54/- “Thưa bậc đại trí tuệ, sự rúng động lần thứ năm của trái đất là do nguyên nhân gì? Xin ngài hãy giảng giải về sự việc ấy thuận theo ý thích và ước muốn của ngài.” 55/- “Rồi đây các vị ấy sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha vào mỗi nửa tháng. Ở nơi đây, tại chỗ này sẽ là nhà hành lễ Uposatha.” 56/- Và ở tại một địa điểm khác nữa, đức vua đã dâng bông hoa cao quý đến vị trưởng lão. Vị trưởng lão đã nhận lấy bông hoa rồi ném xuống ở tại địa điểm ấy. Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; (đây là) sự rúng động lần thứ sáu của trái đất. 57/- Sau khi nhận thấy điều phi thường ấy, đám đông dân chúng đã tụ hội lại và đã bày tỏ nỗi vui mừng với nhau rằng: “Nơi đây sẽ là tu viện.” 58/- Đức vua càng tăng trưởng niềm tịnh tín và đã nói với vị trưởng lão rằng: “Thưa bậc đại trí tuệ, sự rúng động lần thứ sáu của trái đất là do nguyên nhân gì?” 59/- “Tâu đại vương, trong ngày vị lai mỗi khi có phẩm vật dâng cúng đến hội chúng, hội chúng tỳ khưu sẽ hội tụ và sẽ nhận lãnh ở nơi đây, tại chỗ này.” 60/- Lắng nghe lời nói của vị trưởng lão, đức vua với tâm tư mừng rỡ cũng đã dâng lên vị trưởng lão bông hoa vô cùng quý giá. 61/- Vị trưởng lão đã nhận lấy bông hoa rồi ném xuống ở tại địa điểm khác. Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; (đây là) sự rúng động lần thứ bảy của trái đất. 62/- Sau khi chứng kiến sự việc phi thường, đoàn quân của đức vua cùng với cư dân trong xứ sở đã thực hiện việc ném tung lên các tấm vải ở trên mặt đất đang rung chuyển. 63/- “Thưa bậc đại trí tuệ, sự rúng động lần thứ bảy của trái đất là do nguyên nhân gì? Thưa bậc đại trí tuệ, xin ngài hãy giảng giải. Xin ngài hãy giúp cho đám đông dứt khỏi điều nghi hoặc?” 64/- “Ngày nào các vị có hạnh kiểm nghiêm trang còn cư ngụ tại tu viện này, nhà ăn tức là thọ trai đường sẽ là ở nơi đây, tại chỗ này.”
Terasamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ terasamaṃ. --ooOoo--
CUDDASAMO
PARICCHEDO 1/- Lắng nghe lời nói của vị trưởng lão, đức vua càng tăng thêm niềm tịnh tín rồi đã bảo dâng lên vị trưởng lão bông hoa chăm-pa còn chưa được tiếp nhận. 2/- Vị trưởng lão đã ném các bông hoa chăm-pa ở trên mặt đất. Cũng tương tợ như thế, trái đất đã rúng động; (đây là) sự rúng động lần thứ tám của trái đất. 3/- Sau khi chứng kiến sự việc phi thường ấy, đoàn quân của đức vua cùng với cư dân trong xứ sở đã vang lên tiếng reo hò và đã thực hiện việc ném tung lên các tấm vải. 4/- “Thưa đấng đại hùng, sự rúng động lần thứ tám của trái đất là do nguyên nhân gì? Thưa bậc đại trí tuệ, xin ngài hãy giảng giải. Chúng tôi sẽ lắng nghe lời ngài nói.” 5/- 6/- “Tâu đại vương, có tám phần (doṇa) xá-lợi di thể của đức Như Lai. Các vị có đại thần lực sẽ mang lại một phần và an trí ở nơi đây, tại chỗ này, rồi sẽ xây dựng ngôi bảo tháp tuyệt đẹp, là sự kiện làm động tâm và đem lại niềm tin cho số đông người.” 7/- Tất cả mọi người gồm đoàn quân của đức vua cùng với cư dân trong xứ sở đã tụ họp lại và đã vang lên tiếng reo hò trong sự rúng động của đại địa cầu. 8/- Sau khi đã ngụ qua đêm ở tại tu viện Tissārāma, vị trưởng lão đã quấn y nội và khoác thượng y. 9/- Sau đó đã cầm lấy bình bát rồi đi vào kinh thành. Trong khi đi khất thực, vị trưởng lão đã đi đến cổng hoàng cung. 10/- Ngài đã đi vào chỗ cư ngụ của đức vua rồi đã ngồi xuống chỗ ngồi. Tại nơi ấy, ngài đã thọ dụng vật thực rồi đã dùng bàn tay rửa sạch bình bát. 11/- 12/- Sau khi thọ thực xong và đã tùy hỷ công đức, vị trưởng lão đã rời khỏi hoàng cung và thành phố bằng cánh cổng phía nam. Sau đó, ở tại khu vườn Nandana, vị trưởng lão đã thuyết giảng bài kinh quý báu “Ví Dụ về Đám Lửa.” Tại nơi ấy, đã có một ngàn người chứng ngộ Giáo Pháp. 13/- Sau khi thuyết giảng Chánh Pháp và tiếp độ chúng sanh, vị trưởng lão đã rời chỗ ngồi đứng dậy rồi trở về lại tu viện Tissārāma. 14/- Sau khi đã cư ngụ qua đêm ở tại nơi ấy, vị trưởng lão đã quấn y nội và khoác thượng y. 15/- Sau đó đã cầm lấy bình bát rồi đi vào kinh thành. Trong khi đi khất thực, vị trưởng lão đã đi đến cổng hoàng cung. 16/- Ngài đã đi vào chỗ cư ngụ của đức vua rồi đã ngồi xuống chỗ ngồi. Tại nơi ấy, ngài đã thọ dụng vật thực rồi đã dùng bàn tay rửa sạch bình bát. 17/- Sau khi thọ thực xong, vị trưởng lão đã tùy hỷ công đức rồi lại rời khỏi thành phố và đã nghỉ trưa ở tại khu vườn Nandana cao quý. 18/- Tại nơi ấy, vị trưởng lão đã thuyết giảng bài kinh quý báu “Ví Dụ về Nọc Rắn.” Đến khi chấm dứt, đã có một ngàn người chứng ngộ Giáo Pháp. 19/- Sau khi thuyết giảng Chánh Pháp và giác ngộ chúng sanh, vị trưởng lão đã rời chỗ ngồi đứng dậy rồi trở về tu viện Tissārāma. 20/- Đức vua càng tăng thêm lòng tịnh tín khi quả đất rúng động lần thứ tám. Với tâm tư thơ thới, mừng rỡ, phấn chấn, đức vua đã nói với các vị trưởng lão rằng: 21/- “Thưa các ngài, chủng viện đã được thiết lập và rất xứng đáng là tu viện của hội chúng. Khi có sự rúng động của đại địa cầu, phải chăng thắng trí đã có nền tảng?” 22/- 23/- “Tâu bệ hạ, cho đến khi tu viện của hội chúng đã được thiết lập vẫn chưa (có nền tảng). Đức Như lai đã quy định việc xác định ranh giới gồm có ranh giới đồng cộng trú, ranh giới không phạm tội vì xa lìa ba y sau khi đã định danh bằng tám điểm mốc ranh giới ở chung quanh. 24/- Tất cả hội chúng hội tụ lại và được nghe lời thông báo của hành sự. Các ranh giới được xác định như thế gọi là ‘Một trú xứ.’ 25/- Và chủng viện là được bền vững, tu viện là khéo được thiết lập.” Khi được vị trưởng lão nói điều ấy, đức vua cũng đã thưa rằng: 26/- “Những người con trai, các phi tần, cùng các quan đại thần và các người tùy tùng của trẫm, tất cả đều là cận sự của ngài và đã quy y bằng cả mạng sống. 27/- Thưa bậc đại hùng, trẫm thỉnh cầu ngài. Xin ngài hãy thực hiện lời yêu cầu của trẫm. Xin hãy để cho đám đông dân chúng cư ngụ ở khu vực bên trong ranh giới. 28/- Do tác động của tâm từ bi, sự hộ trì sẽ luôn luôn hiện hữu.” “Tâu bệ hạ, xin hãy phát tâm cống hiến theo như ý muốn của ngài. 29/- 30/- Với sự cống hiến được thực hiện, hội chúng sẽ xác định ranh giới.” Ở tại thánh địa Kutta, cả hai con voi của hoàng cung là Mahāpaduma và Kuñjara lần đầu tiên đã được buộc vào lưỡi cày bằng vàng. Vị Sát-đế-lỵ cùng với các vị trưởng lão và đoàn quân vĩ đại gồm bốn loại binh chủng (đã hiện diện). 31/- Đức vua đã cho trưng bày luống đất (được lật lên) bằng lưỡi cày bằng vàng, chum hũ chứa đầy (nước) đã được trang hoàng, và cờ xí nhiều màu xinh đẹp. 32/- Cổng chào đắt giá có vô số cờ hoa giăng giăng, và nhiều tràng hoa rực rỡ ánh trăng. Đức vua đã cày những lưỡi cày bằng vàng. 33/- Vì niềm tin của đám đông dân chúng, vị Sát-đế-lỵ cùng với các ngài trưởng lão đã nhiễu quanh thành phố rồi đã đi đến gần bờ sông. 34/- Ranh giới rộng lớn do sự cống hiến là các luống đất ở lưỡi cày bằng vàng (vạch ra) ở trên mặt đất, và theo đó họ đã trở về lại thánh địa Kutta. 35/- Khi tập thể đám đông dân chúng đã kết nối lại hai đầu ranh giới, tại nơi ấy trái đất đã rúng động và là sự rúng động lần thứ nhất của trái đất. 36/- Sau khi chứng kiến sự kỳ diệu, tất cả đoàn quân của đức vua và cư dân trong xứ sở đã bày tỏ nỗi vui mừng với nhau rằng: “Sẽ có tu viện ở trong ranh giới.” 37/- Khi họ đã kết nối lại điểm mốc thành đường tròn theo như sự phân định ranh giới, đức vua Devānampiya đã thông báo đến các vị trưởng lão rằng: 38/- “Sau khi đã thực hiện các phận sự cần thiết đối với ranh giới của khu vực nhằm đem lại sự vững bền cho tu viện và sự an lạc của hội chúng tỳ khưu, vì lòng thương tưởng đến trẫm xin ngài trưởng lão hãy kết ranh giới.” 39/-
āmantayi bhikkhusaṅghaṃ sīmaṃ bandhāma bhikkhavo, Nghe được lời nói của đức vua, bậc quang đăng Mahinda đã nói với hội chúng tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, chúng ta hãy kết ranh giới.” Vào ngày lễ hội của thượng huyền tháng Āsāḷha, toàn thể hội chúng đã tụ hội lại. 40/- Vị có Pháp nhãn đã kết ranh giới gọi là đồng cộng trú ở tại nơi ấy và đã củng cố vững bền chủng viện Tissārāma vô cùng cao quý. 41/- Sau khi đã cư ngụ qua đêm ở Tissārāma, vị trưởng lão đã quấn y nội và khoác thượng y. 42/- Sau đó đã cầm lấy bình bát rồi đi vào thành phố cao quý. Trong khi đi khất thực, vị trưởng lão đã đi đến cổng hoàng cung. 43/- Ngài đã đi vào chỗ cư ngụ của đức vua rồi đã ngồi xuống chỗ ngồi. Tại nơi ấy, ngài đã thọ dụng vật thực rồi đã dùng bàn tay rửa sạch bình bát. 44/- Sau khi thọ thực xong và đã tùy hỷ công đức, vị trưởng lão lại rời khỏi thành phố và đã nghỉ trưa ở tại khu vườn Nandana cao quý. 45/- Tại nơi ấy, vị trưởng lão đã thuyết giảng bài kinh “Ví Dụ về Nọc Rắn,” bài kinh “Luân Hồi Vô Số Kiếp” và “Sưu Tập Hạnh Lành” tối thắng. 46/- Ngài đã giảng giải lập đi lập lại lời giáo huấn “Viên Phẩn Bò” và bài kinh “Chuyển Pháp Luân” ở ngay tại nơi ấy, trong khu vườn Mahānandana. 47/- 48/- Và với bài kinh này, bậc quang đăng trưởng lão Mahinda đã giảng giải trong bảy ngày và đã giải thoát cho hội chúng gồm tám ngàn năm trăm người khỏi sự trói buộc, rồi đã cùng với hội chúng cư ngụ tại tu viện Tissārāma gần một tháng. 49/- Vào ngày trăng tròn của tháng Āsāḷha lúc mùa mưa đã đến gần, ngài Mahinda đã nói với tất cả các vị trưởng lão rằng: “Mùa mưa sắp sửa đến.”
Mahāvihārapariggahaṇaṃ niṭṭhitaṃ. --ooOoo-- 50/- Bậc quang đăng Mahinda đã thu xếp chỗ trú ngụ rồi đã cầm y và bình bát rời khỏi tu viện Tissārāma. 51/- Ngài đã quấn y nội và khoác thượng y, sau đó đã cầm lấy bình bát rồi lại đi vào kinh thành. 52/- Trong khi đi khất thực, ngài đã đi đến cổng hoàng cung rồi đã đi vào chỗ cư ngụ của đức vua. Các vị đã ngồi xuống chỗ ngồi thích hợp. 53/- Tại nơi ấy, sau khi thọ dụng vật thực và đã dùng bàn tay rửa sạch bình bát, ngài đã thuyết giảng bài kinh “Đại Hội”[5] nhằm mục đích giáo giới. 54/- Sau khi giáo giới cho đức vua, bậc quang đăng Mahinda đã rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi không thông báo. 55/- Sau khi rời khỏi thành bằng cổng thành phía đông, vị có đồ chúng đông đảo đã bảo tất cả mọi người quay trở về rồi đã đi đến ngọn núi. 56/- Các vị quan đại thần, với tâm tư hoảng hốt, đã thông báo với đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, tất cả các vị đại trưởng lão đã đi đến núi Missaka.” 57/- Nghe vậy, đức vua trở nên lo ngại liền cấp tốc bảo thắng xe chiến mã. Vị Sát-đế-lỵ cùng với các hoàng hậu đã lập tức bước lên xe ngựa. 58/- Sau khi đi đến chân ngọn núi, ngài trưởng lão có đồ chúng đông đảo Mahinda đã đi đến hồ nước đã được tạo lập giữa các tảng đá có tên là Nagaracatukka. 59/- Sau khi tắm ở tại nơi ấy, ngài đã uống nước rồi đứng ở trên tảng đá. Vị Sát-đế-lỵ đã mau chóng đổ ra nhiều mồ hôi vì thái độ vội vã. 60/- Vị Sát-đế-lỵ đã nhìn thấy vị trưởng lão đang đứng ở trên ngọn núi từ đàng xa nên đã để các hoàng hậu ở trong xe rồi đã bước xuống khỏi xe. Đức vua đã đến gần, đảnh lễ các vị trưởng lão, rồi đã nói điều này: 61/- “Thưa bậc đại hùng, nguyên nhân gì khiến ngài đã từ giã xứ sở xinh đẹp, đã bỏ rơi trẫm và dân chúng rồi đi đến ngọn núi này?” 62/- “Chúng tôi sẽ an cư mùa mưa tại nơi này tròn đủ ba tháng vào thời kỳ đầu hoặc thời kỳ sau là điều bậc Đại Ẩn Sĩ đã cho phép.” 63/- “Trẫm sẽ thực hiện mọi việc cần thiết cho sự an lạc của hội chúng tỳ khưu. Xin ngài hãy tỏ lòng bi mẫn và chỉ dạy điều lợi ích đến trẫm.” 64/- “Vị tỳ khưu vào mùa an cư mưa đức Phật cho phép việc cư trú ở thôn làng hoặc ở rừng, trong chỗ ngụ có cửa đóng lại.” 65/- “Lời nói ấy (của ngài) đã được hiểu rõ hoàn toàn theo ý nghĩa luôn cả nguyên nhân. Ngay hôm nay, trẫm sẽ thực hiện trú xá. Xin ngài hãy cư ngụ thoải mái.” 66/- Sau khi hoàn thiện việc thành tựu vai trò cư sĩ, vị có danh tiếng lẫy lừng đã tìm kiếm và dâng lên các vị trưởng lão (nói rằng): “Vì lòng bi mẫn, xin các ngài hãy cư ngụ. 67/-
Thưa ngài, thật tốt đẹp thay xin ngài hãy nhận lấy chỗ trú ngụ này làm tu viện. Vì sự bền vững của chủng viện, xin bậc đại ẩn sĩ hãy kết ranh giới.” 68/- Người con trai của người em gái của đức vua được biết tiếng là Mahāriṭṭha và năm mươi lăm vị Sát-đế-lỵ xuất thân gia đình cao quý có danh vọng lẫy lừng đã đến gặp đức vua, đảnh lễ, và nói lời này:[6] 69/- “Toàn thể tất cả chúng tôi sẽ xuất gia trong sự chứng minh của bậc trí tuệ cao quý. Chúng tôi sẽ thực hành Phạm hạnh. Xin bệ hạ hãy chấp thuận điều ấy.” 70/- Nghe được lời nói của tất cả bọn họ, ngay cả đức vua cũng khởi tâm hoan hỷ. Vị đế vương đã đến gặp các vị trưởng lão và đã nói rằng: 71/- “Thưa bậc đại hùng, (đây là) năm mươi lăm vị lãnh tụ có Mahā Ariṭṭha là vị đứng đầu. Đã được trẫm chấp thuận, xin ngài hãy cho xuất gia trong sự chứng minh của ngài.” 72/- Nghe theo lời nói của đức vua, bậc quang đăng Mahinda đã thỉnh hội chúng tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, chúng ta hãy kết ranh giới.” 73/- Hơn nữa, nhằm mục đích làm vững bền tu viện, các vị đã kết ranh giới đồng cộng trú luôn cả (ranh giới) không phạm tội vì xa lìa ba y. 74/- Sau khi đã quy định ranh giới và vùng bao quanh ranh giới ở thánh địa Tumba, bậc quang đăng Mahinda đã định danh các ranh giới lớn. 75/- Sau khi đã củng cố lại toàn bộ thánh địa, vị có Pháp nhãn đã kết ranh giới và đã làm bền vững ngôi chủng viện thứ hai ở tại ngọn núi Tissa. 76/- Vào ngày trăng tròn của tháng Āsāḷha là ngày Uposatha, nhằm ngày lễ hội của thượng huyền tháng Āsāḷha, ngài Mahinda đã kết ranh giới ở ngọn núi. 77/- Ngài đã cho Mahāriṭṭha là người thứ nhất được xuất gia tại thánh địa thứ nhì và cũng đã cho vị công tử của gia đình cao quý ở Tambapaṇṇi được tu lên bậc trên ở ngay tại nơi ấy. 78/- Lễ xuất gia và tu lên bậc trên của năm mươi lăm vị là ở ngay tại nơi ấy. Trong tu viện thứ nhất có ba mươi hai thánh địa đã được thành lập. 79/- Trong tu viện thứ nhì là tu viện ở ngọn núi Tissa có ba mươi hai thánh địa. Ở các tu viện nhỏ còn lại, mỗi một nơi là một thánh địa. 80/- Sau khi đã thiết lập tu viện và chủng viện ở tại ngọn núi tuyệt vời, tất cả sáu mươi hai vị A-la-hán đã vào mùa an cư mưa thứ nhất (trên đảo).
Cuddasamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ cuddasamaṃ. --ooOoo-- [1] Cūḷahatthipadopamasutta, Kinh Trung Bộ I. [2] Sau đó, đức vua đã cho xe ngựa lên để rước các vị về kinh thành. [3] Devadūtasuttaṃ, Kinh Trung Bộ III, bài kinh 130. [4] Bālapaṇḍitasuttaṃ, Kinh Trung Bộ III, bài kinh 129. [5] Mahāsamayasuttaṃ, Kinh Trường Bộ, Phẩm Mahāvagga, bài kinh số 7. [6] Văn bản Pāli-Sinhala đột nhiên dừng ở đây, phần còn lại của chương này được chúng tôi thêm vào từ văn bản Pāli-Roman của Odenberg. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indachanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 22-08-2005