THERAVĀDA
SỬ LIỆU
VỀ ĐẢO LAṄKĀ
Nguyên tác Pāli: Không rõ danh tánh SRI
JAYAWARDHANARAMAYA
SATTAMO
PARICCHEDO 1/- Đã có một cuộc đại hội gồm tám mươi koṭi (800.000.000) vị tỳ khưu và chín mươi sáu ngàn vị tỳ khưu ni từ khắp các nơi thuộc xứ Jambudīpa. 2/- Phần lớn các vị tỳ khưu và tỳ khưu ni đều có sáu thắng trí. Các vị tỳ khưu đã tự làm bằng phẳng mặt đất nhờ vào năng lực thần thông. 3/- Và đã khai mở vũ trụ để phô bày các lễ hội cúng dường. Đức vua đã đứng ở tu viện Asoka quan sát xứ Jambudīpa. 4/- Nhờ vào năng lực thần thông của các vị tỳ khưu, đức vua Asoka đã xem xét khắp mọi nơi. Đức vua đã nhìn thấy tất cả các tu viện được xây dựng ở khắp các nơi trên trái đất. 5/- (Mỗi tu viện) có cờ xí được dương lên, bông hoa, cổng chào, tràng hoa giá trị, thân cây chuối, và chum đầy (nước) được trang hoàng với nhiều loại bông hoa. 6/- Đức vua đã nhìn thấy khuôn viên hòn đảo được trang hoàng khắp bốn phương và đã trở nên hoan hỷ, thích ý trong khi quan sát các lễ hội đang được tiến hành. 7/- (Tại các lễ hội) hội chúng tỳ khưu đã tụ họp lại và các tỳ khưu ni đã cùng nhau đi đến, còn có các người ăn xin đang được ban bố vật thí hậu hĩ dành riêng cho họ. 8/- Sau khi nhìn thấy tám mươi bốn ngàn tu viện đã được dâng cúng, với tâm tư hoan hỷ đức vua Asoka cũng đã thông báo đến hội chúng tỳ khưu rằng: 9/- “Thưa các ngài, trẫm là thân quyến trong Giáo Pháp của đức Phật là đấng Đạo Sư. Nhiều sự cống hiến của trẫm đối với Giáo Pháp được xem là các bằng chứng. 10/- 11/- Trẫm đã xuất ra tài sản khổng lồ là chín mươi sáu koṭi và đã cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện để cúng dường đến (tám mươi bốn ngàn) Pháp uẩn đã được đức Phật tối thượng thuyết giảng, và mỗi ngày chi dụng bốn trăm ngàn. 12/- Cúng dường bảo tháp là một phần, vị tên là Nigrodha là một phần, dâng các vị Pháp sư là một phần, và một phần là nhu cầu của các vị bệnh. 13/- Thường xuyên mỗi ngày lượng cơm được bố thí như là sông Gaṅgā rộng lớn. Không tìm thấy được bất cứ sự cống hiến nào khác hơn được (sự bố thí) của trẫm. 14/- 15/- Niềm tin của trẫm là bền vững hơn, do đó trẫm là thân quyến trong Giáo Pháp.” Sau khi lắng nghe lời phân trần của đức vua Asoka công chính, trong số các vị ấy của hội chúng có vị thông thái, thành tựu về học tập, khéo léo giải quyết sự việc nhằm mục đích nâng đỡ sự tồn tại của Giáo Pháp. 16/- Biết được sự tiến triển trong tương lai xa vời nên khi được đức vua Asoka công chính hỏi, vị có sự suy xét toàn diện Moggalliputta đã trả lời rằng: 17/- 18/- “Người thí chủ về vật dụng gọi là người ở bên ngoài Giáo Pháp. Người nào hy sinh và khuyến khích người con trai hoặc con gái có cùng dòng dõi và được sanh ra trong huyết thống đi xuất gia, người ấy thật sự là thân quyến trong Giáo Pháp.” Đức vua Asoka công chính, vị chúa tể của trái đất, đã lắng nghe lời chỉ dạy ấy. 19/- Đối với con trai là hoàng tử Mahinda và con gái là Saṅghamittā, đức vua đã nói với cả hai rằng: “Hãy giúp trẫm trở thành thân quyến trong Giáo Pháp.” 20/- Nghe được lời nói của cha, cả hai người con đã đồng ý rằng: “Tâu bệ hạ, tốt lắm. Chúng con xin chấp thuận và thi hành lời nói của cha. 21/- Cha hãy mau mau cho chúng con xuất gia và trở thành thân quyến trong Giáo Pháp.” Mahinda, người con trai của đức vua Asoka, là vừa tròn hai mươi tuổi. 22/- Và Saṅghamittā, người con gái là mười tám tuổi. Cả hai người con đã được xuất gia vào năm thứ sáu của triều đại vua Asoka. 23/- Theo đúng như thế, bậc quang đăng Mahinda đã được tu lên bậc trên. Chính vào lúc ấy, Saṅghamittā đã thọ trì các điều học. 24/- Khi vị có hội chúng đông đảo Moggaliputta thuộc hệ phái Theravāda được năm mươi bốn niên lạp, đức vua công chính Asoka được phong vương. 25/- Sáu năm sau khi đức vua Asoka được đăng quang và vị tên Moggali được sáu mươi (niên lạp), khi ấy Mahinda đã được xuất gia trong sự chứng minh của ngài Moggaliputta, ngài Mahādeva đã cho xuất gia và ngài Majjhanta (là vị tuyên ngôn) trong cuộc lễ tu lên bậc trên. 26/- 27/- Các vị thầy hướng dẫn ấy là ba (mẫu mực về những) người có lòng thương tưởng đến Mahinda. Moggaliputta là thầy tế độ đã dạy cho bậc quang đăng Mahinda tất cả các Tạng, ý nghĩa, và toàn bộ Giáo Pháp. Mahinda được bốn niên lạp nhằm vào năm thứ mười của triều vua Asoka. 28/- 29/- Ngài Moggaliputta đã huấn luyện Mahinda là người con trai của đức vua Asoka. Sau khi học tập, Mahinda đã duy trì toàn bộ pháp học đã được nghe, đã được khéo thuyết giảng, đã được khéo phân tích, là những lời kinh điển của hai kỳ kết tập, là lời dạy của các vị trưởng lão, và đã trở thành vị thầy kế thừa của hội chúng. 30/- Và ngài Tissa Moggaliputta là vị có tam minh, sáu thắng trí, bốn tuệ phân tích đã dạy cho đệ tử Mahinda toàn bộ Kinh Tạng không thiếu sót. --ooOoo-- 31/- (Tiếp kiến) Nigrodha là vào năm thứ ba, (giết chết) các anh em vào năm thứ tư, con trai của Asoka là Mahinda đã xuất gia vào năm thứ sáu.[1] 32/- Cả hai vị trưởng lão Tissa và Sumittaka có đại thần lực đã viên tịch Niết Bàn vào năm thứ tám của (triều đại) Asoka. Cả hai vị đều là con trai của Kontī.[2] 33/- Những người con vua này đã xuất gia và hai vị trưởng lão đã Niết Bàn. Nhiều người Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn đã tuyên bố tư cách cư sĩ. 34/- Lợi lộc dồi dào và sự tôn vinh đã đến với Giáo Pháp của đức Phật, còn ngoại đạo và tà giáo có lợi lộc và sự tôn vinh thấp kém. 35/- Các ngoại đạo như là Paṇḍaraṅga, Jaṭila, Nigaṇṭha, Acelaka, v.v... đã hiện diện (trà trộn), và trong bảy năm lễ Uposatha đã được thực hiện theo phe nhóm. 36/- Các vị Thánh nhân hiền thiện, có liêm sĩ đã không tham dự lễ Uposatha. Và hai trăm ba mươi sáu năm đã trôi qua (kể từ lúc đức Phật viên tịch Niết Bàn). 37/- Sáu mươi ngàn vị tỳ khưu đã cư ngụ trong tu viện Asokārāma. Họ là các đạo sĩ Ājīvaka và nhiều giáo phái khác đã làm hư hoại Giáo Pháp. 38/- 39/- Mặc y ca-sa, tất cả bọn họ đã làm hư hoại Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Với một ngàn vị tỳ khưu tùy tùng, ngài Moggaliputta có đại trí tuệ, đại thần lực, sáu thắng trí, là vị đã triệt hạ các học thuyết khác, đã củng cố hệ phái Theravāda, và đã tiến hành cuộc kết tập lần thứ ba. 40/- Sau khi bác bỏ các học thuyết khác và trục xuất những kẻ vô liêm sĩ, ngài đã làm sáng chói Giáo Pháp và đã công bố tác phẩm Kathāvatthu. 41/- Mahinda là đệ tử của vị Moggaliputta ấy và đã học tập Chánh Pháp trực tiếp từ thầy tế độ. 42/- Ngài Moggaliputta đã dạy về năm bộ Kinh và bảy tập Vi Diệu Pháp, cả hai bộ Luật Phân Tích thêm vào bộ Tập Yếu và Luật Hợp Phần. Vị anh hùng (Mahinda) thông minh đã học tập trực tiếp từ vị thầy tế độ. 43/- Khi hai trăm ba mươi sáu năm đã trôi qua, lại có sự chia rẽ trầm trọng đã phát khởi giữa các vị thuộc hệ phái Theravāda.[3] 44/- Vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc tại thành Pātaḷiputta là đại vương Asoka công chính đã có niềm tin vào Phật Pháp. 45/- Đức vua đã tiến hành cuộc đại thí đến hội chúng cao quý nhất về đức hạnh và đã xuất ra bốn trăm ngàn chỉ trong một ngày. 46/- Đức vua đã cúng dường một phần đến ngôi bảo tháp, (một phần) cho việc nghe Pháp, (một phần) về thuốc men cho các người bệnh, và một phần đến hội chúng (tỳ khưu). 47/- Các vị ngoại đạo với số lượng sáu mươi ngàn nhận thấy lợi lộc và sự tôn vinh vô cùng lớn lao nên đã cộng trú theo lối trộm cắp (hình tướng). 48/- Ở tại tu viện Asokārāma, giới bổn Pātimokkha đã bị gián đoạn. Có vị quan đại thần trong lúc cho tiến hành (việc đọc tụng) giới bổn Pātimokkha đã giết chết nhiều bậc Thánh nhân. 49/- Nhằm mục đích chế ngự các kẻ ngoại đạo, nhiều Thinh Văn đệ tử Phật với số lượng sáu mươi ngàn vị Thích Tử đã tụ hội lại. 50/- Tại cuộc hội họp ấy, vị trưởng lão Moggaliputta là vị bậc trưởng thượng được xem như là bậc Đạo Sư, ở trên trái đất không có gì sánh bằng. 51/- Khi ấy, đức vua đã hỏi vị trưởng lão về việc các bậc Thánh nhân đã bị giết hại. Vị trưởng lão đã thể hiện thần thông và đã giải tỏa nỗi nghi hoặc của đức vua.[4] 52/- Đức vua đã học hỏi giáo lý trực tiếp từ vị trưởng lão và đã cho trục xuất các vị tỳ khưu đã cộng trú theo lối trộm cắp (hình tướng). 53/- Sau khi xuất gia, những kẻ ngoại đạo không lòng tự trọng đã phá hoại Phật Pháp được ví như vàng ròng tinh khiết bằng học thuyết của mình. 54/- 55/- Tất cả các hệ phái ly khai ấy là trái nghịch với truyền thống Theravāda. Nhằm mục đích chế ngự những kẻ ấy và làm rạng rỡ truyền thống của mình, vị trưởng lão đã thuyết giảng tập tài liệu Kathāvatthu thuộc Tạng Vi Diệu Pháp. Việc triệt hạ các học thuyết khác với sự miệt thị tương tợ như thế là chưa từng có. 56/- 57/- Sau khi thuyết giảng tập tài liệu Kathāvatthu thuộc Tạng Vi Diệu Pháp, vị trưởng lão, là người lãnh đạo, đã tuyển chọn và có được một ngàn vị A-la-hán rồi đã tiến hành cuộc kết tập Giáo Pháp nhằm mục đích thanh lọc truyền thống của mình và duy trì Giáo Pháp trong thời gian lâu dài. 58/- Cuộc kết tập lần thứ ba này đã hoàn tất trong chín tháng ở tại tu viện Asokārāma đã được cho xây dựng bởi đức vua Asoka công chính.
Tatiya-saddhamma-saṅgahaṃ niṭṭhitaṃ.
Sattamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ sattamaṃ. --ooOoo--
AṬṬHAMO
PARICCHEDO 1/- Là người có tầm nhìn xa, ngài Moggaliputta đã nhìn thấy bằng thiên nhãn sự thiết lập của Giáo Pháp ở khu vực biên địa trong ngày vị lai. 2/- Ngài đã phái đi các vị trưởng lão như là vị Majjhantika, v.v... bản thân là vị thứ năm (của nhóm) nhằm thiết lập Giáo Pháp ở khu vực biên địa và vì sự tấn hóa của chúng sanh (bảo rằng): 3/- “Vì lòng thương tưởng đến các chúng sanh ở các xứ thuộc khu vực biên địa, là những vị chói sáng và có năng lực các ngươi hãy thuyết giảng Giáo Pháp tối thượng.” 4/- Vị đại ẩn sĩ Majjhantika sau khi đi đến lãnh địa Gandhāra đã tạo được niềm tin ở nơi con rồng đang giận dữ và đã giải thoát cho nhiều người khỏi sự trói buộc. 5/- Vị Mahādeva có đại thần lực sau khi đi đến quốc độ Mahisa đã khuyến cáo nỗi khổ đau ở địa ngục và đã giải thoát cho nhiều người khỏi sự trói buộc. 6/- Rồi một vị khác nữa là Rakkhita rành rẽ trong thuật biến hóa đã bay lên không trung và đã thuyết giảng về sự luân hồi vô tận. 7/- Vị trưởng lão tên Dhammarakkhita xứ Yonaka có đại trí tuệ đã đi đến Aparantaka cho việc thuyết giảng bài kinh “Ví dụ về đám lửa.”[5] 8/- Vị trưởng lão Mahādhammarakkhita có đại thần lực đã tạo niềm tin ở xứ Mahāraṭṭha với bài thuyết giảng về chuyện Bổn Sanh Nāradakassapa. 9/- Vị trưởng lão Mahārakkhita có đại thần lực cũng đã tạo niềm tin ở địa phương Yonaka với việc thuyết giảng bài kinh “Kālakārāma.” 10/- Còn vị trưởng lão Majjhima, cùng với Kassapagotta, Durāsada, Sahadeva, Mūlakadeva đã tạo niềm tin cho tập thể dạ-xoa. Tại nơi ấy, các vị đã thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân. 11/- Sau khi đi đến Suvaṇṇabhūmi, vị Soṇa và Uttara có đại thần lực cũng đã khuất phục lũ ác thần và đã giải cứu nhiều người khỏi sự giam cầm. 12/- Còn ngài Mahinda, bản thân là vị thứ năm, sau khi đi đến hòn đảo Laṅkā cao quý đã thiết lập bền vững Giáo Pháp và đã giải thoát cho nhiều người khỏi sự trói buộc.
Nānādesa-pasādo nāma.
Aṭṭhamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ aṭṭhamaṃ. --ooOoo--
NAVAMO
PARICCHEDO 1/- Hòn đảo Laṅkā này gọi là Sīhala dựa theo từ sīha (sư tử). Xin hãy lắng nghe lời nói của tôi về lịch sử phát sanh lên hòn đảo. 2/- Người con gái ấy của đức vua Vaṅga thường lai vãng trong khu rừng. Do việc sống chung với sư tử, nàng đã sanh ra hai anh em trai. 3/- Hai cậu bé trai Sīhabāhu và Sīvalī có dáng vóc xinh xắn. Mẹ tên là Susimā còn cha được gọi là Sīha (Sư tử). 4/- Mười sáu năm trôi qua, Sīhabāhu đã rời khỏi hang động rồi đã cho xây dựng ở tại nơi ấy thành phố Sīhapura quý báu nhất hạng. 5/- Ở nơi ấy tại xứ Lāṭaraṭṭha, người con trai của sư tử có quyền lực lớn lao trở thành vị vua và đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành Sīhapura quý báu nhất hạng. 6/- Ba mươi hai anh em trai là các hậu duệ của đức vua Sīhabāhu. Vijaya và Sumitta là hai anh em trai xinh đẹp và lớn nhất. 7/- Nhưng vị hoàng tử Vijaya ấy thì ngỗ ngáo và quá tàn bạo thường gây ra hành động cướp bóc, quấy rối, vô cùng kinh khiếp. 8/- Dân chúng đã tụ họp lại và các thị dân đã tụ họp lại rồi đi đến gặp đức vua trình tấu về sự sái quấy của Vijaya. 9/- Nghe lời trình báo ấy của họ, đức vua nổi giận đã ra lệnh cho các quan đại thần rằng: “Hãy đuổi gã hoàng tử ấy đi. 10/- Hãy trục xuất tất cả những người hầu cận này, luôn cả vợ con, thân thuộc, tôi trai, tớ gái, và các người làm công ra khỏi xứ sở.” 11/- Sau đó, khi đã trục xuất và tách rời vị ấy khỏi các thân quyến, họ đã ép buộc lên thuyền rồi đã để cho lênh đênh giữa biển khơi. 12/- “Hãy để cho họ ra đi theo như ý muốn. Tất cả bọn họ sẽ không còn được trông thấy và cũng chớ có quay trở lại sinh sống ở vương quốc xứ sở nữa.” 13/- Chiếc thuyền chở những đứa trẻ đã đi đến hòn đảo không được nhìn thấy, khi ấy đã được gọi tên là Naggadīpa. 14/- Chiếc thuyền chở những người đàn bà đã đi đến hòn đảo không có mưa, khi ấy đã được gọi tên là Mahilāraṭṭha. 15/- Chiếc thuyền chở những người đàn ông đã bị mất phương hướng và lạc lối đi, trong lúc trôi dật dờ trên biển đã tấp vào bến tàu Suppāra. 16/- Lúc bấy giờ, nhóm bảy trăm người ấy đã đổ bộ xuống Suppāra. Những người ở Suppāra đã thể hiện lòng rộng rãi và sự tôn vinh long trọng đối với họ. 17/- Trong khi được những người ấy bày tỏ lòng tôn trọng, Vijaya và đám tùy tùng, cả bọn đều là những kẻ không sáng suốt đã gây nên các hành động dã man. 18/- Họ hành động sái quấy, không kỹ cương, vô cùng kinh khiếp như là uống rượu, trộm cắp, (đoạt) vợ người, nói láo, và nói đâm thọc. 19/- Họ đã tạo hành động tàn bạo, ác độc, ghê rợn, và vô cùng kinh khiếp. Bị gây bực bội, (dân ở đảo) đã bàn bạc rằng: “Chúng ta hãy mau mau giết chết lũ tồi tệ.” 20/- Hòn đảo Laṅkā (Laṅkādīpa) còn có tên là Ojadīpa, Varadīpa, Maṇḍadīpa, và được biết đến với tên quy định là Tambapaṇṇi. 21/- 22/- Vào thời điểm viên tịch Niết Bàn, đấng Chánh Đẳng Giác bậc tối thượng của loài người, đức Phật tối cao đã nói rằng: “Vị Sát-đế-lỵ tên Vijaya ấy, con trai của Sīhabāhu, sau khi bị trục xuất khỏi Jambudīpa (Ấn Độ) và đến được hòn đảo Laṅkā (Tích Lan), vị Sát-đế-lỵ ấy sẽ trở thành đức vua.” 23/- Sau đó, bậc Đạo Sư đã nhắn nhủ chúa của chư thiên Sakka rằng: “Này Kosiya, chớ có xao lãng việc quan tâm đối với hòn đảo Laṅkā.” 24/- Nghe theo lời nói của đấng Chánh Đẳng Giác, vị thiên vương Sujampati đã giao cho Uppalavaṇṇa phận sự hộ trì hòn đảo. 25/- Nghe theo lời nói của Sakka, vị thiên tử có đại thần lực cùng với tùy tùng đã thiết lập việc bảo vệ hòn đảo Laṅkā. 26/- Sau khi ngụ lại ba tháng và phiền nhiễu dân chúng ở tại Bhārukacchaka, Vijaya đã bước lên chính chiếc thuyền ấy. 27/- Sau khi bước lên thuyền của họ và trong lúc đang di chuyển ở biển khơi, đám đông đã bị lạc lối bởi cơn gió mạnh trỗi dậy. 28/- Sau khi đến được hòn đảo Laṅkā, họ đã rời thuyền và đứng ở trên mặt đất. Khi đã ổn định ở trên bề mặt trái đất, họ đã phải chịu đựng cơn đói dữ dội. 29/- Trong lúc bị hành hạ bởi cơn khát, họ không thể lê bước chân đi và đã bò lê ở trên mặt đất bằng hai bàn tay và đầu gối. 30/- Sau khi trỗi dậy và đứng lên ở khu trung tâm, họ đã nhìn thấy các bàn tay sáng rực; cánh tay và bàn tay đã bị lấm lem lớp bụi đất màu đỏ sậm. 31/- Từ đó, nơi ấy có tên là Tambapaṇṇi. Và Tambapaṇṇi là thành phố đầu tiên ở trên hòn đảo Laṅkā quý báu nhất hạng. 32/- 33/- Trong khi cư ngụ tại nơi ấy, vị Vijaya ấy đã cai quản lãnh địa. Vijaya, Vijita, cùng với vị tên Anuraka, Accutagāmi, Upatisso là những người đầu tiên đi đến nơi đây. Đông đảo các vị Sát-đế-lỵ cùng với những người nam nữ đã tụ họp lại. 34/- Vị Sát-đế-lỵ đã cho xây dựng thành phố tại khu vực các phương ở nơi này nơi nọ. (Thành phố) Tambapaṇṇi ở về phía nam, bên bờ sông tuyệt vời hạng nhất. 35/- Thành phố đã được Vijaya cho xây dựng có phố chợ ở xung quanh. Vị Vijita ấy đã cho xây dựng thành Vijita rồi cho xây dựng thành Uruvela. Viên quan đại thần có tên Nakkhatta đã cho xây dựng thành Anurādhapura. 36/- Tại nơi ấy, vị có tên Accutagāmi đã cho xây dựng thành Ujjenī, Upatissa đã cho xây dựng thành Upatissa phía bên trong có cửa tiệm khéo được phân bố. 37/- 38/- (Thành Upatissa) là thịnh vượng, giàu có, rất rộng rãi, xinh đẹp, yêu kiều. Vị chúa tể tên Vijaya đã trị vì vương quốc ở xứ Tambapaṇṇi xinh đẹp tên là Laṅkādīpa với danh nghĩa là vị sáng lập. Bảy năm trôi qua, dân chúng đã trở nên đông đảo. 39/- Vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc được ba mươi tám năm. Vào tháng thứ chín sau khi chứng quả Toàn Giác, bè lũ dạ-xoa đã bị trừ diệt. 40/- Vào năm thứ năm sau khi chứng quả Toàn Giác, đấng Chiến Thắng đã khuất phục các con rồng. Vào năm thứ tám sau khi chứng quả Toàn Giác, Ngài đã thể nhập thiền chứng. 41/- Đấng Như Lai đã ngự đến nơi đây, tại ba địa điểm này. Khi đấng Toàn Giác ở vào năm cuối cùng, Vijaya đã đi đến nơi này. 42/- Đấng Chánh Đẳng Giác, bậc Tối Thượng của loài người đã thực hiện (hòn đảo thành) chỗ trú ngụ cho loài người. Khi chủng tử tái sanh đã hoại và mầm sống không còn, đức Phật đã Niết Bàn. 43/- Sau khi đức Chánh Đẳng Giác, đấng Pháp Vương, bậc Quang Minh viên tịch Niết Bàn, vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc được ba mươi tám năm. 44/- Vijaya đã phái sứ giả đi đến thành Sīhapura gặp vị tên là Sumitta bảo rằng: “Một mình ngài hãy mau chóng đi đến hòn đảo Laṅkā cao quý nhất hạng. 45/- Sau khi trẫm băng hà, không ai là người cai quản vương quốc này, trẫm bàn giao lại hòn đảo đã được trẫm ra sức kiến tạo này.”
Navamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ navamaṃ. --ooOoo--
DASAMO
PARICCHEDO 1/- Vị công nương dòng Sát-đế-lỵ tên Kaccānā này là con gái của Paṇḍu dòng Sakka. Nàng đã từ Jambudīpa đi đến nơi đây nhằm mục đích duy trì dòng tộc. 2/- Nàng đã được tấn phong bởi lễ đăng quang của dòng Sát-đế-lỵ trở thành hoàng hậu của Paṇḍuvāsa. Kết quả của sự chung sống ấy, họ đã sanh ra mười một người con. 3/- Abhaya, Tissa, Uttiya, Tissa, Asela là thứ năm, Vibhāta, Rāma, Siva, Matta, và Mattakala. 4/- Trong số các anh em, người con gái nhỏ tuổi nhất được biết tiếng với tên là Cittā. Ai khi nhìn thấy nàng đều khởi ái luyến nên nàng được gọi là Ummādacittā (Cittā mê hoặc). 5/- Vào năm được phong vương, vị Sát-đế-lỵ đã đi đến và đã trị vì vương quốc tròn chẳn ba mươi năm tại ngôi làng Upatissa. Những người cháu trai ấy của Amitodana gồm có bảy vị dòng Sakka. 6/- Rāma, Tissa, Anurādha, Mahāli, Dīghāvu, Rohini, và Gāmaṇi là thứ bảy trong số các vị. Họ thuộc về dòng tộc của bậc Chúa Tể thế gian. 7/- Vị Sát-đế-lỵ con trai của Paṇḍuvāsa tên là Abhaya đã trị vì vương quốc đến được hai mươi năm. 8/- Người con trai thông minh của Dīghāvu là bậc trí tuệ Gāmaṇi. Trong lúc phục vụ Paṇḍuvāsa, vị ấy đã chung sống với công nương Cittā. 9/- Do kết quả của sự sống chung ấy, vị tên Paṇḍu đã được sanh ra. Trong lúc bảo hộ mạng sống, vị ấy đã cư trú ở tại Dvāramaṇḍala.
Dasamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ dasamaṃ. --ooOoo--
EKĀDASAMO
PARICCHEDO 1/- Vào năm thứ hai mươi của triều vua Abhaya, Pakuṇḍa được hai mươi tuổi. (Sau) ba mươi bảy năm kể từ lúc hạ sanh, Pakuṇḍaka đã được phong vương. 2/- Vào năm thứ hai mươi của triều vua Abhaya, Pakuṇḍaka là kẻ đạo tặc. 3/- Mười bảy năm sau, Pakuṇḍa đã giết chết bảy người cậu và đã được phong vương với lễ đăng quang ở tại thành Anurādhapura. 4/- Trong mười năm đã trôi qua và sáu mươi năm ở vào tương lai, Pakuṇḍa đã quy định ranh giới của các ngôi làng và đã cho thiết lập chặt chẽ các sự an ninh. 5/- Cai quản được cả hai loài dạ-xoa và loài người, Pakuṇḍa đã trị vì vương quốc được bảy mươi năm tròn. 6/- Và người con trai của Pakuṇḍa tức là vị vua dòng Sát-đế-lỵ tên Muṭasīva đã trị vì xứ Tambapaṇṇi được sáu mươi năm. 7/- 8/- Khi ấy, các người con trai của Muṭasīva là có mười anh em trai khác nữa. Các vị ấy là Abhaya, Tissa, Nāga, Utti, Muttābhaya, Mitta, Siva, Asela, Tissa, với Kira là mười. Anulādevī và Sīvalī là các người con gái của Muṭasīva. 9/- Vào năm thứ tám của Ajātasattu, Vijaya đã đi đến nơi ấy.[6] Vào năm thứ mười bốn của Udaya, khi ấy Vijaya từ trần. 10/- 11/- Vào năm thứ mười sáu của triều vua Udaya, Paṇḍuvāsa đã được phong vương. Vào khoảng giữa của hai vị vua Vijaya và Paṇḍuvāsa, trong thời gian một năm xứ Tambapaṇṇi là không có vua. Vào năm thứ hai mươi mốt của triều vua Nāgadāsa, khi ấy Paṇḍuvāsa băng hà. 12/- Ngay khi Nāgadāsa còn sống, Abhaya cũng đã được phong vương. Trong số hai vị ấy, (một vị) là mười bảy năm và (vị kia) hai mươi bốn năm. 13/- Vào năm thứ mười bốn của Candagutta, vị tên Pakuṇḍaka từ trần. Vào năm thứ mười bốn của Candagutta, Muṭasīva đã được phong vương. 14/- Mười bảy năm đã trôi qua kể từ khi Asoka được phong vương, và trong chính năm ấy Muṭasīva đã băng hà. 15/- Vào tháng thứ hai trong mùa lạnh, khi chòm sao Āsāḷhi ở vào điểm cao nhất, Devānampiya đã được đăng quang làm vua ở xứ Tambapaṇṇi. 16/- Ở tại chân núi Chāta đã xuất hiện ba chồi măng tre: chồi măng tre bằng bạc là màu trắng có các sợi dây leo như là bằng vàng. 17/- (Chồi măng thứ nhì) có ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, và có sự rạng rỡ tương tợ hình dáng của bông hoa. 18/- Tương tợ như chồi măng tre dạng bông hoa, chồi măng tre có hình dáng của loài chim cũng giống y như thế. Loài chim có màu sắc như thế ở nơi nào, thì ở nơi ấy cũng có loài bốn chân có màu sắc tương tợ như vậy. 19/- Mã ngọc, tượng ngọc, xa ngọc, diệp ngọc, vân ngọc, vòng ngọc, nhẫn ngọc, và loại giống như ngọc ấn; đây gọi là tám loại ngọc trai thời bấy giờ. 20/- Khi Devānampiya xuất hiện, do quyền lực bởi lễ đăng quang của vị ấy, dân chúng từ xứ Malaya đã mang lại ba viên ngọc ma-ni. 21/- Ba chồi măng tre từ chân núi Chāta, tám viên ngọc trai từ biển cả, các viên ngọc ma-ni từ xứ Malayā đã được phát sanh lên xứng đáng với vị quân vương và đã được dân chúng mang lại trong vòng bảy ngày do nhờ phước báu của đức vua Devānampiya. 22/- Đức vua sau khi nhìn thấy báu vật đắt giá, vô cùng xứng đáng. Vật báu là không gì bằng được, không thể so sánh, lại kỳ diệu, hiếm có. 23/- Với tâm trạng hoan hỷ, đức vua đã thốt lên lời rằng: “Trẫm là vị chúa tể của dân chúng, thuần chủng, thuộc gia tộc cao quý. Kết quả như thế này của trẫm là do nghiệp đã khéo tạo lập và có giá trị hơn cả hàng ngàn (đồng tiền). 24/- Trẫm đã khéo đạt được sự thành tựu phước báu đã tạo. Và không ai có đủ khả năng để đạt được? Không có sự an trú vào Tam Bảo, trẫm không có sự dốc sức hết lòng để tồn tại. 25/- Kể cả cha mẹ, anh em, thân quyến, bè bạn, và cộng sự của trẫm,” trong lúc suy nghĩ như thế, đức vua đã nhớ đến vị Sát-đế-lỵ Asoka. 26/- Devānampiyatissa và Asoka công chính là những người lãnh đạo dân chúng. Cả hai là những người đạo đức, có sự cống hiến vững vàng, và là bạn bè chưa từng gặp gỡ. 27/- “Trẫm có người bạn yêu quý là vị quân vương của xứ Jambudīpa, là vị Asoka công chính có phước báu dồi dào, và là người bạn được sánh bằng mạng sống của trẫm. 28/- Vị ấy xứng đáng nhận lãnh món quà tặng gồm các vật quý báu, và trẫm cũng xứng đáng để dâng tặng sự thành tựu cao quý trong Giáo Pháp. 29/- Này các vị thừa hành, hãy đứng lên và mau mau mang theo báu vật này đi đến thành phố tên Puppha thuộc xứ sở gọi là Jambudīpa rồi hãy trình lên báu vật quý giá này đến người bạn Asoka của trẫm.” 30/- Đức vua đã phái đi bốn người này, đó là Mahā Ariṭṭha, Sāla, Bà-la-môn Parantapabbata, và viên kế toán Putta Tissa. 31/- Cùng với đoàn tùy tùng, đức vua Devānampiya đã gởi đi ba viên ngọc ma-ni sáng chói, tám hạt ngọc trai quý báu, ba chồi măng tre ấy, bảo vật hạng nhất là xa-cừ, và nhiều châu báu. 32/- 33/- Vị Sát-đế-lỵ (Asoka) đã trao lại tận tay cho viên quan đại thần Ariṭṭha là tướng lãnh của quân đội, cùng với Sāla, Paranpabbata, và viên kế toán Putta Tissa chiếc lọng, quyền trượng, vương miện, và vật trang sức ở tai, bình đựng nước sông Gaṅgā (sông Hằng), tù và vỏ ốc, cùng với chiếc kiệu. 34/- Vòng hoa khánh hỷ, vải mặc trong lễ phong vương, xấp vải đôi không cần phải giặt, và khăn tay giá trị đã được gởi đến. 35/- Đức vua đã gởi đến trầm hương vàng vô cùng quý giá, đất sét (để tắm) màu ráng đỏ, (hai loại trái cây) harītaka và āmalaka, thêm vào lời nhắn nhủ rằng: 36/- “Phật Bảo xứng đáng tôn kính nhất hạng, Pháp Bảo tối thắng trong các pháp ly dục, Tăng Bảo phước điền tối thượng là ba đối tượng tối cao trong thế gian luôn cả thiên giới. Và trẫm là vị Sát-đế-lỵ tôn vinh Tam Bảo vì mục đích tối thượng.” 37/- Bốn người sứ giả ấy đã cư ngụ năm tháng (tại Jambudīpa), rồi họ đã mang về quà biếu do đức vua Asoka công chính gởi tặng. 38/- Từ Jambudīpa, họ đã đến được nơi đây vào ngày mười hai của tháng Vesākha cùng với vật dụng lễ đăng quang đã được gởi biếu bởi đức vua Asoka công chính. 39/- Họ đã làm lễ đăng quang lần thứ nhì cho đức vua Devānampiya. Lễ đăng quang lần thứ nhì đã được cử hành vào ngày lễ Uposatha (ngày trăng tròn) của tháng Vesākha. 40/- Ba tháng sau, vào ngày lễ Uposatha của tháng Jeṭṭha, Mahinda và sáu vị nữa đã từ Jambudīpa đi đến nơi đây.
Rājābhisekakaṇḍaṃ niṭṭhitaṃ.
Ekādasamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ ekādasamaṃ. --ooOoo-- [1] Sau khi cai quản xứ Jambudīpa được bốn năm, Asoka đã giết chết các người anh em trai rồi đăng quang. Đến năm thứ ba của triều đại mình, đức vua Asoka mới gặp được vị sa-di Nigrodha và đã phát khởi niềm tin. Và sau đó ba năm, Mahinda đã xuất gia (giải thích dựa theo nội dung đã dịch). [2] Nghe kể rằng trong khu rừng gần thành Pāṭaliputta, có người thợ săn đi vào rừng và đã chung sống với vị nữ thần Kuntī. Do sự sống chung ấy, nàng đã sanh ra hai người con trai: người anh tên là Tissa còn người em tên là Sumitta. Thời gian sau, cả hai đã xuất gia với trưởng lão Mahāvaruṇa, đã đạt được phẩm vị A-la-hán, sáu thắng trí, và đức hạnh (Mahāvaṃsa, V: 212-214). [3] Lần đầu tiên xảy ra ở Kosambī lúc đức Phật còn tại tiền. Một lần khác nữa ở Vesalī sau khi đức Phật Niết Bàn được một trăm năm. [4] Ðức vua đã đưa vị trưởng lão đến vườn hoa Rativaḍḍhana, sau đó đã rửa hai bàn chân của vị trưởng lão, thoa dầu, rồi ngồi xuống. Vị chúa tể trái đất trong lúc xem xét khả năng của vị trưởng lão đã nói rằng: “Thưa ngài, trẫm ao ước thấy được thần thông.” Khi được hỏi: “Loại gì?” đức vua nói: “Sự động đất.” Vị trưởng lão đã hỏi: “Ngài muốn nhìn thấy loại nào, toàn thể trái đất hay là một khu vực?” Lại hỏi: “Điều nào khó hơn?” “Động đất ở một khu vực là khó hơn.” Nghe vậy, đức vua đã nói lên sự mong muốn được chứng kiến việc ấy. Trong khuôn viên rộng một do tuần, vị trưởng lão đã bố trí một cỗ xe, một con ngựa, một người đàn ông, và một vại đầy nước ở tại bốn hướng. Bằng thần thông, vị trưởng lão đã giữ yên các phần nửa của mỗi vật rồi đã làm rung chuyển quả đất trong phạm vi một do tuần ấy, và đã phô bày cho đức vua đang ngồi tại nơi ấy nhìn thấy. Đức vua đã hỏi vị trưởng lão về việc bản thân có liên quan hay không liên quan đến tội ác trong việc giết chết các vị tỳ khưu của vị quan đại thần ấy. Vị trưởng lão đã thuyết giảng về chuyện Bổn Sanh Tittirajātaka cho đức vua hiểu được rằng: “Không có nghiệp báo ứng khi không có tác ý xấu” (Mahāvaṃsa, V: 257-264). [5] Aggikkhandhopamasutta, Suttanipāta - Kinh Tập, chương 7. [6] Cũng cần nhắc lại là một vị làm vua ở Jambudīpa (Ấn Độ), vị thứ nhì làm vua ở xứ Tambapaṇṇi (Tích Lan). Các phần kế tiếp nên được hiểu tương tợ. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indachanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 22-08-2005