THERAVĀDA
SỬ LIỆU
VỀ ĐẢO LAṄKĀ
Nguyên tác Pāli: Không rõ danh tánh SRI
JAYAWARDHANARAMAYA
CATUTTHO
PARICCHEDO 1/- Khi bậc Chánh Đẳng Giác tối thượng của chúng sanh viên tịch Niết Bàn ở Kusinārā, bảy trăm ngàn vị Thích Tử đã tụ hội lại. 2/- Ở tại cuộc hội họp ấy, vị trưởng lão tên Kassapa được xem tương đương với bậc Đạo Sư, là hạng khủng long ở trên trái đất không gì sánh bằng. 3/- Ngài Kassapa đã tuyển lựa và chọn ra năm trăm vị A-la-hán xuất sắc nhất, rồi đã thực hiện cuộc kết tập Giáo Pháp. 4/- Sau đó ba tháng, ngài đã thực hiện cuộc kết tập Giáo Pháp vì lòng thương tưởng chúng sanh và sự trường thọ của Phật Pháp. 5/- Khi tháng thứ tư đã tròn đủ, nhằm vào tháng thứ hai của mùa an cư mưa,[1] ở trong hang động Sattapaṇṇi (Thất Diệp) tại thủ đô Giribbaja[2] của xứ Magadha, cuộc kết tập lần thứ nhất này đã hoàn tất sau bảy tháng. 6/- Trong cuộc kết tập này, có nhiều vị tỳ khưu sâu sắc. Tất cả đều đã thành tựu ba-la-mật trong Giáo Pháp của đấng Lãnh Đạo thế gian. 7/- Vị Kassapa ấy là vị đứng đầu về các pháp đầu-đà trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, Ānando đứng đầu trong số các vị đa văn, và bậc trí tuệ Upāli đứng đầu về Luật. 8/- Anuruddha đứng đầu về thiên nhãn, Vaṅgīsa đứng đầu về trí tuệ nhạy bén, Puṇṇa đứng đầu về thuyết Pháp, Kumārakassapo đứng đầu về hùng biện. 9/- Kaccāna đứng đầu về phân loại, Koṭṭhita đứng đầu về về tuệ phân tích, và cũng có nhiều vị đại trưởng lão khác có sự sâu sắc nổi bật. 10/- Cuộc kết tập Pháp và Luật bởi năm trăm vị trưởng lão ấy và các vị trưởng lão khác có phận sự đã được hoàn thành một cách tốt đẹp. 11/- upāliṃ vinayaṃ pucchitvā dhammam ānandasavhayaṃ. 12/- Cuộc kết tập đã được thực hiện bởi các vị trưởng lão nên được gọi là “Thượng Tọa Bộ.”[3] Sau khi đã hỏi ngài Upāli về Luật và vị có tên là Ānanda về Pháp, các vị tỳ khưu đã thực hiện cuộc kết tập về Pháp và cả về Luật nữa. Trưởng lão Mahākassapa và Anuruddha là các vị có hội chúng đông đảo. 13/- 14/- Trưởng lão Upāli có sự ghi nhớ và Ānanda có sự nghe nhiều. Nhiều vị thinh văn đệ tử nổi bật khác có sự thành tựu về tuệ phân tích, trí kiên định, có lục thông, có đại thần lực, thuần thục về thiền định, đạt được các pháp ba-la-mật trong Chánh Pháp, và đã được bậc Đạo Sư khen ngợi. 15/- Trong sự hiện diện của đức Phật tối thượng, tất cả năm trăm vị trưởng lão đã học tập và đã ghi nhớ lời dạy của đấng Chiến Thắng gồm có chín thể loại. 16/- Các vị đã lắng nghe từ chính kim khẩu của đức Thế Tôn và đã thọ trì trực tiếp toàn bộ Pháp và Luật đã được giảng dạy bởi đức Phật. 17/- Tất cả các vị rành rẽ về Pháp và các vị rành rẽ về Luật cũng đều được truyền thừa kinh điển, không bị lay chuyển, không chao động, được xem như tương đương với bậc Đạo Sư, và luôn luôn là bậc đáng kính trọng. 18/- Sau khi thọ lãnh trực tiếp từ đấng Tối Cao, các vị trưởng lão với các Pháp cao quý đã được truyền thừa như thế là những vị được truyền thụ trước hết đã thực hiện cuộc kết tập đầu tiên. Toàn bộ truyền thống Thượng Tọa Bộ ấy (Theravāda) còn được gọi là “Học Thuyết Tối Thắng.”[4] 19/- Ở trong hang động Sattapaṇṇi (Thất Diệp) xinh đẹp, tập thể năm trăm vị trưởng lão đã an tọa và đã sắp xếp lời dạy của bậc Đạo Sư theo chín thể loại. 20/- Lời dạy của bậc Đạo Sư có chín thể loại là: sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūta, vedalla.[5] 21/- Các vị trưởng lão đã sắp xếp Chánh Pháp bất hủ này thành vagga (cho Kinh Trường Bộ), paṇṇāsaka (cho Kinh Trung Bộ), samyutta (cho Kinh Tương Ưng), và nipāta (cho Kinh Tăng Chi), và đã đặt tên là Tạng Kinh đối với phần được thừa nhận là sutta (kinh). 22/- Sau đó, các vị thông thạo về Kinh đã giải thích về pháp thực hành đã được thuyết giảng và pháp không nên thực hành đã được thuyết giảng, về mục đích đã được hướng dẫn luôn cả mục đích cần được hướng đến. 23/- Khi nào Chánh Pháp còn tồn tại và điều kết tập không bị tiêu hoại, cho đến khi ấy lời dạy của đấng Đạo Sư sẽ còn tồn tại lâu dài. 24/- Khi cuộc kết tập xứng đáng với Giáo Pháp gồm có Pháp và Luật đã được thực hiện, quả địa cầu không lay động, vững chải, không chuyển dịch cũng đã rúng động. 25/- na sakkā paṭivattetuṃ sineruva suppatiṭṭhito. Tương tợ như núi Sineru vô cùng vững chắc, bất cứ vị sa-môn hoặc bà-la-môn nào dầu thông thái và thiện xảo về tranh luận với người khác, dầu là cung thủ có tài bắn xuyên sợi tóc đã đến tham dự cũng không thể xoay chuyển nghịch lại. 26/- Thiên nhân, Ma Vương, hoặc Phạm Thiên, và bất cứ người nào hiện diện ở trái đất cũng không nhìn thấy bất cứ lời dạy nào dầu là nhỏ nhặt đã được thuyết giảng sai trái. 27/- Như vậy sự kết tập Pháp và Luật đã được dầy đủ tất cả các chi phần, đã khéo được sắp xếp, và đã khéo được bao quát nhờ vào sự toàn tri của bậc Đạo Sư. 28/- Vị đầu lãnh Mahākassapa và năm trăm vị trưởng lão ấy đã thực hiện cuộc kết tập Pháp và Luật một cách không sai lệch. 29/- Biết được sự nghi hoặc của chúng sanh, các vị đã thực hiện cuộc kết tập Giáo Pháp, tức là sự tạo lập nên Pháp thân, và được xem tương đương như là đấng Chánh Đẳng Giác vậy. 30/- Giáo Pháp Theravāda không phải là lời dạy của ngoại đạo, có ý nghĩa tinh túy, là sự duy trì Chánh Pháp, khiến sự tồn tại lâu dài của Giáo Pháp là điều có cơ sở. 31/- 32/- Cho đến khi nào ở trong Giáo Hội còn có các vị đệ tử của đức Phật là các bậc Thánh nhân, thì tất cả cũng sẽ đồng ý với cuộc kết tập Giáo Pháp lần thứ nhất là có nguồn gốc và duyên khởi lúc ban đầu, là phận sự đầu tiên và trước nhất; chính vì thế, truyền thống Thượng Tọa Bộ ấy (Theravāda) còn được gọi là “Học Thuyết Tối Thắng.” 33/- Ở đây, (tính chất) tinh khiết, không có lỗi lầm, và tối thắng của những lời dạy của các vị trưởng lão đã vận hành được một thời gian dài là một trăm năm.
Mahākassapasaṅgahaṃ niṭṭhitaṃ. --ooOoo-- 34/- Khi bậc Lãnh Đạo thế gian Niết Bàn được mười sáu năm, khi ấy Ajātasattu đã trị vì được hai mươi bốn năm và Vijaya là mười sáu năm.[6] 35/- Khi ấy, bậc trí tuệ Upāli đã tròn sáu mươi năm (tỳ khưu), Dāsaka đã tu lên bậc trên trong sự chứng minh của trưởng lão Upāli. 36/- Sự thành tựu về Giáo Pháp của đức Phật tối thượng đã được giảng giải bao nhiêu thì Ngài Upāli đã trì tụng bấy nhiêu, tức là toàn bộ chín thể loại đã được thuyết giảng bởi đấng Chiến Thắng. 37/- Ngài Upāli đã học tập và trì tụng đầy đủ toàn bộ tất cả chín thể loại kinh điển đã được truyền thừa trực tiếp từ đức Phật. 38/- Đức Phật đã tuyên bố về bậc trí tuệ Upāli ở giữa hội chúng rằng: “Upāli là vị nổi bật, đứng hàng đầu về Luật trong Giáo Pháp của ta.” 39/- Được tuyên dương như thế và tồn tại ở giữa hội chúng, vị có đồ chúng đông đảo (Upāli) đã giảng dạy Tam Tạng cho một ngàn vị đứng đầu là Dāsaka. 40/- Ngài Upāli đã giảng dạy cho Dāsaka trong số năm trăm vị trưởng lão đã đoạn tận lậu hoặc, không còn ô nhiễm, thanh tịnh, và là các vị chuyên thuyết giảng về chân lý. 41/- Khi đấng Chánh Đẳng Giác đã viên tịch Niết Bàn, vị trưởng lão có đồ chúng đông đảo Upāli đã giảng dạy về Luật ba mươi năm không thiết sót. 42/- Giáo Pháp của đấng Đạo Sư gồm chín thể loại có tám mươi bốn ngàn (Pháp Uẩn), Ngài Upāli đã giảng dạy tất cả cho bậc trí tuệ tên là Dāsaka. 43/- Sau khi đã học tập tất cả (ba) Tạng trực tiếp từ trưởng lão Upāli, ngài Dāsaka đã giảng dạy với tư cách là thầy tế độ trong Giáo Hội. 44/- Sau khi đã truyền trao toàn bộ Luật cho đệ tử là vị trưởng lão trí tuệ tên Dāsaka, bậc có đồ chúng đông đảo (Upāli) ấy đã Niết Bàn. 45/- Vị Sát-đế-lỵ Udaya đã trị vì vương quốc được mười sáu năm. Vị trưởng lão Upāli ấy đã Niết Bàn vào năm thứ sáu của đấng hiền vương Udaya. 46/- Soṇaka là vị thương buôn có uy tín đã đi đến xứ Kāsi và đã xuất gia trong Giáo Pháp của bậc Đạo Sư tại Giribbaja (tức là Rājagaha, thành Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm). 47/- Ngài Dāsaka, vị đứng đầu hội chúng ở tại Giribbaja của xứ Magadha đã làm lễ xuất gia cho Soṇaka vào lúc được ba mươi bảy niên lạp. 48/- Khi bậc trí tuệ tên Dāsaka ấy được bốn mươi lăm niên lạp, đức vua Nāgadāsa (trị vì) được mười năm, và đức vua Paṇḍu là hai mươi năm.[7] 49/- Trưởng lão Soṇaka đã được tu lên bậc trên trong sự chứng minh của ngài Dāsaka. Và trưởng lão Dāsaka cũng đã giảng dạy chín thể loại cho ngài Soṇaka. 50/- Sau khi đã học trực tiếp từ thầy tế độ, ngài Dāsaka đã giảng dạy lại cho trưởng lão Soṇaka là vị đệ tử kế thừa. 51/- Sau khi xác định vị đứng đầu về Luật, (ngài Dāsaka) đã Niết Bàn vào lúc được sáu mươi (niên lạp). Còn vị trưởng lão tên Soṇaka ấy là bốn mươi niên lạp. 52/- Đức vua Kālāsoka đã trị vì mười năm cọng thêm nửa tháng. Có vị trưởng lão được mười bảy niên lạp là vị đã thuộc nằm lòng (Giáo Pháp). 53/- Khi mười một năm sáu tháng đã trôi qua, vào lúc bấy giờ trưởng lão Soṇaka là vị đứng đầu hội chúng đã cho Siggava và Candavajjī tu lên bậc trên. 54/- Khi đấng Chánh Đẳng Giác viên tịch Niết Bàn được một trăm năm, đã xảy ra sự chia rẽ trầm trọng và nổi bật trong số các vị thuộc Theravāda (Trưởng Lão Bộ). Các vị Vajjiputta ở thành Vesālī đã truyền bá mười sự việc. 55/- Cất giữ muối trong ống sừng, ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay, đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa, hành lễ Uposatha riêng rẽ, hành sự không đủ tỳ khưu, thực hành theo tập quán, uống sữa chua lúc quá ngọ, uống nước trái cây lên men, luôn cả việc tích trữ vàng bạc nữa. 56/- Và việc sử dụng tọa cụ không có viền quanh.[8] Họ đã truyền bá mười điều sai trái trong Phật Pháp, là ngược lại Giáo Pháp, bị khước từ, và xa lìa lời dạy của bậc Đạo Sư. 57/- 58/- Các vị ấy đã hủy hoại ý nghĩa của Giáo Pháp và đã truyền bá các điều trái khuấy. Nhiều vị Thinh Văn đệ tử Phật gồm một triệu hai trăm ngàn vị Thích Tử đã tụ hội lại nhằm mục đích quở trách các vị ấy, và trong cuộc hội họp đó có tám vị tỳ khưu là đại biểu. 59/- (Các vị ấy) được xem như tương đương với bậc Đạo Sư, thuộc hàng khủng long, khó thể sánh bằng, và có đồ chúng đông đảo là: Sabbakāmī, Sāḷha, Revata, Khujjasobhita, 60/- Vāsabhagāmī, Sumana, Sambhūta Sāṇavāsī, và Yasa con trai của Kākaṇḍaka là vị ẩn sĩ đã được đấng Chiến Thắng khen ngợi. 61/- Các vị đã hội họp tại thành Vesālī nhằm mục đích xử phạt những kẻ xấu xa. Vāsabhagāmī và Sumana là các vị đệ tử của ngài Anuruddha. 62/- Các vị trưởng lão còn lại là đệ tử của ngài Ānanda trước đây đã được chiêm ngưỡng đấng Như Lai. Bảy trăm vị tỳ khưu ấy đã hội họp tại thành Vesālī. 63/- Các vị đều thọ trì Luật đã được quy định trong Giáo Pháp của đức Phật. Tất cả các vị đều có nhãn quan thanh tịnh, thuần thục trong việc nhập thiền, đã thành tựu phận sự tu tập, và không còn sự vướng bận; (các vị ấy) cũng đã tụ họp lại trong hội nghị. 64/- Đức vua Kālāsoka ấy là con trai của Susunāga. Vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc ở trong thành Pāṭaliputta. 65/- Và tám vị trưởng lão có đại thần lực đã thành lập nhóm ấy. Các vị ấy đã bác bỏ mười sự việc và đã trục xuất những kẻ xấu xa. 66/- 67/- Sau khi trục xuất các tỳ khưu xấu xa và triệt hạ luận điệu sai trái, tám vị trưởng lão có đại thần lực đã tuyển chọn bảy trăm vị tỳ khưu trong số các vị A-la-hán và đã có được những vị hoàn hảo nhất rồi đã thực hiện cuộc kết tập Giáo Pháp nhằm mục đích làm trong sạch học thuyết của mình. 68/- Cuộc kết tập lần thứ nhì này đã hoàn tất trong tám tháng ngay tại giảng đường Kūṭāgāra ở trong kinh thành Vesālī.
Dutiyasaṅgahaṃ niṭṭhitaṃ. --ooOoo-- 69/- Bị các trưởng lão trục xuất, các vị tỳ khưu xấu xa nhóm Vajjiputta gồm nhiều vị chuyên thuyết giảng sai lệch Giáo Pháp đã thành lập một phe nhóm khác. 70/- Có mười ngàn vị đã tụ hội lại và đã thực hiện cuộc kết tập Giáo Pháp, vì thế cuộc kết tập Giáo Pháp này được gọi là cuộc Đại Kết Tập. 71/- Các vị tỳ khưu của cuộc Đại Kết Tập đã thực hiện việc sửa đổi Giáo Pháp, đã hủy hoại sự kết tập chính thống, và đã tiến hành một sự kết tập khác. 72/- Điều học đã được kết tập tại địa điểm này, các vị ấy đã thực hiện ở tại địa điểm khác. Họ đã hủy hoại Giáo Pháp và ý nghĩa ở trong Luật và trong năm bộ Kinh (Nikāya). 73/- Khi ấy,các vị tỳ khưu không biết được pháp thực hành đã được thuyết giảng cũng như pháp không nên thực hành đã được thuyết giảng, (không biết được) mục đích đã được hướng dẫn luôn cả mục đích cần được hướng đến. 74/- Các vị đã liên kết với điều đã được thuyết giảng khác rồi khẳng định ý nghĩa khác hẳn. Do nương vào vỏ ngoài của từ ngữ, các vị tỳ khưu ấy đã làm hư hỏng nội dung rất nhiều. 75/- Các vị ấy đã bỏ đi một phần Kinh và sự sâu sắc của Luật rồi đã thành lập nên phần Kinh Luật khác có hình thức tương tợ. 76/- Các vị ấy đã bỏ bớt bỏ đi bộ Tập Yếu – Parivāra là phần trích dẫn yếu lý (của Luật), sáu tập Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), các tập Paṭisambhidā, Niddesa, và một phần của Kinh Bổn Sanh (thuộc Tiểu Bộ Kinh), rồi đã tạo nên các phần khác. 77/- Các vị ấy đã bỏ đi tính chất nguyên thủy về danh xưng, tướng mạo, điều thiết yếu, và các nghi thức cần thực hành theo, rồi đã làm cho khác hẳn tính chất nguyên thủy. 78/- Các vị thực hiện cuộc Đại Kết Tập là những vị đầu tiên theo truyền thống ly khai, và bắt chước theo những vị ấy nhiều truyền thống ly khai đã xuất hiện. 79/- Sau đó vào một thời điểm khác, có sự chia rẽ đã nảy sanh ở trong nhóm đó; các vị tỳ khưu đã bị phân chia thành hai nhóm là Gokulikā và Ekabyohārā. 80/- Vào thời kỳ khác nữa, hai nhóm đã phát khởi trong số các vị thuộc nhóm Gokulika; các tỳ khưu đã bị phân chia thành hai nhóm là Bahussutika và Paññatti. 81/- Cetiya và Punavādī là các vị tách ra từ nhóm Đại Kết Tập. Tất cả năm hệ phái này đều phát xuất từ nhóm Đại Kết Tập. 82/- Các vị ấy đã phá hoại tôn chỉ, Giáo Pháp, và một phần của cuộc kết tập. Sau khi đã bỏ đi một phần kinh điển, các vị đã tạo ra kinh điển khác. 83/- Các vị ấy đã bỏ đi tính chất nguyên thủy về danh xưng, tướng mạo, điều thiết yếu, và các nghi thức cần thực hành theo, rồi đã làm cho khác hẳn tính chất nguyên thủy. 84/- Hơn nữa, còn có sự chia rẽ đã phát khởi trong hệ phái Theravāda thuần túy, các vị tỳ khưu đã bị phân chia thành hai là Mahiṃsāsaka và Vajjiputtaka. 85/- Có sự tách ra thành bốn nhóm đã phát khởi trong hệ phái Vajjiputtaka là: Dhammuttarika, Bhaddayānika, Channāgārika, và Sammiti. 86/- Vào một thời điểm khác, hai nhóm đã phát khởi trong số các vị Mahiṃsāsaka, các vị tỳ khưu đã bị phân chia thành hai là Sabbatthavāda và Dhammagutta. 87/- Rồi Kassapika đã tách ra từ Sabbathavāda và Saṅkanti từ Kassapika; rồi từ đó đã bị phân chia tiếp tục thành một nhóm khác là Suttavādā. 88/- Mười một hệ phái này đã tách ra từ Theravāda. Các vị ấy đã phá hoại tôn chỉ, Giáo Pháp, và một phần của cuộc kết tập. Các vị đã bỏ bớt và đã tạo ra thêm một phần kinh điển. 89/- Các vị ấy đã bỏ đi tính chất nguyên thủy về danh xưng, tướng mạo, điều thiết yếu, và các nghi thức cần thực hành theo, rồi đã làm cho khác hẳn tính chất nguyên thủy. 90/- Có mười bảy hệ phái ly khai và một hệ phái không ly khai. Toàn bộ tất cả các hệ phái ấy là mười tám tính luôn hệ phái không ly khai. 91/- Tối thượng là hệ phái Theravāda bao gồm toàn bộ lời dạy của đấng Chiến Thắng không bớt và cũng không thêm được ví như cội cây đa cổ thụ, và các hệ phái còn lại đã được tạo lập ra ví như những mầm gai mọc lên ở thân cây. 92/- Trong trăm năm đầu tiên không có sự phân phái, và trong khoảng giữa của trăm năm thứ nhì đã có mười bảy hệ phái ly khai phát sanh lên trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. 93/- Còn có các hệ phái khác đã phát sanh lên là: Hemavatika, Rājagirika, Siddhattha, Pubba, Aparaselika, và một Rājagirika khác nữa là thứ sáu.
Ācariyavaṃsabhedaṃ niṭṭhitaṃ.
Catuttho paricchedo. --ooOoo--
PAÑCAMO
PARICCHEDO 1/- “Trong tương lai sau một trăm mười tám năm vị tỳ khưu ấy là một vị sa-môn xứng đáng sẽ xuất hiện. 2/- Vị ấy sau khi mạng chung lìa khỏi Phạm thiên giới sẽ tái sanh vào loài người trong gia đình dòng dõi Bà-la-môn và sẽ thông thạo tất cả các loại chú thuật. 3/- Người con trai ấy có tên là Tissa và họ là Moggali. Siggava và Caṇḍavajja sẽ cho cậu bé trai xuất gia. 4/- Sau đó, khi đã được xuất gia Tissa sẽ thành tựu Pháp Học rồi sẽ bẻ gãy các học thuyết của ngoại đạo và sẽ củng cố Giáo Pháp. 5/- Khi ấy, vị lãnh đạo ở Pāṭaliputta là đức vua tên Asoka. Là người công minh, vị ấy sẽ trị vì vương quốc và làm hưng thịnh xứ sở.”[9] 6/- Vị (Tissa) ấy sau khi mạng chung lìa khỏi Phạm thiên giới đã tái sanh vào loài người. Khi được mười sáu tuổi, vị ấy đã thông thạo tất cả các loại chú thuật. 7/- (Tissa đã hỏi vị trưởng lão Siggava rằng): “Tôi sẽ hỏi vị sa-môn câu hỏi, xin ngài hãy giải thích các câu hỏi này theo kinh Veda (Vệ Đà) là Rig Veda, Yaju Veda, Sāma Veda, Nigaṇḍu Veda, và Itihāsa là bộ thứ năm.” Bậc có lòng tự tín ấy đã bày tỏ vẻ hài lòng. 8/- Được sự cho phép của vị trưởng lão, Tissa đã hỏi câu hỏi ngay lập tức. Ngài Siggava đã nói với chàng trai trẻ có trí tuệ nhuần nhuyễn điều này: 9/- “Này chàng trai trẻ, ta cũng sẽ hỏi câu hỏi liên quan đến điều đã được đức Phật giảng dạy. Nếu thông suốt thì hãy trả lời câu hỏi đúng theo sự thể.”[10] 10/- Khi câu hỏi được nói lên, (Tissa đáp rằng): “Tôi chưa từng được biết, tôi chưa từng được nghe. Tôi sẽ học loại chú thuật ấy. Xin hãy chấp thuận cho tôi xuất gia.” 11/- Sau khi thoát khỏi cuộc sống tại gia luôn bận rộn, chàng trai trẻ đã xuất gia sống cuộc đời thanh tịnh không gia đình trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. 12/- Vị đa văn Caṇḍavajja đã giáo huấn cho vị sa-di hiếu học, có tâm tôn kính, về Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại. 13/- Ngài Siggava đã khuất phục và đã cho chàng trai trẻ xuất gia, và bậc đa văn Caṇḍavajja đã giáo huấn cho người học trò hiếu học kho tàng về chú thuật gồm chín thể loại, rồi các vị trưởng lão ấy đã viên tịch Niết Bàn. 14/- Vào lúc ngài Siggava được sáu mươi bốn (niên lạp), nhằm năm thứ nhì của đức vua Candagutta[11] và là năm thứ năm mươi tám của đức vua Pakuṇḍaka, Moggaliputta đã được tu lên bậc trên trong sự chứng minh của trưởng lão Siggava. 15/- Tissa Moggaliputta đã học tập về Luật trực tiếp với ngài Caṇḍavajja và đã được hoàn toàn giải thoát khi chấm dứt nguồn tái sanh. 16/- Ngài Siggava và ngài Caṇḍavajja đã giảng dạy Moggaliputta vô cùng sáng lạng về tất cả các Tạng được đầy đủ qua hai kỳ kết tập. 17/- Ngài Siggava viên mãn về trí tuệ đã xác định vị đứng đầu về Luật cho Moggaliputta vô cùng sáng lạng. Ngài Siggava ấy đã Niết Bàn vào niên lạp bảy mươi sáu. 18/- Candagutta đã trị vì vương quốc được hai mươi bốn năm. Vào năm thứ mười bốn của triều đại ấy, ngài Siggava đã viên tịch Niết Bàn. 19/- Ngài Siggava là vị cư ngụ ở rừng, chuyên hành pháp đầu-đà, thiểu dục, hoan hỷ với núi rừng. Vị ấy hoan hỷ với mọi hoàn cảnh, luôn thu thúc, và đã đạt đến sự toàn thiện trong Chánh Pháp. 20/- Vị ấy ẩn cư chốn rừng thẳm, ở trú xứ xa xôi hợp ý thích, chỉ một mình, không người thứ hai, giống như con sư tử dũng mảnh ở trong hang núi. 21/- Vào năm thứ sáu của triều đại vua Asoka công chính và là năm thứ bốn mươi tám của triều vua Muṭasīva, ngài Moggalliputta được sáu mươi sáu (niên lạp). 22/- (Khi ấy) Mahinda đã được tu lên bậc trên trong sự chứng minh của ngài Moggaliputta. Ngài Upāli đã học tập về Luật trực tiếp từ đức Phật. 23/- Ngài Dāsaka đã học tập toàn bộ Luật trực tiếp từ trưởng lão Upāli rồi đã giảng dạy với tư cách là thầy tế độ trong Giáo Hội. 24/- Trưởng lão Dāsaka cũng đã giảng dạy Luật cho Soṇaka. Sau khi học tập, vị ấy đã giảng dạy dưới sự chứng minh của thầy tế độ. 25/- Ngài Soṇaka đã thành tựu trí giác ngộ và thông thạo về Pháp và Luật. Theo sự kế thừa, vị ấy đã giảng dạy toàn bộ Luật cho Siggava. 26/- Siggava và Caṇḍavajja là đệ tử của ngài Soṇaka. Vị trưởng lão đã giảng dạy về Luật cho cả hai người đệ tử. 27/- Tissa Moggaliputta đã học tập về Luật trực tiếp với ngài Caṇḍavajja và đã được hoàn toàn giải thoát khi chấm dứt nguồn tái sanh. 28/- Là thầy tế độ, Moggaliputta đã giảng dạy cho đệ tử Mahinda toàn bộ Luật Theravāda không thiếu sót. 29/- Kể từ khi đấng Chánh Đẳng Giác viên tịch Niết Bàn, trưởng lão Upāli vô cùng sáng lạng đã giảng dạy về Luật được ba mươi năm không thiếu sót. 30/- Sau khi đã xác lập vị thế về Luật cho người đệ tử thông thái là trưởng lão Dāsaka, bậc đại trí tuệ ấy đã Niết Bàn. 31/- Theo sự truyền thừa, ngài Dāsaka đã xác định vị đứng đầu về Luật cho người đệ tử là trưởng lão Soṇaka rồi đã Niết Bàn vào niên lạp sáu mươi tư. 32/- Ngài Soṇaka là vị có sáu thắng trí đã xác lập vị thế về Luật cho Siggava xuất thân dòng dõi Ariya rồi đã Niết Bàn vào niên lạp sáu mươi sáu. 33/- Ngài Siggava thành tựu về trí tuệ đã xác định vị đứng đầu về Luật cho Moggaliputta trẻ tuổi. Vị ấy đã Niết Bàn vào niên lạp bảy mươi sáu. 34/- Và ngài Tissa Moggaliputta đã xác định vị đứng đầu về Luật cho người đệ tử là Mahinda rồi đã Niết Bàn vào niên lạp tám mươi. 35/- Thời gian tu lên bậc trên của các vị ấy là: Upāli được bảy mươi bốn năm, và Dāsaka là sáu mươi bốn năm. Trưởng lão Soṇaka là sáu mươi sáu, còn Siggava là bảy mươi sáu, và Moggaliputta là tám mươi. 36/- Bậc trí tuệ Upāli là đứng đầu về Luật trong toàn bộ thời gian ấy, trưởng lão Dāsaka là năm mươi năm và ngài Soṇaka là bốn mươi bốn năm. 37/- Ngài Siggava được năm mươi lăm năm, và vị tên Moggaliputta được sáu mươi tám năm. Vị Sát-đế-lỵ Udaya đã trị vì vương quốc được mười sáu năm. 38/- Vào năm thứ sáu của hiền vương Udaya, trưởng lão Upāli đã Niết Bàn. Đức vua Susunāga đã trị vì vương quốc được mười năm. 39/- Vào năm thứ tám của Susunāga, ngài Dāsaka đã viên tịch Niết Bàn. Sau khi Susunāga băng hà, bọn họ là mười anh em trai lên kế vị. 40/- Tất cả có cùng gia tộc và đã trị vì vương quốc được hai mươi hai năm. Vào năm thứ sáu của những người này, ngài Soṇaka đã viên tịch Niết Bàn. 41/- Candagutta đã trị vì vương quốc được hai mươi bốn năm. Vào năm thứ mười bốn của vị này, ngài Siggava đã viên tịch Niết Bàn. 42/- Người con trai của Bindusāsa là vị Sát-đế-lỵ Āsoka công minh có danh tiếng lẫy lừng đã trị vì vương quốc được ba mươi bảy năm. 43/- Vào năn thứ hai mươi sáu của đức vua Asoka, vị có tên là Moggaliputta sau khi đã làm rạng rỡ Giáo Pháp rồi đã Niết Bàn vào lúc chấm dứt tuổi thọ. 44/- Khi được bảy mươi bốn niên lạp, vị trưởng lão trí tuệ Upāli đã xác lập vị thế về Luật cho người đệ tử trí tuệ là vị trưởng lão tên Dāsaka, rồi vị có đồ chúng đông ấy đã Niết Bàn. 45/- Kế tiếp, ngài Dāsaka sau khi xác định vị đứng đầu về Luật cho người đệ tử là trưởng lão Soṇaka rồi đã Niết Bàn vào niên lạp sáu mươi bốn. 46/- Ngài Soṇaka đã xác lập vị thế về Luật cho vị Siggava thuộc dòng dõi Ariya có sáu thắng trí rồi đã viên tịch Niết Bàn vào niên lạp sáu mươi sáu. 47/- Ngài Siggava thành tựu về trí tuệ đã xác định vị đứng đầu về Luật cho Moggaliputta trẻ tuổi rồi đã viên tịch Niết Bàn vào niên lạp bảy mươi sáu. 48/- Ngài Tissa Moggaliputta ấy đã xác định vị đứng đầu về Luật cho người đệ tử Mahinda rồi đã Niết Bàn vào niên lạp tám mươi.
Pañcamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ pañcamaṃ niṭṭhitaṃ. --ooOoo--
CHAṬṬHAMO
PARICCHEDO 1/- Và khi đấng Chánh Đẳng Giác viên tịch Niết Bàn được hơn hai trăm mười tám năm, Piyadassana[12] đã được phong vương. 2/- Khi Piyadassana đã được đăng quang và đã đạt được các quyền lực của hoàng gia, vị ấy đã phát ra oai lực của phước báu bên trên lẫn bên dưới một do-tuần. 3/- Có uy quyền , vị ấy đã vận dụng các tiềm năng về oai lực ở trên lãnh thổ rộng lớn của Jambudīpa. Ở trên đỉnh núi Hy Mã Lạp có hồ nước tên là Anotatta. 4/- Khi ấy, mỗi ngày chư thiên ấy thường xuyên đem lại mười sáu chum nước đã được hòa tan với tất cả các loại dược thảo. 5/- Khi ấy, mỗi ngày chư thiên ấy thường xuyên đem lại các loại dây trầu và gỗ chà răng là sản phẩm của núi non, có mùi thơm ngát, mềm mại, trơn nhẳn, ngọt ngào, có hương vị, và được ưa chuộng. 6/- Khi ấy, mỗi ngày chư thiên ấy thường xuyên đem lại trái āmalaka và dược thảo là sản phẩm của núi non, có mùi thơm ngát, mềm mại, trơn nhẳn, ngọt ngào, và đầy đủ các chất liệu chính yếu. 7/- Khi ấy, mỗi ngày chư thiên ấy thường xuyên đem lại thức uống ở cõi trời và xoài chín có hương vị và mùi thơm ngào ngạt. 8/- Khi ấy, mỗi ngày chư thiên ấy thường xuyên đem lại từ hồ nước Chaddanta các tấm choàng và y phục ngũ sắc. 9/- Tương tợ như thế, còn có loại bột thơm để gội đầu, thuốc bôi, và vải mịn màu vàng nhạt không đường chỉ dệt để khoác bên ngoài. 10/- Và còn có thuốc vẽ mắt vô cùng quý giá. Khi ấy, mỗi ngày các vị long vương ấy thường xuyên đem lại tất cả các thức ấy từ chốn long cung. 11/- Khi ấy, mỗi ngày chư thiên ấy thường xuyên đem lại mía cây, một số lượng quả cau, và khăn tay màu vàng. 12/- Những con chim két mang lại các hạt gạo sāli số lượng chín ngàn cỗ xe. Các hạt gạo sāli ấy còn lớp cám không có trấu đã được các con chuột tách ra. Các con ong làm mật, các con gấu giã ở trong chậu. 13/- Do năng lực phước báu của Asoka, các con chim cu là loài chim được sanh ra trong chủng loại xinh xắn, có âm điệu ngọt ngào khiến loài người luôn phải lắng nghe. 14/- Do năng lực của phước báu, con rồng khổng lồ có tuổi thọ một kiếp và là thị giả cho bốn vị Phật được buộc lại bằng sợi xích vàng đã đi đến. 15/- Vị có danh tiếng lẫy lừng Piyadassi đã cúng dường con rồng với những tràng hoa màu đỏ và quả thành tựu của việc trao tặng vật thực là đạt được sắc diện tốt đẹp. 16/- Vị này là cháu trai của Candagutta và là con trai của Bindusāra. Khi ấy, vị hoàng tử lo việc thuế má ở xứ sở Ujjenī. 17/- Trong khi di chuyển theo tuần tự, vị ấy đã đi đến thành phố Vedissa. Và cũng ở tại nơi ấy, có người con gái nhà triệu phú được nổi tiếng có tên là Devī. Do kết quả của việc chung sống với vị ấy, nàng đã sanh ra người con trai cao quý. 18/- Mahinda và Saṅghamittā đã chấp thuận việc xuất gia. Sau khi xuất gia, cả hai vị đều đã phá vỡ sự trói buộc của hiện hữu. 19/- Asoka đã trị vì vương quốc tại kinh thành Pāṭaliputta. Ba năm sau khi được phong vương, đức vua đã có niềm tin với Phật Pháp. 20/- Khi đấng Chánh Đẳng Giác viên tịch Niết Bàn ở tại Upavattana, và khi Mahinda được sanh ra trong dòng dõi gia tộc Moriya, khoảng giữa thời gian ấy tính được là bao nhiêu năm? 21/- Có hơn hai trăm lẻ bốn năm, và vị Mahinda ấy, người con trai của Asoka, đã được sanh ra trong khoảng thời gian ấy. 22/- Khi Mahinda được mười tuổi, người cha đã giết chết các anh em trai rồi đã trải qua bốn năm trị vì xứ Jambudīpa. 23/- Sau khi giết chết một trăm anh em trai và quy tụ dòng tộc lại thành một mối, Asoka đã đăng quang vào năm Mahinda được mười bốn tuổi. 24/- Khi được phong vương, vị Asoka công chính ấy đã được thành tựu các quyền lực, có danh tiếng lẫy lừng, có phước báu, và là một vị chuyển luân vương ở trên đảo. 25/- Người ta đã phong vương cho Piyadassi tròn đủ thời gian hai mươi năm. Trải qua ba năm đầu, vị ấy đã ủng hộ ngoại đạo. 26/- Có sáu mươi hai quan điểm tà kiến và chín mươi hai phái ngoại đạo. Tất cả đều căn cứ trên hai cơ sở là thường kiến và đoạn kiến. 27/- Các du sĩ ngoại đạo khác gọi là “Nigaṇṭha và Acelaka,” một ngoại đạo khác là “Bà-la-môn,” và các tà giáo khác nữa. 28/- Các vị có quan điểm thấp thỏi, mê tín, tin vào thường kiến và đoạn kiến, ngoài ra đó còn có các dị giáo và ngoại đạo với đủ loại quan điểm khác nhau. 29/- Trong lúc tầm cầu thực hư, đức vua đã thỉnh mời các vị theo tà giáo. Đức vua đã mời thỉnh các nhóm ngoại đạo và rước vào trong cung điện rồi đã ban cho phẩm vật giá trị rồi đã hỏi câu hỏi chủ yếu. 30/- Khi được hỏi câu hỏi, bản thân họ ngu dốt nên không thể trả lời. Khi được hỏi về trái xoài, họ không có trí tuệ nên đã nói là trái bánh mì. 31/- (Nghĩ rằng): “Đối với tất cả bọn họ, điều kiện nhỏ nhoi cũng là được rồi,” hơn nữa sau khi đả phá giáo lý của bọn họ, đức vua đã đuổi tất cả các ngoại đạo tức là các vị theo tà giáo. 32/- Đức vua đã suy nghĩ rằng: “Ta nên tìm cho được những người nào khác nữa là các vị A-la-hán ở thế gian và biết được đạo lộ đưa đến phẩm vị A-la-hán. 33/- Những vị này hiện diện ở trên thế gian.,Tthế gian này không thể thiếu vắng các vị ấy. Khi nào ta mới có thể đến gần chiêm ngưỡng các bậc thiện trí thức? 34/- Và sau khi lắng nghe lời thiện thuyết của vị ấy, ta sẽ bố thí vương quốc luôn cả tánh mạng.” Trong lúc suy nghĩ như thế, đức vua không nhận thấy người nào xứng đáng. 35/- Đức vua tiếp tục tầm cầu các vị có giới đức thiện hạnh. Trong khi đang tản bộ ở tòa lâu đài và quan sát dân chúng, đức vua đã nhìn thấy vị sa-môn Nigrodha đang đi khất thực ở đường phố. 36/- Vị Nigrodha ấy có vẻ đáng mến, đã quán xét trong lúc bước tới (hay) lúc quay lại, có mắt luôn nhìn xuống, là vị A-la-hán có tâm trí thanh tịnh. 37/- (Vị ấy) đã đạt đến sự rèn luyện hoàn hảo, thu thúc, cẩn thận, khéo hộ trì, không bị lẫn lộn với đám người tại gia, tương tợ như ánh trăng tinh khiết ở trên bầu trời. 38/- (Vị ấy) không có hãi sợ tương tợ như loài sư tử, sáng ngời như khối lửa, đáng kính, khó thể sánh bằng, vững chải, tâm tư an lạc, định tĩnh. 39/- (Vị ấy) có các lậu hoặc đã cạn kiệt, các phiền não đã được thanh lọc, là vị tối thắng của loài người, có tánh hạnh đã được thành tựu và an trú. Đức vua đã nhận ra là vị tối thắng trong số các sa-môn. 40/- Đức vua đã nghĩ rằng vị Nigrodha đầy đủ tất cả các đức hạnh là bạn hữu trong tiền kiếp, có thiện sự đã khéo được thực hành trong quá khứ, đã vững vàng trong đạo quả thánh nhân. Sau khi nhìn thấy vị ấy đang đi khất thực ở đường phố, đức vua đã suy nghĩ rằng: 41/- Đức Phật là vị A-la-hán ở thế gian. Bất cứ ai như vị trưởng lão này đều là người có trí tuệ đáng tôn kính nhất, là đệ tử của đấng Chiến Thắng, đã vững chải trong đạo quả tối thượng ở trên đời, chắc chắn đã thành tựu Niết Bàn và sự giải thoát. 42/- Đức vua đã đạt được niềm tịnh tín với năm trạng thái hỷ và đã được hoan hỷ trong tâm với niềm vui cùng tột, giống như người nghèo mừng rỡ vì tìm được của chôn giấu, tương tợ như vị trời Sakka đã được thành tựu điều ước muốn ở trong tâm. 43/- Đức vua đã bảo một vị quan đại thần rằng: “Này khanh, hãy mau đến gặp người thanh niên có vóc dáng nổi bật, thái độ bình lặng, dễ mến nhờ vào các cử chỉ, y hệt loài voi, là vị đang đi ở trên đường và đang khất thực.” 44/- Đức vua đã đạt được niềm tin vững mạnh, hớn hở, phấn chấn, và đã suy nghĩ ở trong tâm rằng: “Chắc chắn rằng con người cao thượng này chưa từng được thấy trước đây đã được thành tựu pháp tối thượng!” 45/- Trong khi suy xét, đức vua đã nói thêm như vầy: “Chỗ ngồi đã bày ra ở đây đã được xếp đặt cẩn thận. Ngài hãy ngồi ở chỗ được dành cho bậc xuất gia. Trẫm cho phép ngồi ở chỗ theo ý ngài thích.” 46/- Căn cứ vào lời nói của đức vua, vị ấy đã theo phía tay bên phải bước lên chỗ ngồi, rồi đã ngồi xuống trên bảo tọa quý báu không chút run sợ, y như là vị vua trời Sakka ngự ở trên ngai vàng. 47/- Đức vua đã suy nghĩ rằng: “Quả nhiên chàng trai trẻ tuyệt vời này không bị xao động và không có chút gì run sợ!” Đức vua đã nhận biết chàng trai trẻ tuổi cao quý ấy là người thực hành phận sự của bậc thánh nhân. 48/- Với tâm tịnh tín, đức vua đã nói thêm với vị Thích tử có sự hành xử đúng đắn, choàng y nghiêm chỉnh, là người đã khéo được huấn luyện, thông thạo Pháp và Luật, không có run sợ, đã thể nhập vào đức tánh an tịnh rằng: 49/- “Xin ngài hãy thuyết giảng Giáo Pháp ngài đã được học tập; chính ngài là vị thầy của trẫm. Được ngài giảng dạy, trẫm sẽ thực hành theo lời dạy của ngài. Thưa đấng hiền triết vĩ đại, xin hãy giảng dạy giáo lý cho trẫm. Trẫm sẽ lắng nghe.” 50/- Nghe được lời thỉnh cầu vô cùng khẩn thiết của đức vua, vị đã vững chải trong việc phân tích Giáo Lý gồm chín thể loại đã tham khảo Tam Tạng vô cùng giá trị và đã tìm thấy lời dạy sâu sắc về “Không Dễ Duôi” ấy: 51/- “Không dễ duôi là nẻo về bất
tử, 52/- Trong khi được bậc trí tuệ Nigrodha sách tấn, đức vua đã hiểu rõ và nắm vững về điều ấy là: “Trong số tất cả các Pháp, những điều đã được đức Phật Toàn Tri giảng giải đều đặt căn bản ở điều này. 53/- Ngay chính hôm nay đây, trẫm xin quy y với ngài, và nương tựa đức Phật đức Pháp và đức Tăng. Cùng với vợ và các con luôn cả những người trong gia quyến, trẫm khẳng định về tư các cư ấy. 54/- Nhờ vào sự thân cận tối lành với ngài Nigrodha, trẫm cùng với vợ và các con đã được an trú vào sự nương nhờ. Trẫm xin cúng dường số bạc bốn trăm ngàn và bữa ăn thường kỳ gồm 64 phần đến ngài trưởng lão.” 55/- (Lời của vị Nigrodha): “Có nhiều vị đệ tử của đức Phật là các vị A-la-hán có các lậu hoặc đã đoạn tận, có tam Minh, thành tựu thần thông, và biết được tâm tư của người khác.” 56/- Đức vua đã nói thêm với vị trưởng lão rằng: “Trẫm mong mỏi nhìn thấy Tăng Bảo. Khi nào các ngài tập trung hội nghị, trẫm sẽ đảnh lễ các ngài và lắng nghe Giáo Pháp.” 57/- Sáu mươi ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội lại và các sứ giả đã thông báo cho đức vua hay rằng: “Tăng chúng vô cùng hoan hỷ đã tụ hội lại đông đảo. Xin hãy đến vì ngài ao ước nhìn thấy Tăng chúng.” 58/- Sau khi lắng nghe lời nói của sứ giả, vị chúa tể của trái đất Asoka công chính đã nói với tập thể thân quyến, bạn hữu, quan lại, và những người có quan hệ rằng: 59/- “Chúng ta sẽ dâng vật bố thí cúng dường trong dịp đại hội của chúng Tăng. Chúng ta sẽ thể hiện sự phục vụ theo sự hoan hỷ, tùy theo khả năng. 60/- Hãy cấp tốc chuẩn bị cho trẫm mái che, chỗ ngồi, nước nôi, sự phục vụ, vật thực bố thí, sư cúng dường xứng đáng và thích hợp. 61/- Hãy cấp tốc chuẩn bị cho trẫm việc thực hiện món ăn thức uống ngon lành, cháo được khéo nấu và sạch sẽ, bữa ăn thịnh soạn và tinh khiết. 62/- Trẫm sẽ cúng dường lễ đại thí đến hội chúng tỳ khưu là tập thể tối thượng. Hãy cho nổi trống ở trong thành phố và mọi người hãy quét dọn các con đường. 63/- Hãy phân bố đều cát trắng và hoa ngũ sắc, tràng hoa quý giá, cổng chào thân cây chuối, và chum đầy nước tinh khiết. 64/- Hãy cho dựng lên các ngôi bảo tháp khác nhau thuận theo mùa tiết ở nơi kia nơi nọ. Hãy thực hiện cờ xí với các loại vải vóc và treo lên ở nơi này nơi khác. 65/- Các người Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, thương buôn, hạ tiện thuộc các gia tộc khác nhau trang điểm với những tràng hoa hãy làm rạng rỡ thành phố này. 66/- Những người trang điểm bằng các loại trang sức khác nhau hãy mang theo vải vóc, vật trang hoàng, bông hoa, đèn được thắp sáng và đi đến chiêm ngưỡng chúng Tăng. 67/- Tất cả các loại nhạc cụ, các loại trống, và các nhạc công đã được huấn luyện thuộc các trường phái khác nhau hãy phô diễn các giọng hát du dương với các âm điệu ngọt ngào. 68/- Và ngay cả các kịch sĩ, vũ công với điệu chúc mừng nổi tiếng từ các phương xa trong xứ Laṅkā, tất cả hãy đến với chúng Tăng và hãy làm cho hội nghị được vui nhộn. 69/- Bằng nhiều phương thức, hãy thực hiện việc cúng dường bông hoa gồm nhiều loại và các chum đầy (nước), luôn cả thuốc nhuộm màu với khối lượng lớn. 70/- Các cư dân của xứ sở hãy chuẩn bị mọi vật thí được ưa chuộng đã được mang đến bên trong thành phố và hãy chấp hành việc cúng dường ngày đêm trọn cả ba canh không ngừng nghỉ.” 71 Khi tàn đêm ấy, vị Sát-đế-lỵ đã chuẩn bị bữa ăn đầy đủ các món thượng vị ở tại dinh thự của mình. 72/- 73/- Vị vua có danh tiếng lẫy lừng đã ra lệnh cho các quan đại thần và đám tùy tùng rằng: “Hãy bảo đám đông dân chúng hàng ngày mang lại các tràng hoa thơm, khối lượng lớn bông hoa, nhiều lọng hoa và cờ xí, đèn được thắp sáng, và bảo họ hãy mang lại cho đủ theo lệnh của trẫm. 74/- 75/- Tất cả các thương buôn ở trong thành phố này và từ khắp bốn phương, luôn cả toàn bộ tập thể hoàng cung cùng với các binh đội và các quân xa phù hợp, tất cả hãy tháp tùng trẫm diện kiến hội chúng tỳ khưu.” Rồi vị vua hạng nhất với vương quyền vĩ đại đã dẫn đầu. 76/- Giống như chúa trời Sakka đi đến khu vườn Nandana, cũng vậy vị vua ấy là chúa của trái đất đã vội vã đi đến gặp hội chúng tỳ khưu. 77/- Sau khi đảnh lễ và chào hỏi, đức vua với trí tuệ sanh khởi đã chắp tay lên và nói với hội chúng tỳ khưu rằng: “Hãy từ bi tế độ trẫm.” 78/- Khi tất cả các vị tỳ khưu cho chưa đi đến hoàng cung, vị Sát-đế-lỵ đã nhận lấy bình bát của vị trưởng lão là vị lãnh đạo của hội chúng. 79/- Đức vua vừa cúng dường bằng những bông hoa vừa đi vào thành phố, Và khi đã đưa vào đến dinh thự, đức vua đã thỉnh ngồi xuống chỗ ngồi. 80/- Đức vua với bàn tay sạch sẽ đã dâng lên món cháo và nhiều loại vật thực cứng mềm vô cùng quý giá theo như như cầu theo như ước muốn. 81/- Đến khi hội chúng tỳ khưu đã thọ thực xong và các bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức vua đã cúng dường mỗi một vị tỳ khưu hai lá y. 82/- Rồi đã dâng lên toàn bộ vật dụng của sa-môn gồm có đường mía, mật ong, thuốc bôi chân, dầu ăn, cùng với dù che và giày dép nữa. 83/- Sau khi đã dâng cúng xong, vị chúa tể của trái đất Asoka công chính đã ngồi xuống. Sau khi ngồi xuống, đức vua đã thỉnh cầu để dâng vật dụng đến hội chúng tỳ khưu rằng: 84/- “Các vị tỳ khưu mong mỏi như thế nào, trẫm xin dâng như thế ấy đúng theo ước muốn.” Với sự cung kính, đức vua đã làm cho (các vị tỳ khưu) hài lòng và thỏa mãn với các món vật dụng . 85/- 86/- Sau đó, đức vua đã hỏi về điều đã khéo được thuyết giảng về pháp uẩn vô cùng thâm sâu rằng: “Bạch ngài, đấng quyến thuộc của mặt trời có thuyết giảng về chương nào (đề cập) tên gọi, tánh giống, sự biến thể, và luôn cả phần chia chẽ đã được tổng hợp lại hay không? Và sau khi đã được giải thích, có sự tính đếm về số lượng pháp uẩn hay không?” 87/- “Tâu bệ hạ, đấng quyến thuộc của mặt trời có thuyết giảng và sau khi đã tính đếm Ngài còn khéo phân tính, khéo quy định, khéo chỉ bày, và khéo giảng giải. 88/- 89/- Có luôn phần nguyên nhân, được thành tựu ý nghĩa, không có lỗi lầm, và khéo được trình bày. Có (tứ) niệm xứ, chánh tinh tấn, như ý túc, (ngũ) quyền, (ngũ) lực, (bảy) chi phần đưa đến giác ngộ, và (tám) chi đạo đã khéo được phân tính, khéo được thuyết giảng. Như vậy là bảy phần chia chẽ thuộc về sự giác ngộ tối thượng. 90/- Đấng Tối Thượng của loài người đã thuyết giảng về Pháp Bảo cao quý, tối thượng ở trên đời, là lời dạy của bậc Đạo Sư, gồm có chín thể loại, đã khéo được giải rộng, khéo được phân tích. 91/- Tám mươi bốn ngàn Pháp uẩn không thiếu sót đã được đấng quyến thuộc của mặt trời thuyết giảng vì lòng thương tưởng chúng sanh. 92/- Ngài đã thuyết giảng về Niết Bàn tối thượng, là Pháp cao quý, hoàn toàn thoát khỏi luân hồi, đoạn tận mọi khổ đau, là nước cam lồ bất tử.” 93/- Sau khi lắng nghe lời thuyết giảng của hội chúng tỳ khưu, đức vua là vị đứng đầu dân chúng tràn trề nỗi vui mừng hớn hở, được sanh khởi trí tuệ, đã nói với tập thể hoàng gia lời này: 94/- “Tám mươi bốn ngàn Pháp uẩn vô cùng quý giá của đức Phật tối cao đã được thuyết giảng đầy đủ, không thiếu sót. 95/- Trẫm sẽ cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện và sẽ cúng dường mỗi một tu viện đến mỗi một Pháp uẩn.” 96/- Vị Sát-đế-lỵ đã xuất ra tài sản là chín mươi sáu ngàn koṭi. Và nội trong ngày hôm ấy, đức vua đã truyền lệnh ngay lập tức. 97/- Vào thời bấy giờ, ở Jambudīpa có tám mươi bốn ngàn thành phố, đức vua đã cho xây dựng mỗi một tu viện tại địa bàn của mỗi một thành phố. 98/- Trong vòng ba năm, vị Sát-đế-lỵ đã cho xây dựng chỗ cư ngụ và khi tu viện được hoàn tất đã cho tổ chức lễ cúng dường bảy ngày.
Chaṭṭhamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ chaṭṭhamaṃ. --ooOoo-- [1] Như vậy năm này là năm nhuần vì đã có thêm một tháng của mùa nắng (đã đề cập ở I: 24). [2] Một tên gọi khác của kinh thành Rājagaha. [3] Theravāda: Lời dạy của các vị trưởng lão. Như vậy, vào năm đầu tiên sau khi đức Phật Niết Bàn, danh hiệu này đã được thiết lập. [4] Aggavāda (agga: chóp đỉnh, hàng đầu, đầu tiên; vāda: lời nói, học thuyết). [5] Xin xem chi tiết về chín thể loại này ở phần giải thích câu kệ 28, chương 1 của bản dịch Diệu Pháp Tập Yếu - Saddhammasaṅgaha. [6] Vua Ajātasattu trị vì xứ Jambudīpa (Ấn Độ), còn vua Vijaya trị vì hòn đảo Laṅkā (Tích Lan). [7] Tương tợ như trên, vị thứ nhất trị vì xứ Jambudīpa (Ấn Độ) và vị thứ nhì trị vì hòn đảo Laṅkā (Tích Lan). [8] Mười điều này được ghi lại theo ý, không dịch sát từ. [9] Theo tác phẩm Mahāvaṃsa, đây là lời tiên tri của các vị trưởng lão trong cuộc kết tập lần thứ nhì (Chương V: câu kệ 95-103). [10] Vị trưởng lão đã hỏi câu hỏi ấy ở bộ Yamaka (Song Đối), phần Citta (Tâm) rằng: “Phải chăng tâm của người nào sanh lên mà không diệt thì tâm của người ấy diệt rồi sẽ không sanh? Hoặc ngược lại, phải chăng tâm của người nào diệt rồi sẽ không sanh thì tâm của người ấy sanh lên mà không diệt?” Người thanh niên không thể nhớ được ở phần đầu hay phần cuối nên đã nói rằng: “Thưa vị xuất gia, điều ấy là gì vậy?” “Này chàng thanh niên, điều ấy được gọi là Chú thuật của đức Phật.” [11] Candagutta là ông nội của đức vua Asoka (A Dục vương) xứ Ấn Độ. [12] Piyadassana là một trong những tên gọi của đức vua Asoka (A Dục vương). -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indachanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 22-09-2007