THERAVĀDA
SỬ LIỆU
VỀ ĐẢO LAṄKĀ
Nguyên tác Pāli: Không rõ danh tánh SRI
JAYAWARDHANARAMAYA
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa. ******
PAṬHAMO
PARICCHEDO 1/- Tôi sẽ thuật lại lịch sử việc đức Phật ngự đến hòn đảo, việc ngự đến của Phật Pháp, việc ngự đến của xá-lợi và cội Bồ Đề ở trên hòn đảo,[1] và sự kết tập lời dạy của các vị thầy giáo thọ; xin hãy lắng nghe tôi. 2/- Quý vị hãy khởi tâm tịnh tín hoan hỷ được tròn đủ về mọi phương diện là nguồn sanh lên sự vui mừng và phấn khởi, rồi xin lắng nghe tôi. 3/- Với tâm phấn chấn, có thiện ý, được hài lòng, và tâm trí hớn hở, quý vị hãy nghiêm trang ghi nhận lời nói tốt đẹp không có sai sót. 4/- Tất cả quý vị hãy thành tâm lắng nghe. Tôi sẽ công bố lịch sử đã được tuần tự truyền lại, được ca tụng bằng những lời khen ngợi, và đã được nhiều người diễn giảng; bởi vì lịch sử này được ví như là vô số bông hoa đã được xâu kết lại. 5/- Quý vị hãy lắng nghe một cách cung kính và nghiêm trang lời ca tụng về hòn đảo. Lời ca tụng ấy được lưu truyền trong dòng tộc cao quý tột đỉnh, không có gì sánh bằng, vô tiền khoáng hậu, được trình bày đầy đủ chính xác, được các thánh nhân lưu truyền lại, và được các bậc thượng nhân ca ngợi. --ooOoo-- 6/- Sau khi chặn đứng bốn đạo binh, bậc tối thắng của loài người đã ngồi xuống ở ngôi bảo tọa là chỗ ngồi cao quý, không thể di chuyển, vững chãi, và không bị lay động. 7/- Sau khi ngồi xuống ở ngôi bảo tọa cao quý ở tại gốc cây thuộc loài vương mộc, đấng cao quý của loài người, vị đứng đầu của loài hai chân, không bị run rẩy, tương tợ như con sư tử chẳng chút sợ hãi, đã quan sát Ma Vương cùng với đám quân binh. 8/- Vị chiến thắng tươi cười, dũng cảm, tâm tư an tịnh, định tĩnh đã bẻ gãy lý luận của Ma Vương và đã khiến cho gã cùng với đám quân binh phải thoái lui. 9/- Và với tác ý đúng đắn, Ngài đã hoàn toàn an trú vào đề mục minh sát là pháp đa dạng và tuỳ thuận vào nhiều điều kiện. 10/- Trong lúc thành tựu túc mạng minh và thiên nhãn minh, bậc Hữu Nhãn là vị đại trí tuệ đã trải qua ba canh của đêm. 11/- Sau đó vào canh cuối, đấng Quang Vinh toàn hảo đã khai mở và đã quán sát nhân duyên theo hai chiều thuận nghịch. 12/- Sau khi đã biết được Pháp và đã thấu hiểu được sự từ bỏ và sự thực hành Đạo Lộ, bậc Đại Trí khi được hoàn toàn giải thoát đã suy tưởng về việc chấm dứt tái sanh. 13/- Khi đã hoàn toàn giác ngộ trí tuệ Toàn Giác tối thượng, bậc Đại Hiền Triết đã được xác định với tên gọi đầu tiên ấy là “Đức Phật, bậc Giác Ngộ.” 14/- Sau khi đã được giác ngộ tất cả các Pháp và đã nói lên lời cảm hứng đấng Quang Minh đã trải qua bảy ngày ở ngay tại ngôi bảo tọa cao quý ấy. 15/- Với phận sự đã được hoàn thành, mọi điều sợ hãi đã được lặng yên, không còn ô nhiễm, được phấn chấn, với tâm tư thơ thới, vui mừng, bậc Lậu Tận đã suy nghĩ về nhiều trách nhiệm. 16/- Trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, đức Phật đã quán xét tất cả thế gian, sau đó đã khai mở năm loại nhãn quan[2] và đã nhìn thấy nhiều loại chúng sanh. 17/- Đấng Đạo Sư không chút nhiễm ô, bậc Tối Thượng của loài người, đã sử dụng trí tuệ không bị hạn chế ấy và đã nhận thấy hòn đảo Laṅkā là cao quý nhất hạng. 18/- (Laṅkā) là xứ sở tốt đẹp, khí hậu điều hòa, vật thực dồi dào, có hầm mỏ châu ngọc, đã được chư Phật quá khứ ngự đến và tập thể Thánh nhân cư ngụ. 19/- Sau khi nhận thấy tính chất cao quý của hòn đảo Laṅkā là có ruộng đồng màu mỡ và là trú xứ của các Thánh nhân, và sau khi quán xét về yếu tố hợp lý của thời điểm hoặc chưa đúng thời điểm, đấng Tế Độ đã suy nghĩ rằng: 20/- “Ở trên hòn đảo Laṅkā vào thời điểm này, tất cả chúng sanh hàng dạ-xoa và lũ ác thần là đối nghịch với chư Phật, chúng có thể dương oai về quyền lực. 21/- Sau khi chế ngự bè lũ dạ xoa và các ác thần trở thành những kẻ chịu sự khuất phục, ta sẽ thiết lập an ninh và giúp cho nhân loại sinh sống tại hòn đảo ấy. 22/- Trong khi toàn thể các hạng xấu xa này tồn tại đến hết tuổi thọ, sẽ có cơ hội cho Giáo Pháp phát triển tại nơi ấy, trên hòn đảo Laṅkā tuyệt vời. 23/- Sau khi di chuyển các chúng sanh ấy đi, ta sẽ tạo niềm tin cho số đông loài người và sẽ giảng giải đạo lộ ấy, tức là con đường Bất Tử của các Thánh nhân. 24/- Ta sẽ viên tịch Niết Bàn do không còn chấp thủ, tương tợ như mặt trời lặn xuống vậy. Sau khi viên tịch Niết Bàn được bốn tháng[3] thì sẽ có cuộc kết tập lần thứ nhất. 25/- Sau đó một trăm năm sẽ có cuộc kết tập khác, rồi sau một trăm mười tám năm là cuộc kết tập lần thứ ba nhằm mục đích hoằng khai Giáo Pháp. 26/- Ở tại Jambudīpa này sẽ xuất hiện vị đại vương có phước báu lớn lao, có oai lực, được biết tiếng là ‘Asoka Công Chính.’ 27/- Ngài Mahinda, con trai của vị vua Asoka ấy, sẽ là bậc trí tuệ thành tựu được kiến thức sẽ thiết lập niềm tin ở hòn đảo Laṅkā.” 28/- Sau khi biết được nhân này sẽ đưa đến nhiều lợi ích, đức Phật Thiện Thệ đã tiến hành việc hộ trì hòn đảo này cả ngày lẫn đêm. 29/- Ngôi bảo tọa, sự không chớp mắt, việc đi kinh hành, ngôi nhà Pháp Bảo, cội cây của những người chăn dê, rồng chúa Mucalinda, và (sự trú thiền tại) Khīrapāla là thứ bảy. 30/- Đấng Chiến Thắng đã thực hiện việc cần được tiến hành theo nhiều phương thức trong bảy tuần lễ. Rồi vị Anh Hùng đã đi đến thành Bārāṇasī (Ba-la-nại)[4] để chuyển vận Pháp Luân. 31/- Trong lúc chuyển vận Pháp Luân và thuyết giảng Giáo Pháp tối thượng, có mười tám koṭi[5] chúng sanh đã thấu hiểu Giáo Pháp. 32/- Koṇḍañña, Bhaddiya, Vappa, Mahānāma, và Assaji, năm vị đại trưởng lão này đã giải thoát vào lúc bài “Kinh Vô Ngã Tướng” (được giảng giải). 33/- Trong khi cư ngụ tại Isipatana thành Bārāṇasī, đấng Chiến Thắng cũng đã tiếp độ Yasa và bốn người bạn cùng với năm mươi chàng trai trẻ. 34/- Sau khi đã cư ngụ và trải qua mùa an cư mưa tại thành Bārāṇasī, đấng Thiện Thệ đã tiếp độ nhóm Bhadda ở tại khu rừng rậm Kappāsika. 35/- Trong lúc tuần tự du hành, bậc Đạo Sư không còn ô nhiễm đã ngự đến Uruvelā và đã gặp vị đạo sĩ tóc bện Uruvela Kassapa. 36/- Đấng Tối Thượng Nhân đã thuần phục con rồng ở ngôi nhà thờ lửa. Sau khi chứng kiến sự kỳ diệu, tất cả đã thỉnh mời bậc Thiện Thệ rằng: 37/- “Này vị Gotama, hãy cư ngụ ở nơi đây trong bốn tháng mùa lạnh, chúng tôi sẽ luôn luôn hộ độ Ngài với vật thực thường kỳ.” 38/- Trong khi cư ngụ ở tại Uruvelā vào mùa lạnh, đấng Thiện Thệ, vị Lãnh Tụ của nhân loại, đã cảm hóa các đạo sĩ tóc bện và hội chúng (của họ). 39/- Rồi cả hai xứ Aṅga và Magadha đã chuẩn bị đại lễ cúng tế. Uruvela Kassapa nhìn thấy lợi lộc lớn trong cuộc lễ cúng tế nên đã suy nghĩ sái quấy rằng: 40/- “Vị đại sa-môn có đại thần lực. Nếu vị đại nhân thị hiện thần thông ấy hoặc thuyết giảng cho đại chúng, lợi lộc của ta sẽ bị mất mát và sẽ trở thành của Gotama. Vậy thì vị đại sa-môn không nên đi đến nơi hội họp.” 42/- Đấng Thiện Thệ hiểu rõ mười sáu biểu hiện của tâm, sự vận hành, ý định, khuynh hướng, và sự tiềm tàng. 43/- Sau khi biết được suy nghĩ của vị đạo sĩ tóc bện, đấng Mâu Ni là vị biết được tâm của người khác đã dùng đại thần lực đi đến khất thực ở xứ Kurudīpa. 44/- Đức Phật đã thọ dụng vật thực ở hồ Anotatta, rồi đã thể nhập thiền chứng có nhiều lợi ích ở tại nơi ấy. 45/- Bậc Đạo Sư không còn ô nhiễm, đấng Cao Cả của thế gian, đã dùng các Phật nhãn xem xét toàn thể thế giới và đã nhìn thấy hòn đảo Laṅkā cao quý tuyệt vời: 46/- “Lúc này xứ sở Laṅkā có rừng bao la, rất kinh khiếp, có nhiều loại dạ-xoa vô cùng ghê rợn tàn bạo khát máu. 47/- Và có các hung thần hiểm ác tàn bạo khuấy nhiễu với nhiều hình thức. Dầu có khuynh hướng khác nhau, tất cả đã tụ hội lại sống chung thành đoàn. 48/- Ta sẽ đi đến nơi ấy ở giữa chúng rồi gây khó khăn cho hạng ác thần. Khi các hung thần này đã bị dời đi, loài người sẽ trở thành chủ nhân.” 49/- Nghĩ rằng việc này có được nhiều lợi ích, đấng Đại Hùng đã bay lên không trung và đã từ Jambudīpa[6] ngự đến nơi này. 50/- Ngài đã cầm lấy tọa cụ rồi hiện ra đứng ở trên không trung chính giữa đám dạ-xoa, ở phía bên trên đỉnh đầu. 51/- Đám binh lính dạ-xoa khi tụ hội lại đã nhìn thấy đấng Toàn Giác đang đứng yên, nhưng không biết Ngài là: “Đức Phật” và nghĩ rằng: “Một dạ-xoa nào đó.” 52/- Tại vị trí của ngôi bảo tháp Subhaṅgaṇa[7] được thiết lập ở Mahiyā Pokkhala nơi bờ sông Gaṅgā, đấng Tối Thượng Nhân đã đứng tại khu vực ấy và đã thể nhập tầng định cao tột của thiền. 53/- Là vị thực hiện sự an tịnh ngắn hạn, đấng Mâu Ni nhập thiền một cách nhẹ nhàng trong một sát-na tâm và xuất ra khỏi sát-na thiền một cách nhanh chóng. Ngài đã đạt đến và trú vào ba-la-mật bằng các tâm thiện. 54/- Trong lúc đứng ở trên không trung và phô diễn thần thông trong tợ như gã dạ-xoa có đại thần lực có đại oai lực, Ngài tức thời tạo ra những đám mây đen mang theo hàng ngàn cụm mây với những cơn gió lạnh và bóng tối, rồi đổ mưa xuống. 55/- (Đức Phật đã nói rằng): “Ta sẽ làm cho các ngươi được ấm áp. Hãy nhường cho ta (khoảng trống) để ngồi xuống. Ta có năng lực sáng chói và việc tạo ra hiện tượng rối loạn là do ta.” 56/- (Các dạ-xoa nói rằng): “Nếu Ngài có thể xua đuổi đi (các sự rối loạn) thì xin Ngài hãy ngồi xuống theo như ý muốn. Tất cả đều đồng ý. Xin Ngài hãy thể hiện năng lực sáng chói của Ngài.” 57/- (Đức Phật đã nói rằng): “Tất cả các ngươi cầu xin ta sự ấm áp, nhiều ánh sáng, và ngọn lửa vĩ đại. Chúng ta sẽ có ngay lập tức sự vô cùng ấm áp theo như các ngươi đã mong cầu.” 58/- Giống như mặt trời mùa hè vào thời điểm giữa ngày đứng bóng, có luồng sức nóng khủng khiếp như thế đã xâm chiếm cơ thể của các dạ-xoa. 59/- Giống như sức nóng của bốn mặt trời vào thời kỳ hoại kiếp, cũng vậy tại chỗ ngồi của bậc Đạo Sư có sức nóng còn hơn thế nữa. 60/- Tương tợ như mặt trời đang mọc lên không thể bị dừng lại ở trên bầu trời, cũng vậy tấm tọa cụ bằng da thú là không có giới hạn ở trên không trung. 61/- Tấm tọa cụ tỏa ra sức nóng khủng khiếp giống như ngọn lửa lúc hoại kiếp phát ra ánh sáng, y như là màng lưới lửa lớn lao, tương tợ như mặt trời thiêu đốt trái đất. 62/- Ở nơi ấy, tấm tọa cụ có sức nóng của đống than đá cháy đỏ được nhìn thấy giống như đám mây, tương tợ như ngọn núi bằng sắt rắn chắc bị nung nấu đang tỏa xuống sức nóng khó chịu trên khắp các hòn đảo. 63/- 64/- (Các dạ-xoa than van rằng): “Nếu dạ-xoa có đại oai lực này biến thành ngọn lửa rồi thiêu đốt cả mười phương đông tây nam bắc trên dưới này đây, làm thế nào chúng ta có được sự an vui, không tật bệnh? Khi nào chúng ta thoát khỏi tai họa khủng khiếp này? Toàn thể loài dạ-xoa sẽ bị tiêu diệt giống như nhúm bụi phấn bị tan tác bởi cơn gió.” 65/- Sau khi nhìn thấy các dạ-xoa bị khốn khổ và lâm vào nỗi lo sợ, đức Phật, vị đứng đầu các ẩn sĩ, là nguồn đem đến sự an lạc, là vị đại ẩn sĩ có lòng bi mẫn nhân hậu, đã nghĩ đến điều mong mỏi và sự an lạc cho hàng phi nhân. 66/- Khi ấy có một hòn đảo khác tương tợ như hòn đảo này, có sự đồng nhất về tất cả các khu đất thấp hoặc khô ráo, vô cùng trong sạch với các sông ngòi núi non ao hồ, là hòn đảo Giri hoàn toàn y hệt xứ sở Laṅkā. 67/- Hòn đảo Giri là xứ không có điều hãi sợ, có biển cả xung quanh bảo vệ, có nhiều thực phẩm, dồi dào với vô số ngũ cốc, khí hậu hài hòa, có bề mặt là đồng cỏ xanh, và quý báu hơn hẳn hòn đảo này. 68/- Là xứ sở quyến rũ, yêu kiều, xanh tươi, mát mẻ, tuyệt vời, đáng mến với những vườn cây và rừng rậm. Nơi ấy thanh tịnh, trống trải, hiu quạnh, có cây cối trĩu nặng những hoa và quả, nhưng không có người nào cai quản. 69/- Là xứ sở thuộc về biển cả, ở giữa làn nước của đại dương sâu thẳm luôn có sóng vỗ, có dãy núi vươn lên rất khó đi đến, và ước muốn khó mà thực hiện khi (người cư ngụ) phía bên trong không đồng ý. 70/- 71/- (Đức Phật suy nghĩ rằng): “Ở nơi đây, các ác thần và đám đông dạ-xoa xấu xa bị nguyền rủa là những kẻ kiêu căng, ngạo nghễ và căm hận các kẻ khác, nhục mạ sau lưng các kẻ khác, không lòng bi mẫn, vui thích trong việc hãm hại các kẻ khác, lại còn ác độc, hung dữ, bạo tàn, và không lòng thương xót. Giờ ta sẽ ban cho chúng hòn đảo này tức là toàn bộ hòn đảo Giri (Giridīpa) nguyên thủy, và là chỗ trú ngụ không xa Laṅkā. Mong rằng tất cả bọn chúng sẽ định cư, khéo sinh sản, và không gặp khó khăn. 72/- Và xứ sở Laṅkā này là trú xứ đã được loài người cư ngụ và tạo dựng trong thời cổ đại. Mong rằng sẽ có nhiều người cư trú ở xứ sở Laṅkā giống như ở khuôn viên Oja[8] cao quý trước đây vậy. 73/- Được tựu hội với nhiều phẩm chất này hoặc khác, Laṅkā là chốn cư ngụ của loài người có nhiều điều tốt đẹp. Giáo Pháp khi được truyền đến ở trên các đảo sẽ rạng rỡ tương tợ như mặt trăng tròn vành vạnh ở trên bầu trời vào ngày Uposatha.” 74/- Đấng Mâu Ni, bậc Thế Gian Giải, trong lúc cân nhắc sự an lạc của cả hai bên là loài người và các ác thần rồi đã chuyển đổi hòn đảo cho cả hai bên được nhiều an lạc, tương tợ như đã chuyển đổi (vị thế) cặp bò kéo cho chúng có sự thoải mái. 75/- Đức Gotama đã dùng thần thông đưa hòn đảo lại gần tương tợ như con bò được buộc lại và lôi đi bởi sợi dây thừng chắc chắn. Đấng Mâu Ni đã đưa hòn đảo lại gần với hòn đảo giống như hai chiếc thuyền được giao lưu nhờ vào sự gắn bó chặt chẽ. 76/- Đức Như Lai đã thực hiện việc nối liền hòn đảo xinh đẹp với hòn đảo kia và hoán chuyển các loài ác thần (nói rằng): “Chúc cho tất cả các loài ác thần ở trên Giridīpa sống được ổn định có đầy đủ vật thực.” 77/- Các hàng dạ-xoa có sự háo hức chạy ào lên hòn đảo Giri tương tợ như những người khát nước chạy đến sông Gaṅgā vào mùa nóng nực. Tất cả bọn chúng đã đi vào rồi không trở ra lại. Đấng Mâu Ni đã đưa hòn đảo về lại địa điểm như trước đây. 78/- Các dạ-xoa vô cùng mừng rỡ và các hàng ác thần vô cùng hớn hở khi đạt được hòn đảo xinh đẹp như mong mỏi. Tất cả bọn chúng đã không còn lo sợ và đã tham gia vào lễ hội Nakkhatta. 79/- Biết được các phi nhân đã được an vui, đức Phật đã an trú tâm từ và thốt lên lời kinh bảo hộ. Sau đó, đấng Chiến Thắng đã hướng vai phải nhiễu quanh hòn đảo ba vòng và luôn hộ trì việc hoán chuyển tập thể dạ-xoa. 80/- Quả vậy, đấng Như Lai đã trấn an các hàng phi nhân, đã thực hiện sự hộ trì và sự phát triển bền vững của tâm từ ái, đã xua đi điều tai họa ở trên các hòn đảo, rồi đã quay về lại Uruvelā.
Paṭhamo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ paṭhamaṃ. Yakkhadamanaṃ niṭṭhitaṃ. --ooOoo--
DUTIYO
PARICCHEDO 1/- Bấy giờ, đức Chánh Đẳng Giác, bậc A-la-hán, đấng Quang Vinh toàn hảo cư ngụ tại tu viện của Sudatta[9] ở gần kinh thành của xứ Kosala. 2/- Ở tại Jetavana ấy, đức Phật, bậc Pháp Vương, đấng Quang Minh, trong lúc quán sát toàn thể thế giới đã nhìn thấy xứ Tambapaṇṇi[10] cao quý. 3/- Khi thời gian năm năm đã trôi qua, Ngài đã ngự đến xứ sở Tambapaṇṇi, đã tự mình dẹp bỏ các điều chướng ngại và đã làm cho hòn đảo trở nên trống vắng. 4/- Giờ đây, các loài rồng và các loài sống ở núi non trên đảo đã nổi dậy. Cả hai đang tiến hành cuộc chiến tập trung là trận giao tranh khủng khiếp. 5/- Tất cả các loài rồng đều có đại thần lực, tất cả đều có nọc độc dữ tợn. Tất cả đều là tồi tệ, ác độc, cuồng điên, và tham lam. 6/- Những con rồng thì nhanh nhẹ, có oai lực lớn, gian trá, tàn bạo, thô lỗ, có tâm tư xoi mói, nóng nảy, có lòng tham nhỏ mọn. 7/- Loài Mahodara có oai lực lớn và loài Cūḷodara có quyền năng.[11] Cả hai đều thành tựu sức mạnh và cả hai đều có sắc đẹp nổi bật. 8/- Không nhìn thấy được bên nào bằng hoặc trội hơn. Loài Mahodara do quyền lực bị khích động bởi lòng ngã mạn đã hủy hoại hòn đảo luôn cả núi non rừng thẳm (tuyên bố rằng): “Ta sẽ tàn sát toàn bộ lũ rồng.” 9/- Loài Cūḷodaro ỷ vào lòng ngã mạn đi đến (nói rằng): “Mười tỷ con rồng hãy xông đến. Ta sẽ giết toàn bộ bè lũ tham gia vào cuộc chiến. Ta sẽ san bằng hòn đảo rộng 100 do-tuần (này).” 10/- Những con rồng dữ tợn với nọc độc cực nhạy phóng độc, những con rồng có đại thần lực phun lửa, những con rồng mong mỏi làm chúa rồng nổi cơn giận dữ ra sức nghiền nát kẻ thù trong trận chiến đấu. 11/- Sau khi nhìn thấy sự giận dữ của chúa rồng và việc bọn chúng sẽ hủy diệt hòn đảo là nhân tố tiêu hoại, đức Phật Thiện Thệ là vị mang lại phúc lợi cho thế gian đã suy nghĩ đến nhiều điều lợi ích và an lạc tối thắng cho cả chư thiên (rằng): 12/- “Nếu ta không ngự đến, các con rồng không được an lạc và hòn đảo bị hủy diệt là điều không tốt đẹp trong tương lai. Là người tầm cầu an lạc và có lòng thương tưởng đến các con rồng, ta sẽ đi đến để mưu cầu cho sự phát triển của hòn đảo. 13/- Trước đây, ta đã nhận thấy đặc điểm của hòn đảo Laṅkā và ta đã di chuyển loài dạ-xoa. Ta đã làm điều tốt đẹp, vậy chớ để các con rồng tàn phá hòn đảo.” 14/- Nói xong điều ấy, đấng Chánh Đẳng Giác, bậc Hữu Nhãn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy rời khỏi hương thất, và đứng ở ngưỡng cửa. 15/- Chí đến tất cả chư thiên ngự trên cội cây ở Jetavana và ở tu viện đã hỗ trợ (nói rằng): “Ôi bậc Hữu Nhãn, chúng ta hãy đi đến.” 16/- (Đức Phật nói rằng): “Thôi đi, tất cả hãy ở lại. Chỉ đi một mình Samiddhi. Hãy mang theo thân cây và đi đến ở phía sau.” 17/- Nghe được lời nói của đức Phật, Samiddhi đã trở nên hoan hỷ rồi đã nhổ lấy thân cây cùng với bộ rễ rồi đi đến với đấng Như Lai. 18/- Từ phía sau lưng đức Phật tối thượng, vị Thiên Vương có đại thần lực đã tạo bóng râm rồi che mát cho đấng Tối Thượng Nhân Chánh Đẳng Giác ấy. 19/- Bậc Đạo Sư, đấng Tối Thượng Nhân, vị đầy lòng từ ái đã đi đến trận chiến của các con rồng và đã đứng ở giữa hai lũ rồng cao quý. 20/- Đức Chánh Đẳng Giác, đấng Lãnh Đạo thế giới đã đi đến ở trên không trung ở giữa cả hai lũ rồng rồi đã tạo nên đêm tối mịt mù ghê sợ. 21/- Do thần lực của vị Chúa Tể thế giới, khi ấy đêm đen càng thêm mù mịt. Thân cây với sự tính toán trước đã được che khuất bởi bóng tối. 22/- Các con rồng không còn nhìn thấy lẫn nhau trở nên run rẩy đứng yên sợ hãi. Chúng cũng không nhìn thấy được đấng Chiến Thắng, làm sao (chúng có thể) tiến hành cuộc chiến đấu? 23/- Tất cả đã bỏ dở cuộc chiến, buông rơi vũ khí. Trong lúc tỏ lòng tôn kính đấng Chánh Đẳng Giác, tất cả đã đứng yên chắp tay lại. 24/- Sau khi biết được các con rồng đều bị rởn lông tóc và nhìn thấy chúng lâm vào sự sợ hãi, đức Phật đã phát khởi tâm từ và tỏa ra hào quang ấm áp. 25/- Quả là cảnh tượng hùng vĩ, kỳ diệu, rởn tóc. Tất cả đều nhìn thấy đấng Chánh Đẳng Giác ở trên không trung trông tợ như mặt trăng không chút bợn nhơ. 26/- Thể nhập và chói sáng với hào quang sáu màu đang tỏa rạng khắp mười phương, Ngài đã đứng ở giữa không trung nói với các con rồng rằng: 27/- “Này Đại Vương, sự tranh chấp giữa các loài rồng xảy ra do nguyên nhân gì? Bởi điều ấy, ta đã cấp thời đi đến vì lòng thương tưởng đến chính các vị.” 28/- (Con rồng đáp rằng): “Loài rồng Cūḷodaro này và loài rồng Mahodaro này là cậu và cháu đang tranh chấp vì mong muốn tài sản.” 29/- Hôm ấy, đấng Chánh Đẳng Giác đã nói một cách khoan dung với các con rồng độc ác rằng: “Sự giận dữ của kẻ ngu si tuy nhỏ nhoi nhưng rồi sẽ biến thành lớn lao. 30/- Liên quan đến việc gì khiến nhiều con rồng đã lâm vào cảnh khổ sở cùng cực? Ngôi bảo tọa này thật là tầm thường, các ngươi chớ có giết hại nhau. 31/- Các ngươi không nên tàn sát lẫn nhau. Việc giết hại mạng sống là điều không nên thực hành.” Khi ấy, bậc Hữu Nhãn đã làm các con rồng động tâm bằng nỗi khổ đau của địa ngục. 32/- Đấng Chánh Đẳng Giác, bậc tối thượng của loài hai chân trong lúc giảng giải Chánh Pháp đã tuyên bố về khởi thủy của loài người, về cõi trời, và về Niết Bàn. 33/- Tất cả các con rồng đã quỳ xuống và tỏ lòng hối hận đến đức Như Lai. Tất cả các con rồng đã quây quần lại, và chúng đã trở nên hòa hợp. 34/- Tất cả tám mươi koṭi chúng sanh đã quy y. (Nghĩ rằng): “Tất cả loài rồng chúng ta bị tiêu hoại vì nguyên nhân ngôi bảo tọa.” 35/- Có cùng ý định, hai con rồng (chúa) đã mang ngôi bảo tọa quý báu đến (nói rằng): “Bạch đấng Hữu Nhãn, xin ngài hãy từ bi nhận lấy ngôi bảo tọa.” 36/- Đức Chánh Đẳng Giác, bậc Hữu Nhãn, đã nhận lời với trạng thái im lặng. Nhận biết sự đồng ý, hai con rồng chúa đã mừng rỡ (nói rằng): 37/- “Xin đấng Thiện Thệ hãy ngồi xuống đây, trên ngôi bảo tọa làm bằng ngọc quý tinh khiết rạng rỡ là vật được các con rồng mong mỏi.” 38/- Các con rồng đã đặt ngôi bảo tọa ở giữa các hòn đảo. Bậc Pháp Vương, đấng Quang Minh, đã ngồi xuống tại chỗ ấy, trên ngôi bảo tọa. 39/- Tám mươi koṭi con rồng đã đặt niềm tin vào đấng Chánh Đẳng Giác. Tại nơi ấy, các con rồng đã dâng đến Ngài cơm nước và vật thực. 40/- Khi đức Phật đã rời bàn tay khỏi bình bát, tám mươi koṭi con rồng đã tụ lại xung quanh rồi đã ngồi xuống gần bên đức Phật tối thượng. 41/- Ở tại cửa sông Kalyāṇī có con rồng sinh sống cùng bầy con. Con rồng ấy có tên là Maṇi-akkhika và có đoàn rồng tùy tùng đông đảo. 42/- Nó có đức tin, đã thành tựu sự quy y, có chánh kiến, và có giới hạnh. Sau khi đi đến chỗ tụ hội của các con rồng, nó càng có niềm tin tăng trưởng bội phần. 43/- Sau khi nhìn thấy oai lực từ bi đối với loài rồng của đức Phật, con rồng đã đảnh lễ, rồi ngồi xuống cầu xin đức Như Lai rằng: 44/- “Việc đã di chuyển các hàng dạ-xoa vì lòng thương tưởng đến hòn đảo là việc làm thứ nhất. Còn việc hỗ trợ các con rồng là lòng thương tưởng đến hòn đảo lần thứ nhì. 45/- Hơn nữa, bạch đức Thế Tôn, thưa bậc đại Hiền Triết, tôi sẽ thể hiện tấm lòng tốt đẹp của chúng tôi, tôi sẽ làm công việc hầu hạ (đến Ngài).” 46/- Đức Phật, bậc Thiện Thệ, đấng Từ Bi của chúng sanh đã lắng nghe lời nói của con rồng và đã nhận lời vì mong muốn điều ích lợi cho hòn đảo Laṅkā. 47/- Sau khi sử dụng ngôi bảo tọa, đấng Quang Minh đã đứng dậy. Tại nơi ấy, ở bên trong hòn đảo, đức Mâu Ni đã nghỉ ngơi lúc ban trưa. 48/- Đấng Quang Đăng tối thượng đã trải qua ban ngày ở bên trong hòn đảo. Bậc Hữu Nhãn đã thể nhập thiền chứng với đề mục tứ vô lượng tâm. 49/- Vào lúc chiều tối, đấng Chiến Thắng đã nói với các con rồng rằng: “Ngôi bảo tọa hãy để ở ngay tại nơi này. Cây Khīrapāla hãy dời đến nơi đây. Và tất cả các loài rồng hãy tôn kính cội cây và ngôi bảo tọa này.” 50/- Nói xong điều ấy, đấng Chánh Đẳng Giác đã giáo huấn các con rồng và đã ban cho ngôi bảo điện thờ các món vật dụng rồi đã quay trở về lại Jetavana.
Nāgadamanaṃ
niṭṭhitaṃ. --ooOoo-- 51/- Một lần khác nữa, vào năm thứ tám Long Vương Maṇi-akkhika đã thỉnh mời đấng Đại Hùng cùng với năm trăm vị tỳ khưu. 52/- Các vị có đại thần lực và các giác quan được thu thúc đã tháp tùng đấng Chánh Đẳng Giác. Tại Jetavana, đức Mâu Ni đã bay lên và bước đi ở trên không trung. 53/- Ngài đã ngự đến hòn đảo Laṅkā tại cửa sông Kalyāṇī. Tất cả các con rồng đã thực hiện mái che bằng châu ngọc ở trên mặt đất rộng lớn và đã phủ lên bằng những tấm màn có nhiều màu sắc là loại vải của thiên đình. 54/- Có nhiều loại trang sức bằng ngọc quý, có đủ các loại bông hoa khác nhau, có vô số ngọn cờ với nhiều màu sắc, và có mái che được trang hoàng đa dạng. 55/- (Các con rồng) đã trải ra tất cả các tấm thảm và đã sắp xếp chỗ ngồi rồi đã đưa hội chúng có đức Phật dẫn đầu đi vào để an tọa. 56/- Đấng Chánh Đẳng Giác cùng với năm trăm vị tỳ khưu đã ngồi xuống sau đó đã thể nhập thiền chứng và phát khởi tâm từ đến khắp các phương. 57/- Đức Phật với các vị đệ tử đã nhập thiền bảy lượt và đã nhìn thấy rằng “Có ngôi đại bảo tháp sẽ được thiết lập tại địa điểm ấy.” 58/- Vị Long Vương Maṇi-akkhika đã tiến hành cuộc đại thí. Đấng Chánh Đẳng Giác và các đệ tử đã thọ lãnh sự cúng dường của các con rồng. 59/- Thọ thực xong, đức Phật đã nói lời tùy hỷ rồi cùng các đệ tử bay lên không trung, sau đó đã từ không trung đáp xuống tại địa điểm của ngôi bảo điện Dīghavāpī. 60/- Ở tại địa điểm ấy, đấng Bi Mẫn của thế gian, bậc Quang Minh đã thể nhập thiền chứng rồi đã xuất khỏi thiền chứng (ấy). 61/- Trong khi bước đi ở trên không trung, đấng Pháp Vương cùng các vị đệ tử đã ngự đến địa điểm của cội Bồ Đề ở nơi ấy, tại khu vườn Mahāmegha. 62/- Ở khu đất trước đây người ta đã trồng xuống ba cội Đại Bồ Đề (của ba vị Phật quá khứ), Ngài đã ngự đến địa điểm ấy và đã thể nhập thiền ở tại nơi ấy. 63/- (Đức Phật nói rằng): “Ba cội Bồ Đề (đã được trồng) ở tại đại điểm này vào thời kỳ Giáo Pháp của ba vị Phật. Và cội Bồ Đề của ta cũng sẽ được thiết lập ở ngay tại xứ này vào thời vị lai.” 64/- Bậc Tối Thượng Nhân, vị đứng đầu nhân loại, và các đệ tử đã xuất khỏi thiền chứng rồi đã đi đến khu vườn Meghavana xinh đẹp. 65/- Ở tại nơi ấy, Ngài cùng với các đệ tử đã thể nhập thiền chứng. Sau khi xuất khỏi thiền chứng, đấng Quang Minh ấy đã nói rằng: 66/- “Ở tại khu vực này, đấng Lãnh Đạo thế gian Kakusandha là vị đầu tiên đã ngồi lên ngôi bảo tọa và đã thọ nhận vật này. 67/- Ở tại khu vực này, vị đứng đầu nhân loại Konāgamana là vị thứ nhì đã ngồi lên ngôi bảo tọa và đã thọ nhận vật này. 68/- Ở tại khu vực này, đấng Lãnh Đạo thế gian Kassapa là vị thứ ba đã ngồi lên ngôi bảo tọa và đã thọ nhận vật này. 69/-
Kalyāṇāgamanaṃ dutiyā paricchedo.
Bhāṇavāraṃ dutiyaṃ. --ooOoo--
TATIYO
PARICCHEDO
1- Ngoại trừ các vị vua thuộc về đời sống này hoặc đời sống khác trong kiếp quá khứ, tôi sẽ nêu rõ toàn bộ các vị vua trong kiếp này. 2/- Tôi sẽ thuật lại đầy đủ về xuất thân, tên họ, tuổi tác, và sự trị vì. Hãy lắng nghe điều ấy đúng theo lời tường thuật. 3/- Vị Sát-đế-lỵ tên Mahāsammata là vị vua được làm lễ đăng quang đầu tiên và là vị chúa tể có sự quang minh đã trị vì vương quốc. 4/- Con trai của vị ấy tên là Roja, rồi đến vị Sát-đế-lỵ tên Vararoja, hai vị Kalyāṇa và Varakalyāṇa, rồi đến vị đại vương Uposatha. 5/- Trong số các vị ấy, vị thứ bảy Mandhātu là chúa tể ở trên bốn hòn đảo. Kế đến là đức vua Cara, Upacara, và vị đại vương Cetiya. 6/- Và Mucala, Mahāmucala, Mucalinda, Sāgara, Sāgaradeva, Bharata, và vị Sát-đế-lỵ tên là Aṅgīsa. 7/- Ruci, Mahāruci, Patāpa, Mahāpatāpa, Panāda, Mahāpanāda, và vị Sát-đế-lỵ tên Sudassana. 8/- Vị tên Mahāsudassana, hai vị Neru và Accima, (tổng cộng) là hai tám vị vua;[12] tuổi thọ của các vị ấy không tính đếm được. 9/- Các đức vua đã trị vì vương quốc ở tại kinh đô Kusavatī, trong thành Rājagaha, thuộc xứ Mithilā; tuổi thọ của các vị ấy không tính đếm được. 10/- Mười lần mười là một trăm, và mười lần một trăm là một ngàn. Mười lần một ngàn là mười ngàn, mười lần mười ngàn là một trăm ngàn. Một triệu là koṭi, mười triệu là pakoṭi. 11/- 12/- Như thế (các con số) koṭippakoṭi, nahuta, ninnanahuta, akkhohiṇī, bindu, abbuda, nirabbuda, ahaha, ababa, aṭaṭa, sogandhika, uppala, kumuda, puṇḍarīka, paduma, kathāna, dvaya. 13/- Các con số này được xem là đếm được, căn cứ vào sự tính đếm ở đời này. Số lượng vượt trên các con số ấy được gọi là “không tính đếm được.” 14/- Accima cũng đã có một trăm người con trai đã trở thành những vị vua. Họ đã trị vì vương quốc rộng lớn ở trong thành phố tên là Kapila. 15/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị Sát-đế-lỵ tên Arindama. Năm mươi sáu người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành phố Ayujjhanagara. 16/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương Duppasaha. Sáu mươi người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị chúa tể đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Bārāṇasī. 17/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị Sát-đế-lỵ tên Abhitatta. Tám mươi bốn ngàn người con trai và cháu trai của vị ấy đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành phố Kapilanagara. 18/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương Brahmadatta. Ba mươi sáu người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành Hatthipura vô cùng cao quý. 19/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là Kambalavasabha. Ba mươi hai người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ. Họ đã trị vì vương quốc tại nơi ấy, trong thành phố Ekacakkhu. 20/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là Purindada được chư thiên kính trọng. Hai mươi tám người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Vajarā. 21/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị Sát-đế-lỵ tên Sādhina. Hai mươi hai người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua dòng Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Madhurā. 22/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là Dhammagutta có sức mạnh tuyệt luân. Mười tám người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ. Khi ấy, họ đã trị vì vương quốc tại thành phố Ariṭṭhapura. 23/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị chúa tể tên Siṭṭhi. Mười bảy người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ. Khi ấy, họ đã trị vì vương quốc tại thành phố Indapatta. 24/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương Brahmadeva. Mười lăm người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ. Họ đã trị vì vương quốc tại nơi ấy, trong thành phố Ekacakkhu. 25/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương Baladatta. Mười bốn người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành phố Kosambī. 26/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy được nổi danh là Bhaddadeva. Chín người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua dòng Sát-đế-lỵ. Họ đã trị vì vương quốc tại nơi ấy, trong thành phố Kaṇṇagoccha. 27/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy được nổi danh là Naradeva. Bảy người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua dòng Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn ở tại thành phố Rojananagara. 28/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị Sát-đế-lỵ tên Mahinda. Mười hai người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua dòng Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành phố Campākanagara. 29/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương Nāgadeva. Hai mươi lăm người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành phố Mitthilānagara. 30/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là Buddhadatta có sức mạnh tuyệt luân. Hai mươi lăm người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Rājagaha. 31/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị Sát-đế-lỵ tên Dīpaṅkara. Mười hai người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua dòng Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Takkasilā. 32/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị Sát-đế-lỵ tên Tālissara. Mười hai người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua dòng Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Kusinārā. 33/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị Sát-đế-lỵ tên Sudinna. Chín người con trai và cháu trai của vị ấy là các vị vua dòng Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc rộng lớn tại thành phố Tāmalitthiya. 34/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương Sāgaradeva. Người con trai của vị ấy là vị đại thí chủ Makhādeva. 35/- Tám mươi bốn ngàn người con trai và cháu trai của vị ấy đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Mithilā. 36/- Vị cuối cùng trong số các vị ấy là đức vua Nemiya được chư thiên kính trọng, là vị chuyển luân vương hùng mạnh và là chúa tể đến tận cùng của biển cả. 37/- Con trai của Nemiya là Kaḷārajanaka, và người con trai của vị ấy là Samaṅkara, rồi đến vị Asoka ấy trở thành vị vua và là vị Sát-đế-lỵ đã được làm lễ đăng quang. 38/- Tám mươi bốn ngàn người con trai và cháu trai của vị ấy đã trị vì vương quốc rộng lớn tại kinh thành Bārāṇasī. 39/- Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương tên là Vijaya. Con trai của vị ấy là Vijitasena thuộc dòng hoàng tộc và có sự thông minh. 40/- (Kế đến là các vị vua) tên Dhammasena, Nāgasena, Samatha, Disampati, Reṇu, Kusa, Mahākusa, Navaratha, Dasaratha. 41/- Rồi đến các vị tên Rāma, Biḷāratha, Cittadassi, Atthadassi, Sujāta, Okkāka, luôn cả Okkāmukha và Nipura. 42/- Candimā, Candamukha, đức vua Sivi, Sañjaya, vị thống lãnh Vessantara, Jāli, và Sīhavāhana. 43/- Và Sīhassara là vị Sát-đế-lỵ thông thái và hộ trì hoàng tộc. Vị ấy có tám mươi hai ngàn người con trai và cháu trai. 44/- Các vị vua đã trị vì vương quốc ở tại thành phố tên là Kapila. Vị vua cuối cùng trong số các vị ấy là vị đại vương Jayasena. 45/- Người con trai của vị ấy là Sīhahanu thuộc dòng hoàng tộc và có sự thông minh. Những người con trai của vị Sīhahanu ấy gồm có năm anh em trai. 46/- (Năm vị là) Suddhodana, Dhota (Dhotodana), vị Sát-đế-lỵ Sakkodana, đức vua Sukkodana, và đức vua Amitodana. Tất cả năm vị vua này đều có tên là “Odana.” 47/- Người con trai của Suddhodana là vị lãnh đạo thế gian Siddhattha, sau khi có chủng tử là Rāhula hiền thiện, đã xuất gia vì quả vị Phật. 48/- Tất cả các vị ấy là một trăm bốn mươi ngàn và ba trăm vị vua khác nữa đều có quyền lực lớn lao. Chừng ấy vị quân vương đã xuất thân từ dòng họ của đức Bồ Tát. 49/- “Ôi các pháp hữu vi đều vô thường và có tánh sanh diệt! Chúng sanh lên rồi hoại diệt, sự tịch lặng của các pháp ấy là Niết Bàn an lạc.”
Mahārājavaṃso
niṭṭhito --ooOoo-- 50/- Đức vua tên Suddhodana là vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc ở thành phố tên là Kapila. Vị này là con trai của Sīhahanu. 51/- Ở tại kinh thành Rājagaha ở giữa năm ngọn núi, vị vua ấy tên là Bodhiso[13] là vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc 52/- Hai vị Suddhodana và Bhātiya ấy là bạn bè lẫn nhau và là các vị quân vương hộ trì hoàng tộc trong thời điểm đầu tiên này. 53/- Vào lúc được tám tuổi, (Bimbisāra) đã phát khởi năm điều ước nguyện: “Mong rằng phụ hoàng sẽ truyền ngôi cho ta, vì vị Sát-đế-lỵ có mục đích là vương quyền. 54/- Mong rằng đức Phật, vị đứng đầu của loài người, sẽ đản sanh trong thời kỳ trị vì của ta. Đức Như Lai sẽ ngự đến viếng ta trước tiên. 55/- Vị ấy sẽ thuyết giảng Giáo Pháp Bất Tử tối thượng. Và ta có thể lãnh hội.” Năm điều ước nguyện này đã sanh khởi đến Bimbisāra. 56/- Vào năm mười lăm tuổi, sau khi người cha băng hà vị ấy đã được phong vương. Vị Lãnh Đạo thế gian đã đản sanh trong thời kỳ trị vì của vị ấy. Đức Như Lai đã ngự đến viếng vị ấy trước tiên. 57/- Đức Phật đã thuyết giảng Giáo Pháp Bất Tử. Và vị quân vương đã lãnh hội. Đấng Đại Hùng là ba mươi lăm tuổi không thiếu sót. 58/- Vị đại vương Bimbisāra là ba mươi tuổi. Đức Gotama rõ ràng trội hơn Bimbisāra năm tuổi. 59/- Vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc được năm mươi hai năm và đã cùng với chư Phật trị vì được ba mươi bảy năm. 60/- Vị Sát-đế-lỵ Ajātasattu đã trị vì vương quốc được ba mươi hai năm. Khi vị ấy đăng quang được tám năm thì đấng Chánh Đẳng Giác viên tịch Niết Bàn. 61/- Và sau khi đấng Chánh Đẳng Giác, bậc Tối Thượng của thế gian, vị đứng đầu nhân loại viên tịch Niết Bàn, vị Sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc được thêm hai mươi bốn năm.
Tatiyo paricchedo.
Bhāṇavāraṃ tatiyaṃ. --ooOoo-- [1] Laṅkā là tên gọi cổ xưa của nước Sri Lanka ngày nay (tên gọi quen thuộc đối với người Việt là nước Tích Lan, âm từ tên cũ trước đây là Ceylon). [2] Pañcacakkhu (pañca: 5, cakkhu: con mắt) năm loại nhãn quan của đức Phật gồm có nhục nhãn (maṃsacakkhu), thiên nhãn (dibbacakkhu), tuệ nhãn (paññācakkhu), Phật nhãn (buddhacakkhu), toàn tri nhãn (samantacakkhu). [3] Đức Phật Niết Bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (tương đương với rằm tháng 4 âm lịch của Việt Nam) và cuộc kết tập lần thứ nhất được tiến hành sau khi vào mùa an cư được một tháng (tương đương với 16 tháng 7 âm lịch), thông thường khoảng thời gian này là 3 tháng. Để giải thích chứng cớ nêu trên thì năm đức Phật Niết Bàn phải là năm nhuần (do mùa mưa đến trễ nên mùa nắng được kéo dài thêm một tháng). [4] Hiện nay là thành phố Benares (India). [5] 1 koṭi là 10 triệu; 18 koṭi là 180 triệu. [6] Jambudīpa dịch là hòn đảo có cây Jambu (đào đỏ, mận), tức là xứ India (Ấn Độ) ngày nay. [7] Vào thời điểm ấy ngôi bảo tháp chưa được xây dựng nên. [8] Ojadīpa cũng là một tên gọi của hòn đảo Laṅkā này. [9] Tên gọi gia đình của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). [10] Tambapaṇṇi là một tên gọi khác nữa của hòn đảo Laṅkā. [11] Không xác định được tên các chủng loại này; phân tích theo từ ngữ cūḷodara (cūḷa+udara = có bao tử nhỏ, bụng thon) và mahodara (mahā+udara = có bao tử lớn, bụng bự). [12] Tên liệt kê đếm được ở trên chỉ là 27 [13] Cha của đức vua Bimbisāra (Bình Sa vương). -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indachanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 22-08-2005