Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội »» VII. Cộng đồng thành lập có chủ đích »»

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội
»» VII. Cộng đồng thành lập có chủ đích

Donate

(Lượt xem: 4.704)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội - VII. Cộng đồng thành lập có chủ đích

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
GIỚI THIỆU

Các cộng đồng có thể phân biệt thành hai loại, mà chúng ta có thể gọi là cộng đồng tự nhiên và cộng đồng có chủ đích. Một cộng đồng tự nhiên là cộng đồng xuất hiện một cách tự nhiên từ mối quan hệ kết nối giữa con người. Trong kinh nghiệm cụ thể, cộng đồng tự nhiên đã thực sự hình thành cùng với thế giới trong đó chúng ta sinh sống. Chúng ta không thành lập cộng đồng tự nhiên, nhưng tự thấy hòa mình trong đó, thậm chí ngay từ lúc sinh ra, hoàn toàn như con cá hòa mình trong biển cả. Đời sống của chúng ta đan kết trọn vẹn với cộng đồng tự nhiên, mà chúng ta không bao giờ có thể chia cắt; chỉ có một ranh giới trôi nổi mong manh ngăn cách cái tôi cá nhân với cộng đồng tự nhiên. Trái lại, cộng đồng có chủ đích được thành lập có dụng ý. Cộng đồng này mang mọi người lại với nhau để cùng chia sẻ một mục đích hay lý tưởng chung. Họ thường đặt ra những tiêu chuẩn cần có để trở thành hội viên và cộng đồng này được điều hành bằng những điều lệ và quy định. Họ có thể bị rạn nứt, nên cần bảo đảm rằng các thành viên phải trung thành với mục đích của cộng đồng và hành xử theo những phương cách giúp cho sự thành công của cộng đồng. Các cộng đồng này cũng thiết lập những giới hạn, và vi phạm những giới hạn đó sẽ đưa đến việc bị trục xuất khỏi hàng ngũ của họ.

Những nguyên tắc quản trị cộng đồng có chủ đích được Đức Phật đặc biệt quan tâm, bởi vì Ngài là vị sáng lập giáo đoàn xuất gia đem mọi người nam cũng như nữ về với nhau để cùng chia sẻ cam kết thực hành giáo pháp của Ngài. Các thành viên của giáo đoàn đến từ nhiều vùng địa lý khác nhau, được sinh ra từ những giai cấp khác nhau, có những ý tưởng và thái độ rất khác nhau, và thậm chí nói những phương ngữ khác nhau. Ngài còn là người hướng dẫn một đoàn thể lớn hơn gồm các nam nữ cư sĩ trải rộng ra một khu vực chạy dài từ thủ đô Delhi ngày nay cho đến phía Tây vịnh Bengal. Như vậy, đối với Đức Phật, duy trì sự gắn kết của cộng đồng này là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên bị thách thức do những căng thẳng trong đời sống cộng đồng. Ngài đã tiên liệu rằng để bảo đảm cho giáo lý của Ngài được duy trì nguyên vẹn, cần phải đặt ra những điều lệ ấn định các tiêu chuẩn đồng nhất về cách hành xử và xác định những thủ tục điều hành công việc của cộng đồng. Đối diện với các áp lực chia rẽ và thậm chí cả sự nổi loạn, Ngài phải duy trì sự hòa hợp và hàn gắn những xung đột mà đã bùng phát nhiều lần trong suốt quá trình hoằng pháp của Ngài.

Chương VII gồm có những kinh văn nói về sự thiết lập và duy trì cộng đồng có chủ đích. Trong lúc hầu hết các kinh văn được tuyển chọn đều đặc biệt hướng đến giáo đoàn, những mục đích đằng sau các nguyên tắc ấy không nhất thiết phải ràng buộc vào điều lệ của giáo đoàn. Những nguyên tắc các kinh văn ấy đề nghị có thể được các cộng đồng khác chấp nhận và điều chỉnh cho phù hợp với mục đích của họ.

Chương này bắt đầu bằng một loạt các bài kinh ngắn, Kinh Văn VII, 1(1) - (5) phân biệt năm cộng đồng trái ngược nhau - cộng đồng nông nổi và cộng đồng sâu sắc, cộng đồng chia rẽ và cộng đồng hòa hợp, v.v.. - ca ngợi các cộng đồng xứng đáng khi so sánh với các cộng đồng không xứng đáng (1). Kinh Văn VII, 2(1) - (3) thảo luận về sức thu hút khiến mọi người đến với nhau để thành lập cộng đồng. Yếu tố chung được xác định trong Kinh Văn VII, 2 (1): Mọi người gặp nhau và liên kết “bằng các giới ” (yếu tố). Do cá tính tự nhiên (adhimutti), con người liên kết với những người cùng chia sẻ sở thích và mục đích với họ. Một lần nữa, sức thu hút sẽ chia các cộng đồng thành hai loại: hội chúng ác giống như phân trộn chung với phân, nước bọt hòa lẫn với nước bọt; và hội chúng thiện giống như sữa hòa với sữa, hoặc mật ong hòa với mật ong.

Kinh văn VII, 2, (2) kết nối với nhau một số bài kinh nói đặc biệt về các ‘giới’ theo đó con người kết hợp với nhau, đề cập cả tính ác và tính thiện khiến con người tìm đến với nhau. Cũng trong một bài kinh khác không được đưa vào đây (Tương Ưng BK 14:15), Đức Phật chỉ rõ các Tỷ-kheo như thế nào thì có khuynh hướng tụ họp quanh Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất); những Tỷ-kheo có khuynh hướng về thần thông thì tụ họp quanh Tôn giả Moggallāna (Mục-kiền-liên); những Tỷ -kheo quan tâm đến Giới luật thì tụ họp quanh Tôn giả Upāli (Ưu-ba-ly); những Tỷ-kheo có khuynh hướng tu tập khổ hạnh thì tụ họp quanh Tôn giả Mahākassapa (Đại-ca-diếp); và những Tỷ-kheo có nhiều dục vọng bất thiện thì tập hợp quanh Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), người anh họ đầy tham vọng của Đức Phật.

Một bộ nguyên tắc để xây dựng một cộng đồng lành mạnh là saṅgahavatthu, một từ có thể được dịch như là “bốn phương cách để đón nhận người khác” hay là “bốn phương cách để thu phục nhân tâm” (Tứ nhiếp pháp). Những nguyên tắc này đầu tiên được ấn định như là những phương pháp, theo đó, một cá nhân có thể xây dựng một mạng lưới bạn bè, nhưng chúng cũng có thể được dùng để tạo lập và duy trì các mối quan hệ hài hòa trong một nhóm người rộng lớn hơn. Bốn nguyên tắc đó - được mô tả sơ lược trong Kinh văn VII, 2, (3) - là: bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự; từ ngữ cuối được diễn dịch là ‘đối xử với người khác như người ngang hàng với mình.’ Điều lạ lùng là bốn nguyên tắc đặc biệt này chỉ được đề cập trong một vài dịp trong các kinh điển Nguyên thủy. Chúng nhận được nhiều sự quan tâm trong các bài kinh và luận giải của truyền thống Đại Thừa, trong đó, chúng được liệt kê như là những phương tiện chính mà các vị Bồ-tát sử dụng để thu phục kẻ khác và chuyển hóa họ đi vào con đường tích cực.

Một khi cộng đồng có chủ đích đã hình thành, vấn đề lãnh đạo là rất quan trọng để cộng đồng ấy được thành công. Trong thời gian Đức Phật còn tại thế, các đệ tử của Ngài luôn luôn nhìn vào Ngài như là tiêu chuẩn thẩm quyền và vì thế sức thu hút của cá nhân Ngài cũng đủ để cho các đệ tử chấp nhận các mệnh lệnh của Ngài là có tính cách những quy định ràng buộc. Nhưng trước khi nhập diệt, Đức Phật đã từ chối không bổ nhiệm một người kế vị, thay vào đó Ngài thúc đẩy các đệ tử của Ngài xem Giáo pháp và Giới luật là vị thầy của họ và là tiêu chuẩn thẩm quyền: “Này Ānanda, có thể con nghĩ rằng: ‘Giáo pháp đã mất vị thầy. Chúng ta không còn có thầy nữa.’ Con không nên nghĩ như vậy. Giáo pháp và Giới luật do Ta giảng dạy và tuyên thuyết sẽ là thầy của các con sau khi ta nhập diệt.” (2) Kinh văn VII, 3, (1) cũng tuyên bố nguyên tắc ấy. Khi Tôn giả Ānanda được một người Bà-la-môn tên là Vassakāra, tộc trưởng của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) hỏi rằng làm thế nào để các Tỷ-kheo vẫn gắn kết với nhau sau khi vị thầy đã qua đời. Ānanda trả lời rằng mặc dù Đức Phật đã nhập diệt, các Tỷ-kheo không phải là không có nơi nương tựa, vì các vị ấy vẫn còn có Giáo pháp là nơi nương tựa.

Là người thiết lập luật lệ cho cộng đồng của mình, Đức Phật đã đặt ra những bộ luật cho Tỷ-kheo Tăng và Ni, được mô tả và định nghĩa với đầy đủ chi tiết trong Luật tạng. Những quy luật tu tập cũng nhằm mục đích đề cao sự hài hòa giữa các vị xuất gia, cũng như mối quan hệ giữa các vị xuất gia và cộng đồng Phật tử tại gia. Điều này có thể thấy trong Kinh Văn VII, 3, (2), trong đó kể ra mười lý do khiến Đức Phật ban hành quy luật về tu tập. Hai trong số mười quy luật đó cho thấy rằng các quy luật được đặt ra một phần là để khơi dậy tín tâm trong số những gia chủ chưa có đức tin vào Giáo pháp và để củng cố đức tin trong những cư sĩ đã chấp nhận Giáo pháp.

Luật tạng gồm có không những lời giải thích về các quy luật cá nhân của giới xuất gia mà còn là các quy định về việc điều hành các đạo luật chung của cộng đồng tu sĩ. Những quy định ấy cũng cho thấy mối quan tâm của Đức Phật về việc bảo đảm sự hòa hợp trong cộng đồng. Để cho một thủ tục pháp lý của cộng đồng có giá trị đối với Giáo đoàn sinh sống trong một địa phương nào đó, tất cả các cư dân (dù là thường trực hay khách vãng lai) phải hiện diện, hoặc nếu họ không thể trực tiếp tham dự (thí dụ vì bị bệnh), họ phải bày tỏ sự đồng ý để cho thủ tục ấy được tiến hành trong khi họ vắng mặt. Thủ tục giải quyết được chia thành bốn hạng mục: những luật có thể được thẩm quyền thi hành chỉ cần dựa trên thông báo; những luật đòi hỏi phải có một đề nghị; những luật đòi hỏi một đề nghị và một công bố; những luật đòi hỏi một đề nghị và ba công bố. Những luật lệ đòi hỏi các thủ tục phức tạp hơn được xem là quan trọng hơn là những luật lệ có thể được thông qua bằng một thủ tục đơn giản. Như vậy, một điều luật về thọ giới xuất gia, theo đó một ứng viên mới được chấp nhận vào Giáo đoàn, được xem là một thủ tục quan trọng đòi hỏi phải có một đề nghị và ba công bố, trong lúc việc bổ nhiệm một Tỷ-kheo làm người phân phối các bữa ăn chỉ đòi hỏi một đề nghị và một công bố. Trong quá trình thông qua thủ tục pháp lý, các thành viên của cộng đồng chỉ cần bày tỏ sự đồng ý bằng cách giữ im lặng. Tất cả thành viên hiện diện được mời gọi lên tiếng phản đối bất cứ vấn đề nào trong tiến trình này, và nếu không có ai phản đối, việc giải quyết được tuyên bố là đã thông qua. (3)

Để duy trì sự hòa hợp trong cộng đồng xuất gia, Đức Phật đã đặt ra một bộ nguyên tắc hướng dẫn được biết như là sáu nguyên tắc hòa hợp (dhammāsāranīyā) (pháp Lục hòa), được đưa vào đây trong Kinh Văn VII, 3, (3). Những nguyên tắc này được ca ngợi là “đem lại tình thương yêu, kính trọng, thuận thảo, hòa hợp, không tranh chấp và đoàn kết.” Từ nguồn gốc, các nguyên tắc này dự định áp dụng cho Giáo đoàn, nhưng với một vài điều chỉnh thích hợp, chúng có thể được áp dụng cho các cộng đồng có chủ đích khác. Sự nhấn mạnh đến lòng tử tế đối với nhau, cách hành xử thiện lành, và việc chia sẻ cho nhau những gì thu nhận được làm cho những nguyên tắc này trở thành phương cách đối trị với chủ nghĩa cá nhân và lòng ích kỷ có thể chia rẽ và xé rách cộng đồng ra từng mảnh. Diễn dịch theo nghĩa rộng, ở điểm bài kinh nói về việc chia sẻ những gì nhận được trong bình bát khất thực, ta có thể hiểu ngụ ý là việc chia sẻ các tài nguyên và tái phân phối lợi tức để loại bỏ sự cách biệt giàu nghèo trắng trợn giữa người và người. Ở điểm bài kinh nói về việc hòa hợp các quan điểm, thì trong một xã hội đa nguyên, điều này có thể hiểu là tôn trọng lẫn nhau và bao dung đối với những người có các quan điểm khác biệt. Mười nguyên tắc bổ sung về sự hòa hợp, được mô tả tương tự như thế nhưng với trọng tâm hướng đến giới xuất gia nhiều hơn, được đưa ra trong Kinh Văn VII, 3 (4).

Là điều thông thường trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, Đức Phật thỉnh thoảng cũng được các lãnh đạo đoàn thể dân sự tìm đến để xin lời dạy của Ngài về việc cổ động cho sự đoàn kết gắn bó bên trong các cộng đồng của họ. Để trả lời, Ngài đã đưa ra bảy nguyên tắc được thiết lập để nuôi dưỡng sự hòa hợp trong xã hội. Vị trí chính xác của các điểm này được tìm thấy trong Kinh Văn VII, 3, (5), trong đó, Ngài dạy “bảy điều kiện để không bị suy tàn” cho người dân Vajjī, một liên đoàn các bộ tộc hùng mạnh tập trung quanh thành Vesāli (Tỳ-xá-ly). Bảy điều kiện này nhằm mục đích bảo đảm cho người dân Vajjī có thể đứng vững được trước những thách thức của các vương quốc lân cận, đặc biệt là nước Magadha (Ma-kiệt-đà), vị vua của nước này đang tìm cách sáp nhập lãnh thổ của dân Vajjī vào vương quốc của mình. Nhân dịp Đức Phật dùng những đường lối hướng dẫn vốn dự định dành cho xã hội dân sự, và rồi với một vài thay đổi thích hợp, Ngài chỉ định đường lối này cho Giáo đoàn. Điều này được thực hiện với bảy nguyên tắc để không bị suy tàn trong Kinh Văn VII, 3, (6), một phiên bản thích hợp với hoàn cảnh của các Tỷ-kheo.

Bài kinh tiếp theo, Kinh Văn VII, 3, (7) bàn về một phương diện đặc thù của đời sống cộng đồng, đó là chăm sóc người bệnh. Ở đây, Đức Phật kể ra năm đức tánh đáng quý của người chăm sóc và năm đức tánh đáng quý của người bệnh. Mặc dù có vẻ như Ngài muốn nói đến việc chăm sóc người bệnh trong tu viện, nơi thường không có người chăm sóc chuyên môn, những đức tính như vậy cũng có thể áp dụng như những điều hướng dẫn để chăm sóc một người bệnh trong đời sống gia đình.

Như mọi người đã biết, xã hội Ấn Độ thời Đức Phật được chia thành bốn giai cấp hay giai tầng xã hội, được xác định trên cơ sở nguồn gốc gia đình người ấy sinh ra. Giai cấp Sát-đế-lỵ (khattiya) là giai cấp quý tộc hay giai cấp cầm quyền; giai cấp Bà-la-môn (brāhmaṇa) là giai cấp Tăng lữ; giai cấp Phệ-xá (vessa) là giai cấp lái buôn và nông gia; và giai cấp Thủ-đà-la (sudda) là giai cấp lao động và công nhân. Ngoài hệ thống bốn giai cấp trên còn có những người không có giai cấp, được biết như là người Chiên-đà-la (những kẻ bần cùng), là những người làm các nghề thấp hèn nhất, như người hốt rác, người chùi dọn nhà vệ sinh, và những người dọn dẹp các bãi thiêu xác chết. Trong chương này, tôi trình bày thái độ của Đức Phật đối với các giai cấp bên trong Giáo đoàn; trong chương cuối tôi sẽ bàn đến quan điểm của Đức Phật về vị trí của giai cấp trong xã hội đời thường. Bên trong Giáo đoàn, Đức Phật xem vị trí giai cấp là không quan trọng. Trong Kinh Văn VII, 4, (1), Ngài nói rằng, cũng giống như nước trong các dòng sông lớn của Ấn Độ, khi chảy ra biển, đều bỏ tên riêng của dòng sông ấy và chỉ được biết như là “nước biển”, cũng vậy, những người thuộc về tất cả bốn giai cấp khi gia nhập Giáo đoàn đều bỏ vị trí giai cấp của mình và chỉ được biết như là đệ tử của bậc hiền trí Thích-ca. Trong Kinh Văn VII,4, (2), Ngài tuyên bố rằng những người đến từ bất cứ giai cấp nào khi bước vào đời sống không gia đình đều có thể phát triển tâm từ cao thượng, và tiến xa hơn để có thể chứng đắc mục tiêu cuối cùng là đoạn tận mọi phiền não cấu uế. Kinh Văn VII, 4, (3) trong đó, Đức Phật trả lời vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), rằng bất cứ ai đoạn trừ năm triền cái (năm chướng ngại) và đạt được năm chi phần của một bậc A-la- hán (Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến) thì vị ấy là ruộng phước tối thượng, bất kể vị ấy thuộc giai cấp nào.

Kinh Văn VII, 5 cung cấp một hình ảnh tỏa sáng về một nhóm nhỏ Tỷ-kheo sống chung với nhau hoàn toàn hòa hợp như nước với sữa. Các vị ấy nói rằng, bí quyết thành công của họ là mỗi người tự mình dẹp qua một bên những gì mình muốn và quan tâm đến những gì người khác muốn. Bằng cách ấy, mặc dù thân của họ khác nhau nhưng tâm của họ đồng nhất.

Trong một xã hội Phật giáo, sự hòa hợp là rất cần thiết không những trong giới cư sĩ và Giáo đoàn khi họ điều hành những công việc nội bộ của họ, mà còn giữa hai cộng đồng trong lúc hai bên tương tác với nhau. Vì vậy, phần cuối của chương này được dành cho sự hợp tác giữa giới xuất gia và cộng đồng cư sĩ. Kinh Văn VII, 6, (1) xác định rõ ràng rằng Giáo pháp sẽ hưng thịnh khi hai nhánh của cộng đồng Phật giáo nhận thức được bổn phận của họ đối với nhau và hỗ trợ cho nhau trong tinh thần chia sẻ lòng trân trọng đối với nhau. Ba bài kinh sau đây, Kinh Văn VII, 6, (2) - (1) minh họa điểm này từ hai quan điểm, chỉ rõ phương cách đúng đắn cho cư sĩ đối xử với các tu sĩ, và các tu sĩ đối xử với cư sĩ. Cần phải ghi nhớ rằng các tiêu chuẩn hành xử đặt ra ở đây mặc nhiên được chấp nhận trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại thời Đức Phật tại thế - một thời đại mà giới cư sĩ hiếm khi được tiếp cận với giáo lý cao siêu và thường chỉ quan tâm đến việc thực hành công đức để đưa đến tái sinh vào cõi Thiên. Trong thế giới ngày nay, khi giới cư sĩ có thể học tập Giáo pháp thâm diệu và tham dự nhiều giai đoạn tu tập tích cực chuyên sâu, những thay đổi trong các mối quan hệ đặc thù ấy sẽ tự nhiên xảy ra. Tuy nhiên, nếu sự hòa hợp là điều ưu tiên được đề cao giữa hai cộng đồng, thì tinh thần tôn kính và cách hành xử thiện lành vẫn phải được duy trì liên tục trong các mối quan hệ ấy.

I. CỘNG ĐỒNG THÀNH LẬP CÓ CHỦ ĐÍCH

1. CÁC LOẠI HỘI CHÚNG

(1) Hội chúng nông nổi và hội chúng sâu sắc

“Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng. Thế nào là hai? Hội chúng nông nổi và hội chúng sâu sắc.

“Và thế nào là hội chúng nông nổi? Hội chúng trong đó các Tỷ-kheo bất an, vênh váo, kiêu căng, lắm lời, nói năng lộn xộn, thất niệm, thiếu tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn buông lung. Đây gọi là hội chúng nông nổi.

“Và thế nào là hội chúng sâu sắc? Hội chúng trong đó các Tỷ-kheo không bất an, không vênh váo, không kiêu căng, không lắm lời, không nói năng lộn xộn, đã thiết lập chánh niệm, tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, các căn được hộ trì. Đây gọi là hội chúng sâu sắc.

“Đây là hai loại hội chúng. Trong hai hội chúng này, hội chúng sâu sắc là tối thượng.”

(Tăng Chi BK I, Ch. II, (V):1-10, tr. 133-134)

(2) Hội chúng chia rẽ và hội chúng hòa hợp

“Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng. Thế nào là hai? Hội chúng chia rẽ và hội chúng hòa hợp.

“Và thế nào là hội chúng chia rẽ? Hội chúng trong đó các Tỷ-kheo sống hay cãi cọ, gây gổ và rơi vào tranh chấp, đả thương nhau bằng những lời nói sắc bén như dao. Đây gọi là hội chúng chia rẽ.

“Và thế nào là hội chúng hòa hợp? Hội chúng trong đó các Tỷ-kheo sống thuận thảo, hòa hợp, không tranh chấp, chan hòa với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng đôi mắt thân ái. Đây gọi là hội chúng hòa hợp.

“Đây là hai loại hội chúng. Trong hai hội chúng này, hội chúng hòa hợp là tối thượng.”

(Tăng Chi BK I, Ch. II, (V):1-10, tr. 134)

(3) Hội chúng thấp kém và hội chúng cao thượng

“Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng. Thế nào là hai? Hội chúng thấp kém và hội chúng cao thượng.

“Và thế nào là hội chúng thấp kém? Ở đây, trong hội chúng này, các Tỷ-kheo trưởng lão sống xa hoa, lười biếng, dẫn đầu về thối đọa, vất bỏ nhiệm vụ xả ly; các vị này không cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, thành tựu những gì chưa thành tựu, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Những lớp Tăng sĩ thế hệ sau noi theo gương của các vị trưởng lão ấy. Họ cũng sống xa hoa, lười biếng, dẫn đầu về thối đọa, vất bỏ nhiệm vụ xả ly; các vị này không cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, thành tựu những gì chưa thành tựu, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây gọi là hội chúng thấp kém.

“Và thế nào là hội chúng cao thượng? Ở đây, trong hội chúng này, các Tỷ-kheo trưởng lão không sống xa hoa, không lười biếng, loại bỏ thối đọa, dẫn đầu nhiệm vụ xả ly; các vị này cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, thành tựu những gì chưa thành tựu, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Những lớp Tăng sĩ thế hệ sau noi theo gương của các vị trưởng lão ấy. Họ cũng không sống xa hoa, không lười biếng, loại bỏ thối đọa, dẫn đầu nhiệm vụ xả ly; các vị này cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, thành tựu những gì chưa thành tựu, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây gọi là hội chúng cao thượng.

“Đây là hai loại hội chúng. Trong hai hội chúng này, hội chúng cao thượng là tối thắng.”

(Tăng Chi BK I, Ch. II, (V):1-10, tr. 134-136)

(4) Hội chúng phàm phu và hội chúng bậc Thánh

“Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng. Thế nào là hai? Hội chúng phàm phu và hội chúng bậc Thánh.

“Và thế nào là hội chúng phàm phu? Hội chúng trong đó các Tỷ-kheo không hiểu đúng như thật: ‘Đây là khổ; đây là nguồn gốc của khổ; đây là sự diệt khổ; đây là con đường đưa đến diệt khổ’. Đây gọi là hội chúng phàm phu.

“Và thế nào là hội chúng bậc Thánh? Hội chúng trong đó các Tỷ-kheo hiểu đúng như thật: ‘Đây là khổ; đây là nguồn gốc của khổ; đây là sự diệt khổ; đây là con đường đưa đến diệt khổ’. Đây gọi là hội chúng bậc Thánh.

“Đây là hai loại hội chúng. Trong hai hội chúng này, hội chúng bậc Thánh là tối thượng.”

(Tăng Chi BK I, Ch. II, (V):1-10, tr. 136)

(5) Hội chúng không nghiêm minh và hội chúng nghiêm minh

“Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng. Thế nào là hai? Hội chúng không nghiêm minh và hội chúng nghiêm minh.

“Và thế nào là hội chúng không nghiêm minh? Trong hội chúng này, những quy chế trái với Giáo pháp được thi hành và những quy chế đúng với Giáo pháp không được thi hành; những quy chế trái với Giới luật được thi hành và những quy chế đúng với Giới luật không được thi hành. Những quy chế trái với Giáo pháp được phát huy và những quy chế đúng với Giáo pháp không được phát huy; những quy chế trái với Giới luật được phát huy và những quy chế đúng với Giới luật không được phát huy. Đây gọi là hội chúng không nghiêm minh. Bởi vì hội chúng này là không nghiêm minh nên trong hội chúng này, những quy chế trái với Giáo pháp được thi hành … và những quy chế đúng với Giới luật không được phát huy.

“Và thế nào là hội chúng nghiêm minh? Ở đây, trong hội chúng này, những quy chế đúng với Giáo pháp được thi hành và những quy chế trái với Giáo pháp không được thi hành; những quy chế đúng với Giới luật được thi hành và những quy chế trái với Giới luật không được thi hành. Những quy chế đúng với Giáo pháp được phát huy và những quy chế trái với Giáo pháp không được phát huy; những quy chế đúng với Giới luật được phát huy và những quy chế trái với Giới luật không được phát huy. Đây gọi là hội chúng nghiêm minh. Bởi vì hội chúng này là nghiêm minh nên trong hội chúng này, những quy chế đúng với Giáo pháp được thi hành… và những quy chế trái với Giới luật không được phát huy.

“Đây là hai loại hội chúng. Trong hai hội chúng này, hội chúng nghiêm minh là tối thượng.”

(Tăng Chi BK I, Ch. II, (V):1-10, tr. 141-147)

2. THÀNH LẬP CỘNG ĐỒNG

(1) Chúng sinh đến với nhau và kết hợp như thế nào

“Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc vào ‘giới’ mà chúng sinh tìm đến và kết hợp với nhau: những kẻ có cá tính thấp kém tìm đến và kết hợp với những người có cá tính thấp kém. Trong quá khứ họ đã làm như vậy, trong tương lai họ sẽ làm như vậy, và trong hiện tại họ cũng làm như vậy. Cũng giống như phân thì tìm đến và kết hợp với phân, nước tiểu kết hợp với nước tiểu, nước bọt kết hợp với nước bọt, mủ kết hợp với mủ, máu kết hợp với máu. Tùy thuộc vào giới mà chúng sinh tìm đến và kết hợp với nhau: những kẻ có cá tính thấp kém tìm đến và kết hợp với những người có cá tính thấp kém. Trong quá khứ họ đã làm như vậy, trong tương lai họ sẽ làm như vậy, và trong hiện tại họ cũng làm như vậy.

“Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc vào ‘giới’ mà chúng sinh tìm đến và kết hợp với nhau: những kẻ có cá tính thiện lành tìm đến và kết hợp với những người có cá tính thiện lành. Trong quá khứ họ đã làm như vậy, trong tương lai họ sẽ làm như vậy, và trong hiện tại họ cũng làm như vậy. Cũng giống như sữa tìm đến kết hợp với sữa, dầu kết hợp với dầu, mỡ kết hợp với mỡ, mật ong kết hợp với mật ong và mật mía kết hợp với mật mía. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, tùy thuộc vào giới mà chúng sinh tìm đến và kết hợp với nhau: những kẻ có cá tính thiện lành tìm đến và kết hợp với những người có cá tính thiện lành. Trong quá khứ họ đã làm như vậy, trong tương lai họ sẽ làm như vậy, và trong hiện tại họ cũng làm như vậy.”

(Tương Ưng BK II, Ch. 14(II), tr. 273-276)

(2) Những người giống nhau thường tìm đến với nhau / Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

“Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc vào ‘giới’ mà chúng sinh tìm đến và kết hợp với nhau. Kẻ thiếu lòng tin tìm đến kết hợp với kẻ thiếu lòng tin; kẻ không biết hổ thẹn kết hợp với kẻ không biết hổ thẹn; kẻ không sợ làm điều ác kết hợp với kẻ không sợ làm điều ác; kẻ vô văn kết hợp với kẻ vô văn; kẻ lười biếng kết hợp với kẻ lười biếng; kẻ thất niệm kết hợp với kẻ thất niệm; kẻ ngu kết hợp với kẻ ngu. Trong quá khứ họ đã làm như vậy, trong tương lai họ sẽ làm như vậy, và trong hiện tại họ cũng làm như vậy.”

“Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc vào ‘giới’ mà chúng sinh tìm đến và kết hợp với nhau. Kẻ có lòng tin tìm đến kết hợp với kẻ có lòng tin; kẻ biết hổ thẹn kết hợp với kẻ biết hổ thẹn; kẻ sợ làm điều ác kết hợp với kẻ sợ làm điều ác; kẻ đa văn kết hợp với kẻ đa văn; kẻ tinh cần kết hợp với kẻ tinh cần; kẻ luôn giữ chánh niệm kết hợp với kẻ luôn giữ chánh niệm; người có trí tuệ kết hợp với người có trí tuệ. Trong quá khứ họ đã làm như vậy, trong tương lai họ sẽ làm như vậy, và trong hiện tại họ cũng làm như vậy.”

“Những kẻ sát sanh tìm đến và kết hợp với kẻ sát sanh; kẻ trộm cắp… kẻ tà dâm… kẻ nói láo… kẻ tham đắm rượu men, rượu nấu và chất gây nghiện tìm đến và kết hợp với kẻ tham đắm rượu men, rượu nấu và chất gây nghiện.”

“Những kẻ từ bỏ sát sanh tìm đến và kết hợp với những kẻ từ bỏ sát sanh; kẻ từ bỏ trộm cắp… kẻ từ bỏ tà dâm… kẻ từ bỏ nói láo… kẻ từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện tìm đến và kết hợp với kẻ từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện.”

“Những kẻ có tà kiến tìm đến và kết hợp với những kẻ có tà kiến; những kẻ tà tư duy… tà ngữ… tà nghiệp… tà mạng… tà tinh tấn… tà niệm… tà định tìm đến và kết hợp với kẻ có tà định.”

“Những kẻ có chánh kiến tìm đến và kết hợp với những kẻ có chánh kiến; những kẻ chánh tư duy… chánh ngữ… chánh nghiệp… chánh mạng… chánh tinh tấn… chánh niệm… chánh định tìm đến và kết hợp với kẻ có chánh định.”

(Tương Ưng BK II, Ch. 14 (II-III), tr. 273-294)

(3) Tứ nhiếp pháp (Bốn phương cách thu phục nhân tâm)

“Này các Tỷ-kheo, có bốn phương cách thu phục nhân tâm (Tứ nhiếp pháp). Thế nào là bốn? Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự . Đây là bốn phương cách thu phục nhân tâm.

Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Vào những hoàn cảnh khác nhau trong đời,
Áp dụng tương xứng tùy trường hợp:

Bốn nhiếp pháp này,
Quan trọng như trục bánh xe quay.
Nếu không có nhiếp pháp này,
Thì cả mẹ và cha,
Không nhận được sự tôn trọng,
Và cung kính của con cái.

Nhưng các nhiếp pháp có hiện hữu,
Nên các bậc trí tôn trọng hành trì;
Vì thế họ đạt được sự vĩ đại,
Và được ca ngợi rất nhiều.”

(Tăng Chi BK I, Ch. IV, (IV):32; tr. 610-611)

3. DUY TRÌ CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG

(1) Tiêu chuẩn thẩm quyền

Người Bà-la-môn Vassakāra, vị đại thần của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) hỏi Tôn giả Ānanda:
– Thưa Tôn giả Ānanda, có một vị Tỷ-kheo nào được Đức Phật chỉ định như thế này: ‘Vị này sẽ là người các ông nương tựa sau khi Ta nhập diệt, và giờ đây các ông sẽ trông cậy vào vị này?’(4)

– Không có một vị Tỷ-kheo nào được Thế Tôn chỉ định như thế này: ‘Vị này sẽ là người các ông nương tựa sau khi Ta nhập diệt, và giờ đây các ông sẽ trông cậy vào vị này.’

– Nhưng thưa Tôn giả Ānanda, có một vị Tỷ-kheo nào được Tăng đoàn lựa chọn và được một số trưởng lão Tỷ-kheo chỉ định như thế này: ‘Vị này sẽ là người các ông nương tựa sau khi Thế Tôn nhập diệt, và giờ đây các ông sẽ trông cậy vào vị này?’

– Không có một vị Tỷ-kheo nào được Tăng đoàn lựa chọn và được một số trưởng lão Tỷ-kheo chỉ định như thế này: ‘Vị này sẽ là người các ông nương tựa sau khi Thế Tôn nhập diệt, và giờ đây các ông sẽ trông cậy vào vị này.’

– Thưa Tôn giả Ānanda, nếu không có nơi nương tựa, thì lý do gì khiến quý vị có thể hòa hợp?

– Này Bà-la-môn, không phải chúng tôi không có nơi nương tựa. Chúng tôi có nơi nương tựa, chúng tôi có Giáo pháp là nơi nương tựa của chúng tôi.

– Thưa Tôn giả Ānanda, Tôn giả nói rằng quý vị có Giáo pháp là nơi nương tựa. Lời nói này phải được hiểu như thế nào?

– Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã ấn định quy trình rèn luyện cho các Tỷ-kheo, và thiết lập giới bổn Pātimokkha (Ba-la-đề-mộc- xoa). Vào những ngày Uposatha (ngày Bố-tát) (5), tất cả chúng tôi đang sống lệ thuộc vào cùng một thôn làng sẽ cùng nhau họp mặt tại một chỗ, và khi họp mặt chúng tôi yêu cầu một vị đọc tụng lại giới bổn Pātimokkha. Trong lúc giới bổn Pātimokkha được đọc tụng, nếu có một Tỷ-kheo nhớ lại là đã phạm tội hay phạm giới, chúng tôi sẽ giải quyết sự việc với vị ấy theo đúng Giáo pháp như chúng tôi đã được chỉ dạy. Không phải các Tôn giả giải quyết sự việc, mà chính Giáo pháp đã giải quyết sự việc của chúng tôi.

(Trung BK III, Kinh số 108, tr. 122-124)

(2) Lý do để thiết lập các học pháp

Tôn giả Upāli (Ưu-ba-li) đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, dựa trên những nền tảng nào mà Như Lai đã thiết lập các học pháp cho đệ tử của Ngài và đọc tụng giới bổn Pātimokkha?

– Này Upāli, Như Lai dựa trên mười nền tảng để thiết lập các học pháp cho các đệ tử và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Thế nào là mười? (1) Để Tăng chúng được an vui; (2) để Tăng chúng được thoải mái; (3) để kiểm soát những người cứng đầu, khó dạy; (4) để cho các Tỷ-kheo tốt có thể sống an ổn; (5) để chế ngự sự xâm nhập của các cấu uế trong hiện tại; (6) để loại trừ sự xâm nhập của các cấu uế trong đời sống tương lai; (7) để đem lại lòng tin cho những kẻ chưa có đức tin; (8) để tăng trưởng lòng tin cho những người đã có đức tin; (9) để diệu Pháp được tiếp tục tồn tại; và (10) để cổ xúy cho Giới luật. Như Lai đã dựa trên mười nền tảng này để thiết lập các học pháp cho các đệ tử và đọc tụng giới bổn Pātimokkha.

(Tăng Chi BK IV, Ch. X (IV):31, tr. 333-334)

(3) Sáu nguyên tắc hòa hợp

– Này các Tỷ-kheo, có sáu nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết. Thế nào là sáu?

(1) – Ở đây, vị Tỷ-kheo giữ gìn những hành động từ ái về thân đối với các vị đồng tu, ở nơi công cộng cũng như chốn riêng tư. Đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết.

(2) – Lại nữa, vị Tỷ-kheo giữ gìn những hành động từ ái về lời nói đối với các vị đồng tu, ở nơi công cộng cũng như chốn riêng tư. Đây cũng là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết.

(3) – Lại nữa, vị Tỷ-kheo giữ gìn những hành động từ ái về ý đối với các vị đồng tu, ở nơi công cộng cũng như chốn riêng tư. Đây cũng là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết.

(4) – Lại nữa, vị Tỷ-kheo không ngại ngần chia sẻ bất cứ những gì vị ấy thâu nhận được một cách chơn chánh, kể cả chỉ là những gì có được trong bình bát, và cùng san sẻ chúng với các huynh đệ đồng tu có giới đức. Đây cũng là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng…

(5) – Lại nữa, vị Tỷ-kheo sống ở nơi công cộng cũng như ở chốn riêng tư, cùng với các vị đồng tu thành tựu những giới đức không bị bể vụn, không bị sai sót, không bị tì vết, không bị hỗn tạp, giải thoát, được người trí khen ngợi, không chấp thủ, đưa đến thiền định. Đây cũng là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng…

(6) – Lại nữa, vị Tỷ-kheo sống ở nơi công cộng cũng như ở chốn riêng tư, cùng với các vị đồng tu thành tựu tri kiến cao thượng và giải thoát, dẫn dắt người tu tập theo đúng con đường ấy đến chỗ đoạn tận hoàn toàn mọi khổ đau. Đây cũng là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng…

– Này các Tỷ-kheo, đây là sáu nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết.

(Tăng Chi BK III, Ch. VI (II): 12, tr. 22-23)

(4) Mười nguyên tắc hòa hợp

Một thời, có một số Tỷ-kheo tụ họp trong hội trường, và khi các vị ấy đang ngồi với nhau thì bắt đầu tranh cãi và gây gổ rồi đi đến tranh chấp nhau, đả thương nhau bằng những lời nói sắc bén như vũ khí. Vào buổi chiều, Thế Tôn sau khi xuất thiền, đi vào hội trường, ngồi xuống một chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, vừa qua các thầy đang tham gia thảo luận việc gì trong lúc đang ngồi ở đây? Câu chuyện gì đã bị gián đoạn?

– Bạch Thế Tôn, sau khi đi khất thực về, sau buổi ăn, chúng con tụ tập trong giảng đường và khi chúng con đang ngồi với nhau thì bắt đầu tranh cãi và gây gổ rồi đi đến tranh chấp nhau, đả thương nhau bằng những lời nói sắc bén như vũ khí.

– Này các Tỷ-kheo, thật là không thích hợp đối với các thầy, là các thanh niên bộ tộc vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại tranh cãi, gây gổ và đi đến tranh chấp nhau, đả thương nhau bằng những lời nói sắc bén như vũ khí.

– Này các Tỷ-kheo, có mười nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết. Thế nào là mười?

(1) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có giới đức, sống được chế ngự bằng giới bổn Pātimokkha, có đầy đủ chánh hạnh và oai nghi, thấy được sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, đã chấp nhận và thực hành các học pháp. Bởi vì, vị Tỷ-kheo có giới đức… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết.

(2) Lại nữa, vị Tỷ-kheo học tập nhiều, ghi nhớ những gì mình đã học tập, và tích lũy những gì đã học tập. Những giáo pháp ấy tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa và tốt đẹp ở đoạn cuối, với ý nghĩa và lời văn chơn chánh, ca ngợi đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh và viên mãn - các giáo pháp này vị ấy đã học tập nhiều, ghi nhớ trong tâm, đọc tụng bằng lời, quán sát thẩm tra bằng ý, khéo thấm nhuần với chánh kiến. Bởi vì, vị Tỷ-kheo học hỏi nhiều… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(3) Lại nữa, vị Tỷ-kheo có nhiều bạn bè tốt, bạn đồng hành tốt, bạn đồng tu tốt. Bởi vì, vị Tỷ-kheo có nhiều bạn bè tốt… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(4) Lại nữa, vị Tỷ-kheo dễ sửa sai và sở hữu những đức tánh khiến cho vị ấy dễ sửa sai; vị ấy nhẫn nhục và chấp nhận những lời chỉ dạy với thái độ tôn kính. Bởi vì, vị Tỷ-kheo dễ sửa sai… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(5) Lại nữa, vị Tỷ-kheo khéo léo và tinh cần trong khi làm những công việc đa dạng cần phải làm cho các bạn đồng tu; vị ấy có sự tìm tòi, hiểu biết thích hợp cho các việc ấy, và có khả năng thực hiện và sắp xếp mọi việc một cách đúng đắn. Bởi vì, vị Tỷ-kheo khéo léo và tinh cần… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(6) Lại nữa, vị Tỷ-kheo yêu thích Giáo pháp và vui vẻ đưa ra những lời khẳng định đầy niềm hoan hỷ cao thượng về Giáo pháp và Giới luật. Bởi vì, vị Tỷ-kheo yêu thích Giáo pháp… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(7) Lại nữa, vị Tỷ-kheo đã khởi tâm tinh tấn từ bỏ các pháp bất thiện và thành tựu các thiện pháp; vị ấy dũng mãnh, vững vàng trong mọi nỗ lực, không bỏ bê nhiệm vụ tu tập các thiện pháp. Bởi vì, vị Tỷ-kheo đã khởi tâm tinh tấn… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(8) Lại nữa, vị Tỷ-kheo hài lòng với bất cứ loại y áo, đồ ăn khất thực, chỗ cư ngụ, thuốc men và các phẩm vật trị bệnh. Bởi vì, vị Tỷ-kheo hài lòng với bất cứ loại y áo… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(9) Lại nữa, vị Tỷ-kheo luôn giữ chánh niệm, thành tựu chánh niệm và tỉnh giác tối thượng, là người ghi nhớ và hồi tưởng lại những gì đã làm và đã nói từ lâu. Bởi vì, vị Tỷ-kheo luôn giữ chánh niệm… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến đoàn kết.

(10) Lại nữa, vị Tỷ-kheo có trí tuệ, thành tựu trí tuệ để thấy được sự sanh diệt của các pháp, đó là trí tuệ cao thượng và thể nhập thâm sâu, đưa đến đoạn tận hoàn toàn mọi khổ đau. Bởi vì vị Tỷ- kheo có trí tuệ… đây là một nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến và đoàn kết.

– Này các Tỷ-kheo, đây là mười nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận và đoàn kết.

(Tăng Chi BK IV, Ch. X (V):50, tr. 538-362)

(5) Bảy điều kiện để hòa hợp xã hội

Một thời, Thế Tôn đang trú ở nước Vesāli (Tỳ-xá-ly) tại điện thờ Sārandada. Bấy giờ, có một số người Licchavi đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các người ấy rằng:
– Này các người Licchavi, Ta sẽ giảng cho các ông về bảy nguyên tắc để không bị suy tàn. Hãy chú tâm lắng nghe. Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các người Licchavi vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các người Licchavi, thế nào là bảy nguyên tắc để không bị suy tàn?

(1) – Này các người Licchavi, bao lâu mà dân Vajjī (Bạt-kỳ) thường hội họp, và tổ chức các buổi hội họp thường xuyên, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

(2) – Bao lâu mà dân Vajjī hội họp trong sự hòa hợp, giải tán trong sự hòa hợp và tiếp tục công việc của họ trong sự hòa hợp, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

(3) – Bao lâu mà dân Vajjī không làm những gì luật lệ không cho phép và không hủy bỏ những gì luật lệ đã cho phép, nhưng họ tiến hành công việc theo các truyền thống xưa cổ mà dân Vajjī đã được phép làm, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

(4) – Bao lâu mà dân Vajjī vinh danh, kính trọng, tôn sùng và đảnh lễ những bậc trưởng lão Vajjī và xem những vị này xứng đáng được lắng nghe, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

(5) – Bao lâu mà dân Vajjī không dùng vũ lực để bắt cóc vợ và con gái của gia đình người khác, và ép buộc những người này phải sống với họ, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

(6) – Bao lâu mà dân Vajjī vinh danh, kính trọng, tôn sùng và đảnh lễ các nơi thờ tự truyền thống của người Vajjī, ở trong và ngoài thành phố, và không lãng quên các buổi cúng tế đúng pháp đã được thực hiện trong quá khứ, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

(7) – Bao lâu mà dân Vajjī vẫn hộ trì đúng đắn, cung cấp nơi cư ngụ và sự bảo vệ an toàn cho các bậc A-la-hán, để cho các bậc A-la-hán chưa đến sẽ có thể đến trong tương lai, và những bậc A-la-hán đã đến có thể thoải mái cư ngụ tại đó, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

– Này các người Licchavi, bao lâu mà bảy nguyên tắc để không bị suy tàn này vẫn được dân Vajjī tiếp tục thực hiện, và dân Vajjī được xem như đã duy trì vững vàng các nguyên tắc này, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

(Tăng Chi BK III, Ch. 7 (III): 19, tr. 296-298)

(6) Bảy điều kiện để hòa hợp Tăng chúng

Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các thầy bảy nguyên tắc để không bị suy tàn. Hãy chú tâm lắng nghe, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn giảng như sau:
– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy nguyên tắc để không bị suy tàn?

(1) – Bao lâu mà các Tỷ-kheo thường hội họp, và tổ chức các buổi hội họp thường xuyên, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(2) – Bao lâu mà các Tỷ-kheo hội họp trong sự hòa hợp, giải tán trong sự hòa hợp, và tiếp tục công việc của Tăng đoàn trong sự hòa hợp, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(3) – Bao lâu mà các Tỷ-kheo không làm những gì luật lệ không cho phép và không hủy bỏ những gì luật lệ đã cho phép, nhưng họ tiến hành công việc theo các học pháp mà họ đã được phép làm, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(4) – Bao lâu mà các Tỷ-kheo vinh danh, kính trọng, tôn sùng và đảnh lễ những bậc Tỷ-kheo trưởng lão, thâm niên, cao tuổi hạ, là các bậc cha và người hướng dẫn của Tăng chúng, và xem những vị này xứng đáng được lắng nghe, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(5) – Bao lâu mà các Tỷ-kheo không bị chi phối bởi tham ái khởi sinh, đưa đến hình thành một đời sống khác, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(6) – Bao lâu mà các Tỷ-kheo vẫn chú tâm đến việc cư trú trong rừng, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(7) – Bao lâu mà các Tỷ-kheo mỗi người đều tự mình thiết lập chánh niệm, khiến cho các bạn đồng tu có giới hạnh chưa đến sẽ có thể đến ở trong tương lai, và những vị đồng tu có giới hạnh đã đến có thể sống an lạc ở đây, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

– Này các Tỷ-kheo, bao lâu mà bảy nguyên tắc để không bị suy tàn này vẫn được các Tỷ-kheo tiếp tục thực hiện, và các Tỷ- kheo được xem như đã duy trì vững vàng các nguyên tắc này, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(Tăng Chi BK III, Ch. 7 (III): 19, tr. 305-307)

(7) Chăm sóc người bệnh

– Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm đức tánh này, một người chăm sóc đủ khả năng chăm sóc một người bệnh. Thế nào là năm? (1) Người này có khả năng pha thuốc. (2) Người này biết cái gì có lợi ích và cái gì có hại, do đó người ấy giữ lại cái không có lợi và đưa ra những gì có lợi ích. (3) Người này chăm sóc người bệnh với tâm từ, chứ không phải vì các phần thưởng vật chất. (4) Người này không ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ nôn mửa, hay nước bọt. (5) Thỉnh thoảng, người này có khả năng chỉ dẫn, khuyến khích, khơi nguồn cảm hứng và làm cho người bệnh phấn khởi bằng một bài Pháp thoại.
– Sở hữu năm đức tánh này, một người chăm sóc đủ khả năng chăm sóc một người bệnh.

– Sở hữu năm đức tánh này, một người bệnh được chăm sóc dễ dàng. Thế nào là năm? (1) Người này làm những gì có lợi ích. (2) Biết dùng vừa phải những gì có lợi ích. (3) Có dùng thuốc men. (4) Người này tiết lộ chính xác những triệu chứng bệnh của mình cho người chăm sóc tốt bụng biết; tường trình, đúng như trường hợp của mình, rằng tình trạng sức khỏe của mình đang tệ hại hơn, hay đang tiến triến tốt hơn, hay vẫn giữ nguyên như cũ. (5) Người này có thể kiên nhẫn chịu đựng những cảm thọ về thân đang khởi lên, đau đớn, khốc liệt, đau nhói, đau như dao đâm, đau kinh khủng, rất khó chịu, vắt kiệt sức sống.
– Sở hữu năm đức tánh này, một người bệnh được chăm sóc dễ dàng.

(Tăng Chi BK II, Ch. V (XIII):123-124, tr. 541-543)

4. GIAI CẤP KHÔNG QUAN TRỌNG

(1) Hòa nhập như sông chảy vào biển lớn

“Cũng giống như, khi các sông lớn - như sông Ganges (sông Hằng), sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, và sông Mahī - chảy ra biển lớn, các sông này bỏ tên cũ và địa danh của chúng, và chỉ được gọi là biển lớn. Cũng vậy, khi thành viên của bốn giai cấp - Sát-đế-lỵ (khattiya), Bà-la-môn (brāhmin), Phệ-xá (vessa), Thủ-đà (sudda) (6) - sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên thuyết, họ từ bỏ tên và giai cấp trước kia và chỉ được gọi là các Sa-môn đệ tử của bậc hiền trí Thích-ca”.

(Tăng Chi BK III, Ch. 8 (II):19, tr. 562-563)

(2) Mọi người đều có thể chứng đắc mục tiêu tối thượng

“Giả sử có một cái hồ nước trong lành, mát mẻ dễ chịu, trong suốt với bờ hồ mượt mà đẹp đẽ. Nếu có một người bị thời tiết nóng làm cháy da, kiệt sức, mệt mỏi, khô cổ, khát nước, đến từ phương đông hoặc phương tây, hoặc phương bắc hoặc phương nam, hoặc bất cứ nơi nào, khi đã đến hồ nước người ấy sẽ uống nước để giải trừ cơn khát và cơn sốt nóng bức. Cũng vậy, nếu bất cứ người nào từ giai cấp Sát-đế-lỵ xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hay từ giai cấp Bà-la-môn, hay từ giai cấp Phệ-xá, hay từ giai cấp Thủ-đà-la, sau khi được gặp Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, người ấy phát triển tâm từ, bi, hỷ, xả, và từ đó đạt được nội tâm an tịnh, Ta nói rằng chính nhờ nội tâm an tịnh, người ấy đã thực hành con đường đúng đắn của bậc Sa-môn.

“Này các Tỷ-kheo, nếu bất cứ người nào từ giai cấp Sát-đế-lỵ xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hay từ giai cấp Bà-la- môn, hay từ giai cấp Phệ-xá, hay từ giai cấp Thủ-đà-la, bằng cách tự mình chứng ngộ với thắng trí, ngay ở đây và bây giờ, thể nhập và an trú vào tâm giải thoát, tuệ giải thoát; nghĩa là tâm giải thoát mọi lậu hoặc nhờ đã đoạn trừ mọi cấu uế phiền não, thì vị này là một Sa-môn vì đã đoạn trừ các lậu hoặc.”

(Trung BK I, Kinh số 40, tr. 620-622)

(3) Tiêu chuẩn giá trị tâm linh

[Đức Phật hỏi Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc):]– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Giả sử Đại vương đang có chiến tranh và cuộc giao tranh sắp xảy ra. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đi đến, người này không được huấn luyện, không có kỹ năng, chưa thực hành, không có kinh nghiệm, rụt rè, run rẩy, sợ hãi, sẵn sàng bỏ chạy. Đại vương có sử dụng người ấy không?
– Bạch Thế Tôn, chắc chắn là không.

– Rồi một thanh niên Bà-la-môn đi đến… một thanh niên Phệ-xá… một thanh niên Thủ-đà-la… người này không được huấn luyện… sẵn sàng bỏ chạy. Đại vương có sử dụng người ấy không?
– Bạch Thế Tôn, chắc chắn là không.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Giả sử Đại vương đang có chiến tranh và cuộc giao tranh sắp xảy ra. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đi đến, người này đã được huấn luyện, có kỹ năng, đã thực hành, có kinh nghiệm, gan dạ, can đảm, táo bạo, sẵn sàng giữ vững vị trí của mình . Đại vương có sử dụng người ấy không?
– Bạch Thế Tôn, con sẽ sử dụng người ấy.

– Rồi một thanh niên Bà-la-môn đi đến... một thanh niên Phệ- xá… một thanh niên Thủ-đà-la… người này được huấn luyện… sẵn sàng giữ vững vị trí của mình. Đại vương có sử dụng người ấy không?
– Bạch Thế Tôn, con sẽ sử dụng người ấy.

– Cũng vậy, thưa Đại vương, khi một người đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, dù người ấy thuộc giai cấp nào, nếu người ấy đã đoạn trừ năm chi (năm triền cái) và thành tựu năm chi (năm thiền chi), thì bố thí cho vị ấy được quả phước lớn. Năm chi nào đã được từ bỏ? Tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và nghi. Năm chi nào người ấy đã thành tựu? Người ấy đã thành tựu giới uẩn vô học, định uẩn vô học, tuệ uẩn vô học, vô học giải thoát uẩn và vô học tri kiến giải thoát uẩn. Như vậy, bố thí cho một vị đã đoạn trừ năm chi và thành tựu năm chi sẽ được quả phước lớn.

Là một vị vua đang lâm chiến,
Sẽ sử dụng thanh niên thiện xảo cung tên,
Người hùng mạnh kiên cường,
Chứ không chọn người hèn yếu

Dù nguồn gốc cao sang,
Cần vinh danh người hành xử cao thượng,
Dù nguồn gốc thọ sanh thấp kém,
Người hiền trí đã thành tựu
Đức nhẫn nhục hiền hòa.

(Tương Ưng BK I, Ch. III, (III): IV, tr. 219-222)

5. MỘT MẪU MỰC HÒA HỢP TĂNG

Một thời, Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Nandiya, và Tôn giả Kimbila đang trú tại khu vườn trong rừng cây Ta-la Gosinga, rồi Thế Tôn đến thăm các vị ấy. Khi các Tôn giả nghe Ngài đã đến, cả ba liền đi đến chào đón Thế Tôn. Một người cầm y bát, một người soạn chỗ ngồi, một người đặt chậu nước để rửa chân Ngài. Rồi ba Tôn giả đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Khi tất cả đã ngồi xuống, Thế Tôn nói với các Tôn giả:
– Này Anuruddha, Ta hy vọng các thầy sống an vui. Ta hy vọng các thầy sống thoải mái và không có gì lo lắng về việc khất thực.

– Bạch Thế Tôn, chúng con sống an vui, chúng con sống thoải mái và chúng con không có gì lo lắng về việc khất thực.

– Này Anuruddha, Ta hy vọng các thầy sống trong hòa hợp, quý trọng lẫn nhau, không tranh chấp, hòa quyện với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng đôi mắt thiện cảm.

– Bạch Thế Tôn, chúng con chắc chắn là đang sống trong hòa hợp, quý trọng lẫn nhau, không tranh chấp, hòa quyện với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng đôi mắt thiện cảm.

– Nhưng này Anuruddha, làm sao các thầy sống được như vậy?

– Bạch Thế Tôn, đối với việc này, con nghĩ như sau: ‘Thật lợi ích cho ta, quả thật là một lợi ích lớn cho ta khi được sống cùng với những vị đồng tu như vậy!’ Do đó, con giữ gìn các hành động về thân với tâm từ đối với các vị ấy ở nơi công cộng cũng như ở chốn riêng tư; con giữ gìn các hành động về lời nói với tâm từ đối với các vị ấy ở nơi công cộng cũng như ở chốn riêng tư; con giữ gìn các hành động về ý với tâm từ đối với các vị ấy ở nơi công cộng cũng như ở chốn riêng tư. Con suy nghĩ như sau: ‘Tại sao ta không dẹp qua một bên những gì ta muốn làm, và làm những gì các vị ấy muốn làm?’ Rồi con dẹp qua một bên những gì con muốn làm, và con làm những gì các vị ấy muốn làm. Thân chúng con tuy khác nhau nhưng tâm chúng con đồng nhất. Bạch Thế Tôn, đó là cách chúng con sống trong hòa hợp, quý trọng lẫn nhau, không tranh chấp, hòa quyện với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng đôi mắt thiện cảm.

– Lành thay, lành thay! Ta hy vọng các thầy sống tinh cần, nhiệt tình và quyết tâm.

– Bạch Thế Tôn, chúng con chắc chắn đang sống tinh cần, nhiệt tình và quyết tâm.

– Nhưng này Anuruddha, làm sao các thầy sống được như vậy?

– Bạch Thế Tôn, đối với việc này, bất cứ người nào trong chúng con đi khất thực trong làng về trước, thì người ấy sẽ soạn chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống và nước rửa chân, và sắp đặt chậu chứa thức ăn dư. Bất cứ ai trong chúng con đi về sau cùng, sẽ ăn bất cứ thức ăn nào còn lại nếu vị ấy muốn; nếu không muốn thì bỏ đồ ăn ấy vào chỗ không có cỏ xanh hoặc bỏ vào vũng nước không có côn trùng sinh sống. Vị ấy sẽ dọn dẹp chỗ ngồi và cất nước uống và nước rửa chân. Vị ấy dẹp chậu chứa thức ăn dư sau khi đã rửa sạch và quét dọn nhà ăn. Bất cứ ai trong chúng con nếu thấy các chum nước uống, nước rửa hay nước cho nhà vệ sinh còn ít hoặc đã hết thì sẽ lo đổ nước đầy các chum ấy. Nếu các chum ấy quá nặng, vị ấy sẽ gọi thêm bạn khác đến giúp, bằng cách dùng tay để ra dấu hiệu và rồi họ sẽ chung sức hai tay di chuyển chum nước ấy, nhưng không vì việc này mà chúng con phá vỡ im lặng và nói chuyện với nhau. Nhưng mỗi năm ngày, chúng con ngồi lại với nhau suốt đêm để đàm luận Giáo pháp. Đó là cách chúng con sống tinh cần, nhiệt tình và quyết tâm.

(Trung BK I, Kinh số 31, tr. 450-453)

6. TĂNG SĨ và CƯ SĨ

(1) Hỗ trợ lẫn nhau

“Này các Tỷ-kheo, các gia chủ rất hữu ích cho các thầy. Họ cung cấp cho các thầy các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, nơi cư trú và thuốc men trong lúc ốm đau. Và này các Tỷ-kheo, các thầy cũng rất hữu ích cho các gia chủ, vì các thầy giảng dạy cho họ Giáo pháp tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa và tốt đẹp ở đoạn cuối, với ý nghĩa và lời văn chơn chánh, và các thầy tuyên thuyết đời sống phạm hạnh đầy đủ trọn vẹn và hoàn toàn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy, đời sống phạm hạnh này được thực hiện bằng sự hỗ trợ lẫn nhau nhằm mục đích vượt qua mọi cấu uế phiền não để tiến tới chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.”

(Kinh Phật Thuyết Như Vậy, tr. 107)

(2) Một vị khách của các gia đình

– Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo là vị khách Tăng thường thăm viếng các gia đình, sẽ không được họ ưa thích, vui lòng, kính nể hoặc tôn trọng. Thế nào là năm?
(1) Vị ấy tỏ ra thân mật với người chỉ mới quen biết; (2) vị ấy phân phát những vật không phải sở hữu của mình; (3) vị ấy quan hệ để gây chia rẽ; (4) vị ấy nói thì thầm riêng bên tai; (5) vị ấy đòi hỏi quá nhiều. Sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo là vị khách Tăng thường thăm viếng các gia đình, sẽ không được họ ưa thích, vui lòng, kính nể hoặc tôn trọng.

– Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo là vị khách Tăng thường thăm viếng các gia đình, sẽ được họ ưa thích, vui lòng, kính nể và tôn trọng. Thế nào là năm?
(1) Vị ấy không tỏ ra thân mật với người chỉ mới quen biết; (2) vị ấy không phân phát những vật không phải sở hữu của mình; (3) vị ấy không quan hệ để gây chia rẽ; (4) vị ấy không nói thì thầm riêng bên tai; (5) vị ấy không đòi hỏi quá nhiều. Sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo là vị khách Tăng thường thăm viếng các gia đình, sẽ được họ ưa thích, vui lòng, kính nể hoặc tôn trọng.

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (XII): 111, tr. 529-530)

(3) Bày tỏ lòng từ bi đối với cư sĩ

– “Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm tính cách này, một Tỷ- kheo cư trú tại địa phương bày tỏ lòng từ bi đối với cư sĩ. Thế nào là năm?
(1) Vị ấy khuyến khích họ hành xử đúng giới hạnh. (2) Giúp họ sống an ổn nhờ hiểu đúng Giáo pháp. (3) Khi họ đau ốm, vị ấy đến thăm và giúp họ thiết lập chánh niệm hướng đến các bậc A-la-hán. (4) Khi có đại chúng Tỷ-kheo đến, gồm cả những vị đến từ các trú xứ khác nhau, vị ấy đến các gia đình cư sĩ và thông báo cho họ biết: ‘Này các bạn, có một đại chúng Tỷ-kheo đã đến, bao gồm cả những vị từ các trú xứ khác. Các bạn hãy tạo phước đức. Đây là dịp để các bạn tạo phước đức.’ (5) Chính vị ấy sẽ thọ dụng bất cứ thực phẩm nào được cúng dường, dù thô sơ hoặc tinh tế; vị ấy không phung phí các phẩm vật cúng dường vì đức tin.
Sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại địa phương bày tỏ lòng từ bi đối với cư sĩ.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (XXIV):235, tr. 736)

(4) Các gia đình xứng đáng đến thăm viếng

– “Này các Tỷ-kheo, sở hữu chín yếu tố này, một gia đình chưa được đến thăm viếng thì không đáng đến thăm, hoặc nếu đã đến rồi thì không đáng ngồi xuống với họ. Thế nào là chín?
(1) Họ không đứng dậy một cách vui vẻ. (2) Họ không đảnh lễ một cách vui vẻ. (3) Họ không vui vẻ mời ngồi. (4) Họ giấu những gì họ có. (5) Mặc dù họ có nhiều, họ cho ít. (6) Thậm chí họ có đồ tốt, họ cho đồ xấu. (7) Họ cho mà không kính trọng, không cung kính. (8) Họ không đến ngồi gần để nghe Pháp. (9) Họ không thích thú nghe lời Pháp thoại (của khách Tăng).
Sở hữu chín yếu tố này, một gia đình chưa được đến thăm viếng thì không đáng đến thăm, hoặc nếu đã đến rồi thì không đáng ngồi xuống với họ.”

“Này các Tỷ-kheo, sở hữu chín yếu tố này, một gia đình chưa được đến thăm viếng thì xứng đáng đến thăm, hoặc nếu đã đến rồi thì xứng đáng ngồi xuống với họ. Thế nào là chín?
(1) Họ đứng dậy một cách vui vẻ. (2) Họ đảnh lễ một cách vui vẻ. (3) Họ vui vẻ mời ngồi. (4) Họ không giấu những gì họ có. (5) Khi họ có nhiều, họ cho nhiều. (6) Khi họ có đồ tốt, họ cho đồ tốt. (7) Họ cho một cách kính trọng, với sự cung kính. (8) Họ đến ngồi gần để nghe Pháp. (9) Họ thích thú lắng nghe Pháp thoại.
Sở hữu chín yếu tố này, một gia đình chưa được đến thăm viếng thì xứng đáng đến thăm, hoặc nếu đã đến rồi thì xứng đáng ngồi xuống với họ.”

(Tăng Chi BK IV, Ch. IX (II):17, tr. 117-118)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Hạnh phúc khắp quanh ta


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.103.10 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...