CỦA HOZAN ALAN SENAUKEĐức Phật Gotama trưởng thành trong một đất nước có nhiều vương quốc, bộ lạc và các giai cấp xã hội (varma). Đó là một thời kỳ và đất nước vừa khác vừa giống với chúng ta, trong đó địa vị xã hội, nghề nghiệp gia đình, bản sắc văn hóa và phái tính là những yếu tố quyết định đời sống của một người. Trước khi Đức Phật giác ngộ, bản sắc cá nhân là yếu tố xác định con người. Nếu một người được sinh ra trong giai cấp chiến binh, hay lái buôn, hay nông dân, hay giai cấp bần cùng, người đó phải hoàn toàn sống cuộc đời như thế, và hầu như là sẽ kết hôn với một người nào đó trong cùng một giai cấp. Con cái của họ cũng làm như vậy; không có ý thức gì về quyền cá nhân hay số phận riêng tư; không còn cách nào để biểu lộ khả năng khác của con người ngoài vị trí xã hội mà người đó được gán cho từ lúc mới ra đời. Vì vậy, lời Phật dạy có thể xem như là một sự khẳng định cấp tiến về tiềm năng của mỗi cá nhân. Chỉ bằng nỗ lực của con người mới có thể đạt được giác ngộ, vượt ra ngoài giới hạn của giai cấp, địa vị lúc mới sinh, hay thực tại quy ước. Trong bài kệ số 396 của kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
Ta không gọi một người là Bà-la-môn chỉ vì họ được sinh ra bởi bà mẹ Bà-la-môn. Nếu người ấy có chấp thủ, người ấy sẽ chỉ được gọi là “người tự cao tự đại”. Một người không còn dính mắc, không còn chấp thủ - thì ta gọi người ấy là Bà-la-môn.Cùng lúc đó, Đức Phật và các đệ tử của Ngài đang sống giữa xã hội. Các vị ấy không thiết lập tu viện của họ trên các đỉnh núi, nhưng là ở những vùng ngoại ô của các thành phố lớn như là thành Sāvatthī (Xá-vệ), Rājagaha (Vương Xá), Vesālī (Tỳ-xá-ly) và Kosambī (Kiều-thưởng-di). Các ngài lệ thuộc vào nam nữ cư sĩ [cận sự nam (upāsakā) và cận sự nữ (upāsika)] để có được những nhu cầu căn bản của cuộc sống. Ngay cả ngày nay, Tăng Ni theo truyền thống Nguyên thủy ở Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, (Thailand),Tích Lan (Sri-Lanka), Cam-bốt (Cambodia) và Lào (Laos) đều đi khất thực vào buổi sáng để có thức ăn trưa. Mặc dù các vị ấy đã giữ Giới luật tu hành rất nghiêm minh, thật là điều lầm lẫn nếu chúng ta tưởng rằng các tu viện ở Đông Nam Á đều quy tụ ở những nơi xa cách với quần chúng trong đời thường. Các tu viện và cộng đồng thế tục đều lệ thuộc lẫn nhau, theo một truyền thống thật ngọt ngào và sống động.
Vào mùa thu năm 2007, dân chúng khắp thế giới đã được khơi nguồn cảm hứng bởi cuộc “Cách mạng y vàng” (Saffron revolution) rất ôn hòa nhưng cũng rất cương quyết của Miến Điện - dẫn đầu bởi cuộc phản đối bất bạo động của các vị sư Miến Điện chống lại sự đàn áp của chính quyền quân sự.
Những cuộc phản đối được châm ngòi do việc tăng giá xăng bất ngờ và táo bạo, gây ảnh hưởng mạnh đến khả năng đi lại của dân chúng đến nơi làm việc hoặc khả năng chi trả tiền nhiên liệu để nấu ăn, và thậm chí ảnh hưởng đến cả các thức ăn cơ bản. Mối tương quan mật thiết giữa Tăng Ni và cư sĩ đã mang ý nghĩa lịch sử: khi một bộ phận bị khổ đau thì bộ phận kia sẽ có đáp ứng. Các Tăng Ni đã mạnh dạn phản đối chính sách thuộc địa của Anh, chế độ độc tài, và hai thập niên cai trị của chính quyền quân sự.
Ở Miến Điện, các Tăng sĩ Phật giáo đã là tác nhân của thay đổi trong một xã hội đang đứng trên bờ chuyển hóa thật sự. Trong lúc sự thay đổi này là không thể đảo ngược, chính quyền quân sự trước đây đã chống trả một cách quyết liệt. Sự phối hợp nhiều tình huống khác nhau đã tạo ra một lối thoát: việc bầu cử một chính quyền dân sự (tuy người ta có thể chất vấn về tiến trình bầu cử), việc thả các tù nhân chính trị (bao gồm cả nhà lãnh đạo được giải Nobel là bà Aung San Suu Kyi sau nhiều năm bị quản thúc tại gia), phong trào bất bạo động trên toàn thế giới được khích lệ bởi “Mùa xuân Ả Rập” (Arap Spring) năm 2011, và một cuộc đối thoại mới giữa các nhà lãnh đạo Miến Điện và các đại diện từ Âu Châu, Hoa Kỳ và nhiều cường quốc kinh tế khác. Bầu không khí đã cho mọi người niềm hy vọng và khả năng có thể thực hiện sự thay đổi.
Hợp tuyển này nhấn mạnh đến việc sống theo Giáo pháp trong một xã hội tự do, hòa hợp, sử dụng lời Phật dạy đã được chứng nghiệm qua thời gian. Trở về từ Miến Điện năm 2011, tôi đã suy nghĩ về nhu cầu ở đất nước ấy và những nơi khác về một bộ sưu tập kinh điển Pāli theo kiểu này. Năm 2012, một cuộc bạo động của quần chúng đã bùng nổ ở tiểu bang Rakhine của Miến Điện và một vài nơi khác ở quốc gia này. Nhu cầu cần hiểu sâu hơn về những lời Phật dạy về sự hòa hợp xã hội đã trở nên cấp thiết. Tôi không phải là một học giả hay một dịch giả, vì thế tôi đã liên lạc với nhiều bạn bè trong giới trí thức để tìm hiểu. Từ đó mới biết rằng nhiều năm trước, Bhikkhu Bodhi, một trong những dịch giả đáng kính đã có rất nhiều dịch phẩm giá trị về Phật giáo Nguyên thủy, đã thực hiện một bộ sưu tập như thế để làm tài liệu bổ sung cho một chương trình học tập về sự hòa hợp xã hội ở Tích Lan (Sri-Lanka) do Viện Nghiên cứu khoa học xã hội của đại học Columbia tổ chức.
Ở đây là lời khuyên của Đức Phật về việc làm thế nào để sống hài hòa trong một xã hội có nhiều nguồn gốc sắc tộc và tôn giáo khác nhau, và không làm tổn hại chính họ hay người khác. Trong lúc hoàn cảnh ở Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Ấn Độ hay Hoa Kỳ đều khác nhau, những lời Phật dạy về hòa hợp xã hội đã cho chúng ta một thứ trí tuệ vượt thoát những dị biệt về thời gian và nơi chốn. Những lời dạy của Ngài cung cấp một nền tảng để giải phóng, mà theo đó, mỗi quốc gia và dân tộc có thể xây dựng tùy theo nhu cầu của chính họ.
Tôi xin tri ân Bhikkhu Bodhi về trí tuệ và tấm lòng hào phóng của ngài. Trong tất cả mọi truyền thống tín ngưỡng và đức tin ở mọi đất nước, con người đều mong ước được hạnh phúc và giải phóng. Tôi xin vinh danh những người muốn tiến tới tự do, và hy vọng rằng những lời Phật dạy về sự hòa hợp xã hội sẽ dẫn dắt chúng ta vững tiến trên con đường chúng ta đã lựa chọn mà không còn sợ hãi.
Berkeley, California______________________
LỜI CẢM TẠ CỦA BHIKKHU BODHIVào năm 2011, Tỷ-kheo Khemaratana đã chia sẻ với tôi một dàn bài về các kinh văn tuyển chọn từ kinh tạng Pāli mà sư đã soạn thảo về đề tài hòa hợp Tăng chúng, một đề tài sư rất đặc biệt quan tâm. Những kinh văn tôi đã chọn cho nhiều phần trong hợp tuyển này đã được Tỷ-kheo Khemaratana gợi ý trong dàn bài của sư, mặc dù cách thức tôi trình bày các đề tài lại chịu ảnh hưởng của mục đích hợp tuyển này, và như vậy khác với dàn bài của Tỷ-kheo Khemaratana. Tôi cũng xin cảm tạ bạn tôi là Alan Senauke đã viết lời mở đầu và lời kết cho sách này, rút ra từ kinh nghiệm của chính bạn khi đã sử dụng phiên bản đầu tiên của hợp tuyển này trong công tác của bạn nhằm mục đích duy trì sự hòa hợp và hòa giải ở Ấn Độ và Miến Điện.
_________________________
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCHTrước một thế giới đầy biến động, bất ổn và nhiều chia rẽ như hiện nay, là những người con Phật, chắc hẳn chúng ta cũng đã hơn một lần tự hỏi: “Tại sao tất cả mọi người trên thế giới đều mong muốn được sống trong hòa bình để được an cư lạc nghiệp, nhưng con người vẫn tiếp tục dấn thân vào các cuộc tranh chấp, bạo động và chiến tranh… để tạo ra muôn ngàn đau khổ cho vô số chúng sinh? Đâu là nguyên nhân, và làm thế nào để giải quyết vấn đề này của con người?”
Là Phật tử, chắc hẳn chúng ta cũng muốn tìm đến bậc Đạo sư của chúng ta là Đức Phật để mong nhận được lời giải đáp và chỉ dạy của Ngài cho vấn nạn muôn thuở này của con người. Vì thế, vào năm 2011, Viện Nghiên cứu khoa học xã hội thuộc đại học Columbia của Hoa Kỳ đã yêu cầu Bhikkhu Bodhi biên soạn một giáo trình về đề tài: “Lời Phật dạy về vấn đề hòa hợp trong cộng đồng và xã hội” để giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử ở Sri-Lanka.
Gần đây, các bậc thức giả đã yêu cầu Bhikkhu Bodhi biên soạn lại giáo trình này thành sách và xuất bản để độc giả khắp thế giới có thể học tập và nghiên cứu lời Phật dạy, hầu tìm ra lời giải đáp cho đề tài nóng bỏng này. Do đó, Bhikkhu Bodhi đã biên soạn lại và sách này được ra mắt độc giả vào cuối năm 2016.
Đây được xem như là quyển sách cần đọc tiếp theo quyển “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi, mà tôi đã dịch sang tiếng Việt với nhan đề “Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pāli” và đã xuất bản vào giữa năm 2016.
Trong sách này, Bhikkhu Bodhi đã triển khai sâu rộng và thấu suốt về một đề tài đã được đề cập sơ lược trong “Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pāli” (HTLPDTKTP). Do đó, độc giả nào đã đọc HTLPDTKTP sẽ thấy bố cục và cách trình bày sách này theo cùng một khuôn mẫu với HTLPDTKTP.
Tôi đã phiên dịch quyển “In the Buddha’s Words” (Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pāli) và đã được độc giả Việt Nam trong và ngoài nước hoan hỷ đón nhận Pháp bảo này, nên Bhikkhu Bodhi đã đề nghị tôi tiếp tục phiên dịch quyển sách này để phục vụ độc giả Việt Nam. Nhờ vậy, tôi đã có duyên lành để phiên dịch tác phẩm mới nhất này của Bhikkhu Bodhi.
Trong sách này, Bhikku Bodhi đã tuyển chọn những bài kinh tiêu biểu từ kinh tạng Pāli liên quan đến đề tài này, sắp xếp lại theo từng chủ đề, với lời giới thiệu và nhận định sâu sắc trước mỗi chương, nhằm mục đích giúp độc giả nắm vững các điểm chính để hiểu rõ hơn các bài kinh được trích dẫn tiếp theo sau.
Trong lúc phiên dịch, tôi đã nghĩ đến các bạn trẻ, nên đã cố gắng diễn đạt bằng thứ tiếng Việt trong sáng, dễ hiểu. Tôi cũng cố gắng Việt hóa một số thuật ngữ Phật học Hán Việt khó hiểu, hoặc chú thích thêm từ ngữ thuần Việt bên cạnh thuật ngữ Hán Việt hoặc ngược lại, để độc giả có thể nhận biết và học hỏi thêm. Tuy nhiên, có một số thuật ngữ Phật học Hán Việt vốn đã rất phổ biến trong giới Phật tử thì tôi vẫn tiếp tục sử dụng.
Trong phần kinh trích dẫn, tôi dịch theo bản tiếng Anh của Tỷ-kheo Bodhi, trong đó ngài Bodhi đã lược bớt các phần lặp lại để giúp độc giả khỏi chán nản khi phải đọc phần lặp lại nhiều lần. Dưới mỗi phần kinh trích dẫn, tôi có ghi chú thêm nguồn gốc bài kinh ấy theo bản dịch của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu để độc giả có thể tham khảo thêm.
Mặc dù đã cố gắng hết sức để diễn dịch kinh văn bằng một văn phong dễ hiểu, chắc chắn tôi cũng không tránh khỏi vụng về sai sót do kiến thức còn giới hạn, kính mong các bậc thầy cùng quý vị thiện tri thức vui lòng chỉ giáo, để lần sau in lại, cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn. Tôi xin chân thành cảm tạ.
Để cuốn sách này có thể đến tay người đọc, trước tiên, tôi xin thành kính tri ân và đảnh lễ Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, vị thầy đầu tiên của tôi, người đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp giáo dục Tăng Ni và Phật tử, người đã phiên dịch bộ kinh Nikāya từ Pāli sang tiếng Việt, để lại cho hậu thế một kho
tàng Phật học đồ sộ. Nhờ công đức của ngài mà tôi đã được soi sáng trí tuệ, và có một kho tài liệu tham khảo vô giá giúp tôi có đủ duyên lành để phiên dịch sách này, trong nỗ lực noi gương Hòa thượng bổn sư, góp phần truyền bá Chánh pháp.
Tiếp đến, tôi xin thành kính tri ân Bhikkhu Bodhi, vị thầy đã dày công phiên dịch bộ kinh Nikāya từ Pāli sang tiếng Anh và giảng dạy qua mạng internet, để Phật tử khắp thế giới có thể lắng nghe và học tập rất thuận tiện.
Tôi rất cảm kích tấm lòng ưu ái của Bhikkhu Bodhi đối với Phật tử Việt Nam, vì ngài rất quan tâm đến việc phiên dịch sách của ngài ra tiếng Việt để tặng cho Phật tử Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước. Có lẽ vì ngài có mối duyên kỳ ngộ với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu khi ngài còn là một sinh viên đại học ở Mỹ. Sau đó, ngài đã xuất gia và tu tập theo cùng một truyền thống với Hòa thượng Thích Minh Châu và cũng theo đuổi sự nghiệp phiên dịch kinh tạng Pāli giống Hòa thượng Thích Minh Châu. (Độc giả muốn biết thêm chuyện này xin vào mạng internet, gõ vào Google: “My first encounter with a Buddhist Monk” by Bhikkhu Bodhi, sẽ đọc được bài viết của Bhikkhu Bodhi về cuộc gặp gỡ của ngài với Hòa thượng Thích Minh Châu ở Mỹ. Bài này cũng đã được dịch ra tiếng Việt: “Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với một vị sư Phật giáo”).
Cuối cùng, nếu độc giả Việt Nam nào sau khi đọc sách này cảm thấy những lời Phật dạy giúp họ có được kim chỉ nam để giải quyết những vấn đề của bản thân, cộng đồng và xã hội, góp phần xây dựng một cuộc sống hài hòa trong một thế giới an bình tốt đẹp hơn; thì xin hồi hướng chút công đức này đến tất cả pháp giới chúng sinh. Nguyện cầu tất cả chúng sinh đều được thấm nhuần Chánh pháp, tinh tấn áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống để đạt được an vui hạnh phúc, và vững tiến trên con đường đi đến giác ngộ, giải thoát.
Melbourne, mùa Xuân, tháng 9 năm 2017Nguyên Nhật Trần Như Mai