Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội »» IV. Chánh ngữ »»

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội
»» IV. Chánh ngữ

Donate

(Lượt xem: 4.794)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội - IV. Chánh ngữ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

GIỚI THIỆU

Một trong những đặc điểm của con người, phân biệt họ với loài vật, là khả năng về lời nói. Lời nói có thể tạo nên thù hận hay tình bằng hữu, có thể chinh phục hay làm khô cứng con tim, có thể lừa dối người khác hay mở ra con đường cảm thông. Trong chiều dài của lịch sử, những chuyển biến xã hội đã được thực hiện bằng lời nói, dù là được nói trực tiếp hay qua văn bản: Hãy nhớ đến tác dụng của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, bài diễn văn Gettysburg của Tổng thống Lincoln, bài diễn văn của Martin Luther King “Tôi Có Một Ước Mơ.” Qua phương tiện lời nói, những ý tưởng mới được tuyên thuyết, những tầm nhìn sâu sắc mới được chia sẻ, những chân trời mới được mở rộng để cho nhân loại tìm hiểu, nghiên cứu. Lời nói đã châm ngòi cho chiến tranh hay cổ động cho hòa bình. Tất cả những hy vọng và khao khát của con tim nhân loại, trong mọi lãnh vực hiện hữu của tập thể con người, đều đã tìm được cách diễn đạt qua trung gian lời nói.

Đối với Phật Pháp, vai trò của lời nói quan trọng đến nỗi Đức Phật dạy rằng một trong hai điều kiện để khởi sinh chánh kiến là ‘lời nói của người khác.’ (1) Công nhận vai trò quan trọng của lời nói, trong Bát Thánh đạo và Thập thiện (mười nghiệp thiện lành), Ngài đã quy định bốn Giới luật về lời nói: Không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, được định nghĩa như trên theo Kinh Văn II, 2 (5).

Trong Chương IV, tôi triển khai việc thảo luận trước đây bằng cách dùng ‘chánh ngữ’ như một đề tài độc lập. Chương này mở đầu bằng hai bài kinh ngắn về những yếu tố của ‘lời khéo nói’ - Trong Kinh Văn IV, 1 (1) - (2), một kinh liệt kê bốn yếu tố, kinh kia đưa ra năm yếu tố. Vì hai bài kinh không hoàn toàn tương hợp, yếu tố ‘khéo nói’ có thể được kể thêm vào nhóm bốn yếu tố thường được biết trong Giới luật. Đức Phật cũng cho lời khuyên đối với những người có ý định tổ chức các cuộc thảo luận hay tham dự tranh luận, đó là việc thường xảy ra trong các cộng đồng du sĩ theo phái khổ hạnh và hành thiền thời bấy giờ, vốn thịnh hành ở miền bắc Ấn Độ. Những cuộc thảo luận ấy thường tập họp quanh một vị thầy được nhiều người hâm mộ. Những tín đồ của các giáo phái cạnh tranh nhau thường họp mặt để thảo luận và tranh luận về những đề mục giáo lý có liên hệ với họ. Nhiều công viên đã được dành trọn cho các du sĩ khổ hạnh trú ngụ và thảo luận quan điểm của họ, còn những thị trấn lớn hơn thì có hội trường để các du sĩ tập họp và tranh luận.

Trong lúc Đức Phật cố gắng tránh những cuộc tranh luận không đem lại kết quả, được tổ chức nhằm mục đích hạ bệ các giáo phái khác và đề cao lòng tự hào về giáo lý của giáo phái mình, điều không thể tránh được là khi các Sa-môn du hành qua các thị trấn thuộc miền bắc Ấn Độ, họ thường bị lôi cuốn vào các cuộc thảo luận với các Bà-la-môn, triết gia và các du sĩ khổ hạnh có các quan điểm đối lập. Để có thể gìn giữ danh tiếng tốt cho Giáo pháp, các vị ấy cần phải biết cách tham gia tranh luận. Một trong những tiêu chuẩn về năng lực cần phải có của một đệ tử được rèn luyện tốt là khả năng “giải thích giáo lý của đạo sư mình, giảng dạy, tuyên thuyết, thiết lập, khai mở, phân tích, làm rõ nghĩa giáo lý ấy, và bác bỏ những giáo lý phổ biến của các giáo phái khác một cách thấu suốt với lập luận vững chắc, và giảng dạy Giáo pháp có hiệu quả.” (2) Trong Kinh Văn IV, 2, Đức Phật đã đặt ra những tiêu chuẩn cho đệ tử của Ngài tuân theo khi tham gia tranh luận. Ngài phân biệt những loại câu hỏi khác nhau mà người khác có thể hỏi, và chỉ dạy cho đệ tử cách làm thế nào để đáp lại các câu hỏi đó, và ấn định thái độ người đệ tử cần phải có khi tham gia tranh luận. Những điều này được tóm tắt trong mấy bài kệ trong đoạn này: Người trí không nói lời mang tính chất gây sự hay kiêu ngạo, nói ra những lời mà các bậc Thánh đã tu tập, và nói theo những phương cách có liên hệ đến ý nghĩa Giáo pháp.

Một trong những nhiệm vụ của một vị Tăng hay Ni là giảng dạy và thuyết Pháp. Để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, điều cần thiết là phải biết cách nói với thính chúng như thế nào để khơi dậy sự quan tâm và duy trì được sự chú ý của họ. Thông thạo trong cách giảng dạy người khác có thể được xem như là một mặt của ‘phương tiện thiện xảo’ (upāyakosalla). Trong Kinh Văn IV, Đức Phật giải thích năm trường hợp trong đó một pháp thoại được xem là ‘không đúng,’ tất cả trường hợp ấy là khi đề tài của bài pháp thoại không thích hợp với tâm trạng và sự quan tâm của thính chúng. Những bài pháp thoại ‘đúng đắn’ là khi đề tài của bài pháp thoại thích hợp với tâm trạng và sự quan tâm của thính chúng. Tuy nhiên, những đường lối hướng dẫn ấy phải được xem như là sách lược nhất thời chứ không phải là tuyệt đối hoàn toàn; vì chắc chắn là sẽ có những trường hợp, ví dụ, khi một bài pháp thoại về Giới luật đạo đức có thể chính xác là những gì một kẻ phóng đãng cần nghe, trong lúc một bài pháp thoại về bố thí có thể là hữu hiệu nhất để kích động một kẻ keo kiệt trải qua sự chuyển đổi tâm và bắt đầu thực hành hạnh bố thí.

Một vài kinh văn trong chương này có lẽ sẽ làm ta ngạc nhiên. Trong lúc Đức Phật làm nổi bật những nguy hại trong việc tạo ra những tranh cãi không cần thiết và trong việc đưa ra lời khen chê một cách độc đoán mà không tìm hiểu kỹ, như được thấy trong Kinh Văn IV, 4 và IV, 5 - Ngài không nhấn mạnh rằng lời nói phải luôn luôn ngọt ngào và dễ thương đối với người nghe. Trái lại, Ngài dạy rằng hành giả không cần phải do dự về việc chỉ trích những kẻ đáng chỉ trích. Như vậy, trong Kinh văn IV, 6, Ngài tuyên bố rằng hành giả phải nói lời khen chê đúng với hoàn cảnh, và trong Kinh Văn IV, 7, thậm chí Ngài còn nói ‘khi hành giả biết rằng lời phê phán nghiêm khắc công khai là trung thực, đúng đắn và có lợi ích, thì hành giả có thể nói ra, biết rằng đã đến lúc cần phải nói như vậy.’

Khiển trách người khác là một vấn đề đặc biệt gai góc bởi vì có tiềm năng châm ngòi cho sân hận và gieo hạt giống xung đột. Tuy nhiên, tình trạng đạo đức của bất cứ cộng đồng nào đều tùy thuộc vào cách hành xử đúng đắn của các thành viên, và như vậy khi các thành viên đi lệch khỏi chuẩn mực đúng đắn, thì bắt buộc phải kềm chế họ và đưa họ trở về với chuẩn mực. Trong giáo đoàn Phật giáo, để bảo vệ đạo đức trong sáng của cộng đồng, một Tỷ- kheo khiển trách một Tỷ-kheo khác thường vẫn là cần thiết. Để duy trì sự hòa hợp và tương kính lẫn nhau trong quá trình khiển trách, trong Kinh Văn IV, 8, Tôn giả Sāriputta mô tả những thủ tục mà vị Tỷ-kheo có ý định khiển trách người khác cần tuân theo, và những phương cách đúng đắn để người bị khiển trách đáp ứng lại lời chỉ trích. Như vậy, trong lúc kinh văn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bày tỏ một thái độ nhẹ nhàng và từ ái trước khi khiển trách người khác, kinh văn không cổ xúy cho việc chỉ nói những lời dễ thương đối với kẻ khác. Trái lại, kinh văn khuyên hành giả cần nghiêm khắc phê phán kẻ khác khi đã đến thời điểm cần phải chỉ trích.

I. CHÁNH NGỮ

1. LỜI KHÉO NÓI

(1) Sở hữu bốn yếu tố

Thế Tôn nói như sau: “Này các Tỷ-kheo, khi lời nói có được bốn yếu tố này, thì lời nói được xem là thiện lành khéo léo, không phải là lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo chỉ nói những lời thiện lành, không nói lời xấu ác. Vị ấy chỉ nói Chánh pháp, không nói lời không phải Chánh pháp. Vị ấy chỉ nói những gì vui vẻ dễ chịu, không nói những gì khó chịu. Vị ấy chỉ nói những lời chân thật, không nói láo. Khi lời nói có được bốn yếu tố này, thì lời nói ấy được xem là thiện lành khéo léo, không phải lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách.”

(Tương Ưng BK I, Ch. III (VIII): V, tr. 415)

(2) Sở hữu năm yếu tố

“Này các Tỷ-kheo, khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nói được xem là thiện lành khéo léo, không phải là lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách. Thế nào là năm? Lời nói đúng thời điểm, nói những gì đúng sự thật, nói lời dịu dàng, nói những gì lợi ích, nói với tâm từ. Khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nói ấy được xem là thiện lành khéo léo, không phải lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (VIII): 198, tr. 701)

2. TỔ CHỨC CÁC CUỘC THẢO LUẬN

“Này các Tỷ-kheo, liên quan đến vấn đề thảo luận, người ta có thể hiểu một người có khả năng thảo luận hay không. Nếu người này được hỏi một câu cần phải được trả lời rõ ràng dứt khoát, nhưng người ấy không thể trả lời một cách rõ ràng dứt khoát; nếu người này được hỏi một câu cần phải được trả lời sau khi đã phân tích, nhưng người ấy trả lời mà không có sự phân tích; nếu người này được hỏi một câu cần phải được trả lời bằng một câu hỏi ngược lại, và người ấy trả lời mà không hỏi ngược lại; nếu người này được hỏi một câu cần phải được dẹp qua một bên và người ấy đã không dẹp qua một bên; trong trường hợp này, người ấy không có khả năng để thảo luận. (3)

“Nhưng nếu người này được hỏi một câu cần phải được trả lời rõ ràng dứt khoát, và người ấy trả lời một cách rõ ràng dứt khoát; nếu người này được hỏi một câu cần phải được trả lời sau khi đã phân tích, và người ấy trả lời sau khi đã phân tích; nếu người này được hỏi một câu cần phải được trả lời bằng một câu hỏi ngược lại, và người ấy trả lời bằng cách hỏi ngược lại; nếu người này được hỏi một câu cần phải được dẹp qua một bên và người ấy đã dẹp qua một bên; trong trường hợp này, người ấy có khả năng để thảo luận.

“Này các Tỷ-kheo, liên quan đến vấn đề thảo luận, người ta có thể hiểu một người có khả năng thảo luận hay không. Nếu một người được hỏi một câu và người ấy không giữ vững vị trí của mình và vị trí của kẻ đối lập; nếu người ấy không giữ vững sách lược của mình; nếu người ấy không giữ vững lập trường của mình về những gì được biết; nếu người ấy không giữ vững thủ tục của cuộc thảo luận; trong trường hợp này, người ấy không có khả năng để thảo luận. (4)

“Nhưng nếu một người được hỏi một câu và người ấy giữ vững vị trí của mình và vị trí của kẻ đối lập; nếu người ấy giữ vững sách lược của mình; nếu người ấy giữ vững lập trường của mình về những gì được biết; nếu người ấy giữ vững thủ tục của cuộc thảo luận; trong trường hợp này, người ấy có khả năng để thảo luận.

“Này các Tỷ-kheo, liên quan đến vấn đề thảo luận, người ta có thể hiểu một người có khả năng thảo luận hay không. Nếu một người được hỏi một câu và người ấy trả lời kiểu tránh né, rồi đổi hướng cuộc thảo luận qua một đề tài khác không liên quan, biểu lộ sự tức giận, sân hận và cay cú; trong trường hợp này, người ấy không có khả năng để thảo luận.

“Nhưng nếu một người được hỏi một câu và người ấy không trả lời kiểu tránh né, không đổi hướng cuộc thảo luận qua một đề tài khác không liên quan, không biểu lộ sự tức giận, sân hận và cay cú; trong trường hợp này, người ấy có khả năng để thảo luận.

“Này các Tỷ-kheo, liên quan đến vấn đề thảo luận, người ta có thể hiểu một người có khả năng thảo luận hay không. Nếu một người được hỏi một câu và người ấy trấn áp, hoặc chà đạp, chế nhạo, chụp lấy chỗ sơ hở nhỏ của người hỏi để chỉ trích; (5) trong trường hợp này, người ấy không có khả năng để thảo luận.

“Nhưng nếu một người được hỏi một câu và người ấy không trấn áp, hoặc chà đạp, chế nhạo, chụp lấy chỗ sơ hở nhỏ của người hỏi để chỉ trích; trong trường hợp này, người ấy có khả năng để thảo luận.

“Này các Tỷ-kheo, liên quan đến vấn đề thảo luận, người ta có thể hiểu một người có trợ duyên hay không có trợ duyên. Người không lắng tai nghe là không có trợ duyên, người có lắng tai nghe là có trợ duyên. Người có trợ duyên trực tiếp hiểu một pháp (= thánh đạo), hiểu trọn vẹn một pháp (= chân lý về khổ), từ bỏ một pháp (= mọi điều bất thiện), và chứng đắc một pháp (= chứng quả A-la-hán). Trực tiếp hiểu một pháp, hiểu trọn vẹn một pháp, từ bỏ một pháp, và chứng đắc một pháp, người ấy đạt được chánh giải thoát. (6)

“Này các Tỷ-kheo, đây là mục tiêu của cuộc đàm luận, mục tiêu của cuộc thảo luận, mục tiêu của lắng tai nghe; đó là, giải thoát tâm khỏi chấp thủ.”

Những người nói với ý định gây sự,
Cố chấp ý kiến, tràn đầy kiêu mạn,
Không cao thượng, có tâm muốn tấn công,
Tìm kẻ hở để tấn công người khác.

Họ thích thú khi thấy đối thủ
Nói năng kém cỏi và phạm sai lầm,
Họ vui mừng trước sự thất bại và bối rối của đối thủ;
Nhưng bậc Thánh không tham dự những cuộc thảo luận ấy.

Nếu một người trí muốn thảo luận,
Biết rằng đã đúng thời điểm,
Không gây sự hoặc kiêu mạn,
Bậc hiền nhân chỉ nói ra
Những lời nói các bậc Thánh đã tu tập,
Có liên hệ đến ý nghĩa và Giáo pháp.

Không thô lỗ, hung hăng,
Với tâm không kích động,
Vị ấy nói, với tâm không đố kị,
Chỉ nói theo hiểu biết chơn chánh;
Vị ấy tán thán những gì khéo nói,
Nhưng không chê trách những lời nói vụng về.

Vị ấy không học cách bắt lỗi người khác,
Không chụp lấy những sơ hở của người khác,
Không trấn áp hay chà đạp đối thủ,
Cũng không nói lời sai sự thật;
Quả thật, cuộc thảo luận giữa những bậc trí,
Là để học hỏi và tạo niềm tin.

Đó là cách bậc Thánh đàm luận pháp,
Đây là cuộc thảo luận của bậc Thánh.
Hiểu được như vậy, người trí
Không nên lắm lời, chỉ nên đàm luận pháp.”

(Tăng Chi BK I, Ch. 3, (VII): 67, tr. 355-359)

3. NÓI ĐÚNG PHÁP / ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG

“Này các Tỷ-kheo, một cuộc nói chuyện không đúng pháp là khi nói với năm hạng người [không thích hợp] này, sau khi cân nhắc so sánh hạng người này với hạng người kia. Thế nào là năm? Một cuộc nói chuyện về lòng tin lại nói với người không có lòng tin; một cuộc nói chuyện về đức hạnh lại nói với người kém đạo đức; một cuộc nói chuyện về học tập (Chánh pháp) lại nói với người ít học tập (Chánh pháp); một cuộc nói chuyện về bố thí lại nói với kẻ keo kiệt; một cuộc nói chuyện về trí tuệ lại nói với người ngu si.

(1) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về lòng tin không đúng pháp khi nói với người không có lòng tin? Khi hành giả nói chuyện về lòng tin, một người không có lòng tin sẽ mất bình tĩnh, khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy không có lòng tin và không thích nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về lòng tin đã chọn sai đối tượng khi nói với người không có lòng tin.

(2) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về đức hạnh không đúng pháp khi nói với người kém đạo đức? Khi hành giả nói chuyện về đức hạnh, một người kém đạo đức sẽ mất bình tĩnh, khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy không có đức hạnh và không thích nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về đức hạnh đã chọn sai đối tượng khi nói với người kém đạo đức.

(3) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về học tập (Chánh pháp) không đúng pháp khi nói với người ít học tập (Chánh pháp)? Khi hành giả nói chuyện về học tập (Chánh pháp), một người ít học tập (Chánh pháp) sẽ mất bình tĩnh, khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy không học tập (Chánh pháp) và không thích nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về học tập (Chánh pháp) đã chọn sai đối tượng khi nói với người không học tập (Chánh pháp).

(4) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về bố thí không đúng pháp khi nói với người keo kiệt? Khi hành giả nói chuyện về bố thí, một người keo kiệt sẽ mất bình tĩnh, khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy không biết bố thí và không thích nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về bố thí đã chọn sai đối tượng khi nói với người keo kiệt.

(5) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về trí tuệ không đúng pháp khi nói với người ngu si? Khi hành giả nói chuyện về trí tuệ, một người ngu si sẽ mất bình tĩnh, khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy không có trí tuệ và không thích nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về trí tuệ đã chọn sai đối tượng khi nói với người ngu si.

“Như vậy, một cuộc nói chuyện không đúng pháp là khi nói với năm hạng người [không thích hợp] này, sau khi cân nhắc so sánh hạng người này với hạng người kia.

“Này các Tỷ-kheo, một cuộc nói chuyện đúng pháp là khi nói với năm hạng người [thích hợp] này, sau khi cân nhắc so sánh hạng người này với hạng người kia. Thế nào là năm? Một cuộc nói chuyện về lòng tin được nói với người có lòng tin; một cuộc nói chuyện về đức hạnh được nói với người có đạo đức; một cuộc nói chuyện về học tập (Chánh pháp) được nói với người biết nhiều (về Chánh pháp); một cuộc nói chuyện về bố thí được nói với người hào phóng; một cuộc nói chuyện về trí tuệ được nói với người có trí tuệ.

(1) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về lòng tin đúng pháp khi nói với người có lòng tin? Khi hành giả nói chuyện về lòng tin, một người có lòng tin sẽ không mất bình tĩnh, không khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này không biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy có lòng tin và hoan hỷ khi nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về lòng tin đã chọn đúng đối tượng khi nói với người có lòng tin.

(2) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về đức hạnh đúng pháp khi nói với người có đạo đức? Khi hành giả nói chuyện về đức hạnh, một người có đạo đức sẽ không mất bình tĩnh, không khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này không biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy có đức hạnh và hoan hỷ khi nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về lòng tin đã chọn đúng đối tượng khi nói với người có đạo đức.

(3) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về học tập (Chánh pháp) đúng pháp khi nói với người biết nhiều (về Chánh pháp)? Khi hành giả nói chuyện về học tập (Chánh pháp), một người biết nhiều (về Chánh pháp) sẽ không mất bình tĩnh, không khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này không biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy hiểu biết (Chánh pháp) và hoan hỷ khi nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về học tập (Chánh pháp) đã chọn đúng đối tượng khi nói với người biết nhiều (về Chánh pháp).

(4) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về bố thí đúng pháp khi nói với người hào phóng? Khi hành giả nói chuyện về bố thí, một người hào phóng sẽ không mất bình tĩnh, không khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này không biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy biết bố thí và thích nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về bố thí đã chọn đúng đối tượng khi nói với người hào phóng.

(5) “Và thế nào là một cuộc nói chuyện về trí tuệ đã chọn đúng đối tượng khi nói với người có trí tuệ? Khi hành giả nói chuyện về trí tuệ, một người có trí tuệ sẽ không mất bình tĩnh, không khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh; người này không biểu lộ sự tức giận, sân si và cay cú. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân người ấy có trí tuệ và hoan hỷ khi nghe chuyện ấy. Như vậy là một cuộc nói chuyện về trí tuệ đã chọn đúng đối tượng khi nói với người có trí tuệ.

“Này các Tỷ-kheo, một cuộc nói chuyện đúng pháp là khi nói với năm hạng người [thích hợp] này, sau khi cân nhắc so sánh hạng người này với hạng người kia.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (XV):157, tr. 606-610)

4. ĐỪNG TẠO TRANH CÃI

“Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo là người tạo ra tranh cãi, gây sự, tranh chấp; tạo ra cuộc đàm luận gây bất đồng ý kiến, và tạo ra những vấn đề về Giới luật trong Tăng chúng, sẽ có năm điều nguy hại chờ đợi vị ấy. Thế nào là năm? (1) Vị ấy sẽ không đạt được những gì vị ấy chưa đạt được; (2) vị ấy thối thất đối với những gì vị ấy đã đạt được; (3) tiếng đồn xấu về vị ấy được lan truyền; (4) vị ấy chết trong mê loạn; (5) khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, vị ấy sẽ bị tái sanh vào cõi dữ, đọa xứ, cõi thấp kém, địa ngục. Khi một Tỷ-kheo là người tạo ra tranh cãi, gây sự, tranh chấp; tạo ra cuộc đàm luận gây bất đồng ý kiến, và tạo ra những vấn đề về Giới luật trong Tăng chúng, năm điều nguy hại này đang chờ đợi vị ấy.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (XXI): 212, tr. 715-716)

5. NÓI LỜI KHEN CHÊ

“Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ bị rơi vào địa ngục tương xứng. Thế nào là năm? (1) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này ca ngợi người đáng bị chê trách. (2) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này chê trách người đáng được ca ngợi. (3) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này tin tưởng một vấn đề đáng nghi ngờ. (4) Không tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này nghi ngờ một vấn đề đáng tin tưởng. (5) Vị ấy phung phí những gì được tịnh tín cúng dường. Sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ bị rơi vào địa ngục tương xứng.

“Này các Tỷ-kheo, sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ được sinh vào cõi Trời tương xứng. Thế nào là năm? (1) Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này chê trách người đáng bị chê trách. (2) Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này ca ngợi người đáng được ca ngợi. (3) Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này nghi ngờ một vấn đề đáng nghi ngờ. (4) Tìm hiểu và suy xét kỹ lưỡng, vị này tin tưởng một vấn đề đáng tin tưởng. (5) Vị ấy không phung phí những gì được tịnh tín cúng dường. Sở hữu năm tính cách này, một Tỷ-kheo cư trú tại chỗ được sinh vào cõi Trời tương xứng.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (XXIV):236, tr. 736-738)

6. BIẾT KHEN ĐÚNG LÚC

Rồi du sĩ Potaliya đi đến Thế Tôn và trao đổi những lời chào hỏi với Ngài. Sau đó, Thế Tôn nói với ông ấy: Này Potaliya, có bốn hạng người này hiện có mặt trong đời. Thế nào là bốn? (1) Ở đây, có người nói lời chê trách với người đáng chê trách, và lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; nhưng vị ấy không khen ngợi người đáng khen ngợi, mặc dù lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. (2) Có người khen ngợi người đáng khen ngợi, và lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; nhưng vị ấy không nói lời chê trách với người đáng chê trách, mặc dù lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. (3) Lại có người không nói lời chê trách với người đáng chê trách, mặc dù lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; và vị ấy cũng không khen ngợi người đáng khen ngợi, mặc dù lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. (4) Lại có người khác nói lời chê trách với người đáng chê trách, và lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; vị ấy cũng khen ngợi người đáng khen ngợi, và lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. Đây là bốn hạng người hiện có mặt trong đời. Này Potaliya, giờ đây đối với ông, người nào trong bốn hạng người ấy là tối ưu và tối thắng?

– Thưa Tôn giả Gotama, đối với con, người tối ưu và tối thắng là người không nói lời chê trách với người đáng chê trách, mặc dù lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; và vị ấy cũng không khen ngợi người đáng khen ngợi, mặc dù lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Gotama, vì điều tối thắng chính là xả.

– Này Potaliya, trong bốn hạng người này, Ta xem tối ưu và tối thắng là hạng người nói lời chê trách với người đáng chê trách, và lời chê trách ấy là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc; và vị ấy cũng khen ngợi người đáng khen ngợi, và lời khen ngợi là chính xác, đúng sự thật, và đúng lúc. Vì sao vậy? Này Potaliya, bởi vì điều tối ưu và tối thắng là biết khen chê đúng lúc trong cả hai trường hợp.

(Tăng Chi BK I, Ch. IV, (X):100, tr. 742-745)

7. BIẾT NÊN NÓI GÌ VÀ NÓI NHƯ THẾ NÀO

[Đức Phật nói với các Tỷ-kheo:] “Người ta nói rằng: ‘Không nên nói ra điều bí mật (bị che giấu), và không nên nói lời gây tổn thương.’ Và điều này được nói với ý nghĩa như thế nào?

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi hành giả biết rằng điều bí mật là không đúng sự thật, không chính xác, không lợi ích, thì hành giả không nên nói ra. Khi hành giả biết rằng điều bí mật là đúng sự thật, chính xác, nhưng không lợi ích, thì hành giả cũng không nên nói ra. Nhưng khi hành giả biết rằng điều bí mật là đúng sự thật, chính xác, và lợi ích, thì hành giả có thể nói ra, biết rằng đã đến lúc cần nói ra.

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi hành giả biết rằng lời nói gây tổn thương là không đúng sự thật, không chính xác, không lợi ích, thì hành giả không nên nói. Khi hành giả biết rằng lời nói gây tổn thương là đúng sự thật, chính xác, nhưng không lợi ích, thì hành giả cũng không nên nói. Nhưng khi hành giả biết rằng lời nói gây tổn thương là đúng sự thật, chính xác, và lợi ích, thì hành giả có thể nói, biết rằng đã đến lúc cần nói ra.

“Vì thế, chính với ý nghĩa như vậy mà người ta nói rằng: ‘Không nên nói ra điều bí mật, và không nên nói lời gây tổn thương.’”

(Trung BK III, Kinh số 139: Kinh Vô Tránh Phân Biệt, tr. 534-535)

8. KHIỂN TRÁCH NGƯỜI KHÁC

Tôn giả Sāriputta nói với các Tỷ-kheo như sau: "Này, chư hiền, một Tỷ-kheo muốn khiển trách người khác thì trước tiên phải tự mình nắm vững năm pháp. Thế nào là năm? (1) Vị ấy phải suy xét: “Tôi sẽ nói đúng lúc, không nói không đúng lúc; (2) Tôi sẽ nói đúng sự thật, không nói lời dối trá; (3) Tôi sẽ nói nhẹ nhàng, không nói lời thô bạo; (4) Tôi sẽ nói theo cách có lợi ích, không nói theo cách làm tổn hại; (5) Tôi sẽ nói với tâm từ, không nói với tâm sân.” Một Tỷ-kheo muốn khiển trách người khác thì trước tiên phải tự mình nắm vững năm pháp này.

– Này, chư hiền, một Tỷ-kheo khi bị khiển trách phải tự mình nắm vững hai pháp này: tôn trọng sự thật và không sân hận. Vị ấy phải suy nghĩ như sau: “Nếu người khác khiển trách tôi, dù đúng lúc hay không đúng lúc; dù nói đúng sự thật hay sai lầm; dù nói nhẹ nhàng hay nói lời thô bạo; dù nói theo cách có lợi hay theo cách làm tổn hại; dù nói với tâm từ hay với tâm sân, tôi phải nắm vững hai pháp này: tôn trọng sự thật và không sân hận. Nếu tôi biết: ‘Trong tôi có tính cách đó,’ thì tôi sẽ nói với vị ấy: ‘Đúng vậy, tôi có tính cách đó.’ Nếu tôi biết: ‘Trong tôi không có tính cách đó,’ thì tôi sẽ nói với người ấy: ‘Điều ấy không đúng. Trong tôi không có tính cách đó.’”

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (XVII): 167, tr. 627-628 & tr. 631-632)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Pháp bảo Đàn kinh


Nguyên lý duyên khởi


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.170.80 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...