Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy »» TIẾT 3. QUAN NIỆM MỘT ĐỜI SỐNG HIỆN THỰC HẠNH PHÚC »»

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy
»» TIẾT 3. QUAN NIỆM MỘT ĐỜI SỐNG HIỆN THỰC HẠNH PHÚC

Donate

(Lượt xem: 1.516)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy - TIẾT 3. QUAN NIỆM MỘT ĐỜI SỐNG HIỆN THỰC HẠNH PHÚC

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

A. Đời sống cư sĩ hạnh phúc trong hiện tại và tương lai

Con người được sinh ra đời rồi lớn khôn và trưởng thành, tất cả ai cũng muốn tự bản thân mình có một sự sống ý nghĩa và hạnh phúc. Nhưng nơi đây, vấn đề quan niệm về một đời sống hiện thực có hạnh phúc phải là như thế nào, chứ không thể nói suông rồi hạnh phúc sẽ tự đến trong tầm tay của mình. Vì vậy, dù có lý luận hay quan niệm như thế nào về vấn đề hạnh phúc đi nữa thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một vấn đề hiển nhiên và không thể phủ nhận là “con người sinh ra để hạnh phúc mà không phải để làm việc hay để khổ đau.” Giả như nếu có một lý tưỏng hay việc làm nào thì chính bản thân của lý tưởng đó cũng đứng trên danh nghĩa của sự hạnh phúc, bình an cho con người. Như vậy, có thể hiểu rằng con người ta đã mặc nhiên thỏa thuận với nhau rằng hạnh phúc luôn có mặt trong lẽ sống của con người khi con người biết tìm kiếm lẽ sống.

Thế nhưng, điều phức tạp nơi đây là có rất nhiều nhận định sai khác về hạnh phúc, về phương tiện đưa đến hạnh phúc và về cách đón nhận hạnh phúc. Ngay khi con người chấp nhận hạnh phúc hiện hữu trong cuộc đời thì cũng vẫn còn có những câu hỏi được đặt ra là bóng dáng hạnh phúc có thể hiện diện một cách lâu dài và chắc chắn trong tự mỗi bản thân sự vật đang ngầm chứa từng sát-na sanh diệt này không? Hạnh phúc hiện hữu trong mỗi lứa tuổi nào? Khi còn nhỏ? Lúc trưởng thành? Giai đoạn tóc bạc da nhăn hay là tất cả trong mọi lứa tuổi? Và hạnh phúc đến trong điều kiện nào có thể?

Chúng ta hãy dừng lại, vì cảm thấy đến lúc con người đang bí lối trong vấn đề đặt câu hỏi và trả lời về hạnh phúc. Tự thân của hạnh phúc không phải là vấn đề để con người suy tư về nó, cũng không phải rong ruỗi tìm kiếm, tưởng niệm hoặc van xin. Sự tìm kiếm hạnh phúc của con người chỉ là sự xua đuổi hạnh phúc càng bay cao, càng mất dạng, mà nói đến hạnh phúc là phải nói đến sự sống thiết thực, sự “sống với”. Ví như người tình là phải sống với người mình yêu mà chẳng thể là tôi “nói về”, “tưởng về” hay chờ đợi người yêu.

Thái độ tìm cầu hạnh phúc là thái độ của kẻ lạc quan và chối bỏ thực tại. Vì vậy, điều tiên quyết ở đây là con người có nhìn nhận sự sống hay không? Nhìn nhận sự sống tức là con người chấp nhận sự hiện hữu chính mình trong cuộc đời bằng thái độ tích cực và hiểu biết. Thái độ sống là nói lên sự phản kháng, bất mãn, hay thỏa thuận về bản thân của con người và xã hội để đưa đến kết quả hạnh phúc hay khổ đau. Nên hiểu rằng, sự chấp thuận cuộc sống ở đây không có nghĩa là hoàn toàn dừng lại mọi sự tiến hóa, phát minh, cũng không mang ý nghĩa thụ động, tiêu cực hay đầu hàng, mà chính sự chấp nhận là đòi hỏi sự nhận thức trong sáng, ý chí kiên cường và mang một nghệ thuật sống. Nó cũng là một nỗ lực để cắt đứt nguyên nhân gây rối loạn tình tự sống của con người. Vì rằng, một con người mà không thỏa mãn với “khuôn mặt, màu da, chiều cao, âm thanh, tri thức... của mình” thì chắc hẳn rằng người đó sẽ mãi mãi bất đồng với chính mình và sẽ phát sinh tâm lý dằn vặt, khổ đau.

Bởi vậy, người muốn có hạnh phúc, điều quan trọng là phải biết chấp nhận và yêu thương chính bản thân mình trước khi yêu thương và chấp nhận cuộc đời. Con người phải hiểu rằng ý nghĩa hạnh phúc như khí trời để thở, như ánh nắng chiếu soi, tự thân nó đến với mọi người không phân biệt và giới hạn lứa tuổi nào. Hạnh phúc đòi hỏi một sự khôn ngoan để đón nhận như là sáng kiến và phát minh của sự sáng tạo và tri thức. Vì vậy, con người có thể có hạnh phúc vào bất cứ khi nào trong môi trường mình “đang có và đang là”.

Sự chấp nhận nơi đây còn là ý nghĩa tạo thành và kiến lập để thể hiện một cuộc sống hòa điệu giữa bản thân và xã hội. Vì vậy, nếu con người thiếu thái độ chấp nhận, thì sẽ không bao giờ có thể có một tinh thần hòa điệu hiện hữu tự bản thân.

Tinh thần hòa điệu chính là luật tắc của sự tồn tại mà một người mong cầu hạnh phúc không thể không biết đến. Vì rằng, có những luật tắc sai khác được thể hiện dưới mọi khía cạnh tâm lý, sinh lý... mà phải tự ý thức và thể hiện đúng, nếu đi sai nguyên tắc ấy tức là tạo sự rối loạn, bất hạnh và khổ đau, còn chấp nhận tức là khổ đau được chấm dứt và hạnh phúc được khơi sáng.

Hơn nữa, vấn đề đón nhận hạnh phúc cũng là một vấn đề có phần phức tạp và chủ quan của từng quan điểm cá nhân. Với niềm vui và hạnh phúc của tuổi trẻ là những viên kẹo, nắm xôi, thế nhưng đối với người lớn lại là tiền tài, danh vọng, yêu thương và sùng kính. Dưới mọi hình thức sai khác như vậy, nên con người không thể thiết định hạnh phúc theo một khuôn khổ, tiêu điểm nhất định nào. Có những loại hạnh phúc là phải nắm giữ, nhưng cũng có loại hạnh phúc phải buông xả, có những trạng thái hạnh phúc phải dứt áo ra đi, nhưng cũng có loại hạnh phúc phải dừng chân đứng lại. Vậy, hạnh phúc dường như hiện hữu khắp nơi và được trình bày dưới nhiều sắc thái thật phong phú.

Sở dĩ con người khổ đau vì con người ham muốn quá nhiều, ham muốn những điều mà khả năng, hoàn cảnh bản thân mình không cho phép. Và cũng chính sự kinh nghiệm khổ đau này vạch cho con người một nếp sống ít ham muốn, biết đủ. Và chính tinh thần “thiểu dục tri túc” này là một khía cạnh khác của sự chấp nhận và mặt khác của hạnh phúc.

Tóm lại, vấn đề sau cùng đề cập đến hạnh phúc là lạc thú hay khổ đau, hệ thuộc vào cảm thọ, mà tự thân của cảm thọ là vô thường, chuyển dịch nên đã tạo ra những nỗi bất an và phiền não. Vì vậy, sự khao khát của con người về hạnh phúc là một sự khao khát thường hằng và vĩnh viễn không tiêu diệt. Tự thân của hạnh phúc này chính là hạnh phúc của thường, lạc, ngã, tịnh. Là một thứ hạnh phúc được xây dựng trên chất liệu của Thánh giáo pháp và con đường mở ra chân trời hạnh phúc đó chính là giáo nghĩa Đạo đế.

Trong tiểu mục quan niệm một đời sống hiện thực hạnh phúc này, người viết sẽ giới thiệu một số vấn đề liên quan đến hạnh phúc và thế nào là một đời sống có hạnh phúc mà đức Phật đã trình bày qua các kinh:

(...) “Rồi Koliya tử Dighajanu (đầu gối dài) đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Koliya tử Dighajanu bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ, hưởng thọ các dục vọng, sống hệ phược với vợ con (Puttasam bādhasayanam) dùng các hương chiên đàn ở Kāsi, đeo và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh vàng và bạc, bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc trong tương lai...”

Sau khi gia chủ Koliya Dighajanu thưa thỉnh Thế Tôn thuyết giảng về vấn đề hạnh phúc cho một cư sĩ đệ tử. Đức Thế Tôn dạy có 4 điều đem lại hạnh phúc ngay trong hiện tại và 4 điều đem lại hạnh phúc trong tương lai.

1. Bốn điều đem lại hạnh phúc trong hiện tại

a. Đầy đủ sự tháo vát

“Ở đây này Byagghapajja, thiện nam tử, phàm làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm nghề bắn cung, hoặc làm nghề cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong nghề ấy người ấy thiện xảo, không biết mệt (analaso), biết suy tư, hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm.”

Điều kiện tháo vát là điều kiện đầu tiên để làm ra của cải. Nếu một người không siêng năng, cần mẫn thì dù cho giàu có rồi cũng sẽ tiêu tan. Vì vậy, trong đời sống của một cư sĩ dù có làm công việc gì cũng phải khéo léo, chuyên cần và tinh xảo, chính những yếu tố này bảo đảm cho việc làm có kết quả tốt, vì tự bản thân họ không biết mỏi mệt, biết suy tư, hiểu phương tiện để vận dụng công việc và khôn ngoan điều khiển người khác làm.

b. Đầy đủ phòng hộ

“Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản của Thiện nam tử, do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh đôi bàn tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch được đúng pháp. Vị ấy gìn giữ chúng, phòng hộ và bảo vệ: “Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt.”

Với phương pháp bảo tồn tài sản một cách hữu hiệu đó chính là sự phòng hộ có hiệu quả. Những tài sản đã do tháo vát, siêng năng mà thu hoạch được do mồ hôi của mình đổ ra, đúng pháp kiếm được do đôi bàn tay cần mẫn và khéo léo giữ gìn phòng hộ để khỏi bị vua chúa lấy mất, khỏi bị ăn trộm cướp đi, khỏi bị lửa đốt cháy, khỏi bị nước cuốn trôi và con cái hư hỏng phá tán, như đã trình bày ở trên. Đây là những lời dạy thích đáng và thiết thực. Vì đời sống của hàng tại gia không giống như đời sống của người xuất gia chỉ đi khất thực để sống, mà còn bao nhiêu việc phải làm, phải có bổn phận, trách nhiệm với cha mẹ, vợ con, bạn bè, quyến thuộc. Vì vậy, đối với họ phải có nghề nghiệp chính đáng để tạo dựng đời sống cho chính mình.

Nhưng nếu muốn vậy, điều cần thiết là phải siêng năng, tinh xảo trong nghề nghiệp. Nếu không sống đời chính đáng siêng năng, cần mẫn thì sẽ dễ bị cuốn trôi vào những hành vi bất thiện để kiếm tiền. Một khi đời sống thiếu đúng đắn mà kiếm được tiền bạc thì sẽ bị vua chúa tước đoạt. Như vậy, phương pháp hữu hiệu gìn giữ tiền tài là tự mình phải có nghề nghiệp hợp pháp, lương thiện. Tài sản có ra do đôi bàn tay mình tạo dựng, do mồ hôi mình đổ xuống, ấy mà còn phải phòng hộ các tai nạn nước, lửa, trộm cướp và con cái hư hỏng phá tán. Vì nhiều nhà giàu có, tiền bạc dư dả và quá thương yêu, nuông chiều con cái nên để chúng tự do phung phí mà không tiếc rẻ trong những cuộc cờ canh bạc, hay la cà đình đám rượu chè. Đây chính là thái độ dung dưỡng những đứa con hư hỏng phá sản gia đình rồi đến quốc gia xã hội. Vì rằng khi đã phá tan sự nghiệp của mẹ cha, tuần tự sẽ phá làng xóm chung quanh, hư hại của mọi người. Vì vậy, nhận chân được đời sống hạnh phúc về vật chất, đức Phật dạy người có tiền bạc là phải gia tâm phòng hộ, đây là lời dạy rất thực tiễn và tâm lý.

c. Làm bạn với thiện

“Ở đây này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn, tại đây có những con người gia chủ hay gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy làm quen, nói chuyện thảo luận với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập đầy đủ giới đức, với những người đầy đủ bố thí, học tập đầy đủ bố thí với những người đầy đủ trí tuệ, học tập đầy đủ trí tuệ.”

Làm bạn với thiện là nói lên ý nghĩa chân chánh, cao thượng, là một nếp sống lành mạnh của bản thân và của những người chung quanh. Như đức Phật đã thuyết giảng, tại trú xứ mình sinh sống, hay làng mạc thị thành có những người cư sĩ hay con cư sĩ mà thành tựu được giới đức, đầy đủ lòng tin, có bố thí, có trí tuệ, thì những điều kiện này là đáng thân cận và hỏi han thảo luận. Và, từ những người đầy đủ giới đức thì nên học tập giới đức, từ những người đầy đủ bố thí, thì nên học tập bố thí, từ những người đầy đủ trí tuệ thì nên học lập trí tuệ. Đây là những người bạn chân thật hiền thiện nên thân cận giao dịch.

Như vậy, hai pháp đầu mà đức Phật đã dạy là phương pháp làm ra của cải tiền bạc và bảo vệ gìn giữ. Nhưng đến pháp thứ ba này đức Phật dạy về tài sản thuộc lãnh vực tinh thần để cho con người tự ý thức rằng, đời sống không chỉ riêng có vật chất và cũng để nói lên giá trị đạo đức trong sự sinh hoạt hằng ngày. Bởi vậy, người cư sĩ Phật tử phải học hỏi giáo pháp để có một thái độ sống cao thượng, một ngôn ngữ và hành động phù hợp với giáo nghĩa, và để hoàn thành một nhân cách thánh thiện.

d. Sống thăng bằng điều hòa

“Ở đây, này Byaggahapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí (na accogatham) không quá bỏn xẻn (atihinam). Người ấy suy nghĩ: “Đây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như sau...; đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như sau...”

“Ví như, này Byaggahapajja, người cầm cân hay đệ tử người cầm cân, sau khi cầm cân biết rằng: “Với chừng ấy, cân nặng xuống, hay với chừng ấy, cân bổng lên...” Thiện nam tử, sau khi biết tài sản nhập, sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn (nghĩ rằng:) “Đây là tiền của ta... Sau khi trừ đi tiền nhập còn lại như sau...” Nếu thiện nam tử này, tiền nhập vào ít (appāyo) nhưng nếu sống nếp sống rộng rãi (hoang phí) thì người ta nói về người ấy như sau: “Người thiện nam tử này ăn tài sản của ông ấy, như người ăn trái cây sung (udumbara)”... Nếu người thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng nếu sống nếp sống cơ cực (kasiram) thì người ta sẽ nói về người ấy như sau: “Người Thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói (ajaddhumarikam)...” Thiện nam tử này, sau khi biết tài sản nhập... Đây gọi là nếp sống thăng bằng điều hòa.”

Của cải sau khi được làm ra, phải được tiêu dùng thích hợp, mà không quá phung phí, cũng không quá bỏn xẻn. Nếu tiền xuất nhiều hơn tiền nhập, ấy là kẻ ăn tiêu phí phạm, kết quả sẽ bị phá sản, mà còn đánh mất sự độ lượng của tâm hồn. Còn nếu ăn tiêu hẹp hòi, bỏn xẻn thì sẽ trở thành kẻ nô lệ cho tiền bạc, cứ bo bo cất giữ mà không dám tiêu dùng. Con người làm chủ được vật chất tiền bạc thì sẽ có một đời sống hạnh phúc an lạc, bằng ngược lại để tiền bạc làm chủ mình thì đó là kẻ tôi tớ cho tiền bạc và sẽ làm khổ chính bản thân. Người làm chủ tiền bạc là khi cần dùng thì phải tiêu dùng, còn không cần thì thôi. Người bị tiền bạc làm chủ là suốt đời khóa kỹ cất giấu tài sản mà không dám tiêu xài cho chính mình, huống nữa là bà con quyến thuộc hay đem cho những người ngoài. Như vậy, một đời sống thăng bằng là một đời sống không quá phung phí và không quá hà tiện.

Sau đây, đức Phật dạy về bốn nguyên tắc để thiết lập một đời sống điều hòa, không tiêu phí vô ích:

“Như vậy, này Byaggahapajja, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi: không đắm say đàn bà, không đắm say rượu, không đắm say cờ bạc, bạn bè với thiện, thân hữu với thiện, giao du với thiện. Ví như, này Byagghapajja, một hồ nước lớn có bốn cửa nước chảy vào, có bốn cửa nước chảy ra, có người mở ra các cửa nước chảy vào, có người đóng lại các cửa nước chảy ra và trời lại mưa đúng lúc. Như vậy, này Byaggahapajja, chờ đợi là hồ nước ấy được tăng trưởng không có giảm thiểu.”

Như vậy, đóng được bốn cửa phung phí tiền bạc ở trên thì tài sản sẽ không bị thất thoát vô ích, người cư sĩ sẽ có đời sống hạnh phúc an lạc.

Bốn pháp đức Phật đã dạy trên chính là bốn pháp đưa đến hạnh phúc hiện tại, an lạc hiện tại cho một con người sống đời gia đình có vợ con.

2. Bốn điều đem lại hạnh phúc trong tương lai

a. Đầy đủ lòng tin (saddhā)

“Ở đây, này Byaggahapajja, Thiện nam tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn... Bậc đạo sư của chư thiên và loài người, Phật Thế Tôn.”... Đây gọi là đầy đủ lòng tin.”

Lòng tin là gốc của muôn hạnh lành, của công đức, có tin tưởng mới có sự thực hành chơn chánh và lâu dài. Người cư sĩ Phật tử có lòng tin Tam bảo nên mới quy y Tam bảo và thực hiện lòng tin của mình đối với Phật, Pháp và Tăng. Tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai là tối thượng, Giáo pháp của Như Lai thuyết giảng là Giáo pháp đưa đến giải thoát và chư Tăng là đoàn thể hòa hiệp và thanh tịnh. Như vậy, đây là điều kiện đầu tiên giữ vững lý tưởng và nói lên giá trị đạo đức tinh thần và tâm linh.

b. Đầy đủ giới đức (sila)

“Ở đây, này Byaggahapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ không say đắm rượu men, rượu nấu. Này Byaggahapajja, đây gọi là đầy đủ giới đức.”

Người đã từ bỏ sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối và uống rượu, tức người đã giữ giới thanh tịnh. Bản thân của giới là điều kiện xây dựng một đời sống có cương lĩnh đạo đức và thể hiện sự thanh bình trong tất cả mọi người.

Phật tử giữ gìn giới đức là nói lên vai trò người con Phật chân chánh thanh cao. Giới cũng là điều kiện cơ bản làm nguyên nhân đưa người đến cảnh giới an lạc hạnh phúc.

c. Đầy đủ bố thí

“Ở đây, này Byaggahapajja, Thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Này Byaggahapajja, đây gọi là đầy đủ bố thí.”

Hạnh lành đầu tiên mà đức Phật dạy cho mọi người là bố thí. Vì con người lòng tham vô đáy mà cũng chính lòng tham đó làm điều kiện tạo tội ác, cho nên đức Phật đã dạy, phương pháp điều phục tội lỗi của tham lam là sự bố thí, là san sẻ tài sản vật chất, năng lực, hiểu biết, sự không sợ hãi, tình cảm, giáo pháp... Nghĩa là tất cả những gì mình có mà người khác không có. Cho một sự không sợ hãi đến người đang sợ hãi bằng một lời nói bình tĩnh, một nụ cười thành thật, thì đó chính là sự bố thí hữu hiệu, có tác dụng. Ý nghĩa bố thí cao nhất đó là người biết “mở rộng lòng từ”. Người chỉ biết thu nhận và gìn giữ mà không biết chi dùng đem cho, ấy là người vị kỷ keo kiết. Nếu trong cộng đồng xã hội đa phần là những hạng người này thì đây là dấu hiệu bất hạnh cho con người trong xã hội đó. Trong gia đình mà cha con, anh em ai cũng chỉ nghĩ đến riêng bản thân mình thì chắc chắn gia đình ấy không hạnh phúc. Vì chính ý nghĩa tạo lập sự an lành và hạnh phúc cho nên bố thí trước hết là đoạn tận lòng tham, tính bỏn xẻn và tâm lý tị hiềm với con người. Ý nghĩa bố thí thật rộng rãi chứ không chỉ đóng khung trong một giới hạn nào. Người có của cải, có danh vọng, có địa vị, có danh dự... tất cả đều bố thí được. Một người lớn hơn mình, có lòng thương yêu quí trọng mình, mà mình đáp lại bằng tấm lòng khiêm cung, từ tốn, thì đó chính là mình đã bố thí danh dự của mình. Như vậy, không những tự bản thân mình được an lạc mà còn tạo được sự hòa nhã hạnh phúc cho người trên nữa. Bởi vậy, sự bố thí không nhất thiết luôn đòi hỏi tiền tài, phẩm vật mà hễ có thân, có tâm là có thể bố thí.

d. Đầy đủ trí tuệ

“Ở đây, này Byaggahapajja, thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với thánh thể nhập (quyết trạch) chơn chánh chấm dứt khổ đau. Này Byaggahapajja, đây gọi là đầy đủ trí tuệ.”

Trí tuệ là yếu tố chỉ đạo tâm linh, người có trí tuệ mỗi khi hành động đều phù hợp với luật nghi. Nói những điều Phật nói, làm những điều Phật làm và những việc này đều thích hợp với chiều hướng đi lên của các bậc thượng trí. Trí tuệ là tấm gương sáng để tự soi cho chính mình mỗi khi hành động, đi, đứng, nằm, ngồi, đều cảm thấy yên lòng, vì chẳng tạo các điều tội lỗi nên tâm hồn chẳng bao giờ sanh ra sự hối hận, tiếc nuối. Hành động, ngôn ngữ và ý nghĩ đều hợp nhất. Bởi vậy, đối với người có trí tuệ chẳng sanh sợ hãi lo âu, sầu muộn. Có trí tuệ là có nhận thức chân chánh trong mọi sinh hoạt thường nhật. Bản thân trí tuệ là một ngọn đuốc sáng được thắp lên trong tâm trí của tự mỗi con người, nhờ ánh sáng trí tuệ này mà chư Phật, chư Bồ tát đã nhận diện ngay tự thể chân lý và kiện toàn trí tự giác, hay còn gọi là vô sư trí, vô sư tự ngộ hay tự giác thánh trí.

Bởi vậy, nếu người Phật tử không có cái nhìn đúng đắn, không nhận thức như lý tác ý thì không phải là người có trí tuệ, dễ rơi vào tà kiến. Do đó, đức Phật dạy pháp thứ tư này cho các hàng Phật tử tại gia là phải siêng năng trau dồi trí tuệ để được hạnh phúc và bình an trong tương lai.

Tất cả những tiểu mục vừa được trình bày, Tiết 3 tóm tắt theo biểu đồ sau:

Bốn điều kiện đem lại hạnh phúc ngay trong hiện tại

1. Đầy đủ sự tháo vát (sĩ, nông, công, thương)

- Làm việc không biết mỏi mệt.

- Rành việc và rành điều khiển người làm việc cho mình.

2. Đầy đủ sự phòng hộ

a. Biết giữ gìn cẩn trọng của cải đã làm ra một cách hợp pháp bằng sức lao động hợp lý của chính mình.

b. Thu nhập được chia làm 4 phần:

- Một phần để sinh sống hằng ngày.

- Một phần để chi tiêu việc bất thường.

- Một phần để sung vào quỹ gia đình.

- Một phần để đầu tư tích lũy.

3. Làm bạn với thiện

- Bạn bè có giới đức.

- Có đầy đủ lòng tin Tam bảo.

- Có bố thí cúng dường.

- Có trí tuệ, biết rõ giáo pháp thể chứng Niết-bàn.

4. Sống thăng bằng điều hòa

- Quân bình xuất nhập trong gia đình: thu nhiều hơn chi.

- Quân bình sức khỏe: không tham dự chuyện gái trai, cờ bạc, rượu chè.

- Quân bình tâm lý: không bất mãn cũng không thỏa mãn.

b. Bốn điều kiện đem lại hạnh phúc trong tương lai

1. Đầy đủ lòng tin: Tin sự giác ngộ của Như Lai, Giáo pháp đưa đến giải thoát và đoàn thể Tăng già hòa hiệp thanh tịnh.

2. Đầy đủ giới đức: Giữ năm giới cấm (không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không say sưa).

3. Đầy đủ bố thí: Rộng lòng bố thí và cúng dường.

4. Đầy đủ trí tuệ: Tu tập Tứ Thánh Đế, nhận thức rõ pháp sinh diệt, vô thường, khổ, vô ngã, phát tâm cần cầu giải thoát.

Trong Tiết 2, chúng tôi đã trình bày về các vấn đề quan hệ giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng... trong phạm vi tương giao tốt giữa gia đình và xã hội cũng chính là nền tảng của sự an lạc và hạnh phúc cho con người, nên trong tiết này, chúng tôi hệ thống sáu mối tương giao trên một cách đại lược để quí vị có nét đại cương hơn, theo biểu đồ:

1. Phương đông: Quan hệ cha mẹ, con cái

a. Bổn phận cha mẹ giáo dục tốt con cái:

- Xây dựng gia đình giàu có.

- Phân chia tài sản đồng đều.

b. Cha mẹ là đấng thiêng liêng của con cái:

- Bổn phận con cái phải lo hầu hạ cha mẹ hằng ngày.

- Phụng dưỡng chăm nom khi cha mẹ tuổi già sức yếu.

2. Phương nam: Quan hệ thầy trò

a. Thầy: dạy có kết quả, huấn luyện tốt, đào tạo nên người thiết thực. Giới thiệu học trò với các bạn bè. Chuẩn bị nghề nghiệp cho học trò khi học xong.

b. Trò: học có kết quả, kính trọng và vâng lời thầy dạy. Chăm chỉ và hoàn tất bổn phận đối với thầy.

3. Phương tây: Quan hệ vợ chồng

a. Chồng: thương yêu, kính trọng và chung thủy với vợ. Bảo đảm đời sống và mọi tiện nghi cho vợ. Thường tặng quà trang sức, áo vải.

b. Vợ: thương yêu, kính trọng và chung thủy với chồng. Chăm nom công việc gia đình tốt. Siêng năng, khôn khéo trong mọi công việc nhà. Đốỉ xử độ lượng với người làm công. Giao tiếp lịch sự với khách khứa và thân thuộc của chồng.

4. Phương bắc: Quan hệ bạn bè, bà con

Láng giềng:

- Yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

- Vui vẻ và ôn hòa.

- Thành thật với nhau, chung lo hạnh phúc cho nhau.

- Giúp đỡ khi gặp hoạn nạn, không bỏ nhau khi gặp khó khăn.

5. Phương dưới: Quan hệ chủ nhân với người giúp việc

a. Chủ: Lượng công việc giao vừa khả năng. Trả tiền công thích đáng. Trợ cấp thuốc men. Thường cho quà thưởng.

b. Người giúp việc: Hoàn tất công việc, cần mẫn tốt. Thật lòng không lừa gạt. Biết vâng lời.

6. Phương trên: Quan hệ tu sĩ và cư sĩ

a. Tu sĩ: Trao truyền sự hiểu biết cho cư sĩ. Truyền năm giới và giới thiệu các thiện pháp tu hành đưa đến giải thoát.

b. Cư sĩ: Phụng sự nhu cầu vật chất và cung kính tôn trọng.

*

Trong một bài pháp, đức Phật đã thuyết giảng cho Trưởng giả Cấp Cô Độc, người đệ tử tại gia giàu lòng hộ pháp, Ngài đã dạy rằng: có 4 loại hạnh phúc về vật chất mà người sống đời gia đình được thọ hưởng:

1. Hạnh phúc có vật sở hữu

“Là hạnh phúc của người kia đã tạo nên tài sản do nhờ sự nỗ lực cố gắng, nhờ sức lực của chăn tay và mồ hôi trán mà thâu nhập được và thọ lãnh một cách hợp pháp. Khi nghĩ rằng tài sản này ta đã tạo nên do nhờ sự nỗ lực cố gắng, thâu nhập và thọ lãnh hợp pháp, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện.”

2. Hạnh phúc có tài sản

“Là hạnh phúc của người kia đã tạo tài sản do nhờ sự nỗ lực cố gắng. Bây giờ chính mình thọ hưởng tài sản ấy hoặc dùng của ấy để gieo phước, khi nghĩ rằng do nhờ tài sản đã tạo nên hay chính ta thọ hưởng và gieo phước, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện.”

3. Hạnh phúc về sự không mang nợ

“Là hạnh phúc của người kia không thiếu ai món nợ lớn nhỏ nào, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện.”

4. Hạnh phúc không có sự khiển trách

“Là hạnh phúc của bậc thánh nhân, không có sự khiển trách về tư tưởng. Khi nghĩ rằng mình được hưởng thọ hạnh phúc không có sự khiển trách về hành động, không có sự khiển trách về lời nói, không có sự khiển trách về tư tưởng, bậc thánh nhân cảm thấy hoan hỷ.”

Ở đây, chúng ta thấy rằng tất cả 4 điều trên, 3 điều hoàn toàn thuộc về lãnh vực kinh tế. Để cuối cùng, đức Phật dạy Trưởng giả cấp Cô Độc biết rằng hạnh phúc về kinh tế, tài sản thì không “đáng 1 phần 16” của hạnh phúc thuộc về tâm hồn được sinh khởi từ một đời sống không lỗi lầm, thánh thiện.

Qua những điều kiện được trình bày trên, chúng ta thấy rằng đức Phật đã quan tâm đặt vấn đề kinh tế là điều cần thiết cho hạnh phúc của một con người. Nhưng, ngài hoàn toàn không chấp nhận tất cả sự phát triển thuần nhất về vật chất, mà không có một nền tảng đạo đức chỉ đạo tâm linh. Vì vậy, trong khi đức Phật thuyết giảng về mặt phát triển tài sản vật chất thì cũng song song đức Phật đã nhấn mạnh đến vấn đề vun bồi, phát triển một đời sống đạo đức tâm linh để tạo lập một xã hội thanh bình, hạnh phúc.

Trong phẩm thứ II, Không Phóng Dật, một hôm vua Pasenadi nước Kosala đến yết kiến đức Phật và bạch Thế Tôn là có một pháp nào mà pháp đó có thể đưa đến sự chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này, và hạnh phúc đời sau không?

Đức Thế Tôn đã trả lời là có một pháp có khả năng đưa đến sự chứng đắc và tồn tại cho cả hai loại hạnh phúc đời này và đời sau. Đó chính là pháp bất phóng dật. Thế Tôn dạy:

“Ai ước nguyện tuổi thọ,
Không bịnh có diện sắc,
Được sanh lên Thiên giới,
Sanh các nhà quý tộc,

Phải liên tục tăng thượng,
Tinh tấn không dừng nghỉ.
Người hiền triết tán thán,
Hạnh lành không phóng dật,

Đối với những người lành,
Làm các hạnh công đức.
Người hiền không phóng dật,
Được cả hai lợi ích,

Lợi ích trong đời này,
Lợi ích cả đời sau.
Kẻ anh hùng được gọi,
Là bậc chân hiền trí.
Nếu biết nắm chụp lấy,
Hạnh phúc cho chính mình.”
Trong phần Cây lau, đức Phật cũng đã dạy ý nghĩa của một đời sống hạnh phúc trong hiện tại:

Không tiếc nuối quá khứ,
Không mơ ước tương lai,
Chỉ sống với hiện tại,
Người tiếc nuối quá khứ,
Người mơ ước tương lai,
Hạnh phúc đời khô héo,
Như bông lau lìa cành.”

Dưới một hình thức khác, phẩm kinh A-nan Nhất Dạ Hiền Giả, Phật dạy:

“Quá khứ không trông tìm,
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động không rung chuyển,
Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mỏi mệt,
Xứng gọi Nhất Dạ Hiền,
Bậc an tịnh trầm lặng.”

Hiện tại là chỗ thực tướng đối với con người mà sống tức có nghĩa là sống với cái hiện tại, sống cho hiện tại. Hay nói khác đi, chỉ có giờ phút hiện tại mới đích thực là sống. Sống với thời điểm hiện tại mới là tinh thần sống trung thực. Điều mà con người than thở, luyến tiếc những việc đã qua (quá khứ) và trông tìm những điều chưa đến (tương lai) thì đây chẳng phải là đánh mất cái thực tại, chạy theo cái phi thực, ảo huyền, tạo cho mình những nỗi khổ đau phiền loạn, đánh mất cái hiện tại tức là đánh mất cái giờ phút linh hoạt và sống động. Vì cái hiện tại là cái “đang là”, đầy ý nghĩa sáng tạo, là mạch nguồn sống động. Nếu con người ý thức được giá trị của cái giờ phút hiện tại “đang là” ấy, thì chính là thời điểm vĩnh cửu của đời mình.

Trong ý nghĩa của cuộc sống, nếu con người không phấn đấu, tích cực để nhận chân thời điểm hiện tại như nó “đang là” áp dụng một cách hữu hiệu bằng khả năng và trí tuệ chứng minh để tạo lập an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, đức Phật đã dạy, nhan sắc của chính mình sẽ bị héo khổ mau lẹ như cành lau xanh lìa cành, và cũng vậy, hạnh phúc của đời mình cũng héo khô không kém, nếu mình mãi lãng quên cái “bây giờ”.

Như vậy, giờ phút hiện tại, và tại đây chính như là hòn đảo an toàn mà đức Phật chỉ cho con người hãy quay về và nương tựa đời mình để khỏi phải rong ruỗi và đắm chìm trong kiếp sống mênh mông của ảo tưởng. Từ đây, con người tạo lập, xây dựng tòa lâu đài hạnh phúc trong ý nghĩa sống thiết thực, mà con người muôn đời mãi tìm kiếm.

B. Đời sống một tu sĩ hạnh phúc trong hiện tại và tương lai

Thiện nam tử lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, mục đích là tạo lập chí hướng để xây dựng một đời sống thoát ly phiền não và nhận diện hiện tại lạc thú bằng trí tuệ siêu việt.

Một đời sống tịch tịnh và thanh đạm của người xuất gia là một đời sống hòa hiệp, xóa tan bản ngã cá nhân để sống vào đại thể như sữa được hòa tan trong nước. Chính đời sống đó tạo thành một năng lực đưa người xuất gia trên bước đường giáo hóa lợi tha. Một đời sống không gia đình, nói lên ý nghĩa tự tại vô điều kiện, đây chính là hạnh phúc ngay bản thân của người xây dựng chí hướng giải thoát. Như đã có lần đức Phật giảng dạy, đời sống của một vị tỳ-kheo, là đời sống của một kẻ không nhà, một tấm áo ca-sa, một bình bát, lang thang trong rừng sâu để hưởng thọ sự tịch tịnh của núi rừng, để nếm hương vị tịch liêu độc cư thiền định. Duy trì mạng sống, người xuất gia ôm bình bát khất thực, ngày chỉ ăn một bữa, đêm thì ngủ dưới gốc cây một lần, đời sống không tài sản của những người buông xả tất cả.

Một đời sống thanh tịnh, cao thượng, chính đời sống này là một đời sống vượt lên trên mọi đời sống. Và vì vượt lên trên tất cả cho nên mới hóa độ cho tất cả. Cũng giống như ánh sáng của trăng sao, ở tít tận trên cao mới có thể tỏa ánh sáng bao trùm vạn vật. Vì vậy, trong tinh thần giáo hóa để kiện toàn một đời sống chân thật hạnh phúc cho bản thân và con người, người xuất gia không thiên vị, phân chia hay biệt lập. Đời sống của họ được hòa tan trong đại thể, cho nên dưới mắt của người xuất gia chẳng có gì là cố định cả. Vì rằng tất cả đều biến chuyển theo dòng sóng của tâm tư và di dịch theo hành động. Người xuất gia nhận định cuộc sống là một sự tương quan sinh tồn, tương duyên hòa hiệp với nhau. Bởi vậy, với mục đích thiết thực là phục vụ cho con người đem lại lợi ích chung, cho cộng đồng xã hội. Vì chính lợi ích này là yếu tố kiện toàn sự an lành và hạnh phúc cho người xuất gia, cho nên tự bản thân của họ là bản thân của người “hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”.

Người xuất gia nhận chân cuộc đời theo tinh thần giáo pháp là một biển khổ mênh mông, vì vậy trách nhiệm hiện tại và thiết thực nhất của họ là phải nhận diện khổ đau và tận diệt khổ đau, phải vận dụng trí năng đoạn trừ vô minh, lậu hoặc thay bằng ánh sáng trí tuệ giải thoát. Vì giải thoát là khung trời hạnh phúc an lạc tối hậu.

Người xuất gia sống đời giải thoát, mang tinh thần “thượng cầu hạ hóa” với một sức lực vô biên và sở hành vô úy. Bởi vậy, họ đã xứng danh là “hủy hình thủ chí tiết, cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng Phật đạo, thệ độ nhất thiết nhân” - hủy bỏ hình tướng giữ lấy khí tiết, cắt đứt ân ái từ giã người thân, xuất gia hoằng dương Phật đạo, thề hóa độ tất cả mọi người. Và hiện thân của người xuất gia là hiện thân của sự an lạc hòa hiệp, là một đời sống hạnh phúc không tranh chấp và náo loạn. Họ an lành từ lời nói, họ hạnh phúc từng hành động và họ giải thoát từ ý nghĩ. Môi trường sống của họ là môi trường sống hòa hiệp và thanh tịnh. Trong môi trường này, đức Phật đã xây dựng 6 thái độ bình an hòa hợp chúng. Sự hòa hợp như nước hòa với sữa, như ánh sáng hòa trong không gian. Sáu điều hòa hợp ấy là:

1. Thân hòa đồng trụ

2. Khẩu hòa vô tránh

3. Ý hòa đồng duyệt

4. Lợi hòa đồng quân

5. Giới hòa đồng tu

6. Kiến hòa đồng giải

Trong tinh thần lục hòa này, nơi đây chúng tôi chỉ nêu lên mà không lý giải, trong Tiết 7: Nguyên tắc sinh hoạt tốt tạo nên tình đoàn kết hết sức mạnh của tập thể. Nguyên tắc nhiếp chúng. Sau đây, chúng tôi sẽ đi vào từng chi tiết.

Đời sống của người xuất gia là đời sống theo một nguyên tắc được chỉ đạo trên tinh thần giáo lý giải thoát. Như trong kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật đã dạy:

“Với những ai, này các tỳ-kheo, Bốn Niệm Xứ này được thực hành, đối với những người ấy, cũng được thực hành là thánh đạo đưa đến chân chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?

“Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Trú quán thọ trên các cảm thọ... Trú quán tâm trên tâm... Trú quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

“Đối với những ai, này các tỳ-kheo, Bốn Niệm Xứ này bị thối thất, thì cũng thối thất là thánh đạo đưa đến chân chánh đoạn diệt khổ đau.

“Đối với những ai, này các tỳ-kheo, Bốn Niệm Xứ này được thực hành, thời cũng được thực hành là thánh đạo đưa đến chân chánh đoạn diệt khổ đau.”

Đời sống của tỳ-kheo là một đời sống tỉnh thức, ý niệm luôn luôn được đánh thức một cách trong sáng. Vì vậy, trong ý thức sống không tạp loạn để tâm tư được tịch tịnh, Đức Phật dạy:

“Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo hãy trú chánh niệm, tỉnh giác. Đây là lời giáo giới của Ta cho các ngươi.”

“Và này các tỳ-kheo, thế nào là tỳ-kheo chánh niệm? Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo trú quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... Như vậy, này các tỳ-kheo, là tỳ-kheo chánh niệm.”

“Và này các tỳ-kheo, như thế nào là tỳ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các tỳ-kheo, biết rõ ràng các cảm thọ khởi lên, biết rõ ràng các cảm thọ an trú, biết rõ ràng các cảm thọ đi đến tiêu mất; biết rõ ràng các tâm khởi lên, biết rõ ràng các tâm an trú, biết rõ ràng các tâm đi đến tiêu mất; biết rõ ràng các tưởng khỏi lên, biết rõ ràng các tưởng an trú, biết rõ ràng các tưởng đi đến tiêu mất. Như vậy, này các tỳ-kheo, là tỳ-kheo tỉnh giác.”

“Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo trú quán tánh tập khởi trên thân, trú quán tánh đoạn diệt trên thân, trú quán tánh tập khởi và đoạn diệt trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú quán tánh tập khỏi trên các cảm thọ, trú quán tánh đoạn diệt trên các cảm thọ, trú quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các cảm thọ... Trú quán tánh tập khởi trên tâm... Trú quán tánh tập khởi trên các pháp, trú quán tánh đoạn diệt trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các tỳ-kheo, là sự tu tập Niệm Xứ.

“Và này các tỳ-kheo, thế nào là đạo lộ đưa đến sự tu tập Niệm Xứ? Đây là con đường thánh đạo 8 ngành tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các tỳ-kheo, đây gọi là đạo lộ đưa đến sự tu tập Niệm Xứ.”(18)

Bát thánh đạo là đạo lộ chân chánh tám ngành, là con đường duy nhất, độc đạo, đưa người đến quả vị giải thoát tối thượng. Bát thánh đạo được hiểu như là những điều kiện thuần nhất tuyệt đối thánh thiện để kiện toàn một đời sống tâm linh thuần khiết mà vai trò người xuất gia vì lý tưởng siêu thoát không thể thiếu. Tám điều kiện này là yếu tố xây dựng sự bình an và hạnh phúc tuyệt đối cho đời sống hiện tại và tương lai. Tám điều kiện ấy là: Chánh kiến (sammā-diṭṭhi), Chánh tư duy (sammā-saṅkappa), Chánh ngữ (sammā-vācā), Chánh nghiệp (sammā-kammanta), Chánh tinh tấn (sammā-vāyāma), Chánh niệm (sammā-sati), Chánh định (sammā-samādhi), Chánh mạng (sammā-ājīva). (Giáo lý Bát thánh đạo sẽ được trình bày trong Tiết 8.)

Tỳ-kheo sống đời núi rừng, đức Phật dạy có 5 pháp làm động cơ thúc đẩy càng thêm dũng mãnh và tinh tấn để chứng đắc ngay trong đời hiện tại, pháp lạc hiện trú:

Năm sự quán sát sợ hãi trong tương lai:

1. Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng, khi ta sống một mình trong rừng, con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy là chướng ngại của ta. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.”

2. Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo sống ở trong rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng, khi ta sống một mình trong rừng, ta có thể vấp ngã và té xuống, còn khi ta ăn có thể làm ta mắc bịnh khi ăn, hay mật (nittam) có thể làm ta khuấy động (kuppati) hay niêm dịch (đàm: seham) có thể làm ta khuấy động, do vậy ta có thể mệnh chung... ...để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.”

3. ... tỳ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình, sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài thú nguy hiểm (vābhi) như sư tử, như cọp, như báo, như gấu (acchena) như con dã can (taracchena). Chúng nó có thể đoạt mạng sống của ta, có thể làm ta mệnh chung, như vậy là sự chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy tinh tấn... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.”

4. ... tỳ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài ăn trộm, ăn cắp, đã hành nghề hay chưa hành nghề. Chúng có thể đoạt mạng sống của ta, chúng có thể làm cho ta mạng chung và như vậy là chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.”

5. ... tỳ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình ở trong rừng. Ở trong rừng có những loài phi nhân nguy hiểm. Chúng có thể đoạt mạng sống của ta, làm ta mệnh chung, như vậy là một chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.”

Dưới một khía cạnh khác, đức Phật đã trình bày hình thức hạnh phúc như sau:

“Lòng tin đối với đời,

Là tài sản tối thượng,

Chánh pháp khéo hành trì,

Đem lại chơn an lạc.

Chân lý giữa các vị,

Là vị ngọt tối thượng

Phải sống với trí tuệ,

Được gọi sống tối thượng.”

Đức Phật bằng mọi cách đã đánh thức tâm tư các hàng tỳ-kheo luôn luôn định tĩnh và nhận chân giá trị đích thực của chính mình. Phương pháp huấn thị của Ngài bằng tinh thần giáo lý thực tiễn và thực tại. Nội dung giáo pháp hoàn toàn đem lại hương vị bình an và hạnh phúc. Một niềm bình an trong sáng, thuần khiết không bị chi phối phiền lụy bởi những ràng buộc cuộc đời. Họ tĩnh tọa tư duy sau những giờ khất thực, họ kinh hành bình thản sau những giờ tham thiền. Trong chốn rừng sâu, nơi ngôi nhà lá hay dưới những ổ rơm, ý nghĩ chân thành trong cuộc sống, hàng tỳ-kheo vẫn không đánh mất. Vì rằng, họ đã thể nhận được tinh thần nơi đây và bây giờ: “Niết-bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng được người trí tự mình giác hiểu.” Đây chính là ý nghĩa tuyệt đối hạnh phúc, vượt lên trên tất cả mọi trạng thái hạnh phúc của cuộc đời. Hạnh phúc được thể hiện trọn vẹn dưới cái nhìn của người tu sĩ: cuộc đời là vô thường, khổ, vô ngã. Vì nhận diện chính bản chất cuộc đời là một dòng thời gian trôi chảy miên viễn không chủ thể, bất thường này, nên họ đã tích cực đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, ly ác pháp, bất thiện và thể nhập chơn pháp giới, một niềm hỷ lạc tuyệt vời hiện hữu. Nơi đây, họ đã quăng gánh nặng khổ đau, ưu, sầu, bi não và họ thong dong tự tại thõng tay vào chợ, thành tựu cảnh giới an lạc vô biên. Sự hạnh phúc này chính là kết quả của một đời sống hạnh phúc, phụng hành tất cả thiện và trừ diệt tất cả bất thiện, ly dục, tịch tịnh, vô uế nhiễm tâm. Như đời sống mà đức Phật đã dạy:

“Ở đây, này các tỳ-kheo, khi vị tỳ-kheo đi đến khu rừng, khi đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, có nữ nhân đi đến vị ấy, ngồi sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn, vị ấy, khi được nữ nhân ngồi sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn liền gỡ mình ra, gỡ thoát ra, và ra đi chỗ nào mình muốn. Và vị ấy đi đến một chỗ trống trải, khu rừng, gốc cây, ngọn núi, khe đá, hang núi, nghĩa địa, cao nguyên (vanapattham), ngoài trời, đống rơm...

“Rồi vị ấy đi đến khu rừng, đi đến gốc cây hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi xuống kiết già, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Vị ấy, sau khi đoạn tận tham, an trú với tâm ly tham, gột sạch tâm khởi tham, sau khi đoạn tận sân, an trú với tâm ly sân, có lòng thương tưởng đến tất cả các loài hữu tình và chúng sanh, gột sạch tâm khởi sân hận. Sau khi đoạn tận hôn trầm, thụy miên, an trú với tâm ly thụy miên hôn trầm, với tưởng ánh sáng chánh niệm, tỉnh giác, gột sạch tâm khỏi hôn trầm thụy miên. Sau khi đoạn tận trạo cử hối quá, an trú không trạo cử, nội tâm tịch tịnh, gột sạch tâm khỏi trạo cử hối quá. Sau khi đoạn tận nghi, an trú với tâm vượt khỏi nghi ngờ, không còn nghi hoặc, gột sạch khỏi nghi ngờ đối với các thiện pháp.

“Vị ấy, sau khi đoạn tận 5 triền cái này, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, ly dục, ly các pháp bất thiện... Chứng đạt và an trú thiền thứ tư.

“Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, ly các tùy phiền não. Nhu nhuyến, kham nhẫn, kiên trì, bất động, hướng về trí đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy như thật rõ biết: “Đây là khổ”, như thật rõ biết: “Đây là tập”, như thật rõ biết: “Đây là khổ diệt”, như thật rõ biết: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, như thật rõ biết: “Đây là lậu hoặc tập khởi”, như thật rõ biết: “Đây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt.” Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”, vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, nay không còn trở lại trạng thái này nữa.”

Đây là chân trời an lạc và hạnh phúc tuyệt đối được mở ra cho con người sống đời không gia đình và vững niềm tin sống theo tinh thần giáo pháp của chư Phật.

Tóm lại, hạnh phúc của người sống đời bình thường cũng như đời sống của người ly gia cát ái, cả hai đều chú trọng sự bình an của tâm hồn. Trong giáo pháp thiền định, đức Phật đã dạy không riêng gì cho các vị tỳ-kheo mà bất cứ ai có thể hành trì đều gặt hái được kết quả. Một trạng thái đặc biệt được nảy sinh trong khi thực hành thiền định. Một cảm thọ của thân khinh an và tâm khinh an sẽ hiện hữu, đó là khía cạnh khác của hạnh phúc kỳ diệu, nhưng rất thiết thực mà trong đời sống con người không thể tìm được.

Cao hơn một bước nữa, nếu hành giả bắt đầu đi vào cảnh giới Sơ thiền cho đến Tứ thiền thì sẽ theo tiến trình cảm thọ, mức rung động tuyệt vời của chân hạnh phúc, cao và lâu dài hơn những cảm thọ hạnh phúc của đời sống thế tục bình thường được sinh khởi bằng tâm lý, vật lý hay sinh lý.

Một khía cạnh khác, nếu tâm lý con người có chánh tư duy làm điều kiện cơ bản, phát sinh trí tuệ và từ đó bản thân con người được hoàn toàn giải phóng mọi ràng buộc nhân tình và nhận rõ sự bình an của cuộc sống. Nếu con người sống tinh thần xả kỷ, đoạn diệt thân kiến thì đây chính là giai đoạn đầu để bước vào dòng thánh thai, tắm mình trong dòng hạnh phúc vô tận. Hay đi vào ý nghĩa sống thiết thực chung trong cộng đồng, nếu con người ý thức sống vì hạnh phúc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng quần chúng, thì con người sẽ có kinh nghiệm rằng, hạnh phúc chính là con đường xả kỷ, hay quên mình để vui trong hạnh phúc của tha nhân, vì hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình được sinh khởi.

Con người đích thực mở đường đi tìm hạnh phúc thì con đường ấy chính là con đường đoạn tham, đoạn sân, đoạn si, và xả trừ kiêu mạn, hay được mệnh danh là con đường xả ly, sẽ đưa người tiến dần đến chân trời hạnh phúc kỳ diệu. Đây là thái độ sống sinh động mà con người thực sự thực hiện sẽ thâu hoạch kết quả. Tự thân, của sự đi tìm hạnh phúc này là một ý nghĩa linh động mà không phải là của ngôn ngữ lý luận hay không tưởng hư vô. Kinh nghiệm thực tại, hạnh phúc của thái độ chấp thủ là hạnh phúc của một cái gì mong manh dễ vỡ, và chứa đựng vị đắng bên trong, còn hương vị của ý nghĩa xả ly là hương vị chân thật của sự bình an và giải thoát. Vì vậy, cho đến một thời điểm nào đó trong sự sống của con người hay trên bước đường sinh tử, con người phải có thái độ chọn lựa giữa hai lãnh vực hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và vô ngã hay ái, thủ và đoạn ái, đoạn thủ, để nhận chân ý nghĩa trên con đường ly tham giải thoát.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.228.21 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (194 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...