Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy »» TIẾT 6. QUAN NIỆM DÂN CHỦ VÀ BÌNH ĐẲNG »»

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy
»» TIẾT 6. QUAN NIỆM DÂN CHỦ VÀ BÌNH ĐẲNG

Donate

(Lượt xem: 1.516)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy - TIẾT 6. QUAN NIỆM DÂN CHỦ VÀ BÌNH ĐẲNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tinh thần Đạo Phật là tinh thần nhân vị, nhìn theo lăng kính bình đẳng, san bằng giai cấp và xóa tan xiềng xích nô lệ. Sự tu chứng và giải thoát của con người, không phải ở nơi đẳng cấp, màu da, chủng tộc mà chủ yếu là sức mạnh của nội tâm và trí tuệ siêu việt. Đây là yếu tố nói lên giá trị chân chính của con người, mà không phải ở nơi hình thức ngôi vị.

Phật giáo vạch ra con đường Giáo pháp để dạy dỗ và dẫn dắt con người cùng tiến đến gần sự giải thoát, như vậy có nghĩa là mang con người thoát ra mọi sự hệ thuộc, phân chia và nô lệ. Sự nô lệ có tầm vóc là sự nô lệ dục vọng chính bản thân mình mà căn nguyên là động cơ vô minh thúc đẩy. Phương pháp đoạn diệt và tận trừ gốc rễ vô minh này chính là ánh sáng của chính kiến, con đường nhận chân đích thực, đây chính là tự thân Bát thánh đạo, đưa đến vô tham, vô sân, vô si và giải phóng mọi sự khổ đau.

Nếu con người có khả năng thực hiện giáo pháp này tức là thể hiện tinh thần tự ý thức và làm chủ với mình. Đây chính là kết quả của nền giáo lý thiết thực, xây dựng đời sống con người làm chủ bản thân, lợi ích tha nhân và xã hội, là gông cùm nô lệ được phá tan, sự ràng buộc của nội tâm cũng như ngoại cảnh sẽ chấm dứt.

a. Bình đẳng giữa các giai cấp - Giá trị con người là ở thái độ sống - Tiêu chuẩn giá trị là hạnh đức và tuệ đức

Trong những ngày còn tại thế, đức Phật sống chung với chúng đệ tử tỳ-kheo, sự sinh hoạt hằng ngày một cách bình dị. Trên bước đường hoằng hóa, đức Phật đi đôi chân trần, một bình bát và 3 tấm y, như những vị tỳ-kheo đệ tử của Ngài không khác.

Đời sống hằng ngày của Thế Tôn là vào thành khất thực, tọa thiền và thuyết pháp. Vào buổi sáng đức Thế Tôn thường thuyết pháp cho chư Thiên, buổi chiều và tối Ngài thuyết pháp cho hàng đệ tử. Có những trường hợp, đức Phật chỉ đi một mình mà không có chúng tỳ-kheo. Chỗ nghỉ ngơi có thể là một ngôi nhà trống, một đống rơm, hay dưới một gốc cây lớn. Ngài tự đi góp nhặt lá khô, cỏ rũ, bện thành tòa cỏ để ngồi thiền.

Đức Thế Tôn cũng có thể đi thọ trai bất cứ nơi nào có tín thí cúng dường, và sau khi thọ trai xong, đức Phật đều thuyết pháp hồi hướng công đức.

Đức Phật và chúng tỳ-kheo đồng kiết hạ an cư, trong thời gian này, Ngài an nghỉ tại các tinh xá của trưởng giả Anāthapindica, Nữ thí chủ Visākha, và Vua Pasenadi, đã tạo lập dâng cúng Phật và chúng Tỳ-kheo. Suốt mùa mưa này, sự sinh hoạt của đức Phật là tọa thiền và thuyết pháp giảng dạy mà không ra khỏi vòng đai tinh xá.

Giáo pháp của đức Phật là giáo pháp mang hương vị giải thoát, vì vậy mà bất cứ ai muốn nghe đều nghe được và muốn hỏi đều hỏi được. Có hôm, một du sĩ ngoại đạo lững thững đi theo đức Phật vào xóm làng để khất thực và du sĩ ấy đã thưa với đức Phật một số vấn đề đang thắc mắc. Ba lần cầu mong, đức Thế Tôn đã giảng dạy, du sĩ ngoại đạo đã thỏa mãn. Vì vậy, quan điểm thuyết pháp của đức Phật là quan điểm thiết thực, có ý nghĩa và đưa đến giải thoát, mà đối tượng là bất cứ ai, Ngài không phân biệt địa vị đẳng cấp, hay giai tầng nào trong xã hội.

Trong một nhân duyên khác, đức Phật đã bảo các Tỳ-kheo cho phép nàng Patacara vào gặp. Đây là một người đàn bà khổ đau cùng tột, trở thành mất trí, trên thân không một mảnh vải, đến gặp Ngài nên bị chúng tỳ-kheo ngăn chặn lại. Đến nơi vừa nhìn thấy đức Thế Tôn đang tĩnh tọa, Patacara liền được tỉnh táo, và nàng lấy một tấm y các tỳ-kheo quăng tới, phủ lên người và cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn. Đức Phật thuyết pháp, và nàng được đắc quả Tu-đà-hoàn ngay hiện tại. Về sau, Patacara xin Phật xuất gia và chứng đắc quả A-la-hán.

Lại một lần khác, đức Thế Tôn vào núp mưa nơi chái nhà lá của người thợ gốm tạm qua đêm, thì cũng đồng thời, một thanh niên du sĩ Pukkusati vào tạm trú. Đức Thế Tôn đã đàm đạo thân mật, thuyết giảng giáo lý giải thoát, tâm tư du sĩ Pukkusati vẫn không nhận ra người đối diện với mình là đức Thế Tôn, mà Pukkusati muốn tìm kiếm để được nghe Giáo pháp của Ngài.

Trong Giới Phân Biệt Kinh đã diễn tả:

“...Rồi Thế Tôn nói với tôn giả Pukkusati: “Này tỳ-kheo, ngươi xuất gia, y cứ vào ai? Ai là đạo sư của ngươi? Ngươi chấp nhận pháp của ai?”

“Thưa Tôn giả, có sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ giòng họ Thích-ca. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama ấy: “Ngài là bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác... Phật, Thế Tôn.” Con đã xuất gia, y cứ bậc Thế Tôn ấy. Người là bậc Đạo sư của con và con chấp thuận pháp của bậc Thế Tôn ấy.”

“Này tỳ-kheo, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác ấy ở đâu?”

“Thưa Hiền giả, có một thành phố tên là Savātthi giữa các quốc độ phía bắc. Tại nơi ấy, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác hiện đang ở.”

“Này tỳ-kheo, trước đây ngươi đã thấy bậc Thế Tôn ấy chưa? Và nếu thấy, ngươi có nhận ra được không?”

“Thưa hiền giả, trước đây con chưa từng thấy bậc Thế Tôn ấy. Và nếu thấy, con không nhận ra được.”

Trong phương pháp giáo hóa, đức Phật đã đi sâu vào quảng đại quần chúng, từ vua chúa đến các đại thần triều đình, và xuống tới mọi tầng lớp người dân. Đức Phật còn biện luận với các vị vua, như trong kinh Bát Niết-bàn, trước 3 tháng đức Phật nhập diệt.

Tùy theo trường hợp đức Phật thuyết giảng hoặc sử dụng phương pháp để được khế lý, khế cơ. Như có lần đức Thế Tôn lên các cung trời và thuyết pháp cho hội chúng chư thiên, đức Phật đã dùng thần thông hóa hình ở giữa hội chúng. Tiếng nói chư thiên trong trẻo, sắc diện của họ thù diệu thì sắc diện của đức Phật thù diệu hơn. Đức Phật đến thuyết pháp đem lại sự lợi ích, an lạc, khích lệ họ tu tập giải thoát. Sau khi thuyết pháp xong, đức Thế Tôn biến mất mà chư thiên không biết Ngài là trời hay là người, và đã đi về đâu.

Đây là phương tiện vi diệu trong phương pháp giáo hóa mà trong suốt 45 năm độ sinh, đức Phật đã tùy cơ áp dụng, không phân biệt trời, người, ma, phạm mục đích là đem lại sự giải thoát cho các loài chúng sanh đó.

Trong đời sống bình dị và thể hiện tinh thần hạnh đức và tuệ đức, có lần đức Thế Tôn bị bịnh nặng, như mọi xác thân ngũ uẩn khác. Về những ngày cuối đời đức Phật, Ngài thường hay đau lưng và mệt mỏi, vì vậy, lắm khi đức Phật dạy các vị đại đệ tử thuyết pháp thay Ngài, và vào thiền thất tĩnh tọa.

Trên con đường đi về phía Ba-la-nại, rừng sa la song thọ, đức Thế Tôn đã dừng chân lại gia đình người thợ rèn, Thuần-đà, do sự thỉnh mời, và trai chủ nhà này đã dâng cơm đức Phật, không biết rằng trong thức ăn có một loại nấm kịch độc, đã làm cho đức Phật đau bụng. Ngài phải dùng định lực của Như Lai để nhiếp phục cơn đau.

Giáo pháp được trang trải đến cho tất cả cũng chỉ vì mục đích an lạc, vì sự thương yêu con người mà đức Thế Tôn đã phân loại căn cơ để thuyết giáo. Hạng chúng sanh căn cơ lanh lợi, thì Ngài thuyết kinh giới, đức, tuệ, con đường cứu cánh giải thoát; hạng căn cơ thấp kém thì Ngài dạy nên tu phước, bố thí sanh thiên; hạng căn cơ bình thường, đức Phật dạy hãy hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của một người sống trong xã hội.

Ngài chỉ bày giáo pháp tự tu, tự ngộ, mà không cần phải nương tựa vào ai hay cầu xin khẩn khoản sự ban bố phước lành từ một đấng tối cao nào.

Phương pháp độ sanh của đức Thế Tôn thật vô cùng linh diệu và hữu ích. Vậy chúng ta thử nghĩ xem đức Phật là ai mà có được thiện xảo phương tiện như vậy? Trong Tăng Chi Bộ Kinh đã xác định như sau:

Có phải thưa tôn giả,
Ngài sẽ là vị tiên?

Hỡi này bà-la-môn,
Ta sẽ không là tiên.

Có phải thưa Tôn giả,
Ngài sẽ là thát-bà?

Hỡi này bà-la-môn,
Ta không là thát-bà.

Có phải thưa tôn giả,
Ngài sẽ là dạ-xoa?

Hỡi này bà-la-môn,
Ta không là dạ-xoa.

Có phải thưa tôn giả,
Ngài sẽ là loài người?

Hỡi này bà-la-môn,
Ta sẽ không là người.

Và đức Phật xác chứng rằng:

“Đối với những người chưa đoạn tận lậu hoặc, ta có thể là chư thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận... Ta có thể là dạ-xoa với các lậu hoặc đã tận... Ta có thể là người với các lậu hoặc dã đoạn tận... Ví như bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn ra khỏi nước và đứng thẳng, không bị thấm ướt. Cũng vậy, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này bà-la-môn, ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.”

Đức Phật kết bằng một bài kệ:

“Với lậu hoặc chưa đoạn,
Ta có thể là tiên,
Có thể càn-thát-bà,
Có thể là loài chim,
Hay đi đến dạ-xoa,
Hay vào trong thai người.

Với ta lậu hoặc tận,
Bị phá hủy trừ khử.
Như sen trắng tươi đẹp,
Không bị nước thấm ướt.

Đời không thấm ướt ta,
Do vậy ta được gọi,
Ta là Phật (Chánh giác),
Hỡi này bà-la-môn.”

Lại một đêm đặc biệt trong đời đức Phật mà đối với các người gọi là Giáo chủ của ngoại đạo, bà-la-môn không thể có. Suốt quãng đời đức Phật từ khi sanh ra cho đến trưởng thành và nhập diệt, ngài đã “sanh ra dưới gốc cây, tu tập dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, chuyển bánh xe pháp dưới gốc cây, và nhập niết-bàn cũng dưới gốc cây”.

b. Thể hiện tinh thần bình đẳng không kỳ thị trong kinh điển qua tổ chức của Giáo hội thời Phật - Xét từ thành phần các đại đệ tử, xét từ thành phần các đệ tử được thu nhận vào hàng xuất gia

- Đại đệ tử Xá-lợi-phất

Trước khi vào Tăng đoàn, Xá-lợi-phất là một du sĩ ngoại đạo, nhưng sau khi được đức Thế Tôn giáo hóa và Xá-lợi-phất chứng đắc A-la-hán quả sau một thời gian ngắn, khi cùng chung sống với Thế Tôn (Trưởng lão Tăng kệ). Tôn giả Xá-lợi-phất được đức Thế Tôn minh xác trước Tăng chúng là một vị đệ tử đứng đầu trong hàng Tăng chúng và có trí tuệ bậc nhất.

Một hôm đức Thế Tôn dạy các tỳ-kheo: “Tỳ-kheo có tín tâm, này các tỳ-kheo, nếu hy cầu một cách chân chánh, sẽ hy cầu như sau:

“Mong rằng ta sẽ như Sāriputta - Moggallāna. Đây là cán cân, này các tỳ-kheo, đây là đồ đo lường đối với các đệ tử tỳ-kheo của ta, tức là Sāriputta - Moggallāna.”

Trong sự thuyết giảng, nhiều khi Xá-lợi-phất thay thế đức Phật để giáo giới. Tôn giả trực tiếp sinh hoạt chung với chúng tỳ-kheo. Và cũng thay Thế Tôn đã hướng dẫn các vị tỳ-kheo mới vào hàng xuất gia tu tập. Bởi vậy, đức Thế Tôn đã tán thán Tôn giả Xá-lợi-phất qua nhân cách và lời nói của Tôn giả Ānanda như sau:

“Rồi Đại đức Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Đại đức Ananda đang ngồi một bên: “Này Ananda, ngươi có hoan hỷ đối với Sāriputta không?”

“Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sāriputta? Bạch Thế Tôn, hiền trí là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, đại tuệ là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, hỷ tuệ là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, lợi tuệ là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, biết đủ là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, viễn ly là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, bất cộng trú là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn tinh cần là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, biện tài là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, nghe lời trung ngôn là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, cáo tội trung thực là Tôn giả Sāriputta. Bạch Thế Tôn, chỉ trích ác pháp là Tôn giả Sāriputta.”

Có lần Xá-lợi-phất đi đến yết kiến Thế Tôn và hỏi về ý nghĩa của một bậc đại nhân. Phật dạy: “...Với tâm giải thoát, này Xá-lợi-phất, ta gọi là đại nhân, không có tâm giải thoát, ta không gọi là đại nhân.”

Hoặc trong sự giáo hóa hằng ngày, Xá-lợi-phất thường đi đến với Thế Tôn, xin thỉnh ý Phật. Trước mặt đức Phật, Xá-lợi-phất luôn là một người đệ tử khiêm cung, từ tốn. Một hôm, Xá-lợi-phất đã tán thán đức Thế Tôn bằng trí tuệ siêu việt của mình: “Như vậy là tịnh tín của con đối với Thế Tôn, không thể đã có, không thể hiện có một sa-môn hay bà-la-môn nào khác có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về chánh giác.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nhập niết-bàn trước đức Phật. Một hôm, đức Phật quán sát chúng tỳ-kheo trong bầu không khí im lặng, đức Phật đã nói lên lời cảm thán: “Này các tỳ-kheo, chúng này của ta được xem hình như trống rỗng. Nay Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã mệnh chung, này các tỳ-kheo, chúng của ta thành trống rỗng. Phương hướng nào Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên trú, phương hướng đó không còn có ước vọng gì.”

- Đại đệ tử Mục-kiền-liên

Ngài là bạn của Tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi xuất gia tại Magadha, Thế Tôn thuyết pháp và Mục-kiền-liên đã chế ngự được hôn trầm, thụy miên. Và sau đó, đức Phật giảng về các giới, Mục-kiền-liên chứng quả A-la-hán. Tôn giả là đại đệ tử có thần thông đệ nhất. Một hôm Mục-kiền-liên bịnh nặng, nằm liệt giường, Thế Tôn đến thăm và thuyết pháp Thất giác chi, nghe xong thời giảng, Tôn giả hết bịnh.

Vai trò của Tôn giả Mục-kiền-liên trong chúng tăng khá quan trọng. Có lần đức Phật trở về thăm gia đình và muốn đem La-hầu-la đi tu. Nghe vậy, Da-du-đà-la mang con lên tận lầu cao để trốn. Phật sai Tôn giả Mục-kiền-liên đến và vận thần thông bay lên lầu cao dẫn La-hầu-la về. Sự vắng mặt của Tôn giả Mục-kiền-liên cũng là một sự trống vắng lớn trong giáo đoàn tỳ-kheo...

- Đại đệ tử Đại Ca-diếp

Ngài được Thế Tôn giáo hóa trước hai Ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Sau một thời gian, Đại Ca-diếp tu hạnh đầu đà và 8 ngày sau chứng đắc quả A-la-hán. Tôn giả Đại Ca-diếp là đệ tử trì hạnh đầu đà bậc nhất.

Có thời gian Đại Ca-diếp bịnh nặng, nằm trong hang Pipphali, Thế Tôn sau khi xuất thiền định, đến thăm và thuyết pháp Thất giác chi. Nghe xong Tôn giả liền hết bịnh.

Trong thời gian về già có lần Tôn giả đến thăm đức Thế Tôn và Ngài dạy: “Này Kassapa, ngươi đã già rồi, y phấn tảo, vải thô của ngươi đã cũ rách, đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các thức ăn được mời và hãy ở gần bên ta.” Tôn giả Đại Ca-diếp bạch Thế Tôn, đây là hạnh sống ở núi rừng, hạnh mang ba y, hạnh thiểu dục tri túc, hạnh tinh tấn, viễn ly. Vì lợi ích cho tự thân, vì lòng từ mẫn cho chúng sanh trong tương lai, và Thế Tôn đã bằng lòng.

Tôn giả Đại Ca-diếp là người ít thuyết pháp, giảng dạy chúng Tỳ-kheo, nên đối với giới trẻ không được gần gũi và hiểu Ngài. Có lần Thế Tôn tán thán Tôn giả Đại Ca-diếp giữa chúng Tỳ-kheo “tùy theo ý muốn, vào ra các cảnh thiền, cứng rắn thần thông và các minh. Cũng thế, tùy theo ý muốn, Tôn giả Kassapa chứng đắc cảnh thiền, thần thông và các minh.”

Trong khi đàm đạo với Tôn giả A-nan, Tôn giả Đại Ca-diếp đã kể lại sự quan hệ giữa mình và Thế Tôn. “Khi Thế Tôn ngồi nghỉ một mình ở gốc cây, Tôn giả dâng cúng Thế Tôn một y tăng-già-lê do tự tay Tôn giả cắt may (bấy giờ là ngày xuất gia thứ 8, liền sau khi Tôn giả đắc A-la-hán) và cầu thỉnh Thế Tôn nạp thọ để cho Tôn giả được hạnh phúc và an lạc lâu dài. Thế Tôn đã từ mẫn đón nhận và trao tấm y cũ bằng vải thô phấn tảo, đáng được quăng bỏ của Thế Tôn cho Tôn giả. Tôn giả tiếp: “Nếu có ai nói về ta một cách chân chánh, thì ta là con ruột Thế Tôn, sanh ra từ miệng do pháp sanh, do pháp hóa sanh, thừa tự chánh pháp, và đã được nhận tấm y phấn tảo, làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ (từ Thế Tôn).”

- Đại đệ tử Ưu-ba-ly

Ngài trước khi xuất gia là thợ hớt tóc cho các hoàng thân Thích-ca. Sau khi xuất gia Tôn giả Ưu-ba-ly thỉnh ý Thế Tôn cho Ngài được tu trong rừng, nhưng Thế Tôn dạy: “Nếu ngươi sống trong rừng, ngươi chỉ phát triển được một vấn đề. Nhưng nếu ngươi sống với chúng ta, ngươi sẽ trở thành thuần thục cả kinh học và thiền quán.” Ngài vâng theo lời dạy của Thế Tôn, tu thiền quán, và sau một thời gian ngắn chứng quả A-la-hán.

Tôn giả Ưu-ba-ly được Thế Tôn giảng giải về luật nhiều nhất, vì vậy về sau, Tôn giả là người trì luật bậc nhất.

- Đại đệ tử A-nan

Ngài xuất thân từ hoàng tộc, được xuất gia vào lần đức Thế Tôn trở về thăm gia đình. Từ khi Phật thành đạo cho đến 20 năm sau, Tôn giả mới làm thị giả cho đức Phật. Khi được chúng tỳ-kheo đề cử làm thị giả, Tôn giả đã xin Thế Tôn chấp thuận cho 4 việc: từ chối không cho tôn giả y, đồ ăn, phòng ở riêng và mời ăn. Nếu tôn giả được mời thọ trai, Thế Tôn cho phép đi, nếu có người từ xa đến xin ý kiến Thế Tôn, Thế Tôn bằng lòng cho tôn giả giới thiệu. Thế Tôn cho tôn giả ý kiến khi gặp điều khó xử. Thế Tôn giảng lại những giáo lý ngài dạy trong những khi tôn giả vắng mặt.

Phận sự của ngài A-nan hầu Phật là: “đem nước, đem cành dương xỉa răng, rửa chân, quét phòng, đi theo Thế Tôn. Ban ngày ở cạnh Thế Tôn để bạch Thế Tôn những điều cần làm, ban đêm cầm gậy và cầm đèn.” Tôn giả đi quanh phòng Thế Tôn, sẵn sàng khi Thế Tôn gọi. Tại Jetavana, Thế Tôn xác nhận: Tôn giả là vị tỳ-kheo đệ nhất về năm phương diện: đa văn, cảnh giác, sức khoẻ đi bộ, lòng kiên trì, hầu hạ chu đáo.

Khi Phật còn tại thế Tôn giả A-nan chưa đắc quả A-la-hán. Cho đến đêm trước ngày kiết tập Kinh điển đầu tiên Ngài mới đắc A-la-hán.

Trong Kinh điển, Tôn giả A-nan được đề cập khá nhiều. Tôn giả là người ăn nói khéo léo, có cử chỉ êm ái nhẹ nhàng trong khi tiếp xúc, là một thị giả có lòng siêng năng và tận tụy. Tôn giả là người đa văn quảng bác, nên trong kinh đã ghi: “Phật pháp như đại hải, lưu nhập A-nan tâm.” Trong kinh Niết-bàn đã ghi: “Tôn giả A-nan rất khổ sở, đau buồn mỗi khi thấy đức Thế Tôn mệt mỏi hay đau bịnh. Tôn giả đã khóc lóc thê thảm khi Thế Tôn nhập Niết-bàn.”

Vào những ngày sau cùng, đức Phật đã khen ngợi Tôn giả A-nan, đã khích lệ, tán thán: “Tôn giả A-nan hơn thị giả của chư Phật quá khứ một điểm là A-nan biết ý Thế Tôn muốn gì để đáp ứng trước khi Thế Tôn dạy việc, còn thị giả của chư Phật quá khứ thì chỉ biết ý khi chư Phật dạy.” v.v...

- Các tỳ-kheo mới gia nhập tăng đoàn

Trên sứ mệnh giáo hóa, đức Phật đã thâu nhận một số đệ tử, cùng các vị đại đệ tử đã tiếp độ. Các vị mới thọ giới pháp và sống chung trong hàng Tăng chúng, được hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có bổn phận giáo huấn, chỉ dạy.

Mặc dầu đã có các vị đại đệ tử trông nom, nhưng đức Phật vẫn quan tâm và thuyết giảng giáo lý cho hàng đệ tử mới xuất gia và Ngài cũng trực tiếp săn sóc, nếu có tỳ-kheo nào bịnh. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, có lần đức Phật đến thăm một tỳ-kheo đang bịnh nặng, khi thấy Thế Tôn đến thăm, vị tỳ-kheo ấy chống tay xuống giường muốn ngồi dậy nhưng Thế Tôn đã bảo: “Thôi, chớ có gượng dậy, Thế Tôn đã có chỗ ngồi ở đây rồi.” Rồi Thế Tôn thăm hỏi, an ủi, thuyết pháp, khích lệ và tỳ-kheo mới xuất gia này chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn ngay trên giường bịnh.

c. Tinh thần dân chủ qua tổ chức giới luật và qua sự thể hiện trong sinh hoạt giáo đoàn tỳ-kheo ni và các cận sự nữ, cận sự nam

- Nữ tôn giả Ma-ha Ba-xà-ba-đề

Nữ Tôn giả là mẹ nuôi của Thế Tôn khi còn là thái tử. Về sau, Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng 500 nữ nhân xin Phật xuất gia làm tỳ-kheo ni. Thế Tôn không chấp thuận, nhưng do sự thưa thỉnh của Tôn giả A-nan, cuối cùng Phật chấp thuận, nhưng với điều kiện là phải phụng hành tám pháp kính trọng. Đức Phật thuyết giảng và sau thời gian tinh tấn tu tập, nữ Tôn giả chứng đắc quả A-la-hán, còn 500 tỳ-kheo ni kia chứng được 6 thắng trí nhờ Tôn giả Nadaka giáo huấn.

Đức Thế Tôn đã dạy: “Tôn giả là người có kinh nghiệm đệ nhất của ni chúng, sống hưởng được hạnh phúc giải thoát niết-bàn.”

Với sự chứng ngộ của tự thân, nữ tôn giả đã phụng sự, cung kính, tán thán, về sự giác ngộ tối thượng của Thế Tôn.

Ngoài ra còn có một số người nữ xuất gia được Thế Tôn thu nhận, hoặc các vị tôn giả giới thiệu và được hướng dẫn bởi Ma-ha Ba-xà-ba-đề. Có những trường hợp đặc biệt như nàng Vimalā và Ampapali là hai kỹ nữ, nhưng sau khi xuất gia, tinh tấn tu hành đã chứng đắc A-la-hán.

Một lúc khác, có nàng con gái Kisa Gotami nhà nghèo, bị nhà chồng khinh rẻ. Khi đứa con của nàng chết, nàng đau khổ, đem xác đứa con đến chỗ Đức Thế Tôn để xin thuốc cứu sống. Đức Phật thấy được căn cơ của nàng đã thuần thục, nên Ngài dạy: “Hãy đi đến nhà nào không có người chết (chưa từng có người chết), xin một hột cải. Thế Tôn sẽ cứu sống con nàng.” Nhưng sau khi chạy tìm kiếm, không có nhà nào là chưa từng có người đã chết, nàng thoạt tỉnh ngộ, sau này xin xuất gia. Thế Tôn dạy:

“Tâm còn bị say đắm
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ.”

Nàng chứng đắc sơ quả ngay tại chỗ.

Nữ Tôn giả Khāma xuất thân từ hoàng tộc tại Ma-kiệt-đà. Nàng rất đẹp, là hoàng hậu của vua Tần-bà-sa-la. Nàng cùng với người hầu cận đi đến Thế Tôn. Ngay trong lúc ấy, Thế Tôn dùng thần thông biến hiện ra một tiên nữ đứng cầm quạt hầu. Khi Khāma nhìn người tiên nữ, thì tiên nữ trở nên già nua, lụm khụm rồi ngã xuống đất. Khāma thấy cảnh tượng như vậy liền tỉnh ngộ và tiêu tan mọi sự kiêu hãnh về sắc đẹp tuyệt trần của nàng. Đức Thế Tôn dạy:

“Người đắm say các dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ không màng.” (Dhp. 347)

Nàng chứng quả A-la-hán ngay tại đó trước khi xuất gia.

Nữ Tôn giả Patā Kārā, con nhà giàu có và lấy chồng là một thanh niên làm công trong nhà, rồi cả hai người cùng trốn đi. Về sau sinh được hai người con, nhưng chẳng may chồng nàng bị rắn cắn chết, con nàng một đứa bị diều tha, một đứa bị nước cuốn trôi, cha mẹ và các người em cũng bị chết trong một đêm giông tố. Trước cảnh thảm khốc này, nàng không thể chịu đựng nổi, nàng chạy điên loạn ngoài đường và gặp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết pháp, nàng tỉnh ngộ về sau này dốc chí tu hành và đắc quả A-la-hán rồi thuyết pháp cứu độ cho 500 vị ni khác cũng chứng đắc như nàng.

Tất cả những trường hợp trên, Ni chúng được xuất gia và chứng đắc quả vị, đây là đoàn thể tu sĩ phái nữ đầu tiên được thành lập trong lịch sử. Đức Phật xác nhận về khả năng tu chứng, phái nữ vẫn không thua gì bên nam giới. Họ cũng có trình độ và một trí tuệ để đoạn tận tham dục, chứng đắc ngang bằng như nhau. Đây chính là tiếng nói của bậc Giác ngộ, là tinh thần đồng đẳng nhân bản và dân chủ, đã giải phóng phái nữ thoát khỏi mọi sự ràng buộc tù đày của cuộc sống gia đình chật hẹp đã đè nặng trên người họ xưa nay.

- Các đệ tử cận sự nữ

Hàng đệ tử của Phật, ngoài chúng xuất gia sống đời không gia đình, còn có các hàng nam nữ cư sĩ có gia đình, sống đời sống có vợ con trong xã hội, cũng được đức Phật thuyết pháp giáo hóa. Thế Tôn bằng phương tiện thiện xảo đem lại lợi ích cho nhiều người nam nữ cư sĩ trong mọi tầng lớp, giai cấp xã hội. Các thiện nam, thiện nữ này cũng có khả năng chứng ngộ từ sơ quả đến tam quả, khi được Thế Tôn thuyết pháp giảng dạy.

Với tinh thần bình đẳng và hòa đồng, tôn trọng sự chứng ngộ của con người mà không có sự phân chia phái tính, chủng tộc, nên đối với quan niệm về giai cấp xã hội thì đức Thế Tôn thuyết giảng cho các nam nữ cư sĩ tinh thần bình đẳng giai cấp, còn về đời sống hạnh phúc trong tương lai, thì Thế Tôn thuyết giảng về tín, thí và giới. Còn đối với những vị có khả năng lãnh hội hương vị giáo pháp để lãnh đạo một hội chúng, như Hatthaka, Thế Tôn dạy về bốn nhiếp pháp.

Có hai vị thí chủ hộ pháp đắc lực là Trưởng giả Cấp Cô Độc và Visākha, đức Phật đã dạy giáo pháp, con đường đưa đến giải thoát và ngay trong đời sống hiện tại, hai vị đã chứng đắc pháp nhãn, quả Dự Lưu.

Ngoài những người đệ tử trưởng giả, vọng tộc, hoàng thân, hay cùng đinh hạ cấp, còn có các hàng vua chúa cũng xin quy y làm đệ tử Phật. Vua Tần-bà-sa-la là người yết kiến Thế Tôn trước nhất tại Uruvela, khi ấy mới chỉ có 1.000 đệ tử nghe và biết pháp, Vua đã cúng dường Thế Tôn tinh xá Trúc Lâm và cung thỉnh Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo thọ nhận trai phạn.

Vua có hoàng hậu đẹp đã đi xuất gia khi cảm nhận được cuộc đời là vô thường, và đã đắc quả A-la-hán, người là vị trí tuệ bậc nhất của chúng Ni.

Ba-tư-nặc, vua nước Kiều-tát-la, được đức Phật xác chứng là thiện hữu, là thiện giao du.

Có lần vua Ba-tư-nặc đi đến yết kiến Thế Tôn và thưa hỏi một số vấn đề: “Tôn giả Gotama có tự cho mình đã chứng ngộ Vô thượng chánh đẳng, chánh giác không?”

“Đại Vương, ta đã chứng ngộ Vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.”

“Thưa Tôn giả Gotama, có những vị sa-môn, bà-la-môn là các vị hội chủ, giáo trưởng, có danh vọng, khai tổ các giáo phái, được quần chúng tôn sùng, như Ngài Purāna Kassapa, Makkhah Gosāla, Nigantha Nātaputta, Sanjaya Balathiputta, Kukudha Kaccāyana, Ajjta Kesakambale (lục sư ngoại đạo). Khi con hỏi các vị ấy, “có tự xem là chứng ngộ Vô thượng chánh đẳng chánh giác không?” thì họ đều trả lời không. Vậy làm sao Tôn giả Gotama, trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn và chỉ mới xuất gia, lại tự cho mình như vậy?”

“Đại Vương, có bốn loại không nên khinh thường, hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Này Đại Vương, Sát-đế-lợi trẻ... con rắn trẻ... ngọn lửa trẻ... và tỳ-kheo trẻ...” Nghe vậy, Vua Ba-tư-nặc tán thán và đảnh lễ Thế Tôn và xin quy y Tam Bảo, trọn đời quy ngưỡng.

Vua A-xà-thế, người đã giết cha để làm vua và cùng âm mưu với Đề-bà-đạt-đa phá hòa hiệp Tăng, chia rẽ giáo đoàn của Thế Tôn, phân chia 500 tỳ-kheo để thành lập giáo hội riêng. Nhưng sau đó Tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên đã nhiếp phục trở lại. Về sau nhà vua hối lỗi và cũng xin Thế Tôn quy y làm ưu-bà-tắc. Rồi trong một thời thuyết pháp, Thế Tôn dạy một số chúng tỳ-kheo: “Nếu không phạm tội giết cha thì ngay tại đây A-xà-thế đã đắc quả Tu-đà-hoàn.”

Về sau, Vua A-xà-thế đã nói lên quan điểm của mình về các giáo hội của ngoại đạo đương thời, và vua đã thực tâm tán thán hội chúng của Thế Tôn, với sự tu tập có kết quả thiết thực ngay trong hiện tại và công hạnh của các vị Sa-môn.

Với tiếng nói trung thực trong ý nghĩa bình đẳng, không phân chia giai cấp và xóa bỏ nô lệ, giáo lý của đức Thế Tôn suốt trong 45 năm thuyết pháp đã đi thẳng vào lòng người, từng hạng người, vua chúa, hoàng thân, hay người dân bình thường, kẻ bần cùng hạ tiện, người gánh phân, dâm nữ, và tướng cướp, tên sát nhân. Một Angulimala (Vô Não) ngoại đạo, giết người không gớm tay, đã từng làm kinh hoàng cả triều đình nhà vua, người sắp sửa giết mẹ mình nhưng được Phật hóa độ và về sau sống trong tinh thần giáo pháp, Angulimala cũng đã chứng đắc quả A-la-hán.

Như vậy đủ biết rằng, hương vị giáo pháp Đức Phật là hương vị giải thoát, cũng như nước biển chỉ có vị duy nhất là vị mặn. Nếu ai nếm được hương vị ấy tức là nói lên giá trị tối thượng của chính mình, nói lên trí tuệ siêu việt của chính mình và nói lên tinh thần thuần thục nỗ lực tu tập của chính mình.

Giá trị ở đây là giá trị tu chứng, giá trị của kẻ đoạn tham, đoạn sân, đoạn si, lìa chấp thủ, diệt si dục ác pháp để nhận chân bản lai diện mục của chính mình. Vì vậy mà không kể là ai, có tâm cầu giải thoát thì đều được Đức Phật hóa độ.

Nền tảng ở đây chính là tôn trọng Phật tánh bình đẳng. Tánh giác ngộ làm Phật không mang tướng trạng Vua chúa, không mang tướng trạng người dâm nữ hay kẻ sát nhân, mà tánh giác ngộ ấy viên dung tròn đầy từ vô thủy cho đến vô chung. Tự tánh ấy, không thêm cũng không bớt, không thiếu cũng không dư, cũng không phải hiện hữu trong người này mà không hiện hữu nơi người khác. Phật tánh luôn có mặt trong mọi chúng sanh và không bao giờ thay đổi. Giống như viên ngọc quý được tàng ẩn trong đá, nếu ai biết khai quật đá ra thì sẽ lấy được viên ngọc quý ấy, còn nếu ai không biết thì đành chịu. Phật tánh cũng vậy, có mặt trong mọi chúng sanh, trong mọi thời mọi lúc, nếu chúng sanh ấy biết đoạn tận vô minh, dứt trừ phiền não, chánh kiến, chứng chơn giải thoát thì chính chúng sanh ấy sẽ phá vỡ tảng đá chấp ngã của chính mình để đạt được viên ngọc Phật tánh ấy.

Giá trị đó chính là nơi đây mà không phải là bà-la-môn, sát-đế-lỵ hay không là sát-đế-lỵ, không phải con người sinh ra từ miệng Phạm thiên thì cao quý, còn sinh ra từ bàn chân thì hạ tiện thấp hèn... Giai cấp, màu da, chủng tộc, phái tính chỉ là những giả hiệu vì rằng không có giai cấp nào có thể quyết định sự giác ngộ của con người.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giai nhân và Hòa thượng


Những tâm tình cô đơn


Quy nguyên trực chỉ


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.134.252 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...