Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hiểu về trái tim »» Kính trọng »»

Hiểu về trái tim
»» Kính trọng

Donate

(Lượt xem: 6.192)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Hiểu về trái tim - Kính trọng

Font chữ:

Thương nhau phải kính nhau

Trong bất cứ liên hệ nào cũng cần có sự kính trọng. Bên này luôn thấy được giá trị của bên kia và bên kia luôn thấy được giá trị của bên này thì liên hệ đó sẽ giữ được thế cân đối và bền vững. Có những sự kính trọng bị miễn cưỡng trong những nguyên tắc ràng buộc như tuổi tác, vai vế, địa vị…Tuy nó có thể đem tới sự điều hợp trong chừng mực nào đó, nhưng lại không có tính chất nuôi dưỡng cho nhau. Một sự kính trọng phải xuất phát từ sự công nhận và nễ phục của đối phương thì mới đích thực là sự kính trọng chân thành, nó có khả năng làm cho đôi bên có thêm niềm tin và dễ dàng gắn bó sâu sắc nếu muốn tiến xa hơn trong liên hệ tình cảm.

Cho nên càng kính trọng nhau thì càng dễ thương yêu nhau. Từ kính trọng đến thương yêu là khoảng cách rất ngắn. Mà sự thật khi bắt đầu có sự kính trọng là bắt đầu có cảm tình với nhau rồi. Cảm tình trong một giới hạn nhất định sẽ là sự khởi hành tốt đẹp cho bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào. Và nếu duy trì được niềm kính trọng ấy trong suốt quá trình sống chung với nhau thì quan hệ đó sẽ nhẹ nhàng như mây, không phải nhọc nhằn vì phải gánh vác cho nhau quá nhiều. Vì nhờ kính trọng mà mỗi bên có ý thức giữ gìn phẩm chất của chính mình và không xâm lấn vào lãnh thổ đã qui định của đối phương. Ta không thể sống với một người không kính trọng mình, trong mắt của họ ta chẳng ra gì, trong trái tim họ ta chẳng có một chỗ đứng nào, họ đến với ta chỉ vì một sự lợi dụng hay một ràng buộc miễn cưỡng nào đó. Bỡi lẽ kính trọng là nhu cầu rất lớn của con người.

Không được kính trọng ta rất dễ mất tự tin. Sống chung nhau mà cứ bị tưới tẩm mãi năng lượng thất kính nhau qua lời nói và hành động, thì sớm muộn gì ta cũng lạc mất phương hướng sống, không còn thiện chí muốn hoàn thiện mình, không thấy được cái hay cái đẹp của mình, thậm chí ta cũng không đủ sức để thu gọn những phản ứng tiêu cực bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình, dễ dàng bị đồng hóa. Đây cũng là điều kiện rất con người. Cho nên khi thương yêu một người nào thì ta hãy luôn tự hỏi mình có đủ sự kính trọng đối với họ không? Nếu không, thì ta sẽ khổ và sẽ làm cho người kia khổ.

Người xưa hay nói “kính nhi viễn chi”, ở cách xa nhau mới kính trọng nhau. Điều này cũng đúng, tại vì khi ở gần nhau thì ta rất dễ thấy những khuyết điểm của nhau rồi khinh thường nhau. Một phần do cái ước muốn được sống chung nhau đã được thỏa mãn, ta quá tin cuộc hội ngộ này sẽ bền vững mãi mãi, nên ta không còn cố gắng để giữ mãi hình ảnh đẹp trong mắt người kia nữa, trái lại ta tự làm xấu mình đi bằng những cách sống buông thả theo cảm tính của riêng mình mà không quan tâm tới cảm nhận của đối phương. Một phần do sự kính trọng không đủ lớn, nên chỉ vì một vài hành vi không dễ thương nhỏ nhặt hay trái ý là chạm tới lòng tự ái trong ta, làm ta mất ngay cái nhìn chân thật về những gì người kia đã có, về những gì mà ta đã từng công nhận và nễ phục.

Xây dựng niềm kính trọng

Vậy nên muốn sống chung với nhau thì ta phải có những nghệ thuật để nuôi dưỡng và giữ gìn sự kính trọng nhau. Trước tiên ta phải biết rõ bên kia có kính trọng mình không? Nếu thấy họ thương yêu hơn kính trọng thì ta hãy khoan quyết định sống chung, vì cái tình thương đó có thể là lòng thương hại hay chỉ là thứ cảm xúc hời hợt. Họ thương ta là vì họ có nhu cầu được thương chứ họ không chú trọng đến quyền lợi của ta. Tình thương đó tuy rất dễ mặn nồng nhưng lại thiếu tính keo sơn. Chỉ khi nào người kia kính trọng ta thì họ mới chịu trách nhiệm cho cuộc đời ta, họ sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì để cho ta có hạnh phúc, vì hạnh phúc của bên này cũng chính là hạnh phúc của bên kia.

Khi tình yêu lên cao ta ít xét nét đến vấn đề kính trọng nhau, chỉ khi nào về sống chung nhau thì cái nhu cầu đó mới hiện ra một cách rõ ràng. Không phải khi yêu là ta không có nhu cầu được kính trọng, nhưng vì cái cảm xúc được yêu mạnh mẽ quá, nó lấn áp hết lý trí, ta thấy bên kia yêu quý mình, nhớ thương mình, si mê mình, thì ta đã thỏa mãn rồi. Đến khi trở thành người của nhau, thay vì tiếp tục phấn đấu để nuôi dưỡng tình yêu cho nhau, thì ta lại bắt đầu quay đi tìm những nhu yếu khác mà ta cho đó là quan trọng hơn như tích góp tiền bạc hay củng cố địa vị trong xã hội, nên cái cảm xúc yêu đương ngày nào sẽ lắng dịu xuống và cái nhu cầu được kính trọng lại vọt lên cao.

Nhưng cũng thật trớ trêu, trong khi thương yêu ta đã lỡ đánh mất chính mình và đã để lại những hình ảnh rất tầm thường trong tâm trí người kia rồi, bởi niềm kính trọng thường dễ phập phều sau khi cơn bão tình đi ngang qua. Nói cách khác, trong tình yêu mà chất liệu si mê hay hệ lụy nhiều quá thì niềm kính trọng sẽ bị phá vỡ. Một khi niềm kính trọng bị phá vỡ thì càng thương yêu ta lại càng đuối sức, càng thấy tình yêu như cứ muốn nhảy ra khỏi tầm tay mình. Vì vậy trong liên hệ tình cảm thì tiền bạc, quyền lực hay tài năng không thể tạo nên sự kính trọng chân thành, chỉ có khả năng làm chủ bản thân để cho đạo đức luôn tỏa sáng thì bên kia mới tình nguyện đi theo ta suốt đời. Nếu càng thương nhau mà càng thất kính nhau thì ta phải coi lại tình thương ấy, chắc chắn bản chất của nó không phải là tình thương chân thật, đó có thể là sự trá hình của sự hưởng thụ mà thôi.

Vậy ta phải làm gì để cho sự kính trọng luôn gắn liền với thương yêu? Điều quan trọng nhất là ta phải biết kềm chế cảm xúc muốn được thương yêu của mình, phải biết tăng giảm một cách có ý thức, có trách nhiệm, không phải cứ dâng tặng hết tất cả là thành công đâu. Lẽ dĩ nhiên bên kia sẽ rất thích thú khi đón nhận tất cả những gì ta dâng tặng, nếu như họ cũng

không có ý thức trách nhiệm trong mối liên hệ này. Nhưng sau khi ta đã cho họ hết rồi, ta không còn gì để họ rút tỉa nữa thì họ sẽ coi khinh và sẽ tìm cách đẩy ta ra thôi. Lỗi này ở nơi ta nhiều hơn, vì chính ta đã tập cho họ thói quen nghiện ngập cảm xúc, ta cứ tăng tốc cung cấp thức ăn cảm xúc mỗi ngày nên ta kiệt sức là phải. Bí quyết của tình cảm là luôn giữ tốc độ đều đặn và thỉnh thoảng tăng giảm một cách khôn ngoan.

Tăng giảm tốc độ tình cảm một cách khôn ngoan nghĩa là mình biết lúc nào thêm và lúc nào bớt một cách hợp lý. Khi người kia rơi vào tình cảnh khó khăn, tinh thần suy sụp và mất đi khả năng đứng vững trên đôi chân của mình thì lúc ấy ta sẵn sàng đưa cánh tay tới để chở che nâng đỡ. Còn khi người kia trở nên coi thường sự có mặt hay sự đóng góp của ta chỉ vì họ đang vướng kẹt vào một thứ đam mê nào đó, hay do thói quen bình thường hóa cảm xúc trong họ đang điều khiển, thì ta hãy thu gọn tình cảm của mình lại, tạo ra một khoảng cách cần thiết, xác định lại vị trí của mình một cách khéo léo và tinh tế đủ để bên kia thức tỉnh mà không bị hụt hẫng hay tổn thương.

Đừng vội yêu hết mình

Người trẻ bây giờ hay nói “yêu hết mình” để chứng tỏ tình yêu chân thật của họ, họ sẽ dâng trọn con người của họ cho bên kia. Đó là lời nói dối, nhiều khi chính họ cũng không biết mình đang nói dối. Vì trong chiều sâu trái tim họ vẫn muốn được thỏa mãn cảm xúc yêu đương hơn là vì cuộc đời của người kia. Họ có thể bỏ ra tất cả thời gian, năng lực, tiền bạc để chinh phục được đối tượng thương yêu, nhưng khi chiếm hữu được rồi thì họ lại mau chóng nhàm chán, coi thường và ruồng rẫy. Những kẻ yêu hết mình như vậy là những kẻ yêu bằng cảm xúc, yêu bằng con tim ham muốn nhiều hơn là chịu trách nhiệm, yêu như những cơn sốt chứ không phải là để thăng hoa giá trị tinh thần.

Ta nên nhớ tình yêu vốn là vô ngã (non-self), nó làm được từ vô số điều kiện khác nhau chứ không chỉ có cảm xúc yêu đương nồng cháy. Nếu suốt ngày ta cứ quấn vào nhau, không

chịu tách rời nửa bước, thì sớm muộn gì tình yêu đó cũng bị lung lay và đổ vỡ. Vì càng quấn vào nhau thì càng tăng thêm cảm xúc thỏa mãn cho nhau, rồi nghiệp ngập, rồi đòi hỏi. Nếu một bên không đủ đáp ứng thì bên còn lại sẽ kháng cự, sẽ bực tức, sẽ không chịu nổi và chán chường. Mà quấn vào nhau như vậy thì làm sao ta còn thời gian và năng lực để ít nhất giữ được sự cân đối của mình, ít nhất là giữ được những cái hay cái đẹp mà mình đang có. Huống chi trong tình yêu cũng cần tới khả năng sáng tạo và đột phá của đôi bên, nguồn sống cho bản thân còn không có thì làm sao có thể chia sẻ cho ai khác.

Như vậy, biết lúc nào cần trở về tiếp xúc với những giá trị mầu nhiệm trong đời sống, chăm sóc bản thân hay những mối quan hệ khác, để ta có thêm năng lượng tươi mát, vững chãi và thảnh thơi thì chính là ta đang nuôi dưỡng tình yêu đúng hướng. Đọc một trang sách hay, nấu một bữa ăn ngon, thân cận với những người có sức sống mạnh mẽ, bước ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, ngắm những đứa bé nô đùa hồn nhiên, giúp đỡ những kẻ khó khăn bất hạnh, tham dự vào những sinh hoạt bổ ích của đoàn thể, ngồi yên để nhìn lại chính mình…đều là những chất liệu quý giá để cho cây tình yêu trổ hoa kết trái. Ta đừng dại khờ bắt người kia phải ngồi ở đó cho ta mãi thì họ sẽ mau chóng héo tàn, rồi tình yêu sẽ chết. Người kia sẽ thật sự khỏe nhẹ khi thấy ta tự biết lo cho bản thân mình, không bắt họ phải gánh vác quá nhiều. Họ sẽ biết ơn và kính trọng ta sâu sắc.

Ta phải luôn thấy rõ giới hạn của mình, có lúc ta cần đến nhau nhưng cũng có lúc ta cần trở về với chính mình. Trở về chính mình để sửa sang lại thân tâm, để ta luôn là nguồn năng lực dự trữ của người kia, để khi người kia cần đến thì ta có cái để hiến tặng. Muốn làm được điều này thì ta phải có đời sống bình an và hạnh phúc khá vững vàng trước khi sáp nhập với người khác, và trong khi chung sống với người khác ta cũng luôn nhớ nuôi dưỡng phẩm chất của riêng mình. Lúc nào thấy tổn thương vì bị thất kính, ta hãy mau chóng trở về chữa lành vết thương của mình trước, đừng khẩn trương truy cứu kẻ khác. Hãy tự hỏi ta đã làm gì khiến cho người kia không kính trọng ta nữa, coi chừng chính thái độ thương yêu bằng cảm xúc đã tố cáo sự yếu đuối và tính dựa dẫm trong ta.

Ta phải tập nói năng cho có chừng mực để người kia không dễ dàng phát hiện ra sơ hở của ta để ta có cơ hội hoàn thiện, và để họ luôn sẵn sàng chú ý lắng nghe mỗi khi ta mở lời. Bởi thói thường cái gì ít là quý, nhiều sẽ dễ đưa tới sự nhàm chán và coi nhẹ. Khi làm điều gì lợi ích cho kẻ khác, nhất là cho người ấy, ta hãy nên làm trong âm thầm lặng lẽ. Một khi phát hiện ra lòng nhiệt thành vô điều kiện của ta, thì niềm kính trọng chân thành trong họ sẽ phát sinh mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là phải luôn giữ được phong độ của mình, luôn giữ vững những điểm son mà người kia đã từng yêu quý và không ngừng chuyển hóa những yếu kém thường gây chướng ngại cho bên kia. Muốn có đủ sự tỉnh thức và thiện chí để làm như vậy, bắt buộc ta phải luôn có một năng lực mạnh mẽ dự trữ. Năng lực đó đến từ đời sống có luyện tập, đời sống tỉnh thức.

Kính trọng là nền tảng của đạo đức, là điều kiện không thể thiếu để thiết lập nền hòa bình của nhân loại. Vì khi kính trọng một người nào thì niềm kiêu hãnh tự hào trong ta sẽ suy yếu, ta thấy được sự tồn tại của mình có liên quan mật thiết đến sự có mặt của đối tượng kia, ta sẽ dùng sự tử tế và lòng chân thành để đối xử nhau mà không xâm hại. Cách đối xử đó là thuận theo nguyên tắc điều hợp của vũ trụ. Như vậy mỗi khi ta có thái độ khinh suất ai thì trước tiên ta hãy tự hỏi mình có đang kẹt vào một nhận thức sai lầm, một thành kiến, hay một nhu cầu nào đó mà không được thỏa mãn không? Trường hợp biết được lỗi thuộc về người kia, thì ta cũng hãy tự nhắc mình đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể rất tuyệt vời của họ. Ta đừng bao giờ quên, chỉ có hành vi xấu xa chứ không bao giờ có con người xấu xa. Mà từ xấu xa đến đáng khinh miệt là khoảng cách rất lớn, nó tùy thuộc vào sự hiểu biết và dung lượng trái tim của mỗi người.

Kìa đóa hoa thơm ngát
Đang nở nụ cười xinh
Nhìn nhau trong cẩn trọng
Đẹp thay những ân tình

    « Xem chương trước «      « Sách này có 29 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Bhutan có gì lạ


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.43.106 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...