Khi người kia đem đến cho ta một tặng phẩm thì lập tức ta sẽ tìm cách trao trả lại bằng một giá trị tương xứng như một bữa ăn hay một hành động nâng đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi của người đó. Ta gọi là sòng phẳng. Nó như một qui luật tồn tại khách quan, nhưng tùy vào nhận thức của mỗi cá thể, hay quan niệm sống của mỗi xã hội trong từng thời đại mà nó ngầm qui định về mức cho và mức trả như thế nào mới cân đối.
Có khi tặng phẩm là tinh thần nhưng được trả lại bằng vật chất, vì bên trả ngầm hiểu bên cho sẽ rất yêu thích món quà đó, hoặc món quà đó có trị giá rất lớn đối với mình hay trong thị trường kinh tế hiện tại. Như vậy cũng được coi là trả xong món nợ ân tình. Thực chất sòng phẳng chính là sự trao đổi cảm xúc, nếu người kia cho ta một cảm xúc tốt thì ta sẽ cho lại một cảm xúc tốt, dù cảm xúc đó được qui ra trị giá vật chất.
Điều này có thể kiểm chứng qua cách giao tế hằng ngày giữa ta và những đối tượng khác. Có khi vật cho và vật trả nếu đem ra so sánh giá trị kinh tế thì rất chênh lệch nhau, nhưng ta vẫn thấy thỏa đáng bởi thái độ trân quý của người kia đối với món vật chất và cả thái độ trang trọng khi trao trả nữa. Chính thái độ mới quyết định cho một món nợ được thanh toán êm đẹp, chứ chưa hẳn tự thân món vật chất đủ thể hiện giá trị. Mà thái độ chính là cảm xúc. Một người tinh ý và khôn khéo sẽ dễ dàng khai thác nhu yếu cảm xúc của đối phương mà không cần phải tốn nhiều tiền của mới có thể tạo nên quan hệ tốt.
Nhưng thời buổi bây giờ con người thấy giá trị của vật chất quá lớn nên họ qui định mức cảm xúc tùy theo giá trị kinh tế của món vật chất. Nghĩa là nhìn vào món quà người kia tặng mà ta đoán ra thiện chí và tình cảm của họ đối với ta. Đó là hệ quả tất yếu của một nền kinh tế phát triển vượt bậc, vật chất lên ngôi.
Trong thời đại con người chưa bị kẹt nhiều vào đam mê hưởng thụ, họ chưa cho rằng những cảm xúc nhận được từ tiện nghi vật chất có thể đem tới hạnh phúc lâu bền hay làm nên một đời sống an ổn, thì giá trị tinh thần luôn được đặt để vào vị trí hàng đầu. Khi làm ơn cho ai thì họ không nghĩ rằng người kia sẽ phải trả lại cho mình, vì đó là nghĩa cữ cần phải có giữa con người.
Dù hành động giúp đỡ đó có thể làm cho họ mất rất nhiều thời gian, phí tổn tiền của hay thậm chí hao mòn cả năng lực, nhưng họ vẫn thấy đó là cơ hội để thăng hoa giá trị đời sống tinh thần. Mà đời sống tinh thần chính là đời sống mà họ đang sống trong từng giây phút, còn vật chất chỉ là thứ tiện nghi tầm thường, không có chỗ chen chân trong miền đất thiêng hạnh phúc. Bởi vì sau những lần hiến tặng vô điều kiện ấy, họ luôn sống trong cảm xúc an vui ngọt ngào do chính họ tạo ra, như những chiến công hiển hách làm nên cuộc đời ý nghĩa của họ.
Ở thời đó, đem đến cho người khác một tặng phẩm là một cơ hội để sống hay sống đẹp, là một thứ đặc ân chứ không còn miễn cưỡng trong trách nhiệm bổn phận nữa. Đây chính là đỉnh cao nhất của nền văn minh nhân loại, một nền văn minh có thể đảm bảo cho con người một đời sống có nhiều an ninh và hạnh phúc, mà bao nhiêu khám phá lừng lẫy sau này của các nền triết học hay khoa học cũng không tài nào vượt qua nổi.
Cũng chính những bước đi mạnh mẽ của nền khoa học tân tiến đã kéo theo sự phát triển rầm rộ của nền công nghiệp hiện đại, như những cơn thác lũ làm xô ngã nền văn minh đạo đức tuyệt hảo một thời và sẽ khó lặp lại lần thứ hai trong lịch sử nhân loại.
Nói thế không có nghĩa là ta kết tội cho nền khoa học hay nền công nghiệp hiện đại, tại vì tự thân của nó đã đem lại rất nhiều quyền lợi cho con người. Nhưng nhìn sâu sắc ta cũng không thể phủ nhận chính nó đã đẩy mức hưởng thụ con người lên tới tuyệt đỉnh, chính nó đã kềm hãm sự phát triển những hạt giống quý trong tâm hồn, không cho con người nhiều cơ hội để sống hết lòng với nhau, để hiến tặng cho nhau một cách vô điều kiện.
Ta là một phần tử của xã hội mà ta đang nương tựa thì ít nhiều vẫn phải bị kéo theo như một giọt nước không thể khước từ dòng sông đang chảy xiết. Nghĩa là sẽ rất khó để ta tách rời khỏi tâm thức của cộng đồng. Ta biết là nếu đem vật chất ra làm mục tiêu chính để phấn đấu cho cả cuộc đời là một sai lầm lớn, tinh thần mới là chất liệu chính làm nên hạnh phúc, nhưng ta phải làm sao trong khi mọi người chung quanh đều đua nhau tranh giành quyền lợi, họ dùng giá trị vật chất để làm thước đo phẩm chất con người.
Thế rồi ta cũng phải tăng tốc để chạy cho kịp mọi người, kịp với thời đại, vì nếu không ta sẽ bị bỏ lại một cách đơn độc và còn mang tiếng là tụt hậu. Ta cũng bận rộn như điên để kiếm thật nhiều tiền và tất nhiên ta sẽ không còn nhiều thời gian và thiện chí để thưởng thức trọn vẹn một bữa ăn được chuẩn bị chu đáo, hay ngồi xuống thật yên lắng nghe những khó khăn bế tắc của người thương sống bên cạnh, thậm chí ta cũng chẳng buồn hỏi han đến những người thân quen mà ta cho rằng không cần thiết trong lúc này.
Ta đang đi vào con đường thực dụng. Cái gì đem tới quyền lợi trước mắt là ta tìm mọi cách chụp bắt ngay, còn những liên hệ tình cảm kia không có lợi ích thiết thực cho sự nghiệp mà ta đang gầy dựng thì không cần tiêu phí thời gian và công sức. Phải, sự nghiệp của ta bây giờ chính là những thành tựu vật chất, dù không nói ra nhưng ta đã tự qui định giá trị của mình thông qua những tài sản mà ta đang sở hữu. Niềm hãnh diện hay ngông cuồng phát sinh từ đó, mà mặc cảm hay khổ đau cũng hình thành từ đó.
Trẻ con bây giờ ít được tâm tình hay vui chơi với bố mẹ, những món đồ chơi hấp dẫn đã trở thành sự bù đắp xứng đáng cho những thiếu sót về sự chăm sóc hay dạy dỗ. Những cặp vợ chồng kẹt vào công việc, có khi cả ngày hoặc đôi ba ngày mới gặp mặt trong vài lần thoáng qua, và khi gặp nhau thì ai cũng trong tình trạng mệt mỏi căng thẳng, vì bao nhiêu năng lực họ đã hiến tặng cho khách hàng hết rồi. Sau những trận cãi vã hay hờn giận vì thái độ thiếu trách nhiệm với nhau, họ lại dùng những món quà đắt tiền để lấp vào những khoảng trống trong đạo nghĩa vợ chồng.
Vật chất bấy giờ trở nên sáng giá, có thể đứng ra giải quyết nhiều vấn đề lớn thuộc phạm vi tinh thần nên người ta đã không ngần ngại dùng nó để đổi lấy tình cảm hay cả số phận của một con người. Vật chất là hữu hạn, tình cảm là vô hạn. Làm sao có thể lấy cái hữu hạn để trao đổi với cái vô hạn? Người ta có thể sòng phẳng giữa giá trị vật chất với vật chất, chứ làm sao có thể dùng vật chất để trao đổi tương xứng với giá trị tinh thần. Một khi vật chất có thể sánh ngang với tinh thần thì đó chính là sự lạm phát phẩm chất đạo đức con người, chứ không còn là sự sòng phẳng nữa.
Từ sự sòng phẳng giữa các món vật chất trong giao dịch mua bán, người ta đã để cho vật chất lên giá bằng với tinh thần. Theo thói quen đó, người ta còn muốn ăn đồng chia đủ luôn trong quan hệ tình cảm, người kia thương ta bao nhiêu thì ta sẽ thương lại bấy nhiêu. Trong tình thương mà người ta cũng sợ thua thiệt, lỗ lã như trong thương mãi. Rõ ràng, sự sòng phẳng về vật chất đã kéo theo sự sòng phẳng trong đời sống tinh thần.
Nói thì nói vậy chứ làm sao có thể đong đếm được tình thương mà trả cho cân xứng. Những ánh mắt thân thương, những nụ cười đồng cảm, những câu nói dịu dàng, những hành động nâng đỡ, những quan tâm ưu ái, những khắc khoải mong chờ, những tin tưởng hy vọng… đều là sản tạo phẩm của tình thương mà không ai có thể thấu triệt hết giá trị của nó để qui ra mức nợ phải trả. Tình thương mà có thể trao trả được thì đó chỉ là một thứ cảm xúc hời hợt, chứ không phải là tình thương chân thật.
Khi ta mời người kia bữa ăn có giá trị ngang bằng với món quà mà họ đã hiến tặng thì cũng chưa hẳn là ta đã trả xong món nợ đó. Tại vì người cho có thể phải trải qua nhiều khó khăn mới mua được món quà cho ta, cùng với tấm lòng yêu mến, vui sướng hay cả niềm mong mỏi cho ta luôn hạnh phúc, trong khi ta mời họ bữa ăn chỉ với mỗi tâm niệm là giải quyết cho xong để khỏi ai nợ ai. Sự thật, dù cho bữa ăn đó có trị giá gấp mấy lần món quà kia thì ta vẫn còn mắc lại món nợ tinh thần.
Nếu chiếc lá muốn trả hết nợ ân tình mà phải miễn cưỡng hấp thụ ánh nắng mặt trời để tinh chế nhựa thô thành nhựa luyện nuôi thân cây thì chiếc lá đã lầm. Chiếc lá sẽ không bao giờ chấm dứt được sự nuôi dưỡng của cây, dù cho cây có cằn cỗi thì cũng vẫn ngày đêm lấy khoáng chất sâu trong lòng đất để nuôi chiếc lá. Mà nếu chiếc lá có trả được ân tình của cây thì làm sao chiếc lá có thể trả nổi ân tình của mặt trời, của gió, của mây, của khoáng chất, của côn trùng, của sơn hà đại địa... cũng từng phút giây nuôi dưỡng chiếc lá.
Ta cũng sẽ không bao giờ trả hết những món nợ mình đã trực tiếp hay gián tiếp cưu mang trong trời đất này. Chỉ có cách là ta hãy sống tốt đời sống của mình, đừng tạo ra năng lượng xấu; nếu có dư năng lượng tốt hãy nhớ chia sẻ cho kẻ khác, có như vậy thì ta mới có thể giữ được mức cân đối cho chính mình. Sòng phẳng chỉ là một ý niệm sai lầm, người ta đặt ra lối ứng xử đó chỉ để bảo vệ quyền lợi cho bản thân hay lẩn trốn trách nhiệm, chứ sự thật làm gì có chuyện không ai nợ ai, nhất là trong liên hệ tình cảm. Như vậy chẳng phải phũ phàng lắm sao?
Đời sống của bất kỳ cá thể nào dù là một vi sinh vật cũng nằm trong nguyên tắc duyên sinh, cái này có mặt là do sự góp mặt của những cái khác, một duyên kỳ thực bao giờ cũng do nhiều duyên tạo thành. Vậy mà mỗi khi lãnh lương hay gặt hái lợi nhuận thì ta chỉ muốn giành trọn cho tiêu xài cá nhân, coi như tự thưởng công lao khó nhọc của mình. Ta như quên đi sự thật là còn những thứ khác cũng đã góp phần tạo ra phần vật chất mà ta đang sở hữu đó như: môi sinh, văn hóa, kinh tế, an ninh, chính trị… của quốc gia và cả thế giới. Những thứ đó ai sẽ lo? Hưởng mà không trả thì có gọi là sòng phẳng không?
Mỗi con người là một tế bào của xã hội, một tế bào thì không thể tách rời ra khỏi cơ thể. Không có sự chọn lựa nào khác, tế bào phải chấp nhận cơ thể như là môi trường duy nhất để sống còn nên phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ. Tại vì bất kỳ một tế bào nào bị bệnh thì nó sẽ lây nhiễm và làm hư hại đến tất cả những tế bào khác. Vì vậy đời sống của loài người vẫn phải là đời sống hỗ tương, dù thời đại nào con người cũng không thể sống biệt lập mà không chịu tác động qua lại của hoàn cảnh hay vay nợ ân tình với nhau.
Hãy nhân danh tình thương mà ta buông bỏ bớt quyền lợi ích kỷ để nhìn xuống thật gần những quan hệ chung quanh. Họ là những con người rất đáng thương vì còn nhiều vụng về và bất hạnh. Hãy thương họ như một tế bào thương những tế bào khác, hãy tiếp sức cho họ như một tế bào tiếp sức những tế bào khác. Thái độ sòng phẳng chỉ đem tới cô đơn lạc lõng, trong khi sự san sẻ, hy sinh sẽ đem lại nguồn sống an vui và hạnh phúc như những dòng sông êm đềm trôi xa mãi mà vẫn không quên chở nặng những phù sa.
Như dòng sông tươi mát
Luôn chở nặng phù sa
Có bao giờ em hỏi
Đời cần gì nơi ta?