Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì.
(The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau.
(Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp.
(Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận.
(Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may.
(If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình.
(A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói.
(Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tôi đã nghe những gì em trình bày trong video clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”. Tôi không đồng tình lắm với danh xưng “kẻ lười biếng”, nhưng tôi tôn trọng sự lựa chọn của em. Hơn nữa, bản thân tôi cũng không có lựa chọn khác vì tôi chưa biết tên em là gì. Những dòng tôi viết ra dưới đây là đôi điều trao đổi giữa một thế hệ đi trước và thế hệ đi sau, trên căn bản những điều chúng ta cùng quan tâm, như em đã mở đầu bài nói chuyện của mình: “... tôi rất muốn có sự lắng nghe từ những ai quan tâm tới chuyện học hành, và quan tâm tới giáo dục...”
Sự quan tâm giống nhau giữa chúng ta ít nhất thể hiện qua hai điểm. Thứ nhất, tôi tán thành một số ý kiến nhận xét trong bài nói chuyện của em – tôi nói một số, không phải là tất cả; và thứ hai, một số ý tưởng trong bài nói chuyện của em, nhất là trong phần em nói về đạo đức và tri thức, đã được tôi viết ra và xuất bản thành sách từ năm 2005. (Xem ở đây.) Và không chỉ là ý tưởng, tôi cũng nghe ra có những câu nói của em lặp lại nguyên văn từng chữ tôi đã viết trong sách. Từ phút 23:57 trong clip của em chính là câu mở đầu một chương sách của tôi mà em có thể nghe ở đây, bản sách nói này do Công ty VAFACO thực hiện; hoặc ở phút thứ 24:53, tôi cũng nghe em lặp lại nguyên văn một câu khác tôi đã viết ở trang 84 trong tác phẩm của mình: “...nền tảng đạo đức của chúng ta được hình thành rất sớm, ngay từ những năm tháng đầu đời, và có khuynh hướng trở thành những bản chất cố định, hay ít ra cũng là rất khó thay đổi...” Điều này có 2 khả năng, hoặc là vì em có những suy nghĩ và nhận thức giống tôi, hoặc là vì em đã đọc sách của tôi và tán thành, chấp nhận những những điều tôi viết nên sử dụng chúng. Là khả năng nào đi chăng nữa thì điều đó cũng không quan trọng, điều quan trọng ở đây là, rõ ràng giữa chúng ta có một sự tương đồng cụ thể, chứ không chỉ là cảm nhận chủ quan của riêng tôi. Và đó cũng chính là lý do tôi muốn viết đôi dòng đối thoại này với em. Tôi dùng từ “đối thoại” vì mục đích của tôi chỉ là trao đổi với em một vài suy nghĩ, cho dù có khác biệt với em, nhưng không nhằm mục đích thuyết phục em hãy nghe theo tôi, mà chỉ đơn giản là để em biết được suy nghĩ của tôi, cũng giống như tôi đã từng trao đổi với các thế hệ học trò của mình ngày xưa, thế thôi. Những trao đổi đó có thể được lắng nghe và tạo nên một vài ảnh hưởng tích cực, điều đó cũng tốt. Nhưng nếu không như thế, cũng không phải là vô bổ, vì ít ra nó cũng tạo được một sự kết nối tốt đẹp giữa hai thế hệ chúng ta, giữa những người biết lắng nghe nhau. Điều đó ít nhất cũng sẽ giúp em cảm thấy không đơn độc khi đối diện với những khó khăn của bản thân mình. Bởi vì, nếu em cũng như tôi, thì mối liên kết giữa những con người bao giờ cũng giữ một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Và bởi vì chỉ là đôi lời đối thoại để tạo sự kết nối, nên tôi sẽ không trình bày hết ở đây tất cả những gì tôi suy nghĩ khác em, nhưng chỉ nêu ra một số điểm mà theo tôi là tương đối dễ trao đổi nhất.
Trước hết, tôi tán thành nhiều nhận xét của em về những bất cập của giáo dục ở nhà trường hiện nay. Tôi tạm gọi là “nhận xét của em”, vì ít ra em cũng đã công khai phát biểu những nhận xét này, còn thực ra thì cũng đã có rất nhiều người nêu lên những nội dung đó trước em, tuy là ở những góc nhìn có phần khác biệt hơn, nhưng những ai quan tâm đến giáo dục – chẳng hạn như tôi – thì hẳn cũng đã được nghe từ trước hầu hết những điểm bất cập mà em nói đến. Nhưng nếu như em nhận mình là người trong cuộc và nói lên những điều đó từ góc độ của một học sinh, mà theo cách nói của em thì chính là “nạn nhân” của những bất cập, thì tôi lại nhìn nhận những điều đó với tư cách của một người từng đứng trên bục giảng, từng trăn trở với nhiều thế hệ học sinh của mình, và như thế cũng có thể xem là người trong cuộc. Từ góc độ này, tôi có một vài suy nghĩ khác em.
Khác biệt thứ nhất là, tôi xem những điều em nói là vấn đề của “giáo dục ở nhà trường hiện nay”, nhưng không đồng nghĩa với toàn bộ nền giáo dục hiện nay. Có thể trong vai trò của một học sinh, em đã nhìn nhận rằng “nhà trường” là tất cả những gì cần quan tâm và phải chịu trách nhiệm khi nói đến giáo dục. Tuy nhiên, điều đó chưa hoàn toàn đúng. Nhà trường đúng là có giữ một vai trò quan trọng, chính yếu, nhưng không phải là tất cả. Nền giáo dục mà mỗi chúng ta nhận được từ ấu thơ cho đến trưởng thành, tuy có rất nhiều điều đến từ nhà trường, nhưng không phải là tất cả. Tôi có thể lấy chính em làm một ví dụ. Với những gì em nói lên như một người trong cuộc về 12 năm học mà em đã trải qua, làm sao tôi có thể tin là nhà trường đã cung cấp cho em tất cả những kiến thức và kỹ năng để em có thể trình bày vấn đề này? Và như vậy, từ đâu em có được đầy đủ những nền tảng chắc chắn để có thể suy tư, nhận thức cũng như khả năng tự tin trình bày quan điểm của mình? Tôi tin rằng, những điều đó phải đến từ gia đình, những người lớn tuổi mà em được tiếp xúc như anh chị, chú bác, cô dì, và ngay cả bè bạn. Nói rộng ra hơn nữa là cả xã hội và mọi kênh thông tin mà em có được như sách báo, internet... Vậy thì làm sao ta có thể quy kết tất cả cho nhà trường?
Thứ hai, nhà trường thì nói cho cùng cũng chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong toàn xã hội, mà có nói lớn lên thành cả hệ thống nhà trường trên toàn quốc thì cũng chỉ là một bộ phận thừa hành, thực thi những gì đã được quyết định. Tôi tin là em hiểu được điều này, nên em đã kêu gọi “những người đang nắm trong tay quyền hành, ngay từ hôm nay, hãy thay đổi...”. Thế nhưng, thay đổi như thế nào thì em chưa đề cập được đúng và đủ. Và ở đây tôi có suy nghĩ khác em là, ngay cả khi những người đang nắm quyền hành trong ngành giáo dục rất muốn thay đổi và họ có đủ tài năng cần thiết – điều này là rất quan trọng và tôi chỉ mong muốn thế thôi - để tạo ra thay đổi, thì những vấn đề mà em nêu ra vẫn chưa thể được giải quyết.
Vì sao tôi nói như thế? Vì những phân tích nguyên nhân vấn đề của em tự nó đã có những sai lầm căn bản, nên việc giải quyết vấn đề em nêu ra là điều bất khả. Tôi lấy ví dụ, em quy trách vấn đề đạo đức suy đồi là do nhà trường thất bại. Từ bao giờ nhà trường nhận hoàn toàn cái trọng trách giáo dục đạo đức cho học sinh? Ý tôi muốn nói là, điều này chỉ đúng nhưng chưa đủ. Vì nếu bảo nhà trường không có trách nhiệm là không đúng, nhưng bảo nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn điều này là quá đề cao vai trò của nhà trường. Sự đề cao quá đáng tự nó không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ làm sai lệch con đường tìm ra giải pháp. Thử tưởng tượng, trong 24 giờ đồng hồ của một ngày, các em tiếp xúc thực sự với nhà trường, cụ thể là với thầy cô giáo mình, được bao nhiêu giờ? Và có bao nhiêu phần trăm quỹ thời gian trong đó chúng ta có thể - nếu muốn và có quyền – dành cho việc giáo dục đạo đức theo em là hợp lý? Và liệu khi có đủ các yếu tố thời gian hợp lý và sự quan tâm thỏa đáng rồi, thì có chắc chắn sẽ cải thiện được đạo đức của học sinh hay không? Câu trả lời là không. Vì bài học đạo đức không thể chỉ gói gọn trong nhà trường, mà cần phải được dàn trải trong khắp môi trường sống, và quan trọng hơn nữa như tôi đã nói trong sách của mình và em cũng đề cập đến trong clip này: “Đạo đức chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim mà không thể nhận hiểu bằng lý trí.” Đi vào trái tim người khác, cho dù đó là trái tim trẻ em, là một hành trình đòi hỏi nhiều nghệ thuật tinh tế, có thể chờ đợi sự đóng góp tốt đẹp và tích cực từ các vị thầy cô giáo, nhưng giao toàn bộ trách nhiệm này cho họ là điều vô lý và cũng là bất khả thi đối với họ.
Ở đây tôi muốn nói đến vai trò của gia đình và nhấn mạnh hơn vào yếu tố này. Như tôi đã viết và em cũng tán thành lặp lại: “Đạo đức được hình thành từ rất sớm, ngay từ những năm tháng đầu đời, và có khuynh hướng trở thành những bản chất cố định, hay ít ra cũng là rất khó thay đổi.” Thế đấy, mà những năm tháng đầu đời thì sự quyết định của gia đình là lớn nhất em ạ, vai trò của nhà trường chưa hề có, và khi nhà trường bắt đầu có tác động thì cũng còn rất mờ nhạt so với gia đình. Khi hai đứa trẻ cùng chia nhau một cái bánh quy, chúng sẽ có khuynh hướng như thế nào phần lớn là do gia đình quyết định: đấm đá, cấu xé nhau để giành trọn cái bánh, hay vui vẻ bẻ đôi để cùng ăn và đùa vui bên nhau? Những điều đó, đứa bé quan sát từ cung cách ứng xử, nói năng hằng ngày của cha mẹ và bắt chước theo một cách vô thức, nhưng dần dần sẽ thành bản chất của nó. Thử tưởng tượng, hai vợ chồng cứ mỗi ngày đều to tiếng cãi vã nhau bằng những lời thô tục, thậm chí đập phá đồ đạc trong nhà trước mặt trẻ con, liệu có bài học đạo đức nào ở trường có thể giúp chúng tốt hơn được chăng? Tất nhiên, vẫn có không ít những đứa trẻ lớn lên từ những gia đình như thế và trở thành người tốt, nhưng điều không thể phủ nhận là chúng có một khởi đầu không thuận lợi.
Em có đưa ra lập luận rằng: “Trẻ em không có quyền chọn cha mẹ...” và vì thế mà nếu “cha mẹ không tốt, không dạy được con, nhà trường phải là nơi làm được điều đó...” Ồ, tôi cũng chân thành mong cho điều em nói là đúng, nhưng trong thực tế lại không phải như vậy, vì nhà trường muốn làm được phải dựa vào thầy cô giáo, mà thầy cô giáo thì xét cho cùng cũng không phải những vị thánh sống. Đầu vào sư phạm vốn không lấy gì làm nổi bật, mà đầu ra cũng trang bị cho họ chẳng bao nhiêu kiến thức thực sự về luân lý đạo đức, về tâm lý giáo dục, chủ yếu vẫn chỉ là phần kiến thức giáo khoa thuộc bộ môn họ giảng dạy. Vậy làm sao em có thể đòi hỏi họ làm được những công việc của các bậc thầy vĩ đại như Chu Văn An ngày xưa, để rèn đúc nhân cách, đạo đức một con người? Nói thật, chỉ mong các thầy cô giáo hết lòng với chức nghiệp, truyền dạy kiến thức chuyên môn một cách đầy đủ với tấm lòng thương yêu học trò thực sự cũng đã là một mơ ước quá lý tưởng mà hiện đang nằm ngoài tầm với của xã hội chúng ta. Rất nhiều thầy cô giáo – nhất là các vùng xa – thậm chí còn chưa đủ kiến thức chuyên môn cần thiết để giảng dạy, và vì thế luôn lúng túng với những yêu cầu cải cách, cải tiến... mà đồng lương cũng như năng lực hạn chế lại không cho phép họ tự lực vươn lên đúng tầm.
Vì thế, trở lại vấn đề đang bàn, tôi vẫn phải nhấn mạnh vai trò của gia đình. Và trong trường hợp em nói, nghĩa là khi cha mẹ không tốt, không thể dạy được con cái thì sao? Tất nhiên, đây là một thực trạng mà chúng ta không ai mong muốn, nhưng vẫn không thể phủ nhận một điều là những trường hợp như thế này quả thực là đã, đang và sẽ còn tồn tại trong xã hội. Và đề cập đến vấn đề này lại là một phạm trù rộng hơn chứ không chỉ là vấn đề giáo dục. Bởi xã hội nào cũng luôn có người tốt, kẻ xấu, nhưng xã hội càng vận hành tốt đẹp về mọi mặt thì tỷ lệ người xấu sẽ càng giảm thấp đi, bởi có đủ những điều kiện tốt đẹp để con người ta phát triển thiên lương của mình; còn xã hội càng suy đồi, sa sút về mọi mặt thì tỷ lệ người xấu sẽ tăng cao, do có thêm những con người vì hoàn cảnh thúc bách, xô đẩy mà rơi vào đường xấu. Như vậy, giải quyết vấn đề này rõ ràng không thể có một giải pháp tức thời, bởi có đề ra giải pháp tức thời như kiểu quy trách cho nhà trường thì cũng chỉ là điều không tưởng. Toàn xã hội phải được chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn, cả về chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế và vô số những khía cạnh khác, thì vấn đề em nêu ra mới có thể được giảm bớt – giảm bớt thôi chứ cũng rất khó lòng triệt tiêu. Và nói như em thì cũng tương tự như nói: “Đời sống công dân không tốt thì đừng đổ lỗi cho quốc gia, bởi công dân không có quyền lựa chọn quốc gia, sinh ra ở đâu thì đành phải chịu.” Đó là vấn đề của Liên hiệp quốc chăng? Cũng vậy, khi đứa trẻ sinh ra trong một gia đình không tốt thì đó là một thực trạng. Xã hội có thể cung ứng một số điều kiện để giảm bớt sự bất hạnh cho nó, nhưng không thể cho nó một gia đình khác, càng không thể thay thế mọi vai trò của gia đình nó. Giải pháp có thể được về mặt xã hội là phải làm sao để ngày càng có ít hơn những gia đình như thế. Cho dù có thể đây không phải là câu trả lời mà em mong muốn, nhưng tiếc thay đó là câu trả lời mà theo tôi là hợp lý nhất. Xã hội dù có hoàn thiện đến đâu cũng không thể đi đến chỗ quyết định được số phận tốt đẹp cho tất cả mọi con người trong xã hội đó, vì bản chất con người vốn đã là những cá thể cá biệt, không ai giống ai. Và một vấn đề mà toàn xã hội cũng chưa thể giải quyết được nhưng em lại mong đợi “nhà trường phải làm được điều đó” thì liệu có hợp lý chăng?
Tôi hoàn toàn tán thành với những gì em phát biểu về cảm nhận của bản thân qua 12 năm học, nhưng tôi có suy nghĩ khác hơn em về cách đánh giá và nhìn nhận vấn đề. Và có thể kể rằng đây là điểm khác biệt thứ ba mà tôi muốn trao đổi cùng em. Em cho rằng giáo dục là nguồn gốc của tất cả những suy thoái cả về mặt đạo đức và kinh tế, chẳng hạn như vấn đề tham nhũng hiện nay trong xã hội. Không, điều này theo tôi là không đúng. Giáo dục cũng chỉ là một trong các công cụ vận hành của xã hội, quá lắm thì nó chi phối nhiều hơn đến tri thức, nhân cách, phẩm chất của con người, nhưng không phải là tất cả. Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì cũng chỉ là một trong mấy chục bộ trưởng, dù ông ta có cố hết sức và có đủ tài năng – đây lại cũng là mong ước của tôi thôi – thì cũng không thể quyết định được sự vận hành của toàn xã hội. Mà một xã hội không đi lên theo hướng hoàn thiện thì liệu những thầy cô giáo tốt, nhà trường tốt, có làm thay đổi được gì nhiều chăng? Vấn đề phải nhìn ngược lại em ạ. Một xã hội phát triển tốt, mọi gia đình đều no cơm ấm áo, kinh tế quốc dân đi lên tốt đẹp thì điều tất yếu sẽ có những nhà trường tốt, những thầy cô giỏi, vì đồng lương cũng sẽ tương xứng với tài năng và sự đóng góp của họ. Tôi đồng ý với em về rất nhiều tiêu cực, thậm chí xấu xa không đáng có hiện vẫn đang tồn tại trong các nhà trường, nhưng đòi hỏi ngành giáo dục giải quyết hết những thứ đó là một chuyện quá sức của họ. Trong một chừng mực nào đó thì đấy cũng là những hệ quả tất yếu của một nền kinh tế xuống dốc, của một hệ thống quản lý xã hội kém hiệu quả, của tham nhũng, lạm quyền và nhiều nhiều thứ khác... Tất cả những thứ đó vây quanh cỗ xe giáo dục, và thậm chí ngồi cả vào vị trí ôm vô-lăng, nên mới làm cho cái cỗ xe cồng kềnh đó chỉ có thể nổ máy tiêu tốn nhiên liệu mà không thể tiến lên. Bao năm qua, em có biết ngân sách (tiền thuế của dân) đã tiêu tốn biết bao nghìn tỷ đồng vào các đề án cải cách, thử nghiệm giáo dục hay không? Chỉ riêng việc in lại sách giáo khoa, ta cũng làm điều đó nhiều hơn cả những nước giàu nhất trên thế giới (tất nhiên so với tỷ lệ GDP của ta và của họ), mà sách giáo khoa thì chỉ riêng NXB Giáo dục mới được độc quyền in ấn, phát hành, trong khi giá thành hầu như lúc nào cũng đắt gấp đôi so với các loại sách do tư nhân đầu tư in ấn. Những điều đó liệu có phải chỉ liên quan đến riêng ngành giáo dục hay phương pháp dạy và học? Tất nhiên là không, mà nó là sự biểu lộ của vô vàn những yếu tố khác, trong đó phần lớn chẳng liên quan gì đến các thầy cô giáo đang trực tiếp làm công việc giảng dạy. Thế nhưng, nó trói chân họ, không cho phép họ phát huy hết lòng yêu nghề - nếu có – và thậm chí cũng biến họ thành những nạn nhân hoàn toàn thụ động mà thôi. Tôi nói điều này để muốn chỉ cho em thấy rằng, trong số những thầy cô giáo đã “đày ải” em suốt 12 năm qua với những kiến thức “hoàn toàn vô bổ”, hẳn cũng không thiếu những nhà giáo đầy lương tâm chức nghiệp, họ cũng mong mỏi truyền thụ cho em ít nhiều những kiến thức có ích cho cuộc đời em. Và tôi tin rằng dẫu không được nhiều như em muốn, hẳn cũng đọng lại được ít nhiều trong em, mà cụ thể là qua năng lực tư duy và phát biểu của em trong đoạn clip này. Tôi đoán thế, dẫu không biết có đúng phần nào không, hay là em đã tự trang bị cho mình từ đâu đó mà hoàn toàn không dính dáng gì đến các thầy cô. Thế nhưng tôi cũng hơi bùi ngùi khi nghĩ đến có một vị thầy cô giáo nào đó đã từng dạy dỗ em và nay tình cờ trở thành khán thính giả của đoạn clip này, e rằng vị ấy cũng không khỏi có chút chạnh lòng.
Đến đây tôi cũng muốn nói qua một chút về giải pháp bỏ bớt thi cử và những tác hại của điểm số mà em đã nhấn mạnh khá nhiều trong bài nói chuyện của mình. Một lần nữa, theo tôi thì em đã nêu đúng được vấn đề nhưng lại phân tích sai nguyên nhân. Điểm số tự nó không có gì sai trái cả, và thậm chí vẫn đang và sẽ là công cụ hữu hiệu chủ yếu để hỗ trợ việc giáo dục học sinh, nhất là học sinh ở các cấp 1, 2. Vì sao? Vì theo tôi thì cái điều lý tưởng mà chúng ta đều mong muốn là học sinh tự giác học tập vì nhu cầu kiến thức mà không cần đến sự khuyến khích, thúc đẩy của nhà trường và gia đình, nếu có được sớm nhất cũng phải ở đầu cấp 3. Nhưng nếu cái lý tưởng đó tự nó không tìm đến thì thực tế hiển nhiên là chúng ta vẫn phải dựa vào điểm số để phân định năng lực học tập của học sinh và có sự giáo dục thích hợp, bởi như chính em cũng thừa nhận là mỗi người đều có những năng lực khác nhau. Việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng đắn giá trị của điểm số hoặc thi cử là những sai lầm không thể phủ nhận của rất nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh hiện nay, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ta nên hủy bỏ tất cả. Con dao dùng để cắt thực phẩm, nhưng rơi vào tay kẻ sát nhân thì biến thành hung khí giết người. Không thể lý luận rằng để không còn kẻ giết người nữa, ta cần bỏ không sử dụng con dao. Ngày tôi đi học, không chỉ việc cho điểm số như hiện nay, mà hằng tháng còn cộng trung bình điểm để xếp hạng lên Bảng danh dự từ vị trí thứ nhất đến thứ năm trong mỗi lớp; và tháng nào cũng có một buổi chào cờ toàn trường để trao Bảng danh dự cho học sinh. Nếu nói theo suy nghĩ của em thì sự “phân biệt đối xử” khi ấy còn nặng nề hơn cả hiện nay. Nhưng tôi không thấy có bất cập trong một hệ thống phân loại như thế. Tôi và các bạn tôi vẫn đi qua tuổi học sinh với tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ chứ không hề là những cơn ác mộng.
Vấn đề ở đây là cái “bệnh thành tích” do con người hiện nay sinh ra và nó đã sử dụng công cụ điểm số cũng như thi cử như một kẻ sát nhân sử dụng con dao, và chính vì thế sự lợi ích của con dao đã biến thành sự tai hại. Em cho rằng dẹp bỏ điểm số hay thi cử đi thì hết bệnh thành tích ư? Sự thật không phải vậy. Phương thức cho điểm đã, đang và sẽ được dùng chẳng những ở nước ta mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Vấn đề là chúng ta sử dụng nó như thế nào chứ không phải là dẹp bỏ nó đi. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng đang góp phần làm sai lệch giá trị sử dụng tích cực của điểm số. Khi con cái bị điểm kém, thay vì nhắc nhở chúng tìm ra những điều chưa hiểu trong bài học thì họ lại quát nạt, la mắng, tạo áp lực với chúng. Lẽ ra cái điểm kém kia đã làm được một việc vô cùng hữu ích là cảnh báo họ về một vài chỗ học sinh chưa hiểu bài, thì họ lại xem đó như một vết nhơ, một điều sỉ nhục không đáng có, và họ nghĩ rằng cứ gây áp lực thật mạnh thì lần sau sẽ không còn điểm kém nữa. Thật là sai lầm, và sai lầm đó không phải do tự thân điểm số, nó chỉ là do quan niệm về điểm số của chúng ta không đúng mà thôi. Vậy thì giải pháp cho vấn đề không thể là bỏ đi điểm số, mà phải thay đổi ngay từ quan điểm của cả người cho điểm lẫn người nhận điểm.
Bằng cấp cũng thế thôi, tự thân nó không có gì sai trái. Học xong thì được cấp bằng, đó là chuyện tự nhiên; tự cổ chí kim, từ đông sang tây đều như thế cả, chỉ khác nhau về hình thức thể hiện mà thôi. Nhưng bằng cấp trở thành tai hại, trở thành vô giá trị là do chính những người cấp bằng và nhận bằng (hay mua bằng). Nếu ta quan niệm học 12 năm chỉ để nhận được mảnh bằng tốt nghiệp thì quả thật mảnh bằng đó vô nghĩa và không xứng chút nào với những gì ta đã bỏ ra. Nhưng nếu mảnh bằng chỉ làm đúng vai trò chứng nhận của nó, để giúp phân biệt người đã học qua và người chưa học thì có gì sai trái? Vấn đề chỉ nảy sinh khi ta đồng hóa lượng kiến thức thật sự đã học với mảnh bằng mà thật ra chỉ đóng vai trò làm tin mà thôi. Và khi cái bằng không làm tròn được vai trò “làm tin” của nó, do có quá nhiều bằng giả, học giả, thì người ta sẽ hoài nghi tất cả mọi cái bằng, thật cũng như giả. Vậy lỗi là do con người chúng ta, sao lại đổ cho bằng cấp? Nhiều trường đại học danh tiếng ở Anh, Pháp, Mỹ, Đức... cũng cấp bằng, có ai kêu ca gì đâu? Nếu mỗi học sinh đều nhận thức được điều này, hay chí ít thì thầy cô giáo, gia đình cũng phải làm một điều gì đó để giúp các em nhận thức được điều này, thì không nhất thiết phải dẹp bỏ bằng cấp. Thay vì vậy, các em phải biết hướng việc học của mình vào mục tiêu gặt hái kiến thức, còn chuyện bằng cấp chỉ là tiến trình tự nhiên sẽ đến, không cần quan tâm. Được như vậy, khi ra khỏi trường đại học rồi các em sẽ có thừa bản lĩnh để tự khẳng định mình thay vì chỉ biết dựa dẫm vào mảnh bằng mà tự mình không có khả năng, kiến thức thực sự. Và đó chính là điểm khác biệt thứ tư tôi muốn trao đổi cùng em.
Và đây là điểm khác biệt thứ năm, cũng là điểm cuối cùng tôi muốn trao đổi cùng em, vì có lẽ bài viết đã khá dài mà tôi thì không có ý muốn đề cập đến tất cả những gì em đã nêu ra. Đó là vấn đề giải pháp cho tình trạng đáng buồn hiện nay. Trong phần cuối buổi nói chuyện, em đã có những lời kêu gọi rất hùng hồn vì một nền giáo dục khai phóng. Tôi hoan nghênh và ngợi khen những suy nghĩ đầy trách nhiệm của em đối với nền giáo dục nước nhà, nhưng ở đây tôi lại cũng có vài suy nghĩ khác biệt với em.
Để làm rõ điểm khác biệt này thì phải nói lại một chút về vấn đề trước khi đưa ra giải pháp. Tôi tán thành với em về một số điểm bất cập, vô lý và kém hiệu quả hiện đang tồn tại trong nhà trường mà em đã nêu ra. Tôi sẽ không bàn sâu, bàn rộng về những khiếm khuyết, bất cập hay sai lầm này, vì đã có quá nhiều người nói đến. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến cái khái niệm “đầu vào, đầu ra” (input, output) mà em đã đề cập. Em cho rằng “giáo dục là một quy trình đặc biệt và học sinh là một sản phẩm đặc biệt”. Tôi không nghĩ như vậy. Sản phẩm đặc biệt thì cũng là một dạng sản phẩm thôi, và khái niệm đó sẽ triệt tiêu hoàn toàn vai trò chủ động của học sinh. Không ít người trong các em sẽ nghĩ rằng đến trường là để được nhà trường đào tạo, và cứ tự nhiên nhẩn nha qua hết thời gian học thì khi ra trường cũng sẽ được đóng gói trao cho một lượng kiến thức tương đương với mảnh bằng! Ảo tưởng! Giáo dục là một tiến trình tương tác giữa người dạy và người học. Ở đây không có bất kỳ sản phẩm nào được làm ra cả, chỉ có những con người cần được tạo điều kiện để tự phát huy những năng lực sẵn có của mình. (Xin mở ngoặc một chút vì có tương quan, tôi cực kỳ dị ứng với câu “vì lợi ích trăm năm trồng người” – Con người phải được đối xử như những con người, không phải vì lợi ích mà ta mới quan tâm chăm lo đến họ, bởi như vậy nếu không có lợi ích hay lợi ích kém kỏi – những người khuyết tật, người già – thì sao? Và nếu như khái niệm “trồng người” trong một chừng mực nào đó là phi nhân bản, thì cũng không thể chấp nhận việc xem học sinh là những sản phẩm của một quy trình, cho dù là quy trình đặc biệt.) Học sinh không phải những nguyên liệu để ta đưa vào rồi cho ra như những sản phẩm đóng hộp đồng loại, giống hệt nhau! Học sinh là những con người có suy nghĩ độc lập, chính em cũng nhiều lần nhấn mạnh điều đó; và vì là những con người có suy nghĩ độc lập nên trong một chừng mực nào đó, để phát huy tốt nhất hiệu quả việc học của chính mình, học sinh phải có vai trò chủ động hơn trong mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò, giữa người đi gặt hái kiến thức và nguồn kiến thức, mà nguồn kiến thức hiện nay thì không chỉ giới hạn ở thầy cô giáo, không chỉ giới hạn ở các tiết học tại lớp. Tôi cũng như em, không thích những thầy cô giáo nào từ chối trả lời các câu hỏi của học sinh, cũng đồng nghĩa với việc không khuyến khích học sinh nêu câu hỏi. Tuy nhiên, các em ngày nay có quá nhiều thuận lợi hơn so với chúng tôi ngày xưa, không nhất thiết phải nêu câu hỏi với chỉ các thầy cô giáo. Các em có nhiều hơn một con đường để làm việc đó: sách vở, báo chí, internet, email giao tiếp khắp thế giới... Vậy cớ gì phải chấp nhận giao trọn số phận cuộc đời mình cho cái mà em gọi là “quy trình đặc biệt” đó? Có một câu rất xưa nhưng chưa từng lỗi thời: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu.” Đến quyền năng siêu nhiên như trời cũng chẳng nên mong đợi, huống hồ là những quyền lực thế tục? Tôi cũng như em, cũng mơ ước đất nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, hiệu quả, mang lại những điều kiện học tập và phát huy năng lực tốt nhất cho học sinh. Nêu ra những bất cập cũng là điều nên làm, nhưng trong khi chờ mọi thứ chuyển biến thì trước hết hãy tự mình chuyển biến, đó là điều thiết thực nhất trong tầm tay của mỗi chúng ta. Trước khi cả cái hệ thống cồng kềnh này thay đổi cách dạy, thì điều tốt nhất có thể làm hiện nay là mỗi học sinh phải biết thay đổi cách học, phải biết trang bị cho mình một ý thức và phương pháp tự học, tự nghiên cứu, đừng chờ đợi mọi thứ ở nhà trường hay thầy cô giáo. Việc học chỉ có thể là áp lực, là căng thẳng khi các em đến lớp với một cái đầu hoàn toàn thụ động, không biết làm gì với mớ kiến thức mà người ta bày ra và nhồi nhét cho các em. Từ năm lớp 6, tôi nghĩ các em đã bắt đầu có được phần nào bản lĩnh để tự quyết việc học của mình, và rèn luyện đến năm lớp 9 thì sẽ vững vàng để chủ động hoàn toàn việc học. Đúng là “dạy tốt” thì học sẽ tốt hơn, nhưng nếu việc “dạy chưa tốt” thì cũng không lý gì em lại ngồi yên để cho cái “cỗ máy thi cử” nó nghiền nát tuổi thanh xuân của mình. Bản thân em trong những năm tới bước vào đại học cũng thế, nếu em không tự quyết định con đường đi của mình thì e rằng còn phải chờ đợi rất lâu trước khi có gì đó tích cực xảy ra. Đó là thực trạng của đất nước hôm nay.
Và nhân nói đến cái giải pháp “tự cứu” mà tôi đặt rất nhiều kỳ vọng ở các em học sinh của thế hệ hôm nay, tôi cũng muốn nêu ra một thắc mắc nhỏ. Tôi hơi băn khoăn về đối tượng của buổi nói chuyện được ghi hình của em. Khi đưa ra trước công chúng, hẳn em đã phải có một chủ đích của riêng mình. Theo nội dung mà em trình bày, tôi nghĩ có lẽ em nhắm đến “những người nắm quyền hành” là chính, vì chỉ có họ mới đáp ứng được những đề xuất, giải quyết được những vấn đề em nêu ra. Nhưng theo phương cách mà em trình bày thì tôi lại thấy có vẻ như em chỉ muốn bật ra một tiếng kêu uất ức, bị đè nén từ lâu, để chia sẻ với bạn bè ngang hàng với em thì đúng hơn, bởi ngôn ngữ và cử chỉ của em nói lên điều đó. Thế nhưng, hãy nói đến thực tế của vấn đề. Tôi không nghĩ là trong mấy ngàn lượt xem clip đã qua có được bao nhiêu người có trách nhiệm và quyền hành trong ngành giáo dục, vì thực tế nếu có thì những người như thế cũng không nhiều lắm, nhưng qua các comment phản hồi thì dường như tuyệt đại đa số là học sinh và phụ huynh học sinh. Đối tượng này lại chẳng có khả năng giải quyết được những vấn đề em nêu ra, họ cũng chỉ thụ động thôi, nhưng lại có rất nhiều học sinh đồng cảm với những điều em nói. Tạo được sự đồng cảm, nói ra được những điều người khác muốn nói là điều đáng mừng, thế nhưng kết quả sẽ là gì? Tôi e rằng giá trị tích cực thì ít, vì em không nêu được những điều tích cực để các bạn học sinh biết được mình phải làm gì; mà ảnh hưởng không tích cực sẽ rất nhiều, vì có thể tạo ra và thúc đẩy thêm tâm lý chán chường, xem thường việc học nơi một số đông học sinh vốn đã sẵn có tâm lý này. Mà như tôi đã nói, như vậy là hoàn toàn vô ích, chỉ là tự bóp chết tương lai của mình thôi. Thông điệp mà lẽ ra em nên dành một chút thời gian trong bài nói chuyện của mình để gửi đến các bạn học sinh ấy là: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu!” Có thể sẽ hơi khó làm và đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng đó là giải pháp thiết thực và khả thi nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Khi các học sinh cấp 3 của tôi rời miền quê để đi học đại học, các em tìm tôi để xin một lời khuyên, tôi chỉ nói: “Hãy làm một sinh viên thực sự như thầy đã từng định nghĩa, đừng làm một học sinh cấp 4.” Và tôi nghĩ rất nhiều em khi rời trường đại học đã thành đạt chính là nhờ vào những nỗ lực “tự cứu” của chính các em.
Và đó cũng chính là lý do tôi dành thời gian để viết những dòng đối thoại này với em – cũng có nghĩa là với các bạn học sinh xem clip này. Tôi thật lòng mong muốn một tương lai tốt đẹp cho tất cả các em, những người sẽ quyết định số phận của dân tộc và đất nước này khi những người đi trước như chúng tôi đã lần lượt ra đi. Thân chúc em những năm đại học thật tốt đẹp và gặt hái nhiều thành tựu thực sự về tri thức cũng như đạo đức. Nếu muốn trao đổi gì với tôi, đừng ngại viết thư về nguyenminh@rongmotamhon.net - vì cũng như em thôi, tôi sẽ sẵn lòng xem em như một đồng nghiệp trong tương lai của mình.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.217.1 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.