Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Bồ Tát Tịch Ý: “Thiện nam tử! Từ đó về sau,
lại trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, thế giới này đổi tên là
Tuyển Trạch Chư Ác. Khi ấy đại kiếp có tên là Thiện Đẳng Ích, thế giới
cũng có đủ năm sự uế trược.
“Về phương đông cách đây năm mươi bốn cõi thiên hạ, có cõi Diêm-phù-đề
tên gọi là Lô-bà-la. Do nguyện lực nên ta sinh về nơi ấy, làm vị Chuyển
luân Thánh vương cai quản Bốn cõi thiên hạ, hiệu là Hư Không Tịnh, giáo
hóa các chúng sinh được trụ yên trong Mười điều lành cùng với giáo pháp
Ba thừa.
“Thuở ấy ta làm việc bố thí cho hết thảy, không hề có chỗ phân biệt. Lúc
bấy giờ có vô số người tìm đến để cầu xin ta những thứ như trân bảo,
vàng bạc, lưu ly, pha lê, tiền tài, châu lưu ly xanh, châu lưu ly xanh
loại lớn, hỏa châu ma-ni... Nhưng số trân bảo mà ta có được thật quá ít,
không đáng kể so với vô số người đến xin nhiều như thế.
“Bấy giờ, ta liền hỏi quan đại thần: ‘Những trân bảo như vậy từ đâu mà
có?’
“Quan đại thần đáp: ‘Từ nơi chỗ của các vị Long vương mà có. Nhưng tuy ở
đó có trân bảo, cũng chỉ đủ cung cấp cho Thánh vương, không thể cho khắp
những người đến xin nhiều như thế.’
“Khi ấy ta liền phát lời thệ nguyện lớn lao rằng: ‘Nếu như ta trong đời
vị lai ở giữa cõi đời xấu ác có năm sự uế trược, phiền não sâu nặng,
tuổi thọ con người là một trăm tuổi, chắc chắn sẽ thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, mọi sở nguyện đều thành tựu, được lợi
ích bản thân, thì nay ta sẽ làm vị Đại Long vương hiện ra đủ mọi thứ kho
báu trân bảo giữa cõi thế giới Tuyển Trạch Chư Ác này, ở khắp mọi nơi
trong Bốn cõi thiên hạ, mỗi một cõi thiên hạ ta sẽ thọ thân sinh ra bảy
lần, mỗi một lần sinh đều hiện ra vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha
kho báu trân bảo, mỗi một kho báu ấy có bề ngang dọc đều rộng đến một
ngàn do-tuần, đều chứa đầy đủ mọi thứ trân bảo, dùng để cung cấp, bố thí
cho hết thảy những chúng sinh như trên đã nói.
“Giống như đã ở trong một cõi thế giới này mà tinh tấn chuyên cần làm
việc bố thí như vậy, ta cũng lần lượt thọ sinh ở khắp các cõi thế giới
xấu ác nhiều như số cát sông Hằng trong mười phương, những nơi ấy không
có Phật ra đời, có đủ năm sự uế trược. Trong hết thảy các cõi thiên hạ ở
mỗi một thế giới ấy, ta đều sẽ thọ thân sinh ra bảy lần, thị hiện có đủ
mọi thứ trân bảo để bố thí chúng sinh như trên đã nói.’
“Thiện nam tử! Khi ta phát lời nguyện lành như vậy rồi, liền có trăm
ngàn muôn ức chư thiên ở giữa không trung mưa xuống đủ mọi loại hoa thơm
mà ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Nhất Thiết Thí, nay ông sẽ
được thành tựu đúng như chỗ phát nguyện trong lòng.’
“Thiện nam tử! Bấy giờ đại chúng đều nghe chư thiên tôn xưng đức vua Hư
Không Tịnh là Nhất Thiết Thí. Nghe như vậy rồi, mỗi người đều tự nghĩ
rằng: ‘Nay ta nên đến chỗ vua ấy cầu xin những vật rất khó xả bỏ. Nếu
vua có thể xả bỏ được, như vậy mới xứng danh là Nhất Thiết Thí. Bằng như
có vật không thể xả bỏ, làm sao có thể gọi là Nhất Thiết Thí?’
“Khi ấy, mọi người đều theo vua cầu xin những thứ như cung nữ, hoàng
hậu, cho đến các công chúa, hoàng tử...
“Bấy giờ, vua Chuyển luân nghe những lời cầu xin như vậy liền dùng tâm
hoan hỷ mà tùy theo chỗ cầu xin của mỗi người đều bố thí cho tất cả.
“Lúc ấy, những người kia lại bảo nhau rằng: ‘Những thứ như vợ, con cũng
vẫn còn dễ xả bỏ, chẳng phải chuyện khó làm. Nay chúng ta nên đến chỗ
vua mà cầu xin những bộ phận trên thân thể. Nếu vua có thể xả bỏ mới
thật sự xứng danh là Nhất Thiết Thí.’
“Những người ấy liền cùng nhau tìm đến chỗ vua. Trong số đó có một người
thọ trì giới chó tên là Thanh Quang Minh, tâu với vua Chuyển luân rằng:
‘Đại vương! Nếu ngài quả là bậc xả bỏ tất cả, xin bố thí cho tôi cõi
Diêm-phù-đề này.’
“Khi ấy, ta nghe như vậy liền sinh tâm hoan hỷ, dùng nước thơm tắm rửa
sạch sẽ cho người ấy, cho mặc vào những y phục tốt đẹp mềm mại bậc nhất,
rồi dùng nước làm lễ quán đỉnh, cho nối ngôi làm Thánh vương, mang cõi
Diêm-phù-đề mà bố thí cho người ấy.
“Rồi ta lại phát nguyện rằng: ‘Nếu như nay ta dùng cả cõi Diêm-phù-đề
này để bố thí, do nhân duyên này sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề, sở nguyện thành tựu, được phần lợi ích bản thân, thì
xin nguyện cho hết thảy nhân dân trong cõi Diêm-phù-đề này đều tôn kính
thuận theo việc người này lên làm vua, lại khiến cho người này được thọ
mạng vô lượng, làm vị vua Chuyển luân. Sau khi ta thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, sẽ thọ ký cho người này được quả vị
Nhất sinh bổ xứ.’
“Có người bà-la-môn tên là Lô-chí, lại tìm đến ta cầu xin hai chân. Ta
nghe như vậy liền sinh tâm hoan hỷ, cầm dao sắc tự chặt đứt hai chân,
rồi đưa cho người ấy. Bố thí như vậy rồi lại phát nguyện: ‘Nguyện cho ta
trong đời vị lai được đầy đủ đôi chân là giới luật cao trổi nhất.’
“Có người bà-la-môn tên là Hỗ, lại tìm đến ta cầu xin hai mắt. Ta nghe
như vậy sinh lòng hoan hỷ, liền móc hai mắt ra đưa cho. Bố thí như vậy
rồi lại phát nguyện: ‘Nguyện cho trong đời vị lai được đầy đủ Năm thứ
mắt cao trổi nhất.’
“Không lâu sau đó, lại có người bà-la-môn tên là Tịnh Kiên Lao, lại tìm
đến ta cầu xin hai tai. Ta nghe như vậy rồi sinh lòng hoan hỷ, liền tự
cắt hai tai đưa cho. Bố thí như vậy rồi lại phát nguyện: ‘Nguyện cho ta
trong đời vị lai được đầy đủ tai nghe là trí huệ cao trổi nhất.’
“Lại không lâu sau đó, có người ni-kiền-tử tên là Tưởng, tìm đến ta để
cầu xin nam căn. Ta nghe như vậy rồi sinh lòng hoan hỷ, liền tự tay cắt
lấy đưa cho. Bố thí như vậy rồi lại phát nguyện: ‘Nguyện cho ta trong
đời vị lai thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được tướng Mã
vương tàng.’
“Không lâu sau đó lại có người tìm đến hỏi xin ta máu thịt. Ta nghe như
vậy rồi sinh lòng hoan hỷ, liền bố thí cho. Bố thí như vậy rồi lại phát
nguyện: ‘Nguyện cho ta trong đời vị lai được đầy đủ thân tướng màu vàng
ròng không ai sánh bằng.’
“Không lâu sau đó lại có người bà-la-môn tên là Mật Vị tìm đến ta cầu
xin hai cánh tay. Ta nghe như vậy rồi sinh lòng hoan hỷ, tay phải cầm
dao chặt đứt tay trái rồi nói rằng: ‘Nay còn cánh tay phải này ta không
thể tự chặt, ông hãy đến đây chặt lấy.’ Bố thí như vậy rồi lại phát
nguyện: ‘Nguyện cho ta trong đời vị lai được đầy đủ cánh tay là lòng tin
sâu vững.’
“Thiện nam tử! Khi ta cắt hết các bộ phận của thân thể như thế rồi, toàn
thân máu nhuộm, lại phát nguyện rằng: ‘Nếu do nhân bố thí này ta chắc
chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sở nguyện thành
tựu, được phần lợi ích bản thân, thì nguyện cho những phần còn lại trong
thân thể đều sẽ có chúng sinh nhận thí.’
“Thời bấy giờ không có thánh nhân, người đời chẳng biết gì đến việc ân
nghĩa, nên các tiểu vương và những quan đại thần thảy đều nói rằng:
‘Người sao mà ngu đến thế! Vì sao lại tự cắt xẻo thân thể, khiến cho mọi
thứ đang tốt đẹp bỗng chốc thành tàn phế? Khối thịt dư này còn có giá
trị gì?’
“Khi ấy, các quan đại thần liền mang thân thể còn lại của ta vất bỏ ra
bãi tha ma hoang vắng bên ngoài thành, rồi kéo nhau ra về. Bấy giờ, vô
số các loài ruồi nhặng, muỗi mòng... tranh nhau hút lấy máu ta; các loài
chồn cáo, kên kên, diều quạ... cùng kéo đến ăn thịt ta.
“Trong lúc mạng sống còn chưa dứt hẳn, ta sinh tâm hoan hỷ, lại phát
nguyện rằng: ‘Nay ta xả bỏ cả đời sống cũng như tất cả các bộ phận thân
thể nhưng trong lòng không một mảy may sân hận hay hối tiếc, nếu như sở
nguyện của ta thành tựu, được phần lợi ích bản thân, xin nguyện cho thân
này hóa thành núi thịt lớn. Hết thảy những chúng sinh nào uống máu, ăn
thịt để sống đều sẽ tìm đến đây, tùy ý ăn uống thỏa mãn.’
“Phát nguyện như vậy rồi, liền có những chúng sinh kéo đến để ăn thịt,
uống máu. Do nguyện lực của ta nên thân thể khi ấy liền biến hóa cao lớn
đến cả ngàn do-tuần, hai bề ngang dọc bằng nhau, đều năm trăm do-tuần,
trong suốt một ngàn năm dùng máu thịt để cung cấp, bố thí chúng sinh.
“Vào thuở ấy, số lưỡi mà ta xả bỏ để bố thí đủ cho các loài cọp, sói,
kên kên, diều, quạ... đều được ăn no. Do nguyện lực nên bố thí rồi lại
sinh ra như cũ, nếu như gom hết số lưỡi ấy lại ắt thành đống lớn như núi
Kỳ-xà-quật. Bố thí như vậy rồi lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho ta
trong đời vị lai được thành tựu đầy đủ tướng lưỡi rộng dài.’
“Thiện nam tử! Thuở ấy, khi ta mạng chung tại cõi Diêm-phù-đề, do bản
nguyện nên sinh vào loài rồng, làm vị Đại Long vương tên là Thị Hiện Bảo
Tạng. Ngay trong đêm ta sinh ra, liền thị hiện trăm ngàn ức na-do-tha đủ
mọi kho tàng trân bảo, tự truyền rao khắp nơi rằng: ‘Trong vùng này có
rất nhiều kho tàng trân bảo. Trong các kho ấy đầy đủ các loại trân bảo
và những vật quý lạ, vàng bạc cho đến bảo châu như ý đều có đủ.’
“Chúng sinh nghe lời truyền rao như thế, mỗi người đều tùy ý đến lấy các
loại vật báu mang về dùng. Được dùng các vật báu ấy rồi liền thực hành
đầy đủ Mười điều lành, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hoặc
phát tâm Thanh văn, tâm Bích-chi Phật.
“Thuở ấy ta bảy lần thọ sinh trở lại làm Long vương, tuổi thọ là bảy vạn
bảy ngàn ức na-do-tha trăm ngàn tuổi, thị hiện vô lượng vô biên
a-tăng-kỳ kho tàng trân bảo bố thí cho chúng sinh. Lúc bấy giờ khiến cho
vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh được trụ yên trong giáo pháp Ba
thừa, khuyên dạy chúng sinh thực hành đầy đủ Mười điều lành. Sau khi
dùng vô số đủ mọi thứ trân bảo bố thí đầy đủ cho chúng sinh rồi, lại
phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho ta trong đời vị lai được đầy đủ ba mươi
hai tướng tốt.’
“Sau đó ta lại lần lượt thọ sinh bảy lần làm Long vương ở cõi thiên hạ
thứ hai, cũng giống như vậy, cho đến khi tất cả mọi nơi trong Bốn cõi
thiên hạ ở khắp thế giới Tuyển Trạch ta đều làm xong những việc lợi ích
vô lượng như vậy cho chúng sinh, rồi cho đến trong vô lượng vô biên các
cõi thế giới không có Phật ở khắp mười phương, mỗi một thế giới, mỗi một
cõi thiên hạ ta cũng đều thọ sinh bảy lần làm vị Đại Long vương, tuổi
thọ là bảy vạn bảy ngàn ức na-do-tha trăm nghìn tuổi, cũng thị hiện vô
lượng vô biên a-tăng-kỳ kho tàng trân bảo để bố thí cho chúng sinh như
vậy.
“Thiện nam tử! Các ông nên biết, như vậy gọi là nhân duyên của đức Như
Lai khi còn là Bồ Tát đã hết lòng tinh tấn cầu được ba mươi hai tướng
tốt.
“Thiện nam tử! Sự tinh tấn của đức Như Lai khi còn là Bồ Tát, trong quá
khứ chẳng có ai sánh kịp, chỉ trừ tám vị đã nói trước đây.
“Nếu như trong quá khứ đã không có ai sánh kịp, nên biết rằng các vị Bồ
Tát trong đời vị lai cũng sẽ không thể chuyên cần thực hành một cách sâu
xa đức tinh tấn được như ta đã làm.
“Thiện nam tử! Sau đó lại trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, thế
giới này đổi tên là San-hô-trì, kiếp tên là Hoa Thủ. Thời ấy không có
Phật ra đời, cõi thế có đủ năm sự uế trược. Ta sinh trong đời ấy làm vị
Thích-đề-hoàn-nhân, tên là Thiện Nhật Quang Minh. Khi ấy ta xem xét cõi
Diêm-phù-đề thấy các chúng sinh chuyển dần sang làm toàn việc ác, ta
liền hóa thân làm quỷ dạ-xoa, hình dung rất đáng sợ, hiện xuống cõi
Diêm-phù-đề, đứng trước mặt mọi người. Mọi người nhìn thấy ta đều sinh
lòng khiếp sợ, hỏi rằng: ‘Ngài cần điều gì, xin hãy nói ra mau.”
“Khi ấy ta đáp: ‘Ta chỉ cần được ăn uống, chẳng cần gì khác.’
“Những người ấy lại hỏi: ‘Ngài ăn những món gì?’
“Ta đáp rằng: ‘Ta đây giết người để ăn thịt, uống máu. Nếu các ngươi có
thể trọn đời thọ trì giới không giết hại, cho đến vâng theo chánh kiến,
phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hoặc phát tâm Thanh văn, tâm
Duyên giác, thì ta mới không ăn thịt các ngươi.’
“Thiện nam tử! Khi ấy ta dùng phép hóa hiện ra một hình người rồi ăn
thịt, uống máu người ấy. Chúng sinh nhìn thấy ta ăn thịt, uống máu như
vậy càng thêm khiếp sợ, hết thảy đều nguyện suốt đời thọ trì giới không
giết hại, cho đến vâng theo chánh kiến, hoặc phát tâm A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề, hoặc phát tâm Thanh văn, tâm Bích-chi Phật.
“Ta dùng cách ấy khuyên dạy hết thảy chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề,
khiến cho tu tập, thực hành Mười điều lành, trụ yên trong giáo pháp Ba
thừa, rồi lại phát nguyện rằng: ‘Nếu như ta chắc chắn sẽ thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sở nguyện thành tựu, được phần lợi ích
bản thân, thì nay ta lại sẽ khuyên dạy chúng sinh trong bốn cõi thiên hạ
này, khiến cho thực hành Mười điều lành, cho đến chúng sinh trong khắp
cả thế giới này, ở tất cả mọi cõi thiên hạ, đều dùng tướng mạo hung dữ
như vậy để khiến cho chúng sinh vâng làm theo Mười điều lành, khuyên dạy
phát tâm Bồ-đề cho đến các tâm Thanh văn, Duyên giác.
“Sau khi đã làm được như vậy trong khắp một cõi thế giới rồi, lại tiếp
tục như vậy với vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới xấu ác trong
mười phương, những nơi không có Phật ra đời và thế giới có đủ năm sự uế
trược.’
“Thiện nam tử! Thuở ấy những lời phát nguyện như vậy của ta hết thảy đều
thành tựu, ở thế giới San-hô-trì hóa làm hình tượng quỷ dạ-xoa đáng sợ
để điều phục hết thảy chúng sinh, khiến cho trụ yên trong Mười điều lành
cùng với giáo pháp Ba thừa.
“Tiếp tục như vậy cho đến khắp cả vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế
giới xấu ác có đủ năm sự uế trược trong mười phương, những nơi không có
Phật ra đời, ta đều hóa làm hình tượng quỷ dạ-xoa để điều phục chúng
sinh, khiến phải làm theo Mười điều lành, trụ yên trong giáo pháp Ba
thừa.
“Thuở xưa ta dùng cách đe dọa chúng sinh để khiến cho họ phải làm theo
Mười điều thiện, trụ yên trong giáo pháp Ba thừa. Do nhân duyên nghiệp
báo như thế nên ngày nay khi ngồi dưới cội cây Bồ-đề vừa sắp thành tựu
quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì có Thiên ma Ba-tuần cùng với
chúng ma tìm đến chỗ ta, muốn phá hoại, làm rối loạn tâm đạo Bồ-đề của
ta.
“Thiện nam tử! Đó là nói sơ qua việc ta thực hành pháp Bố thí ba-la-mật
khi còn là Bồ Tát.
“Thiện nam tử! Pháp nhẫn rất thâm sâu của các vị Đại Bồ Tát, cùng với
phép tổng trì,(1) tam-muội giải thoát, vào lúc ấy ta đều chưa đạt được,
chỉ có thân hữu lậu và thân được năm phép thần thông. Nhưng khi ấy ta đã
làm nên được những việc lớn lao như vậy, khiến cho vô lượng vô biên
a-tăng-kỳ chúng sinh được trụ yên nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; vô
lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh trụ yên nơi Bích-chi Phật thừa; vô
lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh trụ yên nơi Thanh văn thừa, huống hồ
là sau khi ta đã được cúng dường chư Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ trong
một cõi Phật, ở bên cạnh mỗi một vị Phật đều tạo được công đức nhiều như
số giọt nước trong biển cả; lại cúng dường vô số các vị Thanh văn, Duyên
giác, các bậc sư trưởng, cha mẹ, thần tiên ngũ thông... thảy đều như
vậy.
“Như ta xưa kia khi còn làm Bồ Tát tự dùng máu thịt của mình để cung
cấp, bố thí cho chúng sinh, tấm lòng đại bi như vậy các vị A-la-hán ngày
nay đều không có được!”