Lúc bấy giờ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Đại Bồ Tát Tịch Ý: “Thiện nam
tử! Nay ta dùng Phật nhãn nhìn khắp các thế giới mười phương nhiều như
số hạt bụi nhỏ trong một cõi Phật, các vị Phật Thế Tôn đã nhập Niết-bàn
ở những thế giới ấy thảy đều do ta trước đây đã khuyên dạy, giáo hóa cho
từ lúc mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi thực hành pháp
Bố thí ba-la-mật, cho đến pháp Bát-nhã ba-la-mật. Cho đến các vị Phật
Thế Tôn trong đời vị lai cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Nay ta nhìn thấy vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chư Phật Thế
Tôn ở các thế giới về phương đông kia, đang trong đời hiện tại này
chuyển bánh xe chánh pháp, cũng đều là do ta trước đây đã khuyên dạy,
giáo hóa cho từ lúc mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thực
hành sáu pháp ba-la-mật. Về phương nam, phương tây, phương bắc, cho đến
bốn phương phụ và phương trên, phương dưới cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Về phương đông cách đây tám mươi chín ức thế giới chư
Phật, có thế giới kia tên là Thiện Hoa, ở đó có Phật hiệu là Vô Cấu Công
Đức Quang Minh Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc,
Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân
sư, Phật Thế Tôn, hiện nay đang vì chúng sinh thuyết pháp. Đức Phật ấy
cũng do ta trước đây đã khuyên dạy, giáo hóa cho từ lúc mới phát tâm
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, khiến cho thực hành pháp Bố thí
ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật.
“Về phương đông lại có thế giới Diệu Lạc, ở đó có Phật hiệu là A-súc Như
Lai. Lại có thế giới Diêm-phù, ở đó có Phật hiệu là Nhật Tạng Như Lai.
Lại có thế giới tên là Lạc Tự Tại, ở đó có Phật hiệu là Lạc Tự Tại Âm
Quang Minh Như Lai. Lại có thế giới tên là An Lạc, ở đó có Phật hiệu là
Trí Nhật Như Lai. Lại có thế giới tên là Thắng Công Đức, ở đó có Phật
hiệu là Long Tự Tại Như Lai. Lại có thế giới tên là Thiện Tướng, ở đó có
Phật hiệu là Kim Cang Xưng Như Lai. Lại có thế giới tên là Giang Hải
Vương, ở đó có Phật hiệu là Quang Minh Như Lai. Lại có thế giới tên là
Bất Ái Nhạo, ở đó có Phật hiệu là Nhật Tạng Như Lai. Lại có thế giới tên
là Ly Cấu Quang Minh, ở đó có Phật hiệu là Tự Tại Xưng Như Lai. Lại có
thế giới tên là Sơn Quang Minh, ở đó có Phật hiệu là Bất Khả Tư Nghị
Vương Như Lai. Lại có thế giới tên là Tụ Tập, ở đó có Phật hiệu là Đại
Công Đức Tạng Như Lai. Lại có thế giới tên là Hoa Quang Minh, ở đó có
Phật hiệu là Quang Minh Âm Tướng Như Lai. Lại có thế giới tên là An Hòa
Sí Thạnh, ở đó có Phật hiệu là An Hòa Tự Tại Kiến Sơn Vương Như Lai. Lại
có thế giới tên là thiện địa, ở đó có Phật hiệu là Tri Tượng Như Lai.
Lại có thế giới tên là Hoa Cái, ở đó có Phật hiệu là Nhãn Tịnh Vô Cấu
Như Lai.
“Thiện nam tử! Vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chư Phật hiện tại ở phương
đông như vậy, đều vì chúng sinh chuyển bánh xe chánh pháp. Khi các đức
Phật này chưa phát tâm Bồ-đề Vô thượng, thảy đều là do ta khuyên dạy,
giáo hóa, khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lại cũng
dẫn dắt đến chỗ của chư Phật Thế Tôn ở khắp mười phương. Tùy mỗi nơi
được dẫn dắt đến, các vị đều chuyên tâm tu hành, trụ yên trong pháp Bố
thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, liền được thọ ký quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Bấy giờ, tại thế giới Thiện Hoa ở phương đông của đức Phật Vô Cấu Công
Đức Quang Minh Vương, tòa sư tử của đức Phật ngồi cùng với mặt đất đều
chấn động đủ sáu cách, có ánh hào quang rực rỡ chiếu sáng, không trung
mưa xuống đủ mọi loại hoa sen quý báu, đẹp đẽ. Các vị Bồ Tát ở đó thấy
những việc như vậy thì hết sức kinh ngạc, đều cho là chưa từng có, liền
bạch Phật: ‘Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà tòa ngồi của đức Như Lai chấn
động như thế? Chúng con xưa nay thật chưa từng thấy sự việc như vậy!’
“Đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh Vương liền bảo các vị Bồ Tát:
‘Thiện nam tử! Về phương tây cách đây tám mươi chín ức thế giới chư
Phật, có một thế giới tên là Ta-bà, ở đó có Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni
Như Lai, hiện nay đang vì Bốn bộ chúng thuyết dạy về nhân duyên tu tập
giáo pháp của chính ngài. Đức Phật Thế Tôn ấy khi còn là Bồ Tát, đã
khuyên dạy giáo hóa ta lần đầu tiên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề, lại dẫn dắt ta đến chỗ của chư Phật, bước đầu dạy ta thực
hành pháp Bố thí ba-la-mật, cho đến pháp Bát-nhã ba-la-mật. Thuở ấy ta
tùy theo mỗi nơi được dẫn dắt đến liền được thọ ký quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đức Phật Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni kia chính là vị thiện tri thức chân
thật của ta. Hiện nay ngài đang ở giữa đại chúng nơi phương tây, vì Bốn
bộ chúng mà thuyết kinh nói về nhân duyên tu tập của ngài. Do sức thần
túc của đức Như Lai ấy nên khiến cho tòa ngồi của ta chấn động.
“Thiện nam tử! Nay trong các ông, ai có thể đến cõi thế giới Ta-bà kia
dâng lời thăm hỏi đức Phật ấy, việc đi đứng của ngài có được nhẹ nhàng
hay chăng?’
“Khi ấy, các vị Bồ Tát thảy đều bạch Phật: ‘Thế Tôn! Ở thế giới Thiện
Hoa này, các vị Bồ Tát thảy đều đã được thần thông, đối với các công đức
của hàng Bồ Tát đều được tự tại. Hôm nay sáng sớm trời trong, được nhìn
thấy ánh hào quang rực chiếu. Hào quang này đều là từ các thế giới của
chư Phật soi chiếu đến đây. Mặt đất ngay khi ấy chấn động đủ sáu cách,
không trung rơi xuống đủ mọi loại hoa. Thấy việc như vậy nên có vô lượng
trăm ngàn vạn ức vị Bồ Tát muốn dùng thần lực hiện đến thế giới Ta-bà để
được gặp đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cúng dường tôn trọng, cung kính ngợi
khen, lại cũng muốn học hỏi pháp môn Đà-la-ni Giải liễu nhất thiết. Tuy
nhiên, không ai biết được thế giới Ta-bà của đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở
tại nơi nào?’
“Đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh Vương liền duỗi cánh tay phải có
màu vàng ròng, từ nơi năm đầu ngón tay phóng ra đủ mọi sắc hào quang rực
rỡ, vi diệu. Hào quang ấy tức thời soi chiếu qua khỏi tám mươi chín ức
thế giới chư Phật, đến tận thế giới Ta-bà. Bấy giờ, các vị Bồ Tát do nơi
hào quang ấy mà thấy được thế giới Ta-bà có các vị Đại Bồ Tát đông đảo,
đầy khắp thế giới. Lại có chư thiên, rồng, thần, càn-thát-bà, a-tu-la,
ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già... cũng đông đảo đầy khắp trên
không trung.
“Các vị Bồ Tát nhìn thấy như vậy rồi liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nay chúng
con đã được nhìn thấy thế giới Ta-bà, biết được thế giới ấy ở đâu, lại
cũng được thấy các vị Bồ Tát và chư thiên, đại chúng đông đảo đầy khắp
cõi ấy, không còn lấy một chỗ trống. Đức Phật Thích-ca lại cũng nhìn
thấy chúng con, thuyết dạy pháp mầu.’
“Đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh Vương bảo các vị Đại Bồ Tát: ‘Thiện
nam tử! Đức Thích-ca Như Lai thường dùng Phật nhãn thanh tịnh quán sát
khắp hết thảy, không có gì không nhìn thấy. Thiện nam tử! Tất cả những
chúng sinh ở thế giới Ta-bà, dù ở trên mặt đất hay ở giữa không trung,
hết thảy đều nói rằng: Đức Phật Thích-ca chỉ riêng nhìn thấy trong tâm
ta, chỉ riêng vì ta thuyết pháp.
“Thiện nam tử! Đức Phật Thích-ca ấy chỉ dùng một âm thanh, vì đủ các
loài chúng sinh khác nhau mà thuyết pháp, nhưng mỗi loài chúng sinh thảy
đều tùy theo tiếng nói của mình mà nghe hiểu được. Ngài không dùng những
âm thanh khác nhau để thuyết pháp cho nhiều người. Chúng sinh ở thế giới
ấy, những ai thờ phụng Phạm thiên sẽ nhìn thấy thân Như Lai như hình
tượng Phạm thiên, liền được nghe thuyết pháp. Nếu những ai thờ phụng Ma
thiên, Thích thiên, Nhật nguyệt Tỳ-sa-môn thiên, Tỳ-lâu-lặc,
Tỳ-lâu-bác-xoa, Đề-đầu-lại-trá, Ma-hê-thủ-la... tám vạn bốn ngàn loài
chúng sinh khác nhau đều như vậy, mỗi chúng sinh đều nhìn thấy thân Như
Lai là hình tượng của mình thờ phụng, liền được nghe thuyết pháp, đều
nghĩ rằng Như Lai chỉ riêng vì mình thuyết pháp.
“Khi ấy, trong chúng hội có hai vị Bồ Tát, một người tên là La-hầu-điện,
một người tên là Hỏa Quang Minh. Đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh
Vương bảo hai vị Bồ Tát ấy rằng: ‘Thiện nam tử! Nay các ông có thể đến
thế giới Ta-bà, thay ta dâng lời thăm hỏi đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni,
ngài đi đứng có được nhẹ nhàng, khí lực có được an ổn hay chăng?’
“Hai vị Bồ Tát liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Chúng con nhìn thấy khắp hết
thế giới của đức Phật Thích-ca, đại chúng tụ họp đông đảo, trên mặt đất
cũng như giữa không trung đều chật kín, không có lấy một chỗ trống. Nếu
chúng con đến đó thì biết đứng vào nơi đâu?’
“Đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh Vương bảo: ‘Các thiện nam tử! Các
ông chớ nên nói rằng ở thế giới kia không còn chỗ đứng. Vì sao vậy? Vì
cõi thế giới Phật Thích-ca rộng lớn vô biên. Công đức vô lượng của đức
Phật Thích-ca không thể nghĩ bàn. Do bản nguyện của ngài, lòng đại bi
rộng lớn nên khiến cho vô lượng các loài chúng sinh đều được vào trong
Phật pháp, thọ nhận Ba quy y, sau đó lại vì chúng sinh thuyết dạy giáo
pháp Ba thừa. Lại truyền dạy Ba thứ giới luật, chỉ bày Ba môn giải
thoát, lại cứu vớt vô lượng vô biên chúng sinh ra khỏi ba đường ác,
khiến cho được trụ yên trong ba đường thiện.
“Thiện nam tử! Lại có một lúc, đức Thích-ca Như Lai thành đạo Vô thượng
chưa bao lâu, vì muốn điều phục chúng sinh nên ngài ở tại núi Tỳ-đà,
trong động Nhân-bà-la, trải qua bảy ngày bảy đêm ngồi kết già nhập
tam-muội, hưởng niềm vui giải thoát. Khi ấy thân Phật biến hóa lớn lên
choán đầy cả động ấy, không còn một chỗ trống nào, dù chỉ là đôi ba tấc.
“Vừa hết bảy ngày, ở các thế giới khắp mười phương có mười hai na-do-tha
vị Đại Bồ Tát hiện đến thế giới Ta-bà đứng quanh ven núi Tỳ-đà, muốn
được gặp đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai để cúng dường tôn trọng, cung kính
ngợi khen xưng tán và thưa hỏi pháp mầu.
“Thiện nam tử! Khi ấy đức Thích-ca Như Lai từ nơi chỗ ngồi dùng sức đại
thần túc khiến cho hang động ấy trở nên rộng lớn vô biên, có thể dung
chứa được mười hai na-do-tha vị Đại Bồ Tát. Các vị Bồ Tát thảy đều vào
được trong động, đều thấy trong động ấy rộng lớn trang nghiêm. Có những
vị Bồ Tát dùng sức thần túc tự tại để cúng dường đức Phật, rồi mỗi vị Bồ
Tát đều hóa hiện tòa báu để ngồi trên ấy nghe thuyết pháp.
“Thiện nam tử! Đức Phật Thích-ca hiện thần lực như vậy. Các vị Bồ Tát ấy
được nghe thuyết pháp rồi liền từ nơi tòa ngồi đứng dậy, cúi đầu sát đất
kính lễ Phật, đi quanh cung kính ba vòng về bên phải, rồi mỗi vị đều
quay trở về cõi Phật của mình. Các vị vừa ra đi thì động ấy liền thu nhỏ
lại như cũ.
“Trong Bốn cõi thiên hạ ấy có vị Thiên chủ cõi trời Đao-lợi tên là
Kiều-thi-ca, mạng sống sắp hết, chắc chắn phải đọa vào loài súc sinh. Do
việc ấy nên Kiều-thi-ca sinh lòng sợ hãi, liền cùng với tám mươi bốn
ngàn vị chư thiên cõi trời Đao-lợi hiện xuống động Nhân-bà-la, muốn được
gặp đức Như Lai.
“Bấy giờ có một quỷ dạ-xoa tên là Vương Nhãn là thần động ở đó, đang
đứng canh giữ ngoài cửa động. Khi ấy Đế-thích do oai lực của Phật liền
khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Nay ta nên sai khiến vị càn-thát-bà tên là
Bát-già-tuần hiện đến chỗ Phật trước, dùng những âm thanh vi diệu để
xưng tán ngợi ca Như Lai, khiến cho đức Thế Tôn ra khỏi tam-muội.’
“Thiện nam tử! Thích-đề-hoàn-nhân suy nghĩ như vậy rồi, liền sai vị
càn-thát-bà Bát-già-tuần dùng đàn quý bằng ngọc lưu ly khảy lên những âm
thanh vi diệu. Những âm thanh ấy có đến năm trăm âm hưởng khác nhau,
được dùng để xưng tán đức Như Lai.
“Thiện nam tử! Khi vị Bát-già-tuần đang dùng âm nhạc vi diệu để xưng tán
Phật, đức Như Lai lại chuyển sang nhập Tam-muội Tướng. Do sức của
tam-muội này, ngài hiện sức thần lớn lao, khiến cho các dạ-xoa, la-sát,
càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, cùng với chư
thiên hai cõi Dục giới và Sắc giới, tất cả đều tụ tập vào trong động.
Những chúng sinh nào thích nghe âm thanh vi diệu, liền tùy theo ý thích
được nghe, nghe rồi trong lòng hết sức hoan hỷ; những chúng sinh nào
thích nghe ngợi khen xưng tán Phật, khi nghe ngợi khen xưng tán Phật rồi
trong lòng hoan hỷ, đối với đức Như Lai sinh lòng tôn trọng, cung kính;
những chúng sinh nào thích nghe tiếng nhạc liền được nghe, nghe rồi
trong lòng hoan hỷ.
“Khi ấy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni liền ra khỏi tam-muội, thị hiện cho
tất cả đại chúng đều được nhìn thấy cửa động Nhân-bà-la.
Thích-đề-hoàn-nhân liền tiến đến chỗ Phật, cúi đầu kính lễ sát dưới chân
Phật, rồi đứng sang một bên, thưa hỏi rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Nay chúng con
nên ngồi ở đâu?’
“Đức Phật đáp: ‘Kiều-thi-ca! Tất cả quyến thuộc của ông hãy cứ tụ họp
vào cả bên trong. Nay ta sẽ làm cho động Nhân-bà-la này trở nên hết sức
rộng rãi, có thể dung chứa được đại chúng quyến thuộc của ông nhiều như
số cát mười hai con sông Hằng, tất cả đều có chỗ ngồi.’
“Bấy giờ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở giữa đại chúng dùng một âm thanh
mầu nhiệm để giảng thuyết chánh pháp, khiến cho tám mươi bốn ngàn chúng
sinh có căn cơ khác nhau thảy đều tùy theo sở thích của mình mà được
nghe.
“Trong đại chúng, hoặc có những người học theo Thanh văn thừa đều nghe
ra giáo pháp Thanh văn, liền có chín mươi chín ức chúng sinh chứng quả
Tu-đà-hoàn; hoặc có những người tu học theo Duyên giác thừa liền được
nghe giáo pháp Duyên giác; hoặc có những người tu học Đại thừa liền được
nghe chỉ toàn giáo pháp Đại thừa.
“Những vị đứng đầu trong số càn-thát-bà cùng đi với Bát-già-tuần có mười
tám na-do-tha đều được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Những ai chưa phát tâm liền phát tâm
Bồ-đề Vô thượng, hoặc phát tâm Duyên giác, hoặc phát tâm Thanh văn.
“Lúc bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân liền dứt trừ được sự sợ hãi, tuổi thọ
tăng thêm một ngàn năm, chứng được quả Tu-đà-hoàn.
“Thiện nam tử! Đức Phật Thích-ca dùng thần lực có thể tạo ra sự rộng lớn
vô biên. Âm thanh thuyết pháp của ngài cũng rộng lớn vô biên, không ai
có thể tìm biết được giới hạn trong âm thanh thuyết pháp của ngài.
“Đức Phật Thích-ca có vô lượng vô biên phương tiện để giáo hóa chúng
sinh. Không ai có thể biết được những phương tiện như vậy.
“Thiện nam tử! Sắc thân của đức Phật Thích-ca cũng vô lượng vô biên,
không ai có thể đo lường được thân ấy, không ai thấy được đỉnh đầu của
ngài.
“Thiện nam tử! Đại chúng đông đảo như vậy, nếu như muốn vào cả trong
bụng Phật, bụng Phật liền dung chứa được tất cả. Khi vào trong bụng rồi,
nếu lại muốn thấy được chỗ mép cùng của bụng cũng là điều không thể
được. Dù vậy, bụng Phật không hề lớn lên hay nhỏ đi.
“Nếu như hết thảy các loài chúng sinh muốn đi lại trong một sợi lông của
Phật, liền được như vậy không có gì trở ngại, thậm chí nếu dùng thiên
nhãn cũng không thể thấy được tới chỗ mép cùng một lỗ chân lông của
Phật. Dù vậy, lỗ chân lông ấy cũng không hề lớn lên hay nhỏ đi. Thân của
đức Phật Thế Tôn ấy vô lượng vô biên như vậy. Thiện nam tử! Thế giới của
đức Phật ấy cũng vô lượng vô biên.
“Thiện nam tử! Ví như tất cả chúng sinh ở các thế giới mười phương nhiều
như số cát của một con sông Hằng cùng gom cả về trong thế giới của Phật
ấy cũng vẫn dung chứa hết. Vì sao vậy? Chỗ phát khởi thệ nguyện của đức
Phật ấy lúc mới phát tâm Bồ-đề là vô lượng vô biên.
“Thiện nam tử! Đừng nói là chúng sinh trong các thế giới mười phương
nhiều như số cát của một con sông Hằng, cho đến chúng sinh trong các thế
giới mười phương nhiều như số cát của một ngàn con sông Hằng cùng gom cả
về trong thế giới của Phật ấy cũng vẫn dung chứa hết, mà hình tướng ban
đầu của thế giới ấy vẫn không hề thay đổi lớn lên hay nhỏ đi.
“Thiện nam tử! Đức Phật Thích-ca khi vừa mới phát tâm Bồ-đề Vô thượng,
vì muốn được đầy đủ trí hiểu biết tất cả nên phát lời thệ nguyện hết sức
lớn lao. Do đó mà nay được thế giới rộng lớn vô lượng vô biên. Thiện nam
tử! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có bốn pháp này, tất cả các đức Phật Thế
Tôn khác đều không sánh bằng.
“Thiện nam tử! Nay các ông hãy mang theo loại hoa thanh tịnh nguyệt
quang minh vô cấu này, đi về phương tây, đến thế giới Ta-bà nơi các ông
đã được nhìn thấy, thay ta kính lời thăm hỏi đức Phật Thích-ca, ngài đi
đứng có được nhẹ nhàng, khí lực có được an ổn hay chăng?’
“Khi ấy, đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh Vương liền cầm hoa quý
nguyệt quang minh vô cấu trao cho hai vị Bồ Tát, bảo rằng: ‘Nay tất cả
các ông hãy nương theo sức đại thần thông của ta mà đi đến thế giới
Ta-bà.’
“Bấy giờ, trong chúng hội có hai vạn Bồ Tát cùng bạch Phật rằng: ‘Thế
Tôn! Xin vâng theo lời dạy. Nay chúng con sẽ nương sức đại thần thông
của Phật mà đi đến thế giới Ta-bà, gặp đức Thích-ca Như Lai, cúng dường
tôn trọng, cung kính ngợi khen xưng tán.’
“Đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh Vương liền dạy: ‘Thiện nam tử! Đã
đến lúc các ông nên đi rồi vậy.’
“Khi ấy, Bồ Tát La-hầu-điện và Bồ Tát Hỏa Quang Minh liền cùng với hai
vạn Bồ Tát nương sức đại thần thông của Phật, vừa rời khỏi thế giới
Thiện Hoa trong khoảnh khắc liền hiện đến thế giới Ta-bà, tại núi
Kỳ-xà-quật, đến quỳ trước đức Phật Thích-ca, chắp tay bạch Phật rằng:
‘Thế Tôn! Về phương đông cách đây tám mươi chín cõi thế giới Phật, có
một thế giới tên là Thiện Hoa, ở đó có Phật hiệu là Vô Cấu Công Đức
Quang Minh Vương, hiện đang có đại chúng Đại Bồ Tát vây quanh cung kính,
ngợi khen xưng tán công đức vô lượng của Thế Tôn. Đức Phật ấy nói rằng:
Thế giới Ta-bà có đức Phật Thích-ca Mâu-ni hiện nay đang vì đại chúng
chuyển bánh xe chánh pháp. Đức Phật Thế Tôn ấy khi còn là Bồ Tát đã
khuyên dạy, giáo hóa ta lần đầu tiên phát tâm Bồ-đề. Do nhân duyên ấy mà
ta được phát tâm đạo Vô thượng. Ta phát tâm rồi, đức Phật ấy lại khuyên
dạy ta tu tập sáu pháp ba-la-mật... ’
“Các vị Bồ Tát này lặp lại hết thảy những lời đức Phật Vô Cấu Công Đức
Quang Minh Vương đã nói, cho đến ngợi khen đức Phật Thích-ca Mâu-ni có
bốn pháp mà tất cả các vị Phật Thế Tôn khác đều không sánh bằng. Rồi các
vị nói tiếp: ‘Vì thế, đức Phật Vô Cấu Công Đức Quang Minh Vương trao hoa
quý thanh tịnh nguyệt quang minh vô cấu này cho chúng con mang đến cúng
dường Thế Tôn, dâng lời thăm hỏi rằng Như Lai đi đứng có được nhẹ nhàng,
khí lực có được an ổn hay chăng?’
“Thiện nam tử! Khi ấy, tòa sư tử của đức Phật A-súc đang ngồi ở thế giới
Diệu Lạc về phương đông cũng chấn động theo sáu cách, lại cũng có vô
lượng các vị Đại Bồ Tát thấy việc như vậy liền thưa hỏi Phật: ‘Bạch Thế
Tôn! Do nhân duyên gì mà tòa sư tử của Như Lai đang ngồi lại chấn động
theo sáu cách như vậy...’ Đức Phật A-súc cũng trả lời như Phật Vô Cấu
Công Đức Quang Minh Vương. Cho đến ở tất cả các thế giới khác về phương
đông cũng đều như vậy.
“Bấy giờ, từ phương đông có vô lượng vô biên a-tăng-kỳ vị Đại Bồ Tát
thảy đều hiện đến thế giới Ta-bà này, tất cả đều mang theo hoa quý thanh
tịnh nguyệt quang minh vô cấu đến gặp Phật Thích-ca, cúng dường tôn
trọng, cung kính ngợi khen xưng tán.
“Thiện nam tử! Như vậy, vô số chư Phật ở phương đông đều sai khiến các
Bồ Tát đến đây ngợi khen xưng tán ta.
“Thiện nam tử! Nay ta lại nhìn thấy về phương nam, cách thế giới này số
cõi Phật nhiều như số cát của một con sông Hằng, có một thế giới tên là
Ly Chư Ưu, ở đó có Phật hiệu là Vô Ưu Công Đức Như Lai hiện nay đang
thuyết pháp. Lại có thế giới tên là Diêm-phù Quang Minh, ở đó có Phật
hiệu là Pháp Tự Tại Sư Tử Du Hý Như Lai. Lại có thế giới tên là
An-tu-di, ở đó có Phật hiệu là Đạo Tự Tại Sa La Vương Như Lai. Lại có
thế giới tên là Công Đức Lâu Vương, ở đó có Phật hiệu là Sư Tử Hống
Vương Như Lai. Lại có thế giới tên là Trân Bảo Trang Nghiêm, ở đó có
Phật hiệu là Bát Tý Thắng Lôi Như Lai. Lại có thế giới tên là Chân Châu
Quang Minh Biến Chiếu, ở đó có Phật hiệu là Trân Bảo Tạng Công Đức Hống
Như Lai. Lại có thế giới tên là Thiên Nguyệt, ở đó có Phật hiệu là Hỏa
Tạng Như Lai. Lại có thế giới tên là Chiên-đàn-căn, ở đó có Phật hiệu là
Tinh Tú Xưng Như Lai. Lại có thế giới tên là Xưng Hương, ở đó có Phật
hiệu là Công Đức Lực Sa La Vương Như Lai. Lại có thế giới tên là Thiện
Thích, ở đó có Phật hiệu là Diệu Âm Tự Tại Như Lai. Lại có thế giới tên
là Đầu-lan-nhã, ở đó có Phật hiệu là Sa-la Thắng Tỳ-bà Vương Như Lai.
Lại có thế giới tên là Nguyệt Tự Tại, ở đó có Phật hiệu là Quang Minh Tự
Tại Như Lai. Lại có thế giới tên là Thiện Lôi Âm, ở đó có Phật hiệu là
Diệu Âm Tự Tại Như Lai. Lại có thế giới tên là Bảo Hòa Hợp, ở đó có Phật
hiệu là Bảo Chưởng Long Vương Như Lai. Lại có thế giới tên là Thùy Bảo
Thọ, ở đó có Phật hiệu là Lôi Âm Tự Tại Pháp Nguyệt Quang Minh Như Lai.
“Vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chư Phật như vậy hiện đang thuyết pháp ở
phương nam, tất cả đều là do ta khi còn làm Bồ Tát đã khuyên dạy cho lần
đầu tiên phát tâm Bồ-đề. Tòa sư tử của các đức Thế Tôn ấy đang ngồi cũng
đều chấn động. Rồi các đức Phật ấy thảy đều ngợi khen xưng tán công đức
của ta, lại cũng sai khiến vô lượng vô biên a-tăng-kỳ vị Đại Bồ Tát mang
theo hoa quý thanh tịnh nguyệt quang minh vô cấu đến thế giới Ta-bà này,
tại núi Kỳ-xà-quật, lễ bái cúng dường tôn trọng, cung kính ngợi khen
xưng tán. Sau đó tất cả đều phân theo thứ tự ngồi sang một bên, lắng
nghe thuyết pháp.
“Thiện nam tử! Nay ta lại nhìn thấy về phương tây cách đây bảy vạn bảy
ngàn trăm ngàn cõi Phật, có một thế giới tên là Tịch Tĩnh, ở đó có Phật
hiệu là Bảo Sơn hiện đang vì Bốn chúng thuyết giảng giáo pháp vi diệu.
“Lại có đức Phật Thắng Quang Vô Ưu, Phật Âm Trí Tạng, Phật Xưng Quảng,
Phật Biến Tạng, Phật Phạm Hoa, Phật Thế Tấn, Phật Pháp Đăng Dũng, Phật
Thắng Âm Sơn, Phật Xưng Âm Vương, Phật Phạm Âm Vương... Vô lượng vô biên
a-tăng-kỳ các đức Phật Thế Tôn như vậy ở phương tây, cũng đều là do ta
khi còn là Bồ Tát đã khuyên dạy cho lần đầu tiên phát tâm Bồ-đề. Tòa sư
tử của các đức Thế Tôn ấy đang ngồi cũng đều chấn động. Rồi các đức Phật
ấy thảy đều ngợi khen xưng tán công đức của ta, lại cũng sai khiến vô
lượng vô biên a-tăng-kỳ vị Đại Bồ Tát mang theo hoa quý thanh tịnh
nguyệt quang minh vô cấu đến thế giới Ta-bà này, tại núi Kỳ-xà-quật, gặp
Phật rồi lễ bái cúng dường tôn trọng, cung kính ngợi khen xưng tán. Sau
đó tất cả đều phân theo thứ tự ngồi sang một bên, lắng nghe thuyết pháp.
“Về phương bắc cách đây trăm ngàn na-do-tha cõi Phật, có thế giới kia
tên là Vô Cấu, ở đó có Phật hiệu là Ly Nhiệt Não Tăng Tỳ-sa-môn Sa-la
vương Như Lai. Có hai vị Bồ Tát, một tên là Bảo Sơn, một tên là Quang
Minh Quán.
“Lại có đức Phật Hoại Chư Ma, Phật Sa-la Vương, Phật Đại Lực Quang Minh,
Phật Liên Hoa Tăng, Phật Chiên-đàn, Phật Di-lâu Vương, Phật Kiên Trầm
Thủy, Phật Hỏa Trí Đại Lực... Vô lượng các đức Phật Như Lai như vậy ở
phương bắc.
“Cho đến về các phương tây bắc, tây nam, đông bắc, đông nam, phương trên
và phương dưới cũng đều như vậy.”
Lúc bấy giờ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni vì muốn dung chứa được hết thảy
đại chúng đông đảo như vậy nên dùng sức đại thần thông làm cho thân thể
của tất cả những người đến dự pháp hội đều nhỏ lại chỉ bằng như hạt đình
lịch. Dù vậy, khắp thế giới Ta-bà khi ấy từ mặt đất lên đến hư không
cũng vẫn đông đảo chật kín, không còn lấy một khoảng trống dù chỉ bằng
sợi lông.
Lúc ấy, tất cả chúng sinh đều không thể nhìn thấy được nhau, cũng không
thể nhìn thấy các núi lớn, núi nhỏ, núi chúa Tu-di, cùng hai núi Thiết
vi lớn, nhỏ và khoảng tối tăm u ám ở giữa; phía trên không thấy được
cung điện của chư thiên, phía dưới không thấy được chỗ thấp nhất của thế
giới. Chỉ riêng đức Phật Thế Tôn là vẫn nhìn thấy được tất cả.
Bấy giờ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni lại nhập Tam-muội Biến hư không đoạn
trừ chư pháp định ý, khiến cho vô số hoa quý thanh tịnh nguyệt quang đều
chui cả vào các lỗ chân lông trên thân Phật. Hết thảy đại chúng đều tự
mình chứng kiến việc ấy.
Khi ấy, hết thảy chúng sinh đều không nghĩ đó là hình tướng sắc thân
Phật, chỉ nhìn thấy trong những lỗ chân lông ấy có cảnh vườn cây xinh
đẹp. Trong cảnh vườn cây ấy có nhiều cây báu. Những cây ấy đều có đủ mọi
thứ cành lá, hoa quả sum suê. Trên cây còn có đủ các loại áo quý, cờ
phướn, lọng báu cõi trời, chân châu, anh lạc trang nghiêm tốt đẹp, giống
như ở thế giới An Lạc phương tây. Đại chúng nơi đây thảy đều nhìn thấy
như vậy, liền tự nghĩ rằng: “Nay chúng ta sẽ đến dạo chơi trong cảnh
vườn kia.”
Lúc bấy giờ, chỉ trừ những chúng sinh trong Ba đường ác và ở cõi trời Vô
sắc, còn ngoài ra hết thảy đại chúng đều theo các lỗ chân lông mà đi vào
bên trong thân Như Lai, đến ngồi trong những cảnh vườn cây xinh đẹp kia.
Khi ấy, đức Phật Thích-ca xả bỏ phép thần túc, tức thời hết thảy đại
chúng đều nhìn thấy nhau như cũ. Họ thắc mắc hỏi nhau: “Không biết hiện
nay đức Như Lai đang ở đâu?”
Lúc đó, Bồ Tát Di-lặc liền bảo đại chúng rằng: “Các ông nên biết, hiện
nay tất cả chúng ta đều đang ở bên trong thân của Như Lai.”
Khi ấy, đại chúng liền nhìn thấy khắp cả bên trong và bên ngoài sắc thân
của Như Lai, liền tự biết được rằng vô lượng đại chúng tập hợp nơi đây
đều đang ở bên trong sắc thân của Như Lai. Họ lại hỏi nhau rằng: “Chúng
ta đã theo đường nào mà vào được bên trong thân Như Lai? Ai đã dẫn dắt
chúng ta vào trong này?”
Bồ Tát Di-lặc lại nói với đại chúng: “Các ông hãy lắng nghe! Hiện nay
đức Như Lai hiện sức biến hóa đại thần thông, lại vì muốn làm lợi ích
cho tất cả đại chúng nên sắp sửa thuyết giảng pháp mầu. Nay các ông phải
hết lòng chú ý lắng nghe.”
Bấy giờ, tất cả đại chúng nghe nói như vậy liền quỳ xuống, chắp tay cung
kính lắng nghe lời dạy.
Khi ấy, đức Thế Tôn liền dùng pháp môn Nhất thiết hạnh để giảng thuyết
pháp mầu.
Đức Phật bảo đại chúng: “Thế nào gọi là pháp môn Nhất thiết hạnh? Đó là:
ra khỏi bùn lầy sinh tử, thể nhập Tám thánh đạo, thành tựu đầy đủ, đạt
được trí hiểu biết tất cả.
“Thiện nam tử! Có mười pháp chuyên tâm phát khởi Bồ-đề có thể vào được
pháp môn này. Những gì là mười?
“Pháp thứ nhất là vì muốn cho tất cả chúng sinh đều được giải thoát nên
tùy hỷ hồi hướng.
“Pháp thứ hai là vì phát khởi lòng đại bi nên thâu nhiếp hết thảy chúng
sinh.
“Pháp thứ ba là vì muốn cứu vớt những chúng sinh chưa được cứu vớt nên
tinh cần tu tập, sửa sang con thuyền pháp Vô thượng.
“Pháp thứ tư là vì muốn thấu hiểu những điều chưa hiểu nên tu tập trang
nghiêm, quán xét xa lìa sự điên đảo hư vọng.
“Pháp thứ năm là vì muốn giảng rộng chánh pháp như tiếng sư tử rống nên
tu tập trang nghiêm không còn chỗ sợ sệt, quán xét tánh thật của các
pháp không có bản ngã.
“Pháp thứ sáu là vì muốn tùy thuận tất cả các thế giới mà mình đến nên
trong tâm không có sự phân biệt, khéo học biết hết thảy các pháp đều là
không, thân người là vô thường không bền chắc, như Phật có dạy
Mười thí dụ.
“Pháp thứ bảy là vì muốn được thế giới có hào quang trang nghiêm nên tu
tập giữ theo giới luật, khiến thân tâm được thanh tịnh.
“Pháp thứ tám là vì muốn trang nghiêm thành tựu Mười sức của Như Lai nên
tu tập đầy đủ hết thảy các pháp ba-la-mật.
“Pháp thứ chín là vì muốn trang nghiêm thành tựu Bốn pháp không sợ sệt
nên theo đúng lời thuyết dạy mà thực hành.
“Pháp thứ mười là vì muốn trang nghiêm Mười tám pháp chẳng chung cùng
nên tùy chỗ được nghe thuyết pháp thảy đều không thấy dư thừa, không
sinh lòng buông thả, biếng nhác.
“Như vậy gọi là mười pháp chuyên tâm phát khởi đạo Bồ-đề Vô thượng, có
thể vào được pháp môn Nhất thiết hạnh này, liền đạt được địa vị không
còn thối chuyển đối với đạo Bồ-đề Vô thượng, đạt được hạnh Vô tướng, đạt
được hạnh Trí đạo, thấy được tất cả các pháp đều là vô ngã, trong tâm
không còn suy nghĩ, không sinh không diệt. Như vậy gọi là địa vị không
còn thối chuyển của hàng Bồ Tát. Do đây mà không có thối chuyển, cũng
chẳng phải không thối chuyển; không phải dứt mất, cũng chẳng phải thường
còn; không phải an định, cũng chẳng phải rối loạn.”
Khi Phật thuyết giảng pháp này, bên trong sắc thân Như Lai có số Đại Bồ
Tát nhiều như số cát của tám mươi ức con sông Hằng đều được địa vị không
còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lại có vô
số Đại Bồ Tát không thể tính đếm hết, đều được các tam-muội, pháp nhẫn
rất thâm sâu, hết thảy đều theo các lỗ chân lông trên thân Như Lai mà đi
ra, trong lòng hết sức kinh ngạc, khen là việc chưa từng có, liền đối
trước Phật cúi đầu sát đất mà lễ kính. Sau khi lễ xong đứng dậy, hốt
nhiên mỗi vị đều trở về cõi Phật của mình, nhưng vẫn nghe được tiếng
thuyết pháp của đức Phật Thích-ca Mâu-ni vượt qua vô lượng vô biên
a-tăng-kỳ cõi Phật trong mười phương, không có chướng ngại.
Các vị Bồ Tát ấy tuy trở về nơi thế giới của mình nhưng vẫn tiếp tục
được nghe tiếng của Như Lai thuyết pháp, vẫn đầy đủ ý nghĩa từng câu
từng chữ không hề thiếu sót, cũng không khác gì như đang được ở gần ngay
trước đức Phật. Thân Như Lai lại cũng biến hiện như vậy, đầy khắp vô số
thế giới trong mười phương. Có vô lượng vô biên a-tăng-kỳ Bồ Tát, Thanh
văn ở các thế giới ấy vẫn nhìn thấy một lỗ chân lông của Như Lai mà ra
vào không chi trở ngại. Rồi lỗ chân lông thứ hai, cho đến hết thảy vô số
lỗ chân lông của Như Lai cũng đều có thể ra vào không trở ngại.
Ở các thế giới khác trong khắp mười phương cũng đều như vậy.
Bấy giờ, đại chúng từ trong các lỗ chân lông của Phật Thích-ca Như Lai
đi ra, cúi đầu sát đất lễ Phật, đi quanh ba vòng cung kính rồi đứng
trước Phật, dùng đủ mọi lời hay ý đẹp để ngợi ca xưng tán Phật.
Khi ấy, chư thiên ở hai cõi Dục giới và Sắc giới liền mưa xuống đủ mọi
loại hoa, hương phết, hương bột, cờ phướn, chuỗi ngọc, cùng trỗi lên các
loại âm nhạc vi diệu để cúng dường đức Như Lai.
Bấy giờ, trong hội có một vị Bồ Tát tên là Vô Uý Đẳng Địa, quỳ xuống
chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Kinh điển lớn lao như thế này
nên gọi tên là gì? Nên cung kính gìn giữ như thế nào?”
Phật bảo Bồ Tát Vô Uý Đẳng Địa: “Kinh này gọi là Pháp môn Đà-la-ni Giải
liễu nhất thiết, cũng gọi là Vô Lượng Phật, cũng gọi là Đại chúng, cũng
gọi là Thọ Bồ Tát ký, cũng gọi là Tứ vô sở uý xuất hiện ư thế, cũng gọi
là Nhất thiết chư tam-muội môn, cũng gọi là Thị hiện chư Phật thế giới,
cũng gọi là Do như đại hải, cũng gọi là Vô lượng, cũng gọi là Đại bi
liên hoa.”
Đại Bồ Tát Vô Uý Đẳng Địa lại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nếu có kẻ
nam, người nữ phát lòng lành, thọ trì kinh này, tụng đọc thông suốt, vì
người khác giảng nói, dù chỉ là một bài kệ, sẽ được phước đức như thế
nào?”
Phật bảo Bồ Tát Vô Uý Đẳng Địa: “Ta trước đã có giảng nói chỗ được phước
đức của người trì kinh này, nay sẽ vì ông mà nói lại sơ lược mọi điều.
“Nếu có những kẻ nam, người nữ phát lòng lành thọ trì kinh này, tụng đọc
thông suốt, vì người khác giảng nói, dù chỉ là một bài kệ, hoặc trong
khoảng năm mươi năm cuối của thời mạt thế mà có thể sao chép một bài kệ
trong kinh này, chỗ công đức đạt được còn hơn cả các vị Bồ Tát thực hành
sáu pháp ba-la-mật trong mười đại kiếp.
“Vì sao vậy? Các hàng Thiên ma, Phạm, sa-môn, bà-la-môn, dạ-xoa, la-sát,
loài rồng, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già,
câu-biện-đồ, ngạ quỷ, tỳ-xá-già, người và phi nhân, nếu có tâm sân hận,
khi nghe kinh này liền được thanh tịnh, hòa dịu, hoan hỷ, lại cũng được
lìa khỏi các bệnh khổ, sự nóng giận, giặc thù, cho đến các sự đấu tranh
giành giật, diệt trừ hết thảy mưa độc gió dữ.
“Kinh này cũng giúp cho người bệnh được khỏi, người đói khát được no đủ,
hưởng mọi khoái lạc, hòa hợp thuận thảo với nhau. Đối với người nhiều
sân hận có thể làm cho trở nên nhẫn nhục; đối với người sợ sệt có thể
làm cho không còn lo sợ, hưởng mọi niềm vui. Đối với người nhiều phiền
não có thể kiến cho lìa xa phiền não.
“Kinh này lại có thể khiến cho các căn lành thảy đều tăng trưởng; có thể
cứu vớt chúng sinh trong ba đường ác; có thể chỉ ra con đường Ba thừa
thoát ra Ba cõi; có thể đạt đến pháp nhẫn rất thâm sâu, cùng các môn
đà-la-ni, tam-muội; có thể giúp chúng sinh làm nên sự lợi ích lớn lao,
có thể ngồi lên tòa kim cang nơi đạo tràng; có thể trừ phá bốn ma; có
thể chỉ bày hết thảy các pháp hỗ trợ Bồ-đề; có thể chuyển bánh xe chánh
pháp; đối với những ai không có các tài bảo của bậc thánh có thể làm cho
được đầy đủ tất cả; có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh được
trụ yên trong chỗ không còn sợ sệt.
“Do những nhân duyên ấy, nếu có thể gìn giữ kinh này, tụng đọc thông
suốt, vì người khác giảng nói, dù chỉ là một bài kệ, hoặc nếu trong
khoảng năm mươi năm cuối của thời mạt thế mà có thể sao chép chỉ một bài
kệ trong kinh này, đều được đầy đủ vô lượng vô biên phước đức như vậy.
Vì thế nên hôm nay ta mới thuyết dạy kinh này.
“Kinh điển lớn lao như thế này, nay sẽ giao phó lại cho ai? Ai có thể
trong khoảng năm mươi năm cuối của thời mạt thế sẽ bảo vệ, gìn giữ pháp
môn này? Ai có thể vì các vị Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển ở khắp mọi
nơi mà tuyên thuyết kinh này, khiến cho đều được nghe thấy? Ai có thể vì
những chúng sinh có nhiều tham dục, ác độc, tà kiến, không tin nhân quả
mà giảng giải cho họ nghe giáo pháp này?”
Bấy giờ, tất cả đại chúng đều hiểu được ý Phật. Có một vị Đại tiên
Dạ-xoa tên là Vô Oán Phí Túc đang ngồi trong chúng hội. Khi ấy, Đại Bồ
Tát Di-lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng với vị Đại tiên Dạ-xoa này
tiến đến chỗ Phật.
Lúc đó, Như Lai bảo vị Đại tiên Dạ-xoa rằng: “Hôm nay ông nên thọ nhận
kinh này, rồi đến trong khoảng năm mươi năm cuối cùng của thời mạt pháp
sẽ vì các vị Bồ Tát ở địa vị không còn thối chuyển, cho đến vì những kẻ
không tin nhân quả mà giảng giải giáo pháp này.”
Khi ấy, vị Đại tiên Dạ-xoa liền bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Trong suốt tám
mươi bốn đại kiếp quá khứ, con đã vì bản nguyện mà làm vị Đại tiên
Dạ-xoa, tu hành đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi ấy con đã giáo
hóa vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh, khiến cho trụ yên trong Bốn
tâm vô lượng, lại khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh đạt được địa vị
không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Bạch Thế Tôn! Nay con sẽ vì hết thảy chúng sinh trong đời vị lai mà làm
việc ủng hộ, trong khoảng năm mươi năm cuối cùng của thời mạt pháp sẽ
thọ trì kinh này, cho đến nếu chỉ được nghe một bài kệ bốn câu trong
kinh này từ nơi người khác, con cũng sẽ tụng đọc cho thật thông suốt,
truyền bá rộng rãi cho mọi người, không để dứt mất.”
Khi Phật thuyết giảng xong kinh này, Bồ Tát Tịch Ý cùng với chư thiên,
đại chúng, càn-thát-bà... người và phi nhân, thảy đều hết sức hoan hỷ,
cúi đầu sát đất lễ Phật rồi rời khỏi chỗ ngồi mà lui về.
KINH BI HOA
HẾT QUYỂN X