Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận »» Quyển Bốn »»

Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận
»» Quyển Bốn

Donate

(Lượt xem: 4.872)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận - Quyển Bốn

Font chữ:

Phẩm Mười Một
MINH TÍN
Giải thích:
Đã nói sự tùy thuận Vô thượng bồ-đề. Bồ-đề, chỗ gọi là đức tin. Nay tôi xin nói về sắc thái của đức tin ấy.
[0608b13] Kệ tụng:
Đã sanh và chưa sanh
Chánh thọ và tự thọ
Tha lực và tự lực
Có mê và không mê
Hiện tiền, không hiện tiền
Nghe pháp và cầu nghĩa
Quán sát, thảy mười ba
Phân biệt sắc thái tín.
Giải thích:
Sắc thái sai biệt của đức tin có mười ba thứ:
1. Đức tin đã phát sanh: là đức tin đã phát sanh trong quá khứ hay hiện tại;
2. Đức tin chưa phát sanh: là đức tin chưa phát sanh ở tương lai;
3. Đức tin chánh thọ: là đức tin bên trong;
4. Đức tin tự thọ: là đức tin bên ngoài;
5. Đức tin vào tha lực: là đức tin thô sơ, phát sanh nhờ sức của thiện hữu;
6. Đức tin vào tự lực: là đức tin tinh tế, phát sanh nhờ sức của bản thân;
7. Đức tin có mê lầm: là tin vào điều ác xấu, do tâm điên đảo;
8. Đức tin không có mê lầm: là tin vào điều thiện lành, do tâm không điên đảo;
9. Đức tin hiện tiền: là đức tin vào những gì ở gần, vì không có chướng ngại;
10. Đức tin không hiện tiền: là đức tin vào những gì ở xa, vì có chướng ngại;
11. Đức tin nghe pháp: là đức tin từ sự lắng nghe, do nghe pháp mà có được;
12. Đức tin cầu nghĩa: là đức tin từ sự tư duy, do tư duy nghĩa lý mà có được;
13. Đức tin quán sát: là đức tin từ sự tu tập, do tu tập quán chiếu mà có được.
Đã nói các sắc thái sai biệt của đức tin, kế nói chủng loại sai biệt của đức tin.
[0608b28] Kệ tụng:
Khả đoạt, gián, vô gián
Có nhiều và có ít
Có che, không che giấu
Tương ưng, không tương ưng
Có tích tụ, không tụ
Cực nhập và viễn nhập
Mười ba nghĩa như vậy
Phân biệt chủng loại tín.
Giải thích:
Chủng loại sai biệt của đức tin cũng có mười ba thứ:
1. Đức tin có thể chiếm đoạt: là đức tin hạ phẩm;
2. Đức tin có gián đoạn: là đức tin trung phẩm;
3. Đức tin không có gián đoạn: là đức tin thượng phẩm;
4. Đức tin số nhiều: là đức tin Đại thừa;
5. Đức tin số ít: là đức tin tiểu thừa;
6. Đức tin có che giấu: là đức tin có chướng ngại, do không thể vượt lên;
7. Đức tin không che giấu: là đức tin không chướng ngại, do có thể vượt lên;
8. Đức tin tương ưng: là đức tin của sự tu tập thuần thục, do hạnh tu thường xuyên và hạnh tu cung kính;
9. Đức tin không tương ưng: là đức tin của sự tu tập chưa thuần thục, do rời xa hạnh tu thường xuyên và hạnh tu cung kính;
10. Đức tin có dồn chứa: là đức tin có kết quả, do có khả năng đắc đại bồ-đề;
11. Đức tin không có dồn chứa: là đức tin không có kết quả, do không có khả năng đắc đại bồ-đề;
12. Đức tin đi vào cực hỷ: là đức tin của hữu công dụng hành, tức từ địa đầu tiên đến địa thứ bảy;
13. Đức tin đi vào viễn hành: là đức tin của tuệ giác cực kỳ trong sạch, tức từ địa thứ tám đến địa vị Phật.
Đã nói chủng loại của đức tin, kế nói chướng ngại của đức tin.
[0608c15] Kệ tụng:
Quên nhiều và biếng nhác
Hành mê và bạn ác
Thiện yếu, nghĩ sai lầm
Phóng dật và nghe ít
Ưa nghe, ưa tư duy
Nhân định tăng thượng mạn
Nên biết lỗi như vậy
Chướng ngại nơi đức tin.
Giải thích:
Chướng ngại có nghĩa là trái ngược. Quên nhiều, là chướng ngại cho đức tin đã phát sanh. Biếng nhác, là chướng ngại cho đức tin chưa phát sanh. Tu hành mê lầm, là chướng ngại cho đức tin chánh thọ và tự thọ, vì trước [và trong] khi tu tập chấp trước sở thọ và năng thọ. Bạn ác, là chướng ngại đức tin vào tha lực, vì dùng pháp điên đảo khiến người tiếp nhận. Điều thiện yếu ớt, là chướng ngại đức tin vào tự lực. Nghĩ tưởng sai lầm, là chướng ngại cho đức tin không có mê lầm. Phóng dật, là chướng ngại cho đức tin hiện tiền. Nghe ít, là chướng ngại cho đức tin nghe pháp, vì không lắng nghe giáo pháp liễu nghĩa. Thỏa thích nghe pháp, là chướng ngại cho đức tin cầu nghĩa, vì thiếu sự tư duy. Thỏa thích tư duy và tự mãn tu định là những chướng ngại cho đức tin quán sát, vì tư duy mà thiếu sự tu tập và vì tu định mà không có sự quán sát tinh tế.
Hỏi: Chướng nạn nào ngăn trở chủng loại của đức tin?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0608c28] Kệ tụng:
Không tu tập, không chán,
Có chán, có che giấu
Không tương ưng, không tụ
Nên biết chướng tín chủng.
Giải thích:
Không tu tập, là chướng ngại cho đức tin có thể chiếm đoạt và đức tin lắng nghe.
Không chán, là chướng ngại cho đức tin Tiểu thừa, vì không chán sự sanh tử.
Có chán, là chướng ngại cho đức tin Đại thừa, vì chán sự sanh tử.
Có che giấu, là chướng ngại cho đức tin không che giấu.
Không tương ưng, là chướng ngại cho đức tin tương ưng.
Không dồn chứa, là chướng ngại cho đức tin có dồn chứa.
Đã hiển thị chướng nạn của đức tin, kế ca ngợi công đức của đức tin.
[0608a06] Kệ tụng:
Tín có phước đức lớn
Không hối, hỷ lạc lớn
Không hủy hoại, kiên cố
Tiến địa vị, đắc pháp
Lợi mình và lợi người
Dẫn ra các thần thông
Đem các công đức này
Ca ngợi lợi ích tín.
Giải thích:
Phước đức lớn, là ca ngợi đức tin hiện tại. Không hối tiếc, là ca ngợi đức tin quá khứ, vì hiện tại không thay đổi việc đời trước. Hỷ lạc lớn, là ca ngợi đức tin chánh thọ và đức tin tự thọ, vì tương ưng với thiền định. Không hủy hoại, là ca ngợi đức tin vào tha lực, vì chánh đạo không bị hủy hoại. Kiên cố, là ca ngợi đức tin vào tự lực, vì không thoái lui, không từ bỏ. Thăng tiến địa vị, là ca ngợi đức tin không có mê lầm, đức tin hiện tiền, đức tin nghe pháp, đức tin cầu nghĩa và đức tin quán sát. Đắc pháp, là ca ngợi đức tin không có gián đoạn. Lợi mình, là ca ngợi đức tin số ít [hay Tiểu thừa]. Lợi người, là đức tin số nhiều [hay Đại thừa]. Dẫn ra các thần thông, là ca ngợi đức tin của các tự phần, đó là đức tin không che giấu, đức tin tương ưng, đức tin có dồn chứa, đức tin đi vào cực hỷ và đức tin đi vào viễn hành.
[0609a18] Kệ tụng:
Chó, rùa, làm thuê, vua
Thí dụ cho bốn tín
Tập dục, tập các định
Lợi mình, lợi tha nhân.
Giải thích:
Thí như con chó đói đi tìm cầu thức ăn không biết chán, đức tin của những người tập nhiễm năm thứ dục lạc cũng giống vậy, trong mọi thời gian họ có đủ thứ niềm tin.
Thí như con rùa mù ở trong nước rút sáu chi vào trong mai, đức tin của những người tu tập các định ngoại đạo cũng giống vậy, họ chỉ biết tu tập các thiền định thế gian.
Thí như người làm thuê sợ người chủ, đức tin của những người siêng năng làm việc lợi mình cũng giống như vậy, họ sợ sanh tử mà siêng năng tu các phương tiện.
Thí như một đại vương tự tại ban ra chiếu sắc, đức tin của những người làm việc lợi người cũng giống vậy, họ gia tăng sự giáo hóa không có ngừng nghỉ.
Người tu Bồ tát đạo phải hiểu biết các loại đức tin và phân biệt rộng ra cho người khác cùng hiểu, làm như vậy là khuyến khích các chúng sanh phát sanh đức tin Đại thừa.
Đã ca ngợi công đức của đức tin, kế nói sự ngăn ngừa tâm ý thấp kém.
[0609a29] Kệ tụng:
Thân người và phương xứ
Thời gian, đều vô hạn
Ba nhân đắc bồ-đề
Chớ khởi tâm hạ liệt.
Giải thích:
Thân người và phương xứ, thời gian đều vô hạn: Đắc Vô thượng bồ-đề có ba nhân tố vô hạn:
1. Thân người vô hạn: Do chúng sanh trong nhân đạo thì vô hạn;
2. Phương xứ vô hạn: Do thế giới trong mười phương thì vô hạn;
3. Thời gian vô hạn: Do từng sát-na tiếp nối cùng tận vị lai biên tế thì vô hạn.
Ba nhân đắc bồ-đề, chớ khởi tâm hạ liệt: Do ba nhân tố này vô hạn cho nên Bồ tát đối với Vô thượng bồ-đề không nên khởi tâm ý thấp kém, thoái lui, khuất phục.
Đã nói sự ngăn ngừa tâm ý thấp kém, kế hiển thị sự thù thắng của phước đức.
[0609b09] Kệ tụng:
Được phước do bố thí
Chẳng do tự thọ dụng
Dựa người nói Đại thừa
Không dựa mình nghĩa pháp.
Giải thích:
Được phước do bố thí, chẳng do tự thọ dụng: Thí như việc đem thức ăn bố thí cho người thì được phước lớn vì làm việc lợi người; chẳng phải tự thọ dụng mà được phước lớn vì chỉ làm lợi cho mình.
Hỏi: Bồ tát làm gì để được phước?
Đáp: Dựa người nói Đại thừa, không dựa mình nghĩa pháp.
Chư Bồ tát như vậy dựa vào sự lợi người mà nói kinh Đại thừa để được phước đức lớn; chẳng dựa vào sự lợi mình mà nói kinh Tiểu thừa để được phước đức lớn.
Đã nói sự thù thắng của phước đức, kế nói sự đắc quả.
[0609b18] Kệ tụng:
Đại pháp khởi đại tín
Quả đại tín có ba
Tín tăng, phước đức tăng
Được thể công đức Phật.
Giải thích:
Đại pháp khởi đại tín, quả đại tín có ba: Người có trí đối với thánh pháp Đại thừa sanh khởi đức tin Đại thừa. Do đức tin Đại thừa này mà có được ba loại quả.
Hỏi: Các quả đó là gì?
Đáp: Tín tăng, phước đức tăng, được thể công đức Phật.
Ở đây nói rõ, một là được quả đại tín, vì đức tin tăng trưởng; hai là được quả đại phước, vì phước đức tăng trưởng; ba là được quả đại bồ-đề, vì được công đức vô đẳng và thể Phật vĩ đại.
Phẩm Minh Tín trọn vẹn
Phẩm Mười Hai
THUẬT CẦU (Phần 1)
Giải thích:
Như vậy đã nói chủng loại đức tin, kế nói đem đức tin để cầu các pháp.
[0609b28] Kệ tụng:
Nhiếp ba tạng hoặc hai
Thành ba, có chín nhân
Nhờ huân, giác, tịch, thông
Giải thoát sự sanh tử.
Giải thích:
Nhiếp ba tạng hoặc hai: Ba tạng, là tu-đa-la tạng, tỳ-ni tạng và A-tỳ-đàm tạng. Hoặc hai, là trong ba tạng chia ra hai thừa thấp cao sai biệt, chỗ gọi là Thanh văn tạng và Bồ tát tạng.
Hỏi: Ba tạng và hai thừa ấy, vì sao gọi là tạng?
Đáp: Vì nhiếp thủ, tức nhiếp thủ tất cả nghĩa của các pháp sở tri.
Hỏi: Vì sao thành ba?
Đáp: Thành ba, có chín nhân.
1. Thiết lập tu-đa-la là để đối trị nghi hoặc, thí dụ như có người khởi lên hoài nghi mọi chỗ về nghĩa của các pháp, thì tu-đa-la làm cho người ấy có sự xác định [sự hiểu biết của họ] về các pháp.
2. Thiết lập tỳ-ni là để đối trị sự thọ dụng hai bên: lìa bên này là chạy theo dục lạc mà thọ dụng quá đáng cái có, và lìa bên kia là ép xác khổ hạnh mà thọ dụng quá đáng cái không.
3. Thiết lập A-tỳ-đàm là để đối trị những kiến thủ nơi tự tâm; A-tỳ-đàm có thể chỉ ra những quan điểm không điên đảo về pháp tướng.
4. Lại nữa, thiết lập tu-đa-la là để thuyết minh về ba học.
5. Thiết lập tỳ-ni là để thành tựu giới học và tâm học, nghĩa là do trì giới mà được tâm không hối hận, do được tâm không hối hận mà theo thứ lớp có được định.
6. Thiết lập A-tỳ-đàm là để thành tựu tuệ học, nghĩa là trí tuệ có khả năng quyết trạch nghĩa không đảo ngược.
7. Lại nữa, thiết lập tu-đa-la là để giảng thuyết chính xác về pháp và nghĩa.
8. Thiết lập tỳ-ni là để thành tựu pháp và nghĩa, qua sự tinh cần [tu tập] phương tiện để diệt trừ phiền não.
9. Thiết lập A-tỳ-đàm là để thông đạt pháp và nghĩa, qua việc sử dụng A-tỳ-đàm như phương tiện để giản trạch các pháp.
Do chín nhân tố trên đây mà thiết lập ba tạng.
Hỏi: Trên đây là nói về cái dụng riêng [của ba tạng], còn cái dụng chung thì thế nào?
Đáp: Do huân, giác, tịch, thông, giải thoát sự sanh tử. Ở đây nói rõ sự giải thoát sanh tử là cái dụng chung của ba tạng. Nhờ nghe pháp mà có sự huân tập nơi tâm, nhờ tư duy pháp mà có sự giác ngộ, nhờ tu chỉ mà có sự tịch tĩnh, nhờ chứng quán mà có sự thông đạt. Do có được bốn nghĩa huân, giác, tịch và thông mà vĩnh viễn giải thoát mọi sự trong sanh tử.
[0609c22] Kệ tụng:
Kinh, luật, A-tỳ-đàm
Mỗi thứ có bốn nghĩa
Tinh thông thành chủng trí
Một kệ được lậu tận.
Giải thích:
Lược nói mỗi tạng trong ba tạng đều có bốn nghĩa. Nếu hàng Bồ tát có khả năng hiểu rõ nghĩa lý của ba tạng thì thành tựu được nhất thiết chủng trí. Nếu hàng Thanh văn có khả năng hiểu rõ một bài kệ thì các lậu hoặc vĩnh viễn đoạn trừ.
Hỏi: Thế nào là mỗi tạng đều có bốn nghĩa?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0609c27] Kệ tụng:
Do y và do tướng
Do pháp và do nghĩa
Như vậy bốn loại nghĩa
Nói đó nghĩa Tu đa.
Giải thích:
Tu-đa-la có bốn nghĩa: 1. Y; 2. Tướng; 3. Pháp; 4. Nghĩa.
Y là xứ, nhân và dụng, tức là tùy theo quốc độ nào, tùy theo chư Phật nào và tùy theo chúng sanh nào. Như lai dựa vào ba yếu tố này mà thuyết Tu-đa-la.
Tướng là sắc thái thế tục đế và sắc thái đệ nhất nghĩa đế.
Pháp là giáo pháp về [năm] uẩn, [mười tám] giới, [mười hai] nhập, [mười hai] duyên sanh, [bốn] đế, [bốn] thực v.v…
Nghĩa là giải thích nguyên nhân.
[0610a05] Kệ tụng:
Do đối và do số
Do phục và do giải
Như vậy bốn loại nghĩa
Nói đó nghĩA-tỳ-đàm.
Giải thích:
A-tỳ-đàm có bốn nghĩa: 1. Đối; 2. Số; 3. Phục; 4. Giải.
Đối là pháp hướng niết-bàn, là giảng thuyết về [bốn] đế, [ba mươi bảy] bồ-đề phần, [ba] giải thoát môn v.v…
Số là pháp tương tục, là giảng thuyết về mỗi một pháp như là sắc, không phải sắc, có thể thấy, không thể thấy v.v… có vô lượng sai biệt.
Phục là pháp thắng thượng, là giảng thuyết pháp nghĩa một cách xác quyết làm cho đối phương phải thoái lui trong một cuộc tranh luận.
Giải là pháp thích nghĩa, là A-tỳ-đàm diễn giải nghĩa lý trong tu-đa-la sao cho dễ hiểu.
[0610a14] Kệ tụng:
Do tội, khởi, tịnh, xuất
Do nhân, chế, giải, phán
Bốn nghĩa thêm bốn nghĩa
Nói đó nghĩa tỳ-ni.
Giải thích:
Tỳ-ni có hai loại bốn nghĩa.
Bốn nghĩa đầu tiên là: 1. Tội; 2. Khởi; 3. Tịnh; 4. Xuất.
Tội là tự tánh của tội, nghĩa là năm tụ tội.
Khởi là duyên khởi của tội, có bốn duyên: 1. Không biết; 2. Phóng dật; 3. Phiền não nhanh nhạy; 4. Tâm không cung kính [đối với các học xứ].
Tịnh là sự hoàn tịnh của tội, hoàn tịnh do thiện tâm chứ không do trị phạt.
Xuất là sự xuất ly của tội, có bảy loại: 1. Hối lỗi, là ngăn chận không cho tiếp tục nữa; 2. Tùy thuận lời dạy, là theo pháp yết ma mà trị phạt làm dữ học [tỳ-kheo]; 3. Khai hứa, là trước hết ngăn cấm [bằng các học xứ], sau đó mở ra [bằng đạo lý riêng]; 4. Cánh xả, là tăng-già hòa hợp cho phép giải tội của người đang học pháp, đây là trường hợp người mới vi phạm lần đầu thì được trở lại thanh tịnh; 5. Chuyển y, là trường hợp tỳ-kheo, tỳ-kheo ni chuyển đổi nam nữ căn bị trục xuất mà không cùng tội; 6. Thật quán, là thắng quán pháp trong ưu-đà-na; 7. Tánh đắc, là khi kiến đế thì những tội vi tế không có thật thể, là do chứng pháp không, đắc pháp nhĩ.
Lại có bốn nghĩa khác là: 1. Nhân; 2. Chế; 3. Giải; 4. Phán.
Nhân là người phạm tội.
Chế là do có người phạm tội mà vị đại sư nhóm họp chúng để nói lỗi lầm của người kia và chế lập những học xứ.
Giải là phân biệt rộng ra những học xứ đã chế lập.
Phán là phán quyết thế nào là đắc tội, thế nào là không đắc tội, như thế mà thọ trì.
Đã nói sự cầu pháp, kế nói sự cầu duyên.
[0610b03] Kệ tụng:
Phật thuyết pháp sở duyên
Trong, ngoài và trong ngoài
Được hai, nghĩa vô nhị
Hai cũng bất khả đắc.
Giải thích:
Phật thuyết pháp sở duyên, trong, ngoài và cả hai: Đức phật thuyết rằng tất cả pháp sở duyên có ba loại: 1. Sở duyên trong; 2. Sở duyên ngoài; 3. Sở duyên trong ngoài.
Tự tánh năng thủ về thân thọ tâm pháp gọi là sở duyên trong; tự tánh sở thủ về thân, thọ, tâm, pháp gọi là sở duyên ngoài, và hợp cả hai tự tánh năng thủ và sở thủ gọi là sở duyên trong ngoài.
Được hai, nghĩa vô nhị, hai cũng bất khả đắc: Đối với hai sở duyên trong và ngoài này, (tu quán) theo thứ đệ của chúng mà được nghĩa vô nhị.
Hỏi: Làm sao có được?
Đáp: Không quán riêng nghĩa sở thủ và nghĩa năng thủ, hay không quán riêng nghĩa năng thủ và nghĩa sở thủ, mà hợp hai pháp quán làm một, thì ngay nơi hai sở duyên trong và ngoài mà đắc chân như. Như vậy, hai sở duyên ấy không có hai nghĩa, tức là nói hai duyên này cũng không thể thủ đắc.
Hỏi: Đã nói sự được duyên, vậy làm sao để được trí?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0610b14] Kệ tụng:
Ba duyên được ba trí
Tịnh trì ý ngôn cảnh
Liễu biệt nghĩa quang rồi
An tâm chỉ có danh.
Giải thích:
Ba sở duyên, như trước đã nói, là cảnh trong, cảnh ngoài và cảnh trong ngoài. Ba trí là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Do dựa vào ba duyên mà có được ba tuệ.
Hỏi: Làm sao có được?
Đáp: Đối với ba sở duyên mà tịnh trì ý ngôn cảnh thì có được văn tuệ. Ý ngôn là [ý thức] phân biệt. Tịnh là niềm tin xác quyết ấn tượng trong định. Trì là phân biệt chủng loại của ý ngôn. Do tịnh trì ý ngôn cảnh mà có được văn tuệ. Đối với ba sở duyên mà đã liễu biệt nghĩa quang thì có được tư tuệ, tức là biết nghĩa quang không khác ý ngôn, do đây có được tư tuệ.
Đối với ba sở duyên mà an trú tâm mình chỉ có danh thì có được tu tuệ, nghĩa là biết nghĩa quang cũng chỉ là danh, do đây có được tu tuệ.
Như trước đã nói hai sở duyên không thể thủ đắc, vì vậy phải biết ba sở duyên này làm chỗ dựa của ba tuệ văn, tư, tu.
Đã nói sự cầu sở duyên, kế nói sự cầu tác ý.
[0610b26] Kệ tụng:
Tối sơ gồm chủng tánh
Sở tác và y chỉ
Tín an và dục sanh
Y định và y trí
Biệt duyên, chủng chủng duyên
Thông đạt và tu chủng
Tự tánh và công lực
Lãnh thọ và phương tiện
Tự tại, tiểu và đại
Như vậy có mười tám
Nhiếp hết các tác ý
Hành giả phải siêng tu.
Giải thích:
Mười tám loại tác ý là: 1. Tác ý chủng tánh; 2. Tác ý sở tác; 3. Tác ý y chỉ; 4. Tác ý tín an; 5. Tác ý dục sanh; 6. Tác ý y định; 7. Tác ý y trí; 8. Tác ý biệt duyên; 9. Tác ý chủng chủng duyên; 10. Tác ý thông đạt; 11. Tác ý tu chủng; 12. Tác ý tự tánh; 13. Tác ý công lực; 14. Tác ý lãnh thọ; 15. Tác ý phương tiện; 16. Tác ý tự tại; 17. Tác ý tiểu; 18. Tác ý đại.
Tác ý chủng tánh là do chủng tánh ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát xác định.
Tác ý sở tác là do viên mãn hai khối phước đức và trí tuệ.
Tác ý y chỉ là sự sai biệt giữa người tại gia bị dồn ép và người xuất gia không bị dồn ép.
Tác ý tín an là niệm Phật tương ưng.
Tác ý dục sanh là tùy thời niệm Phật mà tín tâm tương ưng.
Tác ý y định là có giác, quán v.v… ba tam-muội tương ưng.
Tác ý y trí là từ phương tiện mà văn tư tu lần lượt sanh khởi.
Tác ý biệt duyên, ở đây có năm duyên: 1. Tác ý tiếp nhận tu-đa-la; 2. Tác ý nắm giữ ưu-đà-na; 3. Tác ý đọc tụng già-đà; 4. Tác ý suy tư a-ba-đà-na; 5. Tác ý thuyết giảng (bốn thể văn trên).
Tác ý chủng chủng duyên, ở đây có bảy duyên: danh duyên, cú duyên, tự duyên, nhân vô ngã duyên, pháp vô ngã duyên, sắc duyên và vô sắc duyên; trong đó sắc duyên là thân duyên, vô sắc duyên là thọ tâm pháp duyên.
Tác ý thông đạt, ở đây có bốn loại: 1. Thông đạt vật, là biết bản chất của khổ; 2. Thông đạt nghĩa, là biết nghĩa lý của khổ, vô thường, không và vô ngã; 3. Thông đạt quả, là biết sự giải thoát; 4. Thông đạt giác, là biết trí đưa đến giải thoát.
Tác ý tu chủng, ở đây có bốn chủng tu và ba mươi bảy chủng tu.
Bốn chủng tu là: 1. Chủng tu nhân vô ngã; 2. Chủng tu pháp vô ngã; 3. Chủng tu kiến; 4. Chủng tu trí.
Ba mươi bảy chủng tu [được phân thành 7 nhóm dưới đây] là:
1. Bốn chủng tu: bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, gọi là chủng tu bốn niệm xứ;
2. Bốn chủng tu: thủ đắc, tích tập, đoạn trừ, đối trị, gọi là chủng tu bốn chánh cần;
3. Vì đối trị bốn chướng là tri túc, loạn nghi, trạo động, trầm một mà tu tập bốn chủng tu: dục, tiến, niệm, tuệ, gọi là chủng tu bốn thần túc;
4. Trú tâm là vì thành tựu pháp xuất thế gian mà tu năm chủng tu: phát khởi đức tin, tinh cần, không quên [chánh niệm], tâm trú, giản trạch, gọi là chủng tu năm căn;
5. Năm căn chủng tu như vậy có sức mạnh đối trị năm chướng, gọi là chủng tu năm lực;
6. Đối với bồ-đề tu tập bảy chủng tu là chánh ức, giản trạch, dũng mãnh, khánh duyệt, điều nhu, tâm trú, bình đẳng, gọi là chủng tu bảy giác phần;
7. Có tám chủng tu là: (1) Có sự quyết định (chứng ngộ pháp giới), (2) Thành tựu tịnh trì địa nghiệp, (3) Tư duy phân biệt , (4) Năng lực nhiếp trì ba giới mà bậc Thánh tiếp nhận, (5) Tinh cần tu tập là điều kiện để đắc đạo, (6) Không quên sắc thái của pháp giới , (7) Tâm trú vô tưởng , (8) Hoàn thành chuyển y , gọi là chủng tu tám đạo phần.
[Cả thảy 7 nhóm trên là 37 chủng tu.]
Tác ý tự tánh, ở đây có hai loại: 1. Xa-ma-tha; 2. Tỳ-bát-xá-na. Hai loại này được gọi là tự tánh của đạo lý [Du-già].
Tác ý công lực, có hai loại: 1. Nhổ trừ sự huân tập; 2. Nhổ trừ tướng phần và kiến phần.
Tác ý lãnh thọ, là chư Phật dạy bảo bao nhiêu chánh pháp lưu xuất, Bồ tát đều thọ trì.
Tác ý phương tiện, là phương tiện cho sở hành xứ trong định, có năm:
1. Phương tiện hiểu danh số: Thông đạt về danh, cú, tự và số;
2. Phương tiện hiểu khái niệm, có hai loại: một là, khái niệm có phần lượng, nghĩa là các chữ; hai là, khái niệm không có phần lượng, nghĩa là danh thân, cú thân và văn thân;
3. Phương tiện hiểu phân biệt: Phân biệt có hai loại: một là, dựa vào danh để phân biệt nghĩa; hai là, dựa vào nghĩa để phân biệt danh, và cái chẳng thể phân biệt là chữ cái;
4. Phương tiện hiểu tuần tự: Là trước tiên nắm bắt cái danh, sau đó chuyển qua nắm bắt cái nghĩa;
5. Phương tiện hiểu thông đạt: Thông đạt có mười một loại: 1. Thông đạt khách trần [phiền não]; 2. Thông đạt cảnh quang; 3. Thông đạt nghĩa bất khả đắc; 4. Thông đạt bất khả đắc cũng bất khả đắc; 5. Thông đạt pháp giới; 6. Thông đạt nhân vô ngã; 7. Thông đạt pháp vô ngã; 8. Thông đạt tâm thấp kém; 9. Thông đạt tâm cao lớn; 10. Thông đạt pháp sở đắc; 11. Thông đạt pháp sở lập.
Tác ý tự tại, tự tại có ba loại: 1. Cực thanh tịnh [hiển lộ] vì hết hoặc chướng; 2. Cực thanh tịnh [hiển lộ] vì hết hoặc chướng và trí chướng; 3. [Thích ứng với] công đức cực thanh tịnh [của pháp thân].
Tác ý tiểu, là cực thanh tịnh [hiển lộ] vì hết hoặc chướng.
Tác ý đại, là cực thanh tịnh [hiển lộ] vì hết hai chướng hoặc, trí và [thích ứng với] công đức cực thanh tịnh [của pháp thân].
Đã nói sự cầu tác ý, kế nói sự cầu nghĩa chân thật.
[0611a26] Kệ tụng:
Lìa hai, mê y tha
Không thuyết, không hý luận
Ba nên và hai tịnh
Hai tịnh, ba thí hiển.
Giải thích:
Lìa hai, mê y tha, không thuyết, không hý luận: Ở đây nên biết, ba tánh đều là chân thật. Lìa hai, là chân thật của tánh phân biệt, do năng thủ và sở thủ hoàn toàn không có. Mê y tha, là chân thật của tánh y tha, vì từ tánh y tha khởi ra các phân biệt. Không thuyết, không hý luận: là chân thật của tánh chân thật, do tự tánh [chân thật] thì không có hý luận, không thể nói bàn.
Ba nên và hai tịnh, hai tịnh, ba thí hiển: Ba nên là chân thật của tánh phân biệt nên nhận biết, chân thật của tánh y tha nên đoạn trừ, chân thật của tánh chân thật nên làm cho thanh tịnh. Hai tịnh là: 1. Tự tánh thanh tịnh, là thanh tịnh vốn có; 2. Vô cấu thanh tịnh, là [tự tánh] thanh tịnh đã lìa bỏ khách trần [phiền não]. Hai thanh tịnh này có ba thí dụ biểu hiện, đó là hư không, vàng ròng và nước sạch. Cả ba thí dụ này đều dụ cho hai mặt: một là tự tánh thanh tịnh, do hư không, vàng ròng và nước sạch chính là tự tánh thanh tịnh; hai là vô cấu thanh tịnh, do hư không, vàng ròng và nước sạch phải lìa bỏ khách trần mới thanh tịnh.
[0611b11] Kệ tụng:
Pháp giới và thế gian
Chưa từng có chút khác
Do chúng sanh lẫy lừng
Dính không mà bỏ có.
Giải thích:
Pháp giới cùng thế gian, chưa từng có chút khác: Pháp giới và thế gian chẳng có một chút sai biệt. Vì sao? Vì pháp tánh và các pháp không có sai biệt.
Do chúng sanh lẫy lừng, dính không mà bỏ có: Do chúng sanh ngu si lẫy lừng [phiền não], đối với pháp thế gian không thật, là pháp không nên dính mắc mà lại dính mắc; đối với pháp chân như có thật, là pháp không nên xả bỏ mà lại xả bỏ.
Đã nói sự cầu chân thật, kế nói thí dụ của sự cầu chân thật.
[0611b19] Kệ tụng:
Như kia khởi huyễn sư
Nói phân biệt hư vọng
Như kia các huyễn sự
Nói hai thứ mê lầm.
Giải thích:
Như kia khởi huyễn sư, nói phân biệt hư vọng: Thí như vị huyễn sư dựa vào sức chú thuật biến gỗ thành đá v.v… làm ra nhân tố mê lầm; cũng vậy tánh y tha bị phân biệt hư vọng [thống thuộc] nên sanh khởi các loại phân biệt, làm ra nhân tố điên đảo.
Như kia các huyễn sự, nên nói hai thứ mê: Thí như huyễn tượng: vàng v.v… các loại tướng mạo hiển lộ; cũng vậy tánh y tha là đối tượng được biết bởi tánh phân biệt, nghĩa là hai thứ mê lầm, năng thủ và sở thủ, lúc nào cũng hiển lộ.
[0611b27] Kệ tụng:
Như kia không thật thể
Được vào đệ nhất nghĩa
Như kia cũng khả đắc
Thông đạt thế đế thật.
Giải thích:
Như kia không thật thể, được vào đệ nhất nghĩa: Như kia, là huyễn sư và huyễn sự không có thật thể. Đây là dụ cho tánh y tha và tánh phân biệt không có thật thể. Do đạo lý này mà thông đạt đệ nhất nghĩa đế.
Như kia cũng khả đắc, thông đạt thế đế thật: Khả đắc, là sự thể của huyễn sư và huyễn sự có thể thủ đắc. Đây là dụ cho sự phân biệt hư vọng. Do đạo lý này mà thông đạt sự thật của thế đế.
[0611c06] Kệ tụng:
Sự kia không thật thể
Thì đắc cảnh chân thật
Do chuyển y như vậy
Thì đắc nghĩa chân thật.
Giải thích:
Sự kia không thật thể, thì đắc cảnh chân thật: Nếu người hiểu được huyễn sự kia là biểu hiện không thật thì hiểu được cảnh chân thật là gỗ [chứ không phải vàng].
Do chuyển y như vậy, thì đắc nghĩa chân thật: Nếu hàng Bồ tát hiểu được hai thứ mê lầm là không thật thể, thì khi đắc chuyển y, liền hiểu được nghĩa của tánh chân thật.
[0611c12] Kệ tụng:
Nhân mê lầm không thể
Không mê, đi tự tại
Nhân điên đảo không thể
Không đảo, chuyển tự tại.
Giải thích:
Nhân mê lầm không thể, không mê, đi tự tại: Trong thế gian, gỗ, đá v.v… tuy là không có thật thể nhưng lại là nhân tố mê lầm. Nếu người không có mê lầm thì đi tự tại, không dựa vào cái khác.
Nhân điên đảo không thể, không đảo, chuyển tự tại: Như vậy, khi tánh y tha chưa chuyển, tuy là không có thật thể nhưng lại là nhân tố điên đảo. Có được địa vị chuyển y là do không có nhân tố điên đảo. Thánh nhân có được tự tại là do dựa vào hành tự tại.
[0611c19] Kệ tụng:
Sự này xứ kia có
Kia có, thể cũng không
Hữu thể, vô đều có
Cho nên nói là huyễn.
Giải thích:
Sự này xứ kia có, kia có, thể cũng không: Ở đây biểu thị cho huyễn sự là có mà chẳng có. Vì sao? Cái có là sự huyễn tượng, do vì xứ kia hiển lộ. Cái chẳng có là nói thật thể của huyễn sự thì không thể thủ đắc.
Hữu thể, vô đều có, cho nên nói là huyễn: Như vậy hữu thể cùng vô thể không hai (mà có). Do nghĩa này mà nói các pháp là huyễn.
[0611c26] Kệ tụng:
Vô thể phi vô thể
Phi vô thể tức thể
Vô thể, thể không hai
Cho nên nói là huyễn.
Giải thích:
Vô thể phi vô thể, phi vô thể tức thể: Ở đây biểu thị cho huyễn sự là chẳng có mà có. Vì sao? Chẳng có, là huyễn sự thì vô thể, do không có thật thể. Mà có, là huyễn sự chẳng phải vô thể, do có ảnh tượng hiển lộ.
Vô thể, thể không hai, cho nên nói là huyễn: Như vậy vô thể cùng hữu thể không hai. Do nghĩa này mà nói các pháp là huyễn.
[0612a04] Kệ tụng:
Nói có hai ánh sáng
Mà không hai thể sáng
Nên nói sắc, thanh, hương
Hữu thể tức vô thể.
Giải thích:
Nói có hai ánh sáng, mà không hai thể sáng: Ở đây biểu thị cho sự phân biệt hư vọng, có mà chẳng có. Vì sao? Có, là do có hai thứ ánh sáng hiển lộ. Chẳng có, là thật thể của hai thứ ánh sáng thì không thể thủ đắc.
Nên nói sắc, thanh, hương, hữu thể tức vô thể: Do nghĩa lý này mà nói, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là hữu thể, nhưng cũng tức là vô thể.
[0612a11] Kệ tụng:
Vô thể phi vô thể
Phi vô thể tức thể
Nên nói sắc, thanh, hương
Vô thể, thể không hai.
Giải thích:
Vô thể phi vô thể, phi vô thể tức thể: Ở đây biểu thị cho sự phân biệt hư vọng, chẳng có mà có. Vì sao? Chẳng có, là hai thứ ánh sáng thì vô thể, do không có thật thể. Mà có, là hai thứ ánh sáng chẳng phải vô thể, do có ánh sáng hiển lộ.
Nên nói sắc, thanh, hương, vô thể, thể không hai: Do nghĩa lý này mà nói, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì vô thể và hữu thể không có hai.
Hỏi: Hữu thể và vô thể không phải định thuyết về một phạm trù, làm sao nói hữu thể và vô thể không có sai biệt?
[0612a19] Kệ tụng:
Ngăn xác lập hữu biên
Ngăn chê bai vô biên
Thoái đại, hướng tiểu diệt
Ngăn hữu vô cũng vậy.
Giải thích:
Sự ngăn chận theo thứ tự như sau: 1. Ngăn chận hữu biên; 2. Ngăn chận vô biên; 3. Ngăn chận thú hướng tịch diệt của Tiểu thừa. Vì vậy, hữu thể và vô thể không phải là định thuyết về một phạm trù.
Hỏi: Làm thế nào ngăn chận hữu biên?
Đáp: Ngăn xác lập hữu biên: Ở đây nói rõ, do đối với vô thể biết là vô thể, nên không cần xác lập hữu thể.
Hỏi: Làm thế nào ngăn chận vô biên?
Đáp: Ngăn chê bai vô biên: Ở đây nói rõ, do đối với hữu thể biết là thế đế, nên không cần chê bai vô thể.
Hỏi: Làm thế nào ngăn chận thú hướng tịch diệt của Tiểu thừa?
Đáp: Thoái đại, hướng tiểu diệt, ngăn hữu vô cũng vậy: Ở đây nói rõ, do hữu thể và vô thể không có sai biệt, nên không chán hữu thể mà nhập niết-bàn của Tiểu thừa.
[0612a29] Kệ tụng:
Sắc thức, nhân của mê
Thức thức, thể của mê
Nhân sắc thức vô thể
Thể thức thức cũng vô.
Giải thích:
Sắc thức, nhân của mê, [nhãn] thức thức, thể của mê: Cảnh sở mê gọi là sắc thức, thể năng mê gọi là phi sắc thức.
Nhân sắc thức vô thể, thể thức thức cũng vô: sắc thức là vô thể, nên phi sắc thức cũng vô thể. Vì sao? Do nhân là vô thể nên quả của nó cũng vô thể.
[0612b06] Kệ tụng:
Huyễn tượng, thủ đắc huyễn
Vì mê nói có hai
Như vậy hai vô thể
Mà có hai khả đắc.
Giải thích:
Huyễn tượng, thủ đắc huyễn, vì mê nói có hai: Người mê đối với huyễn tượng và sự thủ đắc huyễn tượng, vì mê mà nói có hai sự là năng thủ và sở thủ.
Như vậy hai vô thể, mà có hai khả đắc: Hai sự năng thủ và sở thủ tuy nói là vô thể, nhưng cả hai vẫn có thể thủ đắc, do sự mê hiển lộ vậy.
Hỏi: Thí dụ này để sáng tỏ điều gì?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0612b12] Kệ tụng:
Xương cốt, thủ đắc cốt
Do quán nói có hai
Không hai mà nói hai
Khả đắc cũng như vậy.
Giải thích:
Xương cốt, thủ đắc cốt, do quán nói có hai: Người tu quán về xương cốt thì có sự thủ đắc về xương cốt; do quán chiếu mà nói có hai sự là năng quán và sở quán.
Không hai mà nói hai, khả đắc cũng như vậy: Hai sự năng quán và sở quán tuy nói là vô thể, nhưng cả hai vẫn có thể thủ đắc, do sự quán hiển lộ vậy.
Hỏi: Quán như vậy rồi, pháp nào là pháp sở trị và pháp nào là pháp năng trị?
[0612b19] Kệ tụng:
Nên biết thể sở trị
Gọi đó pháp mê tướng
Như thị thể: vô thể
Có, chẳng có như huyễn.
Giải thích:
Nên biết thể sở trị, gọi đó pháp mê tướng: Ở đây nên biết, thể của sở trị tức là pháp mê tướng. Pháp mê tướng là như thị (tướng), như thị thể.
Như thị thể: vô thể; có, chẳng có như huyễn: Như thị thể mà nói là có, tức có do phân biệt hư vọng. Như thị thể mà nói là chẳng có, là do hai thể năng thủ và sở thủ cùng với vô thể không có sai biệt. Như vậy, hữu thể cũng như huyễn, vô thể cũng như huyễn, nói lên rằng pháp mê tướng là như huyễn.
[0612b27] Kệ tụng:
Nên biết thể năng trị
Các pháp như niệm xứ
Như thị thể: vô tướng
Như huyễn cũng như vậy.
Giải thích:
Nên biết thể năng trị, các pháp như niệm xứ: Ở đây nên biết, thể của năng trị chính là các pháp. Các pháp là những pháp của Phật thuyết như bốn niệm xứ v.v... các pháp ấy là như thị, như thị thể.
Như thị thể: vô tướng, như huyễn cũng như vậy: Thể của các pháp ấy cũng như huyễn. Vì sao? Theo chỗ chấp thủ của phàm phu thì các pháp là như thị, như thị hữu thể. Theo chỗ giảng thuyết của chư Phật thì các pháp là như thị, như thị vô thể. Như thị thể là vô tướng, nên đức Phật Thế tôn thị hiện nhập thai, xuất sanh, du thành, xuất gia, thành chánh giác. Vô tướng như vậy mà hào quang hiển lộ, cho nên nói là như huyễn.
Hỏi: Nếu cho các pháp đều là như huyễn, thì lấy nghĩa lý gì mà một mặt nói năng trị, một mặt nói sở trị?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0612c09] Kệ tụng:
Như vị huyễn vương mạnh
Khiến huyễn vương khác lui
Như vậy thanh tịnh pháp
Khiến nhiễm pháp tiêu diệt.
Giải thích:
Thí như huyễn vương mạnh, khiến huyễn vương khác lui: Tịnh pháp năng trị, ví như vị huyễn vương dũng mãnh, có khả năng đối trị nhiễm pháp mà có được sự tăng thượng. Nhiễm pháp sở trị, ví như các huyễn vương khác, tùy theo cảnh giới mà có được sự tăng thượng.
Như vậy thanh tịnh pháp, khiến nhiễm pháp tiêu diệt: Như vị huyễn vương dũng mãnh có thể ra lệnh cho huyễn vương khác thoái lui; Bồ tát cũng vậy, biết các pháp như huyễn, có thể lấy tịnh pháp đối trị nhiễm pháp, cho nên không phóng dật.
Hỏi: Đức Thế tôn ở mọi nơi đều nói rằng các pháp là như huyễn ảo, chiêm bao, sóng nắng, ảnh tượng, bóng sáng, tiếng dội, bóng trăng trong nước, biến hóa. Tám thí dụ như vậy, mỗi thí dụ hiển thị điều gì?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0612c19] Kệ tụng:
Như huyễn đến như hóa
Tuần tự dụ các hành
Hai sáu, hai, hai sáu
Một, một, một, có ba.
Giải thích:
Như huyễn đến như hóa, tuần tự dụ các hành: Huyễn ảo dụ cho sáu nhập ở trong, vì không có cái thể của ngã v.v... chỉ có ánh sáng hiển lộ. Chiêm bao dụ cho sáu nhập ở ngoài, vì không có cái thể của sáu trần được hưởng chịu. Sóng nắng dụ cho hai pháp là tâm và tâm số, vì sanh khởi mê lầm. Ảnh tượng dụ cho sáu nhập ở trong, vì chính là ấn tượng của nghiệp đời trước. Bóng sáng dụ cho sáu nhập ở ngoài, vì chính là ảnh tượng của sáu nhập ở trong và nó làm cho sáu nhập ở trong sanh khởi thêm lên. Tiếng dội dụ cho pháp được thuyết ra, vì pháp như là tiếng dội. Bóng trăng trong nước dụ cho sự dựa vào định, pháp; định giống như nước, pháp giống như trăng, vì tâm tĩnh lặng nên pháp hiển lộ. Biến hóa dụ cho Bồ tát [đem tâm trí không thác loạn] cố ý thọ sanh [trong sanh tử], vì không nhiễm ô bởi tất cả việc tạo tác.
Hai sáu, hai, hai sáu; một, một, một, có ba: Hai sáu [trước], là sáu nhập ở trong và sáu nhập ở ngoài, chỉ cho hai thí dụ huyễn ảo và chiêm bao. Hai, là tâm và tâm số, chỉ cho thí dụ sóng nắng. Hai sáu [sau], là sáu nhập ở trong và sáu nhập ở ngoài, chỉ cho hai thí dụ ảnh tượng và bóng sáng. Một, một, một: là thuyết pháp, tam-muội và thọ sanh, chỉ cho ba thí dụ tiếng dội, bóng trăng trong nước và biến hóa.
Đã nói nghĩa của tánh chân thật, kế cầu trí năng tri.
[0613a05] Kệ tụng:
Bất chân và tự chân
Chân và tự bất chân
Như vậy bốn chủng trí
Năng tri tất cả cảnh.
Giải thích:
Bất chân và tự chân, chân và tự bất chân: Bất chân, là trí phân biệt không chân thật, do không tùy thuận trí xuất thế mà sanh phân biệt. Tự chân, là trí phân biệt chẳng phải chân thật, chẳng phải không chân thật, tức từ lúc bắt đầu tu tập cho đến phần thông đạt của Cực hỷ địa, do tùy thuận trí xuất thế. Chân, là trí vô phân biệt xuất thế, do chứng đắc chân như. Tự bất chân, là trí chẳng phải phân biệt, chẳng phải không phân biệt, tức trí hậu đắc xuất thế.
Như vậy bốn chủng trí, năng tri tất cả cảnh: Do bốn trí này mà biết đầy đủ tất cả cảnh giới.
Đã nói sự cầu trí năng tri, kế nói sự cầu nhiễm ô và thanh tịnh.
[0613a15] Kệ tụng:
Tự giới và hai quang
Si cùng phiền não khởi
Như vậy các phân biệt
Hai thật nên viễn ly.
Giải thích:
Tự giới và hai quang, si cùng phiền não khởi: Tự giới, là chủng tử nơi thức a-lại-da. Hai quang, là năng thủ quang và sở thủ quang. Sự phân biệt năng thủ và sở thủ như vậy được sanh khởi là do có mặt vô minh và các phiền não khác.
Như vậy các phân biệt, hai thật nên viễn ly: Hai thật, là năng thủ thật và sở thủ thật. Phải cầu viễn ly sự nhiễm ô của hai thật pháp như vậy.
[0613a18] Kệ tụng:
Được ba duyên kia rồi
Tự giới, xứ nên học
Như vậy hai quang diệt
Giống thuộc da, uốn tên.
Giải thích:
Được ba duyên kia rồi, tự giới, xứ nên học: Ba duyên, là sở duyên trong, sở duyên ngoài và sở duyên trong ngoài, như trước đã nói. Tự giới, là các phân biệt, nên hiểu như vậy. Xứ, là danh xứ, chính danh xứ này mà an trú tâm. Nên học, là hai con đường tu tập chỉ và quán.
Như vậy hai quang diệt, giống thuộc da, uốn tên: Sự phân biệt hai quang (năng thủ và sở thủ) bị tiêu diệt. Thí như tấm da mềm được thuộc chín làm cho mềm mại hơn, cũng thí như điều chỉnh mũi tên cong vẹo làm cho ngay thẳng, sự chuyển y cũng như vậy. Chỉ và quán, mỗi một pháp đều phải tu tập để được tâm giải thoát và tuệ giải thoát, thì hai quang (năng thủ và sở thủ) không còn sanh khởi. Sự thanh tịnh như vậy phải mong cầu cho đến đạt được.
Phẩm Thuật Cầu - hết phần 1
Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sen búp dâng đời


Đừng đánh mất tình yêu


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Chuyện Phật đời xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.78.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (126 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...