Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 16. Một việc nội bộ »»

Sống một đời vui
»» 16. Một việc nội bộ

Donate

(Lượt xem: 10.682)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 16. Một việc nội bộ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Sự giác ngộ chỉ có thể đạt được bằng một cách duy nhất: đó là từ nội tâm.

Ngài Tai Situ Rinpoche Đời thứ 12
Liễu nghĩa Đại thủ ấn kỳ thỉnh văn - Trích từ Shenpen Osel 2, số 1 (tháng 3 năm 1998)
(“A Commentary on the Aspiration Prayer of Mahamudra, the Definitive Meaning,” in Shenpen Osel 2, no. 1 - March 1998)

Một trong những điều tuyệt vời của việc đi giảng pháp trên khắp thế giới là cơ hội để thu thập những từ ngữ trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tôi rất thích một thành ngữ tiếng Mỹ dùng để nói đến kiểu phạm tội [ở một công ty] khi thủ phạm chính là người của công ty đó: inside job (việc nội bộ). Những kẻ phạm tội thuộc loại này thường có cảm giác an toàn vì nghĩ rằng họ đã rõ biết tất cả những biện pháp ngăn ngừa tội phạm được áp dụng bởi bất kỳ công ty nào mà họ đến làm việc. Nhưng thực tế lại hóa ra là họ thường không biết hết được mọi việc, và chính hành vi của họ đã tố giác họ.

Theo một cách hiểu thì việc để cho phiền não chế ngự mình là một kiểu “inside job”. Sự khổ đau mà ta chịu đựng khi mất đi một vật gì mà ta tham luyến, hay khi phải đương đầu với những gì ta muốn tránh né, đều là những kết quả trực tiếp của việc không biết hết được mọi việc mà lẽ ra ta có thể biết hay cần phải biết về bản tâm của chính mình. Chúng ta bị giam giữ bởi chính sự vô minh của mình, và nỗ lực tìm giải thoát bằng một phương tiện bên ngoài nào đó - vốn chỉ là những phản ánh của sự vô minh nhị nguyên đã đẩy ta vào bất ổn ngay từ đầu - chỉ có tác dụng làm cho ngục tù quanh ta càng chật hẹp hơn và kiên cố hơn.

Tất cả những gì tôi đã học về tiến trình sinh lý của tư tưởng và nhận thức cho tôi biết rằng, phương thức duy nhất để tự giải thoát ra khỏi ngục tù của khổ đau là lặp lại những hoạt động cùng bản chất với những hoạt động đã giam cầm chúng ta ngay từ đầu. Khi ta vẫn chưa nhận thức được rằng sự an lạc đã hiện diện tự nhiên trong chính tâm thức ta, ta sẽ không bao giờ tìm được sự thỏa mãn lâu dài từ những đối tượng hay hoạt động bên ngoài.

Nói cách khác, hạnh phúc và khổ đau là những “việc nội bộ” [của mỗi chúng ta].

SỐNG CÒN HAY THĂNG HOA, ĐÓ CHÍNH LÀ VẤN ĐỀ

Tất cả mọi hạnh phúc đều sinh khởi từ thiện hạnh.

Ngài Gampopa
Lời giáo huấn của Gampopa (The Instructions of Gampopa)
Lama Yeshe Gyamtso dịch sang Anh ngữ

Khi còn nhỏ, tôi được dạy rằng có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc tạm bợ và hạnh phúc vĩnh hằng. Hạnh phúc tạm bợ như một viên aspirin (thuốc giảm đau) cho tâm thức, chỉ đem lại một vài giờ thuyên giảm những đau đớn của cảm xúc. Hạnh phúc vĩnh hằng đến từ việc chữa trị những căn nguyên tiềm ẩn của khổ đau. Sự khác biệt giữa hạnh phúc tạm bợ và vĩnh hằng có nhiều điểm tương tự với sự khác biệt - như đã nói ở Phần 1 - giữa những tâm trạng và tính khí của cá nhân. Về mặt di truyền học, dường như loài người được “lập trình” sẵn để đi tìm những trạng thái hạnh phúc tạm bợ thay vì tạo ra những tính cách [tích cực có tác dụng] lâu dài. Những hoạt động như ăn, uống, giao hợp... làm tiết ra những nội tiết tố (hormone) có công năng đem lại những cảm giác dễ chịu và sảng khoái trên bình diện sinh lý và tâm lý. Qua việc tiết ra các nội tiết tố như vậy, những hoạt động có tính chất sinh tồn này giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự sống còn của chúng ta như một cá nhân và sự di truyền cho các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, những khoái lạc mà chúng ta cảm nhận thông qua những hoạt động nói trên rất ngắn ngủi, do cấu trúc di truyền. Nếu những việc ăn, uống, giao hợp v.v... có thể đem lại cho ta một cảm giác hạnh phúc dài lâu, hẳn ta chỉ làm những việc này một lần thôi, rồi sau đó ngồi sẽ chơi xơi nước và tận hưởng hạnh phúc trong khi kẻ khác lo gánh vác trách nhiệm duy trì chủng loại. Theo quan điểm sinh vật học thuần túy, bản năng sinh tồn luôn đẩy chúng ta về phía khổ đau mạnh mẽ hơn là về phía hạnh phúc.

Đó là tin buồn.

Nhưng tin vui ở đây là, có một “biến thể” sinh lý trong cấu trúc của bộ não giúp ta có khả năng chế ngự được những khuynh hướng di truyền của mình. Thay vì lặp lại một cách máy móc cùng một loại hoạt động nhằm được trải nghiệm trở lại những trạng thái hạnh phúc tạm bợ, chúng ta thực sự có thể tự mình tu tập để nhận biết, chấp nhận và an trụ trong một kinh nghiệm an bình và mãn nguyện lâu bền hơn. “Biến thể” nói trên thực sự chính là vùng não mới (neocortex), vùng não đã phát triển cao độ, có chức năng xử lý những suy tưởng, luận lý và khái niệm.

Tất nhiên, việc có một bộ não mới lớn và phức tạp cũng có những điểm bất lợi. Rất nhiều người quá mải miết trong sự suy đi tính lại, cân nhắc thiệt hơn tất cả mọi việc, từ việc chia tay với người bạn đời cho đến việc chọn đúng lúc để đến cửa hàng thực phẩm, cho đến nỗi họ chẳng bao giờ có được một quyết định nào cả. Thế nhưng, khả năng chọn lựa giữa nhiều điều khác nhau vẫn là một lợi điểm phi thường, vượt xa tất cả các nhược điểm khác.

ĐỊNH HƯỚNG NÃO BỘ

Củi dùng để đốt nhưng tự nó không phải là lửa.

Bồ Tát Long Thụ
Trung quán cơ sở trí tuệ (The Fundamental Wisdom of the Middle Way)
Ari Goldfield dịch sang Anh ngữ

Ngày nay, ai cũng biết rằng bộ não được chia làm hai phần, bán cầu não phải và bán cầu não trái. Mỗi bán cầu có vẻ hơi giống như hình ảnh phản chiếu của bán cầu kia, đều có đầy đủ các phần như hạch hạnh nhân (amygdale), hồi hải mã và một thùy trán to lớn có chức năng xử lý hầu hết các tiến trình lý luận của vỏ não mới. Người ta thường dùng cách nói một cách dể duôi như người “não trái” hay người “não phải” với một ý tưởng rất phổ biến là người nào có bán cầu não trái hoạt động nhiều hơn sẽ thiên về sự phân tích hay tri thức, còn người có bán cầu não phải hoạt động nhiều hơn sẽ thiên về sự sáng tạo hay nghệ thuật. Tôi không biết điều đó có đúng không. Nhưng theo những gì tôi học hỏi được thì các nghiên cứu khoa học trong những năm qua đã xác định rằng, ở loài người và những động vật tiến hóa bậc cao (như anh bạn khỉ điên của chúng ta chẳng hạn) thì hai thùy trán có vai trò khác nhau trong việc hình thành và trải nghiệm cảm xúc.

Trong cuộc hội thảo của Viện Tâm thức và Đời sống vào năm 2001 ở Dharamsala, giáo sư Richard Davidson trình bày những kết quả của một cuộc nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu Waisman, nghiên cứu về hình ảnh và ứng xử của não bộ (Waisman Laboratory for Brain Imaging and Behavior), thuộc trường Đại học Wisconsin, bang Madison. Trong cuộc nghiên cứu này, các đối tượng được cho xem những tấm ảnh được chọn lựa để gợi lên nhiều loại cảm xúc khác nhau. Các tấm ảnh này bao gồm từ hình ảnh người mẹ âu yếm ôm đứa con sơ sinh cho đến hình ảnh các nạn nhân bị tai nạn xe hơi, bị phỏng nặng. Các đối tượng được khảo sát nhiều lần trong tiến trình kéo dài hai tháng, với thời gian nghỉ khoảng vài tuần giữa mỗi lần khảo sát. Kết quả cho thấy rõ ràng có sự tăng gia hoạt động trong vùng thùy trán bên não trái khi các đối tượng khảo sát được nhìn thấy một tấm hình vốn thường được liên kết với những cảm xúc tốt đẹp như niềm vui, sự trìu mến và lòng từ mẫn, trong khi các hoạt động trong vùng thùy trán bên não phải lại gia tăng khi các đối tượng khảo sát được cho xem những tấm ảnh làm khởi sinh những cảm xúc tiêu cực như sự sợ hãi, giận giữ và ghê tởm.

Nói cách khác, có một chỉ báo mạnh mẽ cho thấy rằng những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, bi mẫn, tính hiếu kỳ và niềm vui đều có liên quan đến hoạt động của thùy trán bên não trái, trong khi những cảm xúc tiêu cực như sự giận dữ, sợ hãi, ganh ghét, oán thù đều sản sinh trong thùy trán bên não phải. Việc xác định được mối liên hệ này là một bước tiến lớn dẫn đến sự hiểu biết nền tảng sinh lý của hạnh phúc và khổ đau, và về lâu dài có thể sẽ cung cấp nền tảng căn bản để phát triển một khoa học thực hành về hạnh phúc. Nhưng cấp thời hơn, đây là một yếu tố then chốt để có thể hiểu được những kết quả nghiên cứu mà giáo sư Davidson và giáo sư Antoine Lutz sẽ tiến hành một thời gian sau đó, với sự tham gia của những người đã tu tập thiền định ở những trình độ khác nhau và những đối tượng đối chứng vốn không hề có chút kinh nghiệm thiền quán nào cả.

Cuộc nghiên cứu đầu tiên trong số đó tiến hành vào năm 2001, mà tôi được nghe mô tả như là một “cuộc nghiên cứu thí điểm”, nghĩa là một kiểu dự án thử nghiệm nhằm giúp các nhà khoa học phát triển những dự án nghiên cứu lâm sàng được thực hiện với nhiều tiêu chí cụ thể hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đối tượng của cuộc nghiên cứu thí điểm là một vị tăng sĩ đã tu tập hơn 30 năm dưới sự dẫn dắt của một số bậc thầy vĩ đại nhất của Phật giáo Tây Tạng. Điểm quan trọng cần lưu ý là những kết quả của cuộc nghiên cứu thí điểm này không thể được xem như là một kết luận.
Tất nhiên, điều trước tiên và quan trọng hơn hết là cần phải có thời gian để xem xét lại những kết quả nghiên cứu nhằm rút ra những bất ổn ngoài dự kiến về kỹ thuật. Thứ hai là việc xem xét lại những kết quả của một cuộc nghiên cứu thí điểm sẽ giúp các nhà khoa học phân biệt và chọn lọc những thông tin nào có thể liên quan đến cuộc nghiên cứu. Thứ ba, khi làm việc với các vị tăng sĩ Tây Tạng, có những khó khăn nhất định về mặt ngôn ngữ thường trở ngại cho sự giao tiếp sáng tỏ giữa các nhà nghiên cứu và đối tượng. Cuối cùng, như đã đề cập ở gần cuối Phần 2, có một sự dè dặt tự nhiên về phía các hành giả Tây Tạng, xuất phát từ lời nguyện (samaya) của họ là không nói rõ cho ai biết về những gì mình trải nghiệm, trừ phi đó là một vị đạo sư đức độ.

Cuộc nghiên cứu thí điểm ở Madison có mục đích xác định xem liệu các pháp môn điều phục tâm mà vị tăng sĩ, đối tượng được nghiên cứu, đã tu học trong hơn 30 năm qua có tạo ra được những thay đổi - có thể đo lường một cách khách quan - trong hoạt động ở nhiều vùng khác nhau trong bộ não của ngài hay không. Vì mục đích thử nghiệm nên vị tăng sĩ này được yêu cầu thực hành nhiều phương thức thiền quán khác nhau, bao gồm các pháp chú tâm vào một đối tượng cụ thể, khởi tâm từ và an trụ trong thiền shinay không đối tượng. Vị tăng sĩ này gọi pháp thiền shinay là “thiền hiện hữu rộng mở”, tức là hoàn toàn an trụ trong sự hiện hữu rộng mở của tâm thức mà không chú tâm vào một đối tượng cụ thể nào. Vị này sẽ thay đổi giữa một trạng thái trung chuyển trong 60 giây rồi đi vào một phương thức thiền quán nhất định nào đó trong 60 giây tiếp theo.

Trong tiến trình nghiên cứu thí điểm, bộ não của vị tăng sĩ được theo dõi qua máy quét fMRI (đồ hình cộng hưởng từ trường) và tiếp theo là hai chu kỳ EEG (điện não đồ), chu kỳ thứ nhất sử dụng [thiết bị EEG] với 128 điện cực và chu kỳ thứ hai dùng một số lượng nhiều đến 256 điện cực, vượt xa số [điện cực] thụ cảm của các thiết bị EEG được dùng trong các bệnh viện, vốn [chỉ có 16 điện cực và] chỉ có thể đo được các hoạt động xung điện hay sóng não ngay bên dưới da đầu mà thôi. Những hình ảnh của các thí nghiệm EEG mà tôi được thấy thực sự rất buồn cười. Trông giống như là có hàng trăm con rắn được gắn vào đầu vị tăng! Nhưng thông tin thu thập được từ tất cả những “con rắn” ấy, khi được phân tích bởi các chương trình điện toán rất hiện đại, được phát triển riêng cho phòng nghiên cứu ở Madison, sẽ cung cấp một đồ hình về hoạt động của những vùng nằm rất sâu trong bộ não của vị tăng.

Mặc dầu phải mất đến mấy tháng để các máy điện toán xử lý tất cả các dữ kiện phức tạp thu thập được từ nhiều lần quét não bộ khác nhau, nhưng những khảo sát sơ bộ của cuộc nghiên cứu thí điểm đã cho thấy có những thay đổi trong các tổ hợp lớn của các mạch nơ-ron trong bộ não của vị tăng sĩ. Điều này ít nhất cũng chỉ ra một sự tương quan giữa những thay đổi trong hoạt động của bộ não ngài với các phương thức thiền quán mà ngài được đề nghị thực hành. Ngược lại, việc quét não bộ tương tự được thực hiện với những đối tượng đối chứng không tu tập thiền quán cho thấy một khả năng hạn hẹp hơn nhiều trong việc chủ động điều khiển hoạt động của bộ não khi thực hành một hoạt động tinh thần nhất định.

Khi tôi đề cập đến cuộc thử nghiệm này trong một chuyến đi Anh quốc gần đây, nhiều người đã cho tôi biết rằng một cuộc kiểm tra do các nhà khoa học của Đại học London (University College London) thực hiện với kỹ thuật đồ hình cộng hưởng từ (MRI) đã cho thấy rằng các tài xế taxi ở Luân Đôn - những người bắt buộc phải trải qua một khóa huấn luyện từ hai đến bốn năm có tên là “kiến thức lái xe”, qua đó họ được học cách luồn lách lái xe đi trong mạng lưới đường xá phức tạp của London - có một sự phát triển đáng kể trong vùng hồi hải mã của bộ não, là vùng não có tương quan điển hình nhất với ký ức thuộc không gian. Nói một cách thật giản dị, cuộc nghiên cứu này bắt đầu xác nhận rằng một kinh nghiệm lặp lại nhiều lần có thể thực sự làm thay đổi cấu trúc và chức năng của bộ não.

Khả năng nhận biết những tình cảm và cảm thọ của người khác là một đặc tính chỉ có ở loài động vật có vú, nhờ vùng hệ viền trong bộ não. Rõ ràng là khả năng này đôi khi dường như có thể gây nhiều bất ổn hơn so với lợi ích của nó. Giá như có thể ứng xử với mọi tình huống theo cùng một cách đơn giản, đen trắng rạch ròi theo kiểu “giết hay bị giết”, “ăn hay bị ăn”, chẳng phải là tốt đẹp hơn sao? Nhưng một phương cách sống đơn giản như thế hẳn sẽ là một sự mất mát lớn lao biết nhường nào! Vùng hệ viền trong bộ não giúp chúng ta có khả năng yêu thương và nhận biết khi được yêu thương. Nó giúp chúng ta thể nghiệm được tình thân hữu và hình thành những cấu trúc nền tảng của xã hội giúp mang lại cho ta một mức độ lớn lao hơn về sự an toàn và khả năng sống còn, đồng thời cũng giúp đảm bảo cho thế hệ con cháu ta sẽ lớn mạnh và phồn thịnh.

Vùng hệ biên của bộ não cho chúng ta khả năng sáng tạo và hân thưởng những cảm xúc vi tế do nghệ thuật, thi ca và âm nhạc mang đến. Tất nhiên là những khả năng này phức tạp và phiền toái; nhưng lần tới đây, khi nhìn thấy một con kiến hay con gián hấp tấp bò trên sàn nhà, hãy tự hỏi xem bạn muốn có một cuộc sống chỉ một chiều là sợ hãi và trốn chạy, hay một cuộc sống phức tạp hơn với những cảm xúc tinh tế như yêu thương, tình bạn, khao khát và biết hân thưởng cái đẹp?

Hai chức năng khác biệt nhưng có quan hệ với nhau của vùng hệ viền đều liên quan đến sự phát triển tâm từ và tâm bi. Chức năng thứ nhất, được các nhà khoa học thần kinh xác định như là “cộng hưởng hệ viền” - một loại khả năng giữa não bộ với não bộ giúp nhận biết những trạng thái cảm xúc của người khác qua nét mặt, các hoạt chất tương tác (pheromone) và tư thế của thân thể hay cơ bắp của họ. Vùng hệ viền của não có khả năng xử lý những dấu hiệu tinh tế này một cách nhanh chóng đến mức kỳ diệu biết bao, giúp ta không những có thể nhận biết trạng thái cảm xúc của người khác mà còn điều chỉnh các phản ứng cơ thể của chính mình một cách tương ứng. Trong hầu hết các trường hợp, nếu ta chưa từng rèn luyện việc chú ý đơn thuần vào những thay đổi hay chuyển hoá trong sự quán chiếu tâm mình thì tiến trình cộng hưởng hệ viền sẽ xảy ra trong vô thức. Sự điều chỉnh tức thời này là một biểu hiện mầu nhiệm sự linh hoạt của não bộ.

Chức năng thứ hai là khả năng xét lại của hệ viền, nói một cách giản dị hơn là khả năng thay đổi hay xét lại mạch nơ-ron trong vùng hệ viền, hoặc thông qua kinh nghiệm trực tiếp với một người, như một vị đạo sư hay một y sĩ, hoặc là thông qua sự trực tiếp tương tác với một loạt những chỉ dẫn liên quan, chẳng hạn như về cách sửa xe hay cách đóng một cái xích đu. Nguyên tắc cơ bản của sự xét lại của hệ viền là mạch nơ-ron trong vùng não này đủ khả năng linh hoạt để có thể thay đổi. Lấy một thí dụ thật đơn giản, giả sử bạn kể cho một người bạn nghe về một người mà bạn cảm thấy rất cuốn hút về mặt tình cảm, và khi đang kể chuyện về người này, người bạn ấy buông ra một câu đại loại như: “Trời đất ơi! Đừng! Lần trước anh cũng đã thương đúng loại người như vậy, hãy nhớ lại xem, khi chia tay anh đã khổ sở biết bao!” Có thể không phải những lời của người bạn ấy đã khiến bạn xét lại ý muốn tiến tới trong cuộc tình mới, mà đúng hơn là giọng nói hay nét mặt của người ấy đã tác động vào một cấp độ nhận biết không nhất thiết là có ý thức.

Dường như thiền quán - đặc biệt là quán từ bi - tạo ra những lộ trình nơ-ron mới làm tăng cường sự giao tiếp giữa những vùng khác nhau của não bộ, dẫn đến điều mà một số nhà khoa học gọi là “sự vận hành toàn diện của não bộ”.

Tuy nhiên, từ quan điểm của một người Phật tử, tôi có thể nói là thiền quán từ bi nuôi dưỡng một tuệ giác rộng mở hơn về bản chất của kinh nghiệm, vốn có được nhờ đã tháo gỡ tập khí của tâm thức trong việc phân biệt giữa ta và người khác, chủ thể và khách thể - một sự kết hợp cả hai khía cạnh phân tích và trực giác của tâm thức cho ta cảm giác cực kỳ thích thú và tự do.

Thông qua sự tu tập quán niệm tâm từ bi hướng về người khác, ta có thể kết hợp những tiến trình của vùng hệ viền với một sự nhận biết tỉnh giác hơn. Một trong những khám phá từ các nghiên cứu rà quét não bộ ban đầu được hướng dẫn bởi hai giáo sư Antoine Lutz và Richard Davidson (mà tôi có tham gia) là thiền quán “vô duyên từ bi” - một pháp thiền dựa trên sự hợp nhất giữa tính Không và tâm từ bi - làm tăng mạnh cái thường được gọi là sóng gamma, tức là những dao động của các hoạt động xung điện trong não bộ, được đo bằng những lần quét điện não đồ (EEG), vốn phản ánh một sự kết hợp thông tin giữa nhiều vùng khác nhau của bộ não. Sóng gamma là một sóng não có tần số rất cao, thường kết hợp với sự chú ý, sự nhận biết, ý thức và những hoạt động đồng bộ của các nơ-ron như đã nói ở Phần 1. Nhiều nhà khoa học thần kinh nhận hiểu về sóng gamma như là sự biểu hiện hoạt động xảy ra khi có nhiều nơ-ron khác nhau giao tiếp một cách đồng thời và tự nhiên trong những vùng não rộng lớn.

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy trong não của các hành giả tu thiền lâu năm tự nhiên xuất hiện hoạt động sóng gamma ở những cấp độ cao, có nghĩa là não bộ đã đạt đến một trạng thái ổn định hơn, hợp nhất hơn trong lúc thiền định. Tuy nhiên, vì khoa học thần kinh và kỹ thuật hiện có để nghiên cứu còn tương đối mới mẻ, nên chúng ta không thể nói chắc chắn rằng việc thực hành thiền quán làm gia tăng sự giao tiếp nơ-ron trong những vùng rộng lớn hơn của não bộ. Dù vậy, cuộc nghiên cứu với các bác tài xế taxi ở Luân Đôn đã đề cập ở trước dường như nói lên rằng, một kinh nghiệm được lặp đi lặp lại thực sự làm thay đổi cấu trúc bộ não, và điều này hàm ý là sự chú tâm vào tính chất không ngăn ngại của các niệm tưởng, cảm xúc và các kinh nghiệm giác quan rất có khả năng sẽ làm chuyển đổi những vùng não tương ứng.

HOA TRÁI TỪ BI

Cho dù là thiện hạnh nhỏ nhặt được làm cũng đem lại hạnh phúc lớn lao.

Cụ nghĩa biểu đạt tập (The Collection of Meaningful Expressions)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Như đã đề cập trước đây, thực hành thiền chỉ cũng giống như nạp điện vào “pin” tinh thần và cảm xúc của bạn. Tâm từ bi là “công nghệ” tinh thần và cảm xúc sử dụng “pin” đã được nạp điện đúng cách. Khi dùng chữ “đúng cách”, ý tôi muốn nói là luôn luôn có nguy cơ bạn sử dụng sai lầm những khả năng mà bạn đã phát triển được qua sự thực hành thiền an trụ (shinay), chỉ nhằm phát huy sự ổn định tinh thần và cảm xúc để có thể khống chế hoặc thậm chí làm tổn hại người khác. Tuy nhiên, khi bạn đã có được đôi chút kinh nghiệm thì các pháp thiền quán tâm từ bi và thiền an trụ (shinay) thường được thực hành kết hợp với nhau. Khi bạn kết hợp thiền quán tâm từ bi với thiền an trụ (shinay), bạn không chỉ đạt được lợi ích cho riêng mình mà còn là cho những người khác nữa. Sự tiến bộ chân chính trên đường tu tập bao hàm một nhận thức về việc đồng thời làm lợi ích cho chính mình và người khác.

Trong tâm từ bi có sự hỗ tương qua lại. Khi bạn phát triển sự an định tinh thần và cảm xúc, rồi mở rộng sự an định này thông qua sự hiểu biết đầy bi mẫn về người khác và ứng xử với họ một cách nhân hậu, cảm thông, những mục đích và tâm nguyện của bạn sẽ được thành tựu mau chóng và dễ dàng hơn. Tại sao như thế? Vì nếu bạn đối đãi với người khác bằng từ tâm, với sự hiểu biết là họ cũng có cùng khát vọng được hạnh phúc và xa lánh khổ đau giống như bạn, thì những người quanh bạn sẽ có một cảm giác bị lôi cuốn, muốn giúp bạn như bạn đã giúp họ. Họ sẽ lắng nghe bạn nhiều hơn và sẽ tin cẩn bạn, kính trọng bạn. Những người có thể đã từng cạnh tranh với bạn sẽ bắt đầu kính trọng bạn và quan tâm đến bạn hơn, giúp bạn hoàn thành những công việc khó khăn mau chóng hơn. Những xung đột tự chúng sẽ được giải tỏa dễ dàng hơn, và bạn sẽ tiến triển nhanh chóng hơn trên con đường sự nghiệp. Bạn có thể bắt đầu những quan hệ tình cảm mới mà không rơi vào buồn khổ như trước. Thậm chí bạn có thể lập gia đình hoặc cải thiện những mối quan hệ trong gia đình hiện nay một cách dễ dàng hơn, tất cả đều nhờ vào việc bạn đã “nạp điện vào pin” thông qua tu tập thiền an trụ (shinay) và mở rộng sự “nạp điện” đó qua việc phát triển mối quan hệ nhân hậu hơn, hiểu biết hơn và thông cảm hơn với những người khác. Trong một ý nghĩa, việc thực hành tâm từ bi biểu hiện được sự vận hành của chân lý duyên khởi. Bạn càng mở rộng lòng với người khác thì họ càng mở rộng lòng hơn với bạn.

Khi tâm từ bi bắt đầu được đánh thức trong tim, bạn sẽ có khả năng thành thật với chính mình hơn. Nếu phạm lỗi, bạn có khả năng nhận lỗi và cố gắng sửa lỗi. Đồng thời bạn cũng sẽ bớt khuynh hướng tìm lỗi của người khác. Nếu có ai đó làm điều gì xúc phạm bạn, nếu họ đột nhiên quát tháo hay đối xử tồi tệ với bạn, bạn sẽ nhận thấy (có lẽ với một chút kinh ngạc) là bạn không phản ứng theo cách như xưa nữa.

Một vài năm trước đây, lúc đang hoằng pháp ở châu Âu, tôi đã gặp một phụ nữ. Bà đến gặp tôi để kể cho tôi nghe một vấn đề bất ổn giữa bà với người láng giềng. Nhà họ nằm sát bên nhau, chỉ cách mảnh vườn nhỏ của mỗi người. Dường như người hàng xóm luôn tìm cách làm cho bà bực mình bằng những hành vi nhỏ nhen như ném vật gì qua sân nhà bà, làm hư cây cỏ v.v… Khi bà hỏi tại sao ông lại làm như thế, ông đã trả lời “vì tôi thích chọc phá người khác”.

Tất nhiên, khi những trò công kích vụn vặt này cứ thế tiếp tục, người phụ nữ bắt đầu nổi giận và không cưỡng nổi ý muốn trả đũa cũng bằng những cách nhỏ nhen như vậy. Dần dần, những “cuộc chiến trong vườn” trở nên gay cấn hơn và mối oan cừu giữa hai nhà càng trầm trọng thêm.

Người phụ nữ bộc lộ rõ sự bực bội và hỏi tôi xem bà nên làm gì để giải quyết vấn đề ngỏ hầu có thể sống một cuộc sống an ổn hơn. Tôi khuyên bà nên quán từ bi với người hàng xóm. Bà trả lời:

- Con đã thử cách đó rồi, nhưng không hiệu quả.

Sau khi hỏi bà một lúc về cách hành trì của bà, tôi giải thích rằng thiền quán tâm từ bi không phải chỉ để khơi dậy một cảm giác nồng nhiệt và tử tế đối với một người mà ta thấy là khó thương và đáng giận. Thật ra, nó đòi hỏi một chút tìm hiểu và phân tích động cơ của đối phương, cũng như cố gắng tìm cách thấu hiểu những cảm xúc của người ấy - thấu hiểu rằng, cũng giống như ta, mọi người đều có cùng một khát vọng cơ bản là đạt được hạnh phúc và né tránh khổ đau.

Khi tôi trở lại châu Âu một năm sau đó, bà lại đến gặp tôi, nhưng lần này với nụ cười tươi rất vui vẻ. Bà cho tôi biết mọi việc đã thay đổi. Khi tôi hỏi bà điều gì đã xảy ra, bà kể:
- Con hành trì theo phương pháp thầy dạy năm ngoái, suy nghĩ đến những cảm xúc và động cơ của ông hàng xóm, nghĩa là ông chỉ muốn được hạnh phúc và tránh né khổ đau giống như con. Sau một thời gian, bỗng nhiên con nhận thấy mình không còn sợ ông nữa. Con nhận thấy dù ông có làm gì cũng không thể tổn hại đến con. Dĩ nhiên, ông ta vẫn tiếp tục chọc phá con, nhưng những gì ông làm thực sự không khiến cho con bực bội được nữa. Có vẻ như là nhờ thực hành thiền quán tâm từ bi hướng đến ông ta, con đã phát huy được sự tự tin vào chính mình. Con chẳng cần phải trả đũa hay nổi giận, vì những gì ông ta làm dường như hết thảy đều vô hại và vụn vặt.

Rồi bà kể tiếp:
- Sau một thời gian, ông ấy bắt đầu lúng túng. Khi ông ấy nhận ra rằng không một điều gì ông làm có thể khiến con phản ứng, không những ông thôi không tìm cách chọc phá con, mà ông còn thực sự có vẻ xấu hổ mỗi khi gặp con, và cuối cùng ông thay đổi từ chỗ xấu hổ trở thành rất lịch sự. Một hôm, ông đến nhà con để xin lỗi vì đã quấy nhiễu con. Con nghĩ, theo một cách nào đó, có vẻ như nhờ việc thiền quán tâm từ bi đối với ông, con cảm thấy tự tin hơn và đồng thời chính ông ta cũng dần dần phát triển được sự tự tin. Ông ấy không cần phải làm gì để chứng tỏ quyền lực và khả năng gây hại của mình.

Hầu hết chúng ta không sống cách biệt. Chúng ta sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Nếu bạn muốn cải thiện điều kiện sống của riêng mình, bạn phải phụ thuộc vào người khác để giúp bạn trên con đường tiến triển. Nếu không có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau như thế, bạn sẽ không có thức ăn, không có nhà ở hay một công việc để làm - thậm chí bạn sẽ không thể đi mua cà-phê ở Starbucks! Vì thế, nếu bạn đối xử với người khác một cách bi mẫn và cảm thông, bạn nhất định có thể cải thiện cuộc sống của chính mình.

Khi bạn quan sát mối quan hệ của bạn với thế giới này và cuộc sống của riêng bạn theo cách như vừa nói, bạn sẽ thấy là tâm từ bi có một uy lực cực kỳ mạnh mẽ.

Một lợi ích lớn lao khác của việc phát triển tâm từ bi là thông qua sự hiểu biết về những nhu cầu, sự sợ hãi và khát vọng của người khác, bạn sẽ phát triển một khả năng sâu sắc hơn để hiểu được chính tự thể của bạn, bạn hy vọng được điều gì và né tránh điều gì, cũng như sự thật về bản thể của chính bạn. Và điều này sẽ trở lại có tác dụng hóa giải bất kỳ cảm giác cô đơn hay tự ti nào của bạn. Khi bạn bắt đầu hiểu rằng ai cũng thèm khát hạnh phúc và ghê sợ khổ đau, bạn cũng sẽ bắt đầu thấy mình không còn cô đơn trong những sợ hãi, nhu cầu và khát vọng. Và khi nhận ra điều này, bạn sẽ không còn e sợ người khác, bất cứ ai cũng có thể trở thành bạn hữu, anh em hoặc chị em của mình, vì bạn cùng chia sẻ với họ những sợ hãi, những mong ước, những mục tiêu như nhau. Với sự hiểu biết này, sự giao tiếp thực sự với người khác trên bình diện “từ tâm đến tâm” trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Một trong những điển hình hay nhất về sự giao tiếp cởi mở này được một người bạn Tây Tạng làm nghề lái taxi ở thành phố New York kể lại cho tôi nghe. Một hôm, ông rẽ nhầm vào một con đường một chiều và chạy ngược chiều vào một giờ đông xe. Một người cảnh sát chặn ông lại, đưa ông một tờ giấy phạt và bảo ông phải lên hầu tòa.

Khi ông đến tòa án, một người khác đến trước ông đang giận dữ quát tháo với quan tòa, với người cảnh sát đã ghi giấy phạt ông ta, và cả với những vị luật sư chung quanh nữa. Thái độ xúc phạm của ông ta không giúp ông có được sự cảm thông của tòa án, ông bị thua kiện và phải trả một khoản tiền phạt rất lớn.

Khi đến lượt bạn tôi ra trước quan tòa, ông thư thái mỉm cười, thân thiện chào người cảnh sát đã ghi giấy phạt ông hôm qua và lịch sự hỏi thăm sức khỏe của người này. Ban đầu, người cảnh sát hơi ngạc nhiên, nhưng rồi anh ta đáp lại: “Cám ơn, tôi khoẻ. Còn ông thế nào?” Rồi bạn tôi cũng chào vị quan tòa theo cách lịch sự như thế. Khi phiên tòa bắt đầu, vị quan tòa hỏi bạn tôi:
- Tại sao ông lại rẽ vào đường một chiều?
Bạn tôi giải thích - vẫn rất lịch sự - rằng hôm đó kẹt xe quá, ông đã không thể làm khác hơn được. Vị quan tòa quay sang hỏi người cảnh sát xem lời giải thích đó có đúng hay không. Người cảnh sát thừa nhận là hôm ấy rất kẹt xe và trong hoàn cảnh đó, lầm lỗi của bạn tôi hoàn toàn có thể hiểu được. Thế là vị quan tòa hủy bỏ lời buộc tội và cho bạn tôi đi. Sau đó trong hành lang, người cảnh sát đến trước mặt bạn tôi và bảo: “Anh làm như vậy rất đúng!”

Đối với bạn tôi - và cả với tôi nữa - kinh nghiệm ở phiên tòa ấy là một điển hình thú vị về lợi ích của sự tử tế và tâm từ bi, và sự đối đãi với người khác giống như cách ta muốn được đối đãi chứ không phải như một địch thủ. Ở bất kỳ địa vị xã hội nào, dầu là một tài xế taxi, một nhà chính trị có uy thế, một người lãnh đạo điều hành cao cấp trong công ty... cơ may được hạnh phúc của bạn sẽ tăng lên rất nhiều nếu bạn biết đối xử những người bạn gặp như một người bạn, như một người có cùng những hy vọng và sợ hãi giống như bạn. Hiệu quả của cung cách cư xử này tăng theo cấp số nhân: nếu bạn chỉ có thể gây ảnh hưởng [làm thay đổi] khuynh hướng cư xử hay quan điểm của một người, thì người này sẽ có thể truyền lại hiệu quả thay đổi đó cho một người khác. Nếu bạn có thể chuyển hóa khuynh hướng cư xử của ba người và nếu mỗi người trong số họ lại có thể làm thay đổi thái độ của ba người khác nữa, như vậy là bạn đã thay đổi được cuộc đời của mười hai người. Và phản ứng dây chuyền này sẽ cứ thế mà tiếp tục tăng lên mãi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Phật đời xưa


Thắp ngọn đuốc hồng


Phát tâm Bồ-đề


Chớ quên mình là nước

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.2.191 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...