Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Học Phật Đúng Pháp »» Phần VI. Kệ can ngăn và khuyên dạy của ngài A-nan »»

Học Phật Đúng Pháp
»» Phần VI. Kệ can ngăn và khuyên dạy của ngài A-nan

Donate

(Lượt xem: 3.429)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Học Phật Đúng Pháp - Phần VI. Kệ can ngăn và khuyên dạy của ngài A-nan

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

[Phần này có bảy ý chính.] Thứ nhất, thỉnh Phật trụ thế. Thứ hai, nghi ngờ báng bổ là tội nặng. Thứ ba, nói về quả báo của các tội khác nhau. Thứ tư, nói về quả báo [tốt lành] của việc giữ năm giới. Thứ năm, nói về quả báo của tội nghi ngờ. Thứ sáu, nói về quả báo xấu ác của sự mê tín. Thứ bảy, đưa ra lời khuyên kết lại.

Kinh văn

阿難因而諫頌曰。

A-nan nhân nhi gián tụng viết.

Dịch nghĩa

Ngài A-nan nhân đó liền nói kệ can ngăn [Phật nhập Niết-bàn].

Một câu này nói lên động cơ nói kệ của ngài A-nan. Nói “nhân đó” là nhân vì phần trước đã nói, tự thấy mình may mắn [được gặp Phật] mà thương xót những chúng sinh khác, biết rằng những chúng sinh thời mạt thế thật hết sức khổ não. Như vậy, ngài A-nan không chỉ thay mặt chúng sinh đời mạt thế thỉnh Phật trụ thế, mà hơn thế nữa ngài còn dùng đến thi ca (kệ tụng) để khuyến khích sự tu tập của người đương thời cũng như hàng đệ tử Phật đời sau, nhất thiết phải tin tưởng lời Phật dạy, y theo lời dạy vâng làm.

[Sau câu kinh này là] hai mươi tám đoạn kệ tụng, có thể phân chia làm 7 phần.

Phần 1. Gồm 3 đoạn kệ, thỉnh Phật trụ thế.

Phần 2. Gồm 3 đoạn kệ, nhắc lại tội nặng của sự nghi ngờ, báng bổ.

Phần 3. Gồm 4 đoạn kệ, nói về quả báo khác biệt của các loại tội lỗi.

Phần 4. Gồm 4 đoạn kệ, nói về quả báo [tốt lành] của việc giữ theo năm giới.

Phần 5. Có 3 đoạn kệ, nói về quả báo khổ não của tội nghi ngờ.

Phần 6. Gồm 6 đoạn kệ, nói về quả báo của sự mê tín.

Phần 7. Gồm 5 đoạn kệ, xưng tán ơn Phật lớn lao, khuyến khích việc gieo nhân lành.

1. Thỉnh Phật trụ thế

1.1. Thỉnh Phật trụ thế

Kinh văn

佛為三界護,
恩廣普慈大,
願為一 切故,
未可取泥洹。

Phật vi tam giới hộ,
Ân quảng phổ từ đại,
Nguyện vi nhất thiết cố,
Vị khả thủ Nê-hoàn.

Dịch nghĩa

Ba cõi nhờ Phật chở che,
Ân đức từ bi rộng lớn,
Nguyện vì thương tưởng chúng sinh,
Thế Tôn không nhập Niết-bàn.

Đoạn kệ này là ngài A-nan vì đại chúng mà thỉnh cầu đức Phật trụ thế. Trong mười đại nguyện của ngài Phổ Hiền, nguyện thứ bảy là “thỉnh Phật trụ thế”. Do đó, thỉnh Phật trụ thế chính là bản nguyện của người đệ tử Phật. Có thể nói, Tôn giả A-nan thực sự là đang thực hiện hoằng nguyện lớn lao của đạo Bồ Tát.

Hai câu đầu trong bài kệ nói lên lý do phải thỉnh Phật trụ thế.

“Ba cõi nhờ Phật chở che.” Đức Phật thực sự là bậc che chở cho chúng sinh trong ba cõi sáu đường. Chỉ có Phật mới đủ khả năng làm thành trì che chắn bảo vệ chúng ta, là chỗ nương dựa, cậy nhờ của hết thảy chúng sinh, là chỗ chân chánh để quay về nương theo của hết thảy chúng sinh. Cho nên nói là “ân đức từ bi rộng lớn”. Ân đức từ bi của Phật trùm khắp chúng sinh trong chín pháp giới, hóa độ mọi căn cơ, rộng lớn không cùng tận.

Hai câu sau của bài kệ này là lời khẩn nguyện của ngài A-nan. Trong tâm ngài A-nan khẩn nguyện đức Phật từ bi thương xót, vì hết thảy những chúng sinh khổ não đang chìm đắm trong mê lầm không thể tự mình thoát khổ mà không nhập Niết-bàn, khẩn cầu Phật ở lại dài lâu trong nhân gian.

1.2. Chúng sinh do tội chướng không gặp được Chánh pháp

Kinh văn

值法者亦少,
盲盲不別 真,
痛矣不識者,
罪深乃如是。

Trực pháp giả diệc thiểu,
Manh manh bất biệt chân,
Thống hĩ bất thức giả,
Tội thâm nãi như thị.

Dịch nghĩa

Ít người gặp được Chánh pháp,
Mù tối không phân chánh tà.
Đớn đau thay người không biết,
Tội chướng sâu nặng đến thế.

Đoạn kệ này ngài A-nan nêu ý dạy bảo quở trách chúng sinh. Quở trách thật ra là thương xót, hy vọng chúng sinh có thể sửa lỗi, tự làm trong sạch bản thân mình.

“Ít người gặp được Chánh pháp”, đây là ý nói “Phật pháp khó được nghe”, là do tội chướng của chúng sinh quá sâu nặng, nên cơ duyên được gặp Phật nghe pháp không nhiều. Vì sao như vậy? Vì “mù tối không phân chánh tà”. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển sáu, nói rằng: “Vào thời mạt pháp, cách Phật ngày càng xa, bọn thầy tà thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.” Cũng trong kinh này, quyển chín lại nói: “Bọn quân ma thời mạt pháp vào trong pháp Phật, xuất gia tu đạo... khiến cho người chân chính tu hành rốt lại đều là quyến thuộc của ma.” Đọc qua đoạn kinh văn này, nghĩ đến việc thời nay kẻ thấy biết chân chánh rất ít, ắt phải nghiêm trì giới luật, tu định, khai tuệ, mới có thể theo đường chân chánh.

Nhìn thấu, buông xả, trì giới, niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ, là người có căn cơ bậc thượng thượng. Người có trí tuệ bậc thượng thượng, xả bỏ nơi này mà không rơi vào chúng ma thật rất hiếm có. Ở đây kinh văn nêu ví dụ trong tâm mù mờ, mắt nhìn tối tăm, không phân biệt được pháp Phật chân chánh.

Hai câu kệ sau nói lên ý ngài A-nan, thấy chúng sinh mê muội điên đảo mà sinh lòng thương cảm. Ngài A-nan trong lòng đau xót nhìn thấy chúng sinh tội chướng sâu nặng, tự mình làm chướng ngại duyên lành với Chánh pháp. Chư Phật, Bồ Tát tuy vẫn thường thị hiện trong thế gian, nhưng chúng sinh do không có phước lành nên cho dù có gặp cũng không chịu tin nhận. Lại còn có một số người nhận lấy tà thần, tà pháp mà cho là pháp Phật, không phân biệt được giữa Phật với ma, thật hết sức đau đớn đáng thương.

Vì sao lại không nhận biết được? Quả thật là do sự che chướng của nghiệp tội trong quá khứ quá sâu nặng cho nên mới thành ra như vậy.

1.3. Ít người hoằng pháp, đạo dần dần suy mất

Kinh văn

宿福值法者,
若一 若有兩,
經法稍稍替,
當復何 恃怙。

Túc phúc trực pháp giả,
Nhược nhất nhược hữu lưỡng,
Kinh pháp sảo sảo thế,
Đương phục hà thị hỗ?

Dịch nghĩa

Người đủ phước duyên gặp Pháp,
Trong ngàn muôn chỉ một, hai.
Kinh điển, giáo pháp mất dần,
Còn biết nương dựa vào đâu?

Đoạn này là cuối cùng của phần kệ tụng thứ nhất [gồm 3 đoạn], nói lên việc số người gặp được pháp Phật trong thực tế là rất hiếm hoi. Do đó mà pháp Phật tất nhiên phải dần dần suy mất.

Khổng tử nói: “Người có thể truyền rộng đạo, không phải đạo có thể truyền rộng người.” Nay đạo không có người truyền rộng, làm sao có thể không bị suy mất?

“Người đủ phước duyên gặp Pháp, trong ngàn muôn chỉ một, hai.” Hai câu kệ này nói lên rằng, dù có những người nhờ phước lành đời trước nên được gặp pháp Phật, nhưng bất quá cũng chỉ là một, hai trong số ngàn muôn người. Nếu không có phước lành đời trước thì tất nhiên suốt đời không được nghe biết đến pháp Phật.

Phật dạy rằng: “Thân người khó được, pháp Phật khó được nghe.” Nay hãy nghĩ đến việc chúng ta đều đã được thân người, lại được nghe pháp Phật, nếu tu hành không được kết quả gì thì chẳng phải là đáng tiếc lắm sao?

Trước đây có người hỏi về ý nghĩa của việc [người xuất gia] ngày chỉ ăn một bữa, tôi đáp là làm người nghèo khốn. [Việc hoằng pháp] không nên cầu được nhiều người, mà cốt yếu phải được người tin nhận. Nếu như đi đến đâu cũng cố cầu cho được nhiều người, ắt sẽ khiến người ta không tin tưởng mình, ngược lại còn khởi sinh nghi ngờ chuốc lấy tội nặng. Cho nên, người đệ tử Phật nên nhận lấy những nỗi khổ mà người khác không muốn nhận, nên làm những việc người khác không muốn làm, phải nhẫn nhục, khiêm nhường, chẳng phải vì đó là thanh cao, chỉ vì hết thảy mọi việc trước tiên đều nghĩ đến phải làm lợi lạc chúng sinh mà thôi.

“Kinh điển, giáo pháp mất dần, còn biết nương dựa vào đâu?” Người Phật tử nếu không thể rộng truyền Chánh pháp, tất nhiên Chánh pháp phải dần dần bị bỏ mất. Người Phật tử phải nhận lãnh trách nhiệm hết sức lớn lao trong việc Phật pháp bị bỏ mất.

Phật pháp bị sai lệch, Phật pháp bị bỏ mất, đều là do người được truyền dạy nhưng không tu tập. Cơ duyên giải thoát của chúng sinh bị mất đi rồi, người đời sau còn biết dựa vào đâu để tự cứu tự thoát? Khác nào như đứa trẻ thơ mồ côi cha mẹ, sự khổ não ấy có thể hình dung mà biết được. Đây cũng là nguyên do ngài A-nan thỉnh Phật trụ thế.

Ngày nay chúng ta cách Phật đã xa, may mắn còn được gặp những bậc tri thức, những bậc thầy giỏi, những người đạo đức. Tôi nay cũng như Tôn giả A-nan, hết lòng khẩn cầu chư vị này ở lại thế gian, làm lợi ích cho hàng trời, người, như vậy mới không phụ ơn dạy bảo của Phật, của ngài A-nan.

Mời xem tiếp phần kệ tụng thứ hai, cũng gồm ba đoạn kệ, nói về việc nghi ngờ, báng bổ Phật pháp, khiến cho người khác đối với Phật pháp đánh mất lòng tin, đánh mất cơ duyên phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, như vậy là tạo thành tội nặng.

2. Nghi ngờ báng bổ là tội nặng

2.1. [Chúng sinh do tội chướng không được nghe pháp]

Kinh văn

佛恩非不大,
罪由眾生故,
法鼓震三千,
如何 不得聞。

Phật ân phi bất đại,
Tội do chúng sinh cố,
Pháp cổ chấn tam thiên,
Như hà bất đắc văn?

Dịch nghĩa

Ơn Phật lớn lao trùm khắp,
Chỉ do tội chướng chúng sinh.
Trống Pháp rền vang khắp cõi,
Vì sao vẫn không được nghe?

Bài kệ tụng thứ nhất trong phần này nói trường hợp giáo pháp được diễn giảng nhưng chúng sinh vẫn không được nghe. Phật thuyết pháp độ sinh, ân đức lớn lao trùm khắp. Nếu Phật không thuyết pháp, đối với chúng sinh ắt không có ân đức gì. Chỉ đáng tiếc là quả thật chỉ do chúng sinh nhiều nghiệp tội, tự mình tạo ra, đó là bám chấp, là vọng tưởng, tự vạch ra giới hạn cho chính mình, lại tự trói buộc, ngăn cách với đạo lớn của thánh nhân. Trong kinh Lăng Nghiêm gọi đây là “nhận chút bọt nước mà bỏ cả biển lớn”.

Hai câu sau của bài kệ nói, chư Phật, Bồ Tát trong mười phương ba đời, không một lúc nào, không một nơi nào không thuyết giảng giáo pháp, tiếng thuyết pháp của các ngài như tiếng trống lớn vang rền, vang xa khắp đại thiên thế giới, nhưng do chúng sinh bị nghiệp tội che chướng bản tánh nên không thể nghe được. Đây chính là “ngàn dặm sông nước, ngàn dặm trăng soi”, nhưng nếu trên mặt sông nổi sóng ắt không còn thấy được bóng trăng. “Mặt nước” trong tâm chúng sinh cũng vậy, mặt nước tâm thanh tịnh ắt nghe được âm thanh Phật pháp, mặt nước tâm loạn động ắt không thể nghe được lời thuyết pháp.

Vào đời Tùy, Đại sư Thiên Thai Trí Giả tự thân nhìn thấy Pháp hội Linh Sơn vẫn còn chưa tan, đó là một minh chứng. Cho nên, trong kinh Phật để xác tín thường chỉ nói “một thời” mà không nói đến ngày tháng năm cụ thể, ý nghĩa cũng là như vậy.

2.2. [Người đời tự sa đọa]

Kinh văn

世 濁多惡人,  
還自墮顛倒,
諛諂諀訾聖, 
邪媚毀正真。

Thế trược đa ác nhân,
Hoàn tự đọa điên đảo,
Du siểm tỉ ti thánh,
Tà mị hủy chính chân.

Dịch nghĩa

Đời ô trược nhiều xấu ác,
Điên đảo nên tự sa đọa.
Siểm nịnh, chê bai bậc thánh,
Tà mị hủy hoại chánh chân.

Đoạn kệ tụng này nói việc người đời tự mình sa đọa, tạo tội hủy báng Phật pháp. “Đời ô trược” là nói thế gian có năm sự uế trược, nhiều người tạo mười nghiệp xấu ác. Những người như vậy nhất định đều là tự mình sa đọa. Cho nên trong kinh nói rằng: “Điên đảo nên tự sa đọa.” Lời tục nói: “Người tìm về nơi cao, nước chảy về chỗ thấp.” [Kinh Dịch nói:] “Vật cùng loài họp nhau thành bầy, người hợp ý phân chia thành phần.” Nhưng tham dục làm tâm mê muội, lợi lộc khiến trí hôn ám, trong mảnh ruộng tám thức của chúng sinh, các hạt giống tập khí xấu ác đặc biệt rất nhiều, hơn nữa còn vô cùng mạnh mẽ, cho nên một khi gặp duyên xấu ác liền giống như nước tự nhiên chảy về chỗ thấp, họ cũng điên đảo thác loạn, càng sa đọa càng lún sâu.

“Siểm nịnh” là chỉ những kẻ vào trong Phật pháp để phá hoại Phật pháp, thật ra họ chỉ vì danh tiếng, lợi dưỡng mà thôi nhưng giả cách như phụng sự đạo Phật.

Kinh văn dùng chữ “tỉ ti thánh” (諀訾聖), tỉ (諀) là nói lời độc ác, ti (訾) là chê bai hủy báng, nói chung là cố ý báng bổ Phật pháp, hủy báng các bậc thánh hiền. Nhưng thật ra, tâm ý của chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh hiền vốn sáng chói như mặt trời, mặt trăng, làm sao có thể gây tổn hại được? Người mê muội không có trí tuệ, muốn dùng tà pháp trái lẽ thường để hủy diệt chân lý chánh pháp. Nên biết rằng, chân lý chánh pháp nhất định không thể diệt mất, không phải tà pháp có thể thắng được chánh pháp, bất quá chỉ là nhất thời che ám, khiến người ta mê hoặc mà thôi. Kết quả nhất định là [kẻ xấu ác phải] tự làm tự chịu.

Trong đời mạt pháp này, thường thấy những kẻ tà kiến tin theo tà đạo, đông đảo hơn rất nhiều so với những người tu học chánh pháp Phật pháp. Đó là mê muội không phân biệt được chánh tà. Quả thật rất đáng thương xót.

Mời xem tiếp đoạn kệ cuối cùng trong phần này.

2.3. Tội càng thêm tội

Kinh văn

不信世有佛,
言佛非大道,
是人是非人,
自作眾罪本。

Bất tín thế hữu Phật,
Ngôn Phật phi đại đạo,
Thị nhân thị phi nhân,
Tự tác chúng tội bản.

Dịch nghĩa

Không tin trong đời có Phật,
Nói Phật pháp không Chánh đạo.
Kẻ ấy không xứng là người,
Tự tạo gốc mọi tội lỗi.

Những kẻ tà kiến không tin rằng trong đời này có Phật. Phật là bậc đại trí, đại giác, nhưng họ cho rằng pháp Phật không phải là chánh đạo. Khổng tử nói: “Biết nói là biết, không biết nói là không biết, như vậy mới thật là biết.” Đối với giáo nghĩa trong kinh Phật, nếu như chưa am hiểu được mà nói rằng Phật pháp không phải chánh đạo thì chính là những kẻ cuồng si mê vọng.

Lục tổ của Thiền tông [Trung Hoa] khi khai thị cho thiền sư Pháp Đạt dạy rằng: “Phật nghĩa là giác. Phân ra bốn môn: Khai mở tri kiến giác, chỉ bày tri kiến giác, nhận ra tri kiến giác, và nhập vào tri kiến giác. Nếu nghe lời khai mở, chỉ bày, liền có thể nhận ra, nhập vào, chính là tri kiến giác, chân tánh xưa nay liền xuất hiện. Ông phải cẩn thận đừng hiểu sai ý kinh, thấy trong kinh nói những việc khai mở, chỉ bày, nhận ra, nhập vào mà cho đó chỉ là tri kiến của Phật, còn mình không có phần. Nếu hiểu như vậy tức là báng bổ kinh, chê bai Phật. Nếu đã là Phật, có đủ tri kiến, cần gì khai mở? Nay ông phải tin rằng, tri kiến Phật là chỉ tự tâm ông, không có Phật nào khác nữa.”

Do đó có thể biết rằng, Phật pháp thật là chánh pháp, chân pháp, đại pháp của tự tánh, vì sao lại không tin? Những kẻ không tin [vào Phật pháp], tuy mang đầy đủ vóc dáng con người nhưng thật ra đã đánh mất nhân cách căn bản rồi. Nhân cách của Nho gia là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; nhân cách trong Phật pháp là năm giới với mười nghiệp lành.

Vất bỏ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, phạm vào năm giới cấm, lấy chỗ không biết gượng cho là biết, cố chấp vào vọng tưởng phân biệt của chính mình, mê lầm rơi vào tư tưởng tà kiến, nói năng hành động tà ác, đó chính là căn bản của mọi tội nghiệp nặng nề.

“Tự tạo gốc mọi tội lỗi.” Tự tạo là nói tự tạo ra nhân xấu ác, gốc mọi tội lỗi là nói quả báo khổ não trong ba đường ác. Do đó có thể biết rằng, hết thảy mọi nguồn gốc tội lỗi xấu ác ở thế gian đều do không tin Phật pháp mà khởi sinh.

Mời quý vị xem tiếp kinh văn, phần kệ tụng thứ ba gồm bốn đoạn kệ, nói rõ quả báo của các tội lỗi khác nhau, mong mọi người hãy suy ngẫm thật sâu sắc.

3. Quả báo các tội khác nhau

3.1. [Quả báo chung nơi địa ngục]

Kinh văn

命盡往無擇,
刀劍解身形,
食鬼好伐殺,
鑊湯涌其中。

Mệnh tận vãng vô trạch,
Đao kiếm giải thân hình,
Thực quỷ háo phạt sát,
Hoạch thang dũng kì trung.

Dịch nghĩa

Chết đi làm quỷ không nhà,
Đao kiếm cắt xẻo thân thể.
Thực quỷ hung hăng chém giết,
Bị ném vào trong chảo nóng.

Đoạn kệ này là nói về quả báo chung trong địa ngục, nói rằng những ai phạm vào các tội nặng như đã nói ở đoạn trước, sau khi chết ắt phải đọa làm quỷ không nhà. “Không nhà” ở đây chỉ địa ngục Vô gián, trong kinh Lăng Nghiêm và kinh Địa Tạng đều có mô tả chi tiết rõ ràng.

Ba câu kệ sau nói về những hình phạt khổ não trong địa ngục, có núi đao rừng kiếm. “Thực quỷ” là chỉ chung các quỷ đầu trâu mặt ngựa, ác quỷ dạ xoa. Các quỷ này tính tình hung bạo, ưa giết hại. “Chảo nóng” là chỉ vạc dầu sôi nóng.

3.2. [Quả báo của tội tham dâm]

Kinh văn

婬泆抱銅柱,  
大火相燒然。
誹謗清高士,  
鐵鉗拔其舌。

Dâm dật bão đồng trụ,
Đại hỏa tương thiêu nhiên.
Phỉ báng thanh cao sĩ,
Thiết kiềm bạt kỳ thiệt.

Dịch nghĩa

Kẻ tham dâm, ôm trụ đồng,
Bị lửa dữ thường thiêu đốt.
Phỉ báng những bậc cao quý,
Bị kiềm sắt kẹp rút lưỡi.

Hai câu kệ đầu tiên trong đoạn này nói về quả báo của những kẻ tà dâm. Ôm trụ là hình dạng giống như [kẻ đang hành dâm], lửa thiêu là chiêu cảm [từ lửa dục]. Cho nên, tội báo thực sự là do tập khí trong tự tâm mình chiêu cảm mà thành.

Hai câu kệ tiếp theo sau nói về quả báo của tội phỉ báng, đọa vào địa ngục rút lưỡi. Con người chỉ vì không biết chuyện tốt xấu, thiện ác nên mới tạo khẩu nghiệp [như vậy]. Nếu biết rõ nhân quả thiện ác báo ứng, ắt có thể tránh xa tà vạy, quay về chánh đạo, gần gũi những bậc hiền thiện.

“Bậc cao quý” là chỉ những bậc cao tăng xuất gia, hàng cư sĩ tại gia cao quý, cũng chính là những bậc thầy hiền thiện, đạo đức.

3.3. [Quả báo của tội uống rượu say sưa]

Kinh văn

亂酒無禮節,  
迷惑失人道。
死入 地獄中,  
洋銅沃其口。

Loạn tửu vô lễ tiết,
Mê hoặc thất nhân đạo,
Tử nhập địa ngục trung,
Dương đồng ốc kỳ khẩu.

Dịch nghĩa

Say rượu bỏ mất lễ tiết,
Si mê mất đạo làm người,
Chết phải đọa vào địa ngục,
Nước đồng sôi rót vào miệng.

Đoạn kệ này nói về quả báo của tội uống rượu say sưa. Uống rượu say sưa là cửa vào của sự buông thả phóng túng. Đức Phật biết rõ đó là cội gốc của khổ não nên [trong năm giới cấm] đã dạy người phải tránh xa. Ăn thịt [chúng sinh] là diệt mất hạt giống đại từ, đức Phật biết rõ đó là nhân giết hại nên dạy người ăn chay, nuôi lòng từ bi hiền thiện, cảm được thọ mạng lâu dài, chính là bố thí sự an ổn không sợ hãi [cho chúng sinh].

Đến như trong Giáo pháp của Phật cũng có lẽ quyền nghi phương tiện, có lẽ chân thật rốt ráo. Quyền biến thì dẫn dắt dần dần, chấp nhận lỗi nhẹ để trừ lỗi nặng, ban đầu tuy nói rằng [lỗi nhẹ ấy là] không phạm nhưng dựa vào lý lẽ che chướng thì không phải là không có lỗi. Theo lời dạy chân thật rốt ráo thì dù lỗi nặng hay nhẹ cũng đều ngăn cấm, trước sau đều trong sạch không phạm, đó gọi là trì giới.

Năm giới trong Phật pháp, đối với bốn giới “sát, đạo, dâm, vọng” (giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối) thì đại chúng đều tin nhận không nghi ngại. Riêng đối với giới cấm uống rượu, có người cho rằng việc uống rượu tự nó không thể xem là lỗi lầm gì cả, mà quả thật cũng đúng như vậy. Cho nên, bốn giới vừa nêu trước gọi là “tánh tội” (性罪), riêng giới cấm uống rượu gọi là “già tội” (遮罪). Chữ “già” (遮) có nghĩa là ngăn trước, phòng ngừa, ý nói ngăn ngừa việc sau khi uống rượu có thể sẽ phạm vào cả bốn giới trước. Cho nên việc uống rượu, nhất là uống đến say sưa, được kể là giới cấm nghiêm trọng.

Kinh văn trong câu kệ thứ nhất nói việc uống rượu say dẫn đến thái độ hành vi thất lễ, câu kệ thứ hai nói việc đánh mất đạo làm người. Đạo làm người chính là năm giới cấm. Phạm vào năm giới cấm là đánh mất đạo làm người.

Hai câu kệ sau là nói về quả báo đọa vào địa ngục có nước đồng sôi.

3.4. [Quả báo chung của việc hủy phạm năm giới]

Kinh văn

遭逢眾厄難,  
毒痛不可言,
若生還為人,  
下賤貧窮中。

Tao phùng chúng ách nạn,
Độc thống bất khả ngôn,
Nhược sinh hoàn vi nhân,
Hạ tiện bần cùng trung.

Dịch nghĩa

Thường gặp đủ mọi tai nạn,
Đau đớn không sao nói hết.
Nếu được sinh lại làm người,
Phải chịu nghèo khốn hèn hạ.

Đoạn kệ này là tổng kết lại những quả báo khổ não của việc phạm vào năm giới cấm.

Hai câu kệ đầu nói về khổ não trong ba đường ác, thật không thể nói hết. Hai câu kệ sau nói việc sau khi nhận chịu tội báo trong ba đường ác đã xong rồi, ví như có được sinh trở lại trong cõi người, thì do tập khí quả báo xấu ác vẫn chưa dứt hết nên sẽ chiêu cảm phải chịu quả báo làm người nghèo khốn hèn hạ. Lẽ cảm ứng rõ ràng sáng tỏ như thế, quả thật rất đáng sợ. Người học Phật ắt phải hiểu rõ lẽ này, biết rõ việc này, sau đó mới có thể tìm lành lánh dữ.

Phần trên đã giảng xong hậu quả của việc phạm vào năm giới cấm. Kinh văn kể từ câu đầu tiên của dòng thứ tư trang 10 “Không giết hại, được sống lâu” trở đi là phần thứ tư, có bốn đoạn kệ tụng, nói rõ phước báo của việc giữ năm giới.

4. Quả báo tốt lành của việc giữ năm giới

4.1. [Quả báo của việc không giết hại, không trộm cướp]

Kinh văn

 不殺得長壽,  
無病常康強;
不盜後大富, 
 錢財恒自滿。

Bất sát đắc trường thọ,
Vô bệnh thường khang cường.
Bất đạo hậu đại phú,
Tiền tài hằng tự mãn.

Dịch nghĩa

Không giết hại, được sống lâu,
Thân không bệnh, thường khỏe mạnh.
Không trộm cướp, sau được giàu,
Chuyện tiền bạc luôn đầy đủ.

Hai câu kệ đầu tiên nói về quả báo thù thắng của việc không giết hại. Chúng ta đều biết rằng, bất kỳ sinh vật nào có máu huyết thì nhất định đều có sự tri giác, nhận biết. Đã có tri giác nhận biết ắt cùng một thể tánh. Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: “Như Lai thường nói, các pháp khởi sinh đều do tâm hiển hiện. Hết thảy nhân quả, các thế giới nhiều như bụi nhỏ, đều từ nơi tâm mà thành thể, trong đó thậm chí là cọng cỏ lá cây, xét đến cùng đều có tánh thể.”

Đối với sự sống không gây tổn hại, đó mới thực sự là từ bi. Đem tâm từ bi bình đẳng chân thật mà nuôi dưỡng sự sống, tự nhiên sẽ được quả báo sống lâu, khỏe mạnh, không bệnh tật. Người đệ tử Phật không chỉ là không giết hại mà còn phải ăn chay, phóng sinh. Đó mới là suy mình biết người, là việc thiện tốt nhất biết yêu người thương vật. Đệ tử Phật cũng là người thấu hiểu đạo dưỡng sinh hơn hết trong đời. Ăn chay thực sự là thực hành đủ các phép vệ sinh (bảo vệ sinh lý khỏe mạnh), vệ tính (bảo vệ tính tình lành mạnh), vệ tâm (bảo vệ tâm lý lành mạnh), cho nên quả báo không bệnh, khỏe mạnh, sống lâu chính là kết quả tất nhiên phải có. Nếu chúng ta muốn được không bệnh, khỏe mạnh, sống lâu thì phải nuôi dưỡng tâm từ bi bình đẳng, không giết hại, thực hành phóng sinh, ăn chay trường.

Hai câu kệ tiếp theo nói về quả báo tốt lành của việc không trộm cướp.

Người học đạo trước tiên cần phải biết đủ, an ổn trong cảnh nghèo vẫn vui với đạo hạnh, dùng trí tuệ thanh tịnh mà rộng làm việc bố thí. Bố thí tiền tài thì ngày sau được giàu sang, bố thí pháp thì ngày sau được trí tuệ, bố thí sự an ổn không sợ sệt thì ngày sau được khỏe mạnh sống lâu.

Trong Giới kinh dạy rằng: “Vàng bạc đồ quý của người khác, cho đến dù chỉ một cây kim, cọng cỏ, không cho thì không được lấy.” Nếu là tài vật của thường trụ, của chính phủ, của dân chúng, hết thảy mọi vật, hoặc cướp đoạt lấy, hoặc trộm lấy, hoặc lừa bịp để lấy, thậm chí cho đến khai gian trốn thuế v.v... cũng đều là phạm tội trộm cắp.

Trộm cắp mà lấy được của người, đó là trong vận số [nhân quả] của bản thân mình đã sẵn có. Nếu không phải vậy, dù có dùng mọi cách xảo trá trộm cắp cũng không thể lấy được gì. Cho nên lời xưa nói rằng: “Người quân tử thấy vui được làm quân tử, kẻ tiểu nhân luôn thấy mình oan uổng phải làm tiểu nhân.” Lời này quả thật là rõ biết vận mạng [nhân quả]. Cho nên, người không trộm cắp, thường bố thí, được quả báo tiền tài sử dụng không thiếu.

Thương thay! [Đã biết lẽ nhân quả như vậy thì] vì sao phải khổ nhọc thấy tiền tài khởi tâm trộm cắp?

4.2. [Quả báo của việc dứt trừ dâm dục]

Kinh văn

不婬香清淨,  
身體鮮苾芬,
光影常奕奕,  
上則為大王。

Bất dâm hương thanh tịnh,
Thân thể tiên bật phân.
Quang ảnh thường dịch dịch,
Thượng tắc vi đại vương.

Dịch nghĩa

Không dâm là hương thanh tịnh,
Thân thể thơm tho tươi đẹp.
Thần sắc thường luôn sáng láng,
Đời sau được ở ngôi vua.

Đoạn kệ này nói về quả báo thù thắng của việc giữ giới không dâm dục. Hai câu kệ đầu tiên nói rõ việc không dâm dục chiêu cảm được quả báo thân thể tươi đẹp tinh khiết thơm tho, ý nói là hương thơm sắc đẹp được người xa biết đến.

“Thần sắc thường luôn sáng láng”, ý nói đến phong độ, phong thái, cũng chính là thần khí, tinh thần. Kinh văn dùng chữ “dịch dịch” (奕奕) nghĩa là to lớn, vĩ đại, nhưng ở đây phải hình dung mô tả thần sắc sáng láng người khác không thể sánh bằng.

“Đời sau được ở ngôi vua.” Ngôi vua là nói bậc quốc chủ, lãnh đạo, cao quý nhất trong nước, là tước vị cao nhất của con người. Đây là nói quả báo của người không dâm dục, nhờ phước đức có được mà sinh trong loài người có thể chiêu cảm được ngôi vua cao quý.

Trong kinh Phật dạy rằng, thân dứt trừ dâm dục thì được sinh lên ba tầng trời cao của Dục giới. Đó là cõi trời Đâu-suất, cõi trời Hóa Lạc và cõi trời Tha hóa Tự tại. Tâm dứt trừ dâm dục ắt được sinh lên cõi trời Sắc giới, Vô sắc giới, cõi trời Tứ thiền, cõi trời Tứ không. Điều này cũng có thể hiểu là được quả báo thù thắng sinh lên cõi trời làm vị Thiên vương.

4.3. [Quả báo của việc không nói dối, không uống rượu]

Kinh văn

至誠不欺詐,  
為眾所奉承;
不醉後明了,  
德慧所尊敬。

Chí thành bất khi trá,
Vi chúng sở phụng thừa.
Bất túy hậu minh liễu,
Đức tuệ sở tôn kính.

Dịch nghĩa

Tâm chí thành, không dối trá,
Vì khắp đại chúng phụng sự.
Không say sưa, trí sáng suốt,
Bậc trí đức được tôn kính.

Hai câu kệ đầu tiên là nói về quả báo của việc không nói dối.

Đức Phật là bậc tôn quý nhất trong ba cõi, nhưng ngài vẫn vì hết thảy thánh hiền, trời, người, chúng sinh muôn loài mà phụng sự, không hề có sự phân biệt, đó là thành tín.

Tâm chí thành chính là chân tâm, là chân như bản tánh, ắt phải hiểu sâu hiểu rõ lẽ nhất chân, ngộ nhập vào cảnh giới thật tướng duy nhất, sau đó mới có thể đạt đến mức cùng cực chí thành, không dối trá lừa gạt, cũng chính là lòng từ không điều kiện và tâm đại bi đồng thể.

Cho nên, người mới học đạo nhất định phải từ chỗ thành tín mà khởi tu. Trước hết tu tập tâm địa quang minh chính đại, hết thảy việc làm không có gì phải che giấu người khác, ngay trong đó đã có đủ niềm pháp hỷ chân thường.

Câu kệ thứ hai ý nói, người có tâm thành tín không dối lừa, ắt được hết thảy đại chúng ủng hộ. Đại chúng đã kính thuận vâng theo thì không việc gì không làm được. Người Phật tử muốn noi gương Phật cứu độ chúng sinh, trước tiên phải tu tâm thành tín.

Hai câu sau của đoạn kệ này nói về quả báo tốt lành của việc không uống rượu.

Người đệ tử Phật “nguyện được trí tuệ chân thật sáng suốt”, mà không uống rượu chính là giữ gìn thân tâm thanh tịnh, định tuệ tròn đầy sáng suốt, cứu độ giáo hóa tất cả chúng sinh, làm người đạo đức trí tuệ, được đại chúng tôn kính.

Đoạn kệ tiếp theo bên dưới nói về quả báo thù thắng, được năm phúc lành cùng đến.

4.4. Quả báo năm phúc lành cùng đến

Kinh văn

五福超法出,
天人同儔類,
所生億萬倍,
真諦甚分明。

Ngũ phúc siêu pháp xuất,
Thiên nhân đồng trù loại.
Sở sinh ức vạn bội,
Chân đế thậm phân minh.

Dịch nghĩa

Năm phúc lành vượt thế gian,
So cùng chư thiên không khác.
Tăng tiến gấp muôn ngàn lần,
Nhân quả hết sức rõ ràng.

Năm phúc lành theo như trong kinh này mà nói thì gồm có: Thứ nhất, được sống lâu. Thứ hai, vô cùng giàu có. Thứ ba, tâm thanh tịnh, an ổn không lo buồn. Thứ tư, được nhiều người tôn kính, ủng hộ. Thứ năm, có đủ đức hạnh và trí tuệ.

Trong năm phúc lành này, bốn điều kể trước là quả phúc được hưởng, điều cuối cùng là nhân tạo thành phúc.

“Tăng tiến gấp muôn ngàn lần” là nói việc tu nhân được quả, đời đời kiếp kiếp được phúc lành, thọ mạng dài lâu, thảy đều không cùng tận.

Kinh văn dùng “chân đế” để chỉ việc giữ năm giới là nhân, được hưởng phúc là quả, nhân quả hết sức rõ ràng minh bạch.

Tiếp theo là phần thứ năm gồm ba đoạn kệ tụng, nói rõ việc những kẻ ngu si xấu ác, nghi ngờ lời Phật dạy về tội phúc, quả báo, nghi ngờ lời dạy của bậc thánh, đó là tự sinh chướng ngại lớn lao. Cho nên nói rằng [nghi ngờ] là một trong các phiền não căn bản.

5. Quả báo của sự nghi ngờ lẽ tội phúc

5.1. [Hậu quả của những kẻ không tin, nghi ngờ]

Kinh văn

末世 諸惡人,  
不信 多狐疑,
愚癡不別道,  
罪深更逮冥!

Mạt thế chư ác nhân,
Bất tín đa hồ nghi,
Ngu si bất biệt đạo,
Tội thâm cánh đãi minh.

Dịch nghĩa

Kẻ xấu ác đời mạt thế,
Thiếu lòng tin, thường nghi ngờ,
Ngu si không phân rõ đạo,
Tội nặng càng thêm mê mờ.

Đoạn kệ này nói về hết thảy chúng sinh tạo nghiệp ác trong thời mạt pháp, đối với những lời giảng dạy của chư Phật, Bồ Tát về sự lý nhân quả, là sự thật rõ ràng, nhưng vẫn hồ nghi không tin nhận. Thật ra, đối với người thế gian tạo mười nghiệp ác, không tin lời Phật dạy, không bước vào cửa Phật, thì [sự nghi ngờ của họ] xét về tình còn có thể lượng thứ, nhưng đối với những người xuất gia làm đệ tử Phật mà vẫn không tin nhân quả, lừa dối người đời, phá Phật diệt pháp, những người ấy mới quả thật là đại ác trong tất cả những kẻ ác.

Người tại gia không tin theo năm giới, hồ nghi về đạo lý nhân quả báo ứng, đem lòng gian xảo mưu mô để cầu được giàu sang phú quý, sống lâu, đâu biết rằng dù một miếng cơm ngụm nước, không có gì mà không do nhân quả định trước, cho nên họ thật phí công uổng sức mưu cầu.

Người xuất gia không tin có chư thiên ra sức hộ pháp, hoài nghi việc Phật phóng quang hóa độ, thường chỉ mong cầu lợi dưỡng, tâm ý không ở trong đạo pháp thì có thể thành tựu được gì?

“Ngu si không phân rõ đạo.” Ngu là kẻ không có trí tuệ, si là người mê muội không giác ngộ. Người ngu si không có khả năng phân biệt chân vọng, thị phi, thiện ác, ý nghĩa nhân quả lợi hại, chỉ dùng tâm xảo trá hư ngụy mưu mô để mưu việc, quả thật là tội càng thêm tội, tương lai ngày càng đen tối u ám hơn. Cho nên ngài A-nan mới nói là: “Tội nặng càng thêm mê mờ.”

5.2. [Quả báo ngăn trở Chánh pháp]

Kinh văn

蔽聖毀正覺,  
死入大鐵城,
識神處其中,  
頭上戴鐵輪。

Tế thánh hủy chánh giác,
Tử nhập đại thiết thành,
Thức thần xử kì trung,
Đầu thượng đái thiết luân.

Dịch nghĩa

Chướng bậc thánh, phá Chánh đạo,
Chết đọa vào đại thiết thành.
Thần thức giam hãm trong đó,
Trên đầu đội vòng sắt nóng.

Đoạn kệ này nói về quả báo chiêu cảm do việc phá hoại sự rộng truyền Phật pháp, gây chướng ngại sự tu tập của người khác. Bất kể là người tại gia hay xuất gia, bốn chúng đệ tử Phật đều phải thường xuyên tự xét thân tâm mình, liệu có những tâm niệm xấu ác như vậy hay không? Liệu có che mờ lương tâm của chính mình, hủy hoại tri kiến Phật của chính mình hay không?

Xét theo chỗ này thì điểm then chốt đích thực trong sự tu hành ắt phải như cư sĩ Giang Vị Nông từng nói, đối với giáo nghĩa phải cầu hiểu sâu xa trọn vẹn, sau đó mới mong có thể ngộ nhập được vào tri kiến Phật. Nếu không như vậy, sự lỗi lầm thế này là khó lòng tránh khỏi.

Ba câu kệ tiếp theo là nói về quả báo của việc gây chướng ngại giáo pháp của bậc thánh, hủy diệt ngọn đèn Chánh giác dẫn dắt hai cõi trời người, dứt mất pháp thân tuệ mạng của người khác. Nghiệp tội đó là nặng nề nhất, quả báo phải đọa vào địa ngục Vô gián.

“Chết đọa vào đại thiết thành, thần thức giam hãm trong đó, trên đầu đội vòng sắt nóng.” Đọa vào trong địa ngục, đó là thần thức của chính mình đọa vào. Thần thức, người đời thường gọi là “linh hồn”. Trên đầu phải đội một vòng sắt nóng bốc lửa lớn, đó là quả báo do tội nhân tự chiêu cảm.

Người Phật tử nên biết, thân này huyễn ảo vô thường, bất quá cũng chỉ là mấy mươi năm nóng lạnh, việc gì phải tìm cầu chạy theo năm món dục, lưu luyến sáu trần cảnh, tạo bao nghiệp tội, chiêu cảm nhận chịu vô số quả báo xấu ác? Người có trí tuệ không làm như vậy.

Đức Phật thường dạy đệ tử phải ít ham muốn, tự biết đủ, ưa thích làm thiện bố thí, đem đạo giải thoát chân chánh truyền rộng cho người khác, như vậy mới có thể hết sức làm được việc rộng độ muôn người, nhất định không dám vì chỗ tham muốn riêng tư của mình mà làm chướng ngại giáo pháp bậc thánh để phải nhận lấy tội báo xấu ác nặng nề như vậy.

Bài kệ tiếp theo nói về trạng huống khổ não trong địa ngục.

5.3. [Nỗi khổ trong địa ngục]

Kinh văn

求死不得死,  
須臾已變形,
矛戟相毒刺,  
軀體恒殘截。

Cầu tử bất đắc tử,
Tu-du dĩ biến hình,
Mâu kích tương độc thứ,
Khu thể hằng tàn tiệt.

Dịch nghĩa

Cầu chết nhưng không được chết,
Trong chốc lát lại biến hình,
Giáo, kích thay nhau đâm vào,
Thân thể thường bị cắt nát.

Câu kệ thứ nhất nói về mạng sống [của tội nhân] trong địa ngục Vô gián là liên tục không gián đoạn, không thể cắt đứt (mạng vô gián). Câu thứ hai nói thân hình, hình thể không gián đoạn, không thể mất đi (hình vô gián). Câu thứ ba nói về sự chịu đựng khổ não không gián đoạn (khổ vô gián). Câu cuối cùng nói về thời gian không gián đoạn, thường luôn như vậy (thời vô gián).

Bốn câu kệ này đã nói lên được trạng huống khổ não của cảnh giới địa ngục. Nếu quý vị muốn hiểu rõ thêm chi tiết tường tận về nhân duyên quả báo địa ngục thì có thể tham khảo kinh Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện, hoặc kinh Lăng Nghiêm, cả hai kinh này đều có sự giảng giải rõ ràng chi tiết.

Kính mời xem tiếp kinh văn, sáu đoạn kệ tiếp theo bên dưới nói về quả báo xấu ác của sự mê tín, tà kiến, người Phật tử không thể không rõ biết.

6. Quả báo xấu ác của sự mê tín, tà kiến

Phần này nói về những quả báo xấu ác do sự mê tín chiêu cảm. Kinh văn có sáu bài kệ, chia ra năm ý.

Ý thứ nhất, bài kệ thứ nhất, nói rõ sự mê tín tà kiến là nguyên nhân của mọi điều ác.

Ý thứ hai, bài kệ thứ hai, nói rõ đủ mọi quả báo khổ hình ở địa ngục.

Ý thứ ba, bài kệ thứ ba và một nửa bài kệ thứ tư (sáu câu), nói rõ việc sau khi nhận chịu khổ báo ở địa ngục xong rồi, tái sinh làm người, do tập khí ác báo vẫn chưa dứt hết nên sinh ra đời khiếm khuyết các giác quan, hoặc phải sinh ở những nơi xa xôi hoang vắng, gặp đủ mọi tai nạn.

Ý thứ tư, một nửa bài kệ thứ tư và bài kệ thứ năm (sáu câu), nói rõ cảnh khổ của việc sau khi nhận chịu quả báo ở địa ngục xong rồi lại phải sinh vào cảnh giới súc sinh.

Ý thứ năm, bài kệ thứ sáu, tổng kết lại về ba điều rất khó.

6.1. [Những việc mê tín của người đời]

Kinh văn

奈何世如是,
背正信鬼神,
解奏好卜問,
祭祀傷不仁。

Nại hà thế như thị,
Bội chính tín quỷ thần,
Giải tấu háo bốc vấn,
Tế tự thương bất nhân.

Dịch nghĩa

Người đời vì sao như thế!
Trái chánh đạo, tin tà thần.
Cầu giải tội, ưa bói, xăm,
Cúng tế vật mạng, bất nhân.

Bài kệ này nói rõ sự mê tín, tà kiến, chính là nguyên nhân của các nghiệp xấu ác.

“Vì sao như thế” là ý cảm thán của ngài A-nan, vì sao thế gian lại đến nỗi như thế này! Chúng sinh đều trái nghịch đạo Chánh giác, hiểu biết sai lầm, kiến giải tà vạy, ngược lại mê tín tin theo quỷ thần.

Phật dạy rằng, hết thảy quỷ thần nói chung có thể phân ra từ Tứ vương thiên cho đến quỷ ngục trong ba đường, đều không ra ngoài sáu nẻo luân hồi. Chỗ thấy biết của họ chưa chân chánh, năng lực có giới hạn, sự hiểu biết thì đa phần sai lầm, chỉ có thể nên kính trọng họ, không thể kính ngưỡng tin theo. Khổng tử nói: “Nên cung kính quỷ thần mà tránh xa.” Tả truyện chép việc Trang Công vào năm thứ 32 cũng có nói: “Đất nước sắp được hưng thịnh thì có thần minh giáng hạ, là để xét chỗ đức độ. Lúc sắp diệt vong cũng có thần giáng hạ, là để xem chỗ xấu ác.” Cho nên, thần giáng hạ cũng có thể hưng thịnh, cũng có thể suy vong. Đất nước sắp được hưng thịnh [nhờ người lãnh đạo] lắng nghe nơi người dân. Đất nước sắp diệt vong [vì người lãnh đạo] tin theo tà thần. Thần tuy là bậc thông minh chính trực, cũng là dựa theo người. Cho nên, người đệ tử Phật đối với quỷ thần, nên làm giống như tiên sinh Chu An Sĩ, phát tâm từ bi mà hóa độ cho họ [theo Chánh đạo].

Hai câu kệ sau nói về những tập quán mê tín trong dân gian. “Cầu giải tội” là nói tự mình tạo nghiệp xấu ác rồi cầu xin quỷ thần tha thứ cho, đâu biết rằng quỷ thần cũng không hề có quyền năng để tha tội cho người. Nếu như không sám hối chuyện [lầm lỗi] đã qua, không sửa đổi [lỗi lầm] trong tương lai, thì việc này rốt lại hoàn toàn vô ích. Phật dạy rằng: “Nếu tội khởi sinh thì dùng tâm sám hối, tâm nếu mất rồi tội cũng mất theo.” Việc sám hối tội lỗi quan trọng là ở chỗ về sau không tái phạm. Khổng tử nói: “Không phạm lỗi hai lần.” Được như vậy mới có thể tiêu trừ tai nạn, việc cúng bái cầu khấn quỷ thần không thể tin cậy vào được.

Mục đích của việc xin xăm, bói toán không ngoài ý muốn tìm điều lành tránh điều dữ, dại dột mong cầu nhờ may mắn mà tránh được tai họa, có được phúc báo vốn không thuộc phần mình. Những việc này đều là mê tín. Nếu như tai họa có thể nhờ may mắn mà được miễn trừ, phúc báo có thể không thuộc phần mình mà có được, vậy thì luật nhân quả ở thế gian này có thể đảo ngược được sao?

“Cúng tế vật mạng, bất nhân” là nói việc đối với quỷ thần tự thân mình không nên cúng tế nhưng lại giết hại vật mạng để cúng bái, giết hại vật mạng để hiến cúng các loại tà thần. Quý vị thử nghĩ xem, làm cho chúng sinh đổ máu, giết hại mạng sống chúng sinh, đó là tạo nhân cực ác, liệu có thể nhận quả báo tốt đẹp được sao? Không chỉ là tự tạo thêm tội nặng cho mình, mà những quỷ thần nhận sự hiến cúng đó cũng tăng thêm tội lỗi như vậy. Cho nên, những quỷ thần nhận hiến cúng bằng máu thịt chúng sinh, sau khi mạng chung đa số đều phải đọa vào địa ngục. Lý lẽ sự tình là như vậy, không thể không rõ biết.

“Bất nhân” là nói không có lòng từ bi.

6.2. [Quả báo của sự mê tín]

Kinh văn

死墮十八處,
經歷黑繩獄,
八難為界首,
得復人身難。

Tử đọa thập bát xứ,
Kinh lịch hắc thằng ngục,
Bát nan vi giới thủ,
Đắc phục nhân thân nan.

Dịch nghĩa

Chết đọa vào mười tám nơi,
Trải qua Hắc thằng địa ngục,
Tám chướng duyên không gặp Phật,
Được lại thân người khó thay!

Bài kệ này nói việc mê tín tạo các nghiệp xấu ác chiêu cảm quả báo khổ não trong địa ngục.

“Mười tám nơi” là chỉ mười tám đại địa ngục được nói đến trong kinh Thập bát Nê-lê, có núi đao, đầm cát, đầm phân cho đến băng lạnh, cối xay bằng sắt, nước đồng nấu chảy... đủ các loại. Hết thảy đều do căn, trần, thức không chính đáng mà biểu hiện ra. Những chuyện như vậy cũng chỉ xem là báo ứng của tội nhẹ, báo ứng tội nặng chính là trong địa ngục căn bản Vô gián, các đại địa ngục Bát hàn, Bát nhiệt...

“Trải qua Hắc thằng địa ngục” là nói việc dùng dây mực đen đo vẽ thân hình tội nhân, rồi căn cứ hình vẽ đó cứ mỗi phân đều dùng dao sắc cứa cắt vào, chính là như tội xử tử lăng trì [ở thế gian], đau đớn thảm thiết đến mức không cách gì hình dung ra được. Đây là một loại hình phạt căn bản ở địa ngục.

“Tám chướng duyên không gặp Phật”, đây là nói tám chướng duyên không gặp Phật đã có giảng qua trong một phần trước khi nói về “tam đồ, bát nan”, tức là nói tám sự chướng ngại khiến người ta không có cơ duyên được gặp Phật, nghe pháp. Những nơi tốt đẹp có thể được gặp Phật nghe pháp chính là cơ hội tốt để giúp ta phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Kinh văn có dùng chữ “giới thủ” để chỉ sự khác biệt, ý nói tám chướng duyên này là nhân duyên hàng đầu dẫn đến đủ mọi chướng ngại sai khác khiến chúng sinh mất đi cơ hội được gặp Phật, nghe pháp, mất đi cơ hội giải thoát trong một đời, cho đến phải đọa lạc vào ba đường ác, không có ngày mong được ra khỏi.

Điều quý nhất của thân người là ở chỗ giúp chúng ta dễ dàng đạt được sự giải thoát. Nếu như trong một đời người không gặp được cơ hội giải thoát thì còn có gì đáng quý? Do đó, trong Phật pháp thường nói rằng thân người khó được, nay đã được thân người, vì sao không trân quý?

6.3. [Tội báo sau khi ra khỏi địa ngục]

Kinh văn

若時得為人,  
蠻狄無義理,
癡騃無孔竅,  
跛躄瘂不語,
朦朧不達事 ,  
惡惡相牽拘。

Nhược thời đắc vi nhân,
Man địch vô nghĩa lý,
Si sĩ vô khổng khiếu,
Bả tích á bất ngữ,
Mông lông bất đạt sự,
Ác ác tương khiên câu.

Dịch nghĩa

Đến khi được lại thân người,
Man rợ không hiểu nghĩa lý,
Ngu ngốc lại thêm mù, điếc,
Què quặt, câm không nói được,
Mông muội chẳng thông sự việc,
Việc ác níu kéo theo nhau.

Sáu câu kệ này nói về việc sau khi chịu hết tội báo ở địa ngục rồi, được tái sinh vào cõi người. Tuy lại được làm người, nhưng do nhân duyên tập khí xấu ác trước đây còn nhiều cho nên thường phải gặp nhiều tai nạn. Phật pháp dạy rằng, trong mảnh ruộng tám thức của chúng sinh sáu đường có đủ các chủng tử thiện cũng như ác. Ngay vào thời điểm tái sinh, những chủng tử nào mạnh mẽ hơn sẽ lôi kéo được [thần thức đi vào cảnh giới tương ứng].

Chúng ta trong mỗi một ngày qua, hãy thử tự hỏi mình đã có được bao nhiêu tâm niệm làm Phật, làm Bồ Tát? Được bao nhiêu tâm niệm cứu độ chúng sinh? Được bao nhiêu tâm niệm ích nước lợi dân? Lại có bao nhiêu tâm niệm thị phi? Bao nhiêu tâm niệm tham lam, sân hận? Là tâm niệm Phật mạnh hơn chăng? Là tâm niệm hiền thiện mạnh hơn chăng? Hay tâm niệm xấu ác mạnh hơn? Nếu như một hơi thở ra không còn thở vào, liệu mình sẽ đi về đâu? Vẫn còn chưa biết rõ được sao? Tập khí thật đáng sợ mà cũng đáng thương, không thể không thận trọng.

Hai câu kệ đầu tiên trong phần này là nói việc tuy được sinh làm người nhưng phải sinh nơi man rợ, văn hóa lạc hậu, những vùng biên địa xa xôi hoang vắng chưa được khai hóa. Đời sống ở những nơi đó, con người không được giáo dục tốt, không hiểu rõ được nghĩa lý.

Bốn câu tiếp theo nói những tội báo tai nạn.

Kinh văn nói “Si sĩ vô khổng khiếu”, chữ si (痴) là ngu si, chữ sĩ (騃) là ngốc nghếch, ngây dại. Chữ sĩ (騃) này, kinh văn [trước đây có bản] chép thành chữ tuấn (駿), nhưng si tuấn (痴駿) thì không có nghĩa, cho nên chữ tuấn (駿) là bị chép sai, đúng phải là chữ sĩ (騃). Chữ sĩ gồm chữ mã (馬) nằm bên trái, bên phải là chữ hĩ (矣) làm trợ từ. Trong sách Luận ngữ có câu: “Tử viết: Xảo ngôn linh sắc, tiển hĩ nhân.” (子曰:巧言令色,鮮矣仁。 - Ăn nói trau chuốt hoa mỹ, chú trọng đến sắc đẹp, người như thế ít có lòng nhân.) Chính là dùng chữ hỹ (矣) này.

“Vô khổng khiếu” là ý nói chung sự khuyết thiếu các giác quan, bẩm sinh đã bị tàn tật, khiếm khuyết. Hoặc có thể hiểu theo nghĩa là ngây dại, bất tri bất giác, cũng có thể hợp nghĩa. [Cho nên, trọn câu này được hiểu là: Ngu ngốc lại thêm mù, điếc.]

Hai chữ “bả tích” (跛躄) hiểu là què quặt. Chữ bả (跛) là què một chân, chữ tích (躄) là mất cả hai chân. Cho nên nói chung là què quặt. “Á bất ngữ” là chỉ người câm không nói được. [Trọn câu được hiểu là: Què quặt, câm không nói được.]

“Mông muội” là ý nói không có trí phán đoán sự việc, mơ hồ mê muội, không có khả năng thông đạt sự lý. Người như vậy thì trong lòng mê muội điên đảo, đương nhiên lại dễ dàng tạo nghiệp rồi phải chịu báo ứng. Cho nên mới nói rằng: “Việc ác níu kéo theo nhau.” Đó là, nhân ác thì phải chịu quả ác, quả ác lại khiến người dễ tạo thêm nhân ác, cứ xoay vòng như thế.

Nên biết rằng, ngu si là phiền não căn bản, một trong ba độc (tham, sân, si). Người ngu si ắt phải mê muội, mê muội thì nhất định là hành động sai lầm, loạn động. Người làm việc sai lầm, vọng động thì nhất định không ưa thích những lời nói lành, những việc làm lành. Đó chính là không hiểu rõ được ý nghĩa thị phi, đúng sai. Người không hiểu rõ được đúng sai thì không có cách gì khuyên họ làm thiện. Những người ấy mỗi một hành vi, mỗi một việc làm đều chỉ biết đến lợi ích riêng tư cho bản thân mình, cho nên đã nhận chịu quả báo xấu ác lại còn tiếp tục tạo thêm nhân xấu ác, như bị buộc chặt khóa chắc, không thể giải thoát, thực sự rất đáng đau xót.

6.4. [Quả báo đọa vào cảnh giới súc sinh]

Kinh văn

展轉眾徒聚,
禽獸六畜形,
為人所屠割 ,
剝皮視其喉,
歸償宿怨對,
以 肉給還人。

Triển chuyển chúng đồ tụ,
Cầm thú lục súc hình,
Vi nhân sở đồ cát,
Bác bì thị kì hầu,
Quy thường túc oán đối,
Dĩ nhục cấp hoàn nhân.

Dịch nghĩa

Xoay vòng mãi chung một lối,
Mang thân cầm thú, súc sinh,
Bị người mổ xẻ cắt xẻo,
Lột da, kề dao cắt cổ,
Thường bồi oán hận đời trước,
Xẻ thân lóc thịt trả người.

Sáu câu kệ tụng này nói về việc những người mê tín tà kiến sau khi đã nhận chịu quả báo trong địa ngục rồi, lại vì những oan khiên tích tập trong đời trước mà phải đọa vào cảnh giới súc sinh.

Trong rất nhiều kinh điển, đức Phật thường dạy rằng: Tham ăn là nghiệp nhân sinh vào cảnh giới ngạ quỷ; sân hận, ganh ghét là nghiệp nhân đọa vào địa ngục; ngu si không phân biệt thiện ác, đúng sai là nghiệp nhân sinh vào cảnh giới súc sinh.

Chính xác là những kẻ mê tín tà kiến đều tạo nhân ngu si mê mờ, tất nhiên xác suất nhận lãnh quả báo phải sinh làm súc sinh là rất lớn. Đó gọi là: “Nhân dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân.” (人以類聚,物以群分。 - Người tụ họp theo loại, vật phân chia theo bầy.) Đó là khí vị tương đồng thu hút đến với nhau. Điều này có nghĩa là hiền thiện không đến gần xấu ác, xấu ác không đến gần hiền thiện. Tập khí ngu si mê muội tự nhiên giao cảm thành quả báo xấu ác tụ họp vào trong cảnh giới các loài súc sinh.

“Mang thân cầm thú, súc sinh, bị người mổ xẻ cắt xẻo.” Kinh văn dùng “cầm thú, lục súc” (禽獸六畜), chữ “cầm thú” (禽獸) là chỉ chung tất cả loài vật [bao gồm chim bay, thú chạy], chữ “lục súc” (六畜) chỉ riêng sáu loài gia súc được người nuôi dưỡng, trong sách Tả truyện kể ra sáu loài ấy là: trâu [bò], dê, ngựa, chó, gà, lợn (heo). Nói chung cả sáu loài này đều bị người ăn thịt, đều bị người giết mổ.

“Lột da, kề dao cắt cổ” là mô tả trạng huống con vật vào lúc bị người giết mổ, cầm dao sắc chuẩn bị quan sát kỹ nơi cổ con vật, nơi sẽ đưa dao vào cắt. Xét kỹ về nguồn gốc nhân quả thì đều do đã tạo mối oan kết oán thù, hoặc đời trước thiếu nợ nay phải đền trả, nên phải dùng máu thịt của mình mà trả nợ cho người. Đó chính là: “Đời nay ăn vào tám lượng, đời sau trả đủ nửa cân.” Người có mắt sáng suốt thấy được như vậy hết sức thương xót.

Nói đến việc ân đền oán trả, có những việc suy lường được, có những việc không thể suy lường. Những chuyện ân oán mình biết rõ để đền trả, đó là có thể suy lường. Những việc ân oán mình không hề biết được, thế nhưng trong đời quá khứ, hoặc trong nhiều đời trước đã từng kết duyên hiền thiện hoặc xấu ác với nhau. Nếu là những người có thiện duyên từ đời trước, nhất định vừa gặp nhau đã cảm thấy như người quen cũ. Nếu là những người có oán thù từ đời trước, nhất định vừa gặp nhau đã thấy ghét nhau. Loại kinh nghiệm này, trong thực tế mọi người ai cũng đã từng trải qua. Không chỉ là đối với con người, ngay cả với cảnh vật, nơi chốn, cũng có những nơi vừa đến lần đầu tiên mà có cảm giác như đã từng ở đây từ trước. Như vậy mới thấy rằng lời Phật dạy về nhân quả ba đời không hề sai dối.

Thế nhưng quả báo của nghiệp giết hại có nhanh có chậm. Khi gặp đủ nhân duyên, bất kể là quỷ thần hay chư thiên, loài người, đều không thể né tránh được. Lấy ví dụ như trong đời sau, kẻ gây nghiệp giết hại sinh ra làm người, kẻ bị giết hại sinh làm súc sinh, ắt sẽ bị những việc như rắn mổ, chó cắn, cọp vồ v.v... Hoặc khi kẻ gây nghiệp giết hại sinh làm thường dân, kẻ bị giết hại sinh làm quan lại, ắt sẽ có những việc như bị giam vào lao ngục, xiềng xích, bị xử chết oan uổng... Trong thực tế, chỉ đơn cử một vài trường hợp chứ không thể kể hết.

Người đời mê hoặc, một khi gặp hoạn nạn lại oán trời trách người mà không biết rằng hết thảy mọi sự việc dù lớn dù nhỏ cũng đều có nhân quả trong đó.

Đức Phật dạy rằng: “Muốn biết nhân đời trước, xem kết quả đời này. Muốn biết quả đời sau, xem việc làm hiện tại.”

Mời quý vị xem phần tiếp theo, tổng kết về ba điều rất khó.

6.5. Ba điều rất khó

Kinh văn

無道墮惡道,  
求脫甚為難,
人身既難得, 
佛經難得聞。

Vô đạo đọa ác đạo,
Cầu thoát thậm vi nan.
Nhân thân ký nan đắc,
Phật kinh nan đắc văn.

Dịch nghĩa

Làm ác đọa vào đường ác,
Muốn thoát ra thật khó thay!
Thân người đã là khó được,
Kinh Phật càng khó được nghe.

Theo truyền thống văn hóa Trung Hoa mà nói thì đạo đức ở thế gian là luân thường, bát đức. Trong Phật pháp thì đạo của trời người là năm giới, mười điều lành, bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Nếu như làm điều xấu ác, trái nghịch với đạo, nhất định phải đọa vào đường ác. Các đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Một khi đã đọa vào đường ác rồi, muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn. Muốn thoát ra khỏi các đường ác, thực sự là không hề dễ dàng. Đó là điều rất khó thứ nhất.

“Thân người đã là khó được.” Trong rất nhiều kinh điển, đức Phật nhiều lần dạy rằng: “Thân người khó được.” Đức Phật dẫn ra cơ hội để thần thức được đầu thai làm người là khó, hơn nữa Phật còn dẫn ra về số lượng, về thời gian kiếp số, đủ mọi yếu tố để chỉ rõ rằng thân người quả thật rất khó được. Hơn nữa, xét trong sáu đường luân hồi thì thân người là quý nhất, bởi vì được sinh làm người là dễ dàng nghe pháp, dễ dàng tu đạo.

Cõi trời tuy rất tốt, nhưng vui nhiều khổ ít, ngược lại khiến cho chư thiên không dễ dàng tiếp nhận lời dạy của Phật, dẫn đến đánh mất đi cơ hội rất tốt của việc phá mê khai ngộ. Do đó, người đệ tử Phật nhất định không xem trọng việc sinh về cõi trời.

Lại nói về sự sống trong ba đường ác, khổ não quá nhiều, còn tích tụ nhiều ngu mê lậu chấp, cũng không có khả năng tiếp nhận lời dạy của Phật.

Do đó có thể thấy rằng, cõi người có khổ có vui, nhưng đa phần là khổ nhiều vui ít, ngược lại có tác dụng thúc đẩy sự giác ngộ dễ dàng, dễ tu dễ chứng.

Đó là chỗ quý báu của thân người khó được, tức là điều rất khó thứ hai.

“Kinh Phật càng khó được nghe.” Kinh Phật là những chỉ dẫn để khai mở, phát triển trí tuệ. Kinh Phật là kim chỉ nam cho việc đạt đến cảnh giới chí thiện. Thế nhưng [kinh Phật] không phải dễ dàng gặp được. Có người gặp được rồi lại không phải kinh thật mà là kinh giả.

Lại ví như có người gặp được kinh thật nhưng không có khả năng nhận hiểu, lý giải, không thể tin nhận, như vậy thì cũng chẳng khác gì người không gặp.

Lại ví như người có khả năng hiểu được, tin nhận được, nhưng không thể vâng làm theo đúng lời dạy, không thể duy trì lâu dài, thường xuyên, không có sự tinh tấn bất thối, như vậy thì cũng như không gặp.

Cho nên, như trên đã nói, qua bao nhiêu trường hợp loại trừ, ắt phải biết rằng kinh Phật quả thật là rất khó được nghe.

Bài kệ khai kinh nói rằng “Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”, đó là đúng thật chứ không nói quá.

Cho nên, được nghe pháp rồi ngộ nhập cảnh giới thật tướng nhất chân, đó mới là chân thật nghe pháp, đó là điều rất khó thứ ba.

Mời quý vị xem tiếp phần kệ tụng thứ bảy, có tất cả năm đoạn kệ tụng khuyến tu để kết thúc.

7. Khuyến tu để kết thúc

7.1. [Xưng tán ân đức Phật]

Kinh văn

世 尊為眾祐,
三界皆蒙恩,
敷動 甘露法,
令人普奉行。

Thế Tôn vi chúng hữu,
Tam giới giai mông ân,
Phu động cam lộ pháp,
Linh nhân phổ phụng hành.

Dịch nghĩa

Thế Tôn vì mọi chúng sinh,
Ba cõi thảy đều nhờ ơn.
Pháp cam lộ ban rãi khắp,
Khiến người người đều vâng làm.

Đoạn kệ này là ngợi khen xưng tán ân đức của đức Thế Tôn. Những lời dạy của Phật là sự giúp đỡ che chở cho hết thảy chúng sinh, trong ba cõi sáu đường, hết thảy chúng sinh hữu tình, không một nơi nào không được hưởng nhờ ân đức.

“Ban rãi khắp” nghĩa là phát triển, ban bố ra khắp nơi. “Cam lộ” là tỷ dụ phương pháp giáo hóa khéo léo của đức Phật, sự thuyết pháp vi diệu của Phật, có thể khiến cho hết thảy những ai được nghe nhận đều giống như được nước cam lộ tưới mát thân tâm, dập tắt lửa phiền não, được tự tại mát lành, phúc tuệ tăng trưởng, có thể khiến người người nơi nơi kính vâng làm theo, thúc đẩy phát triển truyền rộng khắp nơi, dần dần giáo hóa, ban ân đức, làm lợi ích khắp nơi.

7.2. [Người giác ngộ thương xót người mê]

Kinh văn

哀哉已得慧,
愍念群萌故,
開通示道徑,
黠者即度苦。

Ai tai dĩ đắc tuệ,
Mẫn niệm quần manh cố,
Khai thông kì đạo kính,
Hiệt giả tức độ khổ.

Dịch nghĩa

Thương thay! Đã được trí tuệ,
Càng thương chúng sinh mê mờ,
Mở bày chỉ rõ đường tu,
Người đủ căn lành thoát khổ.

Đoạn kệ tụng này tán dương sự thành tựu kết quả của những người vâng làm đúng theo giáo pháp.

“Thương thay” là thán từ biểu cảm, “đã được trí tuệ” là nói đã trừ dứt phiền não, khai mở trí tuệ, sáng rõ tâm ý, thấy được tự tánh, thành bậc đại Bồ Tát công đức viên mãn. Bồ Tát tự mình đã chứng đắc viên mãn, lại khởi tâm từ bi vô lượng “càng thương chúng sinh mê mờ”. Do nhân duyên thương xót hết thảy chúng sinh nên tất nhiên phải vì chúng sinh mở bày chỉ rõ một con đường tu tập, một con đường tốt đẹp giúp chúng sinh lìa khổ được vui.

Những ai có thể tin nhận, vâng làm theo để chứng quả? Đó là những “người đủ căn lành”, tức là người đã có căn lành sâu dày từ đời trước, là người có phúc đức trí tuệ. Những người như vậy nghe được lời Phật dạy liền nhận biết được là rất có ý nghĩa, liền có thể tin nhận, vâng làm theo, cho nên có thể đạt được lợi ích chân thật là thoát khỏi biển khổ phiền não sinh tử.

7.3. [Khuyên nỗ lực tu tập]

Kinh văn

福人在向向,  
見諦學不生,
自歸大護田,  
植種不死地。

Phúc nhân tại hướng hướng,
Kiến đế học bất sinh,
Tự quy đại hộ điền,
Thực chủng bất tử địa.

Dịch nghĩa

Người có phúc, sống hướng thượng,
Gặp chân lý, học vô sinh,
Tự quy y ruộng phước lớn,
Gieo giống dứt trừ tử sinh.

Bài kệ tụng này ngài A-nan khuyên chúng ta phải nỗ lực cầu được quả báo chân thật. Chúng ta đã được thân người, lại được nghe pháp Phật, như vậy quả thật là người có phúc.

Kinh văn dùng “hướng hướng”, chữ hướng thứ nhất chỉ mục tiêu, mục đích, chữ hướng thứ hai chỉ phương hướng, hướng về. Xét trong pháp thế gian thì Khổng tử, Mạnh tử là những bậc thầy để chúng ta noi theo, là mục tiêu của chúng ta; ngũ luân, ngũ thường, bát đức là phương hướng cho ý nghĩ, việc làm của chúng ta. Trong Phật pháp thì đức Phật Thích-ca, Phật A-di-đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Phổ Hiền là những bậc thầy để chúng ta noi theo, là mục tiêu của ta, hương thơm của năm phần pháp thân, bốn hoằng thệ nguyện, ba quy y, ba đức, ba thân, sáu ba-la-mật, tịch chiếu bất nhị, đó là phương hướng sự tu hành của chúng ta. Đời sống này của chúng ta như vậy là có mục đích, có phương hướng nhắm đến.

“Gặp chân lý, học vô sinh”, chân lý ở đây là nhất chân pháp giới, là chân lý bất nhị, không phân biệt, là minh tâm kiến tánh của Thiền tông, là nhất tâm bất loạn của Tịnh độ, hết thảy những chân lý ấy đều giúp người ngộ nhập lý vô sinh.

“Tự quy y ruộng phước lớn.” Đức Phật thực sự là mảnh ruộng phước lớn của chúng sinh, chúng ta nên “gieo giống dứt trừ tử sinh” ngay trên mảnh ruộng phước là chư Phật, Bồ Tát. Chỉ có [gieo giống nơi] ruộng phước của Phật mới có thể giúp chúng ta thu hoạch được kết quả là pháp bất sinh bất diệt, thường lạc ngã tịnh, lìa khổ được vui.

7.4. [Ân đức của Phật là lớn nhất]

Kinh văn

恩大莫過佛,
世佑轉法輪,
願使一切人,
得服甘露漿。

Ân đại mạc quá Phật,
Thế hữu chuyển pháp luân,
Nguyện sử nhất thiết nhân,
Đắc phục cam lộ tương.

Dịch nghĩa

Còn ơn nào hơn ơn Phật?
Vì đời chuyển bánh xe Pháp.
Nguyện cho hết thảy chúng sinh,
Thấm nhuần mưa pháp cam lộ.

Bài kệ tụng này nói lên ý nghĩa trong khắp thế gian và xuất thế gian, không có ân đức nào lớn hơn ơn Phật. Trong cõi đời xấu ác với năm sự uế trược, chỉ duy nhất Phật mới có khả năng cứu độ. Phật thuyết pháp làm lợi ích chúng sinh, thường chuyển bánh xe Pháp, nói rõ chân lý rốt ráo về vũ trụ nhân sinh. Hiểu rõ được chân lý ấy, ắt có khả năng tự tại vô ngại trong vũ trụ; không hiểu được thì phải tùy theo hoàn cảnh, nghiệp lực mà lưu chuyển, xoay vần. Cho nên mới “nguyện cho hết thảy chúng sinh, thấm nhuần mưa pháp cam lộ”. Câu này hàm ý là nguyện cho chúng sinh đều được chứng đắc vô thượng Bồ-đề, thành tựu ba thân, bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh.

7.5. Ba lời khuyên kết lại

Kinh văn

慧船到彼岸,  
法磬引大千,
彼我無有二 ,  
發願無上真。

Tuệ thuyền đáo bỉ ngạn,
Pháp khánh dẫn đại thiên,
Bỉ ngã vô hữu nhị,
Phát nguyện vô thượng chân.

Dịch nghĩa

Thuyền trí tuệ đến bờ giác,
Khánh pháp dẫn dắt muôn loài.
Ta người không còn phân biệt,
Phát nguyện chứng đạo Bồ-đề.

“Thuyền trí tuệ” là ví như Phật pháp. Phật pháp là con thuyền báu trí tuệ có thể đưa chúng sinh đến bờ bên kia là cảnh giới Đại Niết-bàn. Câu kệ đầu tiên này là nói việc y theo giáo pháp tu tập để tự cứu độ chính mình.

“Khánh pháp dẫn dắt muôn loài.” Câu này nói việc y theo giáo pháp tu tập cứu độ người khác. Chúng ta phải dùng “khánh pháp” (biểu trưng cho giáo pháp của Phật) để dẫn dắt hết thảy chúng sinh trong khắp thế giới đại thiên, cùng đến bờ giải thoát.

Câu thứ ba “ta người không còn phân biệt”, tánh và tướng nhất như, thật tướng bình đẳng, là cảnh giới rốt ráo viên mãn của pháp giới nhất chân.

“Phát nguyện chứng đạo Bồ-đề.” Câu này là đầy đủ trọn vẹn bốn hoằng thệ nguyện. Phiền não vô tận thề nguyện dứt trừ, Nho gia gọi là “cách vật”. Pháp môn vô lượng thề nguyện học hỏi, là khái niệm “trí tri” của Nho gia. Phật đạo vô thượng thề nguyện trọn thành, đó là “thành ý, chính tâm” của Nho gia. Đến như chúng sinh vô biên thề nguyện cứu độ, chính là điều Nho gia gọi là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Mong quý đồng tu suy ngẫm sâu xa nỗ lực thực hành, cùng chứng đắc trí tuệ viên mãn vô thượng.

Đến đây đã giảng xong hai mươi tám đoạn kệ tụng [của ngài A-nan]. Ba dòng kinh văn tiếp theo là phần cuối cùng của bản kinh này, tức là phần lưu thông, nói về sự lưu hành của kinh.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Đường Không Biên Giới


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.12.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...