Trên đây đã giảng giải xong phần đầu tiên của kinh văn: “[Ngài A-nan] thưa hỏi Phật về chuyện lành dữ của việc thờ Phật, học Phật.” Tiếp theo mời quý vị xem đến dòng cuối cùng của trang 3, bắt đầu từ chỗ: “Ngài A-nan lại bạch Phật...” cho đến dòng cuối cùng của trang 4, kết thúc ở câu “tội lỗi sâu như vậy.”
Cả thảy đoạn này có 10 dòng kinh văn, là phần thứ hai trong toàn bản kinh, nội dung hỏi đáp về vấn đề trách nhiệm, nghiệp báo của sự giết hại.
Trong giới luật của đạo Phật, quan trọng nhất là giới không giết hại. Bất kể là tại gia hay xuất gia, hết thảy đệ tử Phật đều phải vâng giữ theo điều giới này. Trong Pháp hội Lăng Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Không trừ tâm giết hại thì không thể thoát khỏi luân hồi.” Hoặc nói: “Cho dù hiện nay có được nhiều trí tuệ, công phu thiền định, nếu không dứt trừ việc giết hại ắt sẽ phải rơi vào cảnh giới quỷ thần.” Hoặc nói: “Quỷ la-sát ăn thịt, quả báo cuối cùng ắt phải sa đọa.” Những lời dạy bảo được Thế Tôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần như vậy đều là để nói rõ, tâm sân hận nặng nề, tâm từ bi yếu ớt [mới ăn nuốt máu thịt chúng sinh], không phải hàng đệ tử của Phật. Chỗ tai hại cũng như quả báo của việc giết hại sinh mạng thật đau đớn không thể nói hết.
Trong kinh điển cũng dạy rằng: “Chúng sinh bỏ việc giết hại được lìa khỏi sinh tử.” Hoặc nói: “Bậc tỳ-kheo thanh tịnh không giẫm đạp lên cỏ xanh.” Hoặc dạy rằng: “[Những tỳ-kheo nào không dùng các thứ vật dụng làm từ da thú, lông thú v.v... mới] thực sự thoát khỏi thế gian này, không còn luân chuyển trong ba cõi.” Những điều này là nói rõ phải nghiêm trì giới luật, bảo vệ giới luật thì mới có thể hòa nhập vào cảnh giới đồng thể nhất như, từ bi bình đẳng, mới có thể làm một người đệ tử của bậc thánh, tu hành đúng theo lời dạy.
Phần này chia ra ba ý chính. Thứ nhất, ngài A-nan thưa hỏi. Thứ hai, đức Phật chỉ rõ những điều nặng nhẹ. Thứ ba, giảng rõ oán cừu không gián đoạn.
1. Ngài A-nan thưa hỏi Kinh văn
阿難復白佛言:人不自手殺者,不自手殺為無罪耶?
A-nan phục bạch Phật ngôn: Nhân bất tự thủ sát giả, bất tự thủ sát vi vô tội da?
Dịch nghĩa
Ngài A-nan lại thưa hỏi Phật: “Như có người không tự tay giết hại, phải chăng không tự mình giết thì không có tội?”
Câu kinh này là lời thưa hỏi của ngài A-nan. Câu hỏi này là có ý làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Bởi vì cái chết là đau khổ nhất đối với chúng sinh, mà bị chết thảm lại càng đau khổ hơn nữa. Cho nên mới nói rằng, giết hại mạng sống chúng sinh là việc ác độc nhất. Các bậc thánh thế gian cũng như xuất thế gian đều ngăn cấm việc giết hại. Trong văn hóa Trung Hoa, đức nhân từ là quan trọng nhất trong năm đạo thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Trong Phật giáo, bảo vệ sự sống (giới sát, phóng sinh) là thiện hạnh bậc nhất.
Kinh văn tuy chỉ nói đến mỗi một việc giết hại, nhưng ý nghĩa bao hàm toàn bộ giới luật. Lễ giáo của nhà Nho hay giới luật của nhà Phật cũng đều dựa trên căn bản ta và người khác đều sẵn có đầy đủ tính đức, biểu hiện qua những hành vi chân thật, tốt đẹp, trí tuệ trong đời sống thường ngày, hoàn toàn không có ý ước thúc hay ép buộc con người. Mục đích của cả hai nền giáo dục Nho và Phật đều đặt ra nhằm khôi phục tính đức. Bản kinh này chỉ lược nêu một việc, còn những việc khác suy ra có thể biết được.
“Ngài A-nan lại thưa hỏi Phật”, đây là nói sau khi được nghe Phật giảng xong các nguyên nhân dẫn đến [quả báo] tốt hoặc xấu của việc học Phật, thờ Phật, ngài A-nan lại nêu ra thêm một vấn đề nữa để thưa hỏi Phật. Ngài nói: “Ví như có người không tự tay mình giết hại mạng sống - trong việc giết hại có trường hợp là tự tay mình giết, hoặc sai bảo người khác giết hại, hoặc nhìn thấy người khác giết hại mà sinh tâm vui mừng, ở đây rõ ràng ngài A-nan muốn nói đến việc sai bảo người khác giết hại mà không tự tay mình giết hại, cho nên ngài mới thưa hỏi - phải chăng không tự mình giết thì không có tội?”
2. Phật chỉ rõ những điều nặng nhẹPhần này chia làm ba ý chính. Thứ nhất, sai bảo người khác giết hại tội nặng hơn tự mình giết hại. Thứ hai, vô ý không biết hoặc do cấp trên cưỡng bức phải giết hại thì tội nhẹ. Thứ ba, cố ý phạm tội lừa dối là tội nặng.
2.1. Sai bảo người khác giết hại tội nặng hơn tự mình giết hạiKinh văn
佛言:阿難!教人殺生,重於自殺也。
Phật ngôn: A-nan! Giáo nhân sát sinh, trọng ư tự sát dã.
Dịch nghĩa
Phật dạy: Này A-nan! Sai bảo người khác giết hại sinh mạng, tội nặng hơn tự tay mình giết.
2.2. Vô ý không biết hoặc bị cấp trên cưỡng bức phải giết hại thì tội nhẹ
Kinh văn
何 以 故?或是奴婢愚小下人,不知罪福;或為縣官所見促 逼,不自出意,雖獲其罪,事 意不同,輕重有差。
Hà dĩ cố? Hoặc thị nô tỳ ngu tiểu hạ nhân, bất tri tội phúc; hoặc vi huyện quan sở kiến xúc bức, bất tự xuất ý. Tuy hoạch kì tội, sự ý bất đồng, khinh trọng hữu sai.
Dịch nghĩa
Vì sao vậy? Hoặc đó là hạng nô tỳ, ngu si thấp hèn, không biết chuyện tội phước, hoặc vì quan huyện bức bách phải làm, không do tự ý. Những người này tuy vẫn có tội, nhưng việc làm và ý muốn không giống nhau, nặng nhẹ có khác biệt.
2.3. Cố ý phạm tội lừa dối là tội nặng
Kinh văn
教人殺者,知而故犯,陰懷愚惡,趣手害生,無有慈心;欺罔三尊,負於自然神,傷 生杌命,其罪莫大!
Giáo nhân sát giả, tri nhi cố phạm, âm hoài ngu ác, thú thủ hại sinh, vô hữu từ tâm, khi võng Tam tôn, phụ ư tự nhiên thần, thương sinh ngột mệnh, kỳ tội mạc đại.
Dịch nghĩa
Sai bảo người khác giết hại là biết mà cố phạm, trong lòng ôm giữ sự ngu si độc ác, ưa thích việc giết hại sinh mạng, không có tâm từ, khinh thường dối lừa Tam bảo, tự dối lương tâm, gây hại mạng sống, khiến người không an ổn, tội ấy không gì nặng hơn.
Đoạn kinh văn [gồm cả ba ý trên] là đức Phật giải thích, chỉ bày cho ngài A-nan về tội lỗi, trách nhiệm nặng nhẹ của sự giết hại. Về đại lược có ba ý chính. Thứ nhất, sai bảo người khác giết hại tội nặng hơn tự mình giết hại. Thứ hai, trường hợp vô ý không biết hoặc do cấp trên cưỡng bức phải giết hại thì tội nhẹ. Thứ ba, cố ý phạm tội lừa dối là tội nặng nhất. Bây giờ cũng y theo thứ tự như vậy mà giảng giải.
“Sai bảo người khác giết hại”, theo pháp luật hiện nay gọi là tội xúi giục, chủ mưu. Phật bảo ngài A-nan, tội giết hại có phân chia nặng nhẹ, tội của người xúi giục người khác giết hại nếu đem so với người tự tay giết hại thì còn nặng nề hơn. Bởi vì hành vi giết hại đó không xuất phát từ ý muốn của người giết hại, mà là từ ý muốn của người xúi giục. Cho nên, sai bảo, xúi giục người khác giết hại phải chịu tội nặng hơn.
Phần kinh văn tiếp theo, đức Phật lại vì ngài A-nan giải thích: “Vì sao vậy? Hoặc đó là hạng nô tỳ, ngu si thấp hèn, không biết chuyện tội phước.”
Câu kinh này nói rõ lý do phân biệt tội nặng nhẹ. Đức Thế Tôn đặc biệt đưa ra hai trường hợp. Thứ nhất, trong một gia đình, những kẻ nô tỳ thấp hèn đều phải nghe theo sự sai bảo của chủ nhân, chủ nhân ra lệnh giết hại thì không thể không làm theo, nhưng bản thân những người ấy thì ngu muội không trí tuệ, không biết chuyện tội phước. Thứ hai, trường hợp phục vụ trong chốn công quyền, “hoặc vì quan huyện bức bách phải làm”, đó là Phật nêu ra một trường hợp điển hình thời xưa. Vào thời xưa, quyền hành pháp và tư pháp không có sự phân chia, nên quan huyện cũng là pháp quan, chánh án. Giả sử có người phạm pháp, quan huyện phán quyết người ấy tội tử hình, người thi hành lệnh tử hình đó đương nhiên không phải bản thân quan huyện, mà là người đao phủ dưới quyền. Người đao phủ tuy là người tự tay giết hại, nhưng không phải xuất phát từ tâm ý của chính mình, nên tuy vẫn có tội, nhưng “sự ý bất đồng”.
Sự là chỉ việc làm, tức việc giết hại, là do vâng lệnh cấp trên mà làm. Ý là chỉ ý muốn trong lòng, nếu khởi tâm ngu si độc ác sân hận sai bảo người khác làm việc giết hại thì tội lỗi hết sức nặng. Việc xử án còn là như vậy, huống hồ là những chuyện khác!
Ngày trước, Đường Thái Tông có lần nói với các quan rằng: “Người xưa mỗi khi hành hình tội nhân, đức vua dẹp bỏ chuyện vui thú, giảm bớt món ăn. Ta ngày nay trong cung đình không thường bày những cuộc vui, nhưng mỗi lần hành hình đều bỏ không ăn thịt uống rượu.” Có thể thấy, những người nắm giữ pháp luật thảy đều là tâm địa Bồ Tát, không gây oan uổng cho người, thường tích lũy nhiều âm đức, ví như gặp phải trường hợp tội nặng không thể ân xá được, cũng khởi tâm từ bi thương xót, bất đắc dĩ mà phải hành hình, không phải do tâm độc ác, không phải do lòng oán hận mà giết hại. Cho nên kinh văn nói “nặng nhẹ có khác biệt”.
Đoạn kinh văn tiếp theo nói việc cố ý, dối lừa phạm vào giết hại là tội nặng.
“Sai bảo người khác giết hại là biết mà cố phạm.” Đây là nói tự trong lòng mình có ý niệm giết hại rồi mới ra lệnh cho người khác thi hành. Cho nên Phật nói là “trong lòng ôm giữ sự ngu si độc ác, ưa thích việc giết hại sinh mạng, không có tâm từ”. “Ngu si độc ác” là nói tâm sân hận chưa nguôi, không tin vào nhân quả, lại không có trí tuệ rõ biết sự lý, thường tạo tác hết thảy các việc ác mà không thể khắc phục, chế ngự. Nếu là người đệ tử quy y Tam bảo, phát tâm Bồ-đề, tu đạo Bồ Tát, học hạnh Bồ Tát mà không dứt trừ tâm giết hại, thì đó chính là “khinh thường dối lừa Tam bảo, tự dối lương tâm”.
Kinh văn nói “Tam tôn” là chỉ Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng, vì là chỗ quy y của người học Phật, là những bậc đáng tôn kính nhất trong thế gian và xuất thế gian. (Ý nghĩa của Tam bảo trong phần sau sẽ giải thích.) Kinh văn nói “khi võng Tam tôn” tức là nói “khinh thường, dối lừa Tam bảo”.
Kinh văn nói “tự nhiên thần” là chỉ lương tâm của chính mình. Không chỉ là dối lừa Tam bảo, mà còn là tự dối lương tâm mình, làm ra những việc hại mạng sống, gây nhiễu loạn cho người. Kinh văn dùng chữ “ngột mệnh” là chỉ việc làm cho người khác thân tâm không được an ổn, tội này rất lớn.
Trên đây đã giảng xong đoạn kinh “Phật chỉ rõ những điều nặng nhẹ”. Phần tiếp theo là nói về quả báo của nghiệp giết hại.
3. Oán cừu không gián đoạn
Phần kinh văn này cũng có ba ý. Thứ nhất, hiện tại chịu quả báo gặp tai nạn hung hiểm. Thứ hai, muôn kiếp đọa trong ba đường ác. Thứ ba, hiện nay đọa làm súc sinh đều là do gây nhân đời trước.
3.1. Hiện tại chịu quả báo gặp tai nạn hung hiểm
Kinh văn
怨對相報,世世受殃,無有斷絕。現世不安,數逢災凶。
Oán đối tương báo, thế thế thụ ương, vô hữu đoạn tuyệt. Hiện thế bất an, sổ phùng tai hung.
Dịch nghĩa
Oán cừu đáp trả qua lại, đời đời chịu tai ương, không lúc nào dứt. Hiện đời không được an ổn, gặp nhiều tai nạn hung hiểm.
Đoạn kinh văn này là nói Phật dùng Phật nhãn thấy được chúng sinh tạo nghiệp giết hại thì oán cừu đáp trả qua lại, mãi mãi không có lúc nào chấm dứt.
Trước tiên chúng ta phải đặt câu hỏi: “Nhà Phật nói chuyện nhân quả báo ứng, liệu có thật chăng?” Ngay đây tôi xin trân trọng khẳng định với quý vị là có thật. Lại hỏi: “Lý lẽ nhân quả báo ứng liệu có chính xác chăng?” Xin thưa cùng quý vị, là hoàn toàn chính xác. Lý luận và sự thật về nhân quả báo ứng là chân lý vĩnh viễn không thay đổi, tuyệt đối không phải là mê tín.
Đức Phật dạy: “Muốn biết nhân đời trước, xem kết quả đời này. Muốn biết quả đời sau, xem việc làm hiện tại.” Khổng tử nói: “Nhà nào thường làm việc thiện, ắt sẽ được nhiều điều tốt đẹp. Nhà nào thường làm việc ác, ắt sẽ phải gặp nhiều tai ương.” Bậc cổ đức cũng dạy rằng: “Việc họa phúc vốn không ai định trước, chỉ là do con người tự chuốc lấy.” Trong phần chú giải sách Khổng tử gia ngữ có nói: “Hại người lợi mình là điều chẳng lành cho bản thân. Bỏ già lấy trẻ là điều chẳng lành cho gia đình. Bỏ người hiền đức mà dùng kẻ hư hỏng là điều chẳng lành cho đất nước. Người già không chịu dạy bảo, người trẻ không lo học hỏi là điều chẳng lành cho phong tục. Bậc thánh nhân ẩn mình, kẻ ngu dốt nắm quyền là điều chẳng lành cho cả thiên hạ.”
Thật ra, toàn tập 25 bộ chính sử của Trung quốc cũng chính là bộ sách lớn nhất ghi chép đầy đủ về các trường hợp nhân quả báo ứng. Người đọc kỹ, nghĩ sâu ắt có thể nhận hiểu ra được lý lẽ cảm ứng trong sách. Tuy nhiên, giảng rõ tường tận nhất, thấu triệt nhất về ý nghĩa nhân quả vẫn là kinh điển Phật giáo. Người có ý chí nghiên cứu sâu trong vấn đề này, xin mời đọc qua kinh điển Phật giáo. Hy vọng quý vị có thể tin sâu không nghi ngại.
Trong bản kinh này, đức Phật vì chúng ta giảng giải năm câu về “oán cừu đáp trả qua lại”, trong đó nói rõ những quả báo tai nạn hung hiểm hiện nay ta gặp phải đều là do [những việc làm] từ đời trước dẫn đến.
Người đời sở dĩ trở thành kẻ oán thù của nhau đều là do không có sự nhẫn nhục, nhún nhường mà sinh lòng oán hận. Lòng oán hận nếu không được kịp thời hóa giải, nhất định sẽ tích tụ lại ngày càng sâu đậm hơn, diễn biến thành những việc đấu tranh, giết hại để trả thù, cứ đáp trả qua lại với nhau thậm chí trải dài qua đời đời kiếp kiếp không khi nào chấm dứt.
Cho nên Phật nói rằng: “Đời đời chịu tai ương, không lúc nào dứt.” Trong sự báo thù đáp trả như vậy thì nhất định là cứ lần sau lại càng thảm khốc hơn lần trước, càng đau đớn khổ sở hơn. Mà những kết quả như vậy, nói thật ra đều là do ngu si không trí tuệ, do mê hoặc, điên đảo mới tạo thành. Như muốn dứt trừ đi những quả báo thảm khốc đau đớn như vậy, nhất định phải có một lần thấu hiểu trọn vẹn vấn đề, khai mở trí tuệ chân thật, thực sự nỗ lực tu học phép quán “kẻ oán người thân đều bình đẳng”.
Trước hết phải biết nhẫn chịu quả báo, không ôm lòng đáp trả, báo thù. Như vậy mới có thể dần dần dứt hết duyên xấu ác, chuyển hóa nhân xấu ác, chuyển hóa sự oán cừu trong nhiều đời nhiều kiếp thành tâm niệm đại từ đại bi, oán thân bình đẳng, mình và sự vật chẳng phân hai, vào được pháp môn bất nhị, không phân biệt, vào được cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn, mới có thể thực sự lìa hết thảy khổ não, đạt được niềm vui rốt ráo.
Sự giác ngộ như thế quả thật không dễ dàng, thế nhưng cũng không phải là hoàn toàn không thể làm được. Vấn đề là chúng ta có thực sự chịu làm hay không mà thôi. Nếu quả thật không đạt đến giác ngộ, không thực sự tu hành chân chánh, luôn để tâm bị ngoại cảnh xoay chuyển, như vậy thì đời đời kiếp kiếp đều không thể dứt sạch [oán thù].
Nếu nhân xấu ác không dứt trừ, duyên xấu ác ngày một tăng trưởng, thì kết quả đương nhiên sẽ là: “Hiện đời không được an ổn, gặp nhiều tai nạn hung hiểm.” Trong hiện tại thân tâm bất an, thường có nhiều lo nghĩ, sợ sệt, lại cũng thường gặp nhiều tai nạn hung hiểm chẳng lành. Những điều đó đều thuộc về quả báo oán cừu trong hiện đời.
3.2. Muôn kiếp đọa trong ba đường ác
Kinh văn
死入 地獄,出離人形,當墮畜中,為人屠截;三塗八 難,巨億 萬劫, 以 肉供 人,未有竟時,令身困苦,噉草飲泉。
Tử nhập địa ngục, xuất ly nhân hình, đương đọa súc trung, vi nhân đồ tiệt. Tam đồ bát nan, cự ức vạn kiếp, dĩ nhục cung nhân, vị hữu cánh thời, linh thân khốn khổ, đạm thảo ẩm toàn.
Dịch nghĩa
Sau khi chết vào địa ngục, mất thân người rồi phải đọa làm súc sinh, bị người giết mổ cắt xẻo. Trôi lăn trong ba đường ác, thường gặp tám chướng duyên suốt muôn ngàn vạn kiếp, xả thân dâng thịt cho người không ngày chấm dứt, sống đời khốn khổ, ăn cỏ uống nước suối.
Đây là đoạn thứ hai của phần này, nói rõ quả báo khổ sở đời sau phải trôi lăn muôn ngàn vạn kiếp trong ba đường ác, mãi mãi không dứt. Trong phần trước, đức Phật đã vì chúng ta nói rõ quả báo hiện tiền của việc giết hại sinh mạng. Tiếp theo lại tiến xa hơn, giảng rõ về tướng trạng chân thật của quả báo đời sau.
Ở đây, trước hết cần phải có một nhận thức chắc chắn, khẳng định rằng hết thảy con người hay muôn vật đều có [sự hiện hữu trong] ba đời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Thân thể xác thịt này của chúng ta, tuy phải tùy thuộc vào ba đời mà có hiện tượng sinh diệt, nhưng tinh thần của ta (người đời quen gọi là linh hồn) đích thực là vẫn thường tồn tại qua ba đời, không hề diệt mất.
Năm Dân quốc thứ 69 (1980), buổi chiều ngày 29 tháng 9, Đài Truyền hình Trung Hoa phát sóng một chương trình về vật thể bay bí ẩn (UFO), cũng là thừa nhận trí tuệ, linh hồn hay tinh thần là vĩnh viễn tồn tại, không diệt mất theo cùng với thân thể bằng xương thịt này, hơn nữa cũng là thừa nhận sự luân hồi chuyển kiếp.
Như vậy, sự tuần hoàn nghiệp báo, luân hồi nhân quả cũng là vĩnh viễn không có sự chấm dứt. Linh hồn là do tâm trí biến hiện, trong hệ thống Duy thức của Phật giáo có sự thực chứng thâm nhập phi thường cũng như giảng giải sức tường tận. Đây là chân lý, là sự thật, hoàn toàn không phải do lý luận hay suy diễn ra. Cho nên, các bậc thánh triết từ xưa đến nay đều dạy chúng ta phải rèn luyện nâng cao tâm trí, làm đẹp tâm hồn, làm sung mãn thực chất ý nghĩa của đời sống, hướng đến cảnh giới hiền thiện nhất, như vậy thì trong sự luân hồi lưu chuyển qua ba đời mới càng ngày càng hướng đến gần sự lợi lạc chân thật, hiền thiện, tốt đẹp, trí tuệ.
Chỉ đáng tiếc là người đời ai cũng xem nhẹ chuyện lớn lao quan trọng thiết yếu này, không chịu nghiền ngẫm vào sâu xét kỹ, dựa vào chút thiên kiến sai lệch của riêng mình mà bác bỏ nhân quả. Đối với những lời dạy bảo sáng suốt của bậc thánh triết, họ lại nhầm lẫn cho là mê tín, hoang đường, không căn cứ, không thể dựa vào, từ đó buông thả theo tà kiến của riêng mình, lừa dối giả như người thông thái hiểu biết. Do trí hiểu biết thế tục mà tự mình sai lầm, lại còn mê hoặc người khác, cho đến mức không thể nói hết, bác bỏ kinh điển, gạt bỏ hiếu đạo, xóa bỏ luân thường, đạo đức, cha mẹ còn giết hại huống chi là người khác! Do đó dẫn đến thiên tai, nhân họa ngày càng bức bách, dân chúng không sống nổi qua ngày, thiên hạ đại loạn. Xét đến cội nguồn nguyên nhân, tất cả đều do không có trí tuệ hiểu biết chân tướng của sự báo ứng nhân quả trong ba đời.
Trong đoạn kinh văn này, đức Phật vì chúng ta nói rõ ra sự thật chính xác vô cùng đáng sợ. Đó chính là: quả báo của việc giết hại, ngoài việc trong hiện tại phải chịu nhiều tai ương hung hiểm, bất an, đời sau lại còn phải tiếp tục chịu khổ báo lưu chuyển muôn kiếp trong ba đường ác.
Đức Phật dạy rằng, người tạo nghiệp giết hại nặng nề, sau khi chết thần thức nhất định phải đọa vào địa ngục. Trong hết thảy các kinh điển thường nói về những nghiệp nhân, quả báo trong mười pháp giới, đặc biệt nhất là mỗi khi đề cập đến ba đường ác thì đều giảng giải hết sức rõ ràng, như đối với tâm tham dục nặng nề là nghiệp nhân sinh vào cảnh giới ngạ quỷ, tâm sân hận nặng nề là nghiệp nhân sinh vào địa ngục, tâm ngu si nặng nề (không phân biệt được chánh tà, thị phi, thiện ác) là nghiệp nhân sinh vào cảnh giới súc sinh.
“Oán cừu đáp trả qua lại” thì đương nhiên tâm sân hận đặc biệt nặng nề, nhất định phải chiêu cảm quả báo đọa vào địa ngục. Về những sự tướng, lý lẽ liên quan đến quả báo địa ngục, quý vị có thể xem kỹ chi tiết trong kinh Lăng Nghiêm và kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện thì tự nhiên có thể thấu hiểu rõ ràng.
Thời gian chịu khổ trong địa ngục rất dài lâu. Đến khi chịu khổ xong rồi, được ra khỏi địa ngục thì đại đa số là chuyển sinh vào cảnh giới ngạ quỷ, hoặc sinh vào cảnh giới súc sinh để tiếp tục trả nợ. Cho nên nói rằng: “Mất thân người rồi phải đọa làm súc sinh, bị người giết mổ cắt xẻo.” Thế mới biết rằng chuyện nợ nần vay trả trong đời trước, kẻ nhận không thể tăng thêm mảy may, mà người trả cũng không thể mảy may giảm bớt. Ăn của người tám lạng ắt phải trả cho người nửa cân. Do đó mới có chuyện “trôi lăn trong ba đường ác, thường gặp tám chướng duyên suốt muôn ngàn vạn kiếp”, chưa trả xong thì chưa chấm dứt, thật hết sức đáng sợ. Thấu hiểu rõ ràng được ý nghĩa này mới biết rằng việc giết hại mạng sống là muôn vạn lần không thể ra tay làm.
Chỗ này kinh văn đề cập đến “tam đồ, bát nan” là các thuật ngữ Phật giáo, có thể giải thích đơn giản như sau.
“Tam đồ” là ba đường ác, gồm có:
1. Hỏa đồ: chốn địa ngục có lửa dữ thiêu đốt.
2. Huyết đồ: cảnh giới súc sinh nơi các loài ăn nuốt máu thịt lẫn nhau.
3. Đao đồ: cảnh giới ngạ quỷ có dao gậy bức bách gây khổ.
Trong mười pháp giới thì ba đường ác này là khổ nhất.
“Bát nan” hay Bát nan xứ là nói tám hoàn cảnh khó khăn chướng ngại khiến cho chúng sinh không được gặp Phật, nghe pháp, gồm có:
1. Sinh vào địa ngục
2. Sinh vào cảnh giới ngạ quỷ
3. Sinh vào cảnh giới súc sinh
4. Sinh vào châu Bắc Câu-lô
5. Sinh cõi trời Trường thọ
6. Sinh ra khuyết căn: đui mù, câm điếc...
7. Thông thạo nhiều tri thức thế gian
8. Sinh ra không gặp Phật, do trước hoặc sau thời gian Phật ra đời
Tám hoàn cảnh trên làm cho chúng sinh không đủ cơ duyên để được thấy nghe Phật pháp. Kệ khai kinh nói rằng:
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.”
(Pháp nhiệm mầu thâm sâu vô thượng,
Muôn ngàn vạn kiếp khó gặp thay!)
Những câu này quả thật hoàn toàn chuẩn xác, không hề khoa trương cường điệu chút nào.
“Xả thân dâng thịt cho người” là nói sự đọa lạc, sinh làm các loài gia súc, hoặc các loại cầm thú bị con người săn bắn giết hại, đó là quả báo phải đền trả bằng mạng sống. Nói đến chuyện quả báo đền trả, trong thực tế là cực kỳ phức tạp.
“Không ngày chấm dứt” là nói người tạo nghiệp thiếu nợ quá nhiều, không thể trong một đời, một kiếp mà đền trả hết được. Thường là tạo nghiệp ác trong một đời thì cả trăm đời sau cũng chưa trả hết, quả thật là “không ngày chấm dứt”. Cho nên đức Phật dạy đệ tử: “Tùy duyên dứt đi nghiệp cũ, đừng tạo thêm nghiệp mới.” Ý nghĩa chính là ở chỗ này.
“Sống đời khốn khổ, ăn cỏ uống nước suối” là mô tả nỗi khổ trong kiếp sống làm thân súc sinh.
3.3. Hiện nay đọa làm súc sinh, đều do gây nhân đời trước
Kinh văn
今世 現有是輩畜獸,皆由前 世 得為人時,暴逆無道,陰害傷 生,不信 致此。世 世 為怨,還相報償, 神同形異,罪深如是。
Kim thế hiện hữu thị bối súc thú, giai do tiền thế đắc vi nhân thời, bạo nghịch vô đạo, âm hại thương sinh, bất tín trí thử. Thế thế vi oán, hoàn tương báo thường, thần đồng hình dị, tội thâm như thị.
Dịch nghĩa
Đời nay nhìn thấy những loài súc sinh kia, thảy đều do đời trước lúc được làm người thì bạo nghịch, không đạo đức, ngấm ngầm giết hại mạng sống muôn loài, không có lòng tin nên dẫn đến như thế. Đời đời chịu sự oán thù, đền trả báo ứng. Thần thức chẳng khác mà phải mang thân súc sinh khác biệt, tội lỗi sâu nặng như vậy.
Đoạn kinh văn này, đức Phật vì chúng ta nói rõ nghiệp nhân trước đây của những loài súc sinh hiện nay, cũng chính là tổng kết lại đoạn thưa hỏi về trách nhiệm, quả báo của nghiệp giết hại sinh mạng.
“Đời nay nhìn thấy những loài súc sinh kia.” Đây là đức Phật nêu ra trường hợp các loài súc sinh, dã thú trong thế gian hiện tại. Bọn chúng vì sao phải rơi vào hoàn cảnh mang lông đội sừng khổ sở không chịu nổi như thế? Đó đều là do gây nhân đời trước, hoặc từ nhiều đời nhiều kiếp trước đây, vào “lúc được làm người” lại “bạo nghịch, không đạo đức, ngấm ngầm giết hại mạng sống muôn loài”. Đó là ngấm ngầm ôm lòng độc ác, giết hại mạng sống chúng sinh. “Không có lòng tin” là nói không tin những lời răn dạy của thánh hiền, không tin lẽ nhân quả báo ứng. Do vậy mới tạo tác đủ mọi nghiệp tội, chiêu cảm quả báo khổ não hiện nay, nên nói “dẫn đến như thế”.
“Đời đời chịu sự oán thù, đền trả báo ứng.” Câu kinh này đức Phật nói rõ chân tướng của chúng sinh trong thế gian. Đức Phật có đủ năm thứ mắt (Phật nhãn, pháp nhãn, tuệ nhãn, thiên nhãn và nhục nhãn) sáng suốt trọn vẹn, nói ra lời chân chánh, đúng thật, không lừa dối người. Dưới mắt Phật nhìn thì con người với con người, người với muôn loài chúng sinh, người với muôn vật, trong thực tế đều bình đẳng không phân biệt.
Nhà Nho nói về chữ hiếu với chữ nhân. Chữ hiếu (孝) là hợp chữ lão (老) [bên trên] với chữ tử (子) [bên dưới] thành một thể, nên tuy hai mà không khác. Chữ nhân (仁) là chữ nhị (二) [bên phải] và chữ nhân (亻) [bên trái] hợp thành một chữ, chính là biểu ý tuy hai mà một.
Khổng tử nói: “Đạo của ta chỉ có một mà xuyên suốt khắp.” Lại cũng nói: “Ta dùng một mà biết tất cả.” Khổng tử nói “một” đó, chính như trong Phật pháp dạy là “nhất chân pháp giới”, cũng là phù hợp với “bất nhị pháp môn”.
Truyền thống văn hóa Trung Hoa lấy đức hiếu, đức nhân, “một” làm trọng tâm. Phật pháp Đại thừa lấy “nhất chân”, “bất nhị” làm trọng tâm. Cho nên, bậc cổ đức dạy rằng: Hiểu được “một” thì mọi sự đều xong.
Kinh Pháp Hoa nói rằng: Phật ra đời vì “một” đại sự nhân duyên. Cho nên “một” là đại sự, “bất nhị” cũng là một. Lục tổ nói: “Có hai pháp [riêng rẽ] thì không phải Phật pháp. Phật pháp là pháp bất nhị, không phân biệt.”
Hiếu là pháp bất nhị, đức nhân cũng là pháp bất nhị. Cho nên Phật pháp với văn hóa Trung Hoa là cùng điểm xuất phát, cùng một căn bản. Chính vì như vậy, [Phật giáo] mới có thể hòa hợp thống nhất với nền văn hóa Trung Hoa để sáng tỏa lan truyền, mà thành quả đạt được còn vượt xa hơn cả nơi phát tích là Ấn Độ.
Người đời không hiểu rõ được ý nghĩa này, không thấy được tướng thật của “bất nhị”, của muôn pháp “nhất chân”, nên luôn có những cảm giác, nhận hiểu như là mình đang bị thiệt thòi so với người khác, đang bị người khác chèn ép lấn lướt, đang bị người khác khinh chê xem thường, luôn cho rằng tài sản, vật chất của mình đang bị mất mát tổn hại, do đó mà tinh thần bất an, lo lắng sợ sệt, [lại cho rằng] hết thảy đều là do người khác, do hoàn cảnh bên ngoài gây ra.
Nhưng thật ra không phải vậy. Nếu như thấy biết được lẽ nhân quả báo ứng, đền trả trong ba đời, ắt sẽ tự nhiên hiểu rõ mọi việc. Trong thế gian này quả thật là không ai có thể lấn lướt chiếm phần hơn người khác, cũng không ai thực sự bị thua thiệt, bị lấn lướt. Đó là vì quả báo đền trả tương thông trong ba đời, chỉ cần có đủ nhân duyên hội tụ thì bất kể là ai cũng không thể né tránh. Né tránh được hôm nay cũng không tránh được ngày mai, tránh được trong đời này cũng không tránh được đời sau.
Kinh [Đại Bát Niết-bàn] dạy rằng: “Nghiệp đã tạo thành của hết thảy chúng sinh, dù trải qua trăm kiếp cũng chẳng mất đi. Khi có đủ nhân duyên hòa hợp thì quả báo phải tự mình nhận lãnh.” Có câu rằng: “Thiện ác rốt cùng đều báo ứng, chỉ là sớm hoặc muộn mà thôi.” Lại cũng nói: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng chẳng lọt.” Vậy nên biết rằng, khổ vui trong ba cõi, thăng trầm trong sáu đường, hết thảy đều do tự tâm mình chiêu cảm lấy, không né tránh vào đâu được.
Trong miếu thờ thần Đông Nhạc có câu đối rằng:
“Dương thế gian ngoa, dối trá hại người tự mình biết.
Âm ty báo ứng, xưa nay một lẽ thoát được ai?”
Sao có thể không dũng mãnh sinh tâm hối cải, quay đầu là bờ? Lục tổ của Thiền tông dạy rằng: “Hết thảy ruộng phước đều ở ngay nơi mình.” Kinh Phật dạy rằng: “Những điều lành dữ, họa phúc đều do tâm tạo ra.” Lại nói rằng: “Tội phước đôi đường, khổ vui hai nẻo, hết thảy đều do ba nghiệp tạo ra, do tâm chiêu cảm. Nếu khởi sinh một niệm sân hận, tà dâm thì đó là nghiệp sinh địa ngục. Tham lam không bố thí là nghiệp sinh vào cảnh giới ngạ quỷ. Ngu si u ám là nghiệp sinh vào cảnh giới súc sinh. Cống cao ngã mạn là nghiệp sinh vào cảnh giới a-tu-la. Kiên trì giữ theo năm giới là nghiệp sinh vào cõi người. Tinh tấn tu hành mười điều lành là nghiệp sinh về cõi trời. Chứng ngộ nhân không là nghiệp Thanh văn, biết rõ tánh dứt lìa của muôn duyên là nghiệp Duyên giác. Tu tập sáu ba-la-mật là nghiệp Bồ Tát. Chân chánh từ tâm bình đẳng là nghiệp của Phật. Tâm thanh tịnh thì đài hương cây báu, cõi tịnh hóa sinh, tâm ô nhiễm thì gai góc, gò đống, cõi uế tạp thành. Hết thảy đều không phải trời sinh đất tạo, quả thật chỉ là do một niệm [thiện ác] vừa khởi đã tạo thành như vậy. Lìa bỏ nguồn tâm thì không còn tánh thể nào khác.”
Ý nghĩa nhân quả đã thấu hiểu rõ ràng thì từ nay về sau phải luôn làm điều thiện với người, thành tựu điều tốt đẹp cho người, điều trái nghịch đến cũng vui lòng nhận chịu, bao dung tha thứ, nhẫn nhục nhu hòa, dứt sạch oán hờn, không nghĩ chuyện trả thù, tâm ý thanh tịnh trải lòng từ bình đẳng đến với hết thảy mọi người, như vậy mới có thể thực sự dứt trừ được tấn tuồng bi kịch “đời đời chịu sự oán thù, đền trả báo ứng”. Nếu không chuyên cần tu tập như vậy, ắt phải chịu “oán thù đền qua trả lại”, đời đời không dứt.
Kinh văn nói “thần đồng hình dị”, thần là chỉ thần thức, người thế tục vẫn quen gọi là linh hồn. Nhưng thực ra hồn ấy [của người phàm tục] thường “mê” chứ chẳng “linh”, cho nên, Khổng tử gọi là “du hồn” (hồn vất vưởng) cũng rất hữu lý. “Hình” là chỉ hình thể, thân xác của chúng sinh trong sáu đường luân hồi. Ý nghĩa của câu kinh này là hết thảy chúng sinh đều có đồng một thần thức như nhau, chỉ tùy theo nghiệp lực thiện ác đã tạo mà phải chịu cảnh luân hồi trong sáu đường, nhận chịu những quả báo khổ vui khác nhau, với hình thể thân xác muôn ngàn khác biệt. Đây chính là điều Khổng tử gọi là “vật thành do tinh khí, biến đổi do tinh thần”. Đức Khổng tử sinh vào thời Phật pháp còn chưa truyền đến Trung quốc mà cũng đã có cùng một nhận thức như vậy, chính là vì chỗ thấy biết của các bậc thánh triết, về đại thể đều giống nhau.
“Tội lỗi sâu nặng như vậy” là lời tổng kết, nói rõ hết thảy chúng sinh tạo nghiệp ác trong sáu đường luân hồi, đặc biệt ba đường ác là khổ não nhất, khó thoát ra nhất, trong đó mối quan hệ với nghiệp giết hại sinh mạng là quan trọng nhất, kế tiếp là nghiệp trộm cướp. Chỉ cần hai tội này thôi là đã đủ để hình thành sự lưu chuyển trong ba đường ác, còn tạo thành thảm kịch oán thù đền trả qua lại không có ngày chấm dứt.
Đến đây là giảng giải xong phần thứ hai trong bản kinh này, nói về trách nhiệm, quả báo của việc giết hại sinh mạng. Phần kinh văn đã giảng qua, đại ý khuyên chúng ta ngăn dừng việc ác.
Phần tiếp theo giảng việc tu tập điều lành. Muốn tu tập điều lành ắt phải có thầy, do đó mà kinh văn chỉ dạy phương pháp theo thầy học đạo. Dưới đây sẽ giảng tiếp phần thứ ba của bản kinh này, đề cập đến vấn đề giáo dục.
Toàn bộ phần kinh văn này có 23 hàng, từ hàng cuối cùng của trang 4 đến hàng thứ ba của trang 7, chấm dứt ở câu “khả bất thận dã”. Trong đoạn kinh văn này, chúng ta có thể thấy được tinh thần cũng như phương pháp giáo dục của bậc thánh triết từ ba ngàn năm trước thật rất đáng cho chúng ta học tập.