Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Pháp bảo Đàn kinh »» PHẨM THỨ VI: SÁM HỐI »»

Pháp bảo Đàn kinh
»» PHẨM THỨ VI: SÁM HỐI

Donate

(Lượt xem: 6.148)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Pháp bảo Đàn kinh - PHẨM THỨ VI: SÁM HỐI

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Lúc ấy, Đại sư thấy các vị nhân sĩ, dân chúng Quảng Châu, Thiều Châu và tất cả bốn phương đều tụ hội về để nghe Pháp, Ngài bèn lên tòa, nói với mọi người rằng: “Hãy đến đây, các vị thiện tri thức! Điều ta thuyết đây cần phải từ trong tự tánh khởi lên. Luôn luôn trong mỗi niệm tưởng, đều phải tịnh lấy tâm mình, tự mình tu hành, tự thấy pháp thân mình, thấy Phật ở tự tâm; tự cứu lấy mình, răn giữ lấy mình mới được, chẳng cần phải đến đây. Nhưng đã từ phương xa đến, đồng hội nơi đây, đều là có duyên. Vậy nay mọi người hãy quì xuống. Trước tiên, ta vì chư vị mà truyền cho năm phần hương pháp thân của tự tánh. Kế đó, sẽ truyền phép Sám hối Vô tướng.”

Mọi người đều quì mọp. Sư nói: “Một là Giới hương. Trong tâm mình không chê bỏ, không ganh ghét, không tham giận, không cướp hại, gọi là Giới hương.

“Hai là Định hương. Nhìn thấy các cảnh lành dữ, tâm mình chẳng loạn, gọi là Định hương.

“Ba là Tuệ hương. Tự tâm không ngăn ngại, thường dùng trí tuệ quán xét tánh mình, không làm việc ác; tuy tu các việc lành, mà tâm không chấp trước; kính người trên, thương kẻ dưới, thương xót kẻ côi cút, nghèo khó, gọi là Tuệ hương.

“Bốn là Giải thoát hương. Tâm không vướng mắc, nương theo bất cứ điều gì; chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại, không ngăn ngại, gọi là Giải thoát hương.

“Năm là Giải thoát tri kiến hương. Tâm đã không vướng mắc, chạy theo những điều lành, điều dữ, cũng không thể chìm vào chỗ trống không chấp lấy sự vắng lặng; nghĩa là nên học rộng, nghe nhiều, tự biết rõ bản tâm, đạt tới lý lẽ của chư Phật; lấy sự hòa đồng mà tiếp cận cùng muôn vật, không vướng mắc chuyện có mình, có người; thẳng đạt Bồ-đề, chân tánh vẫn không đổi, gọi là Giải thoát tri kiến hương.

“Các vị thiện tri thức! Những thứ hương ấy đều tỏa lên tự trong tâm mình, đừng tìm kiếm ở ngoài.

“Bây giờ, ta sẽ cùng chư vị thọ phép Sám hối Vô tướng, diệt hết tội ba đời, khiến cho ba nghiệp đều thanh tịnh.

“Các vị thiện tri thức! Chư vị hãy cùng lập lại theo như lời ta:

“Đệ tử chúng con, từ bao niệm trước, đến niệm bây giờ, cho đến những niệm về sau, mỗi niệm chẳng bị ngu mê làm ô nhiễm. Từ trước đến nay, những tội ác do ngu mê thảy đều xin sám hối, nguyện đồng thời diệt hết, mãi mãi chẳng còn khởi lại nữa.

“Đệ tử chúng con, từ bao niệm trước, đến niệm bây giờ, cho đến những niệm về sau, mỗi niệm chẳng bị kiêu căng, dối trá làm ô nhiễm. Từ trước đến nay, những tội ác do kiêu căng, dối trá thảy đều xin sám hối, nguyện đồng thời diệt hết, mãi mãi chẳng còn khởi lại nữa.

“Đệ tử chúng con, từ bao niệm trước, đến niệm bây giờ, cho đến những niệm về sau, mỗi niệm chẳng bị sự ganh ghét làm ô nhiễm. Từ trước đến nay, những tội ác do sự ganh ghét thảy đều xin sám hối, nguyện đồng thời diệt hết, mãi mãi chẳng còn khởi lại nữa.


“Các vị thiện tri thức! Trên đây là phép Sám hối Vô tướng. Sao gọi là sám? Sao gọi là hối? Sám là ăn năn những lỗi đã qua. Từ trước, có những tội ác do nơi ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh ghét, thảy đều ăn năn hết, mãi mãi về sau chẳng còn khởi ra nữa; đó gọi là sám. Hối là tự ngăn ngừa những lỗi về sau của mình. Từ nay về sau, có những tội ác do nơi ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh ghét, nay đã giác ngộ, tất nhiên vĩnh viễn dứt hết, chẳng mắc phải nữa; đó gọi là hối. Vì thế cho nên gọi là sám hối. Kẻ phàm phu ngu mê chỉ biết ăn năn những lỗi đã qua, mà chẳng biết ngăn ngừa những lỗi về sau. Bởi không biết hối, nên tội trước chẳng diệt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng diệt, lỗi sau lại tiếp sanh ra, làm sao gọi là sám hối?

“Các vị thiện tri thức? Nay đã sám hối rồi, ta sẽ cùng chư thiện tri thức phát khởi Bốn thệ nguyện rộng lớn. Chư vị hãy lắng tai, dùng tâm chân chánh mà nghe đây:

Vô biên chúng sanh nơi tự tâm, thệ nguyện cứu độ.
Vô biên phiền não nơi tự tâm, thệ nguyện dứt bỏ.
Vô tận pháp môn trong tự tánh, thệ nguyện học hỏi.
Phật đạo vô thượng trong tự tánh, thệ nguyện tu thành.


“Các vị thiện tri thức! Mọi người ai cũng nói: vô biên chúng sanh thệ nguyện cứu độ. Nhưng mấy ai biết được nghĩa: thật chẳng phải Huệ Năng này độ.

“Các vị thiện tri thức! Chúng sanh ở trong tâm, ấy là: tâm tà mê, tâm cuống vọng, tâm bất thiện, tâm ganh ghét, tâm ác độc. Những tâm niệm như thế, đều là chúng sanh. Mọi người nên từ tự tánh tự độ lấy mình. Đó gọi là cứu độ chân thật. Sao gọi là từ tự tánh tự độ lấy mình? Tự trong tâm mình có những chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si, hãy dùng chánh kiến mà cứu độ. Có chánh kiến rồi, liền dùng trí Bát-nhã chống phá chúng sanh ngu si, mê vọng. Cứ như vậy mà ai ai cũng đều tự độ lấy mình. Với tà vạy, dùng chân chánh mà độ; với mê muội, dùng giác ngộ độ; với ngu si, dùng trí tuệ độ; với ác độc, dùng tâm thiện độ. Cứu độ được như vậy, gọi là cứu độ chân thật.

“Vô biên phiền não thệ nguyện dứt bỏ, nghĩa là dùng trí Bát-nhã nơi tự tánh phá trừ đi tâm dối trá hư vọng.

“Vô tận pháp môn thệ nguyện học hỏi, là nên tự mình thấy tánh, thường hành chánh pháp, đó gọi là học hỏi chân chánh.

“Phật đạo vô thượng thệ nguyện tu thành, là thường hay nhún nhường, làm theo lẽ chân chánh, lìa mê lìa giác, thường sanh Bát-nhã; trừ chân trừ vọng, liền thấy tánh Phật. Vừa được nghe qua liền thành Phật đạo, tâm thường nghĩ việc tu hành, chính là pháp nguyện lực.

“Chư thiện tri thức! Nay đã phát Bốn nguyện rộng lớn rồi, ta cùng chư vị thọ Ba giới quy y vô tướng.

“Các vị thiện tri thức! Quy y với giác ngộ là bậc phước huệ đầy đủ, Quy y với chân chánh là bậc lìa xa các dục. Quy y với thanh tịnh là bậc cao quý trong chúng hội. Từ nay nhận giác ngộ là thầy, chẳng còn quy y theo tà ma, ngoại đạo. Cầu Tam Bảo trong tự tánh mình thường chứng minh. Nay khuyên các vị thiện tri thức quy y với Tam Bảo trong tự tánh mình: giác ngộ, đó là Phật; chân chánh, đó là Pháp; thanh tịnh, đó là Tăng.

“Tự tâm quy y giác ngộ, tà mê chẳng sanh, ít ham muốn, biết đủ, có thể lìa bỏ của cải, nhan sắc, gọi là Lưỡng túc Tôn.

“Tự tâm quy y chân chánh, mỗi niệm chẳng có tà kiến. Chẳng có tà kiến, nên chẳng chấp việc có ta, có người, không cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly dục Tôn.

“Tự tâm quy y thanh tịnh, tự tánh chẳng ô nhiễm nơi hết thảy các cảnh trần lao, ái dục, gọi là Chúng trung Tôn.

“Nếu tu hạnh này là tự quy y chính mình. Kẻ phàm phu chẳng hiểu, ngày đêm thọ giới Tam Quy. Nếu nói Quy y Phật, hỏi Phật ở đâu? Nếu chẳng thấy Phật, thì nương vào đâu mà quy? Nói vậy thành ra hư vọng.

“Các vị thiện tri thức! Mọi người nên tự suy xét, đừng dụng tâm sai lầm. Trong Kinh nói rõ là “Tự quy y Phật”, chẳng nói “Quy y với Phật khác”. Phật nơi tự tâm mà chẳng quy y, không còn có chỗ nào khác mà nương dựa. Nay đã tự tỉnh ngộ, mọi người nên quy y với Tam Bảo nơi tự tâm mình. Trong thì điều phục tâm tánh, ngoài thì kính trọng người khác, đó chính là tự quy y.

“Các vị thiện tri thức! Đã quy y với tự tâm Tam Bảo rồi, mọi người hãy chí tâm, ta sẽ giảng giải về một thể ba thân của tự tánh Phật, khiến cho chư vị đều được thấy ba thân, tự mình tỏ rõ tự tánh. Mọi người hãy lập lại theo như lời ta:

“Với thân xác thịt này, xin quy y với Thanh tịnh Pháp thân Phật.

“Với thân xác thịt này, xin quy y với Viên mãn Báo thân Phật.

“Với thân xác thịt này, xin quy y với Thiên bá ức Hóa thân Phật.


“Các vị thiện tri thức! Thân xác thịt này là nhà trọ, chẳng thể nói là quy y nó được. Ba thân Phật tự trong tự tánh, ai ai cũng sẵn có. Chỉ vì tâm mê, chẳng thấy tự tánh bên trong, mãi tìm cầu Ba thân Phật ở ngoài, chẳng thấy tự mình có Ba thân Phật. Mọi người hãy lắng nghe, ta sẽ giúp cho ai nấy tự trong thân mình thấy được tự tánh có Ba thân Phật. Ba thân Phật ấy từ nơi tự tánh sanh, chẳng phải từ bên ngoài mà có được.

“Sao gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật? Người đời tánh vốn thanh tịnh, muôn pháp đều do nơi tự tánh sanh. Tâm nghĩ các điều ác, liền sanh ra hạnh ác; tâm nghĩ các việc lành, liền sanh ra hạnh lành. Như vậy, các pháp đều ở trong tự tánh. Như bầu trời trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, có đám mây che phủ thành ra trên sáng dưới tối. Bỗng gặp gió thổi tan mây, trên dưới đều sáng, muôn cảnh hiện ra. Người đời tánh thường trôi nổi, cũng giống như đám mây trên trời đó vậy.

“Các vị thiện tri thức! Trí như mặt trời, tuệ như mặt trăng. Trí tuệ thường sáng suốt, do vướng mắc nơi ngoại cảnh mà bị đám mây vọng niệm lấp che tự tánh, nên chẳng được sáng suốt. Nếu gặp được bậc thiện tri thức, nghe pháp chân chánh, trừ điều mê vọng nơi mình, thì trong ngoài sáng suốt, trong tự tánh muôn pháp đều hiện ra. Người thấy tánh lại cũng như vậy. Đó gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật.

“Các vị thiện tri thức! Tự tâm quy y với tự tánh, ấy là quy y với đức Phật chân thật. Người tự quy y thì trừ dứt đi những tâm bất thiện, ganh ghét, tà vạy, chấp ngã, dối trá, khinh người, ngạo mạn, tà kiến, cống cao, và hết thảy những hạnh chẳng lành trong mọi lúc. Thường tự thấy lỗi mình, chẳng nói điều tốt xấu của kẻ khác. Như vậy gọi là tự quy y. Thường nên nhún nhường, cung kính hết thảy, tức nhiên thấy tánh thông đạt, không còn ngăn ngại. Như vậy gọi là tự quy y.

“Sao gọi là Viên mãn Báo thân? Ví như một ngọn đèn trừ được sự tối ngàn năm, một niệm trí khởi diệt được sự ngu muội muôn năm. Đừng nghĩ tới lỗi lầm đã qua, vì chẳng thể thay đổi được. Thường nghĩ việc sắp đến, mỗi niệm tưởng đều tròn đầy, sáng rỡ, tự thấy bản tánh. Thiện, ác tuy là khác, bản tánh vốn không phân biệt. Tánh không phân biệt ấy gọi là thật tánh. Từ trong thật tánh, chẳng đắm nhiễm các việc thiện ác. Đó gọi là Viên mãn Báo thân Phật. Tự tánh khởi một niệm ác, diệt mất nhân duyên lành muôn kiếp. Tự tánh khởi một niệm thiện, dứt được việc ác nhiều như cát sông Hằng, thẳng đến quả vô thượng Bồ-đề. Trong mỗi niệm tưởng đều tự thấy biết, chẳng mất đi bản niệm, gọi là Báo thân.

“Sao gọi là Thiên bá ức Hóa thân? Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, tánh vốn như không. Một niệm suy nghĩ, gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác, hóa ra địa ngục. Suy nghĩ việc thiện, hóa ra thiên đường. Tâm độc hại hóa ra rồng, rắn. Tâm từ bi hóa ra Bồ-tát. Trí tuệ hóa ra thượng giới, ngu si hóa làm cõi dưới. Tự Tánh biến hóa rất nhiều, người mê chẳng thể biết được. Mỗi niệm sanh lòng ác, thường làm theo đường ác. Quay về một niệm lành, trí tuệ liền sanh ra. Đó gọi là Tự tánh Hóa thân Phật.

“Các vị thiện tri thức! Pháp thân vốn tự đầy đủ. Lúc nào tự tánh cũng tự thấy biết, tức là Báo thân Phật. Từ nơi Báo thân khởi nên suy nghĩ, tức là Hóa thân Phật. Tự mình giác ngộ, tu công đức nơi tự tánh, ấy là quy y chân chánh. Da thịt này là sắc thân, sắc thân là nhà trọ, chẳng nói là quy y nơi đó được. Chỉ cần nhận rõ Ba thân nơi tự tánh, liền biết được Phật trong tự tánh.

“Ta có một bài tụng Vô tướng. Nếu trì tụng được có thể khiến cho tội mê trong nhiều kiếp đều diệt sạch.”

Tụng rằng:

Người mê tu phước, chẳng tu đạo,
Tưởng rằng tu phước tức là Đạo.
Bố thí, cúng dường, dẫu nhiều phước,
Trong tâm Ba ác như trước tạo.
Đem lòng tu phước muốn diệt tội,
Đời sau được phước, vẫn còn tội.
Chỉ tự trong tâm trừ tội duyên,
Đều trong tự tánh thật sám hối.
Gặp pháp đại thừa chân sám hối,
Bỏ tà, làm chánh, liền dứt tội.
Học đạo thường xem nơi tự tánh,
Liền cùng chư Phật không sai khác.
Tổ ta chỉ truyền pháp thẳng tắt,
Nguyện khắp thấy tánh đồng một thể.
Nếu muốn về sau tìm Pháp thân,
Lìa các pháp tướng, tâm trong sạch.
Gắng sức tự thấy, chớ núng nao,
Chỉ một niệm dứt, mạng còn đâu?
Nếu ngộ đại thừa, được thấy tánh,
Chắp tay cung kính chí tâm cầu!

Sư nói: “Các vị thiện tri thức! Mọi người nên trì tụng, theo đó mà tu hành. Nghe qua rồi thấy tánh, thì dù cách ta ngàn dặm, cũng như thường ở bên ta! Còn nếu nghe rồi mà chẳng tỉnh ra, thì dù đối mặt nhau cũng như ngoài ngàn dặm. Đâu cần lặn lội từ xa đến đây? Thôi, nên trân trọng mà giải tán.”

Đại chúng nghe Pháp, ai ai cũng được tỏ ngộ, vui mừng kính cẩn làm theo.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma


Kinh Di giáo


Vầng sáng từ phương Đông


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.39.85 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...