Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Giải thích Kinh Địa Tạng »» PHẨM THỨ TƯ »»

Giải thích Kinh Địa Tạng
»» PHẨM THỨ TƯ

Donate

(Lượt xem: 1.565)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giải thích Kinh Địa Tạng - PHẨM THỨ TƯ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kinh văn

閻浮眾生業感品第四

● Diêm-phù Chúng Sinh Nghiệp Cảm Phẩm Đệ Tứ

Việt dịch

Phẩm thứ tư: Nghiệp lực chiêu cảm của chúng sinh cõi Diêm-phù

Giảng giải

Đức Phật nói về việc Bồ Tát Địa Tạng giáo hóa chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề những quả báo chiêu cảm của sự tạo nghiệp.

Đây là phẩm thứ tư của kinh này.

Thích nghĩa

Diêm-phù-đề vốn là tên một loại cây. (Về cây chúa này đã có giải thích trong phần trước.) Châu Nam Thiệm-bộ của chúng ta là dựa theo cây này mà đặt tên.

Chúng sinh vốn chỉ chung cho chín pháp giới, ở đây chỉ nói đến chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, tức là chỉ riêng chúng sinh trên thế giới này của chúng ta.

Trên mặt trăng nhìn thấy có một vùng bóng đen, đó là bóng cây Diêm-phù. Ánh sáng mặt trăng vốn trong trẻo sáng tỏ, bị bóng cây này che khuất, cho nên không còn đủ mười phần sáng tỏ. Cũng giống như tâm chúng sinh vốn là thanh tịnh, hiện nay một khi đã sinh vào cõi thế giới Diêm-phù, liền giống như ánh sáng mặt trăng bị bóng cây che khuất, không còn thanh tịnh.

Tâm không thanh tịnh liền từ nơi thân, khẩu và ý tạo tác các nghiệp thiện, ác. Do các loại nghiệp lực khác nhau mới chiêu cảm các loại nhân quả.

Kinh văn

爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言:世尊!我承佛如來威神力故,遍百千萬億世界,分是身形,救拔一切業報眾生。若非如來大慈力故,即不能作如是變化。

● Nhĩ thời Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Ngã thừa Phật Như Lai uy thần lực cố, biến bá thiên vạn ức thế giới, phân thị thân hình, cứu bạt nhất thiết nghiệp báo chúng sinh. Nhược phi Như Lai đại từ lực cố, tức bất năng tác như thị biến hoá.”

Việt dịch

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Địa Tạng bạch Phật: “Thế Tôn! Con nhờ nương sức oai thần của Như Lai nên phân thân ra khắp trăm ngàn vạn ức thế giới, cứu độ hết thảy chúng sinh đang chịu nghiệp báo. Nếu không nhờ sức đại từ của Như Lai, con không thể biến hóa được như vậy.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, Đại Bồ Tát Địa Tạng thưa trước Phật: “Thế Tôn! Con nhờ duyên theo oai đức và sức thần thông của Phật Như Lai nên mới có thể biến hiện khắp trăm ngàn vạn ức thế giới, hiện hình cứu vớt giúp đỡ hết thảy chúng sinh đang chịu nghiệp báo. Nếu như không nhờ nương theo sức đại từ của đức Như Lai thì con không thể biến hóa được như thế.”

(Về chữ Ma-ha-tát, xem giải thích ở phần trước.)

Thích nghĩa

Trong phẩm trước, khi Thánh mẫu hỏi về địa ngục chính là ngay sau lúc Bồ Tát Địa Tạng nhận lời giao phó dặn dò của đức Phật, Ngài vẫn còn chưa đáp lời Phật thì Thánh mẫu lúc ấy đã nêu câu hỏi. Cho nên Bồ Tát Địa Tạng trước hết phải trả lời câu hỏi của Thánh mẫu, nói sơ qua về địa ngục Vô Gián. Sau khi phần thưa hỏi của Thánh mẫu đã xong, tự nhiên Bồ Tát phải quay lại thưa tiếp với đức Phật câu chuyện còn dang dở.

Oai của Phật ở đây là Tứ vô úy, thần là sáu thần thông, lực là Thập lực. Bồ Tát vốn không có được những thần thông, oai lực đó, hiện nay ngài được nhận sự giao phó dặn dò của đức Phật, cho nên đức Phật mới giúp cho ngài những oai lực rộng lớn, thần thông không cùng tận cùng với việc biến hóa phân thân, để ngài cứu vớt hết những chúng sinh đang chịu nghiệp báo.

Kinh văn

我今又蒙佛付囑:至阿逸多成佛已來六道眾生,遣令度脫。唯然,世尊!願不有慮。

● Ngã kim hựu mông Phật phó chúc: Chí A-dật-đa thành Phật dĩ lai lục đạo chúng sinh, khiển linh độ thoát. Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện bất hữu lự.

Việt dịch

“Con nay lại nhận lời giao phó dặn dò của Phật: Từ nay đến khi ngài A-dật-đa thành Phật hãy khiến cho chúng sinh trong sáu đường đều được độ thoát. Dạ thưa Thế Tôn! Xin ngài chớ lo.”

Giảng giải

“Nay con lại được nhận lời giao phó dặn dò của Phật, dạy con từ nay suốt cho đến khi ngài A-dật-đa thành Phật phải khiến cho hết thảy chúng sinh trong sáu đường đều được độ thoát. Xin vâng, thưa Thế Tôn! Xin ngài không cần phải để tâm lo lắng.”

Thích nghĩa

A-dật-đa là tên của Phật Di-lặc, phiên âm từ tiếng Phạn Ajita, Hán dịch là Vô Năng Thắng.

“Duy nhiên” là dạ, vâng, là tiếng dùng để ứng đáp.

Kinh văn

爾時,佛告地藏菩薩:一切眾生未解脫者,性識無定,惡習結業,善習結果。為善為惡,逐境而生。輪轉五道,暫無休息。動經塵劫,迷惑障難。

● Nhĩ thời, Phật cáo Địa Tạng Bồ Tát: Nhất thiết chúng sinh vị giải thoát giả, tính thức vô định, ác tập kế nghiệp, thiện tập kế quả. Vi thiện vi ác, trục cảnh nhi sinh. Luân chuyển ngũ đạo, tạm vô hưu tức. Động kinh trần kiếp, mê hoặc chướng nạn.

Việt dịch

Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng: “Hết thảy chúng sinh khi chưa giải thoát thì tánh, thức đều không nhất định. Quen làm việc ác kết thành nghiệp báo, quen làm việc thiện kết thành quả lành. Làm thiện hay làm ác đều do chạy theo ngoại cảnh mà sinh khởi. [Do nghiệp quả mà] luân chuyển xoay vần trong năm đường, không lúc nào tạm dừng, mê muội lầm lạc chịu nhiều chướng nạn qua vô số kiếp nhiều như bụi nhỏ.”

Giảng giải

Lúc bấy giờ, đức Phật lại bảo Bồ Tát Địa Tạng: “Hết thảy chúng sinh còn chưa đạt được sự giải thoát thì tánh lý và ý thức của họ đều không nhất định. Theo thói quen làm ác kết thành nghiệp, theo thói quen làm thiện kết thành quả, có lúc thì làm việc thiện, có lúc lại làm việc ác. Những việc làm thiện, ác như vậy đều phát sinh do chạy theo hoàn cảnh mà họ gặp phải, xoay tròn mãi như bánh xe, qua lại lên xuống trong các cõi trời, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, không một lúc ngào ngừng nghỉ, thoáng chốc đã trải qua số kiếp nhiều như số hạt bụi nhỏ, sống trong sự mê muội lầm lạc, sống trong chướng ngại khổ nạn.

Thích nghĩa

A-la-hán là quả vị giải thoát của Tiểu thừa, Phật là quả vị giải thoát của Đại thừa. Những người chưa tu tập thành tựu Chánh quả, chưa đạt được sự giải thoát thì tánh, thức đều không nhất định.

Tánh có hai loại, tánh tập quán và tánh lý. Thức cũng có hai loại như vậy. Thể nguyên sơ tùy theo tánh, thức mà chuyển biến, theo các tập quán tham, sân, si mà tạo quả khổ đau trong ba đường ác, theo các tập quán bố thí, nhân từ, hiền thiện mà tạo quả an vui trong hai cõi trời, người.

Thật đáng thương chúng sinh bị các tập quán nhiều đời che chướng chân tâm, thoắt chốc sinh lên cõi trời, thoắt chốc sa vào địa ngục, thoạt lên thoạt xuống, khác nào như con vụ quay tròn, luân chuyển mãi trong năm đường, chịu đựng khổ não vô cùng tận. Tuy trải qua ngàn vạn kiếp như vậy vẫn không chịu giác ngộ.

Một khối vọng tâm vô minh, bám chấp chạy theo hết thảy những cảnh giới hư ảo, không ngừng biến động dù chỉ trong chốc lát, che chướng bao trùm tâm Phật vốn có xưa nay của mỗi người, khiến chúng ta không thể thấu triệt sinh tử, không được giải thoát, kéo dài kiếp sống dằng dặc mãi trong năm đường, chịu đủ mọi khổ não.

Cảnh giới a-tu-la nghiệp chướng còn nặng nề hơn, mãi mãi không được giải thoát, cho nên chỉ nói năm đường [mà không nhắc đến cõi a-tu-la].

Kinh văn

如魚遊網,將是長流,脫或暫出,又復遭網。

● Như ngư du võng, tương thị trường lưu, thoát hoặc tạm xuất, hựu phục tao võng.

Việt dịch

“Như cá bơi lội trong vòng lưới vây, tưởng như đang ở trong sông rộng, chỉ chốc lát tạm thời không vướng lưới, nhưng rồi cũng lại vướng vào thôi.”

Giảng giải

Thói quen làm ác của con người cũng giống như cá lội trong vùng bủa lưới, tưởng rằng đang bơi trong sông rộng, vừa có được cơ may thoát khỏi rồi lại chui trở vào. Tạm thời tưởng đã thoát được khỏi lưới nhưng rồi lại vướng vào.

Thích nghĩa

Cá là ví dụ cho chúng sinh trong năm đường, lưới là ví dụ cho cái lồng Ba cõi bao trùm. Nhân vì chúng sinh mê muội bám chấp chạy theo tánh, thức, nghiệp lực mà xoay chuyển, thấy biết vướng chấp hết thảy ngoại cảnh hư dối, không biết chúng đang làm nhiễu loạn bản tánh của mình, hóa ra cũng giống như con cá được bơi trong dòng nước mát hết sức vui sướng, vĩnh viễn không muốn buông bỏ dòng nước mình yêu thích, chính là [như chúng sinh] vĩnh viễn không thoát ra khỏi tấm lưới Ba cõi.

Thương thay! Con cá kia thật ngu muội biết bao! Phải biết rằng dòng nước kia vĩnh viễn đã bị lưới bủa vây quanh, cầu mong mọi người hãy nhanh chóng thoát ra khỏi vòng giăng bủa của lưới kia. Bên ngoài lưới ấy mới thực sự là dòng nước trong sạch mát lành không bao giờ khô cạn, tự nhiên vĩnh viễn không còn vướng vào lưới nữa, như vậy há chẳng phải là sự vui sướng chân thật hay sao? Quý vị nếu muốn thoát khỏi lưới ấy thì từ nay phải buông xả, lìa xa dòng nước ái luyến hư vọng kia, tự nhiên sẽ có thể thoát ra được.

Tạm thời được thoát ra, đó là tỷ dụ cho việc làm thiện, tuy được sinh về cõi trời, nhưng vì không biết thoát ra ngoài cái lưới Ba cõi nên rồi lại mắc vào lưới, cũng giống như khi hưởng hết phước cõi trời thì lại đọa vào ba đường ác.

Kinh văn

以是等輩,吾當憂念。汝既畢是往願,累劫重誓,廣度罪輩。吾復何慮。

● Dĩ thị đẳng bối, ngô đương ưu niệm. Nhữ ký tất thị vãng nguyện, lũy kiếp trọng thệ, quảng độ tội bối, ngô phục hà lự?

Việt dịch

“Vì những người như vậy mà ta phải lo nghĩ. Nay ông muốn trọn lời nguyện quá khứ, trong nhiều kiếp đã nặng lời thề rộng độ những chúng sinh tội khổ, vậy ta đâu còn gì phải lo lắng nữa?”

Giảng giải

[Đức Phật nói:] “Nhân vì có những chúng sinh [mê muội] như vậy, đương nhiên ta phải ưu sầu lo lắng. Thế nhưng ông đã có sự phát tâm như vậy, hẳn sẽ thành tựu trọn vẹn lời phát nguyện trước đây của mình, cũng như trong nhiều kiếp đã có lời thề phải rộng độ hết thảy những chúng sinh tội khổ, vậy ta đâu còn gì để phải sầu ưu lo nghĩ nữa?”

Thích nghĩa

Đức Phật vì những chúng sinh tánh, thức không nhất định cho nên hết sức lo nghĩ. Hiện tại Bồ Tát Địa Tạng đã tự mình nói ra, nhận lấy trách nhiệm cứu độ những chúng sinh ấy, đức Phật đương nhiên là không còn gì để phải lo nghĩ nữa.

Kinh văn

說是語時,會中有一菩薩摩訶薩,名定自在王,白佛言:世尊!地藏菩薩累劫已來各發何願今蒙世尊殷勤讚歎?唯願世尊略而說之.

● Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất Bồ Tát Ma-ha-tát, danh Định Tự Tại Vương, bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát lũy kiếp dĩ lai các phát hà nguyện, kim mông Thế Tôn ân cần tán thán? Duy nguyện Thế Tôn lược nhi thuyết chi.

Việt dịch

Đức Thế Tôn nói ra lời ấy rồi, trong hội chúng có vị Đại Bồ Tát tên là Định Tự Tại Vương bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp đến nay đã phát những lời nguyện gì mà nay được đức Thế Tôn ân cần ngợi khen xưng tán? Xin đức Thế Tôn lược nói sơ qua.”

Giảng giải

Vào lúc đức Phật vừa nói xong câu trên, trong hội chúng có một vị Đại Bồ Tát tên gọi là Định Tự Tại Vương thưa trước Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp đến nay đã từng phát những lời thệ nguyện như thế nào mà hiện nay được đức Thế Tôn ân cần ngợi khen xưng tán như vậy? Mong đức Thế Tôn lược nói qua cho nghe một lần.”

Thích nghĩa

Chúng sinh tánh, thức không nhất định, cho nên vào ra trong lưới, không được giải thoát. Vị Bồ Tát này nhiếp tâm nhập định, cho nên quyết phá lưới giăng, đạt được sức tự tại lớn lao không ràng buộc, cho nên gọi tên là Định Tự Tại Vương.

Nhân vì đức Thế Tôn trong Pháp Hội ngợi khen xưng tán Bồ Tát Địa Tạng, nói rằng ngài đã từng phát nguyện trong nhiều kiếp, nên mới có câu hỏi này.

Chữ “lũy” có nghĩa là tầng tầng lớp lớp chồng chất lên nhau, hàm ý biểu thị số kiếp rất nhiều.

Kinh văn

爾時,世尊告定自在王菩薩:諦聽諦聽,善思念之。吾當為汝分別解說。

● Nhĩ thời, Thế Tôn cáo Định Tự Tại Vương Bồ Tát: Đế thính đế thính, thiện tư niệm chi. Ngô đương vị nhữ phân biệt giải thuyết.

Việt dịch

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Định Tự Tại Vương: “Hãy lắng nghe! Hãy khéo suy ngẫm! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.”

Giảng giải

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Định Tự Tại Vương: “Hãy lưu tâm lắng nghe! Hãy suy xét kỹ càng! Nghe qua rồi phải khéo suy ngẫm. Nay ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói.”

Thích nghĩa

Bồ Tát Địa Tạng có thệ nguyện lớn, có đức tin lớn, cho nên mới có thể nhận lãnh lời Phật dạy. Vì sợ rằng những vị Bồ Tát khác không có khả năng nhận lãnh cho nên mới bảo các ngài phải chú trọng, không được xem thường mà chỉ nghe thoáng qua, nghe rồi phải lưu tâm suy ngẫm kỹ lưỡng, như vậy mới có thể đạt được đủ ba loại trí tuệ: văn, tư, tu (nghe nhận, suy ngẫm và thực hành).

Phật bảo hàng Bồ Tát mà còn phải lưu tâm lắng nghe, suy ngẫm kỹ, huống chi chúng ta là những chúng sinh không đủ trí tuệ, lẽ nào lại không đặc biệt lưu tâm lắng nghe, không đặc biệt lưu tâm suy ngẫm hay sao? Hoặc ví như ở điểm này có thể đạt được một chút trí tuệ, nhưng rốt cùng việc đạt đến chỗ triệt ngộ cũng không nói chắc được.

Kinh văn

乃往過去無量阿僧祇那由他不可說劫,爾時有佛號一切智成就如來、應供、正遍知、明行足、善逝、世間解、無上士、調御丈夫、天人師、佛、世尊,其佛壽命六萬劫.未出家時,為小國王,與一鄰國王為友,同行十善,饒益眾生。

● Nãi vãng quá khứ vô lượng a-tăng-kì na-do-tha bất khả thuyết kiếp, nhĩ thời hữu Phật hiệu Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn, kỳ Phật thọ mệnh lục vạn kiếp. Vị xuất gia thời, vi tiểu quốc vương, dữ nhất lân quốc vương vi hữu, đồng hành thập thiện, nhiêu ích chúng sinh.

Việt dịch

Vào thời quá khứ cách đây vô lượng vô số na-do-tha kiếp không thể nói hết, bấy giờ có đức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật này có thọ mạng là 60.000 kiếp. Khi chưa xuất gia, ngài là vua một nước nhỏ, làm bạn với vị vua nước láng giềng, cùng nhau thực hành mười nghiệp lành, làm lợi ích chúng sinh.

Giảng giải

Đó là chuyện trong quá khứ, cách đây vô lượng vô số, ngàn muôn ức, không thể nói hết số kiếp. Thời ấy có đức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai.

Ứng cúng, nghĩa là đã thành Phật, xứng đáng nhận sự cúng dường của chư thiên và loài người.

Chánh biến tri, nghĩa là Phật có sự hiểu biết chân chánh, kiến giải chân chánh, có trí tuệ thấy biết rộng khắp pháp giới.

Minh hạnh túc, nghĩa là thân nghiệp, khẩu nghiệp đều thanh tịnh, tùy ý, đạt được đầy đủ muôn công hạnh.

Thiện thệ, chính là Niết-bàn, mãi mãi vượt ngoài Ba cõi, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi.

Thế gian giải, nghĩa là Phật đời đời xuất hiện ở thế gian nhưng đều có thể đạt được giải thoát.

Vô thượng sĩ, là nói trí tuệ của Phật vô thượng, không ai hơn được.

Điều ngự trượng phu, là nói Phật giáo hóa chúng sinh được cứu độ.

Phật cứu độ chúng sinh trong hai cõi trời, người là nhiều nhất, cho nên tôn xưng ngài là bậc Thiên nhân sư.

Phật được hết thảy chúng sinh trên cõi đời đều tôn kính, cho nên tôn xưng ngài là Thế Tôn.

Thọ mạng của vị Phật này là 60.000 kiếp. Trong thời gian chưa xuất gia, ngài từng làm vua một nước nhỏ, đã kết bạn với vị vua nước láng giềng để cùng nhau tu tập mười nghiệp lành, làm lợi ích cho rất nhiều chúng sinh thuở ấy.

Thích nghĩa

Có trí tuệ hiểu biết được hết thảy mọi việc nên gọi là Nhất thiết trí, phân biệt ra có ba loại. Loại thứ nhất gọi là Nhất thiết trí, có thể thành tựu Tiểu quả của Nhị thừa. Loại thứ hai gọi là Đạo chủng trí, có thể thành tựu đạo Bồ Tát. Loại thứ ba gọi là Nhất thiết chủng trí, có thể thành tựu quả vị Phật.

Như Lai là nói ý nghĩa giống như chư Phật xưa tái sinh.

Mười nghiệp lành, phần trước đã có giải thích rồi.

Kinh văn

其鄰國內所有人民,多造眾惡。二王議計,廣設方便,一王發願:早成佛道,當度是輩,令使無餘;一王發願:若不先度罪苦,令是安樂,得至菩提,我終未願成佛。

● Kỳ lân quốc nội sở hữu nhân dân, đa tạo chúng ác. Nhị vương nghị kế, quảng thiết phương tiện. Nhất vương phát nguyện: Tảo thành phật đạo, đương độ thị bối, linh sử vô dư. Nhất vương phát nguyện: Nhược bất tiên độ tội khổ, linh thị an lạc, đắc chí Bồ-đề, ngã chung vị nguyện thành Phật.

Việt dịch

Nhân dân trong nước láng giềng ấy làm nhiều việc xấu ác. Hai vị vua bàn nhau, rộng bày phương tiện [cứu giúp họ]. Một vua phát nguyện: “[Tôi nguyện] sớm thành Phật đạo để cứu độ bằng hết những người dân này.” Vị vua kia phát nguyện: “Nếu trước tiên không cứu độ hết những người tội khổ, khiến cho đều được an vui, đạt đạo Bồ-đề, thì tôi nguyện không thành Phật.”

Giảng giải

Người dân trong nước láng giềng kia đa số tạo nhiều nghiệp ác. Một ngày nọ, hai vị vua cùng bàn đến việc này, đều muốn nghĩ cách rộng bày phương tiện, cách thức. Sau khi bàn bạc kết thúc, cả hai vị đều phát khởi tâm nguyện. Một vua nói: “Ta nguyện sớm thành Phật, sau đó sẽ độ thoát hết thảy những người dân này, không bỏ sót lại một người nào.” Vị vua còn lại cũng phát nguyện rằng: “Ta nguyện trước tiên phải cứu độ hết những chúng sinh đang chịu tội khổ, khiến họ được an vui, thành tựu quả Phật, nếu không ta sẽ không thành Phật.”

Thích nghĩa

Phát nguyện có hai loại, một là phát nguyện thành Phật, tự mình thành Phật trước tiên, sau đó quay lại cứu độ chúng sinh. Một loại nữa là phát nguyện của Bồ Tát, trước tiên phải cứu độ hết chúng sinh, sau đó tự mình mới thành Phật.

Kinh văn

佛告定自在王菩薩:一王發願早成佛者,即一切智成就如來是。一王發願永度罪苦眾生,未願成佛者,即地藏菩薩是。

● Phật cáo Định Tự Tại Vương Bồ Tát: Nhất vương phát nguyện tảo thành Phật giả, tức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai thị. Nhất vương phát nguyện vĩnh độ tội khổ chúng sinh, vị nguyện thành Phật giả, tức Địa Tạng Bồ Tát thị.

Việt dịch

Đức Phật bảo Bồ Tát Định Tự Tại Vương: “Vị vua phát nguyện sớm thành Phật, chính là đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Vị vua phát nguyện vĩnh viễn cứu độ chúng sinh tội khổ, chưa nguyện thành Phật, chính là Bồ Tát Địa Tạng.”

Giảng giải

Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương rằng: “Một vua phát nguyện muốn sớm thành Phật, chính là đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Một vua phát nguyện muốn trước tiên cứu độ hết chúng sinh tội khổ, tự mình không muốn thành Phật trước, chính là Bồ Tát Địa Tạng.”

Thích nghĩa

Hết thảy người tu hành đều lấy phát nguyện làm việc trước tiên. Phát nguyện lớn hay nhỏ, đều do từ nơi tâm rộng hay hẹp mà phát khởi.

Cho nên tâm Phật với tâm chúng sinh cũng không có gì khác biệt. Phàm phu không thành Phật, đều là do trong tự tâm họ không mong muốn thành Phật. Quý vị nghĩ xem, như vị quốc vương kia một khi phát nguyện liền được thành tựu, xem như vậy thì có thể biết được.

Kinh văn

復於過去無量阿僧祇劫,有佛出世,名清淨蓮華目如來。其佛壽命四十劫.

● Phục ư quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, hữu Phật xuất thế, danh Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Kỳ Phật thọ mệnh tứ thập kiếp.

Việt dịch

Lại nữa, trong quá khứ cách đây vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có Phật xuất thế hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Thọ mạng của vị Phật này là 40 kiếp.

Giảng giải

Trong quá khứ cách đây vô lượng a-tăng-kỳ số kiếp lại có một vị Phật xuất thế, danh hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Thọ mạng của ngài dài 40 kiếp.

Thích nghĩa

Đức Phật có 32 tướng tốt, đó là vì Phật đã dứt trừ hết mọi điều xấu ác, lại trọn vẹn đầy đủ hết thảy mọi công đức. Cho nên, khuôn mặt của Phật như mặt trăng tròn sáng. Phật thường dùng ánh mắt từ bi xem khắp chúng sinh, cho nên đồng tử trong mắt ngài giống hệt như hoa sen thanh tịnh.

Kinh văn

像法之中,有一羅漢,福度眾生。因次教化,遇一女人,字曰光目。設食供養。羅漢問之:欲願何等?光目答言:我以母亡之日,資福救拔,未知我母生處何趣?

● Tượng pháp chi trung, hữu nhất La-hán, phúc độ chúng sinh. Nhân thứ giáo hóa, ngộ nhất nữ nhân, tự viết Quang Mục, thiết thực cúng dường. La-hán vấn chi: Dục nguyện hà đẳng? Quang Mục đáp ngôn: Ngã dĩ mẫu vong chi nhật, tư phúc cứu bạt, vị tri ngã mẫu sinh xứ hà thú?

Việt dịch

Trong thời Tượng pháp [của vị Phật này], có một vị La-hán đem phước đức cứu độ chúng sinh. Nhân trong khi tuần tự giáo hóa, ngài gặp một cô gái tên là Quang Mục bày biện các món thức ăn dâng lên cúng dường. Vị La-hán hỏi: “Con muốn cầu điều gì?” Quang Mục thưa: “Nhân ngày giỗ mẹ, con muốn nhờ phước [cúng dường] này để cứu mẹ, nhưng vẫn không biết mẹ con tái sinh cõi nào?”

Giảng giải

Trong khoảng thời gian Tượng pháp, có một vị La-hán dùng sự tu hành phước đức để cứu độ chúng sinh. Quán sát nhân quả của người phàm rồi dựa theo đó mà giáo hóa. Một hôm, ngài gặp một người con gái tên là Quang Mục, cung kính dâng một bữa cơm cúng dường lên ngài. Vị La-hán hỏi: “Con cúng dường như vậy muốn cầu việc gì?” Quang Mục thưa: “Con nhân ngày giỗ mẹ con, bỏ tiền của ra vì mẹ làm phúc để mong cứu độ mẹ, nhưng không biết mẹ con hiện nay sinh vào chốn nào? Ở trong cảnh giới nào?”

Thích nghĩa

Tượng pháp, là quãng thời gian sau khi Phật nhập diệt, nằm giữa hai thời kỳ Chánh pháp và Mạt pháp, chỉ còn lại những hình tượng, tranh vẽ giống Phật thôi.

La-hán là vị ôm bình bát đi khất thực, tu hành giáo hóa chúng sinh, cho nên gọi là vị khất sĩ.

Mục là biểu thị định, quang là biểu thị tuệ, nhờ định mà có tuệ, từ nơi tuệ mới phát quang, tỏa sáng.

Người đem thức ăn bố thí cho người khác có năm loại công đức. Thứ nhất là cho người mạng sống (thí mạng), thứ hai là cho người hình sắc (thí sắc), thứ ba là cho người sức mạnh (thí lực), thứ tư là cho người sự an ổn (thí an), thứ năm là cho người sức biện thuyết (thí biện). Đó là năm phước đức [người bố thí nhận được].

Kinh văn

羅漢愍之,為入定觀。見光目女母墮在惡趣,受極大苦。羅漢問光目言:汝母在生作何行業?今在惡趣受極大苦。

● La-hán mẫn chi, vi nhập định quán, kiến Quang Mục nữ mẫu đọa tại ác thú, thụ cực đại khổ. La-hán vấn Quang Mục ngôn: Nhữ mẫu tại sinh tác hà hành nghiệp? Kim tại ác thú thụ cực đại khổ.

Việt dịch

Vị La-hán thương xót, liền nhập định quán xét, thấy mẹ của Quang Mục đọa vào đường ác, chịu khổ não cùng cực. Vị La-hán liền hỏi Quang Mục: “Mẹ con khi còn sống tạo những nghiệp gì? Hiện nay đọa vào đường ác đang chịu khổ não cùng cực.”

Giảng giải

Vị La-hán sau khi nghe cô Quang Mục nói xong thì rất thương xót, liền vì cô ngồi tĩnh tọa nhập định quán sát, thấy được mẹ cô Quang Mục đọa vào trong đường ác, chịu khổ não cùng cực.

Thích nghĩa

Hết thảy chúng sinh gặp phải tai nạn họa hại hoàn toàn không phải do trời giáng phạt, đều là những điều tự mình làm trong quá khứ nên hiện tại phải nhận lãnh quả báo, tự làm tự chịu.

Hiện tại nhìn thấy mẹ cô Quang Mục ở trong địa ngục Vô Gián, chịu khổ báo cùng cực, cho nên khi xuất định liền phải hỏi cô xem lúc còn sống bà ấy đã tạo những nghiệp gì.

Kinh văn

光目答言:我母所習,唯好食噉魚鱉之屬。所食魚鱉,多食其子,或炒或煮,恣情食噉,計其命數,千萬復倍。尊者慈愍,如何哀救?

● Quang Mục đáp ngôn: Ngã mẫu sở tập, duy háo thực đạm ngư miết chi thuộc. Sở thực ngư miết, đa thực kì tử, hoặc sao hoặc chử, tứ tình thực đạm, kế kỳ mệnh số, thiên vạn phục bội. Tôn giả từ mẫn, như hà ai cứu?

Việt dịch

Quang Mục thưa đáp: “Nghiệp ác mẹ con đã làm chỉ duy nhất là thích ăn các loài hải sản, đa phần là ăn trứng của chúng, hoặc chiên hoặc nấu, cứ tha hồ mà ăn, tính ra phải nhiều hơn muôn ngàn sinh mạng. Tôn giả rủ lòng thương, xin làm cách nào để cứu giúp.”

Giảng giải

Cô Quang Mục đáp lại câu hỏi, nói rằng: “Thói quen của mẹ con là chỉ ưa thích ăn các loại hải sản, khi ăn thì đa phần là ăn trứng của chúng, hoặc chiên xào, hoặc luộc nấu, cứ buông thả theo ý thích mà ăn, nếu tính lại số lượng các sinh mạng ấy hẳn phải nhiều hơn cả số muôn ngàn. Thưa Tôn giả! Mong ngài đem lòng từ bi thương xót con, làm cách nào để cứu vớt mẹ con.”

Thích nghĩa

Những nghiệp ác mà chúng ta gây tạo có rất nhiều, nhưng nghiêm trọng, nặng nề nhất là nghiệp giết hại. Mẹ của Quang Mục không chỉ giết hại ăn thịt các loài thủy tộc, mà còn chuyên ăn trứng của chúng. Trong một bọc trứng số lượng rất nhiều, ví như chúng được sinh ra lớn lên, mỗi trứng đều là một sinh mạng. Số trứng nhiều tức số sinh mạng nhiều, cho nên nói rằng không chỉ ở số muôn ngàn. Nên có thể biết rằng mẹ của Quang Mục đã giết hại rất nhiều sinh mạng, tội nghiệp đó tự nhiên rất nặng nề không thể tỷ dụ được.

Kinh văn

羅漢愍之,為作方便.勸光目言:汝可志誠念清淨蓮華目如來,兼塑畫形像,存亡獲報。

● La-hán mẫn chi, vi tác phương tiện, khuyến Quang Mục ngôn: Nhữ khả chí thành niệm Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, kiêm tố họa hình tượng, tồn vong hoạch báo.

Việt dịch

Vị La-hán thương xót, liền phương tiện khuyên Quang Mục rằng: “Con có thể chí thành niệm danh hiệu đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, cùng tạo vẽ hình tượng ngài thì người còn kẻ mất đều được phước báo.”

Giảng giải

La-hán hết sức thương xót nên vì cô Quang Mục mà chỉ bày phương cách, khuyên rằng: “Con có thể đem tâm chí thành niệm danh hiệu đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, lại tạo vẽ hình tượng của ngài thì người còn sống với kẻ đã mất đều sẽ được quả báo tốt đẹp.”

Thích nghĩa

Niệm Phật, tạo tượng Phật, vẽ hình Phật, chính là phương pháp cứu vớt. Niệm Phật thì ngay trong đời này được lợi mình, lợi người. Tạo vẽ tượng Phật thì đời sau được lợi mình lợi người.

Tâm hướng về một nơi gọi là chí, ý chân thật kiên định gọi là thành. Bất kể là làm việc lành gì, có tâm chí thành ắt được thành tựu, không có tâm chí thành ắt phải hư hỏng.

Niệm Phật một câu có thể tiêu trừ tội nghiệp trong số kiếp nhiều như cát sông Hằng. Lễ Phật một lạy, có thể tăng thêm vô lượng phước đức. Những điều này đều nhờ nơi tâm chí thành mà đạt được.

Cô gái Quang Mục nếu có thể làm như vậy, không chỉ là mẹ cô được thoát khỏi địa ngục, mà chính tự thân cô trong tương lai cũng chứng thành quả Phật. Cho nên nói rằng người còn kẻ mất đều được phước báo.”

Kinh văn

光目聞已,即捨所愛,尋畫佛像而供養之.復恭敬心,悲泣瞻禮。

● Quang Mục văn dĩ, tức xả sở ái, tầm hoạ Phật tượng nhi cúng dường chi, phục cung kính tâm, bi khấp chiêm lễ.

Việt dịch

Cô Quang Mục nghe như vậy rồi liền từ bỏ hết những gì mình yêu thích, dùng lo việc tạo vẽ hình tượng Phật mà cúng dường, lại hết lòng cung kính thương cảm chiêm ngưỡng lễ bái, nước mắt ràn rụa.

Giảng giải

Cô Quang Mục một khi nghe được lời dạy ấy rồi, lập tức buông bỏ hết những vật mình yêu thích, bán đi lấy tiền, dùng tiền ấy để tìm người nhờ vẽ tranh tượng Phật cúng dường, lại khởi sinh tâm chí thành cung kính, thương cảm mà chiêm ngưỡng, cung kính lễ bái.

Thích nghĩa

Cô Quang Mục vừa nhớ tưởng đến mẹ đang chịu khổ, lại vừa nhớ tưởng đến ân đức của Phật đối với chúng sinh, cho nên mới sinh lòng thương cảm bi ai, nước mắt tuôn tràn.

Chiêm ngưỡng rồi lễ bái, lễ bái rồi chiêm ngưỡng, một tấm lòng hiếu thảo thuần khiết, há còn thấy có gì khác vui thú sao?

Kinh văn

忽於夜後,夢見佛身,金色晃耀,如須彌山,放大光明,而告光目:汝母不久當生汝家。纔覺飢寒,即當言說。

● Hốt ư dạ hậu, mộng kiến Phật thân, kim sắc hoảng diệu, như Tu-di sơn, phóng đại quang minh, nhi cáo Quang Mục: Nhữ mẫu bất cửu đương sinh nhữ gia, tài giác cơ hàn, tức đương ngôn thuyết.

Việt dịch

Bỗng dưng vừa quá nửa đêm, Quang Mục mộng thấy thân Phật sắc vàng rực rỡ chói lọi, cao lớn như núi Tu-di, phóng chiếu hào quang chói sáng, bảo Quang Mục rằng: “Không bao lâu nữa mẹ con sẽ sinh vào trong nhà con, vừa biết đói lạnh thì biết nói.”

Giảng giải

Bỗng dưng vào khoảng nửa sau của đêm đó, cô Quang Mục trong mộng nhìn thấy được thân Phật, sắc vàng rực rỡ như vàng ròng, cao lớn như núi Tu-di, phóng chiếu hào quang sáng chói. Đức Phật bảo Quang Mục: “Mẹ của con, không bao lâu nữa sẽ sinh vào trong nhà con. Khi vừa biết đói, biết lạnh cũng liền biết nói.”

Thích nghĩa

Nằm mộng có bốn trường hợp. Một là mộng do bốn đại không hòa hợp. Hai là mộng thấy trước sự việc. Ba là mộng của trời, người. Bốn là mộng do tâm tưởng.

Giấc mộng của Quang Mục là thuộc hai trường hợp sau.

“Rực rỡ chói lọi” là mô tả ánh sáng chiếu soi chói lọi cùng khắp.

“Sinh vào nhà của con” là đức Phật đáp ứng nguyện vọng của cô Quang Mục, nói cho cô biết nơi mẹ cô sẽ sinh đến.

Kinh văn

其後家內婢生一子,未滿三日,而乃言說。稽首悲泣,告於光目:生死業緣,果報自受。吾是汝母,久處暗冥.自別汝來,累墮大地獄。蒙汝福力,方得受生,為下賤人。又復短命,壽年十三,更落惡道。汝有何計?令吾脫免。

● Kỳ hậu gia nội tỳ sinh nhất tử, vị mãn tam nhật, nhi nãi ngôn thuyết, kê thủ bi khấp, cáo ư Quang Mục: Sinh tử nghiệp duyên, quả báo tự thụ. Ngô thị nhữ mẫu, cửu xứ ám minh. Tự biệt nhữ lai, luy đọa đại địa ngục. Mông nhữ phúc lực, phương đắc thụ sinh, vi hạ tiện nhân, hựu phục đoản mệnh, thọ niên thập tam, cánh lạc ác đạo. Nhữ hữu hà kế, linh ngô thoát miễn?

Việt dịch

Sau đó, người tỳ nữ trong nhà sinh ra một đứa con, chưa được ba ngày đã biết nói, cúi đầu buồn khóc nói với Quang Mục: “Nghiệp duyên trong vòng sinh tử, quả báo tự mình nhận lãnh. Ta là mẹ của con trước đây, từ lâu phải ở trong chốn u minh. Từ khi ly biệt với con, ta phải đọa vào đại địa ngục nhiều lần. Nay nhờ phước lực của con mới được thọ sinh lần này, làm người hạ tiện, nhưng lại vắn số, chỉ đến năm 13 tuổi sẽ chết rồi lại đọa vào đường ác. Con có cách gì giúp ta thoát khỏi được chăng?”

Giảng giải

Sau đó, có người tỳ nữ trong nhà Quang Mục sinh ra một đứa con trai, chưa được ba ngày quả nhiên đã biết nói. Nhìn thấy Quang Mục, đứa bé cúi đầu khóc lóc bi thảm, nói với Quang Mục: “Nghiệp đã tạo trong chốn sinh tử, nhân duyên quả báo đều tự mình nhận lãnh. Ta chính là mẹ của con trước đây, từ lâu đã phải ở trong chốn u minh. Từ khi ly biệt với con, ta nhiều lần đọa vào đại địa ngục. Nhờ có năng lực do con tu phước nên mới được thoát ra thọ sinh làm người hạ tiện, nhưng số mạng ngắn ngủi, chỉ đến năm 13 tuổi phải chết, rồi lại phải đọa vào đường ác. Nay con có phương cách gì giúp ta thoát được tội nghiệp này chăng?”

Thích nghĩa

Vừa sinh ra ba ngày đã biết nói, đó đều là nhờ sức thần thông của Phật ngấm ngầm gia hộ.

Người sống trong ba cõi, bất kể lớn nhỏ, sang hèn, hết thảy đều tùy theo nghiệp đã tạo mà tự mình thăng trầm, người khác không cách gì thay thế được.

Nghiệp giết hại có ba loại quả báo. Một là mạng sống ngắn ngủi, hai là nhiều bệnh tật, ba là đọa vào đại địa ngục. Cho nên mẹ của Quang Mục phải chịu sự báo ứng như vậy.

Kinh văn

光目聞說,知母無疑。哽咽悲啼而白婢子:既是我母,合知本罪,作何行業,墮於惡道?婢子答言:以殺害毀罵二業受報。若非蒙福,救拔吾難,以是業故,未合解脫。

● Quang Mục văn thuyết, tri mẫu vô nghi. Ngạnh ân bi đề nhi bạch tì tử: Ký thị ngã mẫu, hợp tri bản tội, tác hà hành nghiệp, đọa ư ác đạo? Tỳ tử đáp ngôn: Dĩ sát hại hủy mạ nhị nghiệp thụ báo. Nhược phi mông phúc, cứu bạt ngô nạn, dĩ thị nghiệp cố, vị hợp giải thoát.

Việt dịch

Quang Mục nghe nói, biết đó là mẹ mình, không nghi ngờ gì nữa, nghẹn ngào nức nở, khóc mà nói với đứa con tỳ nữ: “Đã là mẹ của con hẳn phải biết tội mình, đã tạo nghiệp gì phải đọa vào đường ác?” Đứa trẻ đáp rằng: “Do hai nghiệp giết hại và chê bai mắng nhiếc nên phải chịu quả báo. Nếu không nhờ phước đức cứu vớt khổ nạn thì theo nghiệp ấy vẫn chưa được thoát ra.”

Giảng giải

Quang Mục vừa nghe đứa trẻ nói xong thì biết ngay đó là mẹ mình, không còn nghi ngờ gì, cô liên ngẹn ngào nức nở khóc mà nói với đứa con người tỳ nữ: “Người đã là mẹ của tôi thì phải biết được tội nghiệp của mình đã tạo trước đây, vậy đã tạo những nghiệp gì mà phải đọa vào trong đường ác?” Đứa con người tỳ nữ đáp rằng: “Ta vì hai nghiệp ác là giết hại sinh mạng và chê bai chửi mắng mà phải chịu quả báo như vậy. Nếu như không nhờ sức tu phước đức của con cứu ta khỏi khổ nạn này, thì với nghiệp ác đó không thể được thoát ra.”

Thích nghĩa

Âm thanh nấc nghẹn không ra khỏi miệng nên gọi là nghẹn ngào, khóc lớn thành tiếng là khóc nức nở.

Trong những nghiệp ác của thân thì nghiệp giết hại là nặng nề nhất. Trong những nghiệp ác của miệng thì chê bai chửi mắng là nặng nề nhất. Đã phạm vào cả hai nghiệp ác nặng nề như vậy, tất nhiên phải đọa vào đại địa ngục chịu khổ não.

Nếu như không có con cái hiếu thuận thay bà ấy niệm Phật, tạo tượng, tu phúc, thì nghiệp báo nặng nề như vậy làm sao có hy vọng được giải thoát?

Kinh văn

光目問言:地獄罪報,其事云何?婢子答言:罪苦之事,不忍稱說。百千歲中,卒白難竟。

● Quang Mục vấn ngôn: Địa ngục tội báo, kỳ sự vân hà? Tỳ tử đáp ngôn: Tội khổ chi sự, bất nhẫn xưng thuyết, bá thiên tuế trung, tốt bạch nan cánh.

Việt dịch

Quang Mục lại hỏi: “Chuyện tội báo ở địa ngục như thế nào?” Đứa con người tỳ nữ đáp: “Những chuyện tội khổ ở đó nói ra thật không chịu nổi, dù trăm ngàn năm cũng không nói hết được.”

Giảng giải

Quang Mục lại hỏi: “Những việc tội báo ở địa ngục như thế nào, mẹ có thể nói ra cho con nghe được không?” Đứa con người tỳ nữ đáp rằng: “Những chuyện chịu tội khổ ở đó, ta thật không đủ sức chịu đựng khi nói ra. Nếu như muốn nói ra thì đến trăm năm, ngàn năm cũng không nói hết được.”

Thích nghĩa

Người mẹ kia vừa nghĩ lại những nỗi khổ đau cùng cực, bi thảm trong địa ngục thì trong lòng tan nát, làm sao còn có thể nói ra? Ví như có nói, [người nghe] cũng không sao hình dung ra nổi.

Kinh văn

光目聞已,啼淚號泣而白空界:願我之母,永脫地獄。畢十三歲,更無重罪及歷惡道。

● Quang Mục văn dĩ, đề lệ hào khấp nhi bạch không giới: Nguyện ngã chi mẫu vĩnh thoát địa ngục, tất thập tam tuế, cánh vô trọng tội cập lịch ác đạo.

Việt dịch

Quang Mục nghe xong khóc lóc thảm thiết, ngửa mặt lên hư không thưa rằng: “Nguyện cho mẹ con vĩnh viễn thoát khỏi địa ngục, hết năm 13 tuổi không còn tội nặng, không phải đi vào đường ác.”

Giảng giải

Quang Mục nghe qua rồi liền cất tiếng khóc lớn, buồn đau thảm thiết, hướng lên hư không nói rằng: “Nguyện cho mẹ con được vĩnh viễn thoát ly địa ngục, sau khi thọ mạng chấm dứt năm 13 tuổi không còn tội nghiệp nặng nề, cũng không phải đi vào đường ác nữa.”

Thích nghĩa

Chữ “hào” là khóc lớn tiếng, do trong lòng hết sức đau đớn cho nên mới khóc lớn tiếng.

Đoạn trước nói sau năm 13 tuổi người mẹ sẽ đọa vào đường ác, cho nên Quang Mục mới phát nguyện như vậy.

Kinh văn

十方諸佛慈哀愍我,聽我為母所發廣大誓願:若得我母永離三塗及斯下賤,乃至女人之身,永劫不受者。

● Thập phương chư Phật từ ai mẫn ngã, thính ngã vi mẫu sở phát quảng đại thệ nguyện: Nhược đắc ngã mẫu vĩnh ly tam đồ cập tư hạ tiện, nãi chí nữ nhân chi thân vĩnh kiếp bất thụ giả.

Việt dịch

“Nguyện mười phương chư Phật từ bi thương xót, lắng nghe chứng giám, nay con vì mẹ phát lời thệ nguyện rộng lớn: “Nếu mẹ con được vĩnh viễn lìa xa ba đường ác cũng như kiếp hạ tiện này, cho đến mãi mãi không còn thọ thân nữ giới...”

Giảng giải

Quang Mục lại nói tiếp: “Xin nguyện cùng mười phương chư Phật! Mong chư Phật khởi lòng từ bi thương xót đến con, lắng nghe con vì mẹ phát lời thệ nguyện rộng lớn: Nếu mẹ con được vĩnh viễn thoát khỏi ba đường ác, thoát khỏi thân hạ tiện hiện nay, cho đến mãi mãi không còn sinh làm thân nữ.”

Thích nghĩa

Cầu mười phương Phật tức là cầu chư Phật trong số thế giới nhiều như cát sông Hằng, biểu thị lời phát nguyện của Quang Mục hết sức rộng lớn.

Mong cho mẹ mãi mãi không sinh làm thân người nữ, đó là mong cho tâm hiếu thảo của tự thân mình mãi mãi không diệt mất.

Tuy đã có tâm nguyện như vậy nhưng vẫn phải nguyện cầu chư Phật từ bi thương xót hộ trì cho cô.

Kinh văn

願我自今日後,對清淨蓮華目如來像前,卻後百千萬億劫中,應有世界所有地獄及三惡道諸罪苦眾生,誓願救拔,令離地獄惡趣、畜生、餓鬼等。如是罪報等人,盡成佛竟,我然後方成正覺。

● Nguyện ngã tự kim nhật hậu, đối Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai tượng tiền, khước hậu bá thiên vạn ức kiếp trung, ưng hữu thế giới sở hữu địa ngục cập tam ác đạo chư tội khổ chúng sinh, thệ nguyện cứu bạt, linh ly địa ngục ác thú, súc sinh, ngạ quỷ đẳng. Như thị tội báo đẳng nhân, tận thành Phật cánh, ngã nhiên hậu phương thành Chính giác.

Việt dịch

“...thì con nguyện trước hình tượng đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, từ nay về sau cho đến trong trăm ngàn muôn ức kiếp, ở thế giới nào có những chúng sinh chịu tội khổ trong địa ngục cũng như ba đường ác, con xin nguyện cứu vớt tất cả, khiến cho được lìa khỏi các cảnh địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Những người chịu tội báo như thế đều thành Phật hết rồi, sau đó con mới thành Chánh giác.”

Giảng giải

Con nguyện từ hôm nay trở về sau, đối trước tranh tượng đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, trong trăm ngàn muôn ức kiếp, ở bất cứ thế giới nào có những chúng sinh chịu tội khổ trong các địa ngục cũng như ba đường ác, con phát khởi thệ nguyện xin cứu giúp tất cả, khiến cho những chúng sinh ấy đều được lìa khỏi đường ác địa ngục cũng như súc sinh, ngạ quỷ. Hết thảy những chúng sinh chịu tội khổ như vậy đều thành Phật rồi, sau đó con mới thành Phật. (Thành Chánh giác tức là thành Phật.)

Thích nghĩa

“Từ nay về sau”, đó là điểm mốc phát khởi tâm ban đầu. Cũng như khi [tiền thân ngài Địa Tạng] làm vị Trưởng giả tử, làm cô gái bà-la-môn, làm vị quốc vương, làm cô gái Quang Mục, bốn lần phát đại nguyện thực hành đạo hiếu cũng đều giống nhau là trước tiên phải độ hết tất cả chúng sinh trong sáu đường đều thành Phật. Xét lại đến tận nguồn cơn ban đầu thì lần đề cập sau cùng này là lần phát tâm trước nhất, nên có thể biết rằng công đức phát tâm ban đầu là quan trọng lớn lao nhất.

Cõi ngạ quỷ hết sức khổ sở, trong vô số ngàn kiếp không hề được ăn uống gì. Yết hầu của ngạ quỷ nhỏ như cây kim, bụng to như núi, ví như có lúc được ăn uống gì, thức ăn vừa vào trong bụng liền hóa thành lửa. Đây là những người ở đời tham lam bỏn xẻn tiền bạc, không chịu bố thí cho người khốn cùng, nên phải chịu quả báo như vậy.

Kinh văn

發誓願已,具聞清淨蓮華目如來而告之曰:光目,汝大慈愍,善能為母發如是大願。吾觀汝母十三歲畢,捨此報已,生為梵志,壽年百歲。過是報後,當生無憂國土,壽命不可計劫,後成佛果,廣度人天,數如恒河沙。

● Phát thệ nguyện dĩ, cụ văn Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai nhi cáo chi viết: Quang Mục, nhữ đại từ mẫn, thiện năng vi mẫu phát như thị đại nguyện. Ngô quán nhữ mẫu thập tam tuế tất, xả thử báo dĩ, sinh vi Phạm chí, thọ niên bá tuế. Quá thị báo hậu, đương sinh Vô Ưu quốc độ, thọ mệnh bất khả kế kiếp, hậu thành Phật quả, quảng độ nhân thiên, số như Hằng hà sa.

Việt dịch

Phát nguyện vừa xong, liền nghe rõ đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai bảo cho biết rằng: “Quang Mục, con có tâm đại từ, có tình thương rộng lớn, khéo vì mẹ phát lời đại nguyện như vậy. Ta quán xét thấy mẹ của con hết năm 13 tuổi, xả bỏ nghiệp báo này rồi sẽ sinh làm Phạm-chí, tuổi thọ đến trăm năm. Sau đó sẽ sinh về cõi nước Vô Ưu, tuổi thọ không thể tính đếm số kiếp. Về sau thành Phật, rộng độ trong hai cõi trời, người, số lượng nhiều như cát sông Hằng.

Giảng giải

Phát nguyện vừa xong hết, liền nghe được tiếng đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai bảo cho biết rằng: “Quang Mục! Con thực sự có tâm đại bi, có tình thương rộng lớn, có thể nghĩ đến phương thức tốt đẹp như vậy, vì mẹ mà phát lời thệ nguyện lớn lao sâu rộng. Ta quán sát thấy mẹ của con sau khi sống đến năm 13 tuổi, xả bỏ báo thân này rồi thì sinh làm một vị Phạm chí, tuổi thọ đến trăm năm. Sau khi bỏ báo thân Phạm chí sẽ sinh về cõi nước Vô Ưu, tuổi thọ dài lâu không thể tính đếm được số kiếp. Cuối cùng về sau sẽ thành tựu quả Phật, rộng độ chúng sinh trong cả hai cõi trời, người, số nhiều như số cát sông Hằng.

Thích nghĩa

“Đại từ mẫn” (có tâm đại từ, có tình thương rộng lớn), đó là nói Quang Mục có khả năng cứu vớt, hóa độ hết thảy chúng sinh trong ba đường ác.

“Thiện năng” (khéo phát tâm) là khen ngợi sự thông minh, nếu vì mẹ phát tâm là chuyện bình thường, nhưng phát thệ nguyện rộng lớn như vậy cầu cho mẹ tiêu trừ tội nghiệp thì khác nào dùng nước biển dập đám lửa nhỏ, có lẽ nào là không khéo léo? Cho nên tuổi thọ ngắn hóa thành dài, thân phận hạ tiện hóa thành cao quý, buồn lo đọa vào đường ác hóa thành không buồn lo lại chứng thành quả Phật. Sự chuyển biến thiện ác như thế, chẳng phải nhờ vào công đức đại nguyện của Quang Mục hay sao?

Phạm chí dịch sang Hán ngữ là “tịnh duệ”, là ý nói dòng dõi thanh tịnh.

Cõi nước Vô Ưu chính là thế giới Cực Lạc.

Kinh văn

佛告定自在王:爾時羅漢福度光目者,即無盡意菩薩是。光目母者,即解脫菩薩是。光目女者,即地藏菩薩是。

● Phật cáo Định Tự Tại Vương: Nhĩ thời La-hán phúc độ Quang Mục giả, tức Vô Tận Ý Bồ Tát thị. Quang Mục mẫu giả, tức Giải Thoát Bồ Tát thị. Quang Mục nữ giả, tức Địa Tạng Bồ Tát thị.

Việt dịch

Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương: “Vị La-hán dùng phúc đức hóa độ Quang Mục thuở ấy, nay chính là Bồ Tát Vô Tận Ý. Người mẹ của Quang Mục, nay chính là Bồ Tát Giải Thoát. Cô gái Quang Mục ấy, nay chính là Bồ Tát Địa Tạng.

Giảng giải

Đức Phật nói với ngài Định Tự Tại Vương rằng: “Vị La-hán dùng phúc đức hóa độ Quang Mục thuở ấy là ai? Đó chính là Bồ Tát Vô Tận Ý. Người mẹ của Quang Mục là ai? Đó chính là Bồ Tát Giải Thoát. Cô gái Quang Mục ấy là ai? Đó chính là Bồ Tát Địa Tạng.

Thích nghĩa

Trước đây là tiểu quả, giờ đều là các vị Đại Bồ Tát. Cho đến người đàn bà có tội đọa vào địa ngục, cũng thành vị Bồ Tát. Có thể biết rằng, công đức hiếu hạnh cứu độ chúng sinh quả thật lớn lao không thể nghĩ bàn.

Vô Tận Ý là hàm ý thệ nguyện cứu độ chúng sinh, thệ nguyện ấy là không cùng tận.

Kinh văn

過去久遠劫中,如是慈愍,發恒河沙願,廣度眾生。

● Quá khứ cửu viễn kiếp trung, như thị từ mẫn, phát Hằng hà sa nguyện, quảng độ chúng sinh.

Việt dịch

Trong quá khứ nhiều kiếp lâu xa đều có tâm từ, có tình thương như vậy, phát thệ nguyện nhiều như số cát sông Hằng, rộng độ chúng sinh.

Giảng giải

Trong quá khứ nhiều kiếp lâu xa, Bồ Tát đều có tâm từ bi, có lòng thương xót chúng sinh như vậy, đã phát những lời thệ nguyện nhiều như số cát sông Hằng, cứu độ rộng khắp hết thảy chúng sinh.

Thích nghĩa

Từ lúc mới phát tâm cho đến lúc nhận sự giao phó dặn dò [của đức Phật] là thời gian hết sức lâu xa, làm sao có thể tính đếm đo lường được? Phát tâm từ bi là căn bản của việc làm thiện. Nếu có tâm từ bi, có lòng thương xót chúng sinh thì mọi công đức tu tập đều tự nhiên trọn đủ.

Kinh văn

未來世中,若有男子女人,不行善者行惡者,乃至不信因果者、邪婬妄語者、兩舌惡口者、毀謗大乘者,如是諸業眾生,必墮惡趣。若遇善知識,勸令一彈指間歸依地藏菩薩,是諸眾生,即得解脫三惡道報。

● Vị lai thế trung, nhược hữu nam tử nữ nhân, bất hành thiện giả hành ác giả, nãi chí bất tín nhân quả giả, tà dâm vọng ngữ giả, lưỡng thiệt ác khẩu giả, hủy báng Đại thừa giả, như thị chư nghiệp chúng sinh, tất đọa ác thú. Nhược ngộ thiện tri thức, khuyến linh nhất đàn chỉ gian quy y Địa Tạng Bồ Tát, thị chư chúng sinh, tức đắc giải thoát tam ác đạo báo.

Việt dịch

Trong tương lai, nếu có kẻ nam người nữ không làm việc thiện, làm việc ác, thậm chí không tin nhân quả, phạm vào tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, hủy báng Đại thừa... Những chúng sinh tạo nghiệp như vậy, ắt phải đọa vào đường ác, nhưng nếu gặp được bậc thiện tri thức khuyên bảo, khiến cho quay về quy y với Bồ Tát Địa Tạng dù trong một khoảng thời gian rất ngắn, liền được giải thoát khỏi ba đường ác.

Giảng giải

Lại trong tương lai ở thế gian này, ví như có những kẻ nam người nữ không làm việc lành mà làm những việc ác, thậm chí không tin nhân quả, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, hủy báng Đại thừa... Chúng sinh tạo những nghiệp như vậy, sau khi chết nhất định phải đọa vào địa ngục, vào các đường ác, nhưng nếu gặp được bậc thiện tri thức khuyên bảo họ, khiến cho trong một khoảng thời gian rất ngắn quay về quy y với Bồ Tát Địa Tạng. Những chúng sinh nhiều tội ác như vậy cũng liền được giải thoát khỏi ba đường ác.

Thích nghĩa

Việc báo ứng thiện ác như bóng theo hình, vĩnh viễn không tách rời. Ví như có người không tin nhân quả, nhất định sẽ tạo rất nhiều nghiệp ác.

Không tin nhân quả là đã tạo nghiệp của ý. Tà dâm là tạo nghiệp ác của thân. Nói hai lưỡi, nói lời độc ác, hủy báng, thảy đều là tạo nghiệp ác của khẩu. Nhưng nghiệp ác của việc hủy báng Đại thừa lại càng cực kỳ nặng nề hơn.

Hai mươi niệm [khởi trong tâm] là một chớp mắt, hai mươi chớp mắt là một “đàn chỉ”. Một đàn chỉ như vậy là quãng thời gian rất ngắn, nhưng cũng đã giúp giải thoát được vô lượng nghiệp ác. Đó là sức công đức của việc quy y với Bồ Tát Địa Tạng, làm sao có thể nói hết được. (Về các nghiệp như tà dâm, nói dối... phần trước đã có giải thích.)

Kinh văn

若能志心歸敬及瞻禮讚歎、香華、衣服,種種珍寶,或復飲食。如是奉事者,未來百千萬億劫中,常在諸天受勝妙樂。若天福盡,下生人間,猶百千劫常為帝王,能憶宿命因果本末。

● Nhược năng chí tâm quy kính cập chiêm lễ tán thán, hương hoa, y phục, chủng chủng trân bảo, hoặc phục ẩm thực, như thị phụng sự giả, vị lai bá thiên vạn ức kiếp trung, thường tại chư thiên thụ thắng diệu lạc. Nhược thiên phúc tận, hạ sinh nhân gian, do bá thiên kiếp thường vi đế vương, năng ức túc mệnh nhân quả bản mạt.

Việt dịch

Nếu người nào có thể hết lòng quy y tôn kính, chiêm ngưỡng lễ bái, ngợi khen xưng tán, dùng đủ các thứ hương hoa, y phục, đủ loại trân bảo hoặc các món ăn thức uống để phụng sự cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, thì trong trăm ngàn vạn ức kiếp tương lai thường sinh lên các cõi trời, thọ hưởng sự vui thích khoái lạc tuyệt diệu. Khi phước cõi trời đã hết, lại sinh về cõi người trong trăm ngàn kiếp thường làm bậc đế vương, có thể nhớ lại cặn kẽ ngọn nguồn những việc nhân quả trong đời trước.

Giảng giải

Ví như có người có thể phát tâm chí thành quy y, kính trọng Bồ Tát Địa Tạng, cũng như chiêm ngưỡng, lễ bái ngài, xưng tán khen ngợi, dùng những loại hương hoa quý tốt nhất, những loại y phục tốt đẹp, các loại báu vật trân quý, hoặc các loại món ăn thức uống thanh khiết, dâng lên cúng dường, phụng sự ngài, thì sau khi chết trong trăm ngàn muôn ức kiếp sau đó thường được sinh lên các cõi trời, hưởng thụ những điều khoái lạc tốt đẹp nhất, tuyệt diệu nhất. Đến khi phước cõi trời hưởng tận sinh về cõi người, vẫn còn được trăm ngàn kiếp làm bậc đế vương, lại có năng lực nhớ lại được rõ ràng vận mạng của mình trong những kiếp trước cũng như nhớ được đến tận ngọn ngành những chuyện nhân quả.

Thích nghĩa

Cúng dường Bồ Tát bằng những vật phẩm tầm thường thì công đức cũng bình thường. Nếu dùng những loại hương hoa quý báu nhất, những trân bảo quý nhất, thì công đức của người cúng dường đó cũng lớn lao nhất.

Đến như việc chiêm ngưỡng, lễ bái cũng vậy, quý vị càng hết lòng cung kính thì công đức càng hết sức sâu rộng lớn lao.

Kinh văn

定自在王,如是地藏菩薩有如此不可思議大威神力,廣利眾生。汝等諸菩薩,當記是經,廣宣流布。

● Định Tự Tại Vương, như thị Địa Tạng Bồ Tát hữu như thử bất khả tư nghị đại uy thần lực, quảng lợi chúng sinh. Nhữ đẳng chư Bồ Tát, đương ký thị kinh, quảng tuyên lưu bố.

Việt dịch

Này Định Tự Tại Vương! Bồ Tát Địa Tạng có sức oai thần lớn, làm lợi ích chúng sinh không thể nghĩ bàn như vậy. Hàng Bồ Tát các ông phải ghi nhớ kinh này để tuyên thuyết truyền rộng.

Giảng giải

Đức Phật dạy rằng: “Này Định Tự Tại Vương! Vì những điều như vậy, cho nên biết Bồ Tát Địa Tạng có sức oai thần lớn, làm phúc lợi rộng lớn không thể nghĩ bàn cho những chúng sinh tội khổ. Này các Bồ Tát! Các ông phải ghi nhớ bộ kinh này, mọi người cùng tuyên dương rộng khắp, lưu truyền lại về sau.

Thích nghĩa

Đức Phật nhân cơ hội này không chỉ dặn dò giao phó riêng ngài Bồ Tát Địa Tạng mà với các Đại Bồ Tát trong Pháp hội ngài cũng dặn dò giao phó.

Kinh văn

定自在王白佛言:世尊!願不有慮,我等千萬億菩薩摩訶薩,必能承佛威神,廣演是經,於閻浮提利益眾生。定自在王菩薩白世尊已,合掌恭敬作禮而退。

● Định Tự Tại Vương bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Nguyện bất hữu lự, ngã đẳng thiên vạn ức Bồ Tát Ma-ha-tát, tất năng thừa Phật uy thần, quảng diễn thị kinh, ư Diêm-phù-đề lợi ích chúng sinh. Định Tự Tại Vương Bồ Tát bạch Thế Tôn dĩ, hợp chưởng cung kính tác lễ nhi thối.

Việt dịch

Ngài Định Tự Tại Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Xin đừng lo lắng, chúng con ngàn muôn ức Đại Bồ Tát, ắt phải nương oai thần của Phật để rộng thuyết kinh này, làm lợi ích chúng sinh Diêm-phù-đề.”

Bồ Tát Định Tự Tại Vương bạch Thế Tôn như vậy rồi, chắp tay cung kính lễ Phật lui ra.

Giảng giải

Ngài Định Tự Tại Vương thưa với Phật: “Thế Tôn! Mong Phật đừng để tâm lo lắng, chúng con ngàn muôn ức Đại Bồ Tát, nhất định nương theo thần lực oai phúc của Phật mà diễn thuyết rộng khắp bộ kinh này trong cõi Diêm-phù-đề, làm lợi ích chúng sinh ở đó.”

Bồ Tát Định Tự Tại Vương bạch Phật như vậy xong, chắp tay cung kính lễ Phật, lui về chỗ ngồi.

Thích nghĩa

Ngàn muôn ức vị Đại Bồ Tát ấy đều chấp nhận sẽ diễn thuyết bộ kinh này, đủ biết kinh này rất quan trọng thiết yếu. Chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề chúng ta, tánh, thức không nhất định, tạo các nghiệp ác rất nhiều, cho nên bộ kinh này có thể thường xuyên được diễn thuyết trong cõi Diêm-phù-đề thì chúng sinh càng được lợi ích nhiều hơn.

Kinh văn

爾時,四方天王俱從座起,合掌恭敬白佛言:世尊!地藏菩薩於久遠劫來,發如是大願,云何至今猶度未絕,更發廣大誓言?唯願世尊為我等說。

● Nhĩ thời, tứ phương Thiên vương câu tùng tòa khởi, hợp chưởng cung kính bạch Phật ngôn: Thế tôn! Địa Tạng Bồ Tát ư cửu viễn kiếp lai, phát như thị đại nguyện, vân hà chí kim do độ vị tuyệt, cánh phát quảng đại thệ ngôn? Duy nguyện Thế Tôn vị ngã đẳng thuyết.

Việt dịch

Lúc bấy giờ, các vị Thiên vương ở bốn phương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã phát nguyện lớn như vậy, vì sao cho đến ngày nay sự hóa độ vẫn chưa chấm dứt, còn phải phát lời thề nguyện rộng lớn như vậy? Nguyện đức Thế Tôn vì chúng con nói rõ.

Giảng giải

Vào lúc đó, các vị Thiên vương ở bốn hướng đông tây nam bắc đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hết sức cung kính bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Địa Tạng từ những kiếp rất lâu xa kia vốn đã phát nguyện lớn lao như vậy, vậy thì vì sao cho đến nay vẫn chưa độ hết được chúng sinh, mà ngài lại còn phải tiếp tục phát lời nguyện rộng lớn như bây giờ? Xin nguyện đức Thế Tôn vì chúng con mà nói ra hết thảy những điều này.

Thích nghĩa

Bốn vị Thiên vương chính là những vị bảo hộ cho bốn châu trong thiên hạ. Thiên vương phía đông là Đề-đầu-lại-trá, dịch nghĩa là Trì Quốc, vì có khả năng duy trì cõi nước, quản lãnh càn-thát-bà (dịch nghĩa là thần âm nhạc của Thiên Đế thích) , phú-đan-na (là loài ngạ quỷ xấu xí chủ về bệnh nhiệt). Thiên vương phía nam là Tì-lưu-cần-xoa, dịch nghĩa là Tăng Trưởng, vì giúp cho căn lành của nhân dân được tăng trưởng, quản lãnh loài cưu-bàn-trà (là loài quỷ gây ác mộng), bệ-lệ-đa (là quỷ xấu xí). Thiên vương phía tây là Tì-lưu-bác-xoa, dịch nghĩa là Tạp Ngữ, vì có thể nói đủ mọi chuyện, quản lãnh loài tỳ-xá-xà (là quỷ ăn tinh khí, quỷ điên cuồng), loài rồng độc (do mắt nhìn, tiếng kêu, phun khí, xúc chạm đều độc hại nên gọi là độc). Thiên vương phía bắc là Tỳ-sa-môn, dịch nghĩa là Đa Văn, là nói danh thơm phước đức của vị này khắp bốn phương đều nghe biết, quản lãnh loài dạ-xoa (là quỷ phi hành), la-sát (là loài quỷ bạo ác đáng sợ).

Bốn vị Thiên vương, mỗi người đều có 91 người con đều đặt tên là Nhân-đà-la, đều có thần lực rất lớn lao. Các vị hiện đều có mặt trong Pháp hội này lắng nghe thuyết pháp. Khi các vị nghe đến việc Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã từng phát nguyện lớn lao mà cho đến hiện tại vẫn chưa cứu độ được hết chúng sinh, nay phải phát khởi lại lời thệ nguyện, rốt lại là do nguyện lực không đủ kiên cố chăng? Hay là do chúng sinh khó cứu độ? Do vậy các ngài mới đứng lên thưa hỏi.

Kinh văn

佛告四天王:善哉!善哉!吾今為汝及未來現在天人眾等,廣利益故,說地藏菩薩於娑婆世界閻浮提內,生死道中,慈哀救拔度脫一切罪苦眾生,方便之事。

● Phật cáo tứ Thiên vương: “Thiện tai! Thiện tai! Ngô kim vi nhữ cập vị lai hiện tại thiên nhân chúng đẳng, quảng lợi ích cố, thuyết Địa Tạng Bồ Tát ư Ta-bà thế giới Diêm-phù-đề nội, sinh tử đạo trung, từ ai cứu bạt độ thoát nhất thiết tội khổ chúng sinh, phương tiện chi sự.

Việt dịch

Phật bảo bốn vị Thiên vương: “Lành thay! Lành thay! Nay ta vì lợi ích rộng lớn cho các ông và hàng trời người hiện tại cũng như trong tương lai, sẽ nói về những phương tiện của Bồ Tát Địa Tạng ở trong cõi Diêm-phù-đề thuộc thế giới Ta-bà, trong đường sinh tử luân hồi, từ bi thương xót cứu độ giải thoát cho hết thảy chúng sinh tội khổ.”

Giảng giải

Đức Phật bảo bốn vị Thiên vương rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Hôm nay ta vì các ông, cùng với hàng trời người và hết thảy chúng sinh trong hiện tại và tương lai, sẽ giảng giải những nhân duyên lợi ích rộng lớn, những phương tiện mà Bồ Tát Địa Tạng vì lòng từ bi thương xót đã thực hành để cứu độ giải thoát cho hết thảy chúng sinh tội khổ trong cõi Diêm-phù-đề thuộc thế giới Ta-bà, trong sáu đường luân hồi sinh tử.

Thích nghĩa

Đức Phật nói “lành thay” lần thứ nhất là ngợi khen câu hỏi khéo léo. Lại nói “lành thay” lần thứ hai là khen ngợi các vị Thiên vương hộ trì. Trong sáu đường luân hồi ở thế gian, hết thảy đều có những nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết. Cho nên đức Phật dạy rằng: Hết thảy chúng sinh trong sáu đường đều là thường xuyên ở trong tù ngục. Tù ngục ấy vây quanh bởi 12 lớp tường thành, nằm trong ba hàng rào gai góc, lại thêm sáu tên giặc cướp rút đao canh chừng. Muốn thoát ra được tù ngục ấy thật rất khó khăn, rất gian khổ.

Mười hai lớp tường thành đó là mười hai nhân duyên. Ba hàng rào gai góc đó là ba độc tham, sân, si. Sáu tên giặc đó là sáu trần: hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và các pháp.

Vì chúng sinh không biết đến các phương pháp giải thoát, nên [Bồ Tát Địa Tạng] mới phát khởi tâm từ bi thương xót, mới suy nghĩ đến các cách thức phương tiện.

(Về mười hai nhân duyên và các phần vừa nói, Trong kinh Đi Đà được chuyển sang văn bạch thoại có nói qua đại lược, quý độc giả có thể tham khảo, vì khuôn khổ sách này có giới hạn nên không thể kể ra tường tận.)

Kinh văn

四天王言:唯然,世尊!願樂欲聞。

● Tứ Thiên vương ngôn: “Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn.”

Việt dịch

Bốn vị Thiên vương thưa: “Xin vâng, Thế Tôn! Chúng con nguyện ưa muốn được nghe.”

Giảng giải

Bốn vị Thiên vương nói rằng: “Dạ vâng, đúng vậy thưa Thế Tôn! Chúng con hết sức sẵn lòng, hết sức vui mừng được nghe những lời ấy.”

Thích nghĩa

“Nguyện ưa muốn được nghe” là vì mong muốn giải quyết mối nghi ngờ trong lòng, giống như người đang khát muốn được uống, đang đói muốn được ăn. Sự mong mỏi là như vậy.

Kinh văn

佛告四天王:地藏菩薩久遠劫來,迄至於今,度脫眾生,猶未畢願。慈愍此世罪苦眾生,復觀未來無量劫中,因蔓不斷,以是之故,又發重願。

● Phật cáo tứ Thiên vương: Địa Tạng Bồ Tát cửu viễn kiếp lai, hất chí ư kim, độ thoát chúng sinh, do vị tất nguyện. Từ mẫn thử thế tội khổ chúng sinh, phục quan vị lai vô lượng kiếp trung, nhân mạn bất đoạn, dĩ thị chi cố, hựu phát trọng nguyện.

Việt dịch

Phật bảo bốn vị Thiên vương: “Bồ Tát Địa Tạng từ những kiếp lâu xa cho đến ngày nay, cứu độ giải thoát chúng sinh vẫn chưa tròn ý nguyện. Ngài từ bi thương xót những chúng sinh đang chịu tội khổ trong đời này, lại nhìn thấy trong vô lượng kiếp số tương lai vẫn kéo dài không dứt. Do vậy nên nay lại phải phát lời nguyện lớn lao quan trọng.

Giảng giải

Đức Phật nói với bốn vị Thiên vương rằng: “Bồ Tát Địa Tạng từ những kiếp số lâu xa mãi cho đến ngày nay, cứu độ giải thoát cho chúng sinh vẫn chưa hoàn tất. Tâm nguyện của ngài là từ bi thương xót những chúng sinh đang chịu tội chịu khổ trong thế giới này, lại nhìn xa trong tương lai vô lượng kiếp nữa, những nghiệp ác mà các chúng sinh này tạo tác vẫn còn dây dưa không khác gì dây leo, cỏ dại vẫn tiếp tục bò lan khắp chốn, không chịu dứt mất. Vì nhân duyên như vậy nên ngài lại phải một lần nữa phát khởi thệ nguyện lớn lao quan trọng.

Thích nghĩa

Bồ Tát Địa Tạng nhân vì chúng sinh không chịu đoạn dứt gieo nhân xấu ác, đến nỗi phải chịu những quả báo thảm khốc đủ loại trong địa ngục. Hiện tại ngài đã thương xót chúng sinh muốn vì chúng sinh mà dứt tuyệt những nhân xấu ác còn dây dưa tiếp tục đó, cho nên mới tiếp tục phát lời thệ nguyện quan trọng.

Những nhân xấu ác có rất nhiều, không thể nào kể ra hết được, nay chỉ đơn cử một nghiệp giết hại mà nói. Hiện nay quý vị giết hại loài vật, cắt xẻo ăn thịt chúng, tương lai rồi chúng sẽ giết hại quý vị, cắt xẻo ăn thịt quý vị. Tương tự như vậy, oán thù vay trả qua lại, đời đời kiếp kiếp không thể dứt được.

Kinh văn

如是菩薩於娑婆世界,閻浮提中,百千萬億方便,而為教化。

● Như thị Bồ Tát ư Ta-bà thế giới, Diêm-phù-đề trung, bá thiên vạn ức phương tiện, nhi vi giáo hóa.

Việt dịch

Cứ như vậy, Bồ Tát ở trong cõi Diêm-phù-đề thuộc thế giới Ta-bà, dùng trăm ngàn muôn ức phương tiện để giáo hóa.

Giảng giải

Nhân vì như vậy nên Bồ Tát ở trong cõi Diêm-phù-đề, thuộc thế giới Ta-bà này, thiết lập đủ trăm ngàn muôn ức phương tiện khác nhau để giáo hóa tất cả chúng sinh.

Thích nghĩa

“Trăm ngàn muôn ức phương tiện”, đó là nói Bồ Tát tùy cơ duyên mà hóa thân, vận dụng phương pháp để giảng dạy cho người.

Kinh văn

四天王,地藏菩薩若遇殺生者,說宿殃短命報;若遇竊盜者,說貧窮苦楚報;若遇邪婬者,說雀鴿鴛鴦報;

● Tứ Thiên vương, Địa Tạng Bồ Tát nhược ngộ sát sinh giả, thuyết túc ương đoản mệnh báo; nhược ngộ thiết đạo giả, thuyết bần cùng khổ sở báo; nhược ngộ tà dâm giả, thuyết tước cáp uyên ương báo.

Việt dịch

“Này bốn ông Thiên vương! Bồ Tát Địa Tạng nếu gặp người giết hại chúng sinh liền giảng nói về quả báo chết yểu do nghiệp giết hại ngày trước. Nếu gặp người trộm cắp liền giảng nói quả báo phải nghèo cùng khốn khổ. Nếu gặp người tà dâm liền giảng nói quả báo phải sinh làm những loài như chim sẻ, bồ câu, uyên ương.”

Giảng giải

Đức Phật nói rằng: “Này bốn ông Thiên vương! Bồ Tát Địa Tạng, nếu như gặp người phạm tội giết hại, liền vì người đó giảng giải rằng: ‘Con vật bị giết đó là quả báo tai họa do đời trước gieo nhân ác. Trong tương lai rồi ông cũng sẽ phải chịu quả báo chết yểu.’ Nếu gặp người phạm tội trộm cắp, cướp giật, ngài liền vì người ấy dạy rằng: ‘Những người như các ông, tương lai sẽ phải chịu quả báo nghèo cùng khổ sở.’ Nếu gặp người phạm tội tà dâm, ngài liền vì người ấy mà dạy rằng: ‘Trong tương lai ông sẽ bị quả báo sinh làm các loài chim sẻ, bồ câu, uyên ương.’

Thích nghĩa

Hiện nay trước hết nói về quả báo của mười nghiệp xấu ác. Giết hại, trộm cướp, tà dâm đều là những nghiệp ác do thân tạo tác. Loài khổng tước không thích kết hợp cùng loài, giao cấu cùng loài rắn, chim bồ câu thì con mái cưỡi trên con trống, chim uyên ương thì hai con trống mái không chịu lìa nhau dù trong phút chốc. Các loại chim ấy đều là những loài tà dâm.

Kinh văn

若遇惡口者,說眷屬鬥諍報;若遇毀謗者,說無舌瘡口報;

● Nhược ngộ ác khẩu giả, thuyết quyến thuộc đấu tránh báo; nhược ngộ hủy báng giả, thuyết vô thiệt sang khẩu báo.

Việt dịch

Nếu gặp người nói lời độc ác liền giảng nói quả báo quyến thuộc bất hòa tranh chấp nhau. Nếu gặp kẻ nói lời hủy báng, liền giảng nói về quả báo không có lưỡi hoặc ghẻ lở trong miệng.

Giảng giải

Nếu gặp người mắng chửi nhục mạ người khác, ngài liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo chính những người trong họ hàng quyến thuộc sẽ cùng ông bất hòa, tranh chấp lẫn nhau.” Nếu gặp người trách mắng hủy báng người khác, liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo làm người câm hoặc sinh mụn nhọt trong miệng.”

Thích nghĩa

Nói lời độc ác, hủy báng, mắng chửi là những nghiệp do miệng tạo tác. Đời này nói những lời hủy hoại người khác, xúi giục, đảo lộn đúng sai, khiến gia đình người khác sinh bất hòa, như vậy thì trong tương lai quyến thuộc của chính quý vị sẽ có sự bất hòa tranh chấp với quý vị.

Người câm là không có khả năng nói ra lời, cũng giống như không có lưỡi.

Tai họa từ trong miệng mà ra, miệng lưỡi là búa rìu sắc bén hủy hoại chính thân mình, cho nên mở miệng nói ra nhất định phải cân nhắc kiểm soát, không làm tổn người hại vật.

Kinh văn

若遇瞋恚者,說醜陋癃殘報;若遇慳吝者,說所求違願報;若遇飲食無度者,說飢渴咽病報;

● Nhược ngộ sân khuể giả, thuyết xú lậu lung tàn báo; nhược ngộ khan lận giả, thuyết sở cầu vi nguyện báo; nhược ngộ ẩm thực vô độ giả, thuyết cơ khát yết bệnh báo.

Việt dịch

Nếu gặp người nhiều sân hận, liền giảng nói về quả báo sẽ sinh làm người xấu xí tàn tật; nếu gặp người keo kiệt bủn xỉn, liền giảng nói về quả báo mong cầu không toại nguyện; nếu gặp người tham ăn tham uống không chừng mực, liền giảng nói về quả báo đói khát, bệnh cổ không nuốt được.

Giảng giải

Nếu gặp người phùng mang trợn mắt khí giận ngút trời, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo sinh làm người dung mạo xấu xí, tật nguyền tàn phế.” Nếu gặp người tham lam tài vật keo kiệt bủn xỉn, Bồ Tát liền vì người ấy thuyết dạy rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo lúc mưu cầu cơm ăn áo mặc các thứ đều không được toại nguyện.” Nếu gặp người tham ăn tham uống không biết giữ chừng mực tiết độ, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo đói khát thiếu thốn, cổ họng sinh bệnh không nuốt được thức ăn.”

Thích nghĩa

Sân hận, giận tức đều là sự tạo nghiệp của ý. Những người hiện nay thân hình xấu xí, tàn phế, đều là do nhân đời trước nhiều sân hận, lửa giận ngút trời. Những người hiện nay nghèo túng đói ăn thiếu mặc làm kẻ ăn mày, thảy đều là do nhân đời trước tham lam tài vật, không chịu bố thí cúng dường, phải chịu quả báo nghèo khổ đói rét. Những người ăn uống tham lam quá độ, chẳng những sau khi chết đọa vào địa ngục mà trong hiện tại còn bị bệnh ở cổ không nuốt được thức ăn mà chết.

Kinh văn

若遇畋獵恣情者,說驚狂喪命報;若遇悖逆父母者,說天地災殺報;若遇燒山林木者,說狂迷取死報;若遇前後父母惡毒者,說返生鞭撻現受報;若遇網捕生雛者,說骨肉分離報;

● Nhược ngộ điền lạp tứ tình giả, thuyết kinh cuồng táng mệnh báo; nhược ngộ bội nghịch phụ mẫu giả, thuyết thiên địa tai sát báo; nhược ngộ thiêu sơn lâm mộc giả, thuyết cuồng mê thủ tử báo; nhược ngộ tiền hậu phụ mẫu ác độc giả, thuyết phản sinh tiên thát hiện thụ báo; nhược ngộ võng bộ sinh sồ giả, thuyết cốt nhục phân li báo.

Việt dịch

Nếu gặp người buông thả theo ý thích săn bắn giết hại, liền giảng nói về quả báo phải điên cuồng, mất mạng. Nếu gặp người bất hiếu ngỗ nghịch với cha mẹ, liền giảng nói về quả báo trời tru đất diệt, tai vạ mà chết. Nếu gặp người đốt phá rừng núi cây cỏ, liền giảng nói về quả báo phải bị cuồng điên mê muội chuốc lấy cái chết. Nếu gặp những kẻ làm cha ghẻ mẹ kế mà ác độc với con cái, liền giảng nói về quả báo ngay trong hiện tại phải chịu đòn roi đánh đập. Nếu gặp những kẻ lưới bắt chim non, liền giảng nói về quả báo phải lìa xa những người thân ruột thịt.

Giảng giải

Nếu gặp những người phạm vào tội săn bắn buông thả theo ý thích, Bồ Tát liền vì người ấy thuyết dạy rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo phát bệnh điên cuồng mất mạng.” Nếu gặp người ngỗ nghịch phản lại cha mẹ, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông phải chịu quả báo trời đất chẳng dung tha, bị sét đánh mà chết.” Nếu gặp người nổi lửa đốt phá rừng núi cây cỏ, Bồ Tát liền vì người ấy dạy rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo điên cuồng mê muội, tự chuốc lấy cái chết.” Nếu gặp những người làm cha ghẻ mẹ kế, lại hết sức hung ác độc địa với con cái, dùng roi vọt đánh đập con cái, liền vì người ấy mà dạy rằng: “Trong tương lai các người sẽ phải chịu quả báo tái sinh làm con cái người khác, cũng bị đòn roi đánh đập như vậy.” Nếu gặp những người dùng lưới đánh bắt chim, cá các loài, phá tổ lấy trứng chim... liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo xa lìa thân bằng quyến thuộc, chia lìa với người thân ruột thịt.”

Thích nghĩa

Xưa vua Phục Hy dạy cho dân biết săn bắn, đó là dạy cách bảo vệ ruộng vườn trồng trọt, xua đuổi thú hoang. Hiện tại lại có những người chỉ vì tham miếng ăn ngon mà nỡ lòng giết hại muông thú, lẽ nào không phải chịu báo ứng hay sao?

Đối với cha mẹ, dù là sinh ra mình, dù không sinh ra mình như cha ghẻ, mẹ kế, cũng đều là cha mẹ, đều phải xem đồng như nhau, đều cung kính như cung kính trời đất. Đối với con cái, bất kể là do mình sinh ra, hoặc không phải do mình sinh ra, như con của chồng sau, vợ kế, cũng đều là con cái, đều phải hết lòng thương yêu bảo bọc như nhau. Ví như người ngỗ nghịch với cha mẹ, không thương yêu con cái, ắt phải chịu sự báo ứng hết sức hung tàn, nguy độc.

Ở giữa nơi rừng núi cỏ cây có vô số sinh vật ẩn náu sinh sống. Nếu một phen nổi lửa đốt phá, chẳng phải vô số sinh mạng ấy đều sẽ bị chết thảm cả đó sao? [Quả báo của việc ấy] không chỉ là ngay trong đời này phải chịu cuồng si cho đến lúc táng thân mất mạng mới thôi.

Các loài cá lớn bé, các loài chim lớn bé, lại khoái chí xua đuổi cho tụ lại một chỗ, rồi dùng lưới vây bắt, khiến cho hết thảy đều kinh sợ tán loạn. Đó là đời này khiến cho cốt nhục của chúng phải ly tán, chia lìa, tương lai nhất định phải chịu quả báo tự mình chia lìa với người thân ruột thịt.

Kinh văn

若遇毀謗三寶者,說盲聾瘖啞報;若遇輕法慢教者,說永處惡道報;若遇破用常住者,說億劫輪迴地獄報;若遇污梵誣僧者,說永在畜生報;

● Nhược ngộ hủy báng Tam bảo giả, thuyết manh lung âm á báo; nhược ngộ khinh pháp mạn giáo giả, thuyết vĩnh xứ ác đạo báo; nhược ngộ phá dụng thường trụ giả, thuyết ức kiếp luân hồi địa ngục báo; nhược ngộ ô phạm vu tăng giả, thuyết vĩnh tại súc sinh báo.

Việt dịch

Nếu gặp kẻ hủy báng Tam bảo, liền giảng nói về quả báo phải chịu mù, câm, điếc, ngọng. Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp, liền giảng nói về quả báo phải vĩnh viễn đọa vào các đường ác. Nếu gặp kẻ phá hoại, làm hao tổn của thường trụ, liền giảng nói về quả báo phải luân hồi trong địa ngục đến muôn ức kiếp. Nếu gặp kẻ làm ô nhục hạnh thanh tịnh của tăng ni, liền giảng nói về quả báo phải vĩnh viễn làm thân súc sinh.

Giảng giải

Nếu gặp người hủy báng Tam bảo, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông nhất định phải chịu sự báo ứng phải làm người mù lòa, câm điếc, ngọng nghịu.” Nếu gặp người khinh chê Phật pháp, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu báo ứng vĩnh viễn đọa vào các đường ác.” Nếu gặp người phá hoại, làm hao tổn món này vật kia của thường trụ, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu báo ứng muôn ức kiếp luân hồi trong địa ngục.” Nếu gặp người làm ô nhục hạnh thanh tịnh của tăng ni, liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ chịu báo ứng vĩnh viễn sinh trong loài súc sinh.”

Thích nghĩa

Đức Phật là bậc Y vương, Giáo pháp là phương thuốc hay, Tăng-già là những người trị bệnh. Hết thảy các bệnh đều có thể cứu chữa trị lành, chỉ riêng một bệnh hủy báng Tam bảo thì dù chư Phật cũng đều không có cách gì cứu chữa được, chỉ còn một đường duy nhất là rơi vào các đường ác để chịu khổ não. Chịu khổ mãi cho đến khi được sinh trở lại làm người, lại phải làm người mù lòa, câm điếc, ngọng nghịu, khiến cho mãi mãi không được thấy, không được nghe, không được xưng tán Tam bảo.

Phần tiếp theo nói đến các loại quả báo, tội nghiệp, hết thảy đều rất nặng nề.

Kinh văn

若遇湯火斬斫傷生者,說輪迴遞償報;若遇破戒犯齋者,說禽獸飢餓報;若遇非理毀用者,說所求闕絕報;若遇吾我貢高者,說卑使下賤報;若遇兩舌鬥亂者,說無舌百舌報;若遇邪見者,說邊地受生報。

● Nhược ngộ thang hỏa trảm chước thương sinh giả, thuyết luân hồi đệ thường báo; nhược ngộ phá giới phạm trai giả, thuyết cầm thú cơ ngạ báo; nhược ngộ phi lý hủy dụng giả, thuyết sở cầu quyết tuyệt báo; nhược ngộ ngô ngã cống cao giả, thuyết ti sứ hạ tiện báo; nhược ngộ lưỡng thiệt đấu loạn giả, thuyết vô thiệt bá thiệt báo; nhược ngộ tà kiến giả, thuyết biên địa thụ sinh báo.

Việt dịch

Nếu gặp kẻ dùng nước sôi, lửa nóng, hoặc chặt chém băm xẻ làm tổn hại sinh mạng, liền giảng nói về quả báo phải luân hồi đền trả thường bồi. Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, liền giảng nói về quả báo phải chịu mang thân cầm thú đói khát. Nếu gặp kẻ tiêu dùng vật dụng hoang phí không hợp lý, liền giảng nói về quả báo mọi nhu cầu đều thiếu thốn, dứt mất. Nếu gặp kẻ kiêu căng cao ngạo, liền giảng nói quả báo phải sinh làm tôi tớ thấp hèn hạ tiện. Nếu gặp kẻ nói hai lưỡi đâm thọc gây rối loạn, liền giảng nói về quả báo không có lưỡi hoặc quá nhiều lưỡi. Nếu gặp kẻ mê muội tà kiến, liền giảng nói về quả báo phải sinh ở vùng xa xôi, kém văn minh, không được gặp Phật pháp.

Giảng giải

Nếu gặp người dùng nước sôi, lửa nóng để luộc, nướng chúng sinh, hoặc chặt đầu, chặt chân, chính là giết hại, làm tổn thương sinh mạng, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sinh ra vào đời sau cũng sẽ chịu sự báo ứng giống như vậy.” Nếu gặp những kẻ tu hành mà phạm giới trộm cắp, ăn mặn, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo sinh làm loài cầm thú, còn phải chịu cảnh đói khát.” Nếu gặp người sử dụng tiền bạc, tài vật hoang phí bất hợp lý, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông nhất định sẽ chịu báo ứng, mọi nhu cầu thiết yếu đều không có đủ hoặc dứt mất.” Nếu gặp người tự cao, kiêu ngạo, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu báo ứng sinh làm hạng tôi tớ, thấp hèn hạ tiện.” Nếu gặp người tráo trở, đảo lộn đúng sai, khiến cho người khác tranh cãi,kiện tụng, đấu đá lẫn nhau, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải chịu quả báo không có lưỡi hoặc bị dị tật có quá nhiều lưỡi.” Nếu gặp người tin theo tà kiến, Bồ Tát liền vì người ấy giảng nói rằng: “Trong tương lai ông sẽ phải sinh vào những vùng xa xôi hẻo lánh, thiếu ánh sáng văn minh.”

Thích nghĩa

Tham một miếng ăn mà giết hại sinh mạng, quả thật là thảm khốc tàn độc nhất. Báo ứng của những người này sẽ cũng nhanh chóng nhất. Ngày nay ăn nuốt bao nhiêu, ngày sau phải đền trả đủ bấy nhiêu, nhất định không sai chạy mảy may nào.

Có những người khi lửa giận bốc lên thì ném chén đập bát, đó là hủy hoại đồ dùng bất hợp lý.

Những kẻ cưỡng từ đoạt lý, chẳng hợp lý lẽ đều gọi chung là tà kiến.

Như trên giảng giải đủ loại quả báo, trong những sách nói về quả báo như Thái thượng bảo phiệt, Nhật ký cố sự đều có nói qua, mọi người có thể tham khảo thêm, mới thấy được rằng lời nói việc làm của Bồ Tát Địa Tạng thảy đều chân thật.

Kinh văn

如是等閻浮提眾生,身口意業,惡習結果,百千報應,今麤略說。如是等閻浮提眾生業感差別,地藏菩薩百千方便而教化之。

● Như thị đẳng Diêm-phù-đề chúng sinh, thân khẩu ý nghiệp, ác tập kết quả, bách thiên báo ứng, kim thô lược thuyết. Như thị đẳng Diêm-phù-đề chúng sinh nghiệp cảm sai biệt, Địa Tạng Bồ Tát bách thiên phương tiện nhi giáo hoá chi.

Việt dịch

Những chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề tạo tác các nghiệp thân, khẩu, ý như thế, việc ác kết thành quả, có trăm ngàn cách báo ứng, nay chỉ nói qua sơ lược như vậy. Chúng sinh cõi Diêm-phù-đề có nghiệp cảm sai khác như vậy, đều được Bồ Tát Địa Tạng dùng trăm ngàn phương tiện để giáo hóa.

Giảng giải

Chúng sinh Diêm-phù-đề tạo với thân, khẩu, ý tạo thành những nghiệp ác như vậy, kết thành quả xấu ác, có trăm ngàn sự báo ứng không giống nhau, nay chỉ nói qua sơ lược mà thôi.

Chúng sinh Diêm-phù-đề chiêu cảm sự báo ứng khác biệt nhau, Bồ Tát Địa Tạng cũng thi hành trăm ngàn phương tiện khác nhau để giáo hóa chúng sinh.

Thích nghĩa

Nghiệp ác kết thành quả có ba loại. Thứ nhất là quả báo, như sau khi chết đọa vào địa ngục. Thứ hai là quả tập khí, như [sau khi ra khỏi địa ngục] sinh vào cõi người phải chịu những sự báo ứng chết yểu, tà kiến v.v... Thứ ba là quả tăng thượng, như tự tâm mình chuyên tạo mười nghiệp ác, đối với hết thảy những vật bên ngoài đều không tích tập nghiệp ác.

Tạo nghiệp có bốn loại quả báo. Thứ nhất là hiện báo, quả báo trong hiện tại, nghĩa là đời này tạo nghiệp, đời này nhận lãnh quả báo. Thứ hai là sinh báo, nghĩa là đời này tạo nghiệp, sinh ra vào đời sau sẽ nhận lãnh quả báo. Thứ ba là hậu báo, nghĩa là đời này tạo nghiệp, sau đó hai, ba đời sẽ nhận lãnh quả báo. Thứ tư là vô báo, lại phân chia ra làm bốn loại.

Thứ nhất là xác định thời gian, không xác định quả báo. Thời gian thọ lãnh quả báo đã chắc chắn nhưng quả báo như thế nào còn chưa chắc chắn, có thể chuyển đổi được nên gọi là không xác định.

Thứ hai là quả báo xác định, thời gian không xác định. Quả báo đã xác định chắc chắn, nhưng thời gian thọ lãnh chưa chắc chắn, còn có thể thay đổi được.

Thứ ba là cả thời gian thọ lãnh và quả báo như thế nào đều đã xác định chắc chắn.

Thứ tư là cả thời gian thọ lãnh và quả báo đều không xác định, đều có thể thay đổi. Do nhân tạo nghiệp không xác định nên thời gian thọ lãnh và quả báo đều khó xác định.

Những nghiệp do chúng sinh tạo tác, trước tiên khởi lên ý niệm, sau đó thực hiện, nên gọi là tạo nghiệp trọn vẹn. Nếu trước tiên không khởi lên ý niệm mà trực tiếp thực hiện ngay hành vi thì gọi là tạo nghiệp không trọn vẹn. Do vậy mà có các trường hợp thời gian và quả báo đều xác định hoặc thời gian và quả báo đều không xác định.

Kinh văn

是諸眾生先受如是等報,後墮地獄,動經劫數,無有出期。是故汝等護人護國,無令是諸眾業,迷惑眾生。

● Thị chư chúng sinh tiên thụ như thị đẳng báo, hậu đọa địa ngục, động kinh kiếp số, vô hữu xuất kì. Thị cố nhữ đẳng hộ nhân hộ quốc, vô linh thị chư chúng nghiệp, mê hoặc chúng sinh.

Việt dịch

Những chúng sinh [tạo nghiệp] này, trước tiên lãnh chịu những quả báo như vậy, sau đó đọa vào địa ngục, trải qua vô số kiếp không biết ngày nào ra khỏi. Cho nên các ông là những người bảo vệ cõi nước, bảo vệ con người, đừng để cho những nghiệp ác này mê hoặc chúng sinh.

Giảng giải

Những chúng sinh tạo nghiệp như thế này, trước hết phải chịu nhận lãnh quả báo, sau đó lại đọa vào địa ngục. Trải qua vô số kiếp, trước mắt không hề biết được đến lúc nào mới thoát ra khỏi đó. Vì lý do đó, các ông phải bảo vệ con người, bảo vệ cõi nước, đừng để cho những thứ tội nghiệp xấu ác như trên mê hoặc chúng sinh.

Thích nghĩa

[Đức Phật] dặn dò bốn vị Thiên vương phải bảo vệ che chở chúng sinh, không để chúng sinh bị mê hoặc, đó chính là dặn các ngài bảo vệ, giúp chúng sinh duy trì, nuôi dưỡng Tứ thánh đế. Bởi vì chúng sinh từ nơi chỗ thấy biết, suy nghĩ sai lầm nên hủy hoại đi cảnh giới thanh tịnh trong nội tâm, khiến vua tâm phải trốn chạy, giặc sáu căn nhiễu loạn, từ đó mới buông thả chạy theo tạo tác bao nghiệp ác.

Kinh văn

四天王聞已,涕淚悲歎,合掌而退。

● Tứ thiên vương văn dĩ, thế lệ bi thán, hợp chưởng nhi thối.

Việt dịch

Bốn vị Thiên vương nghe xong nhỏ lệ buồn thương than thở, chắp tay kính lễ lui về.

Giảng giải

Bốn vị Thiên vương sau khi nghe xong [những lời Phật dạy] liền rơi nước mắt, tất cả đều hết sức buồn thương, cùng nhau chắp tay cung kính lễ Phật rồi lui về chỗ ngồi của mình.

Thích nghĩa

Tâm thức xưa nay vốn là rỗng không tịch lặng vô vi, vì sao hết thảy chúng sinh đều quen theo thói thường tự mình nhiễu loạn, làm điều sai trái. Vì thế nên các ngài phải rơi lệ xót thương.

Đã tạo nghiệp ác rồi, ắt phải trải qua vô số kiếp ở trong địa ngục, lẽ nào lại chẳng khiến người ta phải đau buồn than thở?


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguồn chân lẽ thật


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Phát tâm Bồ-đề


Tổng quan về Nghiệp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.244.240 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...