Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Giải thích Kinh Địa Tạng »» PHẨM THỨ HAI »»

Giải thích Kinh Địa Tạng
»» PHẨM THỨ HAI

Donate

(Lượt xem: 1.615)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giải thích Kinh Địa Tạng - PHẨM THỨ HAI

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kinh văn

分身集會品第二

● Phân Thân Tập Hội Phẩm Đệ Nhị

Việt dịch

Phẩm thứ hai: Phân Thân Bồ Tát Cùng Tụ Họp

Giảng giải

Trong các thế giới có địa ngục, hết thảy những phân thân của Bồ Tát Địa Tạng đều đáp ứng sự triệu tập, cùng tụ họp đến thành tựu pháp hội. Đây là phẩm thứ hai của kinh này.

Thích nghĩa

Nhân vì phẩm trước, đức Phật đã nói ra nhân duyên tu tập đủ mọi sự hiếu thuận của Bồ Tát Địa Tạng trong quá khứ, nên giờ [các phân thân của Bồ Tát] liền tụ họp lại để tự mình chứng minh hết thảy những việc đó.

Phân thân là nói Bồ Tát trong lúc tu tập công đức, ứng hợp với cơ duyên của chúng sinh mà hóa hiện. Bồ Tát có thể từ một thân hóa hiện ra vô cùng vô tận các phân thân, giống như vầng trăng giữa trời cao phản chiếu hình ảnh vào trong nước [ở khắp mọi nơi].

Lúc này, Bồ Tát Địa Tạng đưa các phân thân của ngài ở khắp nơi cùng về tụ tập nơi cung trời Đao-lợi đảnh lễ Phật, tuy là để làm việc chứng minh sự thật nhưng cũng là đặc biệt nhận lãnh những lời dặn dò giao phó của đức Như Lai.

Kinh văn

爾時,百千萬億不可思不可議不可量不可說無量阿僧祇世界,所有地獄處分身地藏菩薩俱來集在忉利天宮。

● Nhĩ thời, bá thiên vạn ức bất khả tư bất khả nghị bất khả lượng bất khả thuyết vô lượng a-tăng-kì thế giới, sở hữu địa ngục xứ phân thân Địa Tạng Bồ Tát câu lai tập tại Đao-lợi thiên cung.

Việt dịch

Lúc bấy giờ, ở trong trăm ngàn muôn ức số lượng không thể nghĩ, không thể bàn, không thể đo lường, không thể nói hết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, có bao nhiêu phân thân của Bồ Tát Địa Tạng trong tất cả các địa ngục đều tụ hội về cung trời Đao-lợi.

Giảng giải

Khi ấy có vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, không thể nghĩ tưởng biết được, không thể bàn luận hiểu được, không thể đo lường tính toán, không thể nói hết, trong đó có bao nhiêu địa ngục, mỗi nơi đều có phân thân của Bồ Tát Địa Tạng, cùng nhau tụ họp về cung trời Đao-lợi.

Thích nghĩa

Con số ức có bốn cấp độ, mười muôn là một ức, hoặc trăm muôn là một ức, hoặc ngàn muôn là một ức, hoặc muôn muôn là một ức. Hiện lấy cả bốn số trăm, ngàn, muôn, ức liệt kê ra cả, đó là chỉ rõ muốn dùng số muôn muôn là một ức.

Cũng giống như những số lượng đó, muốn tính toán đã không thể rõ ràng, huống chi lại còn tăng thêm hình dung không thể nghĩ bàn, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, trong mỗi địa ngục đều có một phân thân, hết thảy đều tụ hội? Như thế có thể biết rằng, thế giới đã khó đo lường, thì số địa ngục trong đó cũng như số lượng phân thân của Bồ Tát làm sao có thể tính toán được?

Kinh văn

以如來神力故,各以方面,與諸得解脫從業道出者,亦各有千萬億那由他數,共持香華來供養佛。彼諸同來等輩,皆因地藏菩薩教化,永不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。

● Dĩ Như Lai thần lực cố, các dĩ phương diện, dữ chư đắc giải thoát tùng nghiệp đạo xuất giả, diệc các hữu thiên vạn ức na-do-tha số, cộng trì hương hoa lai cúng dường Phật. Bỉ chư đồng lai đẳng bối, giai nhân Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa, vĩnh bất thối chuyển ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Việt dịch

Nhờ thần lực của đức Như Lai, mỗi vị phân thân đều từ chỗ của mình, cùng với những người được giải thoát từ nghiệp đạo, cũng nhiều đến số ngàn muôn ức na-do-tha, cùng mang hương hoa đến cúng dường Phật. Những người cùng đi đến đều là nhờ sự giáo hóa của Bồ Tát Địa Tạng nên vĩnh viễn không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Giảng giải

Do nhân duyên đức Như Lai có đủ oai lực thần thông phổ biến khắp nơi, nên có thể khiến cho các vị Bồ Tát ở khắp các xứ sở cùng với đại chúng các vị đã được giải thoát, đại chúng đã thoát ra từ các nghiệp đạo, hết thảy đều tụ họp lại, hết thảy số lượng lên đến ngàn muôn ức na-do-tha, đều mang theo hương hoa đến cúng dường Phật. Tất cả những người cùng đi đến với Bồ Tát Địa Tạng đó, đều là nhờ sự giáo hóa của Bồ Tát Địa Tạng nên vĩnh viễn không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thích nghĩa

Sự giải thoát có phân biệt đại giải thoát và tiểu giải thoát. Những vị đạt được giải thoát không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đều là đại giải thoát.

A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề là phiên âm từ tiếng Phạn. Dich sang tiếng Trung quốc thì a là chữ vô (không), ba chữ nậu-đa-la là thượng (trên), chữ tam là chính, chữ miệu là đẳng, hai chữ bồ-đề là giác. Hợp tất cả lại là Vô thượng Chính đẳng Chính giác.

Chính đẳng là không tà vạy, không thiên lệch. Giác là giác ngộ. Có thể giác ngộ không tà vạy, không thiên lệch, đó là đầy đủ trí tuệ Phật.

Kinh văn

是諸眾等,久遠劫來流浪生死,六道受苦,暫無休息。以地藏菩薩廣大慈悲,深誓願故,各獲果證。既至忉利,心懷踊躍,瞻仰如來,目不暫捨。

● Thị chư chúng đẳng, cửu viễn kiếp lai lưu lãng sinh tử, lục đạo thụ khổ, tạm vô hưu tức. Dĩ Địa Tạng Bồ Tát quảng đại từ bi, thâm thệ nguyện cố, các hoạch quả chứng. Ký chí Đao-lợi, tâm hoài dũng dược, chiêm ngưỡng Như Lai, mục bất tạm xả.

Việt dịch

Hết thảy đại chúng này, từ nhiều kiếp lâu xa trôi giạt trong sinh tử luân hồi, không ngừng chịu khổ trong sáu đường. Nhờ lòng từ bi rộng lớn và thệ nguyện sâu xa của Bồ Tát Địa Tạng nên mỗi người đều được chứng quả. Khi đến cung trời Đao-lợi rồi, lòng họ vô cùng phấn chấn, chăm chú chiêm ngưỡng đức Như Lai không hề rời mắt.

Giảng giải

Những vị trong đại chúng này, từ những kiếp số lâu xa đến nay đắm chìm trong biển sinh tử, tùy theo nghiệp lực mà trôi giạt lưu chuyển, chịu khổ trong sáu đường luân hồi không lúc nào được tạm dừng. Nhờ nơi nhân duyên Bồ Tát Địa Tạng có tâm từ bi rộng lớn, thệ nguyện thâm sâu, nên mỗi vị trong số họ đều chứng đắc được quả vị. Khi họ đã đến cung trời Đao-lợi rồi, trong tâm khởi sinh sự hoan hỷ, vui mừng phấn chấn, hết lòng cung kính hướng về đức Như Lai mà chiêm ngưỡng, ánh mắt không một lúc nào tạm rời đi.

Thích nghĩa

Nói về sóng nghiệp, đã có biển sinh tử thì tự nhiên có sóng nghiệp, chúng sinh trong đó chợt sống chợt chết, cùng trong biển lớn mà sóng nơi cao nơi thấp, chúng sinh kẻ chìm người nổi không giống nhau. Con người nếu không đạt được giải thoát thì mãi mãi ở trong biển sinh tử, tùy sóng nghiệp mà lưu chuyển.

Quý vị muốn được giải thoát, không tùy sóng nghiệp lưu chuyển, thì phải y theo lời răn dạy của Bồ Tát Địa Tạng, được nương nhờ thệ nguyện lớn lao của Bồ Tát sẽ tu thành quả Phật giống như ngài.

Kinh văn

爾時世尊舒金色臂摩百千萬億不可思不可議不可量不可說無量阿僧祇世界諸分身地藏菩薩摩訶薩頂,而作是言:吾於五濁惡世,教化如是剛強眾生,令心調伏,捨邪歸正。十有一二,尚惡習在。

● Nhĩ thời Thế Tôn thư kim sắc tí ma bá thiên vạn ức bất khả tư bất khả nghị bất khả lượng bất khả thuyết vô lượng a-tăng-kì thế giới chư phân thân Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát đỉnh, nhi tác thị ngôn: Ngô ư ngũ trược ác thế, giáo hoá như thị cương cường chúng sinh, linh tâm điều phục, xả tà quy chính. Thập hữu nhất nhị, thượng ác tập tại.

Việt dịch

Bấy giờ, đức Thế Tôn duỗi cánh tay có màu vàng ròng xoa đầu tất cả các vị phân thân của Đại Bồ Tát Địa Tạng trong trăm ngàn muôn ức không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, không thể nói hết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, rồi nói rằng: “Ta ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược, giáo hóa những chúng sinh cứng đầu khó dạy như vậy, khiến tâm họ được điều phục, bỏ nẻo tà, về đường chánh. Nhưng trong mười phần còn lại một, hai, vẫn còn giữ tập khí xấu ác.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, đức Thế Tôn duỗi ra rất nhiều cánh tay có màu vàng ròng, xoa trên đỉnh đầu tất cả các vị phân thân của Bồ Tát Địa Tạng trong trăm ngàn muôn ức, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, không thể nói hết a-tăng-kỳ thế giới, rồi nói rằng: “Ta ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược, giáo hóa những chúng sinh cứng đầu khó dạy như thế, khiến cho những kẻ ương ngạnh xấu ác đều được điều phục, buông bỏ tà đạo, quay về nương theo chánh pháp. Thế nhưng trong mười phần cũng còn lại một, hai phần vẫn giữ tập quán xấu ác.”

Thích nghĩa

[Phật] duỗi [tay] ra là hàm nghĩa mở rộng, khai hóa. Phật có thần lực chuyển biến của Như ý thông, nên có thể dùng một cánh tay mẫu-đà-la, một bàn tay đâu-la-miên, biến hóa thành vô số, có thể xoa đỉnh đầu của vô số không thể nói hết các phân thân Bồ Tát Địa Tạng, trực tiếp ủy lạo, an ủi từng vị, đó cũng là an ủi chúng sinh chúng ta.

Đức Thế Tôn có đủ trí tuệ, đại bi, nên có thể thiết lập các phương pháp điều phục những chúng sinh cứng đầu khó dạy. Phật dùng giới luật điều phục thân của chúng ta; dùng định tuệ điều phục tâm của chúng ta. Thân tâm đã được điều phục, tự nhiên có thể bỏ tà theo chánh.

Thế nhưng vẫn còn một, hai phần là những người chưa trừ dứt được tập khí xấu ác, nên Phật khuyên Bồ Tát Địa Tạng hãy làm giống như ngài, thiết lập đủ mọi phương tiện, điều phục những người ấy, độ thoát những người ấy.

Kinh văn

吾亦分身千百億,廣設方便.或有利根,聞即信受。或有善果,勤勸成就。或有暗鈍,久化方歸。或有業重,不生敬仰。如是等輩眾生,各各差別,分身度脫。或現男子身,或現女人身,或現天龍身,或現神鬼身,或現山林川原河池泉井,利及於人,悉皆度脫。或現天帝身,或現梵王身,或現轉輪王身,或現居士身,或現國王身,或現宰輔身,或現官屬身,或現比丘、比丘尼、優婆塞、優婆夷身,乃至聲聞、羅漢、辟支佛、菩薩等身,而以化度。非但佛身獨現其前.

● Ngô diệc phân thân thiên bá ức, quảng thiết phương tiện. Hoặc hữu lợi căn, văn tức tín thụ. Hoặc hữu thiện quả, cần khuyến thành tựu. Hoặc hữu ám độn, cửu hoá phương quy. Hoặc hữu nghiệp trọng, bất sinh kính ngưỡng. Như thị đẳng bối chúng sinh, các các sai biệt, phân thân độ thoát. Hoặc hiện nam tử thân, hoặc hiện nữ nhân thân, hoặc hiện thiên long thân, hoặc hiện thần quỷ thân, hoặc hiện sơn lâm xuyên nguyên hà trì toàn đán, lợi cập ư nhân, tất giai độ thoát. Hoặc hiện Thiên đế thân, hoặc hiện Phạm vương thân, hoặc hiện Chuyển luân vương thân, hoặc hiện cư sĩ thân, hoặc hiện quốc vương thân, hoặc hiện tể phụ thân, hoặc hiện quan thuộc thân, hoặc hiện tỉ-khâu, tỉ-khâu ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thân, nãi chí Thanh văn, La-hán, Bích-chi Phật, Bồ Tát đẳng thân, nhi dĩ hóa độ. Phi đãn Phật thân độc hiện kì tiền.

Việt dịch

“Như Lai cũng phân thân trăm ngàn muôn ức, rộng bày nhiều phương tiện. Hoặc có những người căn tánh nhanh nhạy, nghe qua liền tin nhận. Hoặc có những người đã sẵn quả lành, thường khuyên bảo khuyến khích liền được thành tựu. Hoặc có những người tối tăm ngu độn, dạy dỗ lâu ngày mới chịu nghe theo. Hoặc có những người nghiệp chướng nặng nề, không sinh lòng kính ngưỡng. Hết thảy những chúng sinh như vậy, mỗi hạng đều khác biệt, [Như Lai đều] phân thân độ thoát. Hoặc hiện thân nam, hoặc hiện thân nữ, hoặc hiện thân trời rồng, hoặc hiện thân quỷ thần, hoặc hiện thành núi rừng, nguồn nước, đồng bằng, sông, hồ, suối, giếng... làm lợi ích cho mọi người, rồi [khiến cho] tất cả đều được độ thoát. Hoặc hiện thân Thiên đế, hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Chuyển luân vương, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân quốc vương, hoặc hiện thân tể tướng, hoặc hiện thân quan thuộc, hoặc hiện thân tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, cho đến hiện các thân Thanh văn, La-hán, Bích-chi Phật, Bồ Tát để hóa độ, không chỉ duy nhất hiện ra thân Phật trước mắt chúng sinh.”

Giảng giải

[Này Bồ Tát Địa Tạng,] không chỉ Như Lai khuyên ông phân thân cứu độ, mà chính Như Lai xưa nay cũng phân thân trăm ngàn muôn ức, rộng bày nhiều phương tiện pháp môn để cứu độ [chúng sinh]. Hoặc có những chúng sinh căn tánh lanh lợi, mẫn tiệp, vừa thuyết pháp cho họ nghe xong, họ tức thời tin nhận. Hoặc có những người sẵn có quả lành, Như Lai ân cần khuyên dạy khuyến khích, họ liền thành tựu. Hoặc có người căn tánh si mê tăm tối, Như Lai dùng đến sự nhẫn nại lâu dài, nghĩ ra phương cách để cảm hóa họ, khiến họ quay về nương theo chánh đạo. Hoặc có những người nghiệp chướng sâu nặng, không sinh tâm kính ngưỡng [Tam bảo]. Hết thảy thảy những chúng sinh như thế, mỗi hạng đều khác biệt nhau, Như Lai cũng đều phân thân độ thoát tất cả. Hoặc hiện ra thân nam, hoặc hiện ra thân nữ, hoặc hiện ra thân trời rồng, hoặc hiện ra thân quỷ thần, hoặc hiện ra hình tượng núi rừng, nguồn nước, đồng bằng, sông, hồ, suối, giếng... đều để làm lợi ích hết thảy chúng sinh, âm thầm đứng sau mà khiến cho tất cả đều được độ thoát. Hoặc hiện ra thân Đế thích, thân Bồ Tát, để chuyển hóa cứu độ chúng sinh, không chỉ duy nhất có thân Phật hiện ra trước mắt chúng sinh.

Thích nghĩa

Pháp tánh của Phật là không lay động, nay nhân vì muốn độ thoát chúng sinh nên tự nhiên phải phân thân hiện khắp, uyển chuyển phù hợp với những căn tánh khác biệt nhau [của chúng sinh]. Bất kể là những loài căn tánh lanh lợi như thai sinh, hóa sinh; căn tánh ám độn như thấp sinh, noãn sinh, Như Lai đều dùng biện tài thuyết dạy đủ mọi pháp để cảm hóa, khai thị. Thậm chí còn hóa hiện vào các cảnh giới xấu ác như súc sinh, địa ngục để giáo hóa, hơn nữa còn tự nguyện thay chúng sinh chịu khổ.

Như Lai cũng hóa hiện thành núi cao để giúp người ở nơi đó an ổn tu dưỡng đạo hạnh, hóa hiện các dược liệu để giúp người trị dứt bệnh khổ, hóa hiện thành dòng nước lớn khiến trời nắng lâu không khô cạn, hóa hiện nơi bằng phẳng cao ráo làm huyệt địa chôn cất người đức độ, hóa hiện thành sông, hồ là lợi ích chúng sinh.

Thiên đế, tức Thích-đề-hoàn-nhân, là chủ tể cõi địa giới. Phạm vương, ở cõi trời Sơ thiền, là bậc chủ tể cõi đại thiên. Chuyển luân thánh vương, phân chia thành các bậc Kim luân, Ngân luân, Đồng luân và Thiết luân, lác các vị chủ tể của bốn châu thiên hạ. Cư sĩ là người tự sống thanh tịnh, nói ra những lời thương yêu tốt đẹp. Quốc vương, tức là Túc giáo vương, là bậc chủ tể bên trong phạm vi phân chia lãnh thổ một nước. Tể phụ, tức Tể tướng, [quan đứng đầu triều đình,] là người làm chủ dân chúng. Quan thuộc, chỉ chung các hàng quan chức, mưu sĩ. Trên đây đều là những người nghe đạo, Như Lai hoặc hiện Báo thân, hoặc hiện Ứng thân, đều vì họ thuyết pháp để họ được nghe.

Tiếp theo bên dưới là những hạng có căn cơ đạo pháp. Tỷ-khâu, hay tỳ-kheo, tức Tăng-già. Tỷ-khâu ni, hay tỳ-kheo ni, tức ni chúng. Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, dịch sang Hán ngữ là cận sự nam, cận sự nữ, là hàng nam nữ hoan hỷ gần gũi Phật pháp. (Các danh xưng như Thanh văn v.v... mời xem lại phần trước.) Đức Như Lai hóa hiện thành đồng hạng để chuyển hóa những người tu tập trong cùng hạng đó.

Nói tóm lại, đức Thế Tôn không một nơi nào không vào, không một hình tướng nào không hóa hiện, cũng không một nơi nào không giáo hóa chúng sinh.

Kinh văn

汝觀吾累劫勤苦,度脫如是等難化剛強罪苦眾生,其有未調伏者,隨業報應,若墮惡趣受大苦時,汝當憶念吾在忉利天宮殷勤付囑,令娑婆世界至彌勒出世已來眾生,悉使解脫,永離諸苦,遇佛授記!

● Nhữ quán ngô lũy kiếp cần khổ, độ thoát như thị đẳng nan hóa cương cường tội khổ chúng sinh, kì hữu vị điều phục giả, tùy nghiệp báo ứng, nhược đọa ác thú thọ đại khổ thời, nhữ đương ức niệm ngô tại Đao-lợi thiên cung ân cần phó chúc, linh Sa-bà thế giới chí Di-lặc xuất thế dĩ lai chúng sinh, tất sử giải thoát, vĩnh ly chư khổ, ngộ Phật thọ ký!

Việt dịch

“Bồ Tát Địa Tạng, ông hãy quán xét, Như Lai từ nhiều kiếp đã chuyên cần khổ nhọc độ thoát những chúng sinh tội khổ cứng đầu khó dạy như vậy. Trong số đó có những kẻ chưa được điều phục, phải theo nghiệp chịu báo ứng. Nếu họ đọa vào đường ác, trong lúc họ phải chịu đựng khổ não lớn lao, ông hãy nhớ lại đức Như Lai tại cung trời Đao-lợi [hôm nay] ân cần giao phó dặn dò, từ nay đến khi Phật Di-lặc ra đời, ông hãy làm cho chúng sinh trong thế giới Ta-bà đều được giải thoát, vĩnh viễn xa lìa khổ não, gặp Phật được thọ ký.”

Giảng giải

[Bồ Tát Địa Tạng,] ông hãy nhìn Như Lai trải qua rất nhiều kiếp, chuyên cần khó khăn khổ nhọc, độ thoát những chúng sinh như thế, những chúng sinh rất khó cảm hóa, tính tình cứng rắn ngang ngạnh, chuyên phạm vào tội lỗi rồi chịu khổ. Thế nhưng trong số đó cũng có một phần chưa được điều phục, đành phải theo tội nghiệp đã làm mà chịu báo ứng. Ví như những chúng sinh ấy đọa vào những chỗ xấu ác nơi địa ngục, trong lúc họ phải chịu khổ nạn nặng nề, ông nên nhớ lại ngày hôm nay tại cung trời Đao-lợi này, Như Lai ân cần giao phó, dặn dò ông. Từ nay đến ngày Phật Di-lặc ra đời, ông hãy làm cho hết thảy chúng sinh trong thế giới Ta-bà đều được giải thoát,vĩnh viễn lìa xa các loại khổ nạn, thẳng một đường tu tập đến khi được gặp Phật, được thọ ký.

Thích nghĩa

Phật [Thích-ca Mâu-ni] từ vô lượng kiếp trong quá khứ, vì muốn cảm hóa những chúng sinh cứng đầu khó dạy, đã từng xả bỏ vô số những vợ con, thành quách, đất nước, lại còn xả bỏ cả đầu, mắt, chân, tay, tủy, não trong thân thể, [ví như tích lũy lại, số lượng ấy còn] hơn cả núi cao, biển lớn. Ngài trải qua đủ mọi khổ hạnh như thế, không gì khác hơn là muốn điều phục những chúng sinh cứng đầu khó dạy, độ thoát những chúng sinh như chúng ta đang chịu khổ nạn. Thế nhưng vẫn còn một phần những chúng sinh do nghiệp chướng sâu nặng không chịu sinh lòng tin nhận, kính ngưỡng, vẫn giữ nguyên sự cứng đầu ương ngạnh, buông thả theo tập tính mà hành động, nên đành chỉ có thể tùy theo nghiệp ác đã tạo mà nhận chịu đủ mọi quả báo khổ não. [Phật dạy] Bồ Tát Địa Tạng: “Nếu nhìn thấy những chúng sinh ấy trong lúc phải chịu những nỗi đớn đau khổ não cực kỳ thì phải độ thoát những chúng sinh ấy, khiến cho hết thảy những chúng sinh ấy thảy đều chứng quả thành Phật. Đó là một trách nhiệm lớn lao, về sau ông hãy gánh vác.”

Về hai chữ thọ ký, Phật vì người khác nói ra gọi là thọ, nói cho biết trước một hạn kỳ gọi là ký. Ví như Phật bảo một người nào đó rằng vào ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, ông sẽ thành Phật. Đến ngày tháng năm ấy thì quả nhiên người ấy thành Phật, đó là thọ ký.

Kinh văn

爾時,諸世界分身地藏菩薩共復一形,涕淚哀戀,白其佛言:我從久遠劫來,蒙佛接引,使獲不可思議神力,具大智慧。我所分身,遍滿百千萬億恒河沙世界。每一世界,化百千萬億身。每一身,度百千萬億人,令歸敬三寶,永離生死至涅槃樂。但於佛法中所為善事,一毛一渧,一沙一塵,或毫髮許,我漸度脫,使獲大利.

● Nhĩ thời, chư thế giới phân thân Địa Tạng Bồ Tát cộng phục nhất hình, thế lệ ai luyến, bạch kỳ Phật ngôn: Ngã tùng cửu viễn kiếp lai, mông Phật tiếp dẫn, sử hoạch bất khả tư nghị thần lực, cụ đại trí tuệ. Ngã sở phân thân, biến mãn bá thiên vạn ức hằng hà sa thế giới. Mỗi nhất thế giới, hóa bá thiên vạn ức thân. Mỗi nhất thân, độ bá thiên vạn ức nhân, linh quy kính tam bảo, vĩnh li sinh tử chí Niết-bàn lạc. Đãn ư Phật pháp trung sở vi thiện sự, nhất mao nhất trích, nhất sa nhất trần, hoặc hào phát hứa, ngã tiêm độ thoát, sử hoạch đại lợi.

Việt dịch

Lúc bấy giờ, các phân thân của Bồ Tát Địa Tạng ở khắp các thế giới liền hợp lại thành một thân duy nhất, rơi lệ cảm mến bạch Phật rằng: “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, nhờ ơn Phật dẫn dắt, giúp cho con đạt được thần lực không thể nghĩ bàn, đầy đủ trí tuệ lớn lao. Những phân thân của con đã biến hóa đầy khắp các thế giới nhiều như số cát của trăm ngàn muôn ức con sông Hằng. Mỗi một thế giới đó, con biến hóa hiện ra trăm ngàn muôn ức phân thân. Mỗi một phân thân ấy hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến cho quay về kính ngưỡng Tam bảo, vĩnh viễn lìa khỏi sinh tử, đạt đến niềm vui Niết-bàn. Chỉ cần [chúng sinh nào] ở trong pháp Phật làm được việc lành nhỏ nhặt như một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc rất nhỏ như sợi tóc, con đều sẽ dần dần độ thoát, khiến cho họ được lợi ích lớn lao.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, những phân thân của Bồ Tát Địa Tạng nghe lời giao phó dặn dò của Phật thì tất cả liền hợp trở lại thành một thân duy nhất, rơi lệ cảm động, buồn thương lưu luyến, đối trước Phật thưa rằng: “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, nhờ được Phật dẫn dắt, khiến cho con có được thần thông pháp lực không thể nghĩ bàn, có được đầy đủ trí tuệ lớn lao. Những phân thân của con biến hóa đầy khắp trong các thế giới nhiều như số cát của trăm ngàn muôn ức con sông Hằng. Trong mỗi một thế giới đó, lại biến hóa ra trăm ngàn muôn ức phân thân, mỗi một phân thân ấy đều có thể độ thoát cho trăm ngàn muôn ức người, khiến cho rất nhiều người như vậy đều quy y, kính tin Tam bảo, vĩnh viễn thoát ly khổ nạn sinh tử, thẳng đường đạt đến niềm vui Niết-bàn. Chỉ cần có người ở trong pháp Phật làm được việc lành, bất kể là nhỏ nhoi như một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc chỉ là chút ít nhỏ nhặt như sợi tóc, con cũng sẽ dần dần độ thoát cho người ấy, khiến cho họ đạt được lợi ích hết sức lớn lao.”

Thích nghĩa

Bồ Tát Địa Tạng nghe lời dặn dò giao phó của đức Thế Tôn, muốn ngài nhận lãnh gánh vác trách nhiệm quan trọng lớn lao, nhìn thấy trong sáu đường vẫn còn nhiều chúng sinh chịu khổ nên muốn ngài cứu giúp những chúng sinh ấy. Đức Thế Tôn đã dặn dò giáo phó rồi, ắt sẽ rời xa, nhìn việc hôm nay càng nhớ chuyện xưa, lại như người con hiếu nhận lời di chúc [của cha], sao có thể không rơi lệ lưu luyến? Bồ Tát là bậc đại hiếu, đương nhiên sẽ nhẫn nại ở lại trong cõi đời uế trược, hóa hiện đủ mọi phân thân, vào trong các nẻo luân hồi cứu độ chúng sinh, lấy đó làm việc báo đáp ơn đức từ bi của Phật.

Chúng sinh trong địa ngục mà còn rộng đường cứu độ, khiến cho họ đạt đến niềm vui Niết-bàn, thì đối với những người chịu làm việc thiện, tự nhiên càng phải giúp cho họ sớm được gặp Phật thọ ký, được lợi ích lớn lao.

Kinh văn

唯願世尊,不以後世惡業眾生為慮!如是三白佛言:唯願世尊,不以後世惡業眾生為慮!

● Duy nguyện Thế Tôn, bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sinh vi lự! Như thị tam bạch Phật ngôn: Duy nguyện Thế Tôn, bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sinh vi lự!

Việt dịch

“Kính mong đức Thế Tôn đừng vì những chúng sinh tạo ác nghiệp đời sau mà lo nghĩ!” Bồ Tát ba lần bạch Phật như vậy: “Kính mong đức Thế Tôn đừng vì những chúng sinh tạo ác nghiệp đời sau mà lo nghĩ!”

Giảng giải

Bồ Tát sau khi nhận sự giao phó dặn dò liền đáp lời đức Phật: “Kính mong đức Thế Tôn không cần phải vì những chúng sinh đời sau tạo nhiều ác nghiệp như vậy mà lo nghĩ!” Cùng một câu ấy, Bồ Tát thưa với Phật ba lần: “Kính mong đức Thế Tôn không cần phải vì những chúng sinh đời sau tạo nhiều ác nghiệp như vậy mà lo nghĩ!”

Thích nghĩa

Bồ Tát muốn làm yên lòng Phật, không cần thiết phải lo nghĩ, đó là tỏ rõ ngài tự mình có đủ khả năng nhận lãnh gánh vác trách nhiệm lớn lao trọng đại như vậy. Liên tiếp ba lần thưa trước Phật, đó là tỏ rõ ngài đã có sự quyết tâm kiên định.

Kinh văn

爾時,佛讚地藏菩薩言:善哉!善哉!吾助汝喜,汝能成就久遠劫來發弘誓願,廣度將畢,即證菩提。

● Nhĩ thời, Phật tán Địa Tạng Bồ Tát ngôn: Thiện tai! Thiện tai! Ngô trợ nhữ hỉ, nhữ năng thành tựu cửu viễn kiếp lai phát hoằng thệ nguyện, quảng độ tương tất, tức chứng bồ đề.

Việt dịch

Lúc bấy giờ, đức Phật ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng: “Lành thay! Lành thay! Ta tán trợ niềm vui của ông, ông đã có thể thành tựu tâm nguyện rộng lớn phát khởi từ nhiều kiếp lâu xa trước đây. Một khi việc rộng độ chúng sinh hoàn tất, ông sẽ chứng đắc quả vị Bồ-đề.”

Giảng giải

Vào lúc đó đức Phật ngợi khen tán thán Bồ Tát Địa Tạng, nói rằng: “Rất tốt! Rất tốt! Ta tán trợ ông, giúp ông được hoan hỷ, giúp ông có thể thành tựu tâm nguyện rộng lớn mà ông đã phát khởi từ nhiều kiếp lâu xa trước đây. Đợi đến khi việc rộng độ chúng sinh đã hoàn tất ông sẽ chứng đắc quả Phật.”

Thích nghĩa

Đức Phật nói “Lành thay” lần thứ nhất là ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng phân thân khắp mọi nơi, khiến cho hết thảy chúng sinh đều kính tin Tam bảo, được lợi ích lớn lao. Lại nói “Lành thay” lần thứ hai là ngợi khen Bồ Tát có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với đời sau, khiến cho những chúng sinh làm việc ác [biết tu tập để] không phải gánh chịu nỗi khổ lớn lao.

Đức Phật nói “Ta tán trợ niềm vui của ông” là nhắc lại nội dung trong phần trước, lúc đó Bồ Tát còn là một cô gái bà-la-môn đã đối trước tháp thờ tượng Phật mà lập nguyện rộng lớn. Đức Phật hỗ trợ cho Bồ Tát được thành tựu viên mãn tâm nguyện, khiến ngài được hoan hỷ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.28.90 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...