Nói chung, đạo lấy tịch diệt làm thể, việc tu tập lấy sự lìa bỏ hình
tướng làm tông chỉ. Cho nên kinh dạy rằng: “Tịch diệt chính là Bồ-đề, vì
đã dứt hết mọi hình tướng.”
Phật là giác, nghĩa là tỉnh thức, rõ biết. Người có tâm tỉnh thức, rõ
biết, hiểu được đạo Bồ-đề cho nên xưng là Phật.
Kinh dạy rằng: “Lìa bỏ hết thảy mọi hình tướng, liền gọi là chư Phật.”
Cho nên biết rằng mọi hình tướng có đó chính là cái tướng “không tướng”,
không thể dùng mắt để thấy, chỉ có thể dùng trí để biết. Nếu ai nghe
được pháp này mà phát sinh một niệm tin nhận, đó là đã phát khởi pháp
Đại thừa, liền vượt thoát ngoài ba cõi.
Ba cõi đó chính là tham lam, sân hận và si mê. Khi chuyển hóa được tham,
sân, si trở thành giới, định, huệ liền gọi là vượt thoát ngoài ba cõi.
Nhưng tham, sân, si cũng không có tánh thật, chỉ do nơi chúng sinh gọi
tên. Nếu thường quay vào tự tâm soi rọi rõ biết sẽ thấy rằng tánh của
tham, sân, si chính là tánh Phật. Ngoài tham, sân, si ra thật không
riêng có tánh Phật nào khác.
Kinh dạy rằng: “Chư Phật xưa nay thường ngụ trong ba độc mà nuôi dưỡng
các pháp thanh tịnh, thành bậc xuất thế.” Ba độc đó, chính là tham, sân,
si.
Nói pháp Đại thừa hay Tối thượng thừa đều là nói đến chỗ sở hành của
Bồ-tát. Không gì không là pháp ấy, lại cũng không có gì là pháp ấy. Suốt
ngày tu pháp ấy mà chưa từng tu pháp, đó là Phật thừa. Kinh dạy rằng:
“Vô thừa là Phật thừa.”
Như có người nào rõ biết rằng sáu căn là không thật, năm uẩn đều là tên
gọi giả tạo, cầu tìm khắp trong đó cũng không có chỗ nào chắc thật, nên
biết rằng người ấy đã hiểu được lời Phật dạy. Kinh dạy rằng: “Nơi tụ hội
của năm uẩn gọi là thiền viện. Soi sáng trong tâm, mở thông rõ biết tức
là pháp Đại thừa. Không nhớ tưởng bất cứ pháp nào nên gọi là thiền
định.” Nếu như hiểu rõ được lời dạy này thì dù trong khi đi đứng nằm
ngồi cũng đều là thiền định.
Rõ biết tâm là không, gọi là thấy Phật. Vì sao vậy? Mười phương chư Phật
đều dùng chỗ tâm không ấy. Không thấy ở nơi tâm gọi là thấy Phật. Lìa bỏ
tâm không tham tiếc gọi là sự bố thí lớn lao.
Không còn xao động và yên định, đó gọi là phép ngồi thiền cao tột. Vì
sao vậy? Người phàm tục thảy đều hướng theo xao động, hàng tiểu thừa
thảy đều hướng theo yên định, nên nói rằng vượt qua khỏi chỗ ngồi thiền
của người phàm tục và hàng tiểu thừa gọi là pháp ngồi thiền cao tột. Nếu
nhận hiểu được điều này thì hết thảy các tướng không lìa mà tự cởi mở,
hết thảy các bệnh không trị mà tự khỏi. Đó đều là nhờ sức định của pháp
thiền cao tột.
Lấy tâm để cầu pháp là mê, không lấy tâm cầu pháp là ngộ. Không trói
buộc vào văn tự gọi là giải thoát. Chẳng nhiễm sáu trần gọi là giữ được
pháp. Lìa khỏi sinh tử gọi là xuất gia. Không còn thọ lãnh thân đời sau
gọi là được đạo. Chẳng sinh vọng tưởng gọi là Niết-bàn. Chẳng ở trong vô
minh gọi là trí huệ lớn. Chẳng còn nơi nào phiền não gọi là nhập vào
Niết-bàn. Chẳng còn nơi nào có hình tướng gọi là bờ bên kia.
Khi mê có bờ bên này, khi ngộ không có bờ bên này. Vì sao vậy? Người
phàm tục thảy đều hướng về ở nơi bờ bên này. Nếu là người hiểu rõ được
pháp Tối thượng thừa, tâm chẳng ở nơi bờ bên này, cũng chẳng ở nơi bờ
bên kia, nên có thể lìa cả đôi bờ. Nếu thấy bờ bên kia khác với bờ bên
này, ấy là trong tâm thật không có thiền định.
Phiền não gọi là chúng sanh, tỉnh giác rõ biết gọi là Bồ-đề, chẳng phải
là một, cũng chẳng phải khác nhau, chỉ phân cách do nơi mê với ngộ mà
thôi. Khi mê có cõi thế để ra khỏi, khi ngộ chẳng có cõi thế nào để có
thể ra khỏi.
Trong pháp bình đẳng không thấy rằng kẻ phàm phu khác với bậc thánh.
Kinh dạy rằng: “Pháp bình đẳng đó, người phàm tục không thể nhập vào,
bậc thánh nhân không thể thực hành. Pháp bình đẳng đó, chỉ có bậc Đại Bồ
Tát và chư Phật Như Lai thực hành được.” Nếu thấy rằng sống khác với
chết, động khác với tĩnh, đều gọi là không bình đẳng. Không thấy phiền
não khác với Niết-bàn, đó gọi là bình đẳng. Vì sao vậy? Vì phiền não với
Niết-bàn cũng cùng một tánh không.
Vì thế, hàng tiểu thừa dứt phiền não, nhập Niết-bàn đều là hư vọng, nên
bị vướng mắc nơi Niết-bàn. Bồ Tát biết tánh thật của phiền não là không,
liền chẳng lìa bỏ không, nên thường trụ nơi Niết-bàn.
Niết-bàn đó, niết mà không sinh, bàn mà không tử. Vượt thoát sinh tử gọi
là vào Niết-bàn. Tâm không còn có chỗ đến đi, liền vào Niết-bàn. Cho nên
biết rằng Niết-bàn chính là tâm không.
Chư Phật vào Niết-bàn, đó là nơi không còn vọng tưởng. Bồ Tát vào đạo
trường, đó là nơi không còn phiền não. Nơi thanh nhàn tịch tĩnh tức là
không có tham, sân, si.
Tham là cõi Dục (Dục giới), sân là cõi Sắc (Sắc giới), si là cõi Vô sắc
(Vô sắc giới). Nếu tâm khởi sinh một niệm, liền vào trong ba cõi. Một
niệm trong tâm vừa dứt, liền ra khỏi ba cõi. Cho nên biết rằng ba cõi
sinh diệt, muôn pháp có không đều chỉ do một tâm này.
Nói chỉ một tâm này, tưởng như là phá vỡ hết muôn vật vô tình tre cây,
ngói đá. Nhưng nếu biết rằng “tâm” cũng chỉ là một tên gọi giả tạo,
không có thực thể, thì liền biết được cái tâm tự tịch tĩnh, cũng không
phải có, cũng chẳng phải không. Vì sao vậy? Kẻ phàm tục thảy đều hướng
đến sinh tâm nên gọi là có. Hàng Tiểu thừa thảy đều hướng đến diệt tâm
nên gọi là không. Chư Phật, Bồ Tát chưa từng sinh tâm, chưa từng diệt
tâm, nên gọi là tâm chẳng có chẳng không. Tâm chẳng có chẳng không, đó
gọi là trung đạo.
Cho nên biết rằng, dùng tâm để học pháp thì tâm với pháp đều mê. Không
dùng tâm để học pháp thì tâm với pháp đều ngộ. Mê, đó là mê ở nơi ngộ.
Ngộ, đó là ngộ ở nơi mê. Người có được cái thấy chân chánh thì biết rằng
tâm vốn không không, liền vượt thoát cả mê và ngộ. Không có mê ngộ mới
gọi là thấy biết chân chánh.
Sắc, chẳng phải tự là sắc, do nơi tâm nên là sắc. Tâm chẳng phải tự là
tâm, do nơi sắc nên là tâm. Cho nên biết rằng cả hai tướng tâm và sắc
đều có sinh diệt.
Có, đó là đối với không. Không, đó là đối với có. Như vậy gọi là cái
thấy chân thật.
Cái thấy chân thật thì chẳng có gì là không thấy mà cũng chẳng có gì
thấy. Thấy khắp mười phương mà chưa từng thấy. Vì sao vậy? Vì không có
gì để thấy, vì thấy được cái không thấy, vì thấy mà không phải là thấy.
Những gì người phàm tục nhìn thấy đều gọi là vọng tưởng. Nếu đạt đến
tịch diệt không nhìn thấy mới gọi là cái thấy chân thật.
Do tâm và cảnh đối nhau mà phát sinh cái thấy. Nếu trong không khởi tâm
thì ngoài không sinh cảnh, do đó mà tâm và cảnh đều thanh tịnh, mới gọi
là cái thấy chân thật. Khi hiểu biết được như vậy mới gọi là thấy biết
chân chánh.
Không thấy hết thảy các pháp, gọi là đắc đạo. Không hiểu hết thảy các
pháp, gọi là hiểu pháp. Vì sao vậy? Vì không thấy cả chỗ thấy và không
thấy, vì không hiểu cả chỗ hiểu và không hiểu. Cái thấy không thấy mới
gọi là cái thấy chân thật. Cái hiểu không hiểu mới gọi là cái hiểu chân
thật.
Cái thấy chân thật đó, chẳng phải thấy ngay trước mắt mà thấy, cũng là
thấy chỗ không thấy. Cái hiểu chân thật đó, chẳng phải hiểu ngay trước
mắt mà hiểu, cũng là hiểu chỗ không hiểu. Nếu có chỗ hiểu đều gọi là
không hiểu. Không có chỗ hiểu mới gọi là cái hiểu chân thật. Hiểu và
chẳng hiểu đều chẳng phải là hiểu.
Kinh dạy rằng: “Không lìa bỏ trí huệ, gọi là ngu si.” Nếu tâm là không
thì hiểu với không hiểu đều là chân thật. Nếu tâm là có thì hiểu với
không hiểu đều là hư vọng.
Như khi hiểu rồi thì các pháp đuổi theo người. Như khi chưa hiểu thì
người đuổi theo các pháp. Nếu các pháp đuổi theo người thì không phải
pháp cũng thành pháp. Nếu người đuổi theo các pháp thì pháp cũng thành
không phải pháp.
Nếu người đuổi theo các pháp thì các pháp pháp đều là hư vọng. Nếu pháp
đuổi theo người thì các pháp đều là chân thật.
Vì thế cho nên bậc thánh nhân không dùng tâm để cầu pháp, cũng không
dùng pháp để cầu tâm, không dùng tâm để cầu tâm, cũng không dùng pháp để
cầu pháp. Do đó mà tâm không sinh pháp, pháp không sinh tâm, tâm pháp
đều vắng lặng nên thường trong định.
Tâm chúng sinh vừa sinh thì pháp Phật diệt. Tâm chúng sinh vừa diệt thì
pháp Phật sinh. Tâm sinh thì pháp chân thật diệt. Tâm diệt thì pháp chân
thật sinh. Rõ biết hết thảy các pháp thảy đều không phụ thuộc nhau, đó
gọi là người đắc đạo. Rõ biết tâm không phụ thuộc hết thảy các pháp,
người như thế thường ở trong đạo tràng.
Khi mê có tội, khi hiểu rõ thì không còn có tội. Vì sao vậy? Vì tánh của
tội là không. Khi mê thì không tội thấy là có tội. Nếu như hiểu rõ rồi
thì tội chính là không tội. Vì sao vậy? Vì tội vốn chẳng ở tại đâu cả.
Kinh dạy rằng: “Các pháp không thật tánh, thật dùng thì chớ nghi. Có
nghi liền thành tội.” Vì sao vậy? Vì tội do nơi nghi ngờ mà sinh. Nếu
hiểu được như vậy thì tội nghiệp đời trước liền tiêu mất hết.
Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não sanh tử. Khi ngộ thì
sáu thức, năm ấm đều là pháp Niết-bàn không sanh tử. Người tu hành không
cầu đạo ở bên ngoài. Vì sao vậy? Rõ biết tâm chính là đạo. Khi được tâm
rồi, thật không có tâm nào để được. Khi đắc đạo rồi, thật không đạo nào
để đắc. Nếu ai nói dùng tâm cầu đạo mà được, đều gọi là tà kiến.
Khi mê thì có Phật, có pháp. Khi ngộ thì không Phật, không pháp. Vì sao
vậy? Chỗ ngộ ấy chính là Phật pháp.
Người tu đạo, thân diệt thì đạo thành, cũng như vỏ hạt nứt thì mầm cây
sinh. Cái thân nghiệp báo này liên tục biến đổi vô thường, không một
pháp chắc thật. Chỉ nên tùy theo đó mà không ngừng tu tập, không được
chán lìa sinh tử, cũng không được đắm mê sinh tử. Chỉ thường trong mỗi
niệm đều không vọng tưởng thì ngay trong đời này có thể chứng Niết-bàn
hữu dư, lìa bỏ thân này sẽ được Vô sinh pháp nhẫn.
Khi mắt nhìn thấy hình sắc, chẳng nhiễm nơi hình sắc, khi tai nghe âm
thanh, chẳng nhiễm nơi âm thanh, như vậy đều là giải thoát. Mắt không
trói buộc vào hình sắc thì mắt là cửa mở đạo thiền. Tai không trói buộc
vào âm thanh thì tai là cửa mở đạo thiền.
Nói tóm lại, thấy cái tánh thật của hình sắc thì lúc nào cũng giải
thoát. Thấy cái tướng của hình sắc thì lúc nào cũng là trói buộc. Không
bị phiền não trói buộc, liền gọi là giải thoát, ngoài ra không có giải
thoát nào khác.
Người khéo quán xét hình sắc thì hình sắc chẳng sinh nơi tâm, tâm chẳng
sinh nơi hình sắc, nên hình sắc với tâm cùng thanh tịnh. Khi không có
vọng tưởng thì mỗi tâm là một cõi Phật. Khi có vọng tưởng thì mỗi tâm là
một địa ngục. Chúng sanh tạo thành vọng tưởng, lấy tâm sinh tâm nên
thường ở trong địa ngục. Bồ Tát quán xét thấy rõ vọng tưởng, không lấy
tâm sinh tâm nên thường ở trong cõi Phật. Nếu không lấy tâm sinh tâm thì
tâm nào cũng vào cõi không, niệm nào cũng về cõi tĩnh, từ cõi Phật này
đến cõi Phật khác. Nếu lấy tâm sinh tâm thì tâm nào cũng không tĩnh
lặng, niệm nào cũng về cõi động, từ địa ngục này trải qua địa ngục khác.
Nếu trong một niệm khởi tâm, liền có hai nghiệp lành dữ, có thiên đường
địa ngục. Nếu trong một niệm không khởi tâm, liền không có hai nghiệp
lành dữ, cũng không có thiên đường địa ngục.
Tự thể vốn chẳng phải có, chẳng phải không. Nơi người phàm tục là có,
nơi bậc thánh là không. Bậc thánh nhân không có tâm ấy nên lòng dạ rỗng
suốt, rộng bằng trời đất. Khi tâm được niết bàn tức không thấy có
Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì tâm chính là Niết-bàn. Nếu ngoài tâm thấy có
Niết-bàn, đó gọi là vướng mắc vào tà kiến.
Hết thảy phiền não đều là hạt giống Như Lai, vì do nơi phiền não mà được
trí huệ. Nhưng chỉ có thể rằng phiền não sinh Như Lai, không thể nói
rằng phiền não chính là Như Lai.
Vì thế nên thân tâm là đồng ruộng, phiền não là hạt giống, trí huệ là
mầm chồi, Như Lai là lúa thóc. Phật tại trong tâm như trầm hương ở trong
cây. Nếu phiền não dứt sạch thì Phật từ trong tâm mà hiển lộ. Nếu gỗ mục
hết thì trầm hương từ trong cây mà lộ ra. Do đó biết rằng ngoài cây
không có trầm hương, ngoài tâm không có Phật. Nếu ngoài cây có hương,
tức là hương khác. Nếu ngoài tâm có Phật, tức là Phật khác.
Trong tâm có ba độc thì gọi là cõi dơ nhớp xấu ác. Trong tâm không có ba
độc thì gọi là cõi nước thanh tịnh.
Kinh dạy rằng: “Nếu làm cho cõi nước không thanh tịnh, dơ nhớp xấu ác
đầy dẫy, tất không thể có việc chư Phật Thế Tôn từ trong đó hiển lộ.”
Không thanh tịnh, dơ nhớp xấu ác tức là vô minh, ba độc. Chư Phật Thế
Tôn tức là tâm thanh tịnh giác ngộ.
Hết thảy ngôn ngữ không gì không là pháp Phật. Nếu chỗ nói năng của mình
thường là không thì nói suốt ngày mà vẫn là đạo. Nếu chỗ nói năng của
mình thường là có thì lặng im suốt ngày mà vẫn không phải đạo. Cho nên
đấng Như Lai lời nói chẳng nương theo im lặng, im lặng chẳng nương theo
lời nói, lời nói không lìa im lặng. Hiểu thấu được chỗ nói và im này thì
lúc nào cũng ở trong tam-muội. Lúc hiểu mà nói thì nói cũng giải thoát.
Lúc không hiểu mà im lặng thì im lặng cũng trói buộc. Cho nên, nếu lời
nói lìa khỏi tướng thì nói cũng gọi là giải thoát, im lặng mà vướng mắc
nơi tướng thì im lặng cũng chính là trói buộc.
Tánh của văn tự vốn là giải thoát. Văn tự không thể tạo ra sự trói buộc,
sự trói buộc tự đến tạo ra văn tự.
Pháp không có cao thấp. Nếu thấy có cao thấp tức chẳng phải pháp.
Chẳng phải pháp, ấy là cái bè. Đúng pháp, ấy là người tu. Người tu cưỡi
trên bè ấy liền vượt qua chỗ chẳng phải pháp, tức được đúng pháp.
Nếu nói theo người thế tục thì có nam nữ, có sang hèn. Nếu nói theo đạo
pháp thì không có nam nữ, sang hèn. Vì thế cho nên vị thiên nữ đã ngộ
đạo mà không biến mất hình tướng nữ.
Xa Nặc rõ lẽ thật, Ninh Di nhận là hèn hạ, đó thảy đều là không có nam
nữ sang hèn, chỉ do một tướng mà ra. Vị thiên nữ trong suốt mười hai năm
cầu hình tướng nữ, rốt cùng chẳng được. Như vậy tức biết rằng trong suốt
mười hai năm cầu hình tướng nam cũng chẳng thể được. Mười hai năm, đó là
chỉ cho mười hai nhập.
Lìa tâm không có Phật, lìa Phật không có tâm. Cũng như lìa nước không có
băng, lìa băng không có nước.
Nói lìa tâm không có Phật, chẳng phải là nói lìa xa cái tâm, chỉ dạy
đừng vướng mắc vào cái tướng của tâm. Kinh dạy rằng: “Không thấy hình
tướng, gọi là thấy Phật.” Đó là nói lìa cái tướng của tâm.
Nói lìa Phật không có tâm là nói Phật từ trong tâm hiển lộ. Tâm có thể
sinh Phật, nên Phật từ tâm mà sinh, nhưng Phật lại chưa từng sinh tâm.
Cũng như cá sinh ở nước, nước không thể sinh cá. Muốn thấy cá thì chưa
thấy cá trước đã thấy nước. Muốn thấy Phật thì chưa thấy Phật trước đã
thấy tâm. Như vậy thì biết rằng, khi thấy cá rồi không còn nước, khi
thấy Phật rồi chẳng còn tâm. Nếu chẳng quên tâm, ấy là vẫn còn bị tâm mê
hoặc. Nếu chẳng quên nước, ấy là vẫn còn bị nước làm mê.
Chúng sinh với Bồ-đề cũng ví như nước với băng. Bị ba độc nung đốt nên
gọi là chúng sanh. Do ba pháp giải thoát mà được thanh tịnh nên gọi là
Bồ-đề. Bị ba tháng mùa đông làm cho đông lại nên gọi là băng. Do ba
tháng mùa hạ làm cho tan chảy nên gọi là nước. Nếu lìa bỏ băng, tức
không có nước nào khác. Nếu lìa bỏ chúng sinh, tất không có Bồ-đề nào
khác.
Nên biết rõ rằng tánh của băng tức là tánh của nước, tánh của nước tức
là tánh của băng. Chúng sinh tức là Bồ-đề. Chúng sinh với Bồ-đề cùng
chung một tánh, như ô đầu và phụ tử vốn cùng một nguồn gốc, chỉ do chế
biến mà khác nhau. Mê và ngộ là cảnh giới khác nhau nên có hai tên gọi
là chúng sinh và Bồ-đề. Rắn hóa thành rồng không đổi vảy, kẻ phàm biến
thành bậc thánh vẫn không đổi mặt. Chỉ cần biết rằng, tâm thì trí huệ
soi chiếu bên trong, thân thì giới luật tinh khiết bên ngoài.
Chúng sinh độ Phật, Phật độ chúng sanh, đó gọi là bình đẳng. Chúng sanh
độ Phật, đó là phiền não sinh giác ngộ. Phật độ chúng sinh, đó là giác
ngộ dứt trừ phiền não. Chẳng phải là không có phiền não, chẳng phải là
không có giác ngộ. Cho nên biết rằng, không có phiền não thì chẳng lấy
gì sinh ra giác ngộ. Không có giác ngộ thì không lấy gì dứt trừ phiền
não. Nếu còn mê thì Phật độ chúng sinh, nếu ngộ rồi thì chúng sinh độ
Phật. Vì sao vậy? Phật không tự thành, đều do chúng sinh độ thành.
Chư Phật xem vô minh như cha sinh, tham ái như mẹ đẻ. Vô minh và tham ái
đều là tên gọi khác của chúng sinh. Chúng sinh với vô minh cũng như bàn
tay phải với bàn tay trái, thật không khác biệt.
Khi mê ở bên bờ này, khi ngộ ở bên bờ kia. Nếu rõ biết tâm không, chẳng
nhìn thấy các hình tướng, liền lìa khỏi mê và ngộ. Đã lìa khỏi mê ngộ,
cũng không có bờ bên kia. Như Lai không ở bờ bên này, cũng không ở bờ
bên kia, cũng không ở giữa dòng.
Giữa dòng là hàng Tiểu thừa, bờ bên này là kẻ phàm tục, bờ bên kia là
Bồ-đề.
Phật có ba thân: Hóa thân, Báo thân và Pháp thân. Nếu chúng sanh thường
trồng căn lành, tức Hóa thân thiện, thường tu trí huệ tức Báo thân hiện,
thường rõ biết pháp vô vi tức pháp thân hiện.
Bay khắp mười phương, tùy phương tiện mà cứu độ, đó là Hóa thân của
Phật. Dứt trừ mê hoặc, tu tập pháp lành, thành đạo trên núi Tuyết, đó là
Báo thân của Phật. Không nói, không dạy, vắng lặng thường trụ, đó là
Pháp thân của Phật.
Như luận cho thấu lý thì một Phật còn không có, làm sao có ba thân? Nói
ba thân chỉ là dựa theo trí người có bậc cao, bậc vừa, bậc thấp. Người
thấp trí mê nơi việc tu phước, thấy có Hóa thân Phật. Người trung trí mê
nơi việc dứt trừ phiền não, thấy có Báo thân Phật. Người cao trí mê nơi
việc chứng đắc Bồ-đề, thấy có Pháp thân Phật.
Bậc có trí tuệ vượt trội hơn hết thì trong tâm soi chiếu vắng lặng tròn
đầy, rõ biết tâm chính là Phật, chẳng dựa vào tâm để được Phật.
Do đó biết rằng ba thân cùng với muôn pháp đều không thể nắm giữ, không
thể chỉ bày. Như thế tức là tâm giải thoát, thành tựu đạo lớn. Kinh dạy
rằng: “Phật không thuyết pháp, không độ chúng sanh, không chứng Bồ-đề.”
Là nói nghĩa như thế.
Chúng sanh tạo nghiệp, nghiệp tạo chúng sanh. Đời nay tạo nghiệp, đời
sau chịu quả báo, chẳng bao giờ thoát được. Chỉ có bậc chí nhân ngay nơi
thân này không tạo các nghiệp nên chẳng chịu quả báo. Kinh dạy rằng:
“Không tạo các nghiệp tự nhiên đắc đạo.” Phải đâu là lời luống dối đó
sao?
Người có thể tạo thành nghiệp, nghiệp không thể tạo thành người. Nếu
người tạo nghiệp thì nghiệp với người cùng sinh ra. Nếu người không tạo
nghiệp thì nghiệp với người cùng diệt mất. Do đó mà biết rằng nghiệp là
do người tạo, người là do nghiệp sinh. Nếu người không tạo nghiệp thì
nghiệp không do người mà sinh. Cũng như người có thể mở rộng đạo, đạo
không thể mở rộng người. Những người phàm tục đời nay thường xuyên tạo
nghiệp lại mê lầm nói là không có quả báo, chẳng phải là khổ lắm sao!
Bằng như luận cho thấu lý thì tâm trước tạo, tâm sau nhận chịu, làm sao
có lúc thoát được? Nếu như tâm trước không tạo thì tâm sau không phải
nhận chịu, há có thể mê lầm mà thấy có nghiệp báo được sao?
Kinh dạy rằng: “Tuy tin là có Phật nhưng nói Phật tu khổ hạnh, đó gọi là
tà kiến. Tuy tin là có Phật, nhưng nói Phật chịu quả báo ăn lúa ngựa, đó
gọi là chưa đủ lòng tin, gọi là nhất-xiển-đề.
Hiểu rõ được pháp của bậc thánh thì gọi là thánh nhân. Hiểu pháp của thế
tục thì gọi là phàm phu. Chỉ cần lìa bỏ pháp của thế tục, thành tựu pháp
của bậc thánh thì phàm phu liền trở thành thánh nhân.
Những người ngu ở thế gian chỉ cầu được thánh nhân ở nơi xa xôi, chẳng
tin rằng tâm trí huệ rõ biết chính là thánh nhân.
Kinh dạy rằng: “Trong đám người không có trí huệ, đừng giảng nói kinh
này.” Đó là muốn nói việc tâm hiểu được pháp.
Người không có trí huệ không tin rằng chính tâm này hiểu được pháp sẽ
thành thánh nhân, chỉ muốn cầu ở xa xôi, học ở bên ngoài, ưa mến hình
tượng Phật giữa cõi không, cùng với những việc như ánh sáng, hình sắc,
hương thơm... thảy đều rơi vào tà kiến, cuồng loạn đánh mất bản tâm.
Kinh dạy rằng: “Nếu thấy rằng các tướng chẳng phải là tướng, liền thấy
Như Lai.” Tám vạn bốn ngàn pháp môn, thảy đều do một tâm này sinh khởi.
Nếu tướng của tâm bên trong vắng lặng, đồng như hư không, liền lìa thoát
được cội gốc của tám vạn bốn ngàn căn bệnh phiền não trong thân tâm.
Kẻ phàm phu đang sống lo chết, vừa lo no đói, đều gọi là mê lầm lớn. Cho
nên bậc chí nhân chẳng tính việc trước, chẳng lo việc sau, chẳng làm
thay đổi việc hiện tại, lúc nào cũng quay về nơi đạo.
Đêm ngồi tụng kệ rằng:
Canh một đoan nghiêm ngồi kiết-già,
Tinh thần lặng chiếu, trải lòng xa.
Xưa nay sinh diệt không thực có,
Sao phải nhọc lòng diệt diệt sinh?
Muôn pháp thảy đều như ảo hóa,
Tự tánh vốn không, sao phải trừ?
Nếu rõ tánh tâm không hình tướng,
Vắng lặng sáng rõ tự như như.
Canh hai thần ngưng càng sáng lặng,
Tâm không nhớ tưởng, tính chân như.
Muôn hình vạn cảnh thảy về không,
Vướng mắc có không càng thêm bệnh.
Tánh pháp xưa nay chẳng có không,
Phàm tục mê lầm phân tà, chánh.
Nếu thường đúng pháp vô phân biệt,
Ai bảo phàm phu khác thánh nhân?
Canh ba tâm lặng đồng hư không,
Mười phương cõi pháp khắp biến thông.
Núi sông vách đá không ngăn ngại,
Thâu tóm vào trong thế giới đồng.
Tánh thật thế giới, chân như tánh,
Không cả tánh thật, hàm chứa hết.
Chẳng riêng chư Phật được như thế,
Hết thảy hữu tình đều không khác.
Canh tư chẳng còn diệt với sinh,
Cõi pháp lặng bình như hư không.
Chẳng đến, chẳng đi, chẳng khởi diệt,
Chẳng có, chẳng không, chẳng sáng tối.
Chẳng thấy các pháp, được mắt Phật,
Chẳng có danh xưng, được Phật danh.
Chỉ người giác ngộ mới thật hiểu,
Kẻ mê như người mù đi quanh!
Canh năm trí huệ sáng vô biên,
Trải ba ngàn cõi không động niệm.
Muốn thấy chân như, bình đẳng tánh,
Nơi việc trước mắt đừng sinh tâm.
Lý sâu mầu nhiệm không lường hết,
Chớ cố đuổi tìm chỉ nhọc công.
Tâm không một niệm biết thật cầu,
Nếu khởi tâm cầu, thật chưa biết!
Có bài tụng chân tánh rằng:
Chân tánh xưa nay vốn nhiệm mầu,
Dứt lìa hết thảy gốc tình sâu.
Quán chiếu lẽ không quên diệt sạch,
Chân thân tỏa sáng lặng tròn đầy.