Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vua Là Phật, Phật Là Vua »» Lời Bạt »»

Vua Là Phật, Phật Là Vua
»» Lời Bạt

Donate

(Lượt xem: 3.664)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Vua Là Phật, Phật Là Vua - Lời Bạt

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Xét theo những khái niệm thông thường về ngữ nghĩa thì tựa sách “Vua là Phật, Phật là Vua” dường như đã bộc lộ sự sai lệch về ý nghĩa và hàm chứa mâu thuẫn ngay trong chính nó. Vua không thể là Phật, và Phật càng không thể là vua. Đây là hai khái niệm phủ nhận lẫn nhau. Vua là bậc quân chủ, chịu trách nhiệm về sự an nguy của đất nước, về sự ấm no hạnh phúc của muôn dân, trong khi đó dưới mắt nhìn của Phật, một bậc giác ngộ, thì những an nguy hay ấm no hạnh phúc đó chẳng qua chỉ là những đợt sóng nhấp nhô trong dòng xoáy nghiệp lực, và Phật là người thoát ra khỏi đó cũng như vạch đường chỉ lối cho mọi chúng sinh đều được thoát ra như ngài. Cho nên, điều mà một vị Phật hướng đến cũng như đã làm được cho hết thảy chúng sinh - chứ không chỉ là người dân trong một nước - chính là chỉ ra con đường dẫn đến một cuộc sống an vui vĩnh cửu với hạnh phúc chân thật, chấm dứt mọi khổ đau. Điều này vượt ngoài khả năng và nỗ lực của mọi đấng quân vương trên khắp hoàn vũ chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Phật không cần làm vua. Ngay cả đệ tử Phật khi vừa phát tâm xuất thế đã xem ngai vàng như cỏ rác, huống gì khi đã giác ngộ viên mãn thì có vị Phật nào lại muốn làm vua? Ngược lại, vua không thể làm Phật. Vua muốn làm Phật thì trước hết phải vất bỏ ngôi vua rồi dày công tu tập, trải qua nhiều thành tựu mới có thể thành Phật. Và cho dù vị Phật ấy đã từng làm vua, cũng không thể nói đó là vua làm Phật.

Thế nhưng, ta có thể thấy ngay rằng sự bất hợp lý trong tựa sách này là một chủ ý của tác giả. Hòa thượng Bảo Lạc khi viết lời giới thiệu đã nhận rõ điều đó nên đánh giá sách này là một “tác phẩm mới lạ”, và Hòa thượng cũng giải thích rõ ý lạ ở đây là “vì tựa đề sách dễ gây sự chú ý cho người đọc”. Dễ gây chú ý, chính là vì tác giả đã nêu lên một tiên đề bất hợp lý, khiến người đọc không thể không chú ý. Và nội dung xuyên suốt của tác phẩm thực sự không gì khác hơn là để “giải quyết” vấn đề bất hợp lý này, đưa người đọc đến với một nhận thức mới thật đúng đắn và phù hợp với Phật pháp, mang lại nhiều lợi lạc thiết thực trong đời sống cũng như làm khởi sinh một niềm tự hào chính đáng về lịch sử dân tộc gắn liền cùng Phật pháp.

Vậy nhận thức mới đó là gì? Thật thú vị khi người đọc dần dần nhận ra tác giả đã chuyển hai khái niệm “vua” và “Phật” từ phạm trù ngữ nghĩa hạn hẹp như trên sang cảnh giới mênh mông vô hạn của giáo pháp Đại thừa, mà cụ thể hơn là những tư tưởng thiền mang đậm bản sắc Việt của ba vị vua đầu tiên triều Trần. Bản thân ba vị vua này đều đã lần lượt “phát túc siêu phương”, khoác áo cà sa sống đời thoát tục. Và đáng khâm phục hơn nữa, chính họ đã hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mà cho đến nay vẫn còn được biết đến như một dấu ấn độc đáo trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Từ góc nhìn này, danh xưng “Phật” không chỉ được hiểu như một bậc giác ngộ cụ thể, giống như đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người đã từng bước đi trên mặt đất này, mà cần được hiểu rộng như là phẩm tính giác ngộ sẵn có ở muôn loài muôn người. Vị Phật đó ẩn tàng nơi mỗi người chúng ta, và dù có nhận biết hay không, thỉnh thoảng trong đời sống này chúng ta vẫn đôi khi thoáng nhận ra sự hiện hữu ấy. Nói như Trịnh Công Sơn thì đó là những lúc mà “lòng chợt từ bi bất ngờ”, còn Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng thì gọi đó là những phút giây “làm Phật lai rai”. Nhưng dù là bất ngờ khởi sinh hay lai rai hiện hữu thì điểm chung ở đây chính là: Mỗi chúng ta đều sẵn có một tiềm năng giác ngộ. Và nói thật nghiêm túc đầy đủ như lời Phật dạy thì “tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Hẳn nhiên tác giả sách này hiểu và tin điều đó cũng như muốn cho mọi độc giả của mình tin vào điều đó. Đây là lý do tác giả đã viện dẫn cả một giai đoạn lịch sử gần trăm năm cuối Lý đầu Trần để minh chứng cho sự vận dụng Phật pháp vào xây dựng vương triều và bình trị đất nước. Chính trong quá trình xây dựng cũng như bảo vệ đất nước, ba vị vua đầu triều Trần đã từng bước nỗ lực làm hiển lộ phẩm tính giác ngộ nơi bản thân mình, cũng như vận dụng những công năng của phẩm tính ấy, như từ bi, trí tuệ và lòng vị tha để mang lại cuộc sống an lành, ấm no và hạnh phúc cho muôn dân. Đồng thời, các vị cũng tự giải thoát bản thân mình ra khỏi mọi khổ đau triền phược.

Tác phẩm này thuộc thể loại tiểu thuyết phóng tác lịch sử, nghĩa là nó dựa trên những dữ kiện lịch sử có thật để chuyển tải những tư tưởng, cảm xúc của bản thân tác giả qua việc tiểu thuyết hóa những sự kiện được trình bày trong sách. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì tác giả đã không tự thể hiện mình như một tiểu thuyết gia thực sự. Tuy chúng ta vẫn thấy được sự khéo léo sắp xếp để những sự kiện lịch sử được tái hiện như trong một câu chuyện liền mạch, nhưng chất keo dán của những cảm xúc thế tục và sự tô điểm của trí tưởng tượng phóng khoáng cần phải có cho một cuốn tiểu thuyết dường như không hiện diện nhiều trong tác phẩm, và do đó không quá khó để nhận ra tác giả không phải là một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp. Điều này càng dễ hiểu hơn nếu độc giả biết được rằng trước đây rất lâu, vào năm 1979, tác giả sách này đã từng viết kịch bản và đạo diễn cho vở kịch “Cuộc đời Đức Phật” được công diễn ở Stadthalle Hannover, để rồi sau đó tự “thú nhận” một cách rất “dễ thương” rằng “thật rảnh việc khi một ông thầy tu lại đi viết kịch hay tiểu thuyết”, nhưng chẳng qua vì là những việc cần làm thì phải làm mà thôi. Và sự “cần làm” ở đây khi thầy viết quyển sách này chính là mang đến cho người đọc bức tranh chân thực về một giai đoạn lịch sử đáng tự hào của dân tộc, nhưng đồng thời cũng là bài học sống động về những tấm gương tu tập Phật pháp mà bất cứ người Phật tử nào cũng phải hết lòng khâm phục và ngưỡng mộ. Những nỗ lực “không chuyên” của thầy cho ta thấy được tấm lòng tha thiết của một bậc chân tu trong việc tận dụng mọi phương tiện có thể được để đưa Phật pháp đến với muôn người.

Và khi chúng ta nhìn từ góc độ này thì sự “không chuyên” của tác giả lại trở thành một ưu điểm rất lớn. Tác giả đã giữ lại được cho người đọc một bức tranh lịch sử vô cùng trung thực khi trình bày phần lớn dữ kiện dựa trên sử liệu mà không tùy tiện để cho trí tượng tượng hay cảm xúc riêng tư dẫn dắt. Nhờ vậy, người đọc có thể tự mình nhận hiểu về từng nhân vật, từng sự kiện lịch sử qua nhãn quan và nền tảng tri thức cũng như kinh nghiệm tu tập của chính bản thân mình, thay vì bị dắt dẫn bởi những cảm xúc, tư tưởng chủ quan đã được tác giả định hình qua tác phẩm.

Và nói đến đây thì có đôi điều cần phải đề cập thêm về vấn đề sử liệu. Mặc dù không là một sử gia chuyên nghiệp, nhưng tác giả đã có một sự thận trọng vô cùng đáng quý khi giao phó bản thảo cho anh em chúng tôi - nhóm Tứ Nguyên - cùng tham gia rà soát, chỉnh sửa với lời dặn dò “nhất định không được nhẹ tay, dễ dãi”. Chính sự khích lệ và tán thành của thầy đã giúp anh em chúng tôi có được niềm tự tin trong công việc và thẳng thắn thảo luận, hoàn thiện rất nhiều dữ kiện trước khi chính thức công bố cùng người đọc. Thiết nghĩ việc nêu ra ở đây đôi điều trong quá trình hoàn thiện tác phẩm cũng có thể là dấu ấn bảo chứng để tạo thêm niềm tin cho người đọc.

Như được dẫn chú nhiều nơi trong tác phẩm, tác giả đã biên soạn sách này chủ yếu dựa trên những công trình đã công bố của Giáo sư Lê Mạnh Thát như Toàn tập Trần Thái Tông, Toàn tập Trần Nhân Tông... Là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và uy tín, Giáo sư Lê Mạnh Thát khi thực hiện những công trình của mình đã căn cứ vào các nguồn sử liệu chính thức hiện nay như Đại Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, cùng một số Thiền sử quan trọng như Thiền uyển tập anh, Tam Tổ thực lục, Thánh Đăng ngữ lục...

Tuy nhiên, ngòi bút của các sử gia ngày trước không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác. Lấy ví dụ như khi viết về Lê Long Đĩnh, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ở phần Bản kỷ, quyển 1, trang 26, tờ b chép về Lê Long Đĩnh gọi ông là Ngọa Triều Hoàng Đế (卧朝皇帝) và nói: “帝恣行篡弑逞其滛虐 - Đế tứ hành soán thí, sính kỳ dâm ngược...” (Vua buông thả làm việc giết vua [trước] cướp ngôi, tánh thích sự dâm đãng bạo ngược...) Lại ở trang 30, tờ b chép: “冬十月辛亥帝崩于寢殿號卧朝以 有痔疾卧而視朝也 - Đông, thập ngoạt, Tân Hợi, đế băng vu tẩm điện, hiệu Ngọa Triều, dĩ hữu trĩ tật, ngọa nhi thị triều dã.” (Mùa đông, tháng 10, năm Tân Hợi [1009], vua băng ở phòng ngủ trong cung, gọi là Ngọa Triều vì có bệnh trĩ phải nằm mà dự buổi chầu.” Sách này còn nói thêm: “野史云帝耽滛酒色發成痔疾 - Dã sử vân, đế đam dâm tửu sắc phát thành trĩ tật.” (Dã sử nói rằng, vua đam mê tửu sắc mà phát thành bệnh trĩ.)

Tất nhiên, những chuyện từ đầu thế kỷ 11 đến nay, chúng ta không có cách nào để thực tế kiểm chứng, chỉ có thể dựa vào tính chất hợp lý để đánh giá, nhận xét về sự kiện được ghi chép mà thôi. Chẳng hạn, việc “đam mê tửu sắc” được nói đến ở đây có nghĩa là dâm dục quá độ, thường uống rượu nhiều. Thế nhưng, theo hiểu biết của y học ngày nay thì chưa hề nghe nói đó là nguyên nhân phát sinh bệnh trĩ. Mặt khác, theo mô tả ở các trích dẫn trên thì Lê Long Đĩnh là một ông vua tham dâm vô độ, bạo ngược tàn ác, mà hậu quả là sức khỏe suy sụp đến nỗi phải nằm khi tham dự triều chính, và cuối cùng chết [vì bệnh tật] vào tháng 10 năm 1009 khi chỉ mới 23 tuổi (ông sinh năm 986), độ tuổi của một thanh niên cường tráng.

Tuy nhiên, cũng trong phần này của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ở trang 28, tờ b chép rằng: “宋景德四年春遣弟明昶掌書記皇成雅献白犀于宋乞大藏經文 - Tống, Cảnh Đức tứ niên, xuân, khiển đệ Minh Sưởng, Chưởng thư ký Hoàng Thành Nhã hiến bạch tê vu Tống khất Đại Tạng Kinh văn. (Niên hiệu Cảnh Đức thứ tư triều Tống [1007], mùa xuân, sai người em là [Lê] Minh Sưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã mang tê ngưu trắng sang biếu nhà Tống để xin thỉnh Đại Tạng Kinh.)

Tìm hiểu nhiều hơn một chút trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chúng ta thấy chỉ trong 4 năm làm vua, Lê Long Đĩnh đã thân hành xuất chinh dẹp loạn 5 lần. Riêng trong năm 1005, sau khi dẹp loạn tranh chấp ngôi vua trong hoàng tộc, ông lại xuất quân đánh trại Phù Lan và rồi tiếp tục đi đánh giặc ở Cử Long. Năm 1008, ông xuất quân 2 lần. Lần thứ nhất đánh dẹp ở hai châu Đô Lương và Vị Long, lần thứ hai lại đánh dẹp ở châu Hoan và Thiên Liêu. Và lần xuất quân cuối cùng của ông là vào tháng 7, năm 1009, chỉ trước khi ông mất 3 tháng, đã đánh dẹp ở các châu Hoan Đường, Thạch Hà. Các vùng đất này thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay, cách kinh đô Hoa Lư thời đó khoảng 200 km. Vua ngự thuyền rồng đã rời cửa Hoàn ra biển, gặp sóng to gió lớn nên ra lệnh quay thuyền về, sau đó lại bỏ thuyền đi đường bộ về kinh đô. Với những hoạt động quân sự dày đặc vất vả như thế và kéo dài cho đến lúc sắp chết, thật khó để tin rằng Lê Long Đĩnh là người dâm dục quá độ đến mức suy sụp sức khỏe.

Và hơn thế nữa, một ông vua bạo ngược, độc ác và ham mê tửu sắc, dâm dục quá độ thì liệu có động lực nào để sai em ruột mình sang tận Trung Hoa thỉnh Đại Tạng Kinh?

Dẫn ra một câu chuyện cần tiếp tục làm sáng tỏ như thế trong chính sử để thấy rằng, ngay cả khi chúng ta trung thành với sử liệu thì cũng chưa hẳn đã hoàn toàn tái hiện được sự thật lịch sử. Và trên tinh thần đó, không thể không dè dặt khi sử dụng bất cứ nguồn sử liệu hay tư liệu nào.

Và với phương thức làm việc đó, chúng tôi đã loại bỏ được rất nhiều sai sót không đáng có trong quá trình hiệu chỉnh. Chẳng hạn, khi chuyển dịch bài thơ Tức sự của Trần Nhân Tông, tác giả đã trích lại một bản dịch từ sách Thơ văn Lý Trần, nguyên văn như sau:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Tác giả ghi đây là bản dịch của Trần Trọng Kim, theo sách Thơ Văn Lý Trần. Và sách Thơ Văn Lý Trần lại tiếp tục ghi trích dẫn này là từ sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1920.

Tuy nhiên, cũng ngay sau đó, tác giả đã trích dẫn cũng hai câu thơ dịch này và ghi là của Lê Mạnh Thát. Và nếu là của Lê Mạnh Thát, thì như tác giả cho biết trước đó, chắc chắn đã được trích từ sách Toàn tập Trần Nhân Tông.

Trong lần rà soát thứ nhất, anh em chúng tôi đã cắt bỏ 2 câu được ghi là bản dịch của Lê Mạnh Thát. Điều này là hợp lý, vì khi hai bản dịch hoàn toàn giống hệt nhau, nó chỉ có thể thuộc về một trong hai dịch giả. Trần Trọng Kim là người đã xuất bản sách Việt Nam Sử Lược từ năm 1920, nghĩa là trước xa so với Lê Mạnh Thát, nên bản dịch này chỉ có thể được ghi cho Trần Trọng Kim.

Khi được giao đọc lại bản thảo lần cuối, bản thân tôi chợt khởi sinh nghi vấn về điều này. Cả hai nguồn trích dẫn như đã nêu trên đều đáng tin cậy, nhưng lẽ nào Giáo sư Lê Mạnh Thát lại là người “copy” bản dịch của Trần Trọng Kim? Nhưng nếu cắt bỏ bản dịch của Lê Mạnh Thát ra khỏi sách này thì cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận một sự thật khó tin như vậy. Cảm thấy không yên lòng với kết luận này, tôi đã tìm đọc lại trong cả 2 quyển sách nguồn được trích dẫn, và thấy ở cả hai nơi đều ghi đúng bản dịch này, chỉ khác ở chỗ trong Toàn tập Trần Nhân Tông là của Lê Mạnh Thát, nhưng trong Thơ Văn Lý Trần ghi rõ là của Trần Trọng Kim.

Tiếp tục quá trình kiểm chứng, tôi tìm đọc trong Việt Nam Sử Lược, bản in của Nha Học Liệu, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa (trước năm 1975).

Quả nhiên, vấn đề đã được làm sáng tỏ. Trong Việt Nam Sử Lược thật ra Trần Trọng Kim đã dịch hai câu này là:

Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông thiên cổ vững âu vàng.

Như vậy, tác giả đã không sai khi trích dẫn từ hai nguồn sách đáng tin cậy, nhưng chính các soạn giả sách Thơ văn Lý Trần đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi gán hai câu thơ dịch của Lê Mạnh Thát cho Trần Trọng Kim mặc dù có dẫn nguồn rõ rệt. Trong trường hợp này, đối với những độc giả không có điều kiện khảo chứng thì việc khởi sinh hoài nghi đối với Lê Mạnh Thát là điều tất yếu.

Mặt khác, về niên đại cũng phát sinh nhiều vấn đề cần kiểm chứng và cân nhắc giữa các nguồn tư liệu khác nhau. Chẳng hạn, khi đề cập đến thời điểm xuất gia của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, nếu căn cứ theo Toàn tập Trần Nhân Tông thì Giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng đó là tháng 7 năm 1294. Giáo sư cho biết đã căn cứ vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 2, tờ b và dẫn nguyên đoạn trích này như sau:

“Bấy giờ Thượng hoàng đến Vũ Lâm, vào chơi hang đá. Cửa núi đá hẹp. Thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, thái hậu Tuyên Từ ở đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên mũi thuyền, chỉ cho một phu chèo thuyền thôi. Đến khi xuất gia, lúc xe vua sắp ra, cho mời Văn Túc vào điện Dưỡng Đức cung Thánh Từ ngồi ăn các món hải vị.”

Tuy nhiên, Toàn tập cũng dẫn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển 8, trang 23, tờ b, nói rằng “việc xuất gia này vào tháng 6 năm Ất Mùi (1295), sau khi Thượng hoàng đã đi chinh phạt Ai Lao trở về.” Và sau khi dẫn thêm vài sự kiện mang tính so sánh, Toàn tập kết luận: “Sự kiện Thượng hoàng xuất gia tại núi Vũ Lâm, như thế, đã xảy ra vào năm 1294, như ĐVSKTT cho biết.”

Trong thực tế, Cương mục được Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn phần lớn dựa vào Toàn thư kết hợp so sánh các nguồn sử liệu khác, kể cả Nguyên sử của Trung Hoa. Do vậy, Cương mục chỉ đưa ra các thông tin khác biệt một khi có căn cứ là Toàn thư đã nhầm lẫn hoặc thiếu sót, và trong trường hợp đó các soạn giả thường ghi chú rõ lý do cũng như nguồn sử liệu khác biệt mà họ đã căn cứ để chỉnh sửa.

Trong trường hợp này, chúng tôi đã xem kỹ lại đoạn sử liệu được Toàn tập trích dẫn và nhận ra đó là một đoạn ngắn trong một phần sử liệu dài hơn, bắt đầu từ chữ thứ 3 trong dòng 3 thuộc trang 1, tờ b, và kéo dài cho đến hết trang 2, tờ b, với câu văn mở đầu là: “秋七月三日上将太師昭明大王光啓卒年五十四 - Thu, thất ngoạt, tam nhật, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Quang Khải tốt, niên ngũ thập tứ.” (Mùa thu, ngày 3 tháng 7, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Quang Khải mất, được 54 tuổi.)

Theo sau câu văn mở đầu cho đến hết phần này đều là thuật lại những chuyện liên quan đến người vừa chết, tức Trần Quang Khải, chấm dứt bằng câu: “德澤深厚與王室相為始終焉 - Đức trạch thâm hậu, dữ vương thất vi thủy chung yên.” (Phước đức ân trạch [của Quang Khải] sâu dày, cùng tông thất nhà vua gắn bó thủy chung.)

Như vậy, đoạn trích của Toàn tập là nằm trong phần văn kể chuyện, không phải nói việc đang xảy ra trong tháng 7 năm 1294. Việc xảy ra duy nhất trong tháng 7 được Toàn thư ghi chép ở đây là việc Thượng tướng Trần Quang Khải qua đời. Những người biên soạn sách Cương mục cũng hiểu như vậy nên lược bớt đi đoạn văn kể chuyện này vì cho là không quan trọng. Đây là lý do có sự khác biệt giữa hai sách Toàn thư và Cương mục. Để làm rõ hơn vấn đề, chúng ta hãy đọc tiếp một đoạn chép sự kiện tiếp theo của Toàn thư, bắt đầu từ chữ thứ 11 của dòng 7, trang 3, tờ a: “夏六月上皇回京師出家居武林行宫而復回也 - Hạ lục ngoạt, Thượng hoàng hồi kinh sư, xuất gia cư Vũ Lâm hành cung nhi phục hồi dã. (Mùa hạ, tháng 6 [năm 1295], Thượng hoàng trở về kinh đô, xuất gia ở lại nơi hành cung Vũ Lâm, nhưng rồi sau trở về.)

Như vậy, không phải chỉ riêng Cương mục chép việc Trần Nhân Tông xuất gia vào tháng 6 năm 1295 như Toàn tập nhận xét, mà cả Toàn thư cũng chép như vậy.

Ngoài ra, xét lại đoạn văn mà Toàn tập trích từ Toàn thư như trên, chúng ta thấy yếu tố kể chuyện còn bộc lộ rõ ở các địa danh được đề cập. Chẳng hạn, câu “Bấy giờ Thượng hoàng đến Vũ Lâm, vào chơi hang đá...” là kể chuyện lúc Thượng hoàng đến chơi hành cung Vũ Lâm; “Đến khi xuất gia... cho mời Văn Túc vào điện Dưỡng Đức, cung Thánh Từ ...” là kể chuyện khi Thượng hoàng xuất gia và chuyện xảy ra ở cung Thánh Từ. Hai chuyện này đều không phải xảy ra trong tháng 7 năm 1294, mà chỉ là được đề cập vì có liên quan đến Trần Quang Khải, bởi Văn Túc Vương Trần Đạo Tái là con trai của Trần Quang Khải.

Cung Thánh Từ là nơi ở của Thượng hoàng tại kinh thành, còn hành cung Vũ Lâm nằm ở tỉnh Ninh Bình. Do đó, đây rõ ràng là những chuyện xảy ra vào các thời điểm khác nhau, ở hai nơi khác nhau, chỉ cùng được đề cập ở đây vì có liên quan đến Trần Quang Khải mà thôi. Như vậy, không thể dựa vào những chữ “đến khi xuất gia” trong đoạn này để kết luận là Trần Nhân Tông đã xuất gia vào năm 1294.

Cuối cùng, để củng cố cho lập luận trên, chúng tôi đã tìm đọc trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và thấy viết như sau:

“Đến khi Nhân Tông đi đánh Lào trở về, thì bỏ đi tu, trước ở chùa Võ Lâm (làng Võ Lâm, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), sau về ở An Tử Sơn (huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên).”

Như vậy, Trần Trọng Kim cũng nhận hiểu là Trần Nhân Tông đã xuất gia sau khi “đi đánh Lào trở về”, tức là vào tháng 6 năm 1295. Chỉ không biết ông căn cứ vào đâu mà diễn dịch 4 chữ “nhi phục hồi dã” (nhưng rồi trở về) là về núi Yên Tử, trong khi theo ngữ cảnh đoạn này thì phải hiểu là về lại kinh đô.

Việc ghi chép theo cách dẫn đến dễ hiểu sai về thời gian như đoạn văn vừa rồi vẫn thường gặp trong Toàn thư. Chẳng hạn, ở quyển 5, trang 26, tờ b chép rằng: “元封帝為安南國王賜以西錦三金熟錦六 - Nguyên phong đế vi An Nam Quốc Vương, tứ dĩ tây cẩm tam, kim thục cẩm lục.” (Nhà Nguyên phong vua làm An Nam Quốc Vương, ban cho 3 tấm gấm tây, 6 tấm gấm kim thục.) Đoạn sử này đang chép việc của năm 1261, và như vậy dùng danh xưng “nhà Nguyên” không phù hợp thời gian, vì đến năm 1271, tức là 10 năm sau đó, Hốt Tất Liệt mới thành lập triều Nguyên, trước đó vẫn là triều đình Mông Cổ. Nếu căn cứ vào ghi chép này mà cho rằng triều Nguyên đã có từ năm 1261 sẽ hoàn toàn không đúng.

Đúc kết tất cả những quan sát, phân tích và so sánh như trên, chúng tôi tin rằng Trần Nhân Tông đã xuất gia vào tháng 6 năm 1295 chứ không phải tháng 7 năm 1294 như Toàn tập kết luận.

Một vấn đề quan trọng khác nữa là việc chuyển dịch các đoạn sử liệu, tư liệu hoặc kinh văn được trích dẫn trong sách này. Khi có điều kiện trích dẫn nguyên bản Hán văn, chúng tôi đều tự chuyển dịch sang Việt ngữ. Do đó, người đọc sẽ nhận ra ít nhiều khác biệt so với các bản dịch đã có.

Sở dĩ chúng tôi phải hết sức cẩn trọng trong công việc như vậy là vì luôn nghĩ đến trách nhiệm nặng nề khi thực hiện sách này. Người xưa từng nói “thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc), huống chi trong sách này tác giả đã cất công thu nhặt rất nhiều ngọc quý từ các sách khác. Do vậy, nếu chúng tôi không khéo léo và cẩn trọng trong sự bày biện, trau chuốt, ắt sẽ phụ lòng tin cậy ủy thác của tác giả cũng như có lỗi với độc giả gần xa. Tuy nhiên, mỗi một viên ngọc nơi đây vốn luôn tỏa sáng theo nhiều cách khác nhau, mà tùy theo góc nhìn của mỗi người, sự tỏa sáng đó lại còn được tiếp nhận theo một cách khác hơn nữa. Cho nên, nếu không tỉnh táo và cẩn trọng ắt không tránh khỏi bị “lóa mắt” trước những viên ngọc rực rỡ này mà không nhìn thấy được những tì vết nhỏ hay những vết bụi mờ. Đành rằng một đôi khuyết điểm nhỏ hẳn cũng không làm mất đi giá trị lớn, nhưng anh em chúng tôi vẫn luôn tâm niệm phải nỗ lực hết sức mình để lau chùi mài giũa cho từng viên ngọc, nhằm mang đến cho người đọc những giây phút sảng khoái hơn nữa khi thưởng lãm sách này.

Đó là nói sơ qua về tâm nguyện và những nỗ lực của nhóm Tứ Nguyên chúng tôi khi thực hiện sách này.

Riêng bản thân tôi, khi được ủy nhiệm viết lời bạt cuối sách này đã hết sức băn khoăn ngần ngại, bởi thú thật tôi cảm thấy có phần khó khăn khi chấp bút.

Cái khó đầu tiên là vì những tên tuổi chói sáng đã xuất hiện ngay từ đầu sách cũng như trong suốt quyển sách này. Đối với các vị, nhận thức của một kẻ hậu học tầm thường như tôi quả thật chưa đủ để nêu ra dù chỉ là những lời khen tặng một chiều, nói chi đến việc phân tích, nhận xét hay đúc kết, bởi từ rất lâu xa trước đây, các vị đã từng nhận được những lời xưng tán, ngợi khen của bao người thuộc thế hệ đi trước về rất nhiều những thành tựu khác nhau.

Từ những tháng năm tôi còn bắn bi tố vụ giữa sân trường tiểu học thì các vị như Hòa thượng Bảo Lạc, Hòa thượng Như Điển đã lên đường “phát túc siêu phương” theo chí hướng xuất trần, và những anh Nguyên Trí Phù Vân, Nguyên Tánh Nguyễn Hiền, Nguyên Đạo Văn Công Tuấn đều đã chững chạc bước vào giảng đường đại học. Hơn thế nữa, những gì mà quý thầy đã làm được trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh nơi hải ngoại thật quá lớn lao, và những bậc đàn anh tôi vừa nhắc đến đều đã đóng góp rất nhiều cho nền văn chương, học thuật cũng như đạo pháp trong những năm qua. Chẳng hạn, anh Nguyễn Hiền từng là trợ lý đắc lực của Hòa thượng Minh Châu trong công việc chuyển dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Nam truyền hồi trước năm 1975; anh Phù Vân là Chủ bút Báo Viên Giác từ năm 1995 đến nay, là tờ báo Phật giáo tiếng Việt chẳng những đã ra đời từ rất sớm ở hải ngoại mà còn là tờ báo “sống lâu” bậc nhất, đến nay đã trải qua 41 năm phụng sự đạo pháp và nhân sinh; anh Văn Công Tuấn là người “mang chuông đi đánh xứ người” hết sức thành công với tác phẩm viết chung cùng Giáo sư Tiến sĩ Olaf Beuchling - Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe (Vom Mekong an die Elbe) bằng hai ngôn ngữ Việt-Đức, hoặc những tản văn hết sức nhẹ nhàng nhưng đi vào lòng người trong các sách Cổ thụ lặng bóng soi, Chớ quên mình là nước v.v... được lưu hành từ nhiều năm qua.

Với chừng ấy các vị tiền bối là những bậc thầy, những bậc đàn anh như thế, đã chấp bút “ký tên” trong sách trước mình, ví như tôi không tự biết thân biết phận mà miễn cưỡng nói lên bất cứ lời khen tặng nào đối với các vị, e rằng cũng không tránh khỏi sự lặp lại gây nhàm chán cho người đọc.

Do vậy, tôi chỉ dám nhân cơ hội viết lời bạt này để trân trọng cảm ơn tác giả, một bậc thầy tôi hằng ngưỡng vọng, cùng các bậc đàn anh khả kính đã có sự cảm thông và không e ngại khi cho phép tôi được cùng góp sức trong việc thực hiện sách này. Riêng đối với quý độc giả gần xa, lời bạt này chỉ nhằm nêu lên một vài “góc khuất” trong quá trình thực hiện, mong quý vị hiểu thêm về tâm nguyện cũng như nỗ lực của những người thực hiện sách, để từ đó có thể tiếp nhận món quà tinh thần quý giá này với nhiều lợi lạc hơn.

Nguyện cho thế giới an lành và nhân loại sớm vượt qua dịch bệnh lần này.

Westminster, California
Tháng 6 năm 2020

Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thắp ngọn đuốc hồng


Nghệ thuật chết


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.4.127 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...