Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 2 - Phẩm THỌ MẠNG - Phẩm thứ nhất – Phần hai »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 2 - Phẩm THỌ MẠNG - Phẩm thứ nhất – Phần hai

Donate

(Lượt xem: 13.098)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 2 - Phẩm THỌ MẠNG - Phẩm thứ nhất – Phần hai

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Bấy giờ, trong chúng hội có một vị ưu-bà-tắc ở thành Câu-thi-na tên là Thuần-đà, con nhà thợ thuyền, dẫn theo 15 người cũng thuộc trong giới mình. Vì muốn cho thế gian được quả lành, ông dẹp bỏ oai nghi của thân, từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên phải, quỳ gối phải sát đất, hai tay chắp lại hướng về phía Phật, đau xót rơi lệ, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật rằng: “Nguyện đức Thế Tôn và chư tỳ-kheo rủ lòng thương xót nhận cho sự cúng dường lần cuối cùng của chúng con, để cứu độ vô số chúng sanh.

“Bạch Thế Tôn! Từ nay chúng con không còn người làm chủ, không còn người thân thích, không còn người cứu vớt, bảo hộ, không còn nơi quy hướng, bần cùng, đói khổ, muốn nương đức Như Lai cầu lấy món ăn cho thuở tương lai. Xin ngài thương xót thọ nhận lễ cúng hèn mọn của chúng con rồi hãy nhập Niết-bàn.

“Thế Tôn! Ví như có một người thuộc giai cấp sát-lỵ hoặc giai cấp bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà, vì bần cùng nên đi tới một nước khác xa xôi. Người ấy ra sức làm ruộng nương, sắm được con trâu khỏe, dễ điều khiển, được ruộng tốt, bằng phẳng, đã dọn sạch không còn những cát sỏi, chất phèn, cỏ hoang, gốc cây. Người ấy chỉ còn mong được trời mưa xuống mà thôi.

“Trâu khỏe và dễ điều khiển, ví như bảy nghiệp lành của thân và khẩu. Ruộng tốt và bằng phẳng, ví như trí tuệ. Những món cát sỏi, chất phèn, cỏ hoang, gốc cây đã bị dẹp trừ, ví như các phiền não đã trừ dứt.

“Thế Tôn! Nay thân chúng con có đủ trâu khỏe, dễ điều khiển; ruộng tốt và bằng thẳng; đã dọn sạch những món, cát sỏi, chất phèn, cỏ hoang, gốc cây. Chúng con chỉ còn mong chờ đức Như Lai ban cho cơn mưa pháp cam lộ mà thôi.

“Người bần cùng nói trên chính là thân chúng con đây, thiếu thốn món của cải là Chánh pháp vô thượng. Xin Phật thương xót, dứt trừ sự bần cùng khốn khổ ấy cho chúng con và cứu giúp vô lượng chúng sanh khổ não.

“Mặc dầu lễ cúng của chúng con hôm nay là hèn mọn, nhưng cũng mong rằng được làm no lòng Như Lai và đại chúng. Từ nay chúng con không còn người làm chủ, không còn người thân thiết, không còn nơi quy hướng. Xin Như Lai rủ lòng thương xót chúng con như La-hầu-la.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn, bậc Nhất thiết chủng trí, bậc Vô thượng Điều ngự, bảo Thuần-đà rằng: “Lành thay, lành thay! Hôm nay ta sẽ vì ông mà dứt trừ sự bần cùng. Ta sẽ đem mưa Pháp vô thượng mà rưới xuống đám ruộng tốt ở thân ông để làm cho mầm pháp mọc lên. Nay ông muốn cầu ở ta thọ mạng, sắc tướng, sức lực, an lạc, biện tài vô ngại. Ta sẽ ban cho ông được đời sống trường tồn, sắc tướng, sức lực, an lạc và tài biện thuyết vô ngại.

“Vì sao vậy? Thuần-đà! Có hai lần thí thực mà quả báo như nhau. Sao gọi là hai? Thứ nhất là, ta thọ thực rồi sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thứ hai là, ta thọ thực xong sẽ nhập Niết-bàn. Nay ta thọ nhận sự cúng dường lần cuối cùng này của ông, sẽ khiến cho ông được đầy đủ hạnh Bố thí.”

Bấy giờ, Thuần-đà liền bạch Phật rằng: “Như Phật nói rằng quả báo hai lần thí thực ấy là như nhau, nghĩa ấy chẳng đúng!

“Vì sao vậy? Người thọ thí lần trước, chưa dứt phiền não, chưa thành tựu Nhất thiết chủng trí, cũng chưa thể khiến cho chúng sanh được đầy đủ hạnh Bố thí.

“Người thọ thí lần sau, phiền não đã dứt, đã thành tựu Nhất thiết chủng trí, lại có thể khiến cho chúng sanh thảy đều được đầy đủ hạnh Bố thí.

“Người thọ thí lần trước, thật là chúng sanh. Người thọ thí lần sau, là bậc Thiên Trung Thiên.

“Người thọ thí lần trước, đó là cái thân sống nhờ ăn uống, cái thân phiền não, cái thân còn phải trở lại cõi này, cái thân vô thường. Người thọ thí lần sau, đó là thân không phiền não, thân kim cang, là Pháp thân, là thân thường còn chẳng mất, là thân không giới hạn.

“Như vậy, vì sao lại nói rằng hai lần thí thực ấy quả báo chẳng khác gì nhau?

“Người thọ thí lần trước chưa có đầy đủ từ hạnh Bố thí cho tới hạnh Trí tuệ; chỉ có nhục nhãn mà thôi, chưa được Phật nhãn, thậm chí chưa được Huệ nhãn.

“Người thọ thí lần sau, đã có đầy đủ từ hạnh Bố thí cho tới hạnh Trí tuệ, lại được đầy đủ từ Huệ nhãn cho chí Phật nhãn.

“Như vậy, vì sao nói rằng hai lần thí thực ấy quả báo chẳng khác gì nhau?

“Bạch Thế Tôn! Người thọ thí lần đầu, thọ nhận rồi thì cho vào miệng mà ăn, thức ăn vào bụng thì tiêu hóa, nhờ đó mới được thọ mạng, sắc tướng, sức lực, an lạc, biện tài vô ngại.

“Người thọ thí lần sau, chẳng ăn, chẳng tiêu, cũng chẳng nhân đó mà được năm kết quả trên.

“Như vậy, vì sao nói rằng hai lần thí thực ấy quả báo chẳng khác gì nhau?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Từ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, Như Lai không hề có cái thân nuôi sống bằng thức ăn, cái thân phiền não; không có thân phải trở lại cõi này. [Như Lai thật chỉ có] thân thường tồn, thân Pháp, thân kim cang.

“Thiện nam tử! Người chưa thấy tánh Phật nên thân ấy gọi là thân phiền não, là thân sống nhờ ăn uống, là thân phải trở lại cõi này. Bấy giờ, khi Bồ Tát [sắp thành đạo], ăn uống xong bèn nhập Tam-muội Kim cang. Thức ăn ấy tiêu hóa rồi, Bồ Tát liền thấy tánh Phật, chứng quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Vì vậy, ta nói rằng quả báo của hai lần thí ấy chẳng khác gì nhau.

“Lúc bấy giờ, Bồ Tát phá bốn thứ ma, nay vào Niết-bàn cũng phá bốn thứ ma. Vì vậy cho nên ta nói rằng quả báo của hai lần thí ấy chẳng khác gì nhau.

“Lúc bấy giờ, Bồ Tát tuy chưa thuyết rộng mười hai bộ kinh, nhưng trước đó đã thông đạt rồi; nay sắp vào Niết-bàn, sẽ rộng vì tất cả chúng sanh mà phân biệt diễn thuyết mười hai bộ kinh. Vì vậy cho nên ta nói rằng quả báo của hai lần thí ấy chẳng khác gì nhau.

“Thiện nam tử! Từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, thân Như Lai đã chẳng hề dùng các món ăn thức uống. Vì hàng Thanh văn nên mới nói rằng: Trước kia ta có thọ món cháo sữa của hai cô chăn bò là Nan-đà và Nan-đà-ba-la cúng dường, sau đó chứng quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thật ra, ta chẳng hề ăn. Hôm nay, ta lại vì đại chúng trong hội này mà thọ nhận sự cúng dường lần cuối cùng của ông, thật ra cũng chẳng hề ăn.”

Lúc ấy, đại chúng nghe đức Phật dạy rằng ngài vì khắp cả đại hội nên thọ nhận bữa cúng dường cuối cùng của Thuần-đà, đều lấy làm vui mừng, phấn chấn, cùng cất tiếng khen rằng:

“Lành thay, lành thay! Ít có ai được như ông Thuần-đà! Tên ông đặt như vậy, thật là xứng đáng. Hai chữ “thuần-đà” có nghĩa là “hiểu được nghĩa lý vi diệu”. Nay ông đã kiến lập được nghĩa lớn như vậy, cho nên y theo chỗ thật, tùy nghĩa mà đặt tên, gọi là Thuần-đà.

“Ông nay ở đời hiện tại được danh lợi lớn, đức nguyện đều đầy đủ. Lạ thay Thuần-đà! Ông sanh ra ở cõi người, lại được điều lợi ích cao quý nhất, khó được nhất!

“Lành thay Thuần-đà! Như hoa ưu-đàm ít có ở thế gian. Phật xuất hiện ở thế gian, lại càng khó gặp hơn. Gặp Phật rồi đem lòng tin và nghe Pháp, lại càng khó hơn nữa. Khi Phật sắp nhập Niết-bàn, lại được bày biện lễ vật cúng dường lần cuối cùng như thế này, việc ấy lại là khó hơn cả.

“Đáng kính thay Thuần-đà! Đáng kính thay Thuần-đà! Nay hạnh bố thí của ông đã được đầy đủ như trăng thu đêm rằm, đã trong sáng tròn đầy lại không bị mây che, mọi người đều chiêm ngưỡng. Ông cũng như thế, tất cả chúng tôi đều chiêm ngưỡng ông. Phật thọ nhận lễ cúng dường cuối cùng của ông rồi, sẽ làm cho hạnh bố thí của ông được đầy đủ. Đáng kính thay Thuần-đà! Vì vậy nên chúng tôi nói rằng ông như vầng trăng tròn đầy, mọi người đều chiêm ngưỡng. Đáng kính thay Thuần-đà. Tuy ông thọ thân người, nhưng tâm ông như tâm Phật. Thuần-đà! Hôm nay ông thật là con Phật, như La-hầu-la chẳng khác.

Lúc ấy, đại chúng liền đọc kệ rằng:

Ông tuy sanh cõi người,
Đã vượt trời Tha hóa.
Chúng tôi toàn đại chúng,
Cùng cúi đầu cầu thỉnh.
Bậc Nhân trung Tối thắng,
Nay sắp nhập Niết-bàn.
Ông nên thương chúng tôi,
Mau mau cầu thỉnh Phật:
Trụ lâu chốn thế gian,
Lợi ích vô lượng chúng.
Thuyết giảng pháp vô thượng,
Pháp bậc trí ngợi khen.
Nếu ông không thỉnh Phật,
Mạng chúng tôi chẳng còn!
Nên mong ông tức thời:
Đảnh lễ bậc Điều ngự.

Lúc ấy, Thuần-đà hết sức vui mừng phấn chấn. Ví như có một người kia, cha mẹ đã chết rồi bỗng nhiên sống lại, lấy làm vui sướng. Sự vui sướng của Thuần-đà cũng giống như vậy. Ông liền đứng dậy lễ Phật và tụng kệ rằng:

Khoái thay được lợi mình,
Khéo sanh ra làm người,
Dẹp trừ tham, sân, si,
Rời cả ba nẻo dữ!
Khoái thay được lợi mình,
Gặp được kho vàng ngọc,
Gặp được đấng Điều ngự,
Chẳng sợ đọa súc sanh!
Phật như hoa ưu-đàm,
Khó gặp; gặp khó tin.
Gặp rồi, trồng thiện căn,
Dứt tuyệt khổ ngạ quỷ.
Lại trừ được mối lo,
Sanh loài A-tu-la.
Phật muôn đời khó gặp,
Như hạt cải đầu kim.
Con được tròn hạnh thí,
Thoát sanh tử, trời người.
Phật chẳng nhiễm việc đời,
Như hoa sen ở nước.
Dứt luôn cảnh Hữu đỉnh,
Vĩnh viễn vượt sanh tử.
Sanh làm người là khó,
Gặp Phật lại càng khó,
Dường như giữa biển cả,
Rùa mù gặp bộng nổi!
Con nay hiến cơm này,
Nguyện được quả cao nhất.
Hết thảy dây phiền não,
Chặt đứt chẳng khó khăn.
Nay con ở chốn này,
Chẳng cầu thân trời, người.
Ví dầu sanh cảnh ấy,
Lòng chẳng lấy làm vui.
Phật nhận lễ con dâng,
Vui sướng không kể xiết!
Con như hoa y-lan,
Được cúng dường Như Lai,
Như tỏa hương chiên-đàn,
Nên con rất vui mừng.
Nay con được hiện báo,
Đến nơi cao đẹp nhất.
Chư thiên trời Thích, Phạm,
Sẽ đến cúng dường con.
Hết thảy khắp thế gian,
Ắt sanh khổ não lớn,
Vì biết Phật Thế Tôn,
Đang muốn nhập Niết-bàn.
Cùng lớn tiếng thưa rằng:
“Thế gian không Điều ngự!
Xin đừng bỏ chúng sanh,
Xin thương như con một.”
Như Lai giữa chúng tăng,
Diễn thuyết Pháp vô thượng,
Như núi báu Tu-di,
Vững vàng nơi biển cả.
Trí tuệ Phật khéo trừ,
Lòng tăm tối chúng con,
Ví như giữa hư không,
Vén mây, trời trong sáng.
Như Lai khéo dẹp trừ,
Hết thảy mọi phiền não,
Ví như mặt trời hiện,
Mây tan, ánh sáng chiếu.
Hết thảy mọi chúng sanh,
Nghẹn ngào, khóc sưng mặt.
Thảy bị khổ luân hồi,
Làm trôi dạt khắp nơi.
Vì vậy, nguyện Thế Tôn,
Tăng lòng tin của chúng,
Vì cứu khổ sanh tử,
Trụ lâu nơi thế gian.

Phật bảo Thuần-đà: “Đúng vậy, đúng vậy! Như ông đã nói, khó gặp Phật ra đời, cũng như hoa ưu-đàm. Gặp Phật rồi phát sanh lòng tin, lại càng khó hơn. Đến khi Phật sắp nhập Niết-bàn, được cúng dường Phật bữa cơm cuối cùng, nhân đó đầy đủ hạnh bố thí, việc ấy lại càng rất khó.

“Thuần-đà! Nay ông chớ nên sầu khổ thái quá. Nên sanh lòng phấn chấn, mừng vui vì được sự may mắn, hạnh phúc lớn, được cúng dường Như Lai lần cuối cùng, thành tựu trọn vẹn hạnh bố thí. Không nên thỉnh Phật trụ thế lâu dài. Nay ông nên quán xét các cảnh giới của Phật đều là vô thường, tánh và tướng của các hành lại cũng vô thường như vậy.”

Phật vì Thuần-đà thuyết kệ:

Hết thảy khắp thế gian,
Có sanh đều có tử.
Mạng sống dù kéo dài,
Cũng có ngày phải dứt.
Có thạnh ắt có suy,
Hợp nhau rồi phải lìa.
Tuổi thanh xuân rất ngắn,
Khỏe mạnh rồi ốm đau.
Mạng sống rồi phải hết,
Không có pháp nào thường.
Các vua được tự tại,
Thế lực chẳng ai bằng,
Hết thảy đều dời đổi,
Mạng sống cũng chẳng khác.
Vòng khổ não khôn cùng,
Lưu chuyển không ngừng nghỉ.
Ba cõi đều vô thường,
Các cảnh chẳng gì vui.
Thấy rõ tánh thật tướng:
Hết thảy đều rỗng không.
Pháp hư hoại lưu chuyển,
Thường lo âu, hoạn nạn,
Sợ hãi và tội lỗi,
Khổ già, suy, bệnh, chết.
Hết thảy đều không cùng.
Hư hoại, kẻ oán hại,
Phiền não buộc trói chặt,
Như tằm kia trong kén.
Những người có trí tuệ,
Ai ưa thích chốn này?
Thân này, muôn khổ họp,
Hết thảy đều nhớp nhơ,
Ung nhọt, trói, chèn ép,
Xét cùng, không ích lợi.
Cho đến thân chư thiên,
Cũng đều như vậy cả.
Tham dục đều vô thường,
Nên ta chẳng tham chấp.
Lìa dục, khéo suy xét,
Rõ được lý chân thật,
Đoạn dứt cả Ba cõi.
Nay Phật nhập Niết-bàn,
Sang đến tận bờ kia,
Đã vượt hết các khổ.
Nay chỉ thuần an vui,
Nhiệm mầu hơn tất cả.
Vì nhân duyên như vậy,
Vượt ngoài mọi hí luận.
Vĩnh viễn dứt trói buộc.
Nay Phật nhập Niết-bàn,
Không còn: già, bệnh, chết,
Đời sống không thể dứt.
Nay Phật nhập Niết-bàn,
Như lửa lớn vụt tắt.
Thuần-đà, ông chẳng nên,
Suy lường nghĩa Như Lai.
Nên quán tánh Như Lai,
Như núi lớn Tu-di.
Nay Phật nhập Niết-bàn,
Thọ niềm vui bậc nhất.
Chư Phật đều như vậy,
Chẳng nên than khóc nữa.

Lúc ấy, Thuần-đà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Phải vậy, phải vậy. Đúng như lời Phật dạy. Trí tuệ của con nay rất nông cạn, dường như loài muỗi mòng, làm sao bàn xét nổi ý nghĩa sâu kín Niết-bàn của Như Lai?

“Thế Tôn! Nay con được đứng cùng với các vị Đại Bồ Tát, là hàng đại long tượng trong chúng tăng, đã dứt sạch mọi phiền não, là những vị như ngài Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử đây.

“Thế Tôn! Ví như người còn trẻ, vừa mới xuất gia, tuy chưa thọ đủ giới nhưng cũng được dự vào hàng Tăng chúng. Con nay cũng vậy, nhờ sức thần của Phật và Bồ Tát mới được đứng vào hàng Đại Bồ Tát. Vì vậy mà nay con muốn thỉnh cầu Như Lai trụ lâu ở thế gian, đừng nhập Niết-bàn. Ví như người quá đói, hoàn toàn không có gì để nôn ra. Nguyện cho đức Thế Tôn cũng vậy, thường trụ thế gian, không [xả bỏ mà] nhập Niết-bàn.”

Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương tử bảo Thuần-đà rằng: “Thuần-đà! Nay ông chẳng nên nói ra lời như thế, muốn cho đức Như Lai thường trụ ở thế gian không nhập Niết-bàn, giống như người đói không có gì để nôn ra. Nay ông nên quán tánh và tướng của các hành. Quán các hành như vậy sẽ được đầy đủ phép Tam-muội Không. Muốn cầu Chánh pháp, phải học như thế.”

Thuần-đà hỏi: “Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Như Lai là bậc cao quý hơn hết trong khắp cõi trời người. Bậc Như Lai như thế, há có thể là các hành hay sao? Nếu là các hành, tức là pháp sanh diệt. Ví như bọt nước hiện đó, tan đó, những sự đến đi, dời chuyển, khác nào như bánh xe quay. Tất cả các hành lại cũng như vậy. Con nghe nói rằng đời sống của chư thiên rất lâu dài. Tại sao đời sống của đức Thế Tôn, vị cao quý nhất trong chư thiên lại ngắn ngủi chẳng đầy trăm năm?

“Ví như người đứng đầu một thành ấp, do thế lực nên muốn làm gì tùy ý. Người ấy nhờ thế lực mà có thể chế ngự người khác. Về sau, đến khi hết phước người ấy thành kẻ nghèo hèn, bị người khinh miệt và bị kẻ khác sai khiến. Vì sao vậy? Vì đã mất hết thế lực. Đức Thế Tôn cũng vậy, như ngài nói là [Như Lai] đồng với các hành, tức chẳng thể xưng là bậc cao quý nhất trong chư thiên. Vì sao vậy? Các hành là pháp sanh tử. Thưa ngài Văn-thù! Vì vậy không nên quán xét đức Như Lai đồng với các hành.

“Lại nữa, thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ngài bảo rằng Như Lai đồng với các hành, đó là rõ biết mà nói hay không rõ biết mà nói? Nếu Như Lai đồng với các hành, tất không thể nói là bậc Tự tại Pháp vương cao quý nhất trong chư thiên, trong Ba cõi.

“Ví như một vị vua kia có một người đại lực sĩ, sức địch với ngàn người, rốt cùng chẳng ai có thể thắng được người ấy. Vì vậy nên xưng lực sĩ ấy là người địch nổi ngàn người. Người lực sĩ như thế được vua yêu mến, tự nhiên ban cho tước lộc, phong thưởng. Vì vậy được xưng là địch nổi ngàn người. [Thật ra] sức của người lực sĩ ấy chưa chắc địch nổi [sức của] ngàn người, chỉ vì biết dùng đủ các kỹ thuật, thế võ hay nên thắng được ngàn người. Vì vậy được xưng là địch nổi ngàn người.

Như Lai cũng thế, hàng phục được ma phiền não, ma ấm, ma trời và ma chết, cho nên Như Lai mới được xưng là bậc đáng tôn kính nhất trong Ba cõi, như người lực sĩ kia, một người địch nổi ngàn người. Vì nhân duyên ấy, ngài thành tựu đầy đủ vô lượng công đức chân thật, cho nên được xưng là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri.

“Văn-thù-sư-lợi! Nay ngài không nên nghĩ tưởng phân biệt, cho rằng pháp Như Lai đồng với các hành.

“Ví như người trưởng giả rất giàu có, sanh ra đứa con. Thầy tướng đến xem trẻ ấy, nói rằng nó có tướng chết yểu. Cha mẹ nghe vậy, biết rằng nó không thể đảm nhiệm việc nối dõi tông môn, cho nên chẳng yêu trọng, coi như rơm cỏ. Nếu là kẻ yểu mạng thì chẳng được các vị sa-môn, bà-la-môn, hết thảy mọi người kính trọng. Nếu cho rằng Như Lai đồng với các hành thì tất cả chúng sanh trong thế gian, khắp cõi trời người đều chẳng phụng kính Ngài. Và pháp chân thật chẳng biến đổi mà Như Lai thuyết ra cũng chẳng ai thọ trì.

“Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Bởi vậy, không nên nói rằng Như Lai đồng với tất cả các hành.

“Lại nữa, thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ví như một cô gái nghèo kia, không có nhà cửa, không ai cứu giúp, lại thêm bị bức bách vì bệnh khổ, đói khát. Cô lang thang khắp nơi xin ăn, dừng chân tại một quán trọ, ngụ ở đó và sanh được một đứa con. Chủ quán trọ bèn đuổi cô đi. Vừa sanh con chưa được bao lâu, cô phải ôm con, muốn đi sang nước khác. Trong khi đi đường, cô gặp phải gió mưa dữ dội, chịu lạnh, chịu khổ, lại bị nhiều muỗi mòng, ong độc, trùng độc cắn chích... Khi qua sông Hằng, cô vừa lội vừa ôm con. Sức nước chảy mạnh cuốn trôi, nhưng cô cũng chẳng bỏ con. Thế rồi mẹ con đều chết chìm. Cô gái ấy, nhờ công đức của niệm lành [hết lòng thương con] nên sau khi mạng chung được sanh lên cõi Phạm thiên.

“Văn-thù-sư-lợi! Nếu có vị thiện nam nào muốn ủng hộ Chánh pháp, chẳng nên nói rằng Như Lai đồng với các hành hoặc chẳng đồng với các hành. Chỉ nên tự trách rằng: Hiện nay mình ngu si, chẳng có con mắt trí tuệ. Chánh pháp của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, vì vậy chẳng nên tuyên thuyết rằng Như Lai nhất định là hữu vi hoặc nhất định là vô vi.

Như người có chánh kiến nên nói rằng Như Lai nhất định là vô vi. Vì sao vậy? Ngài vì chúng sanh, sanh ra các pháp lành, sanh lòng thương xót. Cũng như cô gái nghèo kia, ở dưới sông Hằng, vì lòng thương con nên liều bỏ cả thân mạng mình.

“Thiện nam tử! Bậc Bồ Tát hộ pháp cũng nên làm như vậy. Thà bỏ thân mạng mình, chứ đừng nói rằng Như Lai đồng với hữu vi. Nên nói rằng Như Lai đồng với vô vi. Nhờ nói rằng Như Lai đồng với vô vi nên đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng như cô gái kia được sanh lên cõi Phạm thiên. Vì sao vậy? Vì là hộ trì Chánh pháp. Thế nào là hộ trì Chánh pháp? Là nói rằng: Như Lai đồng với vô vi.

“Thiện nam tử! Người như vậy dù chẳng cầu giải thoát cũng tự nhiên được giải thoát. Như cô gái nghèo kia chẳng cầu mà tự nhiên cũng được lên cõi Phạm thiên.

“Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ví như có người đi xa, giữa đường mỏi mệt, bèn vào nghỉ nhờ nơi nhà người khác. Đang khi ngủ, nhà ấy bỗng nhiên phát hỏa dữ dội. Người ấy bừng tỉnh lấy làm kinh sợ, nghĩ rằng: Hôm nay chắc chắn mình phải chết. Người ấy vì lòng hổ thẹn nên mặc quần áo che kín thân [trước lúc chết]. Sau đó mạng chung liền sanh lên cõi trời Đao-lợi. Từ đó về sau, sau 80 lần tái sanh liền được sanh làm vua trời Đại phạm. Trải qua trăm ngàn đời lại được sanh làm Chuyển luân vương trong loài người, không hề sanh trở lại trong ba đường dữ, cứ thường xoay chuyển sanh về những nơi an lạc. Văn-thù-sư-lợi! Vì lẽ ấy nên những vị thiện nam có lòng hổ thẹn, chẳng nên quán xét rằng Như Lai đồng với các hành.

“Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Những kẻ ngoại đạo tà kiến có thể nói rằng Như Lai đồng với hữu vi, còn những tỳ-kheo trì giới không nên nói như vậy. Chẳng nên ở chỗ Như Lai, phát sanh tư tưởng hữu vi. Như nói rằng: ‘Như Lai là hữu vi’, đó tức là nói điều sai trái. Nên biết rằng kẻ ấy khi chết sẽ vào địa ngục, xem địa ngục như nhà ở của mình.

“Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Đức Như Lai chân thật là pháp vô vi, chẳng nên nói đó là pháp hữu vi. Từ nay về sau, trong cõi sanh tử, ngài nên bỏ sự vô trí, cầu lấy chánh trí, nên biết rằng Như Lai tức là vô vi. Như ai thường quán xét Như Lai như vậy, ắt sẽ được đầy đủ 32 tướng tốt, nhanh chóng thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Lúc ấy, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi ngợi khen Thuần-đà: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông đã tạo được nhân duyên trường thọ, có thể biết được rằng Như Lai là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi, là pháp vô vi. Như vậy, nay ông đã khéo che khuất tướng hữu vi của Như Lai. Ví như người bị nạn lửa kia, vì lòng hổ thẹn nên lấy áo che thân [trước khi chết]. Nhờ lòng lành ấy được sanh lên cõi trời Đao-lợi, rồi sanh làm Phạm vương, Chuyển luân Thánh vương, chẳng đọa các đường dữ, thường được an lạc. Nay ông cũng vậy, khéo che khuất tướng hữu vi của Như Lai. Trong đời vị lai, ông chắc chắn sẽ được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười tám pháp không cùng chung với hai thừa, đời sống dài vô hạn, chẳng ở nơi sanh tử, thường thọ hưởng an lạc, chẳng bao lâu nữa, ông sẽ thành bậc Ứng cúng, Chánh biến tri.

“Thuần-đà! Để sau rồi Như Lai sẽ tự ngài thuyết rộng. Nay ông với tôi, chúng ta đều nên che khuất tướng hữu vi của Như Lai. Thôi hãy gác chuyện hữu vi, vô vi lại, nay ông hãy tùy thời, mau cúng dường cơm nước. Bữa cúng dường hôm nay, công đức cao trổi nhất. Như có những tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, từ xa đến đây cực nhọc, ông nên đem những món thanh tịnh mà cung cấp cho phải lúc. Hãy mau cúng dường như vậy đi, rồi ông sẽ được đầy đủ hạnh bố thí, là hạt giống căn bản.

“Thuần-đà! Nếu cúng dường Phật cùng chư tăng lần cuối, dù nhiều dù ít, dù đủ hay chẳng đủ, phải mau mau cho kịp giờ, chính là lúc Như Lai sắp nhập Niết-bàn.”

Thuần-đà đáp: “Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Sao nay ngài lại tham vì bữa ăn này mà nói rằng dù nhiều dù ít, dù đủ hay chẳng đủ, giục con phải cúng dường ngay bây giờ?

“Văn-thù-sư-lợi! Ngày xưa, sáu năm khổ hạnh Như Lai còn chịu đựng nổi, huống chi ngày nay chỉ chờ trong khoảnh khắc?

“Văn-thù-sư-lợi! Nay ngài thật cho rằng đức Như Lai Chánh giác có thọ dụng bữa cơm này hay sao? Nhưng con biết chắc rằng thân Như Lai là thân Pháp, chẳng phải là thân sống nhờ ăn uống.”

Lúc ấy, Phật bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời Thuần-đà. Lành thay, Thuần-đà! Ông đã thành tựu đại trí vi diệu, khéo thâm nhập kinh điển Đại thừa rất sâu xa.”

Văn-thù-sư-lợi bảo Thuần-đà: “Ông nói rằng Như Lai là vô vi, thân Như Lai tức là trường thọ. Nếu ông rõ biết được vậy, chính là chỗ Phật rất hài lòng.”

Thuần-đà đáp: “Chẳng những Như Lai hài lòng với riêng con, ngài cũng hài lòng với tất cả chúng sanh.”

Văn-thù-sư-lợi nói: “Vậy đối với ông cũng như tôi và tất cả chúng sanh, Như Lai đều hài lòng.”

Thuần-đà đáp: “Xin ngài chớ nên nói rằng ‘Như Lai hài lòng’. Sự hài lòng chính là tư tưởng điên đảo. Nếu có tư tưởng điên đảo tức là có sanh tử. Có sanh tử tức là pháp hữu vi. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Vì vậy không nên nói rằng Như Lai là hữu vi. Nếu nói Như Lai là hữu vi thì cả con và ngài đều thực hành theo pháp điên đảo!

“Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Như Lai không hề có tư tưởng ái luyến. Sự ái luyến cũng giống như con bò mẹ nhớ nghĩ ái luyến với con bò con. Trong khi đói khát đi tìm nước uống và cỏ ăn, nhưng dù đủ hay chưa đủ, bỗng nhớ tới con liền chạy về. Chư Phật Thế Tôn không hề có sự nhớ nghĩ ái luyến như vậy, luôn xem tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau, cũng như La-hầu-la là con một của ngài. Niệm tưởng [từ bi bình đẳng] như vậy chính là cảnh giới trí tuệ của chư Phật.

“Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ví như một vị vua, được người đánh xe đưa đi bằng xe bốn ngựa. Như muốn dùng xe lừa để chạy theo cho kịp, thật không thể được. Nay ngài với con cũng vậy. Như muốn thấu hết lẽ sâu kín và ẩn mật của Như Lai, thật không thể được!

“Văn-thù-sư-lợi! Ví như loài chim cánh vàng bay lên hư không, cao đến vô số do-tuần, nhìn xuống biển cả thấy rõ những loài sống dưới nước như cá, ba ba, trạnh, đà, rùa, rồng..., lại cũng thấy cả hình chiếu của mình, như người ta nhìn vào tấm gương sáng mà thấy được các màu sắc, hình ảnh. Kẻ phàm phu trí tuệ nhỏ hẹp không thể đo lường chỗ thấy như thế. Ngài và tôi cũng vậy, chúng ta không thể đo lường trí tuệ Như Lai.”

Văn-thù-sư-lợi nói với Thuần-đà rằng: “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Chẳng phải ta không thấu đạt việc ấy, nhưng vì ta muốn đem việc của hàng Bồ Tát mà thử ông đó thôi.”

Lúc ấy, từ nơi khoảng giữa hai lông mày, Thế Tôn phóng ra đủ mọi loại hào quang. Những hào quang ấy sáng rực, chiếu lên thân ngài Văn-thù. Thấy hào quang rồi, ngài Văn-thù-sư-lợi biết rõ duyên cớ việc ấy liền bảo Thuần-đà: “Nay Như Lai hiện ra tướng lành này tức là còn chẳng bao lâu sẽ nhập Niết-bàn. Vậy trước hết, ông hãy chuẩn bị lễ cúng dường lần cuối cùng đi, để kịp giờ phụng hiến Phật và đại chúng.

“Thuần-đà! Ông nên biết rằng Như Lai phóng ra đủ mọi loại hào quang, chẳng phải là không có duyên cớ.”

Thuần-đà nghe xong, lặng thinh chẳng tỏ ý gì cả.

Phật dạy Thuần-đà rằng: “Việc ông cúng dường Phật và đại chúng, nay đã đúng lúc rồi. Ngay bây giờ đây, Như Lai sắp nhập Niết-bàn.”

Phật lại dạy như vậy lần thứ hai, rồi lần thứ ba.

Lúc ấy, nghe Phật dạy như vậy rồi, Thuần-đà cất tiếng kêu khóc nghẹn ngào rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế gian sắp trống rỗng!”

Rồi ông bạch với đại chúng: “Tất cả chúng ta hôm nay hãy gieo mình phủ phục xuống đất, đồng thanh khuyến thỉnh đức Phật đừng nhập Niết-bàn.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Thuần-đà [và đại chúng: “Các ông] chớ nên kêu khóc lớn tiếng chỉ khiến lòng buồn khổ yếu ớt. [Các ông] nên quán thân này [không rắn chắc], chỉ như thân cây chuối; [không thật có], chỉ như [ảo ảnh] khi trời nắng nóng, [không bền lâu], chỉ như bọt nước hiện; lại chỉ như trò ảo thuật, như thành càn-thát-bà, như món đồ gốm chưa nung, như lằn điện chớp, như hình vẽ lên mặt nước, như kẻ tử tù sắp chết, như trái cây chín muồi [sắp rụng], như miếng thịt cắt ra [sắp hư thối], như sợi chỉ dệt đã đến cuối khổ vải [không còn kéo dài được nữa]; [không có bản ngã,] chỉ như cái chày giở lên, giã xuống.

“[Các ông] nên quán các hành như thức ăn có độc [và quán] các pháp hữu vi đều có nhiều lỗi lầm, tai hại.”

Liền đó, Thuần-đà lại bạch Phật: “Như Lai không muốn trụ lâu ở thế gian, con làm sao có thể không than khóc? Khổ thay! Khổ thay! Thế gian sắp trống rỗng! Nguyện đức Thế Tôn vì lòng thương xót chúng con và hết thảy chúng sanh nên trụ lâu ở thế gian, đừng nhập Niết-bàn.”

Phật dạy Thuần-đà: “Nay ông không nên nói rằng: ‘Vì lòng thương xót chúng con nên trụ lâu ở thế.’ Ta chính vì thương xót ông và tất cả chúng sanh nên nay mới nhập Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì pháp của chư Phật là như thế; các pháp hữu vi cũng vậy. Vì thế chư Phật từng thuyết kệ rằng:

Các pháp hữu vi,
Vốn tánh vô thường,
Sanh rồi chẳng trụ.
Tịch diệt là vui.

“Thuần-đà! Ông nên quán xét rằng: Tất cả các hành cùng với các pháp đều là vô ngã, vô thường, chẳng trụ. Thân này thường có vô số lỗi lầm tai hại, mong manh như bọt nước. Vì vậy, nay ông chẳng nên than khóc.”

Lúc ấy, Thuần-đà bạch Phật: “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời Phật dạy. Tuy biết rằng Như Lai phương tiện thị hiện Niết-bàn, nhưng con chẳng thể ngăn lòng sầu não. Nay con suy xét kỹ, lại sanh lòng vui mừng.”

Phật khen Thuần-đà: “Lành thay, lành thay! Ông đã biết được Như Lai thị hiện [hình tướng] giống như chúng sanh, phương tiện nhập Niết-bàn.

“Thuần-đà! Ông hãy nghe đây. Như chim ta-la-ta, trong mấy tháng mùa xuân đều tụ họp tại ao A-nậu-đạt. Chư Phật cũng thế, đều đến chỗ [Niết-bàn] này.

“Thuần-đà! Nay ông không nên nghĩ rằng đời sống chư Phật là dài lâu hay ngắn ngủi. Tất cả các pháp đều như tướng ảo hóa. Khi ở trong [sự ảo hóa] đó, Như Lai dùng sức phương tiện nên không bị vướng nhiễm. Vì sao vậy? Vì Pháp của chư Phật là như thế.

“Thuần-đà! Nay ta thọ nhận sự dâng hiến cúng dường của ông là muốn giúp ông vượt thoát mọi cảnh giới hiện hữu, ra khỏi dòng sanh tử. Trong hàng trời, người, những ai có mặt tại lần cúng dường cuối cùng này đều sẽ được quả báo không lay chuyển, thường hưởng sự an vui. Vì sao vậy? Vì Như Lai là ruộng phước của chúng sanh. Nếu ông cũng muốn vì chúng sanh mà làm ruộng phước thì hãy mau chuẩn bị các thức cúng dường, đừng chần chờ nữa.”

Lúc ấy, Thuần-đà vì [nghĩ đến] sự độ thoát cho các chúng sanh nên cúi đầu gạt lệ bạch Phật: “Lành thay, bạch Thế Tôn! Như con có thể trở thành ruộng phước của chúng sanh, ắt con có thể biết được Như Lai có vào Niết-bàn hay không vào Niết-bàn. Hiện nay, chúng con và hàng Thanh văn, Duyên giác đều chỉ có trí tuệ nhỏ nhoi như loài muỗi, loài kiến... thật chẳng thể lượng xét nổi Như Lai có vào Niết-bàn hay không vào Niết-bàn.”

Lúc ấy, Thuần-đà cùng với quyến thuộc của ông, thảy đều ưu sầu, khóc lóc, đi quanh Như Lai, đốt hương, rảy hoa, hết lòng kính phụng; rồi cùng với Bồ Tát Văn-thù từ tòa ngồi đứng dậy, đi lo chuẩn bị các thức cúng dường.

Các vị đi chưa bao lâu thì mặt đất nơi ấy bỗng xảy ra sáu cách chấn động. Lên đến cõi Phạm thiên cũng chấn động như vậy.

Nói về mặt đất chấn động, có hai trường hợp. Một là địa động, hai là đại địa động. Chấn động nhỏ gọi là địa động, chấn động lớn gọi là đại địa động. Chấn động phát ra tiếng nhỏ gọi là địa động, chấn động phát ra tiếng lớn gọi là đại địa động. Chỉ có đất động mà thôi gọi là địa động. Núi, sông, cây cối, nước ở biển cả, tất cả đều động, gọi là đại địa động. Chấn động một hướng gọi là địa động, chấn động xoay quanh và lần ra khắp các nơi đều động gọi là đại địa động. Chỉ chấn động mặt đất gọi là địa động, cơn chấn động làm cho trong lòng chúng sanh đều xúc động gọi là đại địa động.

Lúc ban sơ, Bồ Tát từ cung trời Đâu-suất xuống cõi Diêm-phù-đề [xảy ra chấn động lớn] gọi là đại địa động. Khi đản sanh, lúc xuất gia, khi thành Phật, lúc chuyển pháp luân và khi nhập Niết-bàn [đều có chấn động lớn], gọi là đại địa động. Hôm nay Như Lai sắp nhập Niết-bàn, cho nên ở cõi đất này có sự chấn động lớn như vậy.

Khi ấy, các hàng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, loài người và loài phi nhân nghe biết việc ấy rồi đều thấy rùng mình rởn ốc, cùng khóc kể bi ai và đọc kệ rằng:

Cúi lạy bậc Điều ngự!
Nay chúng con khuyến thỉnh.
Rời xa đấng Pháp vương,
Chẳng còn ai cứu hộ.
Nay thấy Phật Niết-bàn,
Chúng con chìm biển khổ,
Buồn lo và đau đớn,
Như bò con mất mẹ.
Bần cùng, không ai cứu,
Như người bệnh khốn nguy,
Không thầy thuốc chỉ dẫn,
Ăn đồ chẳng nên ăn.
Bệnh phiền não chúng sanh,
Thường bị tà kiến hại,
Rời xa đấng Y vương,
Dùng ngay loại thuốc độc.
Vì vậy Phật Thế Tôn,
Chẳng nên bỏ chúng con.
Như nước không vua trị,
Nhân dân đều nghèo đói.
Chúng con mất phúc lành,
Mất vị pháp, cũng vậy.
Nay nghe Phật Niết-bàn,
Chúng con lòng rối loạn.
Như đất đai chấn động,
Làm tán loạn các phương.
Như Lai nhập Niết-bàn,
Mặt trời Phật sa xuống,
Nước Pháp ắt cạn khô,
Chúng con chắc sẽ chết.
Như Lai nhập Niết-bàn,
Chúng sanh rất khổ não.
Như con vị trưởng giả,
Mới mất mẹ và cha.
Như Lai nhập Niết-bàn,
Như cha mẹ chẳng về.
Chúng con và chúng sanh,
Đều không người cứu hộ.
Như Lai nhập Niết-bàn,
Cho đến loài súc sanh,
Hết thảy đều sầu khổ,
Khổ não đốt tâm can.
Chúng con hôm nay đây,
Làm sao không sầu não?
Như Lai xả bỏ hết,
Như khạc bỏ đàm dãi.
Như mặt trời mới mọc,
Ánh sáng rất huy hoàng,
Tự chiếu sáng trên không,
Lại trừ hết tăm tối.
Hào quang thần thông Phật,
Trừ được khổ chúng con.
Phật ở trong đại chúng,
Như núi lớn Tu-di.

“Thế Tôn! Ví như có vị quốc vương sanh được nhiều con, thảy đều có tướng mạo đoan chánh. Vua thường thương yêu con, trước dạy các nghề tinh xảo cho được thông thạo, rồi sau lại giao cho bọn đao phủ giết đi.

“Bạch Thế Tôn! Nay chúng con là con của đấng Pháp vương, nhờ ơn Phật dạy dỗ, đã có đủ Chánh kiến, xin Phật đừng bỏ chúng con. Nếu ngài buông bỏ, thì chúng con có khác nào những đứa con [bị đưa đi giết bỏ] của vị vua kia! Nguyện Phật trụ thế lâu dài, đừng vào Niết-bàn.

“Thế Tôn! Ví như có người học thông thạo các bộ luận, nhưng đối với các bộ luận ấy lại sanh tâm sợ sệt, [thật không có lý]. Như Lai cũng thế, ngài đã thông đạt các pháp [có lẽ nào] đối với các pháp lại sanh tâm sợ sệt? Nếu đức Như Lai trụ thế dài lâu, thuyết dạy Chánh pháp cam lộ khiến cho ai nấy đều được đầy đủ thì chúng sanh chẳng còn phải lo sợ đọa vào địa ngục.

“Bạch Thế Tôn! Ví như có người mới tập sự [do sai sót nên] bị quan bắt giam vào ngục. Có người hỏi: “Ông thấy thế nào?” Đáp rằng: “Nay tôi thấy hết sức lo lắng khổ sở.” Nếu người ấy được ra [khỏi cảnh giam cầm] ắt sẽ rất an vui. Như Lai cũng thế, ngài vì chúng con tu hành mọi hạnh khổ, nay chúng con chưa được ra khỏi khổ não sanh tử, làm sao Như Lai có thể được hưởng an vui?

“Thế Tôn! Ví như người thầy thuốc rất giỏi, thông thạo các phương thuốc, chỉ truyền riêng những phương thuốc bí truyền cho con mà thôi, không truyền cho những người ngoài đến học. Như Lai cũng thế, ngài chỉ đem giáo pháp uyên áo sâu kín nhất dạy riêng cho ngài Văn-thù, đành bỏ rơi không đoái hoài thương xót đến tất cả chúng con.

“Như Lai đối với Chánh pháp lẽ ra không có lòng tham tiếc che giấu như người thầy thuốc kia, chỉ dạy riêng con mình, chẳng dạy cho người ngoài đến học. Sở dĩ thầy thuốc kia không thể truyền rộng nghề thuốc cho đời là vì còn có lòng so đo hơn kém, nên mới tham tiếc che giấu. Trong lòng Như Lai không hề có sự so đo hơn kém, vì sao không dạy dỗ chúng con? Nguyện Như Lai trụ thế dài lâu [giáo hóa chúng con], đừng nhập Niết-bàn.

“Bạch Thế Tôn! Ví như có những người già, trẻ con, người bệnh cùng rời khỏi con đường bằng phẳng thẳng tắp để đi theo con đường hiểm trở. Đường ấy thật gian nan khó đi, họ phải chịu nhiều khổ não. Có một người lạ thấy vậy thương xót, liền chỉ cho con đường thẳng bằng phẳng.

“Thế Tôn! Chúng con cũng giống như những người ấy. Người trẻ ví như chưa tăng trưởng pháp thân, người già ví như phiền não nặng nề, người bệnh ví như chưa thoát khỏi sanh tử, đường hiểm trở ví như 25 cảnh giới hiện hữu trong Ba cõi. Nguyện đức Như Lai chỉ cho chúng con đường Chánh đạo cam lộ. Xin Như Lai trụ thế dài lâu, đừng nhập Niết-bàn.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo chư tỳ-kheo: “Tỳ-kheo các ông chớ sầu than khóc lóc như hạng phàm phu trong cõi trời, người. Phải chuyên cần tinh tấn, giữ tâm chánh niệm.”

Lúc ấy, nghe lời Phật khuyên dạy, các hàng trời, người, a-tu-la đều ngưng khóc kể, giống như người chôn cất đứa con yêu, việc mai táng đã xong liền thôi khóc kể.

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vì đại chúng mà thuyết kệ rằng:

Các ông phải hiểu ra,
Chớ nên sầu khổ lắm.
Pháp chư Phật đều thế,
Nên chấp nhận an nhiên.
Vui hạnh không biếng nhác,
Giữ tâm thường chánh niệm.
Lìa xa điều phi pháp,
Tâm an, lòng được vui.

“Lại nữa, chư tỳ-kheo! Như có điều chi nghi hoặc, nay nên thưa hỏi. Chẳng hạn như hỏi về những lẽ không và chẳng không; thường và vô thường; khổ và không khổ; y theo và chẳng y theo; đi và chẳng đi; về và chẳng về; thường hằng và không thường hằng; đoạn diệt và không đoạn diệt; chúng sanh và chẳng phải chúng sanh; có và không; thật và chẳng thật; chân thật và không chân thật; diệt và chẳng diệt; bí mật và chẳng bí mật; phân hai và chẳng phân hai...

“Trong tất cả các pháp như vậy, ai còn có chỗ nghi, hôm nay nên thưa hỏi. Ta sẽ tùy thuận dứt nghi cho, lại cũng vì các ông mà giảng thuyết Chánh pháp cam lộ, rồi sau đó mới nhập Niết-bàn.

“Này chư tỳ-kheo! Phật ra đời hiếm có, thân người là khó được. Được gặp Phật, tin Phật lại càng rất khó. Có thể nhẫn chịu được điều khó nhẫn, lại cũng rất khó. Thành tựu giới cấm, chẳng có chi lầm lỗi, đắc quả A-la-hán, việc ấy cũng rất khó, như tìm vàng trong cát hay cầu được hoa ưu-đàm. Này chư tỳ-kheo! Lìa khỏi tám nạn và được thân người là khó lắm. Các ông nay được gặp Phật, đừng để luống qua!

“Từ thuở xa xưa Phật đã tu biết bao hạnh khổ, nay mới được phép phương tiện cao trổi nhất như thế này. Vì các ông mà trong vô lượng kiếp xưa ta đã từng xả bỏ thân thể, tay chân, đầu mắt, tủy não... Vậy các ông chớ nên lơ là, biếng nhác.

“Này chư tỳ-kheo! Thế nào gọi là trang nghiêm thành báu Chánh pháp? Đầy đủ hết thảy mọi công đức, đó là trân bảo. Giới, định, huệ, đó là những tường cao, hào sâu. Nay các ông gặp được thành quách quý báu là Phật pháp, chẳng nên nhận lấy những vật hư giả. Ví như người chủ đoàn buôn kia, gặp được cảnh thành đầy trân bảo, lại nhặt lấy những gạch ngói để mang về nhà! Các ông cũng thế, đã gặp được cảnh thành quý báu, lại nhặt lấy những vật hư giả!

“Này chư tỳ-kheo! Đừng lấy tâm nhỏ nhoi mà tự cho là đầy đủ. Các ông nay tuy đã được xuất gia, nhưng chẳng có lòng hâm mộ đối với Đại thừa! Này chư tỳ-kheo! Các ông thân dù được mặc áo cà-sa nhuộm màu, nhưng tâm còn chưa được nhuộm pháp Đại thừa trong sạch. Các ông tuy thực hành pháp khất thực, xin ăn trải qua nhiều xứ, nhưng chưa từng xin món ăn Chánh pháp Đại thừa. Các ông tuy cạo bỏ râu tóc, nhưng chưa vì Chánh pháp mà trừ bỏ mọi sự trói buộc và sai khiến.

“Này chư tỳ-kheo! Hôm nay ta sẽ đem pháp chân thật mà dạy các ông. Hiện tại Như Lai đang ở giữa đại chúng hòa hợp này. Pháp tánh của Như Lai là chân thật, không điên đảo. Vì vậy, các ông nên tinh tấn, duy trì tâm dũng mãnh phá trừ, dứt sạch mọi sự trói buộc và sai khiến. Nếu đợi khi mặt trời trí tuệ có đủ mười sức đã lặn khuất, các ông sẽ bị vô minh che lấp.

“Này chư tỳ-kheo! Ví như các loại cỏ thuốc trên khắp mặt đất, núi non đều là để cho chúng sanh dùng. Pháp Phật cũng thế, sanh ra vị pháp cam lộ linh diệu, là liều thuốc hay để trị mọi thứ bệnh phiền não cho chúng sanh. Nay ta sẽ làm cho tất cả chúng sanh và Bốn chúng đệ tử của ta đều trụ yên trong tạng bí mật. Ta cũng sẽ trụ yên trong đó mà vào Niết-bàn.

“Sao gọi là tạng bí mật? Ví như chữ Y (乊), nếu viết ba chấm theo hàng ngang hay theo hàng dọc thì đều chẳng thành chữ Y. Phải như ba con mắt nơi gương mặt của thần Ma-hê-thủ-la mới thành hình dạng chữ Y. Nếu tách riêng biệt ba chấm cũng chẳng thành chữ Y.

“Như Lai cũng thế. Pháp giải thoát chẳng phải Niết-bàn. Thân Như Lai cũng chẳng phải Niết-bàn. Đại trí tuệ Bát-nhã cũng chẳng phải Niết-bàn. Ba pháp ấy riêng biệt cũng chẳng phải Niết-bàn. Nay ta vì chúng sanh, trụ yên [đầy đủ] trong ba pháp ấy, gọi là nhập Niết-bàn, cũng như [hình dạng] chữ Y của thế gian.”

Lúc ấy, chư tỳ-kheo nghe Phật quyết định nhập Niết-bàn, thảy đều ưu sầu, rùng mình rởn ốc, nước mắt đượm tròng, cúi đầu lạy sát chân Phật, đi quanh Phật vô số vòng cung kính, rồi bạch Phật rằng:

“Thế Tôn thuyết dạy [cho chúng con] những lý vô thường, khổ, không, vô ngã thật đáng mừng thay!

“Bạch Thế Tôn! Ví như trong dấu chân của muôn loài thì dấu chân voi là to nhất. Phép quán tưởng vô thường cũng thế, là bậc nhất trong các phép quán tưởng. Như ai tinh cần tu tập phép quán tưởng ấy, có thể trừ diệt tất cả tâm tham dục và ái luyến trong Dục giới, tâm ái luyến trong cõi Sắc giới và Vô sắc giới, cũng như trừ được vô minh, kiêu mạn cùng với những tư tưởng vô thường.

“Bạch Thế Tôn! Nếu đức Như Lai lìa bỏ những tư tưởng vô thường thì hôm nay chẳng nên nhập Niết-bàn. Nếu chẳng lìa bỏ những tư tưởng vô thường, sao lại dạy rằng: tu phép quán tưởng vô thường sẽ trừ dứt được sự ái luyến trong Ba cõi, trừ được vô minh, kiêu mạn và những tư tưởng vô thường?

“Bạch Thế Tôn! Ví như người làm ruộng kia, trong mùa thu có cày sâu đất ruộng mới trừ được cỏ dại. Phép quán tưởng vô thường này cũng vậy, trừ được tất cả tâm tham dục và ái luyến trong Dục giới, tâm ái luyến trong cõi Sắc giới và Vô sắc giới, cũng như trừ được vô minh, kiêu mạn cùng với những tư tưởng vô thường.

“Thế Tôn! Ví như việc cày ruộng vào mùa thu là tốt nhất, trong các dấu chân thì dấu chân voi là lớn nhất, trong các phép quán tưởng thì phép quán tưởng vô thường là bậc nhất.

“Bạch Thế Tôn! Ví như vị đế vương kia, biết mình sắp mạng chung bèn đại xá cho khắp thiên hạ, thả hết những kẻ bị giam cầm trong tù ngục, rồi sau đó mới băng hà. Hiện nay, Như Lai cũng nên như thế, độ thoát cho hết thảy chúng sanh trong chốn tù ngục vô minh, ngu si tăm tối, rồi sau đó mới nhập Niết-bàn. Nay chúng con đều chưa được độ thoát, sao đức Như Lai lại định bỏ rơi mà nhập Niết-bàn?

“Thế Tôn! Ví như có người kia bị quỷ nhập, may gặp ông thầy giỏi về chú thuật, dùng sức thần chú trừ dứt nạn cho người kia. Như Lai cũng thế, vì hàng Thanh văn mà trừ con quỷ vô minh, khiến họ được trụ yên nơi Đại trí tuệ Bát-nhã và các pháp giải thoát, cũng như chữ Y của thế gian.

“Thế Tôn! Ví như con voi kia bị người ta trói. Dù cho có thầy giỏi cũng không thể ngăn giữ được, liền phá mở xiềng khóa, tự mình thoát đi. Chúng con chưa được như vậy, chưa thoát ra khỏi sự trói buộc của các phiền não là Năm sự ngăn che, Mười triền phược và Bảy lậu hoặc, sao đức Như Lai lại định bỏ rơi [chúng con] mà vào Niết-bàn?

“Bạch Thế Tôn! Ví như người mắc bệnh sốt rét, gặp được lương y nên dứt được bệnh khổ. Chúng con cũng như người bệnh ấy, chịu nhiều nạn khổ, tà mạng nóng nảy. Mặc dù được gặp Như Lai, nhưng bệnh còn chưa dứt, chưa được sự an vui mãi mãi cao trổi nhất. Sao đức Như Lai lại định bỏ rơi [chúng con] mà nhập Niết-bàn?

“Thế Tôn! Ví như người say rượu chẳng còn biết gì, chẳng còn nhận ra kẻ thân người sơ, chẳng phân biệt được mẹ, con gái, chị, em gái... Người ấy mê muội, hoang dâm, hỗn loạn, nói năng bậy bạ, nằm trong đống phân nhơ nhớp. Lúc đó, có một vị lương y đem thuốc cho uống. Người ấy uống xong liền nôn hết rượu ra, tỉnh táo trở lại, lấy làm hổ thẹn, tự trách mình: ‘Rượu là thứ không tốt, là gốc rễ của mọi điều ác. Nếu ta trừ được nó, ắt sẽ tránh xa được mọi tội lỗi.’

“Thế Tôn! Chúng con cũng vậy. Từ xưa tới nay trôi lăn trong vòng sanh tử, mê say vì tình sắc, tham đắm năm dục. Chẳng phải mẹ mà tưởng là mẹ, chẳng phải chị mà tưởng là chị, chẳng phải con gái mà tưởng là con gái, chẳng phải chúng sanh mà tưởng là chúng sanh... Vì vậy mà phải trôi lăn chịu khổ sanh tử, như người say rượu kia nằm trong đống phân nhơ nhớp. Nay đức Như Lai ban cho chúng con thuốc pháp, giúp chúng con nôn ra hết rượu độc phiền não. Nhưng chúng con vẫn chưa được hoàn toàn tỉnh táo. Sao đức Như Lai lại định bỏ rơi [chúng con] mà nhập Niết-bàn?

“Thế Tôn! Ví như có người khen rằng thân cây chuối là cứng chắc, thật là vô lý. Thế Tôn! Chúng sanh cũng thế, nếu có ai khen các pháp ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, sự nuôi dưỡng, sự thấy biết, kẻ tạo tác, người nhận chịu mà cho là chân thật, cũng thật vô lý như vậy. Chúng con theo đó mà tu phép quán tưởng vô ngã.

“Thế Tôn! Ví như cặn bẩn của nước không dùng làm gì được. Thân này cũng vậy, vốn là vô ngã, không có [một thực thể nào là] chủ tể.

“Bạch Thế Tôn! Ví như hoa thất diệp không có mùi thơm. Thân này cũng vậy, vốn là vô ngã, thật không có chủ tể. Chúng con theo đó thường tu tập trong tâm phép quán tưởng vô ngã. Như Phật có dạy: ‘Hết thảy các pháp vốn không có cái ta, không có vật của ta, các tỳ-kheo nên tu tập theo lẽ ấy. Tu tập như vậy rồi có thể trừ được tâm ngã mạn, lìa được tâm ngã mạn liền nhập Niết-bàn.’

“Thế Tôn! Ví như chim bay trên không trung mà để lại dấu chân, thật không có lý như vậy. Người thường tu tập phép quán tưởng vô ngã mà có các kiến chấp, cũng không có lý như vậy.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn ngợi khen chư tỳ-kheo rằng: “Lành thay, lành thay! Các ông thật khéo tu tập phép quán tưởng vô ngã.”

Liền đó, chư tỳ-kheo bạch Phật: “Thế Tôn! Chúng con không chỉ tu phép quán tưởng vô ngã mà còn tu tập các phép quán tưởng khác nữa. Kể đủ ra là các phép quán tưởng: khổ, vô thường và vô ngã.”

“Thế Tôn! Ví như người say rượu, tâm trí mờ ám, thấy các cảnh núi sông, vách đá, cỏ cây, cung điện, nhà cửa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú đều quay cuồng.

“Thế Tôn! Những ai không tu tập các phép quán tưởng: khổ, vô thường, vô ngã thì chẳng đáng gọi là bậc thánh. Những người ấy thường buông thả, biếng nhác, trôi lăn trong sanh tử. Thế Tôn! Bởi nhân duyên ấy, chúng con phải khéo tu tập những phép quán tưởng như vậy.”

Lúc ấy, Phật dạy chư tỳ-kheo rằng: “Các ông hãy nghe cho kỹ! Các ông vừa đưa ra thí dụ về người say rượu, ấy cũng là chỉ hiểu được văn tự mà chưa thấu đạt nghĩa lý. Thế nào là nghĩa lý? Như người say kia nhìn lên thấy mặt trời, mặt trăng, thật không quay cuồng mà tưởng như quay cuồng. Chúng sanh cũng thế, do các phiền não, vô minh che lấp, nên sanh tâm điên đảo: ngã cho là vô ngã; thường cho là vô thường; tịnh cho là bất tịnh; lạc cho là khổ.

“Đó là do phiền não che lấp, tuy sanh ra những tư tưởng ấy, nhưng chẳng thấu đạt nghĩa lý của chúng. Cũng như người say rượu kia, đối với vật không quay cuồng mà tưởng là quay cuồng. Ngã là nghĩa Phật; thường là nghĩa Pháp thân, lạc là nghĩa Niết-bàn, tịnh là nghĩa pháp.

“Này chư tỳ-kheo! Sao lại nói rằng người có ngã tưởng là kiêu mạn cống cao, trôi lăn mãi trong sanh tử? Như các ông nói rằng: ‘Chúng con cũng tu tập các phép quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã.’ Ba phép tu ấy chẳng có nghĩa thật. Nay ta sẽ thuyết dạy ba phép vượt trội thù thắng hơn.

“Khổ cho là vui, vui cho là khổ, đó là pháp điên đảo.

“Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, đó là pháp điên đảo.

“Vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, đó là pháp điên đảo.

“Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, đó là pháp điên đảo.

“Người nào có bốn pháp điên đảo như vậy là không biết tu tập các pháp một cách chân chánh.

“Này chư tỳ-kheo! Ở trong pháp khổ mà tưởng là vui, ở trong vô thường mà tưởng là thường, ở trong vô ngã mà tưởng là hữu ngã, ở trong bất tịnh mà tưởng là tịnh. Thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Xuất thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh.

“Pháp thế gian chỉ là văn tự mà không có nghĩa chân thật. Pháp xuất thế gian có cả văn tự và nghĩa chân thật. Vì sao vậy? Vì thế gian có bốn điên đảo, cho nên chẳng biết được nghĩa chân thật. Vì sao như thế? Vì có tư tưởng điên đảo, tâm ý điên đảo, thấy biết điên đảo. Bởi có ba sự điên đảo này nên người thế gian ở chỗ vui mà cho là khổ, ở chỗ thường mà cho là vô thường, ở chỗ hữu ngã mà cho là vô ngã, ở chỗ tịnh mà cho là bất tịnh. Đó gọi là điên đảo.

“Vì điên đảo nên người thế gian biết văn tự mà không biết nghĩa chân thật. Thế nào là nghĩa chân thật? Vô ngã là sanh tử, ngã tức là Như Lai; vô thường là hàng Thanh văn và Duyên giác, thường tức là pháp thân Như Lai; khổ là tất cả ngoại đạo, lạc tức là Niết-bàn; bất tịnh là pháp hữu vi, tịnh tức là Chánh pháp của chư Phật, Bồ Tát. Đó gọi là không điên đảo.

“Vì không điên đảo nên biết được cả văn tự và nghĩa chân thật. Nếu muốn lìa xa bốn pháp điên đảo, cần phải biết rõ nghĩa chân thật thường, lạc, ngã, tịnh như vậy.”

Bấy giờ, các vị tỳ-kheo bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Theo như Phật vừa dạy, lìa khỏi bốn pháp điên đảo thì biết rõ nghĩa chân thật thường, lạc, ngã, tịnh. Nay Như Lai vĩnh viễn dứt trừ bốn pháp điên đảo, ắt đã biết rõ thường, lạc, ngã, tịnh, vậy tại sao không trụ thế trọn một kiếp hoặc nửa kiếp để dạy dỗ, dắt dẫn chúng con, khiến chúng con lìa khỏi bốn pháp điên đảo, lại đành bỏ rơi chúng con mà nhập Niết-bàn?

“Ví như đức Như Lai thương tưởng ở lại mà dạy dỗ, chúng con sẽ hết lòng lãnh thọ và tu tập. Bằng như đức Như Lai nhập Niết-bàn, chúng con làm sao có thể cùng tồn tại với cái thân độc hại này mà tu hạnh trong sạch? Chúng con cũng sẽ theo Phật Thế Tôn mà vào Niết-bàn.”

Lúc ấy, Phật dạy chư tỳ-kheo rằng: “Các ông chẳng nên nói như vậy. Chánh pháp vô thượng của ta đã phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp sẽ làm bậc Đại Y chỉ cho các ông. Cũng như đức Như Lai là chỗ nương theo của tất cả chúng sanh, Ma-ha Ca-diếp cũng vậy, sẽ là chỗ nương theo cho tất cả các ông.

“Ví như vị đại vương kia, thống lãnh nhiều xứ. Mỗi khi đi tuần du bên ngoài, liền đem việc nước mà giao phó cho vị đại thần. Như Lai cũng thế, đem Chánh pháp mà phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp.

“Các ông nên biết rằng, trước đây [các ông] tu tập những phép quán tưởng vô thường và khổ là những pháp không chân thật.

“Ví như vào mùa xuân, có nhiều người đến một cái ao lớn thả thuyền rong chơi, làm rớt một hạt bảo châu lưu ly chìm xuống nước sâu. Liền đó, mọi người đều lặn xuống đáy nước để tìm bảo châu. Họ đua nhau hốt lấy những gạch, đá, cỏ, cây, cát, sỏi... Ai nấy đều cho rằng mình đã được hạt châu lưu ly, mừng rỡ mà nổi lên khỏi mặt nước, mới biết là không phải.

“Lúc đó, hạt châu vẫn còn ở dưới nước. Do tính chất của hạt châu, nên nước cả vùng ấy được lắng trong. Bấy giờ, mọi người nhìn xuống đáy nước đều thấy hạt bảo châu, cũng như người ta ngẩng lên hư không nhìn thấy mặt trăng vậy. Ngay lúc đó, trong đám đông ấy có một người có trí, dùng sức phương tiện, từ từ lặn xuống nước và nhặt được hạt châu.

“Này chư tỳ-kheo! Chớ nên tu tập những phép quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh theo cách như vậy mà cho là nghĩa chân thật, khác nào những người kia hốt lấy gạch, đá, cỏ, cây, cát, sỏi... mà cho là bảo châu!

“Các ông nên khéo học phương tiện. Bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng thường tu những pháp quán tưởng thường, lạc, ngã, tịnh. Lại nên biết rằng, bốn phép quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà các ông đã tu tập trước kia đều là điên đảo cả. Muốn tu các pháp quán tưởng cho đúng lẽ chân thật, phải như người có trí kia, biết dùng phép khéo léo để lấy hạt bảo châu ra khỏi nước. Ấy là các pháp quán tưởng thường, lạc, ngã, tịnh.”

Lúc ấy, chư tỳ-kheo bạch Phật: “Thế Tôn! Trước đây, Phật có dạy: ‘Các pháp đều là vô ngã, các ông nên tu học lẽ ấy. Tu học như vậy rồi thì lìa được tư tưởng chấp ngã. Khi lìa khỏi tư tưởng chấp ngã, ắt lìa khỏi kiêu mạn. Lìa khỏi kiêu mạn liền được nhập Niết-bàn.’ Vậy nghĩa ấy là thế nào?”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Nay các ông khéo hỏi nghĩa ấy, đó là tự mình dứt nghi. Ví như một vị vua kia ngu si, kém trí. Vua có một người thầy thuốc tánh tình ngoan cố, ngu dại. Nhưng vua chẳng biết phân biệt, ban cấp bổng lộc [cho ông ta] một cách rộng rãi. Thầy thuốc ấy liệu trị các bệnh chỉ dùng duy nhất một món sữa làm thuốc mà thôi, lại chẳng biết nguyên nhân gây bệnh. Tuy biết dùng sữa làm thuốc, nhưng lại chẳng biết cách dùng, nên cho dù là trúng gió, cảm lạnh hay nóng sốt... đối với hết thảy các bệnh đều bảo uống sữa. Nhưng ông vua ấy không phân biệt được là người thầy thuốc kia có hiểu được chỗ lành dữ, tốt xấu của sữa hay không.

“Lại có một thầy thuốc sáng suốt từ phương xa đến. Vị này hiểu rành tám môn y thuật, khéo liệu trị các bệnh, thông thạo các phương thuốc. Bấy giờ, người thầy thuốc của vua chẳng những không chịu học hỏi, lại sanh lòng cao ngạo, khinh dễ. Người thầy thuốc sáng suốt kia liền mặc y phục chỉnh tề đến xin thỉnh ông ấy làm thầy để học những phương pháp sâu kín trong nghề thuốc, thưa rằng: ‘Nay tôi nhận ông làm thầy, xin vì tôi mà giảng dạy.’

“Người thầy thuốc của vua đáp rằng: ‘Như ông chịu hầu hạ ta trong 48 năm, ta sẽ dạy nghề thuốc cho ông.’

“Liền đó, người thầy thuốc kia nhận lời và thưa rằng: ‘Tôi sẽ làm như vậy. Tùy theo sức mình, tôi sẽ làm người hầu hạ để thầy sai khiến.’

“Thế rồi, người thầy thuốc của vua liền đưa người thầy thuốc mới này vào bái kiến đức vua. Lúc ấy, vị thầy thuốc giỏi liền đem mọi phương pháp trị bệnh và đủ các tài nghề khéo léo mà giảng giải cho vua nghe. Ông nói: ‘Đại vương nên biết, phải khéo phân biệt. Những phương pháp như thế này nên dùng để trị nước... Những phương pháp như thế này nên dùng để trị bệnh...’

“Bấy giờ, vua nghe qua rồi mới biết rằng người thầy thuốc của mình là một kẻ khờ khạo, vô trí, liền đuổi ông ta ra khỏi nước. Sau đó, vua lại càng thêm cung kính vị thầy thuốc giỏi. Nhân khi ấy, vị này nghĩ rằng: ‘Đây chính là lúc có thể bảo vua nghe theo.’ Bèn tâu vua rằng: ‘Như đại vương thật có lòng thương tưởng, xin cho tôi cầu xin một điều.’

“Vua đáp: ‘Từ cánh tay mặt của trẫm đây cho đến các bộ phận khác trong thân thể, tùy ý khanh muốn những gì, trẫm đều thuận cho.’

“Vị thầy thuốc giỏi liền tâu rằng: ‘Tuy đại vương hứa cho tôi mọi bộ phận trong thân thể, nhưng tôi đâu dám cầu xin thái quá như vậy. Nay chỉ xin vua ra lệnh này: Từ nay về sau, khắp trong nước chẳng ai được dùng sữa làm thuốc theo như lời dạy của người thầy thuốc cũ. Vì sao vậy? Món thuốc ấy độc hại, gây nhiều thương tổn. Nếu ai còn dùng sẽ bị chém đầu. Trừ bỏ được món thuốc sữa ấy thì chẳng còn ai phải chết oan uổng, mọi người thường được an vui. Vì vậy nên tôi thỉnh cầu điều ấy.’

“Vua liền đáp rằng: ‘Việc khanh thỉnh cầu đó [ta chấp thuận ngay] chẳng cần phải bàn nữa!’ Vua bèn truyền lệnh đi khắp nơi rằng: ‘Khắp trong nước, những ai có bệnh đều không được dùng sữa làm thuốc. Nếu ai dùng sẽ bị chém đầu.’

“Bấy giờ, vị thầy thuốc giỏi dùng đủ các vị như: cay, đắng, mặn, ngọt, chua... mà bào chế thành nhiều loại thuốc, dùng trị các chứng bệnh, bệnh nào cũng được khỏi cả.

“Chẳng bao lâu sau, nhà vua lại mắc bệnh, liền triệu ông vào hỏi rằng: ‘Nay trẫm có bệnh nặng, khốn khổ muốn chết. Vậy nên trị cách nào?’

“Vị thầy thuốc giỏi xem bệnh cho vua xong, thấy nên dùng sữa làm thuốc, bèn tâu rằng: ‘Như bệnh của vua đây cần phải uống sữa. Trước đây tôi bảo dứt hẳn món sữa làm thuốc, thật là lời nói dối. Nay nếu vua uống sữa vào, có thể trừ được bệnh. Vua đang bị nóng nhiệt, đúng là phải uống sữa vậy.’

“Lúc ấy, vua nói rằng: ‘Nay khanh điên rồi hay sao lại cho là uống sữa có thể trừ được bệnh nóng? Trước kia khanh nói là [sữa] độc, nay sao lại bảo [ta] uống? Khanh muốn khinh thường trẫm đó sao? Món thuốc mà thầy thuốc trước đây khen, khanh bảo là độc, bảo ta ra lệnh cấm. Nay khanh lại nói rằng tốt, có thể trừ bệnh. Như lời khanh nói, thì thầy thuốc trước đây của ta ắt là giỏi hơn khanh vậy.’

“Bấy giờ, vị thầy thuốc giỏi tâu vua rằng: ‘Nay đại vương không nên nói vậy. Ví như loài mối ăn cây, có khi thành hình chữ viết. Nhưng những con mối ấy chẳng biết đó là chữ hay không phải là chữ. Người có trí thấy vậy, chẳng hề nói rằng con mối biết chữ, và cũng chẳng lấy làm lạ lùng, kinh sợ. Đại vương nên biết, người thầy thuốc trước cũng như vậy đó, chẳng biết phân biệt các bệnh, tất cả đều cho uống sữa làm thuốc, cũng như những con mối ăn cây, ngẫu nhiên mà thành hình chữ viết. Ông ấy thật ra chẳng hiểu được những chỗ tốt xấu, lành dữ của món sữa làm thuốc.’

“Lúc ấy, vua liền hỏi: ‘Thế nào là chẳng hiểu?’

“Vị thầy thuốc giỏi đáp: ‘Món sữa thuốc ấy là thứ độc hại, mà cũng là chất cam lộ. Sữa như thế nào gọi là cam lộ? Như con bò cái chẳng ăn hèm rượu, các loại cỏ trơn nhớt, cám, và con bò con thì hiền hòa. Khi người chăn bò dắt đi ăn, không chọn những vùng cao, cũng không đưa xuống những nơi ẩm thấp; khi cho bò uống nước, liền dắt đến dòng nước trong; chẳng cho bò chạy nhanh, chẳng cho ở chung bầy với bò đực; giữ cho bò con bú sữa mẹ điều độ, đi đứng đều đúng chỗ, đúng nơi. Được như vậy thì sữa bò ấy có thể trừ các bệnh. Đó gọi là món thuốc cam lộ linh diệu. Ngoài thứ sữa ấy ra, các thứ sữa khác đều là độc hại.’

“Lúc ấy, vua nghe xong mấy lời ấy liền khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Từ nay trẫm mới biết được những lẽ tốt xấu, lành dữ của món sữa thuốc.’ Vua liền uống sữa và được khỏi bệnh.

“Sau đó, vua truyền lệnh rằng: ‘Từ nay trở đi, khắp trong nước đều phải dùng món sữa làm thuốc.’

“Nghe lệnh truyền ấy, người trong nước đều lấy làm tức giận, bảo nhau rằng: ‘Đại vương nay hẳn đã bị quỷ ám hay điên cuồng rồi nên mới dối gạt chúng ta, bảo chúng ta phải uống sữa trở lại?’

“Tất cả nhân dân đều ôm lòng giận tức, kéo nhau đến chỗ cung vua. Vua liền bảo rằng: ‘Các người chẳng nên sanh lòng tức giận với ta. Đối với loại sữa dùng làm thuốc, dù uống hay không uống đều theo lời thầy thuốc, chẳng phải lỗi nơi ta.’ [Rồi vua đem lời thầy thuốc đã nói trước đây mà giải thích với tất cả mọi người.]

“Lúc ấy, vua và nhân dân đều lấy làm vui mừng phấn chấn, càng thêm cung kính cúng dường vị thầy thuốc ấy. Tất cả những người bệnh được uống món sữa thuốc đều khỏi bệnh.

“Này chư tỳ-kheo! Nên biết rằng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn cũng như vậy đó. Ngài là bậc Đại y vương xuất hiện ở thế gian, hàng phục tất cả những tà y ngoại đạo, ở giữa các vị vua và dân chúng tự xưng rằng: ‘Ta là bậc y vương.’ Vì muốn hàng phục ngoại đạo, nên ta lại nói rằng: ‘Không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, sự nuôi dưỡng, sự thấy biết, kẻ tạo tác, người nhận chịu.’

“Này chư tỳ-kheo! Nên biết rằng kẻ ngoại đạo nói có ngã cũng chỉ giống như con mối ăn cây, ngẫu nhiên mà thành hình chữ viết. Vì vậy, đức Như Lai ở trong pháp Phật mà thuyết dạy là vô ngã. Vì điều phục chúng sanh, vì biết lúc thích hợp, nên nói pháp vô ngã như vậy.

“Khi đủ nhân duyên lại thuyết pháp hữu ngã. Như vị lương y kia, biết rành tính chất của sữa, cũng là thuốc mà cũng không phải là thuốc, không giống như chỗ những kẻ phàm phu suy lường cái ngã mà ta thuyết dạy.

“Kẻ phàm phu ngu si chấp lấy cái ngã [của riêng mình], hoặc nói là nó lớn như ngón tay cái, hoặc nhỏ bằng hạt cải, hoặc như hạt bụi rất nhỏ. Đức Như Lai thuyết cái ngã [chân thật] chẳng phải như vậy.

“Cho nên Phật dạy rằng: ‘Các pháp là vô ngã, nhưng thật chẳng phải vô ngã.’ Thế nào là thật? Nếu như có pháp là chân thật, là thường tồn, là chủ tể, là chỗ nương theo, bản tánh không thay đổi, đó gọi là ngã.

“Ví như vị lương y đại tài kia hiểu rành về món thuốc sữa; Như Lai cũng thế, vì chúng sanh mà thuyết dạy rằng: ở trong các pháp đúng thật là có ngã.

“Nay bốn chúng các ông nên tu tập pháp này theo đúng như vậy.”



    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hoa nhẫn nhục


Hạnh phúc khắp quanh ta


Đường Không Biên Giới


Thiếu Thất lục môn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.224.116 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...