Giảng rộng
Trong ý nghĩa của hai chữ hôn nhân (婚姻) thì người con trai thành gia thất gọi là hôn (婚), con gái xuất giá theo chồng gọi là nhân (姻). Chữ hôn (婚) vốn lấy theo nghĩa hôn (昏) là đêm tối, vì xưa kia quy định phần chính trong lễ này là lễ hợp cẩn chỉ được tiến hành khi đêm xuống, không thực hiện lúc ban ngày, đó là hàm ý có sự hổ thẹn. Chữ nhân (姻) thì lấy theo nghĩa nhân nhân (因人), tức là dựa vào người, ý nói người con gái một khi đã theo chồng phải hết lòng giữ sự hòa hợp, dựa vào chồng mà giữ theo đạo đức luân lý, lại cũng dựa vào chồng mà phó thác sự vinh nhục sướng khổ của cả một đời mình, đó là hàm ý người vợ luôn tùy thuộc theo chồng.
Hôn nhân là sự kết hợp tốt đẹp giữa hai dòng họ, trước là kế thừa sự nghiệp của tổ tiên dòng tộc, sau là gầy dựng mở mang cho con cháu đời sau, hiện tại thì nối kết hòa hợp với thân tộc đôi bên, quả thật là một nhân duyên không nhỏ.
Nói chung thì việc hôn nhân vốn được định đoạt từ nhân duyên kiếp trước, chẳng những là riêng bản thân ta không chủ động được, mà cho đến cả cha mẹ hai bên cũng không có khả năng chủ động quyết định. Nếu là do nhân duyên lành đưa đến thì những tâm niệm hòa hợp tốt đẹp sẽ không ngừng không dứt. Nếu là do nhân duyên xấu ác đưa đến thì oán tình độc hại sẽ còn kéo dài mãi chưa hết chưa thôi.
Vì thế nên chuyện hôn nhân không phải dùng sức người mà có thể phá hoại được. Ví như người khởi tâm muốn phá hoại, nếu không phải kẻ nuôi lòng thù hận, ắt cũng là do sự ghen ghét. Bất kể là khi khởi tâm mà chưa phá hoại được, hay khi đã phá hoại được rồi, thì tội ấy cũng đều xem như đã thành.
Cố ý phá hoại việc hôn nhân của người tất nhiên là không nên. Nhưng ngay cả việc gán ghép người khác cho thành chồng vợ với nhau cũng không thể không thận trọng. Ví như tuổi tác chênh lệch quá xa ắt không thể sống cùng nhau đến răng long đầu bạc; hoặc cũng không nên xem thường những yếu tố như sang hèn cách biệt, không môn đăng hộ đối. Cho đến những chuyện như gia cảnh giàu nghèo, hình dung xấu đẹp đều không ra ngoài sự cân nhắc.
Trưng dẫn sự tích
Biết lỗi sửa lỗi
Quan Thị lang Tôn Hồng, khi còn trẻ có một người bạn cùng theo học ở trường Thái học xa nhà. Hai người có giao ước là khi thư nhà gửi đến thì đều đưa cho nhau xem. Một hôm, người bạn được thư nhà nhưng giấu không cho Tôn Hồng xem. Sau Tôn Hồng biết được, gạn hỏi, người bạn mới nói: “Trong thư ngẫu nhiên có chỗ không hay, sợ làm anh thối chí.” Tôn Hồng vẫn cố đòi xem cho kỳ được, cuối cùng người bạn phải đưa ra lá thư của cha mình. Trong thư viết rằng: “Đêm qua cha nằm mơ thấy đến một dinh quan, mơ màng thấy mình được xem qua sổ ghi tên những người thi đỗ. Trong đó thấy có tên con với Tôn Hồng, nhưng tên Tôn Hồng bị ghi xuống phía dưới, lại có hàng chữ đỏ chú rằng: ‘Ngày tháng năm ấy... đã viết giúp một người tên ấy... lá đơn ly hôn, do đó bị trời phạt, tước bỏ tên trong sổ.’”
Tôn Hồng đọc thư tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên, người bạn liền
Hỏi: “Có việc như thế chăng?” Tôn Hồng
Đáp: “Chuyện ấy đã lâu rồi, lúc tôi đang ở tại châu nọ..., có gặp hai ông bà đã lớn tuổi, đang quát mắng nhau, muốn ly hôn nhưng không có ai viết đơn giúp. Nhân đó họ nhờ tôi viết đơn, thật tôi hoàn toàn không có ý xấu.” Người bạn an ủi: “Chuyện mộng mị chẳng lấy gì làm đích xác, không cần phải lưu tâm. Huống chi tài học như anh thì lẽ nào thi lại không đỗ.”
Đến khoa thi, người bạn học ấy thi đỗ, Tôn Hồng quả nhiên bị đánh rớt. Từ đó mới biết giấc mộng ngày trước không phải hư huyễn. Thấy Tôn Hồng nhân việc ấy mà trong lòng không vui, người bạn liền nói: “Thôi anh đừng buồn nữa, đợi khi tôi về quê sẽ thay anh đến khuyên giải hai ông bà kia tái hợp như cũ, được không?” Nói rồi liền hỏi kỹ tên họ, nơi ở của hai ông bà kia, sau đó tìm đến tận nơi, thấy hai ông bà vẫn chưa hợp lại, bèn đem chuyện của Tôn Hồng kể hết cho hai người nghe, lại bày tiệc rượu khuyên hai người tái hợp như xưa. Việc thành tựu, liền gửi thư báo cho Tôn Hồng. Tôn Hồng hết sức cảm kích vui mừng.
Về sau, Tôn Hồng được miễn kỳ thi ở tỉnh vì là học sinh nội trú của trường Thái học, dần dần lại được thăng tiến quan cao lộc hậu, nhiều lần nhậm chức ở các quận huyện lớn. Những nơi ông đến, khi gặp gia đình nào đang muốn ly hôn, ông đều cố sức hòa giải, nhờ đó mà bảo vệ được hạnh phúc cho rất nhiều gia đình.
Lời bàn
Năm cuối triều Nam Tống, ở Lâm Xuyên có người họ Vương, vợ là Lương thị bị giặc Nguyên bắt đi, cưỡng lại mà chết. Trải qua nhiều năm, người chồng định tái hôn nhưng cứ luôn gặp việc trắc trở không thành. Một đêm mộng thấy người vợ hiện về nói: “Tôi đã thác sanh vào nhà ấy, nay được mười tuổi, bảy năm nữa sẽ làm vợ anh.” Hôm sau liền cho người đến tìm theo lời trong mộng, quả nhiên tìm được, bèn đợi sau bảy năm mang lễ vật đến xin cưới, chỉ một lần là được ngay. Cho nên, nhân duyên vợ chồng đâu thể xem nhẹ mà phá hoại?
Ly gián hôn nhân phải chịu quả báo
Đời nhà Thanh, niên hiệu Thuận Trị, vào năm Mậu Tuất có mở khoa thi Hội. Vào lúc điểm danh, bỗng phát hiện trong ống đựng bút của một thí sinh người ở Hiếu Liêm có bản thảo lá đơn ly hôn. Quan giám khảo xem qua giận lắm, sai dùng trượng đánh rồi cùm lại nhốt vào ngục, đồng thời lập tức tước bỏ tư cách cử nhân.
Về sau tìm hiểu nguyên nhân mới biết, thí sinh người Hiếu Liêm này vốn có một người bạn đồng học, có gian ý muốn cưới vợ của một người bạn khác về làm thiếp. Anh chàng người Hiếu Liêm liền vì người bạn kia nghĩ kế, trước hết đặt điều nói xấu người vợ, khiến anh chồng giận ghét muốn bỏ vợ. Tiếp theo nhân lúc vợ chồng ly gián, liền mai mối chuyện hôn sự với người kia, lại vì người này mà viết giúp đơn ly hôn. Nhưng rốt lại anh ta cũng không hiểu vì sao lại mê muội để bản thảo lá thư ấy vào trong ống đựng bút.
Lời bàn
Mưu kế của anh chàng này quả là thâm độc vô cùng! Nên biết, trong luật trời thì phá hoại chuyện hôn nhân của người khác được xem là điều ác độc nhất. Chẳng những là sau khi đã thành vợ chồng không được dễ dãi nói đến chuyện ly dị, mà ngay cả khi chưa kết hôn, nếu sự việc đã định đoạt rồi cũng không được làm cho thay đổi.
Tại quê tôi ở Côn Sơn có một gia đình vốn trước đây là danh gia vọng tộc, chỉ sinh được mỗi một đứa con gái. Từ khi lâm vào cảnh sa sút bần cùng, mọi chi phí sinh hoạt ăn uống trong nhà đều phải dựa vào sự cung cấp của một người nô bộc cũ. Trải qua nhiều năm tháng như vậy, người chủ lấy làm cảm kích tấm lòng của người nô bộc, liền mang khế ước bán thân của người này trước đây ra trả lại, đồng thời dùng lễ cung kính đối đãi như bằng hữu.
Người nô bộc ấy có một đứa con trai rất thông minh, tuấn tú, người chủ muốn kết làm thông gia. Nô bộc cố hết sức chối từ, không dám, nhưng sau người chủ ép quá nên đành phải nghe theo, cho hai trẻ kết thành vợ chồng, sống với nhau hết sức tương đắc.
Không bao lâu, cả hai vợ chồng người chủ đều qua đời, người nô bộc liền bảo bọc nuôi dưỡng cả con dâu. Qua năm sau, có người trong tộc họ của người chủ cũ viện cớ hai bên gia đình sang hèn cách biệt không thể kết thông gia, nên cố tìm đủ cách sách nhiễu không ngừng, cuối cùng lại kiện lên quan. Quan xử hai bên ly dị, người nô bộc cuối cùng do việc ấy mà tan nhà nát cửa. Người trong tộc họ của chủ cũ lại không có khả năng nuôi dưỡng cô con gái, đến nỗi cuối cùng cô ta phải đói khổ uất ức mà chết. Cô gái ấy chết không bao lâu thì thác nhập vào người trong tộc họ của chủ cũ, kể lể hết đầu đuôi sự việc. Những kẻ đồng mưu trong việc này có bao nhiêu người sau đó đều mắc phải bệnh nặng, nối nhau mà chết cả.