Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma »» Chương I. Người ngoại quốc biết gì về Phật Giáo Tây Tạng? »»

Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma
»» Chương I. Người ngoại quốc biết gì về Phật Giáo Tây Tạng?

Donate

(Lượt xem: 5.806)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma - Chương I. Người ngoại quốc biết gì về Phật Giáo Tây Tạng?

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Nước này cũng nằm trong Châu Á. Lúc nhỏ có học về địa lý và biết rằng Tây Tạng cũng nằm tại Châu Á, nhưng ở tận mãi trên những đỉnh núi cao nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn kia.

Khi còn nhỏ, tôi mơ ước có được một ngày nào đó, làm sao có cơ hội để đi ra nước ngoài. Do vậy từ Trung Học tôi đã chuyên cần học ngoại ngữ, Anh cũng như Pháp ngữ. Đây là hai ngôn ngữ chính được dạy tại các trường Trung Học Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy có học, nhưng gặp người ngoại quốc là không mở miệng để nói thành lời được. Vì cái học ngoại ngữ ở trường lúc bây giờ cốt học văn phạm nhiều hơn là luyện giọng nói và cách nói. Mãi đến năm 1972 khi ra được Nhật Bản, tôi mới có cơ hội luyện tập những ngôn ngữ này. Càng sống lâu tại ngoại quốc, càng giao tiếp với mọi người thì mới thấy đúng là phải cần đến ngoại ngữ. Tục ngữ Pháp có câu: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nhưng tôi xin đổi lại “Ngôn ngữ là cửa sổ của tâm hồn”. Vì nếu không thông ngôn ngữ thì mọi việc sẽ khó phát triển. Đây cũng là lý do tôi phải học nhiều để được (hoặc bị) đi nhiều như ngày nay thì phải?

Khi ở Việt Nam tôi có học về Phật Giáo, nhưng đối với Phật Giáo Tây Tạng còn quá sơ sài, không có ảnh hưởng mấy đối với quốc gia có 85% Phật Giáo theo Đại Thừa này. Mãi đến khi ra ngoại quốc và đặc biệt chừng 10 năm trở lại đây tôi mới tìm hiểu về Phật Giáo Tây Tạng. Vì lẽ nhiều người Việt Nam hay ngay cả Nhật Bản cũng thế, các nước này đều tự hào về truyền thống Phật Giáo của mình, có đủ 10 Tông phái như ở Trung Hoa, đặc biệt là Thiền, Tịnh và Mật Giáo là 3 Tông phái được nhiều người theo nhất. Cả 3 Tông này cũng do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập ra. Sau này các vị Tổ Sư mới lập Tông và chia ra nhiều Phái khác nhau để chúng sanh dễ hành trì. Trong mỗi thời kinh sáng, trưa, chiều, tối tại các chùa ở Việt Nam đều có tụng hoặc trì các thần chú như Lăng Nghiêm, Vãng Sanh, Đại Bi, Lục Tự Đại Minh v.v... Phật Giáo Việt Nam cũng có tụng kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ. Phật Giáo Việt Nam cũng có các bậc Thiền Sư hữu danh đã mang thiền đến dạy cho những người Tây Phương v.v... Do vậy chỉ ít người lưu tâm đến Phật Giáo Tây Tạng, trong ấy có tôi. Nhưng khoảng 10 năm gần đây, Đức Đạt-lai Lạt-ma, người lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng, đã có mặt khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết và thăm viếng thân hữu các quốc gia Tây Phương và nhất là sau khi Ngài nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình tại Oslo - Na Uy vào ngày 10 tháng 12 năm 1989 thì thế giới đặc biệt quan tâm đến Tây Tạng nhiều hơn. Ngoài ra, thuyết tái sanh của Phật Giáo được Tây Tạng ứng dụng một cách tài tình vào sự đi tìm hóa thân của các vị Rinpoche hoặc sự tái sanh của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 này, nên mọi người Âu Mỹ và kể cả các nước Phật Giáo Á Châu ngày nay cũng đều lưu tâm đến.

Ngày nay, tại Âu Mỹ này, người ta tìm những sách về Phật Giáo Tây Tạng dễ dàng hơn những thế kỷ trước. Vì sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và rất nhiều loại sách đáng để đọc. Cũng có nhiều người Việt Nam biết về Tây Tạng và việc tái sanh, nhưng ở đây tôi xin giới thiệu sơ qua một phần về những đặc điểm quan trọng này.

Theo sách sử ghi lại thì Đạo Phật được truyền vào Tây Tạng vào năm 407 niên hiệu Nghĩa Hy thứ 3 đời vua An Đế nhà Đông Tấn. Kinh Bách Bái Sám Hối và kinh Tam Bảo là hai bộ kinh đầu tiên được vua Đặc Lặc Đức Tề Long Tán đời thứ 8 của Tây Tạng thỉnh về và cho phiên dịch ra tiếng Tây Tạng. Đây là lần đầu tiên Phật Giáo có ảnh hưởng tại xứ này. Theo người Tây Tạng thì Phật Giáo của họ được truyền trực tiếp từ Ấn Độ bởi các vị Sư người Ấn Độ đến Tây Tạng vào thế kỷ 6 Tây lịch, có nghĩa là khoảng 1.000 năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tịch diệt. Có lẽ đường bộ giao thông lúc bấy giờ hiểm trở. Với núi non rừng rậm, thú dữ cọp beo, nên ít có nhà thám hiểm nào có cơ hội rời xa khỏi nước của mình để đi làm công việc truyền giáo ấy. Trong khi đó, giao thông bằng đường thủy lại tiện lợi hơn. Thuở bấy giờ người Trung Hoa và người Ấn Độ có những thương thuyền lớn qua lại trên biển cả để buôn bán với nhau, nên Đạo Phật qua những chuyến thương buôn này mà được truyền vào Trung Hoa vào năm 48 sau Tây lịch và cũng đã được truyền vào Việt Nam năm 198 Tây lịch. Như vậy kể cả Trung Hoa và Việt Nam, đây là những nước Á Châu đầu tiên Phật Giáo được truyền vào sớm nhất, ngoại trừ Tích Lan là nước Nam Tông Phật Giáo được truyền vào thế kỷ 3 trước Tây lịch do Ngài Mahinda, là Thái Tử con vua A Dục, cùng với Công Chúa chị của mình đã mang cây Bồ Đề từ đất Phật đến trồng tại xứ này và cho đến ngày nay cây Bồ Đề ấy đã rợp bóng nhân gian, khắp nơi trên thế giới. Đi đâu và ở đâu, đến đâu và làm gì ở đâu, người ta cũng nghe đến Phật Giáo và nhắc đến triết lý của Phật Giáo về nhân sinh quan, vũ trụ quan, về vô thường, khổ, không và vô ngã.

Phật Giáo chưa bao giờ có một đội quân thiện nguyện để đi truyền giáo cả, nhưng tinh thần từ bi, trí tuệ và bình đẳng của Đạo Phật đã làm cho nhiều con người, nhiều xã hội, nhiều quốc gia thâm nhập, cảm hóa, nên họ đã chấp nhận Đạo Phật một cách rất dễ dàng. Bằng nhiều ngôn ngữ ngày nay khác nhau, Đạo Phật đã đến với mọi dân tộc trên hoàn vũ này một cách cởi mở và văn minh tiến bộ. Đành rằng cũng có một thiểu số dùng Đạo Phật với hình thức mê tín dị đoan, nhưng số này tự động do thời gian, năm tháng mà lùi dần vào dĩ vãng. Vì khi con người hiểu biết, thì họ tự động xa lánh những cái gì không phải là chân lý, nhất là khi những điều ấy không phải do chính Đức Phật nói ra. Trước khi Đạo Phật đến các xứ sở này trên hoàn vũ, tại mỗi địa phương đều có những đạo của quốc gia đó. Ví dụ như Lão Giáo và Khổng Giáo với người Trung Hoa, Thần Đạo với người Nhật, Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên Ông Bà của người Việt Nam. Hoặc giả Đạo Bon của người Tây Tạng v.v... Phật Giáo không bác bỏ những tín ngưỡng ấy, mà trái lại còn dung hóa tất cả những phong tục tập quán cũng như truyền thống lâu đời của những phong tục sẵn có để đưa quốc gia đó tiến đến một chỗ đứng độc lập tự chủ cho quê hương đất nước của mình. Ví dụ như Phật Giáo đời nhà Lương ở Trung Hoa vào thế kỷ 5 - 6. Phật Giáo ở vào thời Sotokutaishi của Nhật Bản vào thế kỷ 7, hay Phật Giáo đã dấn thân vào các giai đoạn lịch sử của hai triều đại vẻ vang nhất của lịch sử Việt Nam. Đó là triều Lý bắt đầu từ 1.010 đến 1.222 và triều Trần từ 1.222 đến 1.400.

Tây Tạng cũng thế, khi Đạo Phật đến Tây Tạng, mặc dầu ở đây đã có Đạo Bon truyền thống, nhưng vì cách dung hóa của Đạo Phật, hay nói đúng hơn là cách thẩm thấu của Đạo Phật ngấm dần vào mỗi con người như nước thấm sâu vào lòng đất, nên cuối cùng Phật giáo tại Tây Tạng đã chiếm vị trí ưu thế từ thế kỷ 10 đến nay. Hơn nữa, nhờ cách thể nhập vào đời qua sự hóa thân của các vị Đạt-lai Lạt-ma mang tâm nguyện Bồ Tát, Đại biểu cho Đức Quán Thế Âm, luôn muốn làm sao cho đời vơi đi nỗi khổ, nên từ đó người dân Tây Tạng chấp nhận Đạo Phật một cách dễ dàng hơn.

Nhiều người ngoại quốc trong chúng ta, ít ai hiểu thấu đáo về những truyền thuyết tái sanh theo quan niệm của Phật Giáo Tây Tạng. Do vậy, nơi đây xin lược qua quan niệm này về sự tái sanh của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 để chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về truyền thống Phật Giáo này.

Đứng về phương diện giáo lý Đại Thừa, chư Phật và chư Bồ Tát có 3 thân. Đó là: Báo Thân, Pháp Thân, Hóa Thân hay Ứng Thân. Báo Thân là thân thể do nghiệp nhân của đời trước mà có, nhưng sau này tu hành thành đạo quả, thân ấy gọi là Pháp Thân, không đến, không đi, không còn, không mất, không được, không thua v.v... Pháp Thân này vốn thanh tịnh. Còn Hóa Thân hay Ứng Thân có nghĩa là các vị Bồ Tát không chịu vào Vô Dư Niết Bàn, mà vì hạnh nguyện nên ở lại thế giới này hay thế giới khác để độ sanh. Ví dụ như Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tượng trưng cho Từ Bi. Ngài có tất cả 32 Hóa Thân như trong phẩm Phổ Môn thứ 25 trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà Đức Phật đã mô tả. Đức Đại Hạnh Phổ Hiền có 10 Đại Nguyện. Đức Địa Tạng ở cõi tối tăm cũng có 10 Đại Nguyện. Đức Dược Sư Lưu Ly Như Lai ở Đông Phương thế giới cũng có 12 Đại Nguyện. Mỗi lời Đại Nguyện là một Hóa Thân hay một Ứng Thân, tùy căn cơ của chúng sanh mà hóa độ.

Đạo Phật du nhập vào Tây Tạng, có lẽ Phật Giáo Bắc Tông này lãnh hội được tinh thần Bát Nhã và tánh không của Đức Phật cũng như Ngài Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Long Thọ, nên chư vị Bồ Tát ứng thân dưới hình dạng của các Đức Đạt-lai Lạt-ma để cứu nhân độ thế cũng là điều dễ hiểu mà thôi. Tuy màu sắc và hình thức có khác với những nước theo Phật Giáo Đại Thừa tại Á Châu, nhưng nội dung chỉ có một chứ không khác. Đó là sự giác ngộ và giải thoát.

Việc đi tìm kiếm hóa thân của các vị Lạt Ma phải do những bậc cao Tăng có danh tiếng đảm trách. Điều ấy có nghĩa là những vị này phải biết qua Đức Đạt-lai Lạt-ma trước đây, cũng như có sức thiền định cao. Xem xét kỹ mọi hiện tượng xảy ra sau khi một Đức Đạt-lai Lạt-ma nhập diệt, các vị này sẽ dựa vào những hiện tượng thiên nhiên và các dấu hiệu của Đức Đạt-lai Lạt-ma mất đi để lại mà từ đó đi tìm hóa thân. Khi đã phỏng đoán được nơi tái sanh của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì phái đoàn mới lên đường. Những đứa trẻ được tìm ra phải qua những cuộc trắc nghiệm gay go, mới đi đến được kết luận đó là hóa thân của Ngài Đạt-lai Lạt-ma đời trước. Điều ấy có nghĩa là Đức Đạt-lai Lạt-ma trước đã dùng những vật gì cũng như bộc lộ những cử chỉ giống như một người lớn thì phái đoàn mới chọn đem về và phải qua nhiều cuộc trắc nghiệm nữa. Về đến Potala là cung điện của Bồ Tát, nơi đây đứa bé sẽ được nhiều vị Đại Sư danh tiếng dạy cho học cả việc thế trị lẫn việc Thống lĩnh Tăng Đoàn theo tinh thần giới luật của Phật chế.

“Vào một buổi sáng mùa Đông ngày 18 tháng 12 năm 1933 tại thành phố Lhasa, thủ đô của nước Tây Tạng, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 đã viên tịch. Dân chúng khi nghe tin ấy rất là buồn khổ. Khi tẩn liệm, nhục thân của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 được để vào tư thế ngồi, và cũng là cơ hội để cho các Phật Tử đến chiêm bái, trước khi đem nhập vào Đại Tháp ở Norbulingka, nơi đây Ngài thường hay cư ngụ vào mùa hè. Đầu và mặt của Ngài quay về hướng Nam. Đây là hướng mà người Tây Tạng quan niệm rằng luôn luôn sẽ gặp nhiều may mắn. Nhưng đến sáng ngày hôm sau, chư Tăng trong chùa phát hiện ra rằng đầu Ngài tự động xoay về hướng Đông Bắc. Trên vách tường của cột nhà Đông Bắc bỗng dưng đêm qua có một cây nấm hình dạng ngôi sao nhiều cánh mọc lên. Trên trời cao những đám mây tạo thành hình thể một con rồng và nơi khác lại giống hình một con bạch tượng. Điều khác lạ là cầu vồng to lớn hiện ra ở phía Đông Bắc của thành phố. Theo các bậc Tiên Tri trong hàng ngũ Tăng Lữ lúc bấy giờ, đây là điềm lành để chứng minh cho sự tái sanh của Đức Đạt-lai Lạt-ma và khiến cho phái đoàn tìm kiếm có nhiều chứng liệu để thực hiện hơn.

Vào thời điểm năm 1935, một Hội Đồng Tăng Lữ được thành lập, có nhiệm vụ đi tìm kiếm hóa thân của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13. Có nghĩa là sau 2 năm vị Lạt Ma thứ 13 đã viên tịch. Ngài Reting Rinpoche được chính quyền Tây Tạng và Hội Đồng Tăng Sĩ đề cử làm Trưởng Phái Đoàn. Cùng đi với Ngài có nhiều vị Cao Tăng của xứ Tây Tạng huyền bí này. Phái đoàn phải dùng ngựa và leo lên núi cao 5.000 mét, nơi ấy có một hồ nước linh thiêng thật lớn tên là Lhamo Latso. Nơi đây người ta quan niệm rằng, qua sức Thiền Định của các vị Đại Sư, người ta có thể xem các hiện tượng nổi lên trên mặt nước và từ đó, họ tiếp tục đi tìm hóa thân.

Sau khi nghỉ ngơi một tuần lễ để dưỡng sức tại chùa Chokhorgyal, Phái đoàn đã đến bên hồ và bắt đầu thực hiện nghi thức cầu nguyện, gồm thiền định, lắng tâm cũng như nhìn xem các hiện tượng nổi trên mặt hồ. Thời tiết lúc bấy giờ là mùa Đông, nên lúc nắng, lúc mưa, có khi mưa đá và giông bão rất lớn và mây mù che kín cả bầu trời, nhưng chư Tăng vẫn nỗ lực thiền định và cặp mắt vẫn đăm chiêu nhìn về phía trước mặt hồ. Bỗng dưng Ngài Reting Rinpoche phát giác ra các chữ cái của Tây Tạng A, Ka và Ma hiện lên trên mặt nước. Ngài chưa rời vị trí thiền định, vẫn tiếp tục tư duy, Ngài thấy có một ngôi chùa nóc lợp bằng vàng và cẩm thạch. Phía bên trái của chùa có một con đường nhỏ dẫn đến một ngôi nhà đơn sơ nóc lợp bằng những viên gạch ngói màu thạch bích. Nhà này có một vườn cây cảnh khá lớn và trong vườn có một chú bé đang đùa giỡn với một con chó màu trắng nâu. Cậu bé này có vẻ đang chờ đợi một cái gì đó. Cặp mắt luôn luôn buồn, nhưng miệng của cậu thì luôn mỉm cười.

Phái đoàn rất mừng rỡ và sau khi ghi chép mọi hiện tượng đã xảy ra trên mặt hồ, phái đoàn đã trở về lại Lhasa để trình lên chính quyền và Hội Đồng Tăng Sĩ. Từ đó phái đoàn Tăng Sĩ đã gởi 3 Phái đoàn đi 3 hướng khác nhau để tìm hóa thân. Một Phái đoàn đi hướng Kham - Đông Nam. Một Phái đoàn khác đi hướng Đông - Amdo và một Phái đoàn khác nữa đi hướng Qinghai - Đông Bắc Tây Tạng để tìm. Đây là vào thời điểm mùa Thu năm 1936. Hai Phái đoàn đi về hướng Đông Nam và Đông Bắc thì không tìm ra được dấu hiệu tái sanh gì cả. Chỉ có Phái đoàn đi về hướng Đông dưới sự hướng dẫn của Ngài Kyitsang Rimpoche đã tìm đến tỉnh Taktser / Amdo và Phái đoàn cũng nhận ra được ngôi chùa nóc lợp bằng vàng cùng một ngôi nhà nhỏ bên cạnh lợp ngói màu thạch bích như những gì Ngài Reting Rimpoche đã nhìn thấy trên mặt hồ nước thiêng Lhamo Latso.

Trước khi đến ngôi nhà này, nhiều vị trong Phái đoàn hóa trang làm những người dân dã để thử thách ký ức của đứa trẻ. Khi Phái đoàn vừa bước vào nhà thì một đứa trẻ mới 2 tuổi đang chơi sau bếp vội chạy ra phía trước và la lớn rằng: “Lạt Ma, Lạt Ma”. Lúc ấy đứa bé thấy Ngài Kyitsang Rinpoche đang đeo nơi cổ mình một tràng hạt, đứa bé nói rằng: “Cái tràng hạt này của con. Cho con xin lại được không?” Ngài trả lời rằng: Được, nhưng trước tiên con phải nói xem ta là ai? Không một chút suy nghĩ, đứa bé nói ngay: “Ngài là Lạt Ma Sera.” Sau đó đứa bé được tiếp tục trắc nghiệm về những vật dụng mà Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 đã dùng đến. Sau việc trắc nghiệm này mọi người trong Phái đoàn không ai còn nghi ngờ về cậu bé Pabo Dondup nữa, đây chính là hóa thân của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13. Họ đã đón cậu bé này về Lhasa, nhưng Phái đoàn phải đổi một giá rất đắt cho chính quyền địa phương dưới sự quản lý của người Trung Quốc lúc bấy giờ. Đến 2 năm sau Phái đoàn mới cùng đứa bé trở về đến cung điện Potala ở thủ đô Lhasa. Vào ngày 24 tháng 11 năm 1939, đứa bé trai đã được xuống tóc và đổi tên là Tenzin Gyatso. Vào ngày 22 tháng 2 năm 1940, Ngài chính thức được công nhận là Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 của Tây Tạng cũng như nối ngôi pháp tại xứ sở cao nhất quả địa cầu này.”

Nhiều người lầm tưởng rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma là đại diện cho toàn thể Phật Giáo thế giới như Đức Giáo Hoàng của Thiên chúa giáo, nhưng không phải thế. Phật Giáo mỗi nước đều có một vị Tăng Thống, như Vua Sãi của Thái Lan, Tăng Thống của Việt Nam v.v... Phật Giáo Tây Tạng có một truyền thống đặc biệt như thế, nhưng ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Tích Lan lại không, mặc dầu cũng là Phật Giáo. Đây là điều kiện thể nhập giáo lý Đại Thừa vào cuộc sống của người Phật Tử tại xứ đó mà thôi.

Sau đây xin gởi đến quý độc giả một vài nét đặc thù về tiểu sử Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 của Tây Tạng.

Ngài tên là Tenzin Gyatso. Ngài được mọi người xưng tụng là Đức Phật sống, là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, là tượng trưng cho biển trí tuệ, nhưng thông thường người Tây Tạng gọi Ngài là Kundun. Nếu dịch đúng nghĩa bằng tiếng Việt có nghĩa là: hiện thân. Ngài sinh vào ngày 6 tháng 6 năm 1935 tại làng Taktser, tỉnh Amdo, Tây Tạng. Sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng tương đối sung túc vào thời bấy giờ. Cha mẹ Ngài đặt tên cho Ngài là Pabo Dondup. Lúc Ngài mới 2 tuổi thì Phái đoàn các bậc Trưởng Lão đã khám phá ra rằng Ngài là tái thân của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13, nên sau đó đã được cung thỉnh về cung điện Potala tại thủ đô Lhasa. Kể từ ngày 22 tháng 2 năm 1940 trở đi, Ngài là vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 của xứ sở Tây Tạng.

Những ngày tháng ấu thơ của Ngài trong cung điện Potala được Ngài đã mô tả lại trong quyển «Nước Tôi và Dân Tôi» cũng như quyển «Tự Do Trong Lưu Đày». Hai quyển này do chính Ngài viết và Ngài đã mô tả rằng tuổi thơ Ngài thích có những người bạn thân để nô đùa hồn nhiên, nhưng ít được phép. Vì các bậc trưởng thượng lúc nào cũng muốn cho Ngài học cũng như tu để sau này hướng dẫn tinh thần cho người Tây Tạng.

Các vị Thầy danh tiếng đã dạy 7 bộ môn chính cho Ngài và Ngài phải học thuộc lòng nhiều kinh điển cũng như giới luật khác. Ngài cũng phải bắt đầu học những chữ cái, tập viết, đọc và tụng niệm hằng giờ bằng tiếng Tây Tạng cũng như học tiếng Sanskrit và nghệ thuật thơ ca.

Năm 12 tuổi, Ngài đã đi sâu vào các môn biện chứng và luận lý học Phật Giáo. Những luận văn cao siêu như Bát Nhã, Ngài cũng phải học thuộc làu để đàm luận với những bậc cao Tăng.

Năm 13 tuổi Ngài nghiên cứu về những môn siêu hình học và triết lý Phật Giáo. Lúc học, Ngài chẳng hiểu được gì nhiều, nhưng cứ học chồng sách nọ, tiếp theo chồng sách kia và do sự tinh tấn cũng như hành trì thiền định, nên Ngài đã thông suốt về triết lý của Phật Giáo. Một trong những môn học khó nhất, đó là môn Triết Học của Tây Tạng. Phần này được ghi chép lại trong 108 bộ luật của Kanjur và 225 bộ luận của Tanjur. Các bộ luật của Kanjur gồm tổng kết toàn bộ giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Các bộ luận của Tanjur tổng kết lời dạy của các bậc Thầy người Ấn Độ, những lời chú thích và bình luận về kinh điển cũng như các tác phẩm nghiên cứu về khoa học.

Năm 14 tuổi Ngài được nhập học tại tu viện Drepung và Sera và tham gia vào các buổi luận pháp với hàng trăm vị Tăng Sĩ khác. Những buổi luận pháp như thế thường xảy ra rất sôi nổi. Cứ mỗi một câu hỏi được đặt ra thì người hỏi lại vỗ mạnh 2 bàn tay của mình để thúc giục người kia phải trả lời. Đức Đạt-lai Lạt-ma thường hay bị các bậc tôn túc và các huynh đệ đồng tu thử thách: nhưng Ngài rất nhanh lẹ cũng như trả lời rất chính xác về các câu hỏi được đặt ra. Điều mà Ngài thích thú nhất là tìm hiểu về ngành kỹ thuật máy móc, như máy bay, đầu máy xe lửa, vi tính v.v... dĩ nhiên là ngoài những chương trình tu học cũng như thiền định hằng ngày tại tu viện. Ngài hay say mê tháo gỡ những đồng hồ cũ, các hộp đồ chơi v.v... trong những giờ rảnh rỗi và sau đó tự lắp ráp lại. Ngài có quen với một người Anh tên là Henrich Harrer nên Ngài cũng đã học được từ ông ta tiếng Anh cũng như lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của người Âu Mỹ. Tiếng Anh của Ngài nói bây giờ rất đơn giản, nhưng nội dung rất sâu sắc, khiến cho nhiều người nghe Ngài đã lộ vẻ biểu đồng tình và hiểu Đạo Phật qua cái nhìn từ bi của Ngài. Những lúc thuyết pháp có người Âu Mỹ đa phần Ngài dùng tiếng Tây Tạng, có người thông dịch, nhưng nếu có yêu cầu, thỉnh thoảng Ngài vẫn nói tiếng Anh một cách lưu loát.

Vào ngày 7 tháng 10 năm 1950, bỗng dưng nước Tây Tạng bị xáo trộn bởi đoàn quân viễn chinh của Trung Quốc. Và cũng chính từ ngày này trở đi nước Tây Tạng bị Trung Hoa Cộng Sản chiếm đóng một cách bất hợp pháp cho đến ngày nay. Các chùa chiền, tượng Phật bị đập phá, các Tu sĩ bị giết chóc, tù đày và nhiều người tu bị bắt phải hoàn tục.

Vào ngày 17 tháng 11 năm 1951 lúc Ngài mới 16 tuổi, đã phải đảm nhận công việc lãnh đạo tinh thần cũng như thế tục cho nhân dân Tây Tạng.

Năm 1954 Ngài được vị Thầy Trí Tuệ Tsongkhapa cho thọ giới Tỳ Kheo. Lúc này Ngài gần 20 tuổi. Suốt cả thời gian nghiên cứu, học tập giáo lý cũng như thiền định, Ngài đạt được danh hiệu Geshe Lhampara, có nghĩa là Tiến Sĩ về giới luật cũng như các môn học về tánh không của Phật Giáo. Đó là năm 1959, lúc Ngài 24 tuổi.

Đối với người Tăng Sĩ Phật Giáo, bằng cấp không là điều quan trọng, nhưng sở học và sở tu ngày nay phải dựa vào sự tu, học để công nhận. Ngày xưa Đức Phật thì dựa vào tu chứng cũng như nỗ lực công phu thiền định để ấn chứng cho các vị đạt đạo giác ngộ. Tuy nhiên, bằng cấp cũng phải do sự tu học mà có, chứ không phải bằng cấp tự nhiên mà hình thành. Do vậy, nếu ai nỗ lực, người ấy sẽ thành tựu viên mãn. Sự tu chứng cũng thế, nếu người nào dốc tâm, kẻ ấy sẽ phá vỡ được vòng luân hồi sanh tử.

Sống chung 10 năm với chính quyền Cộng Sản Trung Quốc, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã biết rõ mưu toan của chính quyền này nhằm hủy diệt nền Phật Giáo Tây Tạng, nên vào đêm 17 tháng 3 năm 1959 Ngài đã cải trang thành thường dân, cùng với 30 người thân cận khác trốn ra khỏi cung điện Potala. Ngài phải chịu đựng gần như ngạt thở trước những trạm kiểm soát của quân đội Trung Cộng trên đường đi qua biên giới Ấn Độ.

Vào ngày 31 tháng 3 năm 1959, nghĩa là sau 14 ngày vượt biên gian khổ và nguy hiểm, Phái đoàn đã được chính quyền địa phương bên kia biên giới Ấn Độ tiếp đón ân cần, nồng nhiệt và cho phép Ngài cùng với những người Tây Tạng khác tỵ nạn cho đến ngày hôm nay.

Vào ngày 17 tháng 3 năm 1959, Ngài được biết là quân đội Trung Cộng đã dội bom cung điện Potala, cung điện bị hư hại rất nhiều. Một số Tu sĩ cũng như thường dân bị thiệt mạng và số khác thì bị bắt dẫn đi. Kể từ khi Ngài bỏ nước ra đi, đã có thêm 5.000 Tăng sĩ và 60.000 người dân Tây Tạng theo gót Ngài băng qua núi rừng hiểm trở để đến Ấn Độ, Nepal hoặc Bhutan xin tỵ nạn chính trị. Trên đường đi gian khổ này đã có không biết bao nhiêu người bị tử nạn, vì thiên nhiên khắc nghiệt, vì hùm beo sói dữ và điều chính là sự canh phòng cẩn mật của quân đội Trung Cộng.

Đến tháng 5 năm 1960 Ngài và đoàn tùy tùng đã di chuyển về Dharamsala nơi miền Bắc xứ Ấn Độ và lập chính phủ lưu vong ở đó cho đến ngày nay. Suốt trong thời gian ở Ấn Độ gần 40 năm dài, Ngài đã vân du hóa độ khắp nơi trên thế giới để vận động cho quyền tự chủ và tự do tôn giáo cho dân tộc Tây Tạng. Cũng kể từ khi Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 ở ngoài xứ Tây Tạng, thế giới lại có cơ hội để tìm hiểu về dân tộc này nhiều hơn, nhất là Bộ phái Kim Cang Thừa của Phật Giáo Tây Tạng hay nói đúng hơn là Mật Giáo, một danh từ bình thường có rất nhiều người Việt Nam biết đến.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1989 nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Ngài đã đến Oslo, thủ đô nước Na Uy, để nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình thế giới, do kết quả của việc tranh đấu bất bạo động trong suốt thời gian dài mà Ngài đã hy sinh cho dân tộc Tây Tạng. Báo chí lúc bấy giờ hỏi Ngài rằng: Cảm tưởng của Ngài như thế nào sau khi nhận lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình thế giới? Ngài mỉm cười và từ tốn trả lời rằng: «Trước khi tôi lãnh giải thưởng cao quý này, tôi đã là một Tu sĩ Phật Giáo và bây giờ đây, đơn thuần tôi cũng chỉ là một Tu sĩ Phật Giáo mà thôi.» Quả là một câu trả lời đầy ý nghĩa. Ngài rất khiêm tốn, giản dị và hài hòa, thông thái, lịch lãm, cho nên những nhà trí thức Âu Mỹ như anh ruột của Tổng Thống Đức Weizsäcker, là một nhà vật lý học nổi tiếng của Đức đã ca ngợi Ngài không hết lời, các tài tử điện ảnh nổi tiếng của Hollywood như Richard Gere và các ca sĩ Tina Turner hay các cầu thủ đá banh lừng danh thế giới v.v... cũng đều có cảm tình đặc biệt với Ngài và quy y với Ngài.

Cũng nhân duyên ấy, nên ngày 18 tháng 5 năm 1995, chùa Viên Giác tại Hannover đã được cung đón Ngài về đây trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Phật Tử từ khắp muôn nơi lại có cơ hội quy tụ về đây để diện kiến Ngài và nghe những pháp âm vi diệu của một bậc Đại Sĩ, hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Hình ảnh ấy vẫn còn ghi đậm nét nơi tâm khảm của mình, nên năm 1999 này tôi cố gắng ghi lại một vài nét chính trong lần diện kiến này để mai sau còn một chút tư liệu cho hậu thế cũng như suốt một tuần lễ từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 1998 vừa qua tôi đã đến và ở lại Schneverdingen, một địa phương nhỏ ở miền Bắc Đức, để học phép tiệm tu Lamrim với hơn 10.000 người khác đến từ khắp nơi trên thế giới và đây cũng là cơ hội để diện kiến Ngài.

Đạo Phật đến với Á Châu từ cơ sở hạ tầng, sau đó mới đến quan lại của triều đình và vua chúa, nhưng Đạo Phật đến Âu Châu thì ngược lại. Đa phần là giới trí thức tin theo trước, sau đó mới tới những người dân dã. Tại sao vậy? Có lẽ ngày nay qua phương diện truyền thông, báo chí, người trí thức dễ hội nhập hơn. Vả lại những vấn đề nóng bỏng của xã hội cũng như của Tôn giáo đã được đặt ra nhưng ít có người và ít có Tôn giáo Tây Phương nào thỏa mãn được những đòi hỏi ấy, nhất là vấn đề nhân sinh quan, vũ trụ quan v.v... đặc biệt là con người và sự hiện hữu của thế giới này. Do vậy mà Phật Giáo đã đóng góp một vai trò tích cực đối với những người Phật Tử trí thức Tây Phương. Ví dụ như Tolstoi của Nga, Schopenhauer, Nietzsche của Đức v.v... họ là những người trí thức, nhưng thời điểm của họ cách đây 200 năm trở lại, những vị này đến với Phật Giáo và hiểu Phật Giáo qua con đường Nam truyền nên có vẻ tiêu cực, nhưng ở đầu và cuối thế kỷ 20 này các nhà bác học như Albert Einstein chẳng hạn, mặc dầu không phải là Phật Tử, nhưng đã chấp nhận Phật Giáo là một tôn giáo hợp với khoa học, không những thế mà còn vượt lên trên khoa học nữa. Điều này chứng tỏ rằng con đường của Đại Thừa Phật giáo về tánh không, bát nhã, nhân duyên sanh v.v... đã hội nhập khá nhiều vào xã hội Âu Mỹ ngày nay.

Rồi Đức Đạt-lai Lạt-ma đến cùng với các bậc Đại Sư của Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Tích Lan, Thái Lan v.v... đã góp mặt với sự hình thành của Phật Giáo trên khắp hoàn vũ ngày nay, một Phật Giáo sinh động, vị tha, từ ái và bao dung, nên đã được mọi người chấp nhận một cách dễ dàng.

Đạo Phật không đi truyền giáo, vì bản chất của Đạo Phật là tự giác. Tự mỗi người phải hiểu biết điều mình làm và từ đó nhận chân ra giá trị của nó, để rồi hướng đến, tiến vào và chấp nhận. Giả sử nếu không còn thích hợp nữa, thì cứ việc đương nhiên ly khai v.v... Việc ấy không thành vấn đề với Đạo Phật. Đây là một sự thẩm thấu có lý tưởng. Biết đâu một ngày gần đây, trong thiên niên kỷ thứ ba này, Đạo Phật sẽ là đạo của nhân loại, chung cho tất cả những giống dân trên hoàn vũ này, cho người trí thức cũng như người bình dân, để từ đó Đạo Phật là một chất liệu dưỡng sinh, nhằm dung hóa mọi trăn trở của cuộc sống và hướng dẫn mọi người đi vào con đường giác ngộ giải thoát cho kiếp nhân sinh.

Giáo lý Phật Giáo Tây Tạng trong bao thế kỷ qua đã bị đóng khung nơi núi đồi của Hy Mã Lạp Sơn. Có nhiều nhà thám hiểm đến đó, nhưng họ cũng đã không mang được gì nhiều về cho nhân loại. May thay, từ năm 1959 trở lại đây, giáo lý ấy đã được dàn trải khắp năm châu bốn biển bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và hầu như nước nào cũng có những bậc Đại Sư của Tây Tạng đến để hướng dẫn tinh thần. Chỉ tiếc một điều là các bậc trưởng lão này không nói được nhiều ngoại ngữ, do đó có giới hạn trong việc tiếp xúc. Hy vọng ở thế hệ kế tiếp, những vị Tăng sĩ sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, Nepal, Bhutan v.v... sẽ có khả năng nói rành ngoại ngữ để người ngoại quốc đến với Phật Giáo Tây Tạng một cách dễ dàng hơn.

Sự có mặt của Phật Giáo ngày nay tại ngoại quốc không phải chỉ riêng Phật Giáo Tây Tạng, mà trước đây gần 2 thế kỷ Phật Giáo Nam Tông cũng đã đóng góp một cách tích cực cho sự lớn mạnh của Phật Giáo sau này. Ví dụ như ở Đức có Bác sĩ Paul Dahlke từ Berlin đã đến Tích Lan để học đạo, sau đó về lại Đức và hiến cơ sở tư nhân của mình cho Phật Giáo để làm chùa vào đầu thế kỷ 20 và chùa này cũng như Hội Phật Giáo Nam Tông vẫn còn tồn tại tại Berlin cho đến ngày hôm nay. Sau đó là Ngài Lama Govinda, cũng người Đức, sau khi tham cứu với Phật Giáo Nam Tông, Ngài đã sang học hỏi nơi Kim Cang Thừa của Tây Tạng và cũng đã thành công một cách tuyệt vời.

Phật Giáo Nhật Bản, Phật Giáo Đại Hàn, Phật Giáo Trung Hoa và Phật Giáo Việt Nam cũng đã đóng góp phần mình không nhỏ vào sự phát triển của Phật Giáo tại Âu Mỹ ngày nay. Qua sự chuyên tu, hành trì các pháp môn Thiền, Tịnh Độ, Mật, Luật v.v... đã làm cho sức sống nội tâm của các bậc tôn túc càng ngày càng cao và từ đó, mang sở tu sở học của mình đi vào cuộc đời để chuyển hóa nhân sinh một cách dễ dàng hơn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.25.212 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (126 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...