Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma »» Chương V: Nương theo lòng từ của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 - Một số Phật sự tiếp theo tại Âu Châu và Đức »»

Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma
»» Chương V: Nương theo lòng từ của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 - Một số Phật sự tiếp theo tại Âu Châu và Đức

Donate

(Lượt xem: 5.839)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma - Chương V: Nương theo lòng từ của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 - Một số Phật sự tiếp theo tại Âu Châu và Đức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Mùa hạ năm nay Chùa Viên Giác tại Hannover cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu có nhiều điều đặc biệt, tôi sẽ cố gắng ghi lại hết tất cả những sự kiện đã xảy ra trong tháng 7 của năm 1999 này, nhằm gởi đến các độc giả xa gần không có cơ duyên để tham gia những khóa tu học như thế. Thiết tưởng đây cũng không ra ngoài việc thể hiện tâm từ bi và hoằng truyền giáo pháp của Như Lai đến mọi người và mọi loài trên hoàn vũ mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đang thể hiện, nên tôi đã cho những tiêu đề trên vào quyển sách này.

Phải thành thật mà nói rằng nơi nào có tổ chức, nơi nào có kết đoàn, nơi nào có nhiều người lo cho việc chung, thì nơi đó thành tựu nhiều công việc lợi ích to lớn cho đại chúng. Điều ấy hẳn Đức Phật đã dạy cho chúng ta từ ngàn xưa, nhưng chúng ta quên thực hiện đó thôi. Ngày nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu Châu thể hiện tinh thần lục hòa đó, mà tất cả những công tác Phật sự đề ra đều đã được thực hiện một cách trọn vẹn.

Mở đầu cho việc này, Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự Âu Châu là Thích Tánh Thiệt đã gởi văn thư khắp các chùa trong Giáo Hội Âu Châu, nơi có Tăng Ni trụ trì và Tăng chúng tu học, nên dành thời gian từ ngày 1 đến 11 tháng 7 năm 1999 vân tập về Chùa Viên Giác tại Hannover để An Cư Kiết Hạ, thúc liễm thân tâm, tu hành công đức. Thiết nghĩ truyền thống này đã có từ thời Đức Phật. Cứ mỗi năm đến mùa mưa là chư Tăng Ni ngưng việc du phương hoằng hóa mà 3 tháng ấy cấm túc một nơi để trau giồi giới luật và nhiếp hóa nội tâm, nhằm làm cho nội lực càng ngày càng được tăng trưởng, sau 3 tháng an cư ấy, chư Tăng Ni lại mỗi người một ngã ra đi khắp bốn phương trời để tiếp tăng độ chúng, nhằm báo Phật ân đức vậy.

Nhưng theo truyền thống của Phật Giáo Nam Tông thì mùa An Cư Kiết Hạ bắt đầu từ rằm tháng 6 âm lịch và chấm dứt vào rằm tháng 9 âm lịch. Vì lẽ ở Ấn Độ đây là mùa mưa. Còn các nước theo Phật Giáo Đại Thừa như Việt Nam, Trung Hoa, Đại Hàn đều cử hành mùa An Cư Kiết Hạ vào ngay sau lễ Phật Đản rằm tháng 4 đến lễ Vu Lan rằm tháng 7 âm lịch. Đây có lẽ là mùa nóng nực, hay có những cơn mưa mùa hạ và cũng là mùa kỷ niệm giữa 2 lễ quan trọng của Phật Giáo, nên chư Tổ trong quá khứ đã chọn như vậy cho thuận duyên chăng? Cũng có nhiều nơi tại Á Châu An Cư Kiết Đông chứ không phải Kiết Hạ. Nghĩa là khi mùa Đông đến, khí trời lạnh lẽo, chư Tăng Ni vân tập lại một nơi để làm lễ Yết Ma, tụng giới và Bố Tát. Như thế, đây là một truyền thống đẹp của Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo Á Châu vậy. Thời kỳ từ ngày 16 tháng 4 đến 16 tháng 5 âm lịch gọi là tiền an cư. Từ 16 tháng 5 âm lịch trở đi gọi là hậu an cư. Lúc vào hạ có kiết giới an cư, lúc ra hạ có làm lễ mãn hạ, tự tứ hay có nơi còn gọi là giải hạ. Phải kể cho đủ 90 ngày trong vòng 3 tháng, nên gọi là: Tam nguyệt an cư và cửu tuần cấm túc. Cửu tuần là 9 tuần. Mỗi tuần có 10 ngày. Mỗi tháng có 30 ngày. 10 ngày đầu gọi là Thượng tuần. 10 ngày giữa gọi là Trung tuần và 10 ngày cuối gọi là Hạ tuần. Trong thời gian 90 ngày này nếu có duyên sự mới được đi ra khỏi chùa, từ 1 cho đến 7 ngày. Lâu nhất là không quá 45 ngày. Nếu quá 45 ngày xem như năm đó người an cư không được kể một tuổi hạ. Trong mùa an cư, cứ mỗi nửa tháng vào ngày rằm và mồng một đều có tụng giới Tỳ Kheo và Bố Tát. Đây là cơ hội để cho chư Tăng Ni cũng như Phật Tử tại gia ôn lại những giới luật mà mình đã thọ. Trong trường hợp quên, hoặc lỡ lầm bị phạm thì cứ như pháp mà sám hối.

Tại Âu Châu có một số chùa thực hiện trọn vẹn mỗi năm 3 tháng An Cư Kiết Hạ có đầy đủ nhị bộ Tăng. Nghĩa là ít nhất bên Ni có 4 vị Tỳ Kheo Ni và bên Tăng cũng có 4 vị Tỳ Kheo Tăng trở lên. Nếu dưới số này thì gọi là Tâm Niệm An Cư hoặc Cấm Túc mà thôi. Chùa Linh Sơn tại Paris - Pháp quốc, đã giữ được truyền thống này gần 20 năm nay. Riêng chùa Viên Giác tại Hannover, tôi cũng cố gắng duy trì từ năm 1984 đến nay (1999) đã 15 năm rồi. Đây là một hình ảnh rất đẹp. Mấy năm đầu không đủ túc số 4 vị Tỳ Kheo, tôi phải mời thêm chư Tăng tại Pháp về kiết giới cho đủ. Sau này tại Đức và tại chùa Viên Giác số lượng Tỳ Kheo cũng như Tỳ Kheo Ni đầy đủ, nên việc An Cư lại thuận duyên hơn.

Các Thức Xoa, Sa Di và Sa Di Ni cũng có mặt trong mùa An Cư, nhưng các vị này vì mới xuất gia nên gọi là Tập sự An cư, chứ chưa gọi là An Cư Kiết Hạ. Đây là thời gian để các vị này học hỏi, chiêm nghiệm những gì mà các vị Tỳ Kheo đang tu tập và sau một thời gian năm, ba năm như thế, họ sẽ được thọ giới pháp Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, để từ đó họ sẽ đi vào những mùa An Cư Kiết Hạ kế tiếp.

Riêng chư Tăng Ni tại Âu Châu thì ít mà công việc Phật sự lại quá nhiều, nên các vị bận bịu suốt năm phải đi hoằng hóa khắp nơi. Do vậy mà Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự chỉ mong an cư cho Tăng chúng được 10 ngày là quý hóa lắm rồi. Lẽ ra phải 14 ngày như đã định, nhưng cuối cùng rồi cũng chỉ 10 ngày cho toàn vùng Âu Châu và sang năm 2000, thời gian này sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần lễ, từ ngày 1 đến ngày 14 tháng 7. Tuy thời gian ít như vậy mà có một số quý vị tôn túc cũng không đến an cư trọn vẹn được. Riêng chúng xuất gia của một số các chùa tại Âu Châu gởi đến thì ở trọn vẹn trong vòng 10 ngày này. Chư Tăng Ni nếu ý niệm được việc này thì quá quý cho chính tự thân của mình. Vì lẽ khi đi ra hành đạo, mình đã dùng năng lực của mình rất nhiều trong việc diễn giảng. Nếu không bù đắp vào phần tự lực này, chắc chắn tự lực sẽ hao mòn, mà một điều phải thành thực khẳng định rằng tự lực này chỉ ở trong mùa An Cư Kiết Hạ mà có, ngoài thời gian này các vị tuy có hành thiền, tụng kinh, bái sám, nhưng năng lực không bằng trong mùa An Cư. Vì lẽ «Đức chúng như hải», nương vào nhau để thành tựu đạo nghiệp. Trong khi ở chùa riêng một mình, công phu hành trì chắc chắn là không thành tựu được như thế.

Tôi được biết Đức Đạt-lai Lạt-ma, Ngài là vị hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng mỗi ngày Ngài vẫn hành trì pháp tu của Ngài như trì chú, tụng kinh và tọa thiền cả mấy tiếng đồng hồ để gia thêm năng lực. Còn chúng ta những vị Tăng bình thường, há không học theo được hạnh ấy ư? Đây là một cách nhắc nhở và đây cũng là một biểu tượng cho mọi người Tăng sĩ phải noi theo.

Chương trình tu học trong thời khóa 10 ngày này căn bản vẫn là tụng kinh, ngồi thiền, kinh hành nhiễu Phật, trì chú, lạy Phật. Ngoài ra còn có thêm những giờ học cho Tăng Ni riêng và các Cư sĩ Phật Tử riêng. Mỗi sáng sau giờ tọa thiền, công phu, dùng điểm tâm là đến giờ học. 11 giờ quá đường và 2 giờ rưỡi chiều học đến 4 giờ để 5 giờ đi công phu và 6 giờ rưỡi dùng tối. Đến 8 giờ tối là lễ bái kinh Đại Bát Niết Bàn mỗi chữ mỗi lạy. Cứ mỗi đêm như vậy lạy trong vòng 1 tiếng đồng hồ được chừng 300 đến 350 lạy. Mấy ngày đầu có một số quý vị Cư sĩ chưa quen, nhưng sau dần cũng thuần thục đi.

Trong khóa An Cư 10 ngày này có một khóa Tu Gieo Duyên cho các Phật Tử tại gia, đa phần đã thọ Bồ Tát Giới. Có người ăn chay 10 ngày và đa phần là ăn chay trường. Hôm ngày 1 tháng 7 năm 1999 sau khi lễ khai giảng có lễ xuống tóc và lễ đắp y màu nâu cho các vị cư sĩ này. Năm nay tại chùa Viên Giác có 70 vị cư sĩ và 50 Tăng Ni tu học. Cộng chung lại mỗi ngày là 120 vị. Trong 70 vị này có 40 nữ và 30 nam. Số Cư sĩ nam xuống tóc gần hết, chỉ còn 2 người chưa xuống tóc. Số Cư sĩ nữ chỉ xuống tóc một nửa số người tham dự. Kể ra thật cảm động. Vì đây là lần đầu tiên, tạo cơ hội cho người Cư sĩ tại gia có được một thời gian ngắn để Tu Gieo Duyên như thế ở chùa.

Y này gọi là mạn y, nghĩa là cái Y có 2 miếng vải nối lại. Y này chỉ được đắp khi Tu Gieo Duyên 2 tuần mỗi năm và 10 ngày trong khóa Giáo Lý Âu Châu. Ngoài thời gian này các Cư sĩ không được đắp, mà chỉ được thờ y này tại tư gia của mình mà thôi. Sau khi xuống tóc, đắp y lên mình, thấy hình tướng rất trang nghiêm. Còn vị nào chưa xuống tóc, thấy hơi khác lạ một chút, nhưng nhìn dần rồi cũng quen đi.

Đến ngày 10 tháng 7 năm 1999 có một giới đàn Tỳ Kheo cho quý chú Tịnh Thông (Anh), chú Quảng Viên (Pháp), Hạnh Từ, Hạnh An (Đức) thọ giới, đồng thời cũng có một lễ truyền Bồ Tát giới tại gia cho gần 20 vị, thọ chung với quý vị đã thọ Tỳ Kheo. Đặc biệt trong giới đàn này có làm lễ tấn hương 3 liều cho các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni và các vị Cư sĩ Tu Gieo Duyên cũng đã có 5 vị xin tấn hương một liều để cúng dường chư Phật và kỷ niệm những ngày tu hành trong khóa gieo duyên này.

Giới Sư gồm có :

- Đàn Đầu Hòa Thượng: Hòa Thượng Thích Minh Tâm
- Yết Ma A Xà Lê: Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt
- Giáo Thọ A Xà Lê: Thượng Tọa Thích Quảng Bình

Từ đệ nhất đến đệ thất tôn chứng Sư gồm:

- Thượng Tọa Thích Như Điển
- Thượng Tọa Thích Thiện Thông
- Thượng Tọa Thích Nhất Chơn
- Thượng Tọa Thích Minh Giác
- Đại Đức Thích Tâm Huệ
- Đại Đức Thích Quảng Đạo
- Đại Đức Thích Từ Trí

Phần dẫn thỉnh Sư do Đại Đức Thích Chúc Nhuận hướng dẫn. Đại Đức Thích Tịnh Phước, Đại Đức Thích Hạnh Bảo và Hạnh Vân hộ đàn.

Như thế là một giới đàn đủ Tam sư Thất chứng để làm lễ tác pháp Yết ma. Như thế giới thể của giới tử mới được thành tựu. Ngày xưa khi Phật còn tại thế thì không cần những giới đàn như thế. Vì qua con mắt trí tuệ của Phật, Ngài xem biết ai là người sắp đắc thánh quả nên cho thọ giới và riêng mình Phật cũng đầy đủ tư cách giới sư để truyền giới cho các Tỳ Kheo rồi. Ngày nay đức hạnh của chư Tăng thua sút chư Tổ và chư Phật rất xa, nên rất cần có một sự hiện diện đủ Tam sư Thất chứng như thế. Trong luật tứ phần cũng cho phép là khi nào truyền giới ở nơi xa, không đủ 10 vị thì 5 vị cũng hợp pháp. Đó là 3 vị Đàn Đầu, Yết Ma, Giáo Thọ và 2 vị Tôn chứng sư.

Mỗi ngày như vậy có một số quý Phật Tử tham gia cúng dường trai phạn để cầu nguyện cho người còn được an lạc, kẻ thác được siêu thắng. Có lễ tác bạch lên chư Tăng Ni hiện diện và ngày cuối hạ có lễ dâng tịnh tài lên cúng dường hiện tiền Tăng Bảo. Đây cũng là truyền thống đẹp và mong rằng mỗi năm khi người Phật Tử quy tụ về chùa đều mở tâm từ bi để thực hành những công hạnh như bố thí và trì giới để được tăng phước và tăng huệ.

Phần hướng dẫn giáo lý có tôi và Thượng Tọa Thiện Thông cũng như Thượng Tọa Nhất Chơn cho cả khóa tại gia lẫn xuất gia. Phần nghi lễ cho Phật Tử tại gia và tập các khoa nghi căn bản trong thiền môn cho giới xuất gia do Thượng Tọa Thích Quảng Bình hướng dẫn.

Vào sáng ngày 11 tháng 7 năm 1999 chư Tăng Ni vân tập nơi chánh điện chùa Viên Giác để làm lễ tự tứ trong thời gian đã an cư. Riêng chúng thường trụ của chùa Viên Giác vẫn giữ lệ cũ là đến Rằm tháng Bảy âm lịch mới tự tứ chính thức. Sau khi an cư ngắn hạn này kết thúc, một số quý Phật Tử trở lại địa phương của mình, nhưng cũng có một số quý Phật Tử vẫn còn ở lại chùa tập sự an cư cho tròn 3 tháng hạ. Quý Thầy, quý Cô trong Giáo Hội cũng đã trở lại nơi trụ xứ của mình để thừa hành những Phật sự còn dở dang chưa hoàn thành khi trước.

Cảm tưởng của những vị Cư sĩ tại gia sau khi ở chùa 10 ngày và được Tu Gieo Duyên, đắp y, thọ giới thì có rất nhiều và mỗi người mỗi khác. Tựu chung vẫn là một giá trị tinh thần cao chất ngất mà chắc chắn rằng trong đời họ khó có được như thế, nếu không có sự lưu tâm của Giáo Hội Âu Châu để cho các vị Cư sĩ tại gia được học hạnh của người xuất gia trong thời gian ngắn hạn như thế. Rồi đây trong những năm kế tiếp nữa sẽ còn nhiều khóa Tu Gieo Duyên như thế tại Âu Châu và số lượng này chắc chắn còn gia tăng gấp đôi, gấp ba theo cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng như trong năm đầu tiên này. Mong rằng đây là những thành tựu căn bản và là nền móng vững chắc của Giáo Hội trong những năm sắp tới nữa.

Tiếp theo sau khóa Tu Gieo Duyên tại chùa Viên Giác, các anh chị em Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử khắp Âu Châu lại vân tập về chùa Viên Giác để dự khóa huấn luyện Huyền Trang từ ngày 14 đến ngày 20.7.1999 trong vòng 1 tuần lễ. Đây là khóa huấn luyện đầu tiên của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu ở cấp cao. Có gần 40 Huynh Trưởng về tham dự. Phía Ban Hướng Dẫn Lâm Thời Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại có cử anh Tâm Trí Tư Đồ Minh từ Canada sang tham dự và thuyết trình. Phía bên quý Thầy có tôi, Thượng Tọa Thiện Thông và đặc biệt có mời Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Thanh Niên Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ sang hướng dẫn giáo lý và trao đổi kinh nghiệm sinh hoạt giữa các Châu. Gần cuối khóa vào ngày 19.7.1999 có Thượng Tọa Thích Bảo Lạc đến từ Úc Đại Lợi cũng đã gặp mặt các anh chị em Huynh Trưởng nói chuyện trong vòng hơn một tiếng đồng hồ cũng như tham gia đêm đốt đèn cầu nguyện cho Hòa Thượng Thích Thiện Minh và chứng minh cho các anh chị em Huynh Trưởng tuyên thệ lên cấp Tập.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại đã tiếp nối được tinh thần của Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ trong nước, đã được thành lập hơn 50 năm về trước do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám chủ xướng và tồn tại cho đến ngày nay. Đây là một tổ chức trẻ có nhiều năng động và có nhiều sáng kiến trong những sinh hoạt văn hóa, học đường, đức dục cũng như trí dục.

Tại khắp Âu Châu có hơn 1.000 Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử. Họ đa phần là Sinh viên, Học sinh trong các Trường Đại Học và Trung Học. Có người đã thành tài, ra đi làm việc nhưng vẫn còn gắn bó với Gia Đình Phật Tử. Có nhiều người 60 hay 70 tuổi nhưng vẫn còn mặc trên mình chiếc áo lam và vẫn được gọi là Anh hay Chị Trưởng. Sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử là sinh hoạt của Hướng Đạo Thế Giới đã cải cách rất nhiều để phù hợp với tinh thần Phật Giáo Việt Nam. Ngoài việc thêm phần giáo lý ra, về đồng phục, huy hiệu, cấp bậc cũng được sáng chế theo hoàn cảnh của đất nước Việt Nam. Đây là một tổ chức Thanh niên Thanh nữ Phật Tử kiểu mẫu mà các nước Phật Giáo khác trên thế giới chưa thành hình được.

Trong mùa Phục Sinh năm 2000, một cuộc Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại sẽ được tổ chức tại chùa Viên Giác Hannover để cho các Anh Chị Em Huynh Trưởng gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau và để từ đó, có thể đi đến một điểm chung, làm nền móng cho tổ chức ngày nay tại Hải Ngoại. Vì lâu nay các Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ chưa có cơ hội để thực hiện điều này. Mong rằng cuộc Đại Hội này sẽ được thành tựu.

Các anh em cắm trại tại sân chùa và có những giờ giấc tự trị đội chúng riêng biệt để thi đua và kiện toàn tổ chức cũng như đội ngũ. Trời mùa hè năm nay tại Âu Châu tương đối nóng, do vậy mà việc cắm trại không có gì trở ngại lắm. Theo chương trình huấn luyện của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước, các Đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử lần lượt theo các kỳ trại huấn luyện là Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang và Vạn Hạnh. Trại Lộc Uyển là trại huấn luyện căn bản nhất, giống như quân trường khi quân nhân bắt đầu cuộc đời làm lính, đến trại A Dục tương đối thư thả hơn. Rồi đến trại Huyền Trang huấn luyện các Huynh Trưởng, do vậy có nhiều thì giờ để thảo luận và giải quyết vấn đề. Đến trại Vạn Hạnh xem như hoàn tất chương trình sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử.

Phía trên tôi có trình bày rằng Gia Đình Phật Tử Việt Nam được cải cách từ Hướng Đạo. Điều ấy dĩ nhiên không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Vì lẽ Gia Đình Phật Tử có châm ngôn riêng, có cờ đoàn riêng, có huy hiệu riêng và có cách giáo dục riêng cho các Đoàn sinh của người con Phật trở thành những người hữu ích cho Dân Tộc và Đạo Pháp. Ngày nay ra ngoại quốc sinh hoạt, mới thấy được sinh hoạt của Hướng Đạo. Họ cũng có những sinh hoạt tự trị Đội, Đoàn như Gia Đình Phật Tử, cũng học thắt gút, Morse, dấu đi đường v.v... mà Hướng Đạo thì có trước Gia Đình Phật Tử, chắc rằng Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người khai sinh ra phong trào Gia Đình Phật Tử cũng như các Anh Chị Huynh Trưởng thuở bấy giờ đã học từ cách sinh hoạt của Hướng Đạo mà biến thành tổ chức này chăng? Không ít thì nhiều chắc cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên màu sắc của Gia Đình Phật Tử cũng như nội dung và cách tu học đã cảm hóa cũng như dung thông với tuổi trẻ và tinh thần học Phật của Đạo Phật Việt Nam. Do đó có thể kết luận rằng Gia Đình Phật Tử là đứa con tinh thần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng không phải là điều không hãnh diện.

Tối ngày 20 tháng 7 năm 1999 cũng là ngày bế mạc trại. Các anh chị rất cảm động. Vì sống chung với nhau cả một tuần dưới mái chùa thân yêu được sự dìu dắt của quý Thầy, được sự chăm lo của Ban Bảo Trợ, do vậy mà tình lam càng ngày càng gắn bó hơn. Năm nay Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Âu Châu cũng đã được bầu lại và hôm lễ bế mạc cũng là cơ hội để giới thiệu thành phần Ban Hướng Dẫn mới đến với chư Tôn Đức hiện diện và các Gia Đình Phật Tử. Một điều đặc biệt là hầu hết các anh chị em trong Ban Hướng Dẫn và các Huynh Trưởng cầm đoàn đều đã thọ Bồ Tát giới tại gia. Nhân trại huấn luyện Huyền Trang này có 8 anh chị Trưởng cũng đã phát nguyện thọ Bồ Tát giới. Trong mấy chương trước như chúng ta đã thấy Đức Đạt-lai Lạt-ma hướng dẫn mọi người phát tâm quy y Tam Bảo, kế đến phát Bồ Đề tâm, rồi thọ Bồ Tát giới để đi vào con đường của Đại Thừa Giáo. Có như vậy tinh thần học Phật mới được triển khai vào trong quần chúng. Ở đây Gia Đình Phật Tử Việt Nam cũng thực hành Bồ Tát hạnh ấy, nên đã vào đời và đã được đời chấp nhận. Cho nên dầu sinh hoạt dưới hình thức nào đi chăng nữa, tinh thần phụng sự vẫn là tinh thần căn bản để thực hiện ý chí cũng như tâm nguyện của mình. Các anh chị em Huynh Trưởng thường hay phát nguyện rằng: «Chúng con vui sau cái vui của kẻ khác và chịu khổ trước cái khổ của mọi người». Chỉ trong một câu châm ngôn này thôi đã thấy tính tích cực của Gia Đình Phật Tử vậy.

Gia Đình Phật Tử có chia ra làm nhiều ngành khác nhau như: Oanh Vũ - Thiếu - Thanh. Tùy theo độ tuổi khác nhau mà các anh em sinh hoạt trong Đoàn của mình. Ngày nay phong trào này đã lớn mạnh khắp năm Châu và hy vọng rằng dầu ở nơi đâu Gia Đình Phật Tử Việt Nam vẫn là tổ chức căn bản, rường cột của tuổi trẻ. Vì qua giáo dục của Gia Đình Phật Tử, người thanh niên, thanh nữ khó mà bị quyến rũ vào những con đường trụy lạc như hút sách, rượu chè, cờ bạc v.v... Tựu chung, đây là một tổ chức của thanh thiếu niên rất lành mạnh, cha mẹ có con em nên cho gia nhập vào Gia Đình Phật Tử để thêm phần lợi lạc.

Tiếp theo công việc của tháng 7 là khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu tổ chức từ ngày 21 đến ngày 30 tháng 7 năm 1999 tại Oslo - Na Uy. Phải nói rằng đây là một địa phương xa nhất, nằm ở cực Bắc của quả địa cầu, nhưng vì có kết hợp với Lễ Khánh Thành của Chùa Khuông Việt vào ngày 31.7.1999 nên số người tham dự tương đối đông. Năm nay lớp Tu Học Phật Pháp này quy tụ gần 100 Tăng Ni khắp Âu Châu và gần 600 Phật Tử đến từ 11 nước tại Âu Châu và có 8 Phật Tử từ Hoa Kỳ cũng đến tham dự. Ngoài những vị giảng sư chủ lực của Giáo Hội Âu Châu ra, còn có những vị giảng sư đến từ Úc như Thượng Tọa Thích Bảo Lạc và Thượng Tọa Thích Phước Nhơn. Trong khóa học có thêm sự thăm viếng của Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Đại Đức Thích Tâm Minh cũng đến từ Úc và tham dự Lễ Khánh Thành chùa Khuông Việt cũng như tham dự Lễ Chẩn Tế Cô Hồn. Đại Đức Thích Trường Phước đến từ Canada và Thượng Tọa Thích Viên Lý đến từ Hoa Kỳ.

Kể ra như vậy để thấy rằng khóa Tu Học Phật Pháp của Âu Châu mỗi năm, bây giờ không còn là của Âu Châu nữa, mà từ từ sẽ có sự tham dự của chư Tăng Ni và Phật Tử của các Châu khác nữa. Sau 11 lần tổ chức có tính cách Âu Châu và sau 5 lần tổ chức có tánh cách nội bộ của chùa Khánh Anh, Phật Giáo Âu Châu bây giờ đã có thành phần cán bộ nồng cốt rất đông. Đó là những vị Phật Tử đã thọ Bồ Tát giới và những vị Cư sĩ trung kiên của Đạo. Có ít nhất là 1.000 vị đã thọ Bồ Tát giới tại Âu Châu và có chừng 5.000 cán bộ trung kiên của Giáo Hội trong mọi hoạt động từ cơ sở địa phương đến cơ sở trung ương. Đó là chưa kể thành phần của Gia Đình Phật Tử cũng gần 1.000 cán bộ trẻ nồng cốt như thế nữa.

Chương trình học mỗi ngày có 3 buổi giảng sáng, chiều và tối. Mỗi lần 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Năm nay cả lớp 1 lẫn lớp 2 đều tập trung vào vấn đề giới luật và giới tướng cho cả 2 giới xuất gia và tại gia. Có 4 lớp tất cả.

- Lớp sơ cơ dành cho những em Oanh Vũ theo cha mẹ đi học. Lớp này độ 50 em.

- Kế đến là lớp 1. Lớp này bao gồm những vị mới làm quen với đạo. Trí thức có, bình dân có, già có, trẻ có.

- Lớp 2 tức là lớp đã được chọn lọc qua những năm tháng đã trải qua lớp 1 rồi. Lớp 2 thuần thục hơn, giàu kinh nghiệm tu học hơn và đã là những Phật Tử thuần thành từ những năm tháng trước.

- Lớp 3 là lớp của chư Tăng Ni hiện đang tu học tại các chùa ở Âu Châu. Lớp này năm nay tương đối đông, gần 40 vị như thế, cả Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa, sa Di và Sa Di Ni cũng như của những vị tập sự xuất gia.

Không khí học rất thoải mái và đã được nhiều Thầy giảng dạy nhiệt tình, linh hoạt, nên những lớp học rất hào hứng, sôi nổi.

Còn tu thì như thế nào? Mỗi ngày học 3 thời, thì tu đến 4 thời. Đó là thời ngồi thiền và công phu khuya buổi sáng sớm. Đến 12 giờ là giờ quá đường kinh hành nhiễu Phật. Đến 15 giờ là Lễ Cầu An và đến 20 giờ là Lễ Tịnh Độ. Ngoài ra các Phật Tử còn phải tham gia vào các công tác của Ban Hành Đường, Trai Soạn và Vệ Sinh nữa. Do vậy mà thời giờ tu và thời giờ học, giờ làm việc rất ư là chằng chịt với nhau. Mấy ngày đầu ai chưa quen, cảm thấy mệt mỏi, nhưng mấy ngày sau, nhờ nương vào oai lực của Đại chúng, nên ai ai cũng tinh tấn hơn lên để hòa nhập vào với dòng người đang hướng về nẻo thiện ấy.

Giữa khóa, chư Tăng vì bận họp Giáo Hội nên cho Phật Tử nghỉ một buổi để làm văn nghệ. Ngoài ra Tổng Vụ Cư Sĩ cũng như Tổng Vụ Thanh Niên Gia Đình Phật Tử lại có những cuộc gặp gỡ riêng để trao đổi những kinh nghiệm làm việc. Cuối khóa cũng có thi cử hẳn hoi và lễ cấp phát văn bằng khi bế giảng cũng như có một đêm văn nghệ tổng hợp của các lớp, có cả sự tham dự của chư Tăng nữa. Không khí tu và học rất sôi động, đầy cảm thông, đầy sự chia sẻ và không thiếu những tấm lòng giúp đỡ cho tha nhân trong khi bị bịnh hoạn.

Trong khi tu học này có 100 giới tử đã phát tâm thọ Bồ Tát giới và 30 giới tử phát tâm quy y Tam Bảo. Các giới tử thọ Bồ Tát giới cũng được đắp y màu nâu trông rất đẹp. Mỗi ngày kinh hành nhiễu Phật và những lúc tụng kinh, hình ảnh những chiếc y nâu này lại nổi bật lên, như có một cái gì đó khiến mọi người phải hướng tới và hướng tới mãi để trau giồi đức hạnh của chính mình, nhằm bổ sung cho việc tu cũng như việc học vậy. 10 ngày như thế trôi qua rất nhanh, nhiều người như còn luyến tiếc với không khí lục hòa ấy và hẹn gặp nhau lại vào năm 2000 tại nước Pháp.

Tại Đức qua 2 xe bus và một số xe nhỏ. Ngoài ra có một số đi máy bay. Con số đến từ Đức được ghi nhận là 160 người. Đây là 2 quốc gia tại Châu Âu có số tham dự viên đông nhất ngoài Na Uy. Địa phương này tham dự gần 200 người, đa phần là Gia Đình Phật Tử.

Sau khóa học, các học viên được đi du ngoạn kết hợp với việc đi vớt vong trên biển cả. Sau đó một phái đoàn cùng chư Tăng về chùa trước dự lễ an linh và những phái đoàn khác tiếp tục đi thăm thành phố Oslo. Sở dĩ có Lễ Vớt Vong này, vì lẽ bao nhiêu người không may đã ra người thiên cổ trên biển cả, trong rừng sâu, trên không trung hay trong đất liền khi đi tỵ nạn. Do vậy mà phải cần cứu vớt những linh hồn vất vưởng này. Cuộc chiến Việt Nam đã tàn vào ngày 30.4.1975, nhưng sau đó vì không chịu đựng nổi chủ nghĩa cộng sản, nên bao nhiêu người đã ra đi tìm tự do. Trên đường đi tìm tự do đó, không biết bao nhiêu người đã chết trong rừng sâu và trên biển cả. Số lượng này có thể lên đến 500.000 người. Đây là con số ước tính khiêm nhường thôi. Có thể hơn thế nữa. Vì hải tặc hoành hành, vì đói khát mà chết, vì thuyền chìm mà chết. Không biết bao nhiêu lý do mà kể cho xiết. Những oan hồn này cứ vất vưởng trên biển cả mênh mông vô định, không bến bờ. Ai là người lo cho phần tâm linh đây, nếu không có những đàn tràng chiêu mộ như thế này? Chỉ nhờ Phật lực, các oan hồn uổng tử này mới có thể siêu sanh thôi. Do vậy Lễ Vớt Vong mang một ý nghĩa cao cả như thế đó. Nghĩa là người ta không những chỉ lo cho người sống mà còn phải lo cho bao nhiêu người đã khuất mặt, khuất mày nữa.

Ba chiếc thuyền lớn ra khơi. Mỗi thuyền chứa độ 300 người. Thuyền của quý Thầy quý Cô đi giữa và một số quý Phật Tử cùng tháp tùng theo. Trên thuyền của chúng tôi đi, quý Thầy chủ sám và quý Thầy kinh sư đã thiết lập một đàn tràng đơn giản để triệu thỉnh những vong linh về chùa nghe kinh thính pháp. Sau khi nghe giọng triệu thỉnh của vị Chủ Sám tự nhiên hai hàng nước mắt của tôi lại rưng rưng nhòa lệ, chẳng biết vì sao? Có lẽ vì cảm thương cho bao nhiêu sanh linh đã sống vất vưởng nơi biển cả rừng sâu, không có nơi nương nhờ, nên lòng tôi lại sanh bi cảm như vậy. Thuyền mỗi lúc ra khơi càng xa thì sóng vỗ vào mạn thuyền càng lớn. Hai thuyền hai bên chúng tôi thấy được điều đó, nhưng chúng tôi thì không. Có lẽ đang chăm chú vào những lời triệu thỉnh của các vị Kinh Sư và chúng tôi cũng gia tâm cầu nguyện nên chẳng biết những gì xảy ra chung quanh. Sau khi lên bờ rồi thì mới nghe là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã thị hiện trên không trung khi thuyền của quý Thầy đang làm lễ triệu thỉnh các vong hồn. Trời hôm ấy đẹp lắm. Đó là chiều ngày 30 tháng 7 năm 1999, bầu trời trong xanh, không gợn một đám mây. Thế nhưng đã có nhiều người trên hai chiếc thuyền kia phát hiện và chụp hình được đám mây này. Hình này hiện ra giữa không trung trên biển cả, có đầu tóc trắng, có mũ đội, có mặt, có thân hình và Đức Quán Thế Âm đứng trên một tòa sen trắng. Tay cầm bình nước cam lồ và nhành dương liễu. Hình này hiện tôi đang có tại chùa Viên Giác. Nghe đâu đám mây này hiện ra khoảng 5 đến 10 phút mới tan. Tôi có 3 hình tất cả. Đó là hình mới phát hiện, một hình rõ nhất và cuối cùng là một hình đã chuẩn bị tan ra, hòa vào không khí. Đúng là một điềm lạ. Hữu cầu tất ứng chăng? Hay có gì đây, khi mà Đức Quan Thế Âm Bồ Tát muốn hiển lộ ra nơi này để khai ngộ cho một số người vẫn còn mang tâm ngờ vực nơi đức tin của mình. Hoặc giả Ngài hiện ra như thế để chứng thực cho lời cầu nguyện của mọi người? Tin hay không? điều đó vẫn là sự thật. Một sự thật cả năm đến bảy trăm người thấy, mà sự thật ấy có cả chụp hình lẫn quay phim nữa, nên sau chuyến vớt vong trên biển này về lòng ai cũng tràn đầy xúc động. Bởi lẽ phép Phật rất nhiệm mầu.

Sau đó về chùa ngơi nghỉ và hôm sau dự Lễ Khánh Thành chùa Khuông Việt. Đại Lễ Khánh Thành có diễn văn chào mừng quan khách của Thượng Tọa Trụ Trì Thích Trí Minh, của Ban Tổ Chức và lời chúc mừng của Giáo Hội Âu Châu cũng như Văn Phòng II Viện Hóa Đạo tại Hoa Kỳ. Ngoài ra đại diện Hội Phật Giáo Na Uy cũng như chính quyền sở tại đã đến chúc mừng và tặng quà cũng như tán dương công đức của người Tỵ nạn Việt Nam đã gầy dựng được một cơ sở tinh thần to lớn tại xứ Bắc Âu này. Lại một lần nữa điềm lành xuất hiện. Trong khi chư Tôn Đức Tăng Ni ngồi day mặt ra phía quan khách thì trên nóc chùa một đám mây tụ lại và có hình một con rồng trắng thật lớn hạ xuống để chúc mừng lễ khánh thành. Sau khi mây tan thì có những hạt mưa tuôn ra từ con rồng này. Đây là gì nếu không nói là những điều linh ứng? Rất nhiều người thấy và đã trầm trồ về sự kiện này. Có quay phim, có chụp hình để làm chứng liệu. Đối với những người hiện diện hôm đó, dĩ nhiên là không có vấn đề. Vì họ tai nghe, mắt thấy. Còn những vị ở xa thì sao? Chắc chắn có điều nghi hoặc. Nhưng đây có thể nói là một sự thị hiện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cảm hóa nhân sinh. Vì Phật và Bồ Tát có nhiều thân khác nhau, đặc biệt Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có đến 32 thân để hóa độ khắp muôn loài, thì sự thị hiện bằng thân này hay thân kia quả là điều có thật, nhưng vì mắt chúng ta tầm thường, tâm chúng ta còn nông cạn nên chưa thấy đó thôi. Còn ở Na Uy, qua khóa Tu học Phật Pháp 10 ngày, tâm ai cũng thanh tịnh. Rồi Lễ Vớt Vong trên biển cả, lòng ai cũng như một, đều hướng về những người đã chết bất hạnh, rồi Lễ Khánh Thành đã cử hành một cách trang nghiêm trọng thể, nên chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp và chư Bồ Tát đã cảm động thị hiện cho mọi người phát khởi tín tâm hơn nữa. Bồ Tát Quán Thế Âm cũng đã thị hiện qua sự hiện hữu của Đức Đạt-lai Lạt-ma như chúng ta đã thấy, Ngài đã vì chúng sanh và đặc biệt là vì những người Tây Phương ngày nay mà hiện thân để chỉ bày những việc cần thiết của một người Phật Tử. Ngài đã được người Tây Phương trân quý như một vị Thánh Tăng.

Tối ngày 31 tháng 7 năm 1999, một đêm văn nghệ đặc biệt do các Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Na Uy trình bày đã gây nên một không khí phấn khởi đến với mọi người hiện diện, qua những ngày mệt mỏi của việc tu học. Những màn múa, ca, kịch v.v... đã mang mọi người đến những điểm cao của việc thưởng thức nghệ thuật này. Đêm vui nào rồi cũng chóng tàn, nhường chỗ cho những việc làm khác đáng bàn hơn trong cuộc đời còn lại của người Tăng Sĩ cũng như của Cư sĩ tại gia.

Lẽ thường có sinh thời có diệt, có còn thời có mất, có hội họp hẳn có sự chia ly. Do vậy mà ai cũng bùi ngùi luyến tiếc khi phải chia tay với quý Thầy, quý chú tại địa phương để mỗi người lại đi về mỗi ngã, tiếp tục con đường của mình đã đi và đã chọn. Riêng quý Thầy trong Giáo Hội Âu Châu và Úc Châu thì rời hội trường văn nghệ về lại chùa Khuông Việt sớm hơn để làm Lễ Cầu Siêu truy tiến Giác Linh của Hòa Thượng Liễu Không, Bổn sư của Thượng Tọa Thích Phước Nhơn đến từ Úc thật vô cùng trang nghiêm trọng thể.

Ân sư tế độ cho mình xuất gia là ân rất trọng. Cho nên khi Thầy của mình viên tịch, phải có nhiều bổn phận để phải chu toàn. Đó là đạo hiếu trong Đạo Phật. Vì Đức Phật có dạy rằng: Ngàn quyển kinh, một vạn quyển sách, chữ hiếu là đầu. Nếu người con đối với cha mẹ không hiếu dưỡng khi cha mẹ về già. Người đệ tử không có bổn phận lo cho Thầy Tổ lúc về già cũng như khi viên tịch, dầu cho người đệ tử ấy có làm đến gì đi chăng nữa, ý nghĩa tôn sư trọng đạo vẫn chưa đáp đền trọn vẹn được. Bốn ơn đó là: Ơn quốc gia, ơn cha mẹ sinh ra mình, ơn Thầy Tổ và ơn của đàn na thí chủ. Ta sống trong xã hội này, tất cả đều phải nương vào nhau để tồn tại. Mặc dầu biết rằng mọi vật, mọi việc trong thế gian này trước sau gì cũng trở về bản tánh không thật và vô thường của nó, nhưng trong cái không thường đó luôn luôn chứa cái thường của sự giải thoát. Do vậy mà lấy huyễn độ chơn vẫn là chân lý của bao đời nay, giúp người đi từ cõi mê trở về bờ giác.

Thầy cho ta xuống tóc, Thầy cho ta xuất gia, Thầy dạy cho ta đạo lý làm người. Thầy cưu mang ta còn hơn cha mẹ nữa. Vì cha mẹ chỉ có công sinh, chứ không có công dạy đạo, nuôi dưỡng huệ mạng của ta. Công nuôi dưỡng huệ mạng bao giờ cũng cao cả. Vì khi ra đời làm việc, xử sự với thế gian này phải lấy sự tu và sự học làm đầu, chứ không lấy phương tiện thế gian làm cứu cánh. Sau khi ta vào chùa xuất gia rồi, Thầy Bổn Sư đóng vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ và cả vừa làm Thầy nữa. Vì khi đã cát ái từ thân rồi, chỉ có Thầy mới là người có đủ thẩm quyền lo cho mình. Tôi đọc sách có thấy nói rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma có hai vị Thầy dạy dỗ cho lúc còn nhỏ, một vị thì cương nghị như một cha và một vị thì hiền từ như người mẹ. Ngài đã sống trong sự đùm bọc ấy cho đến lúc trưởng thành và Ngài vẫn tôn những vị ấy là Thầy, cho đến khi các vị này viên tịch và tái sinh lại làm Ling Rinpoche ở Ấn Độ, mới bảy tuổi mà có trí tuệ siêu phàm, làu thông nhiều ngôn ngữ. Cứ vậy mà Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn xưng tụng là Thầy mình, mặc dầu còn nhỏ, ví đã được ấn chứng của sự tái sanh. Vị Ling Rinpoche này đích thân tôi đã một lần gặp tại Ấn Độ, ở Bồ Đề Đạo Tràng cách đây 3 năm về trước (1997). Vị này rất thông minh và lanh lẹ.

Có nhiều vị Thầy có nhiều đệ tử xuất gia, nhưng cũng có nhiều vị Thầy không có. Có vị có nhiều đệ tử tại gia mà không có đệ tử xuất gia, hoặc ngược lại. Điều này tất cả đều do nhân duyên mà thành tựu. Nhân duyên để kết nối thành Thầy trò. Nhân duyên để trở thành những người hiểu biết và phụng sự. Nhân duyên để tiến bộ hơn trên con đường giác ngộ. Vì vậy sự thuận duyên hay sự khó khăn của học trò cũng là sự thuận duyên hay khó khăn của Thầy mình. Đừng trách móc là thế này hay thế nọ. Vì tất cả đều do nhân duyên và nghiệp lực mà cấu thành. Hãy nỗ lực và tinh tấn thì mới mong thoát ra khỏi cảnh giới tạm bợ này.

Cách đây một năm, tôi cũng đã mất đi vị ân sư ở tuổi 73 và Thượng Tọa Thích Phước Nhơn nay cũng mất đi vị Bổn Sư ở tuổi đó. Cho nên sự thông cảm và chia sẻ của tôi cũng như của chư tôn hiện diện đến với Thầy một cách chân thành trong buổi lễ tưởng niệm vào tối ngày 31.7.1999 tại chùa Khuông Việt ở Na Uy. Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đã nhắc lại những kỷ niệm khi Hòa Thượng và Hòa Thượng Liễu Không, Bổn sư của Thượng Tọa Thích Phước Nhơn còn là một học Tăng tại Phật Học Viện Hải Ấn ở Nha Trang. Những kỷ niệm đó, nếu không có những người xưa thì chắc rằng thế hệ bây giờ và mai hậu chẳng biết một tí gì về những dĩ vãng đáng nhớ của các bậc Tôn Sư.

Nghe bài ai văn của Thượng Tọa Thích Phước Nhơn đọc trước long vị của Bổn Sư mình, nhắc lại công ơn giáo dưỡng và những kỷ niệm vui buồn khi làm bổn phận của một đệ tử đối với ân sư và nhất là vì hoàn cảnh của đất nước, không về được để quỳ trước kim quan của Thầy mình mà lễ bái và tiễn đưa. Ai nghe qua cũng đều mủi lòng. Nghe những giọng xướng, tán tụng của chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng gốc Bình Định đã làm cho mọi người hiện diện trong buổi lễ đi sâu thẳm vào nội tâm của mình hơn nữa, để nhớ về một nghi lễ cổ truyền cung tiễn giác linh mà ngày xưa hay trong bao đời, nơi chốn Thiền môn đều cử hành một cách trang nghiêm và trọng thể. Sau đó là lễ thọ tang và chư Tôn Đức đảnh lễ giác linh, cũng như Thượng Tọa Thích Phước Nhơn nói lời cảm tạ.

Na Uy là một nước còn nhiều cánh rừng thiên nhiên nhất tại Âu Châu. Ở đây con người cũng trầm lặng và hài hòa với khung cảnh thiên nhiên ấy. Sáng hôm sau phái đoàn Đức Quốc trở về lại nơi cư ngụ của mình, giã từ bao kỷ niệm đẹp trong 10 ngày mà mọi người đã sát cánh cùng nhau, chia sẻ những công việc Đạo Đời để chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phục vụ cho Giáo Hội và nâng cao tinh thần học Phật của mọi người Phật Tử đến một trình độ hiểu biết căn bản nhất để hộ đạo giúp đời.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vầng sáng từ phương Đông


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Rộng mở tâm hồn


Nguồn chân lẽ thật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.50.71 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...