Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội »» III. Đối trị sân hận »»

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội
»» III. Đối trị sân hận

Donate

(Lượt xem: 5.415)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội - III. Đối trị sân hận

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

GIỚI THIỆU

Trong số những phiền não cấu uế về tinh thần gây nhiều xáo trộn cho hòa hợp xã hội, có lẽ tai hại nhất là sân hận. Vì hầu như trong tất cả cộng đồng, kể cả các tinh xá của Đức Phật, đều có những người có khuynh hướng tham dục vị kỷ, họ luôn luôn có nguy cơ gây chia rẽ do sân hận, oán hận, và trả thù những thành viên trong cộng đồng của họ. Vì lý do đó, việc chế ngự sân hận là rất quan trọng đối với sự hòa hợp trong cộng đồng. Đức Phật công nhận rằng trong lúc bộc lộ giận dữ mang lại một mức độ thỏa mãn nào đó, Ngài chỉ rõ là những cơn giận bùng nổ cuối cùng sẽ dội ngược trở lại chính mình, đưa đến tổn hại cho chính mình và làm cho con người dấn thân vào việc xung đột với người khác. Do đó, trong Kinh văn III, 1 Ngài mô tả sân hận giống như một rễ cây độc hại với đầu ngọn dính chút mật ngọt.

Sân hận xảy ra với nhiều mức độ khác nhau, phân biệt nhiều hạng người khác nhau. Kinh Văn III, 2 sắp xếp con người thành ba hạng dựa trên mối tương quan của họ với sân hận: những người thường tức giận và vẫn nuôi dưỡng cơn giận của mình là giống như một đường kẻ vạch lên đá; những người tức giận nhưng nhanh chóng giải tỏa cơn giận của mình thì giống như một đường kẻ vạch lên mặt đất; những người vẫn nhẫn nhục ngay cả khi bị kẻ khác tấn công là giống như một đường kẻ vạch trên nước. Kinh Văn III, 3 còn phân biệt thêm các hạng người trong tương quan giữa họ với sân hận bằng cách so sánh họ với bốn loại rắn.

Vì Đức Phật tìm giải pháp cho những vấn đề của con người qua sự hỗ trợ của luật nhân quả, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao sân hận phát sinh, Ngài đưa ra “mười lý do để oán hận” mà Ngài đã liệt kê trong Kinh Văn III, 4 với sự thông suốt và chính xác thường lệ của Ngài.

Mười lý do có được bằng cách ghi nhận trước tiên là phản ứng của con người đối với những kẻ có hành động làm tổn hại mình; kế tiếp là phản ứng của con người trước những hành động làm tổn hại bạn mình; tiếp theo là phản ứng của con người trước những hành động có lợi cho kẻ thù của mình. Mỗi lý do trong số đó được chia theo ba thời kỳ - quá khứ, hiện tại và tương lai - tổng cộng là chín lý do. Cuối cùng, Đức Phật thêm một loại gọi là ‘oán hận vô lý’, để chỉ trường hợp ‘con người oán hận không vì lý do nào cả.’

Việc thiết lập hòa hợp trong cộng đồng đòi hỏi các thành viên của cộng đồng cố gắng vượt qua sân hận. Bước đầu tiên để loại bỏ sân hận là suy xét về những nguy hiểm của sân hận. Tôi đã tập hợp một số bài kinh về những điểm bất lợi của sân hận trong Kinh Văn III, 5 (1) - (4). Bởi vì sân hận đem đến mối đe dọa đáng sợ cho sự an vui của con người, Đức Phật đề nghị nhiều phương pháp khác nhau để loại bỏ sân hận. Trong Kinh Văn III, 6 (1), Ngài dạy về mười trường hợp oán hận cần phải được loại bỏ, đối trị lại mười lý do để oán hận. Trong Kinh Văn III, 6 (2), Ngài đề nghị năm phương pháp để loại bỏ sân hận. Trong Kinh Văn III, 6 (3), Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất), vị trưởng lão đệ tử của Đức Phật giải thích thêm năm phương pháp để vượt qua sân hận.

Bên dưới nhiều kỹ thuật được vận dụng để chống lại sân hận, lộ ra một đức hạnh quan trọng, đó là hạnh nhẫn nhục (khanti), mà Đức Phật gọi là khổ hạnh tối cao. (1) Nhẫn nhục vừa là phương tiện chữa lành tâm sân hận vừa là đức hạnh tối thắng khi cuối cùng sân hận đã được chế ngự. Trong Kinh Văn III, 7 (1), Đức Phật hướng dẫn các đệ tử của Ngài nên nhẫn nhục mỗi khi các vị ấy bị kẻ khác tấn công bằng những lời lẽ độc ác như dao đâm; thậm chí Ngài còn dạy rằng: “Nếu bọn cướp hung bạo dùng cái cưa hai lưỡi xẻo từng miếng thịt trên tay chân các ông, các ông phải kềm chế nỗi đau đớn và rải tâm từ đến chúng.” Trong Kinh Văn III, 7 (2), Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) dạy rằng, khi một Sa-môn bị kẻ khác tấn công bằng những lời lẽ xúc phạm hay bằng vũ khí, vị Sa-môn ấy có thể duy trì hạnh nhẫn nhục bằng cách áp dụng pháp quán vô thường và quán các yếu tố (giới) thuộc vật chất (liên hệ đến thân thể). Một bài kinh giảng cho Sakka Thiên chủ, vị vua cai trị cõi Thiên, được đưa vào đây như là Kinh văn III, 7 (3) - so sánh tương phản hai phương cách đối trị với sự xúc phạm đạo đức, phương cách của một nhà chính trị thực tiễn và phương cách của một nhà đạo đức lý tưởng. Trong kịch bản này, người đánh xe ngựa Mātali tượng trưng cho nhà chính trị thực tiễn, là người hô hào trừng phạt kẻ thù; trong lúc Sakka Thiên chủ, tượng trưng cho nhà cai trị chân chính, ca ngợi hạnh nhẫn nhục và tự chế.

Những khó khăn thách thức của việc duy trì hạnh nhẫn nhục có thể vượt qua bằng cách noi gương những vị đáng kính ngưỡng về hạnh nhẫn nhục. Trong đoạn cuối của phần này, tôi cung cấp những bài tường thuật về các nhân vật gương mẫu đã giữ gìn cam kết của họ về hạnh nhẫn nhục trong những hoàn cảnh khó khăn. Kinh Văn III, 8 (1) - (4) cho thấy bằng cách nào Đức Phật; Tôn giả Puṇṇa (Phú-lâu-na), là vị Sa-môn có nhiệm vụ đi truyền giáo; Trưởng lão Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Sakka Thiên chủ; tất cả đã áp dụng hạnh nhẫn nhục như thế nào để vượt thắng kẻ thù của các vị ấy.

I. ĐỐI TRỊ SÂN HẬN

1. GIẾT SÂN HẬN

Sakka Thiên chủ, vị vua cai trị cõi Trời, đến viếng Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi đứng một bên, và bạch Thế Tôn bằng các câu kệ:

“Giết cái gì, được ngủ ngon?
Giết cái gì, không sầu khổ?
Giết cái gì, được Ngài chấp thuận?
Thưa Tôn giả Gotama?

[Thế Tôn đáp:]

Giết sân hận, được ngủ ngon;
Giết sân hận, không sầu khổ.
Hỡi Sakka Thiên chủ, giết sân hận,
Với gốc rễ độc hại và chút mật ngọt:
Việc này được bậc Thánh tán thán,
Vì giết được sân hận, sẽ không còn sầu khổ.”

(Tương Ưng BK I, Ch. 11 (3), tr. 527-528)

2. BA HẠNG NGƯỜI

“Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người có mặt ở đời này. Thế nào là ba? Hạng người như đường kẻ vạch lên đá; hạng người như đường kẻ vạch lên đất; hạng người như đường kẻ vạch lên nước.

(1) “Và thế nào là hạng người như đường kẻ vạch lên đá? Ở đây, có người thường tức giận, và cơn giận của người này vẫn tồn tại trong một thời gian dài, cũng giống như một đường kẻ vạch lên đá không bị gió hay nước xóa nhanh chóng mà vẫn tồn tại một thời gian dài. Cũng vậy, có người thường tức giận, và cơn giận của người này vẫn tồn tại trong một thời gian dài. Như vậy gọi là hạng người như đường kẻ vạch lên đá.

(2) “Và thế nào là hạng người như đường kẻ vạch lên đất? Ở đây, có người thường tức giận, nhưng cơn giận của người này không tồn tại trong một thời gian dài, cũng giống như một đường kẻ vạch lên đất bị gió hay nước xóa nhanh chóng và không tồn tại một thời gian dài. Cũng vậy, có người thường tức giận, và cơn giận của người này không tồn tại trong một thời gian dài. Như vậy gọi là hạng người như đường kẻ vạch lên đất.

(3) “Và thế nào là hạng người như đường kẻ vạch lên nước? Ở đây, có người ngay cả khi bị kẻ khác nói lời thô bạo và độc ác, bằng những cách thật khó chịu, người này vẫn giữ thái độ thân thiện với đối phương, vẫn hòa đồng và chào hỏi kẻ ấy; cũng giống như một đường kẻ vạch lên nước bị xóa nhanh chóng, và không tồn tại một thời gian dài. Cũng vậy, có người khi bị kẻ khác nói lời thô bạo và độc ác, bằng những cách thật khó chịu, người này vẫn giữ thái độ thân thiện với đối phương, vẫn hòa đồng và chào hỏi kẻ ấy. Như vậy gọi là hạng người như đường kẻ vạch lên nước.

“Này các Tỷ-kheo, đây là ba hạng người có mặt ở đời này.”

(Tăng Chi BK I, Ch. 3 (XIII):130; tr. 517-518)

3. HẠNG NGƯỜI GIỐNG CÁC LOÀI RẮN

“Này các Tỷ-kheo, có bốn loại rắn. Thế nào là bốn? Loại rắn có nọc phun ra rất nhanh nhưng không độc; loại rắn có nọc độc nhưng không phun ra nhanh; loại rắn vừa có nọc độc vừa phun ra rất nhanh; và loại rắn không có nọc độc và cũng không phun ra nhanh. Đây là bốn loại rắn.

“Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người tương tự như bốn loại rắn hiện diện trong đời này. Thế nào là bốn? Hạng người có nọc độc phun ra rất nhanh nhưng không độc hại; hạng người có nọc độc nhưng không phun ra nhanh; hạng người vừa có nọc độc vừa phun ra rất nhanh; và hạng người không có nọc độc và cũng không phun ra nhanh.

(1) “Này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc phun ra rất nhanh nhưng không độc hại? Ở đây, có người thường dễ nổi giận, nhưng cơn giận của người này không kéo dài. Như vậy là hạng người có nọc độc phun ra rất nhanh nhưng không độc hại. Vì thế, Ta nói rằng người này cũng giống như loài rắn có nọc độc phun ra rất nhanh nhưng không độc hại.

(2) “Này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc nhưng không phun ra nhanh? Ở đây, có người thường không dễ nổi giận, nhưng cơn giận của người này kéo dài. Như vậy là hạng người có nọc độc nhưng không phun ra nhanh. Vì thế, Ta nói rằng người này cũng giống như loài rắn có nọc độc nhưng không phun ra nhanh.

(3) “Và thế nào là hạng người vừa có nọc độc vừa phun ra nhanh? Ở đây, có người thường dễ nổi giận, và cơn giận của người này kéo dài. Như vậy là hạng người vừa có nọc độc vừa phun ra nhanh. Vì thế, Ta nói rằng người này cũng giống như loài rắn vừa có nọc độc vừa phun ra nhanh.

(4) “Và thế nào là hạng người không có nọc độc và cũng không phun ra nhanh? Ở đây, có người thường không dễ nổi giận, và cơn giận của người này không kéo dài. Như vậy là hạng người không có nọc độc cũng không phun ra nhanh. Vì thế, Ta nói rằng người này cũng giống như loài rắn không có nọc độc và cũng không phun ra nhanh.

“Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người tương tự như bốn loại rắn hiện diện trong đời này.”

(Tăng Chi BK II, Ch. 4 (X):110, tr. 23-25)

4. NHỮNG LÝ DO ĐỂ OÁN HẬN

“Này các Tỷ-kheo, đây là mười lý do để oán hận. Thế nào là mười? (1) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động để làm hại ta’, người ấy sinh lòng oán hận. (2) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó sẽ hành động để làm hại ta’, người ấy sinh lòng oán hận. (3) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đang hành động để làm hại ta’, người ấy sinh lòng oán hận. (4) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động để làm hại người ta yêu mến’, người ấy sinh lòng oán hận. (5) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đang hành động để làm hại người ta yêu mến’, người ấy sinh lòng oán hận. (6) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó sẽ hành động để làm hại người ta yêu mến’, người ấy sinh lòng oán hận. (7) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta’, người ấy sinh lòng oán hận. (8) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đang hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta’, người ấy sinh lòng oán hận. (9) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó sẽ hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta’, người ấy sinh lòng oán hận. (10) Và có người tức giận mà không có lý do nào cả. “Này các Tỷ-kheo, đó là mười lý do để oán hận.”

(Tăng Chi BK IV, Ch. 10 (79), tr. 441-442)

5. NHỮNG NGUY HẠI CỦA SÂN HẬN VÀ LỢI ÍCH CỦA NHẪN NHỤC

(1) Năm mối nguy hại

“Này các Tỷ-kheo, có năm mối nguy hại cho người không nhẫn nhục. Thế nào là năm? Kẻ này bị nhiều người không ưa thích và ghét bỏ; có nhiều kẻ thù; có nhiều lỗi lầm; khi chết tâm mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, kẻ này sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục. Đây là năm mối nguy hại cho người không nhẫn nhục.

“Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích cho người biết nhẫn nhục. Thế nào là năm? Kẻ này được nhiều người ưa thích mến mộ; không có nhiều kẻ thù; không có nhiều lỗi lầm; khi chết tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, kẻ này sẽ tái sanh vào cõi thiện lành, Thiên giới. Đây là năm lợi ích cho người biết nhẫn nhục.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V:215, tr. 719-720)

(2) Năm mối nguy hại khác nữa

“Này các Tỷ-kheo, có năm mối nguy hại khác nữa cho người không nhẫn nhục. Thế nào là năm? Kẻ này bị nhiều người không ưa thích và ghét bỏ; kẻ này hung bạo; bị hối hận dày vò; khi chết tâm mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, kẻ này sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục. Đây là năm mối nguy hại cho người không nhẫn nhục.

“Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích cho người biết nhẫn nhục. Thế nào là năm? Kẻ này được nhiều người ưa thích mến mộ; kẻ này không hung bạo; không bị hối hận dày vò; khi chết tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, kẻ này sẽ sanh vào cõi thiện lành, Thiên giới. Đây là năm lợi ích cho người biết nhẫn nhục.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V:216, tr. 720)

(3) Bảy mối nguy hại

“Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ. Thế nào là bảy?

(1) “Ở đây, này các Tỷ-kheo, người mang thù hận cầu mong kẻ thù của mình: ‘Cầu mong nó xấu xí’. Vì sao? Vì một người mang thù hận không vui khi thấy kẻ thù của mình đẹp đẽ. Khi một người giận dữ đang bị cơn giận chi phối và trấn áp, thì dù kẻ này có tắm rửa sạch sẽ, bôi dầu thơm, râu tóc cắt tỉa gọn gàng, mặc toàn quần áo trắng, kẻ ấy vẫn xấu xí. Đây là pháp đầu tiên có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.

(2) “Lại nữa, người mang thù hận cầu mong cho kẻ thù của mình: ‘Cầu mong nó ngủ không yên giấc’. Vì sao? Vì một người mang thù hận không vui khi thấy kẻ thù của mình ngủ ngon. Khi một người giận dữ đang bị cơn giận chi phối và trấn áp, thì mặc dù người ấy ngủ trên một ghế trường kỷ trải thảm, mền len và vải bọc, bao phủ thật đẹp bằng da sơn dương, với một gối kê dài viền đỏ ở hai đầu, người ấy vẫn không ngủ ngon được. Đây là pháp thứ hai có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.

(3) “Lại nữa, người mang thù hận cầu mong cho kẻ thù của mình: ‘Cầu mong nó không thành công’. Vì sao? Vì một người mang thù hận không vui khi thấy kẻ thù của mình thành công. Khi một người giận dữ đang bị cơn giận chi phối và trấn áp, nếu kẻ này nhận được những gì có hại, lại nghĩ rằng: ‘Ta đã nhận được lợi ích’, và nếu kẻ này nhận được những gì lợi ích, lại nghĩ rằng: ‘Ta đã nhận được những gì có hại’. Khi một người bị chi phối bởi cơn giận, người ấy hiểu những sự việc hoàn toàn trái ngược nhau, điều này sẽ đưa đến tổn hại và đau khổ cho người ấy lâu dài. Đây là pháp thứ ba có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.

(4) “Lại nữa, người mang thù hận cầu mong cho kẻ thù của mình: ‘Cầu mong nó không có tài sản’. Vì sao? Vì một người mang thù hận không vui khi thấy kẻ thù của mình có nhiều tài sản. Khi một người giận dữ đang bị cơn giận chi phối và trấn áp, nhà vua sẽ cho quân lính chở về ngân khố hoàng gia bất cứ tài sản nào mà người ấy đã thâu hoạch bằng nỗ lực tích cực, tích lũy được nhờ sức lao động của đôi tay, kiếm được bằng mồ hôi, tài sản chơn chánh được thâu hoạch hợp pháp. Đây là pháp thứ tư có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.

(5) “Lại nữa, người mang thù hận cầu mong cho kẻ thù của mình: ‘Cầu mong nó không được danh tiếng tốt’. Vì sao? Vì một người mang thù hận không vui khi thấy kẻ thù của mình được danh tiếng tốt. Khi một người giận dữ đang bị cơn giận chi phối và trấn áp, người ấy sẽ đánh mất những danh tiếng mà người ấy đã tạo được nhờ siêng năng cẩn trọng trong mọi việc. Đây là pháp thứ năm có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.

(6) “Lại nữa, người mang thù hận cầu mong cho kẻ thù của mình: ‘Cầu mong nó không có bạn bè’. Vì sao? Vì một người mang thù hận không vui khi thấy kẻ thù của mình có nhiều bạn bè. Khi một người giận dữ đang bị cơn giận chi phối và trấn áp thì bạn bè và người đồng hành, bà con và các thành viên trong gia đình đều tránh xa người ấy. Đây là pháp thứ sáu có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.

(7) “Lại nữa, người mang thù hận cầu mong cho kẻ thù của mình: ‘Cầu mong khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, nó sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục’. Vì sao? Vì một người mang thù hận không vui nếu kẻ thù của mình được tái sanh vào cõi an lành. Khi một người giận dữ đang bị cơn giận chi phối và trấn áp, người ấy sẽ dấn thân vào các ác nghiệp về thân, khẩu và ý. Hậu quả sẽ là, nếu người ấy vẫn còn bị sân hận chi phối, khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục. Đây là pháp thứ bảy có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.

“Đây là bảy pháp có lợi cho người mang thù hận và được người này ưa thích khi họ gặp kẻ thù của họ (nam hay nữ) đang giận dữ.”

(Tăng Chi BK III, Ch. 7 (X)60, tr. 409-413)

(4) Bị người khác tránh xa

“Này các Tỷ-kheo, hạng người nào cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên thân cận, đi theo và phục vụ? Ở đây, có người rất nóng tính và rất dễ nổi giận. Dù bị chỉ trích nhẹ nhàng, người này cũng mất bình tĩnh và trở nên cáu gắt, sừng sộ và bướng bỉnh; người ấy bộc lộ sự bực tức, sân hận và cay cú. Cũng giống như một vết thương làm mủ, nếu bị cây gậy hay miếng mẻ sành đụng phải thì sẽ chảy mủ nhiều hơn; cũng vậy… Cũng giống như một cái que mồi lửa bằng gỗ tiduka, nếu bị cây gậy hay miếng mẻ sành đánh vào thì sẽ tóe sáng và xịt lửa nhiều hơn; cũng vậy… Cũng giống như một hố phân, nếu bị cây gậy hay miếng mẻ sành quậy vào thì sẽ bốc mùi hôi thối nhiều hơn; cũng vậy, có người rất nóng tính và rất dễ nổi giận… người ấy bộc lộ sự bực tức, sân hận và cay cú. Hạng người này cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên thân cận, đi theo và phục vụ. Vì sao? [Vì nghĩ rằng:] ‘Người này có thể sỉ nhục ta, chửi mắng ta, làm hại ta.’ Do vậy, hạng người này cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên thân cận, đi theo và phục vụ.”

(Tăng Chi BK I, Ch. 3 (III):27, tr. 225-226)

6. LOẠI TRỪ SÂN HẬN

(1) Mười cách loại trừ sân hận

“Này các Tỷ-kheo, đây là mười cách để loại trừ sân hận. Thế nào là mười? 1) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận’. (2) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đang hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận’. (3) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó sẽ hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận’. (4) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động…’. (5) …‘Chúng nó đang hành động…’. (6) …‘Chúng nó sẽ hành động để làm hại người ta yêu mến, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận’. (7) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động…’. (8) …‘Chúng nó đang hành động…’. (9) …‘Chúng nó sẽ hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận’. (10) Và người ta không thể nào tức giận mà không có lý do. Này các Tỷ-kheo, đó là mười cách để loại trừ sân hận.”

(Tăng Chi BK IV, Ch. 10 (80), tr. 442)

(2) Đức Phật dạy năm phương cách

“Này các Tỷ-kheo, có năm phương cách để loại trừ sân hận mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại bỏ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên đối với bất cứ ai. Thế nào là năm? (1) Hành giả cần phát triển tâm từ đối với người mà vị ấy sân hận; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy. (2) Hành giả cần phát triển tâm bi mẫn đối với người mà vị ấy sân hận; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy. (3) Hành giả cần phát triển tâm xả đối với người mà vị ấy sân hận; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy. (4) Hành giả cần phải làm ngơ, không để ý đến người mà vị ấy sân hận; bằng cách này hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy. (5) Hành giả cần phải áp dụng ý tưởng: ‘chủ nhân của nghiệp’ đối với người mà vị ấy sân hận, như sau: ‘Vị này là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp của vị ấy; vị này có nghiệp là nguồn gốc, nghiệp là bà con, nghiệp là nơi nương tựa; vị ấy sẽ là kẻ thừa kế bất cứ nghiệp nào mà vị ấy đã tạo, tốt hay xấu’; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
Đây là năm phương cách mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại trừ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên với bất cứ ai.”

(Tăng Chi BK II, Ch. 5 (XVII):161, tr. 613-564)

(3) Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) dạy năm phương cách

Tôn giả Sāriputta nói với các Tỷ-kheo: “Này chư hiền, có năm phương cách để loại trừ sân hận mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại bỏ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên đối với bất cứ ai. Thế nào là năm? (1) Ở đây, nếu một người có cách hành xử về thân (thân hành) không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về lời nói (khẩu hành) thì thanh tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy. (2) Nếu một người có cách hành xử về lời nói không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về thân thì thanh tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy. (3) Nếu một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy. (4) Nếu một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy không có được tâm rộng mở, tâm an tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy. (5) Nếu một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy.

(1) “Này chư hiền, thế nào là cần phải loại bỏ hoàn toàn sân hận đối với người có cách hành xử về thân không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về lời nói thì thanh tịnh? Giả sử một vị Tỷ- kheo mặc y vá rách rưới thấy một tấm vải rách trên lề đường. Vị ấy sẽ lấy chân trái chặn tấm vải lại, chân phải trải nó rộng ra, rồi xé phần vải còn nguyên vẹn và đem về”. Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về lời nói thì thanh tịnh, trong trường hợp đó, hành giả không nên quan tâm đến cách hành xử không thanh tịnh thuộc về thân của người ấy, thay vào đó chỉ nên quan tâm đến cách hành xử thanh tịnh về lời nói của người ấy. Bằng cách này, hành giả sẽ loại bỏ sân hận đối với người ấy.

(2) “Này chư hiền, thế nào là cần phải loại bỏ hoàn toàn sân hận đối với người có cách hành xử về lời không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về thân thì thanh tịnh? Giả sử có một hồ nước phủ đầy rêu và cây lau nước. Rồi một người đi đến, bị hơi nóng bức bách làm khổ não, mệt mỏi, khát nước và khô cổ. Người ấy sẽ lội xuống hồ nước, khoác tay xua rong rêu và cây lau nước, úp hai tay múc nước uống, xong rồi ra đi. Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về lời không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về thân thì thanh tịnh, trong trường hợp đó, hành giả không nên quan tâm đến cách hành xử không thanh tịnh thuộc về lời nói của người ấy, thay vào đó chỉ nên quan tâm đến cách hành xử thanh tịnh về thân của người ấy. Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.

(3) “Này chư hiền, thế nào là cần phải loại bỏ hoàn toàn sân hận đối với một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh? Giả sử có một ít nước trong một vũng nước. Rồi một người đi đến, bị hơi nóng bức bách làm khổ não, mệt mỏi, khát nước và khô cổ. Người ấy nghĩ rằng: ‘Có một ít nước trong vũng nước này, nếu ta cố gắng uống nước này bằng cách úp hai tay lại để múc nước hay múc bằng cái chén, ta sẽ quậy nước lên, làm vẩn đục nước, làm cho nước dơ không thể uống được. Ta hãy quỳ xuống bằng cả hai chân và hai tay, và hớp nước uống như một con bò, xong rồi ra đi.’ Thế rồi người ấy quỳ xuống bằng cả hai chân và hai tay và hớp nước uống như một con bò, xong rồi ra đi. Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh, trong trường hợp đó, hành giả không nên quan tâm đến cách hành xử không thanh tịnh thuộc về thân và lời nói của người ấy, thay vào đó chỉ nên quan tâm đến tâm rộng mở, tâm an tịnh mà thỉnh thoảng người ấy có được. Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.

(4) “Này chư hiền, thế nào là cần phải loại bỏ hoàn toàn sân hận đối với một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy không có tâm rộng mở, không có tâm an tịnh? Giả sử có một người bị ốm, đau đớn, bệnh nặng đang đi trên đường dài, ngôi làng cuối cùng ở phía sau anh ta và ngôi làng trước mặt anh ta đều rất xa. Anh ta sẽ không có được thức ăn thích hợp, thuốc men hay một người giúp đỡ thích hợp nếu anh ấy không được đưa đến gặp vị trưởng thôn. Một người khác cũng đang đi trên đường ấy, có thể thấy anh ta và khởi tâm từ, động lòng thương xót, quan tâm đến anh ta, nghĩ rằng: ‘Ôi, cầu mong anh này có được thức ăn thích hợp, thuốc men hay một người giúp đỡ thích hợp! Cầu mong anh ấy được đưa đến gặp vị trưởng thôn! Vì sao? Để cho anh này không gặp phải tai họa và thảm nạn ở đây’. Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy không có tâm rộng mở, không có tâm an tịnh, trong trường hợp đó, hành giả nên khởi tâm từ, động lòng thương xót, quan tâm đến anh ta, nghĩ rằng: ‘Ôi, cầu mong tôn giả này từ bỏ cách hành xử về thân không thanh tịnh, và tu tập cách hành xử thanh tịnh về thân; cầu mong tôn giả này từ bỏ cách hành xử về lời nói không thanh tịnh, và tu tập cách hành xử thanh tịnh về lời nói; cầu mong tôn giả này từ bỏ những tâm hành không thanh tịnh, và tu tập các tâm hành thanh tịnh! Vì sao? Để cho khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người này sẽ không bị tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục’. Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.

(5) “Này chư hiền, thế nào là cần phải loại bỏ hoàn toàn sân hận đối với một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh? Giả sử có một hồ nước trong sáng, ngọt ngào, mát dịu, sạch sẽ, với hai bờ mượt mà bằng phẳng, là một nơi đẹp đẽ có nhiều loại cây cho bóng mát. Rồi một người đi đến, bị hơi nóng bức bách làm khổ não, mệt mỏi, khát nước và khô cổ. Sau khi xuống hồ ngâm mình trong nước, người ấy sẽ tắm và uống nước, rồi sau khi ra khỏi hồ, người ấy sẽ ngồi hay nằm xuống dưới bóng cây ngay tại đó. Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh, trong trường hợp đó, hành giả nên quan tâm đến cách hành xử thanh tịnh thuộc về thân và lời nói của người ấy, và nên quan tâm đến tâm rộng mở, tâm an tịnh mà thỉnh thoảng người ấy có được. Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy. Này chư hiền, nhờ có một người khơi dậy niềm tin bằng mọi cách, tâm sẽ đạt được niềm tin.

“Này chư hiền, đây là năm phương cách để loại trừ sân hận mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại bỏ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên đối với bất cứ ai.”

(Tăng Chi BK II, Ch. 5 (XVII): 162; tr. 614-620)

7. NHẪN NHỤC TRƯỚC SỰ KHIÊU KHÍCH

(1) Nhẫn nhục khi bị chỉ trích

- “Này các Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà người khác có thể dùng khi nói với các ông: lời nói của họ có thể đúng thời hay không đúng thời, đúng hay sai, nhẹ nhàng hay thô bạo, có lợi ích hay tổn hại, nói với tâm từ hay với nội tâm sân hận. Khi người khác nói với các ông, lời nói của họ có thể đúng thời hay không đúng thời; khi người khác nói với các ông, lời nói của họ có thể đúng hay sai; khi người khác nói với các ông, lời nói của họ có thể nhẹ nhàng hay thô bạo; khi người khác nói với các ông, lời nói của họ có thể có lợi ích hay tổn hại; khi người khác nói với các ông, lời nói của họ có thể nói với tâm từ hay với nội tâm sân hận. Này các Tỷ-kheo, ở điểm này, các ông cần phải rèn luyện như sau: ‘Tâm chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng, và chúng tôi sẽ không thốt ra lời nói ác độc; chúng tôi sẽ chịu đựng với lòng bi mẫn vì sự an vui của người ấy, với tâm từ, nội tâm không sân hận. Chúng tôi sẽ sống bao phủ người ấy với tâm từ tràn ngập, bắt đầu từ người này, chúng tôi sẽ sống bao phủ khắp thế giới với tâm từ tràn ngập, sung mãn, quảng đại, vô lượng, không gây hấn, không sân hận’. Này các Tỷ-kheo, các ông phải rèn luyện như vậy.

“Này các Tỷ-kheo, giả sử có một người đi đến với một cái cuốc và một cái giỏ và nói: ‘Tôi sẽ làm cho mảnh đất lớn này không còn là đất nữa’. Rồi người ấy cuốc đất chỗ này chỗ kia, rải đất chỗ này chỗ kia, nhổ nước bọt chỗ này chỗ kia, và tiểu tiện chỗ này chỗ kia, nói rằng: ‘Hãy không phải là đất nữa, hãy không phải là đất nữa!’ Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể làm cho mảnh đất lớn này không còn là đất nữa được không?”
- “Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao vậy? Bởi vì mảnh đất này thâm sâu mênh mông; không dễ gì làm cho nó không còn là đất nữa. Cuối cùng, người này chỉ gặt hái mệt mỏi và thất vọng.”

- “Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà người khác có thể dùng khi nói với các ông: lời nói của họ có thể đúng thời hay không đúng thời… Này các Tỷ-kheo, ở điểm này, các ông cần phải rèn luyện như sau: ‘Tâm chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng, và chúng tôi sẽ không thốt ra lời nói ác độc; chúng tôi sẽ chịu đựng với lòng bi mẫn vì sự an vui của người ấy, với tâm từ, nội tâm không sân hận. Chúng tôi sẽ sống bao phủ người ấy với tâm từ tràn ngập, bắt đầu từ người này, chúng tôi sẽ sống bao phủ khắp thế giới với tâm từ tràn ngập, sung mãn, quảng đại, vô lượng, không gây hấn, không sân hận.’ Này các Tỷ-kheo, các ông phải rèn luyện như vậy.

“Này các Tỷ-kheo, thậm chí nếu có bọn cướp dùng cái cưa hai lưỡi để cưa tay chân các ông thành từng mảnh một cách man rợ; nếu có vị nào ở đây khởi tâm sân hận đối với chúng, thì vị ấy không phải là người đang thực hành giáo pháp của ta. Này các Tỷ- kheo, ở điểm này, các ông cần phải rèn luyện như sau: ‘Tâm chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng, và chúng tôi sẽ không thốt ra lời nói ác độc; chúng tôi sẽ chịu đựng với lòng bi mẫn vì sự an vui của người ấy, với tâm từ, nội tâm không sân hận. Chúng tôi sẽ sống bao phủ người ấy với tâm từ tràn ngập, bắt đầu từ người này, chúng tôi sẽ sống bao phủ khắp thế giới với tâm từ tràn ngập, sung mãn, quảng đại, vô lượng, không gây hấn, không sân hận.’ Này các Tỷ-kheo, các ông phải rèn luyện như vậy.”

(Trung BK I, Số 21 - Kinh Ví Dụ Cái Cưa, tr. 287-293)

(2) Không trả đũa

[Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỷ-kheo:]… “Chư hiền, vì vậy, nếu những người khác sỉ nhục, xúc phạm, mắng nhiếc, và tấn công một Tỷ-kheo, vị này hiểu rằng: ‘Khổ thọ này do tai xúc chạm (nhĩ xúc) đã khởi lên trong tôi. Khổ thọ này do nhân duyên, không phải độc lập. Do nhân duyên gì? Do nhân duyên xúc chạm’. Rồi vị ấy thấy rằng sự xúc chạm là vô thường, cảm thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Và sau khi dùng giới làm đối tượng hỗ trợ, tâm của vị ấy an trú vào sự hỗ trợ mới này và đạt được niềm tin, vững chãi và ổn định.

“Giờ đây, nếu những người khác tấn công một Tỷ-kheo bằng những cách thế không như ý, không mong cầu, không dễ chịu, như là dùng nắm tay, dùng đá, dùng gậy hay dùng dao để xúc chạm, vị ấy hiểu rằng: ‘Bản chất của thân này là có thể bị nắm tay, đá, gậy hay dao xúc chạm. Điều này đã được Thế Tôn giảng trong lời dạy của Ngài về ‘Ví dụ cái cưa’: Này các Tỷ-kheo, thậm chí nếu có bọn cướp dùng cái cưa hai lưỡi để cưa tay chân các ông thành từng mảnh một cách man rợ, nếu có vị nào ở đây khởi tâm sân hận đối với chúng, thì vị ấy không phải là người đang thực hành giáo pháp của Ta.” Vì thế ta sẽ tinh tấn không mỏi mệt, sẽ thiết lập chánh niệm không ngừng nghỉ, thân ta sẽ an tịnh và không bị nhiễu loạn, tâm ta định tĩnh và nhất tâm. Và giờ đây hãy để mặc cho sự xúc chạm với nắm tay, đá, gậy, và dao tấn công thân này; đây chỉ là cách thực hành những lời Phật dạy.’”

(Trung BK I, Kinh số 27, tr. 417-418)

(3) Nhẫn nhục khi bị trừng phạt

Thế Tôn giảng như sau: “Này các Tỷ-kheo, có một lần, trong quá khứ, chư Thiên và các A-tu-la (Asura) đã chuẩn bị dàn trận để giao chiến. Rồi vua của các A-tu-la là Vepacitti, nói với các A-tu- la như sau: ‘Này các chiến hữu, trong trận chiến sắp xảy ra giữa chư Thiên và các A-tu-la; nếu các A-tu-la thắng và chư Thiên thua, hãy trói Sakka Thiên chủ cả hai tay, hai chân và cổ, và mang vị ấy đến trước mặt ta trong thành của A-tu-la.’ Còn Thiên chủ Sakka thì nói với chư Thiên như sau: ‘Này các thân hữu, trong trận chiến sắp xảy ra giữa chư Thiên và các A-tu-la; nếu chư Thiên thắng và các A-tu-la thua, hãy trói vua của các A-tu-la là Vepacitti cả hai tay, hai chân và cổ, và mang vị ấy đến trước mặt ta trong hội trường Sudhamma.’

“Trong trận chiến đó, chư Thiên thắng và các A-tu-la thua. Rồi chư Thiên trói vua Vepacitti cả hai tay, hai chân và cổ, và mang vị ấy đến trước mặt Sakka Thiên chủ trong hội trường. Khi Sakka Thiên chủ đi vào và rời hội trường, Vepacitti đang bị trói cả hai tay, hai chân và cổ, đã sỉ nhục, mắng nhiếc Thiên chủ bằng những lời lẽ thô bạo, độc ác. Rồi người đánh xe ngựa tên là Mātali tâu với Sakka Thiên chủ bằng các câu kệ như sau:

“Khi đối diện với Vepacitti,
Có phải ngài sợ hãi hay yếu hèn,
Mà ngài đã thật nhẫn nhục chịu đựng ông ấy,
Khi nghe những lời ác ngữ?”

[Sakka:]

“Không phải vì sợ hãi hay yếu hèn,
Mà ta đã nhẫn nhục với Vepacitti.
Làm sao một người trí như ta,
Lại dấn thân vào việc đấu đá với kẻ ngu?”

[Mātali:]

“Kẻ ngu càng nổi giận nhiều hơn,
Nếu không có người đối trị.
Vì vậy với hình phạt nặng nề,
Người trí nên trừng trị kẻ ngu.”

[Sakka:]

“Chỉ mình ta nghĩ điều này,
Là cách đối trị kẻ ngu:
Khi biết kẻ thù đang phẫn nộ,
Người trí giữ an tịnh trong chánh niệm.”

[Mātali:]

“Thưa Sakka, tôi thấy đây là điều sai lầm
Trong việc thực hành nhẫn nhục:
Khi kẻ ngu nghĩ về ngài như thế này,
‘Ông ấy nhẫn nhục vì sợ ta,’
Kẻ ngu lại càng đuổi theo ngài,
Như bò đực đuổi theo người bỏ chạy.”

[Sakka:]

“Mặc cho kẻ ngu có nghĩ như thế hay không,
‘Ông ấy nhẫn nhục vì sợ ta.’
Trong tất cả các pháp đem lại lợi ích tối thượng,
Không có pháp nào tốt hơn nhẫn nhục.

“Khi một người được ban cho sức mạnh,
Nhẫn nhục chịu đựng một kẻ yếu hèn,
Đó là nhẫn nhục tối thượng;
Phải luôn luôn nhẫn nhục kẻ yếu hèn.

“Sức mạnh của kẻ ngu,
Được xem không phải là sức mạnh.
Nhưng không ai có thể trách một người,
Mạnh mẽ nhờ được Chánh pháp hộ trì.

“Người dùng sân hận để đáp trả sân hận,
Sẽ làm mọi việc tệ hại hơn cho mình.
Không dùng sân hận để đáp trả sân hận,
Sẽ thắng được một trận chiến khó khăn.

“Người tu tập vì lợi ích cả hai,
Lợi mình và lợi người,
Khi biết kẻ thù đang tức giận,
Người ấy giữ an tịnh trong chánh niệm.

“Khi vị ấy chữa lành cho cả hai,
Chữa lành cho mình và cho người,
Những kẻ nghĩ vị ấy là người ngu,
Là những kẻ không hiểu Chánh pháp.”

“Vì vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Sakka Thiên chủ có thể nói lời ca ngợi hạnh nhẫn nhục và nhu hòa, thì các ông là những người đã xuất gia trong Giáo pháp và Giới luật này, còn gì thích hợp hơn cho các ông để thực hành hạnh nhẫn nhục và nhu hòa.”

(Tương Ưng BK I, Ch. XI: IV, tr. 487-492)

8. NHỮNG TẤM GƯƠNG NHẪN NHỤC

(1) Đức Phật bác bỏ sự phỉ báng

Một thời, Thế Tôn đang trú tại thành Vương Xá (Rājagaha), ở Trúc Lâm (Bamboo Grove), khu vực nuôi dưỡng sóc (Squirrel Sanctuary). Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja, mệnh danh là Bhāradvāja, người Ưa Phỉ Báng, được nghe nói rằng: “Có một Bà-la-môn khác thuộc dòng họ Bhāradvāja đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, theo Sa-môn Gotama.” Ông này không hài lòng, tức giận, đi đến gặp Thế Tôn và phỉ báng, xúc phạm Ngài bằng những lời lẽ thô bạo, ác độc.

Khi ông ấy đã nói xong, Thế Tôn nói với ông ta:
– Này Bà-la-môn, ông nghĩ thế nào? Các bạn bè, đồng nghiệp, bà con họ hàng cũng như khách khứa có đến thăm viếng ông hay không?
– Thưa Tôn giả Gotama, họ có đến thăm tôi.
– Lúc ấy, ông có mời họ một vài món ăn, một bữa cơm hay vài thức ăn chơi không?
– Thưa Tôn giả Gotama, tôi có mời.
– Nhưng nếu họ không nhận các món ăn ấy, thì các món ăn ấy thuộc về ai?
– Nếu họ không nhận các món ăn ấy, thì các món ăn ấy thuộc về chúng tôi.

– Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta không phỉ báng bất cứ ai, không mắng nhiếc bất cứ ai, gây sự với bất cứ ai. Ta không nhận những lời phỉ báng, mắng nhiếc và gây sự mà ông đã thốt ra trước mặt Ta. Này Bà-la-môn, những lời của ông vẫn thuộc về ông! Này Bà-la-môn, những lời của ông vẫn thuộc về ông!

– Này Bà-la-môn, người nào phỉ báng lại kẻ phỉ báng mình, mắng nhiếc lại kẻ đã mắng nhiếc mình, gây sự lại với kẻ đã gây sự với mình; người ấy được xem là đã nhận thức ăn, đã trao đổi thức ăn với kẻ ấy. Nhưng Ta không nhận thức ăn của ông, Ta không trao đổi thức ăn với ông. Này Bà-la-môn, thức ăn ấy vẫn thuộc về ông! Này Bà-la-môn, thức ăn ấy vẫn thuộc về ông!

(Tương Ưng BK I, Ch. VII: II, tr. 352-354)

(2) Tinh thần can đảm của Tôn giả Puṇṇa (Phú-lâu-na)

[Đức Phật nói với Tôn giả Puṇṇa:]
– Này Puṇṇa, nay Ta đã cho ông lời khuyên ngắn gọn rồi, ông sẽ sống ở nước nào?

– Bạch Thế Tôn, con sẽ đi đến sinh sống ở nước Sunāparanta.

– Này Puṇṇa, người dân nước Sunāparanta hung bạo và thô lỗ. Nếu họ phỉ báng và đe dọa ông, lúc ấy ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người dân nước Sunāparanta phỉ báng và đe dọa con, lúc ấy con sẽ nghĩ rằng: ‘Người dân nước Sunāparanta này rất tử tế, thật tử tế, ở chỗ là họ đã không dùng nắm tay đánh đập ta.’ Bạch Thế Tôn, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy; bạch Thiện Thệ, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Này Puṇṇa, nhưng nếu người dân nước Sunāparanta dùng nắm tay đánh đập ông, lúc ấy ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người dân nước Sunāparanta dùng nắm tay đánh đập con, lúc ấy con sẽ nghĩ rằng: ‘Người dân nước Sunāparanta này rất tử tế, thật tử tế, ở chỗ là họ đã không dùng cục gạch để đánh đập ta.’ Bạch Thế Tôn, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy; bạch Thiện Thệ, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Này Puṇṇa, nhưng nếu người dân nước Sunāparanta dùng cục gạch đánh đập ông, lúc ấy ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người dân nước Sunāparanta dùng cục gạch đánh đập con, lúc ấy con sẽ nghĩ rằng: ‘Người dân nước Sunāparanta này rất tử tế, thật tử tế, ở chỗ là họ đã không dùng cây gậy để đánh đập ta.’ Bạch Thế Tôn, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy; bạch Thiện Thệ, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Này Puṇṇa, nhưng nếu người dân nước Sunāparanta dùng cây gậy đánh đập ông, lúc ấy ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người dân nước Sunāparanta dùng cây gậy đánh đập con, lúc ấy con sẽ nghĩ rằng: ‘Người dân nước Sunāparanta này rất tử tế, thật tử tế, ở chỗ là họ đã không dùng dao để đâm ta.’ Bạch Thế Tôn, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy; bạch Thiện Thệ, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Này Puṇṇa, nhưng nếu người dân nước Sunāparanta dùng dao để đâm ông, lúc ấy ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người dân nước Sunāparanta dùng dao để đâm con, lúc ấy con sẽ nghĩ rằng: ‘Người dân nước Sunāparanta này rất tử tế, thật tử tế, ở chỗ là họ đã không dùng dao sắc bén để giết ta.’ Bạch Thế Tôn, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy; bạch Thiện Thệ, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Này Puṇṇa, nhưng nếu người dân nước Sunāparanta dùng dao sắc bén để giết ông, lúc ấy ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người dân nước Sunāparanta dùng dao sắc bén để giết con, lúc ấy con sẽ nghĩ rằng: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, đã cảm thấy hổ thẹn và chán ghét thân thể và đời sống này, nên phải tìm cách chấm dứt mạng sống bằng dao. Nhưng ta đã được chấm dứt mạng sống mà chẳng cần phải tìm kiếm dao.’ Bạch Thế Tôn, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy; bạch Thiện Thệ, lúc ấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Lành thay! Lành thay! Này Puṇṇa! Ông đã có được sự tự chế và an tịnh như thế, thì ông có thể sống được ở nước Sunāparanta. Này Puṇṇa, nay đã đến lúc ông có thể làm những gì ông thấy thích hợp.

Rồi Tôn giả Puṇṇa, sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên phải vẫn hướng về Ngài, và ra đi. Sau đó, Tôn giả dọn dẹp gọn gàng chỗ nghỉ ngơi của mình, cầm y bát và du hành đến nước Sunāparanta. Du hành theo từng chặng đường, cuối cùng Tôn giả đến nước Sunāparanta và sống ở đó. Rồi trong khóa an cư mùa mưa ấy, Tôn giả đã thu nhận năm trăm nam cư sĩ và năm trăm nữ cư sĩ cùng tu tập, và chính ngài đã chứng được tam minh. (2) Một thời gian sau, ngài nhập Niết-bàn.

(Trung BK III, Kinh số 145, tr. 601-606)

(3) Tiếng rống Sư Tử của Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất)

Một thời, Thế Tôn đang trú tại thành Xá-vệ (Sāvatthī), ở rừng Kỳ-đà (Jeta’s Grove), thuộc vườn ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika’s Park). Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên và bạch rằng:
– “Bạch Thế Tôn, con đã hoàn thành mùa an cư ở Sāvatthī.
Nay con muốn du hành một vòng ở miền quê.”

– Này Sāriputta, ông có thể đi lúc nào thấy thuận tiện.

Rồi Tôn giả Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, đi nhiễu một vòng quanh Ngài, thân bên phải vẫn hướng về Ngài, và ra đi. Chẳng bao lâu sau khi Tôn giả Sāriputta đã ra đi, một Tỷ- kheo khác đến bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sāriputta đã đánh con và bỏ đi mà không xin lỗi.

Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo khác: Này Tỷ-kheo, hãy đi gọi Sāriputta đến đây.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Rồi vị ấy đi đến gặp Tôn giả Sāriputta và nói rằng:
– Thưa hiền giả Sāriputta, bậc Đạo sư cho gọi hiền giả.

– Thưa vâng, hiền giả. Tôn giả Sāriputta đáp lại Tỷ-kheo ấy.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahāmoggallāna (Đại Mục-kiền-liên) và Tôn giả Ānanda (A-nan) lấy chìa khóa và đi từ ‘cốc’ (tịnh thất) này đến ‘cốc’ khác, gọi lớn: “Này các Tôn giả, hãy đến đây! Này các Tôn giả, hãy đến đây! Nay Tôn giả Sāriputta sẽ rống tiếng rống của con sư tử trước mặt Thế Tôn.”

Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả:
– Này Sāriputta, một Tỷ-kheo đồng tu với ông than phiền với Ta rằng ông đã đánh vị ấy và rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

(1) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như người ta đổ lên mặt đất những đồ vật sạch sẽ hay dơ bẩn - như là phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu - tuy nhiên, đất vẫn không từ chối, không xấu hổ, không ghê sợ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân.

(2) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như người ta rửa những đồ vật sạch sẽ hay dơ bẩn trong nước - như là phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu - tuy nhiên, nước vẫn không từ chối, không xấu hổ, không ghê sợ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như nước, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân.

(3) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như lửa đốt cháy những đồ vật sạch sẽ hay dơ bẩn - như là phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu - tuy nhiên, lửa vẫn không từ chối, không xấu hổ, không ghê sợ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như lửa, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân.

(4) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như gió thổi những đồ vật sạch sẽ hay dơ bẩn - như là phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu - tuy nhiên, gió vẫn không từ chối, không xấu hổ, không ghê sợ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như gió, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân.

(5) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như miếng vải lau chùi những đồ vật sạch sẽ hay dơ bẩn - như là phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu - tuy nhiên, miếng vải vẫn không từ chối, không xấu hổ, không ghê sợ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như miếng vải, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân.

(6) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như một người con trai hay con gái thuộc giai cấp cùng bần (Chiên-đà-la), mặc áo quần rách rưới, tay cầm bát đi vào làng hay thị trấn với tâm khiêm tốn. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như tâm của một người con trai cùng bần, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân.

(7) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như một con bò đực với sừng bị cưa, hiền hòa, khéo điều phục, khéo huấn luyện, đi lang thang từ đường này đến đường khác, từ quảng trường này đến quảng trường khác, không dùng chân hay sừng của nó làm tổn thương bất cứ ai. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như tâm của con bò đực bị cưa sừng, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân.

(8) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như một thanh niên nam hay nữ sẽ từ chối, xấu hổ, ghê sợ nếu xác một con rắn, con chó hoặc con người cuốn vào cổ của họ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cũng từ chối, xấu hổ, ghê sợ với cái thân bất tịnh này.

(9) – Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Cũng giống như một người mang một cái bát bị nứt và có lỗ thủng chứa đầy mỡ nước khiến mỡ bị rỉ và nhỏ giọt. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cũng đang mang tấm thân bị nứt và có lỗ thủng khiến nó bị rỉ nước và nhỏ giọt.

- Bạch Thế Tôn, một người không thiết lập chánh niệm về thân có thể đánh một vị đồng tu rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

Rồi vị Tỷ-kheo đã kết tội Tôn giả Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y và một bên vai, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn và bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội, vì do ngu si, vô minh nên đã vu khống Tôn giả Sāriputta một cách vụng về, không có căn cứ. Bạch Thế Tôn, kính mong Thế Tôn chấp nhận tội của con như là một trọng tội để con biết kềm chế trong tương lai.

– Này Tỷ-kheo, ông đã phạm một trọng tội, vì do ngu si, vô minh nên đã vu khống Tôn giả Sāriputta một cách vụng về, không có căn cứ. Nhưng vì ông đã thấy tội của ông như một trọng tội, đã biết nhận tội và sửa chữa theo đúng Pháp, ta chấp nhận lời thỉnh cầu của ông. Vì đây là một sự tiến bộ trong Pháp Luật của bậc Thánh khi một người thấy được tội của mình là một trọng tội, biết nhận tội và sửa chữa theo đúng Pháp, để biết kềm chế trong tương lai.

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Sāriputta:
– Này Sāriputta, hãy tha thứ cho kẻ nông nổi này trước khi đầu của nó sẽ bị vỡ thành bảy mảnh ngay tại chỗ đó.

– Bạch Thế Tôn, con sẽ tha thứ cho vị ấy nếu vị ấy xin con tha thứ.

(Tăng Chi BK IV, Ch. 9 (II): 11, tr. 96-102)

(4) Sakka Thiên chủ và Quỷ Dạ-xoa-ăn-phẫn-nộ

Thế Tôn nói như sau:"Này các Tỷ-kheo, thuở xưa có một quỷ Dạ-xoa thân hình méo mó, xấu xí, đến ngồi trên chỗ ngồi của Sakka Thiên chủ. Điều này khiến cho chư Thiên bắt lỗi và bực tức, than phiền rằng: “Quả thật là kỳ diệu, thưa ngài! Quả thật đáng kinh ngạc, thưa ngài! Tên Dạ-xoa thân hình méo mó, xấu xí, đã ngồi vào chỗ ngồi của Sakka Thiên chủ!” Nhưng chư Thiên càng bắt lỗi, càng bực tức và than phiền về việc này thì quỷ Dạ-xoa càng trở nên đẹp đẽ, càng dễ thương và càng duyên dáng.

– Này các Tỷ-kheo, rồi chư Thiên đến gặp Sakka Thiên chủ và thưa rằng:
– Thưa ngài, ở đây có một quỷ Dạ-xoa thân hình méo mó, xấu xí, đã đến ngồi vào chỗ ngồi của ngài… Nhưng chư Thiên càng bắt lỗi, càng bực tức và than phiền về việc này thì quỷ Dạ- xoa càng trở nên đẹp đẽ, càng dễ thương và càng duyên dáng!
– Đó là quỷ Dạ-xoa-ăn-phẫn-nộ.

– Này các Tỷ-kheo, rồi Sakka Thiên chủ đi đến quỷ Dạ-xoa-ăn-phẫn-nộ, đắp thượng y vào một bên vai, và đầu gối phải quỳ xuống mặt đất. Rồi chắp tay lên vái lạy Dạ-xoa, xướng tên mình ba lần: ‘Thưa ngài, tôi là Thiên chủ Sakka! Thưa ngài, tôi là Thiên chủ Sakka!’ Sakka Thiên chủ càng xướng tên mình bao nhiêu lần thì Dạ-xoa càng trở nên xấu xí hơn, càng méo mó hơn cho đến khi nó biến mất tại chỗ.

– Rồi, này các Tỷ-kheo, sau khi ngồi vào chỗ ngồi của mình, Thiên chủ Sakka đọc bài kệ này để giáo huấn chư Thiên:

Ta không phải là người có tâm phiền não,
Cũng không dễ bị cuốn vào cơn lốc sân hận.
Ta không bao giờ giận lâu dài,
Sân hận cũng không tồn tại trong ta.

Khi giận ta không nói lời ác ngữ,
Và ta không ca tụng đức hạnh của mình.
Ta giữ mình luôn biết chế ngự,
Vì lợi lạc của chính ta.

(Tương Ưng BK I, Ch. 11(III): II, tr. 528-530)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.255.116 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...