Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Học Phật Đúng Pháp »» Phần IV. Nghi vấn về pháp thế gian ngăn ngại sự tu học xuất thế »»

Học Phật Đúng Pháp
»» Phần IV. Nghi vấn về pháp thế gian ngăn ngại sự tu học xuất thế

Donate

(Lượt xem: 3.347)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Học Phật Đúng Pháp - Phần IV. Nghi vấn về pháp thế gian ngăn ngại sự tu học xuất thế

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Phần này có bốn ý chính. Thứ nhất là nghi vấn về việc người Phật tử lo việc mưu sinh trở ngại sự tu tập. Thứ hai, Phật dạy có thể làm việc thế gian, không được theo ý thế gian, [tức là không mê tín tà kiến]. Thứ ba, thưa hỏi rõ sự phân biệt giữa việc thế gian với ý thế gian. Thứ tư, Phật dạy đạo pháp là tôn quý.

1. Nghi vấn về việc người Phật tử mưu sinh trở ngại tu tập

Kinh văn

阿難復白佛言:末世 弟子,因緣相生,理家之事,身口之累,當云何 ?天中天。

A-nan phục bạch Phật ngôn: “Mạt thế đệ tử, nhân duyên tương sinh, lý gia chi sự, thân khẩu chi lụy, đương vân hà? Thiên Trung Thiên!”

Dịch nghĩa

Ngài A-nan lại bạch Phật: “Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Người đệ tử Phật vào thời mạt thế, nhân duyên sinh lẫn nhau, những việc trong gia đình khiến cho lời nói việc làm đều bị trói buộc, phải làm thế nào?”

Kinh văn từ đoạn này cho đến câu “khả đắc độ thế chi đạo” ở dòng thứ 8 của trang 8 là dứt phần thứ tư. Trong phần này, chủ yếu là thảo luận về việc những sinh hoạt thường ngày trong đời sống thế tục rốt lại có trở ngại cho việc học Phật hay không? Có điểm nào là bất tiện hay không?

Điều này quả thật hết sức quan trọng đối với những người mới bắt đầu học Phật, đặc biệt là đối với những người đang muốn học Phật nhưng còn đứng ngoài tìm hiểu chưa dám bước vào. Đối với quý vị đồng tu chúng ta cũng nên tụng đọc câu kinh này, thường xuyên quán xét tự thân mình, mọi việc làm có đúng lý đúng pháp hay không? Phải luôn vâng làm theo lời Phật dạy để cầu được thấu rõ lý lẽ, trong tâm an ổn.

Phần kinh văn này chia làm hai đoạn, trước là thưa hỏi về sự ngăn ngại lẫn nhau giữa pháp thế gian và xuất thế gian, sau là đức Thế Tôn dạy bảo về việc trong Phật pháp phải xem trọng giới luật.

Đoạn kinh này là ngài A-nan nhìn thấy được mối nghi ngại của chúng sinh đối với việc học Phật, lo sợ sâu xa rằng việc học Phật không có lợi cho hạnh phúc gia đình, gây trở ngại cho việc phát triển sự nghiệp, cho nên ngài mới phát tâm đại từ bi, thay chúng sinh thưa hỏi Phật mà nói rằng: “Người đệ tử Phật vào thời mạt thế, nhân duyên sinh lẫn nhau.” Hàm ý của câu hỏi này là từ lúc ấy đã có sự nghi ngại, nhưng đến thời mạt thế thì sự nghi ngại càng sâu đậm hơn.

Đệ tử Phật ở đây chỉ những người học Phật tại gia. Nhân duyên sinh lẫn nhau, như trong kinh Phật thường nói: “Muôn pháp đều do nhân duyên sinh.” Như vậy là mọi việc thiện hay ác đều do nhân duyên sinh ra. Nhân duyên thế gian kết thành quả báo thế gian, nhân duyên xuất thế gian kết thành quả báo xuất thế gian. Người Phật tử tại gia thì lời nói việc làm, hết thảy đều là nhân duyên thế gian, làm sao có thể học theo Phật pháp, vượt thoát thế gian, thành Bồ Tát, thành Phật? Do vậy ngài A-nan mới nêu ra vấn đề để thưa thỉnh đức Thế Tôn, đại ý là: “Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Người tại gia học Phật, không thể tránh được những công việc trong gia đình, những nhu cầu cơm ăn áo mặc, cho nên lời nói, việc làm đều chịu sự trói buộc ràng rịt, trở ngại cho việc tu hành. Xét theo vấn đề như vậy thì phải làm như thế nào cho được trọn vẹn tốt đẹp cả đôi đường?”

Thật ra, vấn đề học Phật, thành Phật, thành Bồ Tát, hoàn toàn không do ở chỗ tại gia hay xuất gia. Hơn nữa, các vị Đại Bồ Tát trong đạo Phật đa số đều thị hiện hình tướng tại gia, vì người Phật tử tại gia mà làm khuôn mẫu cho họ noi theo. Trong kinh Hoa Nghiêm (bản 40 quyển), các vị Bồ Tát vì chúng ta thị hiện đủ các thành phần như trí thức, nông dân, công nhân, thương gia, lại đủ các ngành nghề khác nhau, thậm chí trong đó có vị thị hiện làm ngoại đạo. Do đó có thể biết rằng, học Phật là học giác ngộ, cầu giác ngộ. Giác ngộ thì không bị mê hoặc bởi hết thảy mọi sự việc, dùng trí tuệ chân chánh soi chiếu thật tướng nhân sinh vũ trụ, đâu còn phân biệt tại gia với xuất gia? Đâu còn có sự trở ngại bởi việc thế gian? Chúng ta hãy xem tiếp đức Thế Tôn khai thị chỉ bày dưới đây.

2. Phật dạy có thể làm việc thế gian, không được theo ý thế gian

Kinh văn

佛言:阿難,有受佛禁戒,誠信 奉行,順孝畏慎,敬歸三尊,養親盡忠,內外謹善,心口相應,可得為世 間事,不可得為世 間意。

Phật ngôn: A-nan, hữu thụ Phật cấm giới, thành tín phụng hành, thuận hiếu úy thận, kính quy Tam tôn, dưỡng thân tận trung, nội ngoại cẩn thiện, tâm khẩu tương ưng, khả đắc vi thế gian sự, bất khả đắc vi thế gian ý.

Dịch nghĩa

Phật dạy: “A-nan, người đã thọ trì giới cấm do Phật chế định, phải chân thành tin tưởng vâng làm, hiếu thuận với cha mẹ, luôn thận trọng sợ sệt giữ gìn, cung kính quy y Tam bảo, phụng dưỡng cha mẹ, tận trung với chức trách, thân tâm thận trọng giữ theo điều thiện, trong lòng nghĩ sao ngoài miệng nói vậy, có thể làm những việc thế gian, không được theo ý thế gian.

Đức Phật hết sức từ bi nên mới bảo ngài A-nan rằng: Người phát tâm học Phật, được tiếp nhận lời dạy về giới luật của Phật. Giới cấm của Phật là những quy tắc, khuôn mẫu hành động, ứng xử của hàng đệ tử Phật, như Ba tự quy y, Năm giới, Mười điều lành, Bồ Tát giới v.v... Hết thảy đều là sự giáo dục đời sống, hành vi. Do vậy, hết thảy đệ tử Phật đều phải chí tâm thành tín thọ trì, vâng làm theo lời dạy.

Người học Phật trước hết phải hiếu thuận với cha mẹ, phải biết rằng đạo lớn ở thế gian hay xuất thế gian cũng chỉ là sự hiếu thuận mà thôi. Trong Phật pháp Đại thừa, hiếu là kho tàng mặt đất (địa tạng), có thể sinh ra và nuôi dưỡng muôn vật, dung chứa chịu đựng được muôn vật, nên người học Phật trước tiên phải nhận Bồ Tát Địa Tạng làm vị Đạo sư của mình, học pháp hiếu thuận làm căn bản. Người nào có thể hiếu thuận thì tâm an định, hòa thuận, ắt có thể tùy duyên mà bất biến, bất biến vẫn tùy duyên, vô lượng phước đức, trí tuệ đều từ đó khởi sinh, thực sự là chỗ học cao trổi nhất của bậc thánh. Người có lòng hiếu thuận thì không dám làm điều xấu ác với người khác, không dám cao ngạo khinh thường người khác, mỗi một ý nghĩ, mỗi một hành vi đều hết sức thận trọng suy xét, biết sợ nhân quả.

“Cung kính quy y Tam bảo”, nhất là phải hiểu rõ ý nghĩa tự quy y tự tánh Tam bảo. Trong phần trước tôi đã giảng qua lời khai thị của Đại sư Lục Tổ trong Đàn Kinh về ý nghĩa này.

“Phụng dưỡng cha mẹ, tận trung với chức trách, thân tâm thận trọng giữ theo điều thiện, trong lòng nghĩ sao ngoài miệng nói vậy.” Câu kinh này Phật dạy chúng ta những việc làm trong đời sống hằng ngày.

“Phụng dưỡng cha mẹ” chính là khéo léo phụng sự cha mẹ; khéo léo nuôi dưỡng cha mẹ cho thân được khỏe mạnh, khang kiện, tâm được an ổn, vui vẻ; khéo léo thuận theo chí hướng của cha mẹ, không phụ sự kỳ vọng của cha mẹ. Trong Phật pháp, còn phải khuyến khích cha mẹ học Phật, hoằng dương bảo vệ chánh pháp, khéo léo nuôi dưỡng pháp thân tuệ mạng của cha mẹ, như vậy mới thực sự là trọn vẹn theo lời dạy phụng dưỡng cha mẹ.

“Tận trung với chức trách” là dạy chúng ta đối với quốc gia, đối với xã hội, đối với đại chúng, khi ra sức phục vụ phải hết lòng hết sức, làm hết trách nhiệm, làm hết bổn phận của mình. Đối với trong Phật pháp còn phải hộ trì Chánh pháp, giữ gìn mối đạo, phát triển truyền rộng, hết lòng hết sức, góp sức bồi đắp nuôi dưỡng mối truyền thừa từ chư Phật, Tổ. Như vậy mới đúng là cội nguồn muôn điều hiền thiện, muôn điều phước lành của hết thảy chúng sinh. Đây chính là ý nghĩa “tận trung” mà đức Phật chỉ dạy cho hàng đệ tử.

“Thân tâm thận trọng giữ theo điều thiện”, thân và tâm đều giữ theo thiện hạnh, trong ngoài đều như nhau, suy nghĩ và việc làm đều như nhau.

“Trong lòng nghĩ sao ngoài miệng nói vậy.” Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy ngài A-nan: “Nay ông muốn nghiên tầm đạo Vô thượng Bồ-đề, thực sự phát huy tánh sáng suốt, cần phải thật tâm trả lời những câu hỏi của ta... Tâm ngay thẳng, lời nói ngay thẳng, khoảng giữa cũng vĩnh viễn không có gì khuất tất cong quẹo.” Do đó có thể biết rằng, muốn chứng đắc đạo Vô thượng Bồ-đề, được tâm thanh tịnh tròn đầy mầu nhiệm, nhất định phải khởi đầu từ chỗ “tâm khẩu tương ưng” (trong lòng nghĩ sao ngoài miệng nói vậy). Đó cũng chính là tâm ngay thẳng, lời nói ngay thẳng, việc làm ngay thẳng. “Ngay thẳng” là gọi trạng thái tâm chân thành đến mức cùng cực, cũng chính là lòng ngay thẳng trong tâm Đại Bồ-đề. Kinh Quán Vô Lượng Thọ gọi là tâm chí thành.

Trong đoạn này đức Phật khai thị bảy vấn đề như trên, đó là dạy người cốt lấy sự căn bản, hết sức chân thành mà thôi. Nhưng sự căn bản hết sức chân thành đó chính là chỗ căn bản quan trọng của cái học thế gian cũng như xuất thế gian. Người quân tử của thế gian còn có thể vun bồi căn bản, huống chi người học tập theo đạo Bồ Tát Đại thừa? Nếu không từ nơi căn bản mà tu học, chẳng khác nào như xây lầu cao mà không làm nền móng, hậu quả thế nào, chỉ cần nghĩ đến là có thể biết được.

Hai câu tiếp theo “Có thể làm những việc thế gian, không được theo ý thế gian” là ý chính đức Phật đáp lại câu hỏi của ngài A-nan. Phật dạy chúng ta rằng, có thể làm những việc thế gian, nhưng không được thuận theo ý thế gian.

3. Thưa hỏi về ý nghĩa của “việc thế gian” và “ý thế gian”

Phần này chia ra hai ý. Thứ nhất giải thích về việc thế gian, thứ hai nói về ý thế gian.

3.1. Nói về việc thế gian

Kinh văn

阿難言:世 間事 ,世 間意,云 何 耶?天中天。佛言:為佛弟子,可得商販、營生利業,平斗直尺,不可罔於人,施行以理,不違神明自然之 理,葬送之事,移徙姻娶,是為世間事也。

A-nan ngôn: “Thế gian sự, thế gian ý, vân hà da? Thiên Trung Thiên!” Phật ngôn: “Vi Phật đệ tử, khả đắc thương phiến, doanh sinh lợi nghiệp, bình ẩu trực xích, bất khả võng ư nhân, thi hành dĩ lý, bất vi thần minh tự nhiên chi lý. Táng tống chi sự, di tỷ nhân thú, thị vi thế gian sự dã.”

Dịch nghĩa

Ngài A-nan thưa hỏi: “Bạch đức Thiên Trung Thiên! Việc thế gian, ý thế gian là như thế nào?” Phật dạy: “Là đệ tử Phật, có thể mua bán, kinh doanh sinh lợi nhưng phải cân đong chính xác, không được dối người. Việc làm phải đúng lý, không trái lẽ tự nhiên của thức tánh lương tâm. Những việc tang ma cúng kỵ, dời nhà, cưới gả đều là việc thế gian.”

Ngài A-nan đã nghe qua lời dạy của đức Phật, nhưng không biết được giữa việc thế gian có khác biệt gì với ý thế gian. Vì sao có thể làm việc thế gian nhưng không thể theo ý thế gian? Từ đó tiến thêm một bước nữa, muốn thưa thỉnh Phật vì chúng ta đưa ra sự giải thích chính xác rõ ràng, do vậy mà có câu hỏi này. Tiếp theo là lời giải đáp của đức Phật, trước tiên nói rõ như thế nào gọi là “việc thế gian”.

“Việc thế gian” có vô số việc, ở đây bất quá đức Phật chỉ lược nêu một vài ví dụ để giảng rõ cho chúng ta được biết, giúp ta giác ngộ được rằng pháp Phật không lìa ngoài pháp thế gian, pháp Phật cũng không ngăn ngại pháp thế gian. Pháp thế gian cũng chính là cuộc sống thường ngày của chúng ta. Hơn nữa, công phu tu hành Phật pháp cũng chính là từ ngay trong vòng xoay của những sự việc nhỏ nhặt hằng ngày mà có thể nhìn thấu, buông bỏ, sau đó lại khởi sinh.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy chúng ta rằng, làm người đệ tử Phật, không hề ngăn ngại đối với những việc thế gian, vẫn có thể kinh doanh, buôn bán, vẫn có thể làm đủ loại công việc sinh lợi, chỉ cần luôn giữ tâm thành kính, trung tín đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, như vậy là tốt. Đó gọi là chỉ lấy những mối lợi thuận theo nhân nghĩa, không cầu những mối lợi trái nhân nghĩa. Nói chung, những việc có lợi ích mà phù hợp với đạo nghĩa thì đều có thể làm. Trong kinh Hoa Nghiêm (bản 40 quyển), chư Phật, Bồ Tát thị hiện đủ mọi hình tướng cũng đều là những khuôn mẫu cho ta noi theo như vậy.

“Cân đong chính xác, không được dối người.” Dối người tức là gạt gẫm, lừa bịp. Câu này là dạy chúng ta phải giữ lòng trung tín, mua bán phải công bằng, không được lừa gạt dối trá với người, càng không được làm hại người khác.

“Việc làm phải đúng lý.” Câu này là dạy ta sự thành kính. Nói chung làm việc gì cũng phải hợp tình, hợp lý, hợp pháp, lấy bốn đức “nhân từ, thương yêu, trung tín, đạo nghĩa” để phụng sự xã hội, tạo phúc cho xã hội. Như vậy tức là học Phật, là thực hành đạo Bồ Tát.

“Không trái lẽ tự nhiên của thức tánh lương tâm.” Câu này là chỉ vào bản tánh của chúng ta mà nói. Bản tánh của ta vốn lương thiện, lương tâm là lẽ trời, vốn sẵn có đức của tự tánh. Bản tánh vốn sẵn đủ vô lượng trí tuệ, có muôn đức hạnh, có vạn năng lực, cho nên gọi là “thần minh”. Ý nghĩa ở chỗ này là, bất luận chúng ta làm việc gì, căn bản cũng đều phải dựa theo lương tâm, đó là lẽ trời, sao cho được rõ lý lẽ, tâm an ổn. Nếu không như vậy, cho dù có tránh né được lưới pháp luật, cũng không thể nào trốn tránh được sự trách phạt của lương tâm.

“Tang ma cúng kỵ” là ý nói đến việc tổ chức tang ma cho người mới chết cùng việc kỵ giỗ tưởng nhớ những người qua đời đã lâu. Tang ma người mới chết là nói lễ nghi phải đầy đủ. Kỵ giỗ tưởng nhớ người đã khuất là nói cúng kính phải dốc hết lòng thành. Đó là chỗ tình sâu nghĩa nặng của đạo làm người. Trong một địa phương, một xã hội, nếu có thể hết sức làm theo như vậy thì có thể cảm hóa được người dân trở nên có đạo đức.

“Dời nhà, cưới gả.” Dời nhà là nói chung việc di chuyển, thay đổi chỗ ở, đi từ nơi này đến nơi khác. Cưới gả là nói chung việc cưới vợ, lấy chồng. Hết thảy những việc như vậy đều là việc thế gian, đều có thể làm được.

Từ những ví dụ điển hình đức Phật đã nêu, chúng ta có thể nhận hiểu được rằng, những lời Phật dạy không hề chống trái, ngăn ngại với công việc trong đời sống thường ngày của chúng ta, đức Phật hoàn toàn không ngăn cấm.

Điều Phật bảo ta không được làm là: đừng thuận theo ý thế gian. Vậy ý thế gian là thế nào?

3.2. Nói về ý thế gian

Kinh văn

世間意者,為佛弟子,不得卜問、請祟、符咒、厭怪、祠祀、解奏,亦不得擇良日良時。

Thế gian ý giả, vi Phật đệ tử, bất đắc bốc vấn, thỉnh túy, phù chú, áp quái, từ tự, giải tấu, diệc bất đắc trạch lương nhật lương thời.

Dịch nghĩa

Ý thế gian có nghĩa là, người đệ tử Phật không được bói toán, triệu thỉnh quỷ thần, làm bùa chú, yểm quái, tế tự, dâng sớ giải tấu, cũng không được xem chọn ngày tốt giờ tốt.

Từ những ví dụ được nêu ra trong đoạn kinh văn này, chúng ta có thể nhận hiểu được rằng, đức Phật nói đến ý thế gian chính là chỉ sự mê tín. “Không được làm theo ý thế gian” chính là dạy người không được mê tín, không được làm những việc mê tín, nhất là không được làm những chuyện mê tín quỷ thần.

Những chuyện mê tín cũng rất nhiều, chỉ mong sao qua những việc nêu ra ở đây có thể nhận hiểu được rằng, hết thảy những việc như thế đều là tập khí thế tục. Thực ra, xét đến cùng mà nói thì tâm thức phàm phu làm bất cứ việc gì cũng đều là theo ý thế gian, nhưng khi chứng đắc bốn trí Bồ-đề ắt siêu việt thế gian, điều này không thể không rõ biết.

Phật dạy, người đệ tử Phật không được làm những việc sau đây:

- Thứ nhất, không được bói toán, là nói bao quát hết thảy những việc như gieo quẻ, đoán chữ, xem tướng, đoán số mệnh, tin phong thủy, bói việc lành dữ, họa phúc... hết thảy những việc theo tập khí thế tục.

- Thứ hai, không được triệu thỉnh quỷ thần, là nói chung tất cả những chuyện đồng cốt, phụ hồn, cầu cơ giáng bút, mời thỉnh quỷ thần, yêu mỵ các loại... Người Phật tử không được làm những việc này.

- Thứ ba, không được làm bùa chú. Người Phật tử không được học cách vẽ bùa, niệm chú, đuổi quỷ trừ ma, trị bệnh v.v...

- Thứ tư, không được yểm quái, là nói các loại tà thuật ngoại đạo dùng để trấn yểm... Như thời xưa dùng hình nhân bằng đất sét, bằng gỗ để yểm người, khắp nơi đều có.

Vào thời Hán Vũ Đế gặp họa Giang Sung là một minh chứng. Giang Sung là cận thần của Hán Vũ Đế. Một hôm, ông tình cờ bắt gặp xe ngựa của Thái tử đi trên trì đạo. Trì đạo là con đường đặc biệt chỉ dành riêng cho hoàng đế, xe ngựa của thái tử đi trên đường này là phạm tội bất kính. Vì Giang Sung là cận thần của hoàng đế, nên thái tử liền khẩn khoản xin ông đừng đem việc này tâu lên hoàng đế. Giang Sung không nghe, rốt cuộc vẫn đem sự việc báo lên với Hán Vũ Đế. Về sau, Hán Vũ Đế ngã bệnh, Giang Sung hết sức lo sợ, vì nếu hoàng đế băng hà, thái tử lên kế vị thì chắc chắn ông sẽ có nguy cơ bị giết để trả thù. Do lo sợ như vậy, Giang Sung liền nghĩ kế hãm hại thái tử. Trước mặt hoàng đế, ông liền bày chuyện nói rằng bệnh của hoàng đế là do bị trù ếm, do có người làm vậy để mưu hại hoàng đế. Hán Vũ Đế quả nhiên tin lời, lệnh cho Giang Sung dẫn bọn đồng cốt đi truy tìm bắt kẻ trù ếm. Giang Sung dùng cực hình tra tấn khiến nhiều người phải thừa nhận, làm cho Vũ Đế càng tin là thật. Dân thường bị chết oan trong việc này lên đến hàng chục ngàn người. Sau đó, Giang Sung lại bịa chuyện nói rằng trong cung có yêu khí trù yểm, rồi cho đào đất tìm kiếm cả trong cung thái tử, liền tìm được một hình nhân bằng gỗ (vốn đã được ông ta lén chôn giấu trước đó), đem dâng lên cho Hán Vũ Đế. Thái tử bị oan không làm sao phân giải được. Hoàng đế mang hình nhân bằng gỗ giao cho Giang Sung thi hành lệnh chém. Hoàng hậu và thái tử đều phải tự sát. Mãi về sau Vũ Đế mới biết việc này là do Giang Sung lừa dối hãm hại thái tử. Hối hận cũng không còn kịp nữa, Vũ Đế liền cho giết sạch cả ba họ nhà Giang Sung.

Người đệ tử Phật, tuyệt đối không thể làm những việc như vậy.

- Thứ năm, không được cúng tế quỷ thần. Ở đây là nói đến các loại tà quỷ tà thần, những việc cầu khấn, hứa nguyện, hoàn nguyện v.v...

- Thứ sáu, không được dâng sớ giải tấu, là nói những sự cầu giải oán cừu, dùng tấu sớ dâng lên thiên đế quỷ thần các loại...

- Thứ bảy, không được xem chọn ngày tốt giờ tốt. Đây là tập tục từ xưa còn sót lại, người đời thường mỗi khi làm việc gì cũng phải tìm kiếm cho được một ngày hoàng đạo, ngày tốt, lại cố chọn cho được giờ tốt.

Nói tóm lại, đức Phật nói về ý thế gian ở đây toàn là chỉ những điều mê tín, trái nghịch lý tánh, không những là đệ tử Phật không thể làm, mà Khổng tử trước đây cũng từng nói: “Cung kính quỷ thần nhưng lánh xa.” Khổng tử cũng không nói những chuyện yêu ma quái mỵ. Đó là nhà Nho cao minh của thế tục mà cũng không làm những việc thuận theo ý thế gian.

Thế nhưng, ngày nay phong tục suy đồi, những lời dạy sâu xa của đức Phật, của Khổng tử đều bị bỏ mất, mà những chuyện yêu ma quái mỵ lại phát triển mạnh mẽ trong đời, mê hoặc lòng người, đông đảo lấn lướt, muốn cho thiên hạ không rối loạn thật không thể được.

Những lời dạy của Nho giáo, Phật giáo, đều là dùng chân lý khai mở trí chân chánh cho con người, cho nên đó là lý trí, hoàn toàn không phải mê tín. Trong phần trước đã có nói qua, nhân lành ắt được quả lành, nhân xấu ác nhất định phải gặp quả báo xấu ác. Nhân quả báo ứng không mảy may sai lệch. Việc ở đời không thể cưỡng cầu, nên cần phải biết, những sự mê tín quỷ thần, cầu khẩn quỷ thần trợ giúp, siểm mỵ quỷ thần, không những là không thể làm thay đổi vận mệnh thành tốt đẹp, mà ngược lại càng làm càng thêm hư hoại, thối nát, cho đến mức chẳng còn gì cả, làm sao có thể được chút tốt đẹp gì? Phật dạy chúng ta không được làm, Khổng tử dạy chúng ta nên cung kính mà lánh xa, đó đều là dạy chúng ta phải phá trừ mê tín, khai mở trí chân chánh.

Nói chung, những việc mê tín thì đều là ý thế gian.

Nhưng tìm lành lánh dữ cũng là khuynh hướng thường tình của người đời, nếu đã không thể làm những việc theo ý thế gian, những việc mê tín, vậy phải làm như thế nào mới chân chính đạt được sự an lành, thân tâm an ổn?

Trong phần kinh văn tiếp theo, đức Phật vì chúng ta giảng rõ những gì người đệ tử Phật có thể làm. Kinh văn nêu ra sáu điểm, là pháp môn bất nhị chân chánh giúp người tìm lành lánh dữ. Mỗi người đều nên rõ biết, phải vâng làm y theo lời dạy.

4. Phật chỉ dạy về sự tôn quý của đạo pháp

Phần kinh văn này có sáu ý chính. Thứ nhất, người Phật tử khi làm việc gì nên tác bạch trước Tam bảo. Thứ hai, giới luật đạo đức là tôn quý, chư thiên thần đều kính phục. Thứ ba, đạo bao trùm khắp trời đất, chỉ do con người tự ngăn ngại. Thứ tư, thiện ác đều do nơi tâm, tự làm tự chịu. Thứ năm, giới hạnh thấu đến trời cao, các vị thánh đều ngợi khen xưng tán. Thứ sáu, bậc có trí tuệ tự nhiên đều vâng làm theo lời Phật dạy.

4.1. Người Phật tử khi làm việc gì nên tác bạch trước Tam bảo

Kinh văn

受佛五 戒,福德人也,有所施作,當啟三尊。佛之 玄通,無細不知。

Thụ Phật ngũ giới, phúc đức nhân dã, hữu sở thi tác, đương khải Tam tôn. Phật chi huyền thông, vô tế bất tri.

Dịch nghĩa

Được thọ nhận năm giới của Phật là người có phước đức, mỗi khi làm việc gì, nên tác bạch trước Tam bảo. Sự thông suốt nhiệm mầu của Phật không một điều nhỏ nhặt nào là không rõ biết.

Đây là ý thứ nhất đức Phật chỉ bày cho chúng ta. Ngài dạy rằng: “Người nhận được sự dạy dỗ, tiếp nhận năm giới của Phật, lại có thể thực sự tu tập làm theo thì nhất định phải là người có phước đức.”

Phước đức được nói đến trong kinh này bao gồm:

1. Tuổi thọ dài lâu

2. Hết sức giàu có

3. Tự thân thanh tịnh

4. Được mọi người kính trọng

5. Có đủ đức hạnh và trí tuệ

Trong các kinh khác trình bày cũng tương đồng về đại thể, chỉ khác biệt về tiểu tiết. Phước đức là quả báo, thọ trì năm giới chính là tu nhân. Người đệ tử Phật, tu nhân lành, được quả phúc, khi có làm việc gì, nhất định đều nương theo Tam bảo. Sự thông suốt nhiệm mầu của Phật, không gì là không rõ biết. Tu học y theo lời Phật dạy thì nhất định có được sự cảm thông với Phật.

Phần trên đã nói rằng, đệ tử Phật có thể làm những việc thế gian nhưng không thể thuận theo ý thế gian. Tiếp theo sau, đức Phật hết sức từ bi lại vì chúng ta chỉ bày sáu điểm giúp ta lánh dữ tìm lành, là pháp môn tu hành giúp ta tự làm lợi ích, đạt được trí tuệ.

Điểm thứ nhất này cũng nói rằng người đệ tử Phật khi làm việc gì đều nên tác bạch trước Tam bảo. Đối trước tượng Phật dâng hương kính cáo, đó là tác bạch với Phật. Mọi hành vi đều không trái lời răn dạy trong kinh, đó là tác bạch với Pháp. Thưa hỏi, thảo luận với các bậc thầy hoặc người có đạo đức, đó là tác bạch với Tăng. Làm việc phù hợp với lương tâm, lẽ trời, tự nhiên sẽ có cảm ứng giao hòa trong mối đạo với sự thông suốt nhiệm mầu của Phật.

4.2. Giới luật đạo đức là tôn quý, chư thiên thần đều kính phục

Kinh văn

戒德之人,道護為強,役使諸天,天龍鬼神,無不敬伏。戒貴則尊,無往不吉,豈有忌諱不善者耶。

Giới đức chi nhân, đạo hộ vi cường, dịch sử chư thiên, thiên long quỷ thần, vô bất kính phục. Giới quý tắc tôn, vô vãng bất cát, khởi hữu kị huý bất thiện giả da.

Dịch nghĩa

Người có giới hạnh, đạo đức, được sự bảo hộ mạnh mẽ, sai khiến được chư thiên, hàng trời, rồng, quỷ, thần thảy đều kính phục. Giới là quý báu, đáng tôn kính, không có gì là không tốt lành, lẽ nào lại có chỗ phải kiêng kỵ bất thiện hay sao?

Điểm thứ hai [được đức Phật] chỉ bày là nói rõ trong hết thảy mọi hành vi, chỉ có giới hạnh, đạo đức là được chư thiên, quỷ thần tôn sùng, kính phục bậc nhất. Người có thể nghiêm trì giới luật do Phật chế định, trong lòng có đạo đức, theo chỗ đạo đức đó mà tu học, mỗi ngày một nâng cao, chư thiên, thiên thần thay nhau hộ vệ, khiến cho chung quanh người đạo đức ấy luôn có đủ uy đức tôn trọng, đó gọi là được sự bảo hộ mạnh mẽ.

“Sai khiến được chư thiên” là nói sự biểu hiện bằng hành vi cụ thể của chư thiên thần kính phục người có đạo đức. Chẳng hạn như vào đời Đường có cư sĩ Lý Thông Huyền hoặc Đạo Tuyên Luật Sư ở núi Chung Nam, các vị này đều có thiên thần thường xuyên đi theo phục vụ công việc. Hơn nữa, trong sách Cao Tăng Truyện cũng ghi chép rất nhiều sự tích thiên thần đi theo phụng sự những người có đạo đức, quý vị có thể tham khảo thêm.

“Hàng trời, rồng, quỷ, thần thảy đều kính phục.” Đây là nói đến tám bộ quỷ thần trực thuộc dưới quyền bốn vị Thiên vương. Các vị này nhìn thấy người trì giới, tu đạo thì hết thảy đều cung kính đi theo hầu cận. Cho nên “giới là quý báu, đáng tôn kính, không có gì là không tốt lành”. Tinh thần giới luật của nhà Phật là “không làm các điều ác, vâng làm các việc lành”, tuyệt đối không gây khổ não, tổn hại đến chúng sinh, làm việc thiện cho người, thành tựu điều tốt đẹp cho người. Giới luật là đáng quý nhất trong tất cả các thiện hạnh. Trong lòng có giới thì các pháp khác đều khó sánh bằng. Cho nên, người có đạo đức, giới hạnh thì hết thảy mọi hành vi trong thực tế không có gì là bất lợi. Có thể thấy rằng, trì giới là pháp tu hành tốt đẹp nhất, lợi ích nhất.

“Lẽ nào lại có chỗ phải kiêng kỵ bất thiện hay sao?” Đây là nói những chỗ người ta thường kiêng kỵ không dám nói ra, là do trong lòng lo sợ đủ mọi điều chẳng lành. Khi chúng ta đã hiểu rõ được ý nghĩa [người trì giới] được sự bảo hộ mạnh mẽ thì còn có điều gì phải kiêng sợ nữa? Có điều gì lại là không lợi ích sao? Vậy sao phải hạ mình làm theo những chuyện mê tín?

Khi tôi giảng kinh ở các nơi, có người hỏi rằng, Thế chiến Thứ ba trước mắt đã nhìn thấy không thể tránh khỏi, vậy có nơi nào là an toàn nhất [để lánh nạn]? Đối với người ngoại quốc, tôi bảo Đài Loan là nơi an toàn nhất. Đối với người trong nước, tôi nói: “Làm thiện, tích đức, tu đạo là an toàn nhất, không có việc gì không được an lành tốt đẹp.”

4.3. Đạo bao trùm khắp trời đất, chỉ do con người tự ngăn ngại

Kinh văn

道之 含覆,包 弘天地,不達之 人,自作罣礙。

Đạo chi hàm phú, bao hoằng thiên địa. Bất đạt chi nhân, tự tác quái ngại.

Dịch nghĩa

Sự hàm chứa bao trùm của đạo rộng khắp đất trời. Người không thông đạt nên tự tạo ra sự ngăn ngại.

Đây là điểm thứ ba được Phật chỉ bày. Đạo là chỉ cho chân như, bản tánh, chân tâm, cũng chính là sự dứt trừ mê hoặc, sáng tỏ tâm ý, thấy được tự tánh. Về sự lớn rộng dung chứa của tâm, trong kinh [Lăng Nghiêm] nói thí dụ rằng: “Hư không đặt vào trong tâm chỉ như một cụm mây ở giữa bầu trời.” Cho nên, tâm bao trùm khắp cả đất trời, đó là sự tướng chân thật. Chỉ tiếc là người mê muội không thông đạt được lý lẽ này, không thấy được việc này, kết quả là tự mình tạo ra chướng ngại. Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Tánh Không chân thật thấy biết, vốn tự nhiên thanh tịnh, biến khắp pháp giới, tùy theo tâm của mỗi chúng sinh mà hiện thành chỗ thấy biết riêng.” Thế nhưng chỗ vọng kiến của chúng sinh chính là [đối với] “chân tâm mầu nhiệm sáng suốt, ví như trăm ngàn biển lớn trong xanh lại bỏ đi, chỉ nhận một chút bọt biển nhỏ nhoi mà xem đó như là toàn bộ biển lớn”, lại không biết rằng “vốn là Vô thượng Bồ-đề, diệu tâm thanh tịnh tròn đầy, do mê vọng sinh ra sắc không cùng những điều thấy nghe”. Cho nên đức Phật mới xót thương nói rằng, do người không thông đạt nên tự tạo ra sự ngăn ngại. Nếu nhận hiểu được, liền vượt thoát thế gian.

4.4. Thiện ác đều do nơi tâm, tự làm tự chịu

Kinh văn

善惡之事 ,由人心作,禍福由人,如影追形,響之應聲。

Thiện ác chi sự do nhân tâm tác, họa phúc do nhân, như ảnh truy hình, hưởng chi ứng thanh.

Dịch nghĩa

Những việc thiện ác do tâm người tạo ra, nên họa hay phúc đều là do người, như bóng đuổi theo hình, như âm vang dội lại tiếng.

Đây là điểm chỉ bày thứ tư, nói rõ việc thiện ác đều ở nơi tâm người, mà quả báo nhất định sẽ đến như bóng theo hình. Câu kinh này so với những điều nói trong văn Cảm ứng thiên cũng tương đồng, ý nghĩa câu chữ rõ ràng, quả thật là lời chân thật chí lý. Gieo nhân lành được quả phúc, gieo nhân ác chịu tai ương họa hại. Tâm tạo tác, thân nhận chịu, nhân quả báo ứng không mảy may sai lệch. Nếu như thực sự hiểu rõ được chân tướng của việc này, thì ngay trong mỗi lúc khởi tâm động niệm liền biết ngay được quả báo [của tâm niệm đó] là họa hay phúc. Như vậy là người phước đức lớn thực sự có trí tuệ. Cho nên mới nói rằng: “Chúng sinh nhận chịu quả báo [khổ não] mới biết sợ, Bồ Tát biết kiêng sợ ngay từ chỗ tạo nhân [nên không tạo nhân xấu ác].”

Đây chính là chỗ đức Phật dạy chúng ta phải khởi đầu, là phương tiện trước nhất việc tu đạo, cầu phúc.

4.5. Giới hạnh thấu đến trời cao, các vị thánh đều ngợi khen xưng tán

Kinh văn

戒行之 德,應之 自然,諸天所護,願不意違,感動 十方,與天參德,功 勳巍巍,眾聖嗟歎,難可稱量。

Giới hạnh chi đức, ứng chi tự nhiên, chư thiên sở hộ, nguyện bất ý vi, cảm động thập phương, dữ thiên tham đức, công huân nguy nguy, chúng thánh ta thán, nan khả xưng lượng.

Dịch nghĩa

Đức độ của người giới hạnh ứng hợp với tự nhiên, chư thiên đều bảo vệ giúp đỡ, mọi tâm nguyện đều được như ý, cảm động khắp mười phương, đức lớn ngang trời, công phu thành tựu uy nguy chói lọi, các bậc thánh đều ngợi khen xưng tán, khó có thể suy lường.

Đoạn kinh văn này là điểm chỉ bày thứ năm của đức Phật trong phần này, hết lời khen ngợi người giới hạnh công đức lớn lao ngang trời, do vậy khuyến khích khuyên bảo mọi người phải thực sự nỗ lực tu học.

Nói chung, người tự mình nghiêm trì luật tắc là giới Tiểu thừa, hướng đến làm lợi ích khắp thảy chúng sinh là giới Đại thừa.

Người giữ giới, làm việc thiện, có đạo đức, tự nhiên có sự cảm ứng cùng chư Phật, Bồ Tát, nên tùy duyên biểu hiện hình tướng mà không thay đổi bản tính, cho nên nói là tự nhiên. Đó là một cách giải thích.

Lại nữa, Bồ Tát hóa độ chúng sinh, tùy duyên hiển hiện hình tướng, khi cần đến hình tướng nào có thể hóa độ chúng sinh liền hiển hiện hình tướng đó, nhưng không trái với bản thể, vẫn ứng hợp với tự nhiên.

Hiểu rõ được ý nghĩa này liền biết được rằng, chỉ cần tự mình có thể giữ giới, làm việc thiện, không cần thiết phải khẩn cầu thần tiên, cầu Bồ Tát hay cầu Phật, mà tự nhiên có sự cảm ứng. Đã có sự cảm ứng thì đương nhiên được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, có lý nào lại không được chư thiên, quỷ thần theo bảo vệ giúp đỡ?

“Mọi tâm nguyện đều được như ý”, đó là nói mọi việc đều được thuận theo ý muốn, có cầu liền có ứng. [Người có giới hạnh thì] tâm đồng như tâm Phật, miệng nói như lời Phật, thân làm việc như Phật, tự đem việc làm của mình mà giáo hóa người khác, nhất định phải cảm động khắp mười phương, mọi hành vi, tâm niệm đều xứng hợp tự tính, mọi việc làm đều thuận duyên không tạo nghiệp, như mặt trời mặt trăng đi qua bầu trời, bốn mùa nuôi dưỡng sự sống muôn loài. Như vậy là cùng với trời đất dung hợp cùng một thể, cùng một công năng tác dụng, cho nên nói rằng đức lớn lao bằng trời.

“Công phu thành tựu uy nguy chói lọi”, đó là nói công đức lớn lao của việc đem hành vi chính mình mà nêu gương giáo hóa người khác, hết thảy các bậc thánh hiền thế gian và xuất thế gian đều ngợi khen xưng tán. Đức độ của người trì giới hành thiện là không thể nghĩ bàn, xưng tán ngợi khen không cùng tận.

Chúng ta đọc qua một đoạn kinh văn khai thị này rồi, nên phát tâm hết lòng chuyên tu công đức chân thật mà hết thảy các bậc thánh đều ngợi khen, như vậy mới không phụ lòng từ bi răn dạy của đức Phật.

4.6. Bậc có trí tuệ tự nhiên đều vâng làm theo lời Phật dạy

Kinh văn

智士達命,沒身不邪,善如佛教,可得度世 之 道。

Trí sĩ đạt mệnh, một thân bất tà, thiện như Phật giáo, khả đắc độ thế chi đạo.

Dịch nghĩa

Người có trí thấu hiểu lẽ đạo, trọn đời không rơi vào tà vạy, khéo làm theo lời Phật dạy, có thể thành tựu đạo giải thoát.

Đây là điểm chỉ bày cuối cùng trong phần kinh văn này, nói rõ chỉ người có trí tuệ mới biết vâng làm theo lời Phật dạy.

“Người có trí tuệ” là nói có trí tuệ thấu hiểu sáng tỏ sự lý. “Thấu hiểu lẽ đạo” là nói sự thông đạt sáng tỏ giáo pháp nhân duyên tương sinh, thấu rõ lý tự nhiên, cũng gọi là “mệnh trời”. “Trọn đời không rơi vào tà vạy”, vì đã thông đạt giáo pháp nhân duyên tương sinh nên trọn đời không còn nghi hoặc, không rơi vào những hiểu biết, kiến giải tà vạy, không làm những việc tà vạy.

“Khéo làm theo lời Phật dạy.” Ở đây phải chú ý ở chữ “khéo làm”, hàm ý là sáng suốt hiểu được lý lẽ, giữ được tâm định tĩnh, lại có thể thường thuận theo chúng sinh, trong chỗ tùy hỷ thành tựu được vô lượng công đức. Đó gọi là lý với sự không ngăn ngại, sự với sự cũng không ngăn ngại, đầy đủ Tam học giới, định, tuệ, hết thảy đều xứng hợp tự tính, hết thảy đều an nhiên tự tại, như vậy mới gọi là “khéo làm theo lời Phật dạy”. Vâng làm theo lời Phật dạy thì cho dù là cư sĩ tại gia cũng có thể chứng đắc đạo lớn Bồ-đề, vượt thoát thế gian, thành Phật, thành Bồ Tát.

Như trên đã giảng xong phần thứ tư của kinh này. Sau khi chúng ta đọc qua bản kinh này mới hiểu rằng việc học Phật của người cư sĩ tại gia vốn không có gì trở ngại, cũng không có gì là không thuận tiện. Chỉ cần tu học đúng lẽ đúng pháp, khéo làm theo lời Phật dạy, ắt có thể khiến cho bất cứ hoàn cảnh nào cũng trở thành mỹ mãn, hạnh phúc, khiến cho cuộc sống này của ta trở nên có giá trị, có ý nghĩa.

Tiếp theo là phần thứ năm của kinh này, nói việc Tôn giả A-nan sau khi lần lượt được nghe Phật bốn lần giảng giải chỉ bày qua bốn đoạn kinh trên, mới tự thấy mình hết sức may mắn được gặp Phật nghe pháp, được lợi ích lớn lao, nhưng đối với những người không được nghe biết Phật pháp ắt không khỏi mê hoặc tạo tác nghiệp xấu, cho nên ngài mới thương xót chúng sinh, thỉnh cầu đức Phật tiếp tục trụ thế dài lâu. Đoạn này chính là nêu cảm tưởng, chỗ tâm đắc của ngài A-nan khi được nghe lời Phật dạy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.81.255 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...