Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Học đạo trong đời »» Không trộm cắp »»

Học đạo trong đời
»» Không trộm cắp

Donate

(Lượt xem: 4.209)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Học đạo trong đời - Không trộm cắp

Font chữ:


Diễn đọc: Văn Tuấn

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tuần trước, chúng ta đã có dịp trao đổi sơ qua về một trong năm giới của người Phật tử tại gia, đó là điều giới không giết hại. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm về điều giới thứ hai trong năm giới “sát, đạo, dâm, vọng, tửu”, đó là điều giới không trộm cắp.

Chữ “đạo” (盜) mang nghĩa là trộm cắp, thường nói đầy đủ là “thâu đạo” (偷盜), vì theo nghĩa cổ thì chữ đạo (盜) có nghĩa là cướp, còn chữ thâu (偷) là trộm. Về sau thì chữ đạo (盜) trong Hán ngữ được hiểu với cả hai nghĩa, lén lút ăn trộm hoặc dùng sức mạnh cướp giật của người khác đều gọi là đạo (盜). Xin phân biệt rõ với chữ “đạo” (道) là con đường, là đạo pháp, vì tuy đồng âm, hai chữ này có cách viết và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Điều giới “bất thâu đạo” hay “không trộm cướp” có hàm nghĩa rộng là “không nhận về mình bất kỳ giá trị vật chất nào của người khác nếu không được người ấy tự nguyện trao cho”, hay nói ngắn gọn hơn là không chấp nhận việc “không cho mà lấy”.

Như vậy, khái niệm “trộm” hay “cướp” chỉ đề cập đến những trường hợp tiêu biểu nhất, nặng nề nhất mà thôi, và những ai phạm các tội này cũng đồng thời bị kết tội bởi luật pháp thế gian, sẽ phải chịu sự trừng phạt, chế tài của pháp luật. Nhưng hàm nghĩa của điều giới này đối với người Phật tử là rộng hơn như thế rất nhiều, bởi có nhiều trường hợp phải bị xem là phạm giới nhưng đối với luật pháp thế gian thì không bị kết tội. Chẳng hạn, khi chúng ta dùng sự khôn khéo hoặc thế lực hiện có của mình để buộc người khác phải chi trả cho ta một khoản tiền nhiều hơn mức thông thường, hợp lý, thì điều đó đã bị xem như phạm giới, bởi vì người ấy hoàn toàn không tự nguyện chấp nhận sự thiệt thòi đó.

Tương tự, bất kỳ hành vi, lời nói nào của chúng ta nhắm đến mục đích gây hại cho người khác nhằm thu lợi về mình đều là phạm vào giới này. Nói cách khác, người Phật tử giữ theo giới này thì trong đời sống cũng như công việc phải luôn luôn chơn chất thật thà, lợi mình lợi người, tuyệt đối không vì tham lam tài sản của người khác mà tìm cách chiếm đoạt, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Hiểu theo cách này thì những việc làm như cho vay nặng lãi, đầu cơ tích trữ, tham nhũng công quỹ v.v... đều là những hành vi phạm vào giới luật.

Suy nghĩ sâu xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng lòng tham chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến biết bao hành vi tội lỗi, xấu xa trong xã hội, chung quy cũng đều do việc mong muốn chiếm hữu những giá trị vật chất của người khác về làm của mình. Hãy thử hình dung, nếu như hết thảy mọi người trong xã hội đều biết suy ngẫm để cùng nhau hành xử theo đúng tinh thần răn ngừa của điều giới này, đời sống sẽ trở nên an ổn và hạnh phúc biết bao! Bởi khi ấy sẽ không còn bất cứ ai phải dè chừng, nghi ngại trong quan hệ tiếp xúc với người khác, cũng sẽ không có bất cứ ai nghĩ đến việc gây hại người khác để trục lợi về mình. Khi ấy, mọi gia đình sẽ an vui, xã hội sẽ giàu mạnh dựa trên nền tảng công bằng và hợp lý, không còn có những sự áp bức hay tranh giành, mưu mô thủ đoạn. Phải chăng đây cũng chính là lý tưởng xã hội mà biết bao thế hệ nhân loại đều mong đợi cũng như cố công xây dựng? Trong một xã hội như thế, mỗi người đều sẽ hài lòng và cảm thấy hạnh phúc với những gì được làm ra từ chính công sức của mình, dù nhiều hay ít, và chia sẻ niềm vui thành công với mọi người khác thay vì ganh ghét hay tìm cách chiếm đoạt, ngăn trở những thành tựu của họ, chỉ vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của riêng mình.

Điều kỳ diệu ở đây là, một xã hội lý tưởng như thế lại không cần thiết phải được xây dựng dựa trên hàng ngàn trang lý thuyết khô khan hay bất kỳ một hệ thống triết học quy mô phức tạp nào, mà chỉ cần tất cả mọi người biết tự nguyện sống theo một điều giới đã được đức Phật chế định từ hơn 25 thế kỷ trước!

Tuy nhiên, có thể nói đây quả thật là một điều vừa hết sức dễ dàng lại vừa cực kỳ khó khăn!

Hết sức dễ dàng là vì không còn gì có thể dễ dàng hơn việc học hiểu một điều giới hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu: không tham lấy của người khác khi họ không tự nguyện trao cho mình!

Nhưng điều dễ dàng này lại trở nên cực kỳ khó khăn vì để thực hiện được nó thì trước hết chúng ta phải chiến thắng, phải dẹp bỏ được lòng tham trong chính bản thân mình. Lão tử từng nói: “Thắng nhân giả trí, tự thắng giả cường.” (Thắng được người khác là có trí, tự thắng được mình mới là người mạnh mẽ.) Một cách sâu sắc hơn, Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú:

Dù giữa bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Không bằng tự thắng mình,
Thật chiến thắng tối thượng.

(Kinh Pháp cú, kệ số 103)

Chiến thắng lòng tham là một trong những yếu tố để chiến thắng chính mình. Cho nên, điều đó quả thật hết sức khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì tu dưỡng của bất cứ ai trong chúng ta nếu muốn đạt được.

Lòng tham thường sẽ ngủ yên khi không có đối tượng, và vì thế chúng ta thường đánh giá sai lầm về sức mạnh sai khiến của nó. Trong một nếp sống bình yên êm ả, mỗi chúng ta đều luôn tự thấy mình có thể dễ dàng làm một người tốt bụng, không chút tham lam. Tuy nhiên, một khi ngoại duyên đưa đẩy ta đến trước những hoàn cảnh cám dỗ cực kỳ mạnh mẽ của tiền bạc, của cải, chính lúc đó cái lòng tham “ngủ yên” kia mới bắt đầu vùng dậy và thể hiện sức mạnh đáng sợ của nó. Nó sẽ không bao giờ chịu khuất phục nằm yên trở lại nếu như ta chưa chịu thực hiện theo những thôi thúc, sai khiến của nó. Hơn thế nữa, nó còn có đủ “trăm phương ngàn kế” để đánh bại chúng ta, bằng cách ngụy trang dưới nhiều lý do giả tạo khác nhau nhằm có thể biện minh sao cho những hành vi sai trái cũng có thể trở thành “tốt đẹp”, khiến ta dễ dàng gục ngã trước sự thôi thúc của nó. Chẳng hạn, nó sẽ lý giải với ta rằng, mưu mẹo một chút để có được lợi nhuận hàng trăm triệu thì có gì sai trái, miễn là ta hãy trích ra vài mươi triệu để làm từ thiện giúp đỡ người nghèo là được rồi (!?)... Vân vân và vân vân! Đây chính là lý do giải thích vì sao có rất nhiều người bình thường vô cùng đạo đức, hiền lành, nhưng rồi trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, do lòng tham thôi thúc, họ bỗng trở thành gian ác, hiểm độc vô cùng, chỉ để đạt được những gì họ muốn.

Một ví dụ thường thấy hơn là có những người bạn hết sức thân thiết trong thuở hàn vi, sẵn sàng chia sẻ với nhau bất kỳ những gì họ có. Thế nhưng, khi cuộc đời thay đổi, họ trở thành những người giàu có, quyền lực, thì sự xung đột về quyền lợi bắt đầu nảy sinh. Khi đó, tình xưa nghĩa cũ rất thường bị lãng quên và họ có thể đối xử với nhau như những kẻ thù để tranh giành quyền lợi. Quả thật là, đĩa rau hạt muối rất dễ chia nhau, nhưng nhà lầu xe hơi thì chẳng ai chấp nhận nhường cho người khác...

Nhìn lại lịch sử nhân loại từ nhiều ngàn năm qua, bao nhiêu cuộc chiến tranh xung đột cũng không đi ngoài việc phạm vào giới này. Nước lớn thôn tính nước nhỏ, suy cho cùng chỉ là để thâu tóm tài nguyên của cải về cho mình, dù đôi khi được ngụy trang dưới những từ ngữ như “bảo hộ”, “thuộc địa”... Trong thực trạng xã hội thì việc ỷ mạnh hiếp yếu, lợi dụng quyền thế bóc lột dân nghèo cũng diễn ra ở khắp các xã hội từ Đông sang Tây, mà mục đích cuối cùng cũng không phải gì khác hơn là để thâu tóm tiền bạc, của cải. Tất cả những điều đó đều có thể được ngăn chặn hoặc xóa bỏ hoàn toàn nếu như nhân loại có thể ý thức được những lợi lạc lớn lao của điều giới này.

Nhưng lợi lạc lớn lao đó là gì nếu như chúng ta luôn phải tự giữ mình trước những “cơ hội thủ lợi” từ người khác? Chẳng phải như thế sẽ là khó khăn hơn nhiều cho chúng ta nếu muốn trở nên người giàu có?

Trong thực tế, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được về sự lợi lạc này nếu như chưa hiểu ra được tính chất tạm bợ và vô nghĩa của những giá trị vật chất trong đời sống. Vì thế, trước khi muốn chiến thắng được lòng tham trong chính bản thân mình, ta cần phải quán chiếu thật sâu sắc về ý nghĩa, về bản chất thực sự của những giá trị vật chất trong cuộc đời này. Và một trong những sự thật dễ nhận ra nhất chính là mối quan hệ giữa hạnh phúc chân thật với các giá trị vật chất giả tạm. Chúng ta có thể xét thấy rằng, không một cuộc sống hạnh phúc thực sự nào lại có thể mua được chỉ bằng những giá trị vật chất và thiếu vắng tình cảm chân thật. Cuộc sống giàu sang sẽ chẳng có ý nghĩa gì, chẳng thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta trong đời sống, nếu như quanh ta chỉ toàn là những quan hệ khô khan tình cảm hoặc thậm chí là oán ghét, mâu thuẫn với nhau. Ngay cả trong những quan hệ ruột thịt giữa các thành viên trong cùng một gia đình, nhưng nếu thiếu đi sự cảm thông và tình cảm chân thật, thì cho dù gia đình đó có giàu sang đến đâu cũng không thể là một gia đình hạnh phúc!

Nhìn từ góc độ đó, ta sẽ thấy ngay rằng những mưu toan chiếm đoạt tài sản của người khác dù bằng bất kỳ hình thức nào, thật ra đều là sự đánh đổi cuộc sống bình an và hạnh phúc để đổi lấy những giá trị vật chất giả tạo không hề mang lại được hạnh phúc chân thật. Trong thực tế, những kẻ sử dụng sự gian manh để làm giàu trong xã hội đều phải trả giá trước hết bằng sự rạn nứt trong quan hệ gia đình hạnh phúc. Họ có thể che giấu cả xã hội này về những hành vi bất chính, gian xảo của mình, nhưng chắc chắn họ không thể che giấu vợ hoặc chồng mình cũng như con cái trong gia đình. Và điều này dần dần sẽ dẫn đến hoặc là sự tan rã gia đình, hoặc là sự hư hỏng không thể răn dạy của con cái. Một khi con cái đã hư hỏng, thì những giá trị vật chất mà họ kiếm được sẽ không thể nào bù đắp được.

Những suy diễn như trên không phải chủ quan, mà là một thực tế đã xảy đến cho rất nhiều người. Bởi khi một người đã bị lôi cuốn vào con đường làm giàu bất chính, thì khuynh hướng tự nhiên của người ấy là sẽ không muốn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mà chính bản thân họ đã đi ngược lại. Điều này dẫn đến hệ quả tất nhiên là họ không thể giáo dục con cái thành người đạo đức, càng không đủ tư cách để răn dạy con cái khi chúng đi vào con đường hư hỏng. Và những chuyển biến tự nhiên này tất yếu sẽ phá vỡ bất kỳ gia đình hạnh phúc nào, cho dù khi ấy họ đã có trong tay rất nhiều tiền bạc, của cải.

Khi thấy được những mối nguy hiểm tiềm ẩn sâu xa đó, chúng ta mới thấy được lợi ích lớn lao của việc giữ theo điều giới thứ hai này. Bởi nó giúp ta ngăn ngừa sự đổ vỡ của một cuộc sống bình yên và hạnh phúc chân thật, giữ cho ta không rơi vào sự băng hoại đạo đức của chính bản thân cũng như làm tổn hại đến cả gia đình mình. Hơn thế nữa, một khi chiến thắng được lòng tham, chúng ta sẽ luôn cảm thấy hài lòng với những giá trị vật chất mà chính mình đã làm ra được, sẽ có thể sống hạnh phúc trong tinh thần tri túc với những gì đang có mà không bị lôi cuốn, thôi thúc phải chạy theo lòng ham muốn đối với những cám dỗ vật chất vốn luôn đầy dẫy quanh ta.

Mong rằng với những nhận thức vừa được chia sẻ trên, tất cả chúng ta đều sẽ thấy được tầm quan trọng cũng như sự lợi ích lớn lao của việc giữ theo giới này. Cũng cần nhấn mạnh thêm ở đây là, chính sự nhận thức đúng đắn và nghiêm trì giới luật của mỗi người Phật tử sẽ là sự đóng góp lớn lao mà mỗi chúng ta đều có thể làm được để góp phần dựng xây ngôi nhà Phật pháp, nhưng ngay cả những ai không phải là Phật tử mà có thể sống đúng theo điều giới này, người ấy cũng sẽ trở nên một nhân cách cao thượng hơn hẳn nhiều người khác.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 25 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Đừng bận tâm chuyện vặt


Rộng mở tâm hồn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.104.16 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...