Chúng ta đã có dịp bàn qua về năm điều giới do đức Phật chế định dành cho người Phật tử tại gia. Có thể nói, giữ giới nghiêm túc là bước đầu quan trọng nhất trong tiến trình tu tập của người Phật tử. Những ai chưa thực sự nghiêm túc giữ theo giới luật thì mãi mãi vẫn chỉ là người đứng bên ngoài ngôi nhà Phật pháp. Bởi cho dù có tìm hiểu, nghiên cứu, thu thập được bao nhiêu tri thức, hiểu biết về đạo Phật đi chăng nữa, người ấy vẫn không thể thực sự nhận được những lợi ích sâu xa, mầu nhiệm mà Phật pháp mang lại trong cuộc sống.
Giới luật là nền móng căn bản nhất của mọi pháp môn tu tập. Chưa từng thấy có pháp môn tu tập nào trong đạo Phật mà không dựa trên căn bản giới luật. Vì thế, người hành trì bất cứ pháp môn nào mà không giữ theo giới luật thì cũng chẳng khác nào kẻ xây nhà trên cát, không chuẩn bị trước một nền móng vững chắc cho ngôi nhà của mình. Cho dù có thể nhìn thấy được một vài kết quả của sự hành trì thì đó cũng chỉ là tạm bợ, nhất thời mà thôi. Không có giới luật thì mọi phương pháp tu tập hành trì đều sẽ không thể mang lại kết quả thực sự dài lâu.
Sở dĩ có thể đưa ra nhận định như trên vì giới luật chính là phương tiện đầu tiên và duy nhất để điều chỉnh đồng thời cả ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta đi vào con đường chân chánh. Chúng ta không thể thực hiện bất kỳ hành vi sai trái gây tổn hại nào mà không phạm vào giới luật. Ngược lại, khi ta nghiêm giữ đúng theo giới luật thì mọi hành nghiệp xấu ác của thân khẩu ý đều sẽ bắt đầu được kiềm chế, kiểm soát. Chúng ta hoàn toàn có thể khởi đầu con đường tu tập với một sự hiểu biết kém cỏi hoặc với một tâm thức loạn động còn nhiều thói quen xấu, nhưng chúng ta không thể khởi đầu con đường tu tập với một nhận thức sai lệch về giới luật, xem thường việc giữ giới. Bởi vì sự hiểu biết kém cỏi của ta có thể được cải thiện dần trong quá trình tu học, cũng như những thói quen xấu đều có thể dần dần được thay đổi, chuyển hóa, nhưng tất cả những điều đó chỉ thực hiện được khi ta bắt đầu khép mình vào khuôn khổ của giới luật, sống đúng theo giới luật. Nếu không, ta không thể dựa vào đâu để dừng lại mọi hành nghiệp xấu ác và phát triển chánh kiến trên đường tu tập.
Tuy nhiên, cho dù giới luật có tầm quan trọng như thế, nhưng chỉ riêng việc giữ giới không thôi thì chưa đủ để giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường giải thoát, mà thiết thực, gần gũi nhất là giảm nhẹ đi những phiền não, trói buộc trong cuộc sống hiện tại. Giới luật có thể ví như tấm áo giáp giúp bảo vệ ta trong chiến trường xung đột giữa thiện và ác. Nhờ tấm áo giáp này, ta sẽ chống lại được nhiều sự lôi cuốn, tổn hại từ những điều xấu ác. Nhưng người dũng sĩ ra trận không chỉ nhờ vào tấm áo giáp để thắng trận, mà còn cần đến vũ khí sắc bén cũng như sự dũng mãnh để có thể khuất phục quân địch. Cũng giống như vậy, chúng ta bước đi trên con đường tu tập, ngoài việc mặc vào tấm áo giáp giới luật là cực kỳ cần thiết, còn phải biết trang bị cho mình sức dũng mãnh là định lực kiên cố và vũ khí sắc bén là trí tuệ chân chánh, thì mới có thể chiến thắng, dứt trừ được mọi ác nghiệp.
Nguyên lý cơ bản của tiến trình tu tập này được thể hiện qua lời Phật dạy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại Chánh Tạng, Tập 19, kinh số 945, trang 131, tờ c, dòng thứ 14):
“Nhờ có giới luật mà sinh ra định lực, nhờ có định lực mà phát triển được trí tuệ.” (Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. - 因戒生定因定發慧)
Như vậy, rõ ràng giới luật là bước khởi đầu nhưng không phải điểm dừng của tiến trình tu tập, mà kết quả của sự giữ giới là sẽ đạt được định lực kiên cố, và nhờ nơi định lực kiên cố đó mà phát triển trí tuệ chân chánh hướng đến giải thoát. Đây là một tiến trình tương quan tương hỗ, trong đó cả ba yếu tố đều có sự liên quan và tác động lẫn nhau, giúp nhau phát triển hoặc làm suy thoái lẫn nhau. Khi việc giữ giới được nghiêm cẩn, kiên trì, định lực sẽ ngày càng kiên cố hơn, trí tuệ nhờ đó cũng dần phát triển sáng suốt hơn. Ngược lại, khi hành giả xem thường giới luật, hủy phạm các giới đã thọ trì thì tâm ý không còn giữ được sự an định, định lực mất dần đi, trí tuệ cũng do đó không còn sáng suốt, ngày càng mê muội đi. Cho nên, người tu tập khởi đầu đi lên từ việc nghiêm cẩn giữ theo giới luật mà sự thối thất luôn khởi đầu từ việc hủy phạm giới luật.
Trên con đường tiến lên quả vị giải thoát, Giới, Định và Tuệ là ba bậc thang căn bản hình thành mà cũng là ba yếu tố xuyên suốt để tạo nên mọi thành quả tu tập. Nhờ có giới mà đạt được định lực, nhờ có định lực mà phát triển được trí tuệ. Lại nhờ có trí tuệ phát triển mà hiểu sâu hơn, đúng đắn hơn về giới luật, nên định lực đạt được lại càng thêm kiên cố; và định lực càng thêm kiên cố thì trí tuệ lại càng phát triển đến tầng bậc cao hơn, sáng suốt hơn nữa. Sự hỗ tương tích cực này sẽ liên tục lặp lại cho đến khi hành giả đạt được quả vị giải thoát.
Và tiến trình ngược lại cũng diễn ra trên căn bản của Giới, Định và Tuệ. Khi hành giả bắt đầu hủy phạm giới luật chính là lúc mà định lực bắt đầu suy yếu. Do định lực suy yếu nên trí tuệ cũng lu mờ dần, trở nên mê muội; và trí tuệ đã mê muội thì việc hủy phạm giới luật sẽ có điều kiện để tiếp tục ở mức độ nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn nữa. Và cứ như thế mà bao nhiêu thành quả tu tập đều sẽ dần dần mất sạch, chẳng mấy chốc phải chìm đắm trở lại trong dòng sông phiền não mê muội. Hơn thế nữa, trong khi sự hướng thượng là vượt thắng mọi khó khăn thử thách để từng bước đi lên như người chinh phục đỉnh núi cao, thì quá trình suy thoái lại sẽ diễn ra hết sức dễ dàng nhanh chóng như người buông tay trên sườn núi, chắc chắn sẽ phải ngã lăn xuống dốc với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Và kèm theo với quá trình suy thoái đó là vô số những tổn thương và đau khổ chắc chắn không thể nào tránh được. Sự tương đồng trong hình ảnh minh họa này còn có thể thấy được qua việc người leo lên núi dù có mệt nhọc đến đâu cũng vẫn giữ được thân thể luôn toàn vẹn, an lành, nhưng người đã ngã lăn xuống núi thì chắc chắn những tổn thương cho thân thể là không sao tránh được, nhẹ thì sây sát ngoài da, mà nặng thì có thể gãy chân, gãy tay cho đến nguy hiểm cả tính mạng.
Khi hiểu được rằng cả hai tiến trình thuận nghịch trên con đường tu tập đều khởi đầu từ việc nghiêm trì giới luật hay hủy phạm giới luật, chúng ta mới có thể ý thức được một cách đúng đắn và sâu sắc về ý nghĩa của việc giữ giới. Hành giả dù có tinh tấn, nhiệt thành đến mức nào đi chăng nữa, nếu không đặt căn bản tu tập trên nền tảng giới luật thì chắc chắn không bao lâu sự nhiệt thành, tinh tấn đó cũng sẽ tàn lụi, hoặc nguy hiểm hơn nữa là sẽ đưa hành giả đi vào con đường tà kiến, sai lệch. Ngược lại, những ai biết “lấy giới làm thầy” đúng như lời di huấn của đức Thế Tôn, thì cũng giống như người đi xa đã có sẵn bản đồ chỉ dẫn, cứ tiến dần từng bước mà không sợ lạc đường.
Nếu như giới luật là tấm áo giáp bảo vệ chúng ta khỏi những điều gây tổn hại đến thân tâm, thì định lực của sự tu tập chính là sức mạnh giúp ta khuất phục, vượt qua được mọi điều xấu ác. Nhờ có định lực, chúng ta sẽ có thể vững vàng trước sức tấn công của những nghịch duyên từ ngoại cảnh hay những sóng gió từ nội tâm, cũng như những tập khí xấu ác từ nhiều đời luôn xô đẩy ta vào con đường bất thiện. Định lực càng kiên cố thì sức đề kháng của ta càng mạnh mẽ, và khả năng vượt qua chướng ngại trên đường tu tập cũng càng được tăng thêm.
Mặt khác, nếu như định lực mang đến cho ta sức mạnh đề kháng thì trí tuệ lại chính là phương tiện hữu hiệu giúp ta dứt trừ tận gốc rễ của mọi điều xấu ác. Như lưỡi gươm sắc bén, trí tuệ chặt đứt mọi nguyên nhân dẫn đến các hành vi bất thiện cũng như đoạn trừ mọi nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Với sức mạnh có được từ định lực và sử dụng vũ khí sắc bén là trí tuệ, người dũng sĩ hướng thiện nhất định sẽ chiến thắng và vượt lên trên con đường giải thoát.
Người xưa thường nói: “Đường xa muôn dặm khởi đầu từ một bước chân đi, lầu cao muôn trượng cũng khởi xây từ một viên gạch nhỏ.” Và giới luật chính là viên gạch đầu tiên để chúng ta xây nên tòa nhà giải thoát, là bước chân đầu tiên chúng ta phải đặt lên trên con đường dài giác ngộ. Cho nên, dù chọn lựa tu tập theo bất kỳ pháp môn nào thì bước khởi đầu của tất cả chúng ta vẫn phải là sự nghiêm cẩn thọ trì giới luật. Đối với những ai đã thực sự bước vào con đường trì giới, chúng tôi xin thành thật chúc mừng người ấy; và đối với những ai vẫn còn chưa bắt đầu giữ giới thì xin hãy cân nhắc ngay việc phát tâm thọ trì giới luật kể từ hôm nay để không phải hối tiếc vì quá muộn. Hãy nhớ rằng, năm điều giới đối với người cư sĩ tại gia không phải là quá nhiều để ta phải e dè từ chối, nhưng lại chính là một hành trang quá đủ để ta có thể mang theo trên suốt chặng đường dài hướng đến sự giác ngộ và giải thoát.
Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ mang lại ít nhiều lợi lạc cho người đọc.