Tiến trình tu tập đúng hướng chắc chắn sẽ giúp mỗi chúng ta đều có được sự thay đổi ngày càng tốt hơn trong cuộc sống. Sự thay đổi này thường khác biệt ở mỗi người, nhưng nói chung đều giúp ta có được nhiều niềm vui hơn, cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Vì thế, nếu chúng ta vẫn luôn nỗ lực tu sửa nhưng lại cảm thấy đời sống mình ngày một nặng nề, khổ não nhiều hơn, thì nhất thiết cần phải xem xét lại tất cả những hiểu biết cũng như công phu hành trì nào mà ta đang theo đuổi. Bởi chính đức Phật đã từng xác quyết rằng: “Như nước trong đại dương luôn có vị mặn, giáo pháp của Ta cũng luôn có vị giải thoát.” Và nếu người tu tập không thấy mình nhận được ít nhiều hương vị giải thoát thì nguy cơ lệch đường rất có thể là đang xảy ra.
Một trong những thay đổi khi chúng ta có đủ quyết tâm tu tập đúng hướng là sự thay đổi quan điểm, cách nhìn về cuộc sống theo hướng tích cực hơn, buông xả nhiều hơn. Một đạo hữu chia sẻ với chúng tôi về trạng thái không còn cảm thấy tham muốn tiền bạc, vật chất sau một thời gian dài tu tập. Chính sự giảm nhẹ tham muốn như vậy là một tiền đề hết sức quan trọng cho đời sống hạnh phúc trong hiện tại, bởi nếu tham muốn không được giảm trừ, thì cho dù quý vị có liên tục thành công trong việc tích lũy tài sản, tiền bạc, chắc chắn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn. Nhưng một khi đã trừ bỏ được lòng tham muốn, thì những thành công hay thất bại về mặt tài chánh sẽ không còn là tác nhân nặng nề ảnh hưởng đến niềm vui sống của quý vị.
Tuy nhiên, nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò và giá trị thực tiễn của tiền bạc, vật chất trong cuộc sống. Dứt trừ tham muốn không có nghĩa là quý vị phải buông bỏ hết mọi công việc đang làm để tạo ra của cải vật chất. Điều đó vừa bất hợp lý, vừa hoàn toàn bất khả thi trong cuộc sống trần tục của tất cả chúng ta. Từ những trách nhiệm đối với gia đình cho đến cộng đồng xã hội đều là những nhu cầu hết sức cụ thể cần phải được giải quyết bằng tiền bạc, vật chất. Và việc tạo ra tiền bạc, của cải bằng con đường chính đáng cũng là một trong những phương tiện để chúng ta làm lợi lạc cho hết thảy mọi người.
Vì thế, chúng ta cần có sự phân biệt rõ giữa việc làm ra tiền bạc của cải với sự tham chấp vào những tiền bạc của cải đó. Tham chấp tiền bạc chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến khổ đau, nhưng nếu có thể làm ra tiền bạc của cải mà không tham chấp bám víu vào đó, thì chúng ta sẽ luôn có điều kiện để làm lợi lạc cho rất nhiều người.
Theo cách nhìn của đạo Phật về nhân quả, không một sự việc nào mà không có nguyên nhân của nó. Đời sống khác nhau của mỗi chúng ta cũng được quy định bởi những hạt giống thiện, ác mà chính ta đã gieo trồng từ quá khứ. Chính vì vậy, chúng ta thường thấy không ít người cho dù vất vả bon chen, nỗ lực ngày đêm nhưng đời sống vật chất vẫn luôn bấp bênh thiếu thốn. Ngược lại, có những người không hề quan tâm nhiều đến việc chạy theo tiền bạc, nhưng lại dễ dàng có được những nguồn thu nhập lớn và hoàn toàn chính đáng, giúp họ có được đời sống vật chất hết sức đầy đủ mà không phải khó nhọc quá nhiều. Những khác biệt như thế là có thật và luôn có thể quan sát thấy ở mọi người quanh ta.
Hiểu được điều này thì khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn về vật chất, chúng ta hãy thản nhiên chấp nhận và tìm cách vượt qua thay thì bực dọc, than trách vì những thất bại của mình. Bởi những điều này không thể tự nhiên xảy đến, mà chắc chắn đã do một nghiệp nhân tương ứng từ quá khứ mà ta đã tạo ra. Do đó, trong hiện tại chẳng những ta phải nỗ lực vượt qua khó khăn, mà còn phải nghĩ nhiều hơn đến việc tạo nhân lành, gieo trồng phước báu, vì đó mới chính là phương cách đúng đắn nhất để chuyển đổi đời sống của mình trong tương lai.
Ngược lại, nếu chúng ta may mắn có được những thành tựu thường xuyên trong cuộc sống, có thể dễ dàng có được một đời sống vật chất sung túc, giàu có mà không quá vất vả khó nhọc, ta cũng nên biết rằng đây chính là kết quả của những việc làm phước thiện từ trong quá khứ, và do đó ta càng phải tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ những kẻ khốn khó nhiều hơn nữa, để những hạt giống phước thiện tiếp tục được vun bồi ngày càng nhiều hơn.
Mặt khác, tiền bạc có thể là nguyên nhân cám dỗ khiến nhiều người rơi vào con đường tội lỗi, bất chính, nhưng đồng thời nó cũng là phương tiện vô cùng hữu hiệu để chúng ta cứu giúp, nâng đỡ đời sống vật chất cho những kẻ khốn khó, bất hạnh. Nói khác đi, bản thân các giá trị vật chất hoàn toàn không mang ý nghĩa tốt hoặc xấu, mà các giá trị tốt hoặc xấu sẽ được tạo ra tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng. Có những án mạng đã từng xảy ra chỉ vì kẻ sát nhân tham muốn tiền bạc của người khác và muốn cướp lấy về mình, nhưng ngược lại cũng có những điều lợi lạc cho nhiều người được thực hiện chính nhờ có sự đóng góp tiền bạc. Loạt sách nói chúng tôi vừa hoàn tất và công bố tuần này chính là một ví dụ minh họa rõ nét. Nếu không có những người sẵn lòng đóng góp tiền bạc cho công việc chung, thì cũng sẽ không có sự lợi lạc mà nhiều người được hưởng.
Cho nên, nếu được sử dụng với tâm vị tha, thương yêu muôn loài, tiền bạc cũng như các giá trị vật chất sẽ trở thành phương tiện cực kỳ hiệu quả, có thể cứu khổ ban vui cho chúng sinh một cách cụ thể trong từng trường hợp khốn khó. Ngược lại, nếu sử dụng với một tâm niệm đen tối, tham lam hoặc ác độc, tiền bạc sẽ trở thành công cụ gây ra tội lỗi và tác hại khôn lường.
Khi tiền bạc được sử dụng đúng với chức năng của nó là phương tiện giúp ta sinh sống hoặc thực hiện những điều tốt đẹp, thì đó chính là những giá trị tốt đẹp không có gì đáng chê trách. Ngược lại, khi tiền bạc trở thành đối tượng tham muốn, bám chấp của tâm niệm tham lam, vị kỷ, thì chính bản thân ta sẽ trở thành công cụ bị sai sử bởi các giá trị tiền bạc đó. Thay vì tự quyết định phân biệt những việc đúng, sai, thiện, ác, chúng ta sẽ dễ dàng bị tâm tham lam khiến cho mù quáng và chịu sự thôi thúc của nó để sẵn sàng nhúng tay vào bất kỳ tội lỗi nào, miễn là có thể thỏa mãn được sự tham muốn của mình.
Qua báo chí, chúng ta được biết có những quan chức cực kỳ giàu có nhưng cuối cùng vẫn vướng vòng lao lý chỉ vì họ không chịu dừng lại với những gì đã có, mà luôn muốn vơ vét, tích lũy ngày càng nhiều hơn. Đến khi sự tham lam của họ vượt quá một giới hạn nào đó thì tất cả đều sụp đổ, và khổ não tìm đến cũng là điều tất nhiên.
Cũng không ít người tuy đã có một cuộc sống vật chất tương đối vừa phải, thậm chí có thể xem là khá giả hơn nhiều người khác, nhưng chỉ vì không tự thỏa mãn nên vẫn tiếp tục lao vào bon chen vật lộn với đời. Và trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để làm giàu, điều tất nhiên là không phải ai ai cũng đều thành đạt. Một khi thất bại tìm đến, họ phải chịu cảnh trắng tay hoặc nghèo khó, chỉ vì sự mù quáng do tâm tham lam thôi thúc.
Từ những bài học đó, chúng ta có thể thấy rõ một điều là, khi chúng ta trừ bỏ được tâm tham lam ích kỷ để có thể làm chủ được tiền bạc cũng như các giá trị vật chất, chúng sẽ trở thành phương tiện giúp ta thực hiện ngày càng nhiều hơn những việc tốt đẹp, lợi lạc cho nhiều người. Ngược lại, khi ta không chế ngự được sự tham lam ích kỷ trong lòng mình, ta sẽ không thể nào giữ được sự tự chủ trong cuộc sống. Thay vì vậy, ta sẽ luôn chịu sự thôi thúc, sai sử của lòng tham muốn chạy theo tiền bạc, và do đó sẽ rất dễ rơi vào một cuộc sống khổ đau, tội lỗi.
Nói theo một cách khác, việc quán sát tự tâm và tu dưỡng vẫn luôn là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Một khi đã tu dưỡng được tự tâm mình, thì dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn chật vật hay giàu sang phú quý, chúng ta vẫn luôn có thể tự quyết định được những việc tốt đẹp để làm lợi lạc cho chính bản thân cũng như cho mọi người quanh mình.