Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới bóng đa chùa Viên Giác »» Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi ơi! - Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê hương »»

Dưới bóng đa chùa Viên Giác
»» Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi ơi! - Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê hương

Donate

(Lượt xem: 3.828)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới bóng đa chùa Viên Giác - Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi ơi! - Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê hương

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tôi viết bài thơ gởi về Đà Nẵng
Có còn chăng thành phố của bao giờ
Thuở học trò tôi viết mộng thành thơ
Thơ tôi đấy, sao buồn hơn nước mắt.
(Thơ Trần Trung Đạo)

Tôi viết về nhiều nơi, những nơi tôi đã đi qua và cả những nơi tôi một lần đặt chân đến. Tôi viết về Sài Gòn và những ngày bão lửa 75, về Hội An và những mùa lá đổ trước sân chùa, về khu kinh tế mới Đồng Xoài và những nơi mùa Xuân không còn trở lại. Nhưng, ngoại trừ những dòng thơ của tuổi học trò nhiều sáo ngữ, mãi đến hôm nay tôi mới viết riêng một bài về Đà Nẵng. Tại sao? Đơn giản chỉ vì tôi muốn giữ riêng cho tôi trong giấc mơ về một thành phố dấu yêu, về những con đường hoa phượng đỏ và một thuở hoa niên đầy kỷ niệm.

Đà Nẵng của tôi, một thời được xem như là một Lebanon của Châu Á, thành phố chiến tranh, xô bồ, tang tóc. Nơi đó, tháng 3 năm 1965, bước chân của những người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ để làm đầu cầu cho cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Địa danh Đà Nẵng xuất hiện nhiều lần trong quân sử Mỹ, nhiều hơn cả những mặt trận lừng danh trong thế chiến thứ hai như Bulge, Ardennes, Midway v.v... Đà Nẵng với những doanh trại, bãi biển được gọi bằng tiếng Mỹ: China Beach, TienSa Camp, Monkey Mountain.

Đà Nẵng của tôi, nơi những buổi chiều của tuổi mười ba, tôi vẫn thường đứng nhìn những đoàn xe mang nhãn hiệu Sealand, RMK, GMC nối đuôi nhau mỗi ngày trên chiếc cầu màu đen mang tên của một viên tướng Thực Dân. Những chiếc chiến xa nặng nề, những khẩu đại pháo nòng dài được cất lên từ chiếc tàu lớn neo ngoài cửa biển Sơn Chà. Tiếng gầm thét của những đoàn phi cơ chiến đấu đang đáp xuống phi trường quân sự ngoài ngã ba Duy Tân. Tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng chọc ghẹo, okie, hello, goodbye của những người lính Mỹ và những cô gái Việt Nam vào tuổi chị tôi, vọng lại từ những hộp đêm dọc bờ sông Bạch Đằng. Tất cả đã khơi dậy trong lòng tôi nhiều câu hỏi, nhiều băn khoăn và cả những tủi thẹn đầu đời của một đứa bé Việt Nam, xót xa cho số phận của một cây cổ thụ bốn ngàn năm đang biến thành cây chùm gởi. Tại sao? Tại sao lại là Đà Nẵng? Tại sao là Việt Nam quê hương tôi mà không phải một nơi nào khác?

Đà Nẵng của tôi, như định mệnh an bài, cũng là nơi an nghỉ của người lính Mỹ đầu tiên thuộc chiến hạm lừng danh Hoa Kỳ, USS Constitution. Không phải đợi đến 1965, khi các chiến hạm thuộc Đệ Thất hạm đội thả neo tại cửa biển Đà Nẵng để đổ bộ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên, nhưng từ hơn 120 năm trước, Đà Nẵng đã là một nơi hẹn hò đầy định mệnh giữa quân đội Việt Nam thời Thiệu Trị và Hộ Tống Hạm Hoa Kỳ đầu tiên của hải quân Mỹ dưới quyền của hạm trưởng John Percival. Theo các tài liệu còn ghi lại, năm 1845, chiến hạm USS Constitution của Hải Quân Hoa Kỳ, trên chuyến hải hành 2 năm vòng quanh thế giới, dừng lại cảng Đà Nẵng để xin cung cấp thực phẩm và nước ngọt. Cũng tại hải cảng lịch sử này, Hạm trưởng John Percival xin phép quan trấn thủ thành Đà Nẵng để chôn cất thủy thủ William Cook vừa qua đời, dưới chân Núi Khỉ nằm trong rặng Sơn Chà. Thậm chí ông còn “viện trợ” 2 Mỹ kim để lo phần hương khói. Tiếc thay, chỉ vài ngày sau đó, vì việc triều đình Huế bắt giam Giám Mục Dominique Le Fevre, đã làm cho tang lễ thắm đượm tình nhân đạo của con người, biến thành một xung đột quân sự giữa hai quốc gia. Cuộc chạm trán ngắn ngủi năm 1845 rất ít người biết đến. Những viên đại pháo bắn vào lãnh hải Việt Nam, dù chỉ để đe dọa, cũng đã vô tình gây thương tích cho quan hệ đầy oan trái giữa hai quốc gia Việt-Mỹ sau này.

Đà Nẵng của tôi có khu Ngã Ba Huế nhộn nhịp, nơi tôi từ Hội An về thăm cô tôi những chiều thứ Sáu trong những chiếc xe khách hiệu Renault già nua màu xanh đậm. Tôi vẫn nhớ căn nhà nhỏ, ánh đèn dầu leo lắt, bàn tay xanh xao của cô khi giúi vào túi tôi những tờ giấy bạc được gói kín trong nhiều lớp vải. Đó là những đồng tiền khó khăn và vô giá mà cô dành dụm cho đứa cháu trai vào Hội An nương náu trong chùa ăn học. Tôi ra Đà Nẵng tìm cô vào đầu năm 1968. Nhà cô nghèo, con cháu lại quá đông. Nhiều đêm tôi phải ngủ đói trên căn gác của một trại cây ở hẻm 220 Hùng Vương, ngang hông phường Thạc Gián. Vài tuần sau, vì nhà đông đúc, cô đưa tôi đến sống với người anh họ và bà chị dâu vô cùng khó tánh ở Cỗ Mân, Sơn Chà. Chị dâu tôi khó tánh đến nỗi, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi không chịu đựng được nữa nên lặng lẽ bỏ đi. Tôi vào chùa Viên Giác. Năm tháng như mây trời, bao độ hợp tan mang theo những giận hờn, thương ghét. Cô tôi đã về bên cõi khác nhưng lòng tôi sao vẫn nhớ vẫn thương. Trên xứ người, nhiều đêm không ngủ được, nhớ lại tiếng ho của người cô bịnh hoạn, tôi vẫn còn nghe nhức nhối như thuở mới về thăm. Chiến tranh và nghèo đói đã cướp đi bao thế hệ Việt Nam vô tội!

Đà Nẵng của tôi không phải chỉ là điêu linh tang tóc mà còn là thành phố cảng đẹp tuyệt vời. Những bờ biển uốn cong như mái tóc của người con gái Việt Nam đang đứng trông ra Thái Bình Dương bao la bát ngát. Từ eo biển mỹ miều đó những thương thuyền ngoại quốc đã đến thăm thành phố từ mấy trăm năm trước. Đà Nẵng của tôi có hàng phượng đỏ hai bên đường Bạch Đằng, đường Độc Lập với những chiếc ghế đá dọc bờ sông mang chứng tích của một thời học trò đầy kỷ niệm. Đà Nẵng của tôi có bãi Mỹ Khê (chứ không phải China Beach), với bờ cát trắng chạy dài và hàng dương vi vu theo gió, có bãi Thanh Bình với những chiếc ghe đánh cá đi về và cảnh chợ chiều nhộn nhịp. Những ngày hè oi bức, tôi và đám bạn vẫn thường ôm đàn ra ngồi dựa lưng vào những gốc dương liễu dọc bãi biển. Trong tiếng sóng từng nhịp vỗ vào bờ, chúng tôi cùng cất cao bài hát Ra Khơi như để cổ võ cho những chiếc thuyền đánh cá đang giong buồm ra biển. Tôi đâu biết vài năm sau, bạn bè tôi cũng lần lượt ra khơi như thế nhưng chẳng còn ai dám đến tiễn đưa.

Đà Nẵng của tôi có những hàng cây sao tình tự dọc đường Thống Nhất, nối từ bờ sông đi ngang qua Trường Nữ, nơi các cô cậu học trò Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản vẫn thường đứng đợi người trong mơ sau mỗi buổi tan trường. Những chiếc áo dài trắng thướt tha. Những mái tóc thề chấm vai thơ mộng. Những đôi mắt nai tơ đó đã từng là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ xứ Quảng đa tình. Xin mời đọc vài câu thơ của nhà thơ Luân Hoán viết về các cô nữ sinh Đà Nẵng:

Chiều chiều luồn chợ Vườn Hoa
Trôi theo Đồng Khánh bám tà áo bay
Mắt hồng liệng cái ngoắt tay
Dắt qua Độc Lập dựa cây đèn đường
Chập chùng xuân ảnh vải hương
Ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
Giả vờ châm thuốc nhâm nhi
Nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình.
(Đà Nẵng, thơ Luân Hoán)

Các cô nữ sinh của một thời thơ mộng tung tăng như những con bướm vàng trên đường Thống Nhất, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Khải Định ngày xưa, đã không về nữa. Các cô đã ra đi, đã bỏ lại sau lưng mình hàng cây sao rợp bóng bên đường, bỏ lại những chiếc ghế vuông, những ly chanh muối, những quán chè. Các cô bây giờ đã lớn, đã trưởng thành. Nhiều cô đã là những bà mẹ tay bồng tay bế, để rồi, 17 năm sau ngồi nhớ lại năm mình 17 tuổi.

Mười bảy năm trời không thấy nhau
Áo xưa giờ chắc đã phai màu
Tôi đi góp lá ngàn phương lại
Đốt lửa cho đời sương khói bay.
(Thơ Trần Trung Đạo)

Và các cậu học trò cũng thế. Những chàng thanh niên với buồng phổi và trái tim chất đầy hùng khí của xứ địa linh nhân kiệt đã ra đi. Thế hệ trẻ Việt Nam trong thời chinh chiến và cả khi đất nước hòa bình, đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi mất mát. Nỗi bất hạnh lớn nhất của một đời người vẫn là bất hạnh không có tuổi hoa niên. Các cậu học trò ngày ấy ra đi, bỏ lại sau lưng những chiếc xe đạp, những quán cà-phê Thạch Thảo, Thanh Hải, Ngọc Lan, những rạp hát Trưng Vương, Chợ Cồn, bỏ lại cây đàn guitar cũ kỹ và những bản tình ca chưa viết trọn trong sân trường. Để rồi nhiều năm, sau cuộc biển dâu, chinh chiến, gian lao, tù tội trở về. Trở về chỉ để thấy thành phố xưa nay đã đổi chủ và con đường xưa nay đã đổi thay tên. Tuổi thơ không bao giờ trở lại. Suối vẫn chảy, nước vẫn reo, nhưng điêu linh tang tóc đã xua bầy nai tơ lạc đàn đi biền biệt, mất dấu đường về bên khe đá cũ.

Sau 1975, những bãi biển Mỹ Khê, Thanh Bình, Tiên Sa, Thanh Khê, Tân Thái, Mân Quang, Chợ Mai, Chợ Chiều, Non Nước, Nam Ô, v.v... vẫn còn là điểm hẹn nhưng không phải là nơi hẹn hò của những cặp tình nhân, mà là nơi những người con Đà Nẵng hẹn nhau để bỏ quê hương mà ra đi. Xin đừng hỏi họ đi đâu, về đâu trong những đêm tối trời lầm lủi đó. Không ai biết chắc. Chỉ một điều họ biết là họ không còn chọn lựa nào khác hơn là phải ra đi. Không một người dân Quảng nào bỏ quê hương ra đi mà không đau xót. Xin đừng dán lên lưng, lên trán họ những nhãn hiệu theo Tây, theo Mỹ. Không. Người dân Quảng là những người yêu nước. Ông cha họ đã từng cười mà bước lên máy chém Thực Dân. Những cơn bão lụt tàn phá mỗi năm đã không làm họ bỏ làng mạc ra đi. Nạn hạn hán làm ruộng đồng khô cháy mỗi năm không buộc họ phải bỏ mồ mả tổ tiên ra đi. Sụp căn nhà này họ cặm cụi xây trên nền đất cũ căn nhà khác. Trôi căn nhà này họ lại xẻ gỗ, lợp tranh xây lên căn nhà khác. Bao thế hệ đã sống và đã chết trên vùng đất cày lên sỏi đá đó.

Nhưng chế độ mới, một chế độ nhân danh những mục tiêu tốt đẹp nhất trên đời đã buộc họ phải ra đi. Sự thôi thúc của tự do như tiếng gọi thiêng liêng của người cha già vọng về từ một nơi xa thăm thẳm. Và sẽ không ai biết, bao nhiêu người, trong số hàng ngàn, hàng vạn người bỏ Đà Nẵng ra đi, đã đến được HongKong, Philippines và bao nhiêu người không may mắn đã bị chôn sâu trong lòng biển, chết thảm thương trong bàn tay hải tặc, chết trong đói khát sau những tuần, những tháng lênh đênh ngoài biển cả.

Thưa Mẹ
Chúng con là người Việt Nam lưu lạc
Ngày ra đi không hẹn buổi quay về
Chẳng phải là sương mù sao khóc lúc đêm khuya
Chẳng phải gió sao đời là giông bão
Chẳng phải mây sao miệt mài trôi nổi
Chẳng phải là rừng sao héo úa mỗi tàn thu.

Mười tám năm
Chúng con sống trong âm thầm và chết giữa hoang vu
Biển cả, rừng sâu, non mờ, núi thẳm
Chúng con đi gót chân mòn vạn dặm
Ngơ ngác nhìn nhân loại, tủi thân nhau.
(Thơ Trần Trung Đạo)

Hai mươi tám năm, quá khứ có thể quên dần nhưng hiện tại thì sao? Xin đọc một bản tin của báo Thanh Niên phát hành tại Sài Gòn ngày 18 tháng 7 năm 2003:

“2 nữ sinh 10 tuổi, của Trường Trung Học Hòa Phước và 1 nữ sinh Trường Trung Học Phan Thanh Tài thuộc thôn Giáng Nam 1, xã Hoà Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, bị hụt chân chết đuối trong khi đi cào hến và bắt ốc kiếm tiền mua sách vở chuẩn bị vào năm học mới.”

Sau 28 năm “độc lập, tự do, hạnh phúc”, tuổi thơ xứ Quảng vẫn còn phải bắt ốc hái rau kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới, chẳng khác gì chuyện hai đứa bé Nghi Xuân-Tấn Lực trong cổ tích Phạm Công Cúc Hoa ngày xửa ngày xưa. Tại sao và tại ai? Phải chăng nên đổ thừa cho ốc hến?

Đà Nẵng của tôi, sau 1975, không còn thơ mộng nữa. Những câu ca dao đậm đà tình quê hương đất nước: “Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi” đã được thay bằng những khẩu hiệu đấu tranh giai cấp chất chứa toàn chuyện oán thù. Những điệu hò khoan đậm đà hương vị Quảng Nam “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đà say” đã được thay bằng những đêm dài học tập, thảo luận, khuyến khích thầy cô, cha mẹ, anh em tố cáo lẫn nhau. Ánh trăng không còn là những dải lụa vàng Duy Xuyên đang trải trên dòng sông Hàn mỗi đêm Rằm, nhưng là những vết dao nghèo đói đang chém xuống một quê hương vốn đã chịu đựng nhiều bất hạnh.

Ngày cuối cùng của tôi ở Đà Nẵng như đoạn kết của một cuốn phim buồn. Tôi và cô bé, lý do cho những bài thơ tình học trò đầy sáo ngữ của tôi, ngồi trên chiếc ghế đá trên đường Bạch Đằng, nhìn sang hướng Sơn Chà.

- Anh sắp phải đi xa.

- Em biết.

- Sao em biết, anh chưa nói với em mà?

- Anh nói với em rồi. “Anh phải vô Sài Gòn học đại học. Học xong anh sẽ về quê, không đi nữa.” Em còn nhớ anh nói với em câu đó lúc mấy giờ, ngày nào và tại đâu nữa kìa.

- Không phải. Đó là chuyện hồi chưa “giải phóng”, bây giờ thì khác.

- Bây chừ anh tính đi đâu?

- Anh vượt biên. Nếu đi lọt, có thể anh sẽ qua Mỹ học.

- Bộ ở Việt Nam không có trường cho anh học sao. Em nghe nói Mỹ xa lắm, chắc là xa hơn Sài Gòn nhiều. Mùa hè làm sao anh về thăm quê được.

- Anh sẽ về nhưng chắc không phải mùa hè.

- Anh lại hứa.

Hai đứa nhìn ra sông. Chiếc phà An Hải vẫn mệt mỏi đưa người qua lại. Giọng hát buồn não nuột của anh thương phế binh cụt hai chân từ ngoài bến vọng vào: “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi. Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì. Tôi là người đi chinh chiến dài lâu. Nên mộng ước đầu nghe như đã chìm sâu.” Anh hát để tưởng nhớ bạn bè nhưng không biết rằng bạn bè anh đang lần lượt bỏ anh đi. Hàng phượng dọc bờ sông đã bắt đầu nở rộ nhưng không còn để “Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn” nhưng là mùa chia tay vĩnh viễn, nát tan.

Nước sông Hàn lững lờ trôi mang theo dăm chiếc lá. Hai đứa ngồi im lặng, không biết phải nói gì. Nói gì rồi cũng chia tay. Em đơn giản, hồn nhiên và ngây thơ đến tội nghiệp. Em sẽ chẳng thể nào hiểu được tôi, và tôi cũng chẳng biết giải thích thế nào cho em hiểu. Trái đất của em nhỏ nhoi, bao bọc bởi những rặng tre xanh hiền hòa. Tâm hồn em là dòng sông mùa thu êm đềm, tĩnh lặng. Tâm hồn tôi thì hoàn toàn tương phản, trùng điệp núi đèo, ghềnh thác. Tôi sinh ra trong cuộc đời này để gánh hết khổ đau, để làm tên du mục đi lang thang trên chính quê hương mình. Và ngày mai, tôi lại sẽ bắt đầu hành trình du mục mới. Con nước trôi còn biết mình đang ra biển. Chiếc lá rơi còn biết cội quay về. Nhưng tôi không biết sẽ về đâu. Khi xa Đà Nẵng, nếu có một điều tôi đã không dám nói với em, đó là một lời xin lỗi, mãi mười năm sau tôi mới viết thành thơ:

Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Nợ quê hương một chỗ đất chôn nhau
Nợ cha mẹ những nhọc nhằn khuya sớm
Tôi nợ tôi mộng ước thuở ban đầu.
(Thơ Trần Trung Đạo)

Hai mươi hai năm rồi tôi chưa về Đà Nẵng. Cô tôi đã qua đời. Bạn bè mỗi người một ngã. Cô bé ngày xưa đã có gia đình. Khuôn mặt thành phố mang nhiều thay đổi. Đà Nẵng thân yêu ơi, có còn nhớ đến tôi không? Căn gác đường Hùng Vương, căn nhà lá phía trong Ngã Ba Huế, cồn cát trắng ở Mân Quang, nơi tôi chôn giấu kho tàng tuổi thơ khốn khổ của mình, biết có còn nhận ra tôi, cho dù tôi trở lại. Và đêm nay, tôi ngồi đây, tưởng tượng một ngày về Đà Nẵng:

Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời

Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên

Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm

Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên

Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về

Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đấy trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình

Có còn nhận ra tôi không?
Hay tại chính tôi quên.
(Thơ Trần Trung Đạo)

Và biết đâu, nhờ chưa về, mà thành phố còn nguyên vẹn trong trái tim tôi, bởi vì, nếu tôi về thăm, Đà Nẵng chắc sẽ không còn nữa. Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi ơi!



Vu Lan nghĩ về mẹ và quê hương

Giới thiệu: Sau khi rời chùa Viên Giác, tôi vào Sài Gòn sống với người chú họ giàu có ở Ngã Tư Bảy Hiền. Tôi ghi danh học năm thứ nhất tại đại học Luật và thi vào ban Kinh Tế ở đại học Vạn Hạnh năm 1972. Tôi thưa với chú cho tôi được ở trọ và đi học. Chú tôi không trả lời vì phải hỏi ý thím tôi. Thím tôi suy nghĩ. Được khoảng một tháng, thím tôi không đồng ý và bảo tôi dọn đi. Không biết đi đâu, tôi xin trọ trong chùa Phổ Hiền do Hòa Thượng Thích Tâm Thanh trụ trì. Chùa Phổ Hiền cũng trong Khu Bảy Hiền. Nhưng vài tuần sau, Hòa Thượng Tâm Thanh cũng rời chùa Phổ Hiền để tu trong một cốc nhỏ do thầy vừa dựng ở Bảo Lộc. Thầy đi xa và Ban Trị Sự chùa Phổ Hiền không cho tôi ở lại chùa. Tôi lại gặp khó khăn. Nhờ sự giới thiệu của một người bạn học, cuối năm đó, tôi đến sống nhờ trong một gia đình người gốc Kim Bồng, Quảng Nam tại Hòa Hưng, Quận 10, Sài Gòn. Người mẹ trong gia đình này đã giúp đỡ tôi trong thời gian tôi học ở Sài Gòn, nhưng quan trọng hơn tất cả, mẹ đã trở thành mẹ của tôi, là bóng mát và dòng suối tình thương trên chặng đường vô cùng khó khăn của đời tôi. Phần lớn gia đình của mẹ cũng sống tại Hội An, trong đó các em ruột của mẹ sống ngay trước chùa Viên Giác. Trong các tác phẩm, tôi thường gọi mẹ là Mẹ Hòa Hưng để phân biệt với Mẹ Duy Xuyên, người đã sinh tôi ra và qua đời khi tôi còn rất nhỏ. Mười năm sau ngày đến Mỹ, tôi viết dâng lên Mẹ Hòa Hưng một bài thơ mà nay đã trở thành quen thuộc, đó là bài Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười. Và dưới đây là bài viết gởi mẹ trong ngày Vu Lan.



Mẹ Hòa Hưng

Có một danh ngôn mà chúng ta vẫn thường nghe: “Thế giới có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt vời và vĩ đại nhất vẫn là trái tim người mẹ.” Thật vậy, bao nhiêu thơ viết về mẹ cũng không đủ, bao nhiêu nhạc hát về mẹ cũng không vừa. Biển Thái Bình bao la, nước sông Hằng cuồn cuộn nhưng không sao có thể so sánh được với tấm lòng của mẹ. Bản nhạc nào viết về mẹ cũng hay, bài thơ nào viết về mẹ cũng cảm động bởi vì ngôn ngữ dành cho mẹ là ngôn ngữ của trái tim.

Mẹ là biểu tượng trọn vẹn và tuyệt đối của tinh thần Chân-Thiện- Mỹ. Nếu có một người để chúng ta có thể san sẻ những điều thầm kín, riêng tư nhất, thì người đó phải là mẹ. Nếu có một người có thể tha thứ cho chúng ta dù phạm phải bất cứ một lỗi lầm gì, người đó sẽ là mẹ. Tôi tin, nếu chúng ta biết dành ý nghĩ đầu tiên của một ngày, thay vì để nghĩ đến chuyện hơn thua, danh lợi nhưng là để nghĩ về mẹ, nghĩ về khuôn mặt của mẹ, tiếng cười của mẹ, lời dặn dò của mẹ hay thậm chí chỉ để gọi tiếng mẹ thôi, chúng ta sẽ có một ngày an lành và hạnh phúc.

Mẹ là người mang ta đến cuộc đời, và cũng là nơi ta trở về. Người đàn bà chân mang đôi dép ngược, khoác chiếc mền rách, như trong một câu chuyện thiền mà chúng ta có thể đã từng nghe kể, dù bao mùa mưa nắng vẫn không than van, không oán trách, vẫn chờ đợi ngày về của đứa con mải mê trên đường đi tìm chân lý. Nếu chân lý mà chàng trai trẻ kia đi tìm là tình thương và sự thật thì chân lý sẽ không ở đâu xa mà trái lại vô cùng gần gũi. Trong tấm thân gầy yếu nhỏ nhoi của người mẹ chứa đựng cả một đại dương của hy vọng, tình yêu, sự thật và lòng vị tha sâu thẳm.

Hơn mười năm trước, tôi có viết một bài thơ về mẹ, trong đó có hai câu đã trở thành quen thuộc:

Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Bài thơ ra đời trong một đêm mưa, sau lần điện thoại đầu tiên với mẹ tôi từ Việt Nam. Giọng của mẹ như vọng lại từ một thế giới khác xa xôi. Tôi viết rất nhanh, nhanh hơn khi viết những bài thơ khác nhiều. Những dòng chữ, những câu thơ đúng ra là từ mơ ước, thao thức đã ấp ủ trong tâm thức tôi từ lâu lắm, chỉ chờ dịp để tuôn ra. Tôi không làm thơ, tôi chỉ chép như có một người nào đang nhắc nhở bên tai mình. Nguyên văn bài thơ như thế này:

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương

Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Đừng khóc mẹ ơi hãy rán chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Bài thơ đơn giản và dễ hiểu, không có gì cần phải bình giải. Tất cả chỉ để nói lên tâm trạng của một người con xa mẹ, bay đi như chiếc lá xa cành, mười năm chưa về lại cội. Năm tôi viết bài thơ, mẹ tôi, đã ngoài 60 tuổi và đang sống trong căn nhà tôn nghèo nàn ở Hòa Hưng Sài Gòn. Căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy đỏ, đó là nơi tôi đã sống 8 năm.

Nhớ lại đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi đón xe xích-lô từ cửa sông về chào mẹ. Trời mưa lớn. Nhưng khi gặp mẹ, với tâm trí tràn ngập những lo âu, hồi hộp cho chuyến đi, tôi không kịp nói một câu cho trọn vẹn ngoài ba tiếng “con đi nghe”. Và như thế tôi đi, đi không ngoảnh lại, đi như chạy trốn. Để rồi hai ngày sau, khi chiếc ghe nhỏ của chúng tôi được hải quân Mỹ cứu vớt trên biển Đông vào khuya ngày 13 tháng 6 năm 1981, đứng trên boong chiến hạm USS White Plains nhìn về phía Nam, tôi biết quê hương và mẹ đã ngoài tầm tay vói của mình. Đời tôi từ nay sẽ như chiếc lá, bay đi, bay đi, chưa biết ngày nào hay cơ hội nào trở về nguồn cội.

Nếu có một quốc gia mà người dân đã phải từ chối chính đất nước mình, từ chối nơi đã chôn nhau cắt rốn của mình, tôi nghĩ, đất nước đó không còn bao nhiêu hy vọng. Việt Nam sau 1975 là một đất nước sống trong tuyệt vọng như thế. Dân tộc Việt Nam những năm sau 1975 là một dân tộc sống trong tâm trạng những kẻ sắp ra đi. Sài Gòn giống như một sân ga. Chào nhau như chào nhau lần cuối và mỗi ngày là một cuộc chia ly. Bắt tay một người quen, ai cũng muốn giữ lâu hơn một chút vì biết có còn dịp bắt tay nhau lần nữa hay không. Gặp người thân nào cũng chỉ để hỏi “Bao giờ anh đi, bao giờ chị đi”, và lời chúc nhau quen thuộc nhất mà chúng tôi thường nghe trong những ngày đó vẫn là “Lên đường bình an nhé.”

Đất nước tuy đã hòa bình rồi, quê hương đã không còn tiếng súng, nhưng lòng người còn ly tán hơn cả trong thời chiến tranh. Đêm cuối ở Sài Gòn lòng tôi ngổn ngang khi nghĩ đến ngày mai. Ngày mai sẽ ra sao? Nếu bị bắt tôi sẽ ở tù như lần trước, nhưng nếu đi được thì sẽ trôi giạt về đâu?

Suốt sáu năm ở lại Sài Gòn, tôi chỉ nghĩ đến việc duy nhất là ra đi. Khi chiếc ghe nhỏ bị mắc cạn trong một con lạch ở Hải Sơn buổi sáng ngày 11 tháng 6 năm 1981, trời đã sáng, nhiều người, kể cả một trong hai người chủ ghe, cũng bỏ ra về, nhưng tôi thì không. Tôi phải đi dù đi giữa ban ngày. Tôi phải tìm cho được tự do dù phải bị bắt và ngay cả phải trả giá bằng cái chết. Tự do đầu tiên, biết đâu cũng sẽ là cuối cùng và vĩnh viễn. Nhưng hai ngày sau, khi đứng trên boong tàu Mỹ, tôi biết mình vừa mất một cái gì còn lớn hơn ngay cả mạng sống của mình. Đó là đất nước, quê hương, bè bạn, con đường, tà áo, cơn mưa chiều, cơn nắng sớm, và trên tất cả, hình ảnh mẹ.

Không phải những người ra đi là những người quên đất nước hay người ở lại bám lấy quê hương mới chính là người yêu nước. Không. Càng đi xa, càng nhớ thương đất nước, càng thấm thía được ý nghĩa của hai chữ quê hương. Không ai hiểu được tâm trạng người ra đi, nếu không chính mình là kẻ ra đi.

Nói như thế không có nghĩa là tôi hối hận cho việc ra đi. Không, tôi phải đi. Nhưng chọn lựa nào mà chẳng kèm theo những hy sinh đau đớn. Bài hát Sài Gòn Vĩnh Biệt, tôi thỉnh thoảng nghe trên đài VOA khi còn ở Việt Nam như những mũi kim đâm sâu vào tâm thức. Bao nhiêu điều hai ngày trước tôi không hề nghĩ đến đã bừng bừng sống dậy. Bao nhiêu kỷ niệm tưởng đã chìm sâu trong ký ức đã lần lượt trở về. Tự do, vâng, tôi cuối cùng đã tìm được tự do, nhưng đó chỉ là tự do cho chính bản thân mình. Những gì tôi đánh mất còn lớn hơn thế nữa.

Nhớ lại đêm thứ hai trên biển, khi biết chiếc ghe chiều dài vỏn vẹn mười mét rưỡi nhưng chứa đến 82 người của chúng tôi vừa cặp vào thành tàu chiến của Mỹ thay vì Ba-Lan hay Liên-Xô như mọi người trên ghe lo sợ, ai cũng hân hoan mừng rỡ. Đám bạn tôi, có đứa thậm chí còn hô lớn “USA, USA” và ôm chầm lấy những người lính hải quân Mỹ đang dang tay đỡ từng người bước lên khỏi chiếc cầu dây đang đong đưa trên sóng. Tôi cũng vui mừng, biết ơn và cảm động nhưng không ôm chầm hay hô lớn. Lòng tôi, trái lại, chợt dâng lên niềm tủi thẹn của một người tỵ nạn. Chiếc cầu dây mong manh tôi bám để leo lên chiến hạm, trở thành chiếc cầu biên giới, không chỉ cách ngăn giữa độc tài và tự do, của quá khứ và tương lai, mà còn giữa có quê hương và thiếu quê hương. Tôi nghĩ thầm, cuối cùng, tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác, lần lượt bỏ đất nước ra đi mà thôi. Dù biện minh bằng bất cứ lý do gì, tôi cũng là người có lỗi với quê hương.

Tôi nhớ đến mẹ, người mẹ Hòa Hưng vất vả nuôi nấng bảy đứa con, trong đó tôi là con lớn nhất, trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ tôi bán bánh bèo ở đầu đường để nuôi chúng tôi ăn học. Mẹ tôi tình nguyện đi kinh tế mới ở Sông Bé để các em tôi còn được phép ở lại Sài Gòn học hết bậc phổ thông. Mẹ tôi đi mót lúa, mót khoai gởi về nuôi nấng chúng tôi trong những ngày đói khổ.

Trong tâm trí tôi, hình ảnh bà mẹ Hòa Hưng, đêm đầu tiên trong căn nhà không vách trên vùng Kinh Tế Mới, khoảng 20 cây số phía Nam thị trấn Đồng Xoài vào năm 1976. Cánh rừng vừa được khai hoang vội vã này không ai nghĩ một ngày sẽ được gọi bằng một cái tên rất đẹp, khu Kinh Tế Mới. Kinh Tế Mới là những căn nhà lá mỗi chiều chỉ hơn mười mét do những bàn tay học trò của thanh niên xung phong dựng lên, nối nhau chạy dọc theo cánh rừng hoang.

Tôi kính yêu mẹ. Mẹ Hòa Hưng là người săn sóc tôi trong những tháng ngày khó khăn nhất của tôi và người đã thôi thúc tôi viết nên bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười trong đêm mưa hơn mười năm trước. Tuy nhiên, mẹ của Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười không phải là người đã mang tôi vào cuộc đời này.

Người mẹ sinh ra tôi đã chết khi tôi còn rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi tôi gần như không biết mặt mẹ mình. Trong tuần hoàn của vũ trụ, giọt nước còn biết mẹ mình là mây, chiếc lá còn biết mẹ mình là cây, còn tôi thì không. Tôi là đứa bé cô độc, một con người cô độc, không anh em, không chị em. Tôi lớn lên một mình với cha tôi trong cảnh gà trống nuôi con trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên. Đêm đêm nằm nghe cha kể chuyện thời trai trẻ buồn nhiều hơn vui của đời ông. Những ngày tản cư lên vùng núi Quế Sơn. Những ngày sống trong túp lều tranh dưới hàng tre Nghi Hạ. Và dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng đó, cha mẹ tôi đã gặp nhau, đã chia nhau ly nước vối chua chua thay cho chén rượu tân hôn nồng thắm. Dù sao, bên khung cửi vải, bên lò ươm tơ, họ đã cùng nhau dệt một ngày mai đầy hy vọng. Mặt trời rồi sẽ mọc bên kia rặng tre già, mặt trăng rồi sẽ tròn bên kia dòng sông Thu, những ngày chiến tranh, tản cư cực khổ sẽ qua đi nhường bước cho hòa bình sẽ đến.

Nhưng rồi chiến tranh như một định nghiệp, đeo đuổi theo số phận của đất nước chúng ta, đeo đuổi theo số phận của đời tôi. Năm tôi 13 tuổi, chiến tranh đã cướp đi cha tôi, người thân yêu cuối cùng của tôi. Chiến tranh lan tràn đến làng Mã Châu, đẩy tôi ra khỏi xóm lụa vàng thân quen để làm người du mục trên quê hương đổ nát của mình. Từ đó tôi ra đi. Từ chặng đường đầu tiên trên căn gác hẹp trong con hẻm 220 Hùng Vương Đà Nẵng, đến chùa Viên Giác Hội An, đến xóm nghèo Hòa Hưng, trại tỵ nạn Palawan và hôm nay trên nước Mỹ, nơi cách chặng đầu tiên trong hành trình tỵ nạn của tôi hàng vạn dặm.

Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ. Tôi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình ngay từ thuở chỉ vừa năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi? Nếu mai mốt ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai? Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai?

Và ở đó những buổi chiều vàng, bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những suy tư, giằn vặt đang bắt đầu tích tụ. Từ khi năm bảy tuổi tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu. Dường như thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi. Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.

Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có ngay cả một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn tuyệt đối.

Tôi về thăm mộ mẹ lần cuối vào năm 1980 trước ngày vượt biển. Ngôi mộ đầy cỏ mọc hoang vu. Sau năm 1975, ngay cả người sống cũng không ai chăm nom đừng nói gì chuyện chăm nom cho người đã chết. Hôm đó, tôi ngồi nơi tôi đã từng ngồi trong thời thơ ấu và kể cho mẹ nghe đoạn đời chìm nổi của mình. Tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ ra đi khỏi nước và hứa sẽ về dù biết nói như thế chỉ để an ủi hương hồn mẹ mà thôi. Tôi cầu mong mẹ phò hộ cho đứa con duy nhất của mẹ được bình an trong những ngày sóng gió sắp xảy ra.

Ôi đời mẹ như một vầng trăng khuyết
Vẫn nghìn năm le lói ở đầu sông.

Vâng, vầng trăng bên dòng sông Thu Bồn từ đó không tròn như trước nữa.

Ai cũng có một cuộc đời để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng nguôi ngoai. Vết thương nào rồi cũng lành đi với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh sau bao nhiêu năm dài vẫn còn, đó là bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Điều làm tôi đau xót nhiều hơn cả, không phải vì tôi mất mẹ, không phải vì tôi xa mẹ, nhưng chính là sự chịu đựng của hàng triệu bà mẹ Việt Nam triền miên suốt mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang đến cả hòa bình.

Trên thế giới này, bà mẹ Nga, mẹ Ý cũng thương con như một bà mẹ Việt Nam. Trong lúc tình yêu của một bà mẹ ở quốc gia nào cũng bao la, cũng rộng lượng, cũng vô bờ bến, tôi vẫn tin một bà mẹ Việt Nam thì khác hơn nhiều. Bà mẹ Việt Nam, ngoài là biểu tượng cho tất cả những nét đẹp của quê hương, đất nước, tình thương, còn là những hình ảnh đầy thương tích, tủi buồn nói lên sự chịu đựng, gian nan, khổ cực không thể nào đo lường hết được. Hình ảnh bà mẹ giăng tấm vải dầu trên một góc đường Trần Hưng Đạo để che nắng che mưa cho bầy con thơ dại đang đói khát. Hình ảnh bà mẹ chết đói sau khi ghe của mẹ đi lạc nhiều tuần trên biển. Hình ảnh bà mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng dưới gốc me già trên góc phố Sài Gòn vào một ngày mưa bão. Hình ảnh bà mẹ chết cô đơn trong chiếc thuyền chài nghèo nàn. Tất cả hình ảnh đau thương đó đã trở thành mối ám ảnh thường xuyên trong tâm trí tôi. Ám ảnh nhiều đến nỗi, dù viết về bất cứ chủ đề gì, thể loại gì, văn hay thơ, cuối cùng tôi cũng trở về với hình ảnh mẹ. Mỗi bước chân tôi đi trên đường đời mấy chục năm qua vẫn còn nghe vọng lại tiếng khóc của những người phụ nữ Việt Nam bất hạnh, đã khóc trong chiến tranh, khóc trong hòa bình, khóc trong bàn tay hải tặc giữa biển Đông và khóc trên xứ người hiu quạnh.

Mơ ước lớn nhất của tôi, vì thế, không phải cho tôi mà cho những người mẹ đang chịu đựng, để các mẹ có cơ hội được sống trong một đất nước không còn hận thù, rẽ chia, ganh ghét, một đất nước chan chứa tình đồng bào, một đất nước thật sự tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” trong một ý nghĩa rộng hơn là ước mơ của tôi, của anh chị, của cô chú và của tất cả những ai còn nghĩ đến sinh mệnh của dân tộc, về một ngày đẹp trời cho đất nước mình. Quá nhiều máu và nước mắt đã đổ trên mảnh đất linh thiêng và thống khổ Việt Nam. Mỗi người Việt Nam, hơn bao giờ hết hãy trở về với mẹ như trở về với chính cội nguồn uyên nguyên của dân tộc mình. Trong đêm rằm tháng Bảy này, xin hãy cùng nhau thắp lên những ngọn nến, dù nhỏ, dù đơn sơ nhưng được làm bằng chất liệu dân tộc, nhân bản và khai phóng đã được tổ tiên chúng ta hun đúc sau hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Đời tôi là những cơn mưa dài. Mưa khi tôi rời làng Mã Châu, mưa trong đêm đầu tiên trong căn gác trên đường Hùng Vương Đà Nẵng, mưa dưới gốc đa già ở Chùa Viên Giác, mưa khi tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời đất nước ra đi. Nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ cảm thấy cuộc đời là hố thẳm. Tôi không sống trong hôm qua, trái lại mỗi ngày là một chặng đường mới của đời mình. Tôi bình tĩnh đến độ hồn nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt đến với đời tôi và tôi rất lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh của chính mình.

Trong cuộc đời này, tôi đã nhiều lần vấp ngã, nhưng nhiều người cũng đã giúp vực tôi dậy, lau khô những vết thương trên thân thể và trong cả tâm hồn. Tôi mang ơn xã hội nhiều đến nỗi biết mình sẽ không bao giờ trả hết. Tôi biết ơn những người đã che chở cho tôi và cũng cám ơn cả những người đã dạy tôi hiểu giá trị của gian lao, thử thách. Cám ơn đất nước đã cho tôi được làm người Việt Nam, cám ơn mẹ Duy Xuyên mang tôi đến thế gian này, cám ơn mẹ Hòa Hưng nuôi nấng tôi trong những ngày bà con thân thuộc đã ruồng bỏ tôi, cám ơn cây đa già chùa Viên Giác che mát cho tôi suốt năm năm dài mưa nắng. Nếu một mai tôi ra đi không kịp viết điều gì, thì đây, những kỷ niệm của một lần ghé lại.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 17 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan về Nghiệp


Đức Phật và chúng đệ tử


Kinh Kim Cang


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.73.59 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...