Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới bóng đa chùa Viên Giác »» Gặp lại nhau »»

Dưới bóng đa chùa Viên Giác
»» Gặp lại nhau

Donate

(Lượt xem: 3.939)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới bóng đa chùa Viên Giác - Gặp lại nhau

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Hai chương cuối này được viết tiếp vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012)

Năm 2003 là năm quan trọng đối với tôi. Vì đây là lần kỷ niệm 25 năm xây dựng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc và năm này tôi đã chính thức trao quyền Trụ Trì cho Thầy Hạnh Tấn, đồng thời tôi đã trở về ngôi Phương Trượng, có nghĩa là không còn trực tiếp điều hành và Trụ Trì chùa Viên Giác nữa, mà chỉ còn cố vấn cho chùa cũng như cho Giáo Hội Đức Quốc mà thôi. Đây cũng là cơ hội để tôi mời chư Tăng, Ni trong các nước đến Đức tham dự những lễ nghi trọng đại này, gồm nhiều mục như: truyền thừa, kỷ niệm báo Viên Giác, Hội Phật Tử, cũng như 25 năm thành lập chùa Viên Giác. Nhân cơ hội này, tôi đã tổ chức một đại lễ Trai Đàn Chẩn Tế Bạt Độ chư hương linh quá vãng. Năm ấy, số lượng chư Tăng, Ni ở ngoại quốc cũng như từ Việt Nam đến chứng minh, tham gia đại lễ không dưới 150 vị.

Nếu kể từ năm 1968 tôi xa Hội An, vào Sài Gòn tu học (và sau đó đi du học Nhật Bản 1972) cho đến 2003 là 35 năm dài, tôi chưa có cơ hội để gặp lại những bậc Thầy trong Môn Phái cũng như những huynh đệ đồng môn, học cùng lớp, cùng Thầy trong những năm đầu Trung Học Đệ Nhất cấp 1964, 1965 tại trường Bồ Đề Hội An, thì đây là cơ hội vậy. Trong số chư vị Tôn Túc từ quê hương ra hải ngoại tham dự lễ này có Thầy Giải Trọng là người học cùng lớp, ngồi cùng bàn thuở thiếu thời vẫn còn giữ lại chiếc áo nhà tu sau năm 1975 oan nghiệt ấy. Có không ít những bạn đồng tu thuở ấy đi ra đời và đã cưu mang một đời sống thế tục, nặng nợ với thê nhi, nên chùa chiền cũng ít lai vãng. Tôi đã nghe Thầy Giải Trọng kể lại những nỗi niềm uẩn khúc của những giai đoạn lịch sử như vậy để biết rằng ai còn, ai mất và ai là những người không còn liên lạc được nữa. Đúng là chiến tranh và ý thức hệ đã chia cắt con người trong từng hơi thở và hoàn cảnh như vậy.

Nhờ vậy mà tôi có được cơ hội để liên tưởng về những người bạn cũ năm xưa, đời cũng như đạo, để biết rằng họ đã một thời như thế còn mình vẫn còn nhiều hạnh phúc, vì vẫn còn khoác trên mình chiếc áo nhà tu. Mặc dù “chiếc áo không làm nên tu sĩ”, nhưng nếu không có chiếc áo thì chẳng ai biết mình là tu sĩ. Do vậy hình thức đôi khi cũng rất cần thiết.

Những năm 1966, 1967, 1968, vào những mùa hè nghỉ học, tôi được Sư Phụ mình cho lên Chùa Long Tuyền hay xuống Chùa Tỉnh Hội để tập sự An cư. Từ đó tôi quen biết Thầy Giải Trọng và Thầy Như Hoàn nhiều hơn những Thầy khác. Anh em chúng tôi lại kết nghĩa đệ huynh, ai lớn tuổi hơn thì làm anh, riêng tôi nhỏ tuổi nhất trở thành em út. Đã có những lời tâm sự và nguyện ước dưới chân tháp Tổ chùa Long Tuyền, mặc dầu chúng tôi chẳng biết rằng cuộc đời sau này sẽ trôi nổi ra sao, nhưng tuổi trẻ bồng bột, tuổi trẻ ngang bướng đã là điều kiện duy nhất để chúng tôi vượt lên trên tất cả.

Năm 1967 là năm tôi được Sư Phụ cho ra chùa Phổ Đà ở Đà Nẵng để thọ Giới Sa-di, thế mà sau này chứng điệp Sa-di lại mang dấu ấn của Chùa Long Tuyền, nơi Hòa Thượng Chơn Phát trụ trì, đồng thời Ngài cũng là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự tỉnh Quảng Nam thuở ấy. Quả thật khi con người có quyền trong tay, muốn thay đổi một sự thật theo ý muốn của mình cũng không phải là điều khó.

Nhờ gặp Thầy Giải Trọng vào năm 2003 tại Hannover mà tôi được biết Như Hoàn đã hoàn tục và một số quý Thầy, Cô khác cũng không còn tu nữa, ví dụ như: Thị Điểm, Thị Duyên, Thị Kỉnh, Thị Hạnh v.v... Tha phương ngộ cố tri là một trong bốn điều hỷ lạc, nhưng khi nghe về những mảnh đời tan vỡ của một kiếp tu hành, tôi xót xa cho họ không ít. Vì lẽ cùng một lúc đã cất bước ra đi, mà bây giờ đã có quá nhiều người quay trở lại. Quả thật đường tu không dễ là như vậy.

Năm 2008 là năm kỷ niệm 30 năm thành lập Chùa Viên Giác và cũng là năm tôi được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tấn phong lên Phẩm vị Hòa Thượng. Nhân cơ hội này, tôi cũng đã cung thỉnh một số chư Tôn đức từ quê hương qua Đức tham dự lễ. Lần này có thêm Ni Sư Giải Thiện, Ni Sư Hạnh Tường, Ni Sư Hạnh Nghiêm v.v... Đây là những người cùng thời gian tu học tại Quảng Nam từ những năm 1964, 1965. Cũng nhân cơ hội này, tôi tổ chức lễ khánh thành và An vị Phật Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức.

Thầy Giải Trọng và một số Thầy, Cô khác từ quê hương đến mang lại cho tôi nhiều nỗi nhớ quê. Nếu tính từ năm 1968 đến 2008 là đúng 40 năm tôi đã xa quê hương xứ Quảng. Do vậy đi đâu và bất cứ lúc nào, khi có ai đó yêu cầu tôi ngâm thơ thì tôi thường hay ngâm bài “Nhớ Chùa” của Thi sĩ Huyền Không tức là cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác hoặc bài: “Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng” của Trần Trung Đạo. Quê hương giờ đây đối với tôi đã xa ngút ngàn và chỉ còn đọng lại trong niềm thương nỗi nhớ. Do vậy, mỗi khi nhắc đến chốn quê, lòng tôi lại bồi hồi thổn thức.

Quê hương là gì? Chẳng ai có thể định nghĩa trọn vẹn được, nhưng nếu thiếu nó, có lẽ chúng ta sẽ khó được thành người. Đây là một chất liệu dưỡng sinh của những người đang sống xa quê hương, xứ sở. Nhiều khi, người ta đang sống trên quê hương đất nước, nhưng họ đang xa rời với truyền thống của quê hương thật sự, còn những người tuy sống xa cách quê hương trong muôn ngàn vạn dặm nhưng lúc nào hai tiếng quê hương cũng canh cánh bên lòng.

Ở đâu cũng có bóng dừa, cây tre, bụi chuối v.v…, nhưng cây tre ở đầu làng mình được sinh ra tại đó khác xa với những nước khác rất nhiều. Vì những nơi kia phong tục, tập quán, ngôn ngữ v.v… không như ở quê hương của mình. Sau năm 1975 có bài hát “Quê hương là chùm khế ngọt” tương đối diễn tả đúng với tâm trạng của những người xa xứ, nên khi bài ca này vang lên đâu đó khiến cho ai đã một lần xa quê chưa bao giờ trở lại cũng gợi nhớ về quê hương trong muôn thuở.

Năm 1968, tôi rời Quảng Nam vào Sài gòn tiếp tục học đệ nhị và đệ nhất để thi Tú Tài I và Tú Tài II tại trường Cộng Hòa và trường Văn Học, tôi chẳng nghĩ ngợi gì về tương lai vì tôi biết rằng một lần ra đi là muôn lần khó trở lại, khi mà hình ảnh quê hương đã lùi dần lại phía sau lưng mình. Vì người trẻ luôn luôn hướng tới chứ ít có ai ngó lui. Chỉ khi nào người ta lớn tuổi rồi, khả năng vươn tới không còn nhiều nữa, lúc ấy người ta mới nhớ về dĩ vãng, lục lọi ký ức tuổi thơ, để viết lên những dòng hồi ký. Nếu không vậy thì đời không có gì đẹp nữa.

Tôi cũng là một con người, không vượt khỏi ước lệ tầm thường của nhân thế ấy và tôi vẫn là một con người mà là con người của quê hương xứ Quảng nên vẫn còn mang nặng chất ruộng đồng.

Tháng 10 năm 2010, Chùa Cực Lạc Cảnh Giới Tự tại Thái Lan khánh thành, tôi đã nhắc Thầy Hạnh Nguyện nên viết thư cung thỉnh chư Tôn đức trong nước qua Thái Lan để tham dự lễ và thực hiện chương trình Đại Trai Đàn Chẩn Tế tại Chiangmai vào dịp lễ trọng đại này. Nhân đây tôi và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đã đề nghị với Thầy Như Tịnh tổ chức những chuyến xe bus xuyên các quốc gia Cam-bốt, Lào đến Thái Lan để gặp gỡ chúng tôi. Quả là một việc làm mang rất nhiều ý nghĩa. Từ Miền Trung đi, có ba chiếc xe Bus và từ Miền Nam có một chiếc, tổng cộng độ 180 người vừa tu sĩ lẫn cư sĩ, trong đó có đại gia đình họ Lê và những người thân của tôi mong mỏi được gặp Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đã gần 40 năm xa cách, chưa bao giờ có một cuộc họp mặt. Một cuộc họp mặt gia đình gồm 4 thế hệ như vậy thật ra lâu nay chưa hề có, nghĩa là thế hệ của chúng tôi và thêm ba thế hệ liên tiếp về sau nữa.

Chỉ tiếc rằng thời gian hội ngộ quá ngắn ngủi so với chuyến đi của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc từ Úc sang. Một phần vì đường đi vào núi khó tìm, phải đi mấy lần mới đến Cực Lạc Cảnh Giới Tự, phần khác vì dự lễ khánh thành là tâm điểm chính, nên phần còn lại với gia đình không còn được bao nhiêu so với trên dưới 40 năm xa cách.

Tôi đã có được hai ngày để hàn huyên với hai bên nội, ngoại và cả những Thầy, Cô bạn học đã xuất gia cùng lúc tại Việt Nam thuở nào, hay thế hệ xuất gia sau này khi nghe Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và tôi về Thái Lan nên nhiều nao nức muốn gặp, trong đó có cả Thượng Tọa Thích Hải Tạng và một số bạn học cũ như Thị Điểm và Nguyễn Sửu nữa. Nếu những người bạn này tình cờ gặp ngoài đường phố thì chắc rằng chẳng ai nhận được ra ai. May là ở đây có người tự giới thiệu, hoặc giả người trước giới thiệu cho người sau nên mới biết mặt nhau và từ đó kể cho nhau nghe những gì đã trải qua 40 năm xa cách.

Năm nay 2012, chúng tôi cũng tổ chức một cuộc họp mặt như thế nữa tại Thái Lan, nhưng số người ít hơn và dĩ nhiên là tình cảm, sự trao đổi những câu chuyện xa xưa không gợi nhớ như lần đầu cách đó hơn hai năm về trước nữa. Vì lẽ, cái gì lâu không nhắc đến, không đề cập qua, nay có cơ hội để chỉ được gặp một lần, cái ấy quý giá thật. Ví như tình yêu thương ở xa nhau thì nhung nhớ, nhưng khi sống gần nhau lâu ngày cũng sinh ra nhàm chán. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng để tạo ra cơ hội này vì lẽ năm nay là năm thứ 10, cũng là năm cuối tôi sang Úc tịnh tu nhập Thất và nhân cơ hội này đi tham dự lễ khánh thành Chùa Việt Nam tại Nhật Bản của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền vào ngày 04 tháng 11 năm 2012, cho nên một lần đi là một lần khó, phải cố gắng tạo nên cơ hội thứ hai này vậy.

Một lần khác vào ngày 8 tháng 7 năm 2011 vừa qua, chúng tôi cũng đã có một cuộc gặp gỡ tại Tích Lan thật là đặc biệt. Đó là ngày Chính Phủ cũng như Hội Đồng Tăng Già Tích Lan trao giải thưởng danh dự cho Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Viện chủ Chùa Khánh Anh tại Pháp và tôi đại diện cho Phật Giáo Việt Nam tại Đức. Chúng tôi là những người được tuyên dương về việc mang giáo lý của Đức Phật đến các Quốc gia Âu Mỹ và làm cho Giáo lý ấy được phát triển tại các quốc gia này. Từ Ấn Độ sang có quý Thầy Như Tú, Nguyên Tân, Huệ Phát và Nhuận Huệ. Từ Việt Nam đến có Thầy Giải Trọng, Thầy Đồng Mẫn, Thầy Như Tịnh và một Thầy trong Môn Phái Chúc Thánh. Ngoài việc dự lễ trao giải thưởng ra, chúng tôi và phái đoàn còn đi Kandy để đảnh lễ Răng Xá Lợi của Đức Phật, cũng như đến miền Bắc Tích Lan để thăm và đảnh lễ cây Bồ Đề do Công Chúa Sanghamita, con gái Vua A-Dục đã mang qua từ Ấn Độ và trồng tại đất thiêng lịch sử này cách đây hơn 2300 năm về trước. Một chuyến đi có thật nhiều kỷ niệm và cũng là chuyến đi có nhiều ghi nhớ. Vì lẽ tông phong, pháp phái, đệ huynh, bằng hữu lại có dịp để gặp nhau hàn huyên tâm sự.

Đến Hoa Kỳ lần này năm 2012, tôi chẳng biết là lần thứ mấy sau hơn 30 năm ở Đức, nhưng theo tôi nghĩ ít nhất cũng trên 30 lần. Có những năm tôi đi Hoa Kỳ đến 2 lần. Lần đầu tiên đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1979 tại Gainesville thuộc miền Bắc tiểu bang Florida. Đến đó để thăm Anh Sơn và Cô Hiền là anh, chị của Phạm Nam Hải, bạn học lớp đệ nhị ban A tại trường Cộng Hòa niên khóa 69-70. Bây giờ hai anh chị này là đệ tử tại gia của tôi. Họ có học vị cao và ăn chay trường, là những người Phật Tử luôn hộ trì Tam Bảo. Lần ấy tôi đã ghé thăm cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân lần đầu và cũng là lần cuối. Đến năm 1980, Hòa Thượng viên tịch ở tuổi 58 tại Los Angeles, là một mất mát rất lớn cho Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Vì Hòa Thượng là một bậc Thầy, một Học giả vĩ đại của Phật Giáo đương thời, Ngài là Viện Trưởng trường Đại Học Đông Phương và sáng lập Chùa Việt Nam tại Los Angeles từ năm 1974.

Những lần sau này, tôi đã đi thăm hầu hết các chùa Việt trên khắp các tiểu bang tại Hoa Kỳ, nhưng lần này có 4 cuộc thăm viếng mang dấu ấn đặc biệt. Đó là thăm Hòa Thượng Thích Thanh An, Cố Giác Linh Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo, Trưởng Lão Thích Chơn Điền và người bạn cũ Như Hoàn năm xưa.

Hòa Thượng Thích Thanh An năm nay đã gần 80 tuổi, là anh ruột của Cố Thượng Tọa Thích Thiện Tường và là Sư Huynh của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc. Cả hai vị này đều là đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu thuở nào. Chúng tôi đến chùa An Tường tại Oakland thuộc miền Bắc tiểu bang California vào một sáng mùa xuân, tháng 4 năm 2012 sau khi đã đi thăm tượng đài các danh nhân thế giới như Ngài Maha-Gandhi, mẹ Teresa, Tổng Thống Roosevelt, Thiền Sư Nhất Hạnh v.v… có người đã nằm xuống cho tự do và cũng có nhiều người đang chiến đấu cho tự do dân chủ cho thế giới. Tất cả rồi cũng trở về với cát bụi, nhưng những gì mà những bậc Thánh nhân làm, người bình thường như chúng ta ít hiểu hết được ý nghĩa của nó.

Việc Thánh, dưới mắt phàm cũng trở thành tầm thường, ít có ý nghĩa, nhưng nếu việc phàm dưới mắt Thánh, cái gì cũng có thể mang lại lợi lạc cho quần sanh. Tại công viên này có một tượng đồng em bé Phi châu 10 tuổi. Em làm một bài thơ bằng tiếng Anh đơn giản nhưng đã được Liên Hiệp Quốc trao cho giải thưởng và dựng tượng đồng của Em tại Công Viên đường 18 ở thành phố Oakland, không phải là chuyện nhỏ. Bài Thơ nhan đề là: “Người da màu”.

Khi tôi sinh ra, tôi màu đen
Khi tôi lớn lên, tôi màu đen
Khi tôi đi dưới ánh sáng mặt trời Phi Châu, tôi màu đen
Khi tôi bệnh, tôi màu đen
Khi tôi chết, tôi cũng màu đen.

Còn người da trắng thì:
Khi họ sinh ra, họ màu đỏ
Khi họ lớn lên, họ màu trắng
Khi họ đi dưới ánh sáng mặt trời, họ màu nám đỏ
Khi họ bệnh, họ màu xám
Khi họ chết, họ màu tím

Thế mà họ gọi chúng tôi là người da màu.

Câu kết này khiến thế giới kinh ngạc và đã trao giải thưởng cũng như dựng tượng đồng cho em. Như vậy thì người da trắng mới là người hay đổi màu, chứ người da đen bất cứ trường hợp nào, họ vẫn giống màu da nguyên thủy của họ.

Chúng tôi bước vào Chùa An Tường lần này thấy trống vắng lạ thường, vì nơi bàn thờ Tổ chỉ còn Xá Lợi Xương của Thượng Tọa Thiện Tường. Bên nhà trù, có một Cô Ni già giữ chùa và nhà bên cạnh là nơi Hòa Thượng Thanh An ở. Sau khi chào hỏi và gợi chuyện, Hòa Thượng đã kể lại những chuyện xưa khi còn ở quê nhà, nhất là lúc gặp cọp trên núi, hay lấy máu mình để chép Kinh Di Đà hoặc đốt liều trên thân thể để cúng dường Phật. Từng lời nói, từng cử chỉ đều được Thượng Tọa Nguyên Tạng ghi âm và chụp hình cẩn thận để làm tài liệu cho những người hậu thế sau này.

Đứng trên thềm chùa để tiễn chúng tôi hôm đó là một lão Tăng đang chống gậy, nước da bạc màu sương gió, chúng tôi rất ngậm ngùi và cũng chẳng biết rằng ngày nào đó quay trở lại nơi này, có còn đảnh lễ được hình bóng này chăng !

Năm 2011, Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã mất các bậc đại danh Tăng như: Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn, Hòa Thượng Thích Thanh Đạm, Hòa Thượng Thích Trí Hiền, Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo, Hòa Thượng Thích Trí Năng, Hòa Thượng Thích Thiện Hương, cũng như ba vị đại Cư Sĩ là Cư sĩ Học giả Phạm Công Thiện, Cư sĩ Phạm Kim Khánh và Cụ Hương Bình Lê Hữu Dãn.

Trong những vị này, tôi quen biết cố Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo cũng đã 46 năm rồi. Năm 1966, khi Hòa Thượng còn làm Tuyên Úy Phật Giáo tại Đà Nẵng, tôi có dịp nhờ Ngài ký giấy cho đi máy bay trực thăng Quân đội miễn phí từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Ơn ấy, tôi vẫn quý mãi cho tới ngày nay. Vì thuở ấy giao thông tại miền Trung không an toàn, nên phải dùng máy bay qua lại tại Đà Nẵng. Đi máy bay dân sự không có tiền nên Sư Phụ tôi đã giới thiệu cho Ngài Hạnh Đạo để được đi nhờ vào Sàigòn.

Đến chùa Phổ Đà tại thành phố Westminster thuộc miền Nam California vào những ngày cuối tháng 3 năm 2012 tôi chỉ còn đảnh lễ giác linh Ngài cũng như Bảo tháp, nơi thờ tro cốt của Ngài. Còn bao nhiêu cảnh cũng như người đã thay ngôi đổi chủ. Tuy có sáng sủa và đẹp đẽ hơn xưa đấy, nhưng đó không phải là cái hồn của quê hương xứ Quảng thuở nào! Đúng là vật đổi sao dời là vậy.

Tại tang lễ Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo, Trưởng Lão Thích Chơn Điền, Houston, Texas, đã có bài thơ điếu rằng:

Tống Tăng

Gánh nặng đã buông, buông cho trót,
Gông xiềng bẻ được, bẻ luôn đi.
Trăm năm sự nghiệp có ra gì,
Giác mê nhất lộ chánh tri kẻo lầm.
(2011)

Bài thơ chỉ có bốn câu, nhưng đã lột tả được tất cả mọi sự vô thường chuyển hóa, có có không không, trò đời dâu bể cũng như khuyên Giác Linh nên chỉ một đường, vì mê và giác chẳng có gì khác nhau cả.

Lần nào cũng thế, khi ghé Houston, chúng tôi bắt buộc phải ghé thăm Trưởng Lão Thích Chơn Điền một lần. Vì Ngài là Sư Thúc của tôi và năm nay Ngài đã ở vào tuổi 86, nhưng minh mẫn vô cùng, chỉ có con mắt hơi kém một tí, nhưng Ngài vẫn lái xe, đến đi những địa điểm gần Quan Âm Tịnh Xá. Ngài là một vị Lão Tăng có tuổi đời cao nhất nhì tại Hải Ngoại ngày nay và trong Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Ngài thuộc đời thứ 40, đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Thoại, chùa Long Tuyền Hội An.

Chúng tôi gặp để thăm Ngài, đọc thơ Ngài cho Ngài nghe, bình thơ và đôi khi Ngài vặn hỏi những tư tưởng về tánh Không trong Kinh Kim Cang, Bát Nhã hay Luật học. Đồng thời chúng tôi cũng có được những bữa ăn chiều bằng bánh ướt với hương vị quê hương thật ngọt ngào. Tôi đọc bài: “Ruồi than trong lưới nhện” rằng :

Tham dục lao vào vướng tử sinh
Vô minh nghiệp thức dẫn vòng quanh
Ao tù ngũ trược gây thêm trược
Khổ khổ thì ra cũng tại mình
(2007)

Quả thật cuộc đời như một giấc mộng và giấc mộng ấy dù chỉ là 30 năm, 70 năm hay 100 năm đi nữa, nó cũng chỉ giống như một con ruồi, đang vướng vào lưới nhện, không hơn, không kém.

Sau khi đọc thơ, lại có bình thơ và tác giả bài thơ ấy chính là Ngài nên Ngài đắc ý vô cùng khi có ai đó, có đồng quan điểm với Ngài nhất là những người thích thơ và học thuộc thơ.

Cuối năm 2011, khi tôi còn ở trên núi đồi Đa Bảo vùng Blue Moutains tại Úc Châu, Ngài có cho Đạo Hữu Minh Hải gởi qua email của Chùa Viên Giác một bài thơ có hai tiêu đề. Tiếng Việt gọi là “Vọng Hải Đài”, còn chữ Hán thì Ngài viết ba chữ “Ngũ Hành Sơn”. Dĩ nhiên Vọng Hải Đài nằm trên một trong năm ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tại Non Nước gần thành phố Đà Nẵng. Còn Ngũ Hành Sơn là dùng để gọi chung năm cụm núi kia.

Trong tập thơ “Góp nhặt lá vàng” của Ngốc Tử, tức Trưởng Lão Thích Chơn Điền đã được Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn, trụ trì chùa Trúc Lâm tại Chicago cho in lại trong năm 2011, trang 41 có bài này như sau:

Vọng Hải Đài

Gió mát rượi, thông reo nhè nhẹ
Lá vàng rơi, lặng lẽ rơi rơi
Phong lan hoa mỉm miệng cười
Biển đông trăng rụng sao rơi ngập dòng

Hang Vân Nguyệt cong cong quẹo quẹo
Động Huyền Không vi diệu linh phong
Chiếu vô mấy sợi nắng hồng
Thiên hình vạn trạng có không tuyệt vời
19…

Như vậy, bài thơ này Trưởng lão đã làm từ những năm giữa hay cuối thế kỷ XX và mãi cho đến cuối năm 2011 của đầu thế kỷ thứ XXI Ngài mới thêm được hai câu sau cùng mà trong bản in lần thứ hai này không được thấy. Đó là :

Đá ngũ sắc giữa trời non nước
Có cư trần, nhiễm trược thì không

Trưởng lão đọc xong hai câu này, đắc ý lắm và bảo với tôi rằng: “Thầy đã dâng hết tấm lòng của mình cho quê hương xứ Quảng rồi đó và đây cũng là sự đáp đền ơn Sư trưởng thuở nào.”

Từ những năm thập niên 40, Ngài đã xuất gia với Tổ Phổ Thoại tại chùa Long Tuyền, Hội An. Nay Tổ đã viên tịch, còn Ngài sống xa quê hương trong ngút ngàn cách trở, nhưng ở tuổi về chiều, Ngài đã nghĩ đến nơi đã cưu mang mình thuở thiếu thời. Đây là một việc làm, một ý nghĩa thật cảm động.

Cách đây chừng 10 năm, tôi có in cho Ngài 2000 tập thơ khổ A6 cũng đặt tên là “Góp nhặt lá vàng”, trong ấy có nhiều bài hay, nhưng vẫn chẳng thuộc, chỉ thuộc duy nhất bài không đăng trong tập ấy là:

Sư vừa cất tiếng Nam Mô
Thoáng đâu có bóng một cô bước vào
Tim Sư rộn rực nôn nao
Bỏ chuông, bỏ mõ ra vào chẳng yên
Tim này ví xẻ làm đôi
Trót dâng cho Phật chao ôi còn nàng
Lung linh dưới ánh trăng vàng
Như Lai Điều Ngự trên làn tóc em

Ngài hỏi tôi tại sao Như Điển không in bài này cho Thầy? Tôi thưa rằng: Thầy già rồi mà còn làm thơ tình lãng mạn quá nên con không in, nhưng không sao, bài ấy con đã thuộc nằm lòng. Còn những bài khác hay lắm nhưng con chẳng thể. Do sự gàn bướng này mà bây giờ tôi phải chép lại vào tập sách này, lỡ một mai quên đi thì sẽ đắc tội với Ngài và nhất là khi Ngài không còn có mặt trên cõi thế này nữa, thì ai sẽ là người nghe thơ và bình thơ cho.

Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, lưu lại dấu bút ngày xanh và kỷ niệm đánh dấu một chặng đường của một thuở xa xưa… Và tất cả đều sẽ rơi vào dĩ vãng.

Đặc biệt kỳ này tôi hướng dẫn phái đoàn Hoằng pháp lần thứ 8 đến Hoa Kỳ gồm quý Thầy, Cô đến từ Úc châu, Âu Châu và Hoa kỳ, tất cả có 10 vị. Từ những ngày cuối tháng 3 đến cuối tháng 5 năm 2012, phái đoàn đã xuyên qua các thành phố lớn như: Santa Anna, San Jose, Las Vegas, Fremont, Houston, Oklahoma, Minnenapolis, Chicago, Philadelphia, Virginia, Jacksonville, Gainesville v.v… Trên những chặng đường này, mỗi nơi đều có một kỷ niệm khó quên. Ví dụ như tại Trung Tâm Quảng Đức tại Miền nam California đã gặp được anh Phạm Sanh Như Hoàn, người kết nghĩa đệ huynh với tôi và Hoà Thượng Thích Giải Trọng tại Chùa Long Tuyền Hội An từ những năm 1966, 1968. Quả thật là quả đất tròn, nên sau gần 45 năm, chúng tôi đã gặp lại nhau trên đất nước tự do Hoa Kỳ này, với bao nỗi mừng mừng tủi tủi. Bây giờ thì anh đã có một vợ hai con với tuổi đời chồng chất gần 70 năm sương gió trên vạn nẻo đường trần, nhưng anh và gia đình vẫn còn niềm thâm tín nơi Tam bảo. Quả là điều hiếm quý vô cùng.

Chúng tôi nghĩ rằng: Ngày ấy chẳng thể xảy ra và không bao giờ đến nữa, nhưng nay thì hình ảnh cũ của 45 năm trước lại hiện về. Nếu quý độc giả xem hình ảnh của Như Hoàn và tôi trong chiếc y Sa-di nơi tháp Ngài Phổ Thoại trong sách này thì sẽ tìm lại được kỷ niệm này.

Bây giờ anh Như Hoàn đóng vai Cư sĩ, không biết trong tâm anh nghĩ sao, khi thấy tôi sau gần nửa thế kỷ ở ngoại quốc nhưng vẫn còn khoác trên mình chiếc áo nhà tu. Dĩ nhiên là không phải để anh phục mà để thấy rằng mỗi người sinh ra trong đời này đều có những duyên nghiệp khác nhau, không ai giống ai cả. Khi nắp quan tài đậy lại rồi, lúc ấy mới biết thực hư, còn hiện tại chỉ là những bóng phù du của nhân thế.

Trước sân Chùa Quảng Đức, anh xiết tay tôi thật chặt như thầm nói rằng: Những kỷ niệm ngày xưa của chúng ta dưới mái Chùa Long Tuyền vẫn còn đó và Viên Giác vẫn còn đây để cho lời kinh tiếng kệ vọng về, khiến cho ai đó phải mở cõi lòng ra và hãy để cho hồn mình phiêu bồng nơi cõi ảo, để hiểu rõ cho một kiếp nhân sinh, nó ảo hóa là dường nào!

Ngày 16 tháng 4 năm 2012 vừa qua, cũng là ngày làm tuần 49 ngày cho Cư sĩ Liên Hoa, người chồng, người bạn đạo của Cô Diệu Tịnh. Phái đoàn Hoằng pháp của chúng tôi kỳ này tất cả đều có mặt. Sau khi tụng Kinh cầu siêu là phần thuyết linh để sau đó Thượng Toạ Minh Tân, Thượng Tọa Nguyên Tạng và Đại Đức Thánh Trí cúng vong. Bắt đầu tôi đã nói:

“Vào mùa Xuân năm 2011 vừa qua, khi Phái đoàn Hoằng Pháp của chúng tôi đến thăm anh và làm lễ cầu an tại tư gia anh, lúc ấy anh đã biết bệnh tình của mình khó thuyên giảm, nhưng anh vẫn cố gắng chiến đấu với tử thần. Năm nay cũng mùa Xuân 2012 này chúng tôi cũng đến nhà anh nhưng để làm tuần 49 ngày cho anh. Quả cuộc đời này là ảo mộng, với tuổi 62 đã là tuổi thọ của cuộc đời, nhưng bài viết của anh về “vòng xoáy của nghiệp lực” dường như anh vẫn còn ao ước được sống để lo cho tâm linh của mình cũng như cho vợ con của anh. Đọc bài này, ai cũng biết rằng anh tu theo Mật Giáo, anh có thể chấp nhận ra đi một cách dễ dàng, nhưng việc vãng sanh về Tịnh Độ thì hình như anh chưa quả quyết lắm. Nhưng không sao, theo vị Tổ Tịnh Độ Chơn Tông của Nhật Bản là Ngài Thân Loan ở thế kỷ thứ 13 cho rằng: Việc vãng sanh do bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà có hai phần. Đó là hoàn tướng và vãng tướng.

“Thế nào là hoàn tướng? Nghĩa là sau khi sanh về thế giới Tịnh Độ rồi, nếu người nào muốn trở lại Ta Bà cũng có thể thực hiện được ý nguyện của mình, không có gì trở ngại cả. Còn vãng tướng có nghĩa là sau khi vãng sanh về thế giới Cực Lạc rồi, ở nguyên nơi ấy tiếp tục tu học để đạt đến cảnh giới giác ngộ cao hơn.

“Bây giờ Anh đã đi rồi, nhưng những công trình nghiên cứu, tu học, văn thơ vẫn còn đó. Đời sẽ niệm ân Anh và Đạo sẽ trang trọng tô đậm Pháp danh anh thuộc hàng đại Cư sĩ của Phật giáo Hoa Kỳ nói riêng và Phật giáo nói chung.”

Tiếp đó tôi nói rằng: “Trong những năm qua tình hình Phật giáo tại Hoa kỳ nói riêng và khắp nơi trên thế giới nói chung đã trải qua không biết bao nhiêu là biến động từ bên trong ra lẫn bên ngoài vào, khiến cho lòng người Phật tử dao động. Thế mà Anh vẫn an nhiên tự tại, vẫn một lòng trung thành với lý tưởng từ bi, lợi tha của đạo Phật và chưa thấy có một câu văn hay bài báo nào Anh oán than Phật giáo cả. Quả là điều hy hữu vô cùng với thế đạo nhân tâm trong hiện tại.

“Anh hãy an nhiên với cõi Tịnh và hãy đoái mắt nhìn về vợ con Anh, bằng hữu của Anh, Thầy Cô của Anh và lúc nào cũng luôn hộ trì Tam Bảo để Ba ngôi Tam Bảo được trường lưu tại thế giới Ta Bà này.”

Trở về lại Chùa Trúc Lâm của Cậu Chín mà tôi cho Pháp Danh là Thiện Phẩm khi thọ Sa Di, cho Pháp tự là Hạnh Hoa và thọ Sa Di Bồ Tát Giới với pháp hiệu Giác Liên, có rất nhiều điều đáng tán thán nên ghi lại nơi đây cho mọi người chiêm nghiệm.

Thật ra tôi gặp chú Hạnh Hoa tại Chùa Trúc Lâm ở Houston cũng chỉ trong sự tình cờ qua sự giới thiệu của Cô Kathy, Cô Vân Anh và Cô Diệu Tịnh. Vào năm 2009, khi phái đoàn Hoằng Pháp đến đây không có chỗ giảng nhất định như đã được sắp đặt trước từ lâu. Đồng thời qua sự trao đổi điện thoại với Thầy Hạnh Đức và Cậu Chín, tôi đã bắt đầu làm quen từ dạo ấy.

Đó là những thời Kinh Lăng Nghiêm buổi sáng rồi lễ quy y, lễ xuất gia, và tiếp theo là lễ thọ Sa Di Bồ Tát Giới dưới sự chứng minh của Trưởng lão Thích Chơn Điền và tất cả thành viên trong Phái đoàn Hoằng Pháp của chúng tôi. Năng lực của thần chú Lăng Nghiêm và lòng từ của chư Tôn đức đã cảm hóa Chú trở thành một vị Tăng sĩ trong đời này.

Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 năm 2012 vừa qua là những gì đã chứng thật cho điều đó. Mỗi ngày từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối, lúc nào và lúc nào trên chánh điện Chùa Trúc Lâm cũng như ngoài vườn Chùa có cả hàng trăm hàng ngàn người Mỹ, người Mễ, người Hoa, người Nhật, người Việt đến lễ bái, nguyện cầu, nghe Pháp, chữa bệnh và thọ nhận phép gia trì.

Thứ Sáu ngày 13 tháng 4 năm 2012, bắt đầu buổi lễ tất cả chư Tăng Ni trong Phái Đoàn đều hiện diện trong Chánh Điện sau ba hồi chuông trống Bát Nhã cung nghinh. Tiếp đến là thuyết pháp bằng tiếng Anh của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và tiếng Hoa của Đại Đức Thích Hạnh Bảo. Kế đó là lễ chú nguyện và phát quà. Tiếp theo sau bữa ăn tối là đêm đốt đèn cầu nguyện cũng như chữa bệnh. Mỗi lần như thế không dưới 500 người.

Ngày thứ bảy 14 tháng 4 năm 2012 là giờ của Thầy Hạnh Đức và Thầy Viên Giác. Ngày Chủ Nhật 15 tháng 4 năm 2012 là giờ giảng pháp và chú nguyện của Thượng Tọa Thích Thông Triết và Thầy Thánh Trí. Ngày Chủ Nhật này có trên 1000 người tham dự, đại đa số là người Mễ và người Hoa. Cho nên trong mỗi buổi thuyết pháp đều có nói tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa và được dịch ra tiếng Tây Ban Nha cho người Mễ.

Ngày thứ Hai 16 tháng 4 năm 2012 là ngày lễ Khánh Đản 2556 của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Buổi chủ giảng do tôi và Thầy Thiện Đạo chủ trì. Sư Chú Hạnh Hoa dịch sang Tiếng Hoa và Tiếng Anh. Một người Phật tử Mễ dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Ngày hôm ấy không dưới 1500 người thọ nhận nước cam lồ và sự chú nguyện của Chư Tăng. Tối hôm đó, Ni Sư Minh Huệ thuyết giảng ngoài vườn Chùa bằng tiếng Anh được dịch ra Tiếng Tây Ban Nha. Lễ cầu nguyện đốt đèn cũng chí thành tha thiết. Hầu như ngày nào cũng có những người Hoa và người Việt cúng dường Trai Tăng. Còn người Mễ nghèo hơn, họ cúng công quả vào Chùa như lau chùi nhà cửa, cắt tỉa cây cối ngoài vườn Chùa. Ở đây chỉ thiếu một vị trụ trì biết hy sinh và hiểu được quần chúng ở Mỹ. Âu đó cũng là nhân duyên trong cuộc sống.

Tôi nghĩ rằng dầu có địa vị, tình yêu, lợi danh v.v..., tất cả cũng chỉ là những hiện tượng, mà đã là hiện tượng thì không phải là thực tướng. Vì thực tướng của mọi hiện tượng đều là không. Đã là không thì còn bám víu vào đó để làm gì? Mỗi người tự hỏi và tự trả lời cho mình, thì lẽ công bằng dễ nhận ra hơn.

“Gặp lại nhau” là đề tài của chương này, tôi muốn viết thêm về một Phật tử tại gia ở Fremont tên là Thiện Trí để niệm ân và để biểu tỏ lòng biết ơn của những Thầy cô trong phái đoàn Hoằng Pháp trong mấy năm qua.

Về San Jose trong hơn 3 năm trước, Thiện Trí đã đón Phái đoàn về Fremont để giảng pháp tại Niệm Phật Đường này. Đây là một hãng lớn chuyên tiện sắt, thép cho công nghệ cao. Anh đã cúng một phần ba hãng này để làm Chùa. Thiện Trí có tất cả 4 hãng như vậy và mỗi tháng phần tứ sự cúng dường cho Chư Tăng trụ xứ tại đây, Thiện Trí đều chu cấp. Tôi đã gặp rất nhiều người giàu có trong suốt hơn 60 năm qua trong cuộc sống của mình, nhưng tôi chưa bao giờ thấy người nào giàu có như Thiện Trí cả về vật chất lẫn đạo tâm. Người Phật Tử trung niên này tuổi chưa tới 50, đã có hơn 30 năm ở Mỹ lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, nhưng nay thì cái gì cũng muốn bỏ, kể cả vợ con và hàng triệu triệu Mỹ kim. Anh ta bảo rằng, cái gì đối với anh ta trong hiện tại cũng đều chán ngán! Chỉ có con đường tu giải thoát mới giúp anh ta thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Đó là chân lý của đạo Phật, nhưng sống trong đời thường, đây không phải là điều dễ xử lý và đối xử như thế nào để thuận đời, hợp đạo không phải là chuyện đơn giản. Tôi hy vọng người đệ tử tại gia tài ba này, dưới mình có hàng trăm nhân viên làm việc hiểu và hành xử đúng với cương vị là một Giám đốc của mình.

Phái đoàn Hoằng Pháp 2012 này đã thọ nhận sự cúng dường của Thiện Trí nhiều vật có ý nghĩa và quý Thầy sẽ lấy đó làm hành trang cho sự hành đạo của mình. Vì lợi danh, tiền tài, sắc đẹp chỉ mang đến cho con người nhiều khổ đau, ít hạnh phúc, chỉ có con đường hướng thượng của tâm linh mới là điều đáng nói mà thôi.

Tôi kết chương này với 20 trang viết tay vào ngày 17 tháng 4 năm 2012 tại Chùa Trúc Lâm, Thành Phố Houston, Texas, không phải để khoe khoang hay để bày tỏ nỗi niềm tâm sự của mình cho mọi người biết, mà chủ yếu là ghi lại những điều cần ghi, cần nhớ để một mai đây khi lớn tuổi rồi không còn khả năng viết lại những điều này nữa thì quả thật là điều đáng tiếc vô cùng.

Tôi xin vinh danh mọi người, kể cả người xuất gia và tại gia, kể cả tu sĩ lẫn cư sĩ. Tôi không ngần ngại để nói lên sự thật trong chương này cũng như chương kế tiếp và hy vọng rằng độc giả sẽ hiểu cho điều ấy!

Mong được như vậy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 17 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật giáo và Con người


Sống đẹp giữa dòng đời


Rộng mở tâm hồn


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.46.139 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...