Giọng đọc: Trường Tân
Hãy cùng xem xét hai ví dụ: Một đứa trẻ mẹ dọa rằng ớt cay, trẻ sợ trái ớt, thấy ớt là sợ không dám ăn – ở đây buông do sợ. Đứa trẻ khác ăn ớt một lần, nó kinh nghiệm vị cay kinh khủng, lần sau sẽ không dám ăn ớt. Buông bỏ của đứa trẻ thứ hai là hoàn toàn tự nhiên.
Có sự khác biệt lớn giữa sự buông bỏ với sự bàng quan. Bàng quan là không quan tâm, không quan tâm tức là không lưu tâm. Nếu ta không lưu tâm tới một việc cần phải phải lưu tâm thì đó là một sự bàng quan.
Trong việc buông bỏ thì trạng thái tâm cần phải là thiện tâm. Tâm thiện có hai loại: tâm thiện hợp trí và tâm thiện ly trí. Buông bỏ cần phải có yếu tố hiểu biết (trí tuệ) nếu không rất dễ lầm tưởng vì trạng thái của nó giống như sự bàng quan, là không quan tâm đến người khác. Như vậy nói buông bỏ phải có thiện tâm (không có tham, sân).
Chúng ta sẽ đề cập đến các trạng thái tâm thiện hợp trí hay tâm thiện ly trí. Như vậy sự buông bỏ cần trau dồi là sự buông bỏ có trí tuệ vì giữa các trạng thái, làn ranh của nó rất mờ nhạt. Ví dụ giữa tâm từ và luyến ái, người mẹ yêu con nhưng tình yêu đó có phải là tâm từ hay không? Nếu con mình bị bệnh thì ắt hẳn ta sẽ rất thương xót so với con hàng xóm bị bệnh, con mình bệnh thì trạng thái tâm hoàn toàn khác hẳn. Đó là trạng thái luyến ái chứ không phải tâm từ. Cũng vậy, nếu ta không phân biệt rạch ròi thì buông bỏ có khi là đội lốt (đeo mặt nạ) của trạng thái bàng quan.
Mục tiêu của hành thiền là xác lập Chánh Kiến. Ta đang bị chi phối bởi màn vô minh, nên muốn có Chánh Kiến ta phải bắt đầu từ sự hiểu biết đúng đắn ngay từ lúc ban đầu thông qua việc tham khảo kinh sách, nghe giảng pháp …. đó là nguồn thông tin đúng (Văn tuệ). Nếu có văn tuệ ta mới áp dụng các thông tin đó vào việc thực hành (Tư tuệ), qua đó chúng ta mới đạt được sự hiểu biết thực sự tạm gọi là của mình thông qua kinh nghiệm trực nhận của chúng ta - Đó là Tu tuệ.
Nếu không bắt đầu từ văn tuệ thì không thể nào có được Tu tuệ. Học Phật thì cũng giống như người ghép tranh, ghép những miếng nhỏ lại thành bức tranh toàn cảnh, nếu chúng ta có được nhiều miếng ghép thì sẽ có được bức tranh tổng thể cũng như từ những kiến thức thực hành nhỏ, vụn vặt dần dà ta sẽ có bức tranh Pháp. Nếu chỉ nhìn một góc thì sẽ là cái nhìn cục bộ so với tổng thể bức tranh.
Khi có sự hiểu biết rõ ràng ta sẽ thấy cái đúng, cái sai và tâm sẽ tự buông bỏ. Điều đó có nghĩa là khi đã thấy được trọn vẹn bức tranh thì tâm sẽ tự buông. Một cách để buông bỏ là do nhắc nhở về sự thật và cách khác nữa là do có trí tuệ nên tự động buông bỏ. Khi các yếu tố hội tụ thì tâm trí tuệ sẽ tự làm chức năng của nó, không có người buông.
Có người quán thân dễ dàng. Nhưng một số người khác thì phù hợp với quán tâm và không quan tâm nhiều đến quán thân. Điều này do căn tính mỗi người. Quán Pháp cũng vậy, cũng như quán thân, quán tâm mà thôi. Đừng nghĩ quán pháp cao hơn các pháp khác. Các hành giả dường như nghe pháp rất nhiều, nghe nhão tai để thấm vào xương thịt thì lúc bấy giờ việc thực hành sẽ dễ dàng. Vì nếu còn băn khoăn thì sẽ rất khó có sự nhuần nhuyễn trong thực hành.
Công việc hành thiền liên quan tới tâm chứ không liên quan tới thân. Ta phải duy trì sự quan sát liên tục, do đó liên quan tới hoạt động của tâm. Yếu tố quan trọng trong việc quan sát này là Chánh Niệm, chức năng của nó là không quên đối tượng. Nếu Chánh Niệm thì đối tượng của nó là bên trong thân tâm, không phải bên ngoài. Nhưng nếu đối tượng bên ngoài thì đó không được coi là Chánh Niệm.
Vậy đối tượng nào là đối tượng đúng? Chỉ có danh và sắc.
Một đặc tính nữa của Chánh Niệm là không hời hợt mà bám sâu vào đối tượng giống như người ta ném viên sỏi xuống hồ, nó chìm sâu vào lòng hồ.
Chánh Niệm cũng vậy, nó bám sâu vào đối tượng. Đối tượng danh sắc luôn luôn có tính sinh diệt. Đối tượng ngoài danh sắc không có tính sinh diệt.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua thuật ngữ Vipassana (Thiền Minh Sát). Tiền tố Vi là quan sát khác với thông thường, passana là quan sát hay quán chiếu. Thế nào là quan sát khác với thông thường? Đó là quan sát các tiến trình danh sắc dưới góc nhìn Tam tướng.
Chánh Niệm ở đây là không quên đối tượng, luôn nhắc nhở quay trở về thân tâm, đó chính là sự nhiệt tâm. Giống như ta đun nước không được mở nắp liên tục, nếu không nước sẽ lâu sôi.
Hành thiền là đi ngược lại với thói quen thông thường. Ta có thói quen phóng ra bên ngoài, thói quen ngủ nghỉ …. Bây giờ ta tập buông bỏ các thói quen cũ và thiết lập thói quen mới. Nghiệp là thói quen. Với Chánh Niệm ta tạo ra thiện nghiệp. Chánh Niệm có mặt là có thiện tâm. Thiện tâm sinh khởi tạo ra thiện nghiệp. Sở dĩ có hiểu biết sai lầm là do không có Chánh Niệm, chưa thực hành đến nơi đến chốn Chánh Niệm.
Chánh Niệm bao gồm chánh là đúng đắn, niệm là sự ghi nhận quan sát. Chỉ có niệm thôi thì chưa đủ, phải có tỉnh thức hay đó chính là tuệ. Niệm phải đi đôi với tỉnh thức thì mới gọi là Chánh Niệm. Đức Phật dạy Bát Chánh Đạo, yếu tố Chánh Kiến được đặt lên hàng đầu, nếu không có Chánh Kiến những yếu tố đi sau sẽ là tà. Sự định hướng đúng đắn được ví như để cây kim vuông góc với tờ giấy sẽ dễ dàng đâm thủng tờ giấy với một lực vừa phải. Do vậy xác định đúng hướng rất quan trọng.
Khi đã nói tới Chánh Niệm thì ở đó phải có yếu tố của tỉnh thức, hiểu biết, tuệ. Nếu không thì đó chỉ là sự ghi nhận đơn thuần. Chức năng của tuệ là khi sinh khởi sẽ diệt trừ phiền não. Sự hiểu biết rõ ràng đi kèm với Chánh Niệm. Mục tiêu chúng ta là giúp có được Chánh Kiến (tuệ). Tuệ tượng trưng cho ánh sáng, nơi nào có ánh sáng thì nơi đó không có bóng tối.
Không cần phải xua tan bóng tối đi mà chỉ cần có được ánh sáng, bóng tối sẽ tự động bị đẩy lui. Ánh sáng và bóng tối không thể tồn tại cùng nhau. Nước và dầu không thể hòa hợp cùng nhau trong khi nước với sữa thì hòa chung được. Các yếu tố đối nghịch về bản chất sẽ đẩy nhau, còn các yếu tố có cùng bản chất sẽ hỗ trợ, hòa hợp nhau.
Đức Phật giải thích rất cụ thể trong bài kinh Tứ Niệm Xứ, ví dụ trong phần quán thân Phật nói về các oai nghi chính và các tiểu oai nghi. Theo chỉ dẫn của Đức Phật để thực hành, vừa học, vừa tìm hiểu, ta sẽ có niềm tin vào Giáo Pháp, vào khả năng thực hành, thiếu niềm tin sẽ không có đủ năng lực để đi theo con đường đã chọn.
Chúng ta nên biết những gì cần biết. Vô minh là không biết những điều cần biết. Muốn thoát khỏi vô mình ta cần biết những điều cần biết, cần biết những thông tin đúng hỗ trợ cho việc thực hành.