Diễn văn khai mạc
Nguyện cho sứ mệnh Dhamma của Sayagyi được thành tựu
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa
Những con cái Dhamma, anh chị em Dhamma thân mến của tôi,
Chúng ta tề tựu chiều nay tại thánh địa này để tỏ lòng biết ơn và lòng thành tín đối Sayagyi (Đại thiền sư cư sĩ) U Ba Khin. Nhiều người đến từ những nơi xa xôi, từ khoảng ba mươi nước. Chúng ta rất may mắn được có mặt ở đây trong quốc gia Dhamma, nơi đã bảo tồn cả pariyatti (pháp học) lẫn patipatti (pháp hành) trong tình trạng tinh khiết ban sơ. Đây là một cuộc hành hương về vùng thánh địa.
Trước hết, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và lòng thành tín sâu đậm đối Đức Phật Gotama là vị Sammasambuddha (Phật toàn giác: Giác ngộ tự mình tìm ra con đường giải thoát và giảng dạy cho chúng sinh). Khi còn là một tu sĩ tên là Sumedha Brahmin ngài đã được tiếp xúc với vị Sammasambudha tên là Dipankara của thời đó, và ngài có đủ paramis để trở thành một A La Hán một cách dễ dàng nếu thụ nhận phương pháp Vipassana. Ngài đã có sự giác ngộ trong tầm tay, tuy vậy ngài hy sinh, nói rằng, “Con không màng đến sự giải thoát cho riêng con. Con muốn trở thành một vị Sammasambudha như Ngài để con có thể giúp cho vô số người thoát khỏi khổ đau.”Ngài hiểu rằng để trở thành một vị Sammasmbudha phải cần tới vô lượng eons (khoảng thời gian dài vô tận), và sẽ tiếp tục bị khổ sở trong lúc tích tụ paramis. Một sự hy sinh to lớn biết bao! Lòng trắc ẩn to lớn biết bao! Nếu vào thời đó ngài trở thành một vị A La Hán, hay sau đó trở thành giai đoạn của vị Pacceka Budha (Phật độc giác, không thể giảng dạy cho người khác), thì làm sao chúng ta có thể nhận được Dhamma tuyệt vời này?
Sau khi đã trở thành một vị Sammasambudha ngài dùng bốn mươi lăm năm còn lại trong cuộc đời để phục vụ người khác với lòng từ ái và trắc ẩn. Những vị A La Hán do ngài huấn luyện cũng bắt đầu phục vụ với vô lượng trắc ẩn khắp trong nước và ở ngoại quốc. Sau đó từ thầy tới trò, giòng sông Hằng Dhamma không ngừng tuôn chảy trong sự tinh khiết tinh nguyên. Chúng ta cảm thấy rất biết ơn đối với tất cả những vị thánh nhân đã duy trì phương pháp, và bày tỏ lòng thành tín đối với các Ngài.
Bất hạnh cho Ấn Độ, Dhamma tinh khiết đã mai một ở đây chỉ trong vòng năm trăm năm. Nếu trước đó Dhamma không được gởi ra nước ngoài thì Dhamma đã hoàn toàn biến mất. Chúng ta biết ơn Miến Điện, mảnh đất mỹ miều này, thời đó được gọi là Suvannabhumi (mảnh đất hoàng kim), càng tuyệt vời hơn khi Dhamma đến đây.
Chúng ta cảm ơn hai anh em người Miến tên là Tapassu và Bhalluka là hai cư sĩ đầu tiên hiến dâng thức ăn cho Đức Phật sau khi ngài giác ngộ. Họ thỉnh cầu vài sợi tóc trên đầu bậc Giác Ngộ và mang về quốc gia này. Những sợi tóc này được thờ phượng tại Shwedagon Pagoda (tháp) lịch sử.
Sự rung động của tháp Shwedagon rất tuyệt vời, với xá lợi của bậc Giác Ngộ ở bên trong, giúp ích không những chỉ cho nước này mà còn cho toàn thể nhân loại. Những người tỏ lòng tôn kính tại đó bằng cách dâng cúng hoa quả v.v… hưởng được lợi lạc từ những rung động này và có sự hứng khởi để tiếp tục đi trên con đường Dhamma và nhận được công đức bởi sự thành tín của họ; những người hành thiền tại đó nhận được vô lượng công đức. Bây giờ hằng trăm người các con trong chuyến hành hương về mảnh đất thiêng liêng này sẽ hành thiền trên nền của Tháp Shwedagon và chứng nghiệm được thánh địa này tuyệt vời như thế nào.
Hôm nay chúng cảm thấy biết ơn đối với hai vị Tapassu và Bhalluka là người đã mang xá lợi về nước này. Sau đó hai vị này trở lại Ấn Độ, học được Dhamma từ Đức Phật và cũng mang Dhamma về nước này.
Sau đó chúng ta nhớ đến vị A La Hán Gavampati đã tới nước này chỉ bảy năm sau khi Bậc Giác Ngộ nhập parinibbana (Đại Niết bàn) để gặp vua Siiha (hay là Singharaja). Nhà vua này trị vì toàn thể vương quốc Suvanabhumi, thời đó không chỉ gồm có Miến Điện ngày nay mà còn gồm hầu hết Thái Lan, toàn thể bán đảo Mãi Lai ngay cả Singapore. Tuy nhiên chúng nhớ tới vua Singharaja không phải vì quyền lực chính trị nhưng vì, với sự hỗ trợ của A La Hán Gavampati, nhà vua đã truyền bá Dhamma khắp vương quốc của Ngài.
Vài trăm năm sau, Đại Đế Asoka được cảm hứng từ sư phụ là A La hán Mogalipussa quyết định gởi những Dhamma Duta (sứ giả Dhamma) tới những quốc gia bên ngoài Ấn Độ. Hai vị A La Hán tên là Sona và Uttara đã đến đây. Bài giảng đầu tiên mà hai vị giảng là Brahmajala Sutta, và đây không phải là bài giảng bình thường. Từ đó chúng ta có thể biết một cách rõ ràng là giáo huấn của Đức Phật đã hiện diện tại phần này của thế giới, mặc dù dân chúng không hiểu một cách thấu đáo. Bài giảng tuyệt vời này được giảng để giúp họ củng cố trong Dhamma. Bài giảng chỉ rõ nhiều quan điểm lệch lạc, có thể là quan điểm của người địa phương. Bài giảng làm sáng tỏ không những về pariyatti (pháp học) mà còn về patipatti (pháp hành). Bài giảng nói là mọi niềm tin triết lý được tạo ra và chỉ giới hạn trong lãnh vực của tâm và thân. Trong khi Vipasana đưa ta ra ngoài lãnh vực tâm và thân đến giai đoạn nơi không còn vedana (cảm giác) do đó không còn tanha (thèm khát). Hai vị A La Hán Sona và Uttara củng cố trong cả pariyatti lẫn patipatti tại phần này của thế giới. Do đó chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu xa tới hai vị này.
Chúng ta không có tên của tất cả những thiền sư đã giảng dạy ở đây sau thời của hai vị Sona và Uttara. Nhưng có một tên sáng chói trước chúng ta; A La Hán Dhammadassi, được mọi người biết đến bằng tên A La Hán Ashin sống cách đây tám trăm năm. Trước khi hội đủ tất cả những abhinnas (năng khiếu đặc biệt), ngài thấy được sự nguy hiểm tại miền bắc của nước này là Dhamma sẽ suy đồi. Những thiền sư ở đó được gọi là Ari, ngụ ý họ là những ariya hay thánh nhân. Nhưng thật ra họ là ari (kẻ thù) của Dhamma bởi vì họ đã làn hư hỏng sự tinh khiết của Dhamma. Thêm vào đó một vị vua đầy quyền lực ở miền bắc tên là Anarata (hay là Anuruddha) trong khi ở miền nam có nhà vua yếu đuối tên là Manohari (hay là Manua). Vì nhà vua đầy quyền lực là người chống báng Dhamma nên có khả năng tiêu diệt Dhamma ở Miến Điện.
Để bảo tồn Dhamma trong tình trạng tinh khiết ban sơ, ngài Dhammadassi đi lên miền bắc Miến Điện, nơi ngài có thể thuyết phục vua Anoraka về sự quan trọng của sự bảo tồn toàn thể giáo huấn trong Tipitakas (Tam tạng kinh điển) trong sự tinh khiết ban sơ, cả pariyatti lẫn patipatti. Để bảo tồn, Tipitakas được mang về Pagan, thời bấy giờ gọi là Arimattanapura, có nghĩa là thành phố nơi kẻ thù bị tiêu diệt. Vì vậy chúng ta tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với vị A La Hán Dhammadassi.
Ngài Dhammadassi sống nhiều năm tại nơi này để bảo đảm là Dhamma được củng cố ở đó. Sau đó người ta nói là ngài đi lên miền bắc và sống ở Sagaing Hills. Không những chỉ sống ở đó mà ngài con dạy cho nhiều người muốn học phần patipatti của Dhamma.
Sau thời gian này chúng ta không có tên của những thiền sư, nhưng từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thầy tới trò, Dhamma tại đó được duy trì trong sự tinh khiết ban sơ.
Một trăm năm chục năm trước, một thiền sư thông thái cả về pariyatti lẫn patipatti tên là Ledi Sayadaw (Đại thiền sư tu sĩ) giảng dạy. Chúng ta có lòng biết ơn vô hạn đối với vị sư thấy xa hiểu rộng này. Ngài có thể thấy được rằng, hai ngàn năm trăm năm sau thời của Đức Phật, thời sasana (thịnh pháp) lần thứ hai sẽ bắt đầu và Dhamma sẽ được truyền bá khắp thế giới và ngài đã chuẩn bị cho sự kiện này.
Ngài biết rằng hầu hết ở mọi nơi trên thế giới, người ta không tôn kính Đức Phật bởi vì họ không biết gì về ngài hay giáo huấn của ngài. Do đó ngài tự hỏi làm sao để truyền bá Dhamma trong sự tinh khiết ban sơ. Tại những quốc gia mà dân chúng tôn kính Đức Phật, những vị sư có thể giảng dạy. Nhưng ở những nơi tu sĩ không được chấp nhận, ngài quyết định là cư sĩ có thể giảng dạy. Cho tới thời kỳ này, sự giảng dạy Dhamma, đặc biệt là patipatti, chỉ giới hạn cho giới tu sĩ. Ngài mở cổng cho cư sĩ học phương pháp này, được củng cố và phục vụ người khác, một quyết định lịch sử và hữu hiệu.
Ngài huấn luyện một thiền sư cư sĩ tuyệt vời tên là Saya Thetgyi. Chúng ta nhớ đến ngài và tôn kính ngài. Ngài là tấm gương sáng ngời cho thấy một thiền sư sĩ phải sống và phục vụ người khác với tình thương và lòng trắc ẩn như thế nào. Mặc dù bề ngoài ngài là một người có gia đình, ngài sống một cuộc sống thanh tịnh của một tu sĩ. Nhiều thế hệ mai sau sẽ được hứng khởi nhờ học hỏi ngài. Chúng ta có lòng biết ơn sâu xa đối với ngài Saya Thetygi.
Rồi đến một vì sao sáng chói trong dải ngân hà Dhamma: ngài Sayagyi U Ba Khin, người cha Dhamma của thầy. Ngài có nhiều tình thương và lòng trắc ẩn đối với toàn thể nhân loại đang đau khổ và có nguyện vọng lớn lao để Dhamma được truyền bá khắp thế giới để phục vụ mọi người. Ngài rất muốn tự mình đi Ấn Độ nhưng vì lý do đặc biệt ngài không thể đi. Rồi một tình huống xảy ra, cho dù thầy là một công dân Miến Điện, thầy nhận được hộ chiếu đi Ấn Độ. Ngài rất hài lòng và nói, “Bây giờ con đại diện ta để đi và con sẽ hoàn tất viễn ảnh, sứ mệnh, và ước nguyện của ta.”
Thầy ngần ngại bởi vì thầy biết sự hạn hẹp của mình và hỏi, “Làm sao con có thể thành công trong việc giảng dạy Dhamma trong một quốc gia, nơi người ta hiểu sai lầm sâu đậm về Đức Phật và giáo huấn của ngài.”
Nhưng ngài khuyến khích thầy nói rằng, “Con không có gì phải lo âu bởi vì Dhamma đi tới đó, và qua con ta cũng đi tới đó. Con sẽ thành công, con không nên lo lắng.”
Khi thầy đi, tất cả đều là đen tối trước mặt. Thầy thắc mắc, “Làm sao người ta có đủ tin tưởng để học mười ngày với mình? Ai sẽ tổ chức những khóa thiền?”
Nhưng với sự chúc lành của Sayagyi U Ba Khin, khóa thiền đầu tiên được tổ chức trong vòng một tháng sau khi thầy tới Ấn. Và rồi dòng sông Hằng Dhamma bắt đầu tuôn chảy khắp nước. Thật không thể tin được!
Hằng ngàn người từ khắp nơi tới Ấn Độ vào thời đó, vì lý do này hay lý do khác, họ bắt đầu tham dự khóa thiền. Ngược lại, những thiền sinh này nài nỉ thầy viếng thăm nước họ để giảng dạy Dhamma. Họ giải thích, bởi vì nhiều bạn bè, bà con cần tới Dhamma nhưng họ không thể tới Ấn để tham dự khóa thiền. Nhưng thầy đànhh bó tay vì hộ chiếu của thầy chỉ có giá trị cho mỗi nước Ấn. Thầy nhớ Sayagyi và ước nguyện của ngài là Dhamma phải được truyền bá khắp thế giới. và thầy nguyện adhitthana (quyết tâm) là trong vòng mười năm sau khi Thầy tới Ấn, một là thầy nhận được phép của Miến Điện, quê hương thầy, để được ra nước ngoài, hay là thầy phải lấy quốc tịch Ấn để có thể dạy Dhamma ở ngoại quốc.
Hạn cuối của mười năm ngày càng gần mà chính phủ Miến vẫn không chấp thuận. Nhưng thầy vẫn đợi. Cuối cùng khi đến gần ngày cuối, thầy xin nhập quốc tịch Ấn. Mặc dù thầy biết rằng cần rất nhiều thời gian để được nhập tịch, và còn lâu hơn nữa để có được hộ chiếu mới. Dhamma công hiệu như thế nào! Ba ngày trước khi hạn chót của mười năm chấm dứt, thầy nhận được quốc tịch Ấn và hộ chiếu được giao cho thầy đúng mười năm sau ngày thầy tới Ấn!
Kể từ khóa đầu tiên mà thầy hướng dẫn, bất cứ nơi đâu thầy dạy Anapana hay Vipassana, thầy bắt đầu khóa thiền bằng cách cung kính vị sammasambuddha, và rồi thầy nói:
Guruvana, tert ora se,
Deun dharama ka dana
Thưa thầy, thay mặt thầy, con trao tặng món quà Dhamma.
Con là người đại diện cho thầy.
Khi người ta chúc mừng thầy về việc truyền bá Dhamma khắp thế giới, thầy cảm thấy rất ngượng ngùng: Người ta không nên có ý nghĩ sai lầm và cho rằng thầy trao tặng Dhamma. Không đâu, sư phụ của thầy đang trao tặng Dhamma cho thế giới, Thầy chỉ là người đại diện cho ngài. Cảm nghĩ này sẽ ngăn chặn ngã mạn phát sinh.
Thầy yêu cầu tất cả những người mà thầy huấn luyện thành thiền sư có cùng một cảm nghĩ này khi nào họ giảng dạy Dhamma. Dhamma là do Sayagyi trao tặng, tất cả các con chỉ giản dị là người đại diện của ngài.
Bởi vậy, trong ngày này, khi chúng ta tề tựu để tỏ lòng tôn kính đối với ngài U Ba Khin, vị vĩ nhân cư sĩ, người cha Dhamma của chúng ta, hãy để chúng ta tăng cường quyết tâm tiếp tục phục vụ cho sứ mệnh của ngài để cho những người đau khổ khắp thế giới hưởng được lợi lạc từ giáo huấn mà ngài đã nhận được từ Đức Phật Gotama.
Đường lối duy nhất để tỏ lòng tôn kính đối với ngài Sayagyi U Ba Khin là sống một cuộc sống Dhamma tinh khiết và là gương sáng cho người khác. Hãy không ngừng phục vụ một cách vô ngã, luôn nghĩ là, “Tôi là một người đại diện cho ngài Sayagyi U Ba Khin.”
Nguyện cho viễn ảnh Dhamma, sứ mệnh Dhamma của vị thiền sư vĩ đại U Ba Khin được hoàn tất. Nguyện cho càng ngày càng có nhiều người khắp thế giới hưởng được lợi lạc từ Dhamma tuyệt vời này. Nguyện cho tất cả thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho tất cả được bình yên, được giải thoát.
Bhavattu sabba mangalam