CHƯƠNG BA MƯƠI MỐTCÔNG ĐỨC CHÂN THẬTTrí huệ bồ-tát rộng sâu như biển, sự giác ngộ cao hơn đỉnh Tu-di. Tự thân chiếu sáng hơn cả nhật nguyệt. Tâm trong sáng sạch cũng như núi tuyết. Nhẫn nhục như đất, tất cả bình đẳng. Trong sạch như nước, tẩy rửa bụi dơ; rực sáng như lửa, đốt củi phiền não; không dính như gió chẳng bị chướng ngại. Tiếng pháp rền vang, độ người mê muội; mưa pháp cam lồ, thấm mát chúng sanh, lòng từ bình đẳng, rộng như hư không. Sạch đẹp như sen, không hề ô nhiễm; như cây ni-câu che mát khắp cả; như chày kim cang đập nát tà chấp; như núi Thiết Vi, chúng ma ngoại đạo không thể lay động. Tâm họ ngay thẳng, quyết định khéo léo, bàn luận chánh pháp không hề nhàm chán, cầu pháp không mỏi, giới như lưu ly trong ngoài sáng sạch. Các bồ-tát đó có nói điều gì cũng khiến đại chúng vui vẻ tuân phục. Đánh trống pháp lớn, dựng cao cờ pháp, các ngài rực sáng mặt trời trí huệ chiếu phá tối ngu. Trong sạch ôn hòa, thiền định minh sát, làm bậc đạo sư điều phục mình người, dẫn dắt chúng sanh bỏ các ái trước, xa lìa ba cấu25, du hí thần thông, nhờ nơi nguyện lực sanh ra căn lành, hàng phục quân ma. Kính thờ chư Phật, làm ngọn đèn sáng, phước điền tối thượng, kiết tường thù thắng cho các chúng sanh, kham nhận cúng dường hiên ngang vui vẻ, dũng mãnh không sợ. Tướng quý vẻ đẹp, công đức biện tài của các bồ-tát trang nghiêm đầy đủ không ai sánh bằng. Các bồ-tát này thường được Phật khen đạt được rốt ráo các ba-la-mật, mà thường an trụ nơi tam-ma-địa26, chẳng sanh chẳng diệt, đi khắp đạo tràng xa cảnh nhị thừa.
Lại này A-nan! Nay ta nói lược công đức chân thật của các bồ-tát ở nước Cực Lạc. Nếu nói rộng ra, thì dù trải qua trăm ngàn vạn kiếp cũng không thể hết.
CHƯƠNG BA MƯƠI HAITUỔI THỌ VÀ SỰ AN LẠC VÔ CÙNGBấy giờ Phật bảo bồ-tát Di-lặc, cùng hàng trời người:
- Trí huệ công đức của hàng thanh văn và chư bồ-tát ở nước Cực Lạc của Phật Di-đà không thể nói hết. Nước đó nhiệm mầu an lạc vi diệu, thanh tịnh như thế. Tại sao chúng sanh ở cõi nước này không gắng tu thiện, niệm đạo tự nhiên ra vào cúng dường, xem kinh hành đạo, vui thích tập theo trí huệ sắc bén, tâm không lui sụt, ý không giải đãi. Bên ngoài thong thả, bên trong chuyên cần, đồng với hư không, thích hợp trung đạo. Trong ngoài tương ưng, tự nhiên nghiêm chỉnh, kiểm điểm ngay ngắn, thân tâm trong sạch không còn tham ái, chí nguyện an định không tăng không giảm, cầu đạo hòa chánh không bị điên đảo. Hành theo kinh điển không dám sai sót, như cưa theo mực. Vì mến mộ đạo, tâm không vọng niệm, không có lo âu, tự nhiên vô vi, rỗng rang không chấp, đạm bạc không dục. Phát được thiện nghiệp, hết lòng mong cầu, thương xót chúng sanh, lễ hiệp với nghĩa, sự lý viên dung, vượt thoát sanh tử, tự nhiên giữ gìn chân thật trong sáng, chí nguyện vô thượng tịch định an lạc. Đến một mai kia tâm mở sáng suốt, ở tánh tự nhiên hiện tự nhiên tướng, căn bản sẵn đủ ánh sáng hồi chiếu vạn vật lung linh, biến thành tối thắng. Cõi Uất-đơn-việt27 biến thành bảy báu, ánh sáng chói ngời, lấp lánh tốt đẹp, không dính trên dưới, rỗng không giới hạn. Mỗi người siêng năng nỗ lực cầu đạo ắt được siêu việt. Sau sẽ vãng sanh qua cõi Tịnh Độ của Phật Di-đà, dứt ngang năm đường, lấp kín ba ác. Thắng đạo vô cực dễ được vãng sanh, nhưng không người cầu. Cực Lạc hằng thuận theo tánh tự nhiên, tâm chí lặng lẽ, rộng như hư không, siêng cầu đạo đức để được sống lâu, thọ mạng vô tận. Tại sao cứ mãi đắm việc thế gian vô vàn lo lắng?
CHƯƠNG BA MƯƠI BAKHUYẾN DỤ SÁCH TẤNNgười đời cùng tranh những chuyện không đâu. Ở chốn đau khổ quá cùng cực này gắng làm kiếm sống. Quý tiện nghèo giàu, lớn nhỏ nam nữ bị tâm sai sử, quá nhiều lo lắng. Không ruộng lo ruộng, không nhà lo nhà, quyến thuộc tài sản có không cũng lo; được một thiếu một, lo cho bằng người, vừa được chút ít lại càng lo hơn, lửa cháy, nước trôi, trộm cắp, kẻ thù cướp chiếm tài sản. Tâm bền chí vững chấp chặt không buông, một khi chết đi bỏ lại tất cả, chẳng mang theo được. Giàu cũng như nghèo, đau khổ lo âu có trăm ngàn mối. Người trong thế gian, cha con anh em, vợ chồng thân thuộc phải kính yêu nhau không nên ganh ghét, giúp đỡ lẫn nhau không được tham tiếc. Lời nói sắc mặt thường phải ôn hòa, không được chống trái. Nếu có xích mích, tâm sanh giận hờn thì qua đời sau chuyển thành đại oán. Thử xem việc đời càng thêm họa hại, dù chưa đến kề, mau nghĩ lìa xa. Đắm trong ái dục, sống chết một mình, đến đi riêng lẻ, khổ vui tự nhận, không ai thay cho. Hết thiện lại ác nhanh chóng đổi thay, đường đi đã khác, gặp gỡ khó mong. Lúc còn mạnh khỏe sao không cố gắng tu tập thiện nghiệp còn đợi lúc nào?
Người đời thiện ác không tự thấy được, cát hung họa phước tranh nhau gây tạo, thân ngu tâm tối chạy theo đạo tà, càng thêm điên đảo, căn bản vô thường, mênh mông mờ mịt. Không tin kinh pháp, tâm chẳng lo xa, chỉ thích hưởng thụ, mê muội sân giận, tham đắm sắc tài không hề thôi dứt. Than ôi, đáng thương! Người trước hung ác không biết đạo đức, không ai nói cho, lún sâu đường khổ, đâu có lạ gì! Con đường sanh tử, lý lẽ thiện ác, họ không chịu tin, cho là không có. Hãy tự nhìn nhau rồi tự khắc biết, hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em vợ chồng, thương khóc lẫn nhau. Kẻ chết người sống quyến luyến lẫn nhau, ân ái buộc ràng không mong giải thoát. Lún sâu ân huệ, tham đắm dục tình. Không biết nghĩ suy chuyên tâm hành đạo, đến khi mạng hết thì biết làm sao! Người lầm đạo nhiều, người hiểu đạo ít. Mỗi người như thế ôm lòng độc hại, ác khí mịt mù, làm việc càn quấy, chống trái đất trời, tha hồ tạo tội, tổn giảm thọ mạng. Sau khi chết rồi, đọa ba đường ác không mong thoát khỏi. Các ông phải nên suy nghĩ chín chắn, bỏ các việc ác làm các việc thiện, siêng năng hành đạo. Ái dục vinh hoa không thể mãi còn, đều phải lánh xa không đáng ham thích. Phải siêng tinh tấn nguyện sanh Cực Lạc, trí huệ sáng suốt, công đức thù thắng, chớ theo ý mình chê bai kinh luật, phải chịu sau người.
CHƯƠNG BA MƯƠI BỐNTÂM ĐƯỢC KHAI MỞ, SÁNG SUỐTDi-lặc bạch Phật:
- Lời Phật dạy bảo rất sâu rất thiện, chúng con đều nhờ từ ân của Ngài giải thoát ưu khổ. Phật là vua pháp, là thánh của thánh, ánh sáng chiếu khắp, là Thầy trời người. Chúng con gặp Phật, nghe được danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, thảy đều vui mừng, tâm được mở tỏ.
Phật bảo Di-lặc:
- Tôn kính đức Phật là việc lành lớn, phải nên niệm Phật dứt các hồ nghi, bỏ các ái dục, lấp các nguồn ác, dạo chơi ba cõi không bị chướng ngại, chỉ dạy chánh đạo, độ người chưa độ. Các ông nên biết chúng sanh mười phương nhiều kiếp đến nay xoay chuyển năm đường khổ lo không dứt. Lúc sanh đã khổ, đến già cũng khổ, bệnh càng khổ nhiều, chết lại khổ hơn. Thân người hôi dơ, không gì đáng ưa. Phải nên quyết định rửa sạch tâm dơ, nói làm trung tín, trong ngoài hợp nhau. Người phải tự độ rồi mới độ người, chí tâm cầu nguyện, tích lũy căn lành. Tuy nói một đời tinh tấn khổ tu, nhưng chỉ thoáng chốc, sau được sanh về cõi nước Tịnh Độ an lạc vô cùng, vĩnh viễn nhổ được gốc khổ sanh tử, không còn khổ đau, sống trăm ngàn kiếp tự tại tùy ý. Các người phải nên tinh tấn nguyện cầu, chớ có nghi ngờ, tự chuốc tội lỗi. Những người nghi ấy sau sẽ sanh về trong thành bảy báu, biên địa nước kia, trong năm trăm năm chịu các khổ ách.
Di-lặc bạch rằng:
- Con xin vâng theo lời dạy của Phật, siêng năng tu hành không dám nghi ngờ.
CHƯƠNG BA MƯƠI LĂMCUỘC ĐỜI DƠ NHỚP, NHIỀU THỨ KHỔ ÁCPhật bảo Di-lặc:
- Các ông có thể ở cõi nước này, tâm ý đoan chánh, không làm điều ác, công đức thật lớn. Vì sao như thế? Vì các cõi nước của Phật mười phương việc thiện thì nhiều, việc ác thì ít, chúng sanh dễ bảo. Còn thế giới này có năm điều ác rất là thống khổ. Ta nay thành Phật ở tại cõi đây, cốt dạy chúng sanh khiến bỏ năm ác, trừ năm điều khổ, khỏi năm nóng bức, hàng phục tâm ý, khiến giữ năm thiện để được phước đức. Năm ác là gì?
- Một là các loài chúng sanh thế gian thích làm điều ác, kẻ mạnh hiếp yếu, trở thành thù nghịch, cố tâm tàn sát, ăn nuốt lẫn nhau, không biết làm thiện. Đời sau phải chịu mọi thứ hình phạt. Có kẻ nghèo cùng ăn xin cô độc, đui điếc câm ngọng, si ác điên cuồng đều do đời trước không tin đạo đức, không chịu làm thiện. Có người lại được tôn quý giàu sang hiền minh trưởng giả, trí dũng tài cao là do đời trước từ hiếu tu thiện, tích đức mà thành. Ở trên thế gian đầy dẫy việc này. Sau khi chết rồi, những chúng sanh đó lại rơi vào cõi tối tăm tái sanh, thay hình đổi dạng, hoặc vào địa ngục, hay loài súc sanh, côn trùng nhỏ nhít. Thí như thế gian pháp luật hình phạt lao ngục khổ sở. Thần hồn tội nhân tùy tội sanh về, tuổi thọ dài ngắn theo nhau cùng sanh, đền trả lẫn nhau. Tội ác chưa hết thì không rời được. Xoay vần trong đó nhiều kiếp khó tránh, khó được giải thoát, đau khổ khôn cùng. Giữa khoảng trời đất có việc như thế, báo ứng thiện ác tuy không tức thời, nhưng không hề mất, khi đến thời kỳ phải nhận quả báo.
- Hai là nhân dân ở trong thế gian không thuận luật pháp, xa xỉ dâm dục, kiêu mạn phóng túng. Trên không sáng suốt, lại không ngay thẳng, hại người oan uổng, giết kẻ trung lương, tâm miệng trái nhau, dối trá đa đoan, trong ngoài trên dưới, khinh khi không chừa. Sân hận ngu si, tham lợi riêng mình, giàu có tài sản, lợi hại hơn thua, kết thành thù oán, phá nhà mất thân, không nghĩ trước sau. Giàu thì keo kiệt, không muốn bố thí, vì tham quá nặng, tâm nhọc thân khổ, nhưng đến cuối đời chẳng đem được gì. Họa phước thiện ác theo cùng mạng sống, hoặc ở chỗ sướng, hoặc vào biển khổ. Họ thấy người thiện, ganh ghét phỉ báng, không chịu hâm mộ. Thường có tâm trộm muốn lấy của người để nuôi sống mình, tiêu hết lấy tiếp. Khi chết thần thức đọa vào cõi ác, nên có địa ngục, ngạ quỷ súc sanh. Chúng sanh xoay vần nhiều kiếp trong đó, khổ não khó ra không thể nói hết.
- Ba là người đời nương nhau sống gởi, sống được bao lâu! Những người bất lương, thân tâm bất chánh, có lòng tà ác thường nhớ dâm dục, tâm đầy phiền muộn, nết tà hiển lộ, hao phí gia tài, vào việc phi pháp, những việc đáng làm lại chẳng chịu làm. Họ tụ hội lại kết thành bè đảng, đem binh đánh giết, cưỡng bức chiếm đoạt tài sản kẻ khác về nuôi vợ con, tận hưởng dục riêng, mọi người chán ghét, tìm cách làm khổ. Tội ác như thế, người quỷ đều biết, thần minh ghi chép, chết vào đường ác chịu khổ vô lượng, xoay vần trong đó nhiều kiếp khó ra, khổ không nói hết.
- Bốn là người đời không nhớ tu thiện, mà nói những lời dối trá hai lưỡi, hung ác thêu dệt, ganh ghét người thiện, làm nhục người hiền, bất hiếu mẹ cha, khinh khi thầy dạy, không tin bạn hữu, khó được thành thật. Tự tôn tự đại, khoe mình đạo đức, ỷ thế ngang tàng, khinh thường người khác, muốn người nể sợ, không biết hổ thẹn, tánh nết khó dạy, lòng đầy kiêu mạn. May nhờ đời trước tạo được phước phần trở lại hộ trì. Đời này làm ác, phước đức tiêu hết, tuổi thọ không còn, các ác bao vây. Tên tuổi của họ, thần minh ghi rõ, tội lỗi kéo lôi, không thể bỏ được. Đành phải bị đẩy vào vạc dầu sôi, thân tâm tan nát, khổ cực biết bao! Đến lúc đó rồi hối hận không kịp.
- Năm là người đời ỷ lại lười biếng, không chịu làm thiện, tu sửa thân mình. Cha mẹ dạy bảo thì chống trái lại, coi như kẻ thù, không phải cha con, vong ân bội nghĩa, không chút báo đền. Họ chỉ phóng túng, đam mê tửu sắc, gây gổ xung đột, không biết tình người, vô nghĩa vô lễ, không thể can ngăn. Nhu cầu quyến thuộc đầy đủ thiếu thốn, họ không đoái hoài, vong ân cha mẹ, bất nghĩa với thầy. Thân miệng và ý, chưa từng làm thiện, không tin kinh pháp của chư Phật dạy, không tin thiện ác nhân quả sanh tử, muốn hại bậc thánh, khuấy rối chúng tăng, ngu si tối tăm cho là trí huệ, không biết sống chết từ đầu đến đi. Họ không có lòng nhân ái hiếu thuận, mà thích sống lâu. Cố công khuyên dạy, đều bỏ ngoài tai, mỏi miệng hết lời, cũng chẳng ích gì, bởi tâm bít lấp, ý khó mở bày. Khi sắp mạng chung, vừa sợ vừa lo, trước không tu thiện, gần chết ăn năn thì sao cho kịp. Ở giữa trời đất, năm đường rõ ràng, thiện ác báo ứng, họa phước nối nhau, thân mình chịu lấy, không ai thay thế. Người hiền làm thiện, từ vui đến vui, từ sáng vào sáng. Người xấu làm ác, từ khổ đến khổ, từ tối đến tối. Không ai ngoài Phật, biết rõ lẽ này. Lời Phật dạy bảo, ít ai tin nhận, vì thế cho nên sanh tử không thôi, ác đạo không dứt. Những người như thế khó nói hết được. Do đó tự nhiên có ba cõi ác, khổ não vô lượng, xoay vần trong đó đời đời kiếp kiếp không lúc nào ra, khó thoát khỏi được, khổ không nói hết.
Những điều như thế, năm ác năm khổ, năm ngọn lửa đốt như đám lửa lớn thiêu cháy thân người. Nếu chịu tự mình nhất tâm chế ngự thân ngay ý chính, ngôn hạnh hiệp nhau, làm việc chí thành, chỉ làm điều thiện, không làm điều ác, bản thân độ thoát, được nhiều phước đức, được mạng sống lâu của cõi niết-bàn. Đó là năm điều thiện lớn trong đời.
CHƯƠNG BA MƯƠI SÁULỚP LỚP KHUYÊN DẠYPhật bảo Di-lặc:
- Ta bảo các ông về năm điều ác, năm điều thống khổ, năm lửa thiêu đốt xoay vần sanh khởi, nếu người nào phạm thì phải sa đọa vào ba đường ác. Hoặc ngay đời này, trước bị bệnh khổ muốn sống không được, muốn chết không xong. Đại chúng nên biết, người đó khi chết đọa vào tam đồ28, đau khổ sầu não, tự thiêu đốt mình. Oán thù gặp gỡ, rồi giết hại nhau, trước từ lỗi nhỏ mà thành họa lớn. Đều do tham đắm của cải sắc đẹp, chẳng chịu bố thí, chỉ muốn thỏa lòng, không kể phải quấy, bị si dục bức, tranh lợi riêng mình. Phú quý vinh hoa thỏa thích nhất thời, không chịu nhẫn nhịn, không lo tu thiện. Oai thế không lâu rồi sẽ mất hết, lưới trời giăng mở, tự nhiên hiển lộ, đau đáu kinh hoàng, lọt vào trong đó, xưa nay đều thế, đau khổ đáng thương.
Các ông được nghe lời Phật dạy bảo, phải nghĩ kỹ càng, mỗi người tự giữ, suốt đời không lười. Tôn trọng bậc thánh, kính mến người thiện, nhân từ bác ái, phải cầu giải thoát, nhổ sạch sanh tử, gốc của điều ác, thoát ba đường dữ, lo sợ thống khổ. Các ông làm thiện, điều nào bậc nhất? Phải nên tự giữ thân mũi tai mắt, miệng lưỡi thẳng ngay. Thân tâm trong sạch tương ứng với thiện, đừng theo thị dục, phạm các điều ác. Lời nói sắc mặt phải hiện ôn hòa. Thân hành phải chuyên, động tác nhìn ngó, an định thong thả, đừng có hấp tấp, sau phải ăn năn, vì không xét kỹ, mất đi công phu.
CHƯƠNG BA MƯƠI BẢYNHƯ NGƯỜI NGHÈO ĐƯỢC CỦA BÁU- Các ông hãy nên vun nhiều công đức, đừng phạm giới cấm, nhẫn nhục tinh tấn, từ bị chuyên nhất, trai giới trong sạch một ngày một đêm thì hơn ở cõi Cực Lạc làm thiện suốt một trăm năm. Tại sao như thế? Cõi nước Phật đó, tất cả dân chúng đều chứa việc thiện, không có mảy ác. Cõi này tu thiện trong mười ngày đêm, hơn ở cõi nước chư Phật phương khác làm thiện ngàn năm. Tại sao như thế? Tại vì cõi nước của chư Phật khác phước đức tự nhiên, không nơi tạo ác. Chỉ thế gian này thiện ít ác nhiều, uống đắng ăn độc chưa từng ngừng nghỉ. Ta thương các ông, khổ tâm dạy bảo, trao cho kinh pháp, các ông phải cố giữ gìn suy tư, thực hành tất cả. Nam nữ sang hèn, quyến thuộc bằng hữu phải khuyên bảo nhau, phải kiểm soát nhau, hòa thuận vui vẻ, yêu thương từ hiếu. Nếu có lỗi lầm phải tự ăn năn, bỏ ác làm thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng trì kinh luật giống như người nghèo bắt được của báu, sửa lỗi lầm cũ, đổi mới đề phòng những lỗi chưa có. Tẩy sạch tâm tư, cải đổi hành vi, tự nhiên cảm thông, nguyện ước thành tựu.
Phật đi đến đâu, thành ấp tụ lạc đều được giáo hóa, thiên hạ hòa thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió đúng mùa, tai họa đều không, dịch bệnh chẳng có, nước thịnh dân an, binh đao chẳng dùng, tôn trọng nhân đức, chuyên làm lễ nghĩa. Nước không giặc cướp, dân không oan ức, mạnh không hiếp yếu, tất cả ấm no. Ta thương các ông hơn mẹ thương con. Ta ở cõi này chứng thành Phật quả, lấy thiện dẹp ác, dứt khổ sanh tử, khiến được năm đức an ổn vô vị. Ta niết-bàn rồi, kinh đạo lần diệt, nhân dân dua nịnh, làm các việc ác thì năm điều khổ, năm ngọn lửa đốt càng nguy hơn trước. Các ông phải nên khuyên răn lẫn nhau, làm đúng pháp Phật, không được trái phạm.
Bồ-tát Di-lặc chắp tay bạch Phật:
- Người đời khổ ác, nặng nề như thế, Phật đều xót thương và độ thoát cho, chúng con xin vâng theo lời Phật dạy không dám trái phạm.
CHƯƠNG BA MƯƠI TÁMĐẢNH LỄ PHẬT, ÁNH SÁNG HIỆN RAPhật bảo A-nan:
- Các ông muốn thấy Phật Vô Lượng Thọ thanh tịnh bình đẳng, bồ-tát, la-hán và cõi nước đó, nên hướng về tây, phía mặt trời lặn cung kính đảnh lễ xưng niệm nam-mô A-di-đà Phật.
A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy quay mặt về tây, chắp tay đảnh lễ rồi bạch Phật rằng:
- Nay con nguyện được thấy nước Cực Lạc và Phật Di-đà, phụng thờ cúng dường, trồng các căn lành.
Trong lúc đảnh lễ, A-nan bỗng thấy Phật A-di-đà dung nhan thù thắng, thân tướng cao lớn, vi diệu đoan nghiêm như núi vàng ròng, vượt lên tất cả trên các thế giới. A-nan lại nghe chư Phật mười phương xưng dương tán thán đức Phật Di-đà có nhiều công đức.
A-nan bạch rằng:
- Thế giới trong sạch của đức Phật đó thật chưa từng có. Con nguyện vãng sanh vào cõi nước ấy.
Đức Phật bảo rằng:
- Người sanh nước đó đã từng gần gũi vô lượng chư Phật, trồng các công đức. Ông muốn sanh về thì phải nhất tâm quy y chiêm ngưỡng.
Lúc đức Thế Tôn nói lời đó rồi, Phật A-di-đà liền từ bàn tay phóng ra vô lượng ánh sáng, chiếu soi khắp các cõi nước. Ngay lúc bấy giờ, các nước chư Phật cũng đều hiện rõ như trong một tầm. Do nhờ ánh sáng của Phật Di-đà thù thắng trong sạch, nên cõi này các núi lớn nhỏ Hắc Sơn, Tuyết sơn, Kim Cang, Thiết Vi... sông ngòi, rừng cây, cung điện, trời, người, tất cả cảnh giới đều được thấy rõ. Như mặt trời mọc, ánh sáng chiếu soi khắp cả thế gian, hang động tối tăm cho đến địa ngục đều được khai mở, đồng một màu sắc. Như gặp thủy tai29, tất cả thế giới, muôn vật chìm ngập, mênh mông trắng xóa, chỉ thấy màu nước. Ánh sáng Phật kia cũng giống như thế. Tất cả ánh sáng bồ-tát thanh văn đều bị che mờ, chỉ ánh sáng Phật lung linh rực rỡ. Chúng trong pháp hội, trời rồng tám bộ, người và phi nhân đều thấy các thứ trang nghiêm thanh tịnh của nước Cực Lạc. Phật A-di-đà ở trên tòa cao, oai đức vời vợi, tướng tốt chói sáng. Thanh văn, bồ-tát cung kính vây quanh. Giống như núi chúa, vượt trên mặt biển, ánh sáng chiếu rực, trong sạch thẳng ngay, không có dơ uế và loại dị hình, chỉ toàn là những chất liệu quý báu dùng để trang nghiêm. Trong đó thánh hiền cùng nhau an trụ.
Bấy giờ, A-nan và chúng bồ-tát đều rất vui mừng hớn hở đảnh lễ, đầu chạm xuống đất, xưng niệm nam-mô A-di-đà Phật.
Chư thiên, nhân dân, các loài côn trùng thấy ánh sáng này, bao nhiêu bịnh khổ, không trị tự lành. Phiền não sầu lo đều được giải thoát, đều phát lòng từ, cố gắng tu thiện, mừng rỡ vui thích. Chuông khánh, cầm sắt, không hầu, nhạc khí không đánh tự kêu, không trổi tự phát năm thứ thanh âm. Chư thiên, nhân dân trong cõi nước Phật, mỗi người cầm hoa từ trong hư không rải cúng dường Phật. Bấy giờ, phương tây cách rất xa thế giới Ta-bà đến cả trăm ngàn câu-chi-na cõi, nhờ thần lực Phật như trước mặt. Như dùng thiên nhãn thấy một tầm xa, chúng sanh cõi kia thấy cõi Ta-bà cũng rõ như vậy. Thấy đấng đại giác Thích-ca Mâu-ni hiện đang nói pháp và các tỳ-kheo cung kính vây quanh.
CHƯƠNG BA MƯƠI CHÍNBỒ-TÁT TỪ THỊ THUẬT LẠI ĐIỀU MÌNH TRÔNG THẤYBấy giờ, Phật bảo A-nan và ngài Từ Thị:
- Các ông có thấy cõi nước Cực Lạc đầy những cung điện lầu gác ao suối, rừng cây vi diệu trang nghiêm hay không? Các ông có thấy chư thiên cõi Dục cho đến chư thiên trời Sắc Cứu Cánh rải các hoa thơm như mưa khắp cùng cõi Phật đó chăng?
A-nan bạch Phật:
- Vâng, con đã thấy!
- Ông có nghe Phật Vô Lượng Thọ Quang dùng đại âm thanh thuyết pháp giáo hóa các chúng sanh chăng?
- Vâng, con đã nghe!
Đức Phật lại nói:
- Các ông có thấy chúng thuần thanh tịnh cõi nước đó đi trong hư không, mang theo cung điện không bị trở ngại, đi khắp mười phương cúng dường chư Phật và niệm hiệu Phật không hề gián đoạn, cũng như các chim ở trong hư không hót ra tiếng hay đều do Phật đó biến hóa ra chăng?
Di-lặc thưa rằng:
- Như lời Phật nói, con đều đã thấy. Phật hỏi Di-lặc:
- Nhân dân nước kia, có người thai sanh, ông có thấy chăng?
Di-lặc trả lời:
- Bạch đức Thế Tôn! Con thấy chúng sanh ở cõi nước đó an trụ trong thai như ở cung điện của trời Dạ Ma. Lại thấy chúng sanh ngồi thế kiết già trong thai hoa sen, tự nhiên hóa sanh. Do nhân duyên gì mà nhân dân kia có người thai sanh, có người hóa sanh?
CHƯƠNG BỐN MƯƠIDO NGHI NGỜ MÀ SANH Ở VÙNG BIÊN ĐỊAPhật bảo Di-lặc:
- Nếu có chúng sanh dùng tâm nghi ngờ tu các công đức, nguyện sanh nước đó, không biết Phật trí, bất tư nghì trí, bất khả xứng trí, đại thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí. Đối các trí này, nghi hoặc không tin, chỉ tin tội phước mà tu căn lành, nguyện sanh nước đó. Lại có chúng sanh chứa công đức lành mong cầu Phật trí, phổ biến trí, vô đẳng trí, oai đức quảng đại bất tư nghì trí, nhưng lại đối với căn lành của mình thì không tự tin, nên vãng sanh về cõi thanh tịnh đó, ý chí do dự, tâm không chuyên nhất, nhưng do đời trước niệm Phật liên tục, kết thành gốc thiện, nguyện được vãng sanh. Những hạng người này vì nhân duyên đó tuy cũng được sanh, nhưng không đến trước Phật Vô Lượng Thọ, chỉ ở biên giới trong thành bảy báu của cõi nước kia. Phật không muốn thế, tâm họ hướng về mà thân cảm nên.
Dù cũng thọ thân trong hoa sen báu nơi ao thất bảo, ăn uống khoái lạc như trời Đao-lợi, những chúng sanh này chỉ ở trong thành, không ra khỏi được, nhà ở trên đất, không thể to nhỏ theo ý mình muốn. Trải năm trăm năm thường không thấy Phật, không nghe kinh pháp, không thấy được chúng bồ-tát, thanh văn. Người này trí huệ không được sáng suốt, biết kinh pháp ít, tâm không mở tỏ, ý không vui vẻ, cho nên nơi đó gọi là thai sanh.
Lại có chúng sanh hiểu tin Phật trí cho đến thắng trí, dứt bỏ nghi hoặc, tự tin căn lành của chính mình có, tạo các công đức, chí tâm hồi hướng, đều được hóa sanh trong hoa sen báu, ngồi thế kiết già, ở trong khoảnh khắc thân tướng chói sáng, trí huệ công đức như các bồ-tát thành tựu đầy đủ.
Di-lặc nên biết, người hóa sanh kia trí huệ thù thắng, còn người thai sanh trong năm trăm năm không thấy tam bảo, không biết pháp thức của các bồ-tát, không được tu tập các công đức lành, không có nhân duyên phụng thờ đức Phật Vô Lượng Thọ Quang. Các ông nên biết, người này đời trước không có trí huệ, lại thường nghi ngờ nên mới như thế.