Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Có và Không »» Chương III. Có và Không theo quan niệm về vũ trụ và nhân sinh »»

Có và Không
»» Chương III. Có và Không theo quan niệm về vũ trụ và nhân sinh

Donate

(Lượt xem: 3.197)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Có và Không - Chương III. Có và Không theo quan niệm về vũ trụ và nhân sinh

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Quan niệm của Đức Phật về vũ trụ rất bao la vi diệu, không nằm cục bộ ở một nơi nhất định nào, mà tất cả chúng sanh trong thế giới này hay thế giới khác cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ li ti trong đại thiên thế giới mà thôi. Con số “ba lần ngàn” là con số tượng trưng, chứ thật ra một đại thiên thế giới như thế gồm có nhiều thế giới khác và nếu nhân ra sẽ có những con số như sau:

Trong kinh nói: Thế giới chia ra làm tiểu thiên, trung thiên và đại thiên, ba loại khác nhau. Gộp 4 đại châu, mặt trời, mặt trăng, chư thiên lại thì thành một thế giới. Một ngàn thế giới gọi là một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới và một ngàn trung thiên thế giới thành một đại thiên thế giới.

Nếu làm con số nhân ta sẽ có:

1 đại thiên thế giới = 1 x 1.000 = 1.000 trung thiên thế giới = 1.000 x 1.000 = 1.000.000 tiểu thiên thế giới = 1.000.000 x 1.000 = 1.000.000.000 hay 1 tỷ thế giới.

Trong chuỗi tính toán này có 3 lần nhân với 1.000 để có được con số thế giới trong một đại thiên thế giới, do vậy kinh điển thường gọi là “tam thiên đại thiên”, có nghĩa là ba lần nhân với 1.000. Cả đại thiên thế giới như thế thì quả thật vũ trụ này rất bao la vô tận, không có điểm cuối cùng, vì mỗi thế giới theo như định nghĩa trên thì gồm có 4 đại châu. Tức là các châu này nằm 4 phía của núi Tu-di gồm có: Nam Thiệm Bộ châu, Đông Thắng Thần châu, Tây Ngưu Hóa châu và Bắc Câu Lô châu. Kể thêm cả mặt trời mặt trăng nữa thì thành một thế giới. Một thế giới của Phật giáo rộng lớn như thế, chứ không phải chỉ có 5 châu lục trên quả địa cầu này.

Ngày nay khoa học đã đi đến mặt trăng và nhiều ngôi sao khác. Tuy chưa đến mặt trời, nhưng cũng đã hiểu ra lời Phật dạy là: “Thế giới này, vũ trụ này không có điểm cuối cùng.” Ở đây xin cắt nghĩa rõ ràng từng châu một để chúng ta có một cái nhìn khái quát hơn:

Nam Thiệm Bộ Châu (Jambudvipa - có nghĩa là Đất). Còn gọi là Nam Diêm-phù-đề. Diêm-phù-đề tức là tên của một loài cây. Nơi đất này có nhiều cây Diêm-phù nên gọi tên như vậy, cũng gọi là Thiệm Bộ châu hay Nam Thiệm Bộ châu, vì châu này nằm ở phía nam núi Tu-di.

Đông Thắng Thân Châu (Pūrvavidehaḥ). Châu này ở trong biển Hàm Hải, nằm về phía đông núi Tu Di. Chúng sinh ở đây có thân hình cao lớn, đẹp đẽ hơn so với các châu khác nên gọi là Thắng Thân.

Tây Ngưu Hóa Châu (Aparagodāna) tên một châu lục lớn ở Tây Thiên. Còn gọi là Cù-đà-ni, dịch là Ngưu Hóa, do phong tục ở đây dùng trâu làm tiền tệ để trao đổi. Châu này nằm phía tây núi Tu Di.

Bắc Câu Lô Châu là một trong 4 châu được nhắc tới trong kinh Phật. Châu này ở phía bắc núi Tu Di. Nhân dân châu này bình đẳng an lạc, thọ đủ 1.000 tuổi. Châu này hình vuông, trước kia gọi là Uất-đan-việt. Châu này còn gọi là Uất-đa-la Cứu-lưu (Uttara-Kuru).

Ở đây chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về núi Tu-di để biết một ít về địa lý của 4 châu trong một thế giới theo cái nhìn của Đạo Phật. Tu-di (Sumeru) là tên núi, trung tâm của một thế giới, dịch là Diệu Cao, Diệu Quang, An Minh, Thiện Tích, Thiện Cao v.v... Phần dưới cùng của khí thế giới là Phong luân, trên là Thủy luân, trên nữa là Kim luân, tức Đại luân. Trên đó có 9 núi, 8 bể là: Trì Song, Trì Trục, Đảm Mộc, Thiện Kiến, Mã Nhĩ, Tượng Tỵ, Trì Biên và Tu Di, cùng với núi Thiết Vi. Núi trung tâm của khu vực này là núi Tu-di. Sâu vào nước 8 vạn do tuần, trên đỉnh núi là nơi ở của Đế Thích, lưng chừng là nơi ở của Tứ Thiên Vương, chung quanh có 7 Hương Sơn và 7 Kim Sơn. Ngoài Kim Sơn thứ 7 có bể nước mặn. Phía ngoài là núi Thiết Vi. Cho nên gọi là 9 núi 8 bể. Bốn đại châu của Thiệm Bộ Châu, tức là bốn châu ở bốn phía của bể mặn này.

Như vậy là một thế giới. Một thế giới của Phật giáo rộng rãi bao la như thế, chứ không phải chỉ gồm có 5 châu lục trong quả địa cầu này. Nếu đem 5 châu lục trên quả địa cầu này để so sánh với một thế giới của Phật giáo hẳn còn nhỏ bé lắm. Phật giáo không những chỉ nhìn thấy một thế giới như thế, mà nhận biết có đến vô số thế giới như thế. Ngày nay khoa học đã phải khâm phục trí tuệ siêu việt của Đức Phật đã vượt hẳn không gian vô cùng và thời gian vô tận ấy.

Sự hình thành của thế giới là do tâm niệm của chúng sanh trong thế giới ấy mà tạo nên và khi thế giới ấy bị hủy diệt, có nghĩa là do nghiệp lực và tâm niệm của chúng sanh trong thế giới ấy đã không còn phước đức nữa. Nên sự suy tàn đã đến và sự hủy diệt lại kéo theo sau, để rồi các vi trần tại thế giới này sẽ di chuyển đi các nơi khác để thành lập một thế giới khác vậy.

Một thế giới được thành lập, đầu tiên là do chất nóng biến thể mà thành. Sau đó là không khí bao bọc bên ngoài. Không khí sẽ tạo nên nước, nước sẽ tạo thành đất. Bốn chất này gọi là tứ đại. Trong thân thể của chúng ta đều đầy đủ 4 chất này. Từ 4 chất này sẽ biến đổi qua thân này đến thân kia. Rồi thời gian năm tháng, 100 năm, 1.000 năm, 10.000 năm hay một triệu năm, rồi 1 tỷ năm, 2 tỷ cho đến 5 hay 10 tỷ năm sau, con người đã thay đổi hẳn từ hình thức này đến hình thức khác. Con người cũng chỉ là một sinh vật trong vô số sinh vật khác hiện có mặt trên quả địa cầu này và con người cũng phải bị luật tự nhiên chi phối. Có nghĩa là: Có sinh ra, có lớn lên, có già thì phải có chết. Không ai tránh khỏi định luật này.

Đối với Phật giáo, không có một đấng toàn năng sáng tạo ra vũ trụ, sáng tạo ra con người, mà vũ trụ này do nhân duyên hòa hợp thành, rồi cũng do nhân duyên mà tan rã. Con người cũng thế. Con người do nghiệp lực đã tạo ở nhiều đời trước, nên đời này phải sinh trở lại làm người để trả lại nơi xưa và cũng có thể ở đời này, sau khi chết, sẽ tái sinh vào thế giới cao hơn, nếu trong kiếp này chúng ta đã trả nợ xưa đầy đủ và bồi đắp phước đức dư thừa, nên mới sanh thiên giới. Hoặc giả sanh vào một thế giới cao hơn nữa. Cũng có nhiều chúng sanh trong kiếp này đã không tạo được phước đức mà còn gây thêm nhiều tội lỗi khổ đau cho kẻ khác, thì chúng sanh ấy chắc chắn phải tái sinh vào những cõi khổ sở hơn, như làm trâu, ngựa, heo, bò, gà, vịt v.v... hay bị đọa vào những chốn hiểm trở của địa ngục A-tỳ hoặc phải trở lại chốn này để đền trả nợ xưa v.v...

Cuộc sống của chúng ta cũng giống như một bóng điện và dòng điện. Bóng điện tượng trưng cho thân thể, dòng điện tượng trưng cho tâm thức của chúng ta. Khi bóng điện bị hư cũng giống như thân thể của chúng ta một ngày nào đó rồi cũng phải chết. Khi ấy không phải là không có dòng điện hoặc không còn tâm thức nữa. Nếu không còn thì tại sao chúng ta thay bóng đèn khác, chúng lại sáng? Và nếu không còn tâm thức thì sau khi chết, sự hiểu biết ấy tan vào đâu, nhập vào gì? Cha mẹ của chúng ta chỉ sinh ra ta bằng hình hài, chứ không có cha mẹ nào sinh ta cả tâm thức. Cái tâm thức này, chính là cái biến hiện của nội tâm, của luân hồi sinh tử, của làm Phật, làm chúng sanh trong thế giới này hay thế giới khác.

Thiền Sư Đạo Hạnh đời Lý có nói rằng:

作有塵沙有,
為空一切空。
有空如水月,
勿著有空空。

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.

“Có thời có tự mảy may,
Không thời cả thế gian này cũng không.
Có không, bóng nguyệt lòng sông,
Cũng đừng bám víu có không làm gì.”

Nếu nói có thì một chút cũng gọi là có. Nếu nói không thì dầu to lớn như vũ trụ này, như quả địa cầu này, như đại thiên thế giới này, tất cả cũng sẽ là không. Vì cái gì có hình tướng, cái ấy đều thay đổi, đều hoại diệt.

Mặt trăng soi mình trên dòng nước. Cả 2 đều vô tình, nhưng đều hiện hữu, để rồi dòng nước chảy đi, mặt trăng sẽ thay đổi vị trí, để lúc có thì đẹp đẽ sáng rỡ và rồi lúc thì mờ tối, ẩn hiện. Cả 2 không hẹn nhưng gặp. Rồi cả hai không hẹn, nhưng lại tan đi. Tất cả đều do nhân duyên cả. Nhân duyên để hòa hợp, nhân duyên để chia ly. Vì vậy thiền sư đã hỏi chúng ta rằng: Sự có không đó, ai là người biết được? Ai là người cảm nhận được?

Thiền sư Hương Hải cũng có cái nhìn về cuộc đời qua sự hiện hữu của con nhạn với dòng sông như bài thơ dưới đây:

雁過長空,
影沈寒水。
雁無遺跡之意,
水無留影之心。

“Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.”

Nghĩa là:

“Nhạn bay qua không gian,
Ảnh chìm sâu vào dòng nước lạnh.
Nhạn không có ý lưu dấu vết,
Nước cũng không có lòng muốn giữ ảnh nhạn lại.”

Đọc bài thơ này, chúng ta thấy rằng tác giả đã ngộ triệt tánh không một cách tuyệt vời. Do vậy mới có những thí dụ độc đáo như thế. Con nhạn tượng trưng cho sự hiện hữu của một vật thể trên thế gian này. Khoảng không gian tượng trưng cho khoảng cách và hoàn cảnh. Mặt nước cũng tượng trưng cho sự hiện hữu và hình ảnh của con nhạn bay qua tượng trưng cho sự thay đổi của thế gian này. Có vật thay đổi trong nháy mắt, có vật thay đổi trong một năm, 10 năm hoặc 100 năm. Có loại phải cần thời gian nhiều hơn nữa, nhưng cuối cùng rồi cũng phải thay đổi và đi đến hoại diệt, không còn gì cả.

Tôi đi giảng nhiều nơi và đã được nhiều người nghe và cũng lắm người hỏi. Có nhiều câu hỏi rất thực tế và cũng có nhiều câu hỏi đã chứng tỏ phần nào sự hiểu rõ về tánh không của Phật giáo, hoặc chẳng hiểu gì cả. Do không hiểu mới cho rằng Phật giáo yếm thế, Phật giáo tiêu cực v.v... Có người hỏi rằng: “Vậy cuộc đời này có ý nghĩa gì?” Tôi sẵn sàng trả lời rằng: “Chẳng có ý nghĩa gì cả.” Vì sao vậy? Vì tất cả chỉ sống với nhau bằng đối đãi, tạm thời v.v... không có gì chắc thật, không có gì bảo đảm. Họ nghe hiểu vậy, nhưng việc thực hành để cảm nhận và chấp nhận về tánh không của Phật giáo không phải dễ dàng trong một ngày, một tháng hay một năm. Ngay cả đối với những người trí thức cũng vậy.

Thông thường thì ai ai trong chúng ta cũng bị sự chấp trước và ái nhiễm ràng buộc, nên nói phủ định về một việc hiện hữu thật khó chấp nhận vô cùng. Ví dụ như người ta tự nhận rằng: Đây là cái nhà của tôi. Đây là tài sản của tôi. Đây là người thân của tôi. Đây là vợ, là con của tôi v.v... tất cả là của tôi và tất cả đều là của tôi v.v... Nhưng phân tích cho kỹ, chẳng có cái gì là của tôi cả. Cái tài sản mà ta có đó, chẳng qua do nhân duyên mà ta làm chủ. Rồi một thời gian ngắn hay dài không phân biệt được, chúng sẽ hao mòn, tiêu tán, biến thể, không còn như xưa nữa. Một mai đây ta cũng mất mà vật cũng mất. Ta còn lại gì với núi sông cây cỏ? Hay chỉ còn là một nắm đất nằm bất động trong bãi tha ma, để làm phân cho cây cỏ? Rồi cây cỏ cũng sẽ tàn lụi để thành phân bón cho lớp cây cỏ kế tục.

Ta bảo: “Đó là vợ ta. Đó là con ta.” Điều ấy chẳng thật. Vì khi vui là thế, nhưng khi buồn thì ta sẽ chối từ và lúc vui khác lại chấp nhận. Cứ thế mà ta bị vòng vô minh và ái dục chi phối mãi trong cõi tử sinh này.

Từ ngày 16 đến 18 tháng 6 năm 2000, tôi đã có dịp đi thăm thành phố nổi tại Ý. Đó là thành phố Venezia, nói theo tiếng Ý. Venic nói theo tiếng Anh và Venedig nói theo tiếng Đức. Thành phố này đã có hơn 1.300 năm lịch sử. Gọi là thành phố nổi, vì lẽ chung quanh thành phố là biển. Gồm những kênh rạch lớn nhỏ đan xen với nhau và nghe đâu người ta đã đóng cừ xuống biển để làm những ngôi nhà 5 hay 7 tầng trên đó. Tôi nhìn những phiến đá cẩm thạch, những tấm đá hoa cương được dựng làm cột nhà thờ hay trang trí trên những bức tường và chính mình lấy ngón tay quẹt vào mặt đá, cảm nhận được cái vô thường của cuộc đời liền. Vì lẽ đá đẹp ngày xưa, bây giờ chỉ còn là một lớp bột, lớp bụi nổi lên bên trên, qua sự xâm thực của nước biển bởi thời gian năm tháng. Cách đây hơn 1.000 năm trước, khi mà những người chủ, những người thợ xây dựng dùng những loại đá quý này để làm nhà và nhà thờ, họ nghĩ rằng chúng sẽ tồn tại mãi mãi với thế giới, nhưng chỉ mới hơn 1.000 năm sau thôi, bây giờ chỉ còn là bóng mờ của dĩ vãng.

Những con đường mòn ấy cách đây hơn 1.000 năm đã lắm người đi và hôm nay đây, tôi, thầy Thiện Thông và một số Phật Tử cùng đi, để rồi 1.000 năm sau nữa trong kiếp luân hồi, nếu tôi hay một ai đó trở lại xứ này có nhận diện được ra mình của thuở nào không? Hay chỉ là cát bụi của thời gian và năm tháng?

Trên đường về lại Đức từ Milano, một thành phố phía Bắc của Ý Đại Lợi, từ trên phi cơ nhìn xuống, Thầy Thiện Thông phát hiện ra dãy núi Alpes chạy dọc theo biên giới Đức, Thụy Sĩ và Pháp. Thầy ấy trầm trồ nói với tôi rằng: “Sao giống núi Tu-di quá!” Tôi yên lặng không phẩm bình gì. Vì núi Tu Di, như quý vị đã thấy, Đức Phật diễn tả bên trên đó, không nhỏ và không có mặt trong 5 châu thiên hạ này. Đoạn tôi quan sát một cặp vợ chồng già người Phần Lan ngồi bên cạnh. Sở dĩ tôi biết thế, vì nghe họ nói với cô chiêu đãi viên hàng không rằng: Máy bay đến trễ quá làm sao họ về Phần Lan kịp? Đó là một loại tiếng Anh hơi nặng giọng, dĩ nhiên không phải là người Đức. Vì nếu ông bà là người Đức thì đã không sử dụng tiếng Anh với cô chiêu đãi viên người Đức trên chuyến máy bay Lufthansa này. Ban đầu tôi nghe hai vợ chồng nói chuyện rất thân mật, nắm tay nhau và chỉ trỏ nói gì đó trông có vẻ thân tình lắm. Sau một hồi tôi nghe người đàn ông lớn giọng và sau một hồi lâu thì yên tĩnh lại, nên hai người đã vui vẻ với nhau. Bỗng nhiên sau một hồi nói chuyện bà ta lại lớn tiếng. Tôi bất chợt nhìn qua bên cạnh thì thấy bà ta dùng ngón tay trỏ chỉ thẳng và đay nghiến vào mặt ông ta. Lúc bấy giờ ông ta yên lặng và vội bỏ đi ra ghế phía sau để ngồi một mình tư lự và bà ta cũng buồn thiu, không xem báo cũng chẳng có thể nói chuyện với ai nữa. Tôi quay qua Thầy Thiện Thông bảo: “Thầy thấy đó! Cuộc đời chẳng có gì vui và chắc thật phải không?” Thầy ấy hỏi việc gì. Tôi đã tường thuật lại chuyện của hai ông bà trên. Tôi bảo Thầy ấy: Đời là một tấn tuồng, mà mỗi diễn viên phải thủ một vai nào đó nhất định mà thôi. Khi màn buông xuống, sân khấu trở về khuya, những nghệ sĩ diễn tuồng trở về cuộc sống bình thường của họ.

Mới chỉ hơn một tiếng đồng hồ trong chiếc máy bay nhỏ bé này mà hai ông bà ấy đã diễn không biết bao nhiêu tuồng chứ đâu phải một tuồng và không biết trong cuộc sống nhân sinh của họ, khoảng chừng 60 năm đó họ đã diễn không biết bao nhiêu tuồng rồi và không biết họ có tự biết rằng họ là kẻ diễn tuồng không? Khi vui, vở tuồng rạng rỡ, hào hứng. Khi buồn, giận cũng chỉ nghĩ đến cái xấu của người khác. Khi gần gũi, âu yếm... nói những lời dịu ngọt dễ thương, để rồi xỉ vả nhau, chắc rằng không có được những từ ngữ thân ái nữa, mà có lẽ ai cũng cố gắng moi trong óc mình tất cả những xảo ngôn, những lời nào xấu xa nhất để xỉ vả lại đối tượng của mình mới thương yêu đây. Quả đời là bể khổ, thế mà mọi chúng sanh đang lặn hụp trong đó có biết thật khổ chăng? Cho nên mới có thơ rằng:

“Bể khổ mênh mông hận ngút trời,
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi.
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,
Chung cuộc rồi trong bể khổ thôi.”

Thật là, đời chẳng có gì vui, giống như chiếc thuyền vậy thôi. Bơi xuôi, bơi ngược rồi cũng chỉ bơi trong biển khổ. Cũng giống như cặp vợ chồng già vừa kể trên. Sau một hồi hai người ngồi xa nhau, đã đến lúc xuống máy bay tại Hannover, ông ta nhè nhẹ đi đến bên bà và lấy áo mặc cho bà, rồi ra hai người có vẻ âu yếm lắm! Tôi quan sát sự việc này mà tự nhủ với mình rằng: Hãy thận trọng trong mọi việc làm. Vì khi vui thì chỉ nói lời thân ái, lúc giận lúc buồn thì la lối làm cho nhiều người buồn khổ. Điều ấy hẳn cũng chẳng nên làm. Qua vở kịch ngắn bên trên, tôi nhìn thấy cuộc đời rõ ràng hơn. Chẳng có gì là chắc thật. Chẳng có gì là cứu cánh. Tất cả chỉ là chắp nối, gắng gượng, biểu diễn cho xong vai tuồng của mỗi người mà thôi.

Nếu nhìn cuộc đời này với một nhân sinh quan như vậy thì quả là yếm thế, tiêu cực. Vì đời dường như còn có nhiều cuộc vui khác nữa, như rượu mạnh, thuốc lá, đánh bạc v.v... để giải sầu. Hoặc còn có những cuộc tình đầy thơ mộng, có những cảnh thiên nhiên thật thú vị, có những lâu đài thật tráng lệ v.v... Nhưng đồng thời cũng không có nghĩa là không có nước mắt, không có những buổi chia ly v.v... Nhưng như thế thì cuộc sống này có ý nghĩa gì? Phải chăng chỉ là một màn kịch mà đạo diễn là đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, thanh niên, thanh nữ, ông lão, bà lão v.v... tất cả đều phải diễn cho hết vở tuồng của mình? Nếu kiếp này diễn chưa hết thì kiếp sau tiếp tục diễn lại. Cứ như thế, có lúc thêm lúc bớt để hợp với nhãn quan của mỗi người.

Trong kinh Pháp Hoa, quyển 2, có nói rằng: “Ba cõi không yên, như căn nhà lửa.” Điều ấy rất đúng, nhưng mọi người trong ba cõi vẫn cứ vui say. Ví dụ như sáng thì thương, chiều lại giận. Tối trở nên buồn, khuya lại ghét v.v... Rồi lại thương, lại ghét, lại buồn, lại giận v.v... cứ thế và cứ thế tiếp diễn mãi cho đến trong vô tận không bao giờ ngưng nghỉ.

Nguyễn Công Trứ, một nhà văn và là một vị tướng, người Việt Nam sống vào đầu thế kỷ 20, sau khi đã trải nghiệm cuộc đời và nhất là sau khi ông đã hiểu rõ lý vô thường của Đạo Phật, có những dòng thơ như sau:

Vịnh nhân sinh

“Ôi! nhân sinh là thế ấy!
Như bóng đèn, như mây nổi,
như gió thổi, như chiêm bao.
Ba mươi năm đã hưởng thụ là dường nào,
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín.
Vật thái mạc cùng, vân biến ảo,
Thế đồ vô lự, nguyệt doanh hư.

物態莫窮雲變幻,
世途無慮月盈虛.

Cái hình hài đã chắc thật chưa,
Mà lẽo đẽo khóc sầu như rứa mãi...

Và từ cái nhìn về cuộc đời, về nhân sinh như thế, ông nêu lên quan điểm của mình qua bài “Chí làm trai”:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

人生自古誰無死,
留取丹心照汗青.

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thang cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Quả thật cuộc đời này chẳng có gì cả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách, anh hùng hào kiệt đã bon chen vào chốn công danh, chốn tửu lầu, chốn trà đình, chốn sa trường để tìm cái vui và cái chí khí của một nam nhi muốn biểu hiện. Nhưng quả thật không có gì đáng nói và đáng quan tâm. Vì tất cả những vấn đề vừa mới trình bày bên trên vẫn còn nằm luẩn quẩn trong 3 cõi luân hồi sanh tử vậy.

Chúng ta biết rằng cuộc đời là mộng, có rồi không, không rồi có, nhưng tại sao chúng ta vẫn mãi chìm đắm nơi cảnh lục dục thất tình này? Sống để làm gì và sau khi chết sẽ đi về đâu? Đây là một câu hỏi đáng để cho chúng ta suy gẫm, để rồi từ đó chúng ta mới có thể nhận chân được giá trị của lời dạy Đức Phật một cách rõ ràng hơn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Bhutan có gì lạ


Kinh Đại Bát Niết-bàn


Hát lên lời thương yêu


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.108.172 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (241 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...