Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tây Tạng huyền bí »» CHƯƠNG I: THỜI THƠ ẤU »»

Tây Tạng huyền bí
»» CHƯƠNG I: THỜI THƠ ẤU

Donate

(Lượt xem: 6.046)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tây Tạng huyền bí - CHƯƠNG I: THỜI THƠ ẤU

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thẳng tay quất vào đít con ngựa một ngọn roi da, không màng đến việc đầu ngọn roi cũng quất cả vào mông người kỵ sĩ tí hon bất đắc dĩ, ông Tzu nhổ luôn một bãi nước bọt xuống đất với vẻ khinh bỉ và nói giọng bực tức:

– Hừm! Hừm! Đã bốn tuổi rồi mà chưa ngồi vững trên lưng ngựa! Mày làm sao có thể trở nên một người dũng mãnh? Rồi đây cha mày còn dám nhìn mặt ai?

Những nóc nhọn và mái bầu bịt vàng của điện Potala chói sáng dưới ánh mặt trời nóng gắt. Gần bên chúng tôi, hồ sen trong vắt của ngôi đền Rắn dợn sóng lăn tăn. Đằng xa, trên con đường mòn gồ ghề đá sỏi, những khách lữ hành vừa rời khỏi thủ đô Lhasacố gắng thúc giục những con bò Yak đi mau hơn, với những tiếng kêu inh ỏi.

Từ những đồng cỏ xanh kế cận vọng đến tai tôi những tiếng kèn khổng lồ do những nhà sư nhạc công thực tập thổi lên ở một nơi vắng vẻ. Nhưng tôi không có thời gian để ngắm nhìn những cảnh vật vẫn từng diễn ra hằng ngày mà tôi đã quen mắt nhàm tai. Công việc của tôi trong hiện tại – ôi, một công việc khó nhọc thay – là ngồi vững trên lưng ngựa, nói chính xác hơn là con lừa nhỏ bất kham của tôi.

Nhưng con lừa Nakkim lại có những ý nghĩ khác. Nó luôn muốn tách rời khỏi người kỵ sĩ tí hon là tôi để có thể tự do ăn cỏ, nằm lăn trên đất và chơi đùa một mình.

Ông Tzu là một ông thầy rất khó chịu. Suốt đời, ông luôn nghiêm khắc và khó tánh. Hiện tại, trong vai trò một võ sư quyền thuật và huấn luyện viên cưỡi ngựa cho một đứa trẻ lên bốn, ông thường tỏ ra bất mãn và nổi nóng hơn là kiên nhẫn.

Quê ông ở tỉnh Kham, thuộc miền đông Tây Tạng. Ông được chọn lựa cùng với vài người khác nhờ vóc dáng cao lớn và lực lưỡng. Những người có vóc cao hơn hai mét thường được tuyển làm người bảo vệ trong các tu viện. Họ mặc những chiếc áo dài có độn vai rất cao để trông có vẻ to lớn, lấy lọ bôi mặt để cho có vẻ hung tợn, và sử dụng những cây gậy to, dài để trừng phạt những kẻ xấu.

Ông Tzu được chọn làm người bảo vệ, kiêm chức võ sư dạy quyền thuật và môn cưỡi ngựa cho một thiếu nhi con nhà quý tộc! Ông không thể đi đứng được lâu vì bị tật ở chân, thường chỉ di chuyển bằng cách cưỡi ngựa.

Năm 1904, quân Anh dưới quyền chỉ huy của Đại tá Younghusband, đã xâm lăng xứ Tây Tạng và gây nên nhiều sự tàn phá, thiệt hại. Chắc hẳn họ cho rằng phương tiện tốt nhất để thu phục được tình thân hữu của Tây Tạng là đốt phá nhà cửa, làng mạc và giết hại thường dân của xứ này! Trong cuộc phòng thủ chống quân địch, ông Tzu đã trúng đạn, mất đi một phần xương chậu bên trái.

Cha tôi là một trong những viên chức có quyền thế nhất trong Chính phủ Tây Tạng lúc bấy giờ. Người thuộc dòng quý tộc và có thế lực rất mạnh. Cha tôi cao gần hai mét và có một sức mạnh phi thường. Hồi còn thanh niên, người đã có lần ra sức nhấc bổng một con lừa lên khỏi mặt đất. Cha tôi là một trong những số rất ít người có thể chiến thắng thổ dân vùng Kham trong những cuộc so tài về môn đô vật.

Xứ Tây Tạng đã trải qua một thời kỳ loạn ly. Năm 1904, khi quân Anh xâm lăng lãnh thổ Tây Tạng, vị Quốc vương là đức Đạt-lai Lạt-ma đã sang tị nạn bên Mông Cổ, giao quyền nhiếp chính cho cha tôi cùng với những viên chức trong Nội các trong khi ngài vắng mặt...

Năm 1912, đức Đạt-lai Lạt-ma trở về thủ đô Tây Tạng sau một thời gian sống ở Bắc Kinh cũng như sang Ấn Độ. Trong khi ngài vắng mặt, suốt thời kỳ vô cùng khó khăn ở quốc nội, cha tôi đã cùng với các quan chức đồng liêu trong Nội các đảm đương trọng trách của Chính phủ. Mẹ tôi thường nói rằng, trách nhiệm nặng nề đó hẳn đã làm cho cha tôi giảm thọ rất nhiều. Một điều chắc chắn là người không có thời giờ săn sóc con cái và không hề có dịp biểu lộ tình phụ tử đậm đà đối với chúng tôi.

Dường như tôi có cái khả năng đặc biệt là hay làm cho cha tôi nóng giận nên ông Tzu, bản tính vốn đã khắc nghiệt, lại được cha tôi giao phó trách nhiệm là bắt buộc tôi phải vâng lời tuyệt đối, bằng lời lẽ êm dịu hay “bằng roi vọt nếu cần”. Ông Tzu lại xem việc cưỡi ngựa yếu kém của tôi như là một sự sỉ nhục cho vai trò huấn luyện viên của ông ta.

Ở Tây Tạng, trẻ con trong các gia đình quý tộc tập cưỡi ngựa trước khi tập đi! Làm một người kỵ sĩ giỏi là một điều tối cần thiết ở một xứ sở nhiều núi non và không có phương tiện giao thông, mọi sự di chuyển đều là bằng cách đi bộ hay cưỡi ngựa. Con nhà quý phái phải luyện tập cưỡi ngựa mỗi ngày. Khi họ đã tập luyện thuần thục, họ có thể đứng vững trên yên ngựa đang phi nước đại và bắn cung hay bắn súng vào các mục tiêu di động.

Đôi khi có những đoàn kỵ mã đã tập luyện thuần thục phi nước đại trong những cánh đồng, và trong khi phóng ngựa chạy như bay, họ có thể đổi ngựa với nhau bằng cách nhảy từ yên ngựa này sang yên ngựa khác. Trong khi đó, năm lên bốn tuổi tôi lại thấy rất khó khăn trong việc ngồi vững trên yên ngựa!

Tây Tạng là một lãnh thổ sùng tín về tâm linh. Sự tiến bộ của thế giới bên ngoài không làm cho dân tộc này ham thích. Người Tây Tạng chỉ muốn được tự do thiền định suy tư và vượt qua những giới hạn của xác thể. Từ lâu, những nhà hiền triết của Tây Tạng đã từng biết rằng những tài nguyên phong phú của vùng đất này có thể khêu gợi lòng tham của các nước phương Tây và họ cũng biết rằng khi người ngoại quốc tìm đến xứ này thì sẽ không còn có hòa bình nữa.

Nhà tôi ở tại Ling-khor, một khu vực sang trọng của thủ đô Lhasa, ở bên đường lộ bao quanh thành phố, và nằm dưới bóng mát của điện Potala. Chung quanh Lhasa có ba đường vòng đồng tâm, con đường ở vòng ngoài, cũng gọi là đường Ling-khor là con đường quen thuộc của khách hành hương.

Cũng như tất cả các ngôi nhà khác ở Lhasa vào lúc tôi mới sinh, nhà tôi chỉ có hai tầng day mặt ra đường lộ. Mọi người đều bị nghiêm cấm tuyệt đối không được cất nhà nhiều tầng và vượt quá chiều cao đó, vì không ai được phép từ trên cao nhìn xuống đức Đạt-lai Lạt-ma. Nhưng vì lệnh cấm này thật ra chỉ áp dụng mỗi năm một lần vào dịp rước lễ hằng năm, nên nhiều người dân Tây Tạng cất trên nóc bằng của nhà họ thêm một tầng nữa bằng cây ván có thể tháo gỡ được dễ dàng, để sử dụng mỗi năm trong mười một tháng.

Nhà tôi ở là một ngôi kiến trúc cổ bằng đá, hình vuông, xây trên một khu đất rộng và bao bọc quanh một cái sân giữa. Năm 1910, trong một trận chiến, nhà tôi bị tàn phá hết một phần, nhất là những vách tường phía trong. Về sau, cha tôi đã cho xây cất lại bốn tầng lầu. Vì những tầng lầu này không quay ra mặt đường, tức con đường Ling-khor, nên chúng tôi không thể từ trên cao nhìn xuống đức Đạt-lai Lạt-ma trong cuộc rước lễ hằng năm, vì thế cũng không ai phàn nàn hay phản đối.

Cánh cửa lớn trổ ra sân giữa rất kiên cố và đã trở nên xám đen với thời gian. Hồi chiến tranh, quân địch không thể chọc thủng cánh cửa dày và chắc nịch này nên chúng đã phá sập một góc tường để lọt vào nhà tôi.

Từ một văn phòng đặt ở ngay bên trên cửa này, người quản gia luôn lưu ý quan sát những kẻ ra vào. Người quản gia này có quyền thâu nhận hoặc sa thải những người giúp việc trong nhà, và có trách nhiệm chăm lo chu đáo mọi việc lớn nhỏ.

Khi những tiếng kèn trong các tu viện đón chào bóng hoàng hôn, đánh dấu một ngày sắp tàn, thì những kẻ hành khất của thủ đô Lhasa tề tựu đến trước cửa sổ của vị quản gia để nhận lãnh phần ăn của họ chiều hôm đó. Theo thông lệ, tất cả những nhà danh gia quý tộc thường bố thí cho kẻ nghèo trong vùng.

Những kẻ tù phạm bị xiềng xích cũng thường đến xin ăn, vì trong khám đường không đủ thức ăn và họ đi rảo khắp các nẻo đường để xin của bố thí. Ở Tây Tạng, những kẻ tù phạm không bị khinh khi hay đối xử tàn tệ như những kẻ hạ cấp. Người ta biết rằng ai cũng có thể mắc phải sai lầm hoặc phạm vào tội lỗi, nên những kẻ phạm pháp được xem là kém may mắn hơn và được đối xử tương đối dễ chịu.

Có hai vị sư trú ngụ trong các phòng ở phía tay mặt gian phòng của ông quản gia nhà tôi; đó là các vị thầy tư tế, có phận sự cầu nguyện chư Phật gia hộ cho gia đình chúng tôi. Những gia đình quý tộc bậc trung hay bậc thấp hơn chỉ có một vị thầy tư tế trong nhà, nhưng đẳng cấp xã hội của gia đình tôi bắt buộc phải có hai vị. Các vị thầy tư tế này cũng được hỏi ý kiến mỗi khi có biến cố hay cần đưa ra quyết định quan trọng, và họ có bổn phận cầu nguyện các đấng thiêng liêng luôn che chở và ban ân huệ cho gia đình chúng tôi. Ba năm một lần, các thầy tư tế lại trở về tu viện của họ, và có những vị sư khác đến thay thế.

Các vị tư tế được ăn uống đầy đủ, họ dùng các thức ăn như người trong gia đình để cho những lời cầu nguyện của họ được sốt sắng hơn và để cho thần thánh biết rằng họ được biệt đãi.

Mỗi gian chái ở bên hông nhà là một đền thờ nhỏ, trong đó những ngọn đèn thắp bằng bơ luôn cháy sáng, ngày cũng như đêm, trên một bàn thờ bằng gỗ chạm. Trên bàn thờ có bảy chén nước thánh được lau chùi sạch bóng và thay nước mới nhiều lần trong ngày.

Bên trái gian phòng vị quản gia là phòng của vị Cố vấn luật pháp. Vị này có phận sự xem xét cách tổ chức nhà cửa của gia đình tôi cho đúng theo nghi thức quy định của các nhà quyền quý. Người Tây Tạng rất tôn trọng luật lệ, và để làm gương cho dân chúng, cha tôi phải xử thế như một người công dân gương mẫu.

Anh tôi, Paljor, chị tôi, Yasodhara và tôi cùng sống trong phần mới xây cất của ngôi nhà. Paljor không sống được lâu vì không có đủ sức khỏe để chịu đựng sự khắc khổ dành cho mọi đứa trẻ con nhà quý tộc. Anh tôi qua đời trước khi lên bảy tuổi. Khi ấy, chị Yaso lên sáu và tôi mới lên bốn.

Tôi vẫn còn hình dung anh tôi, chỉ còn là một cái xác không hồn, ngày mà những âm công đến lượm xác anh tôi để làm lễ “điểu táng”, tức là chặt thành từng mảnh nhỏ quăng cho kên kên ăn theo phong tục bản xứ.

Khi tôi trở thành người con trai kế nghiệp của gia đình thì sự giáo dục của tôi được quan tâm chu đáo hơn. Năm lên bốn tuổi, tôi hãy còn là một kỵ sĩ quá tệ! Cha tôi vốn dĩ đã là một người rất nghiêm khắc, nay với tư cách là một chức sắc của giáo hội, bèn đặt tôi vào một thứ kỷ luật sắt để làm gương cho sự giáo dục của những đứa trẻ khác.

Ở Tây Tạng, một đứa trẻ thuộc giai cấp càng cao thì sự giáo dục lại càng nghiêm khắc hơn. Vài nhà quý tộc đã bắt đầu chủ trương một kỷ luật ít khắc khổ hơn cho sự giáo dục thiếu nhi, nhưng cha tôi không đồng ý, viện lẽ rằng những đứa trẻ nghèo hèn không hy vọng có một đời sống tiện nghi sung sướng hơn trong tương lai, cần phải được đối xử một cách dịu dàng tử tế khi chúng còn nhỏ. Trái lại, những đứa trẻ con nhà quý tộc, được thụ hưởng mọi thứ tiện nghi sung sướng khi đến tuổi trưởng thành, nên cần phải được giáo dục trong sự khắc khổ tối đa khi chúng tôi còn nhỏ, để nhờ vào những kinh nghiệm đau khổ đó mà chúng mới biết thương người về sau này.

Đó cũng là quan điểm chính thức của Chính phủ Tây Tạng. Chính sách đó rất tai hại đối với những đứa trẻ có thể chất yếu đuối, nhưng những trẻ nào vượt qua được mà không chết thì sẽ có thể đương đầu với bất cứ nghịch cảnh nào!

Võ sư Tzu chiếm một gian nhà ở tầng dưới, gần chỗ cửa vào. Sau khi đã có dịp quan sát đủ mọi hạng người trong nhiều năm với tư cách là một nhà sư bảo vệ, ông ta không thể sống ẩn dật lánh đời, vì cuộc sống đó không thích hợp với nếp sống quen thuộc của ông ta.

Gần bên phòng của ông ta là những chuồng ngựa, trong đó cha tôi nuôi hai chục con ngựa, cùng những loài vật kéo xe khác. Những người giữ ngựa không ưa ông Tzu vì tánh quá sốt sắng của ông và thói quen hay xen vào công việc của họ.

Khi cha tôi cưỡi ngựa đi đâu thì luôn có sáu người kỵ sĩ võ trang đi theo hộ vệ. Những người cận vệ này đều mặc đồng phục và ông Tzu luôn kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo là y phục của họ lúc nào cũng chỉnh tề.

Vì một lý do mà tôi không biết rõ, sáu người kỵ sĩ này có thói quen ngồi trên lưng ngựa sắp thành hàng day lưng vào tường của một kho lúa, và phóng ngựa chạy theo khi thấy cha tôi vừa xuất hiện. Tôi nhận thấy rằng nếu tôi nghiêng mình ra ngoài cửa sổ của kho lúa, thì một trong những người kỵ sĩ ấy lọt vào tầm tay của tôi. Một ngày nọ, nhân lúc không có việc gì làm, tôi bèn rón rén chồm ra từ cửa sổ kho lúa và xỏ một sợi dây gai vào cái đai da nịt lưng của một kỵ sĩ trong khi anh này đang lơ đễnh. Kế đó, tôi cột chặt hai đầu dây và máng vào một cái móc sắt ở bên trong kho lúa. Việc ấy hoàn toàn diễn ra trong âm thầm không ai biết, giữa lúc mọi người đều đang bận rộn rối rít.

Khi cha tôi vừa xuất hiện, đoàn kỵ sĩ lập tức phóng ngựa chạy theo, trừ ra người thứ sáu mắc phải sợi dây nên bị té xuống ngựa và kêu la inh ỏi. Cái đai lưng của anh ta sút ra, và trong cơn náo loạn tôi đã lén đến gần rút lại sợi dây gai rồi biến mất mà không ai hay biết.

Ngày hôm sau, tôi lấy làm khoái trá mà nói với nạn nhân sự đùa nghịch của tôi:

– Thế nào, Nê-túc, tôi tưởng chỉ có mình tôi là cưỡi ngựa dở, còn anh cũng vậy sao?

Chương trình học của chúng tôi gồm có chữ Hán, chữ Tây Tạng, toán học và khắc bản gỗ. Về việc ấn loát ở Tây Tạng, người ta thường dùng những bản gỗ có khắc chữ, nên việc khắc bản gỗ được coi như một bộ môn rất hữu ích.

Lớp học của chúng tôi là một gian phòng rất rộng có thể chứa độ sáu chục đứa trẻ. Chúng tôi ngồi xếp bằng trên sàn gạch, trước mặt là một cái bàn hay một cái ghế dài, chiều cao độ năm tấc tây và quay lưng về phía thầy học để không thể biết rằng thầy có nhìn mình hay không.

Thầy dạy bắt chúng tôi học một cách rất kham khổ và không để chúng tôi nghỉ ngơi một giây phút nào. Có một phần trong chương trình học mà tôi không bao giờ quên: đó là lặp lại những điều răn tôn giáo. Chúng tôi phải đọc những điều răn này khi vào lớp và lặp lại một lần nữa trước khi rời khỏi lớp vào giờ tan học. Những điều răn đó là:

Hãy lấy ân báo ân, lấy đức báo đức.

Đừng ăn hiếp những kẻ hiền lành.

Hãy siêng đọc kinh điển và giáo lý.

Hãy giúp đỡ đồng loại.

Luật pháp khắc khổ đối với kẻ giàu sang để dạy họ sự thông cảm và sự công bằng.

Luật pháp khoan hồng đối với kẻ nghèo hèn để an ủi họ.

Hãy trả dứt nghiệp quả nợ nần càng sớm càng hay.

Để cho chúng tôi không thể nào quên, các điều răn đó được viết trên những tấm bảng và đóng trên bốn vách tường của lớp học.

Tuy nhiên, cuộc sống hằng ngày của chúng tôi không phải hoàn toàn dành cho sự học và nếp sống khắc khổ. Chúng tôi cũng lao mình vào những cuộc chơi điền kinh, thể dục một cách hăng say ngoài giờ học. Những môn thể dục này được đặt ra để luyện cho chúng tôi một thể xác cường tráng có thể chịu đựng khí hậu vô cùng khắc nghiệt của Tây Tạng. Ở xứ này, vào lúc giữa trưa mùa hè nhiệt độ lên rất cao và ban đêm có thể xuống thấp dưới không độ. Vào mùa đông, thời tiết còn lạnh hơn thế rất nhiều.

Bắn cung là một môn thể dục rất tốt để làm nở nang bắp thịt và tập nhắm một cách chính xác. Đây là bộ môn mà chúng tôi rất thích. Cung nỏ của chúng tôi dùng đều làm bằng gỗ mun nhập cảng từ Ấn Độ. Người ta cũng chế tạo những cái ná bằng gỗ bản xứ.

Là Phật tử chân chính, chúng tôi không bao giờ bắn loài vật. Để tập bắn cung, chúng tôi dùng những cái bia di động, có những người giúp việc nấp ở chỗ an toàn và cầm dây kéo lên hoặc hạ xuống bất thần không cho chúng tôi biết trước. Phần nhiều những bạn bè của tôi đều có thể bắn trúng đích trong khi phóng ngựa chạy như bay. Về phần tôi, trái lại, tôi thậm chí không thể ngồi vững được trên lưng ngựa lâu như thế!

Có một trò tiêu khiển khác là đi cà khêu. Chúng tôi dùng hai cây cà khêu, giống như hai cây nạng gỗ nhưng rất dài, có bàn đạp để xỏ hai chân vào, và sau khi đã ngụy trang làm những người khổng lồ, chúng tôi thường xáp chiến với nhau trong những cuộc đấu sức dị kỳ, người nào té ngã trước nhất là thua.

Còn những môn thể dục khác nữa là nhảy sào và đá cầu. Nhưng ở Tây Tạng, nhất là ở vùng ngoại ô thủ đô Lhasa, trò chơi thịnh hành nhất vẫn là môn thả diều, có thể xem là môn thể dục của cả dân tộc Tây Tạng.

Chúng tôi chỉ có thể chơi diều vào những mùa nhất định. Nhiều năm về trước, người ta cho rằng việc thả diều trên những vùng núi cao đã gây nên những trận mưa lũ. Và người ta cho rằng có lẽ các vị thần mưa đã nổi giận, nên dân chúng chỉ được phép chơi diều vào mùa thu, tức là mùa tạnh ráo ở Tây Tạng.

Có những ngày nhất định, người ta giữ im lặng không kêu to ở các miền núi, vì sợ rằng tiếng vang sẽ gây nên một sự chuyển động quá mau của những đám mây mù ẩm thấp từ bên Ấn Độ bay qua, do đó mà tạo thành những trận mưa lũ rất bất ngờ.

Vào ngày đầu mùa thu, một con diều đầu tiên được phóng lên từ nóc điện Potala. Trong vài phút, những con diều khác đủ mọi hình thức, lớn nhỏ đủ cỡ và đủ các màu sắc, liền nối nhau xuất hiện trên nền trời Lhasa, bay lượn nhảy nhót theo chiều gió thổi mạnh.

Tôi rất say mê trò chơi này và luôn cố gắng để cho con diều của tôi được bay lên trong số những con đầu tiên. Mọi đứa trẻ con đều tự tay làm ra những con diều của mình, thường là với một cái sườn bằng tre được bao bọc phía ngoài bằng một thứ hàng tơ rất đẹp.

Chúng tôi làm diều bằng những vật liệu tốt hảo hạng, vì danh dự của gia đình cũng có liên hệ trong cuộc chơi này. Sau khi một cái sườn bằng gỗ giống như cái hộp được làm xong, chúng tôi mới gắn vào đó cái đầu, hai cánh và đuôi của một con rồng có hình dáng dữ tợn.

Cuộc tranh đấu bằng diều diễn ra một cách vô cùng sôi nổi. Chúng tôi cố gắng hạ gục những con diều của các đối thủ. Để thực hiện điều đó, chúng tôi gắn những miểng chai trên con diều và ngâm sợi dây diều trong một thứ keo trộn với bột thủy tinh nghiền nát; sau đó, chúng tôi chỉ cần phóng diều lên để cắt đứt sợi dây của các đối thủ và bắt lấy con diều của họ.

Đôi khi, lúc trời tối, chúng tôi lén thả diều lên trời sau khi đã cột chặt những cái đèn nhỏ thắp bằng bơ vào bên trong sườn gỗ và ở chỗ đầu rồng. Đôi mắt rồng liền phóng ra những tia lửa đỏ và mình rồng lóng lánh muôn màu nghìn sắc nổi bật trên không trung giữa bầu trời đêm khuya.

Chúng tôi đặc biệt thích cuộc chơi này khi có những đoàn thương buôn lớn chở hàng trên lưng những con bò yak từ vùng Lho-dzong đến thủ đô Lhasa. Với tuổi ngây thơ, chúng tôi nghĩ rằng những người thương buôn “dốt nát” ở các vùng quê hẻo lánh chắc chưa bao giờ nghe nói đến những phát minh diễm ảo tân kỳ như những con diều của chúng tôi. Vậy nên chúng tôi quyết định làm cho họ phải một phen sợ sệt kinh hoàng.

Một trong những phát minh khác nữa của chúng tôi là gắn thêm trong thân diều ba loại vỏ ốc khác nhau, và đặt cách nào cho gió thổi vào làm các vỏ ốc phát ra một thứ tiếng hú kinh hồn. Khi thả diều lên trời, con rồng lửa uốn khúc muôn màu phát ra những tiếng rú rùng rợn trong đêm khuya, và chúng tôi tin rằng nó sẽ gây cho các tay thương buôn đến từ các tỉnh lẻ xa xôi một cơn sợ sệt làm cho họ phải nhớ đến suốt đời.

Tây Tạng không phải là nơi có thể dung nạp những người thể chất yếu đuối. Thủ đô Lhasa ở vào một vùng cao đến bốn ngàn mét so với mực nước biển, có một thời tiết rất chênh lệch giữa cực nóng và cực lạnh. Những vùng cao hơn lại có khí hậu khắc nghiệt hơn nữa. Những người thể chất yếu đuối có thể làm liên lụy đến sự sống của kẻ khác. Chính vì lẽ đó, chứ không phải do sự tàn ác, mà sự giáo dục thiếu nhi thật vô cùng khắc khổ như đã kể trên.

Ở những vùng sơn cước, người ta đem ngâm trẻ sơ sinh dưới suối nước lạnh xem chúng có đủ sức chịu đựng dẻo dai hay không, để có quyền sống như mọi người. Tôi đã từng thấy những nhóm người đi diễu hành đến một ngọn suối, ở một vùng núi non chiều cao trên sáu ngàn mét. Đến bờ suối, đoàn người ngừng lại, một bà lão bồng đứa trẻ sơ sinh trên tay, rồi cả gia đình gồm cha, mẹ và thân quyến đứa trẻ ngồi vây chung quanh bà.

Sau khi người ta đã lột hết áo quần đứa trẻ, bà lão bèn ngâm thân mình nó xuống dưới nước suối, chỉ còn thấy cái đầu nhô lên khỏi mặt nước. Dưới nước suối lạnh buốt, thân mình đứa trẻ trở nên đỏ au, rồi xanh dờn, những tiếng kêu đã im bặt, nó không còn kêu la phản đối nữa. Nó có vẻ chết lịm, nhưng bà lão đã từng kinh nghiệm nhiều về việc này bèn rút nó lên khỏi mặt nước, lau khô ráo và mặc áo quần lại cho đứa bé. Nó sống lại chăng? Đó là do các thần minh đã quyết định như thế. Nếu nó chết, thì điều đó lại càng hay, vì nó khỏi phải chịu đựng những sự khổ đau về sau này của cuộc đời trần thế!

Người ta không thể làm gì khác hơn ở một vùng khí hậu quá khắc nghiệt như Tây Tạng. Không nên có những kẻ bệnh hoạn, yếu đuối ở một xứ mà mọi phương tiện cứu trợ y tế đều thiếu thốn. Thà để những đứa bé sơ sinh yếu đuối chết đi còn hay hơn.

Khi anh tôi qua đời thì tôi cần phải xúc tiến việc học một cách ráo riết hơn. Thật vậy, vào năm lên bảy tuổi, tôi đã phải bắt đầu chuẩn bị tương lai. Tôi sẽ đi theo con đường nào và chọn lựa ngành hoạt động nào? Điều đó sẽ do các nhà chiêm tinh quyết định.

Ở Tây Tạng, bất cứ việc lớn nhỏ gì, từ việc mua một con bò yak đến việc chọn một nghề nghiệp, đều do sự quyết đoán của các nhà chiêm tinh. Trước ngày sinh nhật năm tôi lên bảy, mẹ tôi mở một cuộc tiếp tân rất lớn, trong dịp đó những quan khách gồm các nhà quý tộc và các viên chức cao cấp trong chính phủ được mời tham dự để nghe những lời tiên tri của các nhà chiêm tinh.

Mẹ tôi là một mệnh phụ đảm đang, với một vóc dáng phương phi, gương mặt tròn và mái tóc đen huyền. Phụ nữ Tây Tạng thường bới đầu theo một kiểu rất mỹ thuật và cài trên mái tóc một thứ lược bằng gỗ. Những lược gỗ này thường có sơn mài màu đỏ thắm, cẩn những hạt đá quý, cẩm thạch hoặc san hô, là những mỹ phẩm làm rất khéo léo. Trên một đầu tóc đen huyền xức dầu bóng loáng, cài những lược sơn mài đó sẽ tạo nên một vẻ đẹp rất thanh lịch.

Áo dài Tây Tạng có những màu sắc rất vui mắt, mà nổi bật nhất là màu đỏ, màu lục và màu vàng. Thường ngày các bà nội trợ đeo phía trước ngực một mảnh vải trơn, với một cái vệt ngang khác màu, nhưng màu sắc cũng được chọn cho tiệp với nhau một cách mỹ thuật. Họ đeo những chiếc bông tai mà kích cỡ lớn nhỏ tùy theo giai cấp của họ trong xã hội. Mẹ tôi, xuất thân từ một gia đình quyền quý, đeo những chiếc bông tai dài trên mười lăm phân tây.

Người Tây Tạng chủ trương một sự bình đẳng tuyệt đối giữa nam và nữ. Nhưng về vấn đề coi sóc nội trợ gia đình, mẹ tôi không phải chỉ bằng lòng với sự bình đẳng. Với một ý chí độc tài và một quyền hành tuyệt đối, mẹ tôi ngự trị trong gia đình như một nữ hoàng. Bà luôn biết rõ mình muốn gì, và khi mẹ tôi muốn gì bà luôn quyết tâm đạt cho bằng được.

Chính trong sự nhộn nhịp xôn xao chuẩn bị cuộc tiếp tân mà mẹ tôi mới thực sự có đất dụng võ. Nào là phải tổ chức, phải ra lệnh, soạn thảo kế hoạch sao cho “ăn đứt” những người láng giềng. Mẹ tôi tỏ ra rất thông thạo, vì trong nhiều chuyến du hành theo cha tôi sang Ấn Độ, Bắc Kinh và Thượng Hải, mẹ tôi đã thu thập được hàng khối những sáng kiến mới lạ.

Khi ngày tiếp tân đã định, những nhà sư thư ký mới viết thiệp mời trên một loại giấy dày, làm bằng thủ công, chỉ được dùng trong những dịp giao tế tối quan trọng. Mỗi thiệp mời khoảng ba mươi phân bề ngang và hơn sáu mươi phân bề dài, có đóng triện son của người gia trưởng. Mẹ tôi cũng đóng triện son riêng của mình vào đó, vì người thuộc dòng dõi quý phái. Ngoài ra lại còn một cái triện chung cho cả gia đình, tức là có tất cả ba cái triện son đóng trên thiệp mời, làm cho nó trở thành một bản văn kiện thật là trang trọng.

Cứ nghĩ đến việc tôi là nguyên nhân của tất cả những lễ nghi trịnh trọng đó mà tôi rùng mình. Nhưng tôi không biết rằng tầm quan trọng của tôi thật ra chỉ là phụ thuộc vào một tập quán xã hội. Nếu người ta nói cho tôi biết rằng cuộc tiếp tân long trọng này sẽ đem đến nhiều vinh dự cho cha mẹ tôi, thì tôi sẽ không hiểu gì cả! Bởi vậy, tôi vẫn nơm nớp lo sợ.

Những sứ giả đưa thư được đặc biệt thu dụng trong dịp này để đưa thiệp mời đến các quan khách. Mỗi người cưỡi một con tuấn mã và cầm một gậy ngắn có khe hở ở một đầu để xếp các thiệp mời vào đó, ngoài phong bì có in những phù hiệu chính thức của gia đình chúng tôi. Khi các sứ giả đã sẵn sàng lên đường thì trong sân nhà chúng tôi diễn ra một cảnh tượng náo động ồn ào khó tả. Những người giúp việc kêu gọi nhau đến khan cả cổ họng, ngựa hí vang tai, những con chó ngao đen lớn sủa ầm lên như điên... Sau một chầu rượu cuối cùng, những chàng kỵ sĩ đặt mạnh cốc xuống bàn, trong khi đó, những cánh cổng nặng nề đã mở ra với những tiếng động ầm ĩ và đoàn kỵ sĩ vừa phóng ngựa phi nước đại vừa hét vang tai nghe thật rùng rợn. Nếu họ mang đi những bức thư viết tay thì đồng thời họ cũng chuyển đạt một thông điệp truyền khẩu mà nội dung có thể hoàn toàn khác hẳn.

Thời xưa, những tay côn đồ, cường đạo thường phục kích các sứ giả đưa thư ở giữa đường rồi ngụy trang và dùng những bức thông điệp đó để tấn công một ngôi nhà không phòng thủ hay một đoàn thương buôn chẳng hạn. Từ đó, người ta thường cố ý viết những thư tín giả để gài bẫy và dụ bọn cướp đến những chỗ có phục binh và tiêu diệt chúng. Tục lệ cổ truyền về việc gửi đi cùng lúc hai thông điệp, một viết tay và một truyền khẩu, là một di sản của thời quá khứ.

Nhưng dầu cho ở thời đại này, người ta cũng có khi phải gửi đi cùng lúc hai thông điệp như thế. Trong trường hợp đó thì chỉ có thông điệp truyền khẩu mới có giá trị.

Trong nhà tôi thật là náo nhiệt tưng bừng! Vách và trần nhà được phết lên một lớp sơn mới, những sàn gỗ được đánh bóng trơn tru đến nỗi đi phải coi chừng kẻo trượt ngã. Bàn thờ được lau chùi sạch bóng và sơn phết lại. Một số lớn những ngọn đèn mới thắp bằng bơ được đem ra sử dụng; có những ngọn đèn bằng vàng và bằng bạc, nhưng tất cả đều được lau chùi bóng loáng đến nỗi không thể phân biệt được nữa.

Mẹ tôi và người quản gia không ngớt chạy tới chạy lui trong nhà, chỉ vẻ, sửa đổi chỗ này, dọn dẹp sắp đặt chỗ kia và ra lệnh cho những người phục dịch làm việc không ngơi tay.

Cha mẹ tôi có trên năm chục người giúp việc nhà và một số khác được thâu dụng thêm riêng trong dịp tiếp tân. Không một người nào là nhàn rỗi và tất cả đều làm việc một cách hăng hái. Sân nhà cũng được quét dọn, lau chùi cho đến khi những tảng đá chiếu sáng ngời như mới vừa đem ở động đá về. Để làm cho sân nhà có vẻ lộng lẫy, những chỗ trống ở giữa các phiến đá cũng được tô lên một lớp màu.

Khi mọi việc xong xuôi, mẹ tôi tụ tập tất cả gia nhân và ra lệnh cho họ phải mặc đồng phục tươm tất, chỉnh tề. Trong nhà bếp, mọi người làm việc ráo riết ngày đêm để chuẩn bị đầy đủ các món cao lương mỹ vị đãi khách. Xứ Tây Tạng là một cái tủ lạnh thiên nhiên, các món ăn nấu nướng xong có thể để dành rất lâu mà không sợ hư hỏng, vì thời tiết lạnh và khô. Dẫu cho khi tiết trời nóng bức, bầu không khí khô ráo cũng giữ cho thức ăn không hư. Nhờ đó, thịt có thể để dành suốt năm mà vẫn còn tươi và lúa mì có thể để dành qua nhiều thế kỷ.

Vì người Phật tử giữ giới không giết hại, nên người ta chỉ ăn thịt những con thú vì rủi ro bị té chết trong khe núi, hoặc chết bởi các nguyên nhân khác. Nhà bếp của gia đình tôi có trữ sẵn rất nhiều loại thịt này. Ở Tây Tạng cũng có những người làm nghề đồ tể, bán thịt, nhưng những gia đình Phật tử chính thống không giao tiếp với hạng người này, vì họ bị xem là thuộc về giai cấp hạ tiện, không được giao tiếp.

Mẹ tôi quyết định tiếp tân theo một lối vừa khác thường vừa linh đình trọng thể, và đãi khách một món đặc biệt là món mứt hoa rhododendron. Vài tuần lễ trước, những gia nhân của nhà tôi đã cưỡi ngựa đến tận triền núi Tuyết Sơn là nơi có những loại hoa đẹp nhất. Ở Tây Tạng, hoa rhododendron rất lớn và có rất nhiều loại, thuộc đủ các màu sắc và hương thơm. Người ta chọn những hoa chưa nở hẳn đem về rửa sạch rất cẩn thận. Thật vậy, nếu một cái hoa hơi nát một chút sẽ làm cho mứt bị hỏng ngay. Kế đó, mỗi hoa được ngâm trong một cái bồn thủy tinh lớn chứa đầy nước và mật ong, rồi đậy thật chặt cho kín gió. Mỗi ngày và liên tiếp trong nhiều tuần, bồn hoa được đem phơi nắng và xoay trở định kỳ đều đặn để cho tất cả các phần của hoa đều nhận được ánh nắng cần thiết. Hoa trong bồn nở lớn từ từ và thấm nhuần chất nước pha mật ong. Có người thích đem phơi gió vài ngày trước khi ăn để cho hoa được khô và hơi giòn, mà vẫn không mất hương vị hay sắc tươi của nó. Họ cũng rắc đường lên các cánh hoa để cho nó có vẻ đượm tuyết, giống như trong thiên nhiên. Tất cả những phí tổn để làm món mứt hoa này làm cho cha tôi phải nhăn nhó, cằn nhằn. Người nói:

– Với cái giá tiền để mua những hoa đẹp này, chúng ta có thể mua sáu con bò yak mẹ cùng với một bầy bò con.

Mẹ tôi đáp với một giọng đầy nữ tính:

– Ông đừng ngớ ngẩn. Cuộc tiếp tân của chúng ta nhất định phải thành công, và dầu sao chăng nữa, những phí tổn này là phần việc nội trợ của tôi.

Món vi cá nhập từ Trung Hoa là một món mỹ vị khác, dùng để nấu canh. Có người nói rằng món canh vi cá là món tuyệt đỉnh của nghệ thuật làm bếp. Riêng tôi, tôi nhận thấy món ấy rất dở, và thật là một cực hình khi tôi buộc phải ăn món vi cá. Cá mập được chở đến Tây Tạng trong một trạng thái mà người ta không còn nhận ra nó được nữa! Ta có thể nói một cách ôn hòa là nó hơi “kém tươi”. Điều này, có người lại cho rằng làm cho vi cá càng trở nên ngon hơn.

Món măng tre non, cũng nhập từ Trung Hoa, là món ăn rất ngon, cũng là món tôi thích nhất. Có nhiều cách để nấu măng, nhưng tôi thích nhất là ăn sống với một chút muối. Tôi luôn luôn chọn những búp măng vàng và xanh để ăn riêng, và vì thế mà nhiều khúc măng để trong bếp thường bị ngắt đứt đầu trước khi được mang ra nấu nướng. Người đầu bếp có vẻ nghi ngờ tôi, nhưng ông ta không có bằng cớ. Thật đáng tiếc, vì chính ông ta cũng rất thích ăn búp măng sống!

Ở Tây Tạng, nấu bếp là công việc của đàn ông. Phụ nữ cũng làm bếp, nhưng họ rất vụng về và không chịu cải tiến. Đàn ông có nhiều sáng kiến hơn và chịu khó hơn, bởi vậy họ nấu ăn rất thiện nghệ.

Riêng về môn quét dọn và ngồi lê đôi mách thì phụ nữ ở đâu cũng chiếm giải quán quân, và lẽ tất nhiên họ cũng rất giỏi về vài môn khác nữa. Nhưng nhất định là không, nếu nói về việc làm món tsampa. Món tsampa là món ăn căn bản của người Tây Tạng. Nhiều người Tây Tạng quanh năm suốt tháng chỉ sống bằng món tsampa và trà cho đến suốt đời.

Món tsampa làm bằng mạch nha sấy khô cho đến khi nó trở thành giòn và có một màu vàng sậm. Những hạt lúa mạch nảy mầm khi đó mới được giã và tán thành bột, bột này lại được nướng lên lần nữa và đặt trong một cái chén, rồi người ta đổ vào đó trà nóng trộn với bơ làm từ sữa bò yak. Kế đó, người ta trộn đều để nó đông đặc lại thành một thứ bánh và cho thêm muối, một ít hàn the, bơ yak tùy sở thích từng người. Thứ bánh đó gọi là tsampa, có thể cuốn tròn lại và cắt thành từng khoanh, rồi dọn ra để ăn.

Món tsampa là món ăn thông thường của người bình dân, nó có đủ chất bổ dưỡng, giàu chất béo để giúp người dân Tây Tạng có thể sống trong mọi khí hậu và mọi hoàn cảnh.

Một nhóm gia nhân lo việc làm món tsampa, một nhóm khác làm bơ theo một phương pháp đặc biệt của dân bản xứ. Họ dùng những cái bao lớn bằng da trừu, bề có lông lộn vào trong, để làm dụng cụ đánh sữa.Các bao da đó được đổ đầy sữa bò yak hay sữa dê. Để tránh khỏi bị hao hớt, phần trên các bao da được túm chặt rồi may lại thật chắc. Kế đó, những bao da đựng đầy sữa này được nhồi thật mạnh cho đến khi sữa bên trong trở thành chất bơ.

Để đánh sữa bằng phương pháp này, người ta dùng một chỗ đất bằng có nhô lên những mô đá cao chừng ba mươi phân. Sau khi đã đổ đầy sữa vào bao, người ta nâng bao sữa lên cao rồi buông tay cho rơi xuống các mô đá. Có chừng mười gia nhân làm công việc này trong nhiều giờ liên tiếp. Họ vừa hít một hơi thở vào vừa nâng các bao sữa lên cao, và buông tay cho rơi xuống những mô đá với một tiếng động êm dịu “zunk”. Đôi khi một bao da đã quá cũ, hoặc do người đánh sữa quá vụng về, thình lình vỡ tung ra.

Tôi còn nhớ có một gia nhân nhà tôi rất lực lưỡng. Anh ta thường hay khoe khoang sức vóc của mình. Anh làm việc nhanh gấp đôi người khác, và mỗi khi anh gắng sức thì những đường gân cổ nổi vồng lên. Một ngày nọ, có người nói với anh ta:

– Anh Timon, chắc anh đã già rồi, vì bây giờ anh làm việc không nhanh bằng khi trước.

Khi ấy, Timon hét lên một tiếng giận dữ, nắm lấy phía trên một bao sữa, nâng lên cao với hai cánh tay khỏe mạnh rồi buông cho nó rơi xuống. Nhưng sự dùng sức quá mạnh đã làm hại anh ta! Trong khi anh vẫn còn nắm chắc miệng bao da thì phần dưới đã đứt rời và rơi xuống những mô đá. Một cột bơ hãy còn hơi lỏng bắn vọt ra và trúng ngay vào giữa mặt Timon, khiến anh chàng “lãnh đủ” tất cả, và thế là cả một khối bơ trùm lên miệng, mắt, mũi, tai, tóc... của anh ta. Khoảng năm, sáu chục lít bơ tuôn xuống dọc theo thân mình và bao phủ anh ta trong thứ chất nhờn màu vàng đó.

Nghe tiếng động, mẹ tôi hối hả chạy vào. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mẹ đứng sững nhìn trong im lặng. Có lẽ mẹ tôi tức giận vì thấy quá nhiều bơ bị hỏng chăng? Hay mẹ tôi lo lắng cho “thằng ngốc” đang bị nghẹt thở? Cũng chẳng biết vì sao, nhưng rồi mẹ tôi liền nắm lấy cái bao da rách bụng và đập một cái thật mạnh lên đầu anh ta. Chàng Timon vô phước bèn trượt ngã xuống đất và nằm sóng sượt trên cả một vũng... bơ!

Những gia nhân vụng về như Timon có thể làm hư hỏng mất nhiều bơ. Chỉ hơi cẩu thả một chút trong khi buông tay cho cái bao rơi xuống là những sợi lông liền tách rời ra khỏi da và lẫn lộn với sữa. Nhặt ra được một, hai chục sợi lông trong bơ đã làm xong là một điều rất bình thường, nhưng nếu thấy có cả chùm lông trong đó thì lại là một điều rất tệ.

Bơ bị hư hỏng được cất riêng một nơi để dùng đốt đèn, hoặc để bố thí cho những kẻ ăn xin. Họ sẽ nấu lại và lọc sạch bằng một miếng giẻ cũ rồi để ăn dần.

Những thư trả lời thiệp mời của chúng tôi không bao lâu đã đến. Những người kỵ mã phóng nước đại đến nơi, tay vung lên những cây gậy nhỏ chẻ một đầu có đựng các thư tín. Khi đó, người quản gia mới bước ra để nghinh đón sứ giả của các nhà quý tộc. Sau khi rút bức thông điệp từ trong cây gậy ra, người sứ giả cũng thốt lên một thông điệp truyền khẩu, thậm chí không kịp lấy lại hơi thở. Kế đó, anh ta sụm xuống trên hai đầu gối và để rơi mình xuống đất trong một cuộc dàn cảnh rất khéo léo, dường như để tỏ cho mọi người thấy rằng anh ta đã xả thân không quản công lao khó nhọc để làm tròn bổn phận, để đưa thư đến nhà tôi kịp giờ!

Trong những dịp đó, những gia nô nhà tôi thường vây quanh anh ta và nói:

– Tội nghiệp “thằng nhỏ”! Nó đến nhanh thật! Quả là một kỳ công ít có! Chắc hẳn nó phải chạy nhanh đến muốn đứng tim. Thật cao quý thay một tinh thần phục vụ hăng say đến thế!

Một ngày nọ, tôi ngứa miệng xen vào câu chuyện:

– Ấy không! Anh ta không có chạy mau đến muốn đứng tim! Tôi vừa thấy anh ta ngồi nghỉ mệt ở chỗ đầu làng gần đây. Chắc anh ta đã nghỉ lấy sức để chạy đoạn đường cuối cùng!

Sự kín đáo buộc tôi phải bỏ qua không nói đến cảnh tượng vụng về lúng túng tiếp theo đó.

Sau cùng, ngày “đại nhật” đã đến! Cái ngày mà tôi e ngại xiết bao, vì người ta sẽ quyết định tương lai cuộc đời tôi mà không cần hỏi ý kiến tôi!

Những tia nắng đầu tiên của mặt trời bình minh vừa ló dạng từ sau các ngọn núi xa tận chân trời thì một người gia nô bước vào phòng tôi:

– Cậu chưa dậy ư, cậu Lâm Bá? Hay là cậu giả vờ ngủ? Đã bảy giờ rồi và chúng ta có nhiều việc phải làm. Thôi, cậu hãy thức dậy đi!

Tôi bỏ mền ra và ngồi dậy. Đó là ngày mà con đường tương lai sẽ mở rộng trước mắt tôi. Ở Tây Tạng, trẻ con được gọi bằng tên do cha mẹ đặt cho từ nhỏ. Nhưng sau khi bước vào tu viện, đứa trẻ sẽ được nhận một tên khác, gọi là “pháp danh”. Đó là trường hợp của tôi chăng? Phải đợi những giờ sắp tới đây tôi mới biết được.

Tôi đã lên bảy tuổi và muốn trở thành một người chèo đò để thả thuyền lênh đênh trên sông Tsang-Po, cách đó chừng sáu chục cây số. Nhưng hãy khoan, để còn xem lại. Tôi có thật sự muốn vậy chăng? Dầu sao, những người chèo đò đều thuộc giai cấp thấp kém, những con đò của họ đều làm bằng da bò yak đóng sườn bằng gỗ. Tôi làm một anh lái đò? Tôi trở thành một người thuộc giai cấp hạ tiện? Không! Hẳn là không phải vậy!

Tôi muốn trở nên một người thả diều chuyên nghiệp chăng? Ừ, phải đấy! Thả diều trên không trung, được bay nhảy tự do như không khí, còn hơn là ngồi trong một chiếc đò căng bằng da thú, làm hạ thấp nhân cách và trôi mãi theo giòng nước xoáy mạnh nguy hiểm. Một tay thả diều chuyên nghiệp, đó là điều tôi muốn, và tôi sẽ chế tạo được những con diều khổng lồ với những cái đầu to lớn và đôi mắt sáng rực như lửa.

Nhưng hôm nay những tu sĩ chiêm tinh mới có quyền quyết định. Có lẽ tôi đã chờ đợi quá lâu, và nay thì đã quá trễ để nhảy qua cửa sổ và chạy trốn. Cha tôi chắc chắn sẽ cho người đuổi theo bắt tôi trở lại! Dầu sao, tôi là con nhà thế gia vọng tộc và tôi phải tuân theo truyền thống. Biết đâu các nhà chiêm tinh chẳng sẽ tiên tri rằng tôi sinh ra đời để làm một tay thả diều chuyên nghiệp? Tôi chỉ có thể đợi chờ và hy vọng mà thôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Tư tưởng Tịnh Độ Tông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.194.133 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...