Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Chương XIII: Huyền Trân Công Chúa thế phát xuất gia »»

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa
»» Chương XIII: Huyền Trân Công Chúa thế phát xuất gia

Donate

(Lượt xem: 3.855)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa - Chương XIII: Huyền Trân Công Chúa thế phát xuất gia

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Sau khi thăm viếng Phụ Vương, trở lại Phủ Thiên Trường, Huyền Trân Công chúa luôn nghĩ về những lời dạy vừa rồi trên núi Yên Tử về Vô Thường, Khổ, Không và Vô Ngã. Đây là Tứ Pháp Ấn mà Đức Phật đã dạy cho hàng Đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài, khi Ngài còn tại thế, cho đến nay cũng đã gần 2.000 năm rồi mà vẫn còn có giá trị như thường; nhất là qua tài bình và giảng của Điều Ngự Giác Hoàng, vốn là một Thiền sư uyên thâm về Phật học. Ngày xưa nàng cũng đã nghe pháp ấy do ông cậu Tuệ Trung Thượng Sĩ giảng ở Phủ Thiên Trường rồi, nhưng nghe để mà nghe chứ nàng hầu như không cảm nhận được gì cả, còn bây giờ mỗi một lời pháp nhũ như tiếng chuông rót vào tai nàng, ngân vang mãi trong tâm thức, hầu như không có giây phút nào ngừng nghỉ và chính sợi dây vô hình ấy khiến cho nàng càng rõ thân phận của mình nhiều hơn nữa. Là một Công chúa của triều đình, là cành vàng lá ngọc của vương triều Nhà Trần, là Hoàng hậu của một đấng minh quân và giờ đây tất cả đối với nàng chỉ là dĩ vãng. Lâu lâu dĩ vãng ấy đã hiện về với nàng, nhưng nàng để cho nó tự nhiên trôi qua một cách bình thản, không tiếc thương mà cũng chẳng luyến nhớ, nó giống như một cơn gió mùa Thu nhẹ đưa những cành lá mà thôi. Lá nào còn ở lại với cành thì cứ ở, lá nào rơi rụng vào thiên nhiên thì cứ rơi. Bây giờ chính là lúc mà nàng đã “đối cảnh vô tâm” như trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú mà Giác Hoàng Điều Ngự đã thực chứng tự thuở nào rồi.

Cũng mùa Thu năm ấy, sau khi đi thăm Điều Ngự Giác Hoàng về chẳng bao lâu, nàng nghe được một tin chẳng lành báo về triều nội. Đó là sự giã từ cõi mộng của Phụ thân để trở về với cảnh giới Chơn Thường của mình. Đám tang của Ngài lớn chưa từng có, vì Ngài chính là Thái Thượng Hoàng của triều đình; là người chiến thắng quân Nguyên Mông đến hai lần; là Điều Ngự Giác Hoàng, người đứng đầu của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử; là người cha của bậc minh quân Trần Anh Tông; là một vị Thầy rất gần gũi với quần chúng Phật tử. Tất cả mọi người không ai bảo ai, đều lần lượt trở về non Yên Tử để thọ tang. Lần này không còn Ông Ngoại và cũng là Ông cậu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nữa, vì Ngoại đã mất từ năm 1300, trước Thượng Hoàng cả 8 năm. Đây cũng là điều đáng quan tâm biết bao, vì ngoại đã làm tướng chống quân Nguyên Mông cả 3 lần (1258, 1285 và 1288) và kể cả làm Quân Sư cho bốn triều đại. Đó là Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và cho cả Đức Vua Trần Anh Tông nữa. Một gương mặt hiền từ mẫu mực, nhưng cũng rất gan dạ khi điều quân nơi trận địa, quyết tử thủ chứ không lìa địa bàn hiểm trở để cầm cự với quân Nguyên Mông. Nhiều người ví ông ngoại như Ngài Xá Lợi Phất. Vì ông có trí tuệ siêu phàm. Khi Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên hay tin Đức Phật sắp vào Đại Niết Bàn thì hai Ngài đều xin Phật được nhập diệt trước, để đỡ thấy cảnh bi thương khi một bậc xuất thế không còn hiện hữu nơi cuộc đời này nữa. Bây giờ ở đây và chốn này, ngoại đã ra đi vĩnh viễn rồi.

Hôm ấy có một số tướng trẻ cũng như những người mới đảm nhận những chức vụ quan trọng dưới triều đình của Vua Anh Tông, nàng không biết nhiều, nhưng ngược lại rất nhiều người biết nàng, vì nàng chính là một người con gái Đại Việt đã làm nên lịch sử, chưa chắc gì những nam nhi chi chí có thể sánh được cùng nàng. Thân gái dặm trường, thế mà nàng đã vượt qua tất cả để hôm nay đây có mặt tại lễ tang của Phụ hoàng. Quả là một điều “bất khả tư nghì” vậy.

Huyền Trân Công chúa đội mão mấn màu trắng, Anh Tông đội mũ bạc và mình quấn dây rơm. Ngoài ra còn một số chư Tăng Ni khác thì đầu chít khăn màu vàng và họ rất điềm tĩnh hầu bên Kim quan, chẳng khóc lóc và cũng không quan hoài đến những người chung quanh, ngay cả khi Thái Hậu Khâm Từ có mặt. Có lẽ cái chết ấy, dù là của một đấng Quân vương, cầm cân nảy mực, ngồi trên ngai vàng để cai trị, hay đó là cái chết của những kẻ bần cùng cũng không có gì khác nhau mấy, vì tim không còn đập, phổi không còn thở nữa, có nghĩa là đã chết. Chết là một trạng thái để gọi chung cho những ai không còn liên hệ trực tiếp với những người đang đứng chung quanh mình nữa, mà họ tự tại tiêu dao nơi thế giới của mình. Thế giới này rộng rãi mênh mông, cả ánh sáng và bóng tối, cả thiện và ác đang đối đầu nhau, dằn vặt nhau để tranh giành chiến lợi phẩm về phía mình. Thời gian này là thời gian quan trọng nhất để cho thân nhân của người mất phải biết sám hối cho chính mình và sám hối tội lỗi của người thân để nhờ đó mà thần thức của người mất nhẹ nhàng được sanh về cõi Tịnh.

Những bài văn, bài kinh tán tụng của chư Tăng Ni xen lẫn với nhạc lễ của triều đình, khiến cho ai đó có dịp tham dự những nghi lễ như thế này đều phải hết lòng thán phục, chính sự tồn tại của âm nhạc và lễ nhạc của Phật giáo Việt Nam mà nhiều dân tộc như Lâm Ấp, Chiêm Thành, Trung Hoa và Nhật Bản đều cử người đến Đại Việt ta để học hỏi và thâu thập, nghiên cứu rồi đem về quê hương của mình cho trình bày, thay đổi như là âm thanh của nước sở tại. Như vậy lễ nhạc đóng góp một phần lớn trong việc truyền bá giáo lý của Đạo Phật cho đến ngày nay.

Sau đại tang cũng vừa là quốc tang của Phụ Vương tại Yên Tử, Huyền Trân Công chúa trở về lại Phủ Thiên Trường và suy tư rất nhiều về lời dạy của Đức Phật, những buổi giảng của Phụ thân khi còn sanh tiền và nhất là về nỗi khổ của sanh, già, bịnh, chết. Nhiều khi nàng tự hỏi rằng: Ta từ đâu đến đây? Đến đây để làm gì? Cái già, cái bệnh có đến với ta chăng và cuối cùng là cái chết và chết sẽ đi về đâu? Thái Tổ Trần Thừa là cha của Trần Liễu và Trần Cảnh, họ vốn là anh em ruột với nhau, nhưng qua chủ mưu của Trần Thủ Độ, anh em họ đã trở thành gần như là thù địch với nhau. Mỗi bên đều sinh con đẻ cháu và con cái của hai nhà này lại lấy nhau, vừa là anh em chú bác mà cũng vừa là anh em cô cậu ruột. Trường hợp của ta đây cũng thế, gọi Mẹ ta là Khâm Từ Hoàng hậu đứng về bên nội, nhưng bên ngoại thì Mẹ cũng chính là cô của ta. Cha ta cũng thế vừa kêu Hưng Đạo Vương là Nhạc phụ mà cũng vừa kêu là Cậu ruột. Đó là chưa kể những sự “loạn luân” giữa em trai và chị ruột của mình nữa. Đây là luân hồi sinh tử? Đây là bảo vệ gia phong của Trần triều do chủ trương của Trần Thủ Độ hay còn gì nữa? Câu hỏi này chỉ có kinh Phật và chư Tăng Ni mới có thể giúp giải thích được cho thôi. Còn ta thì mù tịt. Vậy ta phải làm sao đây? Hỏi Mẹ, Mẹ làm ngơ, hỏi Anh, Anh chẳng trả lời, hỏi Chú, Chú không nói; còn hỏi đến Ông cậu Tuệ Trung Thượng Sĩ thì Ông nói toàn là tánh không, nên cuối cùng ta đã chẳng hiểu gì cả. Thôi cứ chờ đợi vậy.

Ta mới ở tuổi 21 cái xuân xanh nên việc già và bịnh ta chưa trải qua như những nàng cung nữ khác. Tuy nhiên ái biệt ly, cầu bất đắc là những điều trong 8 nỗi khổ mà Đức Phật đã dạy thì ta đã thể nghiệm quá nhiều rồi. Đó là cái tang của chồng, sự chia lìa với con thơ Chế Đa Đa và còn nỗi khổ của sự lo lắng Chế Chí sắp đem quân sang đánh Đại Việt để báo thù nữa. Nợ nước, tình nhà. Ôi! Sao mà ngao ngán quá! Có ai hiểu được điều ta đang ấp ủ?

Còn chết sẽ đi về đâu thì có nhiều cách giải thích cũng như trình bày của các vị Pháp Sư rồi, nhưng ta chắc rằng sẽ không muốn trở thành Công chúa nữa, dầu cho ở bất cứ triều đại nào trong lịch sử Đại Việt. Có nhiều người được sinh ra trong nhà giàu, quyền quý, danh vọng thì ham, nhưng ta thì chẳng quan tâm về những việc này. Âu đó cũng là do phước báu lẫn duyên nghiệp trong nhiều đời đan xen với nhau để tạo thành một mắt xích sanh tử như vậy, chứ có ai muốn như vậy bao giờ.

Đầu năm 1309 Huyền Trân đã đến núi Trấn Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) gặp Quốc Sư Bảo Phác, đảnh lễ Ngài làm Thầy mình và Quốc Sư cũng đã cho nàng thọ Bồ Tát Giới tại gia với Pháp danh là Hương Tràng. Khi truyền Bồ Tát giới cho Huyền Trân, Quốc Sư đã dạy rằng:

Đức Phật khi còn tại thế đã chế ra các giới cho người xuất gia cũng như người tại gia hành trì. Vì có giữ giới mới sanh định, từ định mới sanh ra trí tuệ. Giới, Định, Tuệ được gọi là Tam vô lậu học để đối trị lại cũng như có công năng ngăn ngừa và diệt trừ tham, sân, si. Người tại gia khi quy y thì nguyện giữ 5 giới, 8 giới Bát Quan Trai, 10 giới Thập Thiện; nhưng cũng có thể tiến xa hơn nữa là thọ Bồ Tát Giới tại gia gồm 10 giới trọng và 48 giới nhẹ. Giới này các bậc xuất gia, sau khi thọ giới Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni cũng phải thọ, nên Phật gọi là: Đạo tục thông hành giới. Giới luật trên căn bản thuộc Thanh Văn Thừa, nếu không thọ Bồ Tát giới và hành Bồ Tát hạnh thì tâm Bồ đề khó phát sinh. Do vậy là Công chúa, Thái tử, những Đại thần, Tể tướng v.v… nếu muốn thực hiện hạnh từ bi của mình, không gì hơn là nên thọ giới Bồ Tát.

Giới không phải là sự trừng phạt hay uy quyền, mà là một sự bảo hộ cho người thọ trì giới cấm. Ai hành trì đúng giới luật, đời sống nội tâm của người ấy sẽ thăng hoa. Nếu ai làm sai giới luật Phật không phạt vạ người ấy, mà chính người ấy phải tự nhận thấy tội lỗi của mình, sau đó phát lồ sám hối thì tội kia mới nhẹ được. Giới giống như là một công năng tu tập, nếu ai siêng năng hành trì giữ giới thì chiếc áo nghiệp lực sẽ nhẹ và mỏng dần đi, còn ngược lại ai không thanh tịnh trì giữ giới luật thì người ấy sẽ tự mang sức nặng vào hai vai của mình và càng ngày càng lún sâu vào vòng luân hồi sanh tử. Nếu ai siêng năng lau chùi, giặt giũ thì chiếc áo ấy sẽ sạch, đẹp và thơm tho, người bên cạnh cũng sẽ được ảnh hưởng lây với những người giữ giới như vậy.

Những vị vua của Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng, Mông Cổ trước khi phong vương đều có làm lễ truyền thọ Bồ Tát giới tại gia này. Nay Công chúa phát tâm quy y thọ Bồ Tát giới tại gia thì ta cho nàng Pháp danh là Hương Tràng và nên lặp lại theo ta những lời sau đây:

Chúng sanh vô biên thề nguyện độ
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thề nguyện học
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành

Nghĩa:

Chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ khắp
Phiền não không cùng tận, thề nguyện đều dứt sạch
Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học
Phật đạo không gì hơn, thề nguyện được viên thành

Chúng sanh đây gồm cả vô tình và hữu tình. Như cỏ, cây, đá, gỗ v.v… thuộc loại vô tình, nhưng chúng đều có sự sống, chúng ta cũng nên quan tâm chăm sóc đến chúng, còn những loại có tình thức như: con người, chó, mèo, heo, gà, ngựa, lừa v.v… tuy hình thù khác nhau nhưng con nào cũng ham sống, sợ chết, cho nên chúng ta không nên giết chết người, hay những con vật ấy, vì lẽ con người cũng có thể tái sinh làm con vật, mà con vật cũng có thể tái sinh thành người. Vòng luân hồi sanh tử ấy không xa lạ bao nhiêu đâu, nếu chúng ta không có tâm bỏ ác để hành thiện.

Phiền não thì nhiều vô số kể. Chính ta đã tự cột trói vào mình do tham, sân, si khởi lên, thì cũng chính tự ta phải mở trói ra và phải nguyện trừ bỏ những oan khiên nghiệp chướng ấy kể từ vô thỉ dẫn lại cho đến ngày nay. Cỏ phiền não ấy nó mọc sâu trong tâm thức của mỗi người từ trong bao đời rồi. Do vậy muốn dứt trừ phiền não không phải chỉ trong một ngày, một buổi mà phải trải qua thời gian nhiều năm tháng cũng như kiếp số, mới có thể đoạn trừ được. Phiền não ấy cũng chính là Bồ Đề, nếu chúng ta biết tu hành nghiêm mật và loại trừ những ma chướng trói buộc mình của việc tham, sân, si qua 5 phần triền cái và 7 kiết sử. Những thứ này trói buộc lại với nhau, khiến cho chúng ta khó nhận chân đâu là thật và đâu là giả. Giống như hai kẻ đang mù quáng yêu nhau mà có ai đó góp ý vào thì cái si mê của người kia nó sẽ hiện lên ngay và họ sẽ bênh vực cho việc yêu kia là đúng, kẻ khác mới là người sai. Lại cũng giống như người nghiện và say rượu. Khi say thì họ thấy chung quanh họ ai cũng là người say hết, chỉ có họ mới tỉnh mà thôi. Việc này do sự chấp trước mà ra. Nếu chúng ta biết rõ được mặt mũi của nó thì mình có thể khử trừ nó đi khỏi ngay nơi tâm mình. Ngược lại, nếu không làm chủ được mình thì tham, sân, si sẽ chính là chủ nhân của mình.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học có nghĩa là Đức Phật đã dạy chúng ta nhiều pháp môn để tu hành, cốt làm sao có thể thoát vòng sanh tử, tránh khỏi luân hồi. Đó là điều nên hành trì. So ra một công nương như con, sanh ra trong nhà quyền quý thì nên thọ trì Tứ Vô Lượng tâm là điều thích hợp nhất. Đó là: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm và Xả vô lượng tâm. Tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả là những tấm kiếng chiếu hậu, giúp ta kiểm soát được lòng mình khi nghĩ đến tha nhân, ta có thật như thế hay không? Hay chỉ là những hình ảnh khách sáo, nhằm trang sức bề ngoài cho một tiểu thư đài các, cành vàng lá ngọc như con?

Lòng từ ấy phải thể hiện ở tấm lòng như Phụ hoàng của con, thấy con cái của mình mùa đông được mặc áo lông cừu cho đỡ lạnh, còn những người không biết luật lệ, lỡ bị phạm tội nên bị giam cầm, khiến cho họ bị sự đói khát, lạnh lẽo giày vò, nên Điều Ngự Giác Hoàng đã sai người phụ cấp thêm chăn, nệm và cơm nuớc cho họ. Đó là lòng từ của một đấng quân vương. Hoặc giả khi đói khát, mất mùa, bịnh dịch v.v… phàm là một đấng quân vương thì phải nên lấy cái khổ của họ làm cái khổ của chính mình, cho mở kho chứa gạo thóc ra phát cho dân. Có như vậy dân chúng mới thương vua và đây chính là việc thể hiện lòng từ.

Bi cũng thế thôi. Bi đây là bi mẫn, quan hoài đến người khác, xem thân họ như thân của mình, cha mẹ của họ cũng như cha mẹ của mình và sự khó khăn của họ cũng là sự khó khăn của mình thì khi nước nhà tao loạn, họ sẽ nghĩ đến ơn vua, lộc nước mà ra sức phấn đấu để trả nợ cho non sông, cốt đền ơn cứu mạng khi họ bị lâm vào cảnh khốn cùng. Việc thể hiện lòng từ bi không nhất thiết cần phải là của cải hay tiền bạc, mà có thể chỉ là một nụ cười cởi mở, một hành động thân thiện gần gũi, cho họ lời an ủi khi gặp khốn khó trong cuộc sống, giúp họ một hướng nhìn đích thực về tương lai. Nếu có thể cho ai một cái gì đó thì nên cho, nhưng khi làm một việc gì liên quan đến người khác thì nên nhớ rằng “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn”, nghĩa là điều gì mình không muốn thì đừng làm với người khác.

Con đường chánh kiến sẽ dẫn đến giải thoát sanh tử, nếu chúng ta thực hành Bát Chánh Đạo một cách đúng đắn không sai lệch, không thiên vị với bất cứ người nào, được như vậy thì con đường vô thượng đó, chúng ta sẽ thành tựu một cách viên mãn. Chúng ta phải vui theo hạnh lành ấy mà hành trì, không có gì hối hận cả sau khi chúng ta làm được một việc phước đức. Dẫu chỉ là việc giúp cho một người say tỉnh rượu hay giúp cai nghiện cho một người nghiện ngập quanh năm, nhẫn đến việc cứu cho một Hoàng Đế khỏi sa vào địa ngục, tất cả đều bình đẳng và ta hoan hỷ để thực hành hạnh Bồ Tát ấy. Ngoài ra chúng ta phải xả bỏ hết tất cả những tự kỷ, bản ngã của mỗi người khi bố thí cho ai đó một điều gì. Nghĩa là xem việc giúp đỡ ấy là chuyện đương nhiên, chứ không cần người kia phải đáp đền lại thì mình mới cứu giúp. Người xưa thường nói rằng:

“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây phước để đời về sau”

Cây hạnh dầu có đẹp bao nhiêu đi chăng nữa, trải qua năm tháng sẽ già đi và chết. Còn phước đức hay phước báu khi đã thi ân thì ân ấy không bao giờ mất, nó sẽ còn mãi nơi thế gian này, đôi khi còn sanh sôi nảy nở ra nhiều hơn như thế nữa. Đó là ý nghĩa của việc làm mà không cần báo đáp. Làm cũng như không làm. Tuy không làm mà làm. Đó là tinh thần hỷ xả khi thực hành Bồ Tát hạnh vậy.

Cuối cùng là con đường đi đến quả vị Phật. Quả vị này là kết tinh của những việc làm trên của chúng ta. Nó không phải từ đâu đến, mà nó cũng chẳng phải đi về đâu cả. Nguyên thủy nó có đó, nhưng nó không hiển bày, vì lẽ chúng ta chưa đủ duyên. Nay Công chúa đã phát tâm quy y, thọ Bồ Tát giới thì nên nhớ như vậy mà hành trì. Đây là những lời Phật dạy, mà ta đã cố gắng tuyên bày.

Sau khi thọ giới Bồ Tát tại gia tại chùa Trấn Sơn ở Bắc Ninh với Quốc Sư Bảo Phác rồi, Huyền Trân Công chúa trở lại Phủ Thiên Trường với Pháp danh Hương Tràng và kể từ đây Pháp danh này được thay thế để gọi cho Huyền Trân Công chúa hay Hoàng hậu Paramecvari, vì tất cả đã trở thành dĩ vãng và bà muốn quên đi tất cả để tạo ra một nếp sống mới cho việc thực hành Bồ Tát hạnh này. Đầu tiên bà tập ăn chay mỗi tháng 6 ngày, sau đó lên 10 ngày và cuối cùng là ăn chay trường. Trong các Kinh điển Nam Truyền mà bà được nghe ở Chiêm Thành hay ở Phật Học Viện Đồng Dương thì bà hiểu rằng: Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài khuyên các Đệ tử, trong đó kể cả Vua Tần Bà Sa La, cha của A Xà Thế, khi ông bị giam vào trong ngục thất, mỗi tháng nên thọ 8 giới quan trai vào những ngày mồng 8, 23, 24, 30, rằm và mồng một. Tại sao những ngày ấy gọi là ngày trai giới? Vì những ngày ấy chư Thiên từ cõi Trời giáng trần để xem xét việc lành dữ của nhân gian, nên chữ Trai theo Phật giáo nguyên thủy nó có nghĩa là thanh tịnh, chứ không phải là chay tịnh như Phật giáo Đại Thừa hành trì. Vì đi khất thực, tín thí cúng dường bất cứ thứ gì, chư Tăng Ni đều nhận để dùng với tâm thanh tịnh, nên việc cúng dường ấy trở thành thanh tịnh.

Ngày mồng 8 và ngày 23 trong mỗi tháng là ngày các Thiên Sứ đi tuần hành trong nhân gian này. Ngày 14 và 30, nếu tháng thiếu thì 29, là những ngày mà hai vị Đông Cung Thái tử từ cõi trời đến nơi Ta Bà này để thăm viếng nhân gian. Còn ngày Rằm và ngày Mùng Một thì chính Vua cõi trời Đế Thích đích thân đi vào nhân gian để xem xét việc lành dữ. Do vậy những ngày này nên giữ gìn 8 giới cho thanh tịnh. Đây là luật của Đức Phật chế tự ngàn xưa và giới này người Phật tử tại gia tự thọ giới ở nhà cũng được chứ không nhất thiết ở chùa và cũng không cần Thầy truyền trao giới pháp cho mình, mà tự mình đúng ngày đúng giờ đến trước bàn Phật để tự nguyện thọ giới và sau 24 tiếng đồng hồ thì đến trước bàn Phật để xả giới. Trong trường hợp thọ giới ở chùa có chư Tăng, Ni truyền giới cho lại càng quý hơn nữa.

Đến khi Phật giáo được truyền qua Trung Hoa và Đại Việt thì tinh thần Phật giáo phát triển mạnh hơn về tư tưởng cũng như học thuật và bao trùm mọi sinh hoạt trong đời sống thường nhật của người Phật tử, nên từ đó Kinh điển cũng thăng hoa lên tầm mức cao hơn sự nhận thức bình thường ở các nước theo Phật giáo Nam Tông. Ví dụ như bên Nam Tông chỉ nghe về Tam Pháp Ấn, chứ ít nghe đến Tứ Pháp Ấn. Đó là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã, nhưng khi chạm đến Phật giáo Đại Thừa thì chư Tổ thêm vào phần “Không” nữa. Đó là Vô Thường, Khổ, Không và Vô Ngã. Thiết nghĩ những điểm căn bản này không đi sai lời Phật dạy mà còn làm sáng tỏ cho tánh Không của Đại Thừa, nên cứ thế mà tinh thần được phát triển rộng thêm lên cho cân xứng với vị thế của Trung Hoa thuở bấy giờ. Các nhà Đại Thừa chủ trương có cái gì đó phải vượt xa hẳn Đạo Khổng và Đạo Lão, nhưng không chống trái lại các Đạo này thì Phật giáo mới được vua quan chấp nhận một cách tự nhiên và dễ dàng, nên phương tiện được mở bày ở nhiều cửa là vậy.

Đến việc ăn chay cũng thế. Nguyên ủy ở Trung Hoa có câu nói mà ta thường nghe là: “Vật dưỡng nhơn, chứ nhơn không dưỡng vật.” Lý luận này chỉ đúng với những người có sức mạnh trong tay, họ ra sức chém giết những con vật nhỏ bé hơn con người để ăn nhậu say sưa cốt chỉ để thỏa mãn lòng dục, nhưng thật ra rất hại đến lòng Từ Bi, mà nguyên thủy ở Đạo Bà La Môn cũng chủ trương thuần túy chay tịnh chứ không sát sanh hại vật. Do vậy khi Phật giáo đến Trung Hoa cũng cần phải thay đổi quan điểm ăn chay này cao hơn một bậc nữa là không dùng đến thịt của chúng sanh, bất cứ là thịt gì. Nói chung là những vật biết sống và sợ chết khi bị giết. Những nhà Đại Thừa lý luận rằng: Những động vật răng bằng như con người, con bò, con ngựa v.v… thường chỉ ăn rau cỏ, chứ không ăn thịt; chỉ có những loài răng nhọn như hổ, báo, sư tử, cá sấu v.v… mới ăn thịt sống và những loại này có ruột non, lẫn ruột già rất ngắn; trong khi đó những động vật có ruột già và ruột non dài thường chỉ ăn rau quả, chứ không ăn thịt sống được, trong đó có cả con người. Thế nhưng con người lại quỷ quyệt hơn, tìm đủ mọi cách như chiên, xào, nấu, nướng làm cho thịt kia chín đi mới ăn được. Vì vậy con người có thể nói là một sinh vật mưu mô quỷ quyệt nhất. Các nhà Đại Thừa của Trung Quốc chủ trương lấy tình thương để giúp đỡ cho nhân loại, nên tinh thần Bồ Tát Đạo được thể hiện qua việc ăn chay kỳ hay ăn chay trường và tại Đại Việt chúng ta thuở bấy giờ cũng ảnh hưởng việc này không ít. Đặc biệt Thiền Phái Trúc Lâm đời Nhà Trần cũng thể hiện tinh thần ấy và được truyền thừa qua các vị Tổ như sau:

Đạo Viên, Thông Thiền, Nhật Thiển, Tức Lự
Chí Nhàn, Ứng Thuận, Tiêu Dao
Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông
Trần Nhân Tông, Thạch Kim
Pháp Loa, Hương Sơn, Pháp Cổ
Huyền Quang, Cảnh Huy, Quế Đường …

Hương Tràng nữ cư sĩ sau gần một năm ăn chay kỳ và Thọ Giới Bồ Tát và Bát Quan Trai hằng tháng 6 ngày, bà bắt đầu phát tâm ăn chay trường, bởi mỗi khi tụng Bồ Tát giới vào ngày Rằm hay Mồng Một, bà thấy giới thứ 20 là giới không sát sanh có đoạn dạy như thế này:

“Nếu là Phật tử, vì tâm từ bi mà nên làm việc phóng sanh. Vì tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhơn là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng chính là giết người thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường xuyên phóng sanh và khuyên bảo người làm. Nếu thấy người đời sát sanh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ! Thường đem giới Bồ Tát giảng dạy để cứu độ chúng sanh.

Nếu ngày cha mẹ hay anh em chết, nên thỉnh Pháp Sư giảng kinh luật Bồ Tát giới. Người chết nhờ được phước đức ấy, hoặc được vãng sanh Tịnh Độ ra mắt chư Phật, hay thác sanh trong cõi trời, cõi người. Nếu không làm các điều trên đây, Phật tử này phạm vào tội nhẹ.”

Khi đọc đến giới này Hương Tràng nữ cư sĩ tự nhiên phát tâm ăn chay trường để hồi hướng cho chồng mình, cha mình và cho bao nhiêu người thân quen hai bên nội ngoại nữa. Ngày xưa khi còn là Công chúa hay Hoàng hậu thì mỗi ngày, mỗi bữa bà đều được cung phụng đủ món ngon vật lạ, nào nem công chả phượng, sơn hào, hải vị, nhưng nào có ngon chi; còn bây giờ chỉ tương, chao, dưa muối, đậu phộng, bánh cuốn v.v… thế mà ngon đáo để. Bà nhìn Quốc Sư Bảo Phác thấy rằng Ngài đâu có thua kém ai, so với những người ăn thịt chúng sanh. Thân Ngài to lớn trang nghiêm, dáng đi oai vệ, trí tuệ tuyệt vời, nên Vua Anh Tông mới thỉnh Ngài làm Quốc Sư và cố vấn việc triều chính. Tâm từ của Ngài lan tỏa khắp trong nhân gian ai ai cũng rõ, mà Ngài đâu có dùng thịt chúng sanh, chỉ dùng toàn là tương chao đạm bạc. Cho hay cái ăn nó không quan trọng bằng cách tiêu thụ thức ăn đó. Người có lòng từ bi, khi ăn chay xong rồi, không lo nghĩ gì cả. Với thức ăn dễ tiêu, không có mỡ nhiều, bộ tiêu hóa làm việc nhanh chóng và dễ dàng hơn. Còn thịt ngon, vật lạ dầu xông hương ướp xạ gì gì đi nữa thì mùi vị vẫn tanh hôi, khi ăn qua khỏi cổ thì nó sẽ hành hạ bao tử suốt đêm không ngủ được, vì lẽ chất béo, mỡ khó tiêu và mãi cho đến ngày hôm sau vẫn còn khó chịu. Trong khi đó chay tịnh lại không phải lo về những vấn đề này.

Khi nghĩ đến ăn thịt chúng sanh tức là ăn thịt của mình hay ăn thịt của cha mẹ mình thì Hương Tràng nữ cư sĩ rùng mình. Đó chính là luân hồi sanh tử. Nếu ta thương thân xác của ta như thế này thì tại sao ta phanh thây xẻ thịt những chúng sanh khác để đáp ứng cho nhu cầu khoái khẩu của mình mà chẳng nghĩ đến cái đau của kẻ khác khi bị cắt cổ, nhổ lông cũng là cái đau của mình hay của cha mẹ mình thì chắc rằng không ai dám ăn thịt cả. Vì lẽ không có những thiện hữu tri thức ở gần kề nhắc nhở khuyên lơn nên mới bị phạm vào tội trực hay gián tiếp sát hại này. Từ miếng ăn ngon cho đến sắc đẹp, hương thơm, cảm xúc v.v… nó chỉ là những sự cảm thọ của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà thôi! Nó không là gì cả. Nếu ta nghe lời dạy của Ngài Nagajuna, Tổ của phái Trung Quán, người Ấn Độ nói thì chúng ta sẽ cảm nhận được điều ấy ngay. Rằng: “Tất cả những cơn dục của thế gian này đều giống như những cơn ngứa. Nếu ta gãi thì nó càng ngứa. Tốt nhất là đừng gãi.” Đừng gãi như thế nào thì mỗi người trong chúng ta phải tự chiêm nghiệm và thực hành lấy. Dĩ nhiên là mỗi người sẽ có cách chặn đứng những cơn dục ấy bằng nhiều cách khác nhau, không ai giống ai cả.

Bây giờ Hương Tràng nữ cư sĩ tập trung vào những việc như sau: Đó là phóng sanh vào những ngày Thọ Bát Quan Trai và làm từ thiện giúp cho những người nghèo khó, cơ nhỡ. Về việc phóng sanh thì ở đây không khó lắm, vì các làng lân cận ở gần phủ Thiên Trường họ đều làm nghề nông và nghề chài lưới nên việc mua bán những chúng sanh còn sống như chim, cá, cua, sò, ốc, hến vào những ngày sóc vọng sẽ do các tỳ nữ lo giúp, Hương Tràng chỉ thỉnh một vài Thầy hoặc quý Sư Cô ở những chùa trong kinh thành đọc kinh phóng sanh trước khi trả chúng lại với thiên nhiên mà thôi. Cho nên việc phóng sanh động vật theo tinh thần Bồ Tát giới bà đã thể hiện rất chu đáo và kết quả thật rõ ràng. Ngoài ra Hương Tràng nữ cư sĩ còn đi thăm những nhà tù đang giam giữ những người lỡ phạm tội như trộm cướp, giết người v.v… Khi vào trong những lao ngục như vậy bà thường hay đem Tam Quy, Ngũ Giới hay Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh ra giảng giải cho họ nghe. Vì lẽ họ nghèo khổ quá, nên mới lỡ phạm tội và nếu những tội nhân nào biết bỏ ác theo thiện quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới cấm thì bà tâu lên với Vua để xin được giảm án, thâu ngắn thời gian ở tù, để được về đoàn tụ với gia đình và sửa đổi cách sống cho phù hợp với nếp sống của một người dân lương thiện. Ví dụ như người nào phạm vào việc giết người, đâm thuê, chém mướn thì bà giảng về giới không sát sanh và sự lợi ích cũng như tai hại khi liên quan đến việc sát sanh như thế nào. Người nào phạm về tội trộm cướp hay đào tường khoét vách và đang bị tù tội nơi này thì bà giảng cho họ nghe về lợi ích của sự bố thí như thế nào. Người nào phạm vào giới tà dâm, đã có vợ nhà rồi, mà còn đi thông đồng với vợ của người khác, làm cho gia cang bị chia lìa, nghi ngờ lẫn nhau, cả nam lẫn nữ bà đều giảng cho họ nghe sự đoan chánh, tiết hạnh là như thế nào. Kẻ nào nói dối, gạt vua quan trốn thuế, dối đò mà bị tù tội thì bà khuyên họ nên nói lời nói chánh đáng không thêu dệt và bôi nhọ ai, cốt làm cho được phần mình và quên việc của người khác là điều không nên. Kẻ nào phạm tội uống rượu, cờ bạc và liên hệ với những hình sự khác mà đang phải rơi vào những chốn lao tù như thế này thì bà khuyên họ nên cai nghiện và sớm từ bỏ những chất say để cho chính bản thân mình có đầy đủ trí tuệ, không bị sai sử bởi những chất kích thích. Tựu trung những điều như thế, cũng là những việc đem cho, mà bà đã thực hiện được trong hơn một năm sau khi bà thọ Bồ Tát giới tại gia với Quốc Sư Bảo Phác, tại chùa Trấn Sơn vào năm 1309 vừa qua.

Kinh thành Thăng Long của Nhà Lý được xây dựng từ năm 1010, kể từ khi Lý Thái Tổ lên ngôi và mãi đến năm 1049 vua Lý Thái Tông cho xây dựng chùa Diên Hựu, sau này gọi là Liên Hoa Đài hay Nhất Trụ Tháp. Đây là ngôi chùa tiêu biểu của cung thành Thăng Long lúc bấy giờ và khi Nhà Lý mất ngôi vào năm 1222 và mãi đến năm 1226 triều Trần mới chính thức chấp chính. Trong thời gian gần 200 năm ấy kinh đô này thật là tráng lệ; ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Ngày lẫn đêm khắp chốn kinh kỳ này đều có bóng dáng của giai nhân tài tử, của tao nhân mặc khách, của quan lại triều đình, của lính tráng, của những người buôn thúng bán bưng. Ai ai cũng chú mục vào ngành nghề của mình để làm ăn sinh sống.

Cho đến thời của Hương Tràng nữ cư sĩ vào năm 1309, 1310 cũng đã gần 300 năm như thế, chốn kinh thành này vẫn sinh hoạt như xưa, nhưng giờ này người nghèo khổ ở đâu nhiều quá, họ tập trung lên kinh thành để xin ăn. Dân chúng chủ yếu làm nghề nông, lúa gạo là nông sản chính, nhưng nhà nông bỏ thôn quê lên thành thị để xin ăn thì điều ấy chứng tỏ rằng đất đai ở đó bị mất mùa, nên mới ra nông nỗi ấy. Vì vậy bà đã tâu lên Hoàng huynh của mình là Vua Anh Tông, xin Vua cho mở kho của quốc gia ra để cứu đói, nếu không thì kinh thành Thăng Long này sẽ bị loạn, do cảnh đói khát chết chóc gây nên. Vua Anh Tông sau khi nghe xong rất động lòng và cho quan giữ kho cấp ngay cho bà một số giạ gạo cần thiết để cứu đói cho dân nghèo. Còn các quan trong triều sẽ thực hiện theo mệnh lệnh của triều đình. Bây giờ bà mới thấy cái lợi vì được sinh ra trong cung cấm. Nếu không phải bà là em ruột của đương kim Hoàng thượng thì tiếng kêu kia làm sao có thể đến tai vua một cách nhanh chóng như vậy được. Có lẽ đây cũng là một điều quan trọng, theo bà nghĩ. Tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại chọn sanh vào trong cung vua của dòng họ Thích? Nếu Đức Phật thị hiện vào một nhà dân giả nào đó thì việc làm và lời nói của Ngài đâu có ai dễ tin được, cho nên Ngài thị hiện vào chốn uy quyền như thế để độ cho những kẻ đang nắm quyền hành sớm bỏ ác làm lành và quay về nẻo thiện.

Từ thời Nhà Lý cũng đã có Ni Sư Diệu Nhân xuất thế. Bà là Lý Ngọc Kiều, con gái của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung (con vua Lý Thái Tông). Thuở nhỏ bà được vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên được phong làm Công chúa. Khoảng năm 1058 bà được gả lấy chồng, nhưng sau khi chồng mất bà thủ tiết thờ chồng không chịu tái giá. Một hôm bà than rằng: Ta xem các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì là những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được sao? Sau đó bà đem cho hết đồ trang sức, đến xin xuất gia và thọ Bồ Tát giới với Thiền sư Chân Không ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Theo thỉnh nguyện của bà, Thiền sư cho bà xuất gia tại Ni Viện Hương Hải làng Phù Đổng và cho bà Pháp danh là Diệu Nhân. Đến năm 1113, Ni Sư 72 tuổi, thấy thân thể khiếm an, nên gọi Ni chúng lại đọc bài kệ rồi an nhiên thị tịch. Kệ rằng:

Sanh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải phọc thiêm triền
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu Thiền
Thiền Phật bất cầu
Đỗ khấu vô nghiên (ngôn)

Nghĩa:

Sanh, già, bệnh, chết
Từ xưa vốn vậy
Muốn cầu ra khỏi
Cởi bỏ trói buộc
Mê mới tìm Phật
Lầm mới cầu Thiền
Thiền Phật chẳng cầu
Ngậm miệng không nói

Khi đọc đến hai câu của Ni Sư Diệu Nhân về mê và lầm. Hương Tràng nữ cư sĩ liền ngộ được tâm này vốn là giả tướng. Nó lại trùng hợp với lời nói của Ông cậu Tuệ Trung Thượng Sĩ là: “Phật không phải là Anh, Anh không phải là Phật; Phật không muốn thành Anh, Anh không muốn thành Phật. Em không nghe nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?” Đây là lời đối đáp giữa ông cậu Tuệ Trung với Mẹ nàng tại Phủ Thiên Trường một hôm trong bàn tiệc mà Hương Tràng nữ cư sĩ đã nghe được, nhưng lúc đó nàng chẳng hiểu gì cả. Nay ở tuổi 22 rồi, nàng đã ngộ được bài kệ của Ni Sư Diệu Nhân và quyết tâm theo đuổi tiếp tục hạnh nguyện của mình. Nàng tự hỏi rằng: Tại sao những người đi trước ta làm được, mà ta không làm được? Ví như Ni Sư Diệu Nhân đây cũng là cành vàng lá ngọc, con cháu của vua quan, gọi Ngài Lý Thái Tổ là ông Nội cũng đâu có khác ta là mấy khi gọi Tuệ Trung Thượng Sĩ là Ông cậu ruột và Ông cố nội là Đức Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông của một thời oanh liệt xa xưa. Tại sao ta không là Công chúa Da Du Đà La mạnh dạn bỏ đi tất cả vàng vòng xuyến ngọc để theo bà Ma ha Ba Xà Ba Đề đến thành Tỳ Xá Ly bằng đôi chân trần để cầu Phật ban cho người nữ xuất gia? Và từ đó đến nay hơn cả 2.000 năm rồi đã có không biết bao nhiêu người nữa rời gia đình nhỏ hẹp của mình đi vào Chùa hay Tu Viện học đòi chí trượng phu để trở thành những kẻ giải thoát sanh tử, không bị trói buộc bởi luyến ái gia đình, trở thành những vị A La Hán hay Bồ Tát hiện sinh?

Ta nghĩ rằng Phụ Vương ta rất có lý khi bảo rằng: “Đối cảnh vô tâm hỏi chi Thiền”, nên ta giờ này trở đi phát nguyện sẽ xuất gia đầu Phật sau khi đã suy nghĩ kỹ càng về chuyện sanh tử của đời mình cũng như mục đích của sự xuất gia mà Phụ hoàng của ta và Ni Sư Diệu Nhân đã truyền đạt lại.

Khâm Từ Hoàng hậu trầm ngâm một lúc và hỏi Hương Tràng rằng:

- Chắc con đã rõ việc quy y Tam Bảo và việc thế phát xuất gia đấy chứ?

- Thưa Mẹ! Con đã rõ. Quy Y Tam Bảo tức là trở về nương tựa với ba ngôi báu. Đó là Phật, Pháp và Tăng và thệ nguyện giữ tròn 5 giới cấm của Phật chế. Còn thế phát xuất gia là cạo tóc và nguyện ra khỏi nhà thế tục này để trở thành một Tăng Sĩ hay một Ni Cô. Do vậy quy y nó không có nghĩa là cắt tóc đi tu. Lại nữa, cái nhà mà chúng ta đang ở nó phiền não mọi điều, vì vậy Đức Phật khuyên chúng ta nên xa rời ngôi nhà đó và cuối cùng là ra khỏi ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới để được giải thoát sanh tử thì gọi đó là người xuất gia.

- Thế mà lâu nay mẹ nghĩ rằng quy y là thế phát như nhiều người nghĩ. Vậy Hương Tràng, con gái của Mẹ muốn quy y hay thế phát?

- Mẹ quên rồi sao? Khi Phụ thân con còn sống, vào đầu năm 1309 sau khi từ Chiêm Quốc về, con đã xin quy y và thọ Bồ Tát Giới với Ngài Quốc Sư Bảo Phác và Ngài cho con Pháp danh là Hương Tràng đó mà?

- À! Mẹ lớn tuổi rồi nên hay quên, chứ Mẹ vẫn thường gọi con là Hương Tràng thay cho tên Huyền Trân lâu nay rồi mà. Như vậy có nghĩa là con đã quyết?

- Thưa Mẹ! Như ý của con đã có lần thưa với Mẹ và Hoàng huynh, bây giờ con đã 23 tuổi rồi, được sinh ra trong một gia đình quyền quý bậc nhất ở chốn đế kinh này, phải đi lấy chồng xa xứ và mang lại cho Đại Việt này Châu Ô, Châu Lý ở phía Nam làm cho bờ cõi cũng như giang sơn gấm vóc của Phụ Vương ngày càng rộng mở. Rồi chồng chết, xa lìa con thơ, sau đó trở về lại cố quốc. Con còn nỗi đau nào hơn nữa để diễn tả cho trọn đạo vợ chồng, mẹ con đây? Lại thêm một cái tang của cha, là một vị vua, một vị hoàng đế đã vào sanh ra tử chống quân Nguyên Mông, sau khi thắng trận, cha con cũng đã xuất gia đầu Phật, rồi ông cũng ra đi ở tuổi 51. Còn con, bao nhiêu tai ương dồn dập như vậy, con đã thấm thía lời Phật dạy rồi. Cuộc đời này vốn vô thường, không có cái gì chắc thật cả, ngay tấm thân này. Như anh con đó, là một bậc minh quân, kế thừa nghiệp đế, nhưng nào có yên, ngồi trên Ngai vàng giống như ngồi trên đống lửa. Hôm nay lo Chế Chí ở Nam phương đem binh lính sang chinh phạt, ngày mai lo trừ loạn ở Bắc phương, rồi giặc giã, cướp bóc, đói khổ v.v… không biết bao nhiêu là chuyện phải giải quyết, nào có vui chi. Với con đã đủ tất cả rồi. Xin Mẫu hậu hãy hiểu cho lòng con.

- Người ta nói “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn.” Vậy con đi xuất gia với ai và ai là Thầy của con?

- Một thị nữ trước đây đã quy y cùng con, nay nàng ấy cũng muốn đi xuất gia để hầu cận giúp đỡ con trong những lúc cần và con cũng xin Quốc Sư Bảo Phác chứng minh cho con xuất gia, như lúc con thọ Bồ Tát giới vậy.

- Nhưng tại sao tại Phủ Thiên Trường này không đủ sức hấp dẫn để làm cho con sung sướng hay sao mà con phải tìm nơi yên tĩnh như vậy để tu hành. Vậy niềm vui của người xuất gia là gì vậy?

- Thưa Mẹ! Đó là: “Độc cư, nhàn cảnh.”

- Độc cư nhàn cảnh thì ở đây cũng có thể thực hiện được vậy.

- Con sẽ đến Hồ Sơn, huyện Thiên Bản, nơi chùa Nộn Sơn để xin thế phát xuất gia, thưa Mẹ. Độc cư có nghĩa là ở yên một mình, chỉ lo thiền định và tư duy lời Phật dạy, còn ở đây làm sao ở một mình được? Suốt ngày bận rộn với không biết bao nhiêu việc thị phi. Còn nhàn cảnh tức là tâm mình không bị trói buộc vào đâu cả. Đó là sự giải thoát trong hiện thế.

- Có lẽ là vậy nên triều Trần này từ bên trên là Đức Thái Tổ, rồi đến Ông cậu con và phụ hoàng con đều đã chọn con đường này để đi, Mẹ không vì lý do gì mà ngăn cản con cả.

- Con xin tạ ân Mẫu hậu.

Và rồi ngày mồng 8 tháng 2 năm 1311, vào một buổi sáng tinh sương, sau thời công phu khuya trì tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm, Ngài Bảo Phác đã được cung thỉnh lên Hậu Tổ rồi Chánh điện chùa Nộn Sơn để trao truyền quy giới của người xuất gia cho Hương Tràng nữ cư sĩ.

Hương Tràng chọn ngày này và đã được Quốc Sư Bảo Phác đồng ý, vì ngày ấy là ngày xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa và cũng là ngày xuất gia của Điều Ngự Giác Hoàng nữa, nên nàng chọn ngày này cũng hữu lý thôi. Trời hôm đó đã vào Xuân nên cảnh vật cũng đượm một màu xanh biếc. Thỉnh thoảng dọc đường có những cành hoa dại không tên nhiều màu sắc đang nở rộ, như khoe sắc thắm để đón nàng Công chúa đã một thời là Hoàng hậu, sẽ giã từ tất cả để trở thành một người xuất gia thật sự. Tâm tư của Hương Tràng giờ đây rỗng rang như chưa hề có một sự kiện gì đã xảy ra cho nàng trước đây cả. Đúng là những gì của dĩ vãng nên trả về cho dĩ vãng. Nàng cảm thấy lòng lâng lâng khi cùng với các tỳ nữ tiến dần vào Phật điện của chùa Nộn Sơn hay cũng còn gọi là Quảng Nghiêm tự tại Nam Định ngày ấy. Không gian của chùa như trầm lắng lại và hình như cảnh vật ở đây cũng đang lặng yên để chào đón một nữ hoàng của muôn loại đến ra mắt Thế Tôn và Quốc Sư Bảo Phác.

Hôm đó Hương Tràng mặc chiếc áo dài màu nâu, đầu chít khăn mỏ quạ, theo sau không binh hùng tướng dũng như khi còn là Hoàng hậu của Chiêm Quốc, mà bây giờ phía sau nàng toàn là những người hiểu đạo, muốn đến đây để học hỏi giáo lý nhiệm mầu của Đức Thế Tôn qua sự thí pháp của Quốc Sư Bảo Phác.

Trên bàn thờ hương án trước tượng Đức Thế Tôn hôm đó có bày biện một cái khay, trong đó có để một cái kéo, một con dao, một ly nước lạnh bên trong có để một cành hoa. Đây là những đồ dùng cần thiết cho bất cứ một lễ thế phát nào của cả nam hay nữ cư sĩ muốn xuất gia đầu Phật. Mặc dầu Hương Tràng là con vua, nhưng Ngài Bảo Phác là Thầy của vua, nên được gọi là Quốc Sư, là vị thế của một bậc Đường Thượng nơi chốn Già Lam lẫn triều đình bá quan văn võ. Ngài từ tốn hỏi han và khuyến tấn như sau.

- Chắc là con đã chuẩn bị xong tất cả?

- Bạch Ngài! Thực sự ra con đã chuẩn bị từ lâu rồi, nhưng nhân duyên chưa thuận tiện, nay thì Mẫu hậu và Hoàng huynh của con đã thuận ý, nên con thân hành đến đây để kính mong Ngài cho con thế phát xuất gia cùng với một tỳ nữ nữa. Kính mong Ngài hoan hỷ hứa khả cho.

- A Di Đà Phật! Cửa Phật từ bi mở rộng để đón tiếp mọi người muốn quay về bờ giác. Nay Hương Tràng đã chay trường suốt mấy năm và cũng đã thọ Bồ Tát giới tại gia rồi và điểm cuối là muốn về xuất gia, nương tựa cửa Phật cho đến trọn đời, thì ấy hẳn là rất quý giá. Tiện đây điểm qua vài nét lịch sử của Phật giáo Đại Việt chúng ta để con và mọi người được rõ.

Kể từ khi Phật giáo được du nhập vào Giao Chỉ rồi Đại Việt này cho đến nay cũng đã hơn 1.500 năm rồi, có khi lên đến gần 2.000 năm cũng có. Vì lẽ những sử liệu từ xưa đến nay ghi chép lại các sự kiện kể cả thời Đức Phật cũng không rõ ràng, cho nên Phật giáo ở nước ta cũng không phải ngoại lệ. Có nhiều sử gia Phật giáo cho rằng Ngài Khương Tăng Hội sinh ra và xuất gia tại Giao Chỉ năm nào không biết, nhưng ông viên tịch vào năm 280, như vậy là vào cuối thế kỷ thứ 3 đã có Phật giáo và chư Tăng hành hóa tại nơi đây rồi. Vào năm 247 ông đã đến Kiến Nghiệp thuộc nước Ngô bên Trung Quốc và được Ngô Tôn Quyền tôn làm Thầy hay nói đúng hơn là Quốc Sư của nước Ngô. Như vậy cũng là một điều hãnh diện cho Giao Chỉ của chúng ta lắm đấy chứ? Nhưng sau này có một số nhà sử học lại cho rằng trong công cuộc kháng quân Đông Hán của Bà Trưng vào năm 43, thì đạo Phật đã có mặt tại Giao Châu này rồi. Một điều ít ai quan tâm và đề cập đến trong sách vở xưa nay là trong hàng tướng tá và binh sĩ của Hai Bà lúc ấy có rất nhiều Ni Cô đã tòng quân chinh chiến, chống lại kẻ xâm lăng miền Bắc. Cho hay việc “thay đổi áo nhà tu, mặc chiến bào” đã có tự ngàn xưa khi quê hương chúng ta không an bình, khi nào giặc giã yên ổn đâu đó, các vị trở lại con đường tu tập như trước. Và sau này thì cũng có một số sử gia cho rằng: Đạo Phật đã được truyền vào Đại Việt của chúng ta từ thời Hùng Vương thứ 18 mà hai người Phật tử đầu tiên theo Đạo Phật đó là Chữ Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung. Như vậy Đạo Phật đã có mặt tại Giao Châu này từ thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch; nghĩa là chỉ sau thời Vua A Dục ở Ấn Độ không bao lâu là Đạo Phật đã có mặt tại đất nước Giao Chỉ này rồi.

Sau khi hai Bà Trưng tự vận nơi Hát Giang, đất nước chúng ta bị rơi vào vòng Bắc thuộc lần thứ nhất gần cả một ngàn năm như vậy và trong thời gian này những người như Mai Thúc Loan, Mai Hắc Đế nổi dậy chống kẻ thù phương Bắc trong thế kỷ 8 cũng đã có sự góp sức của Phật giáo không nhỏ. Năm 938 Ngô Quyền chính thức thắng quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng và xưng vương, mở ra một thời kỳ tự chủ cho Đại Việt. Kể từ nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Lê rồi Nhà Lý và nay đến Trần, không có triều đại nào là không có sự đóng góp của Phật giáo cho lúc hưng thịnh cũng như khi đất nước bị ngoại xâm, đã hợp lực cùng quan quân để dẹp giặc, cho nên năm 981 vua Lê Đại Hành mới phong cho Khuông Việt làm Thái Sư cho cả nước. Kế tiếp đến triều Lý thì vua Lý Công Uẩn xuất thân từ cửa chùa, được nhà Sư Lý Khánh Vân dạy dỗ và là con nuôi của Thiền sư Vạn Hạnh. Như vậy chúng ta chẳng xấu mặt chút nào, khi kể chuyện lịch sử này cho con cháu ngày sau nghe lại về những việc làm của cha ông chúng ta khi còn sinh sống trên dải đất này.

Đến cuối thời Lý thì Lý Huệ Tông cũng đã xuất gia có đạo hiệu là Huệ Quang Thiền Sư. Trần Thủ Độ, mặc dầu có công với Triều Trần của chúng ta, nhưng cũng đã dùng nhiều thủ đoạn độc ác, khiến cho Huệ Quang Thiền sư tu hành cũng chẳng được yên ổn tại Chùa Chân Giáo, mà qua những thủ đoạn của Trần Thủ Độ khiến cho ông phải tự chọn cái chết để yên thân. Kế tiếp là Ông cố của con, Đức Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông cũng đã xuất gia, rồi Thân phụ của con, Đức Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông cũng vậy. Nếu cho cung vua là tuyệt đối giàu sang vinh hiển thì các vị này đã hưởng thụ tất cả những phú quý vinh hoa rồi. Vậy ở Đạo Phật có cái gì đó đặc biệt mà khiến cho họ phải từ bỏ ngai vàng, quyền thế để vào núi tu hành? Nếu Phật giáo không có một cái gì nổi bật thì những vị vua, Thái tử, hoàng hậu, công chúa như con đây ở đất nước Đại Việt mình phải vào chùa để làm gì? Ngay như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy, Ngài xuất thân là một hoàng tử mà Ngài đã từ bỏ vương vị này để đi xuất gia, chỉ cầu thoát ly sanh tử, vượt qua khỏi sự sống chết lầm than. Cho nên hôm nay Hương Tràng cũng đến đây, mang nguyện vọng làm Bồ Tát, làm Phật thì ta không có lý do gì mà không cho phép con xuống tóc xuất gia cả.

- Mô Phật! Con xin vâng và thâm tạ Ngài. Ngài đúng là một vị Quốc Sư của Đại Việt và Ngài tinh thông lịch sử Đại Việt qua bao nhiêu thời đại như vậy, nên vua chúa đã phong cho Ngài chức này quả rất là xứng đáng.

Đoạn một thị giả mang khay lễ đến trước mặt Ngài rồi quỳ xuống và Ngài lấy nhành bông để sẵn trong ly nuớc, thấm nước rải 3 lần lên đầu Hương Tràng và đọc kệ rằng:

“Hủy hình thủ khí tiết
Cát ái từ sở thân
Xuất gia hoằng Thánh đạo
Thệ độ nhất thiết nhân…”

Mái tóc xanh từ từ rụng xuống dưới lưỡi dao sắc bén của Quốc Sư khi chạm đến đầu nàng. Cứ thế và cứ thế từng mảng tóc rơi lên trên nền nhà, khiến cho những tỳ nữ theo hầu hôm đó cũng tỏ ý tiếc nuối một thời khi nàng còn làm công chúa và hoàng hậu, thế mà bây giờ đã trở thành quá khứ rồi.

Nàng đảnh lễ Quốc Sư Bảo Phác và trở lại liêu phòng an nghỉ cùng với những nữ tỳ theo hầu. Những ngày sau đó Hương Tràng bắt đầu học Kinh Lăng Nghiêm, Di Đà, Phổ Môn, Bát Nhã và học luật để chuẩn bị cho những kỳ thọ giới Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na và Tỳ Kheo Ni giới. Khi học đến bài Văn Cảnh Sách, Hương Tràng thấm thía không biết bao nhiêu là ý nghĩa trong cuộc sống thế trần cũng như sự thanh thoát của một người xuất gia học đạo. Đó là:

“Do nghiệp lực trói buộc mà có thân này, không khỏi bao điều khổ lụy. Thân thể từ cha mẹ sinh ra, vốn thật chỉ là giả hợp các duyên. Dù là nương nơi bốn đại mà tồn tại, nhưng bốn đại ấy chẳng lúc nào là không xung khắc.”

Chỉ học một đoạn vào Văn Cảnh Sách này thôi Hương Tràng đã thấy thấm thía lắm rồi. Rõ ràng là như vậy, chúng ta sanh tử nhiều đời, trôi lăn trong muôn vạn nẻo là do nghiệp lực trói buộc mà ta thành người hay những động vật khác. Rõ ràng là có thân phải chịu khổ; giống như thân ta với muôn dặm gió sương, giờ đây được nương nơi cửa Phật, quả là một điều hữu phước hữu duyên. Thân này do cha mẹ ta sinh ra, nhưng nó thật ra chỉ là sự giả hợp của các duyên mà thành tựu. Đó là đất, nước, gió và lửa. Khi thuận thì nó hợp, khi nghịch thì nó tan. Tan hợp, hợp tan vốn là sự vô thường của tạo hóa lâu nay vậy. Các duyên này không phải lúc nào cũng thuận, mà chúng luôn luôn xung khắc để tồn tại và để di chuyển thay đổi.

“Vô thường già chết không hề hẹn trước. Sớm còn tối mất, thoắt chốc đã sang đời khác; như sương, như móc, thoạt có thoạt không; như cây ven bờ vực, như dây leo vách giếng, có chi bền chắc?”

Đến đoạn này thì Hương Tràng phải bị chinh phục ngay khi nghĩ đến thân phận của mình vốn là cành vàng lá ngọc, là công chúa, là hoàng hậu đã vang bóng một thời nhưng nay lại là một ni cô. Đó chỉ là sự vô thường thôi. Sự chết sẽ đến với mọi người và cái chết này nó không chờ đợi hay hẹn giờ ra đi, ngay cả với nàng rồi cũng vậy. Đời này đâu có gì vui, có nhiều người tối lên giường ngủ, đến sáng hôm sau không còn khả năng để xỏ chân vào đôi dép ngày hôm qua để đi tiếp cuộc đăng trình, cho nên không phải do vô thường đã ngự trị là gì? Nó giống như giọt sương mai dưới ánh thái dương, thoạt trông rất đẹp, nhưng khi mặt trời tỏa rạng thì giọt sương kia cũng tan biến theo hơi nóng ấy rồi. Chẳng khác nào như cây mọc rễ bên miệng giếng hay bên bờ vực sâu, làm sao bám vào đất được? Như vậy ở đây sự thực là gì? Tất cả những việc này tự mình không thể làm chủ mình được. Thế nên Phật gọi đây là vô thường.

“Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, chỉ trong chớp mắt trút hơi thở đã qua kiếp khác. Sao lại có thể yên lòng mà bỏ phí cuộc đời trôi qua vô ích?”

Hỏi tức là cũng tự trả lời cho chính mình vậy. Tại sao chúng ta đã biết được rằng cuộc đời này nó không thật như vậy, mà chúng ta không dám buông bỏ? Lại cứ đeo đuổi theo nó mãi để làm gì? Vì sự thay đổi ấy nó xảy ra trong từng ý niệm, nhanh lắm, chẳng phải trong một phút, một giờ, một ngày, mà ngay trong từng suy nghĩ của chúng ta, đã có sự thay đổi rồi. Khi hơi thở này không còn nữa, tức là chấm dứt một sự sống và thần thức này sẽ nương vào một thân thể khác để đầu thai, tồn tại ở dạng Trung Ấm Thân trong vòng 49 ngày, sau đó nếu không đi đầu thai được, tâm thức kia sẽ trở thành cô hồn và lưu lạc khắp nơi để giúp đỡ hoặc phá hoại kẻ khác. Đã hiểu như vậy thì chúng ta không thể bỏ phí cuộc đời này, mà chúng ta hãy mau tỉnh thức, nếu không thì sẽ không còn kịp nữa.

“Làm người xuất gia, chẳng thể dâng cho cha mẹ miếng ăn ngon ngọt, cho đến quyến thuộc cũng đều dứt bỏ. Không lo việc nước, cũng chẳng kế tục việc nhà, xa lìa xóm giềng thân tộc, xuống tóc theo Thầy học đạo. Vậy nên trong lòng phải biết chuyên cần sớm tối công phu, ngoài học lấy đức hiền hòa không tranh chấp, xa lánh chốn thế tục, một lòng cầu giải thoát.”

Bài văn này thật dài lại thật hay, cho nên gọi đây là bài văn cảnh tỉnh. Nó chưa chấm dứt ở đây, nhưng với Hương Tràng là quá đủ để bắt đầu cho một sự nghiệp mới vậy. Đó là khi đã xuất gia rồi thì ta không thể dâng cơm hầu nước trực tiếp cho cha mẹ ta được nữa, mà dẫu có muốn đi nữa, khi cha mẹ không còn tại tiền nơi trần thế này thì ta cũng chẳng biết làm sao! Còn bà con quyến thuộc, ta phải dứt bỏ xa lìa. Dây ái và dây ân sao mà nó oan nghiệt quá! Nó trói buộc chúng ta từ bao thời nay, nên chúng ta phải tự cởi trói ra, để chúng ta có thể thảnh thơi trong cõi luân hồi này. Bây giờ việc nước, người xuất gia cũng chẳng phải bận tâm, vì đã có những người khác làm nghĩa vụ thay thế cho mình. Cho đến khi nào đất nước cần, ta mới ứng phó, còn bây giờ ngay cả việc nhà cửa của cha mẹ, anh em và sự nối dõi dòng giống v.v… người xuất gia cũng chẳng phải bận lòng? Đây không phải là sự giải thoát trong hiện thế là gì? Nếu chúng ta người xuất gia không chịu rõ biết việc này. Ta đã quyết chí xuống tóc xuất gia như hôm nay, vì ta đã tìm được minh sư và chính Thầy sẽ chỉ cho ta thoát ra khỏi con đường lao lý của thân tâm. Cho nên từ đây về sau ta phải chuyên cần tu niệm, công phu kinh kệ sớm tối hai thời để tôi luyện tâm mình. Bên ngoài thì không tranh giành chức tước, quyền thế, sự thị phi nhân ngã với ai và bên trong thì luôn luôn nhớ nghĩ đến sự vô thường. Như vậy sẽ tạo ra một công đức mà người xuất gia luôn phải hành trì.

Với bản chất thông minh, lại thêm siêng năng cần mẫn ngày đêm thiền tọa công phu bái sám cũng như học kinh, luật và luận, nên chỉ trong thời gian gần một năm là Hương Tràng đã thuộc làu hầu như tất cả những gì cần để thể hiện khả năng của mình khi đi thọ giới Sa Di Ni. Nhưng ngặt nỗi quanh vùng năm đó không có giới đàn nào tổ chức, nên Quốc Sư Bảo Phác cho Hương Tràng thọ giới tại Chùa Quảng Nghiêm. Đàn Đầu Hòa Thượng là Ngài Bảo Phác. Yết Ma Giáo Thọ là hai vị Thượng Tọa ở chùa gần bên được cung thỉnh đến để truyền giới.

Sau khi thọ giới Sa Di Ni rồi, Hương Tràng cố gắng học luật Sa Di Ni 10 giới cũng như những Kinh điển khác để đăng đàn thọ Thức Xoa Ma Na. Đến đầu năm 1313 mọi nhu cầu đòi hỏi cho một giới tử Tăng cũng như Ni đã đầy đủ để có thể đến nơi “tuyển Phật trường” nhập chúng an cư và cùng ứng thí. Hương Tràng biết rằng thuở ấy ở Kinh đô Thăng Long đã có khoa thi Tam Giáo để chọn người ra làm quan qua ba cuộc khảo thí thi Hương, thi Hội và thi Đình rồi, nhưng chỉ cho nam nhơn mà thôi, còn nữ tử như nàng thì chỉ có học gia giáo tại cung đình. Nhưng tại đây, ở những ngôi Tổ Đình này chư Tổ đã y theo lời Phật dạy truyền giới cho cả Tăng lẫn Ni để “tuyển người làm Phật”. Mới nghe qua thật quá lớn lao, nhưng đó là sự thật. Những người xuất gia phải là những kẻ mô phạm, dầu là Tăng hay Ni, mới có thể làm “bậc lương đống” không phải của triều đình mà cho ngôi nhà Phật Pháp. Qua lời Phật dạy, nếu ai tu hành chân chánh, giới luật nghiêm minh, người ấy đều có thể chứng thành Phật quả, nên Hương Tràng đã quyết chí tu tập suốt 2 năm nay.

Sau khi các giới tử trải qua cuộc khảo hạch về kinh, luật, luận, Hương Tràng đỗ đầu nên Quốc Sư Bảo Phác và Hội Đồng Giới Sư Tăng cũng như Hội Đồng Giới Sư Ni đều làm phép Yết Ma tán đồng cho Hương Tràng thọ Tam Đàn Cụ Túc cùng một lúc. Đó là giới Thức Xoa, giới Tỳ Kheo Ni và Bồ Tát giới xuất gia. Những ai được trúng tuyển khi thi khảo hạch này còn vinh dự hơn là Trạng Nguyên của triều đình, vì cánh cửa giải thoát đang được mở, không phải để đón chào những vị tân khoa Tiến Sĩ, mà để thấy những người có ý chí Trượng Phu, không ngại gian nan khổ cực để tự tìm con đường giải thoát sanh tử cho chính mình.

Giới Đàn Ni do các vị Hòa Thượng Ni cùng chư Ni truyền giới và sau khi chư Ni truyền giới Thức Xoa và Tỳ Kheo Ni xong, mang các giới tử Ni đến Hội Đồng Thập Sư Tăng để thọ giới lại qua việc chấp nhận, cũng như tuyên bày Bát Kỉnh Pháp để chư Ni nương theo đó mà tu hành. Hương Tràng hôm đó rất tự tin trước những vị Tuyên Luật Sư giới luật tinh nghiêm và vị Đàn Đầu Hòa Thượng Ni khi hỏi về những già nạn mà một giới tử cần phải trả lời. Đến sáng sớm ngày Rằm tháng Bảy năm 1313, giới đàn truyền giới Thức Xoa, Tỳ Kheo Ni và Bồ Tát xuất gia đã được chư Ni truyền cho Hương Tràng cũng như những giới tử đắc giới khác tại Tổ Đường chùa Quảng Nghiêm.

Ngồi chính giữa là một vị Đàn Đầu Hòa Thượng Ni. Vị này là một vị giới luật tinh nghiêm, tinh thông Tam Tạng và tướng hảo tuyệt vời và phải là vị đã từng an cư kiết hạ mỗi năm ba tháng, ít nhất là 10 hạ.

Còn hai vị ngồi hai bên phải, trái gọi là Yết Ma và Giáo Thọ A Xà Lê. Hai vị này phải an cư kiết hạ ít nhất 5 hạ trở lên. Khi chư Tăng hay chư Ni làm lễ kiết giới an cư hay thảo luận một vấn đề gì, cần phải gạn hỏi từ một đến ba lần. Vị Thầy Yết Ma có nhiệm vụ này và vị Thầy Giáo Thọ giống như một người hướng dẫn cho các giới tử những vấn đề cần thiết khi tra hỏi về y, áo, bình bát, tọa cụ v.v…

Còn hai bên là 7 vị Tôn chứng Sư Ni. Tất cả đều đầy đủ và nghiêm trang.

Sau đó là việc làm phép Yết Ma để truyền giới. Những gì các giới tử trả lời trong Đại Giới Đàn này đều đã được vị Thầy Giáo Thọ hướng dẫn trước đó rồi, để khi vào giới tràng không phải bỡ ngỡ. Thế mà cũng có nhiều vị trả lời không thông suốt như thường. Hương Tràng nhớ lại hôm trước khi vị Tuyên Luật Sư hỏi một giới tử Ni độ 50 tuổi rằng:

- Khi ngươi đi xuất gia có được chồng con cho phép không?

- Mô Phật! Không.

- Tại sao không? Ngài đập tiếng ấn thật lớn lên bàn trong sự ngỡ ngàng, trong khi đó vị Ni kia tiếp tục trả lời rằng:

- Bạch Ngài! Vì từ nhỏ đến giờ con chưa xuất giá vu quy.

Thế là Thầy trò cười thật lớn và ra tuồng như hiểu ý nhau nhiều hơn nữa. Trong luật Phật dạy rất rõ rằng: Người làm tướng không được đi xuất gia, vì lẽ đang trấn nhậm nhiệm sở nào đó mà bỏ vào chùa thì ai lo điều quân khiển tướng nơi chốn biên thùy? Người làm công, ở đợ, người mắc nợ cũng không được đi xuất gia. Nếu muốn đi vào chùa, trước đó phải thanh toán tất cả những nợ cũ, sau đó mới được phép vào chùa. Người nửa nam, nửa nữ cũng không được đi xuất gia. Người thân thể sáu căn không đầy đủ cũng không được đi tu. Vì lẽ giới ở đây thuộc hình tướng của Thanh Văn, nên thân thể phải đầy đủ, một cơ quan nào đó trong người thiếu cũng sẽ không thành tựu tướng của Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni. Nhưng giới Bồ Tát thì mọi người như trên đều thọ được và giới này nếu có phạm cũng không cần phải xả giới. Ngoài ra trong luật cũng chế rằng những người nam hay nữ không quá 60 tuổi mới được xuất gia. Nếu hơn tuổi này, quá già nua lụm cụm làm sao có thể kham nhẫn được những sự khó khăn nơi cửa thiền như thức khuya, dậy sớm, công phu, thiền tọa v.v… Tuy nhiên Phật cũng đã dạy rằng: Những việc này cũng tùy theo từng quốc độ, phong thổ, tập tục mà có thể thêm bớt, tùy nghi để xứng hợp với luật lệ nơi quốc độ đó.

Sau khi những giới của Thức Xoa và Tỳ Kheo Ni được tuyên bày thì Hội Đồng Thập Sư Ni đã mang tất cả các giới tử Ni vừa thọ giới qua bên giới đàn của Thập Sư Tăng để nghe giáo giới và được đắc giới. Hôm đó Ngài Bảo Phác Quốc Sư trong cương vị là Đàn Đầu Hòa Thượng đã dõng dạc bảo rằng:

“Một thời gian sau, lịnh bà Gotami vào hầu Phật và bạch rằng:

- Bạch Đức Đại Giác! Người phụ nữ có thể xuất gia theo Phật giáo được không?

Đức Thế Tôn đáp và Ngài dạy rằng:

- Di Mẫu Gotami, Bà không nên mộng ước xuất gia, người phụ nữ không nên xuất gia trong Phật giáo.

Bà Gotami yêu cầu Đức Thế Tôn cho bà xuất gia như thế đôi ba lần, nhưng Đức Thế Tôn vẫn từ chối, không chấp thuận.

Lịnh bà lấy làm buồn khổ, than khóc rồi ra về.

Sau khi Đức Thế Tôn ngự tại thành Ca Tỳ La Vệ một thời gian vừa phải rồi Ngài trở lại thành Vesali, Ngài ngụ tại Tịnh xá Kutagara.

Vì lòng hâm mộ Phật Pháp, nhất là bà thấy rõ quả báo của sự giải thoát, nên bà rất yêu chuộng việc xuất gia, rồi bà cùng với 500 bà hoàng có chí hướng xuất gia đồng tự cạo tóc, đắp y Tỳ Kheo Ni, mang bát, đi chân không từ thành Ca Tỳ La Vệ đến thành Tỳ Xá Ly, nơi Đức Thế Tôn đang thuyết pháp độ chúng. Do quý bà là dòng dõi vua chúa, chưa bao giờ đi bộ cũng như đi chân trần và đi một khoảng đường rất xa nên đôi chân của quý bà đều bị nứt nẻ, chảy máu, thân người bám đầy bụi đất, trông thật là thảm khổ. Quý bà mong được vào hầu Phật, mắt đẫm đầy lệ.

Trước khi quý bà hầu Phật thì gặp được Ngài A Nan. Bà Gotami bảo rằng:

- Sở dĩ mà bà tự cạo tóc, đắp y cà sa trước khi Phật cho phép, vì bà muốn xuất gia và cũng đã 3 phen thỉnh cầu Đức Thế Tôn nhưng Ngài không cho phép.

Đại Đức Ananda nói:

- Xin bà dừng lại nơi đây, tôi sẽ vào hầu Phật và xin cho quý bà xuất gia.

Đức Ananda liền vào hầu Phật. (Từ đây về sau viết theo tạng luật Culavagga).

Sau khi đảnh lễ Phật xong, rồi vào nơi phải lẽ và bạch Phật.

- Bạch Đức Thế Tôn, bà Gotami, hai chân phồng sưng lên, thân hình bà thật là tiều tụy, mình bám đầy bụi đường, bà rất khổ tâm, nay bà đang đứng khóc bên ngoài vì bà chắc chắn rằng: Đức Thế Tôn không ưng thuận cho người nữ xuất gia theo pháp luật của Phật. Vậy nên Đệ tử xin Đức Thế Tôn mở lượng từ bi cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Đức Thế Tôn đã giáo truyền.

- Ananda ơi! Ngươi đừng yêu cầu cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Như Lai đã giáo truyền.

Đại Đức Ananda yêu cầu như thế đến ba lượt, nhưng Đức Thế Tôn vẫn đáp như trước. Đại Đức Ananda mới nghĩ: Tại sao Đức Thế Tôn không bằng lòng cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp của Ngài đã truyền. Mặc dầu vậy, nhưng ta cũng phải cương quyết yêu cầu xin cho kỳ được. Ngài mới bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Khi hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Ngài, những phụ nữ ấy có thể đắc từ quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán không?

- Ananda! Nếu hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì cũng có thể đắc đạo quả từ Tu Đà Hoàn trở lên A La Hán.

- Bạch Đức Thế Tôn! Nếu hàng phụ nữ mà xuất gia theo giáo pháp của Đức Thế Tôn đã giáo truyền có thể đắc từ quả Tu Đà Hoàn đến A La Hán. Vậy xin Đức Thế Tôn hãy mở lòng từ bi cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Ngài đã giáo truyền. Hơn nữa lệnh bà Gotami là người có ơn rất lớn đối với Ngài, bà lại là Di mẫu của Ngài nữa, là người đã ra công nuôi dưỡng Ngài, cho Ngài bú từ giọt sữa, đút từ miếng cơm, sau khi Phật mẫu băng hà.

Theo chú giải của bộ luật này có giải và nêu ra câu hỏi rằng: Tại sao Đức Thế Tôn lại không cho phép hàng phụ nữ xuất gia? Có phải chăng Đức Thế Tôn là đấng có lòng từ bi vô lượng vô biên?

Đáp: Phải, đúng như vậy. Nhưng Đức Thế Tôn định phải có sự yêu cầu khó khăn nhiều lần như thế, để hàng phụ nữ nhận thức được rằng: Sự xuất gia được của chúng ta đây thật là khó. Nhờ vậy nên hàng phụ nữ mới cố gắng thu thúc giới luật hoàn toàn trong sạch.

Đức Thế Tôn liền dạy Đại Đức Ananda rằng:

Này Ananda! Nếu lịnh bà Gotami bằng lòng thọ Tám Trọng Pháp và vâng giữ Tám Trọng Pháp ấy là sự xuất gia của bà.

Tám Trọng Pháp ấy là:

1. Mặc dầu Tỳ Kheo Ni xuất gia đã được 100 hạ chăng nữa cũng phải kính trọng và đảnh lễ Thầy Tỳ Kheo mới xuất gia trong ngày ấy. (Đức Thế Tôn ra điều học này để răn các bà bớt lòng ngã mạn khinh người)

2. Tỳ Kheo Ni không thể nhập hạ nơi nào mà không có Tỳ Kheo (Đức Phật ra điều học này để chư Tỳ Kheo Tăng kiểm soát quý Tỳ Kheo Ni).

3. Tỳ Kheo Ni phải luôn thực hành theo hai điều là: Phải hành lễ phát lồ. Sau khi hành lễ xong phải đến nơi chư Tỳ Kheo cư ngụ để nghe lời giáo huấn của các Ngài (Đức Thế Tôn ra điều học này để các Tỳ Kheo Ni thường trực gần chư Tăng để nghe lời giảng dạy của chư Tăng mỗi tháng hai lần).

4. Mặc dầu các Tỳ Kheo Ni đã làm lễ nhập hạ xong, đến ngày ra hạ cũng phải hành lễ ra hạ và rồi cũng phải đến nơi cư ngụ của chư Tỳ Kheo Tăng để hành lễ ra hạ một lần nữa. (Đức Thế Tôn ra điều học này để các Tỳ Kheo Ni tự tỏ ra việc hòa nhau).

5. Nếu Tỳ Kheo Ni đã phạm tăng tàn và làm lễ phạt cấm phòng mỗi ngày và đã phát lồ bên Tỳ Kheo Ni xong, cũng phải đến phát lồ với chư Tỳ KheoTăng.

6. Nếu có giới tử muốn xuất gia Tỳ Kheo Ni, quý vị ấy đã cho xuất gia xong rồi, nhưng phải đưa đến cho xuất gia lại nơi chỗ có kiết giới của chư Tỳ Kheo Tăng.

7. Tỳ Kheo Ni không được quyền thóa mạ chư Tỳ Kheo.

8. Vị Tỳ Kheo luôn luôn có quyền giáo huấn chư Tỳ Kheo Ni, nhưng chư Tỳ Kheo Ni không bao giờ có quyền giáo huấn vị Tỳ Kheo. Vị Tỳ Kheo Ni không có quyền dễ duôi đối với vị Tỳ Kheo và phải hết lòng cung kính.

- Này Ananda! Nếu bà Gotami ưng thuận thọ trì Tám Trọng Pháp mà Như Lai đã dạy trên thì Như Lai chấp thuận cho bà xuất gia bằng cách thọ Tám Trọng Pháp.

Đại Đức Ananda ghi nhận tám điều ấy xong liền đến nơi của bà Gotami và bảo bà:

Nếu lịnh bà bằng lòng thọ Tám Trọng Pháp đó là phương pháp xuất gia của lịnh bà. Đại Đức Ananda liền đọc lại tám điều mà Đức Thế Tôn đã khẩu truyền.

Khi bà Gotami nghe xong Tám Trọng Pháp liền nói rằng:

- Bạch Đại Đức! Lẽ thường thanh niên thanh nữ đều ưa thích tắm rửa trang điểm; đầu giắt hoa sen hay hoa ma lị v.v… Cũng như tôi ưa thích Tám Trọng Pháp, vâng giữ hành theo trọn đời.

Đại Đức Ananda trở lại hầu Phật đảnh lễ xong và bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Di Mẫu Ngài là bà Gotami rất hài lòng thọ lấy Tám Trọng Pháp để xuất gia.

Đức Phật dạy: Ananda ơi! Nếu không có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh còn tồn tại trong thế gian này lâu dài hơn, chánh pháp còn tồn tại đến 1.000 năm. Nhưng khi có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh sẽ không còn tồn tại lâu dài. Chánh pháp chỉ còn tồn tại 500 năm.

Này Ananda! Trong gia đình nào có nhiều phụ nữ mà không có người nam, gia đình ấy sẽ bị kẻ trộm đánh cắp nồi cơm rất dễ. Điều này cũng như phụ nữ xuất gia trong giáo pháp nào thì phạm hạnh trong giáo pháp ấy càng không thể tồn tại được lâu dài, cũng như loại cào cào châu chấu đã đáp xuống ruộng lúa nào thì ruộng lúa ấy sẽ không tồn tại lâu được; hoặc cũng như những loại đuông đã sanh trong rẫy mía nào thì rẫy mía ấy cũng chẳng tồn tại lâu được. Những điều này cũng ví như những phụ nữ xuất gia theo pháp luật nào, giáo lý nào thì phạm hạnh của pháp luật ấy hay giáo lý của phạm hạnh ấy, không tồn tại được lâu dài. Do đó người thường đắp đê để ngăn không cho nước tràn ra khỏi ao hồ được. Cũng giống như Như Lai ra Tám Trọng Pháp cấm đoán Tỳ Kheo Ni, không cho các vị Tỳ Kheo Ni dễ duôi trọn đời.”

Sau khi Hương Tràng và chư tân Tỳ Kheo Ni nghe Quốc sư Bảo Phác truyền đạt lại 8 trọng pháp này đối với một Tỳ Kheo Ni, Cô cũng cảm thấy rất hân hoan như bà Gotami thuở trước, hay gần đây hơn nữa là Ni Sư Diệu Nhân cũng đã khâm tuân 8 điều ấy và Ni Cô Hương Tràng giờ đây tự nghĩ rằng: Đức Phật là một bậc Thầy của trời và người. Ngài hiểu rõ tất cả mọi tâm ý của muôn loài, nên Ngài mới mở ra phương tiện và độ cho người nữ xuất gia thì không vì lý do gì mà Đức Phật cho các vị Tỳ Kheo có được nhiều ưu tiên hơn, còn chư Tỳ Kheo Ni bị đối xử có sự phân biệt như vậy. Nhìn chung tổng thể của Tám trọng pháp, đây chỉ là sự bảo hộ cho nữ giới và các nữ quyền mà thôi. Kể ra như vậy Đức Phật đã chủ trương quá dân chủ, vì ai cũng có khả năng thành Thánh, dầu cho là người nam hay người nữ; trong khi các xã hội Á Châu, nhất là những xã hội theo luân thường đạo lý của Khổng Mạnh thì chế độ “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại cả mấy ngàn năm vẫn chưa chấm dứt hay thay đổi. Ngay cả các xã hội tân tiến bây giờ, sự thay đổi quan niệm nữ quyền ở các chế độ tự do mới được cổ vũ, còn ở thời đại của Đức Phật việc này khó xảy ra. Chỉ có Đức Phật là một bậc có tuệ giác thật tuyệt vời, Ngài mới có khả năng thấy biết được tất cả và tạo cho người nữ có một cơ hội như vậy.

Những ngày tháng sau đó từ năm 1313 đến năm 1340, cả gần 30 năm như vậy, năm nào Tỳ Kheo Ni Hương Tràng cũng an cư kiết hạ tại Quảng Nghiêm Tự hay các chùa khác tại núi Trấn Sơn nhằm thúc liễm thân tâm, tu hành thanh tịnh. Bà cũng được nhiều giới đàn mời làm Tôn Chứng Sư hay Yết Ma, Giáo Thọ Ni. Đôi lần bà cũng được thỉnh cầu làm Đàn Đầu Hòa Thượng để trao giới cho các giới tử Ni. Trong khi an trú tại Ngọa Am Vân ở núi Yên Tử vào những ngày cuối đời, nơi Điều Ngự Giác Hoàng đã truyền dạy cho bà trước khi Ngài viên tịch, bà cũng được tin Chế Chí, con của Chế Mân rồi Chế Năng cháu của Chế Mân đã đem quân sang đánh Đại Việt để đòi lại đất đai đã mất cũng như trả mối thù cũ cho cha, ông mình, nhưng cuối cùng rồi cũng bị vua quan Nhà Trần đánh chạy thối lui và quê hương Chiêm Quốc càng ngày càng thu hẹp lại. Với bà, tất cả đều là vô thường, là giả hợp và bà đã an nhiên thị tịch vào ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn 1340. Thế thọ 54 tuổi, Đạo thọ 30, Hạ lạp 27. Ngày nay ở Huế trên núi Ngũ Phong có dựng đền thờ Huyền Trân và bà cũng là người được các vua chúa sau này ban cho nhiều sắc phong nhất.

Cuối đời Nhà Trần, Chế Bồng Nga lại đem đại quân qua Đại Việt để trả thù và nhiều khi kinh thành Thăng Long bị thất thủ, vua Trần Duệ Tông (1372-1377) bị giết chết tại thành Đồ Bàn khi ông cho quân tiến chiếm Đồ Bàn. Nhưng đến đời vua Lê Thánh Tông, vào giữa thế kỷ thứ 15 thì xem như thành Đồ Bàn bị đập phá hoàn toàn và giang sơn Đại Việt càng ngày càng được mở rộng về phương Nam và ngày nay người ta chỉ còn nghe lại bài hát “Hận Đồ Bàn” của Xuân Tiên ghi lại cảnh cũ người xưa để nhớ lại một thời vang bóng như vậy. Công hay tội giờ này ai biết được, vì lịch sử đã sang trang, nhưng nghiệp sát của chúng sanh chưa bao giờ tận diệt, thì con người vẫn còn trong vòng lao lý của sự sanh tử luân hồi.

Hận Đồ Bàn

Rừng hoang vu!
Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù
Vạc kêu sương!
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Đàn đóm vương
Như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch
Đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo
Hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân …
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây …
Máu như loang thắm chưa phai dấu
Xương trắng sâu vùi khí hờn căm… khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga …
Vượt khơi.
Về Kinh Đô
Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù …
Triền sóng xô
Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ …
Tiệc liên hoan
Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban
Cung nữ dâng lên khúc ca về Chàm.
Một thời oanh liệt
Người dân nước Chiêm
Lừng ghi chiến công
Vang khắp non sông.
Mộng hoa dẫu tan
Cuốn theo thời gian, nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non.
Người xưa đâu?
Mồ đắp cao hay đã sâu thành hào?
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây …
Máu như loan thắm chưa phai dấu
Xương trắng sâu vùi khí hờn căm… khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga …
Người xưa đâu?


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.104.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...