Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Chương III: Chốn Kinh Thành »»

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa
»» Chương III: Chốn Kinh Thành

Donate

(Lượt xem: 4.166)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa - Chương III: Chốn Kinh Thành

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kể từ đầu triều Nhà Lý kinh đô đã được dời từ Hoa Lư về Thăng Long và kinh thành này vẫn được duy trì sửa đổi qua các đời vua Nhà Lý. Đến khi Nhà Trần thay ngôi đổi chủ thì Thăng Long vẫn là chốn kinh thành hoa lệ và Nhà Trần suốt mấy trăm năm lịch sử cũng giữ lại chốn này, mãi cho đến khi nhà Hồ lên ngôi thì Thăng Long trở thành chốn hoài cổ, mà cuối thời Hậu Lê, Bà Huyện Thanh Quan đã làm một bài thơ Đường để đời, ai trong chúng ta khi đọc đến cũng chạnh lòng:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Cảnh đời chẳng khác nào một sân khấu, luôn thay đổi, đổi thay. Kinh thành Thăng Long xưa kia là nơi nam thanh nữ tú đến đi, qua lại, học hành, thi cử, múa hát, ca ngâm v.v… Cho đến khi có mặt của Bà Huyện Thanh Quan thì Thăng Long cũng đã trải qua nhiều nắng sớm sương chiều như vậy. Nơi ấy đã hằng ghi lại bao nhiêu dấu tích của vết xe ngựa đã lăn qua, chúng làm mòn cả lối đi cho bao nhiêu mùa Thu của cây cỏ, và lầu vàng gác ngọc ngày xưa ấy quanh năm suốt tháng được che chở bởi những tàn cây xanh mát, để mặt trời khỏi dọi chiếu vào. Thế nhưng những cụm đá được xây thành lâu đài ấy bây giờ vẫn còn nằm im lìm bất động ở đó, chỉ có non sông gấm vóc này vẫn còn lạnh nhạt với bao nhiêu sự đổi thay của các triều đại, không khác nào bãi biển ngày xưa đó, nhưng bây giờ đã trở thành những ruộng dâu rồi. Nếu lấy một ngàn năm để làm tấm gương chiếu hậu, soi lại cho chính mình và cho nước nhà Đại Việt thì kẻ bên này hay người bên kia, kẻ đang được một triều đại tôn phong bao bọc bởi vinh hoa phú quý, rồi nhìn lại người ở đây bị thất sủng chầu rìa, bị bỏ rơi ra ngoài xã hội, thì nỗi đau nào còn sầu thảm hơn thế nữa chăng?

Chỉ 8 câu thơ Đường này thôi cũng đã nói lên được tâm trạng của người đến sau một lần thay ngôi đổi chủ như thế. Thăng Long đã một thời oanh liệt, nay còn đâu? Thăng Long của văn hiến, của ngàn năm văn vật. Trong những năm gần đây người ta đã cho khai quật lại chân dung của thành Thăng Long có từ đời Lý, Trần, cho đến thời Lê Mạt Nguyễn Sơ và đầu thế kỷ 19 vào năm 1802 khi Gia Long lên làm vua thống nhất sơn hà đặt kinh đô tại Huế, thì Thăng Long chỉ còn là hoài niệm. Do vậy Bà Huyện Thanh Quan mới thở than như vậy.

Tâm sự của Bà Huyện Thanh Quan cũng là tâm sự của tất cả chúng ta khi chứng kiến một triều đại đã suy tàn và một người khác hay một tộc họ khác nổi lên để lãnh đạo quần chúng. Chúng ta có thể gọi đây là những phong trào. Phong là gió, mà gió thì không định hướng. Khi nào đất trời thịnh nộ thì phong ba bão táp lại nổi lên. Trào là triều. Ý nói mỗi ngày nước biển lên xuống hai lần, không có lần nào giống lần nào cả. Một triều đại đã thối nát thì cần một sự đổi thay. Đó là chuyện xưa nay là vậy. Nếu ông vua vô đạo mà ngự trị mãi trên ngai vàng thì dân chúng làm sao chịu nổi sự cai trị độc tài, dã tâm như thế được. Nếu ông không tự xuống ngai vàng thì dân chúng cũng nổi lên lật đổ, giống như thời Lê Long Đỉnh v.v… lịch sử đã tái diễn điều đó. Tuy không giống hệt nhau, nhưng tang thương ngẫu lục đều như nhau cả. Nghĩa là có sanh ra thì phải có già đi. Đã già thì phải bịnh, khi bịnh đến giai đoạn cuối cùng thì phải chết. Đâu có ai sống được 1.000 năm mà luôn muốn được xưng hô là “Vạn Tuế”.

Trong thời Nhà Trần chúng ta chỉ có thể đề cập đến 4 vị vua đầu và một số danh tướng cũng như Công chúa, Hoàng hậu, Tăng sư v.v… để điểm qua một giai đoạn lịch sử quan trọng như vậy. Còn những vị vua sau thì xin không được đề cập đến, vì sợ quyển sách này quá dày, khiến cho nhiều người không muốn đọc, khi phải nâng quyển sách trên hai tay một cách nặng nề.

Đầu tiên chúng ta phải đề cập đến vị trí của Vua Trần Thái Tông, ông vua đầu Nhà Trần làm vua từ năm 1226 đến năm 1258.

Kế tiếp là Vua Trần Thánh Tông làm vua từ năm 1258 đến năm 1278.

Đời thứ ba là Vua Trần Nhân Tông từ năm 1278 đến năm 1293.

Và đời thứ 4 là Vua Trần Anh Tông từ năm 1293 đến năm 1314.

Trong 88 năm dài chỉ có 4 đời vua. Như vậy trung bình mỗi ông vua ở ngôi từ 22 năm trở lên. Dĩ nhiên là có ông ngồi trên ngai vàng ít hơn số trung bình ở trên và có ông ngồi gần gấp đôi số đó. Vì tuổi thọ của các vua chúa đời xưa rất ngắn, vì đời sống với nhiều cung tần mỹ nữ, rượu ngon, của quý v.v… tất cả những thứ ấy là những loại độc dược, làm hại đến thân thể và tâm thức, nhưng mấy ai làm chủ được mình, nhất là một đấng Quân vương, nằm trên thiên hạ và tự mình gọi là Hoàng đế hay Thiên hoàng. Hãy nhìn lại vua Lê Long Đỉnh của nhà Tiền Lê thì rõ và trong lịch sử của Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản trong quá khứ cũng không thiếu những ông vua như vậy, nhưng đồng thời cũng có những ông vua thuộc loại “minh quân hiền đức” mà xưa nay ít ai có thể bì được như Vua Nghiêu, Vua Thuấn bên Trung Hoa hay như Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ của Việt Nam chúng ta thuở trước!

Nếu nhìn vào “Tộc Phả” các thế hệ vua quan đời Nhà Trần của những thế hệ đầu thì ta thấy như thế này:

Trần Thừa sinh ra Trần Liễu và Trần Cảnh. Như vậy Trần Liễu ở vai anh và Trần Cảnh tức Vua Trần Thái Tông thuộc vai em. Trần Liễu sinh ra Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, Vũ Thành Vương Doãn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Thiên Cảm Hoàng hậu. Thánh Tông nối ngôi Thái Tông, nhưng trên thực tế Thánh Tông cũng là con của Trần Liễu, chứ không phải là con của Thái Tông. Như vậy khi Thánh Tông lên làm vua lấy Thiên Cảm Hoàng hậu làm vợ mình. Vậy thì đây gọi là tình gì? Một cha khác mẹ hay như thế nào?

Rồi đến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh ra 4 người con trai là: Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn, Hưng Hiến Vương Quốc Uy, Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, Hưng Trí Vương Quốc Hiển và Khâm Từ Hoàng hậu. Sau này Hoàng hậu lấy Vua Trần Nhân Tông sinh ra Anh Tông và Huyền Trân Công chúa. Như vậy Vua Trần Nhân Tông vừa gọi Hưng Đạo Đại Vương là Quốc Trượng (cha vợ), cũng vừa là cậu nếu đứng về phía mẹ của mình là Hoàng hậu Thiên Cảm vợ Vua Trần Thánh Tông, và cũng gọi là bác khi đứng về phía Trần Liễu.

Triều Trần thật là một triều đại quá rắc rối về vấn đề hôn phối cận huyết. Chỉ có một trong nhiều điều hay của Nhà Trần mà trước đó triều Nhà Lý không có, mà cả các triều đại sau này cũng như thế, là không ai có thể dám nhường ngôi cho con mình lúc còn trẻ trung để lên làm Thái Thượng Hoàng cả, ngoại trừ triều Trần.

Ở đây chúng ta thấy vào năm 1258 sau khi đánh thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất xâm chiếm Đại Việt thì Vua Trần Thái Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông để lên ngôi Thái Thượng Hoàng rồi. Có lẽ sau chiến công hiển hách ấy, Trần Thái Tông muốn lui về ở ẩn chép kinh, viết sách và thực hành ý nguyện ẩn cư như khi đương làm vua mà bỏ kinh thành Thăng Long, trốn vào núi Yên Tử để gặp Quốc Sư Phù Vân và chỉ muốn làm Phật, chứ không muốn làm gì khác và theo sử sách ghi lại rằng suốt cả mấy mươi năm ở ngôi vua như thế, ban ngày lo chăn dân, trị nước, tối lại đốt đèn xem kinh, tọa thiền, vấn đạo. Có lẽ như vậy mà ông đã ngồi trên ngai vàng được đến 32 năm chăng (1226 – 1258). Sau khi đánh bại đại quân của Ngột Lương Hợp Thai người Mông Cổ, Thái Tông truyền ngôi cho Hoàng tử Trần Hoảng và tự xưng là Thái Thượng Hoàng. Từ đấy, Nhà Trần theo lệ truyền ngôi sớm cho Thái tử. Thượng Hoàng tuy nhường ngôi, nhưng vẫn quán xuyến mọi việc, giúp vị vua trẻ quen dần với chính sự. Các vua mới phong vương đóng đô tại Thăng Long, còn các Thái Thượng Hoàng lui về ở tại Phủ Thiên Trường.

Dưới triều đại của Vua Trần Thánh Tông mọi việc chính sự vẫn chu toàn, Nhà Trần tiếp tục thịnh trị. Ông xưng là Nhân Hoàng và niên hiệu cải thành Thiệu Long. Ông ở ngôi vua từ năm 1258 đến 1278. Trong thời gian này Trần Thủ Độ qua đời vào năm 1264, thọ 71 tuổi. Bắt đầu từ Vua Trần Thánh Tông, Nho giáo đã thịnh hành và có ảnh hưởng mạnh trong bộ máy nhà nước. Ông cư xử trong hoàng tộc rất là chí tình, đối với những vương tôn công tử, trừ lúc thiết triều, ông đều hòa mình vào với họ để ăn uống, vui chơi, nên tình thân trong hoàng tộc lại càng bền vững hơn xưa rất nhiều. Ông ở ngôi vua được 20 năm thì nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông.

Năm 1277 Thượng Hoàng Trần Thái Tông băng hà, thọ 58 tuổi, trị vì được 33 năm, làm Thượng Hoàng được 19 năm. Cùng năm đó Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Khâm, tức là Vua Trần Nhân Tông và lên làm Thái thượng hoàng với Tôn hiệu là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế. Vua Trần Nhân Tông lên ngôi xưng làm Hiếu Hoàng và đổi niên hiệu thành Thiệu Bảo. Khi ấy họa giặc giã từ quân Nguyên ở phía Bắc đang kéo đến. Năm đó quân Nguyên đánh diệt nhà Tống, Tả Thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng Tống đế nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 100.000 xác chết nổi trên mặt biển. Xác Tống đế cũng ở trong đó.

Để chuẩn bị cho chiến tranh chống ngoại xâm, Nhà Trần cho tiến hành xét duyệt sổ đinh, chuẩn bị lương thảo lực lượng. Phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị. Cuối cùng quân đội Nhà Trần toàn thắng vào năm 1285 và năm 1288. Đến đây, Nhà Trần bắt đầu bước vào thời thịnh trị lâu dài tiếp theo sau đó. Bản đồ của Đại Việt dưới thời Nhà Trần thuở ấy chỉ mới từ Tam Quan đến Hà Tĩnh, nghĩa là bằng khoảng gần phân nửa đất nước của chúng ta ở thế kỷ thứ 21 này. Dân số không biết là bao nhiêu, nhưng đa phần là nông dân nên chắc chắn sức mạnh rất cường tráng và việc làm phu đi đánh giặc, họ đã chẳng ngại ngùng gì.

Thời vua Trần Thánh Tông giặc phương Bắc chỉ mới ngắm nghé giang sơn bờ cõi Đại Việt mà thôi. Mãi cho đến khi Vua Trần Nhân Tông lên ngôi, từ năm 1278 đến năm 1293 có hai cuộc chống trả toàn thắng quân Nguyên Mông qua hai Hội Nghị Bình Than và Hội Nghị Diên Hồng đã thành công rực rỡ, khiến cho thế giới phải quan tâm. Đây có lẽ cũng là thời đại vàng son nhất của đời Nhà Trần, khi Nhân Tông vẫn còn Vua cha là Thánh Tông làm Thái Thượng Hoàng. Tuy không trực tiếp ra đánh giặc, nhưng những cố vấn quân sự của Thánh Tông cũng như sự giúp sức đặc biệt của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung, hai người anh em ruột thịt này đã giúp cho gia phong của mình thêm lừng lẫy hơn nữa.

Lần thứ nhất vào cuối năm 1257, đầu năm 1258 tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai) mang 30.000 quân tiến vào nước Đại Việt qua đường Vân Nam. Vua Trần Thái Tông đích thân cầm quân ra chiến trận. Quân Nhà Trần cố gắng chặn đường nhưng quân Mông Cổ vẫn tiến được vào Thăng Long. Nhân dân Thăng Long đã thực hiện mệnh lệnh của triều đình là “vườn không nhà trống” rút về Thiên Mạc – Hà Nam. Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào Thăng Long chưa đầy một tháng thì bị thiếu lương thực. Nhân cơ hội đó, quân Đại Việt phản công ở Động Bộ Đầu - Từ Liêm Hà Nội. Quân Mông Cổ thua phải rút khỏi Thăng Long, đến vùng Quy Hóa của Yên Bái bị quân của Tộc trưởng Hà Bổng đánh tan tác, quân Mông Cổ thua rút chạy về phương Nam.

Lúc này thì Trần Thủ Độ vẫn còn và Vua Trần Thái Tông sau lần chiến thắng đầu tiên này đã nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông và ông lên làm Thái Thượng Hoàng, lui về phủ Thiên Trường ngày đêm lo kinh kệ. Tuy nhiên những việc triều chính, quốc sự có gì khó khăn thì Thái Tông vẫn cố vấn cho Thánh Tông để việc nước suôn sẻ với vị vua trẻ mới lên ngôi.

Đến năm 1279 quân Mông Cổ diệt được Nam Tống. Từ năm 1280 vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt đã lập ra nhà Nguyên. Để lấy cớ đánh Đại Việt, nhà Nguyên cho Toa Đô mượn đường sang đánh Chiêm Thành. Sau nhiều hoạt động ngoại giao hòa hoãn bất thành, cuối cùng chiến tranh bùng phát.

Tuy ở ngôi Thái Thượng Hoàng, nhưng cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai vào năm 1285 và lần thứ ba vào năm 1287 vẫn có sự điều binh khiển tướng của Trần Thánh Tông để giúp Nhân Tông thành công trong việc đánh chống 2 cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông có tính cách lịch sử này. Họ lợi dụng việc đi đánh Chiêm Thành, mượn cả đường bộ lẫn đường thủy của Đại Việt, nhưng dưới sự anh minh của Nhân Tông qua sự cố vấn của Thánh Tông, họ không thể lấy cớ đó để cướp đoạt Đại Việt được.

Năm 1284 nhà Nguyên liền phái Hoàng tử Thoát Hoan và tướng Toa Đô mang quân đánh hai đường Nam, Bắc kẹp lại để chiếm Đại Việt. Thoát Hoan đi từ Quảng Tây, còn Toa Đô đi đường biển từ cảng Quảng Châu, trước hết đánh vào Chiêm Thành, rồi đánh “gọng kềm” thốc lên từ phía Nam Đại Việt.

Nhà Nguyên mang 50.000 tinh binh để xâm lăng Đại Việt. Đây là cuộc kháng chiến gian khổ nhất của Nhà Trần chống giặc phương Bắc, quyết định sự tồn vong của Đại Việt lúc đó. Cuối cùng rồi chiến thuật “vườn không nhà trống” của Đại Việt đã thành công. Quân nhà Nguyên vào thành Thăng Long không có lương thực để dùng và bị bịnh dịch do không hợp với phong thổ của bản địa. Sau đó Nhà Trần tổ chức phản công vào cuối Xuân, đầu Hè năm 1285. Với những chiến thắng ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, quân Trần đại thắng, bắt giết được Toa Đô, Thoát Hoan thu tàn quân chạy về phương Bắc.

Trong lần kháng chiến thứ 3 chống Nguyên Mông dưới sự lãnh đạo của Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng như Vua Trần Nhân Tông và các tướng tài, nên Hưng Đạo Đại Vương đã tâu với Vua Trần Nhân Tông rằng: “Quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì phải sợ đi xa… Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn.” Nhà Trần tiếp tục chủ động áp dụng chiến thuật tránh thế mạnh, triệt lương thảo. Cuối cùng quân Nhà Trần đại phá quân Nguyên ở sông Bạch Đằng vào tháng 4 năm 1288, bắt sống Nguyên soái Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan một lần nữa chạy trốn về phương Bắc.

Thật ra sau 3 lần thua xiểng niểng chỉ trong mấy chục năm liên tục, Nguyên Thế Tổ vẫn chưa dừng mộng đánh chiếm Đại Việt, nên những năm sau đó nhà Minh vẫn tiếp tục điều binh sang, nhưng chưa gặp thời cơ thuận tiện. Đến năm 1294 vào cuối thế kỷ thứ 13, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt băng hà, nên cháu nội là Nguyên Thành Tông khi lên ngôi không muốn gây chiến với Đại Việt nữa. Do vậy việc chiến tranh với nhà Nguyên từ đó mới chấm dứt.

Khi nhà Minh ở Trung Hoa lên ngôi, Minh Thái Tổ liền cho xây Tử Cấm Thành và các cung điện phụ thuộc rất tráng lệ nguy nga. Năm 1400 đến năm 1417 nhà Minh chiếm lấy Đại Việt. Đây là Bắc thuộc lần thứ 3 của Đại Việt, sau 400 năm độc lập tự chủ nhờ vào tinh thần dân tộc và triết lý Phật giáo, cả vua tôi Nhà Lý cũng như Nhà Trần đều chọn Phật giáo làm quốc giáo. Ngay như Nhân Tông và Anh Tông đều thọ Bồ Tát giới tại gia cũng như Bồ Tát giới xuất gia sau khi Nhân Tông đã đi tu, nhờ đó nên sơn hà xã tắc mới về được một mối như vậy. Lần thứ 3 Bắc thuộc này, người nhà Minh đã cho mang kinh sách của Đại Việt về thiêu đốt tại Kim Lăng và theo tương truyền rằng ngọn lửa ấy đã trải qua 3 tháng nhưng vẫn còn cháy ngùn ngụt. Việc ấy chứng tỏ cho ta thấy rằng văn học, lịch sử, tôn giáo, giáo dục thịnh hành biết bao nhiêu trong cả hai triều đại Lý - Trần. Do vậy phía Nam thì Chiêm Thành quấy phá muốn xâm chiếm Đại Việt, phía Bắc thì quân Nguyên Mông rồi quân nhà Minh cũng muốn tiêu diệt, vì nhà Minh không muốn Đại Việt sánh ngang hàng với phương Bắc về mọi phương diện. Trong đợt Bắc thuộc lần thứ 3 này nhà Minh đã bắt những người tài giỏi của Việt Nam chúng ta làm tù binh và sau đó áp giải về Trường An, Bắc Kinh, trong số này có một kiến trúc sư người Đại Việt, đó là Nguyễn An. Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh xây dựng từ triều nhà Minh thế kỷ thứ 15 là do Kiến trúc sư Nguyễn An thiết kế và mãi cho đến bây giờ ở thế kỷ thứ 21 này các nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc cũng như văn hóa đều đưa ra kết luận như trên và tên tuổi của ông được truyền thông Tây Phương nhắc đến rất nhiều.

Chữ Tử ở đây là màu tím, có nghĩa là đẹp. Cũng như Quảng Trường Đỏ ở điện Kremlin tại Moscow Nga Sô không có nghĩa là màu cờ đỏ, mà tượng trưng cho vẻ đẹp, nét đẹp của một thủ đô, một thành phố. Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh xây dựng thật là vĩ đại và tốn phí không biết bao nhiêu là của công. Ngày nay nếu ai đó có dịp đến đây để tận mắt xem cách kiến trúc đồ sộ của người xưa, chúng ta cũng phải ngã mũ xuống chào. Vì lẽ những kiến trúc sư tài ba ngày nay chưa chắc gì thực hiện được những công trình kiến trúc vĩ đại như vậy, mặc dầu ngày nay có nhiều phương tiện hơn.

Tử Cấm Thành ngoài những điện chính để Vua thăng đường nghe tâu quốc sự ra, còn có rất nhiều chùa viện, am miếu cũng như chỗ ở của tam cung lục viện, chầu chực bên bệ rồng. Tòa lâu đài nơi Vua ngự có đến 999 phòng dùng để cho các bà Phi và cung tần mỹ nữ ở. Con số 9 là con số tốt, con số đẹp của người Trung Hoa và đồng thời cũng là con số linh thiêng cũng như con số hên của dân tộc này. Tương truyền rằng Vua trời có đến 1.000 bà vợ thì con trời, tức là Thiên Tử của Trung Hoa không được phép hơn Vua cha ở điểm này, nên những Thiên Tử của Trung Hoa chỉ xây 999 phòng mà thôi. Đây có thể là một truyền thuyết, một chuyện hài hước khi nói đến số phòng nhiều, khó đếm hết được. Mỗi năm chỉ có 365 ngày, nếu ngày nào ông Vua cũng đi thăm một bà Phi thì phải 3 năm như vậy mới đi hết 999 phòng này. Chế độ đa thê ngày xưa ở Châu Á hay các nước Hồi Giáo không cấm việc lấy vợ bé, nhất là những kẻ có lắm của nhiều tiền. Còn bây giờ ông Vua, bà Hoàng của Âu Mỹ họ sống cũng mực thước lắm. Tuổi thọ của họ cũng cao. Ví như bà Hoàng Thái Hậu Victoria, mẹ của Hoàng hậu Elizabeth của nước Anh sống đến hơn 100 tuổi, và Hoàng hậu Elizabeth bây giờ cũng đã 90 tuổi và ở ngai vàng đã 70 năm rồi, nhưng trông bà còn rất là phong độ. Mới đây vào năm 2016 Vua Thái Lan đã băng hà ở tuổi 88 và ở ngôi vua trên 60 năm. Như vậy việc thiểu dục tri túc rất cần thiết cho mọi con người, chứ không phải chỉ những người thường mới quan tâm, còn vua quan tướng tá thì không lưu tâm đến. Vì tất cả đều là con người, nên tài, sắc, danh, thực, thùy vốn là những chuyện bình thường và có thể trở thành tầm thường trong nhân thế. Những ai muốn mình trở thành phi thường thì phải kiêng cữ tiết dục mọi điều thì tài trí mới được hanh thông.

Đa phần mỗi ông Vua chỉ có một Hoàng hậu là Chánh cung cũng giống như những bà vợ của vua trời Đế Thích. Trong kinh điển nhà Phật bảo rằng ông ta có đến 3.000 bà vợ, nhưng trong đó chỉ có một bà là Chánh cung Hoàng hậu, còn những bà khác, đều do bà Chánh hậu này hóa thân ra. Đó là cõi Tiên, có nhiều chư Thiên họ có thể biến hóa được. Còn ở chốn Ta Bà, trần gian đầy tục lụy này, con người không thể biến hóa được, cho nên ông vua bằng người trần mắt thịt thường được các quan lại dâng hiến con gái của mình cho vua, để biết đâu mình sẽ trở thành Quốc trượng, khi con gái của mình được lập thành Chánh cung Hoàng hậu. Do vậy trong cung điện, khi Hoàng hậu chưa sinh được Hoàng nam thì đó là mối lo lớn của triều đình, vì không có người kế nghiệp ngôi vua. Nhiều khi sinh được con trai rồi, cũng phải lo nơm nớp, vì sợ như chuyện “linh miêu tráo chúa” của Trung Hoa, đó cũng là một nỗi khổ tâm của những bà Hoàng hậu.

Nếu ai đó có đọc tâm sự của Vua Gia Long, sau khi lên ngôi năm 1802 trong quyển “9 chúa 13 vua” của triều Nguyễn thì ta sẽ thấy được đời sống trong hoàng cung như thế nào. Nó nhiêu khê lắm, không phải chỉ là chuyện “xem hoa ngắm nguyệt” mà lắm chuyện thị phi nhân nghĩa nơi chốn cung đình. Do vậy Vua Gia Long than rằng: “Chúng như những con mèo hoang, tự cấu xé với nhau, khiến cho Trẫm phải bị đinh tai nhức óc!” Ai mà không muốn Quân vương đoái hoài đến mình một lần trong đời làm con gái. Do vậy kế này chước nọ được bày ra trong chốn cung đình hòng để chị em thi thố với nhau, nhằm làm đẹp mắt đấng Quân vương của họ. Vua bảo rằng: “Ở chốn triều đình, hằng ngày ta nghe tấu trình bao nhiêu sự việc, thế mà ta có thể giải quyết được hết cả. Chỉ khi lui về lại cung son, gần với những cung phi mỹ nữ này, khiến ta ngao ngán vô cùng.” Họ là những người đẹp được tiến cung, suốt cuộc đời họ chỉ mong chờ được Đức vua đoái hoài, mong nhận được ơn vua lộc nước, nhưng cũng có nhiều nàng cung nữ bị chôn chặt đời mình trong 4 bức tường thành, nên nỗi oán ấy đã dệt thành thơ. Từ đó tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” mới được hình thành. Nội dung mô tả một người con gái sống lâu năm trong cung son nhưng không được Vua đoái hoài đến, nên nàng đã mượn tâm sự của mình để viết thành thơ trên lá cây, rồi cho đường mật lên các chữ đã viết, khiến cho kiến ăn mật, đục thủng cả lá cây, đoạn nàng lấy lá cây ấy thả vào những con suối chảy từ trong thành ra ngoài, người ngoài thành nhặt được đọc, khi đó mới rõ biết được tâm sự của những người đã bị cô lập nơi lãnh cung cũng như những cung nhân không được nhà Vua đoái hoài đến.

Trở về lại những câu chuyện lịch sử bên trên của hai triều đại Lý - Trần trong gần 400 năm lịch sử ấy, chúng ta thấy rằng kinh thành Thăng Long là một cung điện chính được xây cất từ khi Lý Thái Tổ mới lên ngôi. Ông xuất thân là một người học trò nghèo, phải nương náu nơi chốn Thiền môn để học hành và tu niệm, làm con nuôi của Thiền sư Vạn Hạnh và là học trò của Lý Khánh Vân, đều là những bậc Danh Tăng thời đầu Triều Lý. Từ đó có câu ca dao:

“Con ai đem bỏ chùa này,

Nam Mô Di Phật! Con Thầy Thầy nuôi.”

Việc này cũng giống như việc của Thiền sư Hakuin (Bạch Ẩn Huệ Hạc) của Nhật Bản ở vào cuối thế kỷ thứ 17, đầu thế kỷ 18. Ngày nay chúng ta đọc lại, vẫn thấy có nhiều điểm tương đồng.

Nguyên là trong làng nọ có một nhà Trưởng giả rất giàu, có cô con gái lớn chưa gả chồng. Vì ông bà phú hộ còn muốn tìm chỗ “Môn đăng hộ đối”, nhưng chờ mãi cũng chẳng thể tìm ra người vừa ý, mà cô con gái thì càng ngày càng lớn, thân thể đẫy đà, cô cũng mong có được một tấm chồng. Ngày lại tháng qua tìm đâu cũng chẳng ra được như người trong mộng, cuối cùng nàng đã tư tình với một người làm công và mang thai. Thấy bụng con gái càng ngày càng lớn, cha mẹ cô ta sanh nghi mới gạn hỏi:

- Chủ nhân của cái bào thai kia là của ai?
- Dạ! Dạ! Dạ... nàng ngập ngừng không đáp.
- Là của ai?
- Thưa cha, là của… của ông Sư ở trên chùa.
- Vậy sao? Lâu nay ta vẫn tưởng ông ta là người đạo đức, liêm chính đấy chứ?

Đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa, nàng thấy đứa bé bụ bẩm, muốn giữ lại nhà, nhưng sợ cha mẹ, vì con gái “không chồng mà chửa” là cái nhục của gia phong, nên nàng âm thầm bồng đứa trẻ lên chùa và lúc gặp Thiền sư Hakuin cô ta bảo:

- Nó là con của ông đó!
- Thế à!
- Ông hãy nuôi nó đi!
- Thế à!

Nhà Sư lẳng lặng bồng đứa bé vào lòng với lòng từ bi vô hạn. Từ sáng sớm sau giờ thiền tọa, đọc kinh, nhà Sư bồng cháu vào xóm nhỏ để xin sữa cho cháu bú. Ai trông thấy cháu bụ bẩm cũng thương, nhưng sau đó lại trề môi nhún mỏ, chỉ trích nhà Sư rằng:

- Sao Sư tu hành mà như vậy?
- Thế à!
- Có phải con của Sư không?
- Thế à!

Ngày lại tháng qua đứa bé mau ăn chóng lớn, khôi ngô tuấn tú vô cùng. Ai thấy cũng mong được ẵm bồng và tập cho đi, tập cho nói.

Cô gái mẹ của chú bé hằng ngày vẫn quan sát con mình đã được nhà Sư chăm sóc ra sao. Nàng rất hài lòng, nhưng trong tâm nàng luôn có nỗi bứt rứt, giày vò khiến cho tâm nàng không an và nàng một lần nữa lại lên chùa với một tâm sự khác.

- Xin ông trả con lại cho tôi!
- Thế à!
- Đứa bé này không phải là con của ông… mà là con của…
- Thế à!

Từ đó nàng bồng con về nhà, ai nấy cũng trầm trồ khen sao mà nhà Sư có tay nuôi con, khiến cho đứa bé “mau ăn chóng lớn” như vậy. Và nàng thưa với cha mẹ rằng:

- Thưa ba mẹ, đây là con của con!
- Ừ! Chứ còn con của ai nữa?
- Nhà Sư Hakuin chỉ là… chỉ là “Thế à” thôi, chứ không có gì khác.
- Vậy nó là con của ai?
- Dạ, con của người làm công ở phía sau nhà mình đó…

Sau khi nghe như vậy, cha mẹ nàng mới cho người gánh gạo muối lên chùa và chính ông bà đã quỳ xin sám hối về tội lỗi của con mình đã gán ghép đứa con hoang ấy cho nhà Sư. Thiền sư Hakuin buột miệng thốt lên một lần nữa:

- Thế à!

Ngài cười thật lớn và biến vào trong am tranh tự thuở nào mà người đứng đó cũng không ai hay biết. Đó là câu chuyện Thiền của Nhật Bản ở vào thế kỷ thứ 13; còn vào đầu triều Lý, hằng ngày Thiền sư Vạn Hạnh vẫn ra vào nơi chốn cung son của các vua thời Tiền Lê, nhưng xét thấy Lê Long Đỉnh hoang dâm vô đạo, bệnh tật, đến nỗi khi thiết triều vì không ngồi được nên ông phải nằm để nghe các quan văn võ tấu trình việc nước, cho nên sử sách về sau này còn gọi ông là Lê Ngọa Triều.

Lý Công Uẩn lúc này cũng đã lớn khôn, nên đã được ông Đào Cam Mộc bàn bạc với Thiền sư Vạn Hạnh là nên thay đổi nhân sự lãnh đạo đất nước. Tuy Công Uẩn là đứa con hoang, nhưng Công Uẩn được lòng mọi người và có tài điều binh khiển tướng. Ông là đứa con rơi bị đem bỏ trước cửa chùa, Vạn Hạnh Thiền sư động lòng trắc ẩn, nên mới mang Công Uẩn vào nuôi và ngày lại tháng qua dù có bị gièm pha gì đó, thì Ngài vẫn an nhiên tự tại: “Nam Mô Di Phật! Con Thầy Thầy nuôi”.

Con của ai cũng không sao cả. Miễn sao người con ấy khi lớn lên, làm bất cứ điều gì mà có lợi cho dân cho nước, thì người con ấy hữu dụng rồi. Dầu có mặt trên quê hương như Lý Công Uẩn, hay xa quê hương đất nước vạn dặm như Lý Thừa Vãn, Tổng Thống của Nam Hàn là hậu duệ của Lý Long Tường hay Tổng Thống Lý Kính Huy của Đài Loan. Tất cả đều mang một ý nghĩa cao cả. Không ai dám bảo rằng: Người con ly hương ấy không làm được gì cho giống nòi của Đại Việt.

Sinh ra và lớn lên, ăn ở nương nhờ nơi chốn Thiền môn như Lý Công Uẩn như vậy, ông biết cái khổ của dân như thế nào rồi và sự chay tịnh cần khổ trong chùa ra sao, nên sau khi lên làm vua, ông luôn nghĩ đến cái khổ của kẻ khác cũng chính là cái khổ của mình; cho nên những chi tiêu cho quốc phòng, binh bị thì nghiêm mật, nhưng không thiếu kém. Còn chi cho việc xây dựng cung vua tại Thăng Long thời Lý lúc bấy giờ cũng rất khiêm nhường, vì nỗi khổ của nhân dân mới gượng dậy được qua bao nhiêu mùa chinh chiến và loạn 12 Sứ Quân của thế kỷ trước vẫn còn tồn đọng lại, nên Lý Thái Tổ rất e dè. Bây giờ khi khai quật thành Thăng Long tại Hà Nội, người ta thấy những văn bia, đá sỏi, gạch vôi v.v… còn sót lại, khiến cho mọi người phải ngưỡng mộ văn hóa của Đại Việt một thời như thế. Ngày xưa cả hằng ngàn năm về trước các vua chúa và triều thần Lý - Trần đã biết đào giếng, dùng hệ thống thoát nước, cống rãnh trong hoàng thành Thăng Long để đảm bảo vệ sinh và nuôi sống cả hằng trăm người nơi đó. Nào là vua, hoàng hậu, hoàng phi, thái tử, người hầu, kẻ hạ, thái giám, cung phi v.v… rồi chùa viện trong cung son để nhà vua và cung tần mỹ nữ đến lễ bái vào ngày Rằm, Mồng Một hay những ngày chay tịnh trong tháng, trong năm. Chỉ ngần ấy việc thôi, chúng ta cũng thấy được sự sinh hoạt của hoàng cung thuở ấy tấp nập biết là bao.

Ở bên ngoài Hoàng thành còn có trường Quốc Tử Giám để cho các hoàng tử và những sĩ tử vào đó để học hỏi thi thơ, trau giồi kinh sử. Các quan lại làm việc ở triều đình trong các Bộ cũng phải có nhà cửa ở gần Hoàng thành. Có như vậy khi vua ra sắc lệnh, kịp có mặt ngay mà ứng xử, kẻo mắc tội khi quân. Đến những ngày Tết, ngày Rằm, ngày làm lễ xuống ruộng cấy cày, ngày Trung thu, lễ vía v.v… tất cả là một quần thể văn hóa, mà con dân Đại Việt lúc bấy giờ đều tập hợp ở Thăng Long để thi thố tài năng của mình ở chốn kinh kỳ muôn thuở này. Người xưa cũng thường nói rằng:

Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân.

Những người dân bình thường muốn vợ mình trở thành người buôn bán tài giỏi, thì cũng hay lặn lội đến những nơi đông người như ở chợ vậy. Tại đó người con gái sẽ thể hiện khả năng nội trợ của mình giỏi giang như thế nào. Nếu hợp nhau, họ sẽ tiến hành đến chuyện hôn nhân về sau này. Còn con gái nếu có kén chồng thì nên lui tới thường xuyên những nơi tập luyện kinh sử, võ nghệ thì mới mong tìm được tấm chồng vừa ý để nương thân.

Ngày xưa thời vua chúa của Việt Nam cũng như của Trung Hoa đều coi trọng vai trò của người phụ nữ về phương diện “tam tùng, tứ đức”. Đó là tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử, nghĩa là khi còn ở nhà thì sống theo sự dạy dỗ của cha mẹ sinh ra mình; khi lấy chồng rồi thì phải theo chồng và khi chồng chết thì theo con. Ngày xưa như vậy gọi là: Trung trinh liệt nữ và ngày nay sau mấy ngàn năm văn hóa đổi thay, chắc rằng cái tam tòng ấy không thấy dân tộc nào giữ cho trọn vẹn cả, kể cả dân tộc Trung Hoa, nơi sản sinh ra chủ thuyết này. Rồi công, dung, ngôn, hạnh nữa. Đây là nét đẹp của người phụ nữ Đông Phương. Ví dụ như thêu thùa, may vá, sắc đẹp tự điểm trang, lời nói dịu dàng và đức hạnh. Ngày xưa người phụ nữ thường bị coi rẻ, không cho đi học, đi thi nên chốn quan trường chỉ là đàn ông. Còn bây giờ ở thế kỷ 21 này, chính sách bình quyền giữa người nam và người nữ đã được thực hiện trọn vẹn ở một số nước văn minh trên thế giới, nên đã có lắm người nữ lên làm cả chức tổng thống hay thủ tướng. Điều này cũng đúng với lời Phật dạy rằng: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Với tánh ấy, tất cả nam nữ đều có thể thành Phật, nếu chúng ta biết gạn đục khơi trong và biết tự dọn sạch cái bản ngã của mình.

Và người con trai thì phải biết “Tam cương, ngũ thường”, đó là: Quân, Sư, Phụ và Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đầu tiên là Vua rồi đến Thầy và kế tiếp mới đến Cha mẹ.

Nên ngày xưa có câu rằng:

Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung.
Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu.

Nghĩa:

Vua bảo bầy tôi chết, bầy tôi không chết, bầy tôi bất trung.
Cha mẹ bảo con chết, nếu con không chết, con ấy là đứa con bất hiếu.

So ra chữ Trung và chữ Hiếu ngày xưa và nay khác nhau rất nhiều. Cái hiếu của ngày nay không phải chỉ cố gắng làm sao cho cha mẹ vui ở tuổi già mà còn hướng cho cha mẹ vào con đường thiện của Tứ chánh cần nữa. Nghĩa là:

Việc ác chưa sanh thì làm cho nó đừng sanh.
Việc ác đã sanh rồi thì làm cho nó không sanh thêm nữa.
Việc thiện chưa sanh thì làm cho nó sanh.
Viện thiện đã sanh ra rồi thì nên làm cho nó tiếp tục sanh thêm nữa.

Ngày xưa cha mẹ, con cái, cháu chắt, ông bà sống chung dưới một mái nhà gọi là “Tứ đại đồng đường” hay “Ngũ đại đồng đường”. Thế mới là hiếu, nhưng ngày nay con cái đều mong muốn được tự lập, đến 18 tuổi là chúng bắt đầu xin rời xa khỏi mái ấm của gia đình để học hành và làm việc. Như vậy so với ngày xưa là bất hiếu nhưng bây giờ thì không. Cha mẹ về già ngày xưa đem vào Viện dưỡng lão cho người dưng khác họ chăm sóc là chuyện bất hiếu, nhưng ngày nay chuyện ấy được xem là việc bình thường, vì con cái hằng ngày phải đi làm một ngày 8 tiếng đồng hồ, đâu có ai ở nhà suốt ngày với cha mẹ được. Đây cũng không thể gọi là điều bất hiếu, vì sự cấu tạo của xã hội ngày nay, con cái phải sống theo cái guồng máy quay đều của bảo hiểm xã hội theo luật pháp sở tại và ta không có quyền chối từ. Nên đây cũng không gọi là thiếu bổn phận được. Người đi làm đóng thuế và tiền ấy đem nuôi người đi trước và sau này người nhỏ lớn lên đi làm, đóng thuế để nuôi người đi sau, hay nuôi chính bản thân họ.

Còn Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín không biết là ngày nay có còn hữu dụng không?

Nhân là lòng từ - đời nào cũng cần đến. Nếu ông vua mà không có lòng nhân, luôn ác độc với mọi người thì ông vua ấy xem như bỏ đi.

Nghĩa này bao hàm ý về tình nghĩa, như nghĩa cha con, nghĩa Thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa bạn hữu. Nói chung nghĩa là sự thể hiện cái bổn phận trách nhiệm đối đãi giữa con người với con người và giữa con người với xã hội…

Lễ đây là lễ nghĩa, là sự tôn trọng trong cách đối xử với mọi người, lúc nào cũng phải biết kính trên, nhường dưới, lễ nghi phân biệt; không phải người hiền thì không nên làm bạn và phải biết thiện, ác phân minh.

Trí đây là đức dục, cái hiểu biết về đạo làm người. Làm người mà không có đạo đức, không lấy lý trí để xét soi mọi nẻo trong chốn đăng trình của cuộc sống thì xem ra anh chàng này “hữu dõng mà vô mưu” đấy!

Tín là lòng tin cậy lẫn nhau. Nếu giữa con người và con người mà không đem niềm tin ra để thể hiện, tin tưởng với nhau nhằm thực hiện một điều gì đó, thì không phải là kẻ sĩ. Kẻ sĩ là kẻ biết mình và biết người. Lấy chữ tín làm đầu. Dầu là trong triều, ngoài xã hội nếu người con trai hay người con gái, đàn ông hay đàn bà, ông già bà cả mà vẫn đối xử với nhau theo lối “ngũ thường” này thì làm gì mà xã hội không an vui, loài người không tiến bộ. Nó gần tương đương với 5 giới của người Phật tử tại gia khi quy y Tam Bảo đã phát ra lời thệ nguyện trước Tam Bảo để ruộng phước của mình được tô bồi thêm.

Tam tòng và tam cương so ra với đạo đức xã hội hiện tại không còn giá trị nhiều nữa; nhưng tứ đức và ngũ thường vẫn còn giá trị miên viễn với thời gian. Khổng Tử xuất hiện ở Trung Hoa, nhưng học thuật về Tứ Thư, Ngũ Kinh và thuật an bang xử thế của ông cả Trung Hoa và các nước lân bang ngày nay vẫn còn ứng dụng đến. Học thuyết của ông tuy không làm cho người ta thoát khỏi ra được sanh tử luân hồi như của Phật giáo, nhưng ông và đồ đệ của ông đã giúp cho thế nước lòng dân trong nhiều triều đại đã được an ổn và phát triển là nhờ vào những lý thuyết chủ đạo này.

Ngày xưa Triều Lý và Triều Trần chủ trương Tam Giáo đồng nguyên. Nghĩa là Nho, Phật, Lão đều cùng một nguồn cội và chủ xướng tinh thần “Trung thần bất sự nhị quân”; nghĩa là: Tôi trung không thờ hai chúa. Do vậy mà ở cuối Triều Lý đầu Nhà Trần đã xảy ra nhiều nạn chém giết, thanh toán khó lường. Có lẽ cũng chỉ vì các chủ thuyết độc tôn này. Thế nhưng cũng là Nho gia, nhưng về sau này có những bậc tôi trung thờ đến 3 đời chúa. Đó là trường hợp của cụ Nguyễn Du, một đại thi hào của đất nước. Con của cụ Nguyễn Nghiễm. Vào thời vua Lê chúa Trịnh thì cụ Nguyễn Nghiễm và cụ Nguyễn Du làm quan vào giữa thế kỷ thứ 18. Đến khi vào Đàng Trong gặp lúc Quang Trung xưng Đế, thấy cụ Nguyễn Du người tài giỏi, nên anh hùng áo vải Tây Sơn cũng đã mời cụ ra làm quan. Khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế, ông muốn về quê cư nhàn, nhưng vua quan và triều thần nhà Nguyễn cố thuyết phục ông trở lại chốn quan trường. Nếu không làm quan trong thời gian này, thì ông đâu có cơ hội đi sứ sang Trung Hoa trong khoảng thời gian 1812 đến 1814 ấy. Và sau khi về lại quê hương Đại Việt này, không biết ông dùng chay tịnh được bao nhiêu năm, nhưng ông đã có hơn 300 lần tụng đọc kinh Kim Cang một cách miệt mài, cho đến khi cái “ngã” không còn nữa, ông mới sáng tác nổi truyện Kiều vào khoảng thời gian năm 1814 – 1816. Sau khi viết xong truyện Kiều, ông than rằng:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nghĩa:

Không biết ba trăm năm về sau
Trong thiên hạ có ai khóc Tố Như chăng?

Có một tài liệu của Nguyễn Sĩ Đại đã nói về ý nghĩa hai câu thơ trên như sau:

Với tác phẩm của Nguyễn Du, có thể nói sự tìm tòi của chúng ta là vô tận. Hai câu thơ:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Ðó là hai câu kết trong bài thơ chữ Hán Ðộc Tiểu Thanh ký. Nguyên văn như sau:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Bài thơ được ông Vũ Tam Tập dịch là:

Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc sống vào thời nhà Minh ở tỉnh Chiết Giang, làm lẽ cho một người họ Phùng. Vợ cả ghen, đuổi lên sống trong một ngôi nhà nhỏ trên núi, nàng buồn đến chết ở đó, khi chưa đầy 20 tuổi, nay vẫn còn mộ. Khi nàng chết, vợ cả chưa hết ghen tức, còn đem đốt những gì Tiểu Thanh viết. Nguyễn Du đọc được những bài thơ còn sót lại của nàng, mới xúc động làm bài thơ này.

Ở câu cuối, xưa nay người ta hiểu: Nguyễn Du sống cách Tiểu Thanh ba trăm năm, vì thế ông mới hỏi, ba trăm năm sau, có ai thương xót ông mà nhỏ lệ.

Cái học nhà Nho ấy nó cũng chỉ kéo dài đến đầu thế kỷ thứ 20 là hết và nhiều người Việt Nam đã học tiếng Pháp, tiếng Anh để thi vào trường này, trường nọ để sau này học hành đỗ đạt, ra làm quan cho Tây cho Mỹ. Cho nên cụ Trần Tế Xương mới mỉa mai cái học ấy rằng:

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy Khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ
Trình có quan tiên thứ chỉ tôi.

(Cái học nhà Nho)

Đọc xong 8 câu thơ Đường luật này ta thấy rằng nhà Nho cũng đã một thời vang bóng nơi cửa Khổng, sân Trình như vậy. Nào khoa thi Tam trường để chọn người tài giỏi ra làm quan như ông Nghè, ông Cống, ông Trạng, ông Cử. Ở làng thì ngồi chiếu trên, chiếu dưới, mâm trước, mâm sau v.v… tất cả đều nhờ cái học của Nho gia mà có được. Còn bây giờ ở thế kỷ thứ 20, 21 này chữ Hán, Nho sinh v.v… là những danh từ khi gọi lên, khiến trẻ nhỏ phải ngơ ngác, chẳng biết đó là những người học cái gì. Cho nên cái tốt của ngày xưa, chưa hẳn đã là cái tốt của đời nay, nhưng cũng phải nói thêm rằng: Nếu không có xưa thì làm sao có nay được. Quá khứ đã tốt thì hiện tại sẽ tốt và hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt. Cho nên Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả trong Nikaya có dạy rằng:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mỏi mệt
Xứng gọi Nhứt Dạ Hiền
Bậc an tịnh trầm lặng.

Kinh này do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra khi Người còn tại thế, cách nay (2017) hơn 2.560 năm và cách thời cuối Lý đầu Trần của Việt Nam độ 1.600 năm. Cho hay lời tụng ấy vẫn có giá trị với muôn đời, chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn của 100 năm hay 1.000 năm hay còn lâu hơn thế nữa. Lâu đài cung điện đã trở thành hoang phế, trải bao nhiêu cảnh thư hùng của một dân tộc như Đại Việt đã đối đầu với quân Nguyên Mông ở thế kỷ thứ 13, nhưng lời Kinh này thì vang vọng mãi mãi cho đến tự ngàn sau.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




San sẻ yêu thương


Hai Gốc Cây


Gõ cửa thiền


Phát tâm Bồ-đề

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.79.187 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...