Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Cảm tạ xứ Đức »» Chương VIII. Vị Trí Của Ngôi Chùa Viên Giác Tại Hannover Đối Với Người Việt Cũng Như Người Đức »»

Cảm tạ xứ Đức
»» Chương VIII. Vị Trí Của Ngôi Chùa Viên Giác Tại Hannover Đối Với Người Việt Cũng Như Người Đức

Donate

(Lượt xem: 3.743)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cảm tạ xứ Đức - Chương VIII. Vị Trí Của Ngôi Chùa Viên Giác Tại Hannover Đối Với Người Việt Cũng Như Người Đức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Chùa Viên Giác là một ngôi chùa Việt Nam được xây dựng tại thành phố Hannover thuộc Tiểu Bang Niedersachsen, Bắc Đức, mà cũng có thể nói đây là ngôi chùa đầu tiên của người ngoại quốc cũng như của người Đức xây dựng kể từ khi Phật Giáo được du nhập vào nước Đức đến nay.

Thật ra, cho đến năm 2002 là hơn 200 năm Phật Giáo có mặt tại đây và đã có gần 500 Hội Đoàn, Tổ Chức Phật Giáo của người Đức cũng như của người ngoại quốc sinh hoạt, nhưng chỉ có 2 ngôi chùa xây theo kiểu Á Đông và hoàn toàn mới là ngôi chùa Viên Giác tại Hannover và ngôi chùa Nikko của người Nhật tại Düsseldorf được xây dựng khoảng năm 1994. Còn đa số các chùa khác đều mua hoặc thuê những lâu đài cũ, nhà ở hay nhà tư nhân để làm chùa. Ngay cả ngôi nhà Phật Giáo tại Berlin (Buddhistisches Haus) được Dr. Dahlke hiến dâng cho Phật Giáo Tích Lan từ đầu thế kỷ 20, nhưng tại đây cũng là một ngôi nhà biến thể chứ không phải toàn diện được xây dựng như một ngôi chùa.

Chùa Viên Giác ở tại Tiểu Bang Niedersachsen. Do vậy cũng nên biết rõ thêm hơn về Tiểu Bang này một chút, dẫu rằng trong chương trước đã có giới thiệu sơ qua. Tiểu Bang hiện có 7.815.000 người đang sinh sống. Xem như 9,5 phần trăm dân số của toàn Cộng Hòa Liên Bang Đức. Trong đó có 3.999.600 đàn bà, 3.815.500 đàn ông và ngoại kiều chiếm tổng số là 476.700 người. Trong số này có 4.735.000 người theo đạo Tin Lành và 1.401.000 người theo đạo Thiên Chúa. Đây là con số thống kê mới nhất vào ngày 18.6.2002 của Phủ Thủ Hiến Tiểu Bang Niedersachsen.

Như vậy, Tiểu Bang này có số đàn bà nhiều hơn đàn ông và Tin Lành gấp 3 lần Thiên Chúa. Về các đạo khác chưa có thống kê chính thức trong số gần nửa triệu người đó, nhưng chắc chắn có lẽ là Hồi Giáo. Vì người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở đây rất đông. Tôi đang sao lục, tìm kiếm về tài liệu của người Việt Nam tại Tiểu Bang này để thực hiện một chương trình công ích từ thiện rộng lớn cho toàn Tiểu Bang và có thể trong tương lai cho cả Liên Bang nữa.

Chùa chúng ta chính thức sinh hoạt từ năm 1978 tại đây, như vậy là đã 25 năm rồi. Chúng ta chỉ còn 5 năm nữa là đủ điều kiện để được công nhận là một Tôn Giáo như nước Ý, Áo đã thực hiện thành công. Trong vòng 5 năm đó Phật Tử Việt Nam, hoặc Đức, hoặc bất cứ một người ngoại quốc nào ở tại Tiểu Bang này theo Phật Giáo cũng được tính chung vào để chúng ta có được tư cách quyền công cộng (Offenliches Rechts) như những tôn giáo khác.

Điều kiện đầu tiên là cần có 30 năm sinh hoạt.

Điều kiện thứ nhì là có 1 phần ngàn người theo đạo. Nghĩa là phải có ít nhất là 7.800 người Phật Tử chính thức ghi tên tuổi, ngày sinh, có địa chỉ, chữ ký và được quyền sinh sống lâu dài tại đây. Số người ấy không phải là nhiều, nhưng sợ 5 năm nữa sẽ có người sinh sản thêm và đồng thời cũng có người mất đi. Do đó chúng ta có thể tính xác suất thay đổi là 8.500 đến 9.000 người là tốt nhất. Dĩ nhiên khi chính thức khai báo như thế, sau khi được công nhận chúng ta sẽ có nhiều quyền lợi và điều kiện hơn. Ví dụ con em của quý vị có nhu cầu học giáo lý bằng tiếng Đức tại trường học, những ngày lễ của Đạo Phật, sự chết chóc ma chay của các Phật Tử nơi nghĩa trang v.v... tất cả đều có tính cách đại chúng hóa, nếu chúng ta được công nhận, nhưng với điều kiện chúng ta phải liên kết hỗ trợ cho việc này thật chặt chẽ mới thành công được. Khi chúng ta có quyền lợi, dĩ nhiên chúng ta cũng phải có một số bổn phận. Bổn phận chi tiết như thế nào chúng tôi sẽ gởi đến quý vị trong thời gian tới.

Điều kiện thứ ba là có liên hệ tốt với Bộ Tài Chánh và Bộ Nội Vụ. Điều kiện này cho đến nay sau 25 năm sinh hoạt, chúng ta được biết là rất tốt, không những liên hệ bình thường với các Bộ này mà còn rất chặt chẽ nữa là đằng khác.

Đây là một công việc lâu dài có tính cách lịch sử cho hàng trăm hàng ngàn năm về sau này. Chúng tôi mong rằng quý vị Phật Tử không nên bỏ qua cơ hội đóng góp phần mình vào sự lợi ích chung cho Đạo Pháp.

Theo thống kê ngày 31.12 năm 1996 của Phủ Thủ Hiến Tiểu Bang Niedersachsen, thì Tiểu Bang này có những thành phố sống trên 100.000 dân như sau:

- Hannover : 523.000 người
- Braunschweig : 251.000 người
- Osnabrück : 167.000 người
- Oldenburg : 114.000 người
- Göttingen : 126.000 người
- Wolfsburg : 125.000 người
- Salzgitter : 117.000 người
- Hildesheim : 105.000 người

Chính quyền địa phương của Tiểu Bang gồm có 4 nơi. Đó là:

- Braunschweig và Vùng phụ cận : 1.678.000 dân
- Hannover và Vùng phụ cận : 2.147.000 dân
- Lüneburg và Vùng phụ cận : 1.616.000 dân
- Wesses - Ems : 2.374 dân

Diện tích tổng cộng của Niedersachsen là 47.609 km2, chiếm tỷ lệ 13,3% của Cộng Hòa Liên Bang Đức, trong đó có 29.700 km2 là diện tích nông nghiệp cho chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài ra còn có 9.850 km2 rừng, 2.850 km2 diện tích đất xây dựng và mặt bằng còn trống, 2.250 km2 về giao thông, 10.000 km2 về vùng cảnh trí được bảo trì và 1.300 km2 vùng thiên nhiên được bảo trì.

Về phương diện địa lý của Tiểu Bang này, điểm cao nhất cũng như thấp nhất so với mực nước biển như sau:

- Wurmberg (Harz) : 971 m
- Bruchber (Harz) : 927 m
- Achtermann (Harz) : 925 m
- Freepsumer Meer sâu : 2,3 m
- Wynhamster Kolb sâu : 2,3 m

Tiểu Bang này cũng có những con sông và kênh đào quan trọng như sau:

- Sông Weser (cùng với Werra và Fulda) dài 378 km
- Sông Elbe dài 262 km
- Sông Ems dài 241 km
- Sông Line dài 211 km
- Con kênh đào giữa Tiểu Bang dài 195 km
- Con kênh đào Dortmund - Ems dài 147 km
- Con kênh đào Elbe - Seiten dài 115 km

Ngoài ra tại Tiểu Bang này cũng có những đầm và hồ được kể như sau:

- Steinhuder Meer rộng 27 km2
- Dümmer rộng 13 km2
- Zwischenahner Meer rộng 5,5 km2
- Großes Meer rộng 2,6 km2
- Okertalsperre rộng 2,3 km2
- Granetalsperre rộng 2,2 km2

Phần bên trên thuộc về dân số, đất đai, địa lý, sông ngòi, ao hồ v.v... sau đây xin đơn cử một vài dữ liệu tương đối quan trọng để chúng ta có một cái nhìn cụ thể hơn.

Hiện tại (2002) Đảng SPD có 47,9% số ghế trong Quốc Hội Tiểu Bang và có 83 Dân Biểu.

Đảng CDU chiến 35,9% có 62 Dân Biểu.

Đảng Xanh chiếm 7% và có 12 Dân Biểu.

Chính quyền trong hiện tại do Đảng SPD cầm quyền và những nhiệm vụ được phân chia như sau:

- Thủ Hiến Tiểu Bang: Sigmar Gabriel (SPD)
- Bộ Tài Chánh: Heinrich Aller (SPD)
- Bộ Nội Vụ: Heiner Nartling (SPD)
- Bộ Văn Hóa: Jürgens-Pieper (SPD)
- Bộ Thực Phẩm, Nông Nghiệp Lâm Sản: Uwe Bartels (SPD)
- Bộ Phụ Nữ, Lao Động & Xã Hội: Dr. Gitta Trauernicht (SPD)
- Bộ Tư Pháp: Dr. Christian Pfeiffer (SPD)
- Bộ Kinh Tế, Kỹ Thuật và Giao Thông: Dr. Susanne Knorre (không đảng phái)
- Bộ Khoa Học và Văn Hóa: Thomas Oppermann (SPD)
- Bộ Môi Sinh: Wolfgang Jüttner (SPD)
- Bộ Liên Bang và Âu Châu: Wolfgang Senff (SPD)

Ngoài ra cũng nên biết về những vị Thủ Hiến Tiểu Bang tiền nhiệm như sau:

1946 - 1955 : Hinrich Wilhelm Kopf (SPD)
1955 - 1959 : Heinrich Hellwege (DP)
1959 - 1961 : Hinrich Wilhelm Kopf (SPD)
1961 - 1970 : Georg Diederichs (SPD)
1970 - 1976 : Alfred Kubel (SPD)
1976 - 1990 : Ernst Albrecht (CDU)
1990 - 1998 : Gerhard Schröder (SPD)
1998 - 1999 : Gerhard Glogowski (SPD)
và từ 1999 đến nay : Sigmar Gabriel (SPD)

Trong 9 đời Thủ Hiến Tiểu Bang chỉ có Thủ Hiến Albrecht là lâu dài nhất, nghĩa là 14 năm thuộc Đảng CDU, còn Đảng SPD tuy chiếm đa số và lâu dài, nhưng người tại vị lâu nhất trong 2 lần làm Thủ Hiến là Hinrich Wilhelm Kopf cũng chỉ được 11 năm. Đặc biệt trong thời gian ông Dr. Ernst Albrecht làm Thủ Hiến, ông chủ trương cứu vớt người Việt Nam vượt biển tìm tự do. Tôi đã có cơ hội 2 lần tiếp xúc trực tiếp với ông tại dinh Thủ Hiến và một lần hai Ông Bà đến thăm chùa Viên Giác nhân lễ Vu Lan cách đây mấy năm.

Ngôi chùa Viên Giác ngày nay đứng sừng sững tại số 6 đường Karlsruher, tại thành phố Hannover, chiếm một diện tích 4.000m2 đất và 3.000m2 diện tích sử dụng, là nhờ ý tốt của ông cựu Thủ Hiến Tiểu Bang Albrecht không ít. Nếu không có ông lưu tâm thì chùa cũng khó mà nhận được giấy phép xây cất sớm như thế. Hồi đó khi xây chùa mặc dầu Tiểu Bang Niedersachsen không giúp cho được một khoản tài trợ nào, nhưng xổ số Loto Lotto của Tiểu Bang đã giúp chùa được 10.000 Đức Mã và suốt từ năm 1978 đến nay Bộ Văn Hóa Tiểu Bang cũng chỉ giúp một lần năm 1979 để tổ chức lễ Phật Đản tại Bethoven Saal độ hơn 10.000 Đức Mã. Tuy vậy công ơn của đất nước này, của Tiểu Bang này chúng tôi không bao giờ quên cả.

Từ hướngMessegelände quẹo mặt qua đường Karlsruher khách hành hương sẽ thấy có bảng chỉ công cộng “Pagode Viên Giác” màu nâu. Như vậy ngôi chùa của chúng ta cũng đã có nhiều người nhìn thấy bảng. Mặc dầu không có ý đi tìm chùa, nhưng họ cũng sẽ gặp chùa. Còn những người có ý đi tìm thì trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra trong quyển bản đồ thành phố Hannover xuất bản năm 2000 có ghi địa chỉ nơi chùa là một dấu thánh giá và chú thêm “Tibetisches Buddhist-Zentrum”. Thật sự ra khi làm bản đồ, người vẽ không biết biểu hiệu ngôi chùa bằng dấu gì, nên cho dấu thánh giá cho tiện. Đây là ngôi chùa Việt Nam chứ không phải là của người Tây Tạng. Có lẽ họ thấy chùa là họ nghĩ về Phật Giáo Tây Tạng chăng? Điều ấy cũng quý thôi, vì lẽ họ có cơ hội để biết đến chữ Buddhismus hay Buddhisten, chứ ngay cả bây giờ nhiều người Đức viết chữ Phật Tử hoặc Phật Giáo đó chỉ có 1 chữ d, hoặc không có chữ h phía sau.

Trong chùa Viên Giác cũng có một phòng nhỏ, tôi đã cho Hội Phật Giáo Chöling, gồm nhiều người Đức theo Phật Giáo Tây Tạng sinh hoạt cả 7, 8 năm nay và năm 1995 Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã đến phòng này làm lễ cầu nguyện cho các Phật Tử Đức. Do vậy mà cũng có người gọi đây là Trung Tâm của Phật Giáo Tây Tạng chăng?

Tiện đây cũng xin giải thích thêm mấy chữ như thế nào là một Niệm Phật Đường, thế nào là một ngôi chùa? Thế nào là một Pagode? Thế nào là một Tu Viện? Thế nào là một Đại Tòng Lâm?

Niệm Phật Đường là nơi nhỏ dùng cho ít người có thể đến đó ngồi tụng kinh hoặc niệm Phật. Không nhất thiết phải to lớn, mà ngay cả tại tư gia cũng có thể biến thành nơi thờ Phật trang nghiêm và có thể gọi là một Niệm Phật Đường. Nơi đây cũng có thể có Tăng Ni trụ trì, mà cũng có thể là cư sĩ tại gia cũng có quyền coi sóc cơ sở như thế.

Một ngôi chùa, tiếng Đức gọi là Tempel, tiếng Anh gọi là Temple. Chùa là nơi thờ Phật, lớn hơn Niệm Phật Đường, chỗ dành cho người lui tới sinh hoạt định kỳ vào mỗi cuối tuần hay ngày Rằm và Mồng Một. Đây phải là nơi công cộng, ai cũng có thể đến để lễ bái, cầu nguyện, làm lễ cầu an, cầu siêu, cưới hỏi, ma chay, học giáo lý v.v...

Thế nào gọi là một Pagode? Chữ Pagode người Việt Nam thường hay dùng để chỉ cho chùa, nhưng thật ra không đúng hoàn toàn. Vì từ này tiếng Đức không có, nên phải vay mượn của tiếng Pháp và tiếng Anh (Pagoda). Nếu tiếng Phạn thì gọi là Stupa. Nghĩa là một ngôi tháp có nhiều tầng, nên gọi là Pagode. Có nhiều chùa có cả Pagode, nhưng cũng có nhiều chùa không có tháp. Ngày nay có nhiều người Đức vẫn còn nghĩ Pagode là một nhà hàng (Restaurant), nhưng trên thực tế Pagode là nơi để thờ Xá Lợi Phật chứ không phải để bán đồ ăn. Nhiều hôm tôi đứng trước cổng chùa, có người Đức đến gặp và hỏi:

- Hôm nay có mở cửa không?

- Có chứ! Chùa lúc nào cũng mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Tôi trả lời thế.

- Thế có bán không?

Tôi bảo:

- Ở đây là chùa thờ Phật của Phật Giáo chứ không phải nhà hàng. Nếu quý vị muốn dùng cơm thì xin ra chỗ góc đường kia sẽ có tiệm.

Thế là họ lủi thủi ra đi. Cũng có lần tờ báo địa phương của Mittelfeld chụp hình cái tháp của chùa Viên Giác và ra câu đố, ai trả lời được đó là cái gì và nằm ở đâu? Nếu ai đáp trúng sẽ được thưởng 35 Đức Mã. Tôi không biết là có bao nhiêu người đáp đúng, mà chắc chắn sẽ có nhiều người nói đúng, nếu họ là những Phật Tử Việt Nam hay đi chùa, hoặc những người Đức sống ở gần chùa thì sẽ biết. Tiếc rằng hôm tôi nhận được tờ báo ấy thì đã trễ 2 ngày rồi, nhưng nghĩ ra cũng vui vui. Vì người Đức cũng có những sáng kiến mới lạ và do vậy mà ngôi chùa đã trở thành chỗ công cộng cho người Đức lẫn người Việt lui tới lễ bái nguyện cầu.

Nếu quý vị mở máy computer lên và vào tìm xem chỗ Pagode Viên Giác hoặc Thích Như Điển thì sẽ có nhiều tin tức, hình ảnh về chùa cũng như những bài thuyết trình của tôi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nếu quý vị muốn tra cứu, tham khảo. Ngày nay cái gì trên máy computer cũng có, nếu có thiếu thì chỉ thiếu thiện chí của con người mà thôi.

Tu Viện là gì? Có nhiều người nghĩ vào đó tức không được tiếp xúc với ai cả. Không nhất thiết phải như vậy. Có lẽ bên Thiên Chúa giáo có những dòng tu kín như thế, nhưng bên Phật Giáo Việt Nam thì rất hiếm, người Tăng sĩ hay Ni cô đang sinh sống tại các Tu Viện hay Phật Học Viện là nơi có nhiều người, kể từ số trăm trở đi. Họ cùng chấp tác chung, ở chung, tụng kinh chung, học chung, tụng luật, bố-tát chung v.v... nghĩa là cái gì cũng có tính cách công cộng, nên gọi là Tu Viện. Nhiều khi gọi điện thoại cho người Đức, xưng là tôi từ chùa (Pagode) Viên Giác gọi thì họ không hiểu, thế là chúng tôi phải nói là Tu Viện (Kloster) Viên Giác thì họ hiểu ngay. Vì danh từ này họ đã quen bao đời nay rồi với danh từ của Thiên Chúa, hoặc Tin Lành.

Còn Đại Tòng Lâm là gì? Đó là nơi tu học của chư Tăng Ni, không ở thành phố mà phải nằm xa thành thị. Nơi đó có thể là vùng núi non, vùng thung lũng và chỗ ấy có thể ở, sinh hoạt, tu học cho cả mấy ngàn người chứ không phải chỉ vài trăm người. Trong ấy vẫn có một ngôi chùa chính và nhiều ngôi chùa phụ cũng như trường học để Tăng chúng học tập, tu luyện..

Tại Việt Nam, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản v.v... đều có nhiều danh từ để chỉ về một ngôi chùa như thế. Còn trong ngôn ngữ tiếng Đức này có sự giới hạn và người Đức cũng khó phân biệt thế nào là một ngôi chùa hay một tu viện. Do vậy tôi đã giới thiệu qua một số nét căn bản để người Đức hoặc các trẻ em Việt Nam sinh ra ở đây có cơ hội để biết rõ ngọn ngành hơn.

Nhiều người Đức cũng đi chùa, mới đầu họ còn bỡ ngỡ và khó gần gũi với nếp sống của người Á Châu nhưng dần dần rồi cũng quen đi. Ví dụ như vào chùa phải bỏ giày dép bên ngoài, hoặc giả không được mặc y phục ngắn trên đầu gối. Ngoài ra sự cầu nguyện, lễ bái của người Á Châu động hơn và người Đức thường hay thích tịnh. Tuy nhiên tất cả đều là thói quen và theo thời gian năm tháng người ta sẽ tự nhiên thích hợp.

Đây là một ngôi chùa Việt Nam được xây dựng đầu tiên ở xứ Đức và cũng có thể nói từ khi Đạo Phật truyền vào xứ Đức này đã 200 năm rồi, đây cũng là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa Á và Âu, nên có nhiều nét đặc thù. Khi một đứa bé con của một gia đình Việt Nam sinh ra và lớn lên tại đây, chúng sẽ hãnh diện và tự hào là ông cha, tổ tiên của chúng đã đến đây tỵ nạn bằng hai bàn tay trắng, chỉ có một ý chí cương quyết tạo dựng một cuộc đời mới tại xứ Đức này, trong ấy đã xây dựng một ngôi chùa tại đây. Chúng sẽ hãnh diện giới thiệu với bạn bè Việt và Đức của chúng là nơi ngôi chùa Viên Giác ấy xứng đáng đại diện cho Văn Hóa Việt Nam và nếu có ai muốn đến đó xem thì tại đó sẽ cung ứng những nhu cầu về tâm linh mà họ cần hiểu biết. Người Việt lập nghiệp ở đây hơn 25 năm nên cơ sở thương mại, kinh doanh, nhà hàng rất nhiều, nhưng đấy không phải là văn hóa của dân tộc, nên những người trẻ không thể vào một nhà hàng bán thức ăn, hoặc tiệm thực phẩm Á Châu bảo rằng: Đây là quê hương của tôi, là văn hóa của dân tộc tôi. Như vậy sẽ là một sự sai lầm lớn.

Người Việt ra đi đã bỏ lại sau lưng tất cả và trong ấy có bỏ lại ngôi chùa. Do vậy mà trong sự nhớ thương dằng dặc, bao giờ ngôi chùa cũng xuất hiện đầu tiên trong tâm trí của họ. Thi sĩ Huyền Không, tức Hòa Thượng Thích Mãn Giác, cách đây 50 năm đã làm một bài thơ Nhớ Chùa rất hay, đã diễn tả đúng tâm trạng của những người xa quê khi hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bài thơ ấy nhan đề là Nhớ Chùa:

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.

Đây là lối thơ thất ngôn trường thiên. Nghĩa là mỗi câu 7 chữ và không nhất thiết bài thơ phải dừng nơi 4 câu như những loại thơ Đường luật bị gò bó niêm luật, mà ở đây gồm 9 đoạn, mỗi đoạn 4 câu như thế.

Con người khi xa quê mong muốn làm nên một cái gì đó cho đời, nên phải bon chen với danh lợi, tranh đấu hơn thua để phần thắng được về mình, nhưng khi sực tỉnh lại, thấy sao mà chua xót quá. Do vậy mới mơ màng nhớ lại cảnh cũ người xưa, trong ấy có bóng dáng một ngôi chùa.

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

Cảnh cũ người xưa đâu còn nữa, nhưng trên con đường đất đỏ chạy vào làng đó, hai bên có những hàng tre thẳng tắp, đứng sừng sững với núi sông, tượng trưng cho cuộc đời của người quân tử. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng là biểu tượng cho làng tôi đấy. Và nơi đó, dưới ánh nắng chói chang hay những chiều tà ảm đạm, ngôi chùa vẫn im lìm trong cuộc sống trầm lặng của dân quê.

Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách vẫn xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười.

Thật là hạnh phúc biết bao! Thật là hoan hỷ biết bao! trong tất cả hoàn cảnh, trong tất cả nhịp điệu sống của dân làng đều có sự hiện diện của ngôi chùa, trong ấy có Đức Phật dưới làn khói hương nhẹ tỏa. Ngài ngồi yên đó mỉm cười với cuộc thế đổi thay từ bên trong lẫn bên ngoài bản thân của mỗi con người. Tuy vậy trong vườn chùa kia có những cây mai sống rất lâu. Mỗi năm Đông đến Xuân sang thì hoa mai đua sắc thắm để chào đón nàng Xuân, mặc cho gió Đông có khe khắt. Ngoài những gốc mai già ra còn có những cây tùng và cây bách vẫn sừng sững với gió sương, trơ gan cùng tuế nguyệt, chịu đựng với bao nhiêu gian khổ khó khăn, nhưng lá vẫn xanh, cây vẫn thẳng, chịu đựng gian khổ với thời tiết, với hoàn cảnh. Điều này cũng nói lên được ý chí của những người ở lại quê, khi họ đã chấp nhận sống chết với lũy tre làng, nương khoai, bờ giậu ấy.

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát giọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.

Dưới mái chùa hiền hòa ấy có hình bóng của vị Sư già ngày 2 buổi với kinh kệ, mõ chuông, cầu nguyện cho dân làng sống hạnh phúc qua lời dạy của chư Phật, bỏ ác làm lành, giữ tâm ý cho được thanh tịnh. Lời kinh tiếng kệ ấy như là những tiếng vọng cao cả dội vào tâm tư của người dân, ngay cả những người đang sống nơi viễn xứ. Lời kinh ấy cứ vang vọng mỗi ngày sớm chiều hai buổi, khiến cho khách trần ai tục lụy cũng phải hướng về cảnh giới giải thoát nhiệm mầu để tu thân tích đức.

Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình.

Cuộc sống nông thôn rất đơn giản, chỉ có gạo, khoai, sắn, bắp, rau cải chứ có gì đâu, nhưng từng người dân chất phác ấy được sinh trưởng, lớn lên tại làng quê kia đều có mục đích rõ ràng là tô bồi quê hương xứ sở cho đẹp đẽ, mà muốn thế phải nương theo sự cầu nguyện, nương theo chuông mõ, linh tang, gõ nhịp vào thành trống, thành chuông để gióng lên bao hồi chuông cảnh tỉnh. Để từ đó con người sống trọn vẹn trong cảnh thái bình an lạc. Sự yên ổn đó không phải tự nhiên mà có. Đó là do sự cầu nguyện, do ý chí mong cầu, do sự hướng về Đấng Toàn Giác. Do tâm nguyện ấy mà đời sống của mọi người trong thôn trở nên an lạc.

Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh.

Đời sống của nông dân rất là hồn nhiên chất phác. Cật lực làm lụng suốt ngày để có miếng cơm, manh áo, tối về tắm rửa sạch sẽ, sau đó cơm nước và dẫn vợ con lên chùa để ngắm trăng. Vì sao vậy? Vì tại chùa bao giờ cũng có cây to bóng mát. Xuyên qua ngàn cây nội cỏ đó, ánh trăng rằm sẽ rọi chiếu khắp đó đây trở nên lung linh huyền ảo hòa lẫn với tiếng chuông ngân nga như đem mùi Thiền làm nên cảnh vật của thiên nhiên. Khiến người nông dân thư thái, hạnh phúc vô cùng. Đây là niềm an ủi, một sự động viên, không phải dùng thuốc uống để chữa lành bệnh tật mà tất cả đều khởi đi từ chỗ tâm hướng thượng của mỗi con người.

Trầm đốt hương xông thơm ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn, ba mươi mỗi tối vào.

Đến ngày sám hối vào tối 14 âm lịch hoặc tối 30. Mỗi tháng 2 lần như thế sau khi cơm nước tắm gội, vợ chồng con cái cả nhà lên chùa với sản phẩm trong vườn như rau, chuối, đậu, mè mang lên chùa để cúng dường Sư cụ và thập phương bá tánh. Đây là tâm nguyện của dân làng khi đi chùa lễ Phật. Cho nên ai ai cũng nôn nao mong cho đến những ngày trọng đại ấy để lên chùa dâng hoa hương cúng Phật và trầm mình trong trầm hương khói tỏa, để như thấy mình cũng được sám hối những tội lỗi từ lâu đời, lâu kiếp đã gây ra.

Biết đến bao giờ trở lại quê
Phù vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.

Ngôi chùa với phong sương cùng tuế nguyệt ấy, với thời gian năm tháng chất chồng, với chiến tranh đổ nát, với sương gió phũ phàng, chắc chắn phải có ảnh hưởng, nhưng trong tâm trạng của kẻ xa quê vẫn muốn rằng những hình ảnh của năm xưa, một ngôi chùa hiền hòa yên tĩnh tọa lạc trong một ngôi làng và trong tâm thức của người xa quê như thế cũng mong rằng không bị ảnh hưởng gì nặng nề cả. Vì ngôi chùa trong lòng người xa xứ là cả một bầu trời, một đất nước, một quê hương. Chưa biết là bao giờ mới có thể trở lại thăm quê, nhưng mong rằng ngôi chùa trong lòng của tuổi ấu thơ ấy vẫn còn mãi mãi nơi tâm thức của người xa quê.

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muốn đời của Tổ Tông.

Thật là tuyệt vời! Thật là vi diệu khi bên tai mình văng vẳng đâu đây tiếng chuông và nhiều tiếng chuông liên tục như thế vọng ra từ một ngôi chùa, cho nên mình đã thức tỉnh và nhớ lại chùa xưa. Ai là người đã ra đi, chắc chắn không bao giờ quên được ngôi chùa ấy. Vì sao vậy? Vì lẽ mái chùa kia đã che chở hồn dân tộc qua bao nhiêu năm tháng chất chồng, qua các triều đại thịnh suy của dân tộc, che chở hết tất cả những muộn phiền của thế sự đổi thay và đó, đó chính là nếp sống nghìn đời của ông bà, cha mẹ ta trong tinh thần của Phật Giáo vậy.

Chỉ một bài thơ 36 câu gồm 9 đoạn thôi, mà đã diễn tả được tất cả hình ảnh của một ngôi chùa đối với bên trong của nội tâm qua bao thăng trầm của thế sự cũng như đối với những hoàn cảnh đổi thay ở bên ngoài của cảnh vật, của đất nước quê hương.

Thật ra, tác giả đã gởi gắm tâm sự của mình vào đây khi xa quê và hình ảnh ngôi chùa ấy tại một làng quê hẻo lánh nơi chôn nhau cắt rốn đã chiếm trọn vẹn cuộc đời và tuổi thơ của tác giả. Hai câu thơ cuối là 2 câu quan trọng nhất. Đã là người Việt Nam, không nhất thiết là Phật tử hay không phải Phật tử, tất cả đều được và bị ảnh hưởng bởi tiếng chuông chùa. Trong dân tộc Việt ấy, dĩ nhiên là có nhiều tín ngưỡng khác nhau nữa, nhưng mái chùa ở đây đã phủ kín mọi khuynh hướng tôn giáo, để tất cả cùng nhau xây dựng cho một dân tộc Việt Nam sớm thanh bình thịnh vượng.

Còn tôi, sau 30 năm xa xứ, ngôi chùa ấy luôn luôn hiện hữu trong tâm thức và hôm nay đã làm trụ trì ngôi chùa này đã 25 năm rồi, nên có rất nhiều kỷ niệm. Tuy đây không phải là một làng quê hẻo lánh như ở Việt Nam, nhưng hình ảnh từ bi của Đức Phật thì ở đâu cũng tương tự như vậy. Không biết một mai đây tôi về với Phật hoặc đi nước khác, có lúc nào đó tôi rảnh rỗi ngồi lại để nhớ và nghĩ về ngôi chùa Viên Giác này suốt 25 năm qua hay còn nhiều năm sau đó nữa, về những kỷ niệm thân thương, vui buồn, an ổn, nhiều vấn đề v.v... để rồi chính ngôi chùa trong tâm thức đó sẽ hiện về như tác giả Huyền Không đã mô tả chăng?

Tôi không phân biệt người Phật Tử theo tông này hay tông khác, nước này hay nước kia. Có người nói tôi theo Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada), có người nói tôi theo Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) nhưng với tôi trên bình diện tâm thức, không phân biệt là Đại hay Tiểu, lớn hay nhỏ, cao hay thấp, mà tôi chỉ có một thừa để theo. Đó là Phật thừa (Buddhayana) mà thôi. Tại chùa Viên Giác này có nhiều phái đến sinh hoạt. Ví dụ như Thiền của Nhật Bản, Phật Giáo Đại Hàn, Phật Giáo Thái Lan, Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Đức, Phật Giáo Mỹ và dĩ nhiên là Phật Giáo Việt Nam, tất cả đều cùng sinh hoạt chung dưới mái chùa này và không có một vấn đề gì về kỳ thị tông phái đã xảy ra cả. Tôi còn cố vấn giúp đỡ cho những Hội mới thành lập, như Hội Phật Giáo Phật Quang Sơn tại Berlin chẳng hạn. Lúc mới bắt đầu, dầu cho những người Phật Tử ở đây lâu năm cũng không biết nên làm sao. Do vậy tôi đã chỉ vẽ cho cách lập Hội, bản nội quy, sau đó đi khai báo ở Tòa Án và cuối cùng phải qua Sở Tài Chánh để có được tư cách từ thiện công ích (Gemeinnütziger). So ra như vậy tôi đã chẳng có phân biệt để giúp cho những ai, hoặc những hội nào cần cố vấn trong vấn đề giấy tờ hợp pháp của tôn giáo đối với xã hội này.

Ở Việt Nam hay các xã hội Á Châu, luật pháp về tôn giáo ít hơn. Vì nhiều khi một ngôi chùa tại làng đó đã có trước, sau đấy cả 100 năm ngôi làng ấy mới thành hình. Do vậy mà vị trí của ngôi chùa ấy cũng là một vị trí độc tôn, khỏi cần phải xin phép ai cả. Còn ở đây, tất cả đều có luật pháp, tất cả đều có giấy tờ, chứng từ, xuất nhập, chi tiêu v.v... Thật ra không phải là vấn đề rắc rối, nhưng đó là vấn đề hành chánh và người điều hành cơ sở ở các nước Tây phương này phải biết qua, hay nói đúng hơn là phải biết rành về luật pháp lại tốt hơn nữa.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.46.202 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...