Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn.
(Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói.
(Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình.
(You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi.
(The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Ngôn từ, dù phát thành tiếng trên môi hay đang còn dưới dạng những ý nghĩ, thì vẫn có sức cuốn hút như là một thứ bùa mê. Bạn dễ dàng đánh mất mình trong mớ ngôn từ đó, chúng dễ làm cho bạn mê mẩn đến độ bạn cả tin một cách sai lầm rằng khi gọi tên một vật nào đó thì bạn đã biết được bản chất của vật ấy. Sự thật là bạn không thể nào biết được bản chất của một vật nào cả. Khi gọi tên một sự vật, chỉ là bạn vừa gắn một khái niệm lên một điều gì còn rất bí mật. Suy cho cùng, ta không thể thực sự biết một cái gì hết: dù đó là một con chim, một cành cây, một hòn sỏi và nhất là một con người. Lý do là vì mỗi thứ ấy đều có một chiều sâu vô lượng. Những gì ta suy nghĩ, cảm nhận, hay kinh nghiệm về vật ấy chỉ là một lớp mỏng bên ngoài của thực tại, những điều ta biết ấy thực ra còn ít hơn một cái chóp nhỏ tí teo nhô lên mặt nước của một tảng băng trôi.
Ẩn dưới vẻ bề ngoài đó, mọi thứ không những rất liên quan với những thứ khác mà còn liên quan rất mật thiết với Tâm - Cội Nguồn của sự sống - nơi sản sinh ra mọi vật. Thế nên một bông hoa, một con chim, thậm chí là một hòn sỏi cũng có thể dẫn lối cho ta trở về với Nguồn Cội, với Thượng Đế, và với chính ta. Khi ta nhìn ngắm một vật hoặc cầm nó lên và để cho nó được hiện hữu mà không gán ghép một tên gọi nào hay một nhãn hiệu nào lên vật đó thì ta sẽ có cảm giác sững sờ, và kinh ngạc dâng trào lên ở trong ta. Bản chất chân thực của vật đó sẽ lặng lẽ truyền đạt đến ta, đồng thời giúp ta phản ảnh bản chất chân thực của chính mình. Đây là điều mà các họa sĩ bậc thầy đã cảm nhận và chuyển tải rất thành công trong những nghệ phẩm của họ. Van Gogh đã không nói: “Ồ, đây chỉ là một cái ghế cũ”. Ông nhìn đi, rồi nhìn lại, không biết bao nhiêu lần. Cho đến khi ông cảm nhận được tính Hiện hữu của chiếc ghế cũ. Rồi ông mới cầm cọ ra ngồi trước khuôn vải và bắt đầu vẽ. Bản thân chiếc ghế cũ ấy hẳn chỉ có giá vài đô la. Nhưng bức tranh về chiếc ghế cũ mà Van Gogh đã vẽ đó bây giờ có lẽ phải trên 25 triệu đô la.
Khi bạn không còn che lấp thế giới bằng ngôn từ và nhãn hiệu thì một cảm giác huyền nhiệm trở lại trong đời sống của bạn, dù cảm giác này đã biến mất từ lâu khi nhân loại, thay vì sử dụng ý nghĩ, thì lại bị ý nghĩ chi phối và chiếm hữu (1). Đời sống của bạn vừa lấy lại được chiều sâu. Mọi thứ phục hồi lại được sự trẻ trung và tươi mát. Nhưng điều kỳ diệu nhất là bạn đang chứng nghiệm lại được bản chất chân thật của mình, trước khi bị những ngôn từ, ý nghĩ, hay hình tướng nào đó làm cho lu mờ đi. Điều này chỉ có thể xảy ra khi bạn tách ly được cảm nhận về mình, về bản chất của Hiện hữu, ra khỏi mọi thứ hỗn tạp khác mà bạn đã sai lầm tự đồng nhất với mình. Cuốn sách này sẽ giúp bạn thực hiện quá trình tách ly này.
Khi bạn càng vội vàng gắn những nhãn hiệu hay ngôn từ lên một đồ vật, một người, hay hoàn cảnh nào đó thì đời sống của bạn sẽ càng trở nên nông cạn và tẻ nhạt. Và bạn lại càng dễ trở nên chai lỳ trước hiện thực của đời sống, khiến bạn không thấy được những diệu kỳ của đời sống vốn vẫn luôn trải ra bên trong bạn và chung quanh bạn. Như thế, bạn có thể đạt được chút khôn ngoan lém lỉnh, nhưng sẽ đánh mất sự thông thái cùng với niềm vui, óc sáng tạo, tình yêu và sức sống, những thứ ẩn giấu dưới khoảng trống tĩnh lặng của những khái niệm và suy luận của bạn. Dĩ nhiên chúng ta cần phải sử dụng ngôn từ và ý tưởng - những thứ có vẻ đẹp riêng của chúng - nhưng chúng ta có cần phải tự trói buộc mình vào những ngôn từ và ý tưởng đó không?
Ngôn từ không thể nói lên được gì nhiều về thực tại vì chúng luôn giảm thiểu thực tại thành một điều gì đó mà trí năng con người có thể nắm bắt được. Ngôn từ trong Anh ngữ chỉ bao gồm năm nguyên âm căn bản: a, e, i, o, u. Còn lại chỉ là các phụ âm tạo nên bởi áp suất của không khí trong vòm miệng như s, f, g,... Bạn cả/ Vậy sao bạn có thể tin rằng sự kết hợp của những âm thanh như thế lại có thể giải thích được bản chất chân thật của bạn, giải thích được mục đích tối hậu của vũ trụ hay thậm chí giải thích được chiều sâu, hay bản chất của mỗi gốc cây, mỗi hòn sỏi ?
Cái “tôi” được tạo ra do mê mờ
Tùy theo cách dùng mà đại từ “Tôi” có thể tượng trưng cho một sai lầm lớn nhất hoặc có thể nói lên được chân lý sâu sắc nhất. Trong cách dùng thông thường, không những đó là một từ được dùng nhiều nhất trong ngôn ngữ (và dùng chung với những từ khác như: “của tôi” và “chính tôi”) mà còn là một trong những từ dễ gây ra lầm lỗi nhất. Theo cách dùng thường ngày, từ “Tôi” là biểu tượng của một sai lầm từ gốc rễ, là cảm nhận sai lầm về bản chất chân thật của bạn, là sự đồng hóa một cách mê mờ về chính mình. Đây chính là bản ngã. Cảm giác sai lầm về “cái Tôi” này là những gì mà Einstein – người đã hiểu sâu, không những bản chất thực của không gian và thời gian, mà cả về bản chất của con người – đã từng đề cập đến. Einstein nhìn nhận sai lầm trong nhận thức đó như là “một ảo tưởng về thị giác của nhận thức”. Và “cái Tôi” sai lầm đó lại làm cơ sở cho mọi suy diễn sai lạc sau này của chúng ta về thực tại, về những cách suy tư, về các mối quan hệ và giao tiếp của bạn. Thực tại, lúc đó, chỉ còn là sự phản ảnh của sai lầm căn bản này.
Điều đáng mừng là nếu bạn nhận thức rằng đó chỉ là sự mê mờ thì tự nó sẽ tan biến ngay. Khi bạn nhận thức được sự mê mờ thì đó cũng là điểm kết thúc của sự vô minh ấy. Sở dĩ vô minh còn tồn tại được chỉ vì bạn đã tưởng lầm vô minh là thực tại. Khi nhận chân được mình không phải là điều đó thì tự thân bản chất chân thực của bạn được phơi bày. Điều này sẽ xảy ra với bạn khi bạn đọc chậm rãi và kỹ càng chương này và những chương kế tiếp, khi tôi nói rõ về cơ chế hoạt động của “cái Tôi giả dối” mà ta thường gọi là bản ngã. Vậy thì bản chất của bản ngã là gì?
Thông thường, khi bạn dùng từ “Tôi” thì “cái Tôi” mà bạn muốn nói đó không phải là bản chất chân thực của bạn. Vì chỉ qua một thao tác rút gọn sai lạc mà chiều sâu vô hạn của bản chất chân thật của bạn đã bị nhầm lẫn với một âm thanh do thanh quản của bạn phát ra, hay với một ý niệm “Tôi” trong óc bạn và tất thảy những gì mà “cái Tôi” đồng hóa với nó. Vậy thì chữ “Tôi”, “của Tôi”,... muốn nói là gì?
Khi một đứa bé biết được âm thanh do bố mẹ phát ra là tên của nó thì đứa bé ấy đã bắt đầu tự đồng nhất nó với một danh từ, dưới dạng một ý niệm ở trong đầu, với bản chất chân thật của nó. Ở giai đoạn đó, đứa bé tự liên hệ với mình khi nói: “Ôi, Johnny đói bụng quá”. Sau đó, chúng học được đại từ “Tôi”, và ghép từ này với tên mình, cái tên chúng lầm lẫn với bản chất chân thật của chúng. Sau đó những ý-nghĩ-có-dính-líu-đến-Tôi (the I-thoughts) ban đầu này được bổ sung bởi những ý nghĩ khác. Bước tiếp theo là những ý nghĩ về “Tôi” và “của Tôi” để nói về những thứ có vẻ như là một phần của “Tôi”. Đây chính là trạng thái tự đồng nhất mình với đồ vật. Tức là tìm thấy ở “đồ vật” (mà thực ra trong chiều sâu, đó là những ý niệm tượng trưng cho đồ vật đó) một cảm nhận về bản thân mình, và cũng từ cảm nhận đó mà chúng ta tạo ra một nhân cách về bản thân dựa trên những đồ vật đó. Do đó, khi một món đồ “của Tôi” bị hư hoặc mất đi thì “Tôi” cảm thấy rất đau khổ. Đây không phải là sự mất mát thuộc về giá trị nội tại của món đồ vì đứa trẻ sẽ rất chóng quên và thay vào đó bằng những món đồ khác, nhưng sự mất mát này có dính đến ý nghĩ, như thể một cái gì đó “của tôi” vừa bị mất đi. Món đồ chơi đã trở thành một phần của cảm nhận về một cái Tôi đang được phát triển ở trong đứa bé.
Và khi lớn lên, cách suy nghĩ có-liên-hệ-về-Tôi ngày càng được bổ sung thêm bằng những thứ khác “của Tôi” như: giới tính, nghề nghiệp, tài sản, thân thể, dòng giống, quốc tịch, tôn giáo... Thêm vào đó là các vai trò khác mà “cái Tôi” cũng thường dễ đồng hóa theo như vai trò làm mẹ, làm cha, làm vợ, làm chồng... những kiến thức hay ý tưởng đã được tích lũy qua ngày tháng, những sở thích hay những điều không thích, và cả những gì đã xảy ra “cho Tôi” trong quá khứ mà ký ức về nó chính là những ý niệm giúp bạn định nghĩa thêm cảm nhận về bản thân, như là “Tôi và những câu chuyện của Tôi”. Nhưng đây chỉ là những thứ mà người ta căn cứ vào đó để có được cảm nhận về giá trị của con người họ. Chung quy những thứ này cũng chỉ là tập hợp của những ý niệm góp nhặt lại một cách không vững bền, vì tất cả đều chỉ để mang lại một cảm nhận về cái Tôi. Vì khi nói “Tôi” thì thường ta muốn ngụ ý về cấu trúc có tính chất đầy suy tư và lý luận này. Nói chính xác hơn là trong hầu hết các trường hợp, khi bạn nói “Tôi” thì không phải là bản thân bạn đang nói mà chính là một khía cạnh của cấu trúc trí năng này, là “cái Tôi” bản ngã của bạn đang nói. Khi bạn đã tỉnh thức, bạn vẫn dùng chữ “Tôi”, nhưng những điều bạn nói phát xuất từ một chỗ rộng thoáng, sâu xa ở trong bạn(2).
Hầu hết mọi người vẫn còn hoàn toàn tự đồng nhất mình với thói quen suy nghĩ không ngừng, của lối suy tưởng bó buộc, không có chủ đích và thường lặp đi lặp lại ở trong đầu. Trong tâm thức họ, không có chút không gian rộng thoáng nào giữa cái “Tôi” chật hẹp và thói quen hay suy nghĩ lung tung hoặc những cảm xúc lo sợ vẩn vơ thường phát sinh ở trong lòng. Nên khi bạn bảo rằng trong đầu họ luôn có một tiếng nói vang vang, không bao giờ ngừng nghĩ, họ sẽ hỏi lại bạn “tiếng nói gì?”, hoặc họ trở nên giận dữ, phủ nhận điều bạn nói. Dĩ nhiên phản ứng này của họ xuất phát từ tiếng nói của bản ngã luôn vang vọng, là dòng suy nghĩ miên man mà họ không thể dừng lại được, là phần trí năng của họ chưa được họ nhận biết. Có thể nói rằng thực thể này đã khống chế họ.
Một số người không thể nào quên được kinh nghiệm lần đầu tiên khi họ tách ly tâm thức của mình ra khỏi những suy nghĩ miên man ở trong đầu và cảm nhận được, dù chỉ trong chốc lát, một sự chuyển hóa lớn trong cách họ cảm nhận về chính mình, tức là từ chỗ thường tự đồng nhất mình một cách sai lầm với những gì mình đang suy nghĩ, sang một vị trí mới: Làm một chứng nhân đứng đằng sau những suy tư đó, và im lặng quan sát tất cả những gì đang xảy ra(3). Đối với những người khác thì điều này đã xảy đến với họ một cách rất mơ hồ, khó nhận ra được có cái gì quan trọng vừa xảy ra, cùng lắm thì họ chỉ cảm nhận được có một niềm vui tràn ngập và một nỗi an bình ở nội tâm(4) mà họ không biết tại vì sao.
Tiếng nói ồn ào ở trong đầu bạn
Thoáng cảm nhận đầu tiên của tôi về tiếng nói ồn ào này xảy ra khi tôi còn là một cậu sinh viên năm thứ nhất tại Đại học Luân Đôn. Một tuần hai lần, tôi đón tàu điện ngầm để đến thư viện của trường, thường là vào khoảng chín giờ sáng, sau khi mọi người đã vội vã đến sở làm. Lần nọ, có một người phụ nữ da trắng, trạc ngoài ba mươi, ngồi đối diện với tôi ở trên tàu. Tôi đã gặp cô ta một vài lần và không thể không chú ý. Mặc dù tàu điện đã chật ních hành khách nhưng vẫn không ai muốn ngồi bên cạnh cô vì cô ta có vẻ khá điên rồ. Nét mặt cô ta rất căng, và mồm cô luôn lảm nhảm nói với chính cô bằng một giọng rất to và chứa đầy giận dữ. Đầu óc cô như lạc vào những suy nghĩ lung tung ở bên trong đến nỗi, cô dường như chẳng còn biết gì đến những người chung quanh. Đầu thì hơi cúi xuống và nghiêng về bên trái, cô như đang nói chuyện với một người nào đó ở bên cạnh, nhưng đó chỉ là một ô ghế trống, không có ai ngồi ở đó cả. Dù tôi không nhớ rõ những gì cô ta nói, nhưng cơn độc thoại đại loại như thế này: “Và bà ta ấy nói với tôi... nên tôi bảo là bà ấy đã nói dối... Tại sao bà ta dám quy lỗi cho tôi... trong khi bà luôn lợi dụng lòng tin của tôi và phản bội lòng tin đó...”. Giọng cô đầy tức giận như đang bị một người nào đó ngược đãi. Cô nói với giọng đanh thép như người đang cần bảo vệ quan điểm của mình.
Khi chuyến tàu đến ga Tottenham, cô ta đứng dậy và đi ra phía cửa để xuống ga nhưng vẫn không dứt những lời độc thoại. Tôi cũng xuống ở trạm đó và bước ngay sau lưng cô. Khi đã bước lên hết những bậc cấp ở dưới lòng đất để lên tới mặt đất, cô ta quày quả đi về phía quãng trường Bedford, mồm vẫn tiếp tục cuộc độc thoại, giọng đầy giận dữ, vừa tố cáo người kia vừa thanh minh cho quan điểm và cách tư duy của mình. Trí tò mò trong tôi bị kích thích cao độ nên tôi quyết định đi theo sau lưng cô, nếu cô tiếp tục đi cùng một hướng với mình. Dù vẫn mải mê với cuộc nói chuyện tưởng tượng nào đó ở trong đầu, nhưng cô ta dường như vẫn biết mình muốn đi về hướng nào. Chỉ một lát sau, tòa nhà Thượng viện đồ sộ của nước Anh, tòa cao ốc đã được xây dựng từ những thập niên ba mươi đã nằm trong tầm mắt của chúng tôi cùng với các cơ quan hành chính và thư viện của trường Đại học Luân Đôn. Tôi ngạc nhiên quá! Lẽ nào chúng tôi lại đến cùng một nơi? Đúng là cô ta đang tiến về hướng đó. Tôi thầm nhủ, như vậy thì cô ta là một giáo sư, là sinh viên, hay nhân viên văn phòng, hay là quản thủ thư viện của trường? Nhưng cũng có thể cô ta chỉ là một bệnh nhân nằm trong một chương trình thực nghiệm nào đó của các nhà tâm lý học của trường. Tôi thật không thể nào biết được. Khi tôi chỉ còn cách cô ta có bốn, năm mét, vừa khi tôi bước vào trong một tòa cao ốc có thang máy thì cô ta đã mất dạng. Có lẽ cô đã ở trong một chiếc thang máy nào đó vừa đóng cửa và đang đi lên những tầng lầu ở phía trên.
Một phần ở trong tôi cảm thấy rất sửng sốt trước những gì mình vừa chứng kiến. Là một sinh viên năm thứ nhất, ở độ tuổi hai mươi lăm, tôi tự coi mình đang trong quá trình rèn luyện để trở thành một nhà trí thức. Và tôi tin chắc rằng chỉ qua kiến thức và suy tư, chúng ta mới có thể tìm thấy mọi câu trả lời cho những vấn nạn sinh tồn của con người, và điều đó chỉ có thể xảy ra ở giới trí thức như tôi, tức là qua quá trình suy nghĩ và tư duy. Hồi đó tôi vẫn chưa nhận thức được rằng chính thói quen suy nghĩ miên man, thiếu sự nhận thức ở trong ta, mới chính là tình trạng tiến thoái lưỡng nan chủ yếu của con người. Tôi đã xem các giáo sư là các bậc thánh, những người có thể trả lời mọi câu hỏi của tôi và tôi đã cho rằng các trường đại học là đền thờ của tri thức nhân loại. Vậy thì làm thế nào mà một người điên dại như cô ta lại có thể là một phần của thế giới tri thức cao quý này?
Đầu óc tôi vẫn còn mải suy nghĩ đến cô ta khi tôi đã bước vào một phòng vệ sinh nam trước khi đi vào thư viện. Và trong khi đang rửa tay, tôi chợt nghĩ: “Hy vọng cuộc đời mình không phải rơi vào một kết cuộc bi thảm như thế!”. Người đàn ông đang đứng bên cạnh bỗng hơi ngước đầu lên và đảo mắt về phía tôi, khiến tôi bất chợt giật nảy mình nhận ra là không những tôi đã có một ý nghĩ như thế mà miệng tôi còn lảm nhảm thành tiếng ý nghĩ đó. Tôi hoảng hốt nghĩ thầm: “Thôi chết, mình đang trở thành một người mất trí như cô ta!”. Rõ ràng đầu óc tôi lúc ấy đã liên tục suy nghĩ và lo sợ miên man một cách không-có-chủ-đích giống như đầu óc của cô ta. Có khác chăng chỉ là vài khác biệt nhỏ. Cảm xúc và suy tư chủ yếu trong cô ấy là sự giận dữ và bất mãn với những gì đã xảy ra; còn trong tôi là một nỗi xao xuyến và bất an thường trực. Ở cô ta là thứ suy tư đã phát ra thành tiếng, còn trong tôi thì hầu hết chỉ xảy ra ở trong đầu. Nếu bảo rằng cô ta là một người điên thì hầu hết mọi người trong chúng ta, kể cả tôi trong đó, cũng đều điên rồ hết; khác chăng là về mức độ.
Trong một thoáng, tôi đã có thể tách mình ra khỏi đầu-óc-thường-suy-tưởng-miên-man của mình và nhìn lại mình ở một cấp độ sâu hơn những gì đang được thể hiện. Có một sự chuyển dịch ngắn ngủi ở trong tôi từ trạng thái bận rộn với những suy tư của mình sang trạng thái có ý thức, nhưng không vướng chút suy tư nào. Tôi vẫn đang đứng trong phòng vệ sinh nam, không còn ai khác ngoài tôi; và tôi đang nhìn khuôn mặt của mình trong tấm gương lớn. Khi vừa thoát ra khỏi những suy tư bận rộn ở trong đầu mình, tôi bỗng bật cười lên thành tiếng. Tiếng cười của tôi có vẻ khật khùng, nhưng đó đúng là tiếng cười của sự tỉnh thức, tiếng cười của Đức Phật Di Lặc. “Đời sống không đến nỗi nghiêm trọng như đầu óc của bạn vẫn thường nghĩ đâu!”, tiếng cười như muốn cho tôi biết như thế. Nhưng phút chốc của trạng thái có mặt, sáng suốt và đầy nhận thức đó ở trong tôi đi qua rất nhanh và mau chóng bị lãng quên. Tôi sống ba năm sau đó trong một tâm trạng lo âu và buồn chán, hoàn toàn bị chi phối bởi thói quen suy nghĩ vẩn vơ hoặc lo sợ triền miên. Đến độ tôi đã nghĩ đến chuyện tự vẫn, nhưng rồi nhận thức sáng tỏ(5) ấy lại trở về trong tôi và lần này thì nhận thức sáng tỏ ấy kéo dài hơn lần đầu. Bây giờ thì tôi đã hoàn toàn thoát ra khỏi lối suy nghĩ thúc bách, bó buộc(6) và thoát ra khỏi cái Tôi giả tạo do suy tư tạo ra.
Sự kiện trên không những đã giúp tôi hé thấy rất ngắn ngủi khả năng nhận thức ở trong mình, mà nó cũng gợi cho tôi mối nghi ngờ về giá trị tuyệt đối của tư duy hay kiến thức của con người. Và chỉ vài tháng sau, có một chuyện bi thảm xảy ra đã làm cho mối nghi ngờ đó ở trong tôi càng tăng thêm. Đó là một buổi sáng thứ Hai bình thường, chúng tôi đang trên đường đến giảng đường để nghe một buổi nói chuyện do một vị giáo sư danh tiếng của trường Đại học Luân Đôn tổ chức. Nhưng không may chúng tôi được loan báo rằng vị giáo sư ấy đã nổ súng tự sát vào cuối tuần trước đó. Tôi sửng sốt trước biến cố này. Vì ông ấy là một vị giáo sư rất tiếng tăm của trường và được rất nhiều người khâm phục bởi kiến thức uyên bác, khả năng hiểu biết mọi điều của ông. Tuy nhiên lúc đó tôi vẫn chưa thấy được điều gì có thể thay thế cho giá trị của thói quen tích lũy kiến thức trong đời sống(7) mà chúng ta thường làm. Tôi vẫn chưa nhận ra rằng suy nghĩ, tức trí óc, chỉ là một khía cạnh nhỏ trong phần nhận thức rộng lớn ở trong ta. Tôi cũng chưa biết một tí gì về bản ngã, huống gì là chuyện nhận diện và vượt qua được bản ngã đó mỗi khi nó bắt đầu hoạt động trong con người mình.
Những vật sở hữu và cơ cấu của bản ngã
Phần trí năng thuộc bản ngã ở trong ta hoàn toàn bị quy định bởi quá khứ, và nó thể hiện ở hai cấp độ: những vật sở hữu và cơ cấu của bản ngã.
Khi một đứa trẻ khóc một cách đớn đau vì món đồ của nó vừa bị ai lấy mất thì món đồ là tượng trưng cho những vật sở hữu, cho những gì bản ngã thích thu tóm và cất giữ. Và đối với bản ngã thì những gì bạn đang sở hữu có thể được thay thế bằng bất kỳ vật nào khác mà bản ngã của bạn muốn sở hữu. Những vật sở hữu mà bạn thường tự đồng nhất mình vào là những thứ đã bị quy định do môi trường, do sự nuôi nấng, và hoàn cảnh văn hóa mà bạn đã lớn lên. Dù đứa trẻ kia giàu hay nghèo, cho dù món đồ ấy là một mảnh gỗ, hay một món đồ chơi điện tử tinh vi thì nỗi thống khổ cũng là như nhau khi vật ấy bị lấy mất đi. Lý do của sự đau khổ sâu sắc đó ẩn giấu trong ý niệm: “Đó là vật sở hữu của Tôi”, và điều này liên hệ đến cơ cấu của bản ngã. Trong vô thức bạn có một sự thôi thúc muốn củng cố một ấn tượng về cái Tôi của mình qua sự liên đới của bạn với đồ vật, và sự thôi thúc này là một bộ phận làm nên cấu trúc của bản ngã ở trong bạn.
Vô thức tự đồng hóa mình với một cái gì đó là một trong những cơ cấu căn bản nhất để tạo ra bản ngã ở trong bạn. Chữ “identification” – nghĩa là tự đồng nhất – được lấy từ gốc chữ “idem” của tiếng La tinh có nghĩa là “làm cho giống nhau” và chữ “facere” có nghĩa là “làm cho”. Do đó khi tôi tự đồng nhất mình với một cái gì đó tức là tôi làm cho tôi giống với cái đó. Nhưng làm cho giống với cái gì? Giống như Tôi. Tôi gán cho nó một cảm nhận về bản thân và vì thế nó trở thành một phần của “con người tôi”, của phẩm chất, hay giá trị nào đó dính đến “Tôi”. Mức độ tự đồng nhất mình sâu đậm nhất là tự đồng nhất mình với những đồ vật mà mình sở hữu: Món đồ chơi mà tôi đã từng chơi và tôi thường tự đồng hóa mình với nó lúc “Tôi” còn bé, thì khi “Tôi” trưởng thành “Tôi” sẽ đồng hóa mình với chiếc xe hơi “của Tôi”, với căn nhà “của Tôi”, với áo quần “của Tôi”,... Tôi vô thức loay hoay cố đi tìm chính mình qua những vật tôi sở hữu đó(8) nhưng hầu như tôi không thể tìm ra được chính mình mà rốt cuộc tôi còn tự đánh mất mình(9) trong mớ đồ vật đó. Đó là số phận không lối thoát của bản ngã(10).
Tự đồng hóa mình với đồ vật
Trong ngành quảng cáo, người ta biết rất rõ rằng để bán được những sản phẩm mà bạn - người tiêu thụ - không thực sự cần phải mua, họ phải thuyết phục bạn rằng món hàng đó sẽ làm tăng thêm một giá trị nào đó cho bạn, hay sẽ làm tăng thêm giá trị của bạn khi người khác nhìn vào bạn. Nói một cách khác là món hàng sẽ củng cố thêm cảm nhận về một “cái Tôi” ở trong bạn. Ví dụ họ sẽ nói với bạn rằng “bạn sẽ nổi bật trong một đám đông” khi dùng sản phẩm này, rằng bạn sẽ làm cho chính mình được hoàn thiện hơn. Cũng có thể họ sẽ tạo một mối liên kết giữa sản phẩm của họ với một người nổi tiếng, hay một người trẻ trung, duyên dáng, vui tươi,... Ngay cả hình ảnh thuở thanh xuân của những người đã thành danh, dù bây giờ họ đã già hay đã chết, vẫn phục vụ tốt cho mục đích quảng cáo này. Ở đây có một sự hiểu ngầm rằng khi bạn mua món đồ ấy, qua một phép lạ nào đấy, bạn sẽ trở nên như những người ấy, hay nói cho chính xác hơn, ít ra bạn sẽ trở thành một biểu tượng nào đấy như những người ấy. Vì thế trong nhiều trường hợp, không phải là bạn đang mua giá trị thực sự của một món đồ, mà là mua “cái làm tăng thêm giá trị cho bạn” như khi bạn mua cái nhãn hiệu của các nhà thiết kế thời trang. Chúng thường rất đắt giá, vì thế có tính chất “dành riêng, hay ưu tiên hơn”. Vì nếu mọi người ai cũng đều mua được món hàng ấy thì giá trị tâm lý của nó sẽ giảm đi và còn lại chỉ là giá trị vật chất thực sự của món hàng; và giá trị này thường chỉ bằng một phần nhỏ của số tiền mà bạn phải trả.
Những đồ vật mà bạn thường tự đồng nhất với mình thì tùy vào từng người, tùy lứa tuổi, giới tính, mức thu nhập, giai cấp trong xã hội, thời trang, điều kiện văn hóa, v.v... Cái gì bạn tự đồng nhất mình vào thì thuộc về những vật sở hữu của bản ngã, trong khi sự ham muốn trong vô thức của bạn để tự đồng nhất mình với những vật ấy thì thuộc về cấu trúc của bản ngã. Đó là một trong những phương thức hoạt động cơ bản nhất của bản ngã ở trong bạn.
Ngược đời thay, bạn không thể đi tìm chính mình qua những thứ mà bạn sở hữu: Vì nếu có thỏa mãn chăng thì bản ngã của bạn cũng chỉ cảm thấy thỏa mãn vật ấy trong nhất thời rồi sau đó bạn không còn hứng thú gì nữa khi nhìn vật đó; và thế là bạn cứ tìm thêm, mua thêm, tiêu thụ thêm để tìm lại cảm giác thỏa mãn mong manh, chóng tàn đó. Chính điều đó đã làm cho xã hội tiêu dùng tiếp tục phát triển.
Dĩ nhiên trong thế giới vật chất mà cái “Tôi” bên ngoài của chúng ta đang sinh sống thì đồ vật là thứ cần thiết. Chúng ta cần nhà ở, áo quần, bàn ghế, vật dụng, xe cộ,... Ngoài ra còn có những vật khác trong đời sống mà chúng ta trân quý vì vẻ đẹp và hay chất lượng hiển nhiên của chúng. Thực ra, chúng ta cần phải trân trọng thế giới của đồ vật và đừng nên coi thường nó, vì mỗi đồ vật đều có tính Hiện hữu và là một hình tướng tuy tạm thời nhưng có nguồn gốc từ Vô tướng - nguồn gốc của mọi sự, mọi vật. Ở các nền văn hóa cổ, người ta tin rằng mọi vật, kể cả những vật mà chúng ta gọi là vô tri đều có một linh hồn. Về khía cạnh này, họ tiếp cận với chân lý hơn chúng ta ngày nay. Khi sống trong một thế giới có lối suy nghĩ, lập luận sâu nặng về lý trí như xã hội hiện đại, chúng ta không còn cảm nhận được vẻ sống động của đời sống. Hầu hết mọi người bây giờ không còn khả năng tiếp xúc trực tiếp với nét sinh động của đời sống mà chỉ tiếp xúc với một khái niệm khô khan ở trong đầu của họ về đời sống.
Nhưng chúng ta không thể thực sự trân quý đồ vật nếu ta đang sử dụng chúng như một phương tiện để củng cố cho bản ngã hạn hẹp của mình, hay nói một cách khác là chỉ để cố tìm mình qua những thứ đó. Đây quả đúng là những điều bản ngã bạn luôn làm. Tự đồng nhất mình một cách ích kỷ với đồ vật tạo ra sự tham đắm với đồ vật, tạo ra nỗi ám ảnh với những đồ vật ấy, tất yếu sẽ tạo ra một xã hội tiêu dùng. Và thước đo cho sự tiến bộ của thứ cấu trúc kinh tế này luôn luôn là “phải có nhiều hơn nữa(11)”. Cuộc đua không thể tự chủ được ở trong bạn để có nhiều hơn nữa vật chất, đồ đạc,... để xây đắp nên một nền kinh tế luôn tăng trưởng vô cùng tận này là một sự tha hóa, một căn bệnh của thời đại này.
Sự tha hóa này cũng tương tự như sự tha hóa của những tế bào ung thư trong cơ thể bạn, vì chúng chỉ biết độc nhất một khuynh hướng là sinh sôi nảy nở không ngừng, không biết rằng nó đang đi đến chỗ tự hủy diệt mình khi tàn phá chính cơ thể đang nuôi dưỡng nó. Có những nhà kinh tế quá bị trói buộc với khái niệm phát triển đến nỗi họ không thể nào buông bỏ được khái niệm đó, nên khi nền kinh tế đang đi vào chu kỳ suy thoái, họ gọi đó là thời kỳ của “sự phát triển âm”.
Phần lớn cuộc đời của nhiều người chỉ bận tâm đến chuyện sở hữu vật chất. Điều này giải thích tại sao một trong những căn bệnh của thời đại chính là sự phát triển ồ ạt của đồ vật. Khi chúng ta không còn cảm nhận được mình chính là sự sống đích thực, thênh thang đang xảy ra khắp mọi nơi trong vũ trụ, rất có thể chúng ta sẽ cố gắng lấp đầy đời sống của mình bằng việc thâu tóm và sở hữu đồ vật. Tôi có một thực tập tâm linh mới cho bạn: “Hãy khám phá mối quan hệ của bạn với thế giới của đồ vật” bằng phương pháp tự quan sát mình, đặc biệt là qua những thứ bạn cho là “của bạn”. Bạn phải tỉnh táo và trung thực với chính mình để đánh giá xem là cảm nhận về giá trị của con người mình có bị ràng buộc bởi những thứ mà mình sở hữu không? Những thứ đó có gợi lên một cảm giác mơ hồ nào làm cho bạn cảm thấy rằng bạn quan trọng hay cao siêu hơn người khác? Nếu thiếu những đồ vật ấy thì bạn có cảm thấy mình thua kém những người có nhiều thứ hơn mình? Bạn có thích khoe khoang với người khác những thứ mà mình sở hữu, hay phô trương cho người khác thấy rằng bạn có giá trị hơn hoặc ngược lại? Bạn có cảm thấy ganh ghét, giận dữ, hay cảm thấy như giá trị của mình bị giảm sút đi khi bạn biết một người nào đó đang sở hữu được nhiều của cải hơn mình, hoặc khi bạn vừa đánh mất đi một thứ gì quý giá?
Chiếc nhẫn bị mất
Với tư cách người cố vấn và là một vị thầy tâm linh, một tuần hai lần tôi đến thăm một người phụ nữ làm nghề giáo đang mắc bệnh ung thư. Cô khoảng chừng bốn mươi tuổi và bác sĩ cho biết rằng cô chỉ có thể sống tối đa thêm vài tháng nữa. Thường chúng tôi rất ít nói chuyện với nhau và hầu như chỉ ngồi trong im lặng. Và khi ngồi như thế, cô ấy đã cảm nhận được nhiều lần, dù chỉ trong thoáng chốc, trạng thái tĩnh lặng ở bên trong mà trước đây, khi còn là giáo viên bận rộn, cô chưa bao giờ cảm nhận được.
Nhưng một hôm tôi đến thì thấy cô đang rất giận dữ, và tôi buột miệng hỏi: “Hôm nay đã xảy ra chuyện gì?”. Cô bảo rằng chiếc nhẫn kim cương của cô, một vật rất có giá trị về tiền bạc cũng như tình cảm, đã biến mất và cô ấy đoan chắc với tôi rằng chính người phụ nữ thường đến chăm sóc cho cô mỗi ngày đã lấy mất. Cô than rằng không thể hiểu tại sao người giúp việc kia lại nhẫn tâm với cô như vậy. Cô hỏi tôi rằng cô có nên lập tức chất vấn người phụ nữ ấy hay nên báo với nhà chức trách. Tôi bảo rằng tôi không thể khuyên cô điều gì nên hay không nên trong lúc này, tuy nhiên tôi có hỏi rằng vào giai đoạn này trong cuộc đời, cô còn quan tâm làm gì đến một chiếc nhẫn hay bất cứ một vật nào khác mà cô sở hữu. “Thầy không biết đó thôi”, cô nói, “Đây là chiếc nhẫn của bà ngoại tôi để lại. Tôi luôn đeo nó trên tay cho đến khi tôi bị ốm nặng và những ngón tay của tôi sưng phù lên như bây giờ. Đối với tôi, giá trị tình cảm của vật đó nhiều hơn chuyện đấy chỉ là một chiếc nhẫn, làm sao tôi không buồn cho được?”.
Vẻ giận dữ, thái độ chống chế cùng cách trả lời cấp bách của cô cho thấy rằng cô chưa thực sự có mặt sâu sắc để nhìn lại lòng mình và tách ly những phản ứng của cô với sự việc đã xảy ra và quan sát cả hai. Sự giận dữ và thái độ biện bạch của cô là dấu hiệu cho thấy bản ngã của cô đang nắm chủ quyền và lên tiếng thông qua con người cô. Vì vậy, tôi bảo cô: “Tôi sẽ hỏi cô một vài điều, nhưng thay vì suy nghĩ rồi trả lời ngay như bình thường, cô hãy từ tốn lắng lòng xem rằng cô có thể tìm ra được câu trả lời từ bên trong cô mà không phải bằng suy tư. Tôi sẽ ngừng một lát sau mỗi câu hỏi. Một câu trả lời có thể đến với cô, nhưng có thể là đến ở dưới hình thức của một cảm giác hơn là bằng ngôn từ”. Khi cô bảo rằng cô đã sẵn sàng, tôi liền hỏi: “Cô có thấy rằng sớm muộn gì cô cũng phải buông bỏ chiếc nhẫn ấy, điều này có lẽ là không còn bao lâu nữa, đúng không? Cô nghĩ cô cần thêm bao lâu nữa trước khi cô sẵn sàng để buông bỏ chiếc nhẫn ấy? Khi không còn chiếc nhẫn ấy thì cô có cảm thấy giá trị của cô bị giảm sút? Khi mất chiếc nhẫn thì bản chất chân thực của cô có bị giảm sút đi không?”. Sau câu hỏi cuối cùng của tôi, vài phút đã trôi qua mà cô ấy vẫn ngồi trong im lặng.
Khi cô bắt đầu trả lời thì nét mặt của cô như thoáng có nụ cười và dường như cô đang cảm nhận được sự bình an đang có mặt ở trong cô. “Câu hỏi cuối của thầy làm tôi nhận ra được một điều rất quan trọng. Nhưng trước đó, khi tôi hỏi lý trí của tôi về câu thầy hỏi thì nó bảo: “Có chứ, giá trị của tôi chắc chắn sẽ giảm đi”. Rồi tôi tự hỏi lại mình câu hỏi: “Liệu bản chất chân thực của tôi có bị suy giảm khi tôi không còn sở hữu chiếc nhẫn ấy?” thì lần này, thay vì suy nghĩ để tìm ra một câu trả lời, tôi chỉ để ý đến những cảm xúc xảy ra bên trong mình. Và bất chợt tôi cảm nhận được Sự Hiện Hữu của chính tôi(12) mà từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ cảm nhận được. Nếu tôi đang có thể cảm nhận được Sự Hiện Hữu của chính mình mạnh mẽ đến thế, trong khi tôi đang không có chiếc nhẫn, vậy thì bản chất chân thật của tôi sẽ không hề bị suy giảm chút nào khi tôi buông bỏ chiếc nhẫn. Bây giờ tôi vẫn còn đang cảm nhận được điều đó, một cảm nhận rất bình an và sống động.
“Đó là an nhiên tự tại, là niềm vui của Hiện Hữu”, tôi nói. Cô chỉ có thể cảm nhận được khi cô bước ra khỏi cái đầu hay suy tư của mình: Hiện Hữu chỉ có được ở trong ta qua cảm nhận. Bạn không thể suy nghĩ để mong tìm ra nó được. Bản ngã của bạn không thể biết gì về Hiện Hữu vì bản ngã chỉ gồm toàn những ý nghĩ. Cô đã lẫn lộn chiếc nhẫn, mà thực ra cũng chỉ là một ý nghĩ trong đầu cô, với cảm nhận về Sự Hiện Hữu của chính cô. Cô đã sai lầm khi cho rằng một phần Hiện Hữu của cô nằm trong chuyện cô sở hữu chiếc nhẫn ấy.
Bất cứ cái gì mà bản ngã ta cố bám víu vào đều được dùng để thay thế cho kinh nghiệm về Hiện hữu, vì đó là cái mà nó không thể cảm nhận được. Ta có thể quý trọng và nâng niu đồ vật nhưng nếu ta để bị vướng mắc vào chúng thì lúc đó ta đã đồng hóa mình với bản ngã nhỏ hẹp ở trong ta. Thật ra bạn không thể vướng mắc với một đồ vật nào cả, mà thực ra bạn vướng mắc vào một ý nghĩ rằng vật ấy là của “Tôi”(13). Khi bạn đánh mất một vật nào đó và bạn hoàn toàn chấp nhận sự mất mát ấy, bạn sẽ vượt qua được bản ngã và từ đó bản chất chân thực của bạn - cũng chính là nhận thức, là Tâm - sẽ lộ diện”.
Cô ấy nói: “Giờ đây tôi mới thực sự hiểu điều mà Chúa Jesus đã từng nói trước đây: “Nếu ai đó muốn lấy chiếc áo mà con đang mặc, thì con hãy cởi và cho họ luôn chiếc áo khoác mà con đang mặc ở bên ngoài”( )”.
“Phải rồi”, tôi nói, “Điều này không có nghĩa là khi bạn rời nhà để đi đâu thì bạn sẽ không cần phải khóa cửa lại. Những gì Chúa Jesus thực sự muốn nói là: Hãy buông bỏ sự vướng mắc của bạn vào chuyện sở hữu những đồ vật, đôi khi đó lại là một hành động tốt hơn là cố bảo vệ hay nuối tiếc chúng.
Trong những tuần lễ cuối cùng, khi cơ thể của cô ngày càng suy yếu hơn thì tinh thần cô lại càng rạng rỡ hơn, như thể có một luồng ánh sáng tâm linh đang chiếu rọi qua con người cô. Cô quyết định biếu cho người khác rất nhiều thứ mà cô đang sở hữu, biếu cả cho người phụ nữ giúp việc mà trước đây cô từng nghĩ là đã đánh cắp chiếc nhẫn của cô. Mỗi món đồ cô biếu đi, niềm vui trong cô càng trở nên sâu sắc hơn. Khi mẹ của cô cho tôi biết là cô đã mất, và sau khi cô mất, họ đã tìm thấy chiếc nhẫn kim cương của cô ở tủ thuốc trong phòng tắm của cô. Người phụ nữ giúp việc kia đã trả lại chiếc nhẫn, hay nó vẫn luôn nằm ở đó từ trước đến giờ? Chẳng ai biết được. Điều duy nhất mà ta biết được là: Đời sống sẽ luôn cho ta những kinh nghiệm có ích nhất với quá trình phát triển của nhận thức ở trong ta. Vậy làm sao để bạn biết đâu là một trải nghiệm mà bạn cần phải đi qua? Câu trả lời là bạn hãy thực tập đối diện, mà không phản kháng, với những gì đang xảy ra cho bạn trong phút giây này.
Vậy thì có gì sai quấy không khi bạn cảm thấy tự hào về tài sản mà bạn đang sở hữu hay bực bội khi người khác giàu có hơn mình? Không, không có gì sai cả. Cảm giác tự hào, hay cần được nổi bật, hoặc củng cố quan điểm của mình qua chuyện “Tôi có nhiều hơn” hay cảm thấy thua thiệt khi thấy “Tôi có ít hơn”, là không đúng cũng không sai, vì đó chỉ là đặc tính của bản ngã. Bản ngã không phải là một điều gì sai mà chỉ là sự biểu hiện của mê mờ, của vô thức. Khi bạn bắt đầu quan sát cách bản ngã của mình vận hành, chính là bạn đang bắt đầu vượt qua được nó. Nhưng bạn đừng quá quan trọng hóa bản ngã. Chỉ cần mỉm cười khi nhận ra mình vừa có một hành vi đầy tính chấp ngã. Đôi khi bạn phải cần cười to lên khi nhận ra những biểu hiện ngốc nghếch của bản ngã ở trong mình(14). Tuy nhiên, làm sao mà loài người chúng ta lại có thể bị khống chế bởi bản ngã lâu đến như vậy? Trước hết bạn nên nhớ rằng bản ngã không phải là một vấn đề của riêng bạn. Bản ngã cũng không phải là bản chất chân thật của bạn. Nếu xem bản ngã là vấn đề của riêng mình, thì bạn chỉ tạo thêm cho chính bạn một vòng xiềng xích khác của bản ngã(15).
Ảo tưởng về quyền sở hữu
“Sở hữu” thật ra nghĩa là gì? Làm cho một cái gì đó thành ra “cái của Tôi” có nghĩa là gì? Nếu có một người đứng trên một đường phố lớn ở thành phố New York, chỉ tay vào một tòa nhà chọc trời và nói “Tòa cao ốc đó là của tôi, do tôi sở hữu đấy!”, thì hoặc là người ấy rất giàu có hoặc anh ta là một kẻ dối trá, hoặc là một người đang bị mắc chứng hoang tưởng nặng. Dù là gì đi nữa, thì bạn đang kể một câu chuyện, trong đó ý niệm “Tôi” và ý niệm “tòa nhà” đang trộn lại với nhau làm một. Đó là cách vận hành của khái niệm về quyền sở hữu. Nếu mọi người đồng ý với câu chuyện của bạn thì sẽ có những chữ ký trên giấy tờ để xác nhận sự thỏa thuận đó. Và lúc đó bạn trở thành một người giàu có. Còn nếu không ai đồng ý, thì bạn sẽ bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì bạn là một người mắc chứng hoang tưởng, hoặc bạn là một kẻ láo khoét.
Ở đây, điều quan trọng mà ta cần nhận ra là câu chuyện và các kiểu suy nghĩ làm nên những câu chuyện đó, bất luận là người khác có đồng ý với bạn hay không, là hoàn toàn không liên quan gì đến bản chất chân thật của bạn. Dù cho mọi người có đồng ý với bạn thì rốt cuộc, đây vẫn chỉ là một câu chuyện hư cấu, không có thật. Có rất nhiều người không nhận ra sự thật đó cho đến khi họ cận kề với cái chết, vì lúc đó mọi thứ chung quanh họ bỗng dưng sụp đổ, vì đó là những thứ không liên quan gì đến bản chất chân thật của họ. Khi bạn đang cận kề cái chết thì toàn bộ những khái niệm về sở hữu tài sản sẽ lộ rõ ra sự hoàn toàn vô nghĩa của nó. Trong giờ phút lâm chung của mình, người ta mới nhận ra rằng họ đã hoang phí cả đời để chạy theo một cái gì không thực, những thứ chỉ để làm tăng thêm cảm nhận của họ về nhân cách, về cái “Tôi” giả dối của mình. Trong khi bản chất chân thật của họ, cũng chính là Hiện Hữu của họ, đã luôn có sẵn ở trong họ. Bản chất bất hoại ấy luôn bị che mờ bởi thói quen tự đồng nhất họ với đồ vật, mà rốt cuộc chính là tự đồng nhất mình với những ý tưởng, suy tư ở trong đầu họ.
“Những kẻ nhẹ nhàng ở trong tâm hồn mới thực là những người may mắn vì họ sẽ sở hữu tất cả cõi trời”, Chúa Jesus đã nói như vậy. Nhưng “nhẹ nhàng ở trong tâm hồn” nghĩa là gì? Nghĩa là không đeo nặng, không tự đồng nhất mình với đồ vật, với hình tướng, với những khái niệm chất chứa cảm nhận sai lầm về một cái “Tôi” biệt lập với mọi người và với đời sống. Còn “cõi trời” là gì? Đó chính là an nhiên tự tại, là niềm vui của Hiện Hữu, đơn sơ nhưng sâu sắc khi ta buông bỏ hết sự đồng nhất sai lầm của mình với hình tướng và trở nên “nhẹ nhàng ở trong tâm hồn”.
Đây chính là lý do tại sao ngày xưa ở phương Đông lẫn phương Tây, muốn thực hành tâm linh đúng đắn, ta phải chối bỏ mọi khái niệm về sở hữu. Nhưng khước từ của cải, vật chất không hẳn sẽ giúp bạn thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã. Vì bản ngã của bạn sẽ luôn bảo đảm sự sinh tồn của nó bằng cách tìm một thứ khác để tự đồng nhất với thứ đó, chẳng hạn như bản ngã bạn sẽ tự tạo cho mình một hình ảnh rằng bạn là người đã từ bỏ được mọi thú vui vật chất trên đời và vì thế mà bạn có vẻ cao siêu hơn, có nhiều chất tâm linh hơn những người khác... Cho nên có những kẻ đã chối bỏ tất cả của cải vật chất nhưng bản ngã của họ thì lại lớn hơn bản ngã của những nhà triệu phú. Nếu bạn buông bỏ một phương cách để tự đồng nhất mình với một cái gì đó thì bản ngã của bạn sẽ nhanh chóng tìm ra một phương cách khác để tự đồng nhất. Bản ngã có thể tự đồng nhất nó với bất kỳ cái gì mà nó có thể bám vào, không phân biệt hình thức. Chủ nghĩa bài bác sự tiêu thụ, bài bác sự sở hữu về tài sản rốt cùng cũng chỉ là một quan điểm khác của bản ngã để thay vào quan điểm thích tiêu thụ hoặc sở hữu tài sản trước đây. Nói như thế vì qua đó mà bạn cho rằng mình đúng và người khác là sai. Như ta sẽ thấy sau này, việc cho rằng mình đúng, người khác sai là một trong những khuôn mẫu suy tư của bản ngã, một trong những mê mờ chủ chốt nhất. Nói một cách khác, những vật sở hữu của bản ngã có thể thay đổi; nhưng cấu trúc của bản ngã thì không.
Một trong những cách nghĩ sai lầm là khi bạn đồng nhất mình với một đồ vật, qua sự hư cấu của chuyện sở hữu tài sản mà sự rắn chắc và bền vững của đồ vật đó sẽ giúp cho cảm nhận về cái Tôi của bạn được rắn chắc và bền vững hơn. Điều này đặc biệt đúng khi đồ vật đó là nhà cửa và đất đai, vì hầu như đất đai là thứ duy nhất mà bạn có thể sở hữu mà không sợ bị hủy hoại. Và do đó, điều lố bịch về chuyện sở hữu một cái gì đó càng hiển nhiên hơn qua chuyện sở hữu đất đai. Vào thời kỳ lập quốc của người Mỹ da trắng trong thế kỷ 18, khái niệm quyền sở hữu đất đai đối với thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ quả là một điều họ không thể nào hiểu được. Vì thế mà họ mất hết những vùng đất họ đã từng sinh sống khi người di dân đến từ châu Âu buộc họ ký vào những mảnh giấy mà họ thấy cũng khó hiểu không kém khái niệm sở hữu đất đai. Vì những người thổ dân ấy cho rằng họ thuộc về đất đai còn đất đai thì không thể thuộc về họ.
Bản ngã có khuynh hướng đồng hóa chuyện sở hữu một cái gì đó với Hiện Hữu. Điều này biểu hiện qua ý tưởng: “Tôi sở hữu, vì thế tôi hiện hữu”. Tôi càng sở hữu nhiều của cải thì sự hiện hữu của tôi càng chắc chắn. Bản ngã tồn tại qua sự so sánh với người khác. Bạn tự nhìn mình qua cách người khác nhìn bạn như thế nào. Nếu mọi người đều giàu sang, có nhà cao cửa đẹp thì lúc đó tài sản hay nhà cửa không còn tác dụng nâng cao cảm nhận về cái “Tôi” ở trong bạn. Lúc đó có lẽ bạn sẽ dọn vào một túp lều nhỏ, từ bỏ hết tài sản và cho rằng mình có trình độ tâm linh cao hơn những người khác vì đã từ bỏ những thứ đó. Lúc đó cách mà người khác nghĩ về bạn sẽ trở thành một tấm gương méo mó mà bạn dùng để so sánh bạn là người như thế nào. Đối với bản ngã, trong hầu hết mọi trường hợp, thì giá trị của bạn thường bị trói buộc bởi giá trị mà những người khác định đặt cho bạn, bạn luôn cần người khác cho bạn một cảm nhận về bản thân mình. Trong trường hợp bạn sống trong một nền văn hóa mà phần lớn đánh đồng giá trị của một người với việc người đó sở hữu cái gì và sở hữu bao nhiêu, nếu bạn không nhìn rõ được cái ảo tưởng có tính chất tập thể này, thì bạn sẽ hoang phí cuộc đời mình để đuổi theo thứ này thứ nọ với hy vọng rằng bạn sẽ tìm ra giá trị con người mình và hoàn thiện cảm nhận về bản thân mình qua những thứ đó.
Làm cách nào để bạn buông bỏ được sự vướng mắc vào vật chất? Bạn đừng cố gắng vô ích, vì đó là một điều bất khả. Sự vướng mắc vào vật chất chỉ triệt tiêu khi bạn không còn cố tìm chính mình qua những thứ đó nữa. Trong lúc này, bạn chỉ cần ý thức rằng mình đang có sự vướng mắc với vật chất. Đôi khi thật khó để bạn biết rằng mình đang vướng mắc với cái gì, tức là tự đồng nhất mình với cái đó, cho đến khi bạn vừa đánh mất thứ ấy, hay có nguy cơ là bạn sẽ mất nó. Nếu lúc đó mà bạn cảm thấy buồn khổ, lo âu,... thì đó là một dấu hiệu tốt để bạn thấy rằng bạn có sự vướng mắc với thứ đó. Nếu bạn vừa nhận ra rằng “Ồ, tôi đang bị vướng mắc với cái này” thì nhận thức đó sẽ có công dụng làm cho sự vướng mắc ấy không còn hoàn toàn trói buộc được bạn như nó đã từng trói buộc bạn trước đây. Bạn chính là ý thức; cái phần đang nhận biết rằng ở trong bạn đang có sự vướng mắc. Đây là bước khởi đầu của quá trình chuyển hóa trong nhận thức.
Ham muốn: nhu cầu muốn có nhiều hơn
Bản ngã luôn tự đồng nhất nó với chuyện sở hữu một cái gì, nhưng cảm giác thỏa mãn của bản ngã khi có được vật đó gì thì rất cạn cợt, và chóng phôi pha. Vì ẩn giấu rất sâu kín ở trong bản ngã của bạn là một cảm giác chưa thỏa mãn, chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Khi bản ngã nói “Tôi chưa đầy đủ”, thì thực ra bản ngã muốn nói rằng: “Con người của Tôi chưa đầy đủ”.
Như ta đã thấy, “sở hữu một cái gì” chỉ là một câu chuyện do bản ngã thêu dệt nên với mục đích cốt làm cho tự thân của bản ngã có vẻ chắc chắn và vững bền hơn, làm cho nó nổi bật lên, hay đặc biệt hơn, vì thực ra bạn không thể tìm ra được chính mình qua chuyện sở hữu vật chất. Tuy nhiên, trong bạn luôn có một sự thôi thúc rất mạnh mẽ ẩn dưới việc muốn tìm kiếm đó; sự thôi thúc này có liên quan đến chính cấu trúc của bản ngã. Đó là nhu cầu muốn có nhiều hơn, mà ta có thể gọi là lòng ham muốn. Không bản ngã nào có thể tồn tại lâu dài nếu không có ham muốn được có nhiều hơn. Vì thế lòng ham muốn có vai trò giúp cho bản ngã của bạn sống sót nhiều hơn là chuyện bạn sở hữu một cái gì. Do đó, bản ngã của bạn luôn ham muốn để có được nhiều hơn, hơn là ham muốn để sở hữu một thứ gì. Vì vậy mà sự thỏa mãn trở nên rất nông cạn: khi bạn đã có được một cái gì đó thì sự thỏa mãn đó sẽ rất nhanh chóng được thay thế bởi ước muốn có thêm nhiều hơn nữa, một đòi hỏi không bao giờ có thể thỏa mãn được. Có thêm nhiều hơn nữa để bản ngã của bạn có thể tự đồng nhất nó với những thứ đó. Đó là một nhu yếu có tính nghiện ngập(16) hơn là một nhu yếu đích thực.
Trong nhiều trường hợp, nhu yếu muốn có nhiều hơn, hay cảm giác chưa đầy đủ rất đặc trưng của bản ngã được chuyển thành một nhu yếu của cơ thể và trở thành những cơn đói khát không thể nào thỏa mãn. Những người bị chứng bulimia (chứng cuồng ăn vô độ) cảm thấy đói khát ăn uống một cách không thể kiểm soát, do đó họ thường tìm cách để nôn ra những gì đã ăn, cốt để cho dạ dày có chỗ trống để họ có thể tiếp tục ăn thêm nữa. Cái đầu của họ cảm thấy đói khát, chứ không phải là cơ thể của họ thực sự đói khát. Sự rối loạn trong cách ăn uống này sẽ được chữa lành nếu người bệnh, thay vì đồng nhất mình với những thèm khát thức ăn ở trong đầu, thì họ có thể tiếp xúc với cơ thể của họ và cảm nhận được nhu cầu thật sự của cơ thể chứ không phải là nhu cầu giả tạo có tính bản ngã ở trong đầu họ.
Có thứ bản ngã biết mình ham muốn thứ gì và theo đuổi mục đích đó cho đến cùng mà không chút xót thương hoặc nhân nhượng: Thành Cát Tư Hãn, Hitler... là những ví dụ điển hình trong đời sống. Tuy nhiên năng lượng đằng sau tham vọng quyền lực đã tạo nên một lực đối nghịch, có cùng cường độ với tham vọng quyền lực của họ, rốt cuộc sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính họ. Cùng lúc đó, họ đã tạo ra bao nhiêu bất hạnh cho chính mình cũng như những người chung quanh, hoặc tạo ra địa ngục như trong những trường hợp trên. Hầu hết bản ngã đều có những ham muốn rất mâu thuẫn nhau. Họ ham muốn những thứ khác nhau vào những lúc khác nhau, thậm chí nhiều khi họ không biết họ đang ham muốn thứ gì, ngoại trừ một thứ mà họ chắc chắn là không muốn: phút giây hiện tại. Kết quả của lòng ham muốn bất tận này là sự bất an, chán chường, cảm giác âu lo và nôn nóng. Lòng ham muốn của bản ngã thuộc về cấu trúc nên không có sự sở hữu nào có thể thỏa mãn dài lâu cho bản ngã, chừng nào mà cấu trúc của bản ngã vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta thường nhận thấy lòng ham muốn mãnh liệt nhưng không có mục tiêu cụ thể thường bộc lộ ở bản ngã còn đang phát triển của những thanh thiếu niên, trong đó một số các em thường xuyên ở trong một trạng thái bất mãn và tiêu cực.
Những nhu cầu vật chất như thức ăn, nước uống, chỗ ở, áo quần và những thứ căn bản khác có thể được đáp ứng dễ dàng cho mọi người trên quả đất, nếu không vì sự mất quân bình trong tài nguyên tạo ra bởi nhu cầu điên rồ và tham lam của bản ngã, luôn muốn mình có nhiều hơn người khác. Lòng tham lam đó được biểu hiện ra trong cơ cấu kinh tế của thế giới này, chẳng hạn như các tập đoàn kinh tế lớn mà thực ra chỉ là các thực thể có tính bản ngã đang đấu tranh lẫn nhau để giành giật được nhiều hơn. Mục tiêu mù quáng duy nhất của họ là lợi nhuận. Họ theo đuổi mục tiêu đó mà không chút xót thương. Thiên nhiên, loài vật, con người và ngay cả công nhân của họ, tất cả chẳng qua cũng chỉ là các con số trong bảng kết toán, chỉ là những thứ vô tri để sử dụng và loại bỏ.
Những cách tư duy như “Tôi”, “của Tôi”, “Nhiều hơn”, “Tôi muốn”, “Tôi cần”, “Tôi phải có”, “Tôi chưa có đủ” không nằm ở những vật sở hữu của bạn mà ở cấu trúc của bản ngã. Hình thức của những vật sở hữu của bản ngã thì không quan trọng, vì nó có thể thay thế cho nhau. Chừng nào mà bạn còn chưa nhận ra những kiểu suy nghĩ như thế ở trong mình, chừng nào mà chúng chưa lộ rõ ra dưới ánh sáng nhận thức thì bạn sẽ còn tin vào chúng, bạn sẽ bị buộc phải hành xử theo những kiểu suy nghĩ như thế, bạn buộc phải đi tìm thêm, vì khi những hình thái tư tưởng như thế tồn tại ở trong bạn thì không có nghề nào, nơi nào, người nào hay hoàn cảnh nào có thể làm cho bạn thỏa mãn được. Không có vật sở hữu nào thỏa mãn được bạn, chừng nào mà cấu trúc của bản ngã vẫn đang còn. Dù có sở hữu được một bảo vật quý giá đi nữa thì bạn vẫn luôn cảm thấy không hài lòng. Bạn luôn đi tìm một cái gì khác hứa hẹn sự thành công lớn hơn, hứa hẹn sẽ làm cho cảm giác bất toàn ở trong bạn được toàn vẹn hơn và lấp đi cảm giác trống vắng, thiếu thốn ở trong bạn.
Tự đồng nhất mình với cơ thể
Ngoài đồ vật ra, một dạng tự đồng nhất căn bản khác là đồng nhất mình với cơ thể, qua ý niệm “Cơ thể này là của tôi”. Trước hết thì cơ thể của bạn sẽ là thuộc phái nam hay phái nữ, do đó cảm giác mình là một người đàn ông hay đàn bà thường chiếm một phần quan trọng trong cảm nhận của bạn về chính mình. Giới tính trở thành một thứ để bạn nương vào và tự đồng nhất mình với nó. Thói quen tự đồng nhất với giới tính của mình thực ra được khuyến khích từ độ tuổi còn rất nhỏ và nó buộc bạn phải đóng vai, nó buộc bạn vào những khuôn mẫu cư xử bó buộc, bị định đặt, bị điều kiện hóa , có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sau này của cuộc đời bạn, chứ không phải đơn thuần là chỉ ảnh hưởng đến bản năng tình dục của bạn. Nhiều người hoàn toàn bị trói buộc vào những vai trò thuộc về giới tính này, nhất là ở các xã hội truyền thống, còn ở xã hội Tây phương thì hầu như thói quen tự đồng nhất mình với giới tính càng ngày càng giảm đi. Ở một số nền văn hóa truyền thống, số phận tệ hại nhất mà một người phụ nữ gánh chịu là không được lập gia đình hay không sinh nở được. Còn đàn ông thì đó là chuyện mất khả năng tình dục hay mất khả năng có con. Đối với những người đó, đời sống được xem như chỉ là để hoàn tất bản năng giới tính của mình .
Ở phương Tây, hình dáng bên ngoài của cơ thể tác động lớn đến cảm nghĩ của bạn về chính mình: cơ thể bạn mạnh hay yếu, so với người khác thì nó đẹp hay xấu. Đối với nhiều người thì cảm nhận về giá trị tự thân của họ bị trói buộc với sức mạnh về thể chất, vẻ đẹp ngoại hình, độ dẻo dai hay những biểu hiện bên ngoài của cơ thể. Nhiều người cảm thấy giá trị của bản thân bị suy giảm khi họ cảm thấy cơ thể của mình trở nên xấu xí hoặc thiếu toàn vẹn.
Trong vài trường hợp, hình ảnh trong đầu hay khái niệm về “cơ thể của Tôi” quả là một sự bóp méo hoàn toàn. Một người phụ nữ trẻ có thể tự cho mình quá béo và nhịn ăn cho gầy bớt đi trong khi sự thực là cô ấy rất gầy. Đó là vì cô không còn thấy được cơ thể mình nữa. Những gì cô “thấy” chỉ còn là một khái niệm về cơ thể của cô ở trong đầu: “Tôi béo quá!” hay “Tôi đang bắt đầu phát phì!”. Gốc rễ của tình trạng này là thói quen tự đồng nhất mình với những suy nghĩ miên man ở trong đầu. Trong những thập niên gần đây, khi người ta càng tự đồng nhất mình nhiều hơn với những suy nghĩ tức là sự tha hóa của bản ngã ở trong họ càng mạnh hơn, thì các trường hợp anorexia - bệnh biếng ăn vì cho rằng cơ thể của họ quá béo mập - càng gia tăng. Những người mắc chứng anorexia có thể tự chữa lành cho chính họ bằng cách nhìn lại cơ thể của mình mà không để lý trí chen vào và phán xét, hoặc người đó có thể nhận ra sự sai lầm của những phán xét của mình, thay vì cả tin vào những phán xét đó. Sự bình phục sẽ xảy ra nếu họ có khả năng cảm nhận được cơ thể của họ từ bên trong .
Những người có thói quen tự đồng nhất mình với vẻ đẹp ngoại hình hay sức mạnh của cơ bắp sẽ khổ đau khi những thuộc tính đó không còn nữa. Tư cách mà họ tự xác định cho mình qua những thuộc tính đó sẽ có nguy cơ bị sụp đổ. Dù xấu hay đẹp, phần lớn con người thường đi tìm tư cách của mình qua dung mạo cơ thể bản thân. Nói chính xác hơn, họ đi tìm tư cách của họ từ những ý-nghĩ-dính-líu-đến-một-cái-Tôi mà họ đã sai lầm gán ghép cơ thể của họ với một hình ảnh hay khái niệm ở trong đầu, cơ thể của bạn chung quy chỉ là một biểu hiện của hình tướng, mà sự kết thúc tất yếu của mọi vật mang hình tướng là: không vững bền và sớm muộn gì cũng tan rã.
Cách suy nghĩ rằng “Tôi chỉ là một cơ thể vật lý sớm muộn gì cũng đi đến chỗ già nua, héo tàn và sẽ chết” sẽ luôn dẫn bạn vào tâm trạng yếm thế, khổ đau. Nhưng không còn tự đồng nhất mình với cơ thể nữa không có nghĩa là bạn sẽ xao lãng, coi khinh hay không quan tâm đến cơ thể nữa. Bạn vẫn có niềm vui và lòng biết ơn khi cơ thể bạn vẫn còn trẻ đẹp, khỏe mạnh, tràn trề sức sống. Bạn cũng có thể cải thiện cơ thể mình qua việc thay đổi cách dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn. Khi bạn không còn xem mình chỉ là cơ thể này thì dù vẻ đẹp bên ngoài của bạn có tàn phai, sinh lực có sút giảm thì những điều này chẳng mảy may tác động đến cảm nhận về giá trị hay tư cách của bạn. Thực ra khi cơ thể của bạn suy yếu đi thì chiều không gian của Vô tướng, ánh sáng của Tâm sẽ chiếu rọi dễ dàng hơn, qua hình hài đang tàn phai của bạn.
Không chỉ những người có cơ thể đẹp mới có khuynh hướng tự đồng hóa cơ thể chóng tàn hoại của họ với bản chất của họ, mà những người đang có khiếm khuyết hay bệnh tật trong cơ thể cũng thường tự đồng hóa họ với những vấn đề hay bệnh tật ấy. Lúc đó bạn sẽ thích tuyên bố rằng mình là “nạn nhân” của chứng bệnh ngặt nghèo này hay là “nạn nhân” của tình trạng khiếm khuyết kia. Lúc đó bạn chỉ muốn được bác sĩ và mọi người quan tâm đến bạn hơn; vì họ giúp bạn liên tục khẳng định một hình ảnh có tính chất khái niệm rằng bạn là một bệnh nhân hay là một người bị khuyết tật. Trong vô thức, bạn đã bám víu vào căn bệnh đó vì nó đã trở thành một tư cách quan trọng trong cách bạn cảm nhận về chính mình. Bệnh tật đã trở thành một công cụ mà bản ngã của bạn sử dụng để nó có thể tự đồng nhất mình với căn bệnh đó. Một khi bản ngã của bạn đã tìm ra một tư cách để nó tự đồng nhất mình vào đó, thì bản ngã sẽ không bao giờ muốn buông ra nữa.
Cảm nhận cơ thể bên trong của bạn
Mặc dù tự đồng nhất mình với cơ thể là một trong những dạng căn bản nhất của bản ngã, điều rất may là bạn có thể dễ dàng vượt lên trên thói quen tự đồng nhất với cơ thể của bạn. Điều này được thực hiện không phải bằng cách tự thuyết phục rằng bạn không phải chỉ là cơ thể của bạn; mà bằng cách chuyển sự tập trung của bạn từ hình dáng bên ngoài, từ cách bạn nghĩ về cơ thể của mình - xấu, đẹp, mạnh, yếu, mập, gầy - sang trạng thái cảm nhận được sức sống ở bên trong cơ thể của bạn. Dù cho bên ngoài cơ thể của bạn có như thế nào đi nữa, khi đã vượt lên trên bề ngoài đó, cơ thể bạn quả là một trường năng lượng có sức sống mãnh liệt.
Nếu bạn chưa quen cảm nhận “cơ thể năng lượng ở bên trong” của mình thì bạn hãy thử nhắm mắt lại một lát và thử xem có sự sống ở trong hai bàn tay của bạn hay không? Đừng đặt câu hỏi này cho lý trí của bạn, vì nó sẽ bảo: “Tôi đâu cảm thấy gì đâu!”. Cũng có thể lý trí của bạn sẽ nói: “Thôi, hãy nghĩ về một điều gì khác thú vị hơn đi”. Nên thay vì hỏi lý trí của mình, bạn hãy trực tiếp chú tâm vào hai bàn tay của bạn. Điều tôi muốn nói là bạn hãy cảm nhận cảm giác sống động rất vi tế đang có mặt trong đôi bàn tay của bạn. Bạn chỉ cần chú ý vào đó để nhận ra cảm giác sống động đó. Thoạt đầu bạn chỉ thấy hơi tê tê một chút rồi bạn cảm thấy có một năng lượng hay có sức sống nào đó. Nếu bạn tiếp tục giữ sự chú tâm của bạn vào hai bàn tay của mình thì một lát sau, bạn sẽ cảm nhận được sự gia tăng cường độ cảm giác sống động ở đó. Nhiều người có thể không cần phải nhắm mắt, họ vừa đọc những dòng chữ này vừa cảm nhận được “năng lượng trong lòng bàn tay” của họ. Sau đó bạn sẽ chú ý đến hai bàn chân, hướng sự chú tâm của mình vào đó khoảng một phút, rồi bạn bắt đầu cảm nhận được cả tay và chân của mình. Tiếp theo là bạn tập cảm nhận các phần khác trong cơ thể của bạn: cánh tay, đùi, ngực, bụng... cho đến khi bạn có thể cảm nhận được “cơ thể năng lượng ở bên trong” mình như là một tổng thể rất sống động từ những bộ phận đó.
Những gì tôi gọi là “cơ thể năng lượng ở bên trong” của bạn thực ra không phải là cơ thể nữa mà đó là năng lượng của sự sống, chiếc cầu nối giữa thế giới hữu hình và vô hình . Hãy tạo cho mình thói quen thỉnh thoảng tập để ý và cảm nhận “cơ thể năng lượng ở bên trong” của mình thì sau một thời gian, bạn không cần phải nhắm mắt mà vẫn có thể cảm nhận được “cơ thể năng lượng ở bên trong” của mình. Ví dụ, bạn hãy thử xem mình có thể vừa nghe một người nào đó nói chuyện vừa cảm nhận được “cơ thể bên trong” của mình. Điều này mới nghe có vẻ như rất nghịch lý: Rằng khi bạn tiếp xúc được với “cơ thể năng lượng ở bên trong” của mình một cách thường xuyên hơn thì bạn sẽ không còn khuynh hướng muốn tự đồng nhất mình với “cơ thể vật lý” bên ngoài của mình nữa. Và bạn cũng sẽ không còn tự đồng nhất mình với những suy tư và lo nghĩ miên man nữa . Tức là bạn không còn tự đồng nhất mình với hình tướng nữa mà chuyển sang trạng thái vô tướng, hay ta có thể gọi đó là trạng thái an nhiên tự tại; đó cũng là bản chất chân thật của bạn. Khi bạn có ý thức về “cơ thể năng lượng ở bên trong” của mình không những sẽ giúp bạn an trú trong phút giây hiện tại, mà nó còn là cánh cửa giúp bạn bước ra khỏi sự tù đày, giam hãm của bản ngã. Ý thức về cơ thể năng lượng cũng giúp làm mạnh thêm hệ thống miễn nhiễm và khả năng tự chữa lành bệnh tật của cơ thể.
Lãng quên trạng thái an nhiên tự tại
Bản ngã của bạn luôn muốn tự đồng nhất nó với hình tướng; bản ngã luôn nỗ lực tìm kiếm chính mình và vì thế mà thường tự đánh mất mình bởi hình tướng. Khi tôi nói đến hình tướng thì đó không những chỉ là đồ vật hoặc cơ thể bằng xương bằng thịt này của bạn. Vì ngoài những hình tướng bên ngoài căn bản này - tức là đồ vật và cơ thể - thì còn có các hình tướng khác vi tế hơn, ví dụ như cách bạn suy nghĩ, lập luận… ở trong đầu; chúng thường phát sinh một cách liên tục trong tâm thức của bạn. Đó là những cấu trúc năng lượng vi tế hơn và ít đậm đặc hơn là vật chất, nhưng không ít thì nhiều những thứ đó vẫn là hình tướng. Những gì bạn có thể nhận ra là ở trong đầu mình có một tiếng nói vang vang, không bao giờ ngừng nghỉ; đây chính là bản ngã, là chuỗi suy tư bất trị mà bạn khó thể ngưng lại được. Khi mà mỗi ý nghĩ ở trong đầu đều cuốn hút hoàn toàn sự chú tâm của bạn, khi mà bạn tự đồng nhất mình với tiếng nói ồn ào ấy trong đầu bạn và những cảm xúc đi kèm với tiếng nói đó, đến độ bạn tự đánh mất chính mình trong mỗi ý nghĩ và mỗi cảm xúc, đó là lúc bạn đã hoàn toàn tự đồng nhất mình với hình tướng, do đó bị khống chế bởi bản ngã. Bản ngã là một tập hợp của lối suy nghĩ lặp đi lặp lại và những khuôn mẫu suy tư và tình cảm bó buộc ở trong bạn được đầu tư với một cảm nhận về một cái Tôi. Bản ngã sẽ xuất hiện khi cảm nhận của bạn về an nhiên tự tại, về những gì đang có mặt đã bị lẫn lộn với hình tướng. Đây là ý nghĩa của vấn nạn tự đồng nhất mình với hình tướng. Đây là thói quen lãng quên an nhiên tự tại, lãng quên Hiện hữu của bạn. Đó cũng là sai lầm chủ chốt, là ảo tưởng về sự chia cắt giữa bạn với thế giới chung quanh; thứ ảo tưởng đã biến thực tại thành một cơn ác mộng.
Từ sai lầm của Descartes đến sự thấu triệt của Sartre
Nhà triết học thế kỷ 17, Descartes(17), người được xem là cha đẻ của triết học hiện đại, đã mắc phải một sai lầm chủ chốt khi đưa ra câu nói nổi tiếng được ông xem như là chân lý: “Tôi suy tư, do đó tôi hiện hữu”. Đây là cách ông trả lời cho câu hỏi: “Có một cái gì luôn hiện diện ở trong ta mà ta biết được một cách chắc chắn không?” Ông nhận thấy rằng chẳng nghi ngờ gì nữa là chuyện đầu óc của ông luôn luôn suy nghĩ miên man, vì thế ông gán ghép trạng thái suy tư với Hiện hữu, tức là ông đã sai lầm khi tự đồng nhất bản chất chân thật của mình với trạng thái suy tư không chủ đích thường xảy ra ở trong ông. Thay vì tìm ra chân lý tối thượng, ông đã phát hiện ra cội rễ của bản ngã mà ông không hề hay biết.
Gần 300 năm sau, Jean Paul Sartre , một nhà triết học khác đã phát hiện ở câu nói của Descartes một điều gì đó mà Descartes và những người khác trước ông đã không nhìn ra. Sartre suy gẫm kỹ càng câu nói của Descartes (“Tôi suy tư, do đó tôi hiện hữu”) và bất ngờ nhận ra rằng: “Cái phần nhận thức rằng ‘tôi hiện hữu’ không phải là cái phần nhận thức luôn luôn ‘suy tư’. Vậy ý nghĩa của điều mà Satre muốn nói là gì? Đó là khi bạn nhận thức được rằng mình đang suy nghĩ thì phần nhận thức ra điều đó không phải là một phần của suy nghĩ. Đó là một chiều tâm thức khác rộng lớn hơn là suy tư. Chính phần tâm thức này đã nói lên câu “tôi hiện hữu”, “tôi đang có mặt”. Nếu trong bạn chỉ thuần có sự suy nghĩ thôi thì bạn sẽ không thể biết là bạn đang suy nghĩ. Giống như một người đang ngủ mơ sẽ không biết là mình đang mơ. Vì bạn sẽ tự đồng nhất mình với mọi ý nghĩ xảy ra ở trong đầu, cũng giống như một người đang mơ tự đồng nhất mình với mọi hình ảnh ở trong mơ. Nhiều người vẫn đang sống như thế, họ giống như những kẻ mộng du, bị mắc kẹt trong phần tâm thức suy tư, tha hóa xưa cũ ở trong mình; liên tục tái tạo cho họ một thực tại đầy ác mộng. Khi nhận biết rằng “Ồ, mình đang mơ”, bạn tỉnh dậy từ giấc mơ đó, nghĩa là có một chiều tâm thức mới đang nảy sinh ở trong bạn.
Câu nói của Sartre rất thâm thúy, tuy nhiên ông vẫn còn tự đồng nhất mình với những suy tưởng ở trong đầu, nên ông không nhận ra được ý nghĩa sâu sắc của những gì ông đã phát hiện ra: Một chiều tâm thức mới đang trỗi dậy.
Niềm an bình vượt lên trên mọi hiểu biết thông thường
Có nhiều câu chuyện về những người do gặp phải tai ương hay những bất hạnh lớn trong đời mà bỗng nhiên họ chứng nghiệm được chiều tâm thức mới này. Có người thì do mất hết của cải, mất con cái, hoặc mất vợ hay chồng; có người thì mất đi một địa vị trong xã hội họ đã từng có trước đây, bị mất danh dự hay bị tàn tật. Nhiều trường hợp khác là do thiên tai hoặc chiến tranh mà bỗng dưng họ mất đi tất cả, lúc đó họ thấy mình bỗng dưng trắng tay. Ta có thể nói rằng những người ấy bị rơi vào một tình huống khó khăn, bó buộc. Những gì họ tự đồng nhất mình, những gì thường tạo cho họ một cảm nhận, một giá trị về bản thân trước đây, bây giờ đều mất hết. Điều bất ngờ và khó giải thích được là: thay vì phải đối diện với nỗi sợ hãi và thống khổ cùng cực vì những mất mát đó, thì họ chấp nhận tất cả và bỗng dưng có một cảm nhận rất thiêng liêng về Hiện hữu, một nỗi an bình sâu sắc, hoàn toàn thoát khỏi mọi sợ hãi. Thánh Paul hẳn đã quen với hiện tượng này khi ông viết “Có một nỗi an bình của Thượng Đế, nỗi an bình vượt lên trên mọi hiểu biết thông thường”. Đó quả là một nỗi an bình kỳ lạ mà dường như những người đã trải qua cũng không thể hiểu được, và họ thường tự hỏi: “Khi rơi vào hoàn cảnh như thế này, thì không hiểu làm sao mà tôi lại cảm thấy một niềm an bình sâu sắc đến như vậy?”.
Câu trả lời rất đơn giản, niềm an bình sâu lắng đó xảy ra khi bản ngã ở trong bạn vừa bị sụp đổ. Thật vậy, khi bạn đã nhận diện được bản ngã ở trong mình và cách chúng hoạt động, sai khiến ta như thế nào, khi những hình tướng - mà bạn đã tự đồng nhất mình và cho bạn cảm nhận về chính mình trước đây - bỗng dưng bị sụp đổ, khi đó bản ngã của bạn cũng sẽ bị sụp đổ theo. Vì bản chất của bản ngã là tự đồng hóa mình với hình tướng. Quả thực, khi bạn không còn tự đồng nhất mình với những thứ bề ngoài đó nữa thì bạn là gì? Khi những hình tướng xung quanh bạn bỗng dưng sụp đổ hoặc tan hoại đi, như khi bạn đang cận kề với cái Chết, thì cảm nhận về Hiện hữu, về bản chất chân thật của bạn, bỗng dưng được thoát ly ra khỏi hình tướng: Tâm được thoát ly khỏi sự tù túng, giam hãm của vật chất. Bạn chợt nhận ra bản chất chân thật của mình thực ra là một cái gì rất vô hình, rất bao la, không mang một hình tướng nào cả; Bạn chính là Hiện hữu, là đời-sống-ở-khắp-mọi-nơi, là Hiện hữu trước khi Hiện hữu khoác lên mình những chiếc áo của hình tướng, là Hiện hữu trước khi bị đồng hóa với hình tướng. Bạn sẽ nhận ra rằng bản chất chân thực của bạn chính là cái Biết vô hình tướng, là khả năng nhận thức tất cả những gì đang xảy ra ở đây và cùng một lúc, ở khắp mọi nơi, chứ không phải là những gì mà bạn thường tự đồng nhất mình vào đó. Đó là niềm an bình của Thượng Đế. Là chân lý tối thượng về bản chất của bạn, vì bạn không phải là cái này hay cái kia, mà bạn chính là Tất-Cả-Những-Gì-Đang-Hiện-Hữu.
Nhưng không phải ai khi gặp phải những mất mát lớn đều có được sự tỉnh thức này, đều chứng kiến được sự tách ly của Tâm ra khỏi hình tướng, vì thông thường chúng ta có khuynh hướng cho rằng ta chỉ là một nạn nhân do hoàn cảnh, do người khác, do số phận,… hay do ông Trời đã tạo ra . Cách suy nghĩ sai lầm này sẽ tạo nên trong ta những cảm xúc như giận dữ, oán hận, xót xa... và ta thường mạnh mẽ tự đồng nhất mình với những cảm xúc đó, để ngay lập tức thế chỗ cho tất cả những sự đồng nhất khác trước đây vừa bị sụp đổ do mất mát. Nói một cách khác, bản ngã sẽ nhanh chóng tìm ra cho nó một hình tướng khác để thay thế . Hình tướng mới này có gây ra nhiều bất hạnh cho bạn hay không, không phải là điều bản ngã của bạn quan tâm; vì điều mà nó đang rất cần là nó vẫn là một thực thể tách biệt , xấu hay tốt gì cũng được. Thực ra thứ bản ngã mới này thường có tính chất cứng nhắc hơn, nhiều tính bám víu hơn và rất khó cho bạn chuyển hóa thâm nhập vào hơn là thứ bản ngã trước đó của bạn.
Khi có một mất mát lớn, bạn chỉ có hai cách: chống đối hoặc chấp nhận. Nhiều người trong chúng ta thường trở nên uất hận hay cay đắng , trong khi những người khác thì lại có nhiều lòng bao dung, thông thái và nhân ái hơn. Ở đây thái độ chấp nhận sự mất mát là chấp nhận trong thâm tâm mình những gì đang xảy ra. Bạn mở lòng ra với đời sống. Còn thái độ chống đối lại sự mất mát tức là thái độ co rúm lại ở bên trong, cốt chỉ để làm mạnh thêm cho cái vỏ bọc của bản ngã ở trong bạn. Lúc đó bạn dễ trở nên một người khép kín. Khi sự chống đối đã có mặt ở trong bạn thì những gì bạn làm ở bên ngoài cũng sẽ tạo nên sự chống đối, và Đời sống sẽ không thể nâng đỡ cho bạn. Đời sống sẽ không trợ lực cho bạn. Cũng như khi cánh cửa sổ nhà bạn đã đóng lại thì ánh sáng mặt trời sẽ không thể đi vào được. Còn khi bạn có sự chấp nhận ở nội tâm thì một chiều tâm thức mới sẽ mở ra. Nếu bạn cần làm một việc gì thì hành động đó sẽ thuận với Đời sống, và sẽ được sự hỗ trợ của Đời sống, của nguồn sáng tạo, tức là phần tâm thức trong sáng mà bạn có được khi ở trong trạng thái cởi mở ở nội tâm. Lúc đó mọi người đều muốn hợp tác và giúp đỡ bạn. Sẽ có những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu gặp phải một hoàn cảnh mà bạn không thể làm gì được, thì bạn sẽ an trú trong nỗi an bình và tĩnh lặng ở bên trong nhờ thái độ chấp nhận mọi chuyện xảy đến cho bạn.
CHÚ THÍCH
1. Van Gogh (1853-1890): Họa sĩ thiên tài người Hà Lan, dù lúc sinh thời ông không được người ta công nhận. Trước khi ông bị bệnh và mất, chỉ trong vòng 10 năm, Van Gogh cho ra đời gần 2.000 họa phẩm.
2. Bị ý nghĩ chi phối và chiếm hữu: Ý nghĩ là một cái gì xảy ra tự nhiên ở trong đầu bạn, như bong bóng trên mặt nước, như mây xuất hiện ở trên bầu trời. Ý nghĩ tự nó không phải là vấn đề; khổ đau chỉ xảy ra khi bạn cả tin vào những ý nghĩ này, tự đồng nhất khi cho rằng mình chính là những ý nghĩ đó. Đó là lúc bạn bị chi phối và chiếm hữu bởi ý nghĩ.
3. Chỗ rộng thoáng, sâu xa ở trong bạn: Tức là từ chỗ nhận ra được bạn chính là Đời Sống, là tất cả những gì đang biểu hiện ở khắp mọi nơi trong vũ trụ và bạn cũng là chính là Vô Tướng, Cội nguồn của mọi vật.
4. Làm một chứng nhân đứng đằng sau, im lặng quan sát tất cả những gì đang xảy ra: Đây là bước thứ nhất trong thực tập của bạn, trong đời sống hàng ngày, luôn tập làm một chứng nhân im lặng quan sát những ý nghĩ tiêu cực gì đang xảy ra ở trong đầu mình, nhất là ý nghĩ: “Tôi chỉ là một cá thể tách biệt với mọi người và với thế giới chung quanh”. Khi bạn nhận vừa nhận ra có ý nghĩ tiêu cực vừa phát sinh ở trong đầu mình thì bạn chỉ thực tập quan sát để không cả tin hoặc có thái độ phản ứng với ý nghĩ đó. Bước thực tập quan trọng thứ hai là bạn tự đặt cho mình câu hỏi: “Ai là người đang cảm thấy như vậy?” và giữ sự chú tâm của mình vào câu hỏi này một cách liên tục. Như một người cầm câu, nhìn vào câu hỏi này như đang nhìn vào cái phao của cần câu, im lặng nhưng có ý thức, chờ đợi mà thư thả, thong dong. Bạn làm được như thế, thì không bao lâu, sẽ có một điều kỳ diệu xảy ra ở trong bạn. Sự tỉnh thức này sẽ làm trôi đi hết tất cả những khổ đau ở trong bạn.
5. Niềm vui tràn ngập và một nỗi an bình ở nội tâm: Trạng thái này xảy ra một cách tự nhiên khi bạn hoàn toàn có mặt với những gì đang hiện diện trong phút giây hiện tại, tâm không bị lôi kéo bởi những suy nghĩ, lo sợ vẩn vơ.
6. Nhận thức sáng tỏ: Trong Thiền thường nói đến kinh nghiệm satori, tức là phút giây tỉnh thức. Trong khoảnh khắc đó, nhận thức của bạn bỗng sáng bừng lên và bạn hiểu rõ những điều mà mình đang chiêm nghiệm.
7. Thoát ra khỏi lối suy nghĩ thúc bách, bó buộc: Tức là cảm giác buồn khổ, chán nản, thường xuyên ở trong trạng thái lo âu, xao xuyến, băn khoăn, mà không thể thư giãn hay nghĩ đến chuyện gì khác.
8. Thói quen tích lũy kiến thức trong đời sống: Chúng ta có thói quen tích lũy kiến thức trong mọi chuyện từ học hành, đọc sách báo, xem phim ảnh,… Ở đây ta không nói đến chuyện bạn cần học một kỹ năng gì đó cần thiết cho công việc mà bạn đang làm, hay thích tìm hiểu một điều gì mà bạn cảm thấy thú vị. Ta đang nói về tình trạng “thích học chỉ để tự hào rằng mình có kiến thức nhiều hơn người khác; học mà không sử dụng được những điều mình đã học”, vì kho kiến thức tích lũy ấy không giúp gì được cho bạn.
9. Tôi vô thức loay hoay cố đi tìm chính mình qua những vật tôi sở hữu đó: Ở trong ta có khuynh hướng rất mạnh nhưng vô thức để xác định chính mình, muốn biết bản chất chân thật của mình là gì. Nhưng vì không biết bản chất chân thật của mình, do đó chúng ta đi tìm mình qua những vật ta sở hữu, qua sự thành đạt trong nghề nghiệp, địa vị xã hội,...
10. Tự đánh mất mình trong mớ đồ vật đó: Vì ta tự đồng hóa một cách vô vọng không phải chỉ với một thứ, mà với tất cả mọi hình tướng mà ta có thể nhìn thấy, hoặc khái niệm được, do đó ta tự đánh mất mình trong những thứ đó.
11. Đó là số phận không lối thoát của bản ngã: Vì bản ngã tức là tự đồng hóa với hình tướng, do đó bản ngã không bao giờ có thể thoát ra được tình trạng tự đồng hóa này.
12. “Phải có nhiều hơn nữa”: Là nhu yếu bó buộc, không thể cưỡng lại được của bản ngã ở trong bạn. Bản ngã không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì bạn đang có mà luôn muốn có nhiều hơn nữa.
13. Sự Hiện Hữu của chính tôi: Khi có sự yên lắng ở trong lòng, bạn sẽ cảm nhận được trong đôi mắt mình đang toát ra một sự có mặt im lặng nhưng sáng tỏ. Trong trạng thái này, bạn nhận biết mọi sự chung quanh với cảm giác ung dung tự tại, không hề nao núng, không băn khoăn, hoàn toàn im lắng nhưng rất hài lòng và hạnh phúc với mọi chuyện mà sự hài lòng và hạnh phúc này không bị lệ thuộc vào một điều kiện gì ở bên ngoài, bạn không cần phải sở hữu, có thêm một thứ gì để cảm thấy hạnh phúc. Vì trạng thái có mặt trong im lặng này quá hiển nhiên, nên bạn thường không nhận ra sự Có Mặt quý báu này.
14. Bạn vướng mắc là vướng mắc vào một ý nghĩ rằng “vật ấy là của Tôi”: Hãy tưởng tượng bạn đang xin ngồi uống nước và nghỉ chân trước hàng hiên của một căn nhà ở một miền đồng quê. Bỗng dưng bạn nghe tiếng chân chạy dồn dập như tiếng của một bầy thú đang chạy rầm rập về phía bạn. Trong chốc lát thì bạn nghe như có tiếng va chạm của những chiếc sừng thú chạm vào những thanh tre, va vào đồ đạc. Và trong chớp mắt, bạn nhìn thấy những con bò đang chạy tung lên, húc gãy và dẫm lên những liếp tranh cũ và bàn ghế, đồ đạc trong căn nhà tranh mà bạn đang ngồi nghỉ chân. Có vài con bò vẫn còn bị vướng mấy tấm màn cửa và những liếp tranh trên đầu, che mất hướng nhìn. Nhưng chúng vẫn cứ chạy trối chết về phía trước và băng ngang trước mặt, nơi bạn đang ngồi. Cảnh tượng ấy xảy ra nhanh quá và bạn bỗng cảm thấy muốn bật cười lên thành tiếng vì quang cảnh thật lạ lùng và khôi hài ấy. Nhưng khi bạn quay nhìn bên cạnh thì thấy người chủ nhà đang mếu máo vì căn nhà tranh nghèo nàn của bác vừa bị đàn bò ấy húc ngã. Không lâu thì bạn lại nghe tiếng thở hổn hển của một người đàn ông khác đang chạy đến. Khi bạn nhìn rõ mặt thì thì bác ta bỗng la hớt hãi: “Có ai nhìn thấy đàn bò sáu con của tôi vừa chạy ngang qua đây không?”. Bác chủ bò ấy cũng không cười được, vì đàn bò sáu con của bác bây giờ không biết đang ở đâu. Riêng bạn thì bạn cảm thấy không có vấn đề gì cả vì: Bạn không sở hữu cả hai thứ ấy.
15. “Nếu ai đó muốn lấy chiếc áo mà con đang mặc, thì con hãy cởi và cho họ luôn chiếc áo khoác mà con đang mặc ở bên ngoài”: Điều này không có nghĩa rằng ai muốn lấy đi một vật gì của bạn, thì bạn cũng không có phản ứng, hay không biết tự bảo vệ cho mình. Nó chỉ ngụ ý rằng một khi trong tâm ta có tự do, không còn bị ràng buộc vào những thứ mà ta đang có, thì nhỡ khi có chuyện gì không may mà những thứ đó bị mất đi, thì ta cũng không quá quay quắt, hay khổ sở vì mất mát đó.
16. Những biểu hiện ngốc nghếch của bản ngã ở trong mình: Hãy để ý những phản ứng căng thẳng, lo sợ của bạn khi đợi tàu ở sân ga, ở bến xe,... những khi rất đông người đợi tàu như bạn, bỗng dưng bạn cảm thấy xao xuyến và nảy ra ý nghĩ “Ồ, tôi cần phải lên được chuyến tàu này”, hoặc “Tôi phải kiếm được một chổ ngồi tốt”, không còn nghĩ đến ai khác ở chung quanh.
17. Nếu xem bản ngã là vấn đề của riêng mình, thì bạn chỉ tạo thêm cho chính bạn một vòng xiềng xích khác của bản ngã: Vì cái mà bạn dùng để đối phó với bản ngã cũng chính là bản ngã.
18. Một nhu yếu có tính nghiện ngập: Khi bạn rơi vào thói quen nghiệp ngập thì bạn thường tin một cách vô thức rằng: “Có một thứ gì đó ở ngoài kia sẽ cứu Tôi”. Bạn mong khi bạn sở hữu, hoặc kinh nghiệm,... cái đó, nó sẽ làm cho bạn thỏa mãn và đầy đủ, lấp đầy sự trống vắng ở trong mình. Cái đó có thể là ma túy, bài bạc, rượu chè, chuyện gối chăn, thức ăn ngon, tài sản,... Thực ra, không có một cái gì ở bên ngoài bạn có thể mang lại tự do và giải thoát chân thật cho bạn. Chỉ khi nào bạn nhận ra được bản chất chân thật của mình thì điều này chắc chắc sẽ giúp cho bạn thỏa mãn và đầy đủ, không còn cảm thấy thiếu thốn và trống vắng ở trong lòng. Mặt khác, giúp đỡ cho gia đình và những người chung quanh bạn mà không vì lợi ích cá nhân là điều bạn có thể làm; điều này sẽ đem lại cho bạn một niềm vui sâu sắc và bền vững hơn những thứ mà bạn đang nghiện ngập. Do đó giúp đỡ người khác có thể là một lẽ sống mới của bạn, vì nó giúp bạn vượt lên trên bản ngã, vượt lên trên những suy tư, lo lắng hạn hẹp về bản thân mình.
19. Những khuôn mẫu cư xử bó buộc, bị định đặt, bị điều kiện hóa: Ví dụ trong một quan hệ luyến ái, bạn trông đợi người kia phải làm những cử chỉ chăm sóc bạn như cha mẹ bạn đã chăm sóc cho nhau trong gia đình của bạn. Nên khi người kia không làm như bạn mong đợi thì bạn đâm ra trách móc, hờn giận. Bạn không nhận ra rằng bạn chưa hề nói cho nhau hiểu những nhu yếu riêng tư này, và người kia không thể đoán ra là bạn cần những cử chỉ chăm sóc như vậy. Mặc khác, bạn và người kia đến từ hai nếp sống và văn hóa gia đình rất khác nhau nên cách biểu lộ yêu thương cũng khác nhau. Trong gia đình bạn, âu yếm, chăm sóc qua chuyện nấu những món ăn ngon cho người mình thương, nói lời dịu dàng, chìu chuộng nhau,... có thể là cách biểu lộ thương yêu trong gia đình bạn, trong khi ở gia đình của người kia thì chưa chắc đấy là cách để bày tỏ tình yêu. Nên muốn có sự hiểu biết và cảm thông nhau phải bạn cần tìm hiểu sở thích, cá tính và cách biểu lộ yêu thương của mỗi người.
20. Bản năng tình dục: Sự thúc đẩy vô thức, không cưỡng lại được giữa đàn ông và đàn bà để đi tới kinh nghiệm tình dục. Một phần của sự thúc đẩy này là nhu yếu truyền giống của loài người, phần khác tình dục là cách để hai bên diễn đạt nhu yếu được gần gũi, yêu thương. Thật vậy, tình dục là một kinh nghiệm mãnh liệt nhất trong đời sống vì ngoài tất cả 5 giác quan chính (mắt, tai, mũi, lưỡi, sự xúc chạm của cơ thể) đều đã dính vào, nó còn thu hút luôn cả 3 phần còn lại: ý thức, bản ngã và tiềm thức của con người. Trong kinh nghiệm tình dục, ta cảm thấy tràn đầy sức sống, có sự chú tâm cao độ vào Giây Phút Hiện Tại. Những khổ sở, căng thẳng,... trong người dường như bỗng tan biến đi, và ta cảm thấy phục hồi được sự quân bình. Kinh nghiệm tình dục khiến ta tạm thời quên đi gánh nặng của bản ngã, đưa ta đến một khoảnh khắc của trạng thái tĩnh lặng, dễ chịu vì trong giây phút cực độ của khoái cảm, tâm ta rộng thoáng, không vướng bận chút suy tư nào. Nhưng đây chỉ là một kinh nghiệm khoái lạc rất ngắn ngủi. Tình dục là một nhu yếu bình thường của cơ thể nhưng thường trở thành một sự nghiện ngập và là lẽ sống duy nhất của một số người. Trong chiều sâu của sự nghiện ngập này là một niềm tin sai lầm rằng: “Tôi chính là thân thể này!”. Ta tưởng rằng sự đòi hỏi của thân thể là sự đòi hỏi của chính mình, vì vậy ta tự động tìm cách thỏa mãn nhu yếu ấy, bất kể hậu quả của nó.
21. Đối với những người đó, đời sống được xem như chỉ là để hoàn tất bản năng giới tính của mình: Tức là quan niệm sai lầm của nếp văn hóa ấy rằng đàn ông sinh ra chỉ là để phục vụ bản năng dục tình, còn đàn bà chỉ là để lấy chồng, sinh con, đẻ cái.
22. Anorexia - bệnh biếng ăn vì những người mắc bệnh này cả tin vào ý nghĩ: “Tôi béo quá!”. Đây là một căn bệnh về tâm lý vì người bệnh quá cả tin vào ý nghĩ không xác thực về cơ thể của họ. Họ bị niềm tin sai lạc ấy ám ảnh họ và họ luôn cố gắng làm thế nào để có một cơ thể nhỏ nhắn, gọn gàng hơn - tức là quan niệm về cái đẹp của họ - làm như thế là để được người khác ưa thích, chấp nhận họ. Họ không ý thức được tình trạng hiện thời trong cơ thể của mình bây giờ. Cơ thể họ bây giờ có thể chỉ còn da bọc xương, nhưng trong đầu họ vẫn nghĩ: “Tôi béo quá!”, do đó họ không thiết gì đến chuyện ăn uống.
23. Có khả năng cảm nhận được cơ thể của họ từ bên trong: Tức là có mặt đầy đủ để cảm nhận được sự sinh động của cơ thể bên trong, cơ thể năng lượng của mình.
24. Thế giới hữu hình và vô hình: Đạo Phật có danh từ Sắc và Không. Sắc là thế giới hữu hình, của tất cả các hiện tượng mà ta có thể nhìn, nghe, ngửi, xúc chạm, khái niệm được. Còn Không tức là thế giới vô hình, không biểu hiện mà ta không nhìn thấy được. Nhưng cả hai lồng vào trong nhau, và trong bản chất, cái này chính là cái kia và ngược lại, không thể có cái này mà không có cái kia, “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” là điều Đức Phật nhắc đến trong Bát Nhã Tâm kinh.
25. Tự đồng nhất mình với những suy tư và lo nghĩ miên man: Trong đầu chúng ta thường phát sinh những ý nghĩ liên miên, từ một ý nghĩ này chúng ta bắt sang một ý nghĩ khác, liên tục, không ngừng nghỉ, lôi cuốn hết năng lực và sự chú tâm của ta. Nhưng một ý nghĩ nảy sinh ở trong tâm thức bạn không phải là vấn đề; vấn đề là khi bạn cả tin vào ý nghĩ ấy và lại vô thức khi cho rằng “ý nghĩ này là của tôi”, “tôi là ý nghĩ này” và bạn bắt đầu làm theo những gì ý nghĩ ấy muốn bạn làm. Bạn rất ghiền suy tư và bao nhiêu năng lực của bạn đều trút vào dòng suy nghĩ miên man ấy. Tương tự như thế, trong tâm thức bạn cũng luôn phát sinh những cảm xúc lo sợ, khổ đau, giận dữ,... và bạn nhanh chóng tự đồng hóa mình một cách vô thức với những cảm xúc này và trở thành chúng, khiến cơ thể bạn bắt đầu có phản ứng như co rúm lại khi cảm thấy sợ hãi, khổ đau hay ray rứt,... khi có một cảm giác giận dữ.
26. Lối suy nghĩ lặp đi lặp lại: Lối suy nghĩ đã trở thành những rãnh mòn trong tâm thức của chúng ta, chúng lặp đi lặp lại mà ta không thể nào cưỡng lại được. Ví dụ thói quen suy nghĩ miên man. Bạn để ý thì sẽ nhận ra rằng hầu hết những suy tư loại này là những suy nghĩ lặp đi lặp lại rất hao tổn tinh thần và năng lực của bạn. Khi bắt gặp mình đang rơi vào thói quen này, bạn hãy trở về chú tâm vào hơi thở và không cả tin vào những ý nghĩ đó để tránh việc tiếp tục bị cuốn theo dòng suy tư không chủ đích này.
27. Những khuôn mẫu suy tư và tình cảm bó buộc ở trong bạn: Ví dụ khi bạn nghĩ về một người nào đó, vợ/chồng hay người yêu cũ của mình, thì bạn luôn cay đắng hoặc nghĩ rằng: “Hắn là một kẻ khốn kiếp, một gã sở khanh”,... Bạn không nhận ra rằng, đây là một thói quen bó buộc trong suy tư của bạn, nghĩa là bạn không thể suy nghĩ được một điều gì khác ngoài những định nghĩa tiêu cực về người đó. Bạn giảm thiểu một con người có chiều sâu vô tưởng, thành một ý nghĩ đơn điệu, một ý nghĩ tiêu cực mà chắc rằng người khác không hề nghĩ như bạn về người đó; hoặc chính bạn cũng đã không hề nghĩ như thế khi bạn đang còn quan hệ hoặc chung sống với người đó.
28. Descartes (1596-1650): Triết gia, nhà văn, nhà toán học, nhà vật lý người Pháp.
29. Cội rễ của bản ngã: Tức lối suy tư, cư xử từ chỗ có bản ngã, có một con người, một cái “Tôi” riêng rẽ, tách biệt, không dính gì đến người khác và với thế giới chung quanh.
30. Jean Paul Satre (1905-1980): Nhà hiện sinh, triết gia, văn hào, nhà phê bình người Pháp.
31. Ta chỉ là một nạn nhân do hoàn cảnh, do người khác, do số phận… hay do ông Trời đã tạo ra: Đó là tâm thức nạn nhân mà bạn thích tự đồng hóa mình vào đó. Từ đó bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm gì cả, trái lại còn đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác,... đã gây khổ cho bạn. Khi bạn cả tin rằng nguyên nhân làm cho bạn khổ là một cái gì nằm ở bên ngoài thì quả thực bạn không thể có năng lực gì để chuyển đổi tình trạng. Có lẽ bạn muốn tiếp tục nghĩ như thế vì bạn không muốn chịu trách nhiệm cho khổ đau, cho tình trạng khó khăn của mình. Nhưng những khó khăn của bạn chỉ có thể thay đổi khi bạn thay đổi thái độ của mình một cách toàn diện: “Vâng, đây là lỗi của tôi. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những khó khăn và khổ đau này”, và bỗng dưng bạn tiếp xúc được với năng lực lớn lao của đời sống; bạn bây giờ có thể làm tất cả những gì mình cần làm để thay đổi tình trạng.
32. Bản ngã sẽ nhanh chóng tìm ra cho nó một hình tướng khác để thay thế: Vì bản chất của bản ngã là tự đồng hóa với một cái gì đó để củng cố cho tư cách, để xác định sự hiện hữu mơ hồ của chính nó, do đó, nếu bạn đánh mất một quan hệ với người này thì bạn sẽ nhanh chóng tìm ra một quan hệ với người khác để thay thế. Nếu bạn không sở hữu được thứ này thì bạn sẽ tìm ra một thứ khác để bạn mua, hoặc sở hữu.
33. Bản ngã của bạn rất cần là nó vẫn là một thực thể tách biệt: Bản chất của bản ngã là cảm giác cách biệt với đời sống và với mọi người chung quanh. Do đó, nhu yếu căn bản của bản ngã bạn là được làm một thực thể tách biệt với đời sống để nó tiếp tục được sống còn. Đây là một xung đột lớn trong nội tâm của bạn, vì bạn thì rất muốn hòa nhập với mọi người và với đời sống, nhưng bản ngã của bạn thì lại muốn điều ngược lại. Do đó bạn cần sáng suốt để nhìn sâu vào mỗi ý nghĩ khi chúng phát sinh ở trong mình: “Đây là một ý nghĩ của bản ngã, hay đây là một ý nghĩ của tôi?” để không bị lưu đày trong thế giới của bản ngã. Hoặc bạn có thể tự hỏi: “Điều mà ý nghĩ này muốn đã đến từ một chỗ sợ hãi hoặc lo lắng (tức là của bản ngã) ở trong tôi hay nó đã đến từ một chổ trong sáng, rộng thoáng (tức là từ bản chất chân thật của mình)?” .
34. Chúng ta thường trở nên uất hận hay cay đắng: Khi có sự chia lìa trong quan hệ yêu đương, có lẽ bạn trở nên uất hận hay cay đắng vì phải đối diện với những nhu yếu chưa được thỏa mãn ở trong mình, những nỗi sợ hãi, đau đớn vì bạn cảm thấy mình bị phụ bạc, bị bỏ rơi và bạn đem lòng oán hận, hoặc nhỏ nhen với người kia. Bạn có thể thốt lên những lời nói đầy ác ý và có những thủ đoạn xấu xa được đem ra sử dụng mà không chút e dè. Nhưng bạn không chỉ là một nạn nhân, một con người bị phụ rẫy, bị bỏ rơi, vì thực ra bạn lớn hơn tất cả những biểu hiện đó. Bạn là Cái-Vô-Hạn muốn kinh nghiệm thế nào là giới hạn nên đang giả vờ, đang đóng vai là một con người để có thể kinh nghiệm thế nào là khổ đau, là sợ hãi, là thèm khát, là uất hận, là đắng cay và tất cả những vai trò này không phải là bản chất chân thật của bạn.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.247.153 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.